Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:31:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 39122 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 06:52:33 am »

        Để giữ được bí mật và an toàn căn cứ cơ quan đầu não, Ban Bảo vệ căn cứ Cục Chính trị phối hợp với Ban Căn cứ Bộ Tham mưu quy hoạch vị trí đóng quân, ban hành văn bản quy định về làm nhà ở, hội trường đều làm nửa chìm nửa nổi, hầm trú ẩn chữ A, có giao thông hào nối liền các bộ phận trong cơ quan, có công sự chiến đấu theo một phương án riêng; việc bố phòng bảo vệ cơ quan do Bộ Tham mưu chỉ đạo. Nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm và nước giếng tự đào, nhà ở cách xa suối trên 300 mét, các máy vô tuyến diện cách xa Sở chỉ huy 15 kilômét, đường dây điện thoại chôn 0,15 mét đến 0,20 mét. Từng cơ quan cò cây làm hàng rào, nhiều cơ quan ở liền nhau cò cây thành hàng rào liên hoàn thành cụm (tất cả các loại cây bằng từ ngón chân cái đến cổ tay đều chặt một nửa thân cho ngả ngọn ra phía ngoài, cây vẫn sống), bề dày của hàng rào phải 50 mét, trong hàng rào có những đoạn bố trí hầm chông lẫn giữa hàng rào; các trảng trống gần căn cứ dùng cây có đường kính 0,1 mét đến 0,2 mét vạt nhọn chôn thẳng đứng cao 4-5 mét, cây cách cây 5 mét, hàng cách hàng 5 mét để chống trực thăng hạ cánh hoặc thả biệt kích. Hằng năm, các quy định về bảo vệ căn cứ được bổ sung hoàn chỉnh hơn, nhất là sau những lần di dời căn cứ; việc đi lại giữa vòng trong (gồm bộ chỉ huy và các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần) với vòng ngoài (gồm các đơn vị có người đi về tiếp xúc với nhiều địa phương như khối nhà trường, đoàn văn công, đội điện ảnh, quay phim, kho trạm của hậu cần). Các trạm thường trực đón khách từ các nơi về làm việc họp hành tại trạm trực. Chỉ những người được cấp giấy mới vào vòng trong. Ban Cảnh vệ căn cứ tổ chức việc kiểm tra chấp hành nội quy bảo vệ căn cứ; đi nghiên cứu chuẩn bị căn cứ dự bị cơ bản và căn cứ tạm lánh; tổ chức từng tổ ba người dùng địa bàn và bản đồ cắt từng ô một các cụm rừng vòng trong, tìm các dấu vết khả nghi có biệt kích thám báo xâm nhập, tìm các loại máy thu tiếng động, máy đo hơi người...; tổ chức theo dõi ghi nhật ký máy bay địch hoạt động trên bầu trời vùng căn cứ, tổng hợp nhận xét đề xuất cách giải quyết sau mỗi 24 giờ; lập hồ sơ ghi tên từng người từ vòng ngoài vào vòng trong với lý do thời gian, cá biệt có người vòng trong mất tích, bị bắt, đi đầu hàng địch. Dưới đây xin nêu một trong những lần di dời căn cứ đầu não các lực lượng vũ trang B2:

        Tháng 7 năm 1969, tổng hợp tình hình cho thấy máy bay trinh sát địch đột ngột tăng chuyến hoạt động trên bầu trời căn cứ; biệt kích Mỹ - ngụy đã xâm nhập vào vùng căn cứ; có ba người biết rõ khu vực căn cứ đã đi đầu hàng giặc. Ban Cảnh vệ căn cứ đã có văn bản đề nghị cho di dời căn cứ X đến địa điểm dự bị. Bốn ngày sau, đồng chí trưởng phòng bảo vệ và đồng chí Huỳnh Văn Cừu được gọi đến hội trường giao ban của Bộ Chỉ huy R. Ờ đó đã có các anh Trần Văn Trà, Trần Độ, Trần Văn Danh tham mưu phó kiêm Trường phòng quân báo và mỗi Cục đều có một thủ trưởng.

        Anh Trần Văn Trà nói lý do cuộc họp, anh Trần Văn Danh báo cáo tin tức thu được về địch đối với vùng căn cứ X. Đồng chí Huỳnh Văn Cửu báo cáo kết quả theo dõi máy bay dịch hoạt động trên không phận căn cứ, dấu vết biệt kích xâm nhập khu vực căn cứ có các hiện vật bằng vỏ đồ hộp, bao thuốc lá và hai máy thu tiếng động, có ba người biết khu vực căn cứ đi đầu hàng địch. Theo yêu cầu của anh Trần Văn Trà, đồng chí Huỳnh Văn Cừu trình bày căn cứ dự bị đã được chuẩn bị từ cuối năm 1967 và vẫn được kiểm tra theo dõi hàng tháng có thể sứ dụng tốt; anh Trần Văn Danh nói hiện nay chưa có căn cứ nào có nhiều thuận lợi bằng căn cứ ta đang sứ dụng, nhưng do tình hình địch nên đề nghị di dời đến căn cứ dự bị. Các thủ trưởng Cục họp đều thống nhất cần di dời. Anh Trần Văn Trà kết luận: Để bảo đảm an toàn cơ quan, Bộ Chỉ huy đồng ý di dời đến Y do Ban Cảnh vệ căn cứ chuẩn bị. Thời gian chuẩn bị là 3 ngày, 18 giờ ngày N-1 rời khỏi căn cứ X. Trong thời gian chuẩn bị và khi đến căn cứ mới mọi hoạt động của sở chỉ huy và cơ quan vẫn bảo đảm liên tục, Bộ Tham mưu tổ chức chỉ huy hành quân. Đến căn cứ mới, từng cơ quan nhanh chóng ổn định nơi ở và bắt tay vào công việc. Công sự ẩn nấp, bố phòng tác chiến của cơ quan thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tham mưu. Theo yêu cầu của anh Trần Văn Trà, đồng chí Huỳnh Văn Cứu ở lại gặp riêng, báo cáo dường đi và thời gian xuất phát hành quân của từng bộ phận do người của Ban Cảnh vệ dẫn đường. Riêng đồng chí Nguyễn Văn Bừng và Nguyễn Văn Chanh là hai cán bộ của ban căn cứ ở lại cùng một tiểu đội vệ binh chiến đấu bảo vệ căn cứ. Đây là tiểu đội du kích ấp 5 của xã nhưng nằm trong thế trận liên hoàn gồm bộ đội địa phương các huyện và quân chủ lực tỉnh (Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16) do ông Sáu Nam (Lê Đức Anh) làm tỉnh đội trưởng.

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tư, 2016, 06:57:56 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:02:15 am »

        22 giờ ngày N Bộ Chỉ huy R đã đến căn cứ dự bị an toàn.

        1 giờ ngày N+1 ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đã đến căn cứ mới an toàn.

        20 giờ ngày 28 tháng 7 năm 1969, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom xuống căn cứ X với diện tích 4x8 kilômét. Cứ 10 phút một tốp trút bom. Chúng đánh liên tục từ 20 giờ ngày 28 tháng 7 đến 5 giờ sáng ngày 29 tháng 7 năm 1969. Đây là trận máy bay B52 đánh bom dài nhất, nhiều nhất so với các lần đánh vào căn cứ trước đó. Ngày 2 tháng 8 năm 1969 có hàng chục chiếc máy bay trực thăng quần đảo tìm bãi đáp xuống khu vực B52 vừa ném bom, nhưng bị các đồng chí tự vệ căn cứ dựa vào công sự vững chắc chống đánh nên địch không dám đáp xuống hoặc đổ quân. Số cán bộ ở lại giữ căn cứ một số hy sinh, trong đó có hai đồng chí Nguyễn Văn Bừng và Nguyễn Văn Chanh cán bộ ban bảo vệ căn cứ.

        Trong giai đoạn "chiến tranh đặc biệt" địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét đánh thẳng vào các khu vực căn cứ, nhưng chúng đều bị đánh thiệt hại nặng không vào được khu vực căn cứ đầu não.

        Thời kỳ "chiến tranh cục bộ" là thời kỳ địch tập trung đánh phá căn cứ của cơ quan đầu não chiến trường B2. Địch rải chất độc hoá học làm trụi lá cây của khu căn cứ trước. Trong trận càn Gian-xơn Xi-ty (Johnson City) chúng tập trung vào hướng miền Đông Nam Bộ: 3 sư đoàn và 4 lữ đoàn quân Mỹ; 3 sư đoàn và 2 lữ đoàn quân nguy; 1 tiểu đoàn quân úc tức 52 phần trăm bộ binh Mỹ và 40 phần trăm binh lực Mỹ ở miền Nam. Với tham vọng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến miền Nam, tiêu diệt các sư đoàn chủ lực quân giải phóng ở miền Đông Nam Bộ để có thể kết thúc chiến tranh bằng cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 (mùa khô 1966 - 1967). Bộ đội B2 chuẩn bị thật chu đáo để quyết đánh bại cuộc hành quân của địch. Các đơn vị chủ lực được tăng cường hỏa lực, nhận nhiệm vụ bố trí ở các vị trí cơ động đánh những trận tiêu diệt lớn. Một bộ phận trọng yếu của các cơ quan đầu não của lãnh đạo chỉ huy di dời đến căn cứ tạm lánh. Đại bộ phận lực lượng các cơ quan của Trung ương Cục, của Mặt trận Dân tộc giải phóng, của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, của Đài phát thanh giải phóng được phân chia thành nhiều khu vực chiến đấu gọi là dân quân du kích ấp, xã, bộ đội địa phương huyện. Họ được tổ chức thành tổ 3 người, tiểu đội, trung đội, đại đội được trang bị súng bộ binh, súng chống tăng B40, B41 được diễn tập các phương án tác chiến với hệ thống công sự chiến đấu và hệ thống thông tin chỉ huy đầy đủ. Căn cứ đầu não là một vùng rừng núi hầu như không có dân đã được tổ chức thành một trận địa liên hoàn với 3 thứ quân sẵn sàng đánh địch.

        Vào cuộc hành quân, chúng đổ quân bao vây chiến dịch chặn mọi ngả đường. Sau đó tổ chức những mũi nhọn mạnh bằng xe tăng, xe bọc thép, thọc sâu vào căn cứ.

        Trên thế trận ta đã chuẩn bị, các đơn vị chủ động đánh dịch rất tốt. Đánh rộng khắp các du kích cơ quan và đánh tập trung của chủ lực. Oét-mô-len đã phải thốt lên: "Chẳng thấy bóng dáng một du kích, nhưng bất cứ ở đâu có quân Mỹ đều bị đánh". Hãng tin AFP đưa tin: "Bốn ngày qua không thấy dấu vết các nhà lãnh đạo kháng chiến ở đâu cả". Địch bị thất bại không thực hiện được mục tiêu của cuộc hành quân càn quét, 14.000 tên địch bị loại, 112 khẩu pháo và 775 xe tăng bị phá, 160 máy bay bị bắn rơi và hỏng. Căn cứ đầu não vẫn được giữ vững. Bộ Chỉ huy Miền và các cơ quan đầu não vẫn hoạt động bình thường ở căn cứ tạm lánh. Đây là trận đánh điển hình trong các trận đánh địch, bảo vệ an toàn căn cứ đầu não trong chiến tranh.

        Về bảo vệ cán bộ chỉ huy lãnh đạo ở B2, đồng chí Huỳnh Văn Cửu kể 2 mẩu chuyện trong số 500 lượt đi công tác đi chiến dịch của các đồng chí chỉ huy, lãnh đạo ở chiến trường B2:

        Mẩu chuyện thứ nhất: Giữa năm 1967, địch đánh phá vào vùng căn cứ Khu B ngày càng ác liệt, có nhiều cuộc càn lớn vào biên giới Việt Nam - Campuchia. Bộ chỉ huy Miền chỉ thị đưa một bộ phận của Sở chỉ huy sang căn cứ dự bị của khu vực A. Bộ Tham mưu tổ chức chỉ huy hành quân, thời gian xuất phát trước ngày N, chia thành hai đợt hành quân.

        Bộ Chỉ huy R giao nhiệm vụ cho đồng chí Tám Lê Thanh1 và đồng chí Huỳnh Văn Cửu tổ chức bảo vệ đưa đoàn đi; anh Tám Lê Thanh chịu trách nhiệm về tác chiến, chốt đường, canh gác khi đóng quân; anh Huỳnh Văn Cửu có trách nhiệm dẫn đường, bố trí nghỉ ngơi và phòng gian bảo mật trong hành quân. Hai anh đã làm kế hoạch chi tiết được anh Trần Văn Trà đồng ý trước ngày N-3.

---------------
1. Đồng chí Lê Thanh - Trung tướng, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:04:46 am »


        Bộ Chỉ huy R và Trung ương Cục đi đợt 1. Đoàn hành quân gồm có: Anh Nguyễn Văn Linh, anh Nguyễn Hữu Thọ, anh Trần Văn Trà, anh Trần Độ và cán bộ 2 văn phòng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền. Đoàn đã hành quân 3 ngày, chặng thứ tư Đoàn phải hành quân đêm. Đến 12 giờ Đoàn đến nhánh suối nhỏ cách bốt Tàu Ô 4 kilômét về hướng tây bắc, chuẩn bị vượt đường 13. Một cán bộ ban cảnh vệ và một số trinh sát đón Đoàn. Anh Tám Lê Thanh ra lệnh kiểm tra kỹ chuẩn bị hành quân. Anh Huỳnh Văn Cửu cho một cán bộ ban cảnh vệ nhanh chóng ra đường 13 kiểm lại hai chốt và quay lại đứng ngay mối đường đón Đoàn. Anh Huỳnh Văn Cửu và Tám Lê Thanh đi trước, kế đến là các anh trong Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Cục. Đoàn hành quân được 30 phút còn cách đường 13 khoảng 300 mét, anh Tám Lê Thanh cho tăng tốc độ và bám sát đội hình để vượt đường, nơi chỉ cách bốt Tàu Ô 500 mét. Bất ngờ cụm pháo Chơn Thành bắn vượt qua Đoàn nghe vun vút, nổ hướng suối Cát. Cụm pháo Bến Cát cũng bắn mấy loạt nhưng không phải hướng Đoàn đi. Anh Tám Lê Thanh chạy tới vỗ vào lưng anh Huỳnh Văn Cửu vừa nói "Ngon rồi".

        Pháo địch vẫn bắn, đoàn cứ ung dung hành quân vượt đường 13. Đến 1 giờ 40 phút anh Nguyễn Văn Linh, anh Nguyễn Hữu Thọ, anh Trần Văn Trà, anh Trần Độ và các cán bộ trong Đoàn đã đến nơi tạm nghỉ. Đến 24 giờ ngày hành quân thứ năm, Đoàn qua đường 16 an toàn và 2 giờ sáng hôm sau, Đoàn qua Sông Bé, 4 giờ sáng Đoàn đến một nhánh nhỏ của suối Rạt tạm nghỉ ngơi. Từ đây Đoàn hành quân ban ngày về căn cứ dự bị ở Khu vực A an toàn.

        Sau khi đến căn cứ dự bị được hai ngày, Bộ Chỉ huy giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Văn Cửu phải đưa anh Nguyễn Hữu Thọ trở về căn cứ ở Khu B gấp, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối vì địch đang càn quét ở Khu B. Anh Trần Độ viết thư cho anh Hoàng Cầm - sư đoàn trưởng và anh Lê Chân - Chính ủy Sư đoàn 9 yêu cầu hai anh bố trí lực lượng cùng với Huỳnh Văn Cửu bảo vệ tuyệt đối an toàn cho anh Nguyễn Hữu Thọ về tới Khu B. Anh Cửu trở về chỗ ở giao nhiệm vụ cho 3 cán bộ ban bảo vệ ở lại làm nhiệm vụ. Anh Huỳnh Văn Cửu và một cán bộ cảnh vệ đi sang Văn phòng Trung ương Cục nhận nhiệm vụ. Đồng chí chánh Văn phòng Trung ương Cục truyền đạt ý anh Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ bên quân sự tổ chức đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ về Khu B vì có nhiệm vụ đặc biệt. Anh Huỳnh Văn Cửu đến gặp anh Tư Châu cán bộ bảo vệ anh Nguyễn Hữu Thọ và anh Năm vệ sĩ anh Lý bác sĩ đều là bạn thân từ lâu. Anh Nguyễn Hữu Thọ tiếp anh Huỳnh Văn Cửu rất thân mật. Lần đầu tiên được tiếp xúc với một vị trí thức trước Cách mạng tháng Tám, nay giữ cương vị rất quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, Huỳnh Văn Cửu cảm thấy vinh dự và trách nhiệm nặng nề của chuyến đi này. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói: "Tôi cần về Khu B gấp, anh chuẩn bị kế hoạch đi đường, 19 giờ báo cho tôi biết và cố gắng tổ chức sáng mai đi". Đúng 19 giờ anh Nguyễn Hữu Thọ nghe và đồng ý kế hoạch hành quân từ Khu A về Khu B, riêng lực lượng bảo vệ anh Thọ nói: "Nên lấy trung đội vệ binh của cơ quan Mặt trận1 để đại đội của Sư đoàn 9 cho chiến đấu". Anh Huỳnh Văn Cửu và Tư Châu báo cáo tình hình địch đang càn vào hướng Đoàn phải đi qua, nếu lực lượng ít không đủ để trinh sát và chốt đường đảm bảo an toàn cho Đoàn. Anh Thọ mới đồng ý.


----------------
1. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:05:14 am »


        Đoàn hành quân 2 ngày trong vùng giải phóng chỉ đề phòng máy bay và biệt kích. 15 giờ ngày thứ hai Đoàn đến Sư đoàn 9. Anh Hoàng Cầm và anh Lê Chân tiếp đón Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và mời chủ tịch về nghỉ ngơi nơi nhà có hầm vì vùng này có pháo cực nhanh ở Phước Thành bắn tới. Anh Huỳnh Văn Cửu trao thư của Bộ Chỉ huy Miền gởi Sư đoàn 9 và báo cáo với anh Hoàng Cầm và anh Lê Chân biết Đoàn chỉ nghỉ ở đây đêm nay, xin 1 đại đội có cán bộ tiểu đoàn chỉ huy bảo vệ Đoàn hành quân vào sáng mai. Anh Hoàng Cầm nói: "Địch đang càn vào Khu B, lực lượng ít sẽ khó khăn, tôi giao nhiệm vụ bảo vệ Đoàn cho tiểu đoàn trinh sát của Sư đoàn, khi xong nhiệm vụ thì tiểu đoàn sẽ làm nhiệm vụ ở Khu B".

        7 giờ sáng hôm sau Đoàn hành quân, 11giờ Đoàn đến Sông Bé nghỉ đêm. Tiểu đoàn trinh sát phía nam sông và chuẩn bị phương tiện vượt sông; trinh sát chốt đường 16. Ngày hành quân thứ tư Đoàn qua Sông Bé và đường 16 an toàn. Đoàn đi sâu vào rừng nghỉ, chuẩn bị đêm vượt đường 13. Chiều hôm đó, đồng chí Huỳnh Văn Cửu đến thăm sức khỏe đồng chí Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ tịch cho biết người hơi mệt và chân bị đau, nhưng cứ đi vì có việc gấp phải về Khu B. Đồng chí Huỳnh Văn Cửu trao đổi với Ban Chỉ huy tiểu đoàn trinh sát chọn 18 chiến sĩ tư tưởng tốt, có sức khỏe, anh em thông suốt nhiệm vụ. Sáng hôm sau anh Cửu và anh Tư Châu đến báo cáo việc khiêng chủ tịch hành quân. Anh Thọ nói: "Tôi có mệt nhưng còn đi được, các chú để tôi đi." Hai anh Cửu và Châu thưa vì đường còn dài, ngày thứ sáu hành quân theo kế hoạch là đi vào vùng địch đang càn quét xin dược giữ sức khỏe đồng chí về đến Khu B còn làm việc. Cuối cùng anh Thọ mới đồng ý lên võng nằm để anh em khiêng đi. Đoàn đã liên tục hành quân 7 đêm và 3 ngày mới về tới căn cứ ở Khu B. Trước khi chia tay, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nắm tay Huỳnh Văn Cửu xúc động nói: "Tôi rất cám ơn quân đội, cám ơn anh lo cho tôi chu đáo quá."

        Mẩu chuyện thứ hai: Tháng 3 năm 1972, chiến trường mở rộng sang Đông Bắc Campuchia, máy bay Mỹ - nguy thường trinh sát và đánh phá vùng Đầm be - Côsưma - Praxốp.., nhất là dọc bờ sông Mêkông. Đồng chí Hoàng Văn Thái thay mặt Bộ Chỉ huy Miền đi kiểm tra các đơn vị đang làm nhiệm vụ vùng Đông Bắc Campuchia. Đồng chí Huỳnh Bi cán bộ cảnh vệ kiêm lái xe honda 90 đưa anh Thái đi qua nhiều ngày đều đảm bảo an toàn. Đến 12 giờ ngày 26 tháng 3 năm 1972, đoàn tổ chức qua sông đoạn Côsưma về Đầmbe bằng hai thuyền gắn máy. Chiếc thứ nhất gồm cán bộ giúp việc và vệ binh qua trước lên bờ trinh sát và bố trí bảo vệ. Chiếc thứ hai gồm đồng chí Hoàng Văn Thái và anh em phục vụ, khi chiếc thứ hai qua được 2/3 sông thì có tiếng máy bay L19, thuyền vẫn đi bình thường. Chiếc L19 lượn vòng rồi trở lại lúc thuyền đã cập bến, anh em đã rời thuyền, nhưng từ mép nước đến bờ sông cao 10 mét, phải lên dốc 30 độ theo đường chữ chi. Huỳnh Bi cho thuyền nổ máy chạy xuôi dòng tìm chỗ ẩn nấp. Các đồng chí vệ sĩ công vụ dìu anh Hoàng Văn Thái nhanh chóng lên bờ sông. Huỳnh Bi lật ngửa chiếc honda 90 vác lên vai chạy nhanh lên bờ sông, xăng trong xe chảy ra một ít Huỳnh Bi lau sạch xăng và nổ máy, mời anh Hoàng Văn Thái lên xe chạy ngược dòng nước được 300 mét thì có hai máy bay chiến đấu tới, chiếc Li9 ném quả chỉ điểm, 2 chiếc lao xuống cắt bom ngay bờ sông nơi đoàn vừa lên bờ. Lúc này, đồng chí Hoàng Văn Thái và đoàn đã ung dung nơi cách địch đánh bom 500 mét.

        Tháng 2 năm 1972, tôi bị sốt do viêm gan siêu vi trùng, người mệt mỏi, tay chân rã rời. Nhưng do yêu cầu công việc, tôi phải ráng sức. Quân y đơn vị cho hai bọc glu-cô để pha uống nhiều nước, lại cho uống nhiều nước lá rừng (lá cây cối xay, cây lồng đèn). Nửa tháng sau, đơn vị gởi tôi ra ở nhờ nhà dân Việt kiều tại bản Chầm-lặc, bên bờ sông Mêkông, cùng chốt trinh sát bảo vệ địa bàn, tôi nghỉ được 10 hôm, rồi về đơn vị tiếp tục công việc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:05:57 am »


*

*         *

        Một loại công việc rất đáng ghi nhớ là thành lập các trại tạm giam quân sự để giam giữ, cải tạo số quân nhân phạm pháp trong chiến tranh.

        Anh Nguyễn Văn Kiện - nguyên Phó phòng Bảo vệ Quân pháp B2 (có lúc là Trưởng phòng Quân pháp) cho biết:

         " Trong một buổi báo cáo các trọng án, các đồng chí Quân ủy Miền hỏi về công tác giam giữ, tôi liền trình bày những nét chính về khung, về phạm, các loại tội... Mới nghe một lúc, đồng chí Mười Khang (Hoàng Văn Thái) khoát nhẹ tay: được rồi, vấn đề chính chúng tôi muốn nghe là trong hoàn cảnh thiếu thốn, bom đạn, các đồng chí bảo vệ - quân pháp đã giáo dục, cải tạo anh em như thế nào, đã nêu cao bản chất truyền thống của quân đội ta ra sao, có bao nhiêu anh em được ra trại, được tiếp tục tham gia chiến đấu? Cần nhớ rằng việc xử phạt những quân nhân vi phạm là điều không thể không làm, nhưng xử phạt là để tiếp tục giáo dục nhằm tạo cho anh em có một sự chuyển biến tốt, có lợi cho bản thân, có lợi cho quân đội và xã hội".

        Khi mới thành lập trại, tôi chưa có mặt. Ngay Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tôi mới vào đến chiến trường. Sau một thời gian công tác, tôi và đồng chí Nguyễn Thành Biên - nguyên thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, lần đầu tiên cùng anh Nguyễn Văn Chính - trưởng ban chấp pháp, nay là đại tá nghỉ hưu - đến trại giam K50 để tổ chức xét xử một số vụ án.

        Hôm ấy còn vài cây số thì đến trại, vừa tới ngã rẽ, bất chợt ngay phía trước mặt chúng tôi, hai chiếc AD6 nhào tới cắt bom xong, chúng quần đảo bắn phá. Các khẩu súng trường từ mặt đất bắn lên rất quyết liệt Anh Nguyễn Chính vốn lăn lộn nhiều ở khu vực này nói với tôi: "Hình như bọn này nó đã đánh trúng trại chăn nuôi của mình rồi. Ta ghé qua đó xem sao". Anh Chính đoán trúng. Đúng là có hai quả bom rơi trong khu vực này và trong mấy khẩu súng trường bắn máy bay, có khẩu của cô Hương, nữ chiến sĩ trại đi bệnh viện về ghé qua và một khẩu của một phạm binh là nhân viên của tổ chăn nuôi.

        Từ đó về K50 chỉ có vài cây số nhưng bị một chiếc "đầm già" rì rị chỉ điểm cho pháo nên chúng tôi đi rất chậm, mãi xế trưa mới đến nơi.

        Người ra đón chúng tôi là anh Trần Kiềm, giám thị trưởng. Trần Kiềm trước ở pháo binh "chân đồng vai sắt", được điều về Cơ quan bảo vệ một thời gian rồi giao phụ trách trại giam. Nghe nói hồi mới nhận nhiệm vụ "Chúa ngục", Trần Kiềm ngầy ngật mấy hôm, vừa sợ vừa lo. Nhưng năm tháng chiến đấu ở một vị trí khá đặc biệt này đã làm cho người lính pháo - vốn rắn rỏi càng thêm dày dạn. Bây giờ, đứng trước mặt chúng tôi là một giám thị trưởng vui vẻ, hồ hởi, tự tin xen lẫn với tự hào. K50 đứng Ở Tà Đạt - Tây Ninh này luôn luôn bị pháo từ Trại Bí, Cà Tum, Đồng Phủ câu tới. Các loại trực thăng và máy bay chiến đấu thường xuyên đến "viếng". Hố pháo, hố bom này chưa lành miệng thì hố pháo hố bom khác lại nối tiếp. Vậy mà phải quản lý hàng trăm người bị mất tự do.

        Trần Kiềm đưa tôi và anh Biên thăm trại một vòng. Khu giam thường phạm cũng nhà trống võng treo, anh em phạm đang đan lát, đào công sự, học văn hóa. Khu giam đặc biệt bao quanh bằng một vòng rào tre nứa cài khít vào nhau vút cao bốn năm mét. Đến khu giam nữ, Trần Kiềm gọi to:

        - Huỳnh Thị Hương, cô Hương đâu ?

        Một cô gái trạc tuổi 24 - 25, da trắng tóc loăn xoăn trước trán từ ngoài bước vào, đứng nghiêm cạnh lá võng màu cỏ úa.

        Trần Kiềm quay qua tôi:

        - Báo cáo thủ trưởng, cô này là y tá đội phẫu đoàn 82, chồng là trung đội bậc phó cùng công tác chung. Năm rồi do bệnh tật, đơn vị cho phép về với gia đình làm ăn. Nhưng về đó bị địch khống chế phải gia nhập đội võ trang tuyên truyền, đi học 3 tháng ở Vũng Tàu, lương mỗi tháng 2.100 đồng cùng với 10.000 đồng làm vốn, núp dưới vỏ bọc buôn bán dạo để nắm tin tức, tác động rún ép gia đình cách mạng lôi kéo con em trở về. Cô ta dã móc ráp vào tận đội phẫu gọi chồng, nhưng anh chồng đã không nghe mà còn đi báo cáo với thủ trường đơn vị nên cô ta phải bị đưa về đây.

        - Đội võ trang tuyên truyền và đội Thiên Nga khác nhau thế nào? Tôi hỏi.

        - Một bên thuộc tổ chức chiêu hồi, một bên thuộc hệ thống Phượng Hoàng của bọn chiến tranh tâm lý. - Trần Kiềm chỉ một cô ở cuối lán, mặt mày sáng sủa nhưng đôi mắt thì ngó xuống - Đó, Thiên Nga chánh hiệu đó, được đào tạo lâu và kỹ, có bài bản. Ngoài kia đưa cô ấy vô đến trại Bí thì cô ta bước không nổi nữa, phải khiêng. Tuy bết vậy nhưng nghe pháo "vót vót", cô nàng cũng biết nhảy khỏi võng, lăn nép vào bờ ruộng (Tôi thấy cô ta đảo mắt nhìn ra rừng, bưng miệng cười sằng sặc).

        Giám thị trưởng chỉ một cô có mái tóc xõa dài:

        - Cô đó là du kích mà dám bắn chết chồng là xã đội trưởng. Vô đây cứ ngồi khóc. Đến giờ học văn hóa thì nín, ra khỏi lớp lại khóc.

        - Tình hình luôn căng thẳng, ta tổ chức học văn hóa thế nào cho thích hợp? Tôi hỏi lại.

        Trần Kiềm cười bảo, khó cũng có khó nhưng cũng đủ lớp. Cái chính là anh chị em có yêu cầu. Ngồi trên công sự mà học. Trò là phạm binh mà thầy cũng phạm binh. Người phụ trách coi như "hiệu trưởng" là Tuấn - quân nhân Sư đoàn 5, trong ca gác đêm gặp lúc đốc gác đi kiểm tra, thần hồn nát thần tính thế nào anh ta bắn vào đốc gác trọng thương nên phải khăn gói vô đây. Cũng bày ra chấm điểm, kiểm tra, sát hạch, biểu dương..., phạm thích lắm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:06:33 am »


        Trên đường về lán vệ binh, thấy một nhóm anh em đang xúm xít đào giếng, tôi ghé lại. Giếng đào đã sâu lắm rồi mà chưa có nước. Dưới giếng, một người vạm vỡ, da đen trũi vai rộng lưng hơi khom đang hùng hục xắn từng khối đất to. Trần Kiềm cười:

        - Anh ta là Huỳnh Văn Mầu, trước là lính sư đoàn 5 nguy. Năm 1961, giải ngũ về nhà bị lính làng địa phương ăn hiếp nên xin gia nhập Quân giải phóng.

        - Can tội gì?

        - Tội không ra tội, lỗi cũng chẳng phải lỗi. Chung quy cũng chỉ tại cái miệng hay nói dóc. Không biết một chữ làm thuốc vậy mà vỗ ngực tự xưng đã tu nghiệp ở Mỹ, đã từng được tặng thưởng anh dũng bội tinh, tiểu liên đại liên đã rành mà pháo lớn pháo nhỏ càng rành hơn. Đơn vị sợ và lo quá nên phải gởi về đây để xem xét. Anh ta tích cực có cỡ. Bom pháo như cơm bữa mà một mình vẫn dám đi Tây Ninh tải gạo đem về. Còn lao động thì khỏi nói, một mình anh ta làm bằng ba bốn người. Anh chị em phạm bảo số phần anh ta là số "thần khẩu hại xác phàm.

        Đến lán vệ binh, điều đập vào mắt tôi trước tiên là tấm bảng bích báo "Tiến lên" dán đầy những tờ báo có vẽ bông hoa, sơn xanh đỏ cẩn thận. Có những tờ nhắc kỷ niệm Tết vừa rồi xuống đường - kẻ còn, người mất; có tờ viết lúc chia tay tại giếng nước gốc đa đầu làng. Anh em còn mượn cả những câu Kiều "Xập xòe én liệng lầu cao".., hoặc "Hoa đào năm trước còn cười gió đông”...

        Tối đó, chúng tôi được mời uống trà. Trà được pha vào bi đông và rót đầy một cái bát. Cái bát đó được chuyền tay nhau mỗi người một hớp, xong đến lượt khác Chuyện nở như bắp rang: Chuyện Hà Nội, chuyện xuống đường, chuyện miền Đông, chuyện Tây Ninh rồi kéo sang trận càn móng ngựa (Johnson City).

        - Năm ngoái, hồi trận càn Gian-xơn Xi ty, trại ta cũng đóng tại đây? Tôi hỏi.

        - Đúng hơn là tại khu vực này, vì cứ xê qua xích lại thôi.

        - Ta có tham gia đánh chác gì không ?

        Anh em tranh nhau trả lời. Họ bảo, lúc bấy giờ ai cũng xuất trận, cả văn công Miền nhiều người cũng trở thành dũng sĩ. K50 trại mình cũng thế, mặc dầu trại đông người, xoay trở rất khó khăn. Phi pháo địch thì bắn phá suốt ngày đêm cùng với mấy thằng "tọa độ" ó đâm, cứ nửa đêm không biết từ đâu ra tới cắt một chùm bom rồi cút mất. Còn bộ binh, lúc đó bộ binh xây "cứ" ở cách trại ta 5, 7 trăm mét thôi. Pháo bầy bảo vệ quân nó cứ nhè vào lưng của quân trại mình mà đấm. Cho nên muốn bảo vệ trại, bảo vệ "cứ", không còn cách nào khác là phải đánh địch. Cả trại cùng đánh, chi bộ họp đề ra phương hướng lãnh đạo, giám thị trưởng họp vệ binh, họp phạm binh, nhắc lại truyền thống cha ông ta đánh giặc giữ nước, truyền thống vì nước vì dân, anh dũng chiến đấu của quân đội ta, rồi phổ biến mệnh lệnh của trên quyết tâm chiến đấu bảo vệ căn cứ. Vệ binh đánh giặc thì đã đành, nhưng anh chị em phạm binh cũng xin được tham gia, xin đăng ký tự quản lý để cán bộ chiến sĩ khung trại được rảnh tay, rảnh óc. Nhiều người kiên quyết đăng ký tham gia đánh địch, đề nghị giám thị xem tội lỗi của anh em là nhất thời, còn chuyện cầm súng, chiến đấu bảo vệ tổ quốc là việc của cả một đời người.

        Bước đầu hơn 20 anh em phạm được chọn, cùng với quản giáo vệ binh chia làm 4 tổ. Hai tổ chuyên bám địch và sản xuất vũ khí, hai tổ do Bảy Thương và Tư Bứa đội trưởng và đội phó vác vũ khí đi đánh địch từ xa.

        Lúc đó, địch nó mạnh xe tăng. Ngày nào xe tăng của chúng cũng bò lổm ngòm như cua. Có mìn mà mìn cỡ lớn cho nhạy, cho ngon là "lấy họng" nó thôi. Mà muốn có mìn ngon phải nhồi bằng thuốc bom, lượm bom lép đem về cưa đôi, trút thuốc ra nấu, cứ một thùng dầu lừa hiệu con gà chia đôi làm dược hai trái. Không chỉ dồn thuốc bom mà còn trộn vào cả đống bom bi. Mỗi lần anh em nấu thuốc, cả trại đều gần như nghẹt thở, miệng người nào người nấy đắng ngắt, nuốt cơm không vô. Hơi thuốc mạnh đến như vậy đó.

        Cuối trận càn, tính lại K50 đánh bộ binh 6 trận, diệt 18 xe tăng và 120 tên Mỹ, thu được 64 dù và một số vũ khí. Về phần trại thì tất cả lán đều sụp đổ, chịu 14 trận bom, xơ xác. Đồng chí Lê Văn Đức hy sinh và hai chiến sĩ bị thương. Riêng phạm thì có hai anh em bị tử trận. Trong hội nghị báo công ở Miền, Bộ Chỉ huy Miền khen ngợi cho đây là vấn đề mới trong giáo dục cải tạo người phạm tội. Tổ chức phạm tham gia chống càn là cách giáo dục bản chất truyền thống đối với họ hay nhất. K50 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, một lá cờ Du kích thành đồng, 34 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt tăng. Bảy Thương và Tư Bứa đội trưởng và đội phó được tặng thêm bằng khen. Nguyễn Văn Tấn - phạm binh án chung thân - được tặng 2 huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Nguyễn Minh Quang - phạm binh án 15 năm tù - đạt 4 dũng sĩ diệt Mỹ và diệt cơ giới, thêm một giấy khen về thành tích bảo vệ tài sản của trại: Một bầy trâu 10 con giao cho anh, dưới mưa bom bão đạn không bị lạc, bị mất một con nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:07:08 am »


        Đặc biệt là trong thời gian giặc càn, K50 đã thu xếp những chỗ cho hơn 100 đồng bào lánh nạn, hàng ngày còn tiếp tế thức ăn và cả thuốc men. Lúc đó, gạo muối thiếu kém nhưng nhờ có thêm bổng ngoại, đồ hộp, chiến lợi phẩm dài dài, thuốc lá hút mệt nghỉ, còn kẹo thì nhai nhóc nhách sứt cả răng.

        Anh em còn cho biết thêm sống hàng ngày với máy bay địch, đến con mèo, con heo cũng quen cách đối phó. Mèo, thoáng nghe hơi máy bay thì nhảy xuống hầm ngồi nhìn lên. Còn heo, thương nhất heo nái và bầy con, có máy bay nhào tới, heo mẹ hộc lên, cả đàn con nhào xuống hầm. Nói nhào xuống hầm ý nói là đối phó nhanh nhạy nhưng khi vô hầm, cả bọn chúng đều đi ngược, mông đít đi trước đầu đi sau. Khi báo yên, con mẹ ra trước, nghe ngóng cho chắc rồi ra lệnh cho đàn con. Lần này chúng đi xuôi, đầu đi trước, mông đi sau. Sở dĩ chúng quen cách đi như vậy vì hầm dành cho chúng rất hẹp, đi ngược vào để lượt đi ra thì đi xuôi, khỏi quay đầu lại khó khăn. (Cho đến ngày nay, địa hình địa vật qua bao lần thay đổi nhưng anh Bảy Thương vẫn còn nhớ những nơi mà anh và đơn vị đụng nhau với giặc. Anh đã chở đứa con trai đến những chỗ ấy, kể lại cho con nghe chuyện chiến đấu xảy ra hơn 30 năm về trước).

        Mấy hôm sau, Toà án quân sự khu miền Đông do anh Nguyễn Thành Biên chủ tọa họp xét xừ một số vụ án, trong đó có hai vụ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng.

        Vụ thứ nhất, một quân nhân tham gia xuống đường ngay vào dịp Tết Mậu Thân - bị địch bắt trong một trận chiến đấu. Sau khi dụ dỗ khai thác hết những gì quân nhân này biết, giặc đưa anh ta đến một nơi riêng ở đường Nguyễn Văn Thoại để huấn luyện cấp tốc về thám báo biệt kích như cách sử dụng bản đồ địa bàn, cách thu thập tin tức, lên xuống trực thăng, ký hiệu liên lạc... Rồi chúng trang bị quần áo, mũ, ba lô, cả lương khô.., y hệt như Quân giải phóng rồi chở anh ta đánh trả vào căn cứ ta. Đây là vụ án đầu tiên mở đầu cho âm mưu của chúng trong một thời gian dài là "dùng người của ta đánh lại ta". Sau này có người tìm cách trốn khỏi nơi huấn luyện, có người khi vừa xuống trực thăng thì bắt tay làm loa kêu gọi xin được trở lại với đơn vị vì hoàn cảnh bị xúi ép bắt buộc nhưng cũng có người đã biến chất sau những ngày giặc cho đi chơi bời ăn nhậu, hứa được thưởng tiền và gái... đã cam tâm tiếp tay cho chúng phá hại ta. Bọn này thường liên lạc với trung tâm của chúng bằng chim bồ câu, hộp thư mật... Tài liệu mà chúng thu thập được mã hóa và cất giấu rất lắt léo, rất khó tìm, khó khám xét như nhét trong ống thuốc đánh răng, khoét bánh xà bông cho tài liệu vào rồi dùng xà bông vụn trét bít lại.:.

        Vụ thứ hai, là một đại đội phó sau một trận chiến đấu đã đào ngũ và bị bắt, bị cơ quan điều tra căn cứ sắc lệnh 163SL, khởi tố về tội "Đào ngũ đi về phía địch". Công tố đọc cáo trạng xong, tòa hỏi: "Anh trả lời cho tòa biết là anh có nhận tội danh như đã nêu trong cáo trạng không?" Bị can đứng nghiêm nói to: "Thưa tòa, nghe nói tòa vừa từ Hà Nội vào mới có mấy tháng, tòa không biết nên buộc tội tôi như vậy chớ ở chiến trường miền Nam này, toà đi đái cũng đi về phía địch, huống chi tôi bị lạc và đang đi tìm đơn vị thì bị bắt". Ngay sau câu trả lời của bị can, Nguyễn Thành Biên vội vã viết cho tôi mấy chữ: "Tính sao anh Bảy ?" Tôi viết lại: "Cứ xử theo hồ sơ và thông báo cho phép đương sự làm đơn khiếu nại mặc dù án ta xử sơ chung thẩm". Nhưng bị cáo này không khiếu nại mà cải tạo rất tốt, được giảm án tha tù trước thời hạn, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu và đã lập được công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:08:01 am »


        Năm 1970, do yêu cầu và tình hình của nhiệm vụ Trần Kiềm được điều về Phòng và trại K50 chia làm 3 phân trại. K5 giam giữ bị can phạm tội nguy hiểm nghiêm trọng do Tư Đen thay Trần Kiềm làm giám thị trưởng, Bảy Thương giám thị phó và Năm Sành chính trị viên, K15 của Bảy Huộng. Vũ Tiến đảm trách tội phạm thuộc hình sự thường và K25 quản lý phạm đã thành án. Mỗi phân trại đóng cách nhau 5 - 7 kilômét, bắt tay vào xây dựng "cứ", điều chỉnh nhân sự khung trại, chuyển phạm qua lại. Mọi việc vừa mới ổn định thì địch càn lớn (mà hồi đó gọi là trận càn Đông Dương). Địch dùng mấy chục tiểu đoàn khoá chặt biên giới rồi chia thành khu vực đế vây quét pháo bắn suốt ngày và B52 ném bom rải thảm suốt đêm. Ngày 10 tháng 5 năm 1970, Nguyễn Chính - Trưởng ban chấp pháp từ phòng xuống kiểm tra 3 phân trại và tổ chức hành quân chuyển cứ. Đến đêm 12, K25 sau mấy đợt chiến đấu đã vượt khỏi vòng vây. K15 của Bảy Huống xoi đường không thủng nên trụ lại ngay túi B52 của địch. Riêng K5 do vị trí cắm sâu, xoay trở nặng nề vì phải quản lý phạm binh về tội nghiêm trọng nên di chuyển không kịp với phân trại bạn, phải bị kẹt, đành phải quay trở lại tìm chỗ trú đóng mới. Cho tới giờ, những người dự cuộc hành quân năm ấy còn nhớ sao mà lắm gian nan. Phạm được chia thành từng tốp nhỏ. Bảy Thương, giám thị phó - do đã trinh sát đường từ chiều nên đi trước mở đường. Năm Sành - Chính trị viên, Bí thư chi bộ đi giữa. Tư Đen - Giám thị trưởng đi sau cuối cùng với anh Nguyễn Chính. Đi theo K5 còn có hơn 80 cán bộ dân chính và đồng bào, có cả trẻ em. Thế mà ngay trong đêm, với đội hình phức tạp như vậy mà phải chỉ huy cắt rừng, lội dọc suối vượt qua đúng 12 chốt giặc ầm ì pháo sáng, mới tới được một nơi khả dĩ có thể tạm xây "cứ" trú đóng chờ bắt liên lạc với phòng. Đã vậy mà khi băng qua lộ cái, Bảy Thương còn ra lệnh vệ binh trụ lại đào đường chôn hai trái mìn chống tăng và đến khuya đã lấy họng được hai chiếc.

        Năm Sành sau khi tạm ổn định chỗ ở mới, liền họp chi bộ nêu ba tình huống. Một là, nếu địch càn đúng vào "cứ" của ta, ta phải đối phó thế nào đối với các anh em loại đặc biệt nghiêm trọng. Hai là, nếu địch đóng quá gần, các anh em vốn trước kia đã phạm tội đầu hàng, nay lại tìm cách chạy về với địch thì ta phải tính sao. Ba là, nếu tình hình càn quét kéo dài trong khi ta đứt liên lạc với bạn, đứt liên lạc với phòng, với Cục, vậy thì việc đảm bảo lương thực thực phẩm cho cả trại, phải thực hiện ra sao?

        Chi bộ nhận thấy ba vấn đề của Năm Sành nêu ra quá hóc búa nhưng cũng nhất trí ta có thuận lợi cơ bản là khung trại đoàn kết, dày dạn chiến đấu, đã từng sống chết có nhau. Anh em phạm binh tuy phạm tội nghiêm trọng, nguy hiểm nhưng họ đều là người lính, đã từng chiến đấu với quân thù, thời gian qua đã tỏ ra ăn năn hối lỗi, quyết tâm cải tạo. Đặc biệt ta có kinh nghiệm bảo vệ trại, đánh địch trong trận càn Gian-xơn Xity. Cứ dựa vào vệ binh, bàn bạc thấu đáo với phạm, tham khảo ý kiến của các cán bộ phạm tội vốn đã có kinh nghiệm trong chiến đấu, kêu gọi trước mắt một mặt phải phân tán nhỏ lẻ dưới sự chỉ huy thông suốt thống nhất, mặt khác phái người soi đường, tìm bắt liên lạc với hai phân trại bạn.

        Thế là trại chia ra từng tổ. Mỗi tổ có công sự riêng. Phạm binh, vệ binh và quản giáo đều ở hầm. Đối với 10 phạm binh coi là phạm tội nguy hiểm, anh em sẵn sàng chịu xích tay để quản giáo đỡ phải bận bịu. Cả 3 anh em loại đặc biệt nghiêm trọng cũng vui vẻ để cùm cả chân. Duy trì nếp hoạt động này được vài ba ngày thì B52 ập tới. Từ nửa đêm đến sáng, gần 20 đợt bom rơi vào khu vực đột phá trong đó có "cứ" của K5. Mặc dù cán bộ, chiến sĩ khung băng trong lửa đạn để làm công tác quản lý nhưng những trận bom dữ dội, ác liệt, dày đặc, liên tục làm cho một số phạm buộc phải thoát khỏi công sự chạy tán loạn, mãi đến xế trưa hôm sau mới lục tục kéo về trình diện. Mà trình diện không đủ!

        Trong suốt hai ngày hôm ấy, Ban giám thị đứng ngồi không yên vì qua hôm sau, trời sụp tối rồi mà không tìm dược ba anh em phạm bị xích. Đến gần nơi trú quân của giặc, đâu đó vẫn lặng trang. Có thể anh em bị dính bom mà cũng có thể xảy ra tình huấng xấu không lường trước được. Về "cứ", mệt mỏi quá, không tiện cột võng, Năm Sành dựa lưng vào một gốc cây định thư giãn một lát nhưng ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Mãi đến tờ mờ sáng, một quản giáo lay chân anh:

        - Anh Năm, báo cáo anh, anh em đã về dủ cả rồi.

        - Còn 2 người bị xích chân?

        - Cũng về luôn.

        - Tay cùm chân xích sức mấy mà di chuyển được?

        Ba bóng người nhẹ nhàng bước tới. Họ lôi còng bể và xích đứt từ trong bòng ra đặt trước mặt giám thị, một người cất tiếng:

        - Báo cáo Ban giám thị, anh em tôi có lỗi vì trong cơn nguy biến, đã phải tự đập còng, đập xích để thoát thân. Rồi bị lạc đường, lạc lối tùm lum, bây giờ gặp lại anh em trại, chúng tôi mừng không kể xiết. Xin nhận khuyết điểm và xin được còng và xích lại như trước.

        Năm Sành nhìn ba phạm binh can tội "đầu hàng" mà rân rấn nước. Chốt địch không cách xa nơi này là mấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:08:36 am »

        Quản giáo cười, hỏi đùa:

        - Tay chân được tự do, sao không chuồn luôn cho mát trời?
        - Anh em cũng cười. Năm Sành nghiêm mặt nói với quản giáo: - Anh em đã một lần do điều kiện và hoàn cảnh nào đó, đã đánh mất danh dự của người quân nhân cách mạng rồi, chẳng lẽ lần này cho mất trắng luôn hay sao? Thôi, cho anh em về công sự, tôi sẽ báo với anh Tư Đen và anh Nguyễn Chinh, khỏi còng khỏi xích gì nữa.

        Trận này cả khung và phạm đến trăm người, không ai hề hấn gì. Chỉ tổn thất mấy cái còng và mấy dây xích mà hiểu rõ thêm lòng dạ những người lính nhất thời phạm tội. Lần này, tổ chức trại thay đổi. Một bộ phận bám công sự do anh em phạm tự quản lý lấy, tất nhiên là có quản giáo đi kèm. Một bộ phận ở hầm có vệ binh canh giữ. Còn một bộ phận gồm vệ binh và phạm binh bung ra ngoài cảnh giới từ xa, chiến đấu bảo vệ an toàn cho trại kiêm luôn công tác hậu cần. Sục tìm kho gạo muối, hái rau, bắt cá, đưa về trung tâm.

        Mưa rừng đã bắt đầu, mưa rả rích suốt ngày đêm. Vắt rừng, muỗi rừng, cảm cúm, sốt rét, đói ăn... Giặc vẫn ken dày biên giới.

        Về phía cơ quan bảo vệ quân pháp, đã mấy lần phái trinh sát đi tìm hai phân trại không gặp, lần này giao nhiệm vụ cho Trần Kiềm dẫn anh em dùi sâu xuấng nữa. Đầu tiên gặp K15, sau mò được K5. Đêm 25 tháng 7, nghĩa là sau 75 ngày lạc nhau, bây giờ ba phân trại gặp nhau, thật không bút mực nào tả xiết nỗi mừng vui của những người đã sống trong lửa đạn.

        Đợt này, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn phức tạp, tiếp tục phát huy truyền thống của K50, phân trại K5 dầu bị mất liên lạc cũng diệt được 4 xe tăng và 30 tên giặc. Phần K5 có 3 vệ binh và phạm hy sinh trong chiến đấu, trong đó có phạm binh năm 1968 bị bắt đầu hàng giặc, giặc huấn 1uyện trả về 1àm thám báo, nay đã lập công.

        Sau 30 tháng 4 năm 1975, được các cơ quan đơn vị ngày xưa ở trong căn cứ, bây giờ đều về tỉnh, về thành. Riêng 3 phân trại vẫn đứng trên mảnh đất đầy những hố bom, vết đạn tiếp tục lao động, học tập, tăng gia sản xuất...

        Cuối năm 1977, bọn Pôn Pốt xâm phạm biên giới, đánh vào trại quản huấn tỉnh Tây Ninh, tấn công vào các chốt và đồn biên phòng 733, trại K45 bị uy hiếp mạnh. Chấp hành chỉ thị của trên, Ban chỉ huy thống nhất bảo vệ biên giới được thành lập, trong đó có anh Bảy Huộng - người Củ Chi, vốn phụ trách trại từ trong kháng chiến, người cao to, da đen sạm, mặt vuông với đôi lông mày khá rậm. Khi anh có việc không bằng lòng, đôi mày ấy nhíu lại khiến phạm nhát gan không dám nhìn ngay.

        Đơn vị trực chiến được gấp rút thành lập. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bảy Thương - giám thị phó từ K35 được điều lên chi viện K45. Dưới tay Bảy Thương có 21 tay súng, trong đó có 12 tay súng là phạm binh (hai bị án 20 năm tù, số còn lại có mức án từ 2 năm đến 12 năm). Được giao nhiệm vụ, được phát súng, anh em phạm binh rất phấn khởi, bảo nhau: "Hòa bình rồi bây giờ lại cầm súng, thử xem bản thân mình còn dám "chịu chơi" hay "sọc dưa rồi".

        Trận đầu tiên là trận giải vây đồn 733 bị địch bao vây. Đã có một đơn vị biên phòng được phái đến ứng cứu nhưng không chọc thủng dược vòng vây trong khi bên trong đồn người mệt mỏi, lương thực cạn kiệt. Đến ngày thứ năm, tức là đêm 12 tháng 12 năm 1977, đơn vị trực chiến của K45 được tung vào. Vốn đã nắm chắc địa hình khu vực này, Bảy Thương không đánh vỗ mặt mà dẫn đơn vị đánh vòng. Tay cầm súng, vai mang gạo, thịt, anh em theo Bảy Thương cắt rừng tránh các bãi mìn của địch rồi đánh vòng lại, diệt gọn hai chốt tiền tiêu của chúng và lọt được vào đồn, tiếp sức, tiếp lương thực thực phẩm, tiếp người cùng đơn vị biên phòng kiên quyết giữ đồn, chết sống không để đồn lọt vào tay địch. Còn nhớ đêm anh em K45 phá được vây, vô được trong đồn, hai bên biên phòng và K45 ôm chầm lấy nhau, nước mắt ràn rụa. Liền ngay sau đó, được lệnh của chỉ huy, một phạm binh nguyên là thượng úy pháo binh đã nã 80 quả súng cối vào 1ưng quân địch.

        Một hôm, năm tên trinh sát của địch lọt sâu vào đất ta. Anh em K45 vây đánh. Nguyễn Minh Trung - chuẩn úy phạm binh đang dẫn một tổ đi tuần tra, nghe tiếng súng liền vội vã chạy đến để phối hợp. Năm tên địch chạy tán loạn. Một tên cầm M79 thấy Trung từ biên giới chạy xuống liền ngắm vào Trung nổ súng. Trung bị thương ngã quy, nhưng liền ngay sau đó, anh đã gượng đứng dậy quạt một loạt AK vào bọn địch. Trận đó, K45 diệt 5 tên, thu 2 AK, 1 M79 (Nguyễn Minh Trung - trước đây là chuẩn úy, đã chỉ huy một đội kiểm soát quân sự tỉnh đội Bình Dương, bị xử phạt hai năm tù về tội gây rối trật tự trị an, qua trận này đã hy sinh).

        Khi địch bị đuổi về bên kia biên giới, một bộ phận K45 tham gia truy kích. Bộ phận ở phía sau giúp bà con xây cất lại nhà cừa, ổn định nơi ăn chốn ở, nới rộng các vọng gác, nới rộng phạm vi tuần tra. Biên giới lúc bấy giờ luôn luôn bị báo động nhưng sáng sáng thấy lá cờ đỏ sao vàng của K45 vẫn bay phấp phới, bà con ai cũng yên bụng ra đồng sản xuất.

        Hồi năm 1967, sau trận chống càn Gian-xơn Xity, K50 được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Lần này, trong đợt chiến đấu bảo vệ biên giới, K45 nhận được Huân chương Chiến công hạng Ba. Khẩu M79 chiến lợi phẩm bây giờ đã lạc mất nhưng về phía biên phòng, các đồng chí đã xin cái mũ cứng của Bảy Thương lưu niệm đợt K45 tham gia giải vây dồn 733".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 07:10:02 am »


*

*         *

        Trước yêu cầu tổ chức xây dựng ngành bảo vệ là rất lớn, rất khẩn trương. Một số cán bộ của phòng bảo vệ Miền và cán bộ cấp Ban của các quân khu được bổ sung từ miền Bắc vào. Ngay sau Tết Mậu Thân 1968, anh Bảy Kiệp và anh Ba Giám phụ trách một đoàn sinh viên giỏi tiếng Anh, một số cán bộ bảo vệ quân pháp như: Lâm Thành, Nguyễn Thành Biên, Phạm Thám.., gấp rút vào chiến trường. Giữa năm 1973 1ại có thêm 12 cán bộ bảo vệ mới ra trường của Cục bổ sung về cho B2 - đoàn do anh Hai Cửu phụ trách. Toàn bộ số còn lại chủ yếu được tuyển chọn đào tạo 540 cán bộ tại chiến trường nên đã đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị.

        Là người làm công tác cán bộ ngành, bản thân tôi thấy trong chiến tranh toàn bộ cán bộ từ A vào và số đào tạo tại chiến trường đều dã hoàn thành nhiệm vụ: Có ý chí chiến đấu vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, họ có mặt khắp các chiến trường, có tín nhiệm cao với lãnh đạo chỉ huy, được đông đảo quần chúng tin yêu. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh tại chiến trường B2 nên việc xây dựng các lực lượng nghiệp vụ bí mật phục vụ cho công tác trinh sát chính trị còn bị hạn chế.

*

*         *

        Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký và bắt đầu có hiệu lực. Chúng tôi trên đường từ khu rừng Đầm-rây-phông - Campuchia về Việt Nam, tạm dừng Ở Mê Mốt. Tôi bị nhức đầu dữ dội, ngây ngấy sốt, miệng lợm muốn ói. Tôi nghĩ khó chịu tới mức này thì phải mất vài tháng nằm bệnh viện. Bà con Việt kiều đến thăm, họ nói: "Cậu nhỏ này bị gió". Hai bà má cạo gió ở lưng và ngực. Tôi cảm thấy dễ chịu, nhẹ dầu, chừng 10 phút sau đã khỏe 1ại, đêm ngủ ngon. Sáng dậy, tôi tiếp tục cùng đồng đội hành quân về Việt Nam.

        Khoảng 9 giờ đêm, chúng tôi đến khu rừng tây bắc thị trấn Lộc Ninh, thuộc xã Lộc Thành, cạnh một rẫy cũ của đồng bào dân tộc. Đơn vị bắt đầu làm lán trại, đào hầm trú ẩn, tiếp tục bước vào giai đoạn đấu tranh thi hành hiệp định Pa-ri. Chúng tôi vận dụng thực hiện điều lệnh nội vụ vệ sinh, huấn luyện quân sự, văn nghệ, thể thao khá sôi nổi, hấp dẫn... Nhất là hội diễn văn nghệ và thi đấu bóng chuyền giữa các phòng trong Cục Chính trị Miền. Tôi có dịp đến xem lại sân bay Lộc Ninh để chuẩn bị trao trả tù binh và đón nhận anh chị em chiến thắng trở về.

        Chừng 10 giờ 30 phút một sáng đầu tháng 5 năm 1973, tôi được cử đi 1àm 1ễ truy điệu, mai táng trung úy Phạm Hữu Nghị, cán bộ Ban nghiên cứu tổng hợp của chúng tôi. Anh bị máy bay địch oanh tạc, hy sinh tại khu vực chợ thị trấn Lộc Ninh, địa phương đã khâm liệm xong. Đồng chí trung úy Phạm Hữu Nghị sinh năm 1943 tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhập ngũ năm 1961 tại tỉnh Cà Mau. Đầu năm 1970, Phạm Hữu Nghị được cử đi học 1ớp cán bộ tiểu đoàn (Khóa học 1970 - 1972) tại Hi4. Ra trường đầu năm 1973, đồng chí được bổ sung về làm cán bộ nghiên cứu địch thuộc Phòng 5, Cục Chính trị B2, anh cho biết gia đình đã dời về huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu từ năm 1969. Anh hy sinh khi mới 30 tuổi - trong lúc đang tham gia củng cố vùng mới giải phóng tại thị trấn Lộc Ninh. Tôi viết điếu văn và cùng đồng đội làm lễ truy điệu, mai táng anh cạnh đường đất đỏ phía tây bắc chùa Tây Trúc, huyện Lộc Ninh chiều 10 tháng 5 năm 1973.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM