Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:02:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94074 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 08:41:55 pm »


Sau hai ngày pháo kích ác liệt, ngày 17 tháng 12, 7.000 quân cộng hòa xung phong đánh chiếm các pháo đài, nhưng đã bị đánh lui sau một trận kịch chiến. Nhưng Bô-na-pác đã kịp thời đến tiếp ứng cùng với một đội quân dự bị và nhờ vậy đã quyết định thắng lợi. Ngày hôm sau, tất cả những kẻ được quân Anh thỏa thuận cho rút xuống tàu bắt đầu lũ lượt chạy trốn khỏi thành phố. Thành Tu-lông đầu hàng không điều kiện, quân đội cộng hòa tiến vào thành phố. Hạm đội Anh đã rút được ra khỏi.

Sau trận chiến thắng này, tướng Đuy-tin báo cáo về Bộ Chiến tranh ở Pa-ri rằng, ông ta không đủ chữ để nói hết công trạng của Bô-na-pác. Ông ta nói về Bô-na-pác rằng đó là người vừa tài giỏi vừa thông minh và còn là người có thừa những đặc tính cần có. Đuy-tin còn nói thêm rằng những cái đó chỉ mới mô tả được phần nào người sĩ quan hiếm có ấy. Đuy-tin nhiệt liệt tiến cử Bô-na-pác với bộ trưởng và đề nghị trọng dụng Bô-na-pác vì lợi ích của nền Cộng hòa. Trong hàng ngũ quân đội ở Tu-lông, vai trò quan trọng của Bô-na-pác trong việc bố trí các khẩu pháo, tài chỉ huy cuộc vây thành và trận pháo hỏa cũng như biết tiến công vào lúc quyết định đã được tất cả mọi người công nhận.

Chiến công ấy, trận đánh đầu tiên mà Na-pô-lê-ông chỉ huy và thu được thắng lợi, diễn ra ngày 17 tháng 12 năm 1793. Từ ngày đánh chiếm thành Tu-lông đến ngày 18 tháng 6 năm 1815, ngày mà hoàng đế thua trận rút khỏi chiến trường Oa-téc-lô đầy xác chết, là một sự nghiệp lâu dài và đẫm máu, kéo dài trong suốt 22 năm trời (có những lúc gián đoạn). Và sự nghiệp đó đã được nghiên cứu cẩn thận trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc ở châu Âu, và những bài học của nó, cho đến tận bây giờ, vẫn còn là đối tượng của một sự nghiên cứu có hệ thống.

Trong suốt đời mình, Na-pô-lê-ông đã đánh cả thảy 60 trận lớn, nhỏ (nhiều hơn cả tổng số những trận của A-lếch-xan Ma-mê-đoan, An-ni-ban, Xê-da và Xu-vô-rốp cộng lại) và số quân đã tham gia vào các trận đánh đó còn đông gấp bội so với số quân trong các cuộc chiến tranh của các vị tiền bối về nghệ thuật quân sự của Na-pô-lê-ông. So với con số những trận đánh khổng lồ đã quyết định sự nghiệp của Na-pô-lê-ông thì chiến thắng Tu-lông thật quá tầm thường, song mặc dầu thế, chiến thắng Tu-lông vẫn mãi mãi chiếm một vị trí đặc biệt trong thiên anh hùng ca Na-pô-lê-ông. Nó đã làm cho mọi người lần đầu tiên chú ý tới Na-pô-lê-ông. Ủy ban cứu quốc rất mực hài lòng về việc đã thanh toán được bọn phản bội Tu-lông và đã tống cổ được người Anh ra khỏi bờ biển.

Chiều hướng của tình hình báo trước triển vọng thanh toán nhanh chóng được hoạt động phản cách mạng của bọn bảo hoàng ở khắp miền Nam nước Pháp. Xưa nay Tu-lông vẫn được coi như một pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm, đến nỗi khi Tu-lông thất thủ rồi mà nhiều kẻ vẫn không tin và cũng không tin rằng một gã vô danh tên là Bô-na-pác lại đã có thể đánh chiếm được thành. May mắn cho Na-pô-lê-ông là trong hàng ngũ những người vây thành có một người còn nhiều thế lực hơn Xa-li-xét-ti, đó là Ô-guy-xtanh Rô-be-xpi-e, em trai của Mắc-xi-mi-liêng, cũng dự trận đánh thành và đã tường thuật trong một bản báo cáo gửi về Pa-ri. Kết quả là lập tức Na-pô-lê-ông Bô-na-pác được phong chức thiếu tướng, quyết định ký ngày 14 tháng 1 năm 1794. Lúc đó Na-pô-lê-ông 24 tuổi. Bước đi đầu tiên đã thành đạt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:42:05 pm »


III

Việc Na-pô-lê-ông hạ thành Tu-lông xảy ra vào thời kỳ mà phái "Núi" đang thống trị hoàn toàn Hội nghị Quốc Ước1, vào lúc mà phái Gia-cô-banh đang có ảnh hưởng rất lớn ở thủ đô và các tỉnh vào lúc mà nền chuyên chính vô địch của cách mạng, trong cuộc đấu tranh quyết liệt của mình, đã chiến thắng được thù trong giặc ngoài và đã đập tan được những cuộc phiến loạn của bọn bảo hoàng, bọn Gi-rông-đanh và bọn thầy tu ngoan cố.

Trong cuộc nội chiến ác liệt này, Na-pô-lê-ông Bô-na-pác không thể không thấy cần phải chọn một con đường giữa nền cộng hòa và nền quân chủ: nền cộng hòa sẽ có thể cho ông ta tất cả và nền quân chủ ắt sẽ tước tất cả và sẽ không tha thứ cho ông ta việc chiếm thành Tu-lông, cũng như việc ông ta vừa mới cho xuất bản cuốn sách Bữa ăn tối ở Pô-ke, trong đó Na-pô-lê-ông đã vạch rõ cho các thành phố nổi loạn ở miền nam hiểu rằng tình thế của họ thật là tuyệt vọng. Mùa xuân và đầu mùa hạ, các ủy viên Hội nghị Quốc ước ở miền nam (đặc biệt có Rô-be-xpi-e em, chịu ảnh hưởng trực tiếp của Bô-na-pác) chuẩn bị xâm chiếm xứ Pi-ê-mông và miền Bắc nước Ý, để từ đó đe dọa nước Áo. Ủy ban cứu quốc lưỡng lự, Các-nô lúc đó phản đối kế hoạch ấy. Bô-na-pác tin rằng dùng Ô-guy-xtanh Rô-be-xpi-e làm trung gian thì có thể thực hiện được ước mơ của mình: được tham gia việc chinh phục nước Ý. Chính phủ Pháp lúc này chưa làm quen với tư tưởng cho rằng muốn chống lại sự can thiệp của châu Âu phản cách mạng thì không phải là phòng ngự, mà phải trực tiếp tiến công vào châu Âu và điều đó xem chừng quá táo bạo. Do đó, năm 1794, Na-pô-lê-ông không thực hiện được kế hoạch của mình. Một biến cố chính trị xảy ra bất ngờ đối với Na-pô-lê-ông, đã đảo lộn cả tình thế.

Để được đích thân trình bày kế hoạch tiến công nước Ý trước anh mình và trước ủy ban Cứu quốc, Rô-be-xpi-e em đi Pa-ri. Lúc đó đã vào đầu mùa hè, cần phải giải quyết vấn đề. Sau khi đi Giên để hoàn thành một nhiệm vụ mật có liên quan đến cuộc viễn chinh nói trên, Bô-na-pác về Ni-xơ. Chợt một tin bất ngờ từ Pa-ri bay tới, bất ngờ không những đối với tỉnh Ni-xơ xa xôi ở miền nam mà còn ngay cả đối với chính Pa-ri nữa: tin hết sức lạ lùng đó là ngày 9 Tháng Nóng2, ngay giữa buổi họp của Hội nghị Quốc ước, Mac-xi-mi-liêng, Xanh Giuýt, Cu-tông, và sau này cả đồng đảng của họ, đều bị bắt giữ. Ngày hôm sau, tất cả những người ấy đều bị đưa lên máy chém, không cần xét xử gì vì chính phủ đã tuyên bố một cách vô điều kiện rằng họ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Lập tức người ta tiến hành lùng bắt trong khắp nước Pháp những ai có hoặc coi như có liên hệ mật thiết nhất với những nhà lãnh đạo chính của chế độ đã bị đánh đổ. Sau khi Ô-guy-xtanh Rô-be-xpi-e bị hành hình, tướng Bô-na-pác liền ở vào tình trạng bị đe dọa. Không đầy hai tuần lễ, sau ngày 9 Tháng Nóng (27 tháng 7), Na-pô-lê-ông bị bắt (10 tháng 8 năm 1794) và bị áp giải về thành Ăng-túp. Sau 14 ngày bị giam giữ, Bô-na-pác được tha: lục soát các giấy tờ của Bô-na-pác, người ta đã không tìm thấy một bằng cớ gì để truy tố Bô-na-pác.
___________________________________
1.  Hội nghị Quốc Ước (La Convention): hội đồng cách mạng lập năm 1792, thay thế cho Hội nghị lập pháp, phế bỏ vua Lu-i XVI, tuyên bố Đệ nhất cộng hòa và cai trị nước Pháp đến năm 1795 (26 tháng 10). Trưóc biến cố ngày 9 Tháng Nóng. Hội nghị này phân ra làm ba phái: phái Gi-rông-đanh, phái "Núi", phái "Đồng bằng", sở dĩ có những tên gọi này vì trong hội trường, phái Gia-cô-banh ngồi ở những hàng ghế cao nhất, được gọi là phái "Núi". Ở những hàng ghế thấp hơn là phái Gi-rông-đanh đại diện cho tư sản công thương nghiệp. Ở những hàng ghế thấp hơn nữa là những phần tử lừng chừng, không thuộc đảng phái nào, gồm ba phần tư số đại biểu trong Hội nghị. Họ ngả về phe nào mạnh nhất, lúc đầu họ theo phái Gi-rông-đanh, về sau theo phái Gia-cô-banh. Người ta gọi họ là phái "Đồng bằng" hay "Đồng lầy" để chế giễu lập trường bấp bênh, nghiêng ngửa của họ.
2.  Theo lịch Cộng hòa Pháp đặt ra ngày 24 tháng 11 năm 1793 thì mỗi năm bắt đầu từ ngày 22 tháng 9 và chia ra 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, cộng thêm năm ngày phụ dùng vào các ngày lễ Cộng hòa. 12 tháng ấy lấy tên như sau: Tháng Hái nho (Vendemisire), Tháng Sương mù (Brumaire), Tháng Băng giá (Frimaire), Tháng Tuyết (Nivôse), Tháng Mưa (Pluviôse), Tháng Gió (Ventôse), Tháng Nảy mầm (Germinal), Tháng Hoa (Floréa), Tháng Đồng cỏ (Prairial), Tháng Gặt (Messidor), Tháng Nóng (Thermidor), Tháng Quả (Fructidor).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:43:08 pm »


Trong suốt thời gian khủng bố của bọn đảo chính, người ta thấy rất nhiều người có quan hệ ít nhiều với Rô-be-xpi-e hoặc những người thuộc phái Rô-be-xpi-e bị sát hại; còn Bô-na-pác thì có thể tự lấy làm vui sưóng rằng mình đã thoát khỏi lưỡi máy chém. Chỉ biết rằng vừa bước ra khỏi nhà giam, Bô-na-pác đã lập tức nhận thấy rằng thời thế đã thay đổi và sự nghiệp của mình vừa mới bắt đầu thuận lợi nhường ấy mà nay đã dừng lại. Những kẻ mới lên còn tình nghi Bô-na-pác, vả lại, họ cũng chưa biết rõ Bô-na-pác lắm. Cuộc vây hãm thành Tu-lông chưa đem lại cho Bô-na-pác một tiếng tăm lớn về mặt quân sự. "Bô-na-pác à? Bô-na-pác là ai nhỉ? Đã làm việc ở đâu? Không ai biết hắn cả?" Đó là lời phản ứng của bố viên trung uý trẻ tuổi Giuy-nô, khi Giuy-nô báo cho bố biết tướng Bô-na-pác muốn chọn mình làm sĩ quan phụ tá. Chiến công Tu-lông đã bị quên mất rồi, hoặc dẫu sao thì nó cũng không còn được đánh giá cao như lúc đầu nữa.

Một chuyện không vui khác lại xảy ra. Đột nhiên ủy ban Cứu quốc Tháng Nóng chỉ thị cho Bô-na-pác phải đến Văng-đê dẹp bọn phiến loạn và khi đến Pa-ri, tướng Bô-na-pác được biết người ta giao cho chỉ huy một lữ đoàn bộ binh trong khi Bô-na-pác chuyên về pháo binh và không muốn phục vụ ở bộ binh. Sau một hồi tranh luận gay gắt với O-bri, một uỷ viên của ủy ban, Na-pô-lê-ông xin từ chức.

Na-pô-lê-ông lại lâm vào thời kỳ túng thiếu mới. Viên tướng 25 tuổi này, về vườn và bất bình với cấp trên, không một nguồn sống, đã buồn bã sống ở Pa-ri qua mùa đông gay go năm 1794-1795 và sang xuân lại còn túng đói gay go hơn nữa. Dường như mọi người đã quên Na-pô-lê-ông. Cuối cùng, tháng 8 năm 1795, Na-pô-lê-ông được bổ nhiệm làm thiếu tướng pháo binh ở phòng Đồ bản của ủy ban Cứu quốc. Phòng Đồ bản này là nét điển hình độc đáo đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu do Các-nô, trên thực tế là người tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang cộng hòa, xây dựng. Ở đấy, Na-pô-lê-ông vẫn say mê đọc sách và tự học, đi thăm vườn cây nổi tiếng ở Pa-ri, thăm Nhà Thiên văn và đã chăm chỉ theo học lớp thiên văn của La-lăng-đơ.

Lương bổng của Na-pô-lê-ông ít ỏi, thỉnh thoảng khi nào muốn ăn sáng, Na-pô-lê-ông chỉ còn có cách là đến thăm gia đình Péc-nô, vì gia đình này rất quý mến Na-pô-lê-ông. Nhưng, suốt trong thời gian cơ cực đó, không bao giờ Na-pô-lê-ông hối hận về việc đã xin từ chức, cũng không hề nghĩ đến việc quay trở lại phục vụ bộ binh, có lẽ vì muốn đạt được việc đó thì chỉ còn cách cầu xin quỵ luỵ. Nhưng dịp may lại đến với Na-pô-lê-ông: chính thể cộng hòa lại cần đến Na-pô-lê-ông để chống lại cũng với những kẻ thù như hồi ở Tu-lông.

Năm 1795 là một trong những bước ngoặt của lịch sử cách mạng Pháp. Cuộc cách mạng tư sản, đã lật đổ chế độ phong kiến và chuyên chế, sau biến cố ngày 29 Tháng Nóng đã tự làm mất vũ khí sắc bén nhất của mình là nền chuyên chính Gia-cô-banh, và khi đã nắm được chính quyền, khi đã đi vào con đường phản động, giai cấp tư sản lưỡng lự, đi tìm những phương sách và những hình thức mới thích hợp với sự giữ vững nền thống trị của nó. Suốt mùa đông năm 1794-1795 và mùa xuân năm 1795, sức phản động của giai cấp tư sản đã mạnh mẽ và táo tợn gấp bội hồi cuối mùa hạ cùng năm đó, tức là ngay khi vừa thủ tiêu nền chuyên chính Gia-cô-banh; và đến mùa xuân năm 1795 thì cánh hữu trong Hội nghị Quốc ước lại còn nói năng và hành động tự do, trắng trợn gấp bội hồi mùa thu năm 1794. Đồng thời, trong cái năm đói kém kinh khủng ấy, đã diễn ra hai cảnh hết sức trái ngược: ở các vùng ngoại ô, thợ thuyền chết đói, các bà mẹ phải tự kết liễu cuộc đời mình sau khi đã dìm xuống nước hoặc đâm chết tất cả đàn con của họ, còn ở trong những "khu vực trung tâm" là cảnh sống đầy hoan lạc của giai cấp tư sản: một bầy nhung nhúc những tên tài chủ, những tên đầu cơ, những tên buôn chứng khoán, những tên ăn cắp của công, lớn bé đủ hạng - ngóc đầu vênh vang đắc thắng sau khi Rô-be-xpi-e bị chết - miệt mài trong đời sống xa hoa, dâm dật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:45:01 pm »


Hai cuộc bạo động của thợ thuyền nổ ra từ các vùng ngoại ô và công khai chống lại Hội nghị Quốc ước Tháng Nóng, nhiều cuộc biểu tình vũ trang thị uy, và hai lần chuyển thành tiến công trực tiếp vào Hội nghị Quốc ước ngày 12 Tháng Nảy mầm (1 tháng 4) và ngày 1 Tháng Đồng cỏ (20 tháng 5) đều bị thất bại. Tiếp sau việc tước vũ khí vùng ngoại ô Xanh Ăng-toan là cuộc trấn áp khủng khiếp hồi Tháng Đồng cỏ đã làm cho đông đảo quần chúng lớp dưới ở Pa-ri không thể thống nhất hành động được trong suốt một thời gian dài. Sau hết, việc kích động khủng bố trắng như vậy đã không tránh khỏi làm sống lại trong lòng giai cấp tư sản quân chủ "cũ" và giai cấp quý tộc những niềm hy vọng hình như đã bị tiêu tan: bọn bảo hoàng ngỡ rằng thời cơ của chúng đã đến. Nhưng chúng đã tính lầm. Sau khi dập tắt phong trào của quảng đại quần chúng, giai cấp tư sản đã không tước vũ khí của các khu thợ thuyền ở ngoại ô, vì như vậy sẽ tạo điều kiện thắng lợi cho kẻ đang âm mưu lên ngôi vua nước Pháp, đó là bá tước xứ Prô-văng, em trai vua Lu-i XVI đã chết trên máy chém. Giai cấp hữu sản Pháp có quan tâm gì đến chính thể cộng hòa, nhưng họ lại quan tâm nhiều đến cái mà cuộc cách mạng tư sản đã mang lại cho họ. Bọn bảo hoàng không muốn hiểu và cũng không thể hiểu những việc đã xảy ra vào những năm 1789-1795, không muốn và không thể hiểu được rằng chế độ phong kiến đã sụp đổ và không bao giờ trở lại nữa, rằng kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản đã mở ra, rằng cuộc cách mạng tư sản đă đào khoét một vực sâu không thể vượt qua được giữa thời kỳ cũ và thời kỳ mới của lịch sử nước Pháp, và những tư tưởng phục hưng của bọn chúng là rất xa lạ đối với đại đa số trong giai cấp tư sản thành thị và nông thôn.

Những lời đòi trừng phạt nghiêm khắc những người đã tham gia cách mạng không ngớt nổi lên trong những nơi tụ hạ của bọn xuất dương có thế lực ở Luân Đôn, ở Cô-blăng, ở Mi-tô, ở Hăm-bua, ở Rôm. Sau vụ bạo động Tháng Đồng cỏ và những tiếng nổ hung ác của khủng bố trắng, chúng nhắc lại với một niềm hân hoan đầy ác ý rằng "bọn kẻ cướp Pa-ri" đã bắt đầu chém giết lẫn nhau kịch liệt và rồi nhất định phái bảo hoàng sẽ chụp đánh bọn họ để nhanh chóng treo cổ tất cả bọn họ - bọn Tháng Nóng và bọn "Núi" còn sót lại. Cái âm mưu ngu muội toan kéo lùi bước đi của lịch sử đã làm thui chột mọi ước mộng và đã dẫn mưu đồ của bọn bảo hoàng đến thất bại. Công bằng mà nói, người ta có thể kết tội và coi tất cả bọn Gia-liêng, Phrê-rông, Buốc-đông, Boát-xy Đăng-glát, Ba-ra - những kẻ đã lật đổ nền chuyên chính Gia-cô-banh và ngày 9 Tháng Nóng và đã đàn áp cuộc bạo động đáng sợ của "những người không quần chẽn"1 vào bốn ngày đầu Tháng Đồng cỏ - là những kẻ gian manh, những con thú vật ích kỷ, những tên tàn bạo hung ác, những quân vô sỉ, nhưng đứng trước bọn bảo hoàng họ đã tỏ ra không khiếp nhược. Khi được Uy-liêm Pít tích cực giúp đỡ, bọn bảo hoàng đã vội vã tổ chức cho bọn quý tộc lưu vong đổ bộ vào Quy-brông; không một chút do dự, những người lãnh đạo Hội nghị Quốc ước Tháng Nóng đã lập tức phái tướng Hô-sơ cầm đầu một đội quân đến dẹp, và sau khi các lực lượng đổ bộ là hoàn toàn tan rã, họ đã ra lệnh bắn ngay tại trận 750 tên bảo hoàng bị bắt làm tù binh.
____________________________________
1. Những người không quần chẽn (les sans-culottes): năm 1792, những người cách mạng Pháp không mặc quần chẽn và thay thế bằng quần dài ống và ống rộng, bọn quý tộc bèn gọi họ là những người không quần chẽn; đồng thời danh từ ấy cũng có nghĩa là những người cách mạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:47:24 pm »


Ngay sau lần thất bại này, bọn bảo hoàng vẫn chưa cho thế là hết hy vọng. Cho nên chưa đầy hai tháng sau, bọn chúng lại nổi dậy và lần này thì ở ngay tại Pa-ri. Lúc đó vào cuối tháng 9, sang đầu tháng 10 năm 1795, theo lịch cách mạng thì vào thượng tuần Tháng Hái nho năm thứ IV.

Tình hình như sau: Hội nghị Quốc ước đã thảo xong hiến pháp mới. Theo hiển pháp đó thì năm viên đốc chính sẽ đứng đầu quyền hành chính, còn quyền lập pháp thì tập trung vào hai viện: Hạ nghị viện1 và Thượng nghị viện2. Hội nghị Quốc ước chuẩn bị cho thi hành bản hiến pháp này và tự giải tán, nhưng nhận thấy rằng ý nguyện quay về chế độ quân chủ ngày càng biểu hiện rõ ở các tầng lớp trên của giai cấp "cựu" tư sản và lo rằng bọn bảo hoàng xảo quyệt sẽ khôn khéo lợi dụng tình trạng tư tưởng ấy để kéo thêm đông vây cánh của chúng vào Hạ nghị viện để có lợi trong những cuộc bầu cử. Do đó, trong những ngày cuối cùng của Hội nghị Quốc ước, nhóm lãnh đạo những người Tháng Nóng, đứng đầu là Ba-ra, đã đưa ra hai bản sắc lệnh quy định hai phần ba số đại biểu của Hạ nghị viện và của Thượng nghị viện đều bắt buộc phải lấy trong số những đại biểu hiện nay của Hội nghị Quốc ước, còn một phần ba thì tùy ý cử tri lựa chọn.

Lần này, ở Pa-ri, bọn bảo hoàng không còn đơn độc nữa, chúng cũng không đứng đầu cả trong việc chuẩn bị cũng như trong khi thực hiện âm mưu. Vì vậy, vào Tháng Hái nho, Hội nghị Quốc ước lâm vào tình thế đặc biệt nguy khốn. Một bộ phận khá quan trọng của bọn quý tộc tài chính và giai cấp đại tư sản của các "khu vực giàu có", như người ta gọi, nghĩa là của các khu vực trung tâm của Pa-ri đã phản đối những sắc lệnh vũ đoán đó, những sắc lệnh đã được ban hành với mục đích rõ rệt và công nhiên là duy trì và kéo dài vô tận sự thống trị của phe đa số hiện thời ở trong Hội đồng Quốc ước. Rõ ràng là bọn chúng đã âm mưu hoạt động nhằm gạt giũ hoàn toàn bộ phận những người Tháng Nóng hiện nay đã là trở ngại cho quan điểm hữu khuynh mạnh mẽ của những tầng lớp khá giả nhất ở thành thị cũng như ở nông thôn. Trong những khu vực trung tâm của Pa-ri đột nhiên nổi lên chống lại Hội nghị Quốc ước vào tháng 10 năm 1795, cố nhiên là không thấy có nhiều những tên bảo hoàng tiêu biểu, những tên bảo hoàng chính cống mơ ước dòng họ Buốc-bông3 quay trở lại ngay, nhưng tất cả chúng đều mừng quýnh khi nhìn chiều hướng của phong trào này, và đã hào hứng phỏng đoán cảnh kết thúc của các biến cố.  Bọn "Cộng hòa bảo thủ" của giai cấp tư sản Pa-ri đang dọn đường cho việc trung hưng chế độ quân chủ, vì dưới con mắt chúng, bản thân Hội nghị Quốc ước Tháng Nóng xem ra đã quá cách mạng. Và ngay từ ngày 7 Tháng Hái nho (29 tháng 9), khi bắt đầu nhận được những tin tức khẩn cấp về khuynh hướng của các trung tâm Pa-ri, Hội nghị Quốc ước đã nhìn thấy nguy cơ hiện ra trước mắt. Như vậy, trong thực tế, Hội nghị Quốc ước sẽ dựa vào đâu trong cuộc đấu tranh mới này để giữ lấy chính quyền? Sau cuộc đàn áp dữ dội các vùng ngoại ô thợ thuyền cách đấy gần bốn tháng, sau một tháng tròn bắn giết, tàn sát những người cách mạng Gia-cô-banh, sau vụ tước vũ khí toàn bộ những vùng ngoại ô thợ thuyền một cách tàn nhẫn nhất, thì tất nhiên rằng Hội nghị Quốc ước không thể trông mong vào sự giúp đỡ tích cực của đông đảo quần chúng được.
____________________________________
1.  Hạ nghị viện: gồm 500 đại biểu, nên còn gọi là Viện 500. Cùng với Thượng nghị viện, Hạ nghị viện là cơ quan lập pháp do Hiến pháp năm thứ III quy định.
2.  Thượng nghị viện: gồm 250 đại biểu, có nhiệm vụ thông qua những pháp luật do Hạ nghị viện khởi thảo.
3.  Buốc-bông (Bourbon): dòng họ vua Pháp trị vì từ cuối thế kỷ XVI đến cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và sau cách mạng (trong suốt những năm 1814-1830) với Lu-i XVIII và Sác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:48:07 pm »


Lúc này, thợ thuyền Pa-ri đã thấy ở trong các ủy ban của Hội nghị Quốc ước và ngay sau bản thân cái Hội nghị Quốc ước có rất nhiều kẻ thù tàn ác nhất của họ. Thợ quyền lực của hai phần ba ủy viên của cái Hội nghị Quốc ước ấy trong Hạ nghị viện sau này. Và ngay bản thân Hội nghị Quốc ước cũng không thể nghĩ tới việc kêu gọi sự giúp đỡ của quần chúng lao động thủ đô đang căm ghét mình và chính mình cũng đang sợ họ. Chỉ còn có quân đội, nhưng về phía này, tình hình cũng không được tốt lắm. Thật ra, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, binh lính cũng không do dự bắn vào bọn lưu vong, cái lũ phản bội đáng ghê tởm, và bắn vào bạn bè lũ bảo hoàng và quân đội của chúng ở bất kỳ nơi nào mà họ bắt gặp, trong rừng Noóc-măng, trên cồn cát ở Văng-đê, trên bán đảo Quy-brông, ở Bỉ, ở biên giới Đức. Nhưng trước hết, phong trào Tháng Hái nho đã không nêu khẩu hiệu: trung hưng dòng họ Buốc-lông, mà ngoài mặt lại kêu gọi đấu tranh vì nguyên tắc chủ quyền của nhân dân đã bị những sắc lệnh của Hội nghị Quốc ước vi phạm và vì quyền tự do bầu cử những đại biểu chân chính của nhân dân, và sau nữa nếu binh lính là những người cộng hòa triệt để, chỉ có thể bị đánh lừa vì những khẩu hiệu xảo quyệt của phong trào Tháng Hái nho, thì về phía các tướng lĩnh sự tình lại càng xấu hơn. Chỉ cần nêu thí dụ tướng Mơ-nu, người chỉ huy quân đội đóng ở Pa-ri. Liệu Mơ-nu có thích lính tập kích chiếm đóng ngoại ô Xanh Ăng-toan, đóng quân khắp nơi trong thành phố và đưa lên máy chém hàng loạt công nhân? Hắn dám làm và hắn đã làm, và tối ngày 4 Tháng Đồng cỏ, sau khi đã chiến thắng được công nhân, quân của Mơ-nu, kèn trống đi đầu, diễu qua các khu trung tâm của thủ đô, và khi "công chúng lịch sự" đứng đầy đường nhiệt liệt hoan hô Mơ-nu và ban tham mưu của hắn, thì quả là đã có một sự tâm đầu ý hợp hoàn toàn giữa những kẻ đi tung hô và kẻ được tung hô. Chiều tối ngày 4 Tháng Đồng cỏ, Mơ-nu có thể tự thấy mình là kẻ đại diện của các giai cấp hữu sản, giai cấp đã chiến thắng đông đảo quần chúng, là kẻ đứng đầu những kẻ no nê chống lại những người đói khát. Đối với Mơ-nu, đó là một việc rõ ràng, dễ hiểu và thú vị. Nhưng bây giờ đây, vào Tháng Hái nho, Mơ-nu sẽ lấy danh nghĩa gì mà bắn vào cũng vẫn cái đám người lịch sự ấy, bọn người vừa mới đây đã nhiệt liệt hoan hô hắn và một đồng một cốt với hắn? Nếu hỏi giữa Mơ-nu và Hội nghị Quốc ước Tháng Nóng có cái gì khác nhau, thì cái khác chính là ở chỗ viên tướng này cực kỳ khuynh hữu và phản động hơn cả những người Tháng Nóng phản động nhất. Các khu vực trung tâm đòi quyền tự do bầu một nghị viện bảo thủ hơn Hội nghị Quốc ước nhiều, vì thế mà tướng Mơ-nu không muốn bắn vào bọn bảo hoàng.

Trong đêm 12 Tháng Hái nho (4 tháng 10), các thủ lĩnh của phái Tháng Nóng đã nghe thấy vang lên từ phía những tiếng reo hò mừng rỡ: các đoàn người biểu tình, hân hoan náo nhiệt, tung ra khắp thành phố cái tin: Hội nghị Quốc ước đã từ chối chiến đấu; cuộc chiến đấu trong đường phố có thể tránh được; những sắc lệnh đã được bãi bỏ và sẽ được tự do tuyển cử. Về tin ấy, người ta chỉ đưa ra được một chứng cớ độc nhất sau đây nhưng rất xác thực và không thể chối cãi được: viên chỉ huy các lực lượng vũ trang của một trong những khu trung ương (khu Lơ-pen-lơ-ti-e) là tên Đờ La-lô nào đó đã đến gặp tướng Mơ-nu và Mơ-nu đã ưng thuận đình chiến với bọn phản động. Quân đội đã rút về doanh trại và thành phố đã rơi vào tay bọn phiến loạn.

Nhưng những nỗi cuồng vui ấy quá sớm, Hội nghị Quốc ước đã quyết định chiến đấu; tướng Mơ-nu bị cách chức và bị bắt ngay đêm 13 Tháng Hái nho. Tiếp đó, Hội nghị Quốc ước cử Ba-ra, một trong những nhân vật chính của phái Tháng Nóng, lên thay Mơ-nu chỉ huy các lực lượng vũ trang Pa-ri. Cần phải hành động ngay đêm đó vì khi được tin Mơ-nu bị cách chức và bị bắt, và sau khi biết rằng Hội nghị Quốc ước nhất định chiến đấu, các khu nổi loạn đã bắt đầu không do dự và tức tốc tụ tập trên những đường phố gần Hội nghị Quốc ước để sáng hôm sau chiến đấu. Tên thủ lĩnh của bọn nổi loạn là Ri-se-đơ Xê-ri-đi-a và ngay cả một số đông uỷ viên của Hội nghị Quốc ước đều cho rằng thắng lợi chắc chắn sẽ ngả về phía chúng. Nhưng bọn chúng đã tính lầm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:48:47 pm »


Những người đương thời thấy Ba-ra là hiện thân của những thói xấu rất khác nhau và những dục vọng đê tiện nhất. Là một kẻ hưởng lạc, ăn hối lộ, sa đọa, cơ hội, xảo quyệt và vô đạo đức, Ba-ra hơn hẳn những người Tháng Nóng về đầu óc vụ lợi (và điều đó không phải là chuyện dễ). Nhưng Ba-ra không phải là một kẻ hèn nhát. Dưới mắt của con người có trí thông minh sắc sảo ấy, ngay từ buổi đầu Tháng Hái nho, Ba-ra đã thấy rõ là phong trào mới chớm nở ấy có thể đưa nước Pháp tới sự phục hưng dòng họ Buốc-bông và điều đó đối với Ba-ra là một sự đe dọa trực tiếp. Những người quý tộc đi theo cách mạng như Ba-ra đều biết rất rõ mối căm hờn sâu cay của bọn bảo hoàng đối với những kẻ đã phản bội giai cấp.

Vậy nên không thể chậm trễ được, trong vài tiếng nữa là phải giao chiến ngay. Nhưng Ba-ra không phải là nhà quân sự. Cần phải bổ nhiệm ngay một người tướng và ngẫu nhiên Ba-ra đã nghĩ tới người thanh niên gầy còm vận chiếc áo khoác ngoài màu xám đã mất tuyết, người mà trong những ngày gần đây đã nhiều lần đến gặp Ba-ra để xin nghỉ việc. Tất cả những điều mà Ba-ra biết về con người đó chỉ vẻn vẹn có thế này: một viên tướng thôi việc, nổi danh trong trận vây thành Tu-lông, nhưng ngay sau đó gặp một vài việc rắc rối và sống thiếu thốn vất vưởng ở thủ đô với đồng lương quá ít ỏi. Ba-ra hạ lệnh cho đi tìm chàng thanh niên đó và dẫn về cho mình. Bô-na-pác tới và đã được hỏi ngay xem có muốn đi quét sạch cuộc bạo động không. Bô-na-pác xin ít phút để suy nghĩ. Không mất nhiều thời gian để suy nghĩ xem việc bảo vệ quyền lợi của Hội nghị Quốc ước đối với mình có gì là chống đối về nguyên tắc không, Bô-na-pác đã nhanh chóng nhận lời với điều kiện duy nhất là không ai được can thiệp vào những quyết định của mình. Bô-na-pác nói: "Tôi đã tuốt kiếm ra thì nó chỉ được tra vào vỏ khi nào trật tự đã được lập lại, dù phải trả bằng bất cứ giá nào".

Tức thì Bô-na-pác được bổ nhiệm là phó cho Ba-ra; sau khi tìm hiểu thình hình, Bô-na-pác đã nhận rõ được lực lượng của bọn nổi loạn và mối nguy cơ khủng khiếp đang đe dọa Hội nghị Quốc ước. Nhưng Bô-na-pác đã có một kế hoạch hành động rất rõ rệt và dựa vào việc sử dụng pháo binh một cách quyết liệt. Sau này, khi mọi việc đã xong xuôi, Bô-na-pác có nói với bạn là Duy-nô (sau này là tướng và là công tước A-bơ-ét) một câu trong đó Bô-na-pác quy kết rằng: thắng lợi là do sự bất tài về chiến lược của bọn nổi loạn. Bô-na-pác nói thêm: "Nếu lúc ấy để Bô-na-pác chỉ huy thì Bô-na-pác đã đánh tan Hội nghị Quốc ước rồi". Từ tảng sáng, Bô-na-pác đã điều pháo đến bố trí ở lân cận điện Tuy-lơ-ri.

Ngày lịch sử 13 Tháng Hái nho đã bắt đầu như vậy; đối với cuộc đời của Bô-na-pác ngày ấy đã giữ được một vai trò quan trọng hơn hẳn cả chiến công đầu tiên của Bô-na-pác là việc hạ thành Tu-lông. Bọn nổi loạn tiến về Hội nghị Quốc ước và pháo binh của Bô-na-pác đã gầm lên chống lại bọn chúng. Cuộc tàn sát diễn ra đặc biệt kinh khủng ở tiền đình và nhà thờ Thánh Rốc, nơi tập trung đội dự bị của bọn nổi loạn. Lẽ ra ban đêm, bọn nổi loạn có thể cướp được pháo nhưng chúng đã bỏ lỡ cơ hội. Chúng chống cự bằng súng trường. Đến trưa thì mọi việc xong xuôi. Bỏ lại ở trên vỉa hè vài trăm xác chết và mang những tên bị thương đi theo, bọn nổi loạn bỏ chạy tứ tung và trốn về nhà; tên nào có thể rời khỏi Pa-ra được thì đều đã đi ngay. Tối đến, Ba-ra nhiệt liệt khen ngợi vị tướng trẻ tuổi và đã khẩn khoản xin cho Bô-na-pác được bổ nhiệm là chỉ huy các lực lượng vũ trang đối nội (Ba-ra đã xin từ chức ngay sau khi cuộc bạo động bị thất bại).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:49:37 pm »


Trong chàng thanh niên tư lự và cau có ấy, điểm đặc biệt đã chinh phục được Ba-ra và những nhà lãnh đạo khác là sự bình tĩnh hoàn toàn và tài quyết định nhanh chóng; với những đức tính đó, Bô-na-pác đã dùng một phương thức tác chiến mà cho đến tận lúc đó vẫn ít ai dùng tới, đó là dùng đại bác bắn vào giữa đám đông ở ngay trong thành phố. Về phương pháp đè bẹp những hoạt động ở đường phố ấy thì Bô-na-pác chính là tiền thân chính thống và trực tiếp của Ni-cô-la đệ nhất, vì Ni-cô-la là người đã tái diễn lại chiến công này vào ngày 14 tháng 12 năm 1825, duy chỉ có khác là với bản chất đạo đức giả của mình, Sa hoàng đã tuyên bố rằng ông ta đã hãi hùng toan không dùng biện pháp đó, nhưng những lời khẩn khoản của hoàng tử Vát-xin-xi-cốp đã thắng được đức độ và làng nhân đạo gương mẫu của ông ta. Còn như Bô-na-pác thì không hề nghĩ đến thanh minh hoặc đổ trách nhiệm đó cho người khác. Bọn nổi loạn có trên 24.000 người vũ trang, trong khi đó Bô-na-pác có chưa đầy 6.000 người, nghĩa là bốn lần ít hơn. Ngoài đại bác ra, không còn hy vọng nào khác và Bô-na-pác đã đưa đại bác ra trận. Khi đã không thể tránh được cuộc chiến đấu thì phải đánh thắng bằng bất cứ giá nào. Na-pô-lê-ông đã luôn theo đúng quy tắc ấy một cách tuyệt đối. Na-pô-lê-ông không thích tiêu phí đạn đại bác, nhưng chỗ nào mà đạn giúp ích được thì Na-pô-lê-ông lại không bao giờ dè xẻn chút nào. Ngày 16 Tháng Hái nho, Na-pô-lê-ông đã không tiết kiệm đạn trái phá, bởi vậy, tiền đình nhà thờ Thánh Rốc đã nhầy nhụa một đống thịt nát đẫm máu.

Tính chất kiên quyết triệt để trong chiến đấu là một trong những đặc điểm của Na-pô-lê-ông. Trong Na-pô-lê-ông có hai người, một do lý trí thống trị, một do tình cảm thống trị. Không nên để cho người ta tưởng rằng Na-pô-lê-ông không có một trái tim nhạy cảm như những người khác. Theo Na-pô-lê-ông thì ông ta cũng là người có một tấm lòng khá tốt. Nhưng ngay từ thời niên thiếu, Na-pô-lê-ông đã cố gắng làm cho sợi dây tình cảm ấy trở thành câm lặng và hiện nay thì nó chẳng còn rung lên được một tiếng nào nữa, trong những phút thành khẩn rất hiếm có, Na-pô-lê-ông đã nói như vậy với Rô-đrê, một trong những người được Na-pô-lê-ông ưa mến.

Khi phải tiêu diệt mọi kẻ thù dám táo bạo ngang nhiên khai chiến với Na-pô-lê-ông thì sẽ không bao giờ, tuyệt không bao giờ sợi dây đó còn rung động hoặc bắt đầu rung động ở trong con người Na-pô-lê-ông.

Tầm quan trọng trong lịch sử của việc đè bẹp cuộc phiến loạn Tháng Hái nho là ở chỗ:

- Hy vọng của bọn bảo hoàng đặt vào một cuộc thắng lợi sắp tới và việc dòng họ Buốc-bông quay trở lại đã vấp phải một thất bại mới, nặng nề hơn cả thất bại ở Quy-brông.

- Những tầng lớp trên của giai cấp tư sản thành thị đã tự nhận thấy là đã quá vội vã trong việc trực tiếp cướp lấy chính quyền bằng vũ lực. Ngoài ra, chúng đã quên mất rằng còn có những thành phần trong giai cấp tư sản thành thị và nông thôn đứng về phía nền cộng hòa và vẫn lấy làm lo ngại trước sự bành trướng quá nhanh chóng và quá trơ tráo của bọn phản động. Tên Rít-se-đơ Xê-ri-đi cầm đầu bọn nổi loạn đó là ai? Một tên bảo hoàng. Vậy thì người ta nhìn thấy rõ được rằng những người nông dân có đất, nghĩa là cái khối giai cấp tiểu sử tư sản to lớn ở nông thôn, đã nhìn cuộc bạo động đó bằng con mắt nào? Họ đã coi việc trung hưng dòng họ Buốc-bông là sự sống lại của chế độ phong kiến, cái chế độ sẽ tước lại của họ những mảnh đất vừa mới mua được trong số đất đai tịch thu được của bọn quý tộc xuất dương và trong những tài sản tịch biên của Giáo hội.

- Cuối cùng, chứng minh một lần nữa rằng tính tư tưởng của những chiến dịch chống lại sự trung hưng đã tác động một cách đặc biệt mạnh mẽ vào quân đội và đông đảo quần chúng binh sĩ, những người mà người ta có thể hoàn toàn tin cậy trong cuộc đấu tranh chống tất cả những lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hay cục bộ câu kết với dòng họ Buốc-bông.

Đó là ý nghĩa lịch sử của ngày 13 Tháng Hái nho.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2016, 04:51:08 pm »


Còn đối với bản thân Bô-na-pác thì ngày 13 Tháng Hái nho đã làm cho người ta lần đầu tiên biết đến tên tuổi của Bô-na-pác, không chỉ trong các giới quân sự (tự hồi Tu-lông, Bô-na-pác đã có phần nào nổi danh rồi), mà còn trong mọi tầng lớp xã hội, ngay cả ở những nơi từ trước tới nay chưa bao giờ người ta nghe nói đến Bô-na-pác, Bô-na-pác từ nay được coi như một người rất tài giỏi rất quyền biến, đầy cương nghị và quyết tâm. Những nhà chính trị cướp được chính quyền từ những ngày đầu của Viện Đốc chính1 (nghĩa là từ năm thứ IV Tháng Hái nho), trước hết là Ba-ra, đều rất hâm mộ viên tướng trẻ ấy. Lúc đó, họ cho rằng trong tương lai, nếu còn phải dùng đến lực lượng quân đội để chống lại các cuộc khởi nghĩa của quần chúng, người ta vẫn có thể trông cậy vào Bô-na-pác.

Nhưng Bô-na-pác lại mơ ước khác. Bị các mặt trận ngoài nước hấp dẫn, Bô-na-pác mơ ước được làm chỉ huy một trong những đạo quân của nền Cộng hòa Pháp. Mối quan hệ tốt của Bô-na-pác đối với Ba-ra hình như đã làm cho những mơ ước ấy có thể thực hiện được chứ không như hồi trước Tháng Hái nho, thời mà viên tướng 26 tuổi về vườn này còn phải chạy khắp Pa-ri để xin việc. Chỉ trong một ngày mà tất cả đã đổi thay. Bô-na-pác đã là người chỉ huy đạo quân ở Pa-ri, được viên đốc chính có quyền thế là Ba-ra mến chuộng, và có khả năng được giữ một chức vụ độc lập tại một trong những đạo quân đang tác chiến.

Sau lần tiến chức đột ngột đó ít lâu, Bô-na-pác làm quen với vợ góa của viên tướng bá tước Đờ Bô-hác-ne bị hành hình trong thời kỳ khủng bố, và mê vợ viên tướng đó. Giô-dê-phin hơn Bô-na-pác sáu tuổi, trong đời đã trải qua nhiều cuộc tình duyên lãng mạn và không có những tình cảm đằm thắm đặc biệt với Bô-na-pác. Tất nhiên là những lý do thuộc về vật chất đã thúc đẩy Giô-dê-phin nhiều hơn: Từ ngày 13 Tháng Hái nho, Bô-na-pác đã là một người rất nổi tiếng và đã có một cương vị quan trọng. Còn Bô-na-pác, vì say mê đắm đuối một cách bất ngờ nên đã cầu hôn và cưới Giô-dê-phin ngay. Trước đấy không lâu, Giô-dê-phin đã có những sự đi lại thân mật với Ba-ra và cuộc kết hôn này lại mở rộng hơn nữa cho Bô-na-pác mối quan hệ với những nhân vật có quyền thế nhất trong chính phủ Cộng hòa.

Trong gần 200.000 cuốn sách viết về Na-pô-lê-ông mà nhà thư mục học nổi tiếng Kiếc-đe-xen và các chuyên gia khác đã thống kê, đã có một số lớn nói về những mối quan hệ của Na-pô-lê-ông với Giô-dê-phin và với phụ nữ nói chung. Để giải quyết cho xong dứt vấn đề này, tôi xin nói rằng: dù là Giô-dê-phin, dù là vợ thứ hai của Na-pô-lê-ông là ma-ri Lu-i-dơ nước Áo, hay bà Rê-muy-da, hay cô Gioóc-giơ, hay nữ bá tước Va-lép-xca hay bất cứ một phụ nữ nào khác đã quan hệ mật thiết với Na-pô-lê-ông, không hiểu thấu cái bản chất bất trị, độc đoán, bẳn gắt và đa nghi ấy, đều đã không gây và thậm chí đã không dám gây nên một chút ảnh hưởng cụ thể gì đến Na-pô-lê-ông. Bô-na-pác đã ghét cay ghét đắng bà Xta-en, ngay cả trước khi ý thức chống đối về chính trị của bà đã làm Bô-na-pác nổi khùng; chỉ vì bà ta đã quan tâm đến chính trị và đã có nguyện vọng đi vào học vấn uyên thâm mà Bô-na-pác đã có ác cảm ngay với bà, vì theo ông ta, những cái đó đều là thừa đối với phụ nữ. Vâng lời và khuất phục hoàn toàn là hai đức tính cần thiết của người phụ nữ, không có hai đức tính ấy thì người phụ nữ đối với Na-pô-lê-ông, coi như không có. Vả lại, trong cuộc đời bề bộn rất nhiều công việc, thời gian đã không đủ cho Na-pô-lê-ông nghĩ nhiều đến tình cảm và dành nhiều thời giờ cho những khát vọng của trái tim.

Lần này đã đúng như vậy: lễ cưới tổ chức ngày 9 tháng 3 năm 1796 thì hai hôm sau, ngày 11 tháng 3, Bô-na-pác từ biệt vợ và lên đường đi chinh chiến.

Một chương mới, dài và đẫm máu đã mở ra trong lịch sử châu Âu.
__________________________________
1. Viện Đốc chính (Directoire): Chính phủ chấp chính ở nước Pháp từ năm 1795 đến năm 1799.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2016, 10:37:07 pm »


CHƯƠNG HAI
CHIẾN DỊCH NƯỚC Ý 1796-1797

I

Từ ngày được Ba-ra và nhiều nhân vật quan trọng khác của chế độ tin dùng, nghĩa là sau khi dẹp xong cuộc phiến loạn của bọn quân chủ vào ngày 13 Tháng Hái nho, Bô-na-pác cố gắng thuyết phục những nhân vật ấy về sự cần thiết phải ngăn ngừa một cuộc liên minh mới của các cường quốc chống lại nước Pháp, phải mở một cuộc tiến công vào nước Áo và đồng minh của Áo là nước Ý, và muốn thế, phải xâm chiếm miền bắc nước Ý. Thật ra, đó không phải là một khối liên minh mới mà vẫn là khối liên minh cũ thành lập từ năm 1792, và năm 1795, nước Phổ đã rút khỏi khối liên minh ấy sau khi đã ký một hòa ước riêng với nước Pháp ở Ban-lô, Nhưng vẫn còn lại các nước Áo, Anh, Nga, vương quốc Xác-đe-nhơ, vương quốc Hai Xi-xin và một số các quốc gia Đức (Vua-tem-be, Ba-vi-e, Ba-dơ, v.v.). Vì toàn thể châu Âu lúc bấy giờ có thái độ thù địch với Viện Đốc chính, nên Viện Đốc chính cho rằng chiến trường chính của chiến dịch sắp tới, vào mùa xuân và mùa hạ năm 1796, phải là miền tây và tây-nam nước Đức và qua những miền đó, người Pháp sẽ cố gắng tiến vào những vùng thực sự là đất Áo. Viện Đốc chính đã chuẩn bị cho chiến dịch này những đội quan tinh nhuệ nhất do những nhà chiến lược lỗi lạc nhất chỉ huy, đứng đầu là tướng tổng chỉ huy Mo-rô. Đối với đạo quân này, người ta không tiếc một thứ gì, trang bị của nó được tổ chức thật tuyệt vời và chính phủ Pháp tin cậy trước nhất vào nó.

Đối với những đề nghị khẩn khoản của tướng Bô-na-pác về việc xâm chiếm miền Bắc nước Ý bằng con đường từ các tỉnh Pháp giáp phía nam, Viện Đốc chính tỏ ra không tán thành mấy kế hoạch đó.

Nhưng dầu sao người ta cũng phải nhận rằng như vậy sẽ có tác dụng nghi binh, buộc triều đình Viên phải phân tán lực lượng và không chú ý tới chiến trường chính của cuộc chiến tranh sắp diễn ra. Để đạt mục đích ấy, người ta đã quyết định dùng mấy chục nghìn quân đóng ở phía nam làm cho quân Áo và đồng minh của Áo, vua Xác-đe-nhơ, phải lo lắng. Khi đặt ra vấn đề ai sẽ là chỉ huy trưởng ở mặt trận thứ yếu đó, thì Các-nô (không phải là Ba-ra như bấy lâu người ta vẫn khẳng định) chỉ định Bô-na-pác. Những vị đốc chính đều đồng ý ngay, vì các vị tướng có tiếng tăm nhất và có địa vị nhất chẳng ai màng đến chức trách đó. Quyết định bổ nhiệm Bô-na-pác làm chỉ huy trưởng đạo quân đi đánh nước Ý ký ngày 23 tháng 2 năm 1796 và ngày 11 tháng 3, vị tướng tổng chỉ huy mới đi nhận nhiệm vụ.

Trong lịch sử của Na-pô-lê-ông, cuộc chiến tranh đầu tiên này, do Na-pô-lê-ông điều khiển, bao giờ cũng vẫn chói lọi. Năm 1796, tên tuổi của Na-pô-lê-ông đã bay đi khắp châu Âu, để rồi từ đó không bao giờ rời vũ đài lịch sử nữa. "Gã này còn đi xa, đã đến lúc cần phải chặn hắn lại", đó là lời của Xu-vô-rốp nói vào giữa lúc chiến dịch nước Ý của Bô-na-pác đang diễn ra ác liệt. Xu-vô-rốp đã là một trong những người đầu tiên phát hiện cơn dông tố làm cho châu Âu phải điêu đứng trong một thời gian rất dài vì những sấm sét của nó.

Tới đơn vị, qua kiểm tra, Bô-na-pác biết ngay tại sao những viên tướng có thế lực nhất của nền Cộng hòa Pháp lại tỏ ra không thiết tha gì lắm với chức chỉ huy này. Quân đội ở vào tình trạng đến nỗi trông không khác gì một đám đói rách. Chưa bao giờ người ta thấy cái tệ bóc lột và ăn hối lộ dưới đủ mọi hình thức lại hoành hành quá dữ dội như vậy và điều đó cũng chưa bao giờ thấy xảy ra trong ngành hậu cần Pháp trong những năm cuối cùng của Hội nghị Quốc ước Tháng Nóng và dưới thời của Viện Đốc chính. Đúng là Pa-ri cung cấp rất ít cho đạo quân này, nhưng ngay "cái ít đó" cũng lại bị tham ô một cách nhanh chóng và trắng trợn. Người ta không biết 43.000 quân đóng ở Ni-xơ hoặc ở những vùng lân cận đã ăn và mặc ra sao. Vừa mới đến, Bô-na-pác đã báo cáo là ngày hôm trước có một tiểu đoàn không chấp hành lệnh di chuyển vì không ai có giày. Đạo quân bị bỏ quên và bị bỏ rơi không những bị suy nhược về thể chất lại còn đèo thêm cả một sự lỏng lẻo về kỷ luật. Binh lính chẳng còn ngờ vực gì nữa, chính mặt họ đã trông thấy ở chỗ nào cũng có tệ ăn cắp gây ra cho họ biết bao đau khổ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM