Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:29:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đánh thắng B.52  (Đọc 21341 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 12:26:27 pm »

       Sự sống và cái chết vốn từ lâu đã trở thành một dấu hỏi gay gắt đối với bao thế hệ. Đôi khi, chỉ vì không vượt qua được ranh giới đó, mà con người trở nên thấp hèn. Chính ở đây, qua thử thách của bom đạn, giữa cái sống và cái chết, phẩm chất của con người được sàng lọc một cách chính xác nhất, rõ rệt nhất. Đối với đồng bào và chiến sĩ Vĩnh Linh, sống và chết đã trở thành vấn đề đơn giản. Sống để chiến đấu góp sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chết hoàn thành nhiệm vụ vì Đảng, vì dân. Chính vì vậy mà xung quanh cái sống và cái chết ở Vĩnh Linh đã có biết bao chuyện cảm động. Tôi đã được chứng kiến nhiều lần việc bố trí chỗ ngủ trong một gia đình. Người nằm trên cũng nhất định phải là người già, để có chết thì cũng chẳng có điều gì phải ân hận. Thứ đến là những người còn trẻ. Và các em thiếu nhi được bố trí vào những căn hầm chắc chắn nhất. Nếu có bộ đội, thì bộ đội trở thành đối tượng được ưu tiên nhất. Đặc biệt đối với bộ đội tên lửa đánh B-52 thì sự ưu tiên này là dứt khoát, rõ ràng, không thể nào từ chối được. Những ngày đầu mới vào, các đồng chí ở khu đội Vĩnh Linh đã nhường nhay, nhường hoàn toàn cả sở chỉ huy được xây bằng xi-măng cốt thép cho trung đoàn 238. Khi được hỏi, các đồng chí sẽ chuyển đi đâu, các đồng chí trả lời: "Không phải lo cho chúng tôi mà các đồng chí hãy lo làm sao bắn rơi cho được B-52".

        Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vĩnh Linh, đặc biệt là cán bộ và anh chị em công nhân nông trường QUyết Thắng đã dành cho bộ đội tên lửa chúng tôi tất cả những gì có thể có được của mình để phục vụ cho bộ đội tên lửa đánh thắng. Biết bộ đội sống gian khổ, thiếu thốn, mà thành phần chắc thủ lại phải có sức khỏe để "tinh mắt, nhanh tay" lái đạn bắn trúng B.52, đồng bào đã giành những quả trứng hiếm hoi, những con gà sống sót dưới bom đạn bán cho bộ đội với giá quy định của Nhà nước. Thực ra, nếu bán với giá đắt gấp năm, mười lần, chiến sĩ 238 cũng mua hết. Có chiến sĩ đã phát biểu, nếu cần dùng cả tháng phụ cấp để mua một mớ rau ăn một bữa cho đỡ thèm cũng mua. Nhưng làm gì có rau để mua. Trồng được cây rau nào, đồng bào thường dành để gửi ủng hộ các đồng chí ốm, các đồng chí thương binh nặng, nếu còn dư dật chút ít thì gửi biếu "các chú trắc thủ đánh B.52".

        Đoàn công tác B của chúng tôi đến Vĩnh Long vào đúng thời gian địch tăng cường đánh phá ác liệt mảnh đất địa đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chúng huy động mọi phương tiện giết người hiện đại mà chúng có trong tay: pháo bầy từ ngoài biển, pháo nòng dài từ bờ nam, đủ các loại F, và đặc biệt là B.52, chúng đã sử dụng với cỡ một chiến dịch lớn. Trong hai tháng 8 và 9, riêng xã Vĩnh Thủy, cách xã Vĩnh Chấp nơi tôi ở không xa, địch đã hơn 30 lần cho B.52 ra đánh phá với tổng số hơn 400 chiếc. Căn hầm tôi ở tuy đã được đào sâu xuống lòng đất đến bốn mét, bên trên có nắp bằng những cây gỗ khá lớn, lại thêm một lớp đất dày, vẫn thỉnh thoảng lại rung lên bần bật bởi nhữing trận B.52 cày xới xung quanh. Cố một lần bom B.52 chụp đúng lên toàn bộ khu sở chỉ huy nhưng như anh em thường nói vui sau mỗi lần giũ bụi đứng dậy: "Chúng ta vẫn tồn tại, chúng ta là những người chiến thắng". Thiệt hại lớn nhất trong lần đó là một đàn bò hơn 30 con hầu như bị xóa sổ. Nhưng loài vật này sống có ích mà chết cũng có ích. Chúng tôi được địa phương phân phối cho một số lượng thịt bò đáng kể, phải đến hơn một tuần mới ăn hết.

        Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt với ý đồ rõ rệt là ngăn chặn sự chuẩn bị của ta, tiểu đoàn 84 vẫn phải khẩn trương hoàn thành việc triển khai trận địa. Nói là tiểu đoàn 84, nhưng thực ra toàn bộ lực lượng của trung đoàn 238 có mặt ở Vĩnh Linh lúc đó đều dốc sức vào nhiệm vụ trung tâm số một này. Không phải chỉ có trung đoàn mà cả công trường Quyết Thắng, cả khu vực Vĩnh Linh đều tập trung chuẩn bị cho trận đánh B.52 đầu tiên.

        Một hôm tôi nghe đồng chí Lê Đức Khuê báo cáo:

        - Đại đội công binh Việt Bắc đã hành quân đến khu tây, đề nghị cho trực thuộc vào 84 luôn.

        Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

        - Việt Bắc nào? Sao lại là Việt Bắc?

        Thực ra cái tên Việt Bắc chẳng có gì xa lạ, chỉ hơi lạ là cái tên ấy xuất hiện ở đây, trong thời điểm này. Hỏi kỹ mới biết đúng là Việt Bắc thật, Việt Bắc căn cứ địa của cách mạng, của kháng chiến chống Pháp. Mõi tiểu đoàn tên lửa vào Khu 4 đều được biên chế một một đại đội công binh chuyên làm  công tác công sự, ngụy trang. Quân chủng không có đủ lực lượng. Thế là các nơi trong toàn quân gửi đến, trong đó có một đại đội của Quân khu Việt Bắc. Đại đội này đi theo 82, nhưng 82 chưa ra quân nên tạm điều lên tập trung cho 84. Chỉ riêng cái tên đại đội công binh Việt Bắc đã cổ vũ động viên các chiến sĩ trung đoàn 238 rất nhiều. Việc bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên là trách nhiệm chính trị đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 06:45:47 pm »


       
*

*        *
       
        Ngày 21 tháng 8 năm 1967, tôi chuyển sở chỉ huy của mình từ Vĩnh Chấp ở khu giữa lên khu tây ở nông trường Quyết Thắng, ngay sát trận địa đánh B-52 của tiểu đoàn 84.

        Trên đường từ Vĩnh Chấp lên khu tây lần này, tôi quyết định đến thăm các đồng chí trên đồi 74. Đồi 74 chỉ cách sông Bến Hải chừng bốn đến năm km. Trung đoàn 238 đặt ở đây một vọng quan sát mắt gồm bốn đồng chí, do đồng chí Mai Quang Thao làm tổ trưởng. Hơn một năm qua, các đồng chí ở đây đã phải đương đầu với hàng trăm lần đánh phá của địch. Bọn chúng muốn tìm mọi cách nhổ bằng được cái gai lợi hại này để dễ bề hành động. Còn ta thì quyết tâm bám trụ, giữ vững cặp mắt tiến tiêu của trung đoàn. Trong tình hình các đài ra-đa của trung đoàn thường bị nhiễu nặng, mạng tình báo phân tán của đại đội ra-đa 12 còn chưa thật ổn định, việc bắt B-52 còn khó khăn, trạm quan sát mắt trên đồi 74 này chiếm một vị trí vô cùng quan trọng.

        Lâu quá rồi, tôi không cón nhớ rõ tên tuổi tất cả các đồng chí đó nữa. Các đồng chí thuộc tổ quan sát mắt của trung đoàn 238 năm ấy chắc cũng thông cảm cho tôi. Những gương mặt, cặp mắt, nụ cười của các đồng chí trong ngày hôm đó tôi còn nhớ lắm. Đó là những gương mặt, những cặp mắt, những nụ cười tuyệt đẹp của thời đại anh hùng chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Xung quanh chỗ các đồng chí ở là những hố bom nham nhở, là sắt thép trộn lẫn với bụi đất. Nhiều loạt bom rải thảm của B-52 đã trùm lên đây. Đồng bào Vĩnh Linh đã nhiều lần khóc nức nở khi nhìn thấy khói bụi mù mịt trùm lên những ngọn đồi sau mỗi loạt bom B-52. Những các đống chí đã đứng vững, vì cuộc chiến đấu cần sự có mặt của các đồng chí ở đó, vì Đảng yêu cầu các đồng chí ở đó.

        Buổi sáng hôm đó, đứng trên đồi 74, tôi đã được tận mắt nhìn thấy kẻ thù bằng xương bằng thịt bên kia sông Bến Hải. Chúng nó nhung nhúc trong hầm, trong hố ở Cồn Tiên, Dốc Miếu. Qua ống nhòm có thể nhìn thấy những hoạt động của chúng trên căn cứ và cả màu quần áo chúng đang mặc trên người.

        Trên đường lên đồi 74 lần này, cũng như những lần xuống kiểm tra đơn vị, hoặc đi tìm và duyệt các trận địa đánh B-52 trước đây, tôi lại có dịp đi qua những bãi bom tọa đọ, những bãi sắn bạt ngàn bị bom B-52 cày xới, cây đổ ngổn ngang. Những cây cao su bị bom đạn tiện đứt ngang, nhựa ứa ra như những vệt máu. nhìn những bãi sắn dài hàng hai, ba km, với những củ sắn trắng nhợt trơ ra trên nền đất bạc màu, không hiểu sao trong ký ức tôi lại hiện lên những cảnh chết đói rùng rợn đầu năm 1945 trên các ngả đường Hà Nội mà tôi đã được chứng kiến. Tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật năm đó và tội ác của bọn đế quốc Mỹ ngày nay đối với dân tộc ta có gì khác nhau? Một tên thì tàn sát hàng triệu đồng bào ta bằng nạn đói, còn một tên thì tiêu diệt hàng triệu đồng bào ta bằng bom đạn. Tội ác chưa bị trừng phạt thì nó sẽ còn lấn tới. hai năm qua, B-52 ngang nhiên tung hoành ở miền Nam, một năm nay nó leo thang ra bắc Quảng Trị. Liệu rồi chúng sẽ còn leo thang đến đâu? Tôi bỗng nghĩ đến Hà Nội, đến những khu phố đông dân, nếu bị chìm ngập dưới những đợt rải thảm B-52 như ở đây thì tình hình sẽ diễn biến ra sao? Tôi càng thấy rõ trách nhiệm hết sức nặng nề trong chuyến công tác dặc biệt này. Nhất định phải tìm mọi cách chặn bàn tay tội ác của chúng lại. Và việc đó được bắt đầu từ hôm nay, ngay từ bây giờ, bắt đầu từ cái ống nhòm trên điểm cao 74 này, bắt đầu từ những xẻng đất đắp ở trận địa khu tây Vĩnh Linh, bắt đầu từ tập "hồ sơ" B-52 mà đoàn công tác của chúng tôi đang chuẩn bị viết những trang đầu tiên.

        Tôi vừa về đến sở chỉ huy ở khu tây thì đồng chí tham mưu phó Đào Công Thận báo tin cho tôi biết căn hầm của tôi ở Vĩnh Chấp đã bị bom Mỹ đánh sập ngay khi tôi vừa mới rời khoi đây chưa đầy một tiếng đồng hồ.

        Tôi nói đùa với đồng chí Thận:

        - Thế là cái số của tớ còn được sống với anh em, ít ra là sống cho được đến ngày bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên.

        Tôi không tin người ta sống chết có số. Nhưng những chuyện xảy ra ở đây thật lạ. Như trường hợp hy sinh của trung úy kỹ sư Nguyễn Ngọc Tân chẳng hạn. Mẹ của anh kể lại: Hôm anh ra đi, khác với những lần trước, anh dặn dò tỉ mỉ mọi điều đối với gia đình, giống như những lời trăn trối. Anh lại còn nói đùa với mẹ:

        - Nếu con hy sinh mẹ phải lo việc gả chồng cho vợ con. Con sẽ dặn anh em trong đơn vị gửi về tặng Thúy Lan cái lược làm bằng xác chiếc B-52 của giặc Mỹ.

        Có lẽ anh chỉ muốn tạo nên một không khí vui vẻ cho gia đình và những người thân lúc lên đường vào tuyến lửa. Mẹ mắng anh là nói gở. Một tuần sau anh hy sinh. Còn tôi thì hình như cái chết còn kiêng dè. Chỉ mới tuần trước, khi từ Bộ tư lệnh B-5 trở về, một quả bom đã rơi trúng ngay chỗ chiếc xe con vừa chuyển bánh. Hôm đó anh Nguyễn Cận đã nói đùa:

        - Chỉ chậm nổ máy một phút thôi là chúng ta đã được "phong danh hiệu liệt sĩ" cả rồi!

        Anh Thận dẫn tôi đến căn hầm cách sở chỉ huy trung đoàn chừng 15 mét, nói vui với tôi:

        - Chúng tôi đã chuẩn bị cho thủ trưởng một căn hầm khá chắc và đặt tên là hầm chữ "thọ". Khi nào máy bay Mỹ ném bom thì thủ trưởng bảo nó ném ra xa để bảo vệ danh hiệu "chữ thọ" cho căn hầm. - Nói xong Đào Công thận cười ha hả.

        Vốn dân xứ Nghệ, lại quen ăn to nói lớn, nên ở cách hàng chục mét, người ta vẫn dễ dàng nhận ra tiếng nói, tiếng cưới của anh. Ở vùng tuyến lửa ác liệt này, có một tiếng cười lạc quan như thế thật quý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2016, 12:35:30 pm »

      
*

*          *

        Công việc chuẩn bị cho trận đánh B-52 đầu tiên như một cục nam châm lớn cuốn hút toàn bộ sức lực, tâm trí của mọi người. Trước hết phải kể đến sự đóng góp to lớn, trực tiếp của các đồng chí công binh. Các đồng chí cao xạ cũng đóng góp phần không nhỏ. Anh chị em công nhân nông trường Quyết Thắng, ngoài việc đảm bảo ngày công lao động của mình, sớm hôm chăm sóc chu đáo những lô cao su, còn đóng góp hàng nghìn ngày công vào việc đào đắp trận địa.
        
        Thật là một công trình đồ sộ, và cũng có thể nói là kỳ diệu. Toàn bộ một tiểu đoàn tên lửa hiện đại, gồm khu trung tâm, máy phát, máy nổ, xe chia điện và tất cả bệ phóng đều hoàn toàn do bàn tay con người với những công cụ thô sơ như xẻng, cuốc chuyển xuống lòng đất. Mà toàn bộ công việc to lớn, phức tạp đó lại phải tiến hành hết sức bí mật để tránh sự xoi mói đêm ngày của các laọi máy bay trinh sát địch. Chỉ cần một sơ hở thôi về công tác ngụy trang, một lùm cây hôm qua chưa có mà hôm nay bỗng nhiên mọc lên giữa bãi trống, một vạt cỏ hôm qua còn xanh mà hôm nay đã úa vàng... thế là bọn chúng dùng thủ đoạn đánh "xăm". Thoạt đầu là một vài loạt roc-ket, mấy quả bom thăm dò vu vơ. Nếu "xăm" trúng thì chỉ năm đến mười phút sau, hàng đàn cường kích kéo đến bắn phá, nếu cần thì có thêm pháo từ bờ nam bắn sang, từ ngoài biển bắn vào, với quyết tâm "triệt phá hoàn toàn những giàn tên lửa SAM của Bắc Việt" trên đất Vĩnh Linh. Rút kinh nghiệm những lần trước, lần này, khói máy nổ đã được khéo kéo dẫn ra xa trân địa hàng năm, sáu trăm mét, bằng một đường hào được phủ kín để khói không lan tỏa lộ liễu trên mặt đất.

        Các đồng chí Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Sinh Huy, Đào Công Thận vốn đã gày, nay trông lại càng hốc hác hơn vì phải thay nhau lăn lộn ngày đêm ở trận địa.

        Thời hạn ngày 23 tháng 8 đã đến. Từ Sở chỉ huy B5, anh Quang Trung gọi điện cho tôi:

        - Thế nào? Liệu đêm nay có vào được không?

        Tôi báo cáo:

        - 18 giờ tối nay chúng tôi sẽ cho tiểu đoàn 84 vào chiếm lĩnh.

        Nghĩ đến trường hợp đang chiếm lĩnh có thể bị pháo ở hai căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn phá, tôi đề nghị với anh Quang Trung sẵn sàng cho pháo binh kiềm chế.

        Anh Quang Trung hứa:

        - Cứ yên trí! Nếu chúng nó mở mồm, trên này sẽ có cách buộc chúng phải câm họng.

        
*

*         *
       
        Rất may trong đống giấy tờ còn lại, tôi còn tìm thấy một cuốn sổ ghi chép khá đầy đủ những sự kiện chính liên quan đến chiếc B-52 đầu tiên.

        "... Ngày 23 tháng 8 năm 1967.

        Tiểu đoàn 84 chiếm lĩnh trận địa T3, đội 6 nông trường Quyết Thắng. Tất cả đều trót lọt. Thức với anh em trọn một đêm. Siết chặt tay các đồng chí lái xe, các đồng chí công binh anh hùng.

        Ngày 25 tháng 8 năm 1967

        Chuẩn bị chiến đấu xong, hai rãnh, ba bệ, hai đạn. Chưa có đài một (Ra-đa được trang bị cho tiểu đoàn tên lửa để phát hiện địch từ xa) vì máy nổ còn để ở nông trường Phú Quý. Hỏi đồng chí Cảng tại sao lại như thế. Đồng chí Cảnh trả lời: Nhiều việc quá, mụ người đi quên mất. 3 giờ 15 phút, trên thông báo có B ra.

        Đợt một: ăng-ten đài hai (Bộ phận phát sóng cực mạnh để bắt mục tiêu, chuẩn bị trực tiếp cho việc phóng đạn tiêu diệt địch) bắt được cự ly 25km bay ra.

        Đợt hai: ăng ten đài hai bắt được cự ly 35 km bay ra, hai chiếc, nhiễu nặng.

        Tại sao lại hai chiếc? B-52 thường đi ba chiếc kia mà? Phải kiểm tra lại việc này. Phát sóng tất cả mười lần, mỗi lần từ 14 đến 16 giây. Nhắc Khuyến và Khuê phải thường xuyên có mặt ở trong xe để trực tiếp hướng dẫn anh em quy trình chống sơ-rai.

        Ngày 26 tháng 8 năm 1967.

        Một ngày đáng buồn. Địch tọa độ vào trận địa, tất cả 17 lần. Một viên đạn thủng cánh lái, một viên bẻ gãy ăng-ten. Rất may là các xe an toàn. Cũng là nhờ cao xa bảo vệ tên lửa đánh tốt, bắn rơi tại chỗ một F-105.

        Họp đoàn công tác B rút kinh nghiệm. Biểu dương các đồng chí xuất sắc: Tụy, Lịch, Phúc, Khuyến. Nhiều đồng chí tham gia trực tiếp vào công việc như người của đơn vị.

        Tối, điện báo cáo về hà Nội cho anh Tính, hứa dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

        Ngày 30 tháng 8 năm 1967.

        19 giờ chiếm lĩnh trận địa T4, cũng vẫn ở đội 6, nông trường Quyết Thắng. Lại thức trọn với anh em một đêm nữa. Anh em vất vả quá, đầu tóc rối bù, mặt mũi hốc hác. Không một ai kêu ca. Ai cũng nói: Tất cả để đánh thắng B-52. Nhắc đồng chí Cơ theo dõi sát thành tích của anh em để hôm về báo cáo với Quân chủng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 09:55:43 am »

        7 giờ sáng mới triển khai xong.

        Ngày 31 tháng 8 năm 1967.

        6 giờ sáng, 10 chiếc B-52 ném bom ở bắc Cù Đinh, khí tài hỏng không đánh được. Nhắc đồng chí Khuye, đồng chí Khuyến bám sát khí tài, chữa xong là tổ chức huấn luyện ngay.

        8 giờ 30 phút, khí tài sẵn sàng chiến đấu.

        18 giờ, B52 tiếp tục ra, phát sóng đài hai bắt được hai lần, nhưng đều bay ra. Đài một đã làm việc nhưng không bắt được mục tiêu. Lại thêm một vấn đề cần giải quyết: Huấn luyện cho trắc thủ đài một. Nhắc Lê Đức Khuê chú ý việc này. Không huấn luyện là không làm ăn gì được. Lại được báo cáo: đạn vẫn chỉ có một viên tốt. Nhắc đồng chí Cảnh: Bằng mọi cách bảo đảm đủ đạn chiến đấu. 21 giờ 30 phút, bốn đạn ba rãnh sẵn sàng chiến đấu. Kể ra hơi nóng với đồng chí Cảnh. Nhưng chắc các đồng chí cũng thông cảm. Đánh B-52 mà chỉ có một đạn thì đánh gì.

        Ngày 1 tháng 9 năm 1967.

        3 giờ 15 phút, B-52 ba tốp, chín chiếc.

        84 vào cấp một xong thì đã nghe tiếng bom.

        Đối 74 báo cáo có một tốp ba chiếc có đền ở hướng B-52 vừa xuất hiện. Lại mọt thủ đoạn mới gì chăng? Trung đoàn hạ lệng cho 84 phát sóng, 84 khẳng định không phải là B, nhưng cũng vẫn cứ phát sóng sục sạo, một phần do tư tưởng nôn nóng sau quá nhiều lần lỡ thời cơ, một mặt do chấp hành mệnh lệnh máy móc, lại thêm yếu lĩnh chống rơ-rai chưa tốt, nên cuối cùng đã bị sơ-rai đánh trúng.

            Nghe tin đau đớn đến bàng hoàng: Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn cùng mười đồng chí khác bị thương. Trắc thủ phương vị Nguyễn Đình Chuyên hy sinh. Trần Xuân Khuyến, một cán bộ xông xáo của đoàn công tác B cũng bị thương trọng trận này. Suốt đêm, 84 rút khỏi trận địa.

        Ngày 2 tháng 9 năm 1967.

        Quốc khánh lần thứ 22. Vĩnh Linh rực cờ đỏ. Cờ đỏ cắm trên cả những nóc hầm. Một biểu hiện mạnh mẽ của ý chí, của quyết tâm. Thật cảm động.

        Họp với thường vụ và ban chỉ huy trung đoàn. Có ý kiến chuyển nhiệm vụ đánh B-52 chi 82 (Tiểu đoàn 82 đang được giấu kín ở khu đông làm lực lượng dự bị). Có ý kiến rút 84 ra, điều 82 lên khu tây. Phân tích tranh luận mãi, cuối cùng đều nhất trí ý kiến của đoàn công tác B: Xốc lại hai tiểu đoàn, tiếp tục đánh.

        Vẫn để nguyên 84 ở khu tây, điều xe Y (Xe điều khiển. Các màn hiện sóng của tiểu đoàn trưởng, của sĩ quan điều khiển và của ba trắc thủ lái đạn đều ở trong xe này) lên, nhập vào bộ khí tài của 84. Như vậy toàn bộ kíp chiến đấu của xe Y gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và ba trắc thủ là của tiểu đoàn 82. Còn toàn bộ vẫn là của 84.

        Ngày 3 tháng 9 năm 1967.

        Lại được tin buồn. Xe Y cùng kíp chiến đấu của tiểu đoàn 82 đi đến ngã ba Hạ Cờ thì bị bom tọa độ phải quay lại. Trắc thủ góc tà Lê Hữu Dinh hy sinh. Lúc sắp thở hơi cuối cùng, Lê Hữu Dinh còn hỏi khí tài có việc gì không và chúc đồng đội ở lại đánh thắng B-52. Thật xúc động! Phải làm sao đánh thắng B-52 để trả thù cho anh em. Bảo đồng chí Cơ ghi vàod anh sách đề nghị huân chương. Tối, xe Y của 82 tiếp tục lên đường.

        Ngày 4 tháng 9 năm 1967.

        Đang gọi điện báo cáo tình hình với B5 thì Lê Hỷ, sĩ quan điều khiển tiểu đoàn 82 bước vào. Mừng quá. Lê Hỷ đã từng nổi tiếng dũng cảm trong trận đánh ở Hà Bắc ngày 17 tháng 10 năm 1965. Trao đổi với Lê Hỷ cách đánh. Động viên Lê Hỷ cố gắng lập công để giành danh hiệu sĩ quan điều khiển đánh thắng B52 đầu tiên của bộ đội tên lửa. Câu ta cười rất tươi với hàm răng trắng bóng.

        Ngày 6 tháng 9 năm 1967.

        3 giờ sáng, được báo cáo toàn bộ khí tài đã sẵn sàng chiến đấu. Một cố gắng phi thường. Chiều qua xuống trận địa, thấy anh em cắt mảnh xác máy bay, cắt vải, rồi dùng keo 88 chắp lại lỗ thủng ăng-ten (Từ đây sóng điện từ được phát lên không trung tìm địch). Thật là tuyệt, tinh thần khắc phục khó khăn, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ta.

        Ngày 7 tháng 9 năm 1967

        9 giờ, một F-100F lùng sục khu vực trận địa rồi cho F-4 đánh xăm. Ngồi với Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Sinh Huy ở sở chỉ huy mà ruột như có lửa đốt. Liệu lần này có việc gì không. Lẽ nào lại bị đánh lần thứ ba?

        15 giờ, địch đánh trúng vào trận địa do đường vào cỏ đã bị úa vàng chưa kịp thay. Biểu hiện của sự chủ quan đơn giản đây. Đôi khi chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà làm hỏng cả việc lớn. Lại phải kéo khí tài ra, chuẩn bị một trận chiến đấu mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2016, 11:09:56 pm »

        Ngày 8 tháng 9 năm 1967.

        Họp rút kinh nghiệm với trung đoàn 238.

        Mới ra quân 15 ngày mà đã ba lần bị đánh. Kẻ địch tàn bạo, xảo quyệt thì rõ rồi, nhưng có vấn đề trách nhiệm ở đây không? Phải chăng tư tưởng mệt mỏi đã xuất hiện? Đám cỏ vàng trên đường vào trận địa! Tại sao không kiểm tra kỹ? Trách nhiệm ở đấy chứ còn ở đâu? Hoặc đã thấy, đã biết nhưng sao không cho đào cỏ mới về ngụy trang? Sợ bộ đội mệt ư? Suốt đêm nghe tiếng xe xích kéo khí tài rút khỏi trận địa mà lòng quặn đau. Ôi! Những chiến sĩ của chúng ta! Anh em thức biết bao đêm rồi. Biết bao nhiêu máu đã đổ vì chiếc B-52 đầu tiên? Sẽ còn biết bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu máu đổ xuống? Chưa bao giờ thấy trách nhiệm nặng nề bằng lúc này. Liệu có vượt qua được của ải này không? Đừng bi quan! Hãy tin vào quần chúng.

        Ngày 10 tháng 9 năm 1967.

        Trung đoàn tập trung hai đại đội công binh, hai đại đội cao xạ làm trận địa mới. Số anh em ở trung đoàn bộ cũng xuống tham gia. Nông trường Quyết Thắng vẫn tiếp tục chi viện một lực lượng đáng kể. Không thể thống kê hết được bao nhiêu mét khối đất đã được đào lên, lấp xuống, bao nhiêu nghìn cây gỗ đã được dùng để làm nắp hầm cho trận đánh B-52 đầu tiên này. Nghe nói có cái xẻng đã mòn vẹt đến quá nửa. Hôm nào về Hà Nội phải mang theo cái xẻng đó để đưa vào bảo tàng Quân chủng.

        Sau ba ngày đêm nỗ lựuc với cường độ 24 trên 24 giờ, trận địa T5 đã hoàn thành. Một kỷ lục chưa từng có.

        18 giờ, 84 vào chiếm lĩnh. Trời mửa rất to. Đường mới làm, bùn nhão nhoét, trơn như mỡ. Hai ba xe xích đấu vào không kéo nổi một bệ. Thế là toàn bộ khí tài kéo đến đành phải quay lại vị trí cất giấu. Đây là tình huống không được lường trước. Chiến sĩ lại thêm một đêm thức trắng. Ôi! Chiến sĩ của chúng ta! Sức mạnh gì giúp họ chịu đựng như vậy? Trong lúc bữa cơm hàng ngày chủ yếu là mắm muối, thiếu thịt, thiếu rau. Bây giờ lại thêm thiếu ngủ nữa. Anh Đặng Tính nói: Những đơn vị vào đến Vĩnh Linh xúng đáng được phong ba lần anh hùng. Những người chỉ huy phải làm sao xứng đáng với họ. Một sai sót nhỏ của người chỉ huy có thể làm tổn hại đến xương máu của biết bao chiến sĩ. Chỉ riêng việc không dự kiến tình huống trời mưa, đường trơn đã làm hàng trăm con người, hàng chục chiếc xe phải vất vả suốt một đêm, đó là chưa kể kẻ địch có thể đánh phá.

        Ngày 11 tháng 9 năm 1967.

        8 giờ 30 phút, RF-100F chỉ điểm cho F-4 oanh tạc khu vực cất giấu khí tài. Cũng chỉ vì tối hôm qua mưa to, bánh xe đi hằn rõ trên đường nên bọn chúng cứ nhè đường cụt mà đánh. Thiệt hại cũng đáng kể. Một bệ phóng bị hỏng lá chắn lửa, hai xe ATC bị vỡ kính, một xe Zil bị hỏng, ống dẫn sóng bị móp, ba đồng chí C2 bị thương, một đồng chí hy sinh.

        Ngày 12 tháng 9 năm 1967.

        Toàn bộ lực lượng kỹ thuật của trung đoàn, của đoàn công tác B được tung xuống đơn vị để sửa chữa, điều chỉnh khí tài.

            Lại thêm một tai họa mới. Bếp anh nuôi vô ý để khói lộ ra ngoài, lập tức mấy chiếc F-4 lao xuốgn cắt bom. Một quả đúng vào hầm có sáu đồng chí thông tin đang nấp. Cả sáu đồng chí hy sinh. Đồng chí Phùng, trắc thủ đài một vào lấy cơm bị thương nặng. Cô y tá Lê Thị Thái không quản nguy hiểm chạy đến băng bó cho Phùng và các đồng chí bị thương khác. Máy bay địch quay lại cắt bom lần thứ hai, Lê Thị Thái đã hy sinh anh dũng.

        Danh sách những đồng chí hy sinh vì nhiệm vụ đánh B-52 cứ kéo dài thêm. Lễ an táng những người đồng chí đến nơi yên nghỉ cuối cùng được tổ chức trọng thể. Các đồng chí 238 đã kết hợp phát động căm thù và củng cố thêm quyết tâm đánh thắng B-52 để trả thù cho đồng chí, đồng bào.

        Sau biết bao tổn thất hy sinh như vậy, khí thế của bộ đội vẫn không hề giảm sút mà còn bốc cao hơn.

        Đề nghị lên trên tặng thưởng huân chương cho nữ y tá Lê Thị Thái của nông trường Quyết Thắng.

        Ngày 15 tháng 9 năm 1967.

        Tiểu đoàn 84 trở lại chiếm lĩnh trận địa T5 an toàn. Suốt đêm mưa rất to. Đơn vị báo cáo: "Các hầm ngập nước. Có hầm nước lên đến sàn xe". Thật là tai họa. Sao nhiều khó khăn đến thế! Lại thêm ông trời muốn thứ thách "gan vàng, dạ sắt" của các chiến sĩ trung đoàn 238 chăng? Nhất định phải chiến thắng. Không thắng trận này thì sẽ có lỗi lớn đối với đồng bào, chiến sĩ, nhất là đối với những đồng chí, đồng bào đã hy sinh. Họp đến nửa đêm để rút kinh nghiệm. tại sao khi bắt được B là nó đã quay ra? Phải cải tiến hệ thống thông tin, thông báo như thế nào? Phải ra lại quy trình bắt B-52 từ đài một đến đài hai và tăng cường luyện tập. Phải tăng cường luyện tập cả sở chỉ huy hai cấp.

        Quá nửa đêm mới từ chỗ họp trở về căn hầm của mình. Nước mưa cũng đã tràn vào trong hầm, bùn lép nhép. Một ngọn đèn dầu hỏa vặn nhỏ ở góc hầm. Một thỏi lương khô để trong cái bát sắt. Một bi-đông nước còn ấm nóng. Cảm ơn đồng chí công vụ. Cái phích nước đã bị vỡ sau mấy lầm bom. Thế mà hầu như lúc nào cũng có nước nóng. Bụng đam rân rẩm đau, có tý lương khô vào là đỡ ngay. Mệt quá, lấy chiếc khăn lau qua bùn dưới chân rồi ngả xuống giường thiếp đi lúc nào không biết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 02:07:16 pm »

       Tháng 9 năm 1967.

       10 giờ 5 phút, cấp một, hãi rãnh, ba đạn. Trên thông báo có B. Nguồn thông báo của trên ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Thường là chính xác.

       Đài 1 của 81 (Lúc này đã điều thêm đài một của tiểu đoàn 81 vào bố trí ở trận địa T3, cách T5 gần 10km nhằm mục đích phát hiện địch sớm để chỉ thị cho đài một của đỡ mất thời gian sục sạo, bảo đảm an toàn hơn cho trận đánh chính) phát hiện được sáu tốp, 16 chiếc. Tại sao lại là 16 chiếc nhỉ? hay là chúng có đội hình mới? Phải bảo đồng chí Huệ xác minh lại vấn đề này. Cự ly bắt được xa nhất là 178km. Từ tốp thứ hai nhiễu nhẹ và giảm dần.

       Đài một của 84, đợt 10 giờ, bắt được tốp thứ ba, cự ly 42. nhưng đài hai phát sóng 15 giây vẫn không thấy mục tiêu. Ngừng ba giây tiếp tục phát sóng. Nhưng PA (NA) cháy cầu chì, ăn-ten phương vị không quay.

        Đợt hai, lúc 1 giờ 30 sáng, đài một của 84 không theo dõi được mục tiêu, sục sạo theo phần tử đài một của 81. Đài hai phát sóng phương vị 160 đến 180, thời gian từ 8 đến 10 giây, sang trái, sang phải 10 đến 12 độ vẫn không bắt được mục tiêu.

       Dài một của 84 bắt được tốp thứ ba ở phương vị 170, cự ly 38. Đài hai phát sóng 15 giây. Vẫn không bắt được mục tiêu. Như vậy tất cả tám lần phát sóng, mỗi lần từ 8 đến 15 giây đều không bắt được mục tiêu...."

       Đọc những trang ghi chép trên đây chắc hẳn bạn đọc cũng hình dung được phần nào con đường đi đến đánh thắng chiếc B-52 đầu tiên của các chiến sĩ trung đoàn 238 gian nan vất vả biết nhường nào. Hành quân được đến nơi, xây dựng được trận địa, giữ gìn được lực lượng, bảo đảm được khí tài... là những cửa ải tưởng như không thể vượt qua được, đều đã vượt qua. Giờ đây cửa ải cuối cùng đang hiện ra trước mắt. Có thể nói cửa ải cuối cùng này đã bắt đầu hiện ra từ ngày 23 tháng 8 năm 1967, khi toàn bộ khí tài của tiểu đoàn 84 triển khai sẵn sàng chiến đấu ở trận địa T3, đội 6 nông trường Quyết Thắng. Và kẻ thù đã chống trả một cách quyết liệt, rồi thiên nhiên cũng góp sức gây thêm những khó khăn. Những trận mưa cuối mùa thật dữ dội. Ba hôm nay, từ tiểu đoàn trưởng đến chiến sĩ thay nhau tát nước suốt ngày đêm, bởi vì chỉ ngừng một tiếng là nước có thể dâng lên quá sàn xe. Nhiều đồng chí đang ốm cũng ra tát nước. Đồng chí Nguyễn Bá Việt, trắc thủ xe A đang tát nước thì ngất đi, anh em phải dìu vào. Mặc dù gặp tất cả những khó khăn đó, các chiến sĩ tiểu đoàn 84 vẫn không hề nao núng. Vấn đề bây giờ là làm sao nhìn thấy được mục tiêu và phóng được đạn lên. Đây chính là cửa ải cuối cùng cần phải vượt qua. Nếu không vượt được cửa ải này thì những cố gắng trước đây dù to lớn đến mấy cũng trở thành vô nghĩa.

       Ngày 17 tháng 9 năm 1967.

       Tôi xuống tiểu đoàn 84 dự rút kinh nghiệm chiến đấu. Đường vào trận địa lầy lội. Đi đến đâu cũng thấy cán bộ, chiến sĩ đang khẩn trương tát nước. Đủ các thứ dụng cụ được đưa ra dùng: gầu, chạu, mũ sắt và cả nồi, niêu, xoong chảo... Tôi nghĩ những chiếc gầu này sẽ đi vào lịch sử như những hiện vật quý báu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta (Hiện nay trong phòng truyền thống của trung đoàn 238 còn giữ lại một trong những chiếc gầu tát nước trong trận đánh B-52 đầu tiên).

       Đường hào đến xe Y giống như trong địa đạo. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên đón tôi ở cửa xe, tươi cười nói vui với tôi:

       - Đề nghị thủ trưởng phải làm sao cho chân thật sạch mới được bước lên xe của chúng tôi đấy.

       Tôi vừa chùi chân vào đống giẻ vừa nói:

       - Trong hoàn cảnh này mà các cậu vẫn cười được, vẫn sạch sẽ đàng hoàng thế này thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 05:33:29 am »

        Nguyễn Sinh Huy đang cùng anh em tát nước ở cuối hầm cũng chạy ra đón tôi, báo cáo:

        - Nếu trời không tạnh mưa thì gay lắm thủ trưởng ạ. Địch vào cũng khó mà đánh được. Nếu mưa to hơn còn có nguy cơ hầm bị sụt.

        Tôi đề nghị nhanh chóng tổ chức cho hai đại đội công binh vào đào rãnh thoát nước cho khu trung tâm, một đại đội đào hầm cho bệ, đạn. Sau đó, chúng tôi tập trung vào việc rút kinh nghiệm bắt mục tiêu.

        Đại đội trưởng đại đội 1 Đoàn Mạnh Dũng báo cáo lại diễn biến những "trận đánh hụt" thời gian qua. Hình thù các dải nhiễu được đưa ra phân tích so sánh. Các đồng chí trắc thủ Nguyễn Văn Ngận, Trần Hồng Thính, Phạm Văn Ngoạn phát biểu sôi nổi, nghiêm khắc tự nhận những sai sót của mình trong thao tác. Qua nhiều ý kiến trao đổi, phân tích, cuối cùng đã sơ bộ rút ra được một số kết luận về địch, về ta và phương hướng khắc phục.

        Trong những kỷ niệm về sự kiện bắn rới chiếc B-52 đầu tiên, buổi họp rút kinh nghiệm hôm đó để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu sắc. Bên ngoài mưa vẫn rơi. Bẫu trời xám xịt. Trong chiếc xe được giấu kín dưới hầm sâu, những người được giao trách nhiệm hoàn thành phần việc cuối cùng của một trận đánh đang tập trung trí tuệ để chuẩn bị cho cuộc đọ sức mới với B-52. Ngắm nhìn những khuôn mặt trẻ của kíp chiến đấu Hỷ, Thính, Ngận, Ngoạn, chăm chú lắng nghe những lời phát biểu của họ, tôi thực sự cảm thấy sung sướng và tự hào. Chính thế hệ này, thế hệ được nhà trưởng xã hội chủ nghĩa giáo dục và rèn luyện sẽ đảm đương nhiệm vụ lịch sử đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Thật là đẹp trong sự gặp gỡ tìh cờ giữa ba thế hệ Cách mạng tháng Tám, thế hệ kháng chiến chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, cứu nước trong một căn hầm dưới lòng đất Vĩnh Linh hôm nay. Sức mạnh tổng hợp của cả ba thế hệ dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ đánh thắng mọi kẻ thù dám động đến nền độc lập của dân tộc ta, sẽ đánh thắng B-52 và mọi thứ vũ khí hiện đại khác của đế quốc Mỹ.

        Buổi trưa, chúng tôi rời trận địa trở về sở chỉ huy trung đoàn. Đồng chí Nguyễn Sinh Huy ở lại trực tiếp tham gia chiến đấu với đơn vị. Tôi siết chặt tay tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, sĩ quan điều khiển Lê Hỷ và tất cả các đồng chí trong kíp chiến đấu của tiểu đoàn. Chúc các đồng chí thành công.

        Về đến nhà với tâm trạng hết sức phấn chấn, tôi bước ngay vào sở chỉ huy. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác là trận đánh sắp xảy ra và tin là sẽ thắng lợi.

        Trung đoàn phó Lê Thanh Cảnh đang tập trung theo dõi tình hình địch trên bảng tiêu đồ. Còn tham mứu phó Đào Công Thận thì đang như hét vào ống nghe:

        - Chú ý cả hướng đông-nam và tây-nam.

        Tôi hỏi:

        - Mặt trận có thông báo B ra à?

        Đào Công Thận đặt ống nghe xuống báo cáo:

        - Từ sáng đến giờ mặt trận không có thông báo gì thêm. Nhưng căn cứ vào thông báo hôm qua, chúng tôi quyết định cho hai đài một của 81 và 84 thay nhau mở máy trực.

        Đêm qua, lúc 23 giờ, chúng tôi nhận thông báo có B ra vào lúc 2 giờ và 19 giờ. Nhưng đợt 2 giờ không có. Sau đó do mưa quá to, phải ngừng lại để tát nước nên khi B ra, bị lỡ thời cơ không đánh được. Còn đợt 19 giờ thì sắp đến. Nhưng sự thông báo của trên không phải lúc nào cũng chính xác một trăm phần trăm. Ví dụ như thông báo đợt 2 giờ có B ra thì hơn 3 giờ B mới ra. Còn đợt 19 giờ sắp đến thì sao?

        Tôi bảo đồng chí Cảnh:

        - Lệnh cho đơn vị sẵn sàng. Chiều nay có khả năng B-52 ra sớm.

        Ý định của tôi là cws sẵn sàng sớm đi để bảo đảm chủ động, nếu B-52 ra thì đánh được kịp thời. Còn nếu không thì để anh em tiếp tục luyện tập, nhất là luyện tập theo phương hướng của cuộc họp rút kinh nghiệm sáng nay.

        16 giờ, đài một của 81 báo cáo nhiễu nặng 360 độ.

        Tôi nhắc đồng chí Cảnh:

        - Cho thêm đài một của 84 mở máy.

        16 giờ 40 phút, sở chỉ huy trung đoàn lệnh cho 84 vào cấp một. Khí tài bảo đảm sẵn sàng chiến đấu tốt. Ba rãnh, ba bệ, ba đạn.

        17 giờ, đài quan sát trên đồi 74 báo về: Có tiếng động cơ F-102 ở hướng đông và đông-bắc. Tôi nhắc đồng chí Thận thông báo ngay cho 84 biết tin này.

        F102 xuất hiện là một triệu chứng hầu như tất yếu phải có trước khi B-52 ra, nó giúp cho người chỉ huy có thêm cơ sở để xử trí tình huống.

        Tôi gặp máy đồng chí Nguyễn Sinh Huy đang ở 84.

        - Tình hình thế nào? Tốt cả chứ?

        - Báo cáo tốt! Vi-cô (Màn hiện sóng của tiểu đoàn trưởng) của tiểu đoàn trưởng đang có phần tử đài một của 84. Một tốp ba B-52, phương vị 180, cự lý 120, tín hiệu rất rõ.

        Tôi chỉ thị:

        - Cho thôg báo ngược lên ngay.

        Khi trên bảng tiêu đồ của sở chỉ huy trung đoàn xuất hiện tốp B-52 đầu tiên mang ký hiệu 01, tôi cảm thấy tim mình như nghẹn lại vì sung sướng. Chính "nó" đấy ư? Bao nhiêu lâu nay nghe tiếng "mày", bây giờ ta mới gặp. Bao nhiêu tổn thất, hy sinh, bao nhiêu cố gắng phi thường mới có được giây phút này đây!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 08:12:45 pm »

        Căn hầm sở chỉ huy lõng bõng bùn nước. Đồng chí Đào Công Thận chân đi ủng, thường xuyên cầm máy trực tiếp liên lạc với hai đài ra đa 81 và 84. Đồng chí Lê Thanh Cảnh ngồi trên chiếc ghế trước bảng tiêu đồ, chăm chú theo dõi tình hình địch, hai chân gác lên một chiếc ghế khác. Còn tôi thì ngồi trên chiếc võng căng ở ngay sau bàn chỉ huy. Một biện pháp "chống úng" tốt nhất.

        Ngay khi tốp B-52 mang số hiệu 01 xuất hiện, đồng chí Lê Thanh Cảnh hạ lệnh cho 84 tiêu diệt.

        Chỉ mấy phút sau, sở chỉ huy trung đoàn nhận được báo cáo: Tiểu đoàn 84 đã phóng đạn. hai quả, giãn cách 10 giây.

        Nhanh quá, tuyệt quá, hoan hô Nguyễn Đình Phiên, hoan hô Lê Hỷ, hoan hô kíp trắc thủ Thính, Ngận, Ngoạn! Hoan hô tất cả các đồng chí tiểu đoàn 84, các đồng chí trung đoàn 238 đã tham gia trận đánh lịch sử hôm nay!

        Nhưng kết quả trận đánh như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Phóng được đạn lên đã là một thắng lợi, nhưng chúng tôi không muốn dừng lại đó. Từ trận địa đã bắt đầu báo cáo lên những phần tử ban đầu của trận đánh.

        Cả hai quả đều có tính hiệu K3 (Tín hiệu ngòi nổ vô tuyến ở đầu quả đạn).

        Tất cả những yếu tố trên hoàn toàn có thể kết luận là mục tiêu đã bị tiêu diệt. Nhưng để chắc chắn hơn, tôi gặp máy Nguyễn Sinh Huy:

        - Chắc chắn rơi không?

        Giọng nguyễn Sinh Huy phấn chấn:

        - Nhất định rơi anh ạ! Rất tiếc là trời mưa, mây mù nhiều, đài quan sát không nhìn thấy được. Nhưng chiến tranh điện tủ mà anh - Nguyễn Sinh Huy cười to đầy vẻ tin tưởng - Cần gì phải trời quang mây tạnh chúng ta mới nhìn thấy kẻ thù bốc cháy. Trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển tôi nhìn rõ tín hiệu tên lửa và sóng chờ đi giữa mục tiêu, mờ dân qua vạch ngang hai km thì lệch về trái.

        - Thế thì chắc chắn là rơi rồi.

        Tôi bỏ máy xuống, vui mừng siết chặt tay các đồng chí Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Huy Nhuận, Đào Công Thận và tất cả những đồng chí có mặt trong sở chỉ huy hôm đó. Căn hầm nhỏ, ẩm ướt do mấy ngày mưa kéo dài bỗng như bừng sáng lên bởi những gương mặt, những cặp mắt long lanh trước một niềm vui lớn. Có ở chiến trường mới thấy hết được niềm vui chân chính của người lính, nó kỳ diệu biết nhường nào. Tôi như muốn ôm hôn tất cả.

        Tôi ngả mình trên cánh võng và cảm thấy niềm vui sướng dâng trào. Và tự nhiên, tôi nghĩ đến Bác. Ngày mai, nhất định Bác sẽ được tin này. Chắc chắn là Bác sẽ vui. Nhiệm vụ Bác giao cho chúng tôi cách đây hai năm, mãi đến bây giờ chúng tôi mới thực hiện được, tuy mới chỉ là bước đầu.

        Tôi cũng nghĩ đến anh Tính và các anh ở nhà. Chắc các anh cũng đang nóng lòng muốn biết tình hình cụ thể của trận đánh. Tôi nhắc đồng chí Thận thu thập thêm số liệu, làm gấp báo cáo trận đánh gửi lên trên.

        Ngồi trên võng, tôi thảo bức điện gửi anh Đặng Tính: "Hồi 17 giờ 05 phút ngày 17 tháng 9 năm 1967, tiểu đoàn 84 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên...".

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 12:50:40 pm »


BỐN

TÌM B-52 MÀ ĐÁNH

       
        Sau đòn Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ phải bắt đầu xuống thang chiến tranh và ngày 31 tháng 3năm 1968 tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.

        Thời kỳ này, chiến dịch Khe Sanh đang diễn ra quyết liệt. Giôn-xơn buộc Oét-mo-len phải làm một việc hiếm có trong lịch sử chiến tranh: Cam kết không được để căn cứ Khe Sanh thất thủ.

        Tại đây con chủ bài B-52 lại được tung ra làm nhiệm vụ chiến thuật thay thế cho bọn cường kích đang phải căng ra trên các chiến trường. Trên một khu vực hẹp, địch đã sử dụng trung bình 30 lần chiếc B-52 mỗi ngày và cao nhất lên tới 70 lần chiếc. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của bộ binh ta, ngày 9 tháng 7 năm 1968, bọn lính thủy đánh bộ Mỹ đã buộc phải kéo nhau rút chạy khỏi Khe Sanh. Trong chiến dịch này, chúng ta chưa đưa được tên lửa vào để đánh B-52, nhưng có thể nói chúng ta đã thắng B-52 ở một ý nghĩa khác. Hỏa lực "không thế tưởng tượng nổi" của "siêu pháo đài bay" đã không đè bẹp được ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta. Cũng như hơn hai năm trước, B-52 đã không làm thay đổi được cục diện trên chiến trường. Mặt khác. B-52 hoạt động với mật độ tập trung cao và thường xuyên ở Khe Sanh dã tạo cho chúng ta có thêm điều kiện viết tiếp tập "hồ sơ con ngoáo ộp". Cùng thời gian này một đoàn công tác "bắt B-52" do Binh chủng Rađa cử vào giúp các đại đội ra-đa ở phía trong, trọng điểm là đại đội 12 ở Tân Truyền (Quảng Bình), nhằm xây dựng một quy trình bắt B-52 hoàn chỉnh để phổ biến kinh nghiệm cho toàn binh chủng. Đoàn công tác này được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư lệnh bộ đội ra-đa Lương Hữu Sắt, sau ba tháng lăn lộn ở trận địa đã đem về Hà Nội một công trình quý báu. Toàn bộ hình thù của con "ngoáo ộp B-52" trên màn hiện sóng cùng với các dạng nhiễu khác nhau đã được thu vào ống kính và phóng thành những tấm ảnh cỡ lớn. Các tấm ảnh này, kèm theo những lời chú thích tỉ mỉ đã trở thành những tài liệu huấn luyện rất quý báu đối với các đơn vị ra-đa ở tuyến ngoài. Năm 1969, đến dự tổng kết bốn năm chống chiến tranh phá hoại của Quân chủng, sau khi xem tài liệu "bắt B-52" cùng với những tấm ảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi: "Công tác tham mưu phải làm như thế mới thắng được kẻ thù có trang bị hiện đại".

        Trên cơ sở những kinh nghiệm đánh B-52 của trung đoàn 238 ở Vĩnh Linh, Quảng Bình những năm 1967, 1968 và những tài liệu về B-52 mà các đồng chí ra-đa thu thập được, ngày 7 tháng 1 năm 1969, Bộ tham mưu Quân chủng đã cho ra đời tài liệu "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52".

        Trong khi chuẩn bị tư liệu để viết hồi ký "Đánh thắng B-52", tôi đã tìm thấy tài liệu quý bàu này ở kho lưu trữ của bảo mật Quân chủng. Bây giờ nó đang nằm ở trước mắt tôi, giản dị, đơn sơ, với 22 trang giấy, in rô-nê-ô. Các dòng chữ "Dự thảo cách đáng máy bay chiến lược B-52", được viết bằng tay một cách nắn nót và khá đẹp. Đồng chí phụ trách lưu trữ cho biết, trong kho chỉ còn một bản này và đồng thời cũng là bản duy nhất còn lại của toàn Quân chủng. Tôi ngồi ngẩn hồi lâu trước bản tài liệu, lòng tràn đầy xúc động. Để có những trang tài liệu này, biết bao đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh. Trước mắt tôi như hiện ra những ngày chiến đấu gian khổ đánh B-52 trên chiến trường Vĩnh Linh. Tôi nhớ đến Nguyễn Ngọc Tân, Lê Hồng Thịnh, Lê Hữu Dinh và nhiều đồng chí khác đã ngã xuống trong lúc tuổi đời còn rất trẻ vì sự nghiệp đánh thắng B-52.
       
        Tập tài liệu gồm có ba phần lớn: Phần thứ nhất nêu lên những thủ đoạn chiến thuật, kỹ thuật, quy mô sử dụng lực lượng của B-52 trên chiến trường Quân khu 4. Phần thứ hai của tài liệu với đề mục: "Dự kiến đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 để đánh phá Hà Nội - Hải Phòng". Phần thứ ba của bản tài liệu, đồng thời cũng là phần chủ yếu, chiếm đến 13 trang, dành nói về: "Cách đánh máy bay chiến lược B-52 của bộ đội tên lửa ta ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng".

        Tôi nhớ lại những cuộc họp rút kinh nghiệm sôi nổi dưới căn hầm ở Vĩnh Chấp sau trận thắng B-52 đầu tiên. Trong những cuộc họp đó, toàn bộ hình hài của con ngoáo ộp B-52 đã được những người theo dõi nó suốt hơn một năm trời ở chiến trường Vĩnh Linh dựng nên khá rõ nét. Và chính nó đã góp phần quan trọng để các đồng chí ở Bộ tham mưu Quân chủng đúc kết thành bản tài liệu dự thảo cách đánh B-52.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 12:41:25 am »

       Những năm 1969, 1970, 1971 cuộc chiến đấu đánh trả máy bay địch trên cửa khẩu các tuyến hành lang diễn ra ngày càng quyết liệt. Toàn bộ lực lượng không quân Mỹ trước đây dùng để đánh phá miền Bắc nay hầu như được tập trung vào việc đánh phá giao thông vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn. Tại đây, ngoài các loại máy bay khác địch vẫn thường dùng, B-52 đã được tung ra với cường độ khá lớn. Trong mùa khô năm 1970-1971, B-52 được sử dụng trung bình tới 30 lần chiếc mỗi ngày, và mỗi tháng trên dưới một nghìn lần chiếc. Chỉ tính riêng từ ngày 8 tháng 10 năm 1970 đến cuối tháng 1 năm 1971, địch đã sử dụng đến 3.766 lần chiếc B-52 đánh phá tập trung trên bốn cửa khẩu ở bốn tuyến đường số 12, 20, 16, 18. B-52 đã trở thành mối quan tâm lớn của các đồng chí ở Đoàn 559. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội 559 nhiều lần điện ra Bộ Tổng tham mưu và trao đổi với đồng chí Đặng Tính về việc đưa tên lửa vào cửa khẩu các tuyến hành lang để đánh B-52. Trong một chuyến công tác kiểm tra tuyến đường Trường Sơn, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã chính thức chỉ thị cho Bộ tư lệnh Đoàn 559 và Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đưa tên lửa vào đánh B-52 ở cửa khẩu, nhằm bảo đảm kế hoạch vận chuyển kịp thời chi viện cho chiến trường.

       Thường vụ Đảng ủy Quân chủng đã họp phiên chuyên đề về việc đưa bộ đội tên lửa vào tuyến đường Trường Sơn, tìm B-52 mà đánh. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, có nhiều khó khăn, phức tạp. Một lần nữa, trung đoàn tên lửa 238 lại được giao nhiệm vụ mở đầu. Khu vực tác chiến đầu tiên được chọn là tuyến đường số 20, tuyến đường quan trọng nhất, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt nhất trong hệ thống đường Hồ Chí Minh. Rõ ràng quyết tâm đưa tên lửa vào tác chiến ở tuyến đường Trường Sơn là quyết tâm chính xác và cần thiết. Khi kẻ địch dùng uy lực B-52 để ngăn chặn giao thông của ta thì không có lý do gì, khi có vũ khí trong tay, ta lại không tìm để tiêu diệt nó, hoặc ít ra là hạn chế đến mực thấp nhất những thiệt hại do nó gây ra. Mặt khác, tập "hồ sơ" về B-52 vẫn cần phải có thêm những trang mới. Tài liệu "Dự thảo cách đánh B-52" tuy có thể gọi là một công trình nghiên cứu có giá trị nhưng dù sao cũng mới chỉ là bước đầu, cần có sự kiểm nghiệm và bổ sung thêm hoàn chỉnh.

        Cuối tháng 10 năm 1969, tôi rời Hà Nội đi vào Trường Sơn. Cũng như lần đi vào Vĩnh Linh hai năm trước, tiễn tôi lên đường, anh Đặng Tính lại siết chặt tay tôi, thân ái:

       - Thứ nhất là bắn rơi B-52, thứ hai là có thêm tài liệu mới.

       Tôi nhớ trong những lần họp Thường vụ, họp Bộ tư lệnh bàn cách đưa tên lửa vào đánh B-52 ở cửa khẩu các tuyến hành lang, anh Đặng Tính thường nhắc đi nhắc lại một ý là việc chúng ta tìm đánh B-52 lần này vừa là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, vừa chuẩn bị cho nhiệm vụ lâu dài. Nếu như các bước leo thang của không quân chiến thuật Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho ta chuẩn bị đánh trả chúng một cách có hiệu quả thì việc leo thang của bọn B-52 cũng thế. Phải tranh thủ thuận lợi này. Đánh B-52 để góp phần bảo vệ giao thông chiến lược. Tìm B-52 mà đánh để tự rèn luyện mình. Vì vậy, không phải chỉ tên lửa mà cả không quân ta cũng được lệnh vào đánh B-52 ở tuyến hành lang 559.

       Trên đường số 20, tôi được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc. Đó là những cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 238, những người đã cùng tôi trải qua những ngày gian khổ, quyết liệt trên chiến trường Vĩnh Linh mấy năm trước. Đồng chí Lê Thanh Cảnh bây giờ đã là trung đoàn trưởng, Đào Công Thận đã là trung đoàn phó, đón tôi ở cửa rừng, vẫn vui vẻ, lạc quan:

       - Chúng ta lại đi tìm diệt con "ngoáo ộp" chứ thủ trưởng?

       - Chứ sao! Bộ đội tên lửa chúng ta phải luôn luôn coi con "ngoáo ộp" B-52 là đối thủ chính của mình.

       Đội hình ra quân đánh B-52 lần này của 238 khác hẳn với hai năm trước, quy mô và bề thế hơn nhiều. Theo chủ trương của Quân chủng, lực lượng này nằm trong đội hình của cụm "Quyết thắng 1", dưới sự chỉ huy trực tiếp của sư đoàn 367.

       Thật thú vị khi lại có dịp sống chung với các chiến sĩ tiểu đoàn 84 tại trận địa đánh B-52. Đại đội trưởng Đoàn Mạnh Dũng hồi ở Vĩnh Linh nay đã là tiểu đoàn trưởng. Các chiến sĩ cũ đã trưởng thành. Nhiều khuôn mặt mới xuất hiện. Nhưng tất cả đều hòa thành một khối, chung một quyết tâm: Đánh thắng B-52.

       Ngày 19 tháng 12 năm 1969, tiểu đoàn 84 phóng những quả đạn tên lửa đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Trận đánh chưa mang lại kết quả như ý muốn, B-52 chưa rơi, nhưng đã buộc Lầu năm góc phải lúng túng đối phó. Những phi vụ B-52 trên đường mòn Hồ Chí Minh lập tức được lệnh tạm thời đình chỉ. Còn bộ binh, công binh, thanh niên xung phong, đặc biệt là các đơn vị ô tô vận tải thì nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của bộ đội tên lửa. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gửi điện cho Bộ tư lệnh Quân chủng vui mừng báo tin: "Những quả đạn tên lửa phóng lên ở đường số 20 ngày 19 tháng 12 năm 1969 đã giúp cho kế hoạch vận chuyển trên tuyến đường hoàn thành vượt mức. Đề nghị tăng cường hơn nửa cả tên lửa và không quân.

       Đối với chúng tôi, tuy chưa bắn rơi được B-52, nhưng những kinh nghiệm bước đầu thu được về hoạt động cảu bộ đội tên lửa trên tuyến hành lang là hết sức quý báu, làm cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo sau này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM