Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:11:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến thầm lặng  (Đọc 38941 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 14 Tháng Hai, 2016, 09:27:24 pm »

        Năm 2009 khi vào Thành phố Hồ Chí Minh tôi có dịp gặp và trò chuyện cùng đại tá Đinh Như Ninh. Biết tôi là thành viên của Quân sử Việt Nam (bây giờ là Dựng nước - Giữ nước) ông có đưa tôi tập hồi ký và viết 1 lá thư gửi tới trang nhà. Xin trân trọng giới thiệu:


Thư của đại tá Đinh Như Ninh

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20-10-2009
Bạn đọc thân mến

        Năm 2004 khi đang làm phó chủ tịch hội CCBVN quận 10, tôi bị ngất xỉu nhiều lần, bệnh viện kết luận do bị hội chứng tăng sinh tủy - gây đặc máu. Tôi xin nghỉ việc để chữa bệnh.

        Nhớ lời Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế" ngày 19 tháng 5 năm 2006 tôi bắt đầu viết hồi ký "Cuộc chiến thầm lặng", mỗi ngày vài trang với mong muốn góp phần nhỏ vào kho tàng chuyện kháng chiến của đơn vị, của địa phương - những nơi mà tôi có thời gian sống ở đó nhằm gợi nhớ cho đồng đội xa gần, cho đồng bào những địa phương và thân nhân gia đình hồi tưởng lại những kỷ niệm vui buồn trong quá khứ để tiếp thêm niềm tự hào, sức mạnh cho những suy nghĩ việc làm sắp tới góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

        Để "Cuộc chiến thầm lặng" ra đời tôi đã nhận được nhiều tình cảm khích lệ và đóng góp nhiều ý quý báu của đồng đội xa gần được nhà xuất bản QĐND tạo điều kiện thuận lợi để cuốn sách xuất bản đúng dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm 2008.

        Đến nay "Cuộc chiến thầm lặng" được đưa lên mạng cho nhiều người cùng đọc. Tôi xin chân thành cám ơn.

Thân mến          
 Đinh Như Ninh        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:27:20 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2016, 06:02:32 pm »

Chương một

XÓM CHỒI – THỜI THƠ ẤU

        1 -  Dòng tộc


        Tổ tiên của tôi, theo cha tôi nói lại, quê tận trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, theo dòng Nam tiến vào làng Đồng Di, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, dừng chân định cư hẳn ở đây. Theo gia phả họ Đinh mà tôi đã đọc ở Đồng Di, thì khi đã trưởng thành, ông Đinh Nga húy là Đinh Như Giám trở về Nghệ An làm lễ tế trời đất, xin phép rước hài cốt ba đời trước của ngài gồm: ông cố là cụ Đinh Như ông nội là Đinh Thêm và thân sinh là Đinh Thuần, cùng bảy bộ hài cốt khuyết danh (có thể là các bà cố, bà nội, mẹ dẻ và các chú bác, anh em) vào tọa lạc tại động Trầm của Đồng Di. Theo lời di huấn của các đời trước, thì sau khi thỉnh cầu được phần mộ của các đời tiên kỷ vào quê mới, ông Đinh Nga đã tế lễ và suy tôn ông cố là cụ Đinh Như (quan chánh ngự y kiêm quân y tượng) làm Đức Thế tổ và xin được dùng húy của cụ đặt tên cho các con cháu. Từ đó trở đi, họ Đinh ai sinh được con trai thì phải đặt họ tên Đinh Như.., ai làm sai sẽ bị quở phạt và phải sửa lại cho đúng lời cầu nguyện.

        Dòng họ Đinh Như sinh trưởng tại làng Đồng Di, qua hai đời chỉ một cha sinh một con trai, đến đời thứ ba mới sinh được bốn con trai, một trong bốn người đó là cụ Đinh Như Bưu - tự Minh Tâm (1749-1832) là một danh y trong triều, cụ đã từng đi và biết nhiều nơi, cụ đến lập nghiệp tại làng Hồ Xá, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

        Phái họ Đinh Như sinh trưởng tại làng Hồ Xá, qua hai đời cũng chỉ một cha sinh một con trai, đến đời thứ ba mới sinh được hai con trai, sau đó mới phát đinh. Tôi là hậu duệ đời thứ bảy của cụ Đinh Như Bửu.

        Trong đời thứ 6 của phái họ Hồ Xá (tức đời thứ 9 đại tôn Đồng Di) có câu chuyện cảm động. Đó là, căn cứ vào gia phả thì đã gần 100 năm đại tôn mất tin tức về phái họ Hồ Xá. Tháng 2 năm 1926, sau xuân Bính Dần, ông Đinh Như Đàn dẫn đoàn đại tôn mang trong lòng niềm xót thương đồng cảm với lời người xưa là ông Đinh Như Tư (con ông Đinh Như Bản) đã ví: "Sống ở quê người thì dù có giàu sang cũng không ai biết đến, chẳng khác gì người mặc áo gấm đi đêm". Đoàn đi tàu hỏa từ ga Huế ra ga Mỹ Tá, qua đò Phúc Lâm, lại qua đò chợ Phủ, tìm làng Hồ Xá.

        May thay, trước khi bước chân lên đò chợ Phủ, ông Đinh Như Đàn hỏi người lái đò về gốc tích dòng họ Đinh Như. Tức thì người lái đò tự xưng là Đinh Như Diễm, con cháu dòng họ Đinh Như, đôi bên đã ôm nhau mà khóc vì xúc động. ông Đinh Như Diễm đã dẫn đoàn về trình với phái họ tại nhà ông Đinh Như Thận, là trưởng chi nhì của phái họ (tức bác trưởng của tôi).

        Từ đó, hàng năm, phái viễn có đoàn vào xủi mả, đại tôn cử đoàn ra thăm viếng. Mùa thu năm 1930, được tin bác Đinh Như Thận qua đời, đại tôn đã cử đoàn ra chịu tang và trao tặng phái họ cặp liễn sơn mài trên nền gỗ tốt, viết chữ nho cẩn xà cừ hai câu đối: "Đồng địa tôn bồi sơn củng cố" và "Hồ giang phái viễn thủy thanh liên".

         2. Gia đình  

        Tôi sinh ngày 10 tháng 7 năm 1931, trong một gia đình nông dân tai xóm Chồi, làng Hồ Xá, tổng Hồ Xá, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngôi nhà tranh, một gian hai chái của cha mẹ tôi dựng trên đám đất đỏ, rộng hơn một mẫu- Đây là đám đất mới, do ông bà nội tôi khai hoang lập vườn cho cha tôi là con trai út ra ở riêng. Vườn trồng 30 gốc chè và một hàng 6 cây cau phía trước nhà, 50 gốc mít được trồng hai bên và phía sau nhà. Vườn nhà tôi cách đường đất đỏ từ Hồ Xá đi Cáp Lài 100 mét- Bên kia đường là sân vận động phủ Vĩnh Linh. Phủ Lý cách đó non một cây số về phía tây, sát đường quốc lộ 1.

        Ông nội tôi là Đinh Như Kế (1848-1920), một lương y có tấm lòng nhân hậu của một nhà nho. Bà nội tôi là Đỗ Thị Cẩm (1866-1944) một phụ nữ khỏe mạnh, rất mực đảm đang, bà lo toan mọi việc đồng áng, vườn tược, bù đắp được phần hạn chế của chồng. Ông bà đã gầy dựng được đời sống trở nên khá giả.

        Tôi có ba người bác và bốn bà cô. đã về nhà chồng, từ thuở tôi chưa ra đời.

        Bác trưởng có nhà và sân vườn rộng một mẫu, sát bờ tường phủ lỵ. Đây là ngôi nhà ông bà nội để lại cho bác. Ngôi nhà rường ba gian, hai chái, cửa đố bàn khoa. Ở cả ba gian, nửa phía trong là các bàn thờ tổ tiên ông bà, một nửa phía ngoài ở gian giữa là phòng khách và hai phòng nghỉ hai bên. Dọc hai cột nhà gian giữa treo cặp liễn sơn mài, viết chữ nho khắc chìm, cẩn xà cừ hai câu đối: "Đồng địa tôn bồi sơn củng cố" và "Hồ giang phái viễn thủy thanh liên", có hai dòng chữ nhỏ viết kèm: "Bảo Đại canh Ngọ Thu" và "Đồng di đại tôn phụng cúng".

        Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, hai câu đối trên vẫn nguyên vẹn treo tại nhà ông Đinh Như Khanh (con út bác trưởng của tôi), số 334B, ấp Nội Hóa, xã Bình An, tỉnh Bình Dương.

        Cha tôi tên là Đinh Như Tráng (1908-1947), một nông dân, vừa là một lương y - được ông nội truyền nghề của cụ tổ; mẹ là Nguyễn Thị Xiển (1909-1992) cũng là nông dân. Cha mẹ thật hiền lành, hay thương người, cứu người. Quanh năm suốt tháng chỉ thấy cha mẹ làm lụng, họa hoằn lắm mới thấy hai ba người bạn rất thân của cha đến ăn cơm cùng gia đình. Tuy khó khăn vất vả nhưng không khi nào thấy cha mẹ than vãn hay to tiếng với ai, bà con lối xóm ai cũng thương mến, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Cha tôi tham gia phong trào cách mạng năm 1936. ông bị giặc Pháp bắt giam tra tấn nhiều lần, vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Tháng 8 năm 1945, ông đã cùng đội tự vệ tham gia cướp chính quyền phủ Vĩnh Linh, truy bắt tri phủ Cao Xuân Thọ. ông được bầu vào Hội đồng nhân dân, bầu làm ủy viên quân sự ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Vĩnh Hồ. Tháng 3 năm 1947, giặc Pháp tái chiếm quê nhà, ông cùng đội tự vệ lên chiến khu, ông lâm bệnh và mất tại chiến khu tháng 5 năm 1947 - lúc mới 39 tuổi.

        Mẹ tôi là một phụ nữ trung hậu, đảm đang, bà hăng hái tham gia phụ nữ kháng chiến và luôn động viên chồng con lên đường cứu nước. Bà được tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì. Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, và bảng vàng danh dự. Bà dược truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", do Chủ tịch Lê Đức Anh ký tặng ngày 28 tháng 9 năm 1997. Mẹ là con thứ sáu của một gia đình có hạng của làng Phúc Lâm, tổng Hồ Xá, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

        Cha mẹ sinh 10 lần, nuôi được bảy anh em (sáu trai, một gái). Anh tôi là Đinh Như Khương, tự Đồng - sinh năm 1929, anh vào lớp đồng ấu, trường tiểu học Vĩnh Linh trước tôi một năm, anh thi đậu yếu lược rồi phải ở nhà chăn trâu. Tôi tên là Đinh Như Ninh, tự Du - kém anh hai tuổi.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2016, 05:41:13 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 05:37:08 am »

       
       3 - Tuổi học trò 

       Năm 1939, tôi vào lớp đồng ấu, chương trình tiểu học 6 năm. Trường học cách nhà tôi chừng một cây số Thầy giáo Hoàng Đức Chuân, một người rất cẩn thận chu đáo, thầy lớn tuổi hơn cha tôi, do đó tôi rất kính trọng thầy, vừa sợ thầy - lo bị quở phạt. Một tháng sau ngày khai giảng, một hôm thầy bưng ca lít đựng nước đi các bàn, thầy hỏi từng bạn: "Ca nước đầy chưa/" Các bạn đều trả lời "Đầy rồi ạ! Đến lượt tôi tôi trả lời chưa đầy. Thầy đi khắp lượt rồi trở về bục giảng, thầy nói: "Lớp chúng ta có 39 em nói đầy rồi và một em nói chưa đầy. Thầy gọi tôi đứng dậy, tôi tái mặt lo lắng. Thầy nói: "Ca nước chỉ mới chín phần mười, đúng là chưa đầy. Thầy khen, tặng tôi 5 điểm tốt. Tôi mừng quá. Từ đó, cứ mỗi buổi chiều tan học, thầy giao cho tôi ôm 3 cuốn sách giáo khoa, đi theo về nhà thầy trọ, trên đường về nhà tôi. Một hôm, thầy biểu tôi ôm sách về nhà trước, thầy sẽ về sau. Tôi thưa đi một mình con sợ mấy con chó dữ ở nhà thầy Thầy khuyên: "Con cứ đi, hễ chó nhào ra cách chừng vài mét, con ngồi xuống là chó phải chạy lui". Tôi lo bị chó cắn, nhưng phải làm theo lời thầy khuyên. Tôi vừa bước vào cổng mấy bước thì hai con chó dữ vừa sủa vừa chạy nhào ra, cách chừng 5 mét, tôi ngồi xuống. Chúng cụp đuôi chạy lui. Tôi tiếp tục đi vào chúng lại sủa vang, chạy nhào tới, cách chừng 5 mét tôi ngồi thụp xuống. Chúng cụp đuôi chạy lui... cho đến khi có người nhà ra đón. Tôi vừa mừng vừa nghĩ: "Thầy đúng thật". Hàng năm, tôi được lên lớp đều năm nào cũng có phần thưởng.

       Trong 6 năm học ở trường tiểu học, cho tới nay, tôi vẫn nhớ các thầy giáo đã cho tôi nhiều hiểu biết, nhiều kỷ niệm đẹp về tình nghĩa thầy trò. Thầy nào tôi cũng kính trọng, nhất là thầy Hoàng Đức Chuẩn quê làng Nghĩa An, huyện Cam Lộ, thầy dạy lớp đồng ấu và lớp dự bị. Thầy Lê Đình Nhơn, một thầy giáo trẻ quê làng Bồ Bản, phủ Triệu Phong - dạy lớp nhất, thầy là người đã dạy cha lớp học nhiều bài ca cách mạng. Trong những năm 1944 - 1945, có lần thầy Nhơn tiếp đón đoàn sinh viên Việt Nam (trong chuyến đi xuyên Việt) gồm các ông Nguyễn Việt Nam, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiếng... đã ghé thăm, nghỉ lại, ca hát với thầy trò trường Vĩnh Linh. Chúng tôi xem cuộc vui đó như một bó đuốc thắp sáng tâm hồn Việt Nam trong mỗi chúng tôi.

        Trong đời học sinh, tôi đã thấy cảnh cha tôi bị bắt tù đày, nhiều lần tôi đi thăm nuôi cha, có lần thấy cha mình bị chửi mắng đánh đập..., tôi căm giận mà chỉ biết đứng khóc, cứ mỗi lần như thế cha tôi lại an ủi và khuyên tôi về cho kịp giờ đi học. Một lần, chuẩn bị cho năm học mới, tôi lục tìm dao sắc để xén tập vở, tôi thấy một tập sách in nhỏ "Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương", tôi đọc mấy trang thấy lạ và khó hiểu, tôi để lại chỗ cũ. Tối đến, tôi hỏi cha, cha tôi nghiêm mặt biểu: "Cái đó hệ trọng lắm, chớ nói cho ai biết, bọn mật thám và tụi Tây sẽ bắt bớ, giết hại...". Những năm kế tiếp, tôi biết tin Hồng quân Liên Xô thắng trận liên tiếp, do những người bạn cũ của cha tôi đến trò chuyện với nhau, tôi tiếp nước và nghe lỏm. Môn lịch sử dân tộc Việt Nam đã truyền cho tôi niềm tự hào về truyền thống con Rồng cháu Tiên, về chiến công oanh liệt của các triều đại chống giặc phương Bắc. Tôi đặc biệt thích thú với các chuyện kể, các bài viết về tài ứng đối của các sứ thần nước ta, các bài thơ yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Tôi cũng hiểu được tình cảnh mất nước và mang máng biết có phong trào cách mạng do cụ Nguyễn ái Quốc khởi xướng, từ Việt Bắc vọng về. Tôi ao ước mình được lớn nhanh, có đủ sức khỏe để làm một cái gì đó có ích cho phong trào. Tôi tham gia vào đội đồng ca của làng, hát những bài ca cách mạng, diễn kịch, đọc thơ cho dân làng nghe, tham gia phong trào bình dân học vụ.., do Đinh Như Bình (là người em họ hơn tôi 5 tuổi) hướng dẫn.

*

*      *

        Sau Tết ất Dậu (1945) ít lâu, buổi sáng sớm cha và anh tôi ra đồng tát nước cho đám lúa đang tròn bụi, gần trổ bông, nhằm phiên tôi trực, tôi đến trường quét lớp. Trên đường đi, còn cách trường chừng 400 mét, tôi bỗng giật mình, thấy có người chết nằm nghiêng, chiếc chiếu rách đắp lòi hai chân từ đầu gối. Đường vắng tanh, tôi rợn gai ốc, lùi lại và tránh vào xóm đi lối tắt. Qua hàng rào nhà nọ thấy một bông hoa dại mới nở, tôi hái đem theo cho lớp. Tôi đến lớp hãy còn sớm. Thầy Lê Đình Nhơn đang ăn sáng (thầy ăn cơm tháng ở nhà người phu trường). Tôi chào thầy, thầy khen tôi đến sớm và hỏi:

    -   Buổi sáng trò ăn gì ?

    -   Thưa, hai mươi lát sắn dầm1.

    -   Sao ít thế

    -   Nhà con đông người, các em của con còn được mẹ cho ăn ít hơn.

    -   Trưa về em ăn gì ?

    -   Một chén chừng vài chục lát sắn, mỗi lát cõng ít hột cơm, với nửa bát canh.

    -   Tối đến em ăn gì ?

    -   Thưa, húp một chén cháo loãng hoặc ăn một củ khoai.

    -   Nhà em còn có bữa ăn là khá, hiện nay có nhiều nhà không còn bữa ăn, sắp tới có thể chúng ta đều bị chết đói. Từ Quảng Trị trở ra xứ Bắc kỳ chết đói nhiều lắm.

        Tôi vừa quét lớp vừa suy nghĩ mông lung... Hèn chi, đám sắn chừng 100 bụi cạnh nhà mình, cha đã chặt cây sát gốc, ông lại còn đào lỗ rải rác làm như đã nhổ hết, để đề phòng kẻ trộm.

---------------
1. sắn dầm: Khoai mì cắt lát ngâm chua (cho khỏi ngộ độc)
       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2016, 05:43:54 am »

        Giờ tan học trưa, tôi về đường chợ Phủ. Chợ đã tan, có nhiều gia đình nằm, ngồi vật vờ khắp chợ. Họ nói giọng Bắc. Nhìn thấy một bạn trạc tuổi tôi mặc áo quần học sinh. Tôi đến làm quen. Bạn rất vui, tự xưng tên là Ngân: "Ngô Văn Ngân - 14 tuổi, đang học lớp nhất, trường Thái Thụy tỉnh Thái Bình. "Gia đình hết cái ăn, mình phải bỏ học, theo gia đình đi ăn xin". Bạn Ngân buồn rầu nói: "Gia đình mình có 4 người, cứ vừa đi vào vừa xin ăn, đến Hà Tĩnh, leo lên đỉnh đèo Ngang thì bố mình tắt thở, bố bị kiệt sức vì đói. Mình thương bố lắm? Hễ mỗi khi có thứ gì ăn được là bố nhường hết cho mấy mẹ con mình, nói thế nào ông cũng không ăn. Chôn cất bố xong, mấy mẹ con mình ở lại đó buổi chiều, ngủ một đêm bên mả bố cạnh đỉnh đèo. Các bà con bạn đường có cho chút đồ đạc. Nhưng ở đó không có gì ăn được ngoài ít bông me rừng, vài trái sim... Nắng lên, ba mẹ con đành phải nuốt nước mắt mà đi vào, đến đây đã hơn ba ngày. Đúng ngày mở cửa mả cho bố. Mấy mẹ con kiếm thẻ nhang, có ít đồ cúng lễ 3 ngày cho phải đạo hiếu".  Tôi thấy bà mẹ trẻ và em bé gái chừng 5 tuổi chỉ ngồi khóc, mắt đỏ hoe mà không nói gì. Tôi cũng rưng rưng nước mắt. Tôi nhìn thấy 3 củ khoai lang nhỏ, hai khúc sắn luộc, mấy con cua đồng nướng để trên cái mẻ nhôm rách, tất cả bày trên tấm đệm lác, bên cạnh 3 cây nhang nghi ngút khói. Lòng tôi quặn đau. Người mẹ cùng các con ăn trưa, bạn Ngân mời tôi cùng ăn, tôi cảm ơn và từ chối. Tôi nhắc bạn coi chừng mấy con cua chưa chín sẽ gây đau bụng, nhất là với em bé. Bạn Ngân nhìn tôi nói: "Merci, Ils sonts déjà biens cuits (Cám ơn, tất cả đã chín rồi). Tôi vẫn băn khoăn, tôi lại hỏi: "Bạn định đi đến đâu? Bạn Ngân nói: "Còn đi xa lắm, mẹ nói đi tận Rạch Giá, thuộc Nam kỳ lục tỉnh, ở đó đã có nhiều người làng lại có nhiều ruộng đồng lúa gạo". Tôi chào bà, chào anh em bạn Ngân và ra về, lòng tôi mơ hồ nghĩ về xứ lục tỉnh Nam kỳ xa xôi, là đất nhượng địa theo sách giáo khoa...

        Những ngày sau đó, có một chiếc xe trâu cứ sáng sáng phải chở đi chôn từ ba đến năm xác người chết đói nằm ở chợ Hồ Xá. Họ đều là những người đi ăn xin từ miệt ngoài vào. Các làng đất ruộng phía tây đường quốc lộ 1 của huyện Vĩnh Linh cũng bị chết đói nhưng không ai thống kê lại. Những làng đất đỏ phía đông đường quốc lộ 1 nhờ có sắn, khoai, rau.., nên dân ít bị chết đói hơn.

*

*            *

        Một hôm, trên đường đến trường, tôi thấy có nhiều binh lính người Nhật đi lại trên đường số một, ở khu vực phủ đường. Vào lớp, nghe các bạn nói: "Nhật đánh úp Pháp đêm 6 tháng 3 năm 1945, Pháp đầu hàng rồi, nay nước mình độc lập, có nhà vua Bảo Đại và nội các Trần Trọng Kim. Ở Vĩnh Linh, ông Cao Xuân Thọ làm tri phủ. Hàng ngàn lính Nhật đóng dọc đường số một, Ở ga Sa Lung, Cửa Tùng, ga Hà Thanh... Hàng ngày, bọn Nhật cho lừa ngựa phá phách ruộng vườn của nông dân. Bọn Việt gian thân Nhật lên mặt hống hách ức hiếp đồng bào. Hàng ngày, máy bay đồng minh đến bắn phá các nơi quân Nhật đóng, các cầu cống.., làm chết thêm nhiều người dân vô tội.

        Tháng 9 năm 1945, với danh nghĩa quân đội đồng minh vào tước khí giới quân Nhật, 20 vạn quân Tàu - Tường lũ lượt kéo vào nước ta. Chúng tràn qua Vĩnh Linh như một bọn giặc cỏ. Chúng dừng quân ở Hồ Xá, Cửa Tùng và một vài nơi khác, ngang nhiên cướp giật ở chợ Hồ Xá. Chúng kích động, làm chỗ dựa cho bọn Quốc dân đảng nổi dậy chống phá chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta.

        Giữa tháng 5 năm 1945, tôi thi xong tiểu học. Đang nghỉ hè, tôi đi chăn trâu, câu cá, đá bóng... Những quả bóng là trái bưởi non nướng mềm, hoặc được thắt bằng dây chuối, hoặc được bện bằng nhiều giẻ rách. Chúng tôi đi hái sim, hái bứa ở rú Nên, rú Hố (thuộc khu vực thị trấn Hồ Xá ngày nay). Một đêm trăng mờ, tôi và anh Đinh Như Gia, anh con bác - kém tôi 4 tuổi, rủ nhau đi hái thị nhà bà X. Bà X đã hơn 70 tuổi, các con cháu ở riêng. Bà chỉ chờ khi có gió lay thị rụng mới ra vườn lượm. Tôi và anh Gia gởi trâu cho các bạn và hẹn sẽ cho ăn thị. Theo sự sắp đặt anh Gia núp sẵn ở lùm cây nhỏ gần đó, tôi leo lên cây thị rung, trái chín rơi lộp bộp... Bà X chạy ra la: "Đứa mô hái thị?" Hai tay bà cầm cây sào nứa vạt nhọn, bà cứ xoi ngược lên ngọn cây, mồm bà la: "Cho mày chết, cho mày chết!". Tôi ném khúc thân cây chuối (đã mang theo sẵn), gây nên một tiếng rơi "bịch", tức thì anh Đinh Như Gia la: "Bà X xoi con nít, con ai rớt xuống, chắc chết rồi, bà con ơi!". Bà X vứt sào nói: "Không, không? Tui không biết mô!" Bà lặng lẽ vào buồng nằm im thin thít. Tôi tụt xuống đất. Hai anh em lượm nhanh, có tới vài chục quả thị chín mọng, thơm phức. Chúng tôi cười khúc khích, vừa chạy ra đồng với các bạn chăn trâu. Mỗi đứa lấy phần hai trái, chỉ để ngửi mà không ăn. Cả bọn được một trận cười thỏa thích.

        Mấy hôm sau, cha dẫn tôi đi qua làng ngoại, mở trường dạy học cho con của các cậu, dì và các bé trong làng Phúc Lâm, xã Vĩnh Long. Trường học có 32 em, 3 lớp học, một mình tôi dạy tại đính làng. Các bàn ghế, phấn và bảng đen đều do các cậu tôi sắp đặt trước. Mấy hôm đầu có cậu Nguyễn Lạc (là anh mẹ tôi) tổ chức, cậu chia các lớp học: Lớp đồng ấu, lớp dự bị và lớp sơ học. Mỗi lớp chừng 10 trò. Trò Đinh Như Thái (em ruột tôi), học lớp đồng ấu. Trưa về, hai anh em tôi ăn cơm với nhà cậu Lạc, tối ngủ ở đó. Thế là đỡ được hai miệng ăn cho gia đình. Tôi ăn cơm tháng tại gia đình của các trò, theo sự sắp đặt của các phụ huynh học sinh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 08:06:31 pm »

        Các lớp học đã vào nề nếp được hai tháng. Tôi nhớ nhà, về thăm cha mẹ và các em. Một buổi sáng, tôi còn mê ngủ đã nghe tiếng trống dồn dập từ xa. Tiếng trống rõ dần cả từ bốn phía đổ về, mẹ và các em vẫn ngủ say. Tôi thức dậy, gọi không thấy cha và anh. Tôi chạy đến sân vận động, đã có nhiều người cùng băng, cờ, khẩu hiệu, gậy gộc giáo mác... Người người, lớp lớp từ các nơi kéo về mỗi lúc một đông. Trống giục ba tiếng một liên hồi... Tôi chạy lục tìm khắp lượt, không tìm thấy cha và anh. Chừng bảy giờ sáng, họ rầm rập kéo đi hàng ba, hàng tư, ra phủ đường vừa đi vừa hô khẩu hiệu: "Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim", "Việt Nam độc lập muôn năm", "ủng hộ chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam"... Tôi chạy tắt đường xóm, ra phủ lỵ thấy đông nghịt người. Tôi không thể chen vào được, tôi leo cây mít vườn nhà Đinh Như Bình ở bên này tường của phủ đường ngồi nhìn thấy vô số cờ đỏ sao vàng, băng cờ khẩu hiệu... Khi nắng chiếu một nửa sân phủ đường thì lực lượng cách mạng hoàn toàn làm chủ phủ lỵ. Toàn bộ lính tráng, chính quyền tay sai nộp vũ khí đầu hàng. Tri phủ Cao Xuân Thọ bỏ trốn, bị đội tự vệ Hồ Xá bắt giải từ vườn nhà bác tôi đến. Nhìn thấy bóng cha tôi dẫn đầu đội tự vệ làng Hồ Xá, tôi nghển cổ đứng dậy, suýt bị ngã. Tôi ngồi trên chảng ba cây mít, chứng kiến: Trước hàng vạn người dân Vĩnh Linh, ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập, ra mắt đồng bào trong tiếng reo vui vang trời dậy đất. ông Nguyễn Đức Thưởng chủ tịch, ông Trần Giác phó chủ tịch, một ông ủy viên và một bà ủy viên. Đó là ngày 23 tháng 8 năm 1945. Tối về nhà, cha tôi nói: "Ngày mai đồng bào mình sẽ có nhiều người ra đường quốc lộ để đón mừng phái đoàn Chính phủ lâm thời Trung ương từ Hà Nội vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại".

        Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Chừng mười ngày sau, tôi và em Thái tiếp tục qua bên ngoại. Cha tôi nói, vừa để đỡ hai miệng ăn cho gia đình, vừa ít nguy hiểm hơn. Hai tháng sau đó tôi mới về thăm mẹ. Có dịp gặp lại các bạn bè và gia đình, tôi rất mừng, lại dược biết thêm nhiều điều mới lạ: Giặc Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ và phong trào Nam tiến đang rầm rộ khắp cả nước; Cụ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 và Tạm ước 14 tháng 9... Tôi được nghe nhiều bài hát mới, tôi chép và tập một số bài... Tôi đọc các tập vở học của cha vừa đi dự lớp huấn luyện quân sự 15 ngày ở tỉnh về. Trong đó, tôi đặc biệt thích thú các bài thơ cách mạng. Khi trở lại trường, tôi đã tập hát cho lớp, cho các em chép thành bài học thuộc lòng như bài "Hỡi thanh niên đứng dậy!":

         "Đâu rương cột của -nước nhà vững chắc"/ Đâu tinh hoa của thế hệ oai hùng?/ Thanh niên ơi nhìn nước chuyển nhà rung/ Đứng phắt dậy ta sẵn sàng đỡ chống/ Kìa những bãi xương khô, máu vũng/ Của đồng bào Nam Bộ đã phơi tuôn/ Bức trường thành vững chắc của giang sơn/ Còn đòi hỏi khá nhiều nguyên liệu ấy/ Giờ đã đến, nào thanh niên đứng dậy?/ Tuốt gươm ra giữ vững nước non nhà/ Đừng ngại ngùng tiếc rẻ quãng đường qua/ Đừng lặng sống với tham lam ích kỷ/ Trong đen mờ vùi lấp cả tương lai/ Đây bước đường dù hiểm trở chông gai/ Ta tiến bước hỡi thanh niên dũng vũ..." (Tố Hữu).

        Hoặc như bài thơ truy điệu đồng chí Trần Công Ái hy sinh trong dịp Tết Tân Tỵ (1941).

        "Lò tra tấn rùng rợn bày trước mắt/ Nào kẹp kềm nào xiềng xích lung tung/ Nào dây treo, điện đốt kể khôn cùng/ Thoắt trông thấy? Ôi rùng mình rởn gáy/ Lũ mắt xanh, mũi lõ tay cầm roi môi tái/ Và đôi thằng tròng trợn quyết thôi miên/ Bầy chó săn của đế quốc như điên!/ Tuôn một trận mưa roi vào chiến sĩ... ] Đồng chí Ái thản nhiên không muốn nói/ Máu mê đánh, và những lời dụ dỗ/ Cũng không sao lay chuyển được lòng anh/ Dậy vang lên những tiếng thét thất thanh.../ Lẫn những tiếng quyết hy sinh vì Thân giây giụa kềm sát nhân vẫn xiết/ Da dầu tan thịt dẫu bấn như tương/ Máu sôi lên gan sắt đá kiên cường/ Không một tiếng vui tai loài thú dữ/ Lừa quân thù anh chỉ dẫn cho hay/ Cơ quan ấy đã bao ngày anh ở/ Tay xích lại, bỏ lên xe vội chở/ Vùn vụt lao trên đường nhựa xa xa/ Cầu Chợ Lai1 xe dừng lại anh ra/ Với tâm trí bâng khuâng vì cảm động/ ôi vực thẳm, ôi trời cao lồng lộng/ Và cỏ cây đang thống thiết im lìm/ Vang lên đây lời tuyệt mệnh thiêng liêng/ Ta quyết chết để bảo tồn cho Đảng/ Hỡi dân tộc! Vì muốn mưu sự sống tự do hạnh phúc cho đời/ Đồng chí kia phải thịt nát thây phơi/ Nuốt suối hận đau thương tình nguyện chết/ Nhảy xuống suối đầy trong phút giây oanh liệt/ Da dù tan, thịt dù nát thành manh/ Hồn chiến đấu vẫn sống hoài không chết/ Vẫn sống mãi với những người tha thiết/ Yêu nước nhà bị chà đạp bấy nay/ Vẫn sống mãi trong thuyền thợ dân cày/ Trong tia máu của bao người khốn khổ/ Gương oanh liệt ngàn năm soi sáng tỏ/ Bạn đời ơi! Soi lấy đó, tiến lên". (Lương An).

        Cứ mỗi đợt về thăm nhà, tôi cảm thấy mình bị lạc hậu. Phong trào tòng quân và Nam tiến rầm rộ.

        Đầu năm 1946, tôi viết đơn xin vào làm liên lạc cho Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật tại thị xã Quảng Trị. Lá đơn bị từ chối với lời phê: "Trung đoàn hoan nghênh tinh thần của em, nhưng em còn nhỏ yếu quá, chưa đủ sức làm nhiệm vụ". Cha xin cho tôi việc sao chép công văn của các cấp trên gởi cho xã Vĩnh Hồ và xã Vĩnh Long. Được đọc, chép các văn bản chỉ đạo của cấp trên, tôi hiểu đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Các nhà chức trách đang bận rộn trước trăm công ngàn việc. Trong khi thực dân Pháp mất miếng mồi Đông Dương béo bở, bọn chúng tiếc đến điên cuồng, Pháp rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Chúng cố tình phá hoại Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 và Tạm ước 14 tháng 9. Ờ phía tây tỉnh Quảng Trị, Pháp đưa quân áp sát biên giới và tăng quân chốt giữ những nơi quan trọng ở hai bên đường số 9. Ở phía đông chúng cho tàu chiến, ca nô xâm nhập một số cửa sông để thăm dò, quấy rối và khiêu khích.

----------------
1. Cầu Chợ Lai Phước, tỉnh Quảng Trị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 03:28:40 am »

        Để chuẩn bị kháng chiến, ủy ban Kháng chiến hành chánh đã tuyên truyền cho nhân dân biết lợi ích của tiêu thổ kháng chiến và huy động lực lượng bà con lấy các đội tự vệ võ trang và thanh niên làm nòng cốt thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Lúc này đang thời vụ sản xuất đông xuân, ban ngày ai ai cũng ra đồng cày cấy, nhưng đêm đêm hàng trăm thanh niên tự vệ theo sự hướng dẫn của cán bộ đã nô nức kéo đi phá hoại những cơ sở vật chất của Pháp để lại và cả những ngôi nhà khang trang mà suốt một đời dành dụm mới làm nên, quyết không để cho giặc Pháp sử dụng để đánh lại dân mình, thực hiện khẩu hiệu "vườn không, nhà trống". Chỉ trong mấy ngày, bà con Vĩnh Linh đã đập phá tan tành cơ quan phủ lỵ, trường học, các nhà nghỉ mát... Ở Cửa Tùng, nhà ga Sa Lung, Tiên An. Song song đó, bà con Vĩnh Linh còn phá sập cầu cống, chôn giấu lúa gạo, hoa màu và các đồ dùng cần thiết, xây dựng các công trình phòng thủ chiến đấu.

        Phong trào "di cư, tản cư, tăng gia sản xuất" (gọi tắt là "di tản tăng") được dấy lên khắp nơi. Nhân dân chuẩn bị sơ tán đến những nơi thích hợp, để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang tới gần.

        Lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch được truyền đến tận làng xã bằng loa tay, tờ bướm.., làm rung động con tim mọi người, dấy lên một khí thế sục sôi căm giận. Ai cũng muốn xông ra tiền tuyến giết giặc cứu nước. Những cuộc tiễn đưa người thân diễn ra thật xúc động. Người ở lại càng ra sức xây dựng làng xóm. Trên các đường làng, trên những bãi tập quân sự vang lên những bài ca hùng tráng: "Tiếng súng vang sông núi miền Nam, ầm vang đất nước Việt Nam", "Đoàn Vệ quốc quân mỗi lần ra di...", "Anh em trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào! Đi lên! Đi lên!...".

        Cuối tháng 2 năm 1947, bà con Vĩnh Linh được lệnh tản cư theo phong trào "di tản tăng". Tôi theo gia đình chạy lên miền núi huyện Vĩnh Linh. Do đang giữa mùa thu hoạch lúa chiêm xuân nên sau 15 ngày ở lại trong rừng, thấy địch chưa có hành động càn quét chém giết ác liệt, chúng tôi được lệnh hồi cư về tranh thủ gặt lúa. Anh tôi vẫn ở đội tự vệ xã.

        Vê đến làng, tôi thấy Tây trắng, Tây đen lố nhố ở đường quốc lộ, ở chợ... Chúng đóng đồn tại chợ Hồ Xá Từ làng ra đồng gặt lúa, chúng tôi phải đi qua quốc lộ số 1 Tôi thấy một ngôi mộ mới bên cạnh cột mốc cây số, đó là mộ của Trần Xuân Hồng, bạn học cùng lớp, bạn bị trúng dạn chết ngay từ loạt pháo dọn đường của giặc Pháp sáng 30 tháng 3 năm 1947. Rải rác đây đó giữa đồng lúa là những hố đạn pháo. Chúng tôi gặt lúa mà sợ dẫm phải mảnh đạn pháo.

*

*       *

        Khói lửa chiến tranh, đau thương chết chóc đã bao trùm quê hương tôi. Chúng tôi nung nấu chí căm thù quyết giành và giữ quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc.

        Sau mười ngày gặt lúa, cha tôi lại lên chiến khu. Với tuổi mười sáu, tôi phải tập làm việc ruộng đồng giúp mẹ và 5 em nhỏ. Cha đi rồi, cảnh nhà trống vắng. Hai tổ ong cha nuôi lấy mật cũng bỏ đi từ lúc nào. Vào mùa cày ruộng, tôi đi cày, em Thái chăn trâu, mỗi buổi sáng chỉ được ăn lưng cơm với hai chén bã củ sắn và mắm muối.

        Một chiều tháng 5 năm 1947, tôi đi làm ruộng về nghe tin cha tôi đã chết. Tôi không tin. Mẹ ôm lấy tôi khóc nức nở... Mẹ nói xen trong tiếng nấc: "Cha con bị ốm nặng, mấy người thân gánh đi chạy chữa. Đi giữa dường thì cha tắt thở vào đêm 4 tháng 5. Họ đã chôn cất cha ở bến Đập". Tôi không thể tin đó là sự thật. Ruột gan tôi như bị dao cắt, người dở dang dở ngồi. Thương cha quá. Tôi nén đau thương, lặng lẽ vào giường nằm. Tôi nghĩ: Mình còn có nghĩa vụ giúp mẹ nuôi năm em nhỏ. Đau đớn quá! "Mẹ má hồng con răng trắng. Bầm gan tím ruột với trời xanh". Lời thơ của người xưa, văng vẳng đâu đây, não nuột lạ lùng.

        Họa vô đơn chí, chừng một tháng sau, tôi bị giặc Pháp bắt tại nhà, cùng với bác tôi là Đinh Như Ích, nhà bên cạnh. Chúng giải hai bác cháu về đồn, nhốt cách biệt nhau. Chúng tống giam tôi vào trại tù dài 8 mét, rộng 3 mét, nhốt 25 người nằm đất, tiêu tiểu cuối trại. Trại giam dựng trên đất trường tiểu học Vĩnh Linh đã bị san bằng. Hôm sau, trong buổi sáng, chúng vặn hỏi tôi về Hội đồng nhân dân làng Hồ Xá; về ông Đinh Như Ích và công việc hội đồng. Tôi nói ông Ích là bác ruột của tôi, bác làm gì nữa tôi không biết, chỉ thấy bác đi làm ruộng nuôi con, bác gái đã chết vì bệnh. Chúng gạn hỏi có ai thường lui tới nhà ông Ích? Tôi khai tên một người thợ cày tên là Thí đến cày ruộng và một người phụ nữ tên là Thiếc đến gánh nước, giã gạo, nấu cơm. Chúng nhốt tôi 3 hôm rồi thả cho về.

         Giặc mở rộng đồn Hồ Xá! Chúng đuổi nhà dân ở gần đồn. Hai bác tôi cùng gia đình ra xóm Chồi, làm nhà trên mảnh đất một mẫu của cha mẹ tôi. Tôi đi làm đổi công cho mấy anh chị em cùng lứa tuổi. Trong những tháng ngày tập làm ruộng, tôi được sự dìu dắt, giúp đỡ tận tình của anh chị em, không câu nệ hơn kém về hiệu quả làm việc của tôi. Giữa ruộng đồng, trong những buổi đi cấy đi gặt, mấy anh chị em thường trò chuyện động viên nhau hướng về cách mạng, về cụ Hồ, mong ngày độc lập. Thỉnh thoảng, chúng tôi hát những bài ca cách mạng, cười vui trong lao động, giữa ruộng đồng, miệng hát, tay nhổ cỏ dại cho các gốc lúa đang lên xanh. Một chiều mùa đông, ba chị em rủ nhau đi giủi đam1.
----------------
1. giủi đam Giủi bắt cua đồng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2016, 05:12:11 am »

        Hơn 5 giờ chiều, chị Đinh Thị Sáo (chị của anh Đinh Như Gia) nói: "Sắp tối rồi, về về?" Chúng tôi chuẩn bị về, em Đinh Thị Vịnh (em của Đinh Như Bình) coi các giỏ đam rồi nói: "Hai giỏ này đầy, còn giỏ anh Ninh chưa đầy. Chị em mình giủi vài đường nữa cho đầy cả ba giỏ rồi cùng về?". Chúng tôi làm theo. Trên đường về, tôi nói lời cám ơn liền bị gạt đi vì mọi người coi là chị em, phải giúp đỡ nhau.

        Ông bà nội tôi để lại một mẫu ruộng hương hỏa ở Nhà Giật. Đây là mẫu ruộng trũng của cánh đồng các làng Hồ Xá, Phúc Lâm, Sa Lung, Thượng Hòa, tổng Hồ Xá, phủ Vĩnh Linh. Hàng năm, bốn anh em là chú bác tôi luân phiên cấy lúa, tát bắt cá và cúng giỗ ông bà.     

        Vụ lúa đông xuân năm 1947 - 1948 đến phiên bác Đinh Như Phong (cha anh Đinh Như Gia) canh tác. Tháng 1 năm 1948 khi lúa đã chín tới, bác tôi tổ chức tát bắt cá, chừng ba giờ chiều bác biểu tôi và anh Gia về ăn cơm sớm rồi ra trực đêm giữ cá.

        Mẫu ruộng này cách đồn Hồ Xá hơn một cây số, xen giữa cánh đồng lúa có nhiều gò đồi, trên đó mọc nhiều cây cối rậm rạp, mỗi gò chỉ một vài nghìn mét vuông, dân làng gọi đó là các "lòi": Lòi Sưa, Lòi Lăng, Lòi Lợn, Lòi Giếng, Lòi Neo, Lòi Cuộc,...

        Chúng tôi trở lại ruộng lúa lúc trời chập choạng tối Những người lớn lũ lượt về, bác tôi đã cho vét hai đường dẫn nước xuống chỗ trũng nhất nối liền với hai cái đìa (mỗi cái rộng chừng hai chục mét vuông, sâu hơn một mét). Bác dặn hai chúng tôi: chớ đi lại trên ruộng, để cá xuống đìa - không lũi bùn". Bác ra về lúc đèn điện đồn Hồ Xá vừa bật sáng nhấp nháy một vòm trời phía đông nam mẫu ruộng.

        Tôi và Đinh Như Gia rón rén đi ngược một đoạn mương mới vét từ ruộng xuống, thấy cá cứ xếp lớp nối đuôi nhau xuống nhiều quá, thật thích mắt... Cá diếc, cá rô rệt rệt, cá trê ẻn ẻn, cá tràu luồn lách nhanh.., dưới ánh trăng non, những con cá cỡ cổ tay lóc nhảy vượt qua đồng loại xuống vùng trũng thật lẹ làng. Tôi nói:

        - Cá cỡ đồ nướng ăn ngon tuyệt!

        - Mần chi có bếp lửa giữa ruộng ni?

        - Tụi mình đốt lửa làm bếp than.

        - Tây đồn Hồ Xá nó nã moóc chề tới là chết!

        - Không can chi mô, bọn Tây mũi lõ có mắt như mù !

        Tôi chọn một điểm ngồi nhìn không thấy bóng đèn điện đồn Hồ Xá (do bị các Lòi che khuất), tôi đào cái hố trên bờ ruộng. Chúng tôi vào Lòi Neo kiếm củi và những cành cây che bếp, nổi lửa đốt một hố than. Anh Gia tới bắt một con cá tràu (lóc) to hơn cổ chân cho vào bếp, nó quẫy than văng tứ tung, có nguy cơ tắt mất bếp. Chúng tôi phải đem thả xuống đìa, chỉ chọn bắt bốn con gần bằng cổ tay nướng chín, cạo sạch vảy, ăn vừa ngon lại vừa thơm lựng. Anh Gia nói: "Có thêm ít hột muối thì ngon biết mấy!" Tôi móc gói muối đùm trong lá chuối khô - đã lận lưng - đưa ra. Anh Gia chấm muối ăn, lại khen ngon và hỏi:

        - Răng chú tài rứa, cái chi cũng biết! Tui thua chú nhiều thứ?

        - Ông bà mình nói: Hơn một nồi xoong phải khác, huống hồ chi tui hơn anh tới bốn nồi!

        Hai anh em cười vang giữa đồng lúa trong đêm.

        Ngon quá nhưng bụng đã no, hai anh em chỉ ăn hết ba con cá lóc nướng.

        Câu chuyện ăn cá lóc nướng đọng mãi với tuổi thơ của chúng tôi1.

        Hàng ngày tôi vẫn làm việc ruộng vườn. Tôi nghĩ bụng phải tìm cách đi theo kháng chiến, nếu ở nhà trước sau cũng bị bỏ tù hoặc bị bắt lính. Vườn nhà tôi, mấy chục gốc chè đã cho lá nấu nước uống, nhiều cây mít cho trái đã hai năm. Hàng ngày, mẹ đi chợ bán chè, bán mít, mua mắm muối. Sáng sáng, tôi lắng nghe nhiều tiếng chim hót vang thật vui tai, chim bù chao, chích chòe, chim cưỡng, cu gáy về ở, chúng làm tổ, chim non ra ràng.... Chỉ tiếc thương cha không còn để hưởng hoa lợi từ mảnh vườn này. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đón anh em đi kháng chiến về thăm lại xóm Chồi, nghe chuyện chiến thắng của quân ta và cảnh sinh hoạt ở chiến khu do anh Đinh Như Bá (anh ruột Đinh Như Gia) và Đinh Như Bình kể.

        Những chuyện kể hồi đó, tôi nghe có nhiều chuyện vui mừng và cũng có những chuyện buồn thương. Tôi có cảm giác hồi hộp, buồn thương nhất khi nghe Đinh Như Bình kể về ông Hùng Việt. ông là một thanh niên ở Bắc Bộ, đã trưởng thành trong phong trào "Nam tiến", đánh địch ở Nam Bộ. Ông được điều về làm Trung đoàn trưởng, cùng ông Trần Sâm làm Chính ủy - Trung đoàn 95 (tức Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật). ông đã tổ chức chỉ huy đánh chặn đứng quân Pháp từ Lào kéo xuống Quảng Trị, theo đường số 9 - trong dài ngày tại khu vực cầu Rào Quán (huyện Đăkrông ngày nay).

        Sau khi mặt trận Huế bị vỡ, quân Pháp tiến ra Quảng Trị, ông Hùng Việt cùng Trung đoàn 95 tổ chức chặn đánh nhiều nơi... Phong trào đánh giặc giữ nước đang lên cao thì trong một buổi hướng dẫn quân ta đánh bằng bom mìn tại làng Hà Thượng, huyện Gio Linh, ông bị tai nạn hy sinh. Đinh Như Bình còn dặn: "Giữ bí mật tin này, nếu bọn Pháp biết sẽ gây thêm khó khăn cho cách mạng". Tôi hiểu đó là một tổn thất cho phong trào kháng chiến của tỉnh nhà và âm thầm chịu đựng, câu chuyện về ông Hùng Việt rồi đi dần vào quên lãng.

        Mãi đến năm 2005, bác sĩ Lưu Văn Thắng - người y tá trưởng năm xưa của Trung đoàn 95 - nhờ hỏi giùm bà con Vĩnh Linh đã cất giữ hài cốt ông Hùng Việt như thế nào? Năm 2006, có dịp về Vĩnh Linh, tôi tìm gặp đồng chí Nguyễn Hoa Nam (nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị) và được biết: "Từ năm 1980 đến năm 1990, đồng chí Thượng tướng Trần Sâm - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, là Chính ủy Trung đoàn 95 năm xưa - đã đến Vĩnh Linh nhiều lần để xác minh rõ câu chuyện. Dạo đó, những người của trung đội dân quân Tân Phú còn sống 4 cụ là Nguyễn Minh Trong (thân sinh đồng chí Nguyễn Hoa Nam), Nguyễn Hữu Bi, Nguyễn Văn Hiếc và Đoàn Cung - đều là các vị đảng viên lão thành cách mạng - kể lại rằng: "Hồi đầu năm 1947, trung đội dân quân Tân Phú (của hai làng Tân Mỹ và Phú Mỹ) xã Vịnh Nam huyện Vĩnh Linh do ông Nguyễn Minh Trong làm Chính trị viên có nhiệm vụ đón chiếc đò chở một quan tài tại bến sông Quảng Xá, đó là thi hài một cán bộ quân sự cao cấp của cách mạng, không được biết họ tên, chức vụ, quê quán. Mang về chôn giấu cẩn thận, sau này sẽ có người đến nhận lại. Họ chèo ngược sông Quảng Xá, ngược sông Châu Thị và ghé bến chợ Phủ làng Hồ Xá trong đêm.

        Họ cáng bộ theo mép ruộng phía nam làng Hồ Xá đến một Tuấn họ rẽ lên đồi đi về rú Rẫy làng Phú Mỹ, đào huyệt và chôn cất, không đắp nấm mộ mà chỉ trồng cây sắn dây làm dấu. Họ đã ba lần cải táng để tránh bom đạn giặc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

        Năm 1992, Bộ Quốc phòng đã tổ chức đưa hài cốt ông Hùng Việt từ nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị về với quê hương Nam Định. Trong lễ truy điệu an táng, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Sâm, nhiều vị tướng lĩnh, các đồng đội của ông Hùng Việt cùng về dự.

---------------
1. Tháng 2 năm 2007, anh Đinh Như Gia đọc bản thảo hồi ký của tôi, không thấy chuyện kể này, từ Vĩnh Linh anh gọi điện thoại yêu cầu phải viết bổ sung, lúc này anh đã 72 tuổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 04:06:26 pm »

        Kể lại câu chuyện trên đây, tôi bồi hồi nhớ lại 9 lớp cán bộ Trung đoàn trưởng và chính ủy Trung đoàn 95 (tức trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật) - đơn vị mà tôi hằng ngưỡng mộ, nhập ngũ và khôn lớn dưới sự chỉ huy lãnh đạo của các đồng chí Hùng Việt, đồng chí Trần Sâm (1946-1947), đồng chí Lê Nam Thắng và đồng chí Trần Văn Bành (1947-1949), đồng chí Lê Bá Vận và đồng chí Trần Văn Bành (1949-1951), đồng chí Lê Văn Tri và đồng chí Nguyễn Lượng (1951-1953), đồng chí Tống Thái và đồng chí Lê Cấp (1953-1954), đồng chí Triệu Huy Hùng và đồng chí Lê Cấp (1954-1956), đồng chí Nguyễn ích Tỷ và đồng chí Trần Xuân Lư (1956-1957), đồng chí Nguyễn Quang Cự và đồng chí Nghiêm Kình (1958-1964), đồng chí Lê Khắc Cần và đồng chí Nguyễn Hữu Hưu (1965- 1967). Một lớp người mà đa số đã hy sinh hoặc qua đời những ai còn sống thì nay đã trên 80 tuổi.

        Xin được coi đây là tấm lòng yêu quý của người em đến với các anh, của người con đối với Trung đoàn 95 anh hùng, và của Sư đoàn 325 nhiều lần anh hùng.

        Tháng 5 năm 1949, tôi được gọi lên chiến khu dự lễ sinh nhật Bác Hồ. Đến chỗ hẹn, tôi mới biết xóm Chồi có 3 trong 7 người của làng Hồ Xá, họ cùng lứa tuổi 17, 18. Được ra vùng tự do - Chiến khu Thủy Ba, thả sức cho chúng tôi cười nói, ca hát, kể chuyện, hít thở không khí tự do. Chúng tôi thích thú nhìn Vệ quốc đoàn vác súng, hành quân, luyện tập; thấy cơ quan thanh niên huyện sạch sẽ, nền nếp, ngăn nắp, tuy chỉ là nhà tranh vách lá.

*

*           *
        Ba ngày vui đã qua nhanh, chúng tôi phải trở về vùng địch tạm chiếm. Nhà bạn Hoàng Thị Lý gần đồn, chúng nghi ngờ việc Lý vắng nhà, chúng bắt - Lý không chịu nổi đòn tra tấn đã khai báo. Địch đã bắt và bắn chết hai du kích mật là anh Nguyễn Thiện và anh Nguyễn Diễn ngay ngày hôm sau. Chúng còn lùa cả làng ra đồn địch để kiểm soát, đối chiếu với danh sách do chúng đã lập, theo lời khai báo của Hoàng Thị Lý. Dân làng đứng hai hàng dọc, tôi đứng vào quãng giữa. Tôi nhìn thấy chúng hỏi họ tên và phân loại. Chúng chỉ ai qua tay mặt thì ở lại, chỉ ai sang tay trái thì được về. Đến lượt tôi, tôi khai tên họ Đinh Du - là tên gọi ở nhà, tôi được chỉ sang tay trái. Tôi mừng quýnh, bước rất nhanh, nhưng rồi nhận ra phải bước chậm lại vì sợ chúng thấy khác thường. Tới chỗ có vật che khuất, tôi chạy nhanh về nhà.

        Từ đó, đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: Phải đi Vệ quốc đoàn mới có thể chiến đấu trả thù được cho đồng bào, cho gia đình, cho đất nước. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm, là lý tưởng của thanh niên trước cảnh nước mất nhà tan, quân thù chiếm đóng quê hương.

        Dù có phải hy sinh cũng là điều vinh dự, đây cũng là điều mà tôi đã suy nghĩ, ước mơ từ lâu là làm theo những tấm gương lẫm liệt đã có. Xin nói thêm: Hoàng Thị Lý bị giặc Pháp hãm hiếp và bắn chết sau khi chúng đã khai thác hết những điều chúng cần biết ở thị. Tôi nhận được tin này khi tôi đang làm văn phòng xã đội Vĩnh Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2016, 04:25:03 am »


Chương hai

RA ĐI THAM GIA CHỐNG PHÁP

        1 - Ý nguyện của Mẹ

         Tháng 7 năm 1949, vừa tròn 18 tuổi, tôi muốn rời mái ấm gia đình trong tình cảnh vừa bị giặc Pháp bắt hụt hai lần, chúng đóng đồn tại làng Hồ Xá. Cha tôi, người xã đội trưởng đầu tiên của xã Vĩnh Hồ sau ngày Cách mạng tháng Tám, đã lâm bệnh qua đời tại Chiến khu tháng 5 năm 1947. Anh tôi là Đinh Như Khương đang bệnh nặng, do sốt rét ngã nước từ chiến khu về, anh kêu đau đầu dữ dội, rên la quằn quại đã ba ngày; năm người em, một gái, bốn trai còn nhỏ. Tôi xin mẹ cho đi theo kháng chiến. Mẹ tôi nói: "Việc nước là tùy ý con, mẹ chỉ có một ý nguyện tìm đưa hài cốt cha con về trước khi đi".

        Tôi và ông Nguyễn Đức Đệ, là người dượng đã tham gia chôn cất cha tôi - cùng đi tìm. Tôi vác cái đòn xóc lúa kèm mấy sợi lạt tre và hai cái bao tải, giống như người đi gặt lúa. Chúng tôi rời làng quê, băng đồng ruộng, lên chiến khu tìm được nơi chôn cất. Dượng tôi đã ngoài 50 tuổi, lại đang bị cảm sốt. Tôi chạy vào nhà dân mượn cuốc, dượng ngồi chỉ dẫn. Tôi trải hai cái bao tải ra, đào bới kiếm và xếp các xương theo hai bên tả hữu, hộp sọ để bao bên trái, tôi vuốt ve chiếc răng cửa hàm dưới của cha tôi có một cái mọc thụt vào. Tôi lầm rầm khấn vái rồi dùng những sợi lạt tre buộc thành hai túm hai đầu đòn xóc gánh về. Chừng nửa đêm tôi về đến nhà. Hai mẹ con dùng tấm phản - mà sinh thời cha thường nằm nghỉ trưa - đặt hai bao hài cốt lên để thắp hương. Mẹ nói, anh con đã hết đau đầu từ lúc chợ đông, đang ngủ. Tôi thưa: "Mả cha bị một đường trâu đi ngang qua trán, con đào trúng, lấy hộp sọ lên lúc nửa buổi sáng". Mẹ nói: "Đúng rồi, ba may bảy may, ơn Trời Phật phù hộ". Hai đêm liền, mẹ tôi khóc thảm thiết với lời than vãn: "Hũ tiền cách mạng gởi, ông chôn cất chỗ mô, để lấy trả cho chính phủ? Đất đai vườn tược đó ông ưng nằm chỗ mô? Biết hỏi ai cho đây?"

        Sáng hôm sau, mẹ gọi tôi cầm cuốc đi theo, mẹ chỉ chỗ tôi đào tìm thấy hũ tiền chôn ở gốc bụi chuối cạnh nhà bếp, số tiền giấy đã bị côn trùng hủy hoại, chỉ còn ít đất mùn và đồ dùng bằng kim loại. Tôi thấy lạ, hỏi tại sao mẹ biết hũ tiền chôn chỗ này, mẹ nói: "Đêm qua cha về báo mộng chỗ chôn tiền và nơi an táng". Mấy mẹ con chúng tôi làm lễ cúng cha và an táng tại đất nhà. Một đám tang diễn ra trong âm thầm, đầy nước mắt đau thương.

        Xế chiều ngày 27 tháng 8 năm 1949, chị  Thị Tuyết (con gái út bác Đinh Như Thận) chạy khóc la tức tưởi, chị nằm vật ra giữa sân nhà tôi và gào lớn: "Giặc đã bắn chết anh Khuông cách đây mấy trăm thước?". Anh Đinh Như Khuông là dân quân du kích bị giặc bắt giam tại đồn Hồ Xá. Chúng dẫn anh đi chặt tre, anh vùng chạy định thoát thân, liền bị giặc bắn đuổi, anh đã hy sinh.

        Tôi đau đớn thương tiếc người con trai lớn của bác trưởng. Anh chỉ kém cha tôi năm tuổi. Anh là một thanh niên mạnh khỏe, đã giã từ sắc lính khố xanh trong những ngày tiền khởi nghĩa 1945. Anh thường đến trò chuyện với cha tôi. Tôi thấy hai chú cháu rất thân mật, gần gũi như hai anh em.

        Tôi biết anh lâm nạn do có kẻ phản bội, dẫn địch về bắt lúc anh còn đang ngủ đêm tại căn cứ Vĩnh Mưng - là chiến khu xã Vĩnh Hồ. Giặc đã bắn chết ông Đinh Như Diệu (người tôi gọi bằng chú). Chúng bắt một số người trong đó có anh Đinh Như Khuông. Chúng tra khảo chức vụ của anh, anh khẳng khái nói: "Tau làm tiểu đội trưởng hoặc trung đội hay đội viên chỉ là sự phân công của cách mạng để đánh đuổi giặc Pháp xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước...". Chúng đánh đập dã man anh vẫn không nao núng.

        2. Vào dân quân

        Hôm sau, mẹ tôi sắm cho bộ kem đánh răng và một bộ áo quần. Tôi cho vào cái túi vải nhỏ và lên đường vào chập tối, không kịp chào anh và các em tôi. Tôi tìm gặp xã đội dân quân xin tòng quân. Tiếp nhận tôi là ông Đinh Như Ngữ (là anh ruột Đinh Như Bình), làm chính trị viên và ông Trần Giả - xã đội trưởng. Hai ông giao việc cho tôi làm văn phòng xã đội. Hàng ngày, hai ông cho tôi cùng ngồi nghe những người đến báo cáo các trận đánh du kích, xin nhận gạo, vũ khí... Tôi ghi chép và viết báo cáo lên huyện đội. Đến bữa ăn, có người dẫn đến ăn tại các nhà dân. Thỉnh thoảng, nghe tiếng mõ dồn dập báo động "Tây lùng", cơ quan xã đội cùng dân làng chạy vào làng phía sau, dân quân vào vị trí chiến đấu. Lúc này, phong trào "rào làng chiến đấu" ở quê tôi đã lên rất cao trong toàn huyện Vĩnh Linh. Mỗi làng đều tổ chức rào bằng tre nứa, cọc rào. Các cửa ra vào làng có tổ dân quân trực gác, được cài sẵn bom mìn, hầm chông, đạn đạp để ngăn chặn địch càn quét, cướp bóc. Mỗi xóm lại rào thành từng ô ngang dọc, có hệ thống công sự chiến đấu, hầm hào chi chít. Lực lượng dân quân du kích được bố trí gác ngày đêm cả ở vòng trong và vòng ngoài. Vòng ngoài là các làng có vọng gác sát đồn địch gọi là kẹp vị trí. Cứ mỗi lần giặc đi càn, vọng gác vòng ngoài báo động về xã đội để nhân dân kịp thời sơ tán, ẩn nấp, du kích ra chiếm công sự chiến đấu. Xã Vĩnh Hoàng tiếp giáp với xã chúng tôi, là một điển hình của phong trào rào làng chiến đấu. Một buổi sáng đầu năm 1949, giặc từ đồn Hồ Xá đi càn... Chúng cho xe bọc thép đi đầu, xe húc vào hàng rào làng Huỳnh Công Nam. Mìn nổ, chiếc xe bốc cháy, địch phải bỏ dở trận càn. Hầm chông, đạn đạp là những vũ khí thô sơ nhưng rất lợi hại. Trận phục kích của du kích xã Vĩnh Tiên tại Bàu Ngang làng Lê Xá gần hai mươi tên Pháp và ngụy đồn Mỹ Tá đi càn bị sập hầm chông, chúng chạy loạn, lại bị một số đạn đạp làm kinh hồn khiếp đảm... Phong trào rào làng chiến đấu và các hoạt động của du kích phát triển mạnh buộc địch phải co lại trong các đồn bót, không dám nghênh ngang đi xa đồn bót hàng chục cây số để cướp phá hãm hiếp dân lành như những năm 1947 - 19481. Một hôm rảnh việc, tôi hỏi ông Đinh Như Ngữ: Tại sao hồi 1947 ta chuẩn bị kỹ mà khi giặc Pháp tới ta không đánh? Ông Ngữ nói: "Không phải ta không đánh mà vì sức ta còn quá yếu, chỉ vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sau này. Hồi đó, tiểu đoàn 15 chủ lực và các đội du kích xã đã chặn đánh địch ở phà Hiền Lương, Ở cầu Tiên An, diệt 30 tên và làm bị thương một số tên".

----------------
1. Trích "Vĩnh Linh 50 năm chiến đấu và xây dựng
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 08:51:08 pm »

       
        3. Vào quân đội


        Tháng 9 năm 1949, tôi xin phép xã đội cho đi bộ đội. Tôi đi theo Đinh Như Bình, là người em họ đang làm y tá Viện Quân y K42 của Phân khu Bình Trị Thiên được nghỉ phép về thăm quê. Chúng tôi len lỏi qua các làng quê dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị, tìm đến làng Kế Môn, xã Phong Thanh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, nơi có đội an dưỡng Trung đoàn 95 trú quân. Có dịp tôi thấy dân làng thương quý y tá Đinh Như Bình như con đẻ, tôi cảm động, càng tin tưởng người bạn đường của mình. Có dịp tôi được đến thăm 21 mộ liệt sĩ vô danh của bộ đội Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Tôi được nghe kể về chiến công của đội cảm tử tấn công đồn Đại Lược năm 1948. Đầu năm 1949, đồn Đại Lược phải bỏ chạy, nhân dân xã Phong Thành đào bới từ các hố chôn người lên, sắp xếp chôn cất thành một dãy thẳng hàng, không có bia mộ cho từng người. Hình ảnh đó cứ đeo đẳng mãi trong tôi về tội ác của giặc, về sự khâm phục và lòng mang ơn đối với những người đã ngã xuống.

        Chúng tôi theo tổ quân y đội an dưỡng đi Viện Quân y K42. Viện Quân y đóng ở một khu rừng Đá Nổi thuộc Chiến khu Ba Lòng tỉnh Quảng Trị. Tôi được giao làm liên lạc viên giữa văn phòng với các khoa, ban. Đây là một bệnh viện dã chiến có sức chứa 120 - 150 thương bệnh binh của Phân khu Bình Trị Thiên. Bệnh viện được bố trí dọc theo một con suối ngoằn ngoèo chảy qua cho nên nội quy giữ nguồn nước rất chặt chẽ. Cạnh bờ suối có các giếng ăn. Các lán trại đều nằm dưới tán cây, lại có nương sắn khoai, chuối che chở ngụy trang, ngoài nhìn vào khó mà nhận ra có một cơ sở tiếp nhận điều trị nhiều thương bệnh binh đang trú quân hoạt động. Bệnh viện do bác sĩ Nguyễn Danh Đàn, người Thanh Hóa, dong dỏng cao, da trắng mịn, đeo kính trắng, ông đã ngoài 40 tuổi Chính trị hiệp lý viên là cụ Bùi Xuyên - đã ngoài 50 tuổi, tầm vóc cao to, da ngăm, ông có bộ râu đen kịt, cắt tỉa gọn. ông là một thầy đội khố đỏ đi theo kháng chiến. Bác sĩ Đàn chưa là đảng viên. Đội ngũ các y sĩ dược sĩ, y tá, cứu thương, nhân viên có chừng hơn 80 người do y tá Nguyễn Văn Ích làm trưởng ban quản sự. Về Đảng chỉ có hai đảng viên chính thức là y tá Đinh Như Bình, phân chi trưởng và y tá Nguyễn Văn ích, có hai đảng viên dự bị là y tá Nguyễn Dự và y tá Lữ Phúc Thùy, được tổ chức thành một phân chi sinh hoạt trong chi bộ hậu cần của Phân khu Bình Trị Thiên.

        Đầu tháng 12 năm 1949, bệnh viện lập một đội phẫu đi phục vụ chiến dịch Lê Lai. Chúng tôi rời khỏi rừng Đá Nổi vào một sáng trời mưa rả rích. Sau ba ngày băng rừng vượt suối, vượt đường số 9, vừa lo bị địch phục kích vừa lo bị cọp vồ.., tôi và nhiều người đi chân đất mang vác nặng. Đội phẫu triển khai tại khu rừng Đông chân núi U Bò thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, xong lúc sáu giờ chiều, có đủ các bộ phận thu dung phân loại, khu trung trọng thương, khu bị thương nhẹ, bàn mổ và hai khu hậu phẫu.

        Một trung đội dân công sẵn sàng khiêng cáng thương binh về tuyến sau. Khoảng một giờ sáng bắt dầu có thương binh về. Chỉ có hơn 20 thương binh nên được giải quyết nhanh gọn trong đêm. Bốn giờ sáng, tôi được bác sĩ Nguyễn Danh Đàn giao nhiệm vụ đi chôn cất một tử sĩ. Tôi cùng hai dân công khiêng tử sĩ xuống sườn đồi, cách bàn mổ chừng 60 mét. Tôi xem lại các giấy tờ, anh tên là Võ Đống, tiểu đội trưởng đại đội 150, tiểu đoàn 310, Trung đoàn 95, quê quán làng Nại Cửu, xã Triệu Vinh, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tôi viết những dòng chữ trên cho vào vỏ lọ pênicilin và bỏ vào túi áo ngực của anh. Chúng tôi đào huyệt trong đêm, lấp lại, xếp thêm sỏi đá. Tôi lẩm nhẩm khấn vái, vĩnh biệt người đồng đội, lòng tôi quặn đau khi biết anh bị vết thương trúng đầu trong trận đánh chống càn ở làng Thạch Xá hạ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

        Chiến dịch Lê Lai kết thúc. Trung đoàn 95 đã đánh diệt cả hệ thống 5 lô cốt địch dọc dường quốc lộ 1 thuộc huyện Lệ Thủy, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn quân Pháp, bẻ gãy cuộc càn quét, bắt sống tên quan tư Le Bruje, viên chỉ huy quân Pháp ở nam Quảng Bình, tại làng Thạch Xá Hạ.

*

*          *

        Chúng tôi hành quân trở về rừng Đá Nổi, khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm để bác sĩ Nguyễn Danh Đàn kịp dự hội nghị tổng kết chiến dịch do Phân khu tổ chức tại vùng đồng bằng huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Xong hội nghị, các đại biểu trên đường về đơn vị thì một số bị địch phục kích. Bác sĩ Nguyễn Danh Đàn bị địch bắt. Liên khu 4 cử bác sĩ Đặng Văn Ấn từ Nghệ An vào làm Viện trưởng. Bệnh viện còn được bổ sung nhiều đảng viên cán bộ, nhiều thuốc men, dụng cụ y tế. Theo chủ trương của Đảng, "chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công". Phong trào thi đua sôi nổi trong bệnh viện, ai nấy đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bệnh viện đã có chi bộ đảng Cộng sản Đông Dương với 9 đảng viên chính thức.

        Ngày 28 tháng 3 năm 1950, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương do hai đồng chí Nguyễn Dự và Lữ Phúc Thùy giới thiệu. Đồng chí Nguyễn Văn Ích, Bí thư chi bộ tuyên bố do tôi thuộc thành phần bần nông nên thời gian dự bị của tôi là 3 tháng. Cùng kết nạp có các đồng chí Lê Bá Hiếu, Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Hữu Trị.

        Đến lượt tôi đọc đơn xin vào Đảng và lời tuyên thệ xong, tôi nhớ đến mẹ và các em đang sống trong vùng địch tạm chiếm, nhớ hình ảnh cha tôi nghiêm mặt biểu: "Cái đó hệ trọng lắm..." khi tôi hỏi cha về cuốn sách nhỏ in Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương...

        Chúng tôi không quản ngại mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, sẵn sàng làm tốt bất cứ việc gì mà tố chức giao cho. Đợt thi đua lập thành tích mừng kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần thứ 60 đã tiếp thêm sức mạnh cho mọi người. Chúng tôi lên đường đi chiến dịch Phan Đình Phùng với đội ngũ lớn mạnh, đủ sức triển khai hai bàn mổ, tiếp đón vài trăm thương bệnh binh. Bên cạnh còn có Phòng quân y mặt trận Bình Trị Thiên. Các bác sĩ Lê Khắc Thiền, Nguyễn Tăng Cơ, Đặng Văn ấn, các sinh viên y khoa khóa 1 Võ Như Tỷ, Đặng Chu Kỷ, Bùi Thiện Sự cùng nhiều y sĩ, y tá dược tá và các nhân viên phục vụ ước chừng cả trăm người. Hai đội phẫu được triển khai tại một khu rừng vùng Cổ Kiềng, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chiến dịch do Mặt trận Bình Trị Thiên tổ chức chỉ huy, sử dụng hai trung đoàn 18, 95, đại đội 354 và dân quân hai xã Vĩnh Hoàng, Vĩnh Hồ của huyện Vĩnh Linh. Ngày 11 tháng 6, chúng tôi đón hơn 10 thương binh. Hai bàn mổ chỉ giải quyết gọn trong buổi sáng. Có lệnh vẫn tiếp tục nhiệm vụ.

        Đêm 27 và ngày 28, thương binh cứ ùn ùn về đông, trên 190 thương binh, có nhiều vết thương nặng. Ba bàn mổ phải làm việc suốt đêm 27, ngày và đêm 28. Đến 16 giờ ngày 29 tháng 6 mới xong. Nhiều đồng chí phải đứng suốt đêm. Bác sĩ Nguyễn Tăng Cơ dùng bàn tay đỏ lòm máu lấy khoai cho vào miệng ăn để tranh thủ thời gian. Có tiếng cười, ông nói: "Có hề gì đâu vẫn vô trùng mà!" Tôi nghĩ công sức của các anh các chị góp cho chiến dịch thật lớn lao, thầm lặng. Tôi được tuyên bố trở thành đảng viên chính thức giữa chiến dịch. Trong một buổi nói chuyện cuối chiến dịch (gần hai tháng sau ngày 19 tháng 5), tôi được nghe bác sĩ Lê Khắc Thiền đọc thơ Bác Hồ viết trong dịp sinh nhật Bác:

                                                "Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
                                                So với ông Bành vẫn thiếu niên
                                                Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
                                                Trần mà như thế kém gì tiên".

        Trong tôi tràn ngập lòng tin, niềm tự hào.

        Trong chiến dịch Phan Đình Phùng, ta đã đánh nhiều trận lớn nhỏ, diệt và bắt gần 400 tên địch, bắn rơi chiếc máy bay Mo ran, tên phi công chết cháy, nhiều xe vận tải bị phá hủy, ta thu nhiều chiến lợi phẩm1.

----------------------
1. Theo "Từ chiến trường Bình Trị Thiên" - Tập san kỷ niệm 50 năm thành lập mặt trận (26/1O/1949 - 26/1O/1999).
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM