Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:44:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 38942 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2016, 12:16:24 pm »

        Sau khi thiết lập xong các trận địa pháo, tiểu đoàn 1 Mỹ bắt đầu đánh lên sườn đông bắc dãy núi Chư-pông. Dưới sự yểm hộ của máy bay và pháo binh dọn đường, quân Mỹ hùng hổ dàn hàng ngang tiến quân. Một cánh quân xộc vào đúng tổ cảnh giới của tiểu đoàn bộ. Chiến sĩ Đinh Quốc Sủng chỉ huy anh em bình tĩnh, đợi chúng đến gần mới nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, 7 tên Mỹ đã ngã gục. Bị đánh bất ngờ, quân Mỹ chùn lại, dùng phi pháo bắn phá rồi tiếp tục xông lên. Thấy quân địch đông quá, Đinh Quốc Sủng cho anh em lui về báo cáo tiểu đoàn, còn một mình anh tiếp tục chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Được biết quân địch tập kích vào đơn vị trong lúc chỉ huy đang đi chuẩn bị chiến trường, đồng chí Vũ Thanh Xuân - trợ lý chính trị tổ chức anh em trinh sát, thông tin, y tá, nuôi quân, văn thư, vận tải.., chiếm lĩnh công sự, đánh lui nhiều đợt tấn công của quân địch. Đã có hai chiến sĩ và trợ lý quân nhu trở thành những tay súng giỏi, cứ mỗi phát đạn là hạ gục một tên Mỹ. Biết địch đánh vào tiểu đoàn bộ, đại đội 9 tổ chức đánh vào sườn trái quân địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch rối loạn, đội hình lúng túng đối phó. Cùng lúc đó đại đội 11 xuất kích đánh vào sườn phải và phía sau quân địch. Đại đội phó Bùi Công Cầu dẫn đầu đại đội xung phong thẳng vào quân địch đánh giáp lá cà, diệt lính Mỹ bằng lưỡi lê, báng súng, lựu đạn.., làm cho quân Mỹ khiếp đảm. Máy bay Mỹ không phân biệt được đâu là quân của chúng nên đã dội bom na-pan lên đầu lính Mỹ.

        Đến 11 giờ, đồng chí Định - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 - từ bờ sông Ia-đrăng chạy về điều một khẩu cối 82 ly và chỉ huy bắn vào đội hình quân Mỹ rồi ra lệnh xung phong. Quân địch hốt hoảng tháo chạy rồi co cụm, chống cự.

        Nghe tiếng súng quân ta nổ liên hồi ở hướng tiểu đoàn 9, đồng chí Cửu - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7, đồng chí Lã Ngọc Châu - Chính ủy trung đoàn 66 và đồng chí Lê Xuân Phôi1 - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 đã tổ chức chỉ huy các đơn vị lao vào cuộc chiến đấu với quân Mỹ 9 trận liên tiếp trong những ngày 14, 15, 16, 17 tháng 11 năm 1965 tại thung lũng Ia-đrăng.

        Quân Mỹ vẫn vào trận như thế đó, vẫn ỷ vào hỏa lực máy bay, pháo binh, dùng trực thăng đổ quân nhảy cóc. Quân ta chực sẵn bằng chiến thuật phục kích và chốt chặn, kết hợp vận động tiến công hai bên sườn và đánh giáp lá cà tiêu diệt từng đại đội địch, ngày bám địch, đêm tập kích...

        Những trận chiến đấu của các tiểu đoàn 7, 8, 9 - Trung đoàn 66 và tiểu đoàn 1 Trung đoàn 33 với lính sư đoàn 101 kỵ binh không vận số 1 Mỹ kéo dài đến 20 giờ ngày 17 tháng 11 năm 1965 thì kết thúc (Khoảng 400 tên của tiểu đoàn 1 trung đoàn 7 và 1 đại đội của tiểu đoàn 2 trung đoàn 45 lữ đoàn 3 chỉ còn vài chục tên sống sót chạy về căn cứ. Quân ta còn bắn rơi và phá hủy 34 máy bay các loại gồm phản lực F5, F101, AD6, OVI0, Li9 và phần lớn là trực thăng. Trong điều kiện súng phòng không lớn nhất của ta là 12,7 ly, một phần do tinh thần tích cực săn máy bay Mỹ của bộ đội ta, mặt khác, do mật độ chúng bay dày từng tốp 3 đến 5 chiếc, có lúc 20 - 25 chiếc ở độ cao 100 mét đến 600 mét, đôi lúc chúng sà sát xuống ngọn cây, rất thuận lợi cho ta bắn hạ bằng súng bộ binh.

        Một bộ phận cán bộ chỉ huy và cơ quan Tây Nguyên đi kiểm tra trận địa sau khi ta làm chủ chiến trường, địa hình hàng chục kilômét vuông bị đảo lộn, cây đổ ngổn ngang, địch chết thành đống, có chỗ năm ba tên, xen lẫn là xác của chiến sĩ ta. Những đồng chí nằm đè lên xác lính Mỹ, lưỡi lê còn cắm vào ngực tên địch. Có đồng chí hy sinh, tay vẫn nắm chặt quả lựu đạn bên sườn. Có tổ 3 người mà phía trước và phía sau các anh còn hàng chục xác lính Mỹ... Nhìn vào hiện trường địch, ta như trên, thấy rõ tính chất ác liệt sự hy sinh dũng cảm tuyệt vời của cán bộ chiến sĩ ta. Về mặt chiến thuật cho thấy tác dụng của tổ chiến đấu 3 người, của từng bộ phận thọc sâu vào tung thâm quân địch. Hầu hết anh em ta hy sinh trong phạm vi 1 kilômét nhưng tư thế đều hướng vào giữa, hình thành các mũi bao vây kín. Ngay trong sở chỉ huy của địch, cạnh đài 15 oát, cạnh một lô cốt nắp sắt cũng có thi hài của anh em ta.

        Trận đánh ngày 17 tháng 11 năm 1965 của tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 và tiểu đoàn 1 Trung đoàn 33 là trận kết thúc một cuộc chiến đấu về mặt chiến thuật, nó cũng là một trận đánh then chốt quyết định sự thất bại về mặt chiến dịch của lữ đoàn 3 quân Mỹ trong chiến dịch Plây-me.

        Hơn một phần tư thế kỷ sau trận thất bại nặng nề ở thung lũng Ia-đrăng (17-11-1965), viên trung tá Harol Mo - chỉ huy tiểu đoàn 1 kỵ binh bay Mỹ, lúc này đã là trung tướng - trở lại Việt Nam và xin được gặp những người chỉ huy trận đánh này của ta. Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã có cuộc đối thoại rất thú vị với viên tướng Mỹ thua trận năm nào. Hơn hai mươi năm trôi qua viên tướng nọ vẫn chưa trả lời được câu hỏi vì sao họ bị thua đau trong trận Ia-đrăng.

---------------
1. Đồng chí Lê Xuân Phôi quê Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 30 tháng 8 năm 1995.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2016, 06:34:08 pm »

*

*        *

        Tuy bị thất bại nặng nề và liên tiếp, nhưng thủ đoạn tác chiến của quân Mỹ vẫn chưa thay đổi. Ỷ vào sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh của không quân và pháo binh yểm trợ nên lính Mỹ rất chủ quan. Khi phát hiện được lực lượng của ta, quân Mỹ thường nhảy cóc sâu vào phía sau lưng, thực hiện bao vây chia cắt, chặn đường tiếp tế hòng đánh bật ta ra khỏi khu chiến, nên chúng rất dễ bị mắc lừa.

        Hai năm 1966 - 1967, cán bộ chiến sĩ B3 đã rút kinh nghiệm trong những trận đầu đánh Mỹ, huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến, lập được chiến công khá lớn: Chiến dịch Sa Thầy diệt một tiểu đoàn Mỹ và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác; chiến dịch Đăktô đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 173 Mỹ và lữ đoàn 1 Sư đoàn 4 Mỹ, góp phần cùng quân dân toàn miền Nam đánh bại chiến lược "tìm diệt" của đế quốc Mỹ.

        Trận đánh điển hình nhất là trận đánh của tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 vào ngày 3 tháng 7 năm 1966 tại khu rừng "im lặng"1. Trưa hôm đó, tổ trinh sát tiểu đoàn trên đường đi bám địch, phát hiện một đại đội Mỹ đang dừng ăn trưa. Anh em để lại hai người tiếp tục bám, còn một người chạy về báo cho Ban chỉ huy tiểu đoàn. Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý gấp và quyết định sử dụng đại đội 2 (chủ công) được tăng cường một khẩu cối 82 ly, 30 quả đạn do tiểu đoàn phó Võ Quang Tịnh chỉ huy. Được trinh sát dẫn đường, đại đội 2 làm công tác chuẩn bị ngắn rồi nhanh chóng tiếp cận quân địch. Khi quan sát thấy toàn bộ quân Mỹ nằm trong tầm bắn có hiệu quả, Võ Quang Tịnh lệnh cho đại đội 2 nổ súng. Ngay từ những loạt đầu của cối 82 ly, cối 60 ly, chỉ huy và hệ thống thông tin liên lạc của địch bị tiêu diệt.

        Quân Mỹ như rắn mất đầu, không được phi pháo chi viện, chúng chống cự lúng túng trước lối đánh gần, áp sát của quân ta. Khẩu cối 82 ly đánh rất giỏi, chi viện đắc lực cho bộ binh. Đại đội trưởng Hứa Văn Kính xông xáo chỉ thị mục tiêu cho chiến sĩ B40 diệt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Sinh, chiến sĩ Nguyễn Văn Thỏa, Hoàng Minh Khôi dùng lựu đạn và súng AK diệt tám tên Mỹ. Trung đội trưởng Phạm Công Vụ dùng súng AK diệt ba tên, dùng lưỡi lê đâm chết hai tên Mỹ khác. Đại đội 2 ở thế áp đảo, chưa đầy 20 phút đã diệt hoàn toàn một đại đội Mỹ.

        Cán bộ chiến sĩ đại đội 2 kiểm tra trận địa, đếm được hơn 100 xác lính Mỹ. Tiểu đoàn phó Tịnh trao đổi với Đại đội trưởng Kính thấy nhất định quân Mỹ phải dùng lực lượng đến giải tỏa để lấy xác đồng bọn. Đại đội 2 tổ chức trận địa phục kích và điện xin tiểu đoàn tăng cường lực lượng, sẵn sàng chặn đánh quân Mỹ. Đúng như dự đoán, ngay chiều hôm đó quân Mỹ từ đồn Đức Vinh có xe tăng, xe bọc thép mở cuộc phản kích vào trận địa đại đội 2. Các chiến sĩ ta biến trận địa phục kích thành trận địa chốt chặn, thu hút giam chân quân địch. Chỉ huy tiểu đoàn 7 ra lệnh cho Đại đội 1 và Đại đội 3 xuất kích. Đại đội trưởng Trần Đình Bốn - Đại đội 1 và Đại đội trưởng Bùi Trung Du - Đại đội 3 nhanh chóng cho bộ đội vận động đến bao vây đánh vào hai bên sườn quân địch. Do kết hợp chặt chẽ giữa chốt giữ trận địa của đại đội 2 và tiến công vào sườn, vào phía sau quân địch của đại đội 1 và đại đội 3, tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 đã diệt thêm một đại đội Mỹ, bắn cháy 3 xe bọc thép M113, buộc quân địch phải tháo chạy và dùng máy bay ném bom bắn phá vào trận địa hủy xác đồng bọn, xóa dấu vết thất bại.

        Tại chiến trường Tây Nguyên, những người chỉ huy quân đội Mỹ dã nhiều lần dùng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm để yểm hộ chiến thuật cho quân bộ binh Mỹ và họ cũng đã nhiều lần dùng máy bay ném bom bắn phá vào trận địa nhằm hủy xác đồng bọn, xóa dấu vết thất bại. Điển hình là trận tiểu đoàn 2 lữ đoàn dù 173 của Mỹ ngày 19 tháng 11 năm 1967 tại khu vực cao điểm 875 huyện Đăktô, tỉnh Kon Tum. Đây là trận quân Mỹ bỏ xác lại trên trận địa nhiều nhất. Ngay buổi sáng ngày 20 tháng 11 năm 1967, những người chỉ huy quân đội Mỹ đã ra lệnh cho không quân dùng bom phá, bom napan hủy xác binh lính của họ.

        Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cho biết: "Thế mà trong hồi ký của ông Giôn-xơn có đoạn viết: "Đưa ra chiến trường những tinh hoa của tuổi thanh xuân nước ta, những chàng thanh niên ưu tú nhất của chúng ta, đối với tôi không phải là việc dễ dàng. Tôi cho rằng tôi cũng biết cả những người mẹ của họ sẽ khóc lóc như thế nào, những gia đình của họ sẽ đau buồn như thế nào. Đây là nhiệm vụ day dứt nhất và đau đớn nhất của vị tổng thống của các bạn".

        Thử hỏi, ông Giôn-xơn có dám nói thật cho gia đình những người lính Mỹ xấu số kia biết rằng buổi sáng ngày 20 tháng 11 năm 1967, ông ta đã ra lệnh hủy xác con em họ dưới chân ngọn đồi 875 ở một nơi xa xăm đối với nước Mỹ chăng?"

*

*         *

       Về mặt công tác bảo vệ an ninh từ tháng 4 năm 1966 đến tháng 8 năm 1968 ở Tây Nguyên không có vụ việc nào xảy ra phải điều tra theo đúng nghĩa là vụ án trinh sát, do địa hình rừng núi, lại cách xa thị xã, thị trấn. Mặt khác, quân chính quy của ta từ miền Bắc vào lại cơ động luôn và sau đó ít lâu bổ sung đi các chiến trường B1, B2.., nên bọn tình báo gián điệp của Mỹ - ngụy không có điều kiện liên lạc, móc nối hoạt động. Chỉ có xử lý một số vụ việc tiêu cực xảy ra trong nội bộ, những vụ việc nghiêm trọng đều di lý về miền Bắc (hậu phương) điều tra xử án. Chỉ có hai quân nhân là người dân tộc Gia Rai (1 nam, 1 nữ) bị địch lợi dụng để lấy tin bí mật nơi đóng quân phiên hiệu đơn vị.

        Phòng Chính trị đã cho điều người nam về đội sản xuất của bộ đội địa phương huyện, và cho người nữ đi học y tá, sau đó chuyển ngành về địa phương. Công tác bảo vệ an ninh tập trung làm tốt việc thẩm tra, bảo đảm tin cậy về chính trị trong sử dụng lực lượng, giáo dục cảnh giác, chống chiến tranh tâm lý và phòng gian bảo mật trong hành quân, trú quân chiến đấu, an toàn căn cứ cơ quan chỉ huy. Nhìn lại, tôi thấy mình đã gắng sức góp một phần nhỏ cùng đồng chí, đồng đội làm nên chiến thắng trên đất Tây Nguyên bằng thẩm tra, sử dụng lực lượng và bảo vệ chiến đấu trên địa hình rừng núi.

-------------
1. Rừng im lặng: là cánh rừng cây băng tăng (sàng rẻ), Ờ đây không tiếng chim muông, im lặng lạ thường nên anh em ta gọi là rừng im lặng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2016, 12:24:23 pm »


        6. Vào Nam Bộ (B2)

        Ngày 20 tháng 8 năm 1968, tôi được anh Vũ Văn Năm - thiếu tá, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 1 tiếp và cho biết Bộ Tư lệnh Sư đoàn có anh Trần Văn Trân, Thượng tá, Sư trưởng, anh Nguyễn Viên - Thượng tá, Chính uỷ; anh Nguyễn Huy Định - Trung tá, Phó chính ủy - Chủ nhiệm chính trị. Bộ Tư lệnh đã đi trước vào gặp Bộ Chỉ huy Miền nhận nhiệm vụ.

        Chúng tôi phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị tài liệu hướng dẫn công tác chính trị, bảo đảm cho Sư đoàn hành quân vào B2 đầy đủ quân số, an toàn, bí mật.

        Được tham gia chiến đấu trên chiến trường trọng điểm, bộ đội chúng tôi rất phấn khởi, hăng hái, tự tin. Sư đoàn bộ và các phân đội đóng quân ở bìa sông Sài Gòn. Trung đoàn 1 xuống vùng Chơn Thành, Hớn Quản tỉnh Bình Long; Trung đoàn 2 xuống huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; Trung đoàn 3 tách khỏi Sư đoàn đi xuống miền Tây Nam Bộ. Vào B2 mới có 20 ngày, tôi nhận ra có 2 cái mới lạ:

       Một là, vùng giải phóng có nhiều dân họp chợ, dọc đường hành quân thỉnh thoảng gặp những xe đạp chở rau muống, chở cá tươi của anh em tiếp phẩm đi chợ về, gặp cảnh anh em đồng hương các tỉnh miền Bắc vui mừng được gặp nhau, cùng ngồi uống trà đậm, ăn kẹo chanh, hút thuốc lá quân tiếp vụ bên vệ đường giao liên; Hai là, thấy bom đạn và chiến tranh tâm lý địch hoạt động ráo riết bằng nhiều phương tiện hiện đại có thể nói, địch thả truyền đơn trắng rừng, máy bay gọi loa chiêu hồi liên tục, địch thả cây nhiệt đới, máy thu tiếng động, máy đo hơi người đây đó... Chất độc hóa học nồng nặc, nhiều cánh rừng cây trụi lá...

        Chúng tôi ở rừng núi Tây Nguyên lâu ngày, nay vào đất Nam Bộ uống nước giếng dào, đường đi ít dốc, thời tiết khí hậu dễ chịu hơn nhưng không hiểu tại sao bộ đội lại bị sốt rét nhiều thế. Tôi bị sốt kéo dài. Đồng chí Yên, y sĩ Phòng Chính trị chăm sóc rất tận tình, có nhiều đêm đồng chí đến nắm bàn chân tôi rồi lặng lẽ đi Sau này, tôi hỏi đồng chí mới nói: "Nắm xem còn nóng ấm hay đã nguội lạnh mất rồi". Sau trận ốm này tôi nhờ có chai mật ong do đồng chí Trần Quang Xuân - người Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An là người bạn thân ở Trung đoàn 320 - đến thăm biếu đã góp phần cho sức khỏe tôi sớm bình phục.

        Được sự chỉ đạo của Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam (B2) Sư đoàn 1 đã khẩn trương phát động phong trào: "Cảnh giác, chống địch, phòng gian bảo mật" với các nội dung biện pháp tích cực nhằm góp phần giữ vững trận địa chính trị tư tưởng, ý chí chiến đấu đảm bảo an toàn lực lượng và sức chiến đấu. Đợt vận động đã có tác dụng tích cực, được Bộ Tư lệnh Sư đoàn và Cục Chính trị Miền biểu dương.

        Thời gian này tôi thường được Thường vụ đảng ủy Sư đoàn giao nhiệm vụ làm tổ trưởng phái viên chính trị xuống các đơn vị kiểm tra về công tác chính trị, tư tưởng và kịp thời củng cố tổ chức Đảng và cán bộ chỉ huy cho kịp yêu cầu "đánh bồi, đánh nhồi" theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Miền.

*

*        *

        Một hôm, đầu tháng 5 năm 1969, lúc 9 giờ sáng, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân cho gọi tôi đến, bất ngờ tôi được gặp anh Nguyễn Duy người Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 95 trong những năm 1954 -1955.

        Lúc này anh là thượng tá, Phó chính uỷ Phân khu 1 Quân khu Sài Gòn - Gia Định với bí danh Trần Quốc Dũng. Ba anh em chúng tôi gặp nhau dưới mái lán ở rừng le Cà Tum tỉnh Tây Ninh, mừng ra nước mắt, với bao nhiêu là chuyện kể... Tôi biết tháng 10 năm 1964, anh Nguyễn Duy là trung tá Chính ủy Trung đoàn 101A - một trung đoàn đã từng đánh giải phóng cứ điểm Tà Khống, sân bay Tchépône năm 1961, tạo điều kiện cho đường dây 559 phát triển sang tây Trường Sơn trên đất Lào. Tháng 10 năm 1964, Trung đoàn 101A do anh làm Chính ủy, anh Nguyễn Xuân Lực1 làm Trung đoàn trưởng, là trung đoàn thực binh đầu tiên của Sư đoàn 325 hành quân đi B toàn trung đoàn vào Tây Nguyên. Theo tài liệu tổng kết của cơ quan B3 cuối năm 1967 thì Trung đoàn 101A (tức Q16) là trung đoàn có công tác tổ chức hành quân tốt nhất trong việc đưa toàn bộ đội hình trung đoàn từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đảm bảo quân số 95 phần trăm, đội hình gọn, an toàn, bí mật, bất ngờ trung đoàn đã lập chiến công vang dội ở Đăkto, Đăksút, Tumơrông tỉnh Kon Tum (cuối năm 1964 đầu năm 1965) góp phần cùng chiến thắng Ba Gia ở Quảng Ngãi, Ấp Bắc ở Mỹ Tho, Bình Giã, ở Bà Rịa - Long Khánh, làm phá sản chiến tranh đặc biệt của Mỹ-ngụy. Đêm tháng 5 năm 1969, anh Trần Văn Trân đãi cháo gà, ba anh em chúng tôi ngủ bên nhau với những chuyện kể vui buồn và những kỷ niệm của đồng đội kẻ mất người còn. Tôi đón nhận sự ấm áp thiết tha tự hào của tình đồng đội đồng chí.., một đêm không ngủ mà quý giá biết bao. Sáng dậy, chúng tôi tiễn anh Nguyễn Duy về Phân khu 1, nào ngờ 10 giờ sáng hôm sau anh bị máy bay trực thăng Mỹ bắn hy sinh tại bờ bắc sông Sài Gòn mà mãi cho đến tháng 5 năm 1995 mới tìm được, đưa hài cốt anh Nguyễn Duy về với quê hương Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

--------------
1. Nguyễn Xuân Lực, quê Ở Hà Tĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chống Pháp và Anh hùng lần thứ hai trong đánh Mỹ, hy sinh tại mặt trận Sài Gòn trong đợt 2 Mậu Thân 1968.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2016, 09:48:47 am »


*

*         *

        Những ngày tháng kế tiếp, đồng chí Thượng tá Chính ủy Nguyễn Viên thường cử tôi tham gia đốc chiến ở các đơn vị, kiểm tra hướng dẫn về công tác chính trị tư tưởng và kịp thời củng cố tổ chức cán bộ đầu mỗi đợt chiến đấu cho kịp yêu cầu thực hiện "đánh bồi, đánh nhồi" theo sự chỉ đạo của Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền. Tháng 5 năm 1969, tôi đến tiểu đoàn 28 đặc công giúp đỡ việc triển khai công tác chính trị, chuẩn bị đánh tập kích căn cứ Võ Tùng (lần thứ 2). Tiểu đoàn do đồng chí Trần Đình Long, Thượng uý, Tiểu đoàn trưởng[1, đồng chí Thân Ngọc Lanh, Đại úy, Chính trị viên. Tôi tiễn đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa lúc 16 giờ tại một khu rừng suối Soócki rồi trở về Sư đoàn.

        19 giờ ngày hôm sau, đồng chí Thượng tá Nguyễn Viên gọi tôi đến, anh vui vẻ nói về chiến thắng Võ Tùng (do đài BBC đưa tin), rồi, anh nói: "Tớ ghi nhận cho cậu một nét son vào tiêu chuẩn đảng viên 4 tốt trong năm nay". Trong trận này bằng chiến thuật đặc công, Tiểu đoàn 28 đã dùng ba mũi bí mật tiềm nhập áp sát mục tiêu rồi bất ngờ dùng thủ pháo, tiểu liên đánh giáp lá cà... Tiểu đoàn đã diệt và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Mỹ. Ta bị thương vong ít. Đồng chí Trần Đình Long - Tiểu đoàn trưởng đã buộc phải ôm vật nhau với một tên lính Mỹ, may nhờ có đồng đội tiếp ứng, diệt được tên Mỹ và cứu đồng chí Long thoát hiểm.

        Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ở B2, Sư đoàn chúng tôi đã đón chị Nguyễn Thị Định (chị Ba Định) Phó Tư lệnh Miền đến thăm đơn vị tháng 12 năm 1968, tại khu vực ngã ba công sự tỉnh Tây Ninh, sau chiến thắng Sóc con-trăn. Chị Ba Định tặng Sư đoàn 20 tấm ảnh Bác Hồ (cỡ 9x14) để làm phần thưởng cho những đồng chí lập được thành tích xuất sắc. Và một lần, Sư đoàn đón tiếp đồng chí Hoàng Văn Thái (tức Mười Khang) thay mặt Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đến thăm đơn vị tại khu vực Bổ túc (2 - 1969) - thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo chỉ huy đối với bộ đội. Những chuyến viếng thăm và những lời nhắc nhở, dặn dò ân cần thắm thiết tình thương yêu, sự chăm sóc của Bộ Tư lệnh là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu và liềm tin tất thắng cho chúng tôi trên chiến trường.

        Tin Bác Hồ đã đi xa - đến với chúng tôi tại rừng le Cà Tum, tĩnh tây Ninh. Trong khi Sư đoàn đang rút gọn, cán bộ chỉ huy Sư đoàn và nhiều đồng chí khác đã về đơn vị mới. Tôi (là thiếu tá) và đồng chí đại úy Nguyễn Quang Quýnh (người Nam Đàn - Nghệ An) tổ chức những đồng chí còn lại trong cơ quan làm lễ truy điệu tưởng nhớ Bác trong niềm xót thương vô hạn. Đứng trước bàn thờ Bác, được dựng bằng bốn gốc le cao 1,2m, mặt bàn được ken bằng nhiều cành le rộng l m x 1,2 mét và dùng tấm vải che mưa phủ lên. Trên bàn dùng ca sắt tráng men có dòng chữ đỏ "kiên quyết hoàn thành nhiệm vu" làm bát nhang, một bó hoa rừng và tấm ảnh Bác (là phần thưởng tôi mới nhận cuối tháng 8 năm 1969). Chúng tôi như đàn con bị lạc mất cha, càng thấy thương yêu, gần gũi nhau hơn, nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng trong mọi suy nghĩ, việc làm của mỗi người. Tôi nhớ mãi hôm đó có một chiến sĩ mới ngoài hai mươi tuổi đăng ký xin kể chuyện được gặp Bác Hồ nhưng khi đứng lên nhìn vào ảnh Bác thì anh ta chỉ khóc ròng, không nói được câu nào. Tháng 10 năm 2007, tôi mới có dịp nhận ra người chiến sĩ trẻ năm xưa là anh Nguyễn Thế Kỷ - chuyên viên Ban Tuyên huấn Hội Cựu Chiến Binh thành phố Hồ Chí Minh, lúc này đã ngoài 65 tuổi.

         Tôi hỏi chuyện xưa, hôm đó cậu định kể những gì? Anh Kỷ nói: "Em kể lần được đứng làm hàng rào danh dự đón Bác đến thăm Trường Thanh niên lao động XHCN tỉnh Hòa Bình. Sau buổi nói chuyện tại hội trường, Bác ghi vào sổ vàng truyền thống đơn vị: ".., phải lao động tốt, học tập tốt, cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Bác Hồ, ngày 17-8-1962". Hôm đó trời mưa lất phất. Hôm em cùng các anh làm lễ truy điệu Bác ở rừng le Cà Tum trời cũng mưa lất phất. Em đã chuẩn bị kỹ lắm, em định sau khi kể chuyện sẽ hứa trước di ảnh Bác làm hết sức mình để trở thành một đảng viên. Nhưng khi nhìn vào ảnh Bác, nhìn hạt mưa bay, em lại nhớ lần được gặp Bác, thương Bác quá! Em xúc động nghẹn ngào...". Tôi hỏi: "Sau những ngày ở rừng le Cà Tum rồi cậu đi đâu?". Nguyễn Thế Kỹ nói: "Em về Trạm trực Cục Chính trị Miền (T620) nằm chờ một tháng. Có lẽ sau khi đã xác minh rõ gốc tích của em ở quê nhà (xã Yên Bằng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), em được điều về tổ tư liệu tờ báo Quân Giải phóng miền Nam. Chín tháng sau, em được kết nạp vào Đảng. Trở thành đảng viên chính thức ngày 15 tháng 6 năm 1971 và làm phóng viên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, em về Cục Chính trị Quân khu 7 rồi chuyển ngành qua Công ty Thủy sản (Seaprodex). Em nghỉ hưu năm 2002 ở tuổi 60. Nhờ các đồng chí quen cũ ở Phòng Tuyên huấn Quân khu giới thiệu, em về Ban Tuyên huấn Hội Cựu chiến binh thành phố". Tôi hỏi: "Đời sống riêng của cậu nay có ổn không..". Kỷ nói: "Cám ơn anh, ổn cả. Em có vợ con, nhà ở thành phố và lương tháng đủ trang trải cuộc sống. Sau hàng chục năm gặp lại người đồng đội ở rừng le Cà Tum, cùng anh nhắc lại những kỷ niệm không quên ở chiến trường, về tấm hình Bác mà mình lưu giữ như một báu vật, lòng tôi lại bồi hồi nhớ Bác, nhớ nhiều đồng chí, đồng đội một thời quân ngũ.

---------------
1. Đồng chí Trần Đình Long: Thiếu tá, Hội viên Cựu chiến binh chi hội 7B, Hội Cựu chiến binh phường 15, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2016, 11:00:22 pm »


*

*        *

        Từ tháng 9 năm 1969, Sư đoàn 1 được lệnh rút gọn, chuẩn bị hành quân xuống miền Tây Nam Bộ với trung đoàn 1 và cơ quan gọn nhẹ. Trung đoàn 2 (95) về đội hình Sư đoàn 9. Công tác bảo vệ lo việc bàn giao tình hình chính trị nội bộ cho các nơi tiếp nhận và tổ chức tiếp nhận, phân loại, đăng ký lưu trữ tài liệu, khuôn dấu của các đơn vị nộp lại để chuyển về Miền. Cùng lo việc này với tôi có đồng chí Đinh Quốc Kỳ - một tiểu đội trưởng của Trung đoàn 88 được rút về cơ quan. Đồng chí Đinh Quốc Kỳ - một thanh niên phố Hàng Bông, Hà Nội - nhập ngũ năm 1964, văn hóa hết lớp 10/10, anh có tầm vóc trung bình đẹp trai, thông minh, chữ viết rất đẹp; có điều trong sinh hoạt tập thể, anh thường chậm rãi, khề khà làm anh dễ già trước tuổi.

        Một hôm, tôi đang nghỉ trưa thì nghe Đinh Quốc Kỳ hớt hải bảo dậy báo cáo có con gì lạ như con rắn luồn lướt trên ngọn le với tiếng hú như gió rít. Hai anh em cùng xem, thấy một con rắn to cỡ bắp tay dài hơn hai mét, da đen láng đang nằm sưởi nắng trên mái rừng le, cách đầu chúng tôi chừng 1m5, thỉnh thoảng nó thòng đầu xuống ngó nghiêng. Đồng chí Đinh Quốc Kỳ gọi một số anh em Phòng Tham mưu đến cùng xem, nhiều người bàn cách đánh chết, nhưng rất khó đánh vì vướng các cành cây, le mọc lâu năm đã đan kín mà chúng tôi dùng cây chống cao lên làm mái nhà tự nhiên vừa để ngụy trang. Chỉ có những khoảng hở đủ cho thọc, xoi đuổi nó đi chỗ khác Đồng chí thiếu tá Lê Đức Thư, quê Ở Nghi Lộc, Nghệ An lẳng lặng về lấy súng ngắn ra bắn. Viên đạn xuyên bụng con rắn nhưng không trúng xương sống, con rắn không còn bò lướt nhanh được, anh em xoi thọc cho nó rơi xuống đất. Nó vẫn bò trườn khá nhanh qua các bụi le nhiều gốc, làm anh em chỉ đuổi theo đánh hụt phía đuôi. Tôi cầm một khúc cây le chạy vòng đón đầu một bụi le to, khi nó vừa thò đầu ra tôi đập tới tấp vào đầu vào cổ, nhiều người đến cùng đánh chết con rắn. Chúng tôi kéo rắn về làm thịt, nấu cháo. Hỏi đồng bào mới biết đó là con rắn hổ ngựa nặng cỡ 3 kilôgam. Nó ở vùng này đã lâu năm.

        Một đêm, trước khi rời Sư đoàn về Cục Chính trị nhận nhiệm vụ mới. Tôi hồi tưởng lại nhiều gương mặt đã cùng nhau đi B trong đội hình sư đoàn thực binh. Chúng tôi rời xã Hương Phủ, huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây chúng tôi luyện tập quân sự được ăn bồi dưỡng 2 tháng. Nói thật, tiêu chuẩn thịt heo chúng tôi chỉ ăn hết được hơn 1 tháng, sau đó là ngán sợ không ăn nổi, anh nuôi lén bỏ đi vì có lệnh cấm cho. Đồng bào xầm xì: "Bộ đội lãng phí". Một hôm họp dân làng, ông Trần Thế, đội trưởng hợp tác xã Phú Gia nói: "Xin đồng bào chớ xầm xì tị nạnh với bộ đội. Vì họ ăn để đi vào Nam đánh giặc, chưa biết ai còn ai sống! Cuộc họp im lặng kéo dài sâu lắng... Đã gần 5 năm qua với những chiến công vang dội: A Shầu, A Lưới, Con Tôm, Tà Bạt Ở Tây Thừa Thiên, Ia- Đrăng, Đăktô, Tân Cảnh, Plâycần, Chư Tan Kra, Đức Cơ, Đắc Sắc Đức Lập Ở Tây Nguyên và gần đây tại Sóc con trăn, Đồng Pan, Cầu Khởi, Dương Minh Châu, Võ Tùng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành... Trải qua biết bao gian nan, ác liệt, đói cơm, nhạt muối, bệnh tật, hy sinh mất mát.., xúc động trào lên khiến tôi ứa nước mắt khi nhớ lại những người bạn thân đã hy sinh: Đồng chí thượng úy Trần Văn Thái - Trung đoàn 1 quê Nam Đàn, Nghệ An bị trúng đạn rôckét tại Sócky, đồng chí Thượng uý Cao Xuân Lục - Trung đoàn 2 quê Hưng Nguyên, Nghệ An bị trúng đạn nhọn tại Xamát, đồng chí Phan Văn Thành - Thượng uý Trung đoàn 1 quê Thanh Chương, Nghệ An bị bom B52 Ở Lộc Ninh, đồng chí Nguyễn Đăng Tứ Thượng uý ở Trung đoàn 3 và nhất là đồng chí Thượng tá Trần Văn Trân - Sư đoàn trưởng - người đồng đội kính yêu từ thời chống Pháp, nay cả hai đồng chí bị dịch bắt, không biết sống chết ra sao.

        Sáng hôm sau tôi được liên lạc của Phòng bảo vệ an ninh - Cục Chính trị B2 đón về cơ quan chỉ non một ngày đi bộ. Được gặp các anh đã vào B2 trước tôi: Anh Lê Quốc Sủng - Trưởng phòng, anh Nguyễn Ngọc Sang, anh Lê Văn Sến, anh Nguyễn Văn Khả, anh Phạm Quang Khôn.., thật là vui mừng khôn xiết. Ở đây tôi được sống trong vòng tay thân tình ưu ái của các anh chị đã công tác từ nhiều năm về trước. Trong hoàn cảnh tại chiến trường, xa Trung ương, Phòng bảo vệ - quân pháp B2 lúc bấy giờ có quy mô bề thế, đủ các ban: Nghiên cứu tổng hợp (còn gọi là a1), bảo vệ chính trị nội bộ (a3), điều tra nghiên cứu (a2), chấp pháp (a5), bảo vệ thủ trưởng bảo vệ căn cứ (a6), và các ban ngành kế hoạch, kiểm sát, điều tra xét xử, ban hành chánh quản trị. Các đơn vị vòng ngoài có liên đội trinh sát (a7) bảo vệ địa bàn, đội trinh sát ngoại tuyến (K44), lớp tập huấn nghiệp vụ (H16) và các trại giam phạm binh. Một tổ chức ngót 500 người gồm những cán bộ chiến sĩ quê khắp ba miền, đã vượt Trường Sơn qua nhiều năm chiến đấu trong đội hình các Trung đoàn, Sư đoàn quy tụ về đây như Năm Bình, Tư Sơ, Tư Hưng, Từ Tư Văn, VÕ Ngọc Ngà, Tám Hoài Việt; như Tư Nghi, Hai Giảng, Sáu Bằng, Ba Lâm Thành, như Sáu Viễn, Ba Giám, Năm Đức, Tư Phương, Trần Thế; như Bảy Kiệp, Văn Chính, Hai Kiềm, Tư Trương, Thái Hiền Vỹ, Lê Gia Nghĩa, Tuyến, Văn Linh; như Hai Cửu, Hai Trực, Năm Bi, Sáu Rong, Sơn "cò ngẳng', Văn Tranh, Ngọc Cơ, Đức Đền...; như Trần Tống, Bùi Minh Thuận, Sáu Quân, Ba Bãi, Ngọc Mạc, Dương Công Nậy, Tư Thân...; như Minh Khởi, Hồng Khương, Hồng Trọng, Văn Đắc, Văn Thành, Đào Văn Phúc...; như Quang Đẩu, Thành Biên, Đình Chữ, Xuân Đào Minh Hồng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2016, 01:56:44 pm »

        Có nhiều đồng chí trưởng thành từ phong trào Đồng Khởi đã vượt qua vòng vây kềm kẹp của Mỹ nguy lên R tham gia kháng chiến như Xuân Hồng, Phạm Hữu Nghị, Tư Công, Huỳnh Phỉ, Hữu Nghiệp, Cao Châu, Năm Cao... Có các em, các cháu từ các tỉnh thuộc khu 6, 7, 8, 9, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Xuông, Chúp, Côngpôngchàm, Karatié.., của Campuchia đã vượt hàng trăm cây số, qua nhiều đồn bốt địch để về đây kề vai sát cánh cùng các anh các chú như Kim Huê, Kim Dung, Kim Bông, Thị Hường, Thị Hoa, Thanh Mai, Hồng Vân, Thị Bé, Xiu Lan, Xiu Khen.. Như những chăm chỉ theo sự phân công của tổ chức, người làm việc ở căn cứ, người ra phía trước, người đi cơ sở, người theo bảo vệ các thủ trưởng Bộ Chỉ huy Miền đi công tác... Mọi người vừa lo phục vụ chiến đấu và xây dựng bộ dội, vừa phải tự lo cuộc sống con ong hằng ngày.

        Tôi nhận nhiệm vụ Phó ban nghiên cứu tổng hợp (mật danh là a1), kiêm tổ trưởng nghiên cứu địch tình, anh Nguyễn Văn Khả (tức Vũ Nam Bình) làm Trường ban và tổ trưởng nghiên cứu về ta. Ban chúng tôi có từ bảy đến chín cán bộ, mọi người đều hăng hái, tận tụy với công việc. Tháng 7 năm 1970, anh Nguyễn Văn Khả được đề bạt lên cấp trung tá, giữ chức Phó phòng và thường đi tiền phương các chiến dịch của Miền. Tôi phụ trách ban, do đó phải miệt mài học tập nghiên cứu trong thực tế công việc, càng làm tôi càng thấy công việc rất rộng lớn, hệ trọng mà khả năng mình thật ít ỏi. Anh Ba Sủng đã dẫn dắt, giúp đỡ tôi rất nhiều và từng bước tôi đã trưởng thành.

        Thỉnh thoảng, tôi tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm thực tế. Anh em thường hài hước nói: "Trình độ tụi mình chỉ rút rơm trâu ăn mê" hoặc "tổ chức giao nhiệm vụ viết lách thì cứ phải viết, mỏi tay đâu chấm đó!". Trong ban có anh Từ Tư Văn quê Nam Thịnh, Nam Đàn; anh Võ Ngọc Ngà quê Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và anh Nguyễn Hoài Việt quê Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho là những tay viết khá.

        Chúng tôi giao việc phù hợp với khả năng từng người, ai nấy đều hăng hái với nhiệm vụ. Chúng tôi động viên nhau ráng học theo anh Võ Nghi (quê Bình Định) nguyên Trưởng ban 1 đã qua làm Trưởng ban 2 (điều tra) và thường ca ngợi anh Năm Bình là người nói năng lưu loát, lập luận chặt chẽ, viết lách rành rọt... Có người nói học sao nổi? Chúng mình là nông dân thứ thiệt, mới học sơ học đâu dám học kịp anh Tư Nghi, anh Năm Bình đã đậu tiểu học, đang học thành chung trước cách mạng tháng Tám lại đã học tốt nghiệp trường an ninh Liên Xô về? Lại có ý kiến nói: Học theo sao cho kịp được anh Năm Bình? Con người được sinh ra từ đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng là "bút Kẻ Than, gan Liệp Cốc" của đất Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây1?

        Càng trao đổi, chúng tôi càng thấy phải học tập rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Và, dần dần chúng tôi đều đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

        Nhớ lại những câu chuyện trong cuộc chống Mỹ cứu nước, càng thấy quân đội ta quả là trường đại học khổng lồ, cách mạng thật là vĩ đại. Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi được đi mọi miền Tổ quốc, được làm quen với nhiều người tài giỏi, được học tập, rèn luyện trưởng thành.

        Ở Phòng bảo vệ - Quân pháp có cái thích thú là sau mỗi ngày làm việc vất vả, tối đến các anh phát huy sở trường của mình: vài ba anh đi cắm câu, thả lưới, gài bẫy.., ba bốn anh đi săn thú, bắn chim, có nhiều tay súng thiện xạ như Năm Bi, Sáu Sơn, Sáu Viễn, Lâm Thành, Minh Khởi... Giữa năm 1970, gần căn cứ chúng tôi có rất nhiều gà đãy, một loài chim nặng từ 3-4 kilôgam một con, nó có cái túi thòng trước ngực, chúng thường đi ăn xa tận biển hồ Campuchia, chúng để dành những con cá tra năm-ba trăm gram bỏ túi đãy mang về tổ nuôi con. Đó là nguồn bổ sung thực phẩm của chúng tôi trong những ngày thiếu đói. Thịt loài chim này có mùi hôi mốc cá tra nhưng chúng tôi vẫn quý.

        Tôi nhớ hoài một sáng sớm ở căn cứ B, tôi và Ngọc Ngà đi lần bẫy được hai con cheo, một con gà lôi Sau khi nhốt kỹ, chúng tôi đi ăn sáng. Xuống nhà bếp đã vãn người, chỉ còn cô Kim Huê trực. Tôi thấy anh Ba Giám mặt đỏ gay, thở hổn hển, anh nói: "Mình vừa tới thấy cần bẫy 1 động đậy, mình gỡ được một con cheo, lấy dây rừng trói vội bỏ bao thì lại thấy cần bẫy kế bên động đậy. Mình bước tới chụp bắt thì con cheo nhảy tuột gây bẫy chạy mất, mình đến tiếp cái bẫy thứ tư thì nhìn thấy bẫy thứ năm động đậy, mình thầm nghĩ phải nhảy nhanh tới chụp, ai dè nghe tiếng động con cheo phóng mạnh, dây đứt... Thế là hồi hộp đổ dồn, mình quay lại lấy bao để về, nhưng do trói không kỹ nên con cheo đã bắt được cũng biến mất, tiếc quá chừng".

        Mỗi khi bắn được con thú lớn, việc cải thiện không chỉ ở một phòng mà trở thành ngày ăn tươi của một số phòng bạn lân cận. Nguồn thực phẩm tại chỗ đã ứng cứu chúng tôi trong những ngày thiếu gạo. Năm 1970 có lúc ăn bắp 3 tháng liền, năm 1971 lại có lúc ăn đậu xanh trong hai tháng, ba ngày đầu thật ngon miệng, từ ngày thứ tư trở đi bắt đầu ngán không muốn ăn. Có hôm, các bàn ăn đã vắng, chỉ còn tôi và anh Võ Nghi đi hái lá mưng rừng vào ăn kèm với mắm sống và một ít đậu xanh.

        Giữa năm 1970 đang lúc thiếu gạo, có lệnh cho mọi người đi tải gạo. Tôi chỉ mang được 30 ký đã thấy nặng, đi theo đường xe bò của dân. Lúc về gần đến chỗ trú quân, thấy anh Ba Sủng ngồi nghỉ, tôi nói về gần đến nhà sao anh lại ngồi? Anh nói: "Những cây dân chặt cho xe bò đi còn cao, nó gõ vào hai ống quyển tôi mấy cái, đau không đi nổi nữa!". Có hôm đi tải gạo về, tôi gặp anh Bảy Sanh2 cũng ngồi nghỉ gần nhà, tôi hỏi - anh nói "Mệt quá!" Về đến đơn vị, anh Sanh kiệt sức phải cấp cứu Quân y cho biết anh chỉ còn 1,7 triệu hồng cầu.

-----------------------
1. Là địa danh nơi có nhiều quan văn, võ thời xưa, là quê hương tiến sĩ Nguyễn Quý Hiển, người Kẻ Than, được nhà vua bổ nhiệm chức Tổng trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang), thay tiến sĩ Ngô Thời Nhiệm.. Ngày nay ở Liệp Cốc vẫn còn nhiều đô vật giỏi của nước nhà.
2. Thiếu tướng Hồ Văn Sanh, nguyên thiếu tá - Tổ trưởng bình xã luận báo Quân Giải phóng miền Nam, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 05:20:46 am »

*

*        *

        Năm 1971, có lần tại căn cứ B, sau một cơn mưa đầu mùa kéo dài, sáng ra tôi bàn với Ngọc Ngà chập chiều sẽ kiếm mồi, tối nay đi cắm câu thì được nhiều cá lắm, nhân thể cầm theo tấm lưới một đi kiếm mớ cá lòng tong. Ngọc Ngà nói: "Anh Bảy Sang mượn tấm lưới của mình đã hai hôm nay chưa trả". Tôi tranh thủ qua nhà anh Bảy hỏi. Anh vỗ đùi la: "Thôi chết rồi? Lưới của cậu mình rải ngâm, hai bừa rày mình quên béng..." Tức thì anh chạy xuống suối và quay về báo: "Trận mưa đêm qua cuốn trôi mất lưới rồi!" Anh tỏ vẻ tiếc rẻ, hối hận, xin lỗi... Tôi an ủi anh: "Không sao, tôi nhờ nó đã hai năm nay, đã hòa vốn có lời rồi, lưới cũng đã rách nhiều chỗ, rồi ta kiếm cái khác." Tôi bước chân về mà mỗi bước như chậm chạp trở về quá khứ trong những năm 1967 - 1968... Dạo đó, ở Tây Nguyên tôi được Ban bảo dưỡng cán bộ cấp cho ba lạng sợi cước, họ nói là để đổi lấy tay lưới nhỏ mà kiếm cá cải thiện, vì mình hay đi công tác lẻ. Tôi không gặp đâu có dịp đổi lưới dã hơn sáu tháng. Tôi bèn tự đan lưới bằng cách tranh thủ mổ kim tre, làm các thứ đồ nghề đan lưới mà tôi đã từng được tham quan một làng chài hồi còn học cấp 1. Tôi bắt đầu đan lưới từ tháng 8 năm 1967. Cứ thế mà tranh thủ những buổi chiều sau khi mắc tăng võng chuẩn bị chỗ ngủ, lúc chờ cơm, giờ nghỉ trưa.., hoặc những hôm trời mưa tầm tã.., một ngày được hai, ba lối đan, có ngày tranh thủ được nhiều hơn. Cứ kiên trì tranh thủ cho đến một ngày tháng 8 năm 1969 tôi đan xong tay lưới dài 12 mét rộng 0,6 mét, là lưới một tại khu rừng le Cà Tum tỉnh Tây Ninh, đem lưới ra suối nước đục thả được chừng ba lạng những con cá trắng, lòng tong.., tôi và Đinh Quốc Kỳ mừng lắm. Từ đó tay lưới một đã gắn bó với tôi, vậy mà nay đã bị nước cuốn trôi. Tôi nghĩ lưới không thể mất. Trưa đó, tôi lần dọc theo suối, chỉ đi chừng vài chục mét đã thấy lưới bị cuốn vào một hũng nước với nhiều rễ cây, dính một con rắn có khoang xanh khoang vàng và hai con cá nhỏ đều đã chết cứng.

        Tôi lội xuống gỡ đem về, lưới bị rách nhiều chỗ, bị đứt mất một quảng chừng 1 mét. Những ngày sau đó tôi gởi mua sợi cước, sắm dụng cụ vá víu lại, tuy chất lượng có kém, diện tích giảm sút, nhưng vẫn còn dùng được, nhất là dùng vây những hộc nước còn lại trong mùa khô để đón bắt cá từ trong các hàm ếch do rễ cây tạo nên. Về cách bắt cá này thì có anh Từ Tư Văn là có kinh nghiệm, anh là một thanh niên học hết lớp 10/10 quê ở Nam Thịnh, Nam Đàn, Nghệ An. Vào chiến trường Tây Nguyên ở Sư đoàn 1, anh bị sốt rét ác tính thể não, có thời gian trí nhớ giảm sút, sức khoẻ kém hẳn nhưng anh từ chối đi thu dung điều trị dài ngày ở miền Bắc, cuộc sống chiến trường có sức cuốn hút anh, sức khoẻ anh dần hồi phục, và anh về Ban 1 Phòng bảo vệ B2 sau tôi một năm. Có những trưa mùa khô, nóng quá ngủ không nổi, tôi thấy Từ Tư Văn xách lưới đi, tôi đi theo xuống suối đã cạn, dòng chảy bị đứt quãng... đến một hộc nước ngang hai mét dài năm mét, anh Văn rãi lưới bao hộc nước. Tôi nghĩ bụng chỉ cỡ này nước thì làm gì có cá? Tôi nói ý nghĩ đó, Văn xua tay im lặng, tôi đứng nhìn. Anh Từ Tư Văn châm hút một điếu thuốc, rít vài hơi rồi vén quần lội xuống, chỗ sâu nhất chỉ quá đầu gối, anh thò tay quờ chân vào đuổi quãng hàm ếch dưới rễ một gốc cây lớn hơn bắp vế, tức thì có bầy cá trắng, con cỡ hai ngón tay, lao ra, dính lưới, chúng quẫy, liệng những thân mình trắng bạc, trông thật thích mắt. Tôi phụ gỡ cá và nói dễ có đến một lạng, anh nói còn nữa. Đây mới là cá trắng, còn cá trê, cá rô, cá lóc nữa. Tôi phải về vì đã đến giờ đi dự giao ban ở Cục Chính trị. Chiều về tôi thấy một giỏ cá hơn ba ký lô đủ loại cho bữa ăn tươi của Ban nghiên cứu tổng hợp chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2016, 08:07:17 pm »


        7. Ở cơ quan có tầm cỡ chiến lược

        Từ năm 1969 đến năm 1975, trải qua hai lần tách ra, nhập lại của hai Phòng bảo vệ - Quân pháp, do yêu cầu nhiệm vụ nặng nề phức tạp, hoàn cảnh chiến trường chia cắt, xa Trung ương, nhưng được sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy - Cục Chính trị Miền, Phòng bảo vệ - Quân pháp đã từ thực tiễn mà có tổ chức lực lượng với quy mô hợp lý, được lãnh đạo chặt chẽ cả về sinh hoạt và chiến đấu có hiệu quả. Việc tổ chức nắm tình hình, báo cáo lên, thông báo xuống có nền nếp khá tốt Xây dựng được mối quan hệ gắn bó về nghiệp vụ với các phòng bạn trong Cục và các Cục, với Ban an ninh trung ương Cục, thu thập được nhiều tài liệu có giá trị phục vụ kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy, Bộ Chỉ huy và Cục Chính trị Miền về công tác bảo vệ an toàn lực lượng ta, làm thất bại nhiều toan tính của Mỹ - nguy dùng chiến tranh tâm lý, gián điệp đánh phá lực lượng vũ trang giải phóng B2. Có nhiều tài liệu dùng bồi dưỡng nghiệp vụ, thông báo cảnh giác đến các quân khu, tỉnh đội sư đoàn, trung đoàn...

        Mọi việc ở phòng được vận hành nghiệp vụ một cách nhịp nhàng, không ồn ào nhưng đầy khí phách và đạt hiệu quả cao, trong khi kẻ địch vừa đánh phá càn quét, vừa ráo riết đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý gián điệp, rất thâm độc xảo quyệt và lợi dụng sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế, gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất về chính trị, tinh thần khiến tình tình chung và công tác bảo vệ an ninh thêm căng thẳng, phức tạp. Có nhiều thời gian, sẵn nhiều tài liệu về sự chỉ đạo của cấp trên về âm mưu thủ đoạn của địch và về thực tiễn do các đơn vị báo cáo lên, tôi đã đọc, suy nghĩ và hiểu Phòng Bảo vệ an ninh của Cục Chính trị B2 là cơ quan làm tham mưu cho Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền (tức tiền phương của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh) về mặt bảo vệ chính trị, tư tưởng, tổ chức; bảo vệ bí mật, an toàn các lực lượng quân giải phóng miền Nam trên địa bàn B2 (gồm các tỉnh cực nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên, Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định). Các Sư đoàn và Trung đoàn chủ lực thuộc Bộ Chỉ huy Miền - một địa bàn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là cơ quan đầu ngành chỉ đạo các đơn vị tiến hành công tác bảo vệ an ninh quân giải phóng và trực tiếp nắm sử dụng lực lượng, biện pháp nghiệp vụ giải quyết một số công việc trung tâm, đột xuất theo yêu cầu của chiến trường để góp phần hạn chế tiêu cực, nâng cao sức chiến đấu của Quân giải phóng B2.

        Từ đó cho đến khi kết thúc (4-1975) và sau này họp truyền thống ngành hằng năm, tôi đã dự nghe nhiều người bạn hồi tưởng lại đánh giá, kết quả đã có và những sai sót của ngành bảo vệ - quân pháp ở chiến trường, nhất là ý kiến anh Lê Quốc Sủng, anh Vũ Nam Bình (tức Nguyễn Văn Khả), anh Nguyễn Văn Kiện, anh Nguyễn Tái Giám...1. Tuy nhiên, tôi là một cán bộ chuyên sâu về bảo vệ an ninh nên chỉ có điều kiện đi sâu và có nhiều ấn tượng về mảng này.

        Tôi ở đơn vị chiến đấu thường xử trí các việc cụ thể khi về cơ quan thấy phạm vi công tác bảo vệ Quân giải phóng là rất rộng, rất sâu và hệ trọng.

        Vào đầu năm 1965, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phân tích: "Quân Mỹ có thể vào Nam Việt Nam 20 vạn, 30 vạn, 40 vạn quân và hơn thế nữa. Bộ Chính trị đã chỉ rõ là nó vào trong thế thua, thế bị động nên ta phải giữ vững thế tiến công, phải đánh mạnh, phải bám thắt lưng Mỹ mà đánh. Về chiến tranh tâm lý, chúng ta phải nhận thức rằng Mỹ vào thì chiến tranh tâm lý của chúng sẽ tăng gấp 10 lần, thậm chí 100 lần. Tại vì đế quốc Mỹ đưa quân vào là chúng tin, chúng rất tin là chúng sẽ thắng. Bọn Mỹ tin như vậy bọn ngụy cũng tin như vậy. Nhiều người dân trong vùng địch kiểm soát thì lo cho cách mạng lắm, chắc phen này thì cách mạng không tồn tại được. Bè bạn ta trên thế giới cũng không ít người lo lắng cho ta và cho rằng ta không thể đương đầu được với Mỹ.

        Chính từ bối cảnh đó nên quân Mỹ vào thì chiến tranh tâm lý sẽ tăng lên gấp bội. Vì vậy, chúng ta phải đánh thắng Mỹ cả về quân sự và cả về chiến tranh tâm lý của chúng. Ta phải tỉnh táo, tinh tường để vạch ra mặt yếu của chiến tranh tâm lý, vạch cái xấu xa bỉ ổi của chiến tranh tâm lý và ta phải xây dựng cho bộ đội, cho nhân dân ta vững về chính trị, vững quyết tâm đánh Mỹ - đánh thắng những mưu mô xảo quyệt về chiến tranh tâm lý của Mỹ".

------------
1. Đại tá Nguyễn Vãn Khả: Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quăn đội, nguyên Phó phòng Bảo vệ B2; anh Nguyễn Vãn Kiệp: Thiếu tướng, nguyên Phó phòng Bảo vệ B2 và anh Nguyên Tái Giám là Đại tá, nguyên Phó phòng Bảo vệ B2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 12:44:37 pm »

        Để đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, quân giải phóng B2 đã được Đảng ta đánh giá đúng về mức nguy hiểm và những điểm yếu cốt tử của chiến tranh tâm lý và nhận định đánh giá đúng ưu thế tuyệt đối về chính trị của nhân dân ta, quân đội ta, chúng ta đã có nhiều chủ trương biện pháp xây dựng bảo vệ một cách vững vàng chặt chẽ và giữ vững quyết tâm nên ta đã từng bước đánh thắng và cuối cùng đã đánh thắng các mưu mô chính trị xảo quyệt của chúng.

        Tôi nhớ lại, hồi đó nói chiến tranh tâm lý tức chiến tranh chính trị hoặc chiến tranh cân não - là sản phẩm tổng hợp của người Mỹ với nền kinh tế khổng lồ, đội quân hùng mạnh cùng với lắm mưu sâu kế độc (đã thể hiện liên tiếp 21 năm trời) nhằm nghiền nát bằng được phong trào cách mạng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tiến tới bao vây, uy hiếp các nước XHCN. Họ đã dùng ba thủ đoạn: đe dọa uy hiếp, xuyên tạc đả kích và dụ dỗ mua chuộc. Từng thủ đoạn đều nguy hiểm, nhưng đáng chú ý hơn cả là đe dọa uy hiếp. Họ rắp tâm tiêu diệt cách mạng miền Nam nhưng với danh nghĩa giúp chính phủ Việt Nam cộng hòa ngăn chặn cộng sản Bắc Việt xâm lược.

        Chiến tranh tâm lý của Mỹ trong điều kiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới gắn với chiến tranh quân sự (mà sức mạnh quân sự của Mỹ là mạnh thật sự - Mỹ chưa thua ai về mặt quân sự) thì chiến tranh tâm lý càng ghê gớm bằng thủ đoạn đe dọa, uy hiếp.

        Cho nên, công tác giáo dục chính trị, chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội đã phải rất công phu, sắc bén để xây dựng lý tưởng cách mạng, nuôi dưỡng vun đắp lòng yêu nước và chí căm thù quân xâm lược, giữ vững ý chí chiến đấu và quyết thắng cho bộ đội là vấn đề vô cùng rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lúc bấy giờ.

        Thực hiện nhiệm vụ chức trách được cấp trên chỉ đạo, Phòng Bảo vệ an ninh - Quân pháp Quân giải phóng B2 đã phải đối phó rất căng thẳng để bảo vệ chính trị tư tưởng tổ chức của lực lượng vũ trang B2 mà chủ yếu là bảo vệ ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội.

        Thời kỳ đầu chiến tranh cục bộ chúng tôi đã nghe inh ỏi những hù dọa (bằng truyền đơn thả trắng rừng, bằng máy bay gọi loa, bằng rỉ tai hăm he...) nào là Mỹ sẽ dùng những đơn vị sừng sỏ: "Anh cả đỏ", "tia chớp nhiệt đới", "kỵ binh bay", "mãnh hổ", "trâu điên", "rắn độc"... Họ sẽ dùng pháo đài bay B52, những "thần sấm". "con ma", "cánh cụp cánh xòe", những pháo bầy, pháo chụp... Họ sẽ dùng những chiến thuật "bủa lưới phóng lao", "phượng hoàng vồ mồi"... Những "'thiết xa vận", "trực thăng vận" để "chụp bắt cơ quan đầu não", "tìm diệt các sư đoàn chủ lực của Việt cộng và kết thúc chiến tranh" v.v...

        Song song đó, máy bay địch vè vè gọi loa "chiêu hồi sau những trận bom B52 "kêu gọi về với chính quyền quốc gia sẽ được trọng dụng", hướng dẫn "dùng giấy thông hành tìm về với chính phủ quốc gia", phát loa lời nói của những tên đầu hàng phản bội rủ rê chiêu hồi, phát loa lời mẹ ru con, gọi cha về, xen trong tiếng trẻ thơ khóc trong đêm lải nhải đâu đó trên đầu chúng tôi...

        Trong khi đó, không ít đơn vị bộ đội ta gặp lúc đói rét, gặp khó khăn sau trận chiến, có những người đi công tác lẻ nhằm lúc gặp hiểm nghèo, gian nan, ốm đau, thất lạc giữa rừng hoặc không may sa vào tay giặc...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 12:29:43 am »

        Ngành bảo vệ an ninh đã phải làm nhiều việc. Vấn đề cơ bản nhất ở chiến trường ác liệt là phải dựa vào quần chúng, huy động trí tuệ và trách nhiệm chính trị của đông đảo quần chúng, hướng dẫn quần chúng hoạt động cụ thể để bảo vệ đơn vị mình, làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền đã mở cuộc vận động "cảnh giác chống địch, phòng gian bảo mật" nhằm nâng cao cảnh giác cách mạng cho toàn quân, nâng cao năng lực đề phòng - chống đánh các âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, bảo vệ cho lực lượng vũ trang ta được vững mạnh, gìn giữ được những cơ mật của chiến đấu, bảo vệ được an toàn cho mọi hoạt động của bộ đội ta.

        Chiến tranh ác liệt, hình thái chiến trường xen kẽ giữa ta và địch, sự chỉ đạo của trên xuống bị hạn chế nhưng bộ đội đã duy trì được cuộc vận động trong suốt cuộc chiến tranh. Các biện pháp để duy trì cuộc vận động được thực hiện rất tích cực và có nhiều sáng tạo đã gắn chặt cuộc vận động này vào công tác xây dựng chi bộ 4 tốt, đảng viên 4 tốt.

        Nề nếp sơ kết 6 tháng, tổng kết cuối năm và bình bầu công nhận các đơn vị đạt tiên tiến về phòng gian bảo mật được duy trì đều đặn. Cảnh giác, phòng gian bảo mật đã hình thành nếp sống "đi không dấu, nấu không khói, nói không to" trong Quân giải phóng. Tại nhiều đại đội chiến đấu kho trạm, đường dây và các cơ quan đã có nhiều sáng kiến để vô hiệu hoá các thiết bị hiện đại của Mỹ nhằm phát hiện bộ đội ta bằng "cây nhiệt đới", tia hồng ngoại, máy dò tiếng động... Chiến sĩ ta đã hành quân theo dòng suối mát để vô hiệu hóa các máy rađa địa chấn, bằng cách để các lon, thùng nước tiểu rải rác trong rừng để đánh lừa các máy đo hơi người, buộc quân Mỹ trút bom đạn xuống những nơi không có một bóng người, vì máy không phân biệt được mồ hôi và nước tiểu; bằng cách trải vải che mưa hoặc nhờ dân trải chiếu trước mỗi khi hành quân qua lộ rồi cuốn cất, không để lại dấu vết Cuộc vận động còn góp phần phát hiện, đánh bắt bọn biệt kích, thám báo dò la nơi đóng quân của ta...

        Kết quả các đơn vị đạt tiên tiến phòng gian bảo mật ngày càng cao, cao nhất là các cơ quan đầu não B2, Đoàn 69 (pháo binh Biên Hòa), Sư đoàn bộ binh 7, 9, 5. Những tổn thất, thương vong do mất cảnh giác giảm rõ rệt.

        Nhìn lại cuộc vận động "Cảnh giác, chống địch, phòng gian bảo mật" của các lực lượng võ trang chiến trường B2 thấy kết quả thật to lớn. Đây là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của công tác bảo vệ trong chiến tranh chống Mỹ.

        Trong những năm từ 1967 đến 1969, địch đẩy cao cường độ chiến tranh tâm lý và hoạt động quân sự. Đây cũng là lúc ta có những đơn vị gặp khó khăn tổn thất, tư tưởng dao động hoài nghi xuất hiện. Số cán bộ chiến sĩ ta bị địch bắt làm tù binh lên tới hàng chục ngàn người. Có những kẻ mất lòng tin đi đầu hàng giặc, trong đó có gần chục người đã là sĩ quan cấp tá, giữ chức trung đoàn trưởng, phân khu trưởng. Qua nghiên cứu theo dõi tình hình địch, ta biết chúng có âm mưu "dùng người của ta đánh lại ta" bằng nhiều thủ đoạn, hình thức. Phòng Bảo vệ - Quân pháp đã thông báo và tổ chức lực lượng đón bắt những kẻ do địch tung trở về vùng giải phóng.

        Trong 3 tháng cuối năm 1968 - đầu 1969, ta đã bắt xét hỏi hơn 40 người, xác minh điều tra làm rõ trên 35 người. Qua đó cho thấy rõ các âm mưu thủ đoạn mua chuộc, khống chế, tẩy não, huấn luyện, giao nhiệm vụ trở về trà trộn vào hàng ngũ quân giải phóng làm nội gián, làm thám báo, biệt kích chỉ điểm... Ta dã tổ chức mở phiên tòa án binh xét xử công khai tại vùng giải phóng và viết thành chuyên đề "âm mưu thủ đoạn của địch dùng người của ta đánh lại ta và biện pháp ngăn chặn" làm tài liệu thông báo, giáo dục quản lý đến cơ sở. Từ đó, tình hình ổn định dần, đập tan âm mưu thủ đoạn của địch, góp phần củng cố, giữ vững ý chí chiến đấu của bộ đội.

        Từ mất lòng tin, đầu hàng phản bội, bị bắt rồi mất khí tiết, khai báo địch thu tin tức bí mật, gây nên biết bao nhiêu phức tạp khác nữa. Những tên Trần Văn Đ (tức Tám H), Hai N, Xuân C, Phan M, Phan Văn X đã gây cho ta những tổn thất về nhiều mặt. Tổn thất lớn nhất là suy giảm lòng tin của bộ đội. Cấp ủy và chỉ huy các cấp đã phải mất nhiều công sức giáo dục củng cố, lãnh đạo xây dựng lại đơn vị.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM