Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:35:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đánh thắng B.52  (Đọc 21348 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2016, 06:22:32 am »

        Về phía ta, bộ đội được chuyển vào cấp một sớm nên rất chủ động, đàng hoàng. Bộ đội tên lửa, cao xạ và các trận địa bắn máy bay của dân quân tự vệ trên thế trận đã bố trí sẵn kịp thời nổ súng, phát huy hỏa lực các tầng, đánh đúng đối tượng chủ yếu là B-52, giành thắng lợi giòn giã ngay đợt đầu, được Bộ Chính trị nhiệt liệt biểu dương. Tên lửa Hà Nội đã phóng tất cả 64 quả đạn, bắn rơi tại chỗ hai B-52. Một số chiếc khác bị thương phải về hạ cánh ở Thái Lan. Đặc biệt trong đợt ba từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút, tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 đã đánh thắng một trận xuất sắc, bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52D tại Thanh Oai, Hà Tây bằng chế độ bám sát tự động. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, trắc thủ cự ly Phạm Hồng Hà, trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc, trắc thủ phương vị Đỗ Văn Tân đã nêu một tấm gương táo bạo, linh hoạt trong cách đánh, góp một kinh nghiệm hết sức quý báu vào thắng lợi chung của chiến dịch. Được tin này, tôi nói với các đồng chí xung quanh:

        - Thế là "con chủ bài" hết thiêng rồi!

        Thế mới biết, sự sáng tạo trên thực tế chiến trường quan trọng biết chừng nào. Từ trước đến nay khi tiến hành biên soạn tài liệu đánh B-52, hầu như chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc đánh B-52 bằng chế độ tự động. Bởi vì muốn áp dụng chế độ tự động, điều quan trọng trước tiên là phải nhìn thấy rõ được mục tiêu trên màn hiện sóng. Điều này đối với các loại F lâu nay đã là chuyện khó khăn, huống gì đối với B-52 được bao bọc bởi 17 chiếc máy gây nhiễu hết sức tinh vi, hiện đại. Ấy vậy mà bây giờ, chỉ mới trong trận đọ sức đầu tiên, "con ngoáo ộp" B-52 đã bị lộ nguyên hình trước mắt các chiến sĩ tài giỏi của chúng ta, giống như tân phù thủy đã bị tước hết phép màu. Kinh nghiệm này có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Tài liệu "Cách đánh B-52" được thông qua trong hội nghị tháng 10 năm 1972 chủ yếu lấy từ kinh nghiệm đánh B-52 của các đơn vị ở tuyến trong. Đó là một tài liệu quý, có tính chất cơ bản. Nhưng những chiến trường khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Tôi nhớ, trong một buổi họp, đồng chí Trần Xanh, nguyên Phó tư lệnh sư đoàn 361 (sau này là Phó tư lệnh Quân chủng) có nói: "Tên lửa Hà Nội phải có cách đánh của Hà Nội". Câu nói này làm cho một số trợ lý ở Quân chủng lúc đó không vừa ý lắm. Bây giờ thì đã rõ. Nhưng để cho hoàn chỉnh hơn, nên nói thêm: Cách đánh của Hà Nội phải dựa trên những kinh nghiệm đã được đúc rút từ các chiến trường. Và để chặt chẽ hơn, cần thêm một ý nữa: không có kinh nghiệm đánh B-52 ở các chiến trường thì sẽ không có cách đánh B-52 ở Hà Nội.

        Vấn đề này tôi sẽ có dịp trở lại với bạn đọc ở phần dưới của hồi ký này.

        Thế là trong đêm chiến đấu đầu tiên, chúng ta đã giành thắng lợi giòn giã. Chỉ một đêm chiến đấu thôi, mà là đêm đầu tiên, điều này quan trọng lắm, chúng ta đã bắn rơi ba B-52, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ. Và nếu chỉ tính riêng đợt tập kích đầu tiên diễn ra từ 19 giờ 40 phút đến 20 giờ 30 phút của đêm 18 tháng 12 thì hiệu suất còn đáng kinh ngạc hơn nhiều. Trong đợt này, địch huy động 21 lần chiếc B-52, ta đã bắn rơi hai chiếc, đạt tỷ lệ gần 10 phần trăm. Đây là một tỷ lệ hết sức cao trong việc đánh trả một cuộc tập kích đường không trong thời đại ngày nay. Kẻ gây ra cuộc tập kích lại là một cường quốc quân sự có lực lượng không quân hiện đại nhất, những phương tiện kỹ thuật tinh vi vào bậc nhất thế giới, khiến cho dư luận thế giới càng bất ngờ và kinh ngạc.

        Trong cuốn sách "Chiến tranh Việt Nam" xuất bản ở Luân Đôn năm 1979, Uchu. T.Creeuwd, một nhà sử học đã từng phục vụ trong bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ viết về trận tập kích đầu tiên như sau:

        "Trước khi tốp máy bay B-52 đầu tiên của cụm máy bay lớn gồm 129 chiếc bay tới vùng mục tiêu, các máy bay F-111 đã tấn công vào bốn sân bay địch trước 30 phút. Tiếp đó, các máy bay F-4 thả các bó nhiễu kim loại, tạo thành hai dải nhiễu bao bọc đội hình tấn công vào Kim Nỗ (Đông Anh) và Yên Viên ở phía Bắc Hà Nội... Đội hình máy bay B-52 này đã bị hai dàn tên lửa ở tây-bắc Hà Nội bắn lên, một chiếc B-52 bị bắn rơi..." Đây là chiếc đầu tiên bị hạ trong cuộc hành quân "Lai-nơ Bếch-cơ 2". Vào giữa đêm, 30 chiếc B-52 cất cánh từ Gu-am đến ném bom vào khu vực Hà Nội. Một số máy bay B-52 khác bị tên lửa bắn bị thương đã phải quay về hạ cánh ở Thái Lan...

        Đối phương đã bắn lên khoảng 200 tên lửa và hàng nghìn viên đạn pháo, ba máy bay B-52 bị bắn rơi và hai chiếc khác bị thương".

        Ở đây phải nói ngay là con số 200 tên lửa đã được thổi phồng quá đáng. Có lẽ đây là con số do những tên phi công thần hồn nát thần tính, thoát chết trở về báo cáo. Mỗi lần nhắc đến đêm 18 tháng 12, phi công B-52 thường thốt lên:

        "Thật là khủng khiếp! Một chuyến bay đầy lo lắng, sợ hãi. Trong máy bay thỉnh thoảng lại một tiếng thét bật lên "Chú ý! Míc!". Chưa thấy Míc đâu, đã lại nghe "Chú ý! SAM!". Sĩ quan điện tử phát hiện, lái phụ cũng phát hiện. Nhìn đâu cũng thấy Míc, nhìn đâu cũng thấy SAM".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2016, 09:13:08 am »

        Trong cơn sợ hãi, hoang mang như vậy, tên lửa Hà Nội chỉ bắn lên đó 64 quả đạn mà phi công Mỹ tưởng là 200 quả thì cũng là điều dễ hiểu!

        Chiều ngày 19 tháng 12, trong căn hầm Sở chỉ huy tiền phương, chúng tôi tổ chức đón mừng thư khen của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ An, đồng thời quán triệt lời kêu gọi của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng.

        Lần này, tiền phương Quân chủng được tổ chức gọn nhẹ, chỉ có khoảng mươi người. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau sung sướng, tự hào về chiến thắng vang dội mà quân và dân ta vừa giành được. Có mấy bao thuốc là Thủ đô do anh Lê Quang Hòa vừa gửi cho, thêm ít kẹo và một gói chè loại một gia đính vừa gửi vào, tôi đưa ra khao tất cả anh em.

        Quả là một ngày rất vui. Thật hạnh phúc và may mắn khi được góp phần vào trận chiến thắng B-52 trong đêm đầu tiên của chiến dịch lịch sử này. Hình như tôi có "duyên nợ" với B-52 hay sao mà năm năm qua, B-52 đã "gặp" tôi trên suốt những chặng đường chiến đấu, từ Vĩnh Linh, Đường 9 - Nam Lào đến Trị - Thiên, và bây giờ là Hà Nội.

        Khi tất cả mọi người đã trở về lán của mình, chỉ còn Nguyễn Sinh Huy và tôi ngồi lại trong căn hầm, tôi bỗng cảm thấy một điều ngẫu nhiên thú vị. Cách đây hơn năm năm, trên chiến trường Vĩnh Linh, tôi và Nguyễn Sinh Huy cũng có giờ phút ngồi bên nhau như hôm nay. Đó là những vui sau trận đánh rơi chiếc B-52 đầu tiên trên miền Bắc, quân và dân Vĩnh Linh được Bác Hồ gửi thư khen. Chỉ tiếc rằng ngày đó, chúng tôi chưa hạ được B-52 tại chỗ, để có thể mang một mảnh xác B-52 về Hà Nội để kính dâng Người. Bây giờ đây, khi xác B-52 bị bắn tác xác trên bầu trời Hà Nội thì Bác đã đi xa. Đối với chúng tôi, nỗi đau này không gì so sánh được. Nó trở thành nỗi ân hận suốt đời trong lòng mỗi chiến sĩ phòng không chũng tôi. Bởi vì như trên đã nói, chính Bác là người đầu tiên chỉ cho chúng tôi con đường đi đến chiến thắng với câu nói bất hủ: "Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi nữa chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".

        Khi B-52 leo thang ra đến đèo Mụ Giạ, phía tây Quảng Bình, rồi liên tục đánh phá khu vực Vĩnh Linh, Bác thường xuyên dành thời gian để nghe báo cáo tình hình. Biết trung đoàn tên lửa 238 đã vào khu vực Vĩnh Linh để đánh B-52, mỗi lần đồng chí Đặng Tính lên báo cáo với Bác tình hình chiến đấu của Quân chủng, bao giờ Bác cũng hỏi thăm tình hình bộ đọi tên lửa đánh B-52 ở Vĩnh Linh.

        Một ngày đầu tháng 8 năm 1967, tôi vừa đi kiểm tra tình hình chiến đấu của một số trung đoàn tên lửa ở phía bắc sông Hồng về thì gặp anh Đặng Tính đang đứng ở trước cửa. Anh vồn vã gọi tôi vào phòng. Tôi tưởng anh sẽ hỏi về công tác chuẩn bị của bộ đội tên lửa trong đợt chiến đấu bảo vệ Hà Nội sắp tới. Nhưng không phải, tôi vừa ngồi xuống ghế, anh Tính hỏi ngay:

        - Bên anh dạo này có nắm được cụ thể tình hình 238 thế nào không?

        Từ ngày cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội diễn ra quyết liệt, nhất là từ đầu năm 1967 đến nay, có lúc phải tập trung đến 80 phần trăm lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội, chúng tôi hầu như "quên" mất trung đoàn 238 đang chiến đấu ở Vĩnh Linh. Tôi báo cáo với anh Đặng Tính về sẽ cho cơ quan nắm lại và tổng hợp báo cáo sau.

        - Vừa rồi Bác có nhắc tại sao ta chưa bắn rơi được B-52 - Anh Tính nói với tôi - Các anh trên Bộ chỉ thị cho Quân chủng phải cử một đoàn cán bộ vào trực tiếp chỉ đạo cho 238 đánh rơi B-52. Chúng tôi đã bàn trong Thường vụ. Anh thu xếp vào trong đó một chuyến.

        Máy hôm sau tôi lên đường.

        Anh Tính siết chặt tay tôi căn dặn:

        - Chúng ta có nhiệm vụ thực hiện lời dạy của Bác. Anh đi, nhớ giữ gìn sức khỏe, bảo dảm an toàn. - Anh lắc lắc tay tôi, cặp mắt nheo cười, thân ái - Khi về, nhớ mang theo một chiếc B-52.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2016, 08:25:24 am »


BA

CHIẾC B-52 ĐẦU TIÊN

        Tôi không còn nhớ ai đã đặt cho đoàn đi công tác Vĩnh Linh của chúng tôi hồi ấy một cái tên hay hay, ngồ ngộ: "Đoàn công tác B". Có lẽ chủ yếu là để giữ bí mật thôi. Nhưng không phải là không có ý nghĩa: "Đoàn công tác chỉ đạo đánh B-52". Theo ngôn ngữ quân sự thông dụng của chúng tôi, B và B-52 là một. B là để phân biệt với F, các loại cường kích.

        Chúng tôi lên đường lúc tiếng súng bắn trả máy bay địch còn nổ ran trên bầu trời Hà Nội. Kẻ thù đang tiếp tục leo những nấc thang cao nhất. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1967, tên lửa bảo vệ Hà Nội phối hợp với các binh chủng bạn đã gây cho địch những tổn thất nặng nề. Sắp tới nhất định chúng cũng sẽ tiếp tục bị thất bại. Mắc Cô-nen, tham mưu trưởng không quân Mỹ đã phải thốt lên: "Vùng Hà Nội, Hải Phòng có một hệ thống phòng không vào loại mạnh nhất thế giới". Nhưng chắc chắn bọn không quân Mỹ sẽ chưa cam tâm chịu thất bại, vì cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam còn đang tiếp diễn, và điều quan trọng nữa là chúng còn nắm trong tay con chủ bài chưa có dịp tung ra: con "ngoáo ộp B-52". Tuy B-52 đã được dùng ở miền Nam, ở Vĩnh Linh, nhưng chỉ mới là phục vụ cho mục đích chiến thuật, kết hợp với phô trương sức mạnh để răn đe. Khi mọi thủ đoạn đều đã không đạt được yêu cầu, đến bước đường cùng thì nhất định con chủ bài sẽ được đưa ra.

        Đêm trước hôm lên đường, anh Đặng Tính đến thăm và trao đổi với tôi những suy nghĩ đó. Anh nói:

        - Cách đây hai năm, Bác đã nói đến B-52. Năm ngoái, trên quyết định cho 238 vào Vĩnh Linh để đánh B-52. Bây giờ Bác và các anh trên Bộ lại nhắc vấn đề B-52, quyết định cử một đồng chí Phó tư lệnh Binh chủng Tên lửa trực tiếp vào Vĩnh Linh chỉ đạo đánh B-52, không phải là không có lý do. Đây là một tầm nhìn chiến lược.

        Đến Nghệ An, theo lời dặn của anh Tính, tôi vào Bộ tư lệnh Quân khu 4 để báo cáo nhiệm vụ và tranh thủ thêm sự chỉ đạo của các anh. Anh Quang Trung đang ở mặt trện B-5. Anh Lê Quang Hòa niềm nở bắt tay tôi:

        - Thật trúng khía bọn mình quá! Trong ấy sắp đánh to mà B-52 nó hoành hành dữ lắm. Lần này 238 phải quật ngã ít ra là một thằng để nó bớt hung hăng.

        Ngày hôm đó, đoàn chúng tôi nghỉ lại ở "Vườn Hồng" (khu nhà khách Quân khu) lấy thêm xăng, chuẩn bị đến tối vượt Bến Thủy.

        Trước lúc lên đường, tôi đã dành hẳn hai ngày để nghe các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật báo cáo tình hình trung đoàn 238 từ khi được lệnh vào Vĩnh Linh đánh B-52 đến nay. Đó là một chặng đường gian nan, vất vả, có nhiều thất bại hơn thành công.

        Ngày 28 tháng 7 năm 1966, sau khi dánh thắng một trận xuất sắc trên bầu trời thành phố Vinh, tiểu đoàn 84, tiểu đoàn đầu tiên của trung đoàn 238 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Lê Quang Thành được lệnh vượt Bến Thủy. Ngay đêm đầu tiên đó, chiếc phà ghép ba chiếc thuyền của công binh đã bị lật nhào và chiếc xe xích cùng với bệ phóng mà nó kéo nặng hơn 20 tấn rơi tõm xuống sông Lam. May mà đồng chí lái xe chui khỏi buồng lái ngoi lên được.

        Tiếp đó, trên đoạn đường từ Nga Lộc đến thị xã Hà Tĩnh lại gặp một trường hợp hú vía. Chiếc xe xích kéo bệ cuối cùng vừa qua khỏi cầu Đông thì cầu bị gãy làm đôi.

        Đến vùng Đất Đỏ thì tiểu đoàn 84 bị địch đánh đúng vào vị trí giấu đạn, bảy quả đạn bị hủy. "Nạn" này chưa qua, "nạn" khác lại đến. Vượt được sông Gianh, xe có dàn ăng-ten đi lạc sang đèo Lý Hòa và bị đổ xuống chân đèo, ngập đầy nước mặn.

        Kéo được xe lên, tiếp tục hành quân vào Phủ Định, vừa triển khai chiến đấu xong, chưa kịp phóng đạn thì đã bị sơ-rai địch đánh trúng, hỏng khí tài. Hôm sau địch còn cho gần 150 lần chiếc đánh phá hầu như suốt ngày vào trận địa Phủ Định. Hôm sau nữa, lại hàng trăm lần chiếc đến đánh phá. Kẻ địch quyết tâm chặn đứng không cho tên lửa ta vào đến đất Vĩnh Linh. Chúng muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những phi vụ B-52 trên chiến trường Bắc Quảng Trị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 08:56:12 am »

        Thế là tiểu đoàn 84, cánh quân đầu tiên của trung đoàn 238 đành phải "nuốt hận" quay trở lại miền Bắc nhận khí tài mới.

        Không hề nao núng trước sự chống trả quyết liệt của kẻ thù, các tiểu đoàn 81, 83 lần lượt vượt sông Lam, sông Gianh tiến vào. Cuộc trường chinh của hai tiểu đoàn này là cả một bài ca tuyệt vời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lòng dũng cảm, trí thông minh, ý thức rõ nhiệm vụ nặng nề "phải vào tận hang để bắt cọp", quyết bắn rơi bằng được B-52 đã giúp các chiến sĩ vượt qua chặng đường dài lửa đạn.

        Đưa được đoàn xe hàng trăm chiếc với những bệ phóng cồng kềnh, những xe máy to cao, có cái dài hàng chục mét, vượt qua những chặng đường hiểm trở với biết bao đèo, dốc trong lúc kẻ địch điên cuồng chặn đánh, vào được đất Vĩnh Linh đã là một sự tích anh hùng. Tiếp đó, việc đưa cả một tiểu đoàn tên lửa xuống hầm sâu, khôn khéo che mắt địch, trụ vững ở một chiến trường mà bốc một nắm đất ở bất kỳ chỗ nào cũng thấy có sắt thép của bom đạn địch trộn lẫn vào, thì sự tích anh hùng càng phải được nhân gấp nhiều lần.

        Thế nhưng chiến thắng vẫn chưa đến cới trung đoàn 238. Ngày 15 tháng 3 năm 1967, một trận đánh khá thuận lợi, tưởng đã có thể được bắt đầu và chiến thắng hầu như đã cầm chắc trong tay nhưng đã bị "tuột" mất vì sự thiếu quyết đoán của người chỉ huy. Hôm đó cả hai tiểu đoàn 81, 83 đều phát sóng và bắt được mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81 Phạm Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 83 Nguyễn Hồng Quảng đều quyết tâm xin đánh, nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra: khí tài của tiểu đoàn 83 không ổn định. Trong tình huống đó và trong giây phút hiếm hoi "nghìn năm có một" ấy, đồng chí trung đoàn trưởng lại chần chừ thiếu quyết đoàn không dám cho tiểu đoàn 81 phóng đạn với lý do "đợi hai tiểu đoàn cùng đánh một lúc cho chắc ăn". Ba tốp B-52 lần lượt bay qua trong nỗi tiếc rẻ và oán trách người chỉ huy của các chiến sĩ ở trận địa. Đêm đó ba lần có cơ hội đánh B-52 như vậy nhưng đều không được đánh chỉ vì lý do "muốn ăn chắc". Biết bao tổn thất, hy sinh, biết bao đồng đội thân yêu đã ngã xuống mới đưa được những bệ phóng vào đây. Ấy thế mà khi những chiếc B-52 đã hiện ra trước mắt, những viên đạn đã nằm trên bệ phóng, chỉ cần ấn nút là sẽ bay lên thiêu cháy kẻ thù thì lại không được thực hiện. Sau này, một số anh em ở trung đoàn 238 có nói, giá như hôm ấy bốn quả đạn của tiểu đoàn 81, 83, hoặc chí ít là hai quả đạn của tiểu đoàn 81 được phóng lên thì không những có thể bắn rơi được B-52 mà còn có khả năng bắn rơi tại chỗ. Vì lúc này yếu tố bất ngờ vẫn còn, thủ đoạn nhiễu của địch chưa phải phức tạp lắm. Trong mọi lĩnh vực, vấn đề thời cơ là vô cùng quan trọng. Riêng trong chiến tranh, trong chiến đấu, thời cơ là thắng lợi và thất bại, là xương máu của chiến sĩ. Trong những trường hợp cần thiết, người chỉ huy phải có tính quyết đoán cao, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước thắng lợi của trận đánh. Do dự, chần chừ sẽ biến thắng lợi thành thất bại và dẫn đến những hậu quả không thể lường hết được.

        Chỉ hai hôm sau lần dánh hụt B-52 ấy, địch tổ chức một trận đánh hết sức ác liệt vào tiểu đoàn 83 ở Cổ Kiềng. Với hơn 100 lần chiếc máy bay, địch đã ném xuống gần 500 quả bom phá, hàng vạn bom bi, rốc két. Pháo từ bờ nam, pháo từ ngoài biển còn bắn vào hơn 1.000 quả. Chính ở đây một lần nữa lại biểu hiện thái độ do dự, dựa dẫm, sợ trách nhiệm. Trong lúc tiểu đoàn 83 bị đánh gần suốt một ngày, người chỉ huy trung đoàn không dám ra lệnh cho tiểu đoàn 81 ở bên cạnh đánh chi viện. Chắc chắn khi tiểu đoàn 81 phóng đạn, những quả đạn đầu tiên trên vùng trời Vĩnh Linh thì kẻ địch sẽ phải chùn lại, tiểu đoàn 83 sẽ không phải chịu đựng những tổn thất nặng nề như nó phải chịu. Đồng chí Phạm Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81 kể lại: "Chúng tôi đã sẵn sàng chỉ còn chờ lệnh là phóng đạn chi viện cho 83". Nhưng lệnh đó đã không đượ phát ra. Vì ở sở chỉ huy trung đoàn còn họp thường vụ, thường vụ chỉ có hai người nên chẳng đi đến một quyết định nào. Sau đó người ta lại gọi điện lên cấp trên để "xin ý kiến". Làm xong được những "thủ tục" đó thì khí tài của tiểu đoàn 83 đã bị đánh hỏng hoàn toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2016, 06:00:29 am »

        Tiếp theo "mối hận Phủ Định", "mối hận Cổ Kiềng" là một vết thương nhức nhối trong lòng các chiến sĩ trung đoàn 238. Có nhiều đồng chí đã khóc. Khóc vì phải vĩnh biệt những người bạn chiến đấu đã cùng mình đi suốt chặng đường đầy máu lửa mà chưa được nhìn thấy ngày đánh thắng B-52. Khóc vì căm thù kẻ địch tàn bạo, từ trên chín tầng mây ném bom tàn sát đồng bào, đồng chí, mà ta chưa trừng trị được. Có đồng chí còn khóc vì sau bao khó khăn gian khổ, lẽ ra ta đã có thể đánh thắng B-52 trận đầu để đáp lại sự quan tâm của Bác Hồ, sự đùm bọc của đồng bào Vĩnh Linh... Nhưng chỉ vì một phút do dự, chần chừ của người chỉ huy, chiến thắng đã không đến, lại còn bị tổn thất.

        Như vậy, con đường dẫn đến chiến thắng B-52 không phải chỉ là những khó khăn về kỹ thuật, chiến thuật, về cách đánh. Những khó khăn đó là vô cùng lớn, đòi hỏi trí thông minh và lòng dũng cảm để vượt qua. Con đường dẫn đến chiến thắng B-52 còn là quá trình đấu tranh để khắc phục những biểu hiện hữu khuynh dao động, do dự, chần chừ, dựa dẫm, sợ trách nhiệm, mà thực chất là thiếu trách nhiệm trước sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ và đồng bào.

        Ở một chiến trường ác liệt, cái sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nếu không khắc phục được những biểu hiện này một cách triệt để thì tác hại sẽ vô cùng lớn.

        Tôi có trao đổi những suy nghĩ này với anh Đặng Tính trước lúc lên đường và đề nghị đồng chí Bí thư Đảng ủy Quân chủng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể. Anh Đặng Tính nói:

        - Tôi nhất trí với cách đặt ván đề của anh. Bởi vì, tuy đoàn công tác B được giao nhiệm vụ chỉ đạo đánh B-52, nhưng để đánh thắng B-52 đòi hỏi phải giải quyết tổng hợp nhiều vấn đề, không đơn thuần là vấn đề quân sự. Nhưng hiện nay 238 trực thuộc Quân khu 4. Công tác đảng, công tác chính trị đều do Quân khu trực tiếp nắm. Anh vào trong đó tìm hiểu tình hình cụ thể, trực tiếp báo cáo với các anh trong đó để giải quyết, với nguyên tắc là "Tất cả để đánh thắng B-52".

        Sẩm tối, chúng tôi vượt phà Bến Thủy. Từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại, đây là lần đầu tiên tôi có mặt ở tuyến lửa Quân khu 4. Tôi có nhận xét đầu tiên là ở Hà Nội tuy có những trận đánh lớn đến hàng trăm lần chiếc máy bay địch, nhưng sau đó cuộc sống lại trở lại bình thường. Còn ở đay thì khác hẳn. Hầu như suốt ngày lúc nào cũng có tiếng máy bay địch ở trên đầu, cũng nghe tiếng bom, tiếng đạn, lúc gần, lúc xa. Còn ban đêm thì thêm một "tiết mục" hết sức quen thuộc là pháo sáng, pháo hạm tàu. Cũng dễ hiểu thôi, khi suốt ngày đêm những dòng xe, dòng người của ta tuôn ra tiền tuyến thì suốt ngày suốt ngày đêm địch cũng tìm cách chặn ta lại. Ngăn chặn và chống ngăn chặn là đặc trưng của cuộc chiến đấu trên vùng trời Quân khu 4.

        Tháng 8, sông Lam đang mùa nước to. Con phà nặng nề vượt sông đưa chúng tôi sang bờ nam. Tôi đứng tụa lưng vào thành xe, đưa mắt nhìn những chùm pháo sáng thình thoảng lại bùng lên ở chân trời phía nam, nghĩ đến cuộc chiến đấu ở miền đất lửa Vĩnh Linh sắp tới. Không hiểu hai tiểu đoàn 84 và 82 đã vào đến nơi chưa? Dọc đường có được an toàn không? Anh Lê Quang Hòa cho biết, cả hai tiểu đoàn đều rời Nghệ An từ cuối tháng 7, mà hôm nay đã là mùng 10 tháng 8. Nếu không gặp gì trắc trở dọc đường thì toàn bộ khí tài, bệ đạn chắn đã vào được khu cất giấu an toàn. Vấn đề trước mắt bây giờ là huấn luyện. Tiểu đòan 84 suốt một năm qua tập trung vào việc củng cố khi tài, công tác huấn luyện hầu như không được chú ý đến. Các trắc thủ được gửi đến các tiểu đoàn bạn để học nhờ, nhưng chủ yếu là làm việc "phụ động", thường được "ưu tiên" đi lấy cơm, lấy là ngụy trang. Vì vậy mà lần này đi, tôi mang theo hai đồng chí trợ lý tên lửa vào loại giỏi của Binh chủng Tên lửa là Lê Đức Khuê và Trần Xuân Khuyến để tiến hành công tác huấn luyện ngay tại chiến trường. Vượt phà Bến Thủy, chẳng bao lâu chiếc Gát 69 của chúng tôi đã bon nhanh trên đường số 15, con đường chiến lược quen thuộc đối với những đoàn quân ra trận trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 01:01:05 pm »

        Tôi rất nóng lòng muốn có mặt ở Vĩnh Linh càng sớm càng tốt, vì nhiệm vụ đánh B-52 lần này nằm trong bối cảnh chiến dịch lớn sắp mở ở bắc đường sô 9 do mặt trận B.5 phụ trách. Anh Lê Quang Hòa cho biết anh Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 4 đã vào trong đó hơn một tháng nay.

        Xe chạy suốt đêm, mờ sáng hôm sau chúng tôi đến nông trường Phú Quý, lúc này trở thành sở chỉ huy cơ bản của trung đoàn 238. Người đầu tiên chúng tôi gặp ở đây là đồng chí Phạm Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81, tay băng trắng, treo lủng lẳng trước ngực. Tôi hỏi:

        - Sao thế này? Tiểu đoàn đâu?

        Phạm Sơn trả lời, không được vui lắm:

        - Báo cáo anh nó đánh hỏng hết khí tài rồi. Sau khi tiểu đoàn 83 bị địch đánh, chỉ còn một mình 81 ở lại trụ bám và đánh thắng liền hai trận. Nhưng rất tiếc là chưa phải đánh B-52. Ngày 6 tháng 7 vừa qua, tiểu đoàn 81 đánh thắng trận thứ ba, bắn rơi một F-4 nhưng lại bị địch đánh trả bằng sơ-rai đúng vào xe điều khiển. Sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh đã anh dũng hy sinh ngay tại vị trí chiến đấu của mình. Trung úy kỹ sư Nguyễn Đức Lượng, trợ lý ban kỹ thuật trung đoàn xuống giúp tiểu đoàn 81 hiệu trỉnh khí tài cũng hy sinh ngay trong xe. Quả sơ-rai tai ác ấy còn làm đại đội trưởng Ngô Huynh và một số đồng chí khác bị thương. Đây là một trận đánh dũng cảm tuyệt vời mà mỗi người tham gia xứng đáng là một anh hùng.

        Ngày hôm đó, đoàn chúng tôi nghỉ lại nông trường Phú Quý, chờ đến tối lại đi tiếp vào Vĩnh Linh. Tại đây, tôi được nghe câu chuyện cảm động về sự hy sinh của đồng chí trung úy kỹ sư Nguyễn Ngọc Tân. Tốt nghiệp xuất sắc khoa hóa Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tân được tuyển vào quân đội xây dựng Binh chủng Tên lửa. Xông xáo, nhiệt tình, say sưa học hỏi và sáng tạo, anh được đồng đội hết sức quý mến. Vừa đặt chân đến nông trường Phú Quý, quan sát một hạt cây cao su bị vỡ làm đôi, Tân nghĩ ngay đến việc có thể dùng hạt cao su để chế biến thành xà phòng. Nhưng cuộc chiến đấu khẩn trưởng của người lính chưa cho phép anh tập trung vào việc đó. Tân nói với các bạn: "Hết chiến tranh thế nào tớ cũng sẽ quay lại đề tài này". Năm ngoái, vừa cưới vợ được vài hôm, Tân được lệnh cùng đơn vị hành quân vào tuyến lửa đánh B-52. Đôi vợ chồng trẻ lưu luyến chia tay nhau. Vừa qua, Nguyễn Ngọc Tân được cử ra Hà Nội nhận một số linh kiện mới, chuẩn bị cho đơn vị triển khai đánh B-52. Vừa đặt chân về đến Hà Nội, Tân đánh một bức điện "cầu may" cho vợ, một cô giáo dạy học ở trường Nguyễn Văn Trỗi. "Anh về Hà Nội một tuần, làm sao gặp được em!". Không ngờ chiều hôm sau, Tân vừa ăn cơm xong thì một chiếc ô-tô con đỗ ngay trước nhà. Thúy Lan, vợ anh, nét mặt tràn đầy hạnh phúc, từ ô-tô bước ra như "từ trân trời rơi xuống". Quả thật nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được có một chuyện như thế. Mới đánh điện hôm qua, làm soa hôm nay đã có mặt. Đúng là một giấc mơ, nhưng lại là một giấc mơ có thật. Nhận được điện của chống, Thúy Lan đang tần ngần suy nghĩ thì tình cờ có chuyến bay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé qua. Thúy Lan mạnh dạn trình bày: "Chồng cháu là bộ đội tên lửa, vào khu 4 đánh B-52 được ra Hà Nội công tác một tuần". Đại tướng hiểu ngay cô giáo trẻ này muốn gì và Thúy Lan được lên máy bay về Hà Nội.
 
       Gặp nhau được năm ngày, đôi vợ chồng trẻ lại chia tay nhau. Người chồng ra tuyến lửa cùng đồng đội tìm cách diệt cho bằng được B-52 của giặc Mỹ. Người vợ trở lại với mái trường, góp phần vun xới những mầm non cho thế hệ mai sau. Nhiệm vụ nào cũng đẹp. Chỉ một tuần sau buổi chia tay ở Hà Nội ấy, trên đường đi công tác từ sở chỉ huy ở Mỹ Thủy xuống trạm kỹ thuật của trung đoàn, Nguyễn Ngọc Tân bị hai F-4 đánh chặn. Một viên bi xuyên vào tim và anh tắt thở sau đó hai tiếng đồng hồ. Những giây phút tỉnh táo cuối cùng thường có của một người sắp từ giã cuộc đời, Tân dành tình cảm cho người mẹ già đang sống ở khu tập thể Kim Liên và người vợ trẻ đang ở cách anh hàng nghìn ki-lô-mét. Trung úy kỹ sư Nguyễn Ngọc Tân trở thành một trong những người hy sinh đầu tiên của trung đoàn 238 trong nhiệm vụ vinh quang đánh thắng B-52 của giặc Mỹ. Và trong chiến thắng này, không thể nói đến sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của những người mẹ, những người vợ
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2016, 06:00:22 am »

*
*  *
       Đoàn công tác B của chúng tôi nghỉ ở Phú Quý một ngày, đến sẩm tối lại tiếp tục đi vào. Vừa đến ngầm Đá Mài đã gặp pháo sáng địch bủa vây tứ phía. Rất may, chúng không phát hiện được và chúng tôi chạy một mạch đến Đồng Hới. Thị xã đầu tiên của miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh phá hoại những ngày này chỉ còn là một đống gạch vụn, vắng vẻ đến hoang lạnh. Từ ngày địch đánh phá ác liệt, những đoàn xe lớn, xe tải thường đi đường số 15. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe con có việc gấp mới đi qua đây. Tuy vậy, chúng tôi cũng phải chờ mất một tiếng mới qua được phà Quán Hầu. Tất cả đều an toàn. Mặc dầu pháo địch từ ngoài biển có bắn vào mấy lọat nhưng chỉ là bắn cầm canh. Đến cách Hồ Xá chừng ba ki-lô-mét, chúng tôi rẽ tay phải đi vào Vĩnh Chấp, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn 238. Có lẽ lúc này đã quá nửa đêm. Ai nấy đều mệt và đói. Công việc đầu tiên là phải đẩy xe vào giấu ở một hẻm núi có cây cối um tùm. Tiếp đó phải chuyển những can xăng dự trữ xuống xe, còn chút xăng nào trong xe cũng phải tháo cho bằng hết rồi đem chôn xuống đất. Cuối cùng phải xem xét ngụy trang thật kỹ con đường mà xe vừa đưa vào chỗ giấu. Tôi tranh thủ đảo một vòng quanh khu vực. Làng xóm lặng yên. Chẳng thấy một ngôi nhà nào. Lác đác một vài chiếc lều lúp xúp ven những quả đồi.

        Đồng chí Cơ, trợ lý công tác chính trị của đoàn công tác B nói với tôi:

        - Đúng là cuộc sống ở miền đất lửa này đã chuyển xuống lòng đất rồi anh ạ!

        Tôi nhất trí với nhận xét ấy và nói:

        - Bây giờ phải tìm hầm hố quanh đây nghỉ ngơi qua đêm, sáng mai ta sẽ đi tìm trung đoàn.

        Đồng chí công vụ tìm cho tôi một căn hầm khá rộng, có nắp hẳn hoi, phía trong lại có cả một cái hầm chữ A chắc chắn. Tôi bước xuống hầm và tự hỏi: những căn hầm như thế này ai đã đào sẵn từ bao giờ và để làm gì? Có phải là để đón tiếp những đoàn khách thường đến một cách đột ngột như chúng tôi đêm nay không?

        Đưa mắt nhìn ra những khoảng sáng mờ mờ của trời đêm, tình thoảng nhấp nhoáng những ánh lửa đạn, tôi nghĩ nhiều đến cuộc chiến đấu quyết liệt sắp tới. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương ở gần ngay đây, và bên kia sông đã là kẻ thù rồi. Vĩ tuyến được gọi là tạm thời này đã tồn tại 13 năm nay, như một vết thương nhức nhối trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nó sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Điều này phụ thuộc vào nỗ lực chủ quan của ta. Và chiếc B-52 đầu tiên sẽ là một trong những nỗ lực đó.

        Cho đến lúc ấy, nhà cầm quyền nước Mỹ biết rõ rằng không thể thắng nổi dân tộc Việt Nam bằng những thủ đoạn đã được đưa ra thi thố. Họ còn hy vọng ở B-52. Cuộc chiến đấu ở đây sẽ là trận thủ sức đầu tiên giữa "siêu pháo đài bay" của đế quốc Mỹ và bộ đội tên lửa Việt Nam. Và trận đầu bao giờ cũng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Tôi nhớ đến lời anh Tính trước hôm lên đường: "Hôm nào về Hà Nội nhớ mang theo mảnh xác một B-52", càng thấy rõ trách nhiệm hết sức nặng nề của mình.

        Thì ra tối hôm qua, trong lúc đi dạo quanh khu vực, tôi đã giẫm lên toàn bộ khu vực sở chỉ huy trung đoàn 238 mà không hề hay biết. Thật khó tưởng tượng được cả cơ quan chỉ huy của trung đoàn tên lửa hiện đại lại khéo léo ẩn kín dưới lòng đất như thế. Cuộc chiến đấu ở đây đòi hỏi không phải chỉ có lòng dũng cảm mà còn phải khôn khéo và thông minh. Trong căn hầm sở chỉ huy chắc chắn và đàng hoàng, chúng tôi tiến hành cuộc gặp gỡ đầu tiên với các cán bộ trung đoàn 238.

        Các đồng đồng chí Lê Thanh Cảnh, trung đoàn phó, Nguyễn Sinh Huy, tham mưu trưởng trung đoàn, Nguyễn Huy Nhuận phó chính ủy, Đào Công Thận tham mưu phó đều có mặt. Lúc này trung đoàn trưởng đang ở Hà Nội để nhận khí tài cho các tiểu đoàn 81 và 83.

        Điều làm tôi xúc động trước hết là khuôn mặt đồng chí nào cũng gày hốc hác. Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn ở chiến trường Vĩnh Linh công với việc phải thường xuyên đấu trí căng thẳng với mọi thủ đoạn xảo quyệt của kẻ địch đã làm cho những cán bộ mới trên 40 tuổi này trông già hẳn đi. Tuy vậy, điều đầu tiên các đồng chí báo cáo với đoàn không phải là kêu ca, đề nghị cấp trên cái này, cái khác mà là lo lắng cho Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2016, 08:52:31 pm »

        - Đề nghị thủ trưởng cho biết tình hình chiến đấu của Hà Nội. Ở trong này, nghe tin địch đánh phá Hà Nội, chúng tôi nóng ruột quá.

        Nhớ lời đồng chí Đặng Tính căn dặn lúc lên đường, tôi chuyển lời thăm hỏi của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Tôi cũng thông báo cho các đồng chí 238 biết tình hình cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội, đặc biệt là của các trung đoàn tên lửa ở phía bắc. Một số kinh nghiệm bước đầu trong việc tìm cách đối phó với thủ đoạn nhiễu trong đội hình (Thời kỳ này vấn đề nhiễu trong đội hình, ngoài đội hình đang là vấn đề tranh luận sôi nổi của bộ đội tên lửa) của địch. Nghe tôi nói, cặp mắt của Nguyễn Sinh Huy cứ sáng dần lên. Cuối cùng, không ngăn được niềm vui trong lòng, anh vỗ hai tay vào nhau đánh đét một cái rồi phát biểu:

        - Đoàn công tác của Quân chủng vào đúng lúc quá. Những vấn đề thủ trưởng Khánh vừa phát biểu cũng chính là những vấn đề chúng tôi đang phân vân. Bởi vì đặt chân vào đến Vĩnh Linh là gặp ngay nhiễu trong đội hình. Dứt khoát B-52 nhiễu trong đội hình là chủ yếu rồi.

        Trung đoàn phó Lê Thanh Cảnh tiếp lời:

        - Chúng tôi ở trong này chỉ có một mình, xa sự chỉ đạo của Quân chủng, đôi khi có vấn đề muốn trao đổi với các "bạn chiến đấu" ở ngoài đó nhưng xa quá. Lần này có đoàn của Quân chủng vào chúng tôi rất mừng, tin tưởng là có thể hoàn thành được nhiệm vụ đánh rơi B-52 mà cấp trên giao cho.

        Với giọng nói lúc nào cũng sôi nổi, Đào Công Thận đứng dậy trình bày cặn kẽ âm mưu thủ đoạn của địch trong thời gian gần đây, đặc biệt là thủ đoạn nhiễu của B-52 có kèm theo những bản thống kê khá tỉ mỉ, công phu. Có thể nói đây là những trang đầu tiên rất quý báu cho tập "hồ sơ" về "con ngoáo ộp" B-52 mà đoàn công tác B của chúng tôi có nhiệm vụ sưu tầm.

        Rất tự nhiên, cuộc họp mặt đầu tiên của chúng tôi biến thành buổi thảo luận sôi nổi về B-52, về cách đánh B-52...

        Ngắm nhìn những khuôn mặt hốc hác, lắng nghe từng lời phát biểu chân tình của các đồng chí 238, lòng tôi bỗng trào lên niềm mến thương vô hạn. Những con người này dã trụ vững dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù suốt một năm nay, kiên trì "tàng hình rình mồi". Thắng lợi chưa đến với họ không pahỉ vì họ thiếu dũng cảm, không phải vì họ sợ hy sinh. Từ ngày thành lập hồi tháng 5 năm 1965, đặc biệt là từ ngày được lệnh vào tuyến lửa đánh B-52, trong điều kiện chiến đấu vô cùng ác liệt, cả trung đoàn 238 không hề có hiện tượng đảo ngũ, nằm ỳ, hoặc thoái thác nhiệm vụ. Nhiều đồng chí bị thương, bị ốm nặng nằng nặc xin ở lại đơn vị, hoặc điều trị tại chỗ không chịu về hậu phương. Nếu vì vết thương quá nặng phải về hậu phương điều trị thì khi ra viện, tất cả lại trở ra tiền tuyến. Đồng chí thiếu úy Trần Ngọc Hoa, trưởng xe thu phát thuộc tiểu đoàn 81 bị thương thủng nhiều khúc ruột phải điều trị lại quân y viện 108. Khi ra viện thì tiểu đoàn đã chuyển sau vào phía trong, đồng chí tự tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện để trở lại đơn vị kịp thời tham gia đánh B-52. Đánh thắng B-52 không chỉ là yêu cầu về lý trí mà từ lâu đã trở thành tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 238.

        Có những cán bộ, chiến sĩ tuyệt vời như vậy, tại sao chúng ta chưa đánh thắng? Không những thế còn bị tổn thất khá nặng nề. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi trong đó có nguyên nhân về tổ chức, chỉ huy. Trách nhiệm này nghiêm khắc mà xét, chúng tôi, những người lãnh đạo, chỉ huy ở Binh chủng, ở Quân chủng phải chịu trách nhiệm một phần. Chúng tôi đã chủ quan đơn giản khi đưa cả một trung đoàn tên lửa vào chiến trường ác liệt mà mật độ bom đạn vào loại cao nhất trong lịch sử chiến tranh so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Có lẽ chúng tôi đã hơi nghiêng về việc dùng ý chí để đọ với sắt thép chăng? Trong cuộc chiến tranh này, ý chí phải đi đôi với khoa học kỹ thuật. Cuộc chiến đấu trên bầu trời Hà Nội trong những ngày vừa qua đã chứng tỏ điều đó. Tại đây một cuộc chiến tranh điện tử với quy mô lớn đã thực sự bắt đầu. Có thể nói toàn bộ nền công nghiệp điện tử của nước Mỹ đã được huy động để phục vụ cho cuộc chiến tranh này. Không tính đến những điều đó trong cuộc chiến đấu sắp tới thì không thể thu được thắng lợi. Tiểu đoàn 84 ở Phủ Định vừa phát sóng lên đã bị "ăn" sơ-rai. Tiểu đoàn 83 hai ngày liên tục phát sóng nhưng không chịu di chuyển trận địa, chỉ cần dùng phương pháp giao hội điện tử đơn giản, kẻ địch cũng dễ dàng tìm ra trận địa của ta. Kết quả là 83 đã bị đánh. Rồi đến 81 cũng bị đánh bằng sơ-rai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 07:10:40 pm »

        Chúng tôi đang họp thì nghe một loạt tiếng nổ lụp bụp phía bên ngoài. Căn hầm rung lên như có người gõ trống. Tham mưu phó Đào Công Thận vừa cười vừa nói một cách bình thản:

        - Pháo bờ nam nó bắn sang đấy thủ trưởng ạ!

        Dứt loạt pháo bắn lại đến tiếng rít của máy bay và sau đó là tiếng bom nổ. Đồng chí Thận lại nói:

        - Nó lại bom Vĩnh Sơn rồi!

        Thay mặt đoàn công tác, đồng thời là đại diện của Bộ Tư lệnh Quân chủng, tôi chính thức giao nhiệm vụ cho trung đoàn 238:

        1. Nhiệm vụ: Tập trung mọi nỗ lực đánh rơi B-52 phối hợp với chiến dịch Bắc Quảng Trị do Bộ tư lệnh B.5 phụ trách.

        2. Sử dụng lực lượng: Tiểu đoàn 84 triển khai ở khu tây, tiểu đoàn 82 giấu quân ở khu đông làm lực lượng dự bị.

        3. Tổ chức chỉ huy: Chuyển sở chỉ huy lên khu tây cho gần đơn vị hỏa lực. Trung đoàn ra lệnh chuyển cấp. Tiểu đoàn quyết định thời cơ.

        4. Công tác bảo đảm:

        - Tập trung đại đội công binh 82 lên cùng đại đội công binh của 84 làm trận địa.

        - Tất cả các hầm của các xe khí tài đều phải có nắp. Phải chấp hành nghiêm kỷ luật ngụy trang.

        - Tổ chức tốt việc thu tình báo mạng phân tán của đại đội 12 ra-đa.

        5. Công tác chính trị: Tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị để quán triệt nhiệm vụ với chủ để: trách nhiệm và vinh dự quyết tâm đánh thắng B-52 giặc Mỹ.

        Cuối cùng, nhớ lại những lời đồng chí Đặng Tính trao đổi trong buổi tối trước ngày lên đường, tôi kết luận buổi giao nhiệm vụ:

        - Cách đây hai năm Bác chỉ thị cho Quân chủng ta phải đánh thắng B-52, lẽ nào chúng ta, những chiến sĩ được Đảng và Bác trao cho vũ khí trong tay lại không thực hiện được lời dạy của bác? NHân dịp sinh nhật Bác 19 tháng 5 vừa qua, đồng chí Đặng Tính thay mặt Quân chủng chúc Bác mạnh khỏe sống lâu, Bác nói: "Các chú cứ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe rồi". Trong những đợt chiến đấu bảo vệ Hà Nội vừa qua, bộ đội phòng không Hà Nội đã bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ và đã được Bác gửi thư khen. Nếu như sắp tới, chúng ta bắn rơi được B-52 của giặc Mỹ thì Bác sẽ vui biết chừng nào!

        Tính tôi vốn ít để lộ tình cảm ra ngoài, cũng không hay nói văn hoa, nhưng trong buổi họp hôm đó với các đồng chí 238, tôi đã phát biểu với sự xúc động của lòng mình.

*
*    *
       
        Sau cuộc họp với trung đoàn 238, sáng ngày 14 tháng 8 năm 1967, từ Vĩnh Chấp tôi lên đường đến Sở chỉ huy Mặt trận B-5 để báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Cận, Chủ nhiệm phòng không Quân khu 4 cùng đi với tôi.

        Dọc đường anh Cận kể cho tôi nghe nỗi mong cháy bỏng của người dân Vĩnh Linh muốn được nhìn thấy tên lửa của ta thiêu cháy B-52 Mỹ. Anh Cận cho biết, pháo cao xạ trung cao cỡ 88mm cũng đã có bắn nhưng không ăn thua. Đạn nổ hết tầm thì cũng chỉ mới gần tới bụng B-52.

        Xế chiều, chúng tôi đến trạm khách của mặt trạn. Theo hướng dẫn, chúng tôi giấu xe vào nơi quy định rồi cuốc bộ vượt núi đi vào khu vực sở chỉ huy. Nhưng một trận mưa lớn ập xuống bất ngờ. Gió núi thổi ào ào, nước ở các triền suối dâng lên nhanh chóng. Anh Cận nêu ý kiến: "Phải nghỉ lại dọc đường thôi". Thực ra cũng chẳng còn cách nào hơn, mặc dầu sở chỉ huy chỉ cách đây dừng dăm km.

        Khoảng 10 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới đến được Sở chỉ huy B-5. Anh Quang Trung niềm nở tiếp chúng tôi.

        - Được điện báo các anh đi từ hôm qua, chờ nóng ruột quá! Gặp mưa lớn dọc đường phải không?

        Thấy tôi không được khỏe, thỉnh thoảng lại ôm bụng nhăn nhó vì bệnh dạ dày đang hành hạ, anh Quang Trung tỏ vẻ ái ngại, bảo quân y lấy thuốc cho tôi uống, nhưng vẫn cứ nói đùa với tôi:

        - Lính "cậu" Hà Nội gặp một bữa ra trò nhé! Nhưng chưa mùi gì đâu. Hãy chuẩn bị tinh thần mà quần nhau với B-52. Lần này phải quần ra trò, cho kỳ đến thắng lợi thì thôi. Còn bây giờ các anh cứ nghỉ ngơi, tắm giặt, chiều nay ta sẽ làm việc. Trưa nay sẽ thết các anh một bữa cơm với thịt lợn rừng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 08:59:07 pm »

        Buổi chiều, chúng tôi được anh Quang Trung trực tiếp phổ biến nhiệm vụ chung của chiến dịch và nhiệm vụ cụ thể của bộ đội tên lửa đánh B-52. Anh Quang Trung nhấn mạnh:

        - Lần nay tên lửa chỉ có một nhiệm vụ chủ yếu là đánh B-52. Đây là lệnh từ Hà Nội. Vừa qua, cho tên lửa chuyển sang đánh F cũng được nhưng chưa thật hay. Được một cái F nhưng mất một bộ khí tài. Đến khi B-52 ra thì chỉ còn biết đưa mắt nhìn.

        Sau khi nghe tôi báo cáo ý định tác chiến của trung đoàn 238 và công tác chuẩn bị đã tiến hành, anh Quang Trung chỉ thị:

        - Chậm nhất là ngày 23 tháng 8 phái triển khai sẵn sàng chiến đấu xong.
       
        Nhiệm vụ chung đã rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể đã được giao. Trên đã hạ quyết tâm. Bây giờ là vấn đề tổ chức thực hiện của cán bộ ở đơn vị và sự nỗ lực của người lính ở chiến trường. Sau khi rà lại thực lực mọi mặt của trung đoàn 238, để bảo đảm cho đơn vị có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi điện ra Hà Nội xin bổ sung thêm cán bộ và một số linh kiện quý để phục vụ cho khí tài sẵn sàng chiến đấu.

        Chỉ bốn hôm sau, ngày 18 tháng 8 năm 1967, một chiếc Gát 63 từ Hà Nội vào đến Vĩnh Chấp. Thêm hơn một chục đồng chí nữa được cử vào tăng cường cho đoàn công tác B, gần đủ các ngành: kỹ thuật, công binh, quân báo, thợ sửa chữa... do đồng chí Nguyễn Kim Thiệu, trợ lý bảo vệ làm trưởng đoàn. Chúng tôi xúc động trước sự quan tâm đặc biệt của Bộ tư lệnh Quân chủng đối với một bộ phận nhỏ của chúng tôi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường. Các đồng chí mới vào cho biết, bắt đầu từ ngày 11 tháng 8 năm 1967, địch lại mở một chiến dịch lớn đánh thẳng vào Hà Nội, cầu Long Biên đã bị sập hẳn một nhịp. Đặc biệt lần này, kẻ địch dã man dùng bom bi sát thương rải suốt dọc mấy xã phía bắc sông Đuống, gây tổn thất khá lớn cho đồng bào và bộ đội ta. Được tin, chúng tôi lặng người đi vì đau đớn và căm thù. Tối hôm sau, trong buổi sinh hoạt chi bộ đầu tiên của đoàn, tất cả chúng tôi đã đồng thành quyết nghị "Phải tìm mọi cách cùng đơn vị đánh rơi B-52 trả thù cho Hà Nội".

        Sau khi có thêm lực lượng của Quân chủng tăng cường vào, đoàn chúng tôi tổ chức thành bốn bộ phận để trực tiếp theo dõi giúp đơn vị triển khai nhiệm vụ đánh B-52.

        Bộ phận nghiên cứu địch do đồng chí Bùi Văn Huệ, trợ lý quân báo Quân chủng phụ trách, có nhiệm vụ tổng hợp lại quy luật hoạt động của địch trên không từ trước tới nay, đi sâu vào quy luật hoạt động của B-52, rút ra những kết luận cần thiết để phục vụ cho nhiệm vụ sắp tới. Bộ phận huấn luyện trắc thủ do đồng chí Trần Xuân Khuyến, trợ lý xe điều khiển phụ trách, có nhiệm vụ cùng ban tham mưu trung đoàn căn cứ vào tình thực tế của đơn vị, tổ chức huấn luyện cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu theo một chương trình đặc biệt được rút ra từ kinh nghiệm những trận đánh B-52 ít ỏi nhưng không thành công vừa qua, và cả những kinh nghiệm của các đơn vị ở Hà Nội. Mặc dầu toàn đơn vị đang phải tập trung vào nhiệm vụ xây dựng trận địa, chúng tôi vẫn đề ra chỉ tiêu mỗi ngày phải đạt được bốn giờ huấn luyện. Bộ phận sửa chữa, điều chỉnh khí tài do đồng chí Trần Văn Lịch, trợ lý kỹ thuật phụ trách. Bộ phận bảo đảm trận địa, ngụy trang do đồng chí Lê Văn Tụy, trợ lý công binh phụ trách.

        Trước khi các bộ phận triển khai nhiệm vụ tôi nhấn mạnh hai điểm:

        Một là, sự phân công ở đây chỉ là sự phân công trong nội bộ đoàn công tác B, còn khi tiến hành thì phải dựa trên cơ sở tổ chức của đơn vị, cán bộ của đoàn chỉ đóng vai trò "cố vấn", nhưng phải thực sự tham gia. Phải hết sức khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, giữ gìn sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, nhằm mục đích cao nhất là đánh thắng B-52.

        Hai là, từng bộ phận phải có ý thức vừa làm vừa nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, kịp thời đề xuất những vấn đề mới, đặc biệt là về âm mưu thủ đoạn của địch cách đánh của ta. Từng bộ phận phải có có nền nếp ghi chép, để sau đợt công tác này mỗi bộ phận có một tài liệu tương đối hoàn chỉnh về B-52. Điều này rất quan trọng. B-52 gây tội ác đối với đồng bào miền Nam từ năm 1965. Gần một năm nay B-52 leo thang ra phía bắc Quảng Trị, bắt đầu gây tôi ác với đồng bào Vĩnh Linh. Nhưng "hồ sơ" về tên tội phạm này chúng ta chưa có bao nhiêu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đoàn lần này là lập cho bằng được "hồ sơ" đó, mà trọng tâm là thủ đoạn của B-52 và cách đánh B-52.

        Đối với tôi, những kỷ niệm về thời gian đánh B-52 ở chiến trường Vĩnh Linh năm 1967 là những kỷ niệm không thể quên. Không phải chỉ là sự ác liệt của bom đạn, là những trận rải thảm của B-52, là những lần chết hụt hầu như ngày nào cũng có, mà đằng sau những điều đó là một cái gì lớn lao hơn nhiều. Đó là cuộc sống và chiến đấu vô cùng anh dũng của đồng bào, chiến sĩ Vĩnh Linh. Có thể nói trên mảnh đất này, mỗi người dân, từ cục già đến em bé đều là một tấm gương nổi bật về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì lẽ sống làm người, về nhân sinh quan cộng sản. Những tiêu chuẩn đạo đức mà Mác và Ăng-ghen đã nói cách đây hơn một trăm năm trong Tuyên ngôn cộng sản, và Bác Hồ kính yêu vẫn thường xuyên chăm lo giáo dục chúng ta, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng chính cả cuộc sống cao đẹp của Người, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở mỗi đòng bào và chiến sĩ Vĩnh Linh.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM