Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:23:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 39130 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2016, 06:12:00 am »


*

*         *

        Ngày 5 tháng 3 năm 1966, công tác chuẩn bị trận tiêu diệt căn cứ biệt kích A Shầu đã hoàn tất thì trong bản tin chiều 5 tháng 3, đài BBC đưa tin có hai cán binh Bắc Việt vào đầu hàng ở A Shầu. Thường vụ Đảng ủy yêu cầu phòng chính trị xác minh kết luận ngay trong đêm mùng 5 để chiều 6 tháng 3 có quyết tâm đánh hay chưa đánh.

        Vào lúc 19 giờ ngày 5 tháng 3 năm 1966, đồng chí thượng tá Trần Văn Trân - Sư đoàn phó giao nhiệm vụ cho tôi (lúc đó là đại úy trợ lý bảo vệ) đi qua phân đội nghi binh ở A Cáo xem thực hư thế nào, nếu có kẻ đầu hàng thì mức độ hiểu biết của họ về kế hoạch tác chiến của Sư đoàn đến đâu? Từ đó để tính toán lợi hại và đề xuất nên đánh hay chưa nên đánh? Anh Trân cho biết Sư đoàn sẽ cho xác minh trên các hướng khác ngay trong đêm nay để kịp tổng hợp báo cáo trước thường vụ lúc 15 giờ ngày mai. Anh Trân nói tiếp: "Từ đây qua A Cáo mất ba tiếng đồng hồ đi ban ngày, bây giờ trời mưa lại đi ban đêm, phải khẩn trương lắm mới kịp về đây trước ba giờ chiều mai. Để bảo đảm công việc, Sư đoàn đồng ý cho sử dụng vệ binh hoặc trinh sát với số lượng và trang bị thế nào tùy cậu lựa chọn, tối đa không quá một đại đội". Tôi nói: "Đi đông nặng nề lắm, tôi chỉ xin một tổ trinh sát ba người mà tôi đã quen sử dụng trong một đợt chuẩn bị địa hình vừa qua". Anh Trân đồng ý.

        Trời vẫn mưa. Bốn chúng tôi lên đường lúc trời đã tối mịt. Khi tôi đi ngang qua Phòng Tham mưu, thiếu tá Trần Hữu Xưng tham mưu phó nhắc tôi phải cảnh giác, chống địch phục kích trên đường đi, nhất là khi đến, cần đề phòng địch đã chiếm lĩnh trận địa, đón sẵn tại A Cáo. Tôi gật đầu ghi nhận. Chúng tôi lầm lũi đi trong đêm tối, đường trơn, bùn nhão nhoẹt. Cách Sở chỉ huy khoảng một cây số, tôi cho tạm dừng, dặn anh em những điều cần thiết rồi đi theo đội hình chiến đấu, nếu gặp địch thì tìm cách vòng qua. Chúng tôi đi, đói thì nhấm nháp gạo rang, khát thì uống nước bi đông, giữ tốc độ 4km/giờ để tranh thủ thời gian. Dọc đường có gặp một số trở ngại, chúng tôi đều vượt qua và đến khu vực A Cáo lúc một giờ sáng. Tôi cho dừng lại, tản ra, cử một người lên dò xét. Thấy có bóng người, tôi dùng mật khẩu hô: "Ai? 38?" Có tiếng đáp: "Tôi, 42". Mừng quá, đúng cộng tròn 80 là người của ta. Tôi tìm gặp đồng chí Phát đại úy, mũi trường mũi giương công để nắm tình hình chung rồi lần lượt đi gặp những người cần thiết, khó nhất là tìm gặp cho được chị du kích dân tộc Pakôk, người đã tận mắt nhìn thấy hai tên đầu hàng đi vào đồn địch lúc 4 giờ chiều ngày 4 tháng 3.

        Xong việc lúc gần 9 giờ, tôi gặp lại đồng chí Phát để nói lời cảm ơn về ý thức bảo mật chiến dịch lúc phổ biến nhiệm vụ cho phân đội nghi binh, rồi tôi quay về Sở chỉ huy Sư đoàn. Trời tạnh mưa, tôi vừa đi vừa suy nghĩ nội dung báo cáo và đề xuất đánh hay chưa đánh? Dọc đường về tôi gặp một cán bộ trinh sát và được biết địch đã tăng thêm 150 tên biệt kích Núng xuống đồn A Shầu.

        Thượng tá Trần Văn Trân đón tôi lúc 12 giờ rưỡi. Tôi báo cáo họ tên, cấp chức, quê quán, đơn vị và thời gian hai tên đầu hàng đã vào đồn địch, xác định mức độ hiểu biết bí mật của chúng và đề nghị cứ đánh tiêu diệt bằng sức mạnh áp đảo. Anh Trân chăm chú lắng nghe và biểu dương chúng tôi.

        Tôi hiểu, bằng nhiều nguồn tin và các yếu tố quan trọng khác, Sư đoàn đã hạ quyết tâm, được cấp trên phê duyệt.

        Trận đánh đã diễn ra trong hai đêm và hơn một ngày, với kết quả: Quân ta đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ 7 đại đội và 150 tên biệt kích, thu toàn bộ vũ khí trang bị, san phẳng căn cứ A Shầu, giải phóng vùng rừng núi rộng lớn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Đây là trận đánh được Bộ Tổng tư lệnh đánh giá là một trong tám đòn sấm sét mà Quân giải phóng miền Nam đã giáng vào đầu bè lũ Mỹ nguy trong mùa xuân năm 1966.

        Viết lại những kỷ niệm này gợi nhớ trong tôi hình ảnh nhanh nhẹn của tổ trinh sát do thiếu úy Trần Quang Nha, người Nam Đàn chỉ huy, đã cùng tôi vượt qua gian nan trong một đêm thức trắng. Đặc biệt, tôi nhớ đồng chí Trần Văn Trân, một cán bộ chỉ huy mưu trí, quyết đoán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2016, 09:05:16 am »


*

*          *

        Sau chiến công dầu tiên diệt đồn A Shầu, Sư đoàn đã chuẩn bị một tiểu đoàn bộ binh đánh quân đổ bộ đường không và một trung đoàn bộ binh đón đánh quân Mỹ nhảy cóc đến ứng cứu, nhưng kế hoạch đó không thành do địch không đến. Sư đoàn tiến hành thu quân để hành quân vào Tây Nguyên trong khi phải tiếp tục chịu trận thiếu đói dài ngày do cơ quan tham mưu tính toán trên bản đồ đường đi từ A Túc đến A Shầu theo dân đi chỉ mất ba ngày, nhưng bộ đội hành quân mang vác nặng - khẩu sơn pháo 75 ly, các khẩu ĐKB, cối 120 ly, súng cao xạ 12,8 ly đều phải tháo rời khiêng vác; công binh lại phải khắc phục đường nhiều chỗ - nên phải mất bảy ngày. Gạo mang theo thiếu hẳn 8 ngày (4 ngày vào và 4 ngày ra). Việc tìm lương thực cho hơn 8.000 người ở giữa rừng xanh thật nan giải. Sư đoàn đã dùng các biện pháp tình thế: Bộ đội ăn ngày bảy lạng gạo xuống ba lạng rưỡi, xin địa phương cho hai triệu gốc sắn nhưng đã ăn hết chỉ trong ba ngày. Môn thục, rau rướn và các thứ rau rừng khác cũng nhanh chóng bị vét sạch... một chiến sĩ pháo binh nhổ trộm gốc sắn dân phát hiện, thấu tai Sư đoàn trưởng Vương Tuấn Kiệt, ông yêu cầu quân pháp mở phiên toà xử tội. Tôi được dự họp dân làng để xin ý kiến. Sau khi nghe thông báo sự việc, tức thì một phụ nữ trạc 40 tuổi đứng dậy khóc ròng, xen lẫn trong tiếng nấc là tiếng chị tự đấm vào ngực thình thịch và chị tự nói: "Lỗi tại mình, tại mình! Cách mạng dặn rồi, phải lo vận động dân, làm mà nuôi cách mạng khi cách mạng về. Nay cách mạng về để cách mạng đói, trời ơi là trời!..." Cuộc họp lặng ngắt, nhiều cặp mắt rưng rưng, có tiếng thút thít... Cuộc họp phải giải tán. Tìm hiểu, tôi được biết người khóc là chị Y Hoa, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ giải phóng huyện A Lưới. Về sau không lập phiên toà xứ án chiến sĩ nọ nữa, vì dân không đồng tình.

        Việc chôn cất tử sĩ được các đơn vị báo cáo về Sư đoàn đã giải quyết xong. Mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh yêu cầu phải chôn cất tử sĩ thành nhiều cụm, cách xa hàng rào địch trên 500 mét. Các đoàn kiểm tra thấy phần lớn đã chôn cất anh em gần đồn quá, lại phải moi lên, khiêng đi... Trời bỗng nắng, mới ba ngày, nhiều thi thể đã phân hủy, mùi nồng nặc. Có dầu khuynh diệp cho anh em dùng, nhưng không át nổi. Không ít đồng chí bị ói ộc lên thi thể tử sĩ. Có túi ni lông bọc thi thể nặng quá vì ứ nước, họ chọc thủng cho chảy bớt thứ nước nhờ nhờ sẫm nhiễu đây đó... Không ít anh em cằn nhằn, phản đối lệnh. Tôi nhẹ nhàng động viên, an ủi... Tôi cùng anh em tiểu đoàn vận tải làm từ nửa buổi sáng đến xế chiều mới xong ở một hướng. Về nhà, trong tôi vẫn còn mùi đâu đó, tắm giặt rồi vẫn có mùi, miệng lợm chực muốn ói, không muốn ăn uống gì hết. Đêm nằm tôi cứ chập chờn mường tượng những hình ảnh đã qua trong ngày. Hôm sau, những vết vắt cắn cứ mọng nổi lên đầy mủ trắng, người ngây ngấy như muốn sốt.

        Chín giờ sáng ngày 13 tháng 3 năm 1966, Phòng Chính trị giao nhiệm vụ cho tôi đến thăm, cám ơn đoàn của anh Thệ và tặng một khẩu súng tiểu liên các bin làm quà chiến lợi phẩm. Tôi được mời ăn một bữa cơm no với Ban chỉ huy tiểu đoàn. Tối đến, tôi và em Đinh Như Thái có dịp tâm sự, tôi sẽ đi tiếp vào Bác Ân (Tây Nguyên). Em Thái chuẩn bị cho tôi một ba lô sắn nướng mang về làm quà cho anh em.

        Tôi về đến đơn vị lúc ba giờ sáng, khi mọi người đang ngủ ở trạm dưới chân dốc A Pỉ. Tôi lần mò tìm võng của anh Thái Bá Nhiệm. Anh Nhiệm nói: "Ninh về rồi đó à? Cậu chuẩn bị sẵn sàng đi tiền trạm vào Bác Ân". Tôi nói: "Sẵn sàng, bây giờ anh có ăn sắn nướng không?". "Đâu có mà ăn?". Tôi móc cho anh một củ còn ấm. Anh ngồi dậy bóc ăn một miếng và nói: "Ngon quá mày ơi? Ở mô có ri?" - (' Chú Thái nó cho". Anh hỏi: "Còn không? " Tôi đáp: "Còn". Anh nói: "Để đem cho anh em người một miếng khi đang đói".

        Phải mất ba ngày chịu thiếu đói nữa chúng tôi mới nhập trạm vào đường dây 559. Lúc đó mới có gạo ăn theo tiêu chuẩn. Ai nấy đều phấn khởi, đội hình gọn theo giao liên dẫn đường từng trạm.

        Một hôm, được nghỉ trưa dọc bờ suối mát, chúng tôi thích lắm, ngâm chân hồi lâu mới nhận ra các vết chai nứt ở bàn chân đều bở mềm, chỉ cần dùng móng tay hoặc dao găm cạo nhẹ nhàng đã trắng sạch, thành những bàn chân gót son đẹp. Nhưng khi tiếp tục hành quân, ai nấy mới nhận ra đau chân dữ dội, những vết nứt đã cạo hết chai thành những điểm rỉ máu. Tôi đi sát sau anh Thái Bá Nhiệm, tôi nhìn rõ những điểm cứ rỉ máu sau mỗi lúc anh đặt gót chân nhún bước tới.

        Chắc là anh đang đau lắm. Tôi nói: "Gót chân anh rịn máu nhiều quá" Anh nói chịu đựng được. Đợi đến giờ nghỉ 10 phút, anh lục ba lô đeo đôi bít tất vào, lại tiếp tục hành quân. Tôi thầm nghĩ trong cái dáng vẻ trắng trẻo, thư sinh dong dỏng cao ấy là một bộ óc đầy nghị lực dũng cảm. Hình ảnh này gợi nhớ hồi tôi làm chính trị viên tiểu đoàn, dẫn đơn vị đi B, anh nghe tôi báo cáo lại, lúc chuẩn bị vượt sông Gianh tại làng Cao Lao thượng, máy bay Mỹ ném bom bắn phá bến vượt, tôi đã cùng anh em tìm chỗ ẩn nấp, vài phút sau báo yên mới lên thuyền vượt sông. Anh Thái Bá Nhiệm1 chê tôi nhát và nói: vị trí người chính trị viên lúc đó là phải đứng ngay trên thuyền gọi đồng đội cứ vượt sông, mặc cho bom đạn Mỹ". Tôi vui vẻ ghi nhận để rút kinh nghiệm.

        Lại nói, có lần anh Trần Văn Trân kể chuyện: Hôm 15 tháng 2 năm 1965, lúc máy bay Mỹ đánh phá doanh trại Sư đoàn 325 tại Quảng Bình, anh Trần Văn Trân bồng bé Bích Thủy xuống hầm ẩn nấp còn anh Thái Bá Nhiệm (trực chỉ huy) đã chụp ngay máy điện thoại gọi trực ban giao nhiệm vụ nắm tình hình và nhắc trực ban Sư đoàn: Phải giữ vững hệ thống chỉ huy của đơn vị.

--------------
1. Đồng chí Thái Bá Nhiệm, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, tháng 6 năm 2006 tôi ghé thăm, anh còn khỏe mạnh ở Đồng Hới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2016, 08:06:32 am »

       
        3. Những tấm lòng vàng trên dất Tây Nguyên

        Ngày 20 tháng 3 năm 1966, tôi nhận nhiệm vụ chính trị viên đoàn tiền trạm của ba cơ quan Sư đoàn vào Bác Ân. Sau hơn một tháng hành quân theo trạm, chúng tôi tách khỏi đường dây 559 tại tây sông Sa Thầy, được cán bộ địa phương dẫn đến các làng bản: Plăng kết, Tăng chí, Tăng vai.., nhờ giúp đỡ. Tại các khu vực này, rừng đại ngàn nhiều nơi chưa có dấu chân người. Một hôm, khi chúng tôi đến gần bản Tăng Chí, bỗng có một đoàn gồm nhiều người đàn ông quỳ đón dọc đường, ai nấy ngửa tay phải ngang trán, trên đó có nắm thuốc rê. Theo sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, chúng tôi lấy mỗi nơi một nhúm đều khắp. ông già làng rất vui khi đón chúng tôi. Tuy khác ngôn ngữ, chỉ nghe người dịch được chút ít nhưng không khí thương mến, phấn khởi bao trùm. Ông già làng mời chúng tôi ăn cơm tối tại nhà Rông của làng. Thức ăn được để trên mặt bàn rộng khoảng 1 mét, dài 3 mét chính giữa nhà. Dân làng ngồi theo ba hàng dọc sát phên quanh phòng. Dãy ghế trên chính giữa là ông già làng và hai cụ cao tuổi. Chúng tôi có năm người đại diện cho đoàn tiền trạm, mỗi người được trao một cái dĩa đi theo ông già làng và hai cụ cao tuổi. Đến mỗi món ăn, tôi nhúm một ít cho vào đĩa của mình, vừa để ý nhìn dân, tôi nhận thấy lần lượt những ánh mắt tươi cười... Tôi ngầm hiểu chủ nhân của từng món ăn. Khi đã trở về chỗ ngồi ăn tôi thấy còn nhiều ghế khách bỏ trống, do chúng tôi chỉ cử năm đại diện.

        Tối đến là buổi liên hoan múa hát thật tưng bừng nhộn nhịp. Chúng tôi cùng tham gia một số tiết mục đơn ca rồi ra ngồi xem. Hồi lâu, tôi bỗng chú ý đến một thanh niên trạc 30 tuổi, đa ngăm, ngực nở, mắt to, răng trắng đều. Anh múa rất điệu nghệ với vẻ mặt rất tươi. Có điều, anh chỉ đóng một cái khố. Tôi hỏi chuyện ông già làng mới biết anh tên là Alinhơl, nghèo lắm vì có một đứa con cứ đau ốm hoài. Cuộc vui gần vãn, tôi ngoắc anh ra. Tôi cởi cái quần dài đang mặc, trao tặng anh. Anh Alinhơl mặc vào, với vẻ mặt rạng rỡ anh tiếp tục múa hát say sưa, cuộc vui lại rộn rã kéo dài tới khuya.

        Một đêm khuya sau đó mấy hôm - khi chúng tôi đang ngủ say sau một ngày lội rừng phân chia khu vực tìm nơi sẽ đóng quân cho các cơ quan đơn vị trực thuộc, bỗng nghe có người gọi, tôi thức dậy gọi một đồng đội cùng tiếp khách. ông già làng đến. Anh Alinhơl tay ôm con gà trống, nách kẹp chai mật ong rừng, sau lưng Alinhơl là một phụ nữ khoác cái gùi hàng nặng trĩu. Người phiên dịch cho biết anh Alinhơl vừa được Giàng sai khiến bộ đội giải phóng đến cứu giúp, năm tới con hết bệnh, nay đem lễ vật đến nhờ bộ đội giải phóng cúng Giàng giùm. Chúng tôi nhận lời và từ chối nhận lễ vật. Vợ chồng anh Alinhơl cứ khẩn khoản mãi. ông già làng nói: "Cái bộ đội giải phóng này, mày phải nhận lễ cúng Giàng, tao mới ưng cái bụng". Bí quá tôi xin nhận chai mật ong, ba trái bắp, một trái bí đỏ. ông già làng gật đầu nói: "ứ, cũng được". Tôi đem tặng anh Alinhơl tấm vải nhựa che mưa của mình với ý nghĩ khi cần thì che mưa bằng tấm nilon tăng võng cũng được. Hai vợ chồng anh Alinhơl vui vẻ ra về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 08:45:44 am »


*

*          *

        Chúng tôi dẫn bộ đội về địa điểm trú quân cách đường trục chừng non cây số. Hôm sau, anh em bắt đầu chặt cây, cắt tranh, làm lán trại. Nhiều bãi tranh cách nơi trú quân trên 1 kilômét. Các đường rẽ từ đường trục vào các nơi trú quân hiện thêm thay đổi liên tục do nhiều đơn vị mở thêm. Hôm đó, tôi đi cắt tranh về đã sẩm tối, tôi cứ chạy lui chạy tới trên đường trục không biết rẽ lối nào. Tôi cứ loay hoay chừng 30 phút. Cuối cùng, tôi quyết định dựng gánh tranh xuống và cứ đi đại vào một lối, hỏi ra mới biết lối về đơn vị tôi cách đó không xa lắm. Tôi về đến nhà đã tám giờ tối. Anh Hồ Sơ Nhã, thiếu tá cùng các đồng chí Quế, Diễn, Xuân và Ksor Minh - một trung úy người dân tộc Ê đê mới bổ sung về Ban bảo vệ Sư đoàn đang quây quần bên soong cháo thịt. (Anh Ksor Minh đã tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội, 26 tuổi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, giỏi tiếng êđê, Giarai, biết tiếng Bana).

        Tôi đang đói, khát và mệt. Anh Nhã nói cậu bị lạc hay sao mà về tối quá rứa? Tôi nói: "Bị lạc". Anh Nhã nói vui, nếu bị lạc mà tự tìm về được là tốt rồi, cháo đã để phần cho cậu, nếu còn mệt thì nghỉ cho khỏe đã rồi ăn, nếu ăn được thì vào ăn luôn cho đông vui. Tôi vào ăn luôn. Vừa ăn, tôi vừa hỏi thịt gì, ở đâu có thế này? Cứ thế mỗi người một mẩu góp thành câu chuyện thú vị. Số là Ksor Minh đi trinh sát địa hình quanh khu rừng Sư đoàn bộ đóng quân gặp một con mễn, nó vểnh tai đứng nhìn nghe ngóng, tức thì anh vẩy một phát súng ngắn đang cầm tay. Con mễn giãy đành đạch. Anh kéo nó vào giấu trong bụi rồi tiếp tục nhiệm vụ. Một giờ sau, Anh quay lại nhìn thấy con mễn đã chết. Anh vào một đơn vị cách đó chừng 500 thước thăm dò không nghe ai nói gì vì họ mải đào hầm chặt cây, dựng nhà, có nhiều tiếng động, không ai để ý. Cẩn thận hơn, anh về đơn vị nói thật với anh Nhã là mình đã nổ súng trong căn cứ và xin nhận kỷ luật Anh Nhã hỏi kỹ lại và nói ở nhà không nghe tiếng nổ. Anh Nhã gọi máy trao đổi với anh Thái Bá Nhiệm và đồng ý cho Ksor Minh cùng Quế đi kéo con mễn về, xẻ thịt biếu cho vài đơn vị bạn, còn bộ đồ lòng, đầu và chân nấu cháo. Tôi đang đói và khát nên vừa húp cháo mễn ngon lành, vừa nghe chuyện, lòng rộn ràng vui mà nhớ hoài không quên. Cũng dạo ấy, trước đó vài hôm, Minh hái về một bọc trái sung, anh em chúng tôi đều ăn, ai nấy cho là ngon bùi, chừng 30 phút sau tôi thấy người nôn nao khó chịu, bụng đau lâm râm. Còn anh Hồ Sĩ Nhã thì nôn thốc nôn tháo ra cả mật xanh mật vàng.

        Đồng chí đại úy Hoàng Thao chính trị hiệp lý viên Phòng Tham mưu đi cắt tranh dã hơn hai ngày nay không thấy về. Đồng chí Hoàng Thao khoảng 40 tuổi cao cỡ 1 mét 6, nặng 60 kilôgam, da ngăm, răng vàng khè do hút thuốc lào, tính tình vui vẻ, tuy trong tiếp xúc thường xuề xòa, quê anh ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đơn vị tổ chức nhiều tốp đi tìm. Ba ngày sau mới tìm thấy anh Hoàng Thao đang ôm cây ngồi trên chừng ba một cây rừng to một người ôm không xuể Anh ngồi cách mặt đất chừng 3 mét, hai chân buông thõng, không kêu nổi nữa. Anh em phải dùng võng buộc một đầu vào cây, cho anh ngồi lọt vào võng và thòng dây đưa anh xuống, khiêng cáng về. Đơn vị đã chạy chữa cả tháng sau anh Hoàng Thao mới ăn uống, đi lại được. Nhưng từ đó, anh như người mất hồn, trí nhớ gần như không còn, đơn vị phải gởi anh về miền Bắc chữa trị.

        Sư đoàn chúng tôi mang phiên hiệu Nông trường 10. Các trung đoàn xuống hoạt động vùng Plây-di- răng, Đinamô, Đức Vinh, Thăng Đức, Đức Cơ... Chúng tôi ở gần làng Tung 1, Tung 2. Giữa năm 1966, trong một lần đi công tác xuống cơ sở, tôi và đồng chí Ksor Minh đi nắm tình hình qua những làng dân tản cư nhiều nơi trong huyện Đức Cơ. Tôi bị sốt mê man đã ba ngày, không ăn được cơm tại làng Pleinuk. Đồng chí Ksor Minh đã dùng chiếc áo đen cụt tay đổi con gà nấu cháo bón cho tôi từng muỗng. Tôi tỉnh dần, hai ngày sau tôi ăn được Chén cơm. Anh em dìu nhau về đơn vị. ít lâu sau, trong buổi họp chi bộ hàng tháng, đồng chí đại úy Trần Ngọc H., đảng viên chính thức hỏi việc đổi gà nấu cháo, đối chiếu với chủ trương "cho không lấy, thấy không xin, không mua bán đổi chác" thì đúng hay sai. Cuộc họp im lặng, không khí chùng xuống. Tôi ngồi im suy nghĩ, chưa biết nên nói gì thì đồng chí Minh đứng dậy với vẻ mặt giận dữ, tự đấm vào ngực vừa nói: "Đó là việc của tui tui làm trên quê hương tui để cứu một đồng chí sốt nằm mê man đã ba ngày... Sao bây giờ kiểm điểm? Kiểm điểm ai? Kẻ vi phạm là tui đây nì, có ưa kỷ luật gì thì kỷ luật tui đây nì! Nếu để một đồng đội chết hôm đó thì ai kiểm điểm ai?" Để kết luận sự việc, đồng chí Thái Bá Nhiệm, Chủ nhiệm chính trị nói: "Trong trường hợp phải cấp cứu như đồng chí Minh kể thì không thể áp dụng cứng nhắc vấn đề kỷ luật dân vận", đồng chí nói tiếp: "Thay mặt cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, tôi thành thật cám ơn và biểu dương đồng chí Võ Khắc Minh đã nêu cao tình thương yêu cứu giúp đồng đội lúc gặp khó khăn hoạn nạn".

        Lại nói, cũng dạo đó trong khi phát biểu đánh giá tình hình tư tưởng bộ đội, đồng chí Nguyễn Đ, nói: "Chúng ta đã vượt qua được trận đói ở A Shầu và hành quân vào được đến đây là một sự cố gắng nhất định, nhưng chưa thấm vào đâu. Sắp tới còn gay go ác liệt hơn, đói khát dài ngày hơn đang chờ đợi chúng ta, phải kiên định vững vàng..." Tức thì đồng chí chiến sĩ Nguyễn Ninh, một thanh niên ở làng quê Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cau mày ghé tai tôi hỏi: "Vượt qua trận đói ở A Shầu và dìu nhau vào được đến đây mà chưa thấm vào đâu thì sắp tới chắc phải chết hết hay sao?". Tôi nói: "Vừa qua chúng ta đã vượt qua thử thách lớn, đã giành được thắng lợi, trưởng thành, sắp tới cần phát huy thắng lợi...", chiến sĩ Nguyễn Ninh vui ra mặt vừa nói: "Có rứa mới đúng chớ, và còn phải cố gắng hơn nữa?".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2016, 05:47:22 am »


*

*         *

        Công tác bảo vệ lúc này xoay quanh ba việc: một là giáo dục phòng gian bảo mật cho bộ đội trong hành trú quân chiến đấu (đi không dấu, nấu không khói, nói không to); hai là góp phần giáo dục củng cố giữ vững ý chí chiến đấu, chống chiến tranh tâm lý của địch, bóc trần các thủ đoạn xảo quyệt của địch tác động bằng truyền đơn, loa phóng thanh từ máy bay; ba là nắm và bàn giao tình hình chính trị nội bộ mỗi khi có đơn vị mới về hoặc chuyển đi. Công tác này rộ lên khi có lệnh giải thể dần nông trường 10. Đại bộ phận các E xếp thành từng đoàn cấp tiểu đoàn hành quân vào bổ sung cho B2, nhiều cán bộ bổ sung cho Nông trường 1, trong số này có đồng chí thiếu tá Hồ Sơ Nhã về giữ chức trưởng ban bảo vệ Sư đoàn 1, đồng chí thiếu tá Nguyễn Mậu Đạt chủ nhiệm hậu cần về giữ chức chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 1, anh Trần Văn Trân, thượng tá về làm Sư đoàn phó Sư đoàn 1. Số đông còn lại chuẩn bị bổ sung về cho cơ quan B3. Dạo đó chúng tôi ở tại một vùng rừng bắc sông Eađrăng, tỉnh Gia Lai vào gần cuối năm 1966. Đơn vị phát động một đợt văn hóa văn nghệ, thi viết báo liếp, ca hát, đọc - ngâm thơ, diễn kịch.., thật vui vẻ, lạc quan.

        Một hôm, tôi nghe đài Hà Nội tường thuật về đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, có Bác Hồ đến dự. Sau khi nghe mẹ Suốt (Quảng Bình) báo cáo thành tích trước đại hội, Bác Hồ đứng dậy nói lớn: "Thật xứng đáng là một người anh hùng!" Hội trường vỗ tay dài... Tôi đặc biệt chú ý nghe bản báo cáo thành tích của anh hùng Đinh Như Gia (một người anh con bác tôi) với giọng nói rặt quê hương Vĩnh Linh và các tên người, các địa danh quen thuộc nơi tuyến đầu miền Bắc thân yêu đang kiên cường chống đánh chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, lòng tôi tràn đầy tự hào, vững niềm tin tất thắng mà trong tôi cứ băn khoăn mình phải làm gì đây cho xứng đáng là người đang ở tiền tuyến?

        Cuối năm, sắp đến ngày 22 tháng 12, đơn vị cử tôi dẫn một tổ 5 người đi đánh cá. Tổ do một dân quân địa phương dẫn đường. Chúng tôi mang theo hai trái lựu đạn đến sông Eađrăng, tôi mang theo lưỡi câu đồng được uốn bằng cái khâu của dây thắt lưng to bản, dùng sợi dây dù mắc võng làm dây câu. Chúng tôi hạ trại bên bờ sông Eađrăng, cạnh một bờ vực vừa bị đất lở trong mùa mưa. Tôi đi tìm bắt một con nhái. Tối đến, trước khi đi ngủ, tôi mắc nhái buộc dây vào một nhánh cây cho vừa tầm con nhái bơi bơi trên mặt nước. Tôi mắc võng trên bờ vực ngủ say.

        Mờ sáng, tôi thấy có một vật gì đen như cành cụt bên cạnh khúc cây đổ cũ nằm ngang mặt nước. Tôi mò xuống thì thấy một con cá lóc bằng bắp chân dính câu nó đã chết, dây quấn chặt nhiều vòng vào khúc cây đổ Tôi mừng quýnh, la to: "Cá to quá?" Mọi người xúm lại bàn tán việc nấu cháo ăn sáng. Chúng tôi chỉ dùng cái đầu cá, bộ lòng và khúc đuôi nấu cháo, còn mình cá thì giao cho đồng chí Nguyễn Ninh cắt ra thành nhiều khúc, nướng chín để dành mang về.

        Tổ chúng tôi đến một vực sâu, nơi mà anh dân quân cho rằng có nhiều cá to ở, anh ta ném quả lựu đạn có khía quả na. Chúng tôi hồi hộp thấy' có nhiều bong bóng nhỏ nổi lên mà không nghe tiếng nổ. Anh dân quân định lặn xuống mò lựu đạn lên. Tôi ngăn lại, kiên quyết không cho lặn. Chúng tôi đi tiếp đến một khúc sông có rất nhiều con cá bằng bàn tay tranh nhau ăn mồi, chúng ken dày đặc nước như cá nhốt trong chậu. Hộc nước này nối liền với đoạn sông cạn, nước chảy xiết. Tôi đồng ý cho ném quả da láng (OF). Một tiếng nổ đanh, bầy cá cùng với nước văng tung tóe, trắng lấp lánh dưới ánh nắng. Chúng tôi nhào xuống vớt, ném lên bãi và tiếp tục xuống đoạn nước chảy xiết, tiếp tục lượm ném lên bãi... Bỗng chốc đã có một bãi toàn cá trắng xóa, gom lại có đến hơn hai chục ký. Lúc đó mới hơn 10 giờ sáng. Chúng tôi mang cá về chỗ tạm dừng, móc ruột hấp chín, phơi cho ráo nước. Cơm trưa hôm đó được ăn cá thỏa thích, sau đó thu dọn về đến đơn vị trong đêm. Phòng chính trị nông trường 10 đón tết Đinh Mùi giữa rừng Gia Lai, chúng tôi có đủ thịt cá, bánh chưng và liên hoan văn nghệ bằng các tiết mục mới đoạt giải thật rôm rả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 12:22:52 pm »


*

*         *

        Giữa năm 1967, tôi về làm trợ lý Ban bảo vệ Phòng Chính trị Tây Nguyên do đồng chí Trung tá Đặng Vũ Hiệp làm Phó chủ nhiệm (Nghe nói đồng chí Lê Linh, Chủ nhiệm nhưng tôi chưa thấy lần nào). Ban bảo vệ do đồng chí Nguyễn Đình Hường, thiếu tá trường ban có năm nhiệm vụ chính: Một là bảo vệ chiến đấu, chủ yếu là đi trong cơ quan Sở chỉ huy tiền phương tại các cánh, các hướng do đồng chí Tùng Chi hoặc tôi đi; hai là nắm và quản lý chính trị nội bộ do tôi và đồng chí Nghị phụ trách; ba là điều tra nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp do đồng chí Tùng Chi phụ trách; bốn là bảo vệ căn cứ và cơ quan do đồng chí Minh Son và đồng chí Văn phụ trách; năm là theo dõi giúp đỡ các đơn vị khối trực thuộc do đồng chí Nguyễn Diến phụ trách. B3 chưa có tổ chức ngành quân pháp, để giải quyết các vụ việc phức tạp khác xảy ra do anh Nguyễn Tùng Chi kiêm nhiệm.

        Vào những năm 1965 - 1967, cán bộ chiến sĩ B3 ốm đau la liệt, do sốt rét rừng. Quân số chiến đấu giảm sút, có nơi chỉ trên dưới 20 phần trăm hoạt động, chủ yếu là nuôi cứu nhau, không khí bi quan bao trùm. Một số cán bộ văn nghệ, văn công Tổng cục Chính trị có mặt ở Tây nguyên nào đó nói vui: nhà văn ngớt sốt đến thăm nhà báo đang yếu, thấy nhà báo đang nấu cháo nuôi nhà thơ". Đảng ủy, Bộ Tư lệnh B3 đã kịp đánh giá tình hình và ra chỉ thị: "...Ý chí nghị lực thắng bệnh tật". Đi kèm chỉ thị là văn bản hướng dẫn mọi người áp dụng sáu đòn sấm sét gồm: Tinh thần ý chí quyết thắng bệnh tật; vui vẻ lạc quan cách mạng; tiếp tục công tác chiến đấu; phải ăn uống giữ bữa; thể thao văn nghệ; xông xoa bấm huyệt và dùng thuốc men cứu chữa.

        Đồng chí Nguyễn Đình Hường sinh 1925 tại Nghi Lộc, Nghệ An, Thiếu tá, Trưởng ban bảo vệ B3 kể: Một hôm chủ nhật giữa mùa mưa năm 1965, khoảng 9 giờ sáng, anh cầm rựa định đi chặt vài khúc tre về chẻ làm chổi xua muỗi, chổi quét nhà. Đồng chí Hường bước qua bụi nứa thấy có một cây nứa gãy, ai chặt có vết sắc cỡ ngang mặt. Anh vít kẻo xuống định chặt cao hơn để khỏi bị chọc vào mắt, tức thì ở trong ống nứa bung ra một con rắn lục mổ vào phía dưới mi mắt trái. Đau quá, anh la to lên, vài anh em trong nhà chạy ra đập chết con rắn, dìu anh vào lán. Chỉ ít phút sau, anh thấy đau đầu, nóng ran từ đầu lan xuống... Quân y sĩ đơn vị đến rạch rộng vết thương, nặn máu nhiều lần và rửa sạch vết thương, cho uống thuốc giải độc, uống nhiều nước chanh đường. Vì không thể làm garo, cũng không thể phẫu thuật được, đành phải để chạy chữa tại đơn vị. Chỉ một giờ sau anh đã đỏ da toàn thân, sốt cao, đau đớn. Đêm đến đã mê sảng chập chờn. Cứ thế kéo dài ba ngày, cơ thể anh bắt đầu sưng phù, thở khò khè. Từ ngày thứ 15 thì anh chỉ còn mặc được bộ áo quần bà ba đen. Người anh chỉ nằm ngừa, từ chót mũi thở đến hai đầu ngón chân cái thành một đường thẳng; cổ, ngực, bụng, háng, đùi, bắp chân đều phù to hết cỡ. Hơi thở gấp, tim đập 110 - 120 nhịp/phút, nhiều lúc tưởng như ngưng tim. Có điều, đầu óc mơ màng còn hiểu biết mỗi lúc có người đến thăm hỏi. Đơn vị vẫn nuôi anh bằng nước chanh đường và nước cháo loãng. Mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều diễn ra tại chỗ - nhờ đồng đội giúp đỡ. Sau hai mươi ngày có dấu hiệu hồi phục, hiện tượng phù nề xẹp dần, anh cử động được tay chân. Một tháng sau biết đói, ăn bữa được một chén cháo nhỏ. Dần dần, anh ăn dược cơm nhão, đứng lên, ngồi xuống được tại giường. Ba tháng sau, đồng chí Nguyễn Đình Hường đã đi lại được bình thường, nhưng có điều lạ là đồng chí Hường mập trắng, có thể nặng tới 75 - 80 kilôgam và đặc biệt là không hề bị sốt rét rừng.

        Cũng dạo ấy có 4 đại úy Phòng Chính trị B3 đi công tác huyện 40 tỉnh Kom Tum gồm: Chế Viết Trình quê Quảng Nam, Trần Phố quê Quảng Nam, Hoàng Khánh quê Quảng Ngãi và tôi Đinh Như Ninh, quê Quảng Trị. Một chiều, chúng tôi thả lưới được mớ cá suối Đắc Mế. Bốn chúng tôi nấu cháo cá. Anh Phố đi xin được hai trái ớt, anh nói dân dặn bốn người chỉ ăn hết nửa trái thôi, đây là ớt ngựa, cay lắm. Anh Chế Viết Trình và anh Khánh nói cứ cho hết một trái vào, khỏi sợ tanh, dân sốt rét này đâu có ngán gì cay? Nhưng khi cháo chín, anh Trình húp thử đã la cay quá! Tôi nếm một hớp cháo đi đâu biết đến đó, xuống đến bụng vẫn nóng khó chịu. Nồi cháo cá hôm đó đành phải dùng cái rá đem xuống suối lượt lấy các hạt cháo và ít thịt cá lòng tong. Về nấu lại, nêm nếm, thêm bột ngọt mà ăn vẫn cay nồng. Thế mới biết giống ớt ngựa của đồng bào Kim Tum nó cay đến cỡ nào!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2016, 06:26:51 pm »

       
        4. Phong cách của một vị tướng

        Về cơ quan B3, tôi có dịp đi phục vụ đồng chí Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh B3 đi kiểm tra đường dây C01, C02, C03 đi qua Tây Nguyên. Tôi được biết thêm phong cách của một vị tướng. ông sống rất gần gũi, thân mật với mọi người, đặc biệt là với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và các chiến sĩ trẻ trên đường từ miền Bắc mới vào. Dạo đó, ông đã ngoài 50 tuổi, nhiều lần sốt ốm dọc đường nhưng ông luôn từ chối, không bao giờ chịu nằm võng để chiến sĩ khiêng cáng đi. Một lần tôi chứng kiến ông trò chuyện với một chiến sĩ tại bờ bắc sông Pôcô, khi đang đợi đò :

        - "Chào đồng chí!"  - "Vâng, xin chào thủ trường"

        - "Năm nay đồng chí bao nhiêu tuổi?" - "Dạ, mười tám, còn thiếu một tháng nữa mới tròn". 

        - "Đồng chí đi bộ đội lâu chưa?" - "Mới chưa đầy 6 tháng".

        - "Đồng chí quê ở đâu?" - "Dạ, Ở Hồng Thắng, Thanh Miệnn, Hải Dương".

        - "Đồng chí học hết lớp mấy?" - "Dạ, lớp 7. Rồi ở nhà chăn vịt cho mẹ".

        - Đồng chí hay ăn thịt vịt không?" - "Có chứ, ngon lắm. Nhất là tầm vịt chéo cánh".

        - "Ăn kiểu gì ngon?"

         - "Dạ, ngon nhất là giữa đồng, móc đất ruộng nước bọc kín con vịt sau khi đã bóp cổ chết, đừng cắt tiết mổ bỏ hết lòng ruột, nướng bằng lửa rơm cho thật chín. Bóc đất đi ta có con vịt trắng phau, xé thịt vịt chấm muối ăn ngon, béo ngậy".

        Ông cười ha hả rồi lại hỏi: "Đồng chí đi bộ đội, lại đi B, mẹ có buồn không?"

        - "Buồn chứ, nhưng mẹ nói thanh niên được đi đánh Mỹ cứu nước là vinh dự lắm?"
   
        - "Mẹ có chuẩn bị gì cho đi không?"

        - "Có, mẹ thương lắm! Mẹ cho thịt con vịt chéo cánh, gói cho một mo xôi lạc thật to. Mẹ tiễn ra tận quốc lộ số 5”.

        - "Sao bố không tiễn?"

        - "Bố đi bộ đội lâu rồi, mẹ nói bố còn ở xa lắm, không về được!"...

        Một lần khác, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo đến thăm động viên tiểu đoàn 101 (đây là tiểu đoàn tuyển chọn của Trung đoàn 101, Nông trường l0) trước khi đi chiến dịch, hè năm 1967. Đứng trước hơn 400 người hàng ngũ vuông vức ngay ngắn, trên một quãng đất trống giữa rừng núi Gia Lai, ông tươi cười mở đầu bằng một câu tiếng Tày, đại ý: "Chào những người anh em quê núi rừng Việt Bắc, trước giờ ra trận trên đất Tây Nguyên?" Cả tiểu đoàn nhất lượt đứng dậy giơ cao nắm tay đáp bằng tiếng Tày, đại ý: "Chúc mừng gặp được người anh em ở đây".

        Ông nói ngắn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và động viên tinh thần chiến đấu của thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, và trước mắt, trong mùa hè rực lửa hiện nay, với quyết tâm "cắt đầu D" tức là tiêu diệt cả lính và chỉ huy cấp tiểu đoàn Mỹ. Tôi nhận thấy mọi khuôn mặt chiến sĩ đều rạng rỡ. Cả tiểu đoàn bừng bừng khí thế, quyết chí giết giặc lập công.

        Cũng trong chuyến đi kiểm tra đường dây C02 (ở Gia Lai), tôi mới biết rõ sự hy sinh của đại úy bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, chủ nhiệm quân y Trung đoàn 95. Đồng chí Nguyễn Đình Nguyên sinh năm 1926 tại Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, đã tốt nghiệp y tá trưởng tại Huế. Năm 1946, anh đi kháng chiến làm chủ nhiệm quân y tiểu đoàn 227. Anh có vóc dáng nhỏ con, da hơi ngăm, đôi mắt sáng, cặp chân mày đen sắc anh có vết sẹo dài ở cầm phải. Anh rất vui tính, khiêm tốn và nhanh nhẹn. Anh bị sốt cao trên đường hành quân đi đánh Mỹ năm 1965. Cũng như một số anh em khác, khi bị sốt đã đến mức đuối sức, nhưng không muốn gây khó khăn cho đồng dội, anh lùi vào rừng cách đường năm bảy bước, gắng sức mắc võng nằm nghỉ... Cuối ngày hành quân, không thấy anh về, đơn vị báo cho đường dây đi tìm đưa vào quân số thu dung. Đoàn C02 báo cáo đã tìm thấy tung tích bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên qua các giấy tờ còn lại, khi thi hài đồng chí đã bốc mùi còn nằm trên võng, cách đường giao liên chừng 7 mét.

        Trong đợt học tập chính trị chuẩn bị cho mùa khô năm 1967, tôi được giao làm phái viên theo dõi tổ học tập của cán bộ Trung đoàn 320 do đồng chí Phan Trọng Thông chính ủy làm tổ trưởng, đồng chí Đặng Hồng Thanh cựu chính ủy là học viên. Trong một buổi nghe phản ảnh kết quả học tập do đồng chí Chu Huy Mân chủ trì, đồng chí yêu cầu qua kết quả học tập - các phái viên báo cho nghe chính kiến của mình đánh giá quyết tâm của học viên là cán bộ, chứ không phải nghe các thợ ảnh sao chụp tình hình học tập. Đến lượt tôi báo cáo xong tổ học tập Trung đoàn 320, đồng chí Chu Huy Mân hỏi: "Quyết tâm của cậu Trần Đối1 thế nào?" Tôi báo cáo: "Mới nắm đến cán bộ trung đoàn". Tôi nghĩ, với một đồng chí thượng úy tiểu đoàn trưởng mới về đơn vị thì đã có gì phải chú ý! Hôm sau tôi hỏi anh Đặng Hồng Thanh cho biết, đó là "con gà nòi" mới điều từ Trung đoàn 66 về làm nòng cốt đấy!

---------------
1. Đồng chí Trần Đối, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hội viên Cựu chiến binh phường 12 quận 10.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2016, 08:39:33 pm »


*

*   *

         Mùa hè năm 1967, tôi đi trong cơ quan Sở chỉ huy cánh Trung do đồng chí Bùi Nam Hà - Tư lệnh, đồng chí Trần Xuân Lư - Chính ủy. B3 sử dụng Trung đoàn 95b và Trung đoàn 88 đánh đồn Đức Vinh, hoạt động đón đánh địch đi cứu viện vùng Đức Cơ, Thắng Đức, Giao Trạch, núi Phượng Hoàng. Đây là một đợt hoạt động đệm. Trời vẫn còn những cơn mưa bất chợt cuối mùa, thỉnh thoảng có những buổi nắng gay gắt, trời nóng bức thật khó chịu. Đêm đêm, pháo địch tại các căn cứ bắn bừa bãi vào rừng núi, những nơi chúng nghi ngờ có quân ta. Một tối, sau khi nghe tình hình trong ngày tại hầm chỉ huy sở, tôi về lán mình lúc 20 giờ 30, vì nóng bức quá tôi ngồi quạt tại cửa hầm và thiu thiu buồn ngủ bên cạnh chiếc võng đã mắc sẵn. Bỗng tôi giật mình, nhớ lệnh của đồng chí Bùi Nam Hà "phải xuống hầm trước 21 giờ mỗi tối". Tôi xuống hầm nằm chưa ngủ đã nghe nhiều tiếng pháo nổ đanh rất gần, nhiều tiếng va chạm của mảnh kim loại với các cành tre, cành le già kêu lắc rắc đây đó. Sáng ra, tôi nhận thấy chiếc võng của mình bị thủng ba lỗ. Một mảnh pháo dài hơn đốt ngón tay trỏ còn nằm trên võng, một mảnh khác bằng hai đốt ngón tay cái xuyên qua võng, nằm trên lớp mùng bọc dưới võng.

        Tôi đã phải khâu vá lại mà dùng từ đó cho tới khi về Cục Chính trị B2 mới được phát võng bổ sung.Tôi vẫn cất cái võng đó làm kỷ niệm. Cho đến cuối năm 1972, khi anh Từ Tư Văn đi công tác bị nước cuốn trôi võng, tôi biếu anh cái võng thủng ba lỗ ấy.

        Tại Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, tôi đã ba lần nhận được thư vợ và hai lần nhận được thư mẹ gởi từ miền Bắc vào, có cái phải 6 tháng mới tới. Tôi biết tin tất cả đều đã sơ tán ra Nghệ An, tuy có vất vả nhưng mẹ và vợ con đều an toàn. Năm 1968, có 3 mất mát, cha vợ đã qua đời vì già và bệnh tại Vĩnh Linh, em vợ Nguyễn Văn Tục đi bộ đội hy sinh trong một tai nạn và em tôi, Đinh Thị Đào, dân quân hy sinh vì B52 Mỹ.

        Tôi viết thư gửi đều 2 tháng một lần, ngoài việc thăm hỏi tôi dặn đổi chữ lót tên các con gái từ chữ "Thư' sang chữ "Hương' (Hương Liên, Hương Lan) vì có ý nghĩa hơn (hương thơm, hương quê).

        Chiến dịch Đăktô kết thúc vào cuối năm Đinh Mùi 1967. Chúng tôi đến trú quân ở khu rừng gần suối Đắk-mế huyện Đăktô, tỉnh Kon Tum. Đêm văn nghệ đón xuân Mậu Thân (29.01.1968) diễn ra rôm rả, thân mật bằng các tiết mục tự biên tự diễn của các ban trong phòng Chính trị B3 (mặt trận Tây Nguyên). Anh Đặng Vũ Hiệp phát biểu chúc Tết thật tình cảm, tươi vui, tin tưởng.

        Chúng tôi trở về lán trước 23 giờ để chuẩn bị nghe Bác Hồ chúc Tết và đón nhận tin chiến thắng từ khắp các đô thị trên toàn miền Nam. Tin về dồn dập và ngày càng cụ thể, kéo dài đến giữa năm 1968.

        Yếu tố nổi bật là bí mật, bất ngờ về ngày, giờ nổ súng và về cách đánh của ta mà địch không thể lường trước được. Bí mật bất ngờ về cách đánh đến nỗi chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thế trận của đôi bên đều đảo ngược, hậu phương thành tiền tuyến và ngược lại.

        Ngay từ những tháng đầu năm 1968, các đơn vị thiện chiến của quân Mỹ trước đây được tung đi xa để "tìm và diệt" thì nay phải cấp tốc lui về phòng ngự để cứu nguy cho đô thị. Về hiệp đồng tác chiến, có thể nói trong lịch sử chiến tranh thế giới chưa có cuộc hiệp đồng nào tài tình như Mậu Thân 1968 của ta.

        Chiến lược "chiến tranh cục bộ" phải thay bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

        Tôi đã hai lần đi theo Sở chỉ huy B3 ở cánh Bắc. Tháng 3 năm 1968, Sở chỉ huy tiền phương B3 do đồng chí Hồng Sơn - Tư lệnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện - Chính ủy sử dụng Trung đoàn 209 Sư đoàn 312. Trung đoàn được mệnh danh là "trung đoàn thép, không đi phép, chân không dép" (chỉ đi giày). Trung đoàn được trang bị khá hiện đại với khí thế hừng hực. Trung đoàn ra quân đánh điểm Chưtankra, do một tiểu đoàn quân Mỹ đóng giữ. Các trung đoàn 66, 320 đánh vận động tại các khu vực chung quanh.

        Tháng 5 năm 1968, tôi đi theo dõi giúp đỡ cơ quan Sư đoàn 325C do Bộ Tư lệnh Sư đoàn tổ chức chỉ huy. Sư đoàn do đồng chí Chu Phương Đới - Thượng tá, Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Văn Ân - Thượng tá Chính ủy. Sư đoàn tổ chức đánh điểm Ngọc Hồi và đón đánh vận động vùng Ngọc Bơ, Ngọc Tang, Ngọc Cam Liệt, Ngọc Rình Rua. Phòng Chính trị B3 cừ đồng chí Nguyễn Đằng và tôi đi phổ biến kinh nghiệm công tác chính trị chiến trường và góp phần xây dựng ý chí quyết tâm cho Trung đoàn 101C. Trong đợt này, tại vị trí tập kết nhiều đêm chúng tôi phải hứng chịu từ ba đến năm đợt bom B52, mỗi đợt từ 15 đến 18 lượt chiếc. Có hôm tôi xuống đại đội 11 tiểu đoàn 9 - bị B52 trong đêm, tôi bị sập hầm, chấn thương nhẹ cột sống. Sáng ra tôi về trung đoàn thì đường đi đã bị bom tàn phá. Tôi cứ nhắm hướng mà đi một mình giữa bãi bom B52, cây đổ ngổn ngang xen lẫn hố bom. Nghe tiếng máy bay xa, tôi tìm chỗ ẩn nấp, vừa may mắn thấy một cây to đổ dài cách chỗ tôi đứng vài mét. Tôi đến gần, nằm ngừa dưới thân cây, theo dõi chiếc máy bay trinh sát OVI0 lượn quanh hai vòng rồi bỏ đi. Đợi cho nó đi thật xa, tôi mới tiếp tục nhắm hướng đi về trung đoàn. Có đêm, tôi đang ngủ ở tiểu đoàn 9, nghe tiếng máy bay B52, đồng chí Khang1 - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 9 - lay võng gọi tôi dậy. Tôi hỏi để làm gì, Khang nói: "Để há miệng và bịt tai lại, nếu bom nổ gần khỏi bị điếc tai và răng chần dứt lưỡi". Tôi nói: "Cảm ơn lời khuyên, còn tôi thì tranh thủ mà ngủ. Nếu bom trúng kể như mình không biết gì, bom gần nếu bị thương nặng hoặc sập hầm sẽ có người cứu".

--------------
1. Trung tá Khang, hội viên Cựu Chiến binh quận 3, TP.Hồ Chí Minh
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2016, 07:00:40 pm »

        Cũng trong đợt hoạt động này, tôi rất đau buồn được tin đồng chí Đỗ Viên Tín - thiếu tá, học viên Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng đi thực tập vai chính ủy trung đoàn tại Trung đoàn 95C - đã hy sinh vì bị bom B52 tại chân cao điểm 1042 thuộc huyện Đakto, tỉnh Kon Tum. Đồng chí Đỗ Viên Tín là trợ lý văn nghệ ban chính trị Trung đoàn 95 trong những năm từ 1949 - 1953. Anh sinh năm 1927 tại Triệu Phong, Quảng Trị, đi bộ đội năm 1946. Anh có tầm vóc nhỏ con, nhanh nhẹn, lé mắt trái. Anh rất vui tính và có tài kể chuyện vui thật dí dỏm. Anh là tác giả bài vè cải thiện nổi tiếng một thời tại Trung đoàn 95 và bà con nhân dân 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên) và Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) những năm 1950 - 1952.
       
        Tháng 7, tháng 8 năm 1968, tôi được phái đi theo Trung đoàn 95C đánh diệt đồn Đắc Sắc và quận lỵ Đức Lập, thuộc cánh nam của B3. Cùng đi có đồng chí đại úy Lê Ngọc Đan - quê ở Thanh Hóa - được phân công đi theo dõi Trung đoàn 95C thiếu được tăng cường hỏa lực đánh diệt điểm Đắc Sắc. Chúng tôi bám sát Tiểu đoàn 4. Tôi chú ý Đại đội 2 là đại đội mở cửa và có hai trung đội đột kích 1. Đại đội 2 do trung úy Phán - Đại đội trưởng, trung úy Nguyễn Hữu Trương - Chính trị viên. Tôi theo sát đại đội từ bước quán triệt nhiệm vụ xây dựng quyết tâm chiến đấu, bước hành quân chiếm lĩnh trận địa, mỗi chiến sĩ mang theo hai ngày cơm vắt và một ngày gạo rang. Tôi ghi nhận công tác tổ chức chỉ huy lãnh đạo là rất tốt cán bộ chiến sĩ hăng hái, tự tin với quyết tâm cao. Tôi trở về sở chỉ huy Trung đoàn để theo dõi bộ đội tiếp cận mục tiêu và diễn biến chiến đấu. Suốt đêm, ta chỉ đánh chiếm được ba phần năm cứ điểm, cả ngày hôm sau ta và địch đánh giằng co giữa căn cứ Đắc Sắc Máy bay địch ném bom nổ, bom cháy để hỗ trợ. Quân ta cứ chiếm giữ, vừa kiềm chế bộ binh địch, vừa bắn máy bay bổ nhào. Từ 16 giờ 30 đến 17 giờ, tôi bò đến hàng rào căn cứ địch gặp một số anh em đại đội 2 để nắm tình hình, thăm dò quyết tâm của chiến sĩ. Nhiều đồng chí đề nghị: "Tối nay đánh tiếp, ít ra cũng phải vào tìm đón người bị thương và lấy hết từ sĩ chứ không thể bỏ được". Tôi cùng các phái viên, dự thảo luận quyết tâm tại sở chỉ huy trung đoàn, hôm đó có đồng chí trung tá Lê Hữu Đức1, đồng chí Đỗ Văn Dũng, thiếu tá trung đoàn phó2, đồng chí Nguyễn Văn Thái, thiếu tá phó chính ủy trung đoàn3 cùng dự. Cuộc họp nhất trí củng cố bàn đạp đã có, sử dụng lực lượng dự bị tối nay đánh tiếp nhằm dứt điểm đồn Đắc Sắc. Tối đó đánh tiếp, vừa có bộ phận tìm kiếm thương binh tử sĩ. Còn cái lô cốt mẹ vẫn không diệt được. Ba giờ sáng cho lệnh thu quân. Tôi và đồng chí Lê Ngọc Đan trao đổi, thống nhất những nhận xét đánh giá kết quả trận đánh trước khi về báo cáo cấp trên. Tôi ghé thăm, nắm tình hình đội phẫu đóng quân tại một đám rừng toàn là cây lành ngạnh, có gió và nắng. Có 46 thương binh, phần lớn là thương binh nhẹ và trung thương, có 12 thương binh nặng, đa phần bị bỏng vì bom lân tinh. Tôi đến thăm đồng chí thương binh nặng nhất. Chiếc võng được phủ kín bằng chiếc tăng nóc nối liền với hai đầu võng. Trời hửng nắng, tôi hỏi đồng chí y tá sao không treo cao hoặc vén rộng tấm tăng lên để đỡ nóng cho thương binh? Đồng chí y tá cho biết phải phủ kín để chống ruồi nhặng tưa vào miệng, tai, cầm... Tôi tới, vén mở tấm tăng thấy thương binh bị cháy tai, mắt, mũi,  miệng... Đôi môi sưng to như hai quả chuối cau xếp lại. Ruồi nhặng bay vù vù đến kiếm ăn. Những chỗ da thịt cháy đã bốc mùi nồng nặc. Tôi hỏi thăm, biết thương binh là trung uý Nguyễn Hữu Trương, Chính trị viên Đại đội 2, cả tôi và anh đều xúc động. Tôi xin đồng chí y tá cho một ly sữa, tôi vừa bón cho thương binh vừa hỏi chuyện. Anh khó nhọc lắm mới nói cho tôi biết anh bị bom phạt ngã xuống giữa đồn Đắc Sắc, lửa cháy khắp mình, nóng nhất là đầu và mặt, anh ráng sức lăn xuống chân đồi, lăn qua cửa mở, lăn xuống mép ruộng, lửa ít dần và anh được khiêng cáng về đây4.

        Tôi về Sở chỉ huy cánh nam của B3, báo cáo tình hình do đồng chí Bùi San5 chủ trì nhận báo cáo. Đồng chí Bùi San biểu dương và thưởng cho tôi một điếu thuốc Ara.

        Tại Sở chỉ huy cánh nam ở chân núi Nậm Nia, tôi nhận được lệnh bổ sung về Sư đoàn 1 làm trưởng ban bảo vệ Sư đoàn thay cho đồng chí Hồ Sơ Nhã và cùng Sư đoàn hành quân vào bổ sung cho chiến trường Nam Bộ.       

-----------------
1. Đồng chí Lê Hữu Đức, Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng.
2. Đồng chí Đỗ Văn Dũng, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Thủ đô
3. Đồng chí Nguyễn Vãn Thái, Trung tướng, nguyên Phó Giám đốc Họe viện Quân sự Đà Lạt.
4. Tháng 8 năm 1998, tôi có dịp về thăm đồng chí Trương và gia đình tại làng Gia Lâm, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh. Tôi thấy anh bị cháy trụi hai vành tai, mặt đầy sẹo, quéo 3 ngón tay phải. Anh kể sau trận Đắc Sắc anh được chuyển ra Nghệ Tĩnh điều trị. Là thương binh về làng, anh lấy vợ ở Hà Tĩnh. Anh chị về quê Gia Lâm sống từ năm 1975, đến nay đã có 3 con.
5. Đồng chí Bùi San: Trung ương ủy viên, Phó Bí thư Khu ủy Khu 5.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2016, 08:46:00 pm »

       
        5. Dấu ấn Tây Nguyên

        Đêm trước khi rời B3 vào B2, tôi hồi tưởng lại những năm tháng sống trên đất Tây Nguyên, trải qua ác liệt đói cơm nhạt muối, được thấy những tấm lòng vàng của đồng bào các dân tộc Pakôk, Sa tiêng, Kơhor, Giarai, Bana, Êđê.., trên dải đất cao nguyên miền Trung dành cho Bác Hồ, cho cách mạng và bộ đội giải phóng. Tôi có dịp nếm trải tính chất ác liệt của cuộc tranh chấp quyền làm chủ "mái nhà Đông Dương" - những cuộc đọ sức giữa quân dân B3 cùng các sư đoàn quân chính quy của ta với các sư đoàn sừng sỏ vào bậc nhất của quân viễn chinh Mỹ diễn ra tại dây.

        Một năm sau chiến thắng Plây-me, tôi mới có dịp nghe anh Lê Tiến Hòa - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, anh Hồ Trọng Bá - Chính ủy Trung đoàn 33, anh Đặng Hồng Thanh - Chính ủy Trung đoàn 320 kể chuyện. Và nhiều lần đọc tài liệu, dự các lớp tập huấn chiến lệ, rút kinh nghiệm công tác đảng, công tác chính trị, nghe anh Đặng Vũ Hiệp1 nói chuyện bồi dưỡng phái viên, tôi mới hiểu tương đối có hệ thống chiến dịch Plây-me, đòn đánh phủ đầu vào Sư đoàn 101 "kỵ binh bay" của Mỹ, diễn ra tại huyện 5 tỉnh Gia Lai. Càng hiểu sự thật, tôi càng thích thú, hả lòng hả dạ và cảm phục vô hạn.

        Trong 4 ngày liền (từ 19 đến 22-10-1965), một đại đội tăng cường của Trung đoàn 33 diệt cứ điểm Chư Ho, một bộ phận Trung đoàn 33 bắn phá, tiến hành bao vây đồn Plây-me. Mỹ-nguy huy động 600 lần chiếc máy bay đủ loại ném bom trùm lên trận địa vây ép của ta, bọn địch đồn Plây-me dùng trung đội, đại đội liên tiếp ra phản kích. Bộ đội ta vẫn bình tĩnh đánh lui các đợt phản kích, tích cực bắn rơi nhiều máy bay. Quân ta khống chế sân bay, đường ra suối lấy nước, khu điện đài, đêm tập kích, ngày bắn tỉa... Quân địch đồn Plây-me bị dồn vào tình trạng quẫn bách, hoang mang cực độ.

        Ngày 23 tháng 10 năm 1965, chiến đoàn 3 thiết giáp nguy cùng 2 tiểu đoàn biệt động quân và một tiểu đoàn bộ binh do tên Trần Trọng Luật - chiến đoàn trưởng chỉ huy đến ứng cứu, 12 máy bay trực thăng quần đảo trên không đường 21 đoạn Phú Mỹ - Plây-me.

        Trung đoàn 320 đã chiếm lĩnh trận địa phục kích chờ sẵn. Sau những loạt bom pháo dọn đường, lực lượng đi giải vây đã lọt vào trận địa phục kích. Đại đội 1 tiểu đoàn 5 nổ súng chặn đầu. Hai tiểu đoàn 5 và 6 ở quyết chiến điểm bắn mãnh liệt vào giữa đội hình, chia cắt địch thành nhiều mảng. Tiểu đoàn 4 làm nhiệm vụ khóa đuôi: Ngay những phút đầu tiên, Trung đoàn 320 đã tiêu diệt một nửa số xe tăng, xe bọc thép địch. Sau những phút bất ngờ đội hình rối loạn, địch cố gắng điều chỉnh, tổ chức các mũi phản kích, đột phá mở vòng vây và co cụm, chờ pháo binh và không quân yểm trợ. Cuộc chiến đấu kéo dài 10 tiếng đồng hồ, đến 2 giờ sáng ngày 24 tháng 10, trung đoàn 320 làm chủ trận địa. Quân ta dã tiêu diệt chiến đoàn 3 thiết giáp, 1 tiểu đoàn, 1 đại đội bộ binh, phá hủy - phá hỏng 89 xe quân sự, bắn rơi nhiều máy bay. Xác xe giặc cháy thành bãi trên cao điểm 601.

        Ngày 26 tháng 10 năm 1965, ta quyết định mở vây đồn Plây-me, chuyển hai trung đoàn 33 và 320 về bố trí ở đông nam sông Ia-đrăng - là nơi tiện cơ động trên hai hướng Plây-me và Tân Lạc - đón đánh quân Mỹ đổ bộ. Quân ta có thêm Trung đoàn 66 mới vào chiến trường.

        Ngày 10 tháng 11 năm 1965, chiến đoàn 3 kỵ binh không vận số 1 của Mỹ tập kết ở Bầu Cạn. Ngày 11 tháng 11, một bộ phận lữ đoàn này nhảy cóc xuống Plây-ngo (cách Plây-me 10 kilômét về phía tây). Tiểu đoàn 952 đặc công tập kích đánh phủ đầu Sở chỉ huy hành quân của lữ đoàn này ở Bầu Cạn, diệt hàng chục tên, phá hỏng một số trực thăng. Cùng đêm 10 tháng 11, bộ đội tỉnh Gia Lai tập kích căn cứ Mỹ ở An Khê gây cho chúng nhiều thiệt hại.

        8 giờ sáng ngày 14 tháng 11, chín chiếc máy bay phản lực và 12 chiếc trực thăng vũ trang, hơn 10 khẩu pháo các loại từ Bầu Cạn bắn phá dữ dội vào khu vực đóng quân của tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 và làng Tung, làng Ia-Giao. Đến 9 giờ, 30 chiếc trực thăng từ Plây-cu bay theo đường 21 vòng qua khu vực Trung đoàn bộ 66 và tiểu đoàn 7, rồi lao về hướng tiểu đoàn 9. Máy bay phản lực ném bom, trực thăng phóng rốc-két, bắn đạn 20 ly. Tính đến 10 giờ đã có 3 đợt với 90 lần chiếc trực thăng đổ quân xuống trảng trống khu vực làng Mùi - cách tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9 một kilômét. Chúng còn đổ 12 khẩu pháo 105 ly và hai đại đội bộ binh xuống Quỳnh Kia và đông nam Ia-đrăng để chi viện cho tiểu đoàn này (Đây là tiểu đoàn 1 lữ 3 kỵ binh).

---------------
1. Đồng chí Đặng Vũ Hiệp: Thượng tướng, ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị B3, Chính ủy Quân đoàn 3, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. 
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM