Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:12:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94389 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:22:52 am »


Kèm theo cái biện pháp hữu nghị có một không hai ấy giữa những người đứng đầu các quốc gia đang chiến tranh với nhau còn có một bức thư riêng của Na-pô-lê-ông viết gửi hoàng đế Pôn; trong thư, Tổng tài thứ nhất nói bằng những lời lẽ thân thiết nhất rằng hòa bình giữa nước Pháp và nước Nga có thể thực hiện được trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu Pôn cử đến Pa-ri một người mà Pôn hoàn toàn tin cẩn. Pôn bị bức thư ấy mua chuộc. Từ kẻ thù không đội trời chung của nước Pháp, đột nhiên Pôn trở thành người bạn của nước Pháp và tức khắc gửi thư trả lời Bô-na-pác. Trong thư, Pôn chấp thuận hòa bình trước hết, vừa tỏ ý mong muốn chung sức với vị Tổng tài thứ nhất trả lại cho châu Âu "sự an ninh và sự bình yên".

Khi tiếp tướng Xpren-poóc-ten, phái viên của Pôn, Na-pô-lê-ông đã nói với hắn rằng chủ hắn và ông ta là những người "có sứ mệnh làm thay đổi bộ mặt của thế giới".

Sau thắng lợi đầu tiên ấy, Na-pô-lê-ông quyết định không những ký hòa ước với nước Nga, mà còn ký một hiệp ước liên minh quân sự. Ý định liên minh xuất phát từ hai lý do: trước hết là xóa bỏ sự xung đột quyền lợi giữa hai cường quốc và thứ hai là cái viễn cảnh sau này tập trung hết thảy lực lượng uy hiếp nền đô hộ của Anh ở Ấn Độ, bằng đường miền nam nước Nga và Trung Á. Kể từ cuộc viễn chinh sang Ai Cập cho đến tận những năm cuối cùng triều đại của ông ta, đất nước Ấn Độ luôn luôn ám ảnh tư tưởng Na-pô-lê-ông. Ý nghĩ căn cốt ấy cứ cắm sừng sững trong đầu óc ông ta, mặc dầu lúc ấy cũng như về sau này chẳng bao giờ nó được biểu hiện thành một kế hoạch dứt khoát. Năm 1789, ý nghĩ ấy nảy ra cùng mối tình giao hảo bất ngờ với Nga hoàng, và đến năm 1812, lại diễn lại trong giai đoạn đầu của chiến dịch Mát-xcơ-va. Trong cả ba trường hợp, ý nguyện hướng về mục đích xa xôi đó đều không bao giờ thực hiện được, nhưng, như sau đây chúng ta đã rõ, dẫu sau, về bề ngoài, công việc cũng mang hình thức một cuộc thăm dò.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:23:20 am »


Sự tiến triển tình cảm nhanh chóng đến ngạc nhiên của hoàng đế Pôn đối với Bô-na-pác đi song song và liên hệ chặt chẽ cũng hoàn toàn bất ngờ với việc Pôn căm hờn sôi sục nước Anh, người bạn liên minh khi trước của Pôn trong cuộc chiến đấu chống nước Pháp. Vào lúc này, Na-pô-lê-ông đã trù tính, trên những nét lớn, một cuộc phối hợp lực lượng dựa trên việc phái một đạo quân viễn chinh Pháp đặt dưới quyền chỉ huy của ông ta sang miền Nam nước Pháp, nơi ông ta sẽ cùng hội sư với quân đội Nga, xong, ông ta sẽ dẫn cả hai đội quân sang Trung Á và Ấn Độ. Không những Pôn chộp vội lấy ý định đánh người Anh ở đất Ấn Độ mà còn đi trước cả Bô-na-pác trong những bước đầu nhằm thực hiện kế hoạch đó. Thủ lĩnh Cô-dắc Mát-vây I-va-nô-vích Pla-tốp, bị giam cầm theo lệnh của Nga hoàng vì lý do gì không rõ ở pháo đài Pi-e Pôn từ sáu tháng nay, bỗng được lôi ra khỏi hầm giam và dẫn thẳng đến phòng làm việc của hoàng đế. Bất cần mào đầu, hoàng đế hỏi ngay Pla-tốp một câu bất ngờ sau đây: có biết đường sang Ấn Độ không? Pla-tốp chẳng hiểu ất giáp gì cả, nhưng biết rằng nếu trả lời không biết thì chắc chắn sẽ phải trở lại ngồi tù trong pháo đài, nên đã vội vã trả lời có biết. Tức khắc Pla-tốp được chỉ định chỉ huy một trong bốn quân đoàn của quân đội sông Đông và được lệnh đem hầu hết toàn bộ lực lượng tiến sang Ấn Độ, với số quân là 22.500 người. Bốn quân đoàn đó rời sông Đông ngày 27 tháng 2 năm 1801, nhưng cuộc hành quân của họ chẳng được bao lâu thì...

Châu Âu theo dõi với một mối lo âu ngày càng tăng sự thắt chặt tình hữu nghị giữa người thủ lĩnh nước Pháp và hoàng đế Nga. Nếu sự liên minh giữa hai cường quốc này được củng cố thì sẽ chỉ có hai cường quốc ấy chỉ huy lục địa: ý kiến ấy không những là của Na-pô-lê-ông và của Pôn mà còn là dư luận của tất cả những nhà ngoại giao ở châu Âu hồi ấy. Một tình trạng báo động khẩn cấp thật sự bao trùm lên nước Anh. Đúng là hạm đội Pháp yếu hơn hạm đội Anh, và thủy quân Nga thì không đáng kể đến, nhưng những ý đồ của Bô-na-pác về Ấn Độ, việc phái quân Nga bất ngờ tiến về hướng đó làm Uy-liêm-Pít thủ tướng nước Anh, bực dọc lo nghĩ, người ta run sợ chờ đợi mùa xuân năm 1801 vì trong mùa này, hai nước lớn rồi đây sẽ là đồng minh với nhau có thể hành động quyết định. Nhưng ngày đầu tiên của mùa xuân, ngày 11 tháng 3, đã mang lại một sự tình khác hẳn.

Na-pô-lê-ông nổi điên nổi khùng khi tin hoàng đế Pôn đệ nhất bị ám sát thình lình bay về Pa-ri. Mọi công việc mà Na-pô-lê-ông đã tiến hành tốt đẹp trong vòng vài tháng một cách tài tình và hiệu quả với nước Nga nay đều sụp đổ hết. Na-pô-lê-ông kêu lên:

"Bọn Anh đã thua tôi ở Pa-ri ngày 3 Tháng Tuyết (vụ mưu sát ở phố Xanh Ni-két - lời tác giả), nhưng chúng đã không thua tôi ở Pê-téc-bua!". Theo Na-pô-lê-ông, vụ ám sát Pôn đúng là do người Anh âm mưu. Cuộc liên minh với nước Nga sụp đổ vào đêm tháng 3 lúc những kẻ mưu sát bước vào buồng ngủ của hoàng đế Pôn.

Vị Tổng tài thứ nhất phải thay đổi tức khắc và thay đổi căn bản tất cả mưu chước ngoại giao của mình. Mà về những hoạt động mưu chước này thì Na-pô-lê-ông là người có tài sử dụng nhanh nhạy và khéo léo cũng như khi sử dụng những khẩu đại bác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:24:14 am »


IV

Từ nay trở đi, tình thế buộc phải tính nước khác: không phải tiếp tục chiến tranh mà phải ký hòa ước với người Anh. Còn đối với nước Áo, các cuộc đàm phán đã được bắt đầu từ lâu: ngày 9 tháng 2 năm 1801, đại diện toàn quyền người Áo là Cô-ben đã ký hòa ước Luy-nê-vin. Các cuộc đàm phán đều do Giô-dep Bô-na-pác, anh của vị Tổng tài thứ nhất, và do Tan-lây-răng bộ trưởng ngoại giao chỉ đạo. Nhưng cả hai chỉ làm theo chỉ thị của Na-pô-lê-ông, mà Na-pô-lê-ông thì đã khéo léo lợi dụng tình hữu nghị bất ngờ của ông ta với Pôn. Lâm vào hoàn cảnh bị xâm lăng cả phía đông và phía tây, nước Áo phải hoàn toàn nhượng bộ về mọi mặt. Sau trận Ma-ren-gô, và một trận chiến thắng khác của quân Pháp ở An-dát, nơi Mo-rô đã đánh bại được quân Áo ở Hô-hen-lin-đen, nước Áo quả khó mà chống cự lại được. Với hòa ước Luy-nê-vin, Na-pô-lê-ông đã thu được tất cả những gì mà ông ta muốn thu về ở nước Áo: toàn nước Bỉ bị vĩnh viễn tách khỏi nước Áo, nhượng lại đất Lúc-xăm-bua, tất cả những đất đai của Đức ở tả ngạn sông Ranh, công nhận nước cộng hòa Ba-ta-vơ (nước Hà Lan), nước Cộng hòa Hen-vê-tích (nước Thụy Sỹ), các nước cộng hòa Xi-dan-pi và Lui-guya-ri (tức là xứ Giên và Lông-bác-đi); thật ra những đất nước ấy có gì khác hơn là thuộc địa của Pháp. Còn Pi-ê-mông thì vẫn hoàn toàn do quân đội Pháp chiếm đóng. Trong một bức thư gửi cho thủ lĩnh của mình là Cô-rô-lê-đô, Cô-ben buồn bã nói: "Đây là cái bản hiệp ước khốn nạn mà tôi đã phải ký vì cần thiết. Nội dung và hình thức của nó thật đáng ghê sợ".

Cô-ben lại càng có quyền bất bình khi biết rằng trong lúc đàm phán với triều đình Viên, Tan-lây-răng đã thu được nhiều lễ vật - cố nhiên là lén lút, vì thế mà hắn lại chẳng làm lợi gì cho người Áo, bởi vì từ dòng đầu đến dòng cuối hiệp ước đều do Na-pô-lê-ông đọc cho mà viết.

Thế là từ đây, người ta không phải bận tâm về nước Áo. Rõ ràng, sau những tổn thất nặng nề kinh khủng như thế, đế quốc Áo chỉ chờ đợi thời cơ thuận lợi để khôi phục sự nghiệp. Kinh thành Viên nhẫn nhục trông ngóng thời cơ.

Như vậy là sau khi Pôn chết đi, trong số các cường quốc chỉ còn nước Anh là đang chiến tranh với Pháp; Sau biến cố ấy, đột nhiên Na-pô-lê-ông thay đổi trận thế nhằm mục đích ký hòa ước với Anh càng sớm càng hay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:25:08 am »


Nước Anh đang trong những giờ phút khó khăn. Đứng trên quan điểm thuần túy kinh tế mà nói, lúc đó trên lục địa châu Âu, nền thương nghiệp và giai cấp tư sản thương nghiệp Anh không gặp nhiều địch thủ. Cuộc cách mạng công nghiệp và kỹ thuật vào những năm cuối của thế kỷ thứ XVIII đã xác lập cho nước Anh vị trí hàng đầu trong số các cường quốc trong lĩnh vực kinh tế, và một trong những nguyên nhân làm giai cấp tư sản Pháp bực tức chống lại đường lối chính trị của chế độ cũ là hiệp ước thương mại Anh - Pháp ký năm 1786, hậu quả của hiệp ước này là thị trường nội địa của Pháp bị nền công nghiệp kéo sợi và luyện kim của Anh xâm nhập. Những nhà công nghệ Pháp đã nhiệt liệt đón nhận tất cả những biện pháp chống lại nền thương nghiệp Anh của Hội nghị Quốc ước và của Viện Đốc chính, và ở Anh cũng như ở Pháp, toàn bộ cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp trong thời kỳ Cách mạng đều được coi là cuộc chiến tranh của thương gia và kỹ nghệ gia Anh chống lại thương gia và kỹ nghệ gia Pháp.

Đứng đầu tất cả những công việc chính trị, tất cả những cuộc liên minh châu Âu chống lại Pháp, là Uy-liem Pit, thủ tướng chính phủ Anh. Trong thời của mình Uy-liêm Pit đã viện trợ một cách hào hiệp cho nước Phổ, nước Áo, nước Pi-ê-mông, nước Nga rồi lại nước Áo và Na-plơ, vì đứng trên quan điểm quyền lợi kinh tế và chính trị của người Anh mà nói, Uy-liêm Pit đã nhìn thấy rõ sự bành trướng thế lực của nước Pháp ở trên lục địa có một ý nghĩa như thế nào.

Nhưng, những sự viện trợ cho các nước trong khối liên minh châu Âu, cũng như sự viện trợ một cách tích cực bằng hạm đội, tiền bạc, vũ khí và đạn dược cho bọn phản cách mạng ở Văng-đê đã không mang lại kết quả gì mà, vào năm 1801, ở Anh, dư luận đã bắt đầu lan tràn rộng rãi cho rằng tốt nhất là tìm cách thỏa thuận với người thủ lĩnh mới của Pháp, dư luận đó không được các nhà kỹ nghệ và giới thương mại Anh tán thành một chút nào, đúng là thế, vì quyền lợi của họ đã trực tiếp gắn liền vào việc bóc lột các thuộc địa của Pháp và của Hà Lan chiếm được trong cả một cuộc chiến tranh trường kỳ. Nhưng tầng lớp thương nhân gắn chặt với nền thương nghiệp của châu Âu lại mong muốn hòa bình; trong giai cấp thợ thuyền, phẫn nộ trào lên dữ dội chống lại sự bóc lột và nạn đói đang hành hạ họ lúc bấy giờ, và sự bực tức của thợ thuyền không những chỉ biểu hiện bằng những vụ phá hoại máy móc mà đôi khi còn cả bằng hành động tiêu cực công khai.

Nói tóm lại, khi Bô-na-pác đã ký với nước Áo một hòa ước đặc biệt có lợi, đem lại thêm cho ông ta những vùng đất đai rộng lớn ở Đức và ở Ý, và, sau cái chết của Pôn, khi ông ta ký hòa ước với người kế nghiệp Pôn là A-lêch-xan, đồng thời đề nghị ký với người Anh, thì các giới lãnh đạo Anh, nhất thời thất vọng vì không còn mong gì đánh đổ được nước Pháp, bèn quyết định đàm phán với Pháp. Đúng vào trước lúc Pôn bị ám sát, Uy-liêm Pit từ chức và những người lên thay thế ông ta đều là những tay đại diện cho khuynh hướng thỏa hiệp. At-đinh-tơn đứng đầu chính phủ và ngài Ha-cớt-biu-ri, bộ trưởng ngoại giao mới, đã làm cho người ta hiểu rằng nước Anh không phản đối việc ký hòa ước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:26:26 am »


Các cuộc đàm phán hòa bình tiến hành ở A-miêng, nơi mà ngày 26 tháng 3 năm 1802, hiệp ước hòa bình với Anh đã được ký kết. Nước Anh hoàn lại cho Pháp và các nước chư hầu của Pháp (Hà Lan và Tây Ban Nha) tất cả những thuộc địa mà Anh đã chiếm được của họ trong suốt chín năm chiến tranh trừ Xây-lan1 và Tơ-ri-ni-tê. Đảo Man-tơ phải trả lại cho dòng họ Kỵ sĩ. Nước Anh cam kết rút quân khỏi các căn cứ đã chiếm đóng được trong cuộc chiến tranh ở bể A-đri-a-tích và Địa Trung Hải. Nước Pháp cam kết rút quân đội ra khỏi Ai Cập, rút quân khỏi La Mã để giao lại cho giáo hoàng cũng như tất cả những đất đai khác thuộc tòa thánh. Đó là những quy định chủ yếu. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Có phải vì cái đó mà giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản Anh đã tiêu tốn hàng triệu đồng trong chín năm trời cho quân đội của họ và cho quân đội của các nước khác cũng như đưa hạm đội của họ đi rạch nát mặt nước tất cả các đại dương không?

Điều làm cho các giới lãnh đạo Anh khó chịu nhất là không làm thế nào tước từ móng vuốt của Bô-na-pác được một trong những mảnh đất châu Âu, mà Bô-na-pác đã chiếm. Nước Bỉ và Hà Lan, nước Ý, tả ngạn sông Ranh và xứ Pi-ê-mông còn là những đất đai trực thuộc Bô-na-pác, toàn miền Tây Đức từ nay trở đi là miếng mồi ngon của ông ta. Tất cả những nước phụ thuộc hoặc nước nửa phụ thuộc ấy, mà quyền lực của Bô-na-pác trùm lên trực tiếp hoặc gián tiếp, đều không còn là thị trường của Anh để nhập cảng sản phẩm công nghiệp Anh cũng như nhập cảng sản phẩm thuộc địa Anh. Mọi cố gắng của các viên đại diện toàn quyền Anh ở A-miêng nhằm đặt cơ sở cho một hiệp ước thương mại, dù chỉ có lợi chút đỉnh cho Anh, đều toi công. Lại càng không phải là vấn đề mở cửa thị trường nội địa béo bở của Pháp, chắc chắn như vậy, vì thị trường ấy vẫn bị phong tỏa chặt chẽ y như trước thời Bô-na-pác. Và ngoài ra, riêng về mặt quân sự và chính trị mà nói, nền an ninh của nước Anh thật như trứng để trên đầu đằng trước những cuộc tiến công của nước Pháp. Giờ phút nào còn là chủ nước Bỉ, Hà Lan thì Bô-na-pác còn luôn nhắc lại câu "Ăng-ve là một khẩu súng đã lên đạn chĩa vào tim nước Anh".

Hòa ước A-miêng không thể tồn tại lâu dài được, vì nước Anh đã cảm thấy không thể chịu thất bại đến mức độ ấy được. Nhưng ở Pa-ri và ở các tỉnh, khi được tin ký hiệp ước A-miêng, mọi người tỏ ra rất hài lòng. Họ cho rằng kẻ thù đáng sợ nhất, giàu có nhất, hăng nhất và không đội trời chung nhất đã cam chịu thất bại, nó đã phải công nhận tất cả các nước mà Bô-na-pác chiếm. Cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ với châu Âu đã chấm dứt bằng một thắng lợi hoàn toàn trên mọi mặt.
____________________________________________
1.  Nay gọi là Xri Lan-ca.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:51:49 pm »


V

Dưới thời Na-pô-lê-ông, nước Pháp và châu Âu không được hưởng hòa bình lâu. Nhưng trong hai năm - từ mùa xuân năm 1801, ngày giải quyết hòa bình với nước Áo đến mùa xuân năm 1803, sau khi hòa ước A-miêng thực hiện được một thời gian ngắn, chiến tranh lại xảy ra với nước Anh - Na-pô-lê-ông đã tích cực và khẩn trương giải quyết được rất nhiều công việc về tổ chức đất nước và pháp chế. Từ đó trở đi, Bô-na-pác có thể chuyên tâm dốc sức vào việc xây dựng pháp chế mà từ trước đến nay Bô-na-pác dù muốn hay không đã buộc lòng phải đình lại; đúng là từ sau trận Ma-ren-gô, Bô-na-pác đã băt đầu chú ý đến việc ấy, nhưng ông ta không thể đặt loại việc ấy lên hàng đầu được khi còn chưa ký kết xong hòa ước với Áo, với Anh và khi mà những mối quan hệ của Bô-na-pác với hoàng đế Pôn đang còn hướng tư tưởng của ông ta về những cuộc xung đột chiến tranh khó khăn mới và những cuộc xâm lược xa xôi khác.

Thời cơ đã đến để Bô-na-pác có thể đặt ra, nghiên cứu và giải quyết một loạt các vấn đề nội chính, tài chính, kinh tế hoặc các vấn đề có liên quan đến việc hộ và việc hình. Khi giải quyết các công việc chính sự mà Bô-na-pác không biết thì cách làm của Bô-na-pác như sau: ông ta chủ tọa các phiên họp của các Hội đồng chính phủ do ông ta tạo nên và, sau khi nghe xong các bản báo cáo đó và hỏi tỉ mỉ họ tất cả những điểm còn lờ mờ.

Bô-na-pác thích hơn hết là được nói chuyện với các chuyên gia và được học ở họ. Bô-na-pác khuyên con riêng của vợ là Ơ-gien đơ Bô-na-pác - sau này là phó vương nước Ý - rằng khi đến một thành phố lạ, đừng để mất thì giờ vô ích mà phải nghiên cứu thành phố ấy, vì biết đâu sau này chẳng có một ngày phải chiếm nó. Tất cả con người Na-pô-lê-ông là ở những lời nói này: tích luỹ kiến thức để sử dụng chúng trong thực tiễn. Na-pô-lê-ông đã làm cho những thuyền trưởng Anh ngạc nhiên khi nói với họ về những chi tiết thiết bị của tàu Pháp cũng như của tàu Anh, sự khác nhau giữa dây cáp Anh và dây cáp Pháp.

Na-pô-lê-ông vô cùng quan tâm đến khoa kinh tế (vì đang ở thời kỳ của những vấn đề về sự phát triển nền sản xuất tư bản chủ nghĩa), và nắm chính quyền chưa được vài năm mà Na-pô-lê-ông đã rất am hiểu những vấn đề về sản xuất và tiêu thụ, giá cả và quan, thuế, cước phí đường thuỷ và đường bộ, ông am hiểu tường tận cả nguyên nhân tại sao giá nhung Ly-ông hạ hoặc cao y như những tay buôn ở Ly-ông vậy, đến mức có thể vạch trần thủ đoạn lừa bịp và tính chất của một nhà thầu khoán làm một con đường ở nơi hẻo lánh trong đế quốc rộng lớn của ông ta, đến mức có khả năng giải quyết tài tình một cuộc tranh chấp biên giới, hoặc chấm dứt một vụ nhập nhằng lấn đất làm cho lãnh thổ của các quốc gia và của các vương hầu ở Đức bị cắt vụn ra; không những thế, ông còn có khả năng trình bày quyết định của mình bằng cách căn cứ vào lịch sử của cuộc tranh chấp ấy và những vụ lấn đất đương sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:53:19 pm »


Na-pô-lê-ông lắng nghe tất cả những người nào mà Na-pô-lê-ông hy vọng có được một điều chỉ dẫn bổ ích, nhưng tự quyết định lấy. Na-pô-lê-ông thường nói: người thắng một trận nào đó không phải là người cho một lời khuyên tốt, mà là người nhận lấy trách nhiệm thi hành lời khuyên ấy. Trong vô số ý kiến mà người chỉ huy thu lượm được thì thường thường có thể tim thấy một ý kiến đúng, nhưng phải biết gạn lọc và thực hành ý kiến đó… Cả trong việc cải cách pháp chế và trong sự chỉ đạo nội chính cũng đúng như vậy. Nhưng không phải chỉ ban ra một mệnh lệnh là đã xong công việc, đó mới chỉ là sự bắt đầu mà thôi. Na-pô-lê-ông cho rằng trong công tác hành chính của nhà nước sự đôn đốc thi hành pháp lệnh cũng thiết yếu như việc ban bố pháp lệnh và khi pháp lệnh không được thi hành nghiêm chỉnh và đúng đắn thì Na-pô-lê-ông cho rằng nhiệm vụ bức thiết của một người bộ trưởng là phải điều tra rồi xác định một cách rõ ràng nhất xem trách nhiệm cá nhân thuộc về ai. Dưới thời Na-pô-lê-ông, công tác trong ngạch hành chính là một cái nghề vô cùng vất vả, nặng nhọc. Phải thức khuya dậy sớm, các công chức cũ đã nói lại như vậy. Theo ý Na-pô-lê-ông, chính quyền phải biết rút rỉa ở mỗi con người tất cả những cái mà họ có thể công hiến được và nếu họ không sống lâu được với chế độ này thì chính quyền cũng không có gì quan trọng. Vấn đề ấy, Na-pô-lê-ông cũng đã phát biểu một cách độc đáo rằng: "Đừng để cho người ta già đi!" - theo ý Na-pô-lê-ông thì đó là nghệ thuật cao của chính quyền. Na-pô-lê-ông cố gắng bảo đảm cho viên chức chính quyền được lương cao, nhưng ông ta rút tỉa của mọi người tất cả những gì có thể rút rỉa được để bù lại. Bản thân Na-pô-lê-ông làm việc suốt ngày đêm, chỉ dành vài tiếng đồng hồ để ngủ, 15 phút để ăn trưa và ít hơn nữa là để ăn sáng. Na-pô-lê-ông cho rằng không cần thiết phải đối xử độ lượng với mọi người hơn với bản thân mình. Vì vậy, mình cũng đúng như đối với binh sĩ và sĩ quan của mình, không phải Na-pô-lê-ông chỉ trông chờ vào uy lực của các toà án, của các hình phạt, của việc cách chức để buộc các công chức của ông làm việc tận tuỵ. Ông gài Tơ-rơ-mốc đã từng bao năm kéo lê cái xích nặng nề của công tác hành chính dưới thời Na-pô-lê-ông với tư cách và viên chức của Bộ tư pháp, rồi dự thẩm viên tham chính nói rằng Na-pô-lê-ông có tài đốt cháy ở trong lòng mọi người ngọn lửa hăng say làm việc bằng tình thân mật; do đó hễ có dịp là Na-pô-lê-ông biết đối xử với những người tầm thường nhất như người ngang hàng mình và cái tài đó đã thổi cháy được nhiệt tình trong công chức hệt như trong binh sĩ của ông. Người ta kiệt sức vào làm việc như những người khác chết trên chiến trường. Dù làm công tác hành chính hay quân sự, những người phụng sự Na-pô-lê-ông đều luôn luôn sẵn sàng để được thưởng huy chương hoặc để được nhận một nụ cười ân cần của chủ.

Theo cuộc phổ thông đầu phiếu, được vội vã tổ chức sau hòa ước A-miêng, và theo cái nghị quyết thể theo "nguyện vọng quần chúng" và Thượng nghị viện ngày 2 tháng 8 năm 1802, Na-pô-lê-ông Bô-na-pác được bổ nhiệm là "Tổng tài vĩnh viễn" của nước cộng hòa Pháp với 3.568.886 phiếu thuận và 8.374 phiếu chống. Việc này bộc lộ rõ nước Pháp đã biến thành một nước quân chủ độc đoán và chẳng bao lâu vị Tổng tài thứ nhất sẽ xưng vương hoặc xưng đế. Và hệt như ông ta đã làm cho nền chuyên chính "Cộng hòa" của ông ta, Na-pô-lê-ông muốn đặt ngai vàng sắp đến của mình trên nền móng vững bền của giai cấp đại tư sản thành thị và nông thôn, và những giai cấp hữu sản khác: thương gia, kỹ nghệ gia, quý tộc địa chủ, nông dân hữu sản. Quyền sở hữu tài sản vô hạn độ phải là nền tảng trật tự mới của Na-pô-lê-ông. Một mặt, mọi dấu vết của những luật lệ phong kiến cổ xưa của bọn chúa đất mà tổ tiên chúng trước kia đã chiếm hữu đều bị thủ tiêu vĩnh viễn, nhưng mặt khác, quyền sở hữu tài sản lại được công nhận một cách tuyệt đối và bất di bất dịch đối với những người chủ tài sản đã mua được trong thời kỳ cách mạng, đối với những chủ tài sản tịch thu của bọn lưu vong, của nhà thờ và của nhà tu và bất kể người sở hữu hiện nay là ai.

Với thương nghiệp và công nghiệp, chủ các hãng thương mại và kỹ nghệ, một mặt họ hoàn toàn có quyền không bị hạn chế một chút nào, lập giao kèo với nhân viên thợ thuyền trên cơ sở "tự do thỏa thuận giao ước" (nghĩa là không hạn chế tí gì quyền tự do bóc lột sức lao động của chủ tư bản); còn thợ thuyền thì mất hết mọi quyền và mọi khả năng đấu tranh tập thể chống bọn bóc lột họ; và, mặt khác, các nhà buôn và nhà kỹ nghệ Pháp được bảo đảm rằng chính phủ Na-pô-lê-ông muốn và sẽ bảo vệ một cách thắng lợi thị trường nội địa của nước Pháp chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài, biến một phần châu Âu và có thể là châu Âu, thành một công cụ bóc lột của tư bản thương nghiệp và công nghiệp Pháp. Na-pô-lê-ông tin chắc chế độ do ông xây dựng và củng cố, cũng như đường lối đối ngoại và đối nội của ông, sẽ đưa giai cấp tư sản thương mại và kỹ nghệ, của tầng lớp nông dân hữu sản đến chỗ phải hoàn toàn tha thứ mọi bạo lực, từ chối mọi sự tham gia tích cực vào kinh doanh chính trị, hành chính và pháp luật, khuất phục bất cứ hình thức chuyên chế độc đoán nào, kể cả những hình thức mà người ta chưa bao giờ thấy dưới thời Lu-i XIV, tán thành những cái mà người ta chưa bao giờ làm quen, kể cả trong những thời đen tối nhất của chế độ cũ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:57:36 pm »


VI

Quyết tâm thanh toán tất cả những gì đã gây trở ngại đến ưu thế và quan hệ tư bản chủ nghĩa và đến việc củng cố quyền lực riêng của mình, Na-pô-lê-ông không những bằng lòng xá tội cho bọn xuất dương, mà còn hoàn lại cho chúng một phần của cải bọn chúng trước đây chưa bán được, ông ta còn chính thức dàn xếp việc hòa giải giữa chính phủ Pháp với nhà thờ Thiên chúa. Ngay sau ngày 18 Tháng Sương mù, việc thờ phụng đã được tự do. Sau đó, Na-pô-lê-ông đã cho làm phép hành lễ ngày chủ nhật, cho về rất nhiều cha cố bị đưa đi đày và thả một số lớn khác ra khỏi nhà giam. Rồi Na-pô-lê-ông bắt đầu những cuộc đàm phán với giáo hoàng trên cơ sở những điều kiện: Tổng tài thứ nhất sẽ ưng thuận thừa nhận Thiên chúa giáo là "tôn giáo của đại đa số nhân dân Pháp" và đặt Thiên chúa giáo dưới sự bảo hộ của chính phủ.

Những cuộc đàm phán trên kết thúc bằng việc ký kết một điều ước hòa giải nổi tiếng, mệnh danh là "kiệt tác của lý trí nhà nước", ít ra thì những nhà viết sử tư sản cũng đã khẳng định như vậy.

Thật ra, bản điều ước hòa giải chỉ là sự tuyên bố gạt bỏ phần lớn những thắng lợi về quyền tự do tư tưởng của cách mạng đã đạt được đối với nhà thờ. Khi cách mạng cấm không cho bọn thầy tu công khai gây ảnh hưởng đến nhân dân Pháp, thì Na-pô-lê-ông lại để cho bọn chúng có khả năng làm việc đó. Vậy những lý do của Na-pô-lê-ông là gì? Câu trả lời đã rõ và không còn nghi ngờ gì nữa.

Chắc chắn Na-pô-lê-ông không phải là một người vô thần1 vững vàng, nhưng dù sao người ta cũng có thể nói rằng Na-pô-lê-ông là người theo cái thuyết "tự nhiên thần luận"2 rất nhạt nhẽo và mơ hồ. Trong đời ông, tổng cộng lại thì ông đã dành thời gian vô cùng ít ỏi để bàn những vấn đề tôn giáo. Na-pô-lê-ông không bao giờ nghĩ đến chuyện dựa vào cái nhân vật tối cao mà các nhà thần học đã đặt ra ấy và cũng không bao giờ tỏ ra có ý theo học thuyết thần bí3, vả lại dù thế nào đi nữa, với tên quý tộc người Ý này - bá tước Si-a-ra-mông-ti mà năm 1799 đã trở thành giáo hoàng Pi VII - Na-pô-lê-ông vẫn không coi là người kế tục của sứ đồ Pi-e, cũng không là người đại diện cho Chúa Trời ở trên trái đất, mà là một lão già người Ý xảo quyệt, con người mà chắc chắn là sẽ sẵn sàng âm mưu phục hưng dòng họ Buốc-bông để thu hồi lại của cải của giáo hội bị niêm phong quản lý trong thời kỳ Cách mạng. Nhưng hắn lại sợ Bô-na-pác vì hầu hết nước Ý đang bị người Pháp chiếm đóng, và sau trận Ma-ren-gô, Rôm và giáo hoàng hoàn toàn đang trong tay vị Tổng tài thứ nhất.
____________________________________
1. Người vô thần (athée): người phủ nhận tôn giáo, phủ nhận sự tin tưởng vào những phép lạ, vào đời sống bên kia thế giới bên kia sau khi chết.
2. Tự nhiên thần luận (désime): học thuyết này thừa nhận sự tồn tại của Thượng đế, chỉ về phương diện Thượng đế là nguyên nhân có trước, nguyên nhân không có nhân cách của thế giới, còn ngoài ra thì vũ trụ bị những quy luật tự nhiên chi phối.
3. Thuyết thần bí (mýticisme): hình thức của thế giới quan tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa thần bí công nhận khả năng liên hệ giữ người và thần linh, khả năng đi sâu vào những "bí mật” của sự vật bằng "sự truyền bảo" của thần linh v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:58:13 pm »


Pi VII sợ Na-pô-lê-ông đến thất đảm và coi Na-pô-lê-ông như một tên côn đồ, một tướng cướp. Còn Na-pô-lê-ông, ông ta không tin một lời nào từ miệng Pi VII thốt ra, coi hắn là một tên gian giảo và dối trá. Đó là quan niệm của mỗi người ấy đối với nhau từ trước cũng như sau khi đàm phán xong với nhau, và cả về sau nữa, hình như cho đến khi chết hai người cũng không hề hoài nghi gì về sự đánh giá lẫn nhau như vậy và có căn cứ vững vàng hay không. Nhưng vấn đề không phải là cá nhân giáo hoàng. Theo quan điểm của Na-pô-lê-ông, tổ chức giáo hội Thiên chúa giáo là một lực lượng không thể coi thường được, không những vì nó có thể gây nên nhiều thiệt hại nếu nó đứng về phía kẻ thù, mà hơn nữa, nó còn có thể có rất nhiều tác dụng nếu lôi kéo được nó về phía mình. "Bọn thầy tu có nhiều tác dụng hơn bọn Ca-gli-ốt-rô, bọn theo thuyết Căng và tất cả những nhà ảo tưởng của các nước Đức", Na-pô-lê-ông đã nói như vậy, vừa liệt gã bịp bợm Ca-gli-ốt-rô vào cùng một giuộc với nhà triết học Căng, và Na-pô-lê-ông nói thêm rằng những người sinh ra như vậy, họ muốn tin vào sự huyền bí thì để họ đi nhà thờ và học giáo lý lại tốt hơn là để họ triết lý quá nhiều. Na-pô-lê-ông biện luận: người ta tiêm chủng cho mọi người để tránh cho họ bệnh đậu mùa. Nói một cách khác, thỏa thuận với cái lão bá tước Si-a-ra-mông-ti bợm già ấy là hay nhất vì hắn tự xưng là giáo hoàng Pi VII, và khi bản chất người đó còn đủ ngu ngốc để tin vào đại diện của Đức Thượng đế ở trên trái đất, thì tuyển mộ vô số bọn mật thám áo đen của giáo hoàng Pi VII vào làm việc bên cạnh bọn sen đầm và cảnh binh của Phu-sê sẽ hay hơn là để cho kẻ thù của mình, bọn Buốc-bông sử dụng đội quân thầy dòng, thầy cả đông như kiến ấy, sẽ hay hơn là ném thần dân của mình vào tay bọn ảo tưởng và những nhà triết học không thể tóm cổ lại điều kiện, và sẽ hay hơn là khuyến khích tự do tư tưởng. Hơn nữa, Na-pô-lê-ông hoàn toàn hiểu rằng cái đội quân áo đen ấy là những kẻ có ích nhất để hoàn thành việc bóp nghẹt hệ tư tưởng vô cùng ghê gớm của Thế kỷ Ánh sáng và của Cách mạng.

Bản quy ước giữa giáo hoàng và Na-pô-lê-ông, mệnh danh là Công-coóc-đa, ký vào tháng 7 năm 1801, và ngày 15 tháng 4 năm 1802, bản sắc lệnh, mà căn cứ vào đó Na-pô-lê-ông thi hành và quy định tổ chức mới của giáo hội Thiên chúa ở nước Pháp, được chính thức công bố. Đây là những điểm cơ bản của bản sắc lệnh đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2016, 09:59:06 pm »


Na-pô-lê-ông thừa nhận Thiên chúa giáo là "tôn giáo của đại đa số công dân Pháp", nhưng không phải là tôn giáo của nhà nước, cũng như trước thời Cách mạng, Na-pô-lê-ông cho phép tự do tín ngưỡng trong cả nước. Đáp lại, giáo hoàng cam kết không bao giờ yêu sách đòi lại đất đai của giáo hội đã bị tịch thu trong thời kỳ Cách mạng. Na-pô-lê-ông tùy ý chỉ định các giám mục và giáo chủ theo ý mình, sau đó họ nhận chiếu phong chức của giáo hoàng; cả các linh mục do các giáo mục chỉ định cũng chỉ có thể nhận chức sau khi việc lựa chọn đó đã được chính phủ phê chuẩn. Việc công bố các huấn lệnh, trọng sắc và đoản sắc của giáo hoàng chỉ được thừa nhận ở nước Pháp khi nào chính phủ ưng chuẩn trong những trường hợp đặc biệt. Đó là những điểm chính của cái "Công-coóc-đa" tồn tại hơn 100 năm sau thời Na-pô-lê-ông. Na-pô-lê-ông đã không tính lầm. Ngay sau ngày ký Công-coóc-đa (dưới đế chế), tầng lớp thầy dòng liền đưa vào khắp các trường học của nước Pháp một chương trình giáo lý bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng và phải đọc nguyên văn như sau:

- "Chúa trời đã cho Người (Na-pô-lê-ông) là thừa hành uy quyền của Chúa Trời và là hình ảnh của Chúa Trời ở trên trái đất."

- Kẻ nào thiếu bổn phận của mình đối với Na-pô-lê-ông là "cưỡng lại lệnh của Chúa Trời và đáng có tội đời đời".

Giáo lý đã dạy bảo rất nhiều "sự thật khác" thuộc loại đó. Ngày hội, trên tòa giảng, người ta trình giảng rằng "Chúa Thánh Thần" đã quyết định tạm thời hiện thân vào con người Na-pô-lê-ông để thủ tiêu sự hỗn loạn và tính vô đạo của Cách mạng, rằng những thắng lợi liên tiếp của vị Tổng tài thứ nhất (rồi của hoàng đế) đối với tất cả những kẻ thù bên ngoài đều được giải thích bằng sự can thiệp trực tiếp của "Chúa Thánh Thần" trong lĩnh vực chiến lược.

Trong những tháng tính từ thời gian ký bản hiệp ước tạm thời giữa giáo hoàng với Na-pô-lê-ông đến thời gian hợp pháp hóa bản điều ước Công-coóc-đa, Na-pô-lê-ông ban hành sắc lệnh khen thưởng Bắc Đẩu bội tinh, một loại huân chương còn tồn tại đến tận ngày nay ở nước Pháp. Ngay từ đầu năm 1801, Na-pô-lê-ông đã có ý đồ ban hành một loại huân chương để khen thưởng cho ngành quân sự về hành chính. Sự khen thưởng bao gồm nhiều mức và phải do người có quyền lực tối cao phong tặng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM