Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:14:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 38946 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 09:20:16 am »


*

*         *

        Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống địch hoạt động gián điệp (phản gián). Chúng tôi đã tổ chức tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ, các lực lượng vũ trang cách mạng B2 một cách chặt chẽ qua tất cả các giai đoạn của cuộc chống Mỹ cứu nước, bảo đảm cho bộ đội được trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đây là việc được thực hiện căn cơ, chặt chẽ theo nguyên tắc bảo đảm sự tin cậy chính trị, được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thủ trưởng quân chính tổ chức thực hiện với sự giúp đỡ của các cơ quan bảo vệ, cán bộ, quân lực, được thực hiện từ các đội du kích ấp xã, bộ đội huyện, tỉnh, thành, Quân khu lên đến Miền. Về nội dung, phương pháp, đối tượng, thẩm tra đều được tuân thủ nghiêm túc theo chế độ quy định.

        Về thẩm tra quân bổ sung từ miền Bắc vào được tiến hành chặt chẽ, thận trọng với quy mô thích hợp tùy theo số lượng, thời gian, yêu cầu của chiến trường. Từ năm 1965 - 1975, các trung đoàn, sư đoàn chuẩn bị vào chiến trường đều được biên chế tăng cường cán bộ làm công tác thẩm tra xác minh, ghi nhớ những điều tối cần thiết về chính trị nội bộ để mang theo vào chiến trường, qua theo dõi diễn biến mà có đề xuất việc bố trí sử dụng nhân sự và bàn giao cho đơn vị mới mỗi khi có sự điều chuyển.

        Việc thẩm tra, lấy người vào các cơ quan đơn vị trọng yếu Miền đều là những người đang làm chuyên ngành trọng yếu cấp quân khu, hoặc từ miền Bắc vào, hoặc từ các trường chuyên ngành do B2 tổ chức, được rà soát lại tiêu chuẩn chính trị trước khi điều về R.

        Đối với cán bộ, chiến sĩ hoạt động nội thành được Quân ủy Miền và Quân khu chỉ đạo vận dụng tiêu chuẩn chính trị cụ thể để đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao. Đây là những người làm ăn sinh  sống tại địa bàn thành thị, nơi đơn vị ta đang hoạt động, công tác thẩm tra tuyển chọn đều do người chỉ huy tiến hành sau khi được cấp ủy Đảng nhất trí.

        Công tác thẩm tra, xác minh kết luận và giải quyết số quân nhân bị bắt trở về được tiến hành rất khẩn trương để có thể sớm sử dụng anh em tiếp tục chiến đấu, công tác. Sau 30 tháng 4 năm 1975, ta có điều kiện thu thập tài liệu của địch mới thấy có 20 phần trăm người bị bắt khai báo nghiêm trọng, cá biệt có những người nhận nhiệm vụ làm tay sai cho địch nhưng khi được trở về, họ đã biến tội lỗi thành công trạng. Phòng Bảo vệ đã đề nghị và được Cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Quân Khu 7 quyết định hủy khen thưởng, đề bạt đối với những người này và hạ cấp, tước quân tịch, truy tố trước pháp luật đối với một trung tá, một thiếu tá và một đại úy.

        Thực tiễn chiến trường diễn biến rất phức tạp nên tình hình chính trị nội bộ cũng diễn biến nhiều dạng. Đáng chú ý nhất là dạng bị địch bắt khai báo những bí mật: Có tên dẫn địch về đánh phá hoặc kẻ đầu hàng phản bội nhận làm tay sai, địch phái trở về làm nội gián, chống lại cách mạng.

        Sau chiến tranh đã có lần lượt ba người từng làm nội gián cho địch đến gặp riêng cán bộ bảo vệ B2, họ yêu cầu giúp đỡ minh oan, sửa sai.., cho rằng hồi đó họ bị rún ép, bức cung... Chúng tôi khuyên giải, động viên: "Ngày nay nước nhà đã độc lập, tự do, muôn dân trăm họ được sống trong hòa bình hạnh phúc thì ai ai cũng đoàn kết, vị tha dùng sức lao động của mình góp phần cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh". Có hai người vui vẻ ra về, còn một người tỏ ra gay gắt, đòi thưa kiện. Chúng tôi đành phải tìm lại tài liệu vụ án ta đã làm hồi đó và tài liệu "mật báo viên" do địch để lại. Mời người đòi thưa kiện vào cùng gặp Thượng tá Lê Viết Bài, Trưởng Phòng Bảo vệ an ninh Cục Chính trị Quân khu 7. Sau khi anh ta được xem bút tích của mình hồi ở trại tạm giam tại tỉnh Tây Ninh và "hồ sơ mật báo viên" của Ty 4 - cảnh sát đặc biệt của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Anh ta ngồi im lặng hồi lâu rồi nói: "Hồi đó ác liệt quá, tôi ở trong tình thế hiểm nghèo? Xin các anh thông cảm cho sự bạc nhược của tôi..." rồi anh bật khóc. Tiếng khóc hối hận, sụt sùi khiến mái tóc muối tiêu của anh rung rung. Chúng tôi an ủi khuyên giải và tiễn anh ra về. Anh nói những lời cám ơn thật chân thành trước lúc chia tay. Tôi đứng nhìn theo bóng anh đi khuất hẳn, hoà trong dòng người và xe cộ nườm nượp trên đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 08:15:43 pm »

        Tôi nhớ lại, hồi 1974 trước khi đi Trung Quốc chữa bệnh, vợ tôi kể chuyện: "Ở nông trường 19 tháng 5 có chị Y cùng trạc tuổi với mình. Chị Y phụ trách công tác bà mẹ trẻ em. Chị có ngoại hình đẹp, là người có năng lực, nói năng lưu loát, gần gũi với chị em. Chị Y cũng có chồng đi B, có một con được Nhà nước cho đi sơ tán như mình, thỉnh thoảng có những buổi tâm sự an ủi lẫn nhau do đồng cảm với cảnh nhớ chồng thương con... Đùng một cái, vào cuối năm 1968 có nhiều người đồn đãi: "Đài BBC đưa tin chồng chị ta là thiếu tá Lê Xuân C. đi đầu hàng giặc. Mỹ Diệm, giao cho C, làm trong Cục tâm lý chiến Tổng cục chiến tranh chính trị quân lực Việt Nam cộng hòa. Có dịp về nông trường Bộ, mình muốn tìm gặp, chị Y tránh mặt. Từ đó có những người xầm xì mỉa mai, chị em xa lánh, dư luận quần chúng lên án tên đầu hàng phản bội. Chi Y hốc hác hẳn đi, ngày ngày chỉ lủi thủi trong nhà, không dám ló mặt ra ngoài. ít lâu sau, chị xin đi đơn vị khác.

        Mình đã mất một người bạn, lại thêm nhiều đêm thao thức khó ngủ vì cứ tưởng tượng ra và nghĩ dại, nghĩ khôn miên than... Mình cứ cầu trời khấn Phật phù hộ cho ba Liên được sống mà trở về với mấy mẹ con, đui què mẻ sứt gì cũng được, đừng hy sinh vì bom đạn, nếu rủi ro có bị địch bắt thì hãy giữ vững khí tiết. Tuyệt nhiên chớ có làm điều bạc nhược, phản bội cách mạng như chồng chị Y, cái điều đã nhục nhã cho chúng mình, lại tội nghiệp cho khai lý lịch của các con, cháu sau này".


        Đi đôi với chiến tranh quân sự, Mỹ-nguy dùng chiến tranh gián điệp - chiến tranh tâm lý trên quy mô sâu rộng chưa từng có trong lịch sử nước ta. Các cơ quan an ninh tình báo CIA, CID của Mỹ, Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, Phòng 2 quân đội, tổng nha cảnh sát, an ninh quân đội nguy đều thi thố nhau cài nội gián vào nội bộ Quân giải phóng (riêng khu vực Sài Gòn đã có hơn 340 mật báo viên của chúng), để nắm tổ chức, biên chế, các kế hoạch hoạt động tác chiến của ta từ tiểu đoàn trở lên gồm đơn vị chiến đấu các phòng ban ở cơ quan đến Bộ Chỉ huy Miền, ghi vào sổ trận liệt và lập kế hoạch móc nối, cài cắm. Vụ móc nối điển hình là một thiếu tá Trung đoàn 768 Sài Gòn, sau chuyển về Sư đoàn 5, làm tham mưu phó trưởng ban tác chiến, khi bại lộ đã đầu hàng địch ngày 2 tháng 8 năm 1966. Vụ cài cắm điển hình là lợi dụng quen thân, cài một người vào đội điện ảnh Cục Chính trị Miền, trong một đêm hắn bắn chết bảy đồng chí trong đội điện ảnh nhưng bố trí hiện trường giả là bị biệt kích bắn chết, mà hắn là người chống cự quyết liệt nên còn sống sót (Cơ quan bảo vệ đã điều tra và kết luận hắn là tên do địch đã đưa vào để phá hoại ta). Từ đó, ngành bảo vệ đã có bài học phòng đánh địch rất sôi động trên địa bàn chiến lược B2.

        Từ giữa năm 1968 là thời điểm địch thực hiện âm mưu "quét và giữ" hết sức quyết liệt. Các lực lượng tình báo địch liên kết với nhau thành "ủy ban Phượng Hoàng" để phối hợp hành động. Chúng thi nhau móc nối, cài cắm nội gián vào nội bộ ta. Chúng dùng phương thức "kéo ra", thực hiện khẩu hiệu "Ba nhanh" (Bắt nhanh, khai thác nhanh, thả nhanh), "Bốn mạnh dạn" (Mạnh dạn bắt, mạnh dạn khống chế buộc cộng tác mạnh dạn giao nhiệm vụ, mạnh dạn cài cắm). Địch cho rằng đấy là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, có tác dụng kịp thời nhất và đỡ tốn kém nhất. Nếu sử dụng số này không đạt hiệu quả cao theo yêu cầu lấy tin tức tình báo thì vẫn đạt mục đích thứ hai là làm cho đối phương nghi ngờ lẫn nhau, gây thêm phức tạp nội bộ. Bọn nội gián ráo riết đánh cắp tin tức phá hoại chính trị, tư tưởng, móc nối chiêu hồi, gây cho ta một số tổn thất đáng kể: Năm 1968 có hơn 100 tên đầu hàng trong đó có ba người cấp trung tá, một thiếu tá là cán bộ chỉ huy trung đoàn, phân khu đi đầu hàng, nhận làm cộng tác viên cho chúng.

        Anh Võ Nghi - Trưởng ban điều tra và anh Nguyễn Văn Chính - Trưởng ban chấp pháp cho biết, trong thời gian từ 1968 - 1973, ta đã điều tra xác minh hiềm nghi - vụ án trinh sát, xét hỏi chấp pháp 15 vụ án lớn nhỏ, trong đó có các chuyên án thu hút nhiều người như V1, V2, V3 do bọn Ty 4 cảnh sát Sài Gòn dùng cạm bẫy câu nhử bắt một số cán bộ ta đang hoạt động nội thành Sài Gòn.

        Các vụ án truy tìm nội gián thường diễn ra ở địa bàn rộng, bị chia cắt, thế trận xen kẽ cài răng lược giữa ta và địch, đi lại rất khó khăn. Từ Phòng Bảo vệ Miền xuống các Phân khu phải đi bộ từ 2 đến 3 ngày, từ căn cứ của phân khu vào địa bàn hoạt động, địch chiếm đóng phải sử dụng con đường hợp pháp bằng giấy tờ giả mạo và con đường bất hợp pháp phải đột nhập ban đêm vào các cơ sở sống bất hợp pháp", địch thường xuyên càn quét nên phải lẩn trốn hoặc nằm hầm bí mật. Do đó, công tác điều tra vụ án gặp nhiều khó khăn. Các vụ án đã điều tra kết thúc trong chiến tranh, sau hoà bình được khảo nghiệm lại bằng tài liệu thu được ở các cơ quan tình báo của địch và bằng hỏi cung hai tên Bá và Mười Nhi (cảnh sát đặc biệt) - là những tên trực tiếp điều khiển "mật báo viên" của chúng, cho thấy các vụ án ta kết luận là chính xác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 08:06:15 am »

        Ví như vụ án "mật báo viên" Ở Phân khu 5.

        Nguyễn Văn C, làm công tác quân báo ở Phân khu 5 và Nguyễn Văn Ch, làm quân báo Ở Tây Ninh, được giao nhiệm vụ lo giấy tờ hợp pháp và bố trí nơi ăn ở cho một số cán bộ Phân khu 5 vào hoạt động trong nội thành nhưng sau một thời gian hoạt động đều bị địch bắt. Phòng Quân báo Miền và Ban Bảo vệ Phân khu 5 nghi vấn, đang lập hồ sơ vụ án thì Nguyễn Văn C, công khai theo giặc, vụ án phải tạm ngưng.

        Ngày 21 tháng 12 năm 1968, Lý Văn L, là người cùng hoạt động với Nguyễn Văn C, trong nội thành, bị chúng bắt - trốn trại trở về. Ta có nghi vấn, để L. ở hậu cứ theo dõi, ngăn cách không cho L, liên lạc với bọn C, và Ch nữa.

        Năm 1972, Lý Văn L, can tội đào ngũ tập thể. Ta bắt, khai thác L, mới biết, L. đã đầu hàng, nhận làm mật báo viên cho địch (Cũng do C. đưa L, vào bẫy cho địch bắt).

        Ngày 14 tháng 5 năm 1975, Nguyễn Văn C. (do địch cho trà trộn trong tù binh ra Côn Đảo để theo dõi tù binh) cùng anh em từ Côn Đảo trở về. Ta bắt C, Ch, và đồng bọn.

        Sau ngày giải phóng, Phòng Bảo vệ Quân khu 7 nghiên cứu tài liệu các cơ quan an ninh, tình báo của địch, kết hợp với tài liệu xác minh, toàn bộ vụ án "mật báo viên" do bọn tình báo hỗn hợp Mỹ - ngụy "cài cắm" vào nội bộ của ta dã được làm rõ.

        Vụ án khó khăn phức tạp này phải điều tra từ năm 1968 đến 1976 mới kết luận được 7 đối tượng gồm: một thiếu tá, một đại úy, ba thượng úy, một trung úy, một chiến sĩ (là cơ sở của ta).

        Do mất cảnh giác, bị địch cài bẫy bằng giấy tờ hợp pháp đã lần lượt bị bắt hết người này đến người khác Tất cả đều bị địch khống chế làm điệp viên cho chúng. Địch sử dụng bọn này rất linh hoạt và đa dạng, chưa lộ thì làm điệp viên nội gián, lộ rồi thì làm điệp viên địa bàn, những tên tầm cỡ thì dùng làm tình báo chiến lược, những tên hung hăng cho vào đội thám kích vừa điều tra lực lượng ta, vừa chặn đánh các đội quân báo của ta vào vùng chúng kiểm soát.

        Đây là một bài học cảnh giác đối với ta, đã để mất cán bộ chiến sĩ, lại để địch sử dụng người của ta, phá cơ sở của ta gây tổn thất rất nghiêm trọng.

        Tuy do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, chiến trường bị chia cắt, ta không có điều kiện điều tra liên tục nhưng đã phát hiện kịp thời, tích cực điều tra từng đối tượng, lưu trữ được hồ sơ (có theo dõi bút ký về các đối tượng) và có cán bộ bảo vệ từ Miền chuyển về Quân khu 7. Do đó, vụ án tuy chia làm nhiều mảnh điều tra nhưng ta vẫn truy tìm hết các đối tượng có liên quan và đều được kết luận, xử lý chính xác.

        Qua kết quả điều tra vụ án, ta thấy bọn tình báo Mỹ-nguy phối hợp với nhau rất chặt chẽ, nhất là sau thất bại Xuân Mậu Thân, chúng liên kết các tổ chức tình báo CIA, phủ đặc ủy trung ương, Tổng nha cảnh sát Phòng 2 và an ninh quân đội thành "ủy ban Phượng Hoàng" để phối hợp hoạt động, gọi là cơ quan "tình báo hỗn hợp" để Mỹ trực tiếp chỉ đạo.

        Bọn tình báo hỗn hợp khống chế người của ta rất chặt, nó buộc các tên đầu hàng phải gây tội ác để không còn đường quay lại với cách mạng. Chúng thường dùng người thân của các đối tượng để làm cầu móc nối liên lạc và dùng cơ sở của ta làm cầu móc nối hỗ trợ cho hoạt động của chúng.

        Về phía ta: Một số cán bộ chỉ huy, lãnh đạo phân khu và đội công tác của cơ quan quân báo đã mất cảnh giác nghiêm trọng; đơn giản, sai lầm cho rằng cứ có tiền là mua được tất cả, cho cấp dưới đi mua giấy tờ của địch để liên tiếp sa vào bẫy của chúng. Khi cán bộ được cử đi đã bị địch bắt rồi mà vẫn không kịp thời điều tra xác minh để tránh, vẫn cứ cho là chuyện bình thường, nên vội vã đưa cán bộ vào cho địch bắt tiếp.

        Sau đợt 1 và đợt 2 Mậu Thân, Phân khu trưởng Phân khu 5 bị bắt, đã đầu hàng khai báo lộ hết cơ sở, lộ hết việc ta dùng giấy tờ giả mà vẫn tin vào báo cáo của những tên đã là "mật báo viên" của chúng. Đó là một bài học sâu sắc, sống động về công tác quản lý con người, nhất là quản lý phẩm chất chính trị, đạo đức nhân cách trong hoạt động bí mật, thường xuyên tiếp xúc với các phần tử địch. Trong tình hình phức tạp của cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" hiện nay thì bài học đó vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2016, 08:17:22 pm »

        Số nội gián mà ta đã phát hiện - tuy số lượng khá nhiều nhưng xét từng tên một thì chúng lấy tin trong phạm vi hẹp, không thuộc địa bàn có nhiều cơ mật chiến lược. Giá trị tin tức cũng đã gây cho ta những tổn thất, nhưng những tin tức đó dừng lại ở những mặt hoạt động cụ thể, có ý nghĩa chiến đấu, chiến thuật nhiều hơn. Đối chiếu với thực tiễn của chiến trường B2, tất cả các chiến dịch lớn, những trận chiến đấu rất sâu trong vùng địch chiếm như trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, đánh Tổng nha cảnh sát, đánh bộ tổng tham mưu ngụy, đánh nơi tập trung nhiều sĩ quan, công chức cao cấp Mỹ, đánh sân bay, kho xăng, những đợt động binh lớn như tổng tấn công Mậu Thân, như chiến dịch Hồ Chí Minh... đều giữ được bí mật rất tốt. Địch chỉ phát hiện được những dấu hiệu cụ thể chứ không biết ý đồ, chủ trương chiến lược, chiến dịch của ta. Chúng ta cũng có nhiều biện pháp để bảo vệ các bí mật đó. Nhưng, có phải những nơi chứa đựng các bí mật chiến lược, chiến dịch không có cơ sở nội gián của địch? Phải chăng trong cuộc chống Mỹ cứu nước, bọn gián điệp Mỹ không thực hiện được việc cài cắm nội gián theo kiểu đơn tuyến với vỏ bọc nhiều tầng, nhiều lớp, chui sâu, leo cao, nằm lâu tạo điều kiện và chờ thời cơ hoạt động lớn?

       Điều suy nghĩ lớn của chúng tôi là qua cuộc chống Mỹ cứu nước trên 20 năm cho đến khi ta toàn thắng rồi, nhìn lại và đọc nhiều hồ sơ, tài liệu địch (chắc chắn là chưa hết) mới hiểu được tương đối hoàn chỉnh, chiến tranh gián điệp của chiến tranh xâm lược thực dân mới. Họ coi đây là một quốc sách. Nó gồm những phương thức cổ điển với cái mới của chủ nghĩa thực dân mới khá là nổi bật.

        Họ tổ chức bộ máy tình báo rất đồ sộ, rất đông đảo, dùng nhiều phương tiện khoa học kỹ thuật, nhiều chuyên gia sừng sỏ. Họ tiến hành tình báo đại chúng, tình báo kỹ thuật, tình báo con thoi, tình báo ở miền Bắc. Họ đánh người vào mọi tổ chức của ngụy rất mạnh (các loại đảng phái, tổ chức chính trị, tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội). Họ đánh người vào nắm các dân tộc thiểu số. Họ nắm tất cả các cán bộ cao cấp của ngụy và trực tiếp do CIA sử dụng.

        Họ đánh người vào nội bộ ta rất ồ ạt, mạnh dạn, số lượng đông, quan điểm của họ là đánh 100 vào nội bộ chỉ cần dược 1 có tác dụng là tốt, rất tốt rồi - nếu không có tác dụng làm điệp viên thì có tác dụng gây rối ren, phức tạp cho nội bộ ta. Đánh vào nội bộ ta càng nhiều, càng nhanh thì càng tốt, không cần phải huấn luyện kỹ lưỡng (Tất nhiên về chiều sâu họ vẫn có một mũi riêng để cắm sâu, leo cao, tác dụng nhiều).

        Kết thúc chiến tranh, ta có điều kiện nghiên cứu một số vấn đề về nội gián thấy kẻ địch đã tiến hành gần 340 kế hoạch nội gián với gần 750 hồ sơ mật báo viên có liên quan đến lực lượng vũ trang, trong đó có 23 phần trăm kế hoạch của an ninh quân đội ngụy, 12 phần trăm kế hoạch của biệt đội su tầm, 1,7 phần trăm kế hoạch của đặc ủy Trung ương tình báo, 66,7 phần trăm kế hoạch của cảnh sát đặc biệt.

        Nghiên cứu các kế hoạch và hồ sơ mật báo viên, bước đầu tìm ra và xác định có những cơ sở để xem xét mật báo viên nằm trong lực lượng ta là hơn 150 người.

        Sau 3 năm điều tra xác minh, ngành bảo vệ an ninh Quân khu 7 kết luận được ở mức độ trong hơn 150 người đó có số đúng là mật báo viên, nhưng cũng có người có những yếu tố trùng hợp nhất định nhưng chưa đủ bằng chứng để kết luận họ là mật báo viên. Trong tình thế chính trị đất nước hồi đó, ta đã chuyển số người này ra khỏi quân đội, bàn giao cho công an địa phương quản lý và làm tiếp. Có 3,9 phần trăm là người do địch làm hồ sơ giả và 5,5 phần trăm là người mất cảnh giác địch có móc nối nhưng chưa thành hoặc không thành.

        Nghiên cứu từ các kế hoạch nội gián của địch thấy phần nhiều là kế hoạch phản tình báo nhằm vô hiệu hóa các hoạt động quân sự của ta và số ít là kế hoạch tình báo.

        Trên địa bàn B2 có vụ Võ Văn B., một huyện ủy viên của tỉnh Tây Ninh là nội gián do CIA nắm là có giá trị một phần liên quan đến bí mật chiến lược, đến các đợt chiến đấu lớn trên địa bàn Tây Ninh. Nói liên quan một phần chiến lược vì tên B, mỗi khi đi họp ở cấp tỉnh, được nghe phổ biến về đường lối chủ trương mà phạm vi cấp huyện được biết. Sau đó tên B, báo tin cho địch.

        Vụ nội gián điển hình thứ hai là vụ H86 xảy ra trên địa bàn Quân khu 6. Đây là vụ nội gián do CIA đánh điệp viên vào nội bộ ta, 20 năm sau mới phát hiện ra. Họ đã tổ chức một trận đánh có bài bản ngay từ dầu, giống như một bài mẫu của giáo khoa nghiệp vụ tình báo và phản gián.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 08:45:14 am »

        Thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ta tập kết rút lực lượng vũ trang ra Bắc, địch tiếp quản vùng căn cứ kháng chiến của ta. Mỹ-diệm tiến hành tố cộng, đánh phá khốc liệt các lực lượng, cơ sở cách mạng. Trước thử thách gay go, quyết liệt ấy, trong hàng ngũ cách mạng nảy sinh những diễn biến phức tạp: Nhiều tổ chức cách mạng trung kiên bị đánh diệt, một số cán bộ đảng viên giao động, sợ chết ra đầu thú với địch rồi nhận việc công tác tiếp tay cho chúng đánh phá phong trào cách mạng, một số khác bị địch bắt, không chịu nổi đòn tra tấn đã khai báo nghiêm trọng, tạo điều kiện cho dịch đánh phá cơ sở cách mạng... Sau đó bị địch khống chế, sử dụng làm chỉ điểm cho chúng.

        Trước năm 1965, trên địa bàn cực Nam Trung Bộ, địch đã sử dụng số đảng viên ra đầu thú, bị bắt khai báo nghiêm trọng làm chỉ điểm cho chúng tại các nhà tù. Sau khi ra tù, chúng bố trí số này về các địa bàn Đà Lạt, An Khê, Nha Trang.., tìm cách móc nối với các cơ sở cách mạng còn lại để chỉ điểm cho chúng đánh tiếp. Vào khoảng năm 1962 - 1963, qua tin tức của một số tên chỉ điểm, địch đã cài cắm vào được cơ quan thị đội Đà Lạt, chúng biết tin Quân khu 6 đang trong quá trình hình thành và có nhu cầu tìm kiếm xin cán bộ đã quen sinh hoạt thành phố để tổ chức lưới điệp báo của Quân khu. Nhân cơ hội này, địch chỉ đạo cho điệp viên qua chúng nhận giới thiệu người và hứa sẵn sàng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Đồng thời họ điều động lực lượng điệp viên từ An Khê, Nha Trang về Đà Lạt để từng bước cho ra đời lưới điệp báo của Phòng 2 Quân khu 6, mang bí số "A22".

        Anh Lê Tiên, nguyên trung tá, phái viên của Cục Bảo vệ Tổng cục Chính trị tại Phòng Bảo vệ B2, nguyên đại tá, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Tổng cục Chính trị cho biết: "(Trong 20 năm "chơi miếng" nghiệp vụ với cơ quan tình báo ta, hình thành hai giai đoạn rõ ràng và nhằm vào những mục tiêu khác nhau:

        Giai đoạn l: Từ 1965 - 1975, mục tiêu chủ yếu là phản tình báo ta, đồng thời kết hợp khai thác tin tức tình báo về hoạt động chiến tranh của ta trên địa bàn Quân khu 6.

        Giai đoạn 2: Từ 1975 - 1985, tình hình thay đổi, địch chuyển hướng chiến lược, tạo thế chui sâu leo cao, phát triển lực lượng, mai phục chờ thời.

        Sang thập kỷ 80, tình hình đất nước có nhiều biến đổi, kinh tế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, chiến tranh xảy ra cả hai đầu biên giới phía nam và phía bắc. Địch cho là vận hội đã đến. Chúng ra sức hoạt động quấy phá để gây rối, mất ổn định chính trị hậu phương ta. Do khinh suất trong hành động, nên chúng đã bị ta phát hiện vào năm 1985.

        Không đánh giá thấp kết quả tình báo của địch nhưng ta thấy kết quả của chúng rất hạn chế. Trong chiến tranh mà tình báo lấy những bí mật quân sự không hiệu quả thì rõ ràng là tình báo kém. Tại sao? Cái gì thuộc yếu kém của địch, cái gì là do sự đối phó có hiệu quả của ta? Đây là những vấn đề rất lý thú, cần được nghiên cứu sâu và cần nhiều tài liệu mới có thể giải đáp được.

        Nhìn lại hoạt động tình báo của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, chúng ta càng phải cảnh giác với chúng. Chúng đã gây cho ta nhiều khó khăn, có lúc đen tối như giai đoạn 1954 - 1959; có lúc rất nguy hiểm như thời kỳ chúng mở rộng ấp chiến lược, thực hiện "tát nước bắt cá", có lúc cách mạng ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" như sau xuân Mậu Thân, nhưng dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục. Đảng ta đã có những nhận định đúng, sáng suốt và huy động được cả dân tộc vào cuộc đấu tranh quyết liệt. Chúng ta đã giành thắng lợi cuối cùng. Thật là tuyệt vời, trong đó có sự tuyệt vời trong đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp...

        Đế quốc Mỹ đã chịu thua nhưng mưu đồ của chúng còn nhiều đối với Việt Nam. Trước khi thua, chúng đã chuẩn bị kế hoạch tình báo hậu chiến rất công phu. Chúng ta phải tỉnh táo, không thể chủ quan được, không thể đánh giá thấp tình báo của Mỹ. Nếu ta có đủ tỉnh táo thật sự cao và sự chuẩn bị đối phó thật chu đáo thì mới thắng giòn giã được.

         Ngành đã làm tốt công tác bảo vệ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang B2, bởi suy cho cùng thì công tác bảo vệ trong chiến tranh là làm tốt cho công tác bảo vệ chiến đấu của các lực lượng vũ trang để giành thắng lợi cho chiến tranh. Mọi mặt công tác bảo vệ đều đi tới cái đích là góp phần bảo đảm cho chiến tranh giành thắng lợi cuối cùng về phía ta, bao gồm những việc làm của quần chúng rộng rãi, những việc làm của các cấp lãnh đạo, chỉ huy đến những việc làm chuyên sâu của ngành bảo vệ chính trị. Nhất là bảo vệ nghiêm túc những điều cơ mật của chiến đấu.

        Các lực lượng vũ trang B2 đã có những thành công rất lớn trong giữ bí mật đồng thời đã có những bài học đắt giá do để lộ bí mật gây tổn thất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2016, 09:06:33 pm »

        Ngành đã bảo vệ an toàn cho chiến đấu bao gồm: An toàn về lực lượng, an toàn về cơ sở vật chất kỹ thuật, an toàn sở chỉ huy. Nhưng trong thực tiễn, ở những đơn vị nào mà cuộc đấu tranh chống chiến tranh tâm lý thiếu sắc sảo chặt chẽ, sự cảnh giác với địch chưa cao, quản lý nội bộ lại lỏng lẻo thì ở đó phát sinh những vấn đề nội bộ phức tạp. Thắng lợi của xuân Mậu Thân năm 1968 là rất to lớn, nhưng đợt 1 chưa đạt yêu cầu cao, sau đó gặp nhiều khó khăn thì một số người dao động, hoài nghi và sợ chết nên đã đầu hàng địch.

        Thực tiễn cho thấy: Công tác bảo vệ chiến đấu phải do cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo, các cấp chỉ huy phải trực tiếp điều hành tổ chức thực hiện để đảm bảo công tác bảo vệ hoạt động đúng với mệnh lệnh về nhiệm vụ quân sự, sát với yêu cầu chiến đấu (của từng giai đoạn và phù hợp với diễn biến khẩn trương, biến động của chiến đấu.

        Bất cứ một trận chiến đấu, một đợt chiến đấu, một chiến dịch hay một cuộc Tổng tiến công nổi dậy trên toàn Miền công tác bảo vệ đều phải gắn liền với mọi nhiệm vụ, mọi tình huống, mọi hoạt động chiến đấu trong suốt cả quá trình từ khi chuẩn bị chiến đấu, trong thực hành chiến đấu và cả sau khi chiến đấu.

        Trong bất cứ loại hình chiến dịch nào, loại trận chiến đấu nào đều phải triển khai các nội dung công tác bảo vệ chặt chẽ ngay từ đầu (từ khi có ý định tác chiến) và phải tiến hành cụ thể, tỉ mỉ nghiêm túc ngay từ gốc (từ cơ quan chỉ huy chiến đấu) và phải biết tập trung sức lực, trí tuệ làm thật tốt những khâu trọng điểm nhất của nội dung bảo vệ bí mật, bảo vệ an toàn, bảo vệ chính trị nội bộ.

        Công tác bảo vệ chiến đấu được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, nghiêm túc trong suốt quá trình chiến đấu, trong mọi tình huống của chiến đấu, đồng thời phải biết đặc biệt coi trọng, dồn sức chỉ đạo công tác bảo vệ trong những tình huống phức tạp, hiểm nghèo, ta bị thương vong tổn thất lớn, xảy ra những sự việc phức tạp chính trị ảnh hưởng tới sức chiến đấu của bộ đội v.v... Gặp những hoàn cảnh đó, toàn thể cán bộ lãnh đạo chỉ huy, cán bộ chiến sĩ phải nhanh chóng xiết chặt đội ngũ, giữ vững ý chí chiến đấu, tỉnh táo tinh tường xử trí các sự việc phức tạp thật nhanh gọn, tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu một cách vững vàng.

        Công tác bảo vệ phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên là một mặt trận chiến đấu mới và độc đáo. Vì trong lịch sử nước ta cũng như các nước trên thế giới chưa từng có trường hợp nào mà một bên đối địch lại cắm được một bộ phận lực lượng của mình công khai đứng tại trung tâm đầu não của đối phương. Lực lượng đó lại ở thế hợp pháp, được dư luận quốc tế công nhận. Và tại đây lực lượng đó lại dõng dạc phân tích các ý đồ và hành động của mỗi bên. Và đặc biệt là lên án những việc làm xằng bậy của đối phương và biện hộ có sức thuyết phục cho những bước đi của phía mình, để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ đạo lý và cuối cùng là đón chào đoàn quân chiến thắng vào hợp điểm cùng ca khúc khải hoàn.

        Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ 9 giờ ngày 28 tháng 1 năm 1973. Tại Sài Gòn và các khu vực ở miền Nam Việt Nam có phái đoàn liên hiệp 4 bên làm nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc thi hành hiệp định. Hai phái đoàn quân sự của ta với tư thế chiến thắng, vào tận sào huyệt của địch đứng chân công khai, dựa vào pháp lý của hiệp định, mở một mặt trận tiến công mới, trong điều kiện mới: Đó là quân Mỹ phải rút ra, còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam Bắc được nối liền.

        Xét về mặt công tác bảo vệ, phái đoàn quân sự của ta gồm các cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn những người vững vàng dũng cảm, có cảnh giác cao đã được tôi luyện trong chiến đấu nên có cơ sở rất tốt để đấu tranh chống kẻ thù, bảo vệ ta một cách chặt chẽ. Chúng ta vào ăn ở hoạt động trong vùng địch kiểm soát Chúng chủ động bố trí việc ăn ở cho phái đoàn ta, bố trí người phục vụ. Phương tiện chúng quản lý, đi lại chúng hướng dẫn, ra vào chúng kiểm tra. Người Mỹ rất cần lấy tù binh của họ để xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ nên cả ngụy và Mỹ phải chịu để có một bộ phận phái đoàn quân sự của ta ở giữa Sài Gòn. Tuy có bị Hiệp định Pa-ri ràng buộc nhưng những kẻ đã rắp tâm phá hiệp định thì nhất định sẽ tìm mọi cách để phá hoại ta, ngăn cản ta, vô hiệu hoá phái đoàn ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 08:57:16 am »

        Điều rất quan trọng là làm cho mọi thành viên trong phái đoàn ta nhận thức rõ những âm mưu thủ đoạn của địch ngăn cản, phá hoại đối với phái đoàn ta. Dự kiến những thủ đoạn mánh lới hoạt động cụ thể của địch về điều tra các cơ mật, về khiêu khích gây rối, về đe dọa uy hiếp, về tác động tâm lý, về vu khống xuyên tạc và dự kiến cả những hành động bắt cóc bí mật, hành hung v.v... Từ đó bàn bạc trao đổi những biện pháp chủ động tấn công, biện pháp phòng ngừa ngăn chặn và những biện pháp xử trí khi có sự việc xảy ra.

        Chúng xếp đặt phái đoàn ta vào ở một địa điểm ngay bên cạnh một sư đoàn quân nhảy dù, trong địa phận của sân bay Tân Sơn Nhất trong vòng vây nhiều tầng nhiều lớp của quân ngụy. Những tên quân cảnh to cao lực lưỡng, lúc nào cũng lăm lăm súng trong tay đi lại kiểm tra, kiểm soát xung quanh nơi phái đoàn ta ở. Vòng quanh khu vực phái đoàn ta ở, địch đắp thành bờ tường cao và xây các lỗ châu mai từ tường đó và từ tường của Sư đoàn quân dù, lúc nào cũng có những nòng súng đen ngòm chĩa vào phái đoàn ta. Trên bàn hội nghị, chúng luôn tìm cách uy hiếp nhằm hạ uy thế, hòng làm nhụt nhuệ khí đấu tranh của phái đoàn ta.

        Anh Nguyễn Văn Khả - tức trung tá Vũ Bình, Phó tiểu ban trao trả của phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cho biết: "Hai năm, bốn tháng phái đoàn liên hiệp quân sự của ta đấu tranh thi hành hiệp định Pa-ri ngay giữa sào huyệt của địch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Kẻ thù không muốn phái đoàn ta có mặt ở Sài Gòn, nhưng phái đoàn của ta đã ở đây cho đến ngày toàn thắng một cách vững vàng, toả sáng ngọn cờ cách mạng, giữ vững lập trường đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù trong thế đứng hiên ngang công khai của đội quân chiến thắng. Hơn hai năm kẻ thù không từ một thủ đoạn nào để ngăn cản, phá hoại phái đoàn ta. Từ vây hãm, khiêu khích, đe dọa uy hiếp, hành hung đến cắt điện, cắt nước, tác động tâm lý lôi kéo kích động v.v... Nhưng tất cả những thủ đoạn đó dã bị vạch trần và đánh bại. Phái đoàn ta với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đã chủ động bảo vệ cho mình được hoàn toàn trong sạch vững mạnh, bảo đảm được an toàn tuyệt đối, giữ gìn được những cơ mật trong đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh ngoại giao quân sư ưu thế chính trị thuộc về ta nên ta phát huy ưu thế đó mà tấn công địch. Trong thế tấn công, ta vạch trần những luận điệu sai trái phi lý, phản dân tộc, phản đạo lý của chúng. Đồng thời nắm thật vững pháp lý của hiệp định để dẫn giải rành mạch khúc chiết làm cho chúng không thể lảng tránh hoặc cãi chày cãi cối với những điều chúng vi phạm, nhất là vấn đề ngừng bắn.

        Trong tấn công, phái đoàn ta thể hiện phong cách thái độ đàng hoàng chững chạc, có sức thuyết phục cả về đạo lý, lý luận và thực tiễn với thái độ từ tốn, sâu sắc, chặt chẽ buộc đối phương phải suy ngẫm. Đối với nhân viên phục vụ như lái xe, tiếp phẩm, lo điện nước v.v.., ta nói với họ một cách dễ hiểu, đối xử với họ một cách độ lượng của những con người cách mạng với quần chúng lao động bị đầu độc và cuộc sống của họ đang phụ thuộc vào bọn ngụy quyền Sài Gòn. Công tác bảo vệ các bí mật trong hoạt động của phái đoàn ta được đặt thành một nội dung quan trọng và được thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm mật. Ta đã phát hiện và vô hiệu hóa hàng chục linh kiện ghi âm của địch gắn sẵn trong các ngôi nhà mà chúng bố trí cho phái đoàn ta ở, nhất là dành riêng cho trưởng phó đoàn và nơi hội họp. Chủ động đấu tranh chống thủ đoạn phá hoại của địch để bảo vệ vững chắc nội bộ là một điểm mạnh của phái đoàn ta.

        Thời kỳ quân ta tiến như vũ bão, thắng như chẻ tre xuân 1975, ta được tin địch định dùng xe tăng chà xát khu vực phái đoàn ta ở để tiêu diệt. Chúng ta nhận vũ khí từ ngoài vào, đào hầm chiến đấu, đào giao thông hào nối các nhà trong khu vực. Đất đào lên cho vào bao tải để dưới gầm các nhà hoặc cho vào tủ đựng quần áo, ta làm rất công phu, kín đáo nên địch không biết gì. Điều cơ bản và sâu sắc nhất trong công tác bảo vệ phái đoàn quân sự của ta trong Ban liên hiệp quân sự là bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức cảnh giác chính trị và trách nhiệm chính trị của từng thành viên và cả tập thể phái đoàn được đề cao. Nhiều trường hợp thể hiện tinh thần đấu tranh không nhân nhượng, tỉnh táo sáng suốt trong đấu tranh, một người một tổ cũng tiến công, nhạy bén phát hiện những thủ đoạn mánh lới của địch rất kịp thời. Có rất nhiều câu chuyện cụ thể chứng minh cho sự cảnh giác sắc sảo của cán bộ ta. Việc chấp hành các kế hoạch về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật, bảo vệ an toàn được mọi thành viên trong phái đoàn, kể cả trưởng phó đoàn tự giác nghiêm chỉnh chấp hành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2016, 11:00:07 pm »

        Chính chỗ ở của phái đoàn ta lại là nơi kẻ thù đến để cầu cạnh, trước ngày tận thế của chúng. Họ cử người đến thăm dò ta về "ngừng bắn" mà họ còn hy vọng. Đại sứ Mỹ Matin cũng xin gặp phái đoàn ta và nhận được sự từ chối đúng vào trước ngày ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng và cũng là ngày mà Matin lên máy bay chuồn về Mỹ".

        Đây cũng là những trận chiến đấu trên mặt trận ngoại giao quân sự trong chiến tranh và công tác bảo vệ ở mặt trận này cũng được làm rất tốt, đã để lại bao ấn tượng đẹp đẽ.

        Một năm sau ngày toàn thắng, tháng 4 năm 1976 tôi mới có dịp hồi hộp ngồi nghe anh Nguyễn Văn Khả kể chuyện:

        Ngày 3 tháng 4 năm 1975, đồng chí Văn Tiến Dũng vào tới Bộ Chỉ huy Miền. Sở chỉ huy cơ bản của chiến dịch được lập xong và đến tối 14 tháng 4 thì được biết chiến dịch này mang tên Bác. Việc bảo vệ an toàn Bộ Chỉ huy được đặt thành yêu cầu số một và chúng tôi càng khẩn trương chuẩn bị hoàn chỉnh các nội dung công việc bảo vệ cho chiến dịch. Tổng cục chính trị và Cục bảo vệ đã có nhiều chỉ thị cụ thể xoay quanh 3 vấn đề lớn. Một, bảo vệ bí mật, bảo đảm giành yếu tố bất ngờ cho chiến dịch; hai, bảo vệ nội bộ, đặc biệt chống chiến tranh tâm lý của địch, giữ vững ý chí chiến đấu cho bộ đội; ba, bảo vệ an toàn ở mức cao nhất, hạn chế tổn thất tới mức thấp nhất.

        Anh em chúng tôi đã cùng phân tích, nhận định tình hình. Về yếu tố bất ngờ, cần đặc biệt chú ý giữ bí mật, nhưng giữ cái gì, giữ như thế nào trong chiến dịch này? Chúng tôi tập trung vào thời gian và mục tiêu chiến dịch, lực lượng tham gia và nhất là cách đánh chiến dịch. Bởi vì địch đã biết chúng ta đánh lớn và hướng tiến công là Sài Gòn - Gia Định. Ta phải thắng và phải thắng giòn giã nhưng làm sao thương vong ít nhất, dân đỡ bị thiệt hại, địch đầu hàng hoàn toàn mà thành phố ít bị tàn phá? Đây là một nghệ thuật về cách đánh của ta. Từ các bộ óc sáng suốt của Đảng đến các cán bộ chỉ huy chiến dịch nên nhất quyết phải giữ bí mật bằng được. Chúng tôi đề xuất bảo vệ bí mật thật chặt chẽ ở tất cả các khâu, đặc biệt chú ý khâu phổ biến nhiệm vụ và thông tin liên lạc. Về bảo vệ nội bộ, điểm lại quá khứ, chúng tôi thấy giai đoạn 1969 - 1972 là những năm chiến trường ác liệt, có một số trường hợp đầu hàng phản bội. Vì thế, chiến dịch này có chăng cần đề phòng ở thời điểm nào đó, hướng tấn công nào đó bộ đội ta bị "sượng" mà có thể xuất hiện những Lê Chiêu Thống mới. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1972) có một trung đội phó trinh sát đầu hàng, chúng tôi đã phân tích kẻ phản bội kia biết bí mật tới đâu? Có phải là nội gián? Nguyên cớ đầu hàng? Sau đó kiến nghị Bộ Chỉ huy quyết định nổ súng sớm hơn kế hoạch một ngày và thực tế đã thắng lợi, nhưng đây là bài học rất dắt.

        Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Chỉ huy tăng cường động viên ý chí quyết tâm chiến đấu, thấu suốt ý nghĩa chiến dịch cho bộ đội. Biết đâu, có ai đó không muốn mình là người phải hy sinh trước giờ toàn thắng thì sao? Cuối cùng là tinh thần bảo vệ an toàn cho lực lượng, nhất là các mũi đi sâu vào nội đô Sài Gòn trước giờ nổ súng, an toàn cho bộ đội vào thành phố đông dân, sào huyệt cuối cùng của địch mà chúng đã dày công xây dựng hệ thống đàn áp kìm kẹp nhân dân ta suốt mấy chục năm. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tập trung bảo vệ hai Sở chỉ huy đặt tại Lộc Ninh và Bến Cát, vì lúc này đang có ba đồng chí ủy viên Bộ Chính trị (Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng) và nhiều cán bộ cao cấp khác.

        Cũng để đảm bảo bí mật và an toàn nên đúng sớm ngày 26 tháng 4 đồng chí Văn Tiến Dũng và Trần Văn Trà chuyển về Sở chỉ huy tiền phương tại một căn cứ của Biệt động Thành ở tây bắc huyện Bến Cát.

        Thời gian này dù cơ quan bảo vệ đã có hàng trăm người, song vẫn thấy "mỏng" khi phải đảm bảo an toàn cho cả hai Sở chỉ huy. Chúng tôi đã phải huy động thêm lực lượng cơ động của bảo vệ Miền ở vòng ngoài. Xin nói thêm, khi đã biết rõ lực lượng tham gia chiến dịch, một vấn đề khác xuất hiện: Một số đơn vị từ ngoài Bắc vào chưa quen địa hình chiến trường nên chúng tôi phải chia nhau đi các hướng lớn để thông báo tình hình cần thiết liên quan đến công tác bảo vệ Cùng đó tăng cường phối hợp lực lượng (nhất là biệt động thành, Ban An ninh Miền, các đội vũ trang cơ động...) để bảo vệ các mục tiêu trọng điểm của thành phố, bến vượt, cầu cống. Một việc quan trọng nữa, đề xuất với Bộ Chỉ huy chỉ thị những "yêu cầu bảo vệ" khi vào Sài Gòn: Việc giữ và thu hồi tài liệu của địch, đây là những chiến lợi phẩm vô giá nên đó cũng là việc rất quan trọng. Chúng tôi cho rằng, nếu thu tài liệu địch được tốt, bắt bọn tình báo gián điệp được tốt thì chúng ta có cơ sở điều kiện tìm hiểu sâu sắc và phá kế hoạch hậu chiến của Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 06:50:47 am »

        Đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại Sở chỉ huy tiền phương - khi có tin chính xác quân ta đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập và đã nghe tiếng của Dương Văn Minh, tổng thống ngụy Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện, chúng tôi ai nấy đều như "thăng hoa", nhảy hết lên mặt hầm, hò reo ôm nhau khóc. Đúng là nước mắt để dành cho ngày chiến thắng. Với riêng tôi, tới lúc này đã gần 30 năm cầm súng, đã đi nhiều chiến trường, có 11 năm gắn bó với Nam Bộ cho nên vui mừng sung sướng đến trào nước mắt là dễ hiểu. Và dường như ai trong chúng tôi cũng nhớ ngay đến Bác Hồ, đến đồng chí Nguyễn Chí Thanh và biết bao liệt sĩ, những người đã hy sinh không được hạnh phúc chứng kiến giờ phút trọng đại nhất này của lịch sử. "Cánh" bảo vệ chúng tôi đã "tỉnh" lại rất nhanh, nhận định tình hình và buộc mọi người xuống hầm. Vì rằng trong lúc quá say sưa thắng lợi, bộ đội và dân sẽ "vãi đạn" như mưa, nhỡ ra... Tôi gọi ngay điện thoại báo cáo trợ lý đang làm nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch yêu cầu không để các đồng chí đó rời khỏi hầm. Một đồng chí lãnh đạo hỏi lại: "Chắc là lệnh của trưởng ban bảo vệ". Đúng như dự kiến, một lát sau, các loại súng nổ vô kể để thay cho pháo hoa mừng chiến thắng.

        Chúng tôi suy nghĩ nhiều đến phá kế hoạch "hậu chiến" của địch. Ngược lại, thời gian từ sau Mậu Thân, Mỹ đã có kế hoạch hậu chiến và ráo riết chuẩn bị, tới khi có Hiệp định Pa-ri thì có những tin tức xác định là địch ráo riết thực hiện và điều chỉnh kế hoạch hậu chiến cho phù hợp. Trong đó, đáng chú ý là mảng tình báo gián diệp. Theo tài liệu, Mỹ đã chi tới 4 tỉ đô la để củng cố các cơ quan tình báo ngụy, hy vọng đủ sức đối phó với ta sau khi Mỹ rút quân (1973) cho cả hai tình huống: Có giải pháp chính trị hoặc thua trận hoàn toàn. Chúng đã chuẩn bị các con bài chính trị, tuyển chọn lại điệp viên, lọc và cài hàng ngàn tên tình báo gián điệp vào các đảng phái tôn giáo, vào lực lượng sinh viên học sinh; những tên tin cẩn nhất được "biệt phái" vào các ngành văn hóa - xã hội, hồi hương làm dân thường hoặc "chuyển ngành", khống chế số bị chúng bắt, phục hồi và xây dựng các đội võ trang, đặc biệt vùng người dân tộc ở Tây Nguyên... Nhờ có tài liệu thu được và vấn đề đăng ký trình diện của các loại kẻ địch, chúng tôi đã cùng Ban An ninh Miền đề xuất phân loại trong số những nguy quân, nguy quyền đã trình diện, tìm những đối tượng "đặc biệt" để tập trung khai thác ngay. Chúng là những cái lưỡi sống.

        Nhờ những tài liệu đó mà chúng tôi rõ thêm nhiều vấn đề, trong đó đã nghiên cứu, điều tra kết luận một cách chính xác những kẻ chui vào nội bộ ta để phá hoại. Có những tập hồ sơ địch để lại với nhiều chi tiết nói về người của chúng "đánh" vào nội bộ ta hoặc lôi kéo được người của ta làm việc cho chúng. Một chi tiết đáng chú ý, nhiều tài liệu của địch được xây dựng giả tạo (Chúng tôi đã gặp những "tác giả" của tài liệu ấy, biết rằng làm thế là để kiếm tiền). Vì vậy đã góp phần minh oan cho hàng chục đồng chí đồng đội của ta.

        Anh Nguyễn Văn Khả tâm sự, những ngày tháng Tư còn đọng lại mãi trong ký ức của tôi. Những ngày tháng 4 năm 1964, tôi đi vào Nam chiến đấu bằng đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Đúng 11 năm sau, những ngày tháng 4 năm 1975, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

        Trên đây chỉ là một phần những công việc mà công tác bảo vệ an ninh đã làm trong chiến dịch. Do tốc độ phát triển của chiến dịch quá nhanh theo tư tường chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" mà các cấp ủy Đảng và người chỉ huy các hướng các cánh quân, các đơn vị đã phải độc lập và thực tế đã biết xử lý đúng các "tình huống bảo vệ", đây chính là một thành công nữa của công tác bảo vệ chiến trường. Qua công tác bảo vệ an ninh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và các chiến dịch ở chiến trường B2 có thể đi đến kết luận rằng, trong thời bình nếu làm tốt công tác bảo vệ nội bộ thì khi có chiến tranh, quân đội sẽ xử lý tốt "các tình huống bảo vệ".

        Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch mà làm tốt công tác bảo vệ thì bộ đội ta nhất định sẽ thực hiện tết mọi yêu cầu công tác bảo vệ trong quá trình diễn biến của chiến dịch.



Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2016, 06:52:09 am »

*

*         *

        Công tác bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ cán bộ lãnh đạo chỉ huy của các cấp trong chiến tranh ở B2 là rất khó khăn và phức tạp. Mọi cán bộ chiến sĩ và người dân đều quan tâm bảo vệ nên nhiều trường hợp rất hiểm nghèo đã hạn chế bớt được những tốn thất. Có một số đồng chí cấp quân khu hy sinh do bị địch phục kích hoặc do căn cứ bị địch đánh phá cũng là những bài học cho công tác bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ.

        Các căn cứ địa cách mạng tại chỗ của B2 có căn cứ ở vùng rừng núi, ở vùng nông thôn đồng bằng và các căn cứ lõm nằm trong vùng tranh chấp hoặc vùng địch kiểm soát là những căn cứ "dựa vào lòng dân". Mỗi loại căn cứ đều có những đặc điểm khác nhau, vì vậy việc giữ vững, mở rộng căn cứ, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho căn cứ là nhiệm vụ rất quan trọng của tất cả các cấp các đơn vị cơ quan trong mọi tình huống. B2 đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến và đánh bại những lực lượng quân sự lớn của địch càn quét để "bắt chộp" cơ quan đầu não và phá hoại căn cứ của ta.

        Đồng chí Đại tá Huỳnh Văn Cửu, Trưởng ban căn cứ của Phòng Bảo vệ B2 cho biết: "Công tác bảo vệ căn cứ đầu não B2 và bảo vệ cán bộ chỉ huy lãnh đạo B2, mặc dù phải di chuyển nhiều lần, mất nhiều công sức, xử lý nhiều tình huống phức tạp, nhưng cán bộ chỉ huy và cơ quan đầu não vẫn tồn tại và an toàn tuyệt đối trong suốt cuộc chiến tranh. Ngành bảo vệ B2 đã chủ trì tổ chức bảo vệ an toàn trên 500 lượt đi công tác, chiến dịch của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định, Trần Độ, Nguyễn Hữu Xuyến, Đồng Văn Cống... Nhiều lần tổ chức đưa rước các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Phan Văn Đáng và luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đã lựa chọn địa điểm, tổ chức đưa rước cán bộ và bố trí bảo vệ an toàn tuyệt đối 4 sở chỉ huy cơ bản, 6 sở chỉ huy chiến dịch, 19 cuộc hội nghị do Bộ Chỉ huy Miền tổ chức, kể cả 3 cuộc đại hội tuyên dương Anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam. Bảo vệ an toàn các đoàn khách Liên Xô, Trung Quốc, nhiều nhà báo quốc tế đến vùng căn cứ làm việc với Bộ Chỉ huy Miền.

        Riêng căn cứ địa cách mạng của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là miền Đông Nam Bộ, chia thành 2 khu: Khu A gồm Chiến khu Đ mở rộng thêm rừng núi 3 tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức. Đây là khu vực có thế thuận lợi cho việc chỉ đạo cả Khu 5, Tây Nguyên và Trị Thiên. Nhưng không thuận lợi cho chỉ đạo phong trào cách mạng "2 chân, 3 mũi". Hơn nữa, việc tiếp tế lương thực rất khó khăn. Khu B từ căn cứ Dương Minh Châu nối liền lên biên giới Campuchia và rừng núi các tỉnh Bình Long, Phước Long; về hướng nam và đông nối liền với Sài Gòn - Gia Định và xuống các tỉnh đồng bằng Khu 8 và Khu 9. Khu B có thuận lợi về cung cấp hậu cần, lại nằm trong tổng thể ba vùng chiến lược. Đặc biệt là căn cứ "lòng dân" đã tạo thành thế vững vàng cho cả hai khu căn cứ địa của cách mạng miền Nam.

        Trong 21 năm chiến tranh (1954 - 1975) nhất là trong 14 năm cao điểm (1961 - 1975) các cơ quan đầu não của B2 có nhiều lần di chuyển chỗ đứng chân, nhưng cũng chỉ loanh quanh trong 2 khu A và B thuộc miền Đông Nam Bộ và có 3 năm (1971 - 1973) ở đất Campuchia, khi Mỹ - ngụy mở rộng chiến tranh sang Campuchia, để kịp thời chỉ huy lãnh đạo cuộc chiến.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM