Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:09:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94089 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 08:20:10 am »


IV

Bô-na-pác lấy làm hài lòng về sự biến ngày 18 Tháng Quả cả về phương diện khác của nó. Hiệp ước Lê-ô-ben, ký hồi tháng 5 năm 1797 với Áo, mới chỉ là một sự đình chiến. Vào mùa hạ, chính phủ Áo đột nhiên có những dấu hiệu táo bạo và gần như dọa nạt nữa. Còn Bô-na-pác thì đã biết rất rõ vấn đề: lúc ấy, nước Áo cũng như cả châu Âu quân chủ đã nín thở theo dõi ván bài đang diễn ra ở Pa-ri. Ở Ý, người ta chờ đợi ngày này qua ngày khác sự sụp đổ của Viện Đốc chính và của nền cộng hòa, chờ đợi việc quay trở lại của dòng họ Buốc-bông và theo sau đó, tất nhiên là việc thanh toán tất cả những đất đai mà quân Pháp đã chiếm được. Ngày 18 Tháng Quả, với sự thất bại của bọn bảo hoàng và việc công bố âm mưu phản bội của Pi-sơ-gruy, đã chấm dứt tất cả những hy vọng đó.

Từ nay, tướng Bô-na-pác tập trung cao độ vào việc ký hòa ước một cách nhanh chóng. Để đàm phán với Bô-na-pác, nước Áo cử nhà ngoại giao có tài là Cô-ben. Nhưng Cô-ben đã gặp phải một tay bậc thầy. Qua những cuộc thương lượng liên tục kéo dài và khó khăn, Cô-ben phàn nàn với chính phủ mình rằng ít khi gặp phải "một người hay sinh sự và nhẫn tâm" đến như tướng Bô-na-pac. Trong dịp này, tài ngoại giao của tướng Bô-na-pác đã bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết, và theo ý kiến của nhiều người được chứng kiến hồi bấy giờ, tài ngoại giao của Bô-na-pác cũng không kém gì tài chỉ huy quân sự. Hồi này, nóng giận còn là điều mới mẻ đối với Bô-na-pác, và ông ta chỉ bị những cơn điên khùng lôi cuốn có một lần, nhưng sau này, khi đã thấy mình là chủ tể cả châu Âu, thì Bô-na-pác lại thường hay mắc phải. "Đế quốc của ngài là một con đĩ già quen thói hiến thân cho mọi người... ngài quên rằng nước Pháp là kẻ chiến thắng, mà các ngài là những kẻ chiến bại... Ngài quên rằng ngài thương lượng với tôi ở đây, xung quanh có lính cận vệ của tôi...", Bô-na-pác thịnh nộ hét lên như vậy và hất đổ cái bàn tròn trên đặt bộ đồ cà phê quý do Cô-ben mang tới, món quà của hoàng hậu nước Nga Ca-tơ-rin tặng nhà ngoại giao Áo. Bộ đồ vỡ tan ra từng mảnh. Cô-ben báo cáo rằng: "Bô-na-pác đã xử sự như một kẻ mất trí". Cuối cùng hòa ước giữa nước Cộng hòa Pháp và đế quốc Áo đã được ký kết ở cái tỉnh nhỏ Cam-pô Phoóc-mi-ô ngày 17 tháng 10 năm 1797.

Hầu hết những điều Bô-na-pác yêu sách đều được thỏa mãn ở Ý, nơi Bô-na-pác đã chiến thắng, cũng như ở Đức, nơi mà người Áo chưa hề bao giờ bị các tướng Pháp đánh bại. Như ý muốn của Bô-na-pác, xứ Vê-nê-xi đã được trao cho Áo để đền bù vào phần đất đai ở tả ngạn sông Ranh mà nước Áo đã nhượng cho Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 08:20:54 am »


Tin ký hòa ước làm Pa-ri sôi nổi vui mừng. Nước Pháp chờ mong ở hòa bình sự phục hưng nền thương nghiệp và kỹ nghệ. Tên tuổi vị tướng có tài được tất cả mọi người nhắc nhở. Mọi người đều thấy rõ rằng các tướng khác đều đã thua trận trên sông Ranh, chỉ riêng có Bô-na-pác đã thắng ở Ý và sông Ranh cũng đã được cứu thoát. Những lời ca ngợi chính thức, không chính thức và riêng tư đăng trên báo chí và thốt ra từ miệng mỗi người hòa thành một bản hợp tấu không ngừng không dứt để tán dương viên tướng chiến thắng, con người chinh phục nước Ý. Trong một bài diễn văn, viên đốc chính La-rơ-vơ-li-e Lê-pô thốt lên rằng: chỉ có tinh thần hùng cường của tư tưởng tự do mới có thể kích thích được quân đội ở Ý và Bô-na-pác. Ông ca ngợi hạnh phúc của nước Pháp.

Giữa thời gian ấy, Na-pô-lê-ông gấp rút hoàn thành việc tổ chức nước cộng hòa chư hầu mới, nước "cộng hòa ở bên kia rặng núi An-pơ", trong đó có một phần đất đai đa chiếm được, và trước hết là miền Lông-bác-đi: Một phần khác thì trực tiếp sáp nhập vào nước Pháp. Sau hết phần còn lại, như thành Rôm, lúc đó còn nằm trong tay vua chúa cũ của chúng, nhưng trên thực tế chúng nằm trong hệ thống chư hầu của nước Pháp. Bô-na-pác khéo léo tổ chức các nước "Cộng hòa bên kia rặng núi An-pơ" dưới hình thức một nghị viện tư vấn gồm đại biểu của những tầng lớp giàu có trong nhân dân, nhưng mọi quyền hành đều lọt vào tay các nhà cầm quyền chiếm đóng Pháp và ủy viên phái từ Pa-ri sang. Luận điệu rỗng cổ truyền về vấn đề giải phóng các dân tộc, các nước cộng hòa anh em, v.v. Chỉ gợi cho Na-pô-lê-ông một sự khinh bỉ ra mặt.

Không một phút nào Na-pô-lê-ông tin rằng lại đã có một số người, dù rằng rất ít, thấy hứng thú với cái tự do mà chính Na-pô-lê-ông đã nói trong những lời tuyên bố của ông ta với nhân dân các nước bị xâm chiếm.

Theo bản dịch chính thức được truyền đi khắp châu Âu thì dân tộc Ý vĩ đại đã quẳng cái ách mê tín và áp bức đè nặng từ bao thế kỷ, đã cầm vũ khí để giúp đỡ những người Pháp giải phóng họ nhưng, thực ra, Bô-na-pác đã báo cáo mật với các vị đốc chính rằng các vị đã lầm khi cho rằng tư tưởng tự do sẽ có thể thúc đẩy được một dân tộc già nua mê tín, khiếp nhược và xảo quyệt làm nên đại sự. Trong quân đội của Bô-na-pác không hề có một người Ý, trừ phi người ta cho rằng một nghìn rưởi kẻ lười biếng, đã nhặt nhạnh được ở ngoài phố, chỉ biết đi ăn cướp và chẳng làm được trò gì ấy cũng là quân đội. Bô-na-pác nói tiếp rằng chỉ có một cách duy nhất là cai trị khéo léo, dựa vào "kỷ luật nghiêm khắc" mới có thể nắm chắc được nước Ý. Và người Ý đã có dịp được biết Bô-na-pác quan niệm thế nào là kỷ luật nghiêm khắc. Bô-na-pác đã trừng phạt tàn nhẫn nhân dân thành phố Bi-nát-cô và Pa-ri, cũng như một vài làng khác vì binh lính Pháp đã bị giết ở lân cận những làng ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 08:21:31 am »


Trong mọi trường hợp, hành động của Bô-na-pác đều bắt nguồn từ một đường lối chính trị rõ ràng mà ông ta luôn luôn trung thành và giữ vững: không bao giờ nên tàn bạo vô ích, nhưng khi cần thiết để khuất phục nước bị chiếm thì phải khủng bố nặng nề và khốc liệt. Ở Ý, Na-pô-lê-ông đã thủ tiêu mọi dấu vết của luật lệ phong kiến ở bất kỳ nơi nào, và cấm giáo hội, nhà tu được quyền thu một vài khoản bổng cấp; trong một năm rưỡi ở Ý (từ mùa xuân năm 1796 đến cuối mùa thu năm 1797), Na-pô-lê-ông đã thành công trong việc ban bố một số đạo luật làm cho tình trạng xã hội và pháp chế miền bắc Ý gần giống như tình trạng mà giai cấp tư sản đã lập nên ở Pháp. Để bù lại, Na-pô-lê-ông đã khai thác một cách có phương pháp tất cả những đất đai của Ý ở tất cả những nơi mà ông ta đã đặt chân tới. Na-pô-lê-ông đã gửi về cho Viện Đốc chính hàng triệu đồng tiền vàng và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật quý giá của các viện bảo tàng và các phòng triển lãm nghệ thuật ở Ý. Na-pô-lê-ông đã không quên bản thân ông ta cũng như các tướng lĩnh của ông ta: sau chiến dịch ấy, khi trở về họ đều giàu có.

Tuy nhiên, trong khi bóc lột nước Ý thậm tệ như vậy, Na-pô-lê-ông nhận thấy rằng, theo ý ông ta tuy người Ý rất khiếp nhược nhưng chẳng có lý do gì khiến họ yêu mến người Pháp (họ phải nuôi dưỡng quân đội Pháp thường trực trên đất nước họ), và rồi có thể một ngày kia họ sẽ chẳng còn kiên trì nhẫn nhục được nữa. Vì vậy đe dọa khung bố bằng vũ lực là biện pháp hành động chủ yếu đối với người Ý để buộc họ tuân theo ý muốn của kẻ đi chinh phục.

Bô-na-pác còn muốn ở lại Ý, nhưng sau hòa ước Cam-pô Phoóc-mi-ô, Viện Đốc chính đã rất khéo léo song cố thiết triệu Bô-na-pác về Pa-ri và bổ nhiệm là Tổng chỉ huy đội quân sẽ đi đánh nước Anh.

Đã từ lâu, Bô-na-pác cảm thấy Viện Đốc chính đã bắt đầu sợ mình. "Họ ganh ghét tôi, tôi biết, mặc dầu họ xu nịnh tôi. Nhưng họ sẽ không thể làm rối trí tôi được. Họ vội vã bổ nhiệm tôi làm tướng đạo quân đi đánh nước Anh để rút tôi ra khỏi nước Ý, nơi mà tôi làm vua nhiều hơn là làm tướng". Na-pô-lê-ông đã nhận xét việc bổ nhiệm của mình như vậy qua những lời trao đổi tâm sự riêng tư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2016, 08:21:56 am »


Ngày 7 tháng 12 năm 1797, Bô-na-pác có mặt ở Pa-ri, tại đó, ngày mồng 10, toàn thể Viện Đốc chính mở cuộc tiếp đón long trọng Bô-na-pác ở điện Lúc-xăm-bua: Quần chúng đông nghịt đứng vây quanh cung điện, hò reo, vỗ tay như sấm dậy khi Bô-na-pác tới nơi. Đối với bài diễn văn của Ba-ra, vị đốc chính thứ nhất, cũng như của các đồng sự của Ba-ra, của bộ trưởng bộ Ngoại giao Tan-lây-răng, con người thông minh nhưng vụ lợi, có tài phán đoán về tương lai hơn ai hết, vì những nhân vật khác trong chính phủ, cùng những lời hoan hô của đông đảo quần chúng trên quảng trường, viên tướng 28 tuổi đó đều tiếp nhận với một vẻ hoàn toàn bình thản, như đó là một việc tất nhiên và không hề làm cho Bô-na-pác ngạc nhiên. Trong thâm tâm, không bao giờ Bô-na-pác quý trọng những biếu thị nhiệt tình của quần chúng nhân dân. "Chà! Nếu tôi phải lên máy chém, hẳn họ cũng sẽ nô nức kéo đến đông như thế này trên con đường tôi đi", sau những đợt sóng hoan hô ấy, Bô-na-pác đã nói như vậy (tất nhiên không nói công khai).

Vừa về tới Pa-ri, Bô-na-pác đã cố sức làm cho Viện Đốc chính chấp nhận kế hoạch một cuộc đại chiến mới: với tư cách là người tướng được chỉ định để tiến hành những cuộc hành binh chống nước Anh, Bô-na-pác nhận định rằng có thể uy hiếp nước Anh, từ phía Ai Cập, như vậy sẽ dễ thắng lợi hơn là từ biển Măng-sơ, vì Măng-sơ hạm đội Anh mạnh hơn hạm đội Pháp. Bởi vậy, Bô-na-pác đề nghị chiếm Ai Cập để xây dựng ở phương Đông những cứ điểm tiếp cận và những căn cứ quân sự nhằm uy hiếp nền thống trị của Anh ở Ấn Độ.

Mùa hạ năm 1798, ở châu Âu, khi biết được tin ấy, nhiều người tự hỏi không hiểu sao Bô-na-pác có điên không, vì đến tận lúc đó kế hoạch mới và sự bàn bạc của Bô-na-pác trong các phiên họp của Viện Đốc chính vào mùa xuân năm ấy vẫn còn giữ rất bí mật.

Nhưng, cái mà bọn dông dài ngốc nghếch đứng tít đằng xa ngắm nghía cho là một sự phiêu lưu kỳ cục thì thực tế lại liên quan mật thiết đến nguyện vọng đã ấp ủ từ lâu của giai cấp tư sản cách mạng Pháp, cũng như của giai cấp tư sản nước Pháp trước cách mạng. Kế hoạch của Bô-na-pác đã được chấp thuận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:39:18 pm »


CHƯƠNG BA
CUỘC XÂM CHIẾM AI CẬP VÀ CHIẾN DỊCH XI-RI 1798-1799

I

Trong sự nghiệp lịch sử của Na-pô-lê-ông, cuộc viễn chinh Ai Cập - cuộc chiến tranh lớn thứ hai của ông ta - giữ một vai trò đặc biệt, và trong lịch sử xâm chiếm thuộc địa của Pháp, mưu đồ đó cũng chiếm một địa vị hoàn toàn đặc biệt.

Giai cấp tư sản ở Mác-xây và ở khắp miền nam nước Pháp có những quan hệ rất rộng rãi và rất có lợi lộc cho nền thương mại và kỹ nghệ Pháp với các nước ở vùng Cận Đông, nói một cách khác, với các hải cảng của bán đảo Ban-căng, với nước Xi-ri, Ai Cập, với các đảo ở phía đông Địa Trung Hải và Ác-si-pen. Cũng đã từ lâu, các tầng lớp tư sản Pháp nói trên mong mỏi nước Pháp củng cố được địa vị chính trị ở các nước có nhiều nguồn lợi đó, nhưng lại rất lộn xộn về tổ chức chính sự; cho nên việc buôn bán ở đó thường xuyên cần đến sự bảo hộ và uy thế của quân đội. Vào cuối thể kỷ XVIII, những tài nguyên giàu có của Xi-ri và Ai Cập đã được rất nhiều người miêu tả một cách quyến rũ; nếu biến những nơi đó thành thuộc địa và lập ở đó những đại lý thương mại thì sẽ thu được những nguồn lợi to lớn. Những nhà ngoại giao Pháp từ lâu đã nhòm ngó các nước Cận Đông ấy. Những nước ấy là một bộ phận đất đai của hoàng đế Công-xtăng-ti-nốp và nằm trong lãnh thổ của triều đình Ốt-tô-man (hồi ấy người ta gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ như vậy), nhưng sự tổ chức bảo vệ những đất đai ấy của Thổ Nhĩ Kỳ hình như quá yếu ớt. Đã từ lâu, trong các giới cầm quyền Pháp, người ta nhìn xứ Ai Cập, với địa thế nằm giữa Địa Trung Hải và Hồng Hải, như một căn cứ mà từ đó có thể uy hiếp được các đối thủ về kinh tế và chính trị ở Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a. Trong thời của mình, nhà triết học nổi tiếng Lai-bnít đã đệ lên vua Lu-i thứ XIV một bản tâu trình, trong đó Lai-bnít khuyên nên chiếm Ai Cập để có thể phá được vị trí của người Hà Lan ở khắp phương Đông. Vào cuối thế kỷ XVIII, không phải người Hà Lan là kẻ thù chính của nước Pháp nữa mà là người Anh; do tất cả những điều vừa nói trên đây nên những nhà chính trị Pháp không hề coi Bô-na-pác là một người điên khi ông ta đề nghị đánh Ai Cập và họ cũng không hề lấy làm ngạc nhiên khi thấy Tan-lây-răng, bộ trưởng bộ Ngoại giao của họ, mình người vốn lạnh lùng, thận trọng, dè dặt và hoài nghi lại đã ủng hộ kế hoạch đó một cách kiên quyết nhất.

Vừa mới làm chủ Vơ-ni-dơ, Bô-na-pác đã ra lệnh cho một trong những tướng lĩnh của mình đánh chiếm lấy các đảo I-ô-niêng, Bô-na-pác nói rằng việc chiếm lấy các đảo ấy là một kế hoạch phụ trợ để chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm Ai Cập. Chúng tôi có nhiều chứng cớ cụ thể cho phép khẳng định rằng trong suốt chiến dịch nước Ý lần thứ nhất, Bô-na-pác đã luôn luôn nghĩ đến Ai Cập. Tháng 8 năm 1797, từ bản doanh chiến dịch, Bô-na-pác viết về cho Pa-ri: "Chẳng mấy nữa mà chúng ta sẽ nhận thấy rằng muốn thực sự tịêu diệt được nước Anh tất phải đánh chiếm Ai Cập". Trong suốt thời gian chiến tranh ở Ý, lúc rỗi, Bô-na-pác vẫn tiếp tục ngốn ngấu đọc như thường lệ, nhất là dò tìm và đọc sách của Von-nây viết về Ai Cập, cũng như rất nhiều tác phẩm khác nói về vấn đề ấy. Bô-na-pác tha thiết với việc chinh phục các đảo I-ô-niêng đến mức đã viết về cho Viện Đốc chính rằng nếu phải lựa chọn thì thà từ bỏ nước Ý còn hơn là từ bỏ các đảo đó. Đồng thời, ngay trước khi ký xong hòa ước với người Áo, Bô-na-pác đã cố tình khuyên nên đánh chiếm đảo Man-tơ. Đối với Bô-na-pác, tất cả những căn cứ hải đảo ở Địa Trung Hải đều cần thiết để tổ chức cuộc tiến công sang Ai Cập sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:40:03 pm »


Sau hòa ước Cam-pô và Phoóc-mi-ô, khi đã tạm thời giải quyết xong với nước Áo thì nước Anh là kẻ thù chính. Bô-na-pác đã cố hết sức thuyết phục Viện Đốc chính cấp cho ông ta một hạm đội và một đạo quân để đi chinh phục Ai Cập. Phương Đông luôn luôn hấp dẫn Bô-na-pác. Và vào thời kỳ này của đời mình, tâm trí Bô-na-pác bị A-lếch-xan Ma-xê-đoan xâm chiếm nhiều hơn là Xê-da hay Sác-lơ-man-nhơ hoặc bất cứ vị anh hùng nào khác của lịch sử. Sau đó ít lâu, trên sa mạc ở Ai Cập, với giọng nửa đùa cợt, Bô-na-pác nói với các chiến hữu của ông ta rằng đáng tiếc là mình "đã ra đời quá muộn" và đã không được sống vào thời kỳ mà "A-lếch-xăng sau khi chinh phục được châu Á, đã tự xưng với nhân dân là con Trời và được tất cả phương Đông tin như vậy". Rồi Bô-na-pác nghiêm trang nói tiếp: "Châu Âu là một cái hang chuột, chưa bao giờ ở châu Âu có những đế quốc vĩ đại như ở phương Đông".

Những xu hướng thầm kín đó của Bô-na-pác hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thời bấy giờ và với lợi ích sự nghiệp của Bô-na-pác. Thực tế là từ cái đêm không ngủ ấy ở nước Ý, Bô-na-pác đã quyết định không muốn chỉ chiến thắng duy nhất vì Viện Đốc chính nữa, mà Bô-na-pác nhằm đạt đến quyền lực tối cao. "Tôi không biết phục tùng nữa rồi". Trong thời gian đàm phán hòa bình với Áo, Bô-na-pác đã công khai tuyên bố như vậy ở tổng hành dinh của mình khi nhận được những chỉ thị từ Pa-ri gửi tới làm ông ta bực mình. Nhưng lật đổ Viện Đốc chính ngay lúc bấy giờ thì chưa thể làm được. Tình hình chưa chín muồi, và nếu Na-pô-lê-ông đã không biết phục tùng nữa thì ông ta cũng còn biết chờ thời cơ thuận lợi. Viện Đốc chính chưa mất hết tín nhiệm và Bô-na-pác còn chưa đủ trở thành đứa con cưng và thần tượng của toàn thể quân đội, mặc dầu Bô-na-pác đã có thể hoàn toàn tin cậy vào những sư đoàn mà ông ta đã chỉ huy ở Ý. Nhưng sử dụng thế nào cho tốt thời gian chờ đợi, còn cách nào hơn là dùng nó vào những cuộc chinh phục mới, những chiến công mới, rực rỡ trên đất nước của các vị Pha-ra-ông, trên xứ sở của kim tự tháp theo tấm gương của A-lếch-xăng Ma-xê-đoan, và đe dọa nước Anh đáng ghét kia trên đất Ấn Độ của họ.

Trong trường hợp này, sự giúp đỡ của Tan-lây-răng đối với Bô-na-pác thật vô cùng cần thiết. Trong hàng loạt vấn đề ấy, Tan-lây-răng "không tin tưởng sắt đá" lắm, nhưng Tan-lây-răng thấy rõ ràng là có khả năng thành lập ở Ai Cập một thuộc địa Pháp giàu có và phồn vinh, có lợi về mặt kinh tế, Tan-lây-răng đã báo cáo vấn đề này lên Viện Hàn lâm khoa học, ngay cả trước khi biết ý đồ Bô-na-pác. Kẻ quý tộc cơ hội chủ nghĩa chui vào chính phủ cộng hòa ấy chẳng qua cũng chỉ là nhân cơ hội đó mà phát biểu những nguyện vọng của cái giai cấp quan tâm đặc biệt đến việc buôn bán với vùng Cận Đông, là những thương gia Pháp. Thêm vào đó là Tan-lây-răng mong được Bô-na-pác, nhìn y bằng con mắt thiện cảm, vì nhìn vào Bô-na-pác, con mắt tin đời của nhà ngoại giao ấy đã đoán trước được đó sẽ là người tương lai của nước Pháp và người nhất định sẽ bóp chết được phái Gia-cô-banh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:40:34 pm »


Nhưng Bô-na-pác và Tan-lây-răng đã không phải khó khăn nhiều để thuyết phục Viện Đốc chính cho binh lính, tiền bạc tàu bè dùng vào cuộc xâm chiếm xa xôi và nguy hiểm đó. Trước hết (và lại là điều quan trọng hơn cả), vì những lý do chung về kinh tế và những lý do riêng về chính trị và quân sự, Viện Đốc chính cũng đã nhìn thấy lợi ích và ý nghĩa của cuộc xâm chiếm này, và sau nữa (điều này chẳng quan trọng gì) vì một vài người trong số các vị đốc chính, như Ba-ra chẳng hạn, thật ra có thể cho rằng cuộc viễn chinh xa xôi và nguy hiểm ấy có cái lợi chính vì nó xa xôi và nguy hiểm... Việc Bô-na-pác đột nhiên nổi danh vang lừng đã làm cho họ lo lắng từ lâu; Viện Đốc chính rõ hơn ai hết việc Bô-na-pác "không biết phục tùng nữa". Na-pô-lê-ông chẳng đã ký hòa ước Cam-pô Phoóc-mi-ô theo ý riêng của ông không đếm xỉa đến một số ý kiến mà Viện Đốc chính đã phát biểu rõ ràng đó sao? Trong buổi đón tiếp long trọng Na-pô-lê-ông ngày 10 tháng 12 năm 1797, ông đã không xử sự như một "chiến sĩ" trẻ tuổi tiếp nhận những lời khen ngợi của tổ quốc với một tấm lòng cảm động và biết ơn, mà lại làm như một vị hoàng đế La Mã được các Thượng nghị viện tôi tớ nghênh đón trong cuộc lễ khải toàn tổ chức sau một trận chiến thắng: thái độ lầm lì, lạnh lùng gần như cau có, ông ta đã nhận tất cả những vinh dự ấy như một việc tất nhiên phải thế và nghĩa vụ buộc phải thế đối với ông ta.

Tóm lại, tất cả những cử chỉ, thái độ của Na-pô-nê-ông làm người ta phải nghĩ ngợi lo âu. Vậy thì cứ để Bô-na-pác đi Ai Cập, nếu trở về được thì tốt bằng không, Ba-ra và mấy đồng sự của ông ta đành sẵn sàng chịu đựng cái tổn thất ấy vậy. Ngày 5 tháng 3 năm 1798, cuộc viễn chinh được quyết định và Bô-na-pác được cử làm tổng chỉ huy.

Với một tinh thần khẩn trương gấp rút, Bô-na-pác tức khắc bắt tay vào việc chuẩn bị chuyến đi, kiểm tra tàu bè, lựa chọn binh lính. Tài năng của Na-pô-lê-ông đã biểu hiện rõ hơn cả thời kỳ đầu của cuộc viễn chinh sang Ý. Na-pô-lê-ông tiến hành những công việc rất to lớn và rất khó khăn, đồng thời cũng chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhưng không bao giờ chìm ngập vào đó, ông vừa nhìn cả cây vừa nhìn cả rừng, hay có thể nói từng cái cành trong từng cái cây một. Vừa kiểm tra bờ biển và hạm đội, vừa thành lập đoàn quân viễn chinh vừa chăm chú theo dõi tình hình diễn biến chính trị trên thế giới và tất cả những tin tức nói về hoạt động của hạm đội Nen-xơn là hạm đội có thể đánh đắm hạm đội Pháp trong khi đi ngang qua, và, trong khi chờ đợi, hạm đội ấy đang đi đi lại lại nhìn ngó vào bờ biển nước Pháp. Bô-na-pác lựa chọn rất cẩn thận trong số những binh lính đã chiến đấu dưới quyền mình với Ý. Ông biết tường tận cá nhân của rất nhiều binh sĩ. Về sau này, trí nhớ khác thường của Bô-na-pác luôn luôn làm cho những người xung quanh hết sức ngạc nhiên. Ông biết rõ anh lính này chiến đấu dũng cảm và kiên quyết, nhưng lại hay  uống  rượu, anh lính kia thì thông minh và tháo vát nhưng lại chóng mệt vì mắc bệnh sa đì. Về sau này, mỗi khi cần đến, Bô-na-pác đã biết lựa chọn đúng và tốt từ tướng soái đến các hạ sĩ quan và những người lính thường. Để đi viễn chinh ở Ai Cập, để làm chiến tranh dưới trời nắng như thiêu đốt, 50 độ hay cao hơn, để vượt qua sa mạc mênh mông, cát nóng bỏng không nước và không bóng mát, cần có những binh lính dẻo dai chịu đựng được mọi gian khó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2016, 10:41:08 pm »


Ngày 19 tháng 5 năm 1798, công việc chuẩn bị đã xong xuôi, hạm đội Bô-na-pác rời khỏi Tu-lông. 350 chiếc tàu lớn nhỏ và một đoàn thuyền, trên chở một đạo quan 30.000 người cùng với pháo binh, phải vượt qua gần hết Địa Trung Hải, vừa phải tránh hạm đội Nen-xơn, cái hạm đội tất sẽ bắn phá và đánh chìm được hạm đội của Bô-na-pác nếu gặp nhau.

Toàn châu Âu biết rằng có một cuộc viễn chinh bằng đường biển đang được chuẩn bị. Nước Anh biết rõ là tại khắp các hải cảng miền nam nước Pháp người ta đang hoạt động dữ dội, quân đội không ngớt cuồn cuộn kéo đến và tướng Bô-na-pác là người đứng đầu cuộc viễn chinh, điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của nó. Nhưng nó sẽ nhằm cái đích nào đây? Bô-na-pác đã rất khéo léo đi vòng qua Tây Ban Nha để đổ bộ lên Ai-len. Tin này bay đến tai Nen-Xơn và đã đánh lừa được Nen-Xơn. Nen-xơn phục kích Na-pô-lê-ông ở những vùng lân cận Gi-bran-ta, trong khi đó hạm đội Pháp, rời khỏi hải cảng, tiến thẳng về phía Đông, đến đảo Man-tơ.

Từ thế kỷ thứ XVI, đảo Man-tơ thuộc "dòng họ kỵ sĩ". Khi vừa cập bến, tướng Bô-na-pác buộc đảo này phải đầu hàng; đảo đã quy phục và Bô-na-pác tuyên bố đó là đất thuộc nước cộng hòa Pháp. Sau vài ngày đậu lại đảo, chiến thuyền của Bô-na-pác lại giương buồm đi về phía Ai Cập. Tính đến Man-tơ là đã được gần nửa đường; Bô-na-pác tới Man-tơ ngày 10 tháng 6 và rời đi ngày 19. Được thuận gió, Bô-na-pác cùng đại quân cập bến Ai Cập ở gần A-lếch-xăng-đri ngày 30 tháng 6; Bô-na-pác lập tức đổ bộ.

Tình thế lúc đó thật nguy hiểm: vừa đến A-lếch-xăng-đri thì Bô-na-pác được tin trước đó đúng 48 giờ, một hạm đội Anh đã cập bến này và hỏi tin tức về Bô-na-pác (dĩ nhiên người ta không biết gì hết). Về phía Nen-xơn, sau khi hay tin quân Pháp đã lấy được Man-tơ và biết ra rằng mình bị Bô-na-pác đánh lừa, ông ta liền gấp rút tiến về phía Ai Cập để ngăn chặn quân Pháp đổ bộ và để đánh chìm họ ngay ngoài biển. Nhưng sự hấp tấp của Nen-xơn và cuộc hành quân quá nhanh của hạm đội Anh đã phản lại Nen-Xơn, vì sau khi biết đích xác là Bô-na-pác đã rời Man-tơ đi Ai Cập, rồi khi đến A-lếch-xăng-đri chẳng hề nghe thấy nói về Bô-na-pác, Nen-xơn bèn quyết đoán nếu quân Pháp không có ở Ai Cập thì chỉ có thể là họ đi Công-xtăng-ti-nốp không còn hướng nào khác nữa. Nen-Xơn lại gấp rút đi về phía Công-xtăng-ti-nốp và thế là ông ta lại lầm lẫn lần nữa.

Một loạt những sự tình cờ và lầm lẫn ấy của Nen-xơn đã cứu thoát đội quân viễn chinh Pháp. Vì bất cứ lúc nào Nen-xơn cũng có thể quay lại được nên cuộc đổ bộ của Bô-na-pác đã được tiến hành một cách khẩn trương nhất, và đêm ngày 2 tháng 7, quân đội Pháp đã ở trên đất liền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2016, 11:14:53 pm »


II

Được trở lại với môi trường của mình là đất liền, cùng với những binh lính trung thành, Bô-na-pác không còn sợ gì nữa. Ông lập tức tiến quân về A-lêch-xăng-đri (Bô-na-pác đã đổ bộ lên Ma-ra-bu, một làng dân chài, cách thành phố vài ki-lô-mét).

Ai Cập được coi là một thuộc quốc của triều đình Thổ, nhưng quyền hành ở đó thực tế thuộc về bọn sĩ quan cao cấp ma-mơ-lúc1, một đội kỵ binh được trang bị rất đầy đủ và cấp chỉ huy của bọn chiếm cứ những đất đai màu mỡ ở Ai Cập. Giới quý tộc phong kiến quân phiệt ấy phải triều cống cho vua Thổ Nhĩ Kỳ ở Công-xtăng-ti-nốp và tuy công nhận quyền lực tối cao của vua Thổ nhưng thực tế rất ít phục tùng vua Thổ.

Người Ả Rập, thành phần dân tộc cơ bản của xứ này, hoặc buôn bán (trong số đó có những thương gia khá giả và cũng có người giàu có), hoặc làm nghề thủ công, hoặc vận chuyển bằng lạc đà, hoặc làm nghề nông. Dân tộc Cốp-tơ, tàn tích của những bộ lạc cũ trước khi có cuộc xâm chiếm của người Ả Rập, là những người bị áp bức và cực khổ nhất. Người ta thường gọi là "phen lát" (dân cày). Nhưng đối với những dân cày nguồn gốc Ả Rập, lâm vào những cảnh túng cùng cực khổ, người ta cũng gọi như vậy. Họ là những công nhân nông nghệp, những người làm mướn, những người chăn dắt lạc đà và một số buôn bán vặt ở các chợ.

Mặc dầu nước đó được coi là thuộc vua Thổ, nhưng khi tới xâm chiếm, Bô-na-pác đã không ngừng tuyên bố rằng không muốn chiến tranh với vua Thổ - người mà Bô-na-pác muốn chung sống trong hòa bình và hữu nghị bền vững nhất - Bô-na-pác đến đây chỉ để giải phóng cho người Ả Rập (ông ta không nói đến người Cốp-tơ) khỏi ách áp chế của bọn Ma-mơ-lúc là bọn đã bóc lột và hành hạ dân chúng quá tàn bạo. Và khi Bô-na-pác tiến về phía A-lêch-xăng-đri, hạ được thành sau một trận chiến đấu nhỏ trong vài giờ, và khi đã vào được cái thành phố rộng lớn và khá trù phú đó vào thời kỳ bấy giờ thì Bô-na-pác đã vừa bám lấy luận điệu tuyên truyền ấy vừa nhắc đi nhắc lại rằng mình đến đây chỉ để tiêu diệt cái ách của bọn Ma-mơ-lúc, và đặt ngay nền thống trị của Pháp ở xứ ấỵ. Bằng đủ mọi giọng lưỡi, ông ta bảo đảm với người Ả Rập là tôn trọng đạo Hồi và kinh thánh của họ, nhưng khuyên nhủ họ phải quy phục hoàn toàn và đe dọa sẽ dùng đến những biện pháp nghiêm khắc.

Sau vài ngày ở A-lếch-xăng-đri, Bô-na-pác tiến về phía nam và đi sâu vào sa mạc. Quân đội bị thiếu nước, dân cư các làng hoảng hốt rời bỏ nhà cửa và khi chạy trốn đã đầu độc và làm bẩn các giếng nước. Quân Ma-mơ-lúc vừa đánh vừa rút lui từ từ, thỉnh thoảng lại quấy quân Pháp, rồi lẩn trốn mất trên lưng những con ngựa quý của họ.
_______________________________________
1.  Ma-mơ-lúc (Mameluch): đội quân Thổ-Ai Cập gồm những người nô lệ sau này trở thành đội quân làm chủ xứ Ai Cập (1200-1517). Trong trận Pia-ra-mit (1789) quân đội này bị Na-pô-lê-ông đánh bại, đến năm 1811 bị Mô-ha-mét A-li tiêu diệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2016, 11:15:55 pm »


Ngày 20 tháng 7 năm 1798, khi nhìn thấy Kim tự tháp, Bô-na-pác cuối cùng đã gặp chủ lực quân Ma-mơ-lúc. Trước khi khởi chiến, Na-pô-lê-ông đã nói với quân đội mình: "Hỡi các binh sĩ! Từ trên đỉnh cao của Kim tự tháp này, 4.000 năm lịch sử đang quan chiêm các người chiến thắng!".

Cuộc chiến đấu đã diễn ra ở quãng giữa làng Em-ba-bết và Kim tự tháp. Quân Ma-mơ-lúc, hoàn toàn bị đánh bại, đã chạy trổn về phía nam, bỏ lại một phần pháo binh (40 khẩu pháo). Mấy nghìn xác chết phủ kín chiến trường.

Ngay sau thắng lợi này, Na-pô-lê-ông tiến vào Cai-rô, thành phố thứ hai trong số các thành phố lớn của Ai Cập. Dân chúng sợ hãi lặng lẽ đón tiếp kẻ chiến thắng: những người dân ấy không bao giờ nghe nói đến Bô-na-pác và ngay cả lúc đó cũng chẳng hề biết Bô-na-pác là ai, tại sao lại đến đây và đánh nhau với ai.

Ở Cai-rô trù phú hơn cả A-lếch-xăng-đri, Bô-na-pác đã lấy được rất nhiều lương thực. Quân đội đã được nghỉ ngơi sau những chặng đường vất vả. Quả thật là Bô-na-pac đã bực mình khi thấy nhân dân quá sợ hãi và trong một bản công bố đặc biệt, được dịch ra tiếng địa phương, tướng Bô-na-pác hô hào mọi người hãy yên tâm. Nhưng, cùng lúc ấy, Bô-na-pác lại hạ lệnh đi cướp phá và đốt làng An-cam, cách Cai-rô không xa, để trừng phạt vì bị nghi là đã ám sát vài tên lính Pháp, do đó dân Ả Rập chỉ càng sợ hãi thêm.

Trong những trường hợp như vậy, không bao giờ Na-pô-lê-ông do dự khi hạ lệnh, dù là ở Ý, ở Ai Cập hay ở bất kỳ nơi nào mà sau này Na-pô-lê-ông tiến hành chiến tranh, và cái đường lối chính trị đó đã được ông ta tính toán rất kỹ: phải làm cho quân lính thấy được rằng người chỉ huy của họ đã thi hành những hình phạt kinh khủng thế nào với bất kỳ kẻ nào dám đụng đến một người Pháp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM