Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:17:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đánh thắng B.52  (Đọc 21390 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 10:01:06 am »



        - Số hóa:     Triumf

        - Hiệu đính: Giangtvx

LỜI NÓI ĐẦU

        Hơn hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ngày 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành ngày lịch sử của nhân dân ta, quân đội ta. Riêng đối với Quân chủng Phòng không, ngày 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của mình.

        Sự kiện 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã từng làm chấn động dư luận thế giới. Hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuốn sách của nhiều tác giả thuộc các chính kiến khác nhau đã viết về sự kiện lịch sử vĩ đại này.

        Sau "sự kiện 12 ngày đêm", nhiều người trên thế giới đã đặt câu hỏi "Giá như Việt Nam bị sụp đổ dưới hàng vạn tấn bom rải thảm của B-52 thì vận mệnh của thế giới sẽ ra sao?". Một câu hỏi mang rất nhiều ý nghĩa. Quả thực, vào những ngày đó, bạn bè của ta và những người có lương tri trên toàn thế giới đã thực sự lo lắng cho ta, liệu nhân dân ta có chịu đựng nổi trận đánh tổng lực của không quân chiến lược Mỹ không?

        Từ lâu, con "ngoáo ộp" B-52 đã trở thành mối lo sợ dai dẳng đối với những người yếu bóng vía trên thế giới. Các thứ loa tuyên truyền của Mỹ đã khá thành công trong việc tô vẽ cho con "ngoáo ộp" này. Nào là "pháo đài bay bất khả xâm phạm", "siêu pháo đài bay", loại vũ khí "chống nổi dậy trên ba vạn thước Anh". Nó sẽ "trút bom xuống như mưa với những tiếng rít gào, tiếng xé không khí khủng khiếp như giông bão". Nào là "một phi vụ B.52 có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn, để lại trên đó những hố bom chi chít kéo dài hàng ki-lô-mét như những cảnh tượng trên mặt trăng" và "sẽ không còn một sinh vật nào có thể tồn tại nổi dưới những chận mưa bom kinh khủng của B.52 mà", "...Đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sự, bị khiếp đảm về tinh thần vì cảm thấy hoàn toàn bất lực trước sức mạnh tàn phá của B.52 mà họ không có cách gì chống lại nổi...", vân vân và vân vân.

        Nhưng Việt Nam đã không sụp đổ. Việt Nam đã chiến thắng. Và một câu hỏi lớn khác cung được đặt ra ngay sau sự kiện 12 ngày đêm và suốt 20 năm nay, người ta vẫn đang đi tìm câu trả lời. Đó là nguyên nhân gì, sức mạnh nào mà với loại tên lửa SAM.2 cổ lỗ, với một quân đội còn non trẻ, một đất nước có nền công nghiệp lạc hậu so với Mỹ hàng thế kỷ... lại có thể bắn rơi hàng loạt B.52, tạo nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử chiến tranh, ít nhất đến thời điểm đó.

        Là một người có may mắn được tham gia vào sự kiện đánh thắng B.52, từ chiếc B.52 đầu tiên bị bắn  rơi trên bầu trời Vĩnh Linh đến chiếc B.52 cuối cùng bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, tôi tự thấy có trách nhiệm kể lại với bạn đọc, với các thế hệ mai sau về một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hy vọng tập sách sẽ góp được phần nào cho lời giải đáp mà nhiều người trong và ngoài nước đang quan tâm.

        Tập hồi ký này được viết cách đây hơn mười năm, trong dịp kỷ niệm lần thứ mười chiến thắng B-52 và đã được đăng tải nhiều kỳ trên báo Đảng. Năm nay Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho in toàn bộ. Về cơ bản tôi không thêm bớt sửa chữa gì, bởi lịch sử diễn ra như thế nào tôi đã ghi lại một cách trung thực như nó vốn có. Như tên của tập sách, tôi chỉ tập trung vào một sự kiện "Đánh thắng B-52", trong phạm vi những gì tôi hiểu biết, được chứng kiến hoặc tham gia và cảm thấy tâm đắc nhất với cương vị của tôi lúc đó.

        Với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc, tôi xin kính dâng những dòng hồi ức tâm huyết này, như một nén hương tưởng niệm những đồng bào, đồng chí đã hy sinh cao cả vì sự nghiệp "Đánh thắng B-52", góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng.

        Cuối cùng, cho phép tôi tỏ lời chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tập sách kịp thời ra mắt bạn đọc.

HOÀNG VĂN KHÁNH        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:26:22 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 09:38:21 am »

       
MỘT

CON NGOÁO ỘP B-52

        Ngày 18 tháng 4 năm 1952, chiếc máy bay khổng lồ mang tên B-52 lần đầu tiên bay thử thành công. Bọn trùm hiếu chiến Mỹ vỗ tay reo mừng. Từ nay không quân Mỹ có trong tay một thứ vũ khí chiến lược mang bom hạt nhân làm "bảo bối" để răn đe nhân dân thế giới.

        Có sự trùng hợp thật ngẫu nhiên. đúng 20 năm sau, ngày 16 tháng 4 năm 1972, thành phố Hải Phòng của nước Việt Nam trở thành thành phố đông dân đầu tiên trên thế giới bị máy bay B-52 ném bom rải thảm. Tất nhiên, chiếc B-52 lần này không hoàn toàn giống như chiếc B-52 lúc mới ra đời. Sau 20 năm, đặc biệt từ khi Mỹ tham gia ồ ạt vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã ra công cải tiến, lần lượt cho ra đời tám kiểu B-52 đánh số từ B-52A đến B-52H. Mỗi chiếc có thể mang trên dưới 100 quả bom thông thường với trọng lượng từ 18 đến 28 tấn. Vào những năm đầu thập kỷ sáu mươi, Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ được giao nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng B-52 vào một cuộc chiến tranh hạn chế. Đầu năm 1965, có ý kiến đề nghị dùng B-52 ném bom Bắc Việt Nam. Nhưng nhà cầm quyền nước Mỹ lúc bấy giờ chưa dám làm việc đó. Vả lại học cũng còn đủ khôn ngoan để tính toán rằng đã là con "chủ bài" thì phải đưa ra đúng lúc. Tháng 4 năm 1965, Mỹ quyết định dùng sư đoàn không quân chiến lược số 3 đóng ở đảo Gu-am tiến hành chiến dịch ném bom mang tên "Cung sáng" ở miền Nam Việt Nam. Ngày 18 tháng 6 năm 1965, ba mươi máy bay B-52 cất cánh từ đảo Gu-am ở trung tâm Thái Bình Dương, vượt gần 9.000km, với 16 giờ bay liên tục đã thực hiện cuộc ném bom rải thảm lần đầu tiên trên thế giới vào khu vực Trảng Lớn, Bờ Cảng thuộc xã Long Nguyên huyện Bến Cát, tỉnh BÌnh Dương phía tây bắc Sài Gòn. Trong lần ra quân đầu tiên này, B-52 đã không gặp may. Hai chiếc bị tai nạn trong khi tiếp dầu trên không và rơi xuống biển. Tám trong số 12 nhân viên trên máy bay thiệt mạng. Hai chiếc khác bị trục trặc ở dọc đường. Cuối cùng chỉ có 26 chiếc tới được khu vực mục tiêu nhưng lại ném bom trệch ra ngoài căn cứ nên không gây thiệt hại gì cho lực lượng kháng chiến. Từ đó, các máy bay chiến lược B-52 được dùng thường xuyên làm nhiệm vụ chiến thuật, yểm trợ cho các cuộc hành quân trên bộ của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn. Đến cuối năm 1965, các đội hình lớn từ 18 đến 30 chiếc B-52 đã được sử dụng phổ biến trên chiến trường miên Nam và cường độ xuất kích đã lên tới 300 lần chiếc tháng. Sang đầu năm 1966, theo yêu cầu phát triển của chiến trường, tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam đề nghị lần lượt tăng lên 600, rồi đến 800 lần chiếc tháng. Mặc dầu vậy, quan và dân miền Nam vẫn tiếp tục nắm quyền chủ động trên chiến trường.

        Ngày 12 tháng 4 năm 1966, máy bay B-52 lần đầu tiên ném bom đèo Mụ Giạ ở Bắc Việt Nam, mở đầu việc đánh phá của B-52 trên miền Bắc nước ta. Đầu năm 1967, sân bay U-ta-pao trên đất Thái Lan được khẩn trương xây dựng. Từ căn cứ này, B-52 đi ném bom ở Việt Nam không cần phải tiếp dầu. Do đó, cường độ xuất kích của B-52 ngày càng tăng, đến tháng 1 năm 1968 đã lên tới 1.200 lần chiếc tháng. Khi chiến dịch Khe Sanh bước vào giai đoạn quyết liệt thì cường độ xuất kích của B-52 đã lên tới 1.800 lần chiếc tháng.

        Với tất cả những cố gắng đó, B-52 vẫn không giúp cho kẻ địch làm thay đổi được cục diện trên chiến trường. Tuy nhiên, việc dùng B-52 ném bom trên chiến trường miền Nam Việt Nam gần tám năm trời là một quá trình tập dượt quan trọng đối với không quân chiến lược Mỹ. Hệ thống chỉ huy dẫn đường ngày càng được hoàn thiện, các máy gây nhiễu được cải tiến và nâng cao. Cho đến những ngày cuối tháng 12 năm 1972, khi quyết định tung hàng trăm lần chiếc B-52 vào vùng trời Hà Nội, Hải Phòng thì các nhà chiến lược của Nhà trắng và Lầu năm góc tin rằng những "siêu pháo đài bay" của chúng đã trở thành bất khả xâm phạm và đòn tập kích chiến lược này sẽ là đòn quyết định buộc chúng ta phải quỳ gối đầu hàng.

        Thực ra, tham vọng của bè lũ Ních-xơn không phải không có căn cứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 01:05:44 pm »


*
*  *

       B-52 đúng là một biểu tượng về sức mạnh của nền công nghiệp Mỹ. Chỉ riêng việc làm cho thân hình máy bay có trọng lượng hơn 221 tấn cất cánh khỏi đường băng đã làm cho thế giới lúc bấy giờ phải kinh ngạc. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, Mỹ đã hợp hĩnh đặt cho nó cái tên "pháo đài bay khổng lồ", "siêu pháo đài bay"... Với chiều dài 48,07m, chiều cao 12,39m, sải cánh 56,42m, B-52 đúng là một loại "pháo đài bay khổng lồ". Cho đến nay chưa có loại máy bay quân sự nào có kích thước và sức chở nặng lớn đến như thế.

       Thời gian làm công tác chuẩn bị cho một phi đội B-52 từ 10 đến 12 chiếc cất cánh phải mất 24 giờ. Riêng phát động máy trước khi bay mỗi chiếc B-52 phải mất hai giờ. Thời gian tập hợp đội hình lên độ cao tám đến mười km phải mất 35 phút.

       Việc chi phí cho những chuyến bay B-52 cũng đạt đến mức "khổng lồ". Theo "Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương" của nhóm nghiên cứu trường đại học Coóc-nen, xuát bản ở Mỹ đầu năm 1972, một lần xuất kích của một B-52 tốn hết 41.121 đô la, gồm chi phí xăng, dầu, mỡ, bảo quản, sửa chữa... và nhiều nhất là bom đạn (Xăng, dầu, mỡ 3.397 đô-la, bảo dưỡng 4.424 đô-la, bom đạn 22.500 đô-la...). Cũng theo tài liệu trên, từ năm 1965 đến năm 1971, máy bay B-52 Mỹ đã xuất kích hơn 79 nghìn lần chiếc và tốn hết 3 tỷ 210 triệu đô-la.

       Cũng vẫn tài liệu đó viết: "Trên một nửa tổng khối lượng bom đạn ném từ trên không xuống Nam Việt Nam là của B-52... Tính đến cuối năm 1971, chỉ riêng ở Việt Nam đã có hơn mười triệu hố bom, phần lớn là do những quả bom nặng 500 cân Anh và 750 cân Anh từ máy bay B-52 ném xuống gây ra. Con số này bằng một khu vực rộng 650 km2 và bằng việc đào lên khoảng hai tỷ rưỡi mét khối (Anh) đất. Nhiều vùng khá rộng ở Đông Dương có nhiều hố bom đến nỗi các vùng này giống như bề mặt của mặt trăng".

       Trong bài "Chống nổi loạn từ trên 30.000 feet: B-52 ở Việt Nam", K. Kipp viết: "Nhiệm vụ của B-52 là quấy rối địch, làm gián đoạn mọi hoạt động bình thường của địch, không cho địch được nghỉ ngơi ngay cả ở các sào huyệt của họ trong rừng và làm tiêu hao địch về mặt tâm lý". Còn James A. Donvan trong cuốn "Chủ nghĩa quân phiệt Mỹ" thì viết: "Trong khi vùng nông thôn tan biến dưới cơn lốc của chất nổ mạnh do B-52 ném xuống, người ta giải thích một cách sinh động rằng đó là con bài thanh toán "bọn xâm lược công sản và quân du kích".

       Vào những năm 1965, 1966, những tờ truyền đơn thả xuống các vùng giải phóng ở miền Nam, in hình chiếc B-52 với đầy đủ kích thước, tính năng của nó, quả đã có tác dụng tâm lý nhất định. Một số cán bộ ở miền Nam ra công tác ở miền Bắc khi kể cho chúng tôi nghe về những đợt rải thảm B-52, đã tỏ ra phân vân, lo lắng. Ở miền Bắc, trong những ngày đầu chống lại cuộc chiến trnah phá hoại của kẻ thù, chúng tôi cũng đã bắt đầu suy nghĩ đến B-52. Tuy chưa đưa ra được một cách đánh cụ thể, nhưng câu nói của Bác Hồ: "Dù đế quốc lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi nữa chúng ta cũng đánh và đã đánh là nhất định thắng" đã động viên và củng cố niềm tin cho chúng tôi. Ngay từ những ngày đầu, theo chỉ thị của cấp trên, chúng tôi đã có kế hoạch theo dõi con "ngoáo ộp" này một cách chặt chẽ, đặc biệt là cái vỏ điện tử tinh vi bảo vệ nó. Để bạn đọc dễ hình dung, tôi xin nêu một so sánh. Trước đó, chúng tôi gọi mỗi chiếc EB-66 là một "nhà máy điện tử di động" trên không. Đây là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại của không quân Mỹ với năm nhân viên điện tử ngồi trên máy bay. Vào những năm 1966, 1967, mỗi đợt đánh lớn vào Hà Nội, chúng chỉ dùng từ ba đến năm chiếc EB-66 là có thể nhiễu trắng hầu hết các màn ra-đa của ta, làm bức màn cho bọn cường kích đi bắn phá. Có thể nói trong lòng mỗi chiếc B-52 chứa gọn một chiếc EB-66. Điều này không những đúng cả về kích thước, vì mỗi chiếc B-52 to gấp bốn lần chiếc  EB-66, mà đúng cả về tính chất của nó. Nếu mỗi chiếc EB-66 chỉ có 16 loại máy điện tử thì mỗi chiếc B-52 có đến 17 loại và tất nhiên là tinh vi hơn, hiện đại hơn nhiều.

       Như vậy vẫn chưa thật yên tâm. "Những bộ óc thông minh nhất nước Mỹ" còn trang bị thêm cho mỗi chiếc B-52 hai máy gây nhiễu tiêu cực, mỗi máy đựng 450 bó nhiễu, mỗi bó có hàng vạn sợi kim loại, khi được tung ra nó sẽ biến thành một khu vực nhiễu có thể che kín cả đội hình B-52 trong một thời gian nhất định.

       Tin tưởng vào những máy móc mà cả nền công nghiệp điện tử của Mỹ đã dốc hết sức mới có được, bọn chỉ huy Mỹ đã trấn an bọn phi công B-52: "Các anh yên trí. Các sân bay của Bắc Việt sẽ bị tê liệt trước khi các anh vào, còn các trạm tên lửa SAM thì sẽ bị hoàn toàn vô hiệu do các máy gây nhiễu của ta".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2016, 04:20:23 pm »

        Tưởng cũng nên kể qua một chút về cuộc hành trình của bọn "siêu pháp đài bay" này để bạn đọc có thể hình dung được phần nào hệ thống tổ chức chỉ huy hiện đại của lực lượng không quân chiến lược Mỹ.

        Đoạn đường từ đảo Gu-am ở trung tâm Thái Bình Dương đến gần vùng biển Việt Nam dài trên 4.000km, B-52 bay theo một đường bay định sẵn. Bọn giặc lái chỉ việc mở máy tự động rồi ung dung ngồi đọc tiểu thuyết hoặc xem họa báo. Thỉnh thoảng tên sĩ quan dẫn đường nhìn qua cửa kính đối chiếu với trăng sao trên trời, nếu cần thiết thì điều chỉnh lại hướng bay. Đến mỗi điểm quy định có đánh dấu trên bản đồ bay, những ngọn đèn có màu sắc khác nhau lần lượt bật sáng, báo cho kíp bay biết cuộc hành trình đang được thực hiện tốt đẹp.

        Khi tới vùng trời phía bắc Phi-lip-pin 180km, theo kế hoạch hiệp đồng, những chiếc KC-135 từ Philip-pin cũng vừa bay đến, bắt đầu làm nhiệm vụ tiếp dầu cho B-52. Công việc phức tạp này được tiến hành trên độ cao mười ngàn mét, trong lúc những chiếc B-52 vẫn tiếp tục bay về hướng Việt Nam. Đến khu vực nam Đà Nẵng, kíp bay mở máy liên lạc với đài dẫn đường Lo-ran đặt ở bán đảo Sơn Trà rồi tiếp tục bay qua Lào, đến vùng trời sông Mê Kông. Tại đây, bọn cường kích, tiêm kích từ các sân bay trên đất Thái Lan cũng vừa bay đến, nhập vào đội hình với B-52 rồi theo dọc sông Mê Kông bay lên phía bắc. Chúng bay qua Xiêng - Khoảng, Sầm Nưa, vượt biên giới phía tây vào Tuyên Quang, Phú Thọ, xuống Việt Trì, Tam Đảo, vào đánh Hà Nội. Bọn F-105G được giao nhiệm vụ chế áp trận địa tên lửa, cao xạ, bọn F-4E làm nhiệm vụ chặn kích chống lại Míc để bảo vệ đội hình B-52. Theo quy định, mỗi tốp B-52 được một tốp F-4 hai chiếc đi hộ tống. Bọn này sau khi gặp các tốp B-52 ở điểm hẹn trên vùng trời sông Mê Kông, bay cách các tốp B-52 từ 18 đến 20km ở hai bên sườn, theo một đường bay đã tính sẵn, sao cho luôn bán sát được các tốp B-52 lúc bay vào cũng như bay ra, mặc dầu tốc độ của bọn tiêm kích bao giờ cũng lớn hơn B-52.

        Đó là chưa kể trước khi các tốp B-52 vào, đã có các tốp máy bay chiến thuật đi đánh các sân bay và các trận địa phòng không của ta theo một kế hoạch chung, thống nhất của bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7 Mỹ.

        Điều đáng chú ý là cả một kế hoạc hiệp đồng lớn và hết sức tỉ mỉ như vậy, từ căn cứ Gu-am ở trung tâm Thái Bình Dương, đến các sân bay U-ta-pao, U-đôn, U-bôn, Tắc-li, Cò-rạt ở Thái Lan, các căn cứ ở Nhật Bản, ở Phi-lip-pin, các tàu sân bay ở Vịnh Bắc Bộ... chỉ được bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7 Mỹ đóng ở Tân Sơn Nhất phổ biến trước có sáu tiếng đồng hồ bằng điện tín. Tuy vậy, như chúng ta biết, kế hoạch đã được thực hiện với độ chính xác cao.

Tính trung bình mỗi chiếc B-52 đi ném bom Bắc Việt Nam phải huy động thêm bảy chiếc máy bay các loại đi theo để phục vụ, bảo vệ và phối hợp tác chiến. Mức độ tập trung máy bay của Mỹ vào cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên vùng trời Bắc Việt Nam lớn đến nỗi các hãng thông tin phương Tây phải thốt lên "chưa bao giờ nhà cầm quyền Mỹ lại huy động một lực lượng không quân lớn đến như thế để oanh kích Bắc Việt Nam" và "các chiến trường khác hầu như không còn máy bay để hoạt động".

        Như vậy là trong những ngày đêm cuối năm 1972 đáng ghi nhớ đó, hầu như cùng một lúc trên bầu trời Bắc Việt Nam có từ 400 đến 500 máy bay Mỹ hoạt động, vừa ném bom chế áp trận địa, vừa thả nhiễu, chặn kích, nhìn qua tưởng chúng bay một cách hỗn loạn, nhưng thực ra đã được tính toán tỉ mỉ. Khi chiếc B-52 cuối cùng rút khỏi chiến trường thì tất cả bọn lau nhau đều đã trên đường trở về căn cứ.

        Hàng mấy trăm chiếc máy bay phản lực cùng một lúc hoạt động trên một vùng trời nhỏ hẹp, cách căn cứ hàng trăm, hàng nghìn km, giữa trời đêm mù mịt, nhưng không hề va chạm nhau, không hề bị thất lạc, chứng tỏ hệ thống chỉ huy của chúng hiện đại, tinh vi biết nhường nào.

        Nước Mỹ với nền công nghiệp hiện đại vào bậc nhất thế giới thực sự đã trang bị cho bộ máy chiến tranh của nó và riêng lực lượng không quân những phương tiện lý tưởng để đi xâm lược nước ngoài và răn đe thế giới.

        Với chiến dịch "Lai-nơ bếch-cơ 2", lần đầu tiên bọn Mỹ tung một lực lưọng không quân khổng lồ, lấy B-52 làm lực lượng đột kích chủ yếu, thi thố mọi thứ máy móc hiện đại, với tham vọng áp đảo đối phương ngay từ phút đầu và tin chắc chỉ trong vài ngày sẽ giành được thắng lợi.

        Chính vì vậy mà ngày 18 tháng 12 năm 1972, cùng một lúc Ních-xơn vừa hạ lệnh cho B-52 cất cánh, vừa gửi công hàm cho Chính phủ ta với lời lẽ láo xược của một tối hậu thư, hẹn gặp lại ta ở Pa-ri vào ngày 26 tháng 12 năm 1972, với điều kiện là ta phải chấp nhận một văn bản hiệp định do chúng áp đặt. Tin vào "công hàm B-52" nhất định sẽ có hiệu lực nên khi phát lệnh xong, Ních-xơn yên trí đi nghỉ cuối tuần ở Phlo-ri-đa chờ "tín hiệu" trả lời từ Hà Nội. Nhưng thực tế đã diễn ra không đúng như mong muốn chủ quan của chúng. Ngay đêm đầu tiên, con ngoáo ộp B-52 đã bị tử thương và bị một đòn phủ đầu choáng váng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Hai, 2016, 12:17:39 pm »

HAI

NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 1972

        Mỗi chúng ta, trong cuộc đời chiến đấu của mình, đều có những ngày tháng đáng ghi nhớ. Chắc hẳn ngày và đêm 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với rất nhiều người, đặc biệt là đối với các chiến sĩ phòng không - không quân, đối với đồng bào Hà Nội và Hải Phòng.

        Ngày 18 tháng 12 năm 1972 thực sự là một ngày đêm dữ dội và hào hùng, mở đầu một chiến công vĩ đại, đánh sập thần tượng siêu pháo đài bay B-52 của giặc Mỹ, đem lại niềm vinh quang bất diệt cho dân tộc ta, Tổ quốc ta.

        Các chiến sĩ ra-đa đại đội 16 đoàn ra-đa Ba Bể được vinh dự là những người đầu tiên mở đầu cho trận đánh lịch sử đó. Mặc cho 17 chiếc máy gây nhiễu trên mỗi chiếc B-52 đã mở hết công suất, công với nhiễu của EB-66, của các tốp cường kích, các trắc thủ Tô Trọng Huy, Phạm Quốc Hùng với cặp mắt tinh tường đã được tôi luyện, với đôi bàn tay thao tác thuần thục một cách nghệ thuật đã chọc thủng màn nhiễu dày đặc của kẻ thù, báo về cho Bộ chỉ huy chiến lược một tin vô cùng quan trọng: "Nhiều tốp B-52 đang bay lên hướng Bắc". Chiến sĩ báo vụ kiêm đánh dấu đường bay Nguyễn Thị Khuê là người đầu tiên ở Sở chỉ huy Binh chủng Ra-đa ghi nhận được tin tình báo này. Lúc đó là 19 giờ 10 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, khi những tốp B-52 còn cách Hà Nội 300km về phía Tây Nam. Tốp B-52 đầu tiên đó mang số hiệu 463.

        Tiếp đó, các chiến sĩ ra-đa đại đội 45 (cũng thuộc đoàn Ba Bể) bố trí trên đất Nghệ An, với cánh sóng tạt sườn, đã nhìn rất rõ những tốp B-52 bay vượt qua vĩ tuyến 20. Đài trưởng Nghiêm Đình Tích, đài trưởng Phạm Duy Khánh, các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích hồi hộp báo cáo với đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần và chính trị viên Đõ Mạnh Hiến

        - Đề nghị báo cáo lên trên ý kiến của chúng tôi: B-52 có khả năng vào đánh Hà Nội.

        Từ sở chỉ huy ở Nghệ An, Đỗ Năm, đoàn trưởng đoàn ra-đa Ba Bể sau khi nhận được báo cáo, hết sức tin tưởng ở cấp dưới của mình, không để chậm một giây, báo cáo lên tổng trạm ra-đa:

        - B-52 đang vào Hà Nội!

        Một giọng nói nghiêm trang từ Hà Nội hỏi vào, vang lên trong ống nghe:

        - Có chắc không? Đồng chí có bảo đảm là B-52 sẽ vào Hà Nội không?

        - Tôi xin bảo đảm!

        Những đoạn đối thoại trên đây diễn ra qua tổng đài A-67 của Quân khu 4 vào khoảng thời gian 19 giờ 14 phút đến 19 giờ 20 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972. Chiến sĩ báo vụ kiêm đánh dấu đường bay Hồ Thị Sinh là người ghi những tốp B-52 đầu tiên vượt qua vĩ tuyến 20, vòng qua biên giới phía tây vào vùng đồng bằng Bắc Bộ.

        Đó thực sự là những giây phút lịch sử. Và theo tôi, tên tuổi những con người bình thường đó, những trắc thủ ra-đa của đại đội 16, đại đội 45, những chiến sĩ gái báo vụ kiêm đánh dấu đường bay ở Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Ra-đa cần được nhắc đến. Chính họ là những người được vinh dự mở đầu một chiến dịch lịch sử.

        Từ những đường bay được ghi một cách chững chạc, tự tin trên tấm mi-ca của Hồ Thị Sinh, những tín hiệu "tích tà" mang mật ngữ "333" (Tín hiệu báo động quy định khi có B.52) được phát đi liên tục vào không trung, chuyển đến các sở chỉ huy phòng không trên toàn miền Bắc thông báo khẩn cấp: "Báo động B.52".

        Cuộc chiến đấu thực sự bắt đầu từ đó.

        19 giờ 30 phút. Từ nóc hội trường Ba Đình, tiếng còi báo động từng hồi dõng dạc và nghiêm trang, xuyên qua màn đêm rét lạnh của mùa đông đến từng phố phường Hà Nội.

        Từ ngày đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, tiếng còi báo động đối với Hà Nội đã trở thành chuyện bình thường. Thế nhưng những người có mặt ở Hà Nội trong đêm 18 tháng 12 năm 1972 lịch sử ấy đều có chung một cảm giác tiếng còi báo động B.52 hôm đó có một cái gì thật khác lạ, thật đặc biệt, như báo trước với mọi người rằng một sự kiện lớn lao, dữ dội đang bắt đầu đến với dân tộc ta. Còn những người đã từng trải qua những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1946 thì nói rằng không khí đêm 18 tháng 12 năm 1972 này gợi nhớ không khí đếm 19 tháng 12 của hai mươi sáu năm về trước.

        Đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2016, 02:32:49 pm »


*

*     *

        Tôi vinh dự có mặt ở Thủ đô trong những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1946 với cương vị Tham mưu trưởng Mặt trận Hà Nội, nhưng lại phải vắng mặt ở Hà Nội trong đêm lịch sử 18 tháng 12 năm 1972. Tôi không một chút ân hạn về điều này. Bởi vì suốt cả ngày và đêm hôm ấy, trong căn hầm của Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng ở Nghệ An cách Hà Nội 300km, Hà Nội luôn luôn ở trong tôi, Hà Nội luôn luôn ở trước mặt tôi. Tuy chỉ là một ngôi sao đỏ trên tấm bảng tiêu đồ bằng mi-ca với hai chữ Hà Nội đạm nét ghi bên cạnh, nhưng đối với anh em chúng tôi trong Sở chỉ huy tiền phương hôm đó là Ba Đình lịch sử, là nơi Bác ở, làm năm cửa ô với biết bao kỷ niệm, là nhà máy, trường học, là những khu phố đông dân.

        Trong những ngày này, bộ đội tiền phương Quân chủng ở khu vực Nghệ An, Thanh Hóa có đến ba trung đoàn tên lửa 263, 267, 275 và năm trung đoàn cao xạ 228, 231, 223, 245, 262. Theo tôi, chiến dịch "Lai-nơ bếch-cơ 2" của Mỹ dùng B.52 đánh Hà Nội chỉ là bước tiếp theo của một âm mưu nham hiểm, hòng dùng con chủ bài B.52 để gây sức ép đối với ta vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Bước thứ nhất là dùng B.52 đánh mạnh ở phía bắc Quân khu 4 hòng đành một đòn cân não, nắn gân cốt chúng ta. Mặt khác kẻ địch còn nhằm mục đích kéo lực lượng ta ra xa Hà Nội để bất ngờ mở cuộc tập kích lớn, khiến ta không kịp trở tay.

        Trong tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh một mặt chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị toàn diện đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội của kẻ thù, một mặt chỉ thị cho Quân chủng tổ chức lực lượng đánh B.52 ở Quân khu 4.

        Cuối tháng 11, tôi lên đường vào Nghệ An cùng với Sở chỉ huy nhẹ của tiền phương Quân chủng, có nhiệm vụ:

        - Chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị ở tuyến trong đánh thắng địch, đặc biệt là B.52, bảo vệ chân hàng và tuyến giao thông chiến lược.

        - Đánh B-52 và rút kinh nghiệm phổ biến kịp thời cho các đơn vị ở ngoài vĩ tuyến 20, đặc biệt là các đơn vị bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.

        - Góp phần bảo vệ Hà Nội từ xa.

        Vì vậy mà tuy ở xa Hà Nội, chúng tôi vẫn cảm thấy Hà Nội rát gần. Đặc biệt ngày 18 tháng 12 năm 1972, chúng tôi càng cảm thấy như đang có mặt ở Hà Nội, đang cùng Hà Nội chiến đấu.

        Khoảng 9 giờ sáng, đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng từ Hà Nội trực tiếp gọi điện báo cho tôi biết những diễn biến mới nhất của tình hình: Hồi 5 giờ 25 phút địch thả thủy lôi ở của Nam Triệu. Tiếp đó, 8 giờ 35 phút chúng bắn tên lửa vào ngoại thành Hải Phòng. Cuối cùng anh Tri nhắc tôi:

        - Đồng chí Tổng tham mưu trưởng nhắc Quân chủng sẵn sàng chiến đấu. Anh cho kiểm tra lại toàn bộ tình hình của các đơn vị ở trong đó. Từ giờ phút này, các cán bộ trực chỉ huy không được rời khỏi vị trí.

        Buổi chiều, khi tôi đang trực tiếp nghe đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn tên lửa 267 (Trung đoàn tên lửa 267 được lệnh hành quân từ Thanh Hóa vào Nghệ An đầu tháng 12) báo cáo tình hình qua máy điện thoại thì đồng chí Nguyễn Sinh Huy, trưởng phòng tác chiến tiền phương vào báo cáo:

        - Có tin của Cục 2 (Cục quân báo Bộ Tổng Tham mưu), từ 19 giờ có đợt hoạt động lớn của B-52.

        Tôi thông báo tin này luôn cho trung đoàn 267 và lệnh cho trung đoàn phải lập tức cho người xuống kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các tiểu đoàn.

        Sau đó, tôi cho gọi các đồng chí trợ lý chủ chốt vào phòng giao ban để nghiên cứu tình hình. Một số triệu chứng khả nghi về địch được nêu lên: Thả thủy lôi ở Nam Triệu, bắn tên lửa vào Hải Phòng, cho máy bay không người lái trinh sát cảng... Những hoạt động đó nhằm mục đích gì? Tại sao cương độ hoạt động của B-52 ngày hôm nay giảm hẳn. Từ sáng đến giờ mới có ba tốp hoạt động ở đường số 10 và đường số 12. Vậy tin Cục 2 báo có đợt hoạt động lớn của B-52 tối nay sẽ là vào khu vực nào? Bắc vĩ tuyến 20? Hà Nội? Hay vẫn là khu vực mà bộ đội tiền phương chúng tôi đang bảo vệ? Không ai muốn nghĩ rằng B-52 sẽ đánh vào Hà Nội đêm nay. Bởi vì điều đó hệ trọng quá, lớn lao quá, nó lay động đến tận nơi sâu kín nhất của trái tim mỗi người. Nhưng trong đánh giặc, những người chỉ huy quân sự không thể phán đoán tình hình dựa theo tình cảm được. Tôi đứng dậy kết luận:

        - Cấp trên đã nhiều lần chỉ cho ta biết địch sẽ liều lĩnh dùng B-52 đánh thẳng vào Hà Nội để gây sức ép tối đa đối với chúng ta. Diễn biến trên bàn đàm phán, tình hình địch mấy ngày hôm nay cho phép chúng ta phán đoán tôi nay địch có nhiều khả năng đưa B-52 vào đánh Hà Nội.

        Ngay bây giờ chúng ta phải nhanh chóng quán triệt tình hình và quyết tâm cho các đơn vị:

        1. Nếu địch đánh vào khu vực ta bảo vệ, các đơn vị phải kiên quyết đánh thắng, đánh rơi tại chỗ, kể cả B-52, bắt sống giặc lái.

        2. Nếu địch đánh Hà Nội, các đơn vị phải mở máy theo dõi địch chặt chẽ. Nếu B-52 trên đường vào Hà Nội, qua phạm vi hỏa lực của đơn vị nào, đơn vị đó phải kiên quyết đánh rơi, đánh tiêu diệt.

        3. Phải theo dõi cả lúc địch đánh Hà Nội xong bay ra, nếu qua phạm vi hỏa lực của đơn vị nào thì đơn vị đó phải kiên quyết bắn rơi, đánh tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2016, 01:34:05 pm »

        Mùa đông, trời tối nhanh. Mới hơn năm giờ chiều, màn sương dày đã phủ kín khắp vườn đồi của khu vực Sở chỉ huy. Trong căn hầm được đào sâu dưới lòng đất, những chiếc đèn bão được thắp sáng. Dưới ánh đèn, hai tấm bản đồ bằng mi-ca hiện lên càng làm nổi bật ngôi sao đỏ Hà Nội.

        Chưa đến 18 giờ, các nhân viên thuộc kíp trực ban đã có mặt đông đủ trong Sở chỉ huy. Mọi cặp mắt đều hướng về ngôi sao đỏ. Không khí hồi hộp của sự chờ đợi bao trùm lên căn hầm. Sau bữa cơm chiều nay, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Vũ Xuân Vinh, Tham mưu phó Quân chủng cho biết: Bộ Tổng Tham mưu nhận địch đêm nay B-52 sẽ vào đánh Hà Nội.

        Hình như cùng một lúc, hai chiếc máy điện thoại, một liên lạc với Quân khu, một liên lạc với Hà Nội réo lên một hồi dài. Không hẹn mà gặp, cả Quân chủng và Quân khu đều thông báo một tin giống nhau: B-52 đã cất cánh.

        Tôi bảo đồng chí sĩ quan phương hướng cho tôi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365. Vừa nhấc ống nghe lên đã nghe tiếng đồng chí Giáo bên kia đầu dây. Tôi thông báo tình hình địch, nhắc lại một số vấn đề trong phương án tác chiến rồi dặn:

        - Các đơn vị phải chấp hành phương án đánh B-52 một cách nghiêm chỉnh và sáng tạo. - Tôi nhắc lại - Chỉ được sáng tạo trên cơ sở chấp hành nghiêm những kết luận đã được hội nghị tháng 10 thống nhất.

        Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này vì các đơn vị tên lửa của bộ đội tiền phương đều đã kinh qua việc đánh B-52 trên những chiến trường khác nhau nên có những kinh nghiệm khác nhau. Hiện tượng bảo thủ đã bắt đầu xuất hiện.

        18 giờ 30 phút, trên bảng tiêu đồ xuất hiện tốp máy bay đầu tiên phía trên biên giới Việt - Lào. Đó là tốp F-111. Đường bay của tốp F-111 nhanh chóng vượt qua biên giới vào vùng đông - bắc Bắc Bộ. Sau đó, chúng tôi được Hà Nội thông báo: các sân bay Nội Bài, Yên Bái, Gia Lâm... bị các tốp F-111 đánh phá dữ dội.

        Tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Sinh Huy lúc đó đang ngồi bên cạnh:

        - Chúng nó cho không quân ta là đối tượng chủ yếu của B-52 nên tìm cách diệt trước.

        Trong ánh đèn mờ, tôi thấy Nguyễn Sinh Huy mỉm cười. Nụ cười của anh như muốn nói: "Hãy chờ xem, ai sẽ là đối thủ chủ yếu của chúng mày!".

        Trên bảng tiêu đồ, những tốp B-52 đầu tiên đang hướng về ngôi sao đỏ Thủ đô Hà Nội. Tôi cảm thấy trái tim mình như đau thắt mỗi khi đường chì nhích dần vào. Các đồng chí trong Sở chỉ huy lúc đó đều im lặng, như nín thở. Chắc anh em cũng cùng một tâm trạng như tôi. Không khí căn hầm như bị nén lại. Đồng chí chiến sĩ tiêu đồ còn rất trẻ, như vô tình, cứ chăm chú kéo những tốp B-52 đi vào Hà Nội. Chỉ riêng cái đường chì kia thôi cũng đủ tin rằng chúng ta sẽ thắng. Nào đâu là APK-20, APK-25, nào đâu là ALT-28, 31, 32 (Tên các loại máy gây nhiễu đặt trên B-52)... Chúng định làm tê liệt các hệ thống ra-đa của ta, bịt mắt chúng ta. Thế mà bây giờ chúng ta đã nhìn thấy rõ chúng từ cách xa 300km, theo dõi nó một cách chặt chẽ, cho đến tận lúc này. Nếu chúng ta biết rằng mới cách đây tám tháng, ngày 10 tháng 4 năm 1972, khi B-52 vào ném bom ở Vinh, chúng ta vẫn còn phân vân không biết có đúng là B-52 không, thì rõ ràng chúng ta đã có một bước tiến vượt bậc. Vượt qua biết bao gian khổ, từ chỗ chưa nhìn thấy được kẻ thù, bây giờ chúng ta đã nhìn rõ chúng, nhìn thấy ngay từ đầu. Đó là một nhân tố bảo đảm thắng lợi.

        Lại có điện thoại từ Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Sinh Huy cầm ống nghe. Một lát sau, đồng chí báo cáo, nghe giọng như lạc hẳn đi:

        - B-52 đã ném bom hà Nội.

        Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ: 19 giờ 42 phút. Như vậy là khoảng 19 giờ 40 phút, hàng đàn máy bay chiến lược B-52 của giặc Mỹ đã ném bom xuống Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2016, 12:19:15 pm »

        Cách đây tám tháng, hồi 1 giờ 26 phút ngày 16 tháng 4 năm 1972, Hải Phòng là thành phố đông dân đầu tiên trên thế giới bị máy bay B-52 giặc Mỹ ném bom rải thảm. Còn bây giờ, Hà Nội là Thủ đô đầu tiên trên thế giới bị chìm ngập dưới những đợt bom rải thảm của B-52.

        Mặc dầu đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng tin B-52 ném bom Hà Nội vẫn gây cho chúng tôi một sự xúc động đặc biệt.

        Thế là trận quyết chiến chiến lược của cuộc đụng đầu lịch sử đã bắt đầu.

        Ngày 25 tháng 11 năm 1972, đồng chí Văn Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng đến Sở chỉ huy Quân chủng duyệt phương án đánh B-52 đã truyền đạt cho chúng tôi quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là bất luận trong hoàn cảnh nảo, quân và dân ta cũng phải đánh thắng trận này và giao nhiệm vụ nặng nề cho Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Trước khi lên đường vào Nghệ An, tôi đã dành thời gian xuống kiểm tra sư đoàn 361 và sư đoàn 363 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi trong chuyến đi kiểm tra này là hình ảnh các trắc thủ tên lửa đang ngày đêm say sưa luyện tập đánh B-52. Tất cả đều còn rất trẻ. Tuổi của họ phần đông chỉ bằng "tuổi" của B-52. Còn so với  bọn giặc lái, đối thủ của họ, thì chỉ bằng một nửa. Khi những tên giặc lái B-52 hàng ngày mang bom rải thảm ở miền Nam Việt Nam những năm 1965, 1967 thì những trắc thủ tên lửa này còn là những thiếu nhi sơ tán theo trường học về các vùng nông thôn.

        Tại một trận địa phía bắc sông Hồng, tôi hỏi chuyện một kíp trắc thủ:

        - Liệu các cậu có bắn rơi được B-52 ở ngay trên đất Hà Nội này không?

        - Báo cáo thủ trưởng, nó mà vào thì nhất định không thoát khỏi tay chúng tôi đâu.

        Có tận mắt chứng kiến những buổi tập luyện mới thấy được câu trả lời của các chiến sĩ không phải chỉ là quyết tâm suông, không phải chỉ là ý chí. Tôi đã đứng nhìn rất lâu những vầng trán thông minh và cặp mắt tinh nhanh của họ chăm chú trên àmn hiện sóng trong những buổi luyện tập. Và đặc biệt là đôi bàn tay, đôi bàn tay vân vê trên vòng quay nhẹ nhàn điêu luyện đến mức nghệ thuật. Những bài tập luôn được thay đổi. Những dạng nhiễu khác nhau với những tình huống phức tạp nhất được đưa ra thử thách đối với những cặp mắt và đôi bàn tay của các chiến sĩ. Hiệu quả chiến đấu của bộ đội tên lửa cuối cùng được thể hiện bởi những đôi bàn tay đó. Và chính những đôi bàn tay đó đêm nay đây, trong trận quyết chiến chiến lược này sẽ góp phần quan trọng, nếu không nói là quyết định, vào thắng lợi của trận đánh.

        Đêm nay bộ đội tên lửa Hà Nội sẽ chiến đấu như thế nào? Tiểu đoàn nào sẽ phóng những quả đạn đầu tiên? Chúng tôi nóng lòng chờ tin tức của Hà Nội. Giờ này, trong Sở chỉ huy Quân chủng ở Hà Nội, các đồng chí trong Bộ tư lệnh chắc đang phải sống những giây phút hết sức căng thẳng. Đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri chắc đang nhíu đôi mày rậm, hai tay chắp sau lưng, đi đi lại lại phía sau bàn chỉ huy, chiếu những tia sáng của cặp mắt sâu vào những tốp B-52, trên bảng tiêu đồ. Đồng chí Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích, người trực tiếp chỉ huy đêm nay với tác phong bao giờ cũng chững chạc, dứt khoát, chắc đang ra những mệnh lệnh quan trọng vào thời điểm quyết định của trận đánh. Tôi hình dung ra thân hình to cao của anh đang chồm lên phía trước, chỉ vào những tốp B-52 như muốn bóp nát chúng trong lòng bàn tay rắn chắc của mình. Các đồng chí Hoàng Phương, Nguyễn Xuân Mậu, Nguyễn Văn Tiên chắc chắn không thể vắng mặt trong trận đánh mở màn đêm nay. Từ lâu, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chúng tôi đã trở thành một tập thể gắn bó. Đặc biệt là từ gần một năm nay, khi "vấn đề B-52" trở thành vấn đề trung tâm của toàn Quân chủng, có thể nói tập thể chúng tôi càng được gắn chặt với nhau hơn. Làm sao kể hết được những cuộc họp của Thường vụ, của Bộ Tư lệnh xung quanh vấn đề B-52. Những cuộc họp đến tận đêm khuya, kéo dài đến quá giờ mà không ai để ý, vẫn cứ say sưa tranh luận.

        Chúng tôi đã từng chia nhau niềm vui khi tìm ra được cách giải quyết mới, góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu cách đánh B-52 lên một bước. Vì vậy mà trong giờ phút này,  tôi cảm thấy hơi tiếc là không được có mặt ở Hà Nội để cùng các đồng chí tham dự trận mở màn lịch sử.

        Có điện của Hà Nội thông báo: hồi 19 giờ 44 phút, tiểu đoàn 78 trung đoàn 257 sư đoàn 361 đã phóng những quả đạn đầu tiên. Đó là tin làm chúng tôi hết sức phấn chấn. Sau này nghe kể lại, khoảng thời gian bốn phút từ khi B-52 ném bom xuống Hà Nội đến khi những quả đạn đầu tiên được phóng lên là bốn phút cực kỳ căng thẳng, chưa từng có đối với các đơn vị tên lửa Hà Nội. Đây là những đơn vị đầu tiên mặt đối mặt với B-52. Còn các trắc thủ thì chưa từng một lần được tận mắt nhìn thấy B-52, dù chỉ là trên màn hiện sóng.

        Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt, một trong những tiểu đoàn trưởng xuất sắc nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm kể lại: "Đúng là phút đầu tiên chúng tôi có lúng túng, và thú thật là cũng có hoang mang. Nhiễu nhòe nhoẹt cả màn hiện sóng. Các sóng về cố định chìm hết vào nhiễu như một màn sương mù, sáng trắng. Còn các màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ thì cứ y như những ô cửa kính màu xanh cả một loạt, có rất nhiều sọc xanh đậm đan chéo nhau, chuyển động với những tốc độ khác thường, dải nọ xen lẫn dải kia, sọc nọ nhập vào sọc kia rồi lại tách ra. Rồi thì hàng trăm, hàng nghìn những chấm sáng lốm đốm như những chùm tín hiệu mục tiêu đang chuyển dịch một cách nhấp nháy như một trận mưa rào, làm sao phân biệt được đâu là nhiễu của F, đâu là nhiễu của B, đâu là nhiễu của EB-66, đâu là nhiễu tiêu cực của kim loại mà bọn F-4 tung xuống phủ kín cả một góc trời... Thế rồi dần dần chúng tôi trấn tĩnh lại được, liên hệ với những điều đã học, nhắc nhau thao tác thật chính xác. Cuối cùng, tuy kẻ thù chưa hiện ra thực sự nhưng chúng tôi đã nhìn thấy bóng dáng của chúng phía sau những dải nhiễu. Chỉ cần thế thôi là chúng tôi có thể phóng đạn theo cách đánh đã được luyện tập thành thục. Phải nói rằng những quả đạn của các đồng chí tiểu đoàn 78 đã có tác dụng thúc giục, động viên chúng tôi rất nhiều".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 10:24:43 am »

        Về trận chiến đấu của tiểu đoàn 78, đồng chí Hoàng Bảo, nguyên phó ban tác huấn tên lửa, kíp trưởng kíp trực ban trong trận chiến đấu đầu tiên ở Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội kể lại:

        "19 giờ 40 phút, khi những loạt bomB-52 đầu tiên ném xuống Hà Nội, Sở chỉ huy sư đoàn liên tiếp giục các đơn vị: Phát hiện được B-52 chưa? Đã chọn được dải nhiễu chưa? Sao chưa phóng đạn? Ở tiểu đoàn 78, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn căng mắt soi tìm kẻ thù trên màn hiện sóng. Từng đám nhiễu giẻ quạt lớn chồng chéo lên nhau xóa mờ cả sóng về cố định, vàng chói đến nhức mắt. Trên bảng tiêu đồ 9x9 của mạng tình báo quốc gia, các tốp B và F xoắn xuýt lấy nhau thành một cục như cuộn chỉ rối. Tuy đã hơn năm năm liên tục ở vị trí chỉ huy tiểu đoàn, được rèn luyện, thử thách nhiều trong các trận chiến đấu với bọn cường kích, nhưng chưa lúc nào anh gặp phải một tình huống gay go, phức tạp như lần này. Trong xe chỉ huy, tiếng quạt máy rung đều đều, hòa nhịp với tiếng máy nổ chạy ầm ầm như tiếng trống trận thôi thúc. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Luyến với bàn tay điêu luyện nhẹ nhàng lăn trên vòng quay, khéo léo điều khiển máy thu của đài, căng mắt xác định các dải nhiễu lúc này như những đám mây bồng bềnh từ khoảng không xa thẳm lần lượt hiện về. Luyến vừa dừng lại giây lát ở phương vị X thì trắc thủ cự ly Đinh Trọng Đức đã đột ngột hô to "B-52". Tiếng hô của Đức làm cho toàn xe như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Và mọi người đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa những dải nhiễu đang hiện ra trước mắt với những dải nhiễu của các loại F mà họ thường gặp trước đây trên bầu trời Hà Nội. Một sự khác biệt hết sức ít ỏi mà chỉ những cặp mắt đã trải qua hàng trăm ngày đêm khổ luyện mới có thể nhận ra được. Các hội nghị trắc thủ do sư đoàn tổ chức hồi tháng 8 năm 1972, cuộc tập huấn "bắt B-52" sau hội nghị tháng 10 của Quân chủng và đặc biệt có giá trị là những thước phim, những bức ảnh chụp nhiễu B-52 ở chiến trường Khu 4 gửi ra gần đây... đã giúp các chiến sĩ tiểu đoàn 78 đêm nay trở thành đơn vị đầu tiên của bộ đội tên lửa Hà Nội nhanh chóng nhận ra được kẻ thù.

        Sau khi được sĩ quan điều khiển Luyến trao tay quay, Đức nhắc Ấp, trắc thủ góc tà, Hiển, trắc thủ phương vị, kẹp chặt dải nhiễu đã chọn vào giữa đường tim đứng. Vệt sáng lớn của dải nhiễu được thu gọn lại sau thao tác điều chỉnh mạch khuếch đại của các trắc thủ góc, tốc độ của dải nhiễu biến đổi đều đặn, nhịp nhàng theo vòng tay quay, giống như tình huống diễn tập hàng ngày. Không kìm được niềm vui, Đức lại reo lên khẳng định: “Đúng B-52 rồi”. Mặc dầu vậy, vốn tính thận trọng, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn vẫn bình tĩnh nhắc anh em: “Chú ý xác định thêm cho chắc chắn”. Và khi toàn kíp trắc thủ đã thống nhất khẳng định đúng là B-52, anh mới báo cáo lên trung đoàn trưởng trung đoàn 257 Nguyễn Điển và ra lệnh phóng. Khi hô khẩu lệnh “phóng” vào giờ phút đó, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn và toàn kíp trắc thủ của tiểu đoàn 78 không hề hay biết rằng đó là khẩu lệnh “phóng” đầu tiên vang lên của một chiến dịch lịch sử. Lúc đó là 19 giờ 44 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972”.

        Tuy cách xa Hà Nội 300km, nhưng cuộc chiến đấu ở Hà Nội đã thu hút toàn bộ tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi thức cùng Hà Nội. Mà không phải riêng chúng tôi, tất cả các đơn vị của bộ đội tiền phương Quân chủng ở Nghệ An, Thanh Hóa, từ đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn, sư đoàn đều thức với Hà Nội. Tôi chỉ thị cho các đồng chí sĩ quan tác chiến thường xuyên thông báo tình hình chiến đấu của Hà Nội cho các đơn vị biết. Nhiều lúc thấy vắng tin, các đơn vị lại quay điện lên hỏi tình hình.

        Sau khi được tin tên lửa Hà Nội đã phóng đạn, phán đoán trên đường rút chạy, B-52 có thể qua khu vực Nghệ An, Thanh Hóa, tôi lệnh cho tất cả các tiểu đoàn tên lửa mở máy, hướng về phía bắc đón đánh địch. Rất khẩn trương, chỉ ít phút sau, tất cả 72 bệ phóng của cả ba trung đoàn tên lửa đều đã sẵn sàng. Đơn vị nào cũng náo nức lập công, cũng đều muốn được chia lửa với Hà Nội.

        20 gời 5 phút, trên bảng tiêu đồ xuất hiện tốp B-52 mang số hiệu 675 từ hướng tây bắc di thẳng xuống. Mấy phút sau, các tiểu đoàn 51, 52 trung đoàn 267 báo cáo đã thu được nhiễu B-52. Với các đơn vị trong Binh chủng Tên lửa, trung đoàn 267 là đơn vị đàn em nhưng tiến bộ nhanh chóng. Đặc biệt, tiểu đoàn 52 chỉ bảy tháng sau ngày ra quân đã trở thành một đơn vị nổi tiếng đánh giỏi. Vào những ngày này năm 1971, toàn trung đoàn đã đánh thắng một trận xuất sắc trên vùng trời thành phố Vinh, bắn rơi năm máy bay địch. Sau đó, đơn vị được lệnh hành quân vào tham gia chiến dịch Trị - Thiên. Tại đây, trung đoàn lại đánh thắng một trận giòn giã vào ngày 6 tháng 4 năm 1972, ngày Ních-xơn mở đầu cuọc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Trong trận này, riêng trung đoàn 267 được công nhận bắn rơi năm chiếc. Bây giờ, tất cả bốn tiểu đoàn của trung đoàn 267 lại được điều về chiến đấu trên quê hương Bác.

        20 giờ 16 phút, sư đoàn 365 báo cáo tiểu đoàn 51, 52 đã phóng liên tiếp bón quả đạn vào tốp B-52 mang số hiệu 675 trên đường từ Hà Nội bay về. Theo báo cáo thì phần tử xạ kích rất tốt, cả hai tiểu đoàn đều bám được dải nhiễu từ xa, rất đàng hoàng, chủ động. Tiểu đoàn 51 phóng trước khoảng 15 giây. Như vậy là đánh rất tập trung.

        Tôi trực tiếp gặp đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365:

        -   Có chắc rơi không?

        -   Báo cáo! Rơi thì là chắc chắn là rơi rồi. Trận đánh đẹp như thế không rơi sao được nhưng mà...

        Tôi cười, ngắt lời anh Giáo:

        -   Nhưng mà chưa “sờ được đuôi” có phải không? (Trong bộ đội phòng không, “sờ được đuôi” nghĩa là máy bay rơi tại chỗ).

        Anh Giáo vẫn chưa hết hy vọng:

        -   Cũng chưa hẳn thế. Chúng tôi đang cho người đi tìm.

        Nhưng anh Giáo không thể tìm được chiếc B-52 đó. Bởi nó không rơi tại chỗ trên miền Bắc mà đã lê được cái xác nặng nề về hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Đà Nẵng. Sau giải phóng, đồng bào xung quanh sân bay Đà Nẵng có kể lại cho chúng tôi nghe chuyện này. Bộ chỉ huy tập đoàn không quân chiến lược số 8 Mỹ đã phải cho người đến tận nơi tháo gỡ máy móc của chiếc B-52 này mang đi để phi tang và để “giải phóng mặt bằng” cho bọn cường kích lên xuống.

       Tôi còn nhớ hồi đó việc công nhận bắn rơi chiếc B-52 này cho tiểu đoàn nào cũng khá phức tạp. Hai tiểu đoàn phóng đạn hầu như cùng một lúc. Đạn đều nổ tốt. Cuối cùng, theo đề nghị của Sư đoàn 365, chúng tôi đã công nhận cho tiểu đoàn 52 vì tuy tiểu đoàn 52 chỉ có một quả nổ tốt nhưng xác minh lại phần tử thì xác suất của quả đạn này cao hơn cả. Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Vinh, sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam và kíp trắc thủ Bách, Khoát, Hay tham gia đánh thắng trận này đã được đề nghị khen thưởng xứng đáng.

        Sau này, trong bản thành tích đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dan cho trung đoàn 267 và tiểu đoàn 52, thành tích bắn rơi chiếc B-52 trong đêm mở đầu chiến dịch lịch sử ngày 18 tháng 12 năm 1972 được nhắc đến như là một thành tích xuất sắc nhất trong quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của đơn vị
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 08:48:31 am »


*

*    *

       Trận đánh hồi 20 giớ 16 phút ngày 18 tháng 12 thực sự là trận đánh kết thúc đợt một của đêm mở đầu chiến dịch.

       Anh Lê Văn Tri trực tiếp gọi điện cho tôi, biểu dương trận đánh phối hợp "rất đẹp" - theo lời anh Tri - của bộ đội tiền phương. Anh Tri cũng phấn khởi báo cho tôi biết, hồi 20 giờ 13 phút, tiểu đoàn 59, trung đoàn 261 tại trận địa Cổ Loa đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên trân bầu trời Hà Nội. Chiếc máy bay này mang nhãn hiệu B-52G, cất cánh từ Gu-am... Được tin này, tôi như hình dung thấy nụ cười rất tươi trên khuôn mặt đầy đặn của đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn 261 Trần Hữu Tạo. Nếu ở Hà Nội, thế nào tôi cũng sẽ tìm đến siết chặt tay anh, chúc mừng chiến thắng của đơn vị và của riêng anh. Chúng tôi quen nhau từ năm 1957, khi cùng được cử đi học ở Liên Xô. Trận thắng này sẽ được ghi vào lịch sử như là trận thắng mở đầu của một chiến dịch vĩ đại.

       Tôi nhớ ở hội nghị tên lửa tháng 10, trong lúc có đồng chí còn phát biểu đánh B-52 trong nhiễu chẳng khác gì "xẩm sờ đường" thì Trần Hữu Tạo đã khẳng định: "Nếu chúng ta luyện tập tốt như tài liệu hướng dẫn thì nhất định sẽ bắn rơi được B-52".

       Về trận thắng lịch sử này, cuốn dự thảo "Sơ lược lịch sử sư đoàn phòng không Hà Nội" viết:

       "20 giờ, tiểu đoàn 59 hai lần phóng bốn quả đạn vào tốp sáu chiếc B-52 đang men theo sườn Tam Đảo vào đánh Đông Anh. Cùng lúc các tiểu đoàn 57, 93, 94 cũng nổ súng nhưng chưa có chiếc B-52 nào bị hạ. Địch đánh Đông Anh, Uy Nỗ, bom cày đất quanh trận địa tiểu đoàn 59, các xe bị chấn động. Lửa tạt vào ca-bin xe điều khiển nóng bỏng. Mặc, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng mắt vẫn không rời tín hiệu tốp mục tiêu đang từ Tam Đảo bay xuống... Thấy dải nhiễu trên màn hiện sóng tách làm ba, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận lệnh cho trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh bắt dải cao, trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Độ bám đúng dải giữa, rồi bình tĩnh ấn nút. Hai quả đạn vừa có điều khiển thì anh phát sóng. Kíp chiến đấu bám sát giữa dải nhiễu đã chọn, kiên quyết tiêu diệt địch bằng phương pháp T (Phương pháp bám sát khi không nhìn thấy mục tiêu trên màn hiện sóng vì nhiễu quá nặng). Quả một vừa nổ, trắc thủ phương vị báo mất một dải thì trắc thủ góc tà cũng nhận thấy dải nhiễu hạ nhanh độ cao. Bên ngoài tiếng hò reo bỗng nổi lên vang động, át cả tiếng bom đạn:

       - B-52 rơi tại chỗ rồi!

       Các đài quan sát của các đơn vị dồn dập báo cáo về sư đoàn. Ban chỉ huy huyện đội Đông Anh vào tận trung đoàn 261 nói chắc chắn có B-52 rơi"...

       Sau chiến thắng của trung đoàn 267, trong đêm địch còn tổ chức hai đợt đánh lớn vào Hà Nội bằng B-52. Nhưng đường bay của chúng lúc vào cũng như lúc ra đều không qua khu vực của bộ đội tiền phương bảo vệ. Chúng đã ngửi hơi thấy lực lượng tên lửa ở phía Nam Hà Nội là một lực lượng đáng gờm. Ngồi ở Sở chỉ huy nhìn những đường bay của B-52 cứ từng đàn, từng lũ kéo nhau vào Hà Nội, lòng chúng tôi sôi lên căm giận. Nhất là vào lúc rạng sáng ngày 19 tháng 12, sau đợt đánh cuối cùng của địch, thấy đài phát thanh ngừng mất mấy phút, tất cả chúng tôi có mặt trong Sở chỉ huy lặng đi hồi lâu. Sau khi lại nghe giọng cô phát thanh viên vang lên báo tin chiến thắng, chúng tôi đã reo lên, làm cho căn hầm chật chội như muốn vỡ ra.

       Khoảng 8 giờ sáng ngày 19 tháng 12, chúng tôi được thông báo cụ thể về trận thắng đầu tiên đêm 18 tháng 12: bắt đầu từ 19 giờ 40 phút đến 4 giớ 35 phút địch đã huy động một lực lượng lớn máy bay gồm 295 lần chiếc, có 90 máy bay B-52, tổ chức thành ba trận, đánh phá một loạt mục tiêu ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng, tập trung chủ yếu vào Hà Nội và xung quanh Hà Nội với toàn bộ lực lượng B-52 sử dụng trong đêm.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM