Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:26:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 39111 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 09:44:26 am »

        Sau hòa bình (1954) tôi mới biết trong chiến dịch này có 5 anh em Đinh Như cùng tham gia chiến dịch: Đinh Như Thẻn, Đinh Như Ninh (Trung đoàn 95), Đinh Như Khuông, Đinh Như Quyền, Đinh Như Quyện (Đại đội 354). Và đã có 2 anh em ruột là Đinh Như Thẻn (người lính thổi kèn đồng - luôn đi gần ông Lê Bá Vận để chuyền lệnh xung phong của Trung đoàn trưởng) và Đinh Như Quyền (người cùng tuổi với tôi mà thời niên thiếu cứ mỗi lần đá bóng tại sân đình làng Hồ Xá, hai người phải đứng hai phía đối địch, các bạn mới chịu chơi) đã hy sinh tại quyết chiến điểm trận Hạ Cờ - Chấp Lễ.

        Ít tháng sau, ngày 24 tháng 12 năm 1950, giặc Pháp đã dẫn giải một số tù chính trị đang bị chúng bắt giam ở đồn Hồ Xá đến bắn chết tại địa đoạn Hạ Cờ - Chấp Lễ để gỡ đòn thua đau tại đây, trong số đó có bác Đinh Như Ích của tôi.

        Tháng 8 năm 1950, tôi cùng 23 người được điều động về thành lập ban quân y Trung đoàn 95 do y sĩ Đặng Chu Kỷ làm chủ nhiệm.

        Đêm trước khi rời Phân khu Bình Trị Thiên về Trung đoàn 95, tôi bỗng nhớ y tá Đinh Như Bình1, người đã dìu dắt và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi ghi nhớ một quãng đời chập chững đi làm cách mạng bằng mấy câu: "Nhớ tuổi học trò, tuổi vui chơi/ Bầu bạn, anh em được mấy người/ Chú giúp tôi giải bài toán khó/ Diễn kịch, ngâm thơ dân làng vui/ Đường vào bộ đội chú dẫn tôi/ Ba Lòng, Đá Nổi2 khổ một thời/ ăn bữa lưng cơm, chan nước ruốc/ Vẫn vững lòng tin, đời vẫn tươi...". Hôm nay tôi đã là một đảng viên chính thức của chi bộ Ban quân y Trung đoàn 95. Tôi hiểu vai trò nhiệm vụ của mình ở đơn vị mới.

        Trong những năm từ 1950 đến tháng 8 năm 1953, Trung đoàn 95 cơ động trong các huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên), Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) Ở phía nam, các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Vĩnh Linh, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) ở phía bắc để cơ động đánh địch, bảo vệ mùa màng nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, phối hợp với chiến trường chính, theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh. Nổi bật trong thời gian này là ngành quân y đã góp phần phổ biến quan điểm, tư tường và phương châm y học cách mạng, đạo đức "lương y như từ mẫu'. Được sự lãnh đạo của Trung đoàn ủy đến cấp ủy các cấp, sự chỉ đạo thực hiện của thủ trưởng các đơn vị, nên một phong trào phòng bệnh nuôi quân được diễn ra rộng rãi, sôi nổi... Sức khỏe bộ đội được cải thiện rõ rệt, đảm bảo quân số chiến đấu 85 phần trăm - 90 phần trăm. Công tác thu dung điều trị, cứu chữa thương binh được nâng cao chất lượng.

        Việc tổ chức phục vụ các chiến dịch, các trận đánh của Trung đoàn như trận Vinh An - Mỹ Xuyên để phối hợp với trận Thanh Hương của Trung đoàn 101 (3- 1951), trận diệt đồn Ba Dốc, Gio Linh, lấy được khẩu đại bác 75 ly (6-1951), trận Nam Đông - đường 74 (3- 1952), trận diệt đồn Sen Bàng (19-5-1952) diệt vị trí Ba Đồn - Mỹ Hòa (30-5-1952), các trận chống càn ở Quảng Thái (3-1953), chống càn Các-mác-giơ (7-1953)... Ngành quân y Trung đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều lần được Trung đoàn và Mặt trận khen thưởng. Đây cũng là quãng thời gian tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc.

        Trong tháng 10 năm 1950, một trận lụt lớn với sức tàn phá nặng nề chưa từng có trong gần 100 năm qua. Chúng tôi đang ở làng Kế Môn. Trời mưa lớn kéo dài mười ngày đêm liền. Nước sông Ô Lâu tràn bờ, cánh đồng Phong, Quảng, Triệu, Hải trở thành biển nước mênh mông ngày một dâng cao... Chúng tôi cùng dân làng dời lui ở các động cát phía sau làng. Trên bốn huyện có hàng chục người bị chết, hàng chục ngàn gia súc gia cầm, hàng ngàn nóc nhà bị nước cuốn trôi. Lúa mùa bị mất trắng, lương thực dự trữ dược chôn cất bị thối gần hết. Sau lụt là nạn đói kém, dịch bệnh... Giặc Pháp lại thừa cơ gây thêm nhiều tội ác. Chúng đã mở các cuộc càn quét, đốt nhà, tìm nhặt hết từng con dao, cái cuốc. Tại huyện Phong Điền, chúng bắn chết hơn 300 con trâu bò đang tránh lụt trên gò nổi. Chúng khống chế vùng đồng bằng ven biển, chặn đường tiếp tế. Mặc dù nhà bị đốt, người bị địch càn quét giết hại, nhưng người dân rất thương quý bộ đội. Người trong nhà chưa đủ ăn nhưng nhiều gia đình đã chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai đem ủng hộ bộ đội. Nhiều cuộc quyên góp ngô, sắn, khoai, phong trào "góp gạo nuôi quân", "mùa đông binh sĩ", "nhận bộ đội làm con nuôi".

        Tôi có mẹ đỡ đầu, do được gia đình mẹ Nguyễn Thị Cân, làng Kim Giao, xã Hải Thái, huyện Hải Lăng nhận làm con nuôi. Hôm Trung đoàn bộ làm lễ giao nhận mới cảm động đáng nhớ làm sao. Tôi nghe đọc danh sách "73. Đinh Như Ninh là con, mẹ bà Nguyễn Thị Cân", thì thấy một ông lão mặc áo nâu, quần màu cháo lòng, tóc hoa râm, râu cằm không dài lắm với vẻ mặt rạng rỡ, ông nắm lấy tay tôi kéo về phía ông, miệng cười hể hả. ông nói: "Cha con mình về mau, mẹ con đang đợi!", rồi ông gọi to: "Thảo ơi, có anh đây rồi!". Chợt nghe có tiếng nói nhỏ: "Con đây.". Tôi nhìn thấy một cô gái trạc tuổi tôi, bẽn lẽn nhìn tôi và nắm lấy tay trái ông lão. Chúng tôi về thấy mẹ đã nấu nồi bánh canh bột gạo còn nóng. Cả nhà quây quần bên những chén bánh canh bày trên một cái mâm gỗ đã cũ, mùi gia vị thơm phức. Vừa ăn vừa nói chuyện, giới thiệu tên tuổi từng người theo tuổi tác. Em trai Nguyễn Quốc Thuận kém tôi 4 tuổi cứ xuýt xoa mân mê từng ngón tay, nếp áo quần của tôi. Hai em nhỏ Gái và út cứ nhoẻn miệng cười hồn nhiên. Hôm sau, tôi được biết em Thảo có người yêu là Hồ Luân, chính trị viên đại đội 154. Tôi được nghỉ phép 3 ngày. Hôm trả phép, mẹ nói: "Con đi chân cứng đá mềm, mẹ ở nhà mua nuôi cho con một con heo, mai đây bán đi, mẹ may cho con bộ quần áo mới". Cha và các em khóc, đứng nhìn theo tôi mãi.Từ đó tôi đã có nơi lui tới thăm mẹ mỗi khi có dịp3.

------------------
1. Đại tá bác sĩ Đinh Như Bình đã nghỉ hưu tại quận Đống Đa, Hà Nội, và qua đời năm 1994.
2. Địa danh chiến khu tỉnh Quảng Trị.
3. Tháng 5 năm 1984, được tin mẹ đang ở chơi nhà Đại tá Hồ Luân tại cư xá Lam Sơn, Gò Vấp. Tôi tranh thủ đến thăm, thấy mẹ đã mắt mờ chân chậm. Mẹ ôm lấy tôi, mừng ra nước mắt. Tôi dẫn mẹ đi khám bệnh mua thuốc và góp tiền may cho mẹ bộ quần áo. Được tin cha đã mất, các em đều khôn lớn, chỉ có anh Kiểm - con trai đầu của mẹ đã hy sinh trong chiến tranh. Tôi xin phép mẹ đi Campuchia, tiếp tục nhiệm vụ tại Phnôm Pênh

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 09:26:45 am »

        Năm 1950, trước muôn vàn khó khăn gian khổ, sức chiến đấu của quân dân Bình Trị Thiên không hề giảm sút. Nhờ có sự lãnh đạo của phân khu ủy, các tỉnh ủy, huyện ủy, và cấp ủy Đảng các cấp trong quân đội, mọi mặt hoạt động vẫn được tăng cường, cuộc sống vẫn vui tươi, khỏe khoắn. Đồng chí Đỗ Viên Tín, trợ lý văn nghệ có bài vè "cải thiện" được mọi người khen ngợi mỗi khi xem anh biểu diễn:

        "Bộ đội giết giặc xâm lăng/ Đánh cho quân Pháp nhăn răng Ọ kèn/ Sống đời lăn lộn đã quen/ Gian lao khắc khổ bao phen diệt thù/ Những ngày hết cả cái ăn/ Anh em nách mủng lăng xăng mượn từng nhà/ Thương thay là mấy mẹ già/ Thổ bồ thúc bịch đem ra cho mượn liền/ Mẹ còn an ủi dịu hiền/ Thảm thương cơ khổ thiếu tiền thiếu nong/ Thương con nỏ có cho con/ Miễn là tấm bụng, mẹ bòn đã hết hơi/...Chột môn với mớ rau rừng/ Cho thêm mắm muối tí vừng là vua/ Rủi thời vớ phải gạo chua/ Có đam cải thiện, nỏ thua chi thịt bò/ Đam kềng1 dưa chuối trộn kho/ Món ăn chủ lực, thơm tho lạ lùng".

        Lúc 14 giờ 30 phút ngày 24 tháng 7 năm 1951, chúng tôi đang hội ý Chi ủy ở một nhà dân tại làng Kim Long, xã Hải Thái, huyện Hải Lăng thì nghe tiếng máy bay gần. Tôi hô giải tán, ra hầm. Tôi chạy theo sau, tới hầm đã kín người. Tôi ngồi tại ngách cửa, nhìn lên thấy trống trải quá! Tôi vọt lên chạy qua sân thấy một hầm tròn, tôi nhảy xuống. Hai chiếc Hen-cát bổ nhào ném bom. Ngớt loạt bom, tôi nhảy lên, chạy ra đến lũy tre làng thì máy bay vòng lại ném loạt thứ hai. Tôi nằm rạp xuống đường làng, ngớt loạt tôi lại chạy ra mép đường 68. Hai chiếc máy bay thay nhau bắn từng loạt đại liên dài xuống làng. Hết tiếng máy bay, tôi vào làng thấy nhiều nhà cửa đổ sập, cây cối đổ nát, tiếng người kêu khóc. Làng Kim Long xơ xác... Chiếc hầm của chúng tôi bị mấy loạt đạn đại liên phá nát ngách cửa lên xuống. Đồng chí Phan Cuộc (liên lạc) nhìn tôi nói: "Nếu anh không nhảy lên thì anh đã lãnh trọn loạt đạn này rồi?".

*

*           *

        Một đêm tháng 10 năm 1951, tiểu đoàn 310 Trung đoàn 95 trú quân tại khu rừng Hải Cụ, xã Vĩnh Sơn, chuẩn bị đi đánh đồn Cửa Việt. Thường lệ vào khoảng 22 giờ, quân y các đơn vị đi kiểm tra việc nằm mùng của bộ đội trong khi đi ngủ. Đồng chí Nguyễn Phúc Thái - cứu thương đại đội 93 - 20 tuổi, quê làng Kinh Môn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh - cầm đuốc đi kiểm tra thì bị cọp vồ. Anh em kể lại: Nghe một tiếng cọp gầm, tiếp theo là tiếng la kinh hoàng "ôi cha?" vang lên trong đêm khuya. Bộ đội đuổi theo vết máu, hết đuốc phải trở lui chuẩn bị rồi đuổi tiếp Khi trời đã mờ sáng mới tìm thấy thi hài đồng chí Thái đầy máu tươi, cọp đã ăn mất một số bộ phận cơ thể của đồng chí. Dạo đó, có ý kiến dùng súng bắn cọp, nhưng đơn vị cấm bắn để giữ bí mật lực lượng. Khoảng 16 giờ một chiều tháng 5 năm 1952, đội phẫu trung đoàn 95 đang điều trị cho thương binh trận Nam Đông - đường 74 tại khu rừng Bến Thiêng, thuộc chiến khu Thủy Ba, huyện Vĩnh Linh. Chúng tôi ở bìa rẫy đồi bên này nhìn qua, thấy con cọp rượt đuổi bé gái chừng 13, 14 tuổi từ sân chạy lọt vào nhà trong đang chạy ra nhà bếp. Con cọp quành lại đón ở cửa nhà bếp, bé gái thụt vào nhà trong. Chúng tôi cùng la đuổi Có nhiều nhà dân cùng la đuổi, gõ thùng, mõ... Con cọp bỏ đi. Đêm đến, mọi người trong khu vực ai cũng ngủ chập chờn, lo nghĩ cho số phận con người trước sự đe dọa của cọp Thủy Ba.

        Sau trận đánh Nam Đông - đường 74 thuộc huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, có hơn 70 thương binh đã được đội phẫu cứu chữa xong sớm hơn kế hoạch nửa ngày đêm. Y sĩ Đặng Chu Kỷ và tôi được đi thăm lại chiến trường. Sẵn dịp chúng tôi mượn cái liềm của dân đi cắt vỏ ruột xe Ô tô về đóng dép. Có dịp tôi biết thêm y sĩ Đặng Chu Kỷ là người khéo tay và rất chịu khó. Tôi có đôi dép lốp tết từ đó.

        Ngày 10 tháng 7 năm 1952, tôi được đồng chí Chính ủy Nguyễn Lượng giao nhiệm vụ mang 30.000 đồng bạc Đông Dương, là số tiền chiến lợi phẩm trận đường 74, vào Huế mua thuốc men, dụng cụ y tế và 20 quả bóng chuyền. Tôi được cấp một lá thư giới thiệu tôi là chi ủy viên đến gặp thị ủy Thuận Hóa để nhờ giúp đỡ. Tôi hiểu số tiền này lớn lắm bởi vì lúc đó một đồng bạc có thể nuôi sống tôi 3 ngày ăn. Đơn vị cử chiến sĩ Nguyễn Niên, quê làng Trường Sánh, huyện Hải Lăng cùng đi. Hai chúng tôi vượt cửa Thuận An, vào huyện Phú Vang, tìm gặp thị ủy Thuận Hóa đặt hàng. Họ hẹn một tháng sau đến nhận hàng, trả tiền. Tôi cho đồng chí Niên về thăm nhà, đúng hẹn vào Phú Vang gặp tôi. Tôi tìm về trọ nhà ông Đinh Như Đàn làng Đồng Di, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, là người chú bác họ để đảm bảo an toàn, nhất là với số tiền tôi đang mang giữ. Vào hai giờ sáng ngày 26 tháng 7 năm 1952, tiếng loa báo động Tây đi lùng. Tôi rất lo lắng, bèn hỏi ông Đinh Như Đàn, ông nói: "Tây đi lùng các làng xóm để bắt người cướp của, còn cái hàng rào tre quanh đồn Sư Lỗ chúng chẳng cần lùng". ông dẫn tôi đến hàng rào tre lúc ba giờ sáng. Trời trong cao, trăng đủ sáng cho tôi nhìn đếm bảy lớp hàng rào tre, cỏ mọc theo đặc kín cao quá đầu người. Ngồi núp giữa hàng rào thứ ba và thứ tư một lúc, tôi không yên tâm vì lo gặp lừa hàng rào sẽ cháy mất túi tiền. Tôi bò ra giữa đám ruộng dân đã cày, đang phơi ải. Tôi xếp đất cày, giấu túi tiền trong đó có giấy ghi rõ tiền mua thuốc của bộ đội, ai nhặt dược thì gởi nhờ thị ủy Thuận Hóa chuyển cho Trung đoàn 95. Tôi ngồi suốt từ mờ sáng đến khi nắng to, chừng 10 giờ nghe súng nổ nhiều xa xa phía đông nam đồn Sư Lỗ. Chừng bốn giờ chiều có người tìm gọi tôi về và cho biết bộ đội đánh thắng lớn ở Hòa Đa, Thanh Lam Bồ.

--------------
1. Đam kẻng tức cua đồng đực, con to.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 12:04:33 pm »

        Quá hẹn đã hai ngày, không thấy chiến sĩ Nguyễn Niên vào. Đường đi tắt từ Phú Vang qua cửa Thuận An, ra Phong Điền bị địch phong tỏa. Tôi phải dồn hết hàng đã mua và hành lý thành một gánh khoảng hơn 20kg. Tôi theo đường dây lên chiến khu Dương Hòa, theo đường rừng đi ra. Ba ngày sau tôi lại vượt đường số 1 tại làng Thanh Lương, huyện Quảng Điền. Tôi bất ngờ gặp anh Phạm Tĩnh đang đứng cảnh giới đường. Anh là y tá tiểu đoàn 227 - đã bị địch bắt trong trận Thanh Hương cuối năm 1951. Anh cho biết, anh được gia đình dùng tiền lo cho được thả ra sau ba tháng bị giam trong trại tù binh giặc Pháp. Được gặp nhau anh mừng lắm, còn tôi đang mệt vì bị mụn nhọt, chân sưng to. Anh Tĩnh đưa tôi về nhà tại làng Thanh Lương nghỉ ngơi. Tôi được vợ chồng anh Tĩnh chữa mụn nhọt ngay trong đêm. Tôi dang ngủ say, anh Tính gọi tôi dậy nghe loa truyền Tây lùng.  Anh Tĩnh dẫn tôi lui sau nhà bếp sau khi xếp gánh hàng của tôi vào sâu trên giàn bếp. Hai anh em cùng chui xuống một căn hầm bí mật do vợ chồng anh khoét cho anh trốn. Chúng tôi ngồi co ro chừng 5 phút, chị Tĩnh mở nắp hầm chuyền xuống một rá đậu phụng rang chừng 2 kilôgam. Hai anh em vừa kể chuyện thì thầm vừa nhai từng hột đậu. Chừng hai giờ sau tôi cảm thấy ngột ngạt, anh Tĩnh nhường cho tôi ghé mũi gần lỗ thông hơi. Chị Tĩnh gọi chúng tôi lên lúc gần bốn giờ chiều. Rá đậu được ăn gần hết (Tôi ngán sợ mùi đậu phụng rang từ đó cho tới 3 năm sau). Cơm nước xong, anh Tĩnh nhắc tôi chuẩn bị lên đường. Tôi đi tiểu nhưng không tiểu được, tôi cho là do bị thiếu nước cả ngày. Chín giờ tối, tôi cảm ơn và chào tạm biệt anh chị Tĩnh (chị hơn tôi 3 tuổi, anh hơn tôi 5 tuổi) Anh chị gởi lời thăm anh em quân y Trung đoàn 95. Tôi rủ anh cùng đi, anh nói: "Mình ở nhà làm dân quân hợp hơn". Tôi nhập theo đoàn người từ chiến khu về đồng bằng. Anh Tĩnh vẫn đứng cảnh giới đường phía lô cốt địch. May quá, đêm đó trong giờ đợi đò vượt sông Ô Lâu, tôi đi tiểu được. Tôi mừng vô hạn.

        Hai ngày sau đó, tôi về đến nhà mẹ đỡ dầu ở làng Kim Giao, xã Hải Thái. Đêm sau đó, tôi đến làng Trường Sánh tìm chiến sĩ Nguyễn Niên. Mẹ anh cho biết, Niên bị sốt rét cả tháng mới ăn được cơm hai bữa rày. Tôi cảm ơn mẹ và xin cho Niên cùng đi về đơn vị.

*

*            *

        Hai anh em ra đến làng Long Quang, xã Triệu Thành thì bất ngờ gặp đoàn đồng chí Hồ Đố, trung dội trưởng tải thương dẫn 12 người đi lãnh thuốc ở Ba Lông về. Đoàn đang nghỉ chân tại nhà đồng chí Phan Cuộc Mừng quá? Gia đình làm thịt chó đãi đoàn. Bữa chiều thật vui vẻ, ngon miệng, no nê. Chúng tôi lên đường lúc 6 giờ chiều, ra đến sông Cửa Việt đã quá 12 giờ đêm. Trăng sáng mờ mờ. Chúng tôi thay nhau gọi đò rát cả họng, đã hai mươi phút vẫn im lặng. Tôi hội ý với anh Đố, đều thống nhất, thấy để đến hai giờ sáng thì nguy hiểm. Thượng sách lúc này là cử người vượt sông, tìm cho bằng được đò. Tôi hỏi ai biết bơi thì hãy xung phong. Không ai lên tiếng. Tôi cởi áo quần dài, lội xuống nước. Đồng chí Hồ Đố cởi áo, tôi thấy đồng chí Phan Cuộc khóc thút thít, vài người khóc theo. Anh em đứng dán mắt theo chúng tôi. Chúng tôi bơi... Chừng 50 mét bỗng Hồ Đố reo lên: "Cạn rồi, có gò nổi". Tôi vốn người thấp nên bơi vài sải nữa mới dò đứng được, tôi mừng lắm. Chúng tôi theo gò nổi đi ngược dòng chảy, tôi ước chừng còn phải bơi thêm vài trăm mét mới tới bờ bên Gio Linh, tôi nói phải đi một quãng xa mới ra lòng sông mà bơi vì nước đang xuống. Bỗng đâu có tiếng người và con đò hỏi đón, hai chúng tôi lên đò quay vào bờ nam đón đoàn. Chúng tôi ra đến làng Nhỉ Hạ thì trời sáng hẳn.

        Tháng 12 năm 1952 có giấy Đại đoàn 325 gọi tôi đi học trường Quản trị - Y tá tại Nghệ Tĩnh. Tôi rời đơn vị từ xã Phong Lâu, huyện Phong Điền đi ra. Khi ngang qua cầu ga xe lửa Sa Lung, tôi rẽ về xóm Chồi thăm mẹ. Các anh xã đội cho anh Phong1 - một trinh sát xã đội cùng đi lúc chín giờ tối từ làng Phú Thị ra Hồ Xá, nhân tiện anh Phong mang theo cái thúng đi xin gạo. Trời tối như mực. Về đến nhà thím Thí, cách nhà tôi 100 mét, tôi ghé lại hỏi nhỏ vào cửa sổ của phên đất, nơi thím đang ngủ để biết tình hình. Tôi nhận được một câu cằn nhằn: "Tao không biết, không quen Ninh Nung mô hết". Tôi nói nhỏ với anh Phong: "Chúng mình quấy rầy giấc ngủ làm thím phiền lòng, ta cứ đi". Chúng tôi đến chuồng trâu nhà bên cạnh, dừng lại nghe ngóng, bỗng anh Phong nói: "Tôi nghe tiếng lên đạn" và nói tiếp: "Tôi nổi da gà rồi". Anh kẻo cái thúng làm gãy một cành sắn, tức thì có nhiều loạt đạn nổ ran. Anh Phong xách thúng chạy, tôi chạy theo... Tôi nói đường này vòng cung, có con đường tắt từ nhà tôi xuống bàu, anh hãy tạt qua phải ném một quả lựu đạn làm chúng không dám đuổi. Anh Phong làm theo lời tôi, quả da láng nổ giòn phía sau. Chúng tôi trở về làng Phú Thị lúc chưa đầy 23 giờ. Chúng tôi cho rằng có kẻ chỉ điểm.

        Hai hôm sau, mẹ tôi và em gái Đinh Thị Đào vào thăm. Mẹ con, anh em được gặp nhau mừng mừng, tủi tủi Mẹ và em cho biết, hôm rồi giặc bắt trói mẹ tôi và em Đào, hai em Đạt và Thông nhảy vào lò đựng trấu trốn. Hai em Thái và Hanh đã đi ở đợ, giữ trâu. Anh Khuông đi bộ đội huyện. Mẹ mua quà cho tôi là một đôi dép lốp và hai mét vải khía xanh. Hôm đó em Đào hỏi ý kiến tôi về việc bà Chi nhờ dạm hỏi em cho con trai bà là anh K. Tôi nghĩ em còn nhỏ sao không ở giúp đỡ mẹ Vài năm nữa hãy tính? Nhưng nhớ lại thì em đã 18 tuổi. Nhìn em trắng trẻo, hồng hào, đẹp gái, cặp môi nhọn ngày nào đã đỏ thắm như tô son. Tôi nói: "Việc đó là của đời em, anh không có ý kiến gì, tùy em chọn". Không có dịp gặp hai em Đinh Như Đạt và Đinh Như Thông, tôi mường tượng hai đứa 9 tuổi, 7 tuổi giờ này đang mong mẹ và chị về, trời đang sẩm tối. Tôi vượt đường quốc lộ 1 lên Thủy Ba đi Nghệ Tĩnh.

---------------
1. Đỗ phong kém tôi 2 tuổi - Sáng 25 tháng 2 năm 2007, tình cờ chúng tôi gặp lại nhau trong buổi họp mặt đồng hương Vĩnh Linh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2016, 04:15:36 pm »


*

*           *

        Tôi đi từ đỉnh núi Cổ Kiềng xuống dốc lúc 10 giờ sáng. ánh nắng nhảy nhót trên các lá rừng, đàn chim bù chao báo động inh ỏi "nao, nao" nghe thật vui tai...  Xuống đến suối, tôi thấy một đoàn dân công chừng vài chục người, áo quần nâu, gánh sọt đầy hàng bọc kín. Họ từ Hà Tĩnh vào, đang nghỉ chân bên kia bờ suối nhỏ. Phía bên này lại có một đoàn nam nữ dân công hơn 10 người, họ gánh gạo, muối, bí bầu từ đồng bằng lên. Hai đoàn dân công đang chào hỏi nhau, trò chuyện vui vẻ. Tôi cũng vui lây, quên hết mệt nhọc.

        Bỗng có tiếng "Dô hò!..." cất lên từ đoàn quân áo nâu, nón lá: "Đi vô cũng muốn đi vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang... Mà ba ngày rày chỉ cho rừng với núi đại ngàn, muốn hỏi thăm dưới đồng nội xóm với làng ra sao? Dô hò?..."

        "Hò đáp đi bay, o mô cũng được, o Vịnh đi nào!" một giọng đàn ông giục. Tức thì một giọng nữ cất lên: "Phá Tam Giang lâu ngày phải cạn, truông nhà Hồ có cách mạng đổi thay... Xóm làng Quảng Trị ngày nay, chung tay đánh cho tan giặc Pháp, mới có ngày tự do".

        Tiếng hoan hô xen lẫn trong tiếng vỗ tay rộn rã... Lại có tiếng: "Dô hò, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Bình Trị Thiên đang gian khổ biết bao. Nhân tài vật lực Nghệ Tĩnh phải kéo vào, giúp nhau trong cơn hoạn nạn ai nỡ nào ngồi yên này. Dô hò?".

        Bờ suối phía nam lại có tiếng: "Khoan ơi khoan mời các bạn xô lên... Ơ hờ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, Bình Trị Thiên đang chống quân giặc Pháp hung đồ... Bà con Nghệ Tĩnh đã kéo vô, cùng nhau đồng cam cộng khổ biết lấy nghĩa mô mà sánh bì". Nhiều tiếng vỗ tay vang lên, xen trong những lời khen ngợi xứng đáng. Tôi đang ngắm nhìn các cô gái Vĩnh Linh quê tôi mà lòng cảm mến bất ngờ. Liền có tiếng "Ừ, o Sáo, Một giọng nữ cao cất lên lanh lảnh: khoan ơi khoan mời các bạn hò khoan... Ơ hơ con chim đại bàng bay qua hòn núi bạc, con cá ngư ông xem xác giữa khơi... Gặp nhau đây ta bày tỏ một đôi lời, kẻo mai kia con cá về sông Vịnh, con chim đối dời non xanh..."

        "Hò đáp đi Xuyên!" Có tiếng giục bên đoàn áo nâu, liền có tiếng: "Dô hò... Sách có chữ rằng hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng! Miễn là đây với đó một lòng, con chim đại bàng đã vỗ cánh thì cửa Nhượng với cửa Tùng có bao xa".

        Tiếng vỗ tay rào rào kéo dài, mọi người hể hả cười vang... Họ lên đường vào Ba Lòng, lên Thủy Ba, tôi đi ra Hà Tính. Niềm vui và lòng tự hào cổ vũ chúng tôi trên suốt cuộc hành trình. Tôi cảm nhận rõ sức mạnh của lòng dân, càng làm tăng gấp bội trong tôi "niềm tin tất thắng" của cuộc kháng chiến do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Tôi đón Xuân Quý Tỵ (1953) một mình, khi đang đi ngang qua xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch. Tôi được bà con xóm Cà, xóm Rẫy cho ăn chè kê, bánh bột lọc thật ngon miệng. Họ kể về chiến thắng Sen Bàng, Ba Đồn. Bà con cho biết đường ra Hà Tĩnh không còn lo địch phục kích nữa. Tôi vẫn đi theo đường dây lên Khuông Hà, Bồng Lai đi Đồng Lê, Đồng Lào về Kỳ Anh, ra Cẩm Xuyên. Được đi giữa ban ngày dọc quốc lộ 1, có gió mát, trời cao, đồng lúa mênh mông đang chín vàng mẩy hạt, chim chiền chiện líu lo đâu đó trên cao như vẫy chào, tôi hít thở hương đồng cỏ nội trên đất Hà Tĩnh, lòng thấy khoan khoái lạ thường. Tôi càng đi càng khỏe, tràn ngập niềm vui.

        Đây rồi, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên. Đón tôi là một người trung niên, tầm vóc trung bình, nói giọng Bắc, có răng vàng, da ngăm, hơi gầy. Sau khi xem giấy tờ, anh vui vẻ tự giới thiệu anh là Đào Trọng Cốn, anh cho biết hiệu trưởng là đồng chí Trần Chí Cường1, hiệu phó, chủ nhiệm lớp là đồng chí  Nguyễn Kim Đồng, chính trị viên lớp là đồng chí Lê Văn Song. Anh lật xem sổ sách rồi nói: "Đinh Như Ninh về tổ 3, làm tổ phó". Sau ba tháng học chương trình chính trị sơ cấp, tôi thấy đầu óc được mở mang hiểu biết từng ngày, nhất là đường lối cách mạng Việt Nam, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi xác định động cơ học tập, phương châm học tập, các chính sách lớn của Đảng. Tôi tự thấy mình khôn lớn thêm nhiều cả về sức khỏe và hiểu biết. Trong đại hội chính thức, bầu chi ủy chi bộ học viên, tôi được bầu là chi ủy viên. Chưa hết chương trình khóa học, tôi cùng bốn bạn của Trung đoàn 95 được lệnh trở về đơn vị gấp.

--------------
1. Đồng chí Trần Chí Cường, Thiếu tướng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, hiện nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 29 Tháng Hai, 2016, 12:12:48 pm »


*

*          *


        Chúng tôi theo quốc lộ số 1 đi vào, lên đỉnh đèo Ngang dừng nghỉ chân vừa để ngắm cảnh, càng thấy bài thơ của bà huyện Thanh Quan quả là một kiệt tác: " Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông rợ mấy nhà..." Về đơn vị gặp lúc Trung đoàn đang củng cố, bổ sung đội ngũ sau trận chống càn Các-mác-giơ (26-7-1953). Đơn vị đóng quân tại xã Vĩnh Sơn, bờ nam sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh. Tôi được bầu làm phó bí thư chi bộ ban quân y, được bầu là liên chi ủy viên - liên chi hậu cần Trung đoàn do đồng chí Nguyễn Mậu Đạt, Phó Chủ nhiệm hậu cần làm Bí thư liên chi. Trong đại hội liên chi, có câu chuyện bất ngờ. Đại hội diễn ra tại nhà bà X, làng Kinh Môn. Tôi có tên trong danh sách đề cừ. Tôi phải báo cáo sơ yếu lý lịch trước đại hội, trong đó có đoạn anh tôi là Đinh Như Khuông, trung đội trưởng, đại đội 354 Vĩnh Linh... Tôi vừa ngồi xuống thì có một người con gái trẻ đẹp, bưng mời tôi một bát nước chè xanh rồi nói: "Mời chú uống nước". Tôi lấy làm lạ, vì chị cũng trạc bằng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn. Sau đại hội hỏi ra mới biết, đó là chị Huỳnh Thị Hoa, con gái bà chủ nhà, chị là người yêu của anh Đinh Như Khuông. Lúc này, anh Khuông đang làm trợ lý ban chính trị Tỉnh đội Quảng Trị.

*

*          *

        Tháng 9 năm 1953, Trung đoàn hành quân đi ra, hết ngày này qua ngày khác. Chúng tôi dừng chân tại Nam Đàn, chuẩn bị học chỉnh quân chính trị. Tôi và anh bạn tranh thủ đến thăm nhà Bác Hồ. Nhà Bác lúc này chỉ có một mình cô Thanh ở. Tôi được dân làng dặn chỉ được xưng hô là cô với cháu, không được gọi là chị hay bà (vì nếu gọi chị thì cô nói "Ta đã gần 70 tuổi, làm chị mô được nữa?", Nếu gọi bà, thì cô nói: "Ta có con cháu chi mô mà làm bà?").

        Liên chi ủy họp phiên bàn về lãnh đạo chỉnh quân. Đại đội 64 (vận tải) quân số hơn 100 người mà lúc này chưa có chính trị viên, lại không có liên chi ủy viên phụ trách. Đồng chí Nguyễn Mậu Đạt nêu ý kiến điều tôi qua làm trưởng ban lãnh đạo chỉnh quân đại đội 64. Đồng chí Trương Công Bột - 51 tuổi, chính trị viên phó đại đội vẫn là một học viên trong tổ học tập của đại đội bộ do đồng chí Trần Văn Suyễn, trợ lý chính trị làm tổ trưởng.

        Đại đội 64 lúc này còn có đồng chí Nguyễn Ngọc Hà đại đội trưởng, anh là đại đội phó bộ binh 154, bị thương trong trận Cù Hoan, là một cán bộ đại đội nhiều năm lại lớn hơn tôi sáu tuổi; các trung đội trưởng đều lớn tuổi hơn tôi. Tôi lo lắng thật sự, lo sẽ gặp nhiều khó khăn, lo không hoàn thành nhiệm vụ. Tối hôm sau, tôi đến gặp đồng chí bí thư liên chi nói hết suy nghĩ của mình. Đồng chí Nguyễn Mậu Đạt nói rõ về nhân sự liên chi ủy và nói: "Chúng ta vừa học tập vừa đảm bảo hậu cần cho Trung đoàn sẵn sàng chiến đấu, chỉ có đồng chí là đủ điều kiện tập trung sức cho lãnh đạo chỉnh quân". Đồng chí bí thư lại nói: "Việc lựa chọn sắp xếp các trưởng ban lãnh đạo chỉnh quân trong toàn Trung đoàn đã được Trung đoàn ủy quyết định, chúng ta chỉ có việc thi hành, tôi sẽ chú ý giúp đỡ đồng chí mỗi khi gặp khó khăn". Nghe xong tôi chỉ còn biết đáp "Dạ".

        Ba tháng chỉnh quân chính trị đã qua nhanh. Kết quả thật tốt đẹp. Hôm liên hoan chia tay, không khí đại đội vui vẻ thân mật làm sao. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà ôm lấy tôi, mắt rươm rườm anh nói những lời cảm ơn đầy cảm động. Đồng chí Trương Công Bột cứ cầm lấy hai tay tôi lắc lắc, anh vừa nói vừa thở: "Tôi muốn cấp trên cho anh ở lại làm chính trị viên đại đội này với chúng tôi.

*

*           *

        Tôi trở về ban quân y Trung đoàn. Vào một buổi sáng tháng 12 năm 1953, đồng chí bác sĩ Võ Như Tỷ, chủ nhiệm quân y đại đoàn dẫn theo một người khách lạ. Bác sĩ Võ Như Tỷ nói với tôi: "Đại đoàn bổ sung cho các cậu một đội trưởng đội phẫu. Anh Nguyễn Thế Trang, sinh viên y khóa 3 năm thứ ba". Anh đứng dậy bắt tay tôi và anh Nguyễn Thế Trang với cử chỉ thật trân trọng. Tôi mừng như mở cờ trong bụng, vì ban quân y lúc này cả chủ nhiệm Lê Bá Hiểu và phó là đồng chí Nguyễn Văn Diệp đều đã được lệnh đi trước cùng với đội phẫu 1. Vào chiến dịch nếu cần có thêm đội phẫu hai thì chưa có ai là phẫu thuật viên. Tôi ngắm nhìn người đồng đội mới. Anh Nguyễn Thế Trang có tầm vóc trung bình, da trắng, giọng nói Nghệ Tĩnh, anh có vầng trán rộng hơi dô, đôi mắt to, chân mày đen sắc, anh có đôi môi dày, đỏ, lại có răng vàng làm khuôn mặt thêm tươi tắn mỗi lúc anh cười. Chúng tôi hòa mình trong tổ chức đội phẫu một cách nhanh chóng, cùng nhau bàn bạc phân công nhiệm vụ xây dựng đội phẫu, tổ chức học tập chuyên môn, thao diễn kỹ thuật đáp ứng mọi yêu cầu trong thu dung điều trị thương bệnh binh của Trung đoàn. Phát huy tinh thần sẵn có sau chỉnh quân, anh em càng phấn khởi, vui vẻ tin tưởng lẫn nhau, thương yêu nhau hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2016, 02:01:21 pm »


*

*          *

        Từ Mậu Lâm, huyện Nghi Lộc, chúng tôi được lệnh xuất phát hành quân trong đêm tối, Cứ tưởng sẽ được trở về chiến trường Bình Trị Thiên quen thuộc. Nhưng không, hướng đi lại là đi ra, suốt đêm chúng tôi đi đến cầu Bùng, huyện Diễn Châu. Bộ đội đã được nghỉ tại chỗ trong ba tháng chỉnh quân, nay hành quân 40 cây số trong một đêm, ai nấy đều phồng rộp chân, đội hình xộc xệch, lại vừa đi vừa đoán mò đi đâu sao không trở về Bình Trị Thiên? Trông uể oải quá! Tôi gọi quản ca Vương Đình Cừ vào nhịp: "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ... Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi..." Đi trong hàng, thỉnh thoảng tôi lại hô: "To lên?"... "To lên!"... Lúc đầu tiếng hát còn lẻ tẻ, càng về sau tiếng hát càng say sưa, hùng dũng... nhưng mới chỉ được 2/3 quân số đơn vị. Có nhiều người dân ra đứng trông theo. Một cảnh tượng đầy khí thế, lưu luyến, cảm động.

        Chiều đến, anh Nguyễn Mậu Đạt cho biết tin, Trung đoàn 101 đã vượt Trường Sơn sang Lào. Trung đoàn 18 vẫn hoạt động vùng Gio Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, còn Trung đoàn ta vẫn chưa rõ. Nhưng hướng đi đã vượt Ninh Bình, qua Phú Thọ đi Yên Bái. Phải chăng Trung đoàn được vinh dự đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ? Rất có thể, vì đơn vị mình là một trong những đơn vị chủ lực cơ động của Bộ mà? Nhưng đi đến gần địa phận tỉnh Phú Thọ rồi thì được lệnh quay trở lại, lúc này mệnh lệnh đã rõ ràng: Phối thuộc Đại đoàn 320 hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ để phối hợp với Trần Đình (tức Điện Biên Phủ). Trung đoàn 95 mang phiên hiệu đoàn 71A hành quân chiến đấu trên đường 10.

        Đây là địa bàn hoàn toàn mới, đồng chí Tống Thái, một gương mặt mới về làm Trung đoàn trướng. Chúng tôi đi đến đâu cũng dễ bị lộ, đồng bào gọi đùa là "lính trọ trẹ", do lời ăn tiếng nói khác lạ với nhân dân địa phương. Nhưng với bản chất thật thà, cần cù, làm đúng 12 điều kỷ luật dân vận của Bác Hồ dạy, chúng tôi đi đến đâu cũng được dân thương, dân quý. Một hôm, chúng tôi ở Ninh Bình. Lần đầu tiên được ở trong ngôi nhà ngói, có lầu, thật mát mẻ. Anh chủ nhà vốn là một cố nông vừa được chia "quả thực" nói với tôi: "Các anh bộ đội ở nhà này cần đề phòng máy bay địch ném bom". Nói rồi, anh dẫn vợ con đi sơ tán. Hai hôm sau, lúc chúng tôi đang họp chi ủy trên lầu nghe tiếng máy bay gần. Tôi hô: "Giải tán, chạy, chạy nhanh ra đồng lúa", tôi còn phải thu xếp giấy tờ chạy theo sau. Đúng lúc tôi ở bờ làng nhảy xuống ruộng thì nghe tiếng máy bay gầm rít, tiếp theo là tiếng bom, tiếng dạn liên thanh nổ sau lưng, phía trong làng. Cứ thế, tôi men theo bờ ruộng ra giữa đồng. Ngớt tiếng máy bay, tôi chạy về làng. Ngôi nhà ngói bị trúng bom đổ sập một góc, lũy tre làng và nhiều cây cối đổ ngổn ngang... Tôi nghe có tiếng rên dưới bờ ao, trời nhá nhem tối, tôi lần đến thì thấy đồng chí Phan Cuộc, liên lạc đại đội đang ngồi dựa lưng vào bờ ao, hai chân thòng xuống nước. Tôi dìu Cuộc lên, thấy lưng bị bầm, vạt áo lưng bị xé toạc. Tôi gọi anh Thế Trang đến xem xét, cứu chữa. Đơn vị thu xếp gọn mọi thứ, đợi lệnh di chuyển.

        Chúng tôi đến trú quân tại xứ chè Bồng Lạng. Rừng chè cao lúp xúp đã khép tán kín đáo. Đội phẫu triển khai theo lối dã chiến, đã phục vụ tốt những trận đánh nhỏ lẻ của Trung đoàn nhằm tiêu diệt, bóc gỡ nhiều tháp canh dọc đường 10 từ Núi Gỏi đi Cát Đằng. Cuối cùng được về triển khai tại chùa hang Địch Lọng thuộc đất Hà Nam. Thương binh không nhiều, đa số là thương binh nhẹ, công tác cứu chữa được thuận lợi, hoàn tất tốt đẹp, ai ai cũng hài lòng. Một số anh em được ghi công. Chi bộ tổ chức kết nạp hai đảng viên mới, trong đó có đồng chí Vương Đình Cừ hơn tôi hai tuổi, quê xã Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An. Anh có tầm vóc cao vừa, mũi cao hơi khoằm, da sáng với đôi mắt to, lanh lợi. Anh hát rất hay và cũng rất hay hát.

        Đã một ngày không thấy thương binh về. Tôi ngược theo thuyền, dọc sông Đáy lên tuyến trên tại làng Sở Kiện nắm tình hình. Tôi được biết đội phẫu 1 bị tổn thất nặng trong trận Khe Non - Đại Kiện. Các đồng chí Lê Bá Hiểu - y sĩ đội trướng, Nguyễn Văn Diệp - quân y sĩ đội phó và y tá trưởng Trần Đình Trung đều hy sinh vì bom địch ném trúng đội phẫu 1. Các thương binh, tử sĩ đều được Đại đoàn 320 và nhân dân địa phương giúp đỡ giải quyết xong. Tôi còn được biết những tin chiến thắng dồn dập: Trung đoàn đã phối hợp với Đại đoàn 320 tham gia giải phóng các thị xã Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Tiểu đoàn trưởng 302 Trung đoàn 95 đã ngồi xe Zeep chạy quanh kiểm tra khu vực thành phố Nam Định...

        Tôi quay trở về hang Địch Lọng, đang trao đổi tin tức với anh Nguyễn Thế Trang trong đêm 7 tháng 5 năm 1954 thì mọi người bỗng òa lên: "Điện Biên Phủ giải phóng rồi! Tướng Đờ cát và bộ sậu tham mưu của hắn bị bắt làm tù binh hết rồi!". Tiếng reo hò tràn ngập hang Địch Lọng. Mừng quá! Tôi hoan hô, nhưng cũng kịp nhắc anh em: "Reo hò vừa thôi, đừng ồn ào thái quá?" Vui mừng và ngạc nhiên... Sáng ra có lệnh Trung đoàn gấp rút hành quân trở về Bình Trị Thiên, Đội phẫu có hai ngày chuẩn bị, gửi các trung trọng thương về tuyến sau cho Cục Quân y.

        Cuộc hành quân trở về rất vui, lại đỡ được cái lo phi pháo địch. Đến mỗi chặng nghỉ, quân mình lại xúm xít chơi tú lơ khô. Hầu hết các bộ bài đều làm bằng giấy các tông, phết dán cẩn thận, khắc dấu củ khoai in màu xanh đỏ, cơ bích rô chuồn, kèm theo chữ số ở hai góc. Vậy mà anh em vui chơi say mê, thỏa thích. Trung đoàn về đến Đức Thọ thì được dừng lại nghỉ ba ngày vừa để tổ chức mừng công, vừa để nhận quân trang áo quần, giày mũ mới. Lần đầu tiên, Trung đoàn tập trung đội hình thành các khối tiểu đoàn 227, 302, 310, khốí trực thuộc, khối cơ quan. Quân ta đều mặc quần áo mới màu cỏ úa, hàng ngũ thẳng tắp, vuông vắn. Các súng lớn: Cối, ĐKZ, thượng liên, trung liên để trước đội hình. Trông oai phong lắm, đông vui quá?... Làm lễ xong, ai nấy về đơn vị lại có bữa ăn ngon: Thịt hộp, quà của bác Mao Chủ tịch gởi tặng, xôi nếp ngon của đồng bào Nghệ Tĩnh tặng bộ đội mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, mừng chiến công phối hợp của Trung đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2016, 01:21:01 pm »


        4. Hòa bình lập lại 1954

        Sau mấy ngày nghỉ, muôn vàn nhọc nhằn quên hết. Trung đoàn lại hành quân cấp tốc... Chúng tôi leo lên đến đỉnh núi Mồng Gà huyện Kỳ Anh thì được thông báo: "Hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã được ký kết tại Giơ-ne-vơ". Vui mừng tràn ngập.

        Tôi được gọi đi học tình hình nhiệm vụ mới do Trung đoàn triệu tập. Ban chỉ huy Trung đoàn lúc này có đồng chí Triệu Huy Hùng, Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Cấp - Chính ủy. Đồng chí Nguyễn ích Tỷ - Trung đoàn phó, là một cán bộ đánh Điện Biên Phủ mới bổ nhiệm lên. Chúng tôi tiếp tục hành quân về đóng quân tại làng Lý Nhân Nam, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và bắt đầu xây dựng doanh trại đóng quân bên bờ sông Chánh Hòa, xã Lý Trạch. Mười năm "phấn đấu xây dựng quân đội lên chính quy hiện đại" bắt đầu.

        Bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc khá đông. Tại bốn tỉnh bắc Khu 4 đã có 4 Sư đoàn: 341, 325, 324, 330. Ngoài ra còn có một số trung đoàn, lữ đoàn. Có rất nhiều điều mới lạ, đông vui diễn ra trước mắt tôi. Tình cảm Bắc Nam hòa quyện trong từng địa phương, trong biên chế tổ chức từng đơn vị, tràn ngấm vào lòng từng người dân. Phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt" sôi nổi trên miền Bắc. Tôi nghĩ, không biết khi nào mình được vào miền Nam, đó là một ước mơ. ít lâu sau, tôi nghe các em thiếu nhi hát "Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi. Chú ơi chú bao giờ? Bao giờ cho em hái dứa dừa, xoài, đào khoai gởi sang Đông Đức tặng bạn em, mời bạn của em đến chơi..." Bài hát với nhạc tình cảm, lời tha thiết.., khiến lòng tôi hy vọng, băn khoăn một ước mơ xa xôi...

        Trong chỉnh biên lần thứ nhất tháng 11 năm 1954, tôi chính thức nhận chức Chính trị viên Đại đội 19 (quân y Trung đoàn). Sau một năm học tập, huấn luyện, Trung đoàn đã khác hẳn.

        Tháng 8 năm 1955, được đồng chí chính ủy trung đoàn cho phép, tôi mượn chiếc xe đạp biển số đỏ tranh thủ ngày thứ bảy và chủ nhật về Vĩnh Linh thăm mẹ và các em. Tôi về quê ngoại thăm các dì và tìm gặp cô L., sau ít buổi chiều tối kể chuyện về quãng đời đã qua và dự định cùng nhau xây dựng hạnh phúc trăm năm. Hôm sau, tôi chia tay mẹ và các em. Tôi đạp quanh một vòng thăm lại Hồ Xá và huyện lỵ Vĩnh Linh. Tuy chỉ là một huyện thiếu mấy xã bờ nam sông Bến Hải, nhưng Trung ương công bố là đặc khu giới tuyến. Bộ đội, cán bộ dân chính được bổ sung về thật đông vui. Công sở, nhà cửa, công trình công cộng mọc lên, mái ngói đỏ tươi, tường vôi trắng xóa. Tôi rời Hồ Xá lúc 12 giờ, đầu suy nghĩ về cảnh khổ cực của mẹ và 4 em trong chống Pháp và những ngày đầu sau chiến tranh. Em Đào đã về nhà chồng, tôi không có dịp gặp lại. Trên đường đạp xe trở ra đơn vị, tôi nhớ lại, em tên là Nguyễn Thị Luật, tuổi Quý Dậu, bí thư phụ nữ xã Vĩnh Long. Mẹ là bà Võ Thị Lệ, mất năm 1952 vì bị giặc Pháp bắt giam tra tấn gần chết mới thả cho về. Cha tên là Nguyễn Toàn, một nông dân hiền lành. Em là con gái lớn, còn hai em gái và hai em trai còn nhỏ.

*

*         *

        Tháng 10 năm 1955, trong chỉnh biên lần thứ hai, tôi nhận quyết định điều về Ban chính trị - trong lúc tôi đang làm chính trị viên đại đội, 24 tuổi, đã qua cương vị 2 năm lại vừa được chọn đi dự lớp tập huấn "chiến thuật đánh công kiên, cấp tiểu đoàn - tiểu đoàn tăng cường" do Sư đoàn tổ chức. Ban chính trị do đồng chí Nguyễn Duy - quê Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa - một đồng chí có tầm vóc thấp nhỏ, da ngăm làm chủ nhiệm. Đồng chí Nguyễn Trọng Cơ - quê Nam Đàn - làm phó chủ nhiệm. Anh Cơ là một thanh niên cao trung bình, nước da trắng hồng, anh luôn khiêm tốn, dịu dàng như một cô gái. Tôi được giao nhiệm vụ làm trợ lý bảo vệ Trung đoàn 95.

        Tháng 9 năm 1956, có giấy gọi tôi đi học lớp đào tạo cán bộ bảo vệ khóa 4 do Cục bảo vệ Tổng cục Chính trị mở. Lớp học do đồng chí Nguyễn Văn Hải, cán bộ trung đoàn làm chủ nhiệm lớp. Thời gian học chỉ có 4 tháng nhưng đã trang bị cho tôi những kiến thức cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ và các mặt công tác bảo vệ quân đội. Tôi được dự hội nghị "Tổng kết công tác bảo vệ năm 1956, kế hoạch công tác năm 1957", được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nói chuyện và động viên. Tôi cảm thấy tự hào, phấn khởi với nhiệm vụ mới.

        Hòa bình lập lại trên miền Bắc đã gần hai năm. Nhiều cảnh sum họp gia đình tại chiêu đãi sở của Trung đoàn và đây đó thật phong phú, cảm động, ai cũng thèm mong, háo hức. Tôi điểm lại gương mặt các cô gái làng Hồ Xá và làng Phúc Lâm. Nhân lúc trao giấy nghỉ phép cho một y tá - là người đồng hương Vĩnh Linh, tôi ngỏ ý nhờ bạn nắm tình hình. Hôm trả phép bạn khoe: "Người của anh" đã xinh đẹp lại mặc áo vải pôpơlin màu xanh dương, may kiểu thượng tập trung hạ phân tán đầu chải tóc phồng, chân đi dép nhựa, lại làm bí thư phụ nữ xã. Cỡ đó ăn đứt mấy cô mình làm quen ở đây". Đêm đêm, tôi cứ mường tượng lại những hình ảnh đã thấy hồi đang đi dạy học bên làng ngoại. Tôi viết thư hỏi ý kiến mẹ. Mẹ tôi góp ý: "Con nhà đó nết na hiền lành, mẹ đồng ý", tôi cứ suy nghĩ, nhớ nhung, nhiều lúc tự gạt sang một bên và nhớ mãi lời đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nói: "Việc làm có nghỉ có ngơi, cơm ăn có lúc nhớ người có khi".

        Đầu năm 1957, tôi được nghỉ phép, về quê cưới vợ. Lễ thành hôn được tổ chức theo đời sống mới, tiệc trà mà đậm đà tình nghĩa bà con dòng họ đôi bên.

        Tháng 2 năm 1957, tôi về nhận nhiệm vụ trợ lý của Ban bảo vệ - Phòng Chính trị Sư đoàn 325, do đồng chí Phạm Kiêm làm trưởng ban. Đồng chí Phạm Đạm - một đảng viên cộng sản từ năm 1943 - làm trợ lý, cùng 3 đồng chí cấp đại đội như tôi.

        Ngày 16 tháng 6 năm 1957, Bác Hồ về thăm nhân dân tỉnh Quảng Bình. Bác đến thăm và ngủ lại một đêm với Sư đoàn 325 tại Bàu Tró (những ngày đó tôi nằm bệnh viện Quân y K41 nên không được gặp Bác), sau này nghe anh Phạm Đạm kể cho nghe chuyện Bác về thăm đơn vị, tôi tiếc mãi.

        Sư đoàn 325 là Sư đoàn thê đội 2 phòng thủ vĩ tuyến 17. Một đơn vị mà đa số là con em ba tỉnh Bình Trị Thiên. Từ cảnh chia cắt đất nước nảy sinh ra phong trào người dân vượt vĩ tuyến ra miền Bắc thăm chồng, thăm con, có nhiều người ở lại luôn. Chính quyền Mỹ - Diệm lợi dụng thời cơ này thu thập tin tức tình báo và cài cắm tay chân của chúng vào nội bộ ta. Công tác bảo vệ nội bộ Sư đoàn phải mất rất nhiều công sức để xác minh, phân loại và thông báo giáo dục cảnh giác. Ty công an Vĩnh Linh là nơi cung cấp tin tức tài liệu ban đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2016, 12:03:51 pm »


*

*         *

        Trải qua 11 năm (từ 1954 - 1964), ngành bảo vệ Sư đoàn đã xác minh, phân loại hơn 900 nguồn tin, có hơn 30 người khả nghi bị địch móc nối vào Sư đoàn. Sau nhiều năm thu thập bằng chứng cho thấy có vài đối tượng cấp úy có thể xếp vào diện hiềm nghi chính trị. Nhưng khi ra báo cáo, thông qua Phòng trinh sát Cục Bảo vệ không được duyệt, đành phải cho chuyển ngành ra khỏi quân đội.

        Tháng 12 năm 1958, Sư đoàn làm lễ thụ phong quân hàm cho 450 đại úy, thượng úy. Ban bảo vệ có một đại úy và bốn thượng úy. Tôi được phong cấp thượng úy.

        Năm 1959 - 1960, tôi được gởi đi học lớp bổ túc 8 thời gian 18 tháng tại trường công an trung ương. Tại đây, tôi có may mắn được nghe Bác Hồ nói chuyện hai lần. Một lần, Bác nói chuyện với cán bộ đảng viên tỉnh Hà Đông sau khi Bác đi thăm đồng lúa, tát nước chống hạn về. Và một lần Bác nói chuyện trong tổng kết công tác công an toàn quốc năm 1959 - 1960. Bác Hồ nói ngắn gọn, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, những việc cần làm trước mắt và tinh thần phải có để làm tốt. Bác nói với lời lẽ thông dụng gần gũi Tôi cảm thấy thích thú lạ thường, lòng tràn ngập tự hào, tin tưởng.

        Trong dịp khóa học nghỉ hè và phục vụ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, tôi được nhà trường cho đi kiểm tra sức khỏe. Bệnh viện 108 cho điều trị ngoại trú chữa dạ dày và vết thương cũ. Tôi đã cho vợ và con gái ra Hà Nội một tháng. Chúng tôi tạm trú tại nhà của một bạn cùng lớp học (tại phố Yên Phụ, Hà Nội). Hàng ngày, tôi vào Bệnh viện 108 buổi sáng, chiều nghỉ với vợ con ở Yên Phụ. Chúng tôi cùng đi dạo phố, đón mừng lễ Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1960 tại thủ đô Ngày 20 tháng 9 tựu trường nên 15 tháng 9 chúng tôi ra ga Hàng Cỏ tiễn hai mẹ con về quê.

        Cũng trong dịp này, tôi mới biết lý do vợ con mình đang khổ cực vì không có nhà cửa, ruộng vườn. Cuối năm 1960, tôi xin cho vợ vào nấu cơm tại trạm khách Sư đoàn Bộ, là công nhân quốc phòng thuộc Phòng Tham mưu. Cuối năm 1961, chúng tôi có thêm một con trai đặt tên là Đinh Như Sơn, giữa năm 1963 sinh thêm một con gái đặt tên là Đinh Thị Thu Lan.

        Từ năm 1959 đến 1963, ngành bảo vệ Sư đoàn có thêm 2 nhiệm vụ. Một là tuyển chọn cán bộ bổ sung lẻ cho miền Nam; hai là triển khai nghiệp vụ, phục vụ chủ trương đánh các trận ở trung Lào, mở đường mòn Hồ Chí Minh, sau đợt đánh giải phóng căn cứ Tà Không sân bay Tchépône, bóc các đồn dọc đường số 9 xuống đến Huộc San gần Lao Bảo. Năm 1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có dịp đến thăm Sư đoàn. Trong buổi nói chuyện với cán bộ cấp trung đoàn và cơ quan, Thủ tướng nhiệt liệt khen ngợi Sư đoàn dã giành thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, có tính chiến lược và an toàn tuyệt đối. Thủ tướng lưu ý: "Sau này các đồng chí Sư đoàn 325 sẽ ngày càng thấm sâu ý nghĩa của chiến công hôm nay".

        Trong 10 năm "phấn đấu xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy hiện đại" trên miền Bắc, tôi đã học xong các chương trình huấn luyện quân sự, chính trị nghiệp vụ.., theo quy định hàng năm. Tôi được học bổ túc văn hóa hết lớp 8 hệ 10 năm rồi chuyển qua học văn sử địa được hai năm chương trình đại học. Điều hấp dẫn nhất đối với tôi trong những năm này là cái thú đọc sách. Sách rất sẵn ở các thư viện quân đội, đăng ký mượn đọc rất dễ dàng. Tôi say mê nhất là các cuốn: "Thép đã tôi thế đấy, "Ruồi trâu", "Thủy hử", "Sông Đông êm đềm" và nhiều sách gương chiến đấu của các anh hùng hồng quân Liên Xô, của giải phóng quân Trung Quốc, các anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam các tác phẩm "Bất khuất" của Nguyễn Đức Thuận, "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 10:11:26 am »


Chương ba

Đi B - THAM GIA CHỐNG MỸ

CỨU NƯỚC

        1.Chuẩn bị sẵn sàng

        Từ tháng 4 năm 1963 trở đi, Sư đoàn 325 luôn  trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Sư đoàn được bổ sung khung cán bộ Trung đoàn 271 và xếp thành hai Sư đoàn 325A và B. Tôi được xếp Ở khung B. Tháng 10 năm 1964, Sư đoàn 325A hành quân, do đồng chí Nguyễn Hữu An - Thượng tá - Sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Minh Đức - Thượng tá - Chính ủy. Sư đoàn 325B tiếp tục nhiệm vụ làm thê đội 2 phòng thủ vĩ tuyến 17, đánh máy bay địch, và sẵn sàng đi B.

        Sư đoàn do đồng chí Vương Tuấn Kiệt - Thượng tá - Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Văn Trân - Thượng tá - Sư đoàn phó, đồng chí Đỗ Quốc Tuấn - Thượng tá - Chính ủy, đồng chí Trần Xuân Lư - Thượng tá - Phó chính ủy, đồng chí Lê Hữu Đức - Trung tá - Tham mưu trưởng, đồng chí Thái Bá Nhiệm - Trung tá - Chủ nhiệm chính trị. Ban bảo vệ chúng tôi có nhiệm vụ thẩm tra đón nhận quân từ các Sư đoàn 308, 316, 320 mỗi nơi một tiểu đoàn và một trung đoàn bộ binh của Quân khu Việt Bắc do đồng chí Ma Văn Minh - Trung tá - Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Quý Han - Thiếu tá - Chính ủy. Đồng thời biên soạn các tài liệu giáo dục cảnh giác, nội quy phòng gian bảo mật trong hành trú quân và trích yếu về chính trị nội bộ để mang theo lúc hành quân đi B, đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho bộ đội bước vào chiến đấu. Cũng trong thời gian này, nhiều đơn vị trong Sư đoàn tham gia bắn máy bay Mỹ, điển hình là các trận chiến đấu của tiểu đoàn 14 và đã xuất hiện anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân tại miền Tây tỉnh Quảng Bình.

        Tháng 8 năm 1965, giữa lúc chiến tranh phá hoại đang lên cao, máy bay Mỹ dội bom bắn phá cầu đường và nhiều cơ sở vật chất miền Bắc. Tôi (ở Hương Khê) được tranh thủ về thăm vợ con một tuần trước khi đi B, tại C5 nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh. Hàng ngày vợ tôi vẫn đi làm, tôi cùng ba con ở nhà, nếu nghe tiếng máy bay thì ra hầm ẩn nấp ngay giữa sân đơn vị. Nhưng sáng ngày 14 tháng 8 năm 1965, tôi đưa ba con ra lán sơ tán tại bìa rừng, tôi nghĩ ở hầm ẩm thấp không tốt cho sức khỏe các con, nhất là bé Lan mới hai tuổi. 10 giờ sáng hôm đó (14/8), máy bay Mỹ đánh phá C5, một quả bom tấn rớt trúng giữa nóc biến cái hầm nửa chìm nửa nổi mà thường ngày tôi và các con ẩn nấp thành cái hố đen ngòm... Thật hú vía, tôi cám ơn sự may mắn kỳ lạ này.

        Bom đạn Mỹ dày đặc như thế nhưng nhiều đội sản xuất mời tôi đến kể chuyện tình hình Sư đoàn (họ là đồng đội cùng Sư đoàn chuyển qua). Tôi đã kể chuyện được với ba đội và cơ quan nông trường. Tôi nói Sư đoàn 325A đã vào chiến trường. Khung B tiếp tục là thê đội 2 phòng thủ vĩ tuyến 17, sẵn sàng đi B, bắn máy bay Mỹ, đánh diệt bọn biệt kích xâm nhập bằng đường biển. Tôi kể tên các nam nữ dân quân xóm Giáp, xóm Rẻ, Lộc Đại, Hữu Cung.., bắn máy bay bằng súng bộ binh; kể chuyện tiểu đoàn cao xạ 37 ly bắn rơi máy bay Mỹ ở tây Quảng Bình và xuất hiện anh hùng Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu "nhìn thẳng quân thù mà bắn"; kể chuyện trận địa phòng không Sư đoàn bắn rơi 5 máy bay trong đó có chiếc F8 rơi tại chỗ, ta bắt sống giặc lái Su-mếch-cơ là phi công vũ trụ của Mỹ. Hắn đòi được đối xử theo luật quốc tế về tù hàng binh, đòi gặp người chỉ huy tối cao. Anh Trần Văn Trân, Sư trưởng quát: "Mày là tên giặc, đến giết hại đồng bào tau, mày không đủ tư cách là tù binh. Tau là người chỉ huy tối cao ở đây. Những câu chuyện kể trên làm mọi người rất phấn khởi, đồng tình, lại càng thêm tự hào, tin tưởng Sư đoàn chúng ta càng thương yêu, gắn bó tình đồng đội.

        Một tuần tranh thủ đã qua nhanh. Sáng 17 tháng 8, vợ đi làm, tôi vẫn ủ ấm cho các con ngủ. 8 giờ tôi dậy dặn dò Thu Liên, 7 tuổi, trông chừng 2 em, tôi chuẩn bị đi về đơn vị ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Bé Liên lưu luyến mãi, tôi đi rồi, bé gọi quay trở lại đến 3 lần, lúc nhờ cài hộ nút áo, lúc để hỏi bài tính lớp một, lúc để hỏi đến mấy ngày nữa ba mới lại về?... Dường như Liên sắp khóc, tôi an ủi và nhắc nên giữ yên lặng cho em ngủ. Tôi thơm các con lần nữa và ra đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 08:15:10 am »


        2.Những tấm lòng vàng của người Pakôr

        Sáng 3 tháng 12 năm 1965, tôi nhận nhiệm vụ chính trị viên tiểu đoàn đi trước. Đây là tiểu đoàn gồm đại đội trinh sát của Sư đoàn và ba đại đội trinh sát của ba trung đoàn bộ binh. Đồng chí đại úy Lâm Huế làm tiểu đoàn trưởng. Chúng tôi xuất phát từ xã Hương Phú, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh theo đường dây 559. Chúng tôi tách khỏi đường dây từ ngã ba La Hạp, đi về hướng đông được chừng 2 kilômét đã nghe tiếng bom B52 Mỹ ngăn chặn phía sau. Chúng tôi đến bản A Túc, huyện A Lưới lúc 16 giờ ngày 24 tháng 12 năm 1965 và bắt đầu làm nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu căn cứ biệt kích A Shầu, thung lũng Con Tôm - Tà Bạt là nơi địch có thể đổ bộ đường không. Tại A Túc, Sư đoàn chúng tôi hứng chịu một đợt máy bay rải chất độc hóa học ướt áo như bị mưa phùn. Anh Trần Văn Trân - Sư đoàn phó hô: kéo vạt áo, đái ướt mà bịt mũi chống độc". Chúng tôi làm theo.

        Tôi và anh Lâm Huế cho đón ba trung đoàn bộ binh: 95b, 101b (là trung đoàn của Quân khu Việt Bắc), 88a và các đơn vị trực thuộc vào vị trí chuẩn bị. Tổng quân số gần một vạn người mà đường tiếp tế gạo chưa có. Hôm đó, lúc 2 giờ sáng, anh Thái Bá Nhiệm và tôi đi bắt liên lạc tìm gạo, gặp hai người đứng đối diện trên con đường mòn hẹp giữa rừng, tôi đứng sau nghe lỏm biết đó là anh Thệ - cán bộ tiểu đoàn kho của Trị Thiên. Bỗng anh Thệ hỏi người thấp đứng phía sau anh: "Cụm ba kho hàng này còn bao nhiêu gạo, Thái hè?" "Khoảng một tấn rưỡi", có tiếng đáp quen quen. Sau khi hai anh giao hẹn xong, tôi len chân lên, nhận ra đúng là em Đinh Như Thái - em ruột tôi. Hai anh em ôm lấy nhau, Thái kêu lên: "Trời ơi, anh Ninh?" Tôi nhớ lại, Thái đã nhập ngũ tháng 10 năm 1959 vào đường dây 559 từ miền tây Vĩnh Linh. Vài phút sau, mỗi người đi một ngả theo nhiệm vụ.

        Thi hành lệnh của Sư đoàn trưởng, gạo ăn từ 7 lạng xuống 3,5 lạng/ người/ ngày. Hôm đó, tôi cùng trung úy Nguyễn Văn Quế, quê huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, là cán bộ cùng ban - trên đường vào nơi tập kết. Chiều tối hai chúng tôi đi qua một trảng rộng toàn là cây ngò gai. Tôi rủ Quế hái thật nhiều rau "ăn thêm" cho bữa tối. Chúng tôi đến gặp già làng bản Côn Hùm là một người Pakôk vạm vỡ, chừng 50 tuổi niềm nở tiếp chúng tôi, đột nhiên, ông vỗ đùi la: "Rủi quá, hai đồng chí đến chậm mất rồi? Bọn tui gài bẫy được một con nai, vừa mới chia hết thịt cho các bà con rồi?" Nhưng ông lại mở to mắt cười rất tươi và nói: "Hai đồng chí chờ cho một chút, mình đi xin lại cho?" Chỉ 10 phút sau, ông đem về cho chúng tôi hai cục thịt và một miếng da nai hơn nửa mét vuông. ông nói: "Tui cho mượn một bếp trên nhà rông, hai đồng chí giải phóng chịu khó thui cho kỹ, củi lừa không thiếu mô. Đây là của rừng, của rừng là của chung, đáng lý mỗi người có mặt đều được phần bằng nhau mới trúng".

        Chúng tôi thật cảm động trước tấm lòng của người dân Pakôk dành cho bộ đội giải phóng. Tối đó, hai chúng tôi được một bữa ăn no, ngon mà chỉ tốn hai lạng gạo, lại còn để dành mang theo một ít thịt và da nai đã kho nấu cho bữa sau.

        Khoảng 9 giờ một buổi sáng đầu tháng 2 năm 1966, chúng tôi đi trinh sát địa hình, một quả đạn cối 106,7 ly do địch ở cứ điểm A Shầu bắn canh chừng, nổ gần bộ phận đi trinh sát địa hình. Một mảnh nhỏ trúng đầu trung úy Lê Thanh Hiền trợ lý trinh sát, anh ngã xuống chỉ kịp kêu hai tiếng: "Băng! Băng?" và hy sinh. Chúng tôi mai táng anh bên cạnh bản Côn Triêng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên. Đây là tử sĩ đầu tiên của Sư đoàn 325b, trong buổi mặc niệm tiễn đưa người đồng đội, chúng tôi đều thương xót rưng rưng. Tôi để ý thấy nước mắt thượng tá Trần Văn Trân rơi lã chã. Tôi ngậm ngùi nhớ lại, những lần cùng anh Hiền ghé thăm gia đình vợ con anh, tại bờ nam phà sông Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

        Một hôm, trời mưa rả rích, rừng núi A Lưới mù đặc Các con đường nhỏ bỗng trở nên lầy lội vì nhiều đơn vị hành quân qua. Chúng tôi 4 cán bộ cấp đại úy của cơ quan gồm: Trần Phát - trinh sát, Huỳnh Tấn Đức - dân vận, Trần Văn Thức - chính sách và tôi, cùng đi với anh Trần Văn Trân, thượng tá Sư đoàn phó - đến gặp già làng bản Côn Thinh. Chúng tôi ngồi dưới đợi. Anh Trân và người dẫn đường lên nhà sàn gặp già làng. Đường trong bản ngập ngụa bùn đất phân súc vật. Trời tạnh mưa, có hửng nắng, đâu đó còn những giọt nước đọng rơi tí tách. Mấy cháu nhỏ nô đùa, chơi trò đuổi bắt, có một bé trai chừng 4 tuổi trần như nhộng đánh rơi mẩu củ sắn bằng ngón tay cái mà bé đang ăn. Mẩu củ sắn nằm phơi mình trắng hếu trên bùn sệt. Cuộc chơi đã tan, các bé đã về hết, không gian tĩnh lặng. Bốn đại úy chúng tôi đều nhìn thấy mẩu củ sắn và lâu lâu lại liếc nhìn, ai cũng thèm, cảm giác đói cồn cào dâng cao. Đại úy Trần Phát dùng mũi giày dí mẩu sắn xuống bùn. Không ai nói gì, anh Phát nhìn tôi với vẻ mặt thoải mái hơn. Lát sau, anh Tấn Đức nhấp nháy mắt, khịt mũi vài cái tỏ vẻ không đồng tình. Tôi cảm thấy thương anh quá! Anh Đức là người Cần Thơ, tình nguyện quân từ Campuchia về năm 1947, anh cao 1 mét 7, nặng 70 kilôgam. Anh có nước da đậm màu sương gió. Anh hơn tôi 6 tuổi.

        Hồi lâu, anh Trân gọi chúng tôi lên nhà sàn. Già làng bản Con Thinh là một nông dân Pakôk ngoài 60 tuổi có đôi tai Phật kéo dài, đôi mắt to, miệng ngậm tẩu bằng tre đẽo gọt thật công phu. Gặp chúng tôi ông xởi lởi nói: "Lũ làng chờ cách mạng mỏi con mắt lắm rồi? Nay cách mạng về, nghe nói cách mạng thiếu cái ăn. Đừng lo, lũ làng cho cách mạng hai cái rẫy. Ước chừng trên hai triệu bụi sắn, nhiều lắm? Cứ Ở lại đây, đánh giết cho hết bọn giặc ở A Shầu cho lũ làng nhờ. Không lo đói mô, thiếu gạo chớ không thiếu sắn mô!". Bỗng ông mở to đôi mắt, rướn người lên, ông nói: "Lũ làng Con Thinh cho cách mạng một nhà chuối chín". Anh Trân bảo tôi đi nhận về chia cho các Phòng. Nhà chuối chín là một nhà sàn nhỏ gần đó. Trong nhà treo lỏng tháng ba lớp những quầy chuối chín rục, chín vừa, chín tới. Có khoảng 40 quầy. Chúng tôi mang tới chọn một quầy ngon cắt để già làng đãi khách, ông không chịu. ông nói: "Cái này của cách mạng, lũ làng cho cách mạng rồi!" Anh Trân phải nói: "Cách mạng nhận rồi, bây giờ cách mạng mời ông!". ông vui vẻ cùng ăn. Tôi hỏi ông: "Chuối chín nhiều này sao không cho các bé ăn dần?" ông xua tay nói: "Không được mô! Cái này của lũ làng để dành cho cách mạng, trẻ em không quen ăn, e đau bụng".

        Tôi bước xuống chọn một quầy cắt chia cho các em. Chúng cứ đứng nhìn, vẻ e lệ. Tôi phải nói: cái này của cách mạng cho các cháu đây!", các em mới nhận và vuốt ve ngắm nhìn như chưa được thấy lần nào. Tôi xúc động trước những tấm lòng cao quý của bà con dân tộc Pakôk với cách mạng.

        Chúng tôi ở nơi tập kết, đợi lệnh vào Sở chỉ huy. Tết Bính Ngọ đang đến gần, đơn vị đang thiếu đói, nói chi đến ăn Tết? Đồng chí Thái Bá Nhiệm cử tôi và đồng chí Minh đi tìm một đơn vị bộ dội địa phương thử xin sắn về ăn Tết. Tôi và anh Minh đem theo võng vải, đến hậu cứ của một đơn vị pháo binh. Các anh vui vẻ cho mỗi người một gùi và dặn: "Chỉ được mang ra khỏi rẫy hai gùi thôi!". Anh Minh to con, khỏe hơn nên mang gùi sắn về. Còn tôi do tham nhiều, ráng hết sức chỉ mang ra khỏi rẫy, càng đi càng nặng, bụng lại đói, hoa mắt. Tôi ngồi nghỉ, một lát lại đứng lên, mang đi chỉ vài chục bước, chân tôi khuỵu xuống. Tôi lại ngồi nghĩ cách san đôi giấu vào rừng, tôi chỉ mang được non nửa về, lại dẫn người ra mang về phần còn lại. Để giữ được tươi nguyên và không hao hụt, chúng tôi đào hố giữa các lán võng, chôn sắn xuống đất. Đêm giao thừa, chúng tôi có một bữa "sắn lùi" thật ngon và no. Mọi người vui cười thỏa thích, câu chuyện cứ thế nở như ngô rang, đón xuân Bính Ngọ giữa đại ngàn huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM