Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:21:44 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94385 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2016, 11:16:23 pm »


Khi đã đặt chân đến đất Cai-rô, Na-pô-lê-ông liền tổ chức việc cai trị ở đấy. Tôi sẽ không kể những chi tiết không cần thiết, chỉ xin nói đến những nét đặc biệt nhất của chế độ Na-pô-lê-ông:

- Trước hết, quyền hành trong mỗi thành phố, trong mỗi làng đều phải tập trung vào tay viên chỉ huy của quân đội Pháp đồn trú ở đó.

- Thứ hai là phải thành lập ở bên cạnh Na-pô-lê-ông một "nội các" tư vấn gồm những người dân có tiếng tăm nhất ở địa phương và cũng do Na-pô-lê-ông lựa chọn.

- Thứ ba là đạo Hồi phải được hết sức tôn trọng, các giáo đường và tăng lữ đều được giữ nguyên quyền bất khả xâm phạm cổ truyền.

- Bốn là, ở Cai-rô, cũng phải tổ chức một cơ quan tư vấn lớn, không những gồm các đại biểu của thành phố đó mà còn có đại biểu của các tỉnh, cũng đặt ở bên cạnh vị tướng tổng chỉ huy. Việc thu thuế thân và các thứ thuế phải được tiến hành đều đặn, việc đóng góp bằng hiện vật cũng phải được tổ chức nhằm sao cho xứ này bảo đảm được việc đài thọ kinh phí cho quân đội Pháp. Những người đứng đầu địa phương, có các cơ quan tư vấn giúp sức, phải bảo đảm sự an ninh tuyệt đối, phải bảo vệ thương nghiệp và quyền tư hữu tài sản. Mọi thứ thuế ruộng dất do bọn Ma-mơ-lúc đặt ra đều bị bãi bỏ. Đất đai của bọn quan lại cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ không chịu quy phục và chạy trốn về nam tiếp tục chống lại đều bị tịch thu và sung vào công quỹ của nước Pháp.

Cũng như ở bên Ý, Bô-na-pác muốn thủ tiêu chế độ phong kiến (điều đó rất hợp thời, vì chỉ có bọn Ma-mơ-lúc là theo đuổi cuộc chống cự bằng vũ trang) và dựa vào giai cấp tư sản cũng như dựa vào bọn địa chủ Ả Rập; còn những người phen-lát bị giai cấp tư sản Ả Rập bóc lột thì Bô-na-pác không hề mảy may quan tâm bảo vệ họ.

Tất cả những biện pháp đó đều nhằm củng cố nền chuyên chính quân phiệt tập trung trong tay Bô-na-pác và bảo đảm trật tự xã hội tư sản do Bô-na-pác xây dựng. Cuối cùng, sự nới rộng về tôn giáo và sự tôn trọng kinh điển đạo Hồi mà Bô-na-pác thường xuyên tuyên bố thì tiện đây cũng xin nói rằng đó là một điều mới lạ dị thường đến nỗi vào mùa xuân năm 1807, khi đưa ra cái luận đề táo bạo rằng Na-pô-lê-ông là cùng một giuộc với những kẻ "tiền thân" của quỷ vương phản Chúa thì Hội đồng giáo phái Nga đã lấy hành động của Bô-na-pác ở Ai Cập, lấy việc ông ta bảo vệ Hồi giáo, v.v. làm dẫn chứng cho lập luận của họ.

Sau khi đã thiết lập chế độ chính trị mới ở Ai Cập, Bô-na-pác chuẩn bị một chiến dịch mới: từ Ai Cập đi xâm chiếm Xi-ri. Bô-na-pác đã quyết định để lại ở Ai Cập những nhà bác học do ông ta đem từ Pháp sang. Bô-na-pác không bao giờ tỏ ra có lòng kính trọng thật sâu sắc đối với những phát minh thiên tài của những nhà bác học đương thời, nhưng ông ta biết rõ rằng một nhà khoa học nếu được sử dụng vào những công việc cụ thể do các nhiệm vụ quân sự, chính trị hoặc kinh tế đòi hỏi thì có thể mang lại những lợi ích to lớn. Vì thế Bô-na-pac đã đối xử bằng mối cảm tình nồng hậu nhất và trọng vong nhất với những nhà bác học mà ông ta đã đem đi theo trong cuộc viễn chinh. Người ta thường nhắc đến cái mệnh lệnh nổi tiếng sau đây của Bô-na-pác trong một cuộc tiến quân đánh bọn Ma-mơ-lúc: "Lừa ngựa và những nhà bác học đi vào giữa!". Mệnh lệnh đó đã nói lên cái ý muốn: trước hết là phải bảo vệ an toàn cho những nhà đại biểu của khoa học ngang như những súc vật đài tải vô cùng quý báu đối với chiến dịch. Việc đặt hai danh từ ấy cạnh nhau không phải là bất ý nhưng đó chỉ duy nhất là do cách nói vắn gọn của quân sự và cách nói giản lược cần thiết của những khẩu lệnh chỉ huy. Cũng phải nói thêm rằng, trong lịch sử của khoa Ai Cập học, chiến dịch của Bô-na-pác đã đóng một vai trò to lớn. Có thể nói được rằng những nhà bác học đi theo Bô-na-pác đã là những người đầu tiên mở cửa cho khoa học tiến vào miền cổ kính ấy, một trong những mảnh đất quê hương của nền văn minh của nhân loại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2016, 11:17:49 pm »


III

Ngay trước khi bắt đầu cuộc viễn chinh xâm lược Xi-ri, Bô-na-pác cũng đã từng có dịp để thấy rõ rằng người Ả Rập không phải ai ai cũng hứng thú về cái gọi là "công cuộc giải phóng khỏi ách Ma-mơ-lúc" mà người Pháp, kẻ chinh phục, thường luôn luôn nói tới trong các bản tuyên bố của mình. Quân Pháp có đầy đủ lương thực là do họ đã đặt ra một chế độ trưng thu và thuế khóa rất có hiệu lực, song đó là một ách đe nặng lên nhân dân; nhưng tiền mặt thì không dễ dàng như vậy và người ta đã thi hành nhiều biện pháp khác nhau để kiếm cho ra tiền.

Tướng Clê-be, mà Bô-na-pác để lại ở A-lếch-xăng-đri làm toàn quyền, đã cho bắt viên tù trưởng cũ của thành phố đó là Xi-đi Mô-ha-mét En Cô-ra-im, một người rất giàu, bị buộc tội là phản nghịch mặc dầu chẳng có chứng cớ gì. En Cô-ra-im bị áp giải đi Cai-rô, đến đó người ta nói cho En Cô-ra-im biết rằng muốn thoát chết phải nộp 300.000 phrăng vàng. Trước sự bất hạnh của mình, En Cô-ra-im cho rằng đó là định mệnh: "Nếu số mệnh đã bắt tôi phải chết lúc này thì chẳng có cái gì có thể cứu được tôi và tiền bạc của tôi ắt bị mất không; nếu số mệnh cho tôi sổng thì tại sao tôi lại phải nộp tiền?". Tướng Bô-na-pác hạ lệnh chém đầu và mang đi bêu ở ngoài phố với tấm biển sau đây: "Tất cả những kẻ phản bội và những kẻ không giữ đúng lời hứa sẽ bị trị tội như thế này". Đã tìm đi tìm lại vẫn không thấy số tiền của viên tù trưởng bị hành hình đã giấu đi. Để bù vào đó, một số nhà giàu Ả Rập đã nộp tất cả những gì mà người ta đòi hỏi ở họ, và chỉ trong vài ngày sau cuộc hành hình En Cô-ra-im, chừng bốn triệu phrăng vàng đã nằm trong quỹ quân đội Pháp. Đối với thường dân, cố nhiên người ta chẳng cần dùng đến những biện pháp phiền phức.

Cuối tháng 10 năm 1798, một mưu toan khởi nghĩa đã xảy ra ở ngay Cai-rô. Một vài tên lính thuộc quân đoàn chiếm đóng đã bị đánh một cách công nhiên và bị giết, nghĩa quân đã kháng cự trong ba ngày liền ở một vài khu. Cuộc trấn áp diễn ra rất khốc liệt. Ngoài những người Ả Rập và Phen-lát bị tàn sát hàng loạt trong cuộc trấn áp, những cuộc hành hình liên tiếp đã diễn ra nhiều ngày sau, mỗi lần từ 12 đến 30 người.

Cuộc nổi dậy ở Cai-rô vang dội đến các làng lân cận. Khi được tin về cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong số các cuộc khởi nghĩa đó, Bô-na-pác hạ lệnh cho viên sĩ quan hầu cận của mình là Cai-roa-đi-ê đến tận nơi, vây chặt bộ lạc lại, chém sạch đàn ông không trừ một ai, dẫn đàn bà, trẻ con về Cai-rô và đốt hết nhà cửa. Mệnh lệnh được chấp hành triệt để. Đàn bà và trẻ con phải đi bộ về Cai-rô, bị chết một số lớn ở dọc đường. Và, sau cuộc hành hình trừng phạt đó vài giờ, người ta thấy đoàn lừa thồ những bao tải đến quãng đường của thành phố Cai-rô. Người ta mở những bao tải ấy và đầu lâu những người đàn ông trong cái bộ lạc phạm tội lăn lóc trên mặt đất.

Theo lời những người được mục kích cảnh ấy thì những biện pháp man rợ đó đã làm cho nhân dân hoảng sợ trong một thời gian.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2016, 07:42:06 pm »


Tuy vậy, Bô-na-pác vẫn phải tính đến hai trường hợp cực kỳ nguy hiểm với ông ta. Trước hết là cách đó ít lâu, đúng một tháng sau cuộc đổ bộ lên Ai Cập, đô đốc Nen-xơn cuối cùng đã tìm thấy hạm đội Pháp trú ẩn ở vùng biển A-bu-kia và Nen-Xơn đã tiến công tiêu diệt được hạm đội ấy. Đô đốc Pháp Bru-ây bị chết trận. Quân đội chiến đấu ở Ai Cập bị đứt liên lạc hẳn với nước Pháp. Sau nữa, chính phủ Thổ kiên quyết không chấp nhận lời tuyên bố xảo trá của Bô-na-pác rằng ông ta không hề chiến tranh với triều đình Ốt-tô-man, mà chỉ là trừng phạt bọn Ma-mơ-lúc đã đối xử không tốt với các thương gia Pháp và áp bức nặng nề người A-Rập, một đạo quân Thổ được đưa đến Xi-ri.

Bô-na-pác đã thân hành đến Xi-ri giao chiến với quan Thổ. Bô-na-pác cho rằng tàn bạo là phương pháp tốt nhất để ổn định hậu phương trong thời gian ông ta đi chiến dịch xa xôi.

Chiến dịch Xi-ri thật cực kỳ gian khổ, đặc biệt vì thiếu nước. Các thành phố lần lượt đầu hàng Bô-na-pác đầu tiên là En A-rích. Sau khi vượt qua eo Xuy-ê, Bô-na-pác tiến về Giáp-pha và bao vây Giáp-pha vào ngày 4 tháng 3 năm 1799. Vì Giáp-pha không đầu hàng nên Bô-na-pác công bố cho dân chúng biết rằng, nếu họ để quân Pháp phải đánh lấy thành thì tất cả nhân dân trong thành sẽ bị tuyệt diệt, sẽ không giữ một ai làm tù binh. Giáp-pha không đầu hàng. Cuộc công thành diễn ra ngày 6 tháng 3, binh lính ùa vào trong thành, thật sự tàn sát tất cả những ai bị rơi vào tay chúng. Nhà cửa và hiệu buôn đều bị cướp phá. Sau đó không lâu, khi cuộc tàn sát và cướp phá thành phố đã chấm dứt, người ta báo cáo với tướng Bô-na-pác rằng trong thành phố còn 4.000 lính Thổ, phần lớn là người An-ba-ni còn sót lại trong cuộc tàn sát, họ vẫn kháng cự ở trong một vị trí, luỹ đắp bốn bề; khi các sĩ quan Pháp đến dọa dẫm để buộc họ đầu hàng, họ đã trả lời rằng sẽ chỉ đầu hàng nếu người ta hứa không giết họ, bằng không, họ sẽ chống cự đến giọt máu cuối cùng. Sĩ quan Pháp đã hứa với họ và họ đã rời khỏi chiến luỹ hạ khí giới đầu hàng. Quân Pháp nhốt những tù binh đó trong một nhà kho. Bô-na-pác tức giận đến cực điểm. Ông ta cho rằng hứa tha chết cho những lính Thổ ấy là một sự điên rồ. "Chúng định bắt tôi làm gì bây giờ? Làm gì có lương thực để nuôi chúng? Làm gì có tàu để chở chúng về Ai Cập hay về Pháp? Chúng đã làm được gì cho tôi?". Quả thực, không có một chiếc tàu nào để chở từ Giáp-pha về Ai Cập, cũng không đủ binh lính để áp giải 4.000 lính tinh nhuệ ấy qua những bãi sa mạc Xi-ri, Ai Cập để đến A-lếch-xăng-đri hoặc Cai-rô. Thoạt tiên Na-pô-lê-ông còn chưa quyết tâm thực hiện ý định khủng khiếp... Qua ba ngày suy nghĩ, do dự và ngần ngại, cuối cùng ngày thứ tư, Bô-na-pác hạ lệnh đem bắn hết, 4.000 tù binh bị dẫn ra bờ biển và bị bắn đến người cuối cùng. Một trong số sĩ quan Pháp đã nói: "Tôi mong rằng đừng ai cảm thấy mỗi điều mà chúng tôi đã cảm thấy khi chứng kiến cuộc hành hình ấy".

Ngay sau đó, Na-pô-lê-ông tiến về pháo đài A-crơ mà quân Pháp vẫn thường gọi là Xanh Giăng-đác, người Thổ gọi là Ác-ca. Nấn ná mãi ở Giáp-pha chẳng hay ho gì nữa vì bệnh dịch hạch đang bám lấy quân đội Pháp và về mặt vệ sinh, ở lại đấy thật cực kỳ nguy hiểm. Trong nhà, ngoài phố, trên mái nhà, trong hầm chứa, trong vườn rau, vườn cây ăn quả, đâu đâu cũng thấy xác dân chúng bị tàn sát đang rữa thối không ai thu dọn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2016, 07:42:41 pm »


Cuộc vây pháo đài A-crơ kéo dài đúng hai tháng và kết thúc bằng một thất bại Bô-na-pác không có pháo tham gia bao vây. Pháo đài A-crơ do người Anh tên là Xít-nây Xmít chỉ huy; được nước Anh tiếp tế vũ khí và lương thực bằng đường biển; quân đồn trú người Thổ rất đông. Sau nhiều đợt xung phong vô hiệu, ngày 20 tháng 5 năm 1799, quân Pháp phải bỏ cuộc bao vây, tổng cộng quân Pháp đã mất 3.000 người. Bên bị bao vây còn thiệt hại lớn hơn thế nữa. Sau đó, quân Pháp đã lại lên đường về Ai Cập.

Đến đây cũng nên chú ý là cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, Na-pô-lê-ông vẫn gán cho thất bại ấy một ý nghĩa đặc biệt và có tính chất định mệnh. A-crơ là nơi xa nhất của phương Đông mà số mệnh đã cho Na-pô-lê-ông được đặt chân tới. Chuẩn bị ở lại lâu dài ở Ai Cập, Na-pô-lê-ông ra lệnh cho các kỹ sư nghiên cứu những vết tích về dự định đào kênh Xuy-ê của thời cổ đại và xây dựng quy hoạch công trình đào kênh để sau này tiến hành. Chúng ta biết rằng Na-pô-lê-ông đã viết thư hứa giúp đỡ hoàng đế Mi-đo-rơ (ở phía nam Ấn Độ) lúc đó đang chiến tranh chống người Anh. Ông ta cũng dự định đặt quan hệ và ký hiệp ước liên minh với vua Ba Tư. Cuộc kháng cự vấp phải ở A-crơ, những tin tức đáng lo ngại về những cuộc nổi dậy của các làng Xi-ri ở hậu phương của Na-pô-lê-ông, giữa En A-rích và A-crơ, và nhất là việc không thể kéo dài hơn nữa tuyến đường giao thông hiện đã kéo dài một cách rất nguy hiểm vì không có viện binh mới, tất cả những tình hình đó đã đập tan cái mộng ổn định nền thống trị Pháp trên đất nước Xi-ri của Na-pô-lê-ông.

Cuộc rút lui còn gay go hơn cuộc tiến công nhiều, vì lúc đó đã vào cuối tháng 5 và tháng 6, cái mùa nóng bức ghê người, không sao chịu nổi đang sắp tới. Bao giờ cũng vậy, Bô-na-pác không ngần ngại gì không trừng phạt tàn nhẫn các làng Xi-ri mà ông ta cho là cần phải trừng phạt.

Một điều đáng chú ý là viên tướng tổng chỉ huy này đã cùng chịu đựng với quân lính mọi nỗi gian khổ trên con đường rút lui dài dặc đó, không hề dành cho bản thân mình, cũng như tướng tá của mình, dù ở cấp bậc cao nhất, một chút ưu tiên nào. Bệnh dịch hạch vẫn hoành hành, ngày càng dữ dội hơn. Người ta bỏ lại tại chỗ những người mắc bệnh ấy, chỉ mang theo những thương binh và những bệnh binh khác. Bô-na-pác đã hạ lệnh cho mọi người xuống ngựa để nhường cho thương binh, bệnh binh. Sau khi lệnh đó ban ra người giám mã, tưởng rằng đối với vị tướng tổng chỉ huy thì được miễn, nên hỏi Bô-na-pác sẽ dành lại con ngựa nào, Bô-na-pác nổi giận vừa quất roi ngựa vào giữa mặt người giám mã vừa hét lên: "Tất cả đi bộ, đ...mẹ...! Ta là người đầu tiên! Anh không biết thế nào là mệnh lệnh à? Cút đi!...".

Do những cơn nổi khùng như vậy, binh lính lại càng mến Na-pô-lê-ông hơn; và trong những ngày trở về già của họ, họ thường hay nhớ đến Na-pô-lê-ông với những nét tương tự như vậy hơn là những chiến công và những cuộc chinh phục của ông ta. Bô-na-pác rất biết điều đó và không bao giờ do dự trong những trường hợp tương tự. Trong số những người quan sát Bô-na-pác, về sau này không ai có thể phân định được lúc Bô-na-pác làm như vậy thì đâu là do bản năng tự phát, đâu là đóng kịch và có tính toán. Có thể là có cả hai trong cùng một lúc như ở một diễn viên lành nghề. Và Na-pô-lê-ông đã là một bậc thầy về nghệ thuật này, mặc dù trong buổi bình minh của sự nghiệp của ông ta, ở Tu-lông, ở Ý, ở Ai Cập, tài năng ấy của ông ta chỉ có rất ít người và những người tinh ý nhất trong số gần gũi ông ta phát hiện được. Nhưng hồi đó những người như vậy lại quá hiếm ở trong số những người thân thiết của ông ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2016, 07:43:08 pm »


Ngày 14 tháng 6 năm 1799, quân đội của Bô-na-pác đã trở về đến Cai-rô, nhưng thời gian - trong khoảng đó, nếu không phải toàn quân thì ít ra cũng là vị tướng tổng chỉ huy còn được ở lại trên mảnh đất do mình đã đánh chiếm và khuất phục được - đã chấm hết.

Bô-na-pác chưa nghỉ ngơi được mấy ở Cai-rô thì đã nhận được tin một đạo quân Thổ, được phái đến để giải phóng Ai Cập khỏi ách xâm lược Pháp, đã đổ bộ ở gần A-bu-kia, nơi mà một năm trước đây Nen-Xơn đã tiêu diệt hạm đội Pháp. Bô-na-pác lập tức rời Cai-rô cùng với quan đội tiên lên phía bắc, phía đồng bằng sông Nin. Ngày 25 tháng 7, Bô-na-pác đột kích và tiêu diệt quân đội Thổ. Gần 15.000 quân Thổ bị chết. Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh không bắt làm tù binh và tàn sát hết. Với giọng chiến thắng, Na-pô-lê-ông viết: "Trận đánh này là một trong những trận đẹp nhất mà chưa bao giờ tôi được thấy 40.000 quân địch không chạy thoát được một". Dường như cuộc chinh phục của quân Pháp đã được ổn định lâu dài. Một số nhỏ lính Thổ chạy trốn lên tàu Anh. Mặt biển vẫn luôn luôn thuộc về người Anh, nhưng đất Ai Cập lại thuộc về quyền lực của Bô-na-pác một cách vững vàng hơn bao giờ hết.

Bỗng dưng lúc đó một sự cố bất thần xảy ra, không ai lường được. Đã lâu ngày bị đứt mọi liên lạc với châu Âu, tình cờ qua một tờ báo, Bô-na-pác mới hay rằng trong khi ông ta đi chinh phục Ai Cập thì nước Áo, nước Anh, nước Nga và vương quốc Nap-lơ đã gây lại chiến tranh với nước Pháp. Xu-vô-rốp đang tiến đến gần núi An-phơ và nước Pháp bị đe dọa; trộm cướp, rối loạn, hoang mang cao độ đang đè lên nước Pháp. Viện Đốc chính bị đa số nhân dân chán ghét, suy yếu và bối rối. "Nước Ý đã mất! Quân khốn kiếp! Thế là mọi chiến quả của chúng ta đã tiêu tan hết! Ta phải về mới được!". Bô-na-pác nói như vậy sau khi đọc ở tờ báo.

Na-pô-lê-ông lập tức quyết định. Ông ta giao lại quyền chỉ huy tối cao quân đội cho tướng Clê-be, hạ lệnh cấp tốc và rất bí mật trang bị bốn chiếc tàu, đưa xuống 500 người chọn lọc kỹ càng, và, ngày 23 tháng 8 năm 1799, rời bến về Pháp, để lại cho Clê-be một đội quân lớn trang bị rất đầy đủ, cả một bộ máy cai trị và tài chính do Na-pô-lê-ông xây dựng và hoạt động rất hoàn hảo, cùng với dân chúng câm lặng, bị khuất phục và bị khủng bố của cái nước lớn đã bị chinh phục ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:38:39 pm »

CHƯƠNG BỐN
NGÀY 18 THÁNG SƯƠNG MÙ 1799

I

Lật đổ Viện Đốc chính và cướp lấy quyền lực tối cao, đó là quyết tâm sắt đá và không gì lay chuyển nổi của Na-pô-lê-ông khi rời Ai Cập. Một công cuộc liều lĩnh táo tợn: đánh đổ nền Cộng hòa, "chấm dứt cuộc cách mạng" đã bắt đầu từ việc phá ngục Ba-xti cách đây 10 năm; làm được tất cả việc đó sẽ gặp phải vô vàn hiểm nghèo đáng sợ, dù Na-pô-lê-ông đã có trong quá khứ của mình những Tu-lông, Tháng Hái nho, nước Ý và xứ Ai Cập. Và những hiểm nghèo đó đã xuất hiện ngay khi Na-pô-lê-ông vừa rời khỏi bờ biển Ai Cập. Trong 47 ngày vượt biển về Pháp, nguy cơ gặp phải hạm đội Anh đã không ngừng diễn ra, và như vậy, cảnh ra vào cạm bẫy của hiểm nghèo dường như là điều tất yếu; theo lời những người đã được chứng kiến thì Bô-na-pác là người duy nhất giữ được bình tĩnh và đề ra được những mệnh lệnh cần thiết với lòng cương nghị sẵn có. Sáng ngày 8 tháng 10 năm 1799, tàu của Na-pô-lê-ông đã buông neo trong vịnh Phrê-giuy. Để hiểu tình hình đã xảy ra trong 30 ngày kể từ ngày 3 tháng 10 năm 1799, ngày Bô-na-pác đặt chân lên đất Pháp, đến ngày 8 tháng 11, ngày Bô-na-pác trở thành người thủ lĩnh của nước Pháp, cần ôn lại vài lời về tình hình nước Pháp vào lúc biết tin người chinh phục Ai Cập đã trở về.

Sau cuộc đảo chính 18 Tháng Quả năm thứ 5 (1797) và việc bắt giữ Pi-sơ-gruy, hình như Ba-ra và các đồng sự có thể tin vào những lực lượng đã ủng hộ họ ngày hôm đó: một là những tầng lớp mới trong giai cấp tư sản thành thị và nông thôn làm giàu bằng bán tài sản của quốc gia, đất đai của nhà thờ và của bọn lưu vong, tuyệt đại đa số bọn này sợ dòng họ Buốc-bông trở về nhưng lại mơ ước thiết lập một nền trật tự ổn định vững vàng và một chính quyền trung ương mạnh mẽ; lực lượng thứ hai là quân đội: đông đảo binh sĩ gắn liền với giai cấp nông dân lao động sẽ nổi dậy ngay trước sự phục hưng triều đại cũ và nền quân chủ phong kiến, dù mới chỉ là trong ý định.

Nhưng kể từ cuộc đảo chính Tháng Quả đến mùa thu năm 1799, trong hai năm đã trôi đi ấy rõ ràng là Viện Đốc Chính đã mất hết chỗ dựa giai cấp. Bọn đại tư sản mơ ước một vị độc tài, người phục hưng được nền thương nghiệp, mơ ước một người sẽ bảo đảm được sự phát triển của công nghiệp và sẽ đem lại cho nước Pháp một nền hòa bình đầy thắng lợi và một "nền trật tự" trong nước mạnh mẽ. Tư sản lớp dưới và lớp giữa, và trước hết là nông dân, đã tậu được đất đai và trở nên giàu có, đều có những nguyện vọng giống nhau: kẻ nào là độc tài cũng được, miễn là không phải một tên Buốc-bông. Còn thợ thuyền Pa-ri, thì sau cuộc tước vũ khí hàng loạt và cuộc khủng bố dã man đã tàn sát họ vào Tháng Đồng cỏ năm 1795, sau vụ bắt giữ và hành hình Ba-bớp năm 1796, sau vụ mang đi đày những người theo Ba-bớp năm 1797, và sau khi đã thấy toàn bộ đường lối, chính sách của Viện Đốc chính chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bọn đại tư sản, bọn đầu cơ và đăc biệt là bọn viên chức các cấp không làm tròn nghĩa vụ, còn những người thợ thuyền ấy họ vẫn bị đói khát, chịu đựng nạn thất nghiệp và sinh hoạt đắt đỏ, vẫn không ngớt nguyền rủa bọn lũng đoạn và bọn đầu cơ, rất tự nhiên rằng những người thợ ấy chẳng hề muốn chống lại bất cứ ai để bảo vệ Viện Đốc chính. Còn về phần những thợ thuyền làm theo vụ, những người làm công nhật ở nông thôn ra, thực tế họ chỉ có một khẩu hiệu duy nhất: "Chúng tôi muốn một chế độ mà người ta có miếng ăn", cảnh binh của Viện Đốc chính luôn luôn nghe thấy câu nói đó ở các vùng ngoại ô Pa-ri và đã báo cáo lên cái cấp trên đang bồn chồn lo lắng của họ.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tư, 2016, 03:27:23 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2016, 03:39:07 pm »


Từ khi lên nắm chính quyền, Viện Đốc chính đã tỏ ra bất lực một cách không chối cãi được trong việc xây dựng trật tự tư sản vững bền, có thể tổng hợp lại thành pháp chế và được thi hành một cách đầy đủ. Trong thời gian gần đây, Viện Đốc chính cũng đã tỏ ra nhu nhược về nhiều phương diện khác nữa. Trong giới sản xuất tơ lụa ở Li-ông, ban đầu người ta phấn khởi về cuộc đánh chiếm nước Ý của Bô-na-pác vì Bô-na-pác đã mang lại cho một số lớn chiến lợi phẩm: tơ chưa chế biến, một loại nguyên liệu hàng đầu trong kỹ nghệ của họ; nhưng sau đó, vào năm 1799, trong thời gian Bô-na-pác vắng mặt, khi Xu-vô-rốp tiến quân vào nước Ý và cướp mất nước ấy từ tay người Pháp thì họ trở nên tuyệt vọng, rã rời. Tình cảnh vô vọng ấy cũng đã lan rộng trong các tầng lớp tư sản khác ở Pháp, khi họ nhìn thấy nước Pháp gặp những khó khăn ngày càng tăng trong việc đấu tranh chống lại khối liên minh châu Âu vững mạnh, khi họ thấy rằng hàng triệu đồng tiền vàng do Bô-na-pac chuyển từ Ý về Pa-ri trong những năm 1796-1797 phần lớn đã chui vào túi bọn viên chức và bọn đầu cơ là bọn thông đồng với chính Viện Đốc chính để cướp phá công quỹ. Trận thất bại khủng khiếp mà Xu-vô-rốp đã giáng cho quân Pháp ở Nô-vi, nơi mà chỉ huy trưởng Giu-be bị tử trận; sự phản bội của tất cả những "bạn đồng minh nước Ý" của Pháp; việc biên giới nước Pháp bị đe dọa; tất cả tình hình đó đã làm cho cái khối lớn giai cấp tư sản thành thị và nông thôn hoàn toàn xa rời Viện Đốc chính.

Còn như quân đội thì không cần nói. Họ luôn luôn nhớ tới Bô-na-pác lúc đó đã đi Ai Cập. Binh lính lớn tiếng phàn nàn rằng họ phải ăn uống đói khát vì nạn ăn cắp phổ biến và họ nói đi nói lại rằng người ta đưa họ đến chỗ chết một cách vô ích. Hoạt động của bọn bảo hoàng bấy lâu vẫn chỉ ngấm ngầm, bỗng lại bùng lên ở Văng-đê.

Những tên thủ lĩnh của phong trào Su-ăng như Gióoc-giơ, Ca-đu-đan, Phrốt-tê, La Rô-sơ-gia-cơ-lanh lại kích động miền Brơ-ta-nhơ và miền Noóc-măng-đi nổi dậy. Ở một vài nơi, bọn bảo hoàng đã dám cả gan hô ở giữa phố: "Xua-vô-rốp muôn năm! Đã đảo chính thể Cộng hòa!". Hàng nghìn thanh niên, buộc phải rời bỏ quê hương để trốn nạn dịch, đi lang thang khắp nước. Sinh hoạt ngày càng đắt đỏ vì sự suy sụp toàn bộ của nền tài chính, nền thương nghiệp và nền công nghiệp, vì những sự trưng thu liên miên và vô tổ chức để đem lại những nguồn lợi kếch xù cho bọn đầu cơ và bọn lũng đoạn. Cho đến cả sau mùa thu năm 1799, mặc dù Mát-xê-na đã đánh bại được quân Nga của Coóc-xa-cốp ở gần Xu-rích và đạo quân Nga của Xu-vô-rốp đã bị hoàng đế Pôn gọi về, nhưng những thắng lợi đó cũng chẳng giúp cho Viện Đốc chính được bao nhiêu và cũng không khôi phục lại được uy tín cho Viện Đốc chính.

Để tóm tắt trong vài câu tình hình nước Pháp hồi đó hồi giữa năm 1799 người ta có nói theo cách này: dưới con mắt của đại đa số giai cấp hữu sản, Viện Đốc chính là vô ích và bất lực, thậm chí có nhiều người dứt khoát cho rằng nó là có hại. Đối với đông đảo quần chúng nghèo khổ ở thành thị cũng như nông thôn, Viện Đốc chính là đại diện cho chế độ của bọn đầu cơ, của bọn ăn cắp được nuôi béo, một chế độ đem lại giàu sang và khoái lạc cho bọn đục khoét của công và một chế độ gieo rắc đói khổ và áp bức tàn tệ cho thợ thuyền, những người làm công nhật, tức là cho người tiêu thụ nghèo. Cuối cùng, đối với binh lính Viện Đốc chính là một bầy những kẻ gian manh đã bỏ mặc họ không giày dép, không bánh mỳ và chỉ trong vài tháng đã nộp cho quân địch tất cả những chiến quả do Bô-na-pác đã thu được bằng hàng chục trận chiến thắng. Tình thế đã sẵn sàng để một nền độc tài ra đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:28:08 pm »


II

Ngày 13 tháng 10 (21 tháng Hái nho) năm 1799, Viện Đốc chính lấy làm hài lòng thông báo cho Hạ nghị viện biết rằng tướng Bô-na-pác đã về tới nước Pháp và đã đổ bộ lên Phrê-giúyt. Giữa những tràng vỗ tay như pháo nổ, những tiếng reo hò sung sướng, những đợt vui mừng phấn khởi không thành tiếng, tất cả các vị đại diện cho dân đều đứng dậy hoan hô hồi lâu để chào mừng sự trở về đó. Buổi họp bị gián đoạn. Những người được mục kích có kể lại rằng, khi đi ra phố để về nhà, các nghị sĩ vừa loan báo tin ấy ra thì bỗng nhiên hình như thủ đô vui sướng cuống cuồng; trong rạp hát, trong những phòng khách, trên các đường phố chính, đâu đâu người ta cũng chỉ nghe thấy tên Bô-na-pác. Tin tức về các cuộc tiếp đón chưa từng có vị tướng của nhân dân miền nam, miền trung và các thành phố mà ông ta đi qua để về Pa-ri tới tấp bay đến thủ đô. Nông dân rời bỏ làng mạc, các đoàn đại biểu các thành phố nối nhau đến trình diện Bô-na-pác, đón chào Bô-na-pác như một vị tướng giỏi nhất của nền Cộng hòa. Không một ai, kể cả Bô-na-pác, có thể tưởng tượng trước được cuộc biểu tình vừa bất ngờ, vừa vĩ đại, lại vừa đầy ý nghĩa như vậy. Và đây là một trường hợp nổi bật: ở Pa-ri, vừa thoạt biết tin Bô-na-pác đã lên bờ, quân đội đóng ở Pa-ri bèn rời khỏi doanh trại, quân nhạc đi đầu, diễu hành khắp thủ đô và người ta không thể tìm biết được ai đã ra lệnh đó, có lệnh đó không, hay chỉ là do họ tự động.

Ngày 16 tháng 10 (24 Tháng Hái nho), tướng Bô-na-pác về tới Pa-ri. Viện Đốc chính chỉ còn ba tuần lễ để sống, nhưng lúc đó kể cả Ba-ra, con người đã chết hẳn về mặt chính trị, cũng như các viên đốc chính sắp giúp Bô-na-pác chôn vùi chính chế độ của họ, đều không ngờ được rằng giờ kết thúc lại quá gần như vậy và việc thiết lập nền chuyên chính quân phiệt không phải là chuyện hàng tuần nữa mà là hàng ngày và rồi ngay sau đó đã không còn là hàng ngày nữa, chỉ là hàng giờ.

Hành trình của Bô-na-pác ở Pháp, từ Phrê-giúyt đến Pa-ri, đã vạch rõ ra rằng người ta coi Bô-na-pác như một "đấng cứu tinh". Đâu đâu cũng chỉ thấy những cuộc tiếp đón long trọng, những bài diễn văn đầy nhiệt tình, những hội đèn hoa rực rỡ, những cuộc biểu tình ủng hộ và những phái đoàn hoan nghênh. Nông dân, thị dân thành phố và các tỉnh nhỏ kéo đến gặp Bô-na-pác. Sĩ quan và binh lính tổ chức một cuộc tiếp đón vô cùng nồng nhiệt người tướng lỗi lạc của họ. Tất cả những hình thức biểu thị tình cảm và ý chí ấy, tất cả những con người ấy lần lượt diễu qua trước mắt Bô-na-pác trên đường về Pa-ri, muôn màu muôn vẻ như một ống kính vạn hoa, nhưng chưa đủ bảo đảm cho Bô-na-pác có thể thắng lợi ngay tức khắc được. Trước hết, cần phải tìm hiểu tình hình thủ đô. Quân đội đồn trú ở Pa-ri nhiệt liệt đón chào người chỉ huy trở về, mình đầy những vòng hoa chiến thắng mới tinh khôi hái trong cuộc chinh phục Ai Cập, người chiến thắng quân Ma-mơ-lúc, người chiến thắng quân đội Thổ, người mà trước khi rời bỏ sông Nin đã giáng cho đối phương một đòn trí mạng. Bô-na-pác thấy ngay chỗ dựa mạnh mẽ ở những tầng lớp thượng lưu. Đúng là ngay từ ngày đầu, đại bộ phận giai cấp tư sản và đặc biệt những tầng lớp hữu sản mới đã tỏ rõ thái độ thù địch với Viện Đốc chính, vì bọn họ thấy rằng Viện Đốc chính bất lực cả về đối nội cũng như về đối ngoại và bọn bảo hoàng, nhưng còn run sợ hơn nữa khi thấy phong trào đang âm ỉ ở các ngoại ô, nơi mà Viện Đốc chính vừa đánh xong một đòn mới vào đông đảo thợ thuyền: ngày 13 tháng 8, Xi-ay-ét, theo yêu cầu của bọn chủ nhà băng, đã thanh toán cứ điểm trọng yếu cuối cùng của chủ nghĩa Gia-cô-banh: "Hội những người bạn Tự do và Bình đẳng". Giai cấp tư sản và những kẻ đứng đầu họ đã tức khắc tin tưởng sắt đá rằng Bô-na-pác chính là kẻ có nhiều khả năng nhất để ngăn ngừa nguy cơ do phe hữu gây nên và nhất là của phe tả. Ngoài ra, bất thần người ta phát hiện được rằng, giá như Bô-na-pác có quyết định đảo chính ngay lúc đó, thì nội trong năm viên đốc chính cũng sẽ chẳng có một ai có khả năng chống lại Bô-na-pác một cách triệt để và đích đáng. Những nhân vật bất tài như Gô-ni-ê, Mu-lanh, Rô-giê Đuy-cô đều không đáng đếm xỉa đến. Người ta đặt họ lên chức đốc chính chỉ vì ai cũng biết đích xác rằng họ không có khả năng suy nghĩ độc lập, cũng như không dám há miệng khi mà Xi-ay-ét và Ba-ra đã cho rằng việc họ nói là quá thừa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:29:54 pm »


Chỉ còn lại có Xi-ay-ét và Ba-ra. Xi-ay-ét, con người vang danh trong thời kỳ tiền cách mạng do viết cuốn sách nổi tiếng về Đẳng cấp thứ ba1, thì đã và đang là người đại biểu và nhà tư tưởng của giai cấp đại tư sản Pháp. Cũng như giai cấp đại tư sản, Xi-ay-ét đã bất đắc dĩ phải chịu đựng nền chuyên chính cách mạng của phái Gia-cô-banh; đã nhiệt liệt vỗ tay ngày 9 Tháng Nóng khi thấy nền chuyên chính đó bị lật đổ và khi thấy diễn ra cuộc khủng bố Tháng Đồng cỏ đối với quần chúng lao động khởi nghĩa; cũng như giai cấp ấy, Xi-ay-ét mong mỏi trật tự tư sản được củng cố, và tuy chính bản thân Xi-ay-ét - một trong số năm viên đốc chính - đã cho rằng chế độ đốc chính hoàn toàn bất lực trước việc củng cố trật tự. Xi-ay-ét nói như vậy, ngớ ngẩn coi thường Bô-na-pác chỉ là thanh kiếm, còn y, Xi-ay-ét mới là người sáng lập chế độ mới. Ngay dưới đây chúng ta sẽ thấy những hậu quả của sự hiểu lầm đáng buồn đó (dù sao cũng chỉ riêng cho Xi-ay-ét).

Còn Ba-ra, người ta gặp ở y một loại người khác hẳn, có một cuộc đời khác hẳn, một tính khí khác hẳn Xi-ay-ét. Chắc chắn là Ba-ra thông minh hơn Xi-ay-ét, vì Ba-ra không có một chút gì tỏ ra là một gã lý luận chính trị tự cao tự mãn như Xi-ay-ét, có thể nói rằng Xi-ay-ét là con người tự phụ chứ không phải chỉ giản đơn là một kẻ ích kỷ. Liều lĩnh, dâm đãng, hoài nghi, tự do phóng mình vào những cuộc trác táng, cũng như vào tật xấu và tội lỗi, nguyên tử tước Ba-ra, trước cách mạng là sĩ quan, trong cách mạng là người thuộc phái Núi, là một trong những kẻ chủ chốt thực hiện những thủ đoạn trong nghị viện, là một trong những kẻ âm mưu làm cuộc đảo chính ngày 9 Tháng Nóng, là nhà chính trị lớn của phái Tháng Nóng, là kẻ chủ mưu chính ngày 18 Tháng Quả; chỗ nào có uy quyền - chỗ mà người ta có thể chia nhau quyền hành và hưởng thụ Ba-ra xông đến. Nhưng khác với Tan-lây-răng, thí dụ Ba-ra biết liều mạng như hắn đã liều tổ chức cuộc tiến công chống lại Rô-be-xpi-e trước ngày 9 Tháng Nóng, Ba-ra biết đánh thắng ngay vào kẻ địch, như hắn đã đánh vào bọn bảo hoàng hồi Tháng Hái nho, hoặc hai năm sau hồi Tháng Quả. Trong thời Rô-be-xpi-e. Ba-ra không che giấu tư tưởng của mình để trốn tránh như Xi-ay-ét, cái kẻ mà khi bị người ta hỏi từng làm gì trong thời kỳ khủng bố đã trả lời "Tôi đã từng trải việc đời". Ba-ra thì lại đã tính nước liều từ lâu, Ba-ra biết bọn bảo hoàng và phái Gia-cô-banh căm thù mình như thế nào, và Ba-ra đã không tha gì cả những người Gia-cô-banh lẫn bọn bảo hoàng, vì Ba-ra hiểu rằng nếu những người đó chiến thắng, họ cũng sẽ chẳng tha gì Ba-ra. Nhân khi chẳng may Bô-na-pác từ Ai Cập trở về bình yên vô sự, Ba-ra đã không thấy ghê tởm gì khi hắn tính đến chuyện giúp đỡ Bô-na-pác. Ba-ra cũng đã thân hành đến gặp Bô-na-pác. Trong những ngày căng thẳng trước vụ Tháng Sương mù, Ba-ra đã cử đại diện đến Bô-na-pác để thương lượng với Bô-na-pác, luôn luôn xin dành cho mình một chút địa vị trong chế độ sắp tới, càng cao và càng vững vàng càng hay.
___________________________________
1.  Đẳng cấp thứ ba (Tiers État): trước cách mạng Pháp, bọn tăng lữ và bọn quý tộc là hai đẳng cấp có nhiều đặc quyển đặc lợi và có thế lực nhất trong xã hội Pháp. Đứng đầu xã hội là bọn tăng lữ, thứ đến quý tộc, thứ nữa đến Đẳng cấp thứ ba. Tuyệt đại đa số trong Đẳng cấp thứ ba là nông dân, ngoài ra tư sản cũng thuộc Đẳng cấp thứ ba và chiếm địa vị cao nhất trong đẳng cấp này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 03:30:26 pm »


Nhưng Bô-na-pác lại liệt ngay Ba-ra vào hạng người không thể dùng được. Không phải tại Ba-ra vô dụng: khó mà có được nhiều nhà chính trị thông minh, táo bạo, tinh tế, nhìn xa hiểu rộng, nhất là lại có địa vị cao như vậy; nếu bỏ đi thì thật rất đáng tiếc, nhưng phẩm cách cá nhân của Ba-ra đã làm cho hắn thành con người không thể dùng được. Con người này không những đã làm cho người ta ghét mà còn làm cho người ta khinh. Những vụ ăn cắp trắng trợn, những hành động xấu xa phơi ra trước mắt mọi người; những việc làm ám muội của Ba-ra với những tên nhà thầu và những tên đầu cơ, những trò dâm đãng miên man của hắn không ngừng diễn ra trước mắt đông đảo quần chúng đang đói khổ khủng khiếp, tất cả những điều đó đã làm cho cái tên Ba-ra trở thành tượng trưng cho sự thối nát, sự xấu xa, sự tan rã của chế độ đốc chính.

Trái lại, Bô-na-pác đã chú ý nhiều đến Xi-ay-ét ngay từ buổi đầu. Thanh danh Xi-ay-ét tốt hơn, và với danh nghĩa là một vị đốc chính thì khi đứng về phái Bô-na-pác, Xi-ay-ét có thể khoác lên cho toàn bộ công việc một cái có thể gọi là "hình thức hợp pháp". Na-pô-lê-ông tạm thời giữ gìn để Xi-ay-ét khỏi hiểu lầm, với Ba-ra cũng vậy, và lại càng vui lòng đối đãi tử tế với Xi-ay-ét hơn vì sau khi đảo chính rồi hắn cũng còn có tác dụng trong một thời gian nào đó nữa.

Vào hồi ấy, có hai người đến yết kiến Na-pô-lê-ông mà người đời sau phải gắn liền tên tuổi của họ vào sự nghiệp của Na-pô-lê-ông: đó là Tan-lây-răng và Phu-sê. Bô-na-pác biết Tan-lây-răng từ lâu và coi là một tên ăn cắp, một viên chức không làm tròn nhiệm vụ, một tên cơ hội trơ tráo nhưng rất thông minh. Ắt hẳn Tan-lây-răng sẽ bán tất cả những gì mà hắn có thể bán được với điều kiện duy nhất là có người mua, Bô-na-pác không nghi ngờ gì điều đó cả; và Bô-na-pác thấy rõ hiện nay không phải Tan-lây-răng bán Bô-na-pác cho các vị đốc chính, mà trái lại, Tan-lây-răng sẽ bán Viện Đốc chính cho Bô-na-pác, mặc dù vừa mới đây xong hắn còn là bộ trưởng ngoại giao của Viện Đốc chính. Tan-lây-răng cung cấp cho Bô-na-pác rất nhiều tài liệu quý báu và xúc tiến mạnh mẽ công việc. Tướng Bô-na-pác rất tin tưởng vào tài trí minh mẫn của nhà chính trị này, coi như một triệu chứng tốt khi Tan-lây-răng ngỏ ý quyết tâm giúp mình. Lần này, Tan-lây-răng thật thà và công khai làm việc cho Bô-na-pác. Phu-sê cũng đã làm như vậy. Là bộ trưởng công an dưới thời Viện Đốc chính, Phu-sê định tâm vẫn giữ chức đó dưới thời Bô-na-pác. Như Bô-na-pác đã biết, Phu-sê có một điểm rất quý là hắn rất lo cho tính mệnh hắn nếu dòng họ Buốc-bông trở lại. Nguyên là người phái Gia-cô-banh chủ trương khủng bố và đã biểu quyết hành hình Lu-i XVI, nên hình như Phu-sê có đủ bảo đảm không đem bán chủ mới của hắn cho bọn Buốc-bông. Những công việc của Phu-sê đã được chấp nhận. Bọn tài chủ lớn và bọn nhà thầu công khai cấp tiền cho Na-pô-lê-ông. Cô-lô, chủ nhà băng, đã mang đến một lúc 500.000 phrăng và hình như người chủ tương lai của nước Pháp thấy rằng lúc này việc đó không có gì đáng chê trách nên ông ta đã rất vui lòng lấy số tiền ấy, vì nó sẽ rất có ích trong một công việc nguy hiểm như thế này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM