Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:01:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 39090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:35:37 pm »

        Tháng 6 năm 1989, được điện báo mẹ của anh Đinh Như Gia qua đời và mẹ tôi đang bệnh nặng, tôi đi phép về quê. Trong dịp này có anh Đinh Như Bá - sinh năm 1924, là chuyên viên 3 Bộ Ngoại thương, nghỉ hưu - ở Hải Phòng về; vợ chồng anh Đinh Như Khương - đại tá, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh tăng - thiết giáp, nghỉ hưu - ở Hà Nội về, và tôi nguyên chỉ huy trưởng Đoàn 7708 - đại tá thuộc Quân khu 7 về quê. Chúng tôi tổ chức một đoàn 4 nam 3 nữ 1à con trai, con gái, con dâu đời thứ 7 và một cháu trai đời thứ 8 (là Đinh Như Tân 10 tuổi) của phái họ Hồ Xá vào đại tôn Đồng Di - do anh Đinh Như Bá làm Trưởng đoàn. Chúng tôi dã làm lễ dâng hương tại nhà thờ họ Đinh, đọc gia phả, thăm hỏi chúc sức khỏe, trò chuyện với nhiều bà con chú bác trong đại tôn.

        Đây là những ngày chúng tôi đắm mình trong tình cảm huyết thống, đầy tự hào. Có rất nhiều chuyện kể về những gương dũng cảm, anh hùng, bất khuất của bà con dòng họ Đinh Như trong cuộc chống Mỹ cứu nước... "Không đi thì sợ chỉ huy, đi thì lại sợ Đồng Di - Tây Hồ" là câu dân gian địa phương nói lên tâm trạng lo sợ của bè lũ Mỹ-ngụy hồi đó và ca ngợi uy danh của chiến tranh nhân dân tại đây.

        Tôi dã dùng tư liệu của cuộc "dâng hương' này, chấp bút chép lại gia phả phái họ Hồ Xá, sau khi thu thập ý.kiến của anh em đang sấng ở Vĩnh Linh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bạc Liêu và thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tu chỉnh lại và gởi về các địa phương theo chỉ dẫn của anh Đinh Như Bá và anh Đinh Như Khương, xong trong năm 1992.

        Trong những ngày nghỉ phép tại quê nhà, cứ đêm đêm vào ba bốn giờ sáng tôi đã dậy tập thể dục dưỡng sinh, vì bốn giờ rưỡi nhà đã nổi lửa nấu cơm, khói mù mịt, không thể tập "thở bụng" được. ấy thế mà hễ nghe tiếng động mẹ tôi đã dậy chống gậy đứng nhòm, nói lẩm bẩm một mình: "Tội nghiệp chưa, hắn đau chi mà ngồi lên không được lại nằm xuống, lại ngồi lên..." Có lúc mẹ hỏi: "Đau lắm hả con? Tội nghiệp, chiến tranh đội bom, đội đạn cùng mình cùng mẩy rồi, bữa ni chỗ mô cũng đau được, đã khổ chưa?" Sang động tác ôm hai ống chân hôn đầu gối, mẹ lại nói: "Cơ khổ hè, cái đầu gối cũng đau nữa... ứ, đi bộ nhiều quá, nay nó lỏng hết rồi!". Sáng ngày, tôi mới thưa với mẹ là con tập thể dục dưỡng sinh, chứ không phải bị đau ốm chi mô, mạ chớ lo. Nhưng mẹ vẫn không tin, và nói: "E bây giấu tao đó. Nhưng thương con mạ để trong bụng, chứ mạ cũng không đau ốm thay con được" - "Thế mới biết tình mẫu tử tình cảm gia đình quý giá biết nhường nào!

        Khi trả phép, tôi dẫn hai em vợ là Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Thị Thế và cháu Bình (con em Quảng) vào cho chị em gặp nhau. Chao ôi, mười một năm trời đằng đẵng, nay mới có dịp chị em gặp nhau tại nhà mình, chị em ôm nhau mà khóc. Hai em và cháu chung sống với gia dình, suốt ngày này qua ngày khác cứ quấn quít lấy nhau.., chia xẻ với nhau từng nỗi vui buồn trong những năm chiến tranh, cùng nhau làm các việc nội trợ hàng ngày, việc gì cũng vui, lúc nào cũng mừng... Những khó khăn thực tế đời sống kinh tế gia đình đã không ngăn cản được mà lại càng tô đậm thêm tình cảm chị em gia đình. Có hôm, vợ tôi nói nhỏ với tôi điều lo lắng đó, tôi nói: "Không sao đâu, bà con em út mình không mấy người, có đói ăn đói, có no ăn no, được gặp nhau thăm nhau là quý hóa lắm. Đừng nói vậy dì và cậu nghe được sẽ buồn mình đó". Hai em sống chung với chúng tôi được 20 ngày. Hôm chia tay thật là bịn rịn. Cây xoài vườn nhà chín bói ba trái được hái làm quà cho các em đem về quê.

        Hai em về chừng nửa tháng thì dì Võ Thị Túy - 66 tuổi, từ Cam Ranh vào thăm theo thư tôi viết cho dì (địa chỉ ở quê cho biết từ dạo tháng 6-1989). Có hôm vợ tôi tâm sự: "Người xưa nói, mất mẹ bú dì". Đã gần 40 năm nay dì cháu mới gặp lại nhau, thật khó nói nên lời. Vợ tôi tìm lại dáng dấp và hơi ấm của người mẹ sinh ra ở khuôn mặt, giọng nói của dì, trong vòng tay ôm ấp của dì... Dì kể: "Tau nhận được bức thư ngắn gọn, chứa chan tình nghĩa mà ruột gan tau cứ cồn cào vì thương nhớ cháu, nên dì bượt bạ vô đây thăm vợ chồng bây cho đặng". Hai dì cháu ngủ chung một giường, đêm đêm kể cho nhau nghe đủ mọi thứ chuyện... Hóa ra dì cũng biết rõ tôi từ thuở ấu thơ, nhất là những năm học sinh trường huyện. Tôi đã từng qua chơi và nhiều lần ngủ lại với cậu Võ Duy Việt ở nhà ông bà ngoại mình... Có đêm dì nói: "Vậy là cháu nhất làng mình rồi đó. Cháu gặp được một người chồng đã có tình nghĩa với vợ con, lại chu đáo với bà con dòng họ đàng mình..." Nghe dì nói, vợ tôi muốn chảy nước mắt, như thuở nào còn nhỏ nghe dì kể chuyện cổ tích vậy. Sáng hôm sau vợ tôi kể chuyện lại tôi nói: "Có gì đâu, đó là bổn phận của mình. Chúng mình không gặp may mắn được phụng dưỡng ông bà ngoại Hương Lý thì nay có dì vô ít bữa cũng đở buồn phần nào". Sau hai tuần dì đòi về Cam Ranh, chúng tôi năn nỉ dì ở lại thêm được một tuần nữa rồi tôi chở dì ra đón xe tại bắc cầu Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:36:16 pm »

        Dì về rồi - chúng tôi vẫn giữ nếp ăn sáng xong, vào uống trà nói chuyện đời. Có hôm đến 9 giờ sáng vợ tôi mới đi chợ. Càng trò chuyện càng hiểu nhau sâu hơn và sự chăm sóc lẫn nhau càng chi tiết cụ thể hơn. Biết tôi không quen ngủ chung, đêm đêm vợ thường nằm ra sát mép giường và thở nhẹ, nằm êm... Trong các bữa ăn ít khi thiếu món cà ghém, mắm và cá bống hoặc cá cơm kho tiêu cho thật khô... Trong các câu chuyện hằng sáng của chúng tôi thường xoay quanh các vấn đề quan điểm trong tổ chức cuộc sống lao động sao cho có hiệu quả mà lành mạnh, hợp với bản năng cần cù, giản dị của chúng tôi. Tình cảm và đối nhân xứ thế với con cái, bầu bạn và với tổ chức sao cho phù hợp, không hoàn toàn phong kiến thủ cựu, nhưng cũng không lai căng hoặc biến thành người thiếu gia giáo. Nghĩa vụ và trách nhiệm trong quan hệ hạnh phúc gia đình nhất là vợ với chồng, con cái với cha mẹ và ngược lại...

        Từ tháng 8 năm 1989 trở đi tôi ít ăn thịt cá do đau bụng, khó tiêu. Hai tháng liền cả nhà đều ăn cháo để đỡ phải nấu hai nồi. Từ ngày được rút quân về đến nay, ngày nào vợ tôi cũng cho tắm nước nóng mỗi chiều tối. Sáng sớm tôi lại tắm nước lạnh sau giờ thể dục dưỡng sinh. Một hôm, trong khi xem ti vi, Hương Lý mua khô bò về, hai cha con ăn ngon và khá nhiều. Thế là hôm sau vợ tôi ra chợ mua nửa ký thịt bò về xắt lát mổng ướp nước mắm, tiêu, ớt, bột ngọt chừng 30 phút rồi phơi khô, chập tối đem nướng chín rồi vô bao ni lông. Tối đến giờ xem truyền hình, hai cha con ăn hết và khen ngon hơn hàng mua hôm trước. Từ đó, gần như thường lệ, hễ ngày nào thấy tôi không ăn thịt cá thì tối cho ăn khô bò. Còn vợ tôi thì không dám ăn vì sợ họ bán thịt trâu giả bò, để tránh tái phát bệnh tiểu đường như lời ông thầy Pheng dặn.

        Sức khỏe vợ tôi ngày càng tốt hơn. Hàng ngày vợ tôi dùng xe đạp đi chợ. Một hôm, vợ tôi đi về ngã tư trước cứa nhà bà xe lam trong cư xá thì bị một chiếc honda chạy từ hướng trường Nguyễn Du vào tông đúng giữa xe đạp. Các bà hàng xóm và tôi ra đưa hết vào sân nhà. Lát sau, thấy vợ chỉ bị xây xát nhẹ. Tôi hỏi người đi xe và gọi máy vào Quân khu thì đúng đó là một công nhân tạm tuyển, 20 tuổi của nhà in báo quân đội 2. Vợ tôi bàn với tôi tha cho cháu về cơ quan. Tôi yêu cầu người này đi sửa xe đạp bị gãy tay phanh và chắn xích.., nhưng trong người cháu chỉ có 500 đồng nên vợ chồng tôi bàn nhau tha 1uôn. Ba hôm sau vợ tôi trở lại bình thường. Tôi nói: "Em có tuổi rồi nên phản xạ thần kinh và mắt không còn nhạy như trước, nên tránh đi xe đạp, khi cần đi đâu thì anh chở bằng xe máy". Vợ tôi nói vì đi chợ mà để anh đứng chờ ngoài cổng chợ thì tội nghiệp cho anh nên nhiều lần vợ đi bộ. Có hôm, thấy vợ xách 5 con gà đi bộ từ chợ ông Tạ về, tôi hỏi sao không đi xích lô? Vợ nói để tập vận động luôn một thể.

        Trong những buổi uống trà nói chuyện mỗi sáng, một hôm vợ tôi đem chuyện bà X đã tâm sự với vợ ra kể: "Bà X và ông V đều là đảng viên cán bộ nghỉ hưu. Hai vợ chồng đã có cháu gọi bằng ông bà rồi, nhưng lại ly dị nhau vì bất đồng quan điểm trong làm ăn và vì ông V có bồ. Mới đây bà X đã lấy ông K. Có tối hai vợ chồng lên sân thượng trò chuyện. ông K nói: "Hai chúng mình thương yêu nhau thế này, nếu một người qua đời thì người còn lại buồn rầu làm sao mà sống?" Bà X đáp: "Hễ một người bệnh thì người kia vào bệnh viện chăm sóc. Chừng nào thấy không sống nổi thì thủ sẵn mấy liều thuốc ngủ. Nếu người bệnh chết thì người lành uống thuốc và ngủ luôn với nhaư'. Và hai người lại khen nhau, coi đó là chân lý. Nghe đến đây tôi hỏi: "Quan điểm của em thì câu chuyện bà X kể có đúng không ?" Vợ đáp: "Đó là những kẻ khùng. Là vợ chồng, nhưng họ còn cha mẹ, và là ông bà, anh em của những người thân khác nữa chứ. Người chết vì bệnh đã đành, thì người còn lại phải gánh vác nghĩa vụ nặng nề gấp đôi chứ bỏ mà chạy trốn thì hèn hạ chứ hay ho gì?" Tôi ngưng ly trà trên tay, mắt sáng lên vừa nói: "Đúng, nói như em mới là con người chân chính".

        Những buổi vợ chồng tôi trò chuyện thường nói nhiều về các con, nhất là Hương Lý. Có lần vợ tôi nói "Hương Lý nó còi cọc tội nghiệp". Tôi nói: "Nó giống anh nên nhỏ con, chứ đâu phải còi". Tôi nhắc lại một hôm đầu năm 1981, tôi và Hương Lý (6 tuổi) và Duy lên Sông Bé thăm bác Khanh. Bác gọi Lý một mình ra và hỏi: "Sao chị Liên con không lên thăm bác?" Lý đáp: "Chị Liên mắc bầu, không dám đi". Bác Khanh giả vờ hỏi: "Bầu là gì nhỉ? Nó nuốt phải hột bầu mọc cây hay nó mắc trồng cây bầu?". Lý nghe nhiều câu hỏi dồn bèn nói: "Bác ra mà hỏi anh ngồi ngoài đó!". Vừa nói Lý vừa chỉ tay ra chỗ Duy ngồi. Bác Khanh lại hỏi: "Ủa, chị Lan cũng mắc bầu hay sao mà không lên thăm bác?". Hương Lý đáp: "Chị Lan chưa làm đám cưới thì bầu làm sao được?". Bác Khanh lại hỏi: "Vậy má cháu cũng mắc bầu hay sao mà không lên chơi?". Hương Lý nói luôn: "Má con già rồi, bầu bì gì nữa!". Bác Khanh cười vang và thôi hỏi chuyện bầu. Lát sau bác kể chuyện lạl với tôi và nói bé Lý lanh trí lắm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:37:11 pm »

        Mãi đến tháng 10 năm 1989, tôi vẫn thấy đau bụng và cứ ăn cháo hoài. Người hốc hác đi. Vợ tôi hỏi con Báu. Báu nói ba bị cái gan nó hành đó. Má đừng cho ba uống rượu, nếu không thì tiêu mất cái gan. Vợ tôi tỏ vẻ lo lắng. Trong một buổi uống trà sáng, vợ tôi đem ý nghĩ đó ra nói: "Chiến tranh buộc anh đói khổ, lại sốt rét nhiều quá, nhưng chiến trường và công việc cứ lôi cuốn hoài làm cho thần kinh anh lãng quên bệnh tật. Nay được rút quân, anh về nhà bình tâm lại thì cái mệt nhọc mới phát ra đủ thứ bệnh. Gan xấu quá thì có thể bị xơ hoặc tệ hơn là ung thư. Y học đành phải bó tay. Anh "đi" rồi thì em rầu và chắng bao lâu em cũng "đi" luôn. Chỉ tội nghiệp cho các con. Liên và Lan đã có gia thất rồi còn đỡ, tội nghiệp nhất là Hương Lý và Như Sơn..." Tôi thoáng buồn. Lát sau tôi nói: "Không sao đâu, chắc là anh sẽ khỏe và trở lại bình thường. Nhưng nếu anh có bị làm sao là do chiến tranh để lại bệnh tật, con người không thể khắc phục được. Còn em phải phấn đấu mà sống với nhửng người thân chứ?" Vợ tôi lại nói: "Lúc đó em rầu lắm". Tôi lại nói: "Rầu là trạng thái tâm lý tinh thần, con người có thế làm chủ được". Tôi nói với vẻ mặt rất vui: "Anh có "đi" rồi thì sau đó ít lâu em hãy tìm một người mà làm bạn đời thay anh để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cuộc sống, để...".

        Vợ ngắt lời tôi vừa cười và nói: "Lúc đó chẳng có ma nào nó nhòm em đâu, với tuổi tác và sức khỏe này. Anh không nhớ người đời nói: Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng hay sao?" Tôi nói: "Đó là đạo lý phong kiến, không biết coi trọng phụ nữ. Họ bắt buộc phụ nữ phải tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ngày nay Cách mạng làm theo Bác Hồ là nam nữ bình đắng còn gì?" Vợ tôi nói: "Nói cho vui vậy thôi, những điều đó em biết cả rồi" và vợ nói tiếp: "Nhưng nếu em "đi" trước thì anh sẽ có nhiều đám nó nhòm lắm đó". Thấy tôi cười, vợ cũng cười và có phần hăng lên: "Lúc đó, sau một thời gian đau buồn, anh phải bình tâm lại mà suy xét, chớ có kéo dài buồn rầu quá mà héo mòn thân xác... Nhưng họ nhòm kệ họ, vợ tôi nói đừng có ham trẻ ham đẹp, và mình cũng nên tránh cái cảnh như anh Trị - Phó giám đốc nông trường Quyết Thắng là "con anh, con tôi đánh con chúng ta", thì nó rắc rối lắm". Hai vợ chồng cùng cười, vợ tôi rót thêm trà và nói tiếp: "Em chỉ thương bé Lý. Em mong cho anh và em sống cho tới ngày bé Lý ngoài 18 tuổi, và Như Sơn đã cho chúng mình ẵm cháu nội. Lúc đó không ai ăn hiếp Hương Lý của mình nổi đâu. Cho nên, nếu có việc gì xảy ra sớm thì phải thương lấy Hương Ly và lấy đó làm điều trọng". Chúng tôi nhìn nhau và tỏ ý rất đồng cám. Vợ tôi lại nói: "Ở đời, người ta lấy vợ chứ không ai lấy nợ. Thiệt đó, em đã thấy không thiếu gì người đàn ông chết vợ, đã không suy tính cho kỹ, ham chạy theo trẻ, theo đẹp, nên biến việc đi lấy vợ thành ra đi rước lấy của nợ. Họ hắt hủi, đày đọa con mình thì chỉ thêm khổ sở cho cha con và ưu phiền cho họ". Tôi lại cười và nói: "Sao hôm nay chúng mình bàn sâu vào câu chuyện tào lao thế này?" Đã hơn 9 giờ sáng, vợ tôi xách giỏ đi chợ.

        Lâu nay chúng tôi vẫn giữ nếp vài ba tháng gửi biếu bà nội một ít tiền hoặc quà. Sáng nay lúc vợ ra chợ thấy họ bán quần áo may sẵn nhiều mà rẻ, Tết lại sắp đến, vợ tôi đã mua về, bàn với tôi đi gởi bưu điện. ít lâu sau các chú Đạt, Thông viết thư vào kể: "Mẹ nhận được đã mặc hết hai áo một quần vào và đi khoe khắp xóm". Đọc thư xong, hai vợ chồng đều thấy vui vui.

        Ngày 6 tháng 6 năm 1988, tôi cùng đơn vị rút quân về nước. Chiều tối hôm đó, tôi bước chân vâo nhà, vợ tôi nói: "Thế là anh đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, nhất là từ năm 1982 đến nay, khi anh lên lại Campuchia làm chỉ huy trưởng bộ đội bảo vệ Phnôm Pênh, em lo lắm. Nghe tin ở đó nhiều người đã bị kỷ luật". Dạo đó, anh Khương từ Hà Nội đã viết thư vào tỏ vẻ lo lắng: "Cương vị và môi trường đó rất dễ bị kỷ luật. Anh rất lo. Đã có nhiều ngườĩ bị rồi. Nhưng anh tin ở chú có thể hoàn thành được nhiệm vụ". Sau khi nhận được thư anh Khương (hồi đầu năm 1983), vợ tôi đã thắc mắc: "Cái đất Phnôm Pênh có gì mà ghê gớm vậy?" Tôi nói: "Dân trong này có câu ca "Nam Vang đi dễ khó về, trai đi thêm vợ, gái về thêm con". Cũng khó thật, anh Khương ở gần Bộ nên anh ấy biết và lo lắng cho mình là đúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:38:04 pm »

        Hồi giải phóng Campuchia xong, người thứ nhất làm chỉ huy trưởng chỉ được có 18 tháng đã phải thay, mặc dù đó là người có đạo đức mẫu mực, là người đã một thời làm thủ trưởng của anh. Người thứ hai được lựa chọn là một anh Sư đoàn trưởng tốt của Quân khu lên chỉ trụ được 11 tháng thì cấp trên đã phải chọn người thay. Mình là người thứ ba đây. Người xưa hay nói: "Nhất khả nhị khả, tam bất khả hoặc sự bất quá tam", Bộ Tư lệnh Quân khu và Tiền phương Bộ Quốc phòng không muốn thay cán bộ liền liền như vậy đâu. Anh đã đi hai lần lên đó nghiên cứu tình hình rồi. Cấp trên đã tin mà giao, thì mình cũng phải tự tin mà cố gắng làm hết sức mình..." Vợ tôi nói: "Nhớ lại những buổi nói chuyện trước đây với những lần được chứng kiến tại nơi anh làm việc thì nay thật là đáng mừng. Hồi 1987, dã nhiều lần vợ nói vui với tôi tại Đoàn 7708: "Cho em làm việc như anh thì chỉ ba ngày là chết vì đứt dây thần kinh!". Tôi cười xởi lởi: "Tại em chưa làm quen nên lo lắng thế thôi, chứ anh vẫn thấy bình thường".

        Mùa hè năm 1988, vợ chồng tôi lại có dịp đi an dưỡng ở Long Hải. Nhờ có kinh nghiệm năm 1987 nên năm nay chúng tôi có một kỳ nghỉ hè tốt đẹp. Chúng tôi và bé Vũ suốt ngày bị cuốn hút, say mê với đọc truyện, phơi cá, hấp cá, đào còng gió, hái sâm biển, xúc chem chép... Ra về vợ tôi lên cân thật sự, lại kèm thêm một bao cây sâm biển phơi khô làm trà, một bao cá khô thật ngon... Những con cá kìm đã hấp chín và phơi khô đem nướng lại làm mồi nhậu, uống rượu hoặc bia thì tuyệt vời, càng dùng càng thấy có cái hậu ngọt ngọt ở dưới cổ.

        Hàng ngày, tôi vẫn đi làm để lo việc giải thể đơn vị và viết tổng kết kinh nghiệm rút quân, cho đến tháng 10 năm 1988 mới bàn giao xong tài liệu văn bản. Cấp trên còn giữ làm thường trực giải quyết các việc còn lại của Đoàn 7708 cho đến khi có lệnh mới.

        Gia đình được sum họp. Hai con Duy - Liên đã có nhà cửa, có công ăn việc làm ổn định, đời sống khá dần do Duy khéo tay hay làm. Hai con Lan - Báu cũng đang có bầu. Chúng tôi trao đổi và chấp thuận cho hai con Lan Báu muốn được ở gần, cho xây cất sửa chữa thêm một căn hộ mới. Chẳng bao lâu chúng vợ tôi đã có thêm một cháu ngoại là bé gái Mini tức Phan Thị Kim Hoàng.

        Tuy có thắc thỏm chờ đợi nhưng thường ngày tôi vẫn ở nhà, lâu lâu có người của đơn vị cũ đến hỏi cái này, nhờ cái kia hoặc đến thăm viếng, hỏi han tình hình. Vợ chồng con cái được sum họp, thỉnh thoảng các cháu ngoại đến thăm, thế là hạnh phúc rồi. Mong ước duy nhất của gia đình trước mắt là được đón Như Sơn về, lo hạnh phúc trăm năm cho con để đón cháu nội. Đầu tháng 5 năm 1989 được tin báo thùng hàng của Như Sơn đã về đến cảng Sài Gòn. Tôi cùng các chủ hàng đi nhận về, phân chia theo thư con dặn. Có thêm được một số tiền, chúng tôi mua cho Như Sơn một chiếc xe gắn máy loại tốt.

        Quân số tôi thuộc T67 Quân khu 7, nhiều lần được thông báo dự kiến tôi sẽ đi Vũng Tàu, về Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, hoặc lên Campuchia làm chuyên gia.., nhưng vẫn chưa có quyết định.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:40:53 pm »


Chương năm

CUỘC SỐNG ĐỜl THƯỜNG

        1- Cuộc chia tay cay đắng

        Có lần vợ tôi kể chuyện, tháng 10 năm 1981, khi tôi đang đi công tác ở Campuchia, Sơn được gọi ra Hà Bắc học ngoại ngữ và làm thủ tục. Đầu năm 1982, Đinh Như Sơn bay đi Tiệp Khắc học nghề. Sau 3 năm học, Sơn đã tốt nghiệp hạng ưu trường cơ khí ô tô máy kéo Caslav, được cấp bằng đỏ và tặng phẩm bằng pha lê Tiệp. Sau một năm làm đội trưởng xe máy tại một nông trường của Tiệp Khắc, Sơn được về phép 3 tháng. Tôi còn ở Phnôm Pênh, hai con Duy, Liên không có giấy vào sân bay nên Sơn về mà không được người nhà đón. May thay, nhờ hai cô bạn gái tốt bụng (mà Sơn chưa kịp hỏi địa chỉ) đã giúp đỡ Sơn về bằng xích lô.

        Tuy sống bên Tây đã bốn năm nhưng khi về nhà chịu khó và thương mẹ, yêu quý anh chị em. Sơn không nề hà bất cứ việc gì để giúp ích cho người thân và gia đình.

        Tết đến, Duy và Sơn nấu rượu đón Tết, không thấy ba về Sơn buồn lắm. Tôi đã biết Tết, lễ là dịp bộ đội phải trực sẵn sàng chiến đấu nên tôi thường xuyên an ủi các con.

        Tết Canh Ngọ sắp đến. Nhớ Sơn lắm. Tình hình cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông âu có nhiều rối rắm. Có hôm đài BBC đã ví tình hình như cái nồi áp suất lớn mà ông Goócbachốp mở nắp, nay đậy lại không nổi. Vợ tôi nói: "Em lo cho con lắm, anh viết thư cho con nói rõ nguyện vọng của ba má là mong con về". ít lâu sau, Sơn báo chuẩn bị về.

        Xuân Canh Ngọ, nhà không gói bánh chưng, vì hàng năm cứ gói, nấu vất vả, ngoài mùng mười lại đem bỏ đi. Chúng tôi vẫn giữ nếp sáng uống trà tâm sự vài tuần hai con Duy, Liên đưa các cháu lên chơi. Ba tuần không thấy chúng đến là tôi lại đòi đi thăm các cháu.

        Nhiều buổi nói chuyện, nghe tôi lo lắng phàn nàn lương không đủ ăn, biết lấy gì mà nuôi con? Vợ tối lại động viên: "Đời người ngắn ngủi lắm, nhất là lớp chúng mình, bom đạn ác liệt, gian khổ, đói khát, bệnh hoạn trăm thứ rồi, đến nay nhà nước cho bao nhiêu mình hưởng bấy nhiêu, cho đầu óc thư thái có thêm tuổi thọ, anh đừng lo lắng lắm mà ảnh hưởng sức khỏe". Tôi lại nói: "Nhưng mà lương không đủ ăn thì làm sao?" Vợ tôi an ủi: "Mấy chục năm nay anh đi biền biệt, việc lo toan bữa ăn, cái mặc em chỉ giải quyết trong đồng lương và chăn nuôi thêm chút ít, vậy mà cũng qua cả. Nay các con đã khôn lớn, có gia thất rồi, ai lo nồi nấy, chúng mình chỉ còn nuôi Hương Lý. Mai kia có Như Sơn về, lưng dài vai rộng, nó lại có nghề nó tiếp thêm chúng mình thì có gì mà phải băn khoăn cho lắm?" Tôi lại nói: "Thực tế cho thấy con cái nhiều nhà đã làm cha làm mẹ rồi mà ông bà vẫn phải tiếp tục nuôi cháu. Chúng mình cũng vậy nên phải lo chứ!" Vợ tôi phân giải theo cái lý riêng rằng: "Khác với chúng mình, họ có của chìm của nổi đời trước để lại, còn chúng mình sau chiến tranh đánh Pháp về quê lấy nhau chỉ bằng đôi bàn tay trắng, rồi lại mang tuổi xuân vào chiến tranh đánh Mỹ, anh lại mang cả tuổi trung niên đi làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia... Nay sắp già rồi, chúng mình chỉ lo cho nhau. Nay mai Như Sơn về lo cưới vợ cho con là chỉ còn Hương Lý". VỢ tôi còn nhắc: "mình phải tự thương lấy mình và lo cho nhau là chính. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Lâu lâu dành dụm gởi cho mẹ một ít, thế là em mừng rồi. Anh khỏi phải lo cho ai hết".

        Tết Canh Ngọ nhà tôi cũng đốt pháo. Pháo nổ rất giòn, nhưng chỉ có một phong. So với hàng xóm thì chỉ gọi là cho có vậy thôi. Chúng tôi đi thăm các gia đình láng giềng. Trong đó có cô chú Hoàng Đức theo nhận xét của vợ tôi là có thiện cảm nhưng chưa được sâu đậm bằng cô chú Uyên Thụ. Cô Uyên đã dùng những lời thật tốt đẹp chúc mừng năm mới đối với chúng tôi. Cô Hạnh Uyên còn kể cho chúng tôi nghe cảnh vất vả của vợ tôi lo chạy ăn và chăn nuôi heo trong những năm tôi còn ở Campuchia. Cô kết luận: "Anh có biết không, ở xóm mình thì chị là người nghèo nhất và chịu khó nhất đó". Chúng tôi ngắm nhìn chậu mai vàng của nhà cô chú Thụ Uyên và nghĩ đến cành mai do Hương Lý mua về chưng ở nhà mình thì quá ư nhỏ bé.

        Người đời thường nói: Tháng giêng dài, tháng hai rộng. Nhưng với chúng tôi thì tháng hai này trôi qua nhanh quá? Phải chăng ngày vui chỉ một tấc gang? Chẳng bao lâu đã gần tới nửa tháng hai âm, vừa là kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ. Sáng mùng 8 tháng 3, tôi dậy sớm hơn mọi ngày đi nấu cơm sáng, giặt quần áo, quét nhà, sân... Vợ tôi dậy đã thấy mọi việc tươm tất, bèn hỏi: "Sao hôm nay ba Lý dậy sớm và dọn dẹp kỹ vậy?" Tôi nói vui: "Hôm nay mùng tám tháng ba, đàn ông xuống bếp, đàn bà đi chơi". Vợ tôi cười nói: "Ba Lý đi chiến trường hoài mà cũng nhớ ngày lễ của phụ nữ, giỏi quá ta?" Tôi cười vui vẻ. Chúng tôi dùng cơm sáng rồi vào uống trà nói chuyện như mọi ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:41:54 pm »

        Sáng 9 tháng 3 năm 1990, vợ tôi nói: "Em đi chợ mua thứ gì đó về ăn bồi dưỡng gọi là phần thưởng cho ba Lý nhân ngày 8 tháng 3 hôm qua". Tôi vào lấy báo ra đọc. Năm phút sau, nghe tiếng ồn ào ngoài cổng, tôi ra thấy vợ bị tai nạn giao thông. Tôi nhờ người đẩy chiếc honda gây tai nạn vào sân, đồng thời ẵm vợ vào nhà cứu chữa, đưa vào bệnh viện cấp cứu.. Đến 13 giờ 30 phút ngày 12 tháng 3 năm 1990 thì trái tim giàu tình thương và rất mực trung hậu đảm đang đã ngừng đập. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thông báo: "Nạn nhân từ trần do chấn thương gây xuất huyết não".

        9 giờ sáng 13 tháng 3 1àm 1ễ nhập quan tại nhà tang lễ bệnh viện ở đường Trần Phú, Quận 5. Thi hài được đặt trên nền mười ký trà, chung quanh để theo một số đồ dùng thường ngày. Bà con thân thuộc có mặt rất đông. Cô em Nguyễn Thị Thanh Thảo (con mẹ đỡ đầu tôi hồi chống Pháp) nói nhỏ: "Anh có bệnh gì thì gởi chị mang đi cho trước khi đậy nắp áo quan". Tôi đến nói vào tai thi hài: "Anh bị đau gan và bị nhức đầu dữ dội mỗi lần cảm cúm, nếu được nhờ em mang dùm di cho". Từ đó đến nay (đã hơn 17 năm) tôi không bị nhức đầu dữ dội như trước, đây là một sự thật mà tôi chưa hiểu nổi.

        Lễ động quan đưa tang lúc chín giờ rưỡi. Lúc lên xe tang tôi nhường chỗ ngồi phía trước cho cô Nguyễn Thị Kiểng (trên 70 tuổi) là người tôi gọi bằng dì họ, vợ tôi gọi bằng cô. Tôi ngồi cùng các chú tay đòn, đội hình xe ở tô có bảy chiếc. Tôi xúc động thấy có nhiều cán bộ, chiến sĩ Đoàn 7708 và của Phòng 5 Cục Chính trị Quân khu 7 dùng xe máy chạy theo xe tang, nhiều người len lên, cố chia xẻ nỗi buồn với tôi. Cảnh tượng này gợi nhớ mấy câu thơ khuyết danh mà tôi đã nghe hồi Ở Phnôm Pênh:

                                         "Khi em chết anh là người xây nấm mộ
                                           Bên cỗ quan tài ai khóc tiễn đưa em?
                                           Đau đớn lắm hỡi đời buồn thê thảm.
                                          Thương nhớ này biết thuở nào nguôi?"

        Tôi cùng gia đình tiếp nhận rất nhiều tấm lòng thương cảm, chia xẻ của các đồng chí, đồng đội, của lãnh đạo và chính quyền ớịa phương đến trực tiếp, và của nhiều anh em bầu bạn ở quê hương Vĩnh Linh, ở Hà Nội, Hải Phòng gởi điện thư chia buồn.

        Sau lễ cúng ba ngày vẫn còn nhiều người đến viếng và an ủi gia đình, trong dó có Trung tướng Lê Hai, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Sau khi đốt nhang, mặc niệm xong, Trung tướng ngồi hỏi chuyện. Ông hỏi: "Quân khu 7 xếp công tác cho anh thế nào?". Tôi kể chuyện chuẩn bị đi làm chuyên gia chính trị khu vực 4 hoặc khu vực 2 và lời khuyên của vợ tôi "nên làm theo yêu cầu của tổ chức, mình lớn tuổi rồi mà từ chối là không tiện". Trung tướng nhìn tấm ảnh trên bàn thờ vừa nói: "Ý thức tổ chức của chị tốt lắm".

        Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hòa, Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 7 với vẻ mặt buồn, khuyên "Cảnh chúng mình mà mất người vợ là cuộc sống bị hụt hẫng nhiều thứ lắm? Anh phải ráng bình tâm lại mà thu xếp, điều chỉnh cho hợp lý để giảm bớt sự bất lợi cho sức khỏe.

        Hai vợ chồng Thiếu tướng Trần Văn Trân đến viếng. Anh cắm nhang, bông huệ và xếp nho lên bàn thờ rồi nói: "Ninh ơi! Mày có thương tao thì có gì đưa cho tao ăn, đừng để lúc tao chết rồi đem đến cúng như tao đến cúng vợ mày bây giờ". Nói rồi anh cười một tràng dài... Tôi dạ.

        Tôi cảm thấy trong đời chưa có cuộc chia tay nào cay đắng như cuộc chia tay một nửa thân mình. Anh Đinh Như Gia và hai em Đạt - Thông kể: Hôm được điện báo, mẹ tôi nói: "Vợ nó chết tai nạn xe máy thì nó cũng bị thương vì chở nhau. Tau 80 tuổi rồi, không còn sức mà đi thì tụi bây phải vô hết coi mà cứu giúp. Xong việc nhắc thằng Ninh phải đến các cơ quan và người cao tuổi đã giúp dỡ tang ma để cảm ơn, không phải chỉ in lên báo lời cảm tạ là xong?".

        Trong nỗi hụt hẫng, tiếc thương sự ra đi của vợ, tôi có bài thơ "tự sự", xin được bạn đọc chia sẻ:

                                         Mười năm xa cách lại mười năm
                                         Chiến trường biền biệt bóng hình anh
                                         Ngày đêm vò võ nuôi con đợi
                                         Biết lấy gì đong nỗi ái ân ?

                                         Được rút quân về ở bên em
                                         Đời vui như thuở tuổi xuân xanh
                                         Ai ngờ một sáng ngay đầu ngõ
                                         Tai nạn, trời ơi! Anh mất em.

                                         Những tháng ngày dài anh tìm em
                                         Tìm đâu hơi ấm, nhịp thở êm
                                         Chỉ thấy trần nhà màu xám lạnh
                                         Còn đâu? năm tháng sống êm đềm 

                                         Cứ tưởng như em sẽ trở về
                                         Hiền hòa đi giữa cánh đồng quê
                                         Phúc Lâm - Hồ Xá đôi ta bước
                                         Đợi mãi, sao không thấy em về? 

                                         Soi mảnh gương rơi nhặt cạnh vườn
                                         Mối sầu tô đậm nếp phong sương
                                         Trũng sâu đôi mắt mờ mờ lệ
                                         Nhoi nhói trong tim nỗi đoạn trường 

                                         Tôi cố tìm tôi muốn thấy tôi
                                         Có thể nào đâu cũng mất rồi?
                                         Bao niềm hoài bão bao kỳ vọng
                                         Chẳng lẽ từ đây chấm dứt rồi?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:44:44 pm »


        2. Những lời mẹ dặn

        Cuối năm 1990, sáu tháng sau cuộc chia tay cay đắng của đời mình, trong khi Quân khu chưa xếp công tác tôi xin nghỉ phép về quê thăm mẹ đã 81 tuổi. Ngôi nhà nhỏ của mẹ đã bị bão đánh sập năm 1985. Cháu Đinh Như Hoan đã trở thành phóng viên toà báo Dân tỉnh Quảng Trị. Mẹ đến ở với chú em Đinh Như Thông. Tôi bước vào nhà lúc nắng chiều rọi sâu vào nền nhà một mét. Vợ chồng chú Thông đi làm, hai cháu đi học, ngôi nhà vắng lặng. Mẹ ngồi giường nhìn ra, tôi chào: "Thưa mạ!" và gần như cùng lúc mẹ rất vui: "Chào chú bộ đội". Tôi nhanh tay lấy từ ba lô mời mẹ cái bánh bông lan nhỏ. Tôi đang lục ba lô tìm thuốc đã nghe mẹ nói: "Chú bộ đội cho cái bánh ăn ngon quá, cho tôi cái nữa!" Tôi lấy hai cái tới trao một cái, rồi ngồi giường nhìn mẹ ăn. Mẹ nhìn thấy rõ mặt, mẹ cười la to: "Trời ơi, thằng Ninh mà tao cứ tưởng chú bộ đội mô cho bánh, tao xin cái nừa?" Mẹ lại cười nói: "Cơ khổ hè! Chân chậm, mắt mờ rứa đót" Tôi an ủi: "Con Ở ngoài bước vô, do khuất bóng nắng chớ mắt mạ còn tinh, tai mạ còn thính lắm!"... Mẹ lại cười miệng móm mém mẹ hỏi đủ thứ chuyện. Mẹ hỏi "Vợ mi chết rồi, chừ mi ở với ai?" Tôi thưa: "Ở với đứa con út là Hương Lý - 15 tuổi, đang học lớp 10". "Ai đi chợ nấu cơm?" Mẹ lại hỏi. Tôi thưa: "Hai cha con tự làm lấy". Mẹ nói: "Tội nghiệp chưa! Năm ni mi mấy chục tuổi? " Mẹ lại hỏi. Tôi chưa kịp trả lời, mẹ đã nói: "Mạ 81, mi 60. Trời bỏ sót cho thì còn được sống lâu lắm. Nếu tốt số gặp được ai đó mà chắp nối cho đời đỡ khổ". Ngưng một lát, mẹ lại nói: "Thiên hạ cũng có người chắp nối được sống êm ấm. Cái khó là chắp nối với ai? Chắp nối khi mô? Việc đó tùy con, mạ cho tự lo liệu, bây chừ mạ không còn giúp chi cho con được nữa mô. Mạ chỉ dặn, đừng ham trẻ, ham đẹp ham giàu, nay mai nó chê già, chê xấu, chê nghèo nó hắt hủi thì đời thêm khổ". Ngưng một lát, mẹ lại nói: "Lại phải tránh người trái tính trái nết, nó đày ớọa thêm tội nghiệp cho con cháu miềng". Tôi thấy mẹ vốn đã yếu sức lại cao tuổi, nếu có thể gặp được ai đó để "đi bước nữa" thì chỉ có thể tranh thủ thời cơ trước khi mẹ mất.

        Tôi dạ và mời mẹ ăn bánh uống nước. Mẹ tôi qua đời đầu năm 1992, thọ 83 tuổi. Đây là những ngày tôi bị tai nạn giao thông, không về chịu tang được. Tôi cho con trai, em Đinh Như Đạt cùng anh Khương và gia đình về chịu tang. Tháng 4 năm 1992, tôi nhận quyết định nâng lương và nghỉ hưu.

        3. Nụ cười đôn hậu

        Vào một ngày quý 3 năm 1991, có lần ngồi uống trà tại phòng Cán bộ Quân khu, anh Năm Ngà chỉ vào tôi và nói: "Chú nhỏ này chết vợ rồi, tụi mình kiếm vợ cho nó chớ!" rồi anh cười đôn hậu. Anh Hai Hương, đại tá - nguyên Phó phòng cán bộ - Trưởng T67 và anh Sáu Quang, Viện phó, đại tá - Bí thư đảng ủy Quân y viện 7A đã giới thiệu cho tôi nhiều nữ bác sĩ dược sĩ ngoài 40 tuổi. Họ là những thiếu nữ từ vùng châu thổ sông Cửu Long lên Miền đi kháng chiến. Họ đã phấn đấu trưởng thành theo năm tháng để được vào Đoàn, vào Đảng, phấn đấu để được học nghiệp vụ từng bậc sơ cấp, trung cấp, đại học. Khi trở thành cán bộ thì đã hết tuổi xuân, lại thêm thương tật, bệnh tật.., tương lai hạnh phúc gia đình thật khó khăn, nan giải. Sau chiến tranh ai cũng quý trọng và thương thay cho số phận của họ.

        Theo lời mẹ dặn, tôi chấm một người hiền lành nết na, chăm học, chăm làm, tuổi Sửu, được mệnh danh là "con trâu đất" của đơn vị, bí thư chi bộ khoa, thương binh hạng 4/4. Tôi và anh Hai Hương mượn lý do đi khám bệnh, đến bệnh viện 7A làm quen. Chúng tôi được biết thêm nhiều điều quý hóa: Gia đình có 9 anh chị em ở vùng địch chiếm mà không ai làm gì cho địch, bà cụ mất đã 7 năm, ông cụ 80 tuổi sống với người con trai út, một trung sĩ bộ đội thông tin Quân khu 7 mới phục viên. Tôi ở B2 đã lâu từng nghe nhiều giai thoại về "ông già Nam Bộ", tôi suy nghĩ đắn đo. Một hôm, tôi nói điều lo lắng của mình với bác sĩ H. Cô cười vừa nói rất tự nhiên: "Ba em dễ tính lắm, nhất là với những người kháng chiến, là bộ đội Cụ Hồ". Bác sĩ H, ngỏ ý mời tôi và anh Hai Hương về dự đám giỗ cùng gia đình trong tháng tới. Tôi viết lá thư ngắn làm quen: "...Xin bác cho cháu được phép tự giới thiệu, cháu tên là..., quê quán ở..., là bộ đội giải phóng B2 đã đi Campuchia nay về Quân khu 7. Thưa bác, cháu mồ côi cha từ năm 16 tuổi, gần 40 năm nay cháu được nhiều lần gọi mẹ mà chưa một lần được gọi ba. Cháu có quen cô Tám, con gái của bác. Cô Tám ngỏ ý mời cháu về dự đám giỗ trong tháng tới. Từ đó cháu cứ mong cho thời gian qua mau để được gặp bác cùng gia đình, để có thể tìm lại được tiếng Ba trong tình thương của gia đình”.

        Tháng sau, anh Hai Hương và tôi cùng cô Tám về được gia đình tiếp đón thân tình, chuyện trò cởi mở. Tôi nhận rõ ở ông cụ có nếp sống của một nhà nho. Tôi để ý thấy cụ dùng phấn viết bảng viết nhiều câu thơ và châm ngôn bằng chữ Nho và chữ quốc ngữ theo tường (bằng ván gỗ) quanh nhà. Tôi ghi nhớ cụ viết: "Cẩn tắc vô ưu. Nhẫn tắc vô nhục. Kiệm tắc thường túc. Tịnh tắc thường an".

        Cuối buổi tiếp chuyện, cụ nói: "Đời người, gặp cảnh bếp không có đàn bà, nhà không có đàn ông đều trở thành đơn chiếc. Nay hai con ráp lại với nhau là quý, Ngưng một chút, cụ nói: "Con Tám nhà này tuổi Kỷ Sửu năm nay 42. Chiến tranh đã lượm mất tuổi xuân, năm nay nó đã lỡ thì quá lứa, lại thêm chức to, thương tật. Ở miền quê này không ai dám hỏi nó làm vợ đâu,, Cụ ngoắc tôi tới gần, cụ hỏi: "Con có mấy người con?" Tôi thưa, bốn. "Mấy trai mấy gái?", cụ lại hỏi. Tôi thưa: "Một trai, ba gái". "Đứa nhỏ nhất nhiêu tuồi?,, cụ hỏi tiếp. Tôi thưa: "Cháu 15 tuổi, đang học lớp 10". Cụ cười đôn hậu và nói: "Qua đồng ý cho gọi bằng Ba, nghe con?". Tôi dạ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:47:04 pm »


*

*         *

        Mười hai tháng sau, nhân ngày đám giỗ của má, ba cho phép kết hợp thông báo đến bà con nội ngoại biết việc chắp nối của chúng tôi. Trong lễ dâng hương cúng giỗ má, ba đã nói như tâm sự với má: "Con Hoa nhà mình nay đã có chồng, được tin này chắc bà vui lắm. Ráng phù hộ cho vợ chồng nó mạnh giỏi".

        Đến dự cuộc vui có đông đủ bà con thân tộc, có nhiều đồng đội của hai chúng tôi. Sự có mặt của anh Sáu Quang, đại tá - đại diện thủ trưởng bệnh viện 7A, anh Năm Bền và anh Hai Hương, đại tá - đại diện T67 và anh Khởi, anh Ba Giám đại diện phòng Bảo vệ an ninh, anh Tám Lập1 phó chỉ huy về Chính trị Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.., càng thêm thắm tình quân dân.

        Trong cuộc vui không có chương trình văn nghệ mà có một lớp thoại đáng nhớ. Anh Nguyễn Tái Giám, đại tá - nguyên Trưởng phòng Bảo vệ an ninh thay mặt nhà trai nói: "Kính thưa bác Hai và gia đình, hôm nay cháu rất vui được dự lễ chắp nối cho người đồng đội quê ở miền Bắc vào chiến đấu ở miền Nam, sau chiến tranh không may gặp cảnh gãy gánh nửa đường. Nay được bác Hai cho phép làm con rể của gia đình Nam Bộ là may mắn lắm. Chúng cháu rất mừng và kính chúc sức khỏe bác Hai, chúc gia đình gặp nhiều may mắn".

        Chị Tư (Trần Thị Du) đứng lên nói: "Tôi xin thay mặt ba tôi và gia đình cảm ơn các anh chị bộ đội giải phóng, đã thương yêu nuôi dạy cho em thứ tám của chúng tôi khôn lớn, an toàn vượt qua chiến tranh, nay khuôn xếp cho cuộc đời em tôi có đôi có đũa là chúng tôi rất mừng, rất cảm ơn mấy anh chị bộ đội Cụ Hồ".

        Anh Ba Giám lại thưa: "...Nhờ có Đảng và Bác Hồ mà Nam Bắc sum họp một nhà. Như tôi đây, trước tháng 8 năm 1945 là một chú nhỏ tha phương cầu thực, từ Thái Bình lưu lạc vào Sài Gòn đánh giày, bán cà rem rồi vào bộ đội, trở thành cán bộ, có vợ con là người Nam Bộ, đến nay các cháu đã trưởng thành, tôi nghĩ chú Ninh - em tôi dây cũng vậy, được gia đình cưu mang giúp đỡ thật là may mắn. Tôi thật sự cảm động và cám ơn".

        Chị Tư lại tiếp: "Nhờ có Cụ Hồ và bộ đội giải phóng mà chúng tôi thoát khỏi cảnh bị o ép, tù tội thời Mỹ ngụy. Nay đất nước hòa bình thống nhất, gia đình chúng tôi có thêm một người con quê miền Bắc, chúng tôi coi dây là phần thưởng do cách mạng ưu ái cho gia đình, chúng tôi thành tâm đón nhận và cảm ơn nhiều".

        Lớp thoại được mọi người vỗ tay đồng tình, khen ngợi.

        Sáng ngày mồng một Tết năm 1993, chúng tôi phải thường trực ở đơn vị. Chưa kịp về chúc Tết, tôi gởi thiệp về trước chúc ba:

         "Minh niên Quý Dậu, bút khai xuân/ Dao vọng nam thiên, ức phụ thân/ Bát thập tam niên, tứ cẩn tắc/ Xuân lai xuân khứ, đại trường xuân"

        Thiệp chúc Tết đã làm ba rất vui. Vần thơ xuân trở thành sự phấn chấn và nội dung đàm luận rôm rả giữa ba với các cụ cao tuổi tại địa phương. Trong dịp này ba dặn nếu vợ chồng thằng Tám không sinh đẻ được thì bắt thằng Vũ (con thằng Chín) về làm con nuôi, để khi hai đứa bây già có nó lo phụng dưỡng". Thực hiện lời ba dặn, cuối năm 1993 chúng tôi đã lo đủ thủ tục pháp lý và gởi con Trần Hoàng Vũ vào trường thiếu sinh quân Thành phố. Năm 2006, con Trần Hoàng Vũ đã là đảng viên chuẩn uý, y sĩ của Trung đoàn Gia Định.

        Năm năm sau, ba chúng tôi qua đời, thọ 88 tuổi. Tôi và con trai Đinh Như Sơn, cùng anh sui và con rể thứ tư là Phan Văn Báu về quê Long An cùng gia quyến tế lễ đại thọ.

        Hàng ngày tôi vẫn đi làm việc tại Hội Cựu chiến binh Quận 10. Cường độ và hiệu quả công việc của tôi gần như lúc tại ngũ. Tôi có dịp hiểu sâu cuộc sống người dân, người cựu chiến binh và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào vì người nghèo...

        Trưa về ăn cơm nhà với con Hương Lý và Như Sơn ở cư xá Bắc Hải. Vợ tôi vẫn đi làm tại bệnh viện 7A, Quân khu 7; tối mới cùng về nhà riêng tại phường 5 Quận 5. Tôi vẫn luôn chú ý về sự phấn đấu và tiến bộ của hai con Sơn và Lý.

        Từ năm 1994 đến năm 1998, hai chúng tôi đã ba lần về quê Vĩnh Linh dự lễ mãn tang mẹ tôi, viếng nghĩa trang và thăm bà con, chị em nội ngoại ở Hồ Xá - Phúc Lâm và một số nơi lân cận. Lần nào về quê tôi cũng đến dâng hương lên ông bà nội ngoại của các con Liên, Sơn, Lan, Lý, thăm cậu và các dì, góp chút ít lễ vật và nhắc các em nhớ tổ chức cúng giỗ ông bà ngoại cho tươm tất. Tôi cũng đã viết lại "Những lời tâm sự" của má các con để bày tỏ tình cảm quý trọng với người đã mất và gợi ý những suy nghĩ việc làm của những người thân đang sống sao cho xứng đáng.

        Ngày Tết, ngày giỗ hàng năm chúng tôi vẫn về quê Long An đều đặn, vui vẻ, thân tình.

---------------
1. Tám Lập: Thiếu tường Trần Thành Lập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:47:47 pm »

*

*         *

        Tháng 7 năm 2000, gia đình tổ chức lễ trung thọ 70 tuổi đời và 50 tuổi Đảng cho tôi. Được tiếp nhận quà và những lời chúc tốt đẹp của vợ cùng lần lượt đông đủ các con, các cháu..., tôi xúc động nhớ một nừa thân mình đã mất, tôi nói về kinh nghiệm sống của mình là làm theo lời Bác Hồ dạy: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" và giữ diều độ trong mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ hàng ngày. Tôi kể chuyện kháng chiến và các lần chết hụt của mình, kể chuyện vui thời thơ ấu... Tôi nói về tài sản, khi ra đi theo tiếng gọi của Bác Hồ thì ba chỉ có hai bàn tay trắng, nay đã có cơ ngơi, các con cháu khôn lớn, ổn định cuộc sống, lại có ngôi nhà và mảnh đất này. Đây là sự ưu ái của cách mạng cho chúng mình. (6 thành viên trong nhà). Tôi nói về đoàn kết và sự thương yêu lẫn nhau diễn ra trong nhiều năm qua của gia đình, với dòng họ và quê hương... Cứ sau mỗi lời chúc và quà tặng của từng hộ thành viên cho tôi, tôi đều đáp lời bày tỏ tình cảm của mình và biểu dương khích lệ vai trò của từng thành viên với gia đình và xã hội. Sau buổi gặp mặt là bữa cơm gia đình do vợ tôi và đứa cháu (gọi vợ tôi bằng cô) chuẩn bị. Tôi có bao thư lì xì cho mỗi người có mặt. Tôi nói năm 2010 sẽ làm lễ thượng thọ, 2020 làm lễ đại thọ, 2030 làm lễ trường thọ...

        Buổi lễ trung thọ và 50 tuổi Đảng được quay video, phát cho mỗi cặp vợ chồng một cuốn băng, thỉnh thoảng các cháu xem lại đều rất vui mừng, nhiều cháu hỏi sao ông không làm lễ chúc thọ hàng năm hoặc 5 năm một lần mà để tới 10 năm 1 lần là lâu quá!

        Hồi đó, Hương Lý mới có người yêu cũng được mời dự. Đến nay (2006), Hương Lý đã có một con trai kháu khỉnh, lanh trí - cùng với chồng là Vũ Nguyên Khoa, cán bộ công an Quận 10 thành hộ gia đình 3 thành viên ở nhà tôi. Hương Lan cùng chồng là bác sĩ Phan Văn Báu và các con thành hộ gia đình có nhà xây khang trang tiếp giáp nhà tôi. Tôi đã cám ơn hai con Báu Lan đã mua phần của má, giúp ba có tiền trả nhà nước. Con gái đầu lòng của hai con Báu Lan là Kim Hoàng vào đại học Y thành phố Hồ Chí Minh năm thứ nhất (2006). Như Sơn đã là đảng viên, cán bộ phòng Kinh tế Quận 2, cùng vợ là Kiều Chung đã có một con gái 4 tuổi - tóc quăn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Cứ mỗi lần sinh hoạt gia đình đông vui, cháu Kiều Loan thường tỏ vẻ tự hào chỉ có nó là cháu nội. Hương Liên - Lê Văn Duy đã là cán bộ đảng viên, có nhà cừa ổn định, hai con trai là sĩ quan quân đội và công an.

        Tôi cùng gia đình đã chọn cháu ngoại là Lê Duy Vũ làm "người nối nghiệp" phục vụ lâu dài trong quân đội. Từ năm 1998, đã gởi cháu vào trường Thiếu sinh quân Thành phố Hồ Chí Minh học THPT. Cháu thi đậu vào và học xong đào tạo ở trường Sĩ quan Lục quân 2, làm Trung đội trưởng 2 năm, học lớp chính trị viên đại đội và về cơ quan chính trị quân đội Quận 6 từ năm 2007.

        Nhớ lại, hồi cuối năm 1991, khi chúng tôi mới chắp nối, trong các con tôi cũng có người có lúc buồn rầu, lo lắng. Đến nay thì mọi thành viên đều hiểu rõ, thông cảm, thương yêu nhau. Tôi thật sự vui mừng, hạnh phúc. Tết, giỗ và hàng tuần các con, cháu thường thay nhau đến thăm, vui chơi với ông và "bà cô cô"... Nhìn bà chơi tú lơ khơ, chơi đồ hàng, xếp thuyền, xếp chim bằng giấy.., với các cháu rồi chấm điểm, bình phẩm, khen ngợi lẫn nhau xen trong tiếng cười tươi vui, hồn nhiên thật hấp dẫn, thú vị đối với tôi.

        Vợ tôi sau khi về hưu, đã vào hội Cựu Chiến binh, được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ, Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc Phường và chi hội trưởng Ở khu phố, tham gia tổ quân y khám bệnh từ thiện của phường, tham gia cấp ủy chi bộ khu phố. Cuộc sống đời thường dần ổn định, hăng hái, vui vẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 01:53:18 pm »

*

*         *

        Tháng 9 năm 2003, vợ tôi vào bệnh viện mổ u nang buồng trứng, bệnh viện phát hiện bị úng thư và gọi vào điều trị cấp cứu tại khoa ung thư phụ khoa, bệnh viện Từ Dũ. Vợ tôi khóc sướt mướt nhiều ngày, tôi và gia đình cùng các bà con anh em ở quê Long An, quê Vĩnh Linh đến an ủi động viên, thay nhau chăm sóc... Bệnh viện đã mổ triệt để và chuyển thuốc hóa chất 6 đợt, kéo dài đến gần hết tháng 6 năm 2004. Gia đình tiếp tục chạy chữa bằng thuốc Nam và phải tiếp tục tái khám sau ba tháng, sáu tháng, một năm... Trong những ngày tháng nguy kịch (cuối năm 2003), tôi tiếp nhận nhiều tấm 1òng ưu ái của rất nhiều tổ chức: Đảng ủy, ủy ban Nhân dân, ủy ban Mặt trận tổ quốc phường 13, của Khu phố 6 và nhiều bầu bạn xa gần. Ban Giám đốc bệnh viện 7A dặn: "Cứ sau mỗi đợt vô hóa chất vào 7A nằm để được giải độc, nâng đỡ cơ thể". Vợ tôi ngày càng suy kiệt do hóa chất tàn phá cơ thể. Sau đợt chuyền hóa chất lần thứ 6, vợ tôi đi lỏng kéo dài 10 ngày mà không thuốc gì cầm được. Vợ tôi không ăn uống được vì ói, chỉ nuôi bằng nước biển và nằm thoi thóp thở. Có hôm người chị thứ Sáu than thở lúc 2 giờ sáng tại bệnh viện 7A: "Rồi đây đem cái xác về thì mình biết nói với anh chị em, gia đình thế nào đây?". Có lúc bệnh nhân lấy giấy và viết chúc thư để lại rất tỉnh táo, mạch lạc. Vợ tôi đưa tiền nhờ chị thứ Sáu mua may cho tôi bốn bộ áo quần mới để có đủ dùng sau này. Với nước mắt ràn rụa, vợ tôi nói với tôi: "Nếu em đi, anh cho em về nằm bên ba má ở quê nhà". Tôi nghĩ, còn nước còn tát và nói: "Không sao đâu, em sẽ khỏe lại. Ra viện về nhà, chúng mình lại cùng đi bộ tập thể dục, cùng đi du lịch thăm chơi đây đó, ngắm những cảnh đẹp của đất nước, quê hương mình"...

         Cứ môi lần tái khám, chuyền hóa chất, vợ tôi lại mất máu, do đó phải uống máu tươi của vịt xiêm trước nhiều ngày. Những lần uống như vậy, tôi dùng tờ lịch bịt kín miệng ly, dùng ống hút chọc thủng tờ lịch, vợ tôi bịt mũi, nhắm mắt ngậm ống hút, ừng ực uống. Tôi biết là người bác sĩ chuyên khoa nhiễm, người "nhìn đâu cũng thấy vi trùng ' mà chịu nhắm mắt uống máu tươi là con người đầy nghị lực, làm tôi phải kinh ngạc.

        Một hôm, tôi cho vợ nằm giường thòng ngửa đầu để gội, thấy tóc của vợ tôi rụng từng nắm, chỉ còn lưa thưa ít sợi. Vợ tôi đồng ý cạo trọc và đội tóc giả mỗi khi ra khỏi nhà.

        Tôi được anh Nguyễn Phước Hạnh (Cựu chiến binh Quận 10) cho biết địa chỉ người đã chữa lành ung thư gan bằng cách uống bột rắn lục xanh tán nhuyễn, dùng lá cây trinh nữ hoàng cung nấu nước uống thay trà. Tôi đến hỏi kỹ và tổ chức mua rắn để thực hiện.   Tôi cảm động, lo lắng khi biết con gái út là Hương Lý của tôi, mới sanh bé 15 ngày đã đứng rang, tán bột rắn lục xanh cho cô chữa bệnh. Tôi gọi điện về quê cho em vợ thứ Chín là Trần Văn Bùi mua rang, tán bột rắn lục xanh gởi lên cho chị uống đều đều từ cuối năm 2004 đến nay. Bên cạnh việc tôi tự trồng, còn có nhiều người bạn đem cho cây trinh nữ hoàng cung để uống chữa bệnh.

        Để động viên an ủi lẫn nhau, tôi tranh thủ đóng tiền để vợ chồng được cùng đi du lịch, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp. Có lần tại khách sạn Cần Thơ, vợ tôi dùng xà bông cạo râu để đánh răng và chê kem gì mà không có bọt, tôi thấy và cùng cười, cười về cái quê mùa của hai chúng tôi. Có lần ngủ tại khách sạn Tràng Tiền ở Huế, chúng tôi bị rét run cầm cập vì máy điều hòa quá mạnh, mà không biết điều chỉnh... Chúng tôi đều là cán bộ cấp tá của quân đội, nhưng quanh năm suốt tháng chỉ gắn bó với đơn vị nên hiểu biết cồ hạn đối với các mặt sinh hoạt của xã hội ngày một đổi thay.

        Tháng 10 năm 2004, tôi đi mổ nội soi chứng phì đại tuyến tiền liệt tại bệnh viện Bình Dân. Nhờ có con rể liên hệ, tôi được bác sĩ Chí Hùng - Giảm dốc bệnh viện bố trí giáo sư Chuyên mổ cho tôi. Tôi rời phòng hậu phẫu sớm hơn 5 phút. 30 phút sau, vợ tôi nhìn thấy màu máu trong bịch chứa nước tiểu (nối từ bàng quang ra) có dấu hiệu khác thường, vợ tôi gọi y tá trực yêu cầu báo cho bác sĩ. Giáo sư Chuyên đến mổ lại. Tôi bị chảy máu từ một ít mao mạch do cử dộng sớm. Nhờ được xử trí kịp thời nên tôi không phải cấp cứu truyền máu. Các con tôi đã hú vía và đều cám ơn con mắt nghề nghiệp của "bác sĩ gia đình" mình. Trong thời gian này, tôi nhận được sự chăm sóc chu đáo, tình cảm sâu đậm của vợ, các con, các cháu, bầu bạn xa gần và bệnh viện Bình Dân. Hàng đêm, con nuôi Trần Hoàng Vũ và cháu ngoại Lê Duy Vũ vào bệnh viện canh chừng giấc ngủ cho tôi.

        Tháng 6 năm 2006 tôi về đám giỗ cha, tôi tìm lại đám đất đã ôm ấp che chở hài cốt cha tôi trong cuộc chiến tranh và thăm lại Xóm Chồi yêu quý. Nhưng giữa xóm Chồi xưa dã xuất hiện con đường nhựa rộng hơn 15 mét là đường Ngô Quyền, dọc hai bên đường mọc lên những ngôi nhà mới xây thật khang trang, các đường dây điện, điện thoại, các bảng pa nô, áp phích cổ động trông thật vui mắt. Đường làng, ngõ xóm mở rộng, phần lớn đã rải nhựa hoặc bê tông hóa. Tôi cố tìm mà không thấy dấu vết tích xóm Chồi thuở thơ ấu. Quê tôi dã đô thị hóa nhanh thật, làng Hồ Xá trở thành 9 khóm phố mà xóm Chồi là khóm phố 5 các phường 4, 5, 6 của thị trấn Hồ Xá huyện Vĩnh Linh. Đúng là "...ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ di chúc.

        Bệnh viêm dạ dày và rối loạn tiêu hóa của tôi đã biến mất sau 10 năm uống nước lá sen (hoặc hột sen cả vỏ) thay trà - theo lời người y sĩ bệnh viện 121 Quân khu 9 chỉ dặn.

        Cũng trong dịp thử máu chuẩn bị mổ, tôi mới biết công thức máu của mình không bình thường. Ra viện, tôi vẫn tiếp tục công việc tại Hội Cựu Chiến binh Quận 10. ít lâu sau, tôi ngất xỉu nhiều lần. Tháng 5 năm 2005, tôi xin nghỉ việc để điều trị bệnh ngất xỉu.

        Tôi đi tái khám định kỳ 15 - 20 ngày/lần hoặc tháng một lần theo hẹn của bệnh viện 7A và bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi được vợ và các con chăm sóc chu đáo dinh dưỡng được đầy đủ theo yêu cầu bệnh lý. Tắm xong phải dội lại bằng nước gừng nấu thật cay.

        Hàng ngày tôi vẫn luyện tập thể dục đều đặn. 4 giờ 30 báo thức, hai vợ chồng đi bộ 2 kilômét. Sau đó, Vợ vào sân tập dường sinh với khu phố, tôi về tập yoga dưỡng sinh theo bài tập 12 động tác1 , vừa thở bụng theo phương pháp Nguyễn Văn Hưởng2 (mục đích giảm thải lo âu, thư giãn thần kinh). Sau bài thể dục là xoa bóp theo "cốc đại phong" và vuốt thái dương từ má lên đầu 100 cái (theo chỉ dặn của anh Bùi San, trưởng ban B68 hồi ở Phnômpênh). Uống thuốc đặc trị và thuốc huyết áp xong, tôi tiếp tục tập bài "Dịch cân kinh" vẫy tay 2000 cái và xoa bóp các đầu ngón tay, ngón chân. Khoảng 8 giờ sáng, làm vệ sinh cá nhân rồi đi ăn sáng. Thời gian còn lại trong ngày dành cho việc đọc báo, xem sách, tâm sự chuyện đời thường giữa hai vợ chồng.

----------------
1. Bài 12 động tác do nhóm bác sĩ Liên Xô biên soạn theo báo Sài Gòn giải phóng số đầu tháng 1 năm 1984, tôi tập hàng ngày tử tháng 2 năm 1984 đến nay đã quen thành nếp.
2. Bác sl Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trướng Bộ Y tế, Anh hùng lao động

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM