Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:35:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết 1839-1913  (Đọc 61863 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 04:26:28 pm »


Từ năm 1890, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Việt Nam bị dập tắt gần hết, liên lạc giữa Tôn Thất Thuyết với các khu vực nội địa trở nên khó khăn, song ông Thuyết vẫn cùng với cha vợ là Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục hoạt động, và cộng tác chặt chẽ với nghĩa quân Lưu Kỳ ở vùng Đông Triều - Móng Cái trong những năm 1891-1892. Thông qua Lưu Kỳ, Tôn Thất Thuyết còn nối ảnh hưởng và cung cấp vũ khí cho các nhóm nghĩa quân ở Yên Thế, hoặc cho Đốc Tít.

Dựa vào sự giúp đỡ của Lưu Vĩnh Phúc và một số quan lại Mãn Thanh, Tôn Thất Thuyết cũng xây dựng được nhiều toán quân vũ trang, mà đa số là người Hoa và dân tộc thiểu số, để tiến hành đánh Pháp. Vào tháng 6.1892, Tôn Thất Thuyết phái Lương Phúc đem một cánh quân xâm nhập tổng Hoành Mô thuộc Móng Cái, phát tuyên ngôn dưới danh nghĩa Hàm Nghi để đánh Pháp. Thu Đông 1892-1893, Tôn Thất Thuyết lại cho đội quân do Vũ Thái Hà cầm đầu với khoảng 1.000 người tiến vào Bình Hồ thuộc Móng Cái tấn công quân Pháp. Cánh quân này hiệp sức với lực lượng của các toán do Tiên Đức, Vũ Ôn Bảo, Lương Phúc chỉ huy kiểm soát khắp lưu vực sông Tiên Yên từ Hoành Mô xuống tận vùng ven biển. Cho đến đầu năm 1893, quân Pháp vẫn không thể nào đẩy lui lực lượng nghĩa quân ra khỏi Móng Cái. Biết nghĩa quân luôn luôn được tiếp nhận thêm người và vũ khí từ bên kia biên giới, quân Pháp liền lập thêm nhiều đồn ải để đóng chặt con đường bị nghi ngờ là cửa ngõ tiếp tế bí mật của nghĩa quân, sử dụng lính dõng, lính cơ và bọn tề, rồi cấp mỗi làng 10 khẩu súng trường để kiểm soát biên giới1.

Năm 1894, chiến tranh Trung - Nhật nổ ra. Thanh triều lâm vào cuộc chiến với Nhật Bản ở vùng Đông Bắc nên không muốn dung dưỡng nghĩa quân Việt Nam dọc theo vùng biên giới Việt - Trung. Sợ quân Pháp mượn cớ gây hấn sẽ lâm vào thế hai đầu bị đánh, quân Thanh khoá chặt biên giới và bắt giết một số lãnh tụ nghĩa quân người Việt chạy sang nương náu trên đất Trung Hoa. Lúc này Tôn Thất Thuyết cùng với Lưu Vĩnh Phúc và Đề đốc Phong (tướng nhà Thanh) đang xúc tiến việc thành lập lực lượng đánh Pháp ở vùng biên giới giáp tỉnh Cao Bằng. Tháng 3.1895, Tôn Thất Thuyết cho một đạo quân tiến đánh chiếm vùng Lục khu ở Cao Bằng, nhưng sau đó bị quân Pháp đánh bại. Thấy rằng để Tôn Thất Thuyết ở gần Lưu Vĩnh Phúc thì còn sinh nhiều chuyện bất lợi, Toàn quyền Đông Dương đề nghị Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh yêu cầu nhà cầm quyền Trung Hoa đưa ông Thuyết đi an trí thật xa, và cho người theo dõi, cô lập Lưu Vĩnh Phúc.

Từ năm 1896, với sự quản thúc khắt khe của quan lại Mãn Thanh, Tôn Thất Thuyết bị cấm túc không được rời khỏi khuôn viên cư trú, những mối dây liên hệ với Lưu Vĩnh Phúc bị cắt đứt, hoạt động chống Pháp của ông coi như chấm dứt.

Phẫn chí, tuyệt vọng trước tình hình, ông dùng thuốc phiện để khuây khoả. Nhưng ông không phải là một “con nghiện” tầm thường như bao kẻ lao đầu vào việc hút xách, bởi mối hận vong quốc luôn là nỗi ám ảnh lớn trong tiềm thức ông. Bài thơ “Chừa thuốc phiện“ của Tôn Thất Thuyết thể hiện đậm nét tấm lòng ái quốc:

                  ... “Chỉ nhật quốc thù kỳ khả phục,
                  Kính thu thân bệnh thả tiên trừ.
                  ... Ký ngữ giang sơn đồng chí khách,
                  Lão phu tuy quyện vị vong sơ."

Tạm dịch:

                 Thù nước hẹn ngày thề trả sạch,
                 Thân già nhiều bệnh quyết lo chừa.
                 Lời gởi non sông bao đồng chí,
                 Già này dẫu mệt dám đâu ngơ.


Quyết tâm chống Pháp và nỗi buồn mất nước cứ mãi đeo đẳng Tôn Thất Thuyết trong những ngày tàn bất lực, ông thường múa gươm chém chan chát vào những tảng đá trong khu an trí để thoả lòng căm phẫn. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, Tôn Thất Thuyết vẫn vô cùng ghét Pháp và từ chối mọi cuộc tiếp xúc với họ. “Một vị cố đạo ở Quảng Đông đã theo dõi hành vi của Tôn Thất Thuyết, đã nhiều lần xin được gặp để phỏng vấn. Tôn Thất Thuyết nhận lời, nhưng chỉ gặp vị cố đạo đó vào ngày mà Tôn Thất Thuyết chết”2. Ông mất tại Thiều Châu vào ngày 22/9/1913, thọ 74 tuổi.

Mặc dù định ra đi cầu cứu rồi lại trở về lãnh đạo phong trào kháng Pháp, nhưng chuyến đi đã khiến Tôn Thất Thuyết phải vĩnh viễn lưu vong nơi hải ngoại một cách bất đắc đĩ. “Nước Tàu không cứu ta và Tôn Thất Thuyết gần như bị giữ lại ở bên Tàu, không về được nữa, dù có ý muốn về”3. Chính Sogny - viên cựu Giám đốc sở Mật thám Trung Kỳ - cũng phát biểu: “Tôn Thất Thuyết là một võ tướng rất giỏi, đáng sợ lắm... Tôn Thất Thuyết sang Tàu mộ quân. Nhưng vì Tàu và Pháp thông đồng với nhau, Tôn Thất Thuyết không về được”4.

Việc sang Trung Hoa cầu viện là hạn chế khó tránh khỏi của Tôn Thất Thuyết, bởi mối dây liên hệ truyền đời giữa tập đoàn phong kiến Việt Nam với tập đoàn phong kiến Trung Hoa luôn chi phối. Nhưng một thực tế cần được khẳng định là hoạt động của Tôn Thất Thuyết và các đồng chí của ông từ 1886-1895 vẫn hết sức thiết thực và có ý nghĩa lớn đối với công cuộc chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Từ năm 1896 cho đến khi mất, dù không còn đóng góp gì cho dân tộc, song tấm lòng vì nước và nỗi hờn vong quốc vẫn cháy rực trong người ông. Người Trung Hoa rất mến mộ tinh thần ái quốc của Tôn Thất Thuyết. Khi ông mất họ đã có lời ca ngợi:

                 “Thù Nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận,
                 Hộ giá biệt tầm tĩnh địa, bách niên tàn cốt ký Long Châu.”

Tạm dịch:

                 Thù Tây không đội trời chung, muôn thuở tiếng thơm ghi đất Viêt,
                 Giúp Vua riêng tìm cõi thác, trăm năm cốt rụi gởi Long Châu
5.

Nhân sỹ Trung Hoa đánh giá Tôn Thất Thuyết như thế đó. Còn chúng ta thì sao? Đã đến lúc cần phải nhận diện đúng đắn về tấm lòng son sắt của Tôn Thất Thuyết đối với đất nước, trả ông về đúng vị trí mà ông đã xác lập trong lịch sử dân tộc.
_____________________________________
1. Phạm Văn Sơn, Sđd, tr. 305-306.
2. Nguyễn Thiệu Lâu - Quốc sử tạp lục. Sài Gòn, Khai Trí, 1970, tr. 645.
3. Như trên, tr. 270.
4. Như trên, tr. 664-665.
5. Còn có một dị bản khác là:
         "Quý bất khả ngôn, thiên cổ trung hồn lai Tượng Quận
         Tôn vô nhị thượng, bách niên tàn cốt ký Long Châu"
    Tạm dịch:
         "Đáng quý không lời kể xiết, hồn trung ngàn năm về đất Việt
         Trên đời dễ có hai Tôn, xương cốt trăm năm gởi Long Châu"

    Sự thật thì Tôn Thất Thuyết mất ở Thiều Châu, chớ không phải ở Long Châu. (Xem bài: "Nghĩa tình của Nguyễn Thượng Hiền với gia đình Tôn Thất Thuyết" của Chương Thâu.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2016, 11:00:00 pm »


TÔN THẤT THUYỂT TÍNH CÁCH - CON NGƯỜI
THUẦN HOA1

Tôn Thất Thuyết là con trai lớn cụ Tôn Thất Đính. Cụ Đính là một võ quan có học, làm đến chức Đề đốc. Ngoài học văn, thêm binh pháp của cha, cùng chí hướng với con.

Vợ ông Thuyết là con một gia đình khoa cử. Làm dâu trưởng của một đại gia đình, bà xin ý kiến bố mẹ chồng cưới bà hai cho ông Thuyết để thay nhau đi theo ông làm quan các tỉnh. Bà hai người Thanh Hoá, con gái một gia đình khá giả, có nề nếp. Hai bà sống hoà thuận. Ông Thuyết giữ chức Bố chánh Hải Dương, Tuần phủ Sơn Tây, Tổng đốc hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên. Là một quan văn có năng khiếu về võ. Lúc đó ông Hoàng Tá Viêm, một tài năng quân sự thời vua Tự Đức, giữ chức Thống đốc quân vụ đại thần tỉnh Cao Bằng - Bắc Ninh, Lạng Sơn (Cao - Bắc - Lạng), Ông Thuyết được biệt phái sang làm trợ tá cho Hoàng Tá Viêm đem quân đánh bọn thổ phỉ trên miền biên giới. Tiến quân vào Thanh Hoá dẹp loạn (Thanh Hoá quê hương của các vua ngày trước), ông được vua Tự Đức khen ngợi, sau về kinh đô giữ chức Thượng thư Bộ Binh (Bộ Quốc phòng ngày nay).

Lúc còn là quan văn ở Bắc, tính tình cởi mở, vui vẻ từ trong gia đình ra ngoài xã hội, nói năng thận trọng, giao du rộng với các thân sĩ, trí thức Bắc hà. Thường hay đàm đạo văn thơ với tiến sỹ Nguyễn Quang Bích, một nhà thơ có tiếng ở miền ngoài. Sau này ông Bích là thủ lĩnh Cần Vương khu Tây Bắc, đã nói về ông Thuyết những lời trang trọng: (Đại nhân, sao Ngưu, sao Đẩu).

Ông Thuyết là một nhà thơ, một tâm hồn thơ nhạy cảm, sâu lắng. Khi nhìn chim én bay trong mưa gió tơi bời, ông cảm thương và hỏi rằng: Sao chim không bay về nương thân ở chốn đình đài mà cứ bay mãi bên góc rừng mưa gió?

                            Hà sự đình đài hồ bất quy?
                            Sơn biên phong vũ cộng phi phi

                                                              (Vũ trung phi yến)

Đọc bài “Thuật hoài” (Tự nói chí mình) mới hiểu được nỗi lòng của ông:

                           Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu,
                           Giữ lấy Thao, Đà mạn thượng lưu.
                           Họp đám cô quân nơi viễn cảnh,
                           Cầm ba thước kiếm chém quân thù.
                           Lẻ loi đất Bắc chim hồng nhạn,
                           Phảng phất trời Nam gió ngựa trâu.
                           Báo quốc lòng non sông núi tạc,
                           Gội bao sương tuyết bạc phơ đầu.

                                                                      (Dịch thơ)

Đế quốc Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Bộ, khi đi kinh lý, đến đền Cổ Loa lễ tổ, Ông làm hai câu đối nổi tiếng:

                          Tặc đáo Loa thành tuỳ diệt một
                           Điện vô Quy nỗ dữ uy linh.


(Giặc đến thành Ốc sẽ bị giết sạch - Điện không nỏ Rùa vẫn càng uy linh).

Đêm ngày mồng 4, rạng ngày mồng 5-7-1885, phò Vua Hàm Nghi rời kinh đô ra đi trong khói lửa mịt mùng, ông cảm thương căn dặn binh lính: Chú nào còn mẹ còn cha, cho về bảo dưỡng vậy là cho lui... (Vè Thất thủ kinh đô).

Ông Thuyết đã bị chinh phục bởi tài thơ và trí thông minh của ông Nguyễn Thượng Hiền, lại có mối thân tình giữa ông với cụ Nguyễn Thượng Phiên nên chấp nhận kết làm dâu gia, cho phép Nguyễn Thượng Hiền gặp gỡ con gái lớn của ông là Tôn Nữ Thị Ẩn. Ông có hiếu với bố mẹ, nể vợ cả, quý vợ hai, đối xử bình đẳng với các con. Ai ra đời trước làm anh, con trai bà hai sinh trước, con trai út, bà cả sinh sau phải làm em.

Bà cả có ba người con trai và một gái: Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Trọng, Tôn Nữ Thị Ẩn. Bà hai có ba con trai: Tôn Thất Khánh (cậu Ba Khánh), 2 cậu nữa và hai con gái... Một người lấy ông Tiến sĩ, chú ruột thân mẫu Ông Trường Chinh, và một người nữa cũng lấy chồng khoa cử. Đặt tên các con giản dị. Con trai tên: Khánh, Trọng; con gái: Ân, Tựu... Làm quan văn không thích áo mũ xênh xang, tiệc tùng, hội họp. Người chuyển sang làm quan võ, ăn mặc dản dị hơn, cuộc sống của người chinh chiến. Sau những năm lăn lộn ở chiến trường miền Bắc, gian khổ nhưng ông thấy thoải mái, không bị câu thúc, ràng buộc bởi lễ nghi. Bạn bè chung quanh đa số chân tình, quý trọng nhau, ít kẻ thù.
___________________________________
1. Sĩ quan QĐNDVN (đã về nghỉ hưu).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2016, 11:02:52 pm »


Giờ đây ngồi trong công đường, làm Thượng thư bộ Binh (Bộ Quốc phòng), trọng trách lớn đè nặng trên vai ông. Từ vua đến quan trong triều đình, năm bè bảy mối. Chưa có một hậu phương vững chắc để rút lui khi có chiến sự. Ông không trung quân mù quáng. Tổ quốc trên hết! Ông là người có mưu lược, kế hoạch vạch ra, có thể Vua Tự Đức không phê chuẩn, phái chủ hoà chống đối. Ông cần vàng, bạc, mua vũ khí, tích trữ thóc gạo, củng cố khu sơn phòng (Tân Sở) ở Quảng Trị đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình. Phía trong từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Củng cố lực lượng chủ chiến trong triều đình, tăng cường quân đội, chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Việc trước tiên ông nghĩ đến con người. Đó là ông Nguyễn Văn Tường, một người có thế lực ở trong triều đình, có học vấn, mưu lược, tài biện bác, có nhiều người theo, nhưng chưa phải là người chống Pháp triệt để. Ông kết thân, tranh thủ được sự đồng tình của ông Quận Tường (Quận công), do đó phe chủ chiến mạnh hơn lên. Ông Tường giữ việc đối ngoại sau khi vua Tự Đức băng hà, ông ở trong ban phụ chánh các Vua: Dục Đức - Hàm Nghi... Về quân sự có hai người tâm đắc là Trần Xuân Soạn và Ông Ích Khiêm. Mặc dù tính ngang tàng nóng nảy, Ông Ích Khiêm vẫn chịu được ông Thuyết. Hai em trai ông Thuyết không được phong chức tước cao sang, điều đi xây dựng khu sơn phòng ở Quảng Trị - Quảng Bình.

Ông thải hồi người kém cỏi, trấn áp kẻ chủ hoà muốn đầu hàng Pháp, nghiêm trị quan, lính sách nhiễu dân... tạo cho ông nhiều kẻ thù. Ồng luôn nghĩ đến Phan Đình Phùng, một con người cương trực, có tài, đức, để trấn giữ một khu kháng chiến...

Từ ngày về kinh đô, tính tình ông thay đổi hẳn: không cởi mở, ít nói, hay trầm ngâm, chìm trong suy tưởng, chỉ thích một mình đơn độc, làm việc thâu đêm. Ít giao tiếp với các quan chức khác, ông được đánh giá là kẻ khinh người, ngạo mạn...

Một sự kiện trọng đại xẩy ra: Vua Tự Đức băng hà. Cả triều đình, thần dân hoang mang... Theo di chúc của nhà Vua, lập Dục Đức lên ngôi. Một thời gian ngắn, từ việc cơ mật đến tin tức do thám của phe chủ chiến, đưa về cho các quan Phụ chánh một văn bản đầu hàng đế quốc Pháp của vua Dục Đức. Thù trong, giặc ngoài. Phụ chánh Trần Tiễn Thành cũng dính lứu vào sự kiện này. Ông Thuyết phải tự kiềm chế để đừng nổi giận, vì kẻ thù chỉ ở cách một dòng sông Hương. Theo luật, vua Dục Đức phải chọn một trong ba cách chết: thanh gươm, chén thuốc độc, và giải lụa điều. Trần Tiễn Thành bị phe chủ chiến xử tội.

Một sự chống đối ngấm ngầm chĩa vào ông Thuyết, của hoàng tộc có: Đức Bà Từ Dũ, Tuy Lý vương, Thọ Xuân vương, Chánh Mông (Đồng Khánh), Gia Hưng quận công... và tất cả phe chủ hoà, cho ông là độc tài, háo sát. Thật ra giải quyết những công việc hệ trọng này đâu phải mình ông. Họ tung tin thất thiệt, đặt thơ, phú, hò, vè để nói xấu ông: Nước Nam có bốn gian hùng: Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu. Lại thêm hai thằng vũ phu, Đề Đức, Đề Soạn dương mu chịu đòn. Hoặc:

                                    Nhất giang lưỡng quốc, nan phân Thuyết
                                    Tứ nguyệt tam vương, triệu bất Tường.


Trong buổi họp triều, lại cộm lên vấn đề: Phan Đình Phùng công khai chỉ trích Ông Thuyết về vụ án vua Dục Đức. Bị Ông Thuyết trấn áp, cho bắt giam, rồi thả ra, đưa về quê an toàn, chẳng hiểu giữa hai ông có làm phép gì với nhau? Khi ông Thuyết còn ở trong nước thì Phan Đình Phùng đã treo câu đối nhắc nhở mình ghi sâu lời dạy của quan Khâm tướng Tôn Thất Thuyết:

                                    Lâm bình khâm tướng huấn
                                    Ưu nhục lãm thần tâm.


Cho đến nay đúng trọn 110 năm, vẫn còn có kẻ cầm bút viết những điều xuyên tạc về ông. Khi Thành Thái lên ngôi vua, không trả thù con cháu Tôn Thất Thuyết đã tham gia xử tội cha mình là vua Dục Đức. Cho nên, chị ruột tôi (cháu ngoại TTT) lấy Vĩnh Soái là cháu nội vua Dục Đức.

Vua Kiến Phúc lâm bệnh qua đời, vua Hiệp Hoà bị phế truất, triều chính trở nên phức tạp, làm hậu thuẫn cho nhóm chủ hoà, đế quốc Pháp đưa tối hậu thư yêu cầu lập vua mới phải thông qua phái bộ Pháp. Pháp đã xâm phạm chủ quyền nước ta!

Ông Thuyết và phe chủ chiến phản đối quyết liệt. Với sự quyết đoán, ông chọn Ưng Lịch đưa lên làm Vua vào năm 1884, niên hiệu Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi còn trẻ, thông minh, giàu lòng yêu nước. Lúc thiết triều là Vua với tướng, lúc vắng người Vua trìu mến gọi ông Thuyết bằng thầy. Khi Vua ra ngoài chiến khu, ông cho con trai thứ là Tôn Thất Thiệp theo hầu vua, cùng một lứa tuổi. Con trai cả là Tôn Thất Đàm phụ trách một khu vực thuộc vùng kháng chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2016, 11:05:30 pm »


Những năm trước 1885, bà cả không ở hẳn trong tư dinh với ông, phải về trông nom các cụ thân sinh ra ông Thuyết đã già yếu. Ông Thuyết ở với hai con trai. Bà cả xin phép bố mẹ chồng cưới vợ ba để ra vào chăm sóc ông. Bà ba ở làng Kim Luông, đẹp, con gái một gia đình khá giả. Bà sinh hạ được một gái, bận nuôi con mọn bà phải ở lại nhà. Bà cả lại thuyết phục ông chấp nhận để bà giới thiệu bà thứ tư, là bà ngoại tôi. Bà tôi con gái một gia đình giàu có, có nề nếp, các cố ngoại tôi phục tài ông Thuyết nên đồng ý gả.

Ông Thuyết đến một lần thăm bố mẹ vợ, xem mặt cô dâu. Đám cưới không có rể vì bận việc.

Mẹ tôi ra đời cuối năm 1884. Mùa xuân năm 1885, ông cho người ra báo đưa mẹ tôi vào cho ông xem mặt. Mẹ tôi giống bố, đã 6 tháng tuổi, bụ bẫm. Chân đeo chiếc vòng bạc, có viên lục lạc. Ông lúng túng không biết bế, để nằm ở giữa sập. Chân đạp xuống sập, tiếng lục lạc kêu leng keng, miệng cười reo, mặt nhìn vào người đàn ông lạ. Ông mỉm cười theo, rồi im lặng, trầm ngâm, chốc nói với bà tôi: cô cho con về, hãy giữ gìn sức khoẻ. Mẹ tôi đâu biết rằng cuộc chia ly sắp đến. Vĩnh viễn người con gái út của ông không bao giờ biết mặt bố. Cuộc hôn nhân lý trí, thời gian sống với nhau ít ỏi, nhưng đầy tình nghĩa với bà tôi.

Thỉnh thoảng ông về quê, ở nhà Từ đường, làng Văn Thê, cách cố đô 7 km. (Không có nhà riêng). Cùng với các vị võ quan bàn bạc việc quân. Tránh bọn do thám, để được yên tĩnh, ông cho quân bảo vệ về báo cho những nhà ở chung quanh Từ đường, đem gà, vịt, trâu, bò, chó đi chỗ khác. Ông quan này doạ dân, ai không tuân lệnh, ông Tướng chém đầu. Ông đến không ai biết, đi không ai hay, cũng chưa chém một người nào ở trong làng cả. Cũng có dịp để kẻ thù xuyên tạc: tính tàn ác của ông.

Cũng vào đầu năm 1885, ông gọi hai em trai về. Ra nhà bố mẹ, ông mời cụ Đính ngồi lên ghế tràng kỷ, ông tự trải chiếu, chắp tay thưa với cụ Đính: Con thật là bất hiếu, không phụng dưỡng được lúc thầy mẹ già, con xin tạ tội. Ông lạy rồi khóc, toàn đại gia đình đều khóc theo. Không ai biết được sắp có một cuộc ly biệt đau đớn.

Đêm mồng 4, rạng mồng năm tháng bảy dương lịch (5-7-1885); Ông phù Vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành, mới cho người đón mẹ và vợ cả lên chiến khu, Cụ Đính chưa kịp chuẩn bị thì bọn Việt gian đến bắt, sau đó đày đi Côn Đảo. Bà Ba và Bà Tư con còn bé quá, không theo được, sót lại con trai út của bà cả là Tôn Thất Trọng dưới mười tuổi, bác nông dân nhận là con đẻ. Khi bị bắt vẫn nói bác nông dân là bố tôi. Bác nông dân bảo nó là con tôi. Bị đánh, vẫn cứ nói thế. Bọn nó tạm tha, tổ chức kháng chiến bố trí cho trốn sang Xiêm (Thái Lan), rồi bị mất tích.

Người con gái lớn trở lại Cố đô, vị hôn thê của Nguyễn Thượng Hiền, trong một tâm trạng vô cùng đau khổ. Bà nghĩ đến ông Nguyễn Thượng Hiền, nhưng bà xác định được thái độ của mình, không nên có ảo tưởng... Cụ thân sinh ông Nguyễn Thượng Hiền đang ngồi ghế Thượng thư, ông Nguyễn Thượng Hiền đỗ Hoàng Giáp. Bà dứt khoát lánh mặt, gửi lời chia tay. Ông Nguyễn Thượng Hiền đã đi tìm bà, tìm nhiều lần: Anh tìm em - Ôi! Trăm giận, ngàn hờn, ước chừng cho gặp... (Câu ca Huế). Mãi rồi cũng gặp, một chiếc đò con, mỗi người mang theo một tiểu đồng chèo ngược lên phía lăng Tự Đức. Sau 3 ngày thuyết phục, bà Ân buộc phải chấp nhận sẽ đến hôn nhân. Người con trai đi theo ông Nguyễn Thượng Hiền, phấn khởi trêu cô gái đi theo bà Ẩn: “Cậu mợ đã êm má nách - Hai đứa chúng mình lấy quách nhau đi”. Bà sinh được một trai. Ông Nguyễn Thượng Hiền xuất dương.

Ở Thanh Hoá, bà Ba đem các con đi trốn, bị lùng sục, quá khổ cực phải ra đầu thú mới được yên thân.

Khi cụ Phan Bội Châu bị bắt đưa về Huế, mẹ tôi đến thăm. Cụ cho biết ông Nguyễn Thượng Hiền lúc đó mới sang Trung Quốc có tìm gặp ông Thuyết. Hai cha con nói với nhau những gì và ở đâu Cụ không được biết. Còn Cụ lúc đó mới sang Trung Quốc, nhờ một người của ta ở bên đó dẫn đi gặp ông Thuyết. Cụ báo cáo với ông về tình hinh đất nước. Nghe xong vẻ mặt ông đượm buồn, chỉ nói một câu: Ở đây không có đất dung thân...

Xô-nhi, tên mật thám phụ trách từ Thanh Hoá đến Huế, một tay cáo già, biết ăn mắm tôm, hút thuốc phiện, nói thạo tiếng Việt, gọi mẹ tôi đến nói: Tôi cho cô chiếc ảnh của ông Tướng, cô không nên đến chỗ ở của ông Phan Bội Châu nhiều. Chiếc ảnh đen trắng khổ 18x24, bọn mật thám chụp trộm, khuôn mặt lấy tỷ lệ ba phần tư, mặc áo, đội mũ giống người nông dân Trung Quốc.

Đã đứng tuổi, giống mẹ tôi nhiều. Hai cuộc chiến tranh bức ảnh không còn nữa.

Ông qua đời năm nào, tháng nào không rõ. Nhân dân Trung Quốc viếng câu đối:

     Quốc thù bất cộng đới thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng quận;
     Hộ giá biệt tầm tịnh địa, thiên niên tàn cốt ký Long Châu.

Dịch:
     Quốc thù không đội trời chung, muôn thuở tiếng thơm lưu Tượng quận;
     Hộ giá yên tìm đất lẻ, ngàn năm xương trắng gửi Long Châu.

                                                                                         (Khương Hữu Dụng dịch)

Những ngày cuối đời, nỗi buồn về đất nước ở trong vòng nô lệ, thân phận ly hương, bị kiềm toả của đế quốc Pháp và triều đình nhà Thanh, hàng ngày Ông ngồi, mặt hướng về phương Nam, với con dao, tay chém xuống đống đá vụn để giải toả nỗi đau lòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:41:17 am »


SUY NGHĨ VỂ TƯ TƯỞNG CHỦ CHIẾN CỦA TÔN THẤT THUYẾT
NGUYỄN THỊ ĐẢM1

Nghiên cứu về Tôn Thất Thuyết, giới nghiên cứu đã bàn nhiều về tư tưởng chủ chiến của ông. Hầu hết các tài liệu đều ghi nhận ông là Vị tướng tài, trung dũng, kiên trì, quyết tâm tập hợp lực lượng kháng chiến chống Pháp, khôi phục lại nền độc lập dân tộc. Chúng ta thấy rõ tư tưởng chính trị, quân sự của ông qua các hoạt động phế lập vua, xây dựng lực lượng, căn cứ kháng chiến và kinh đô dã chiến. Nhưng tư tưởng kinh tế hỗ trợ cho quân sự, chính trị, cho hoạt động chủ chiến của ông thì chưa hề được bàn đến. Bài viết nhỏ này muốn bước đầu bổ sung vào sự thiếu hụt trên.

Đến nay còn quá ít tư liệu để nghiên cứu về tư tưởng kinh tế của Tôn Thất Thuyết. Song có một điều chắc chắn là sau khi vua Tự Đức qua đời, Tôn Thất Thuyết đã vượt qua tư tưởng thủ cựu, ký với tư sản Pháp một bản hợp đồng kinh tế khai thác mỏ và vùng đất hoang tỉnh Quảng Yên. Bản hợp đồng kinh tế ký ngày 2/9/1884 gồm 8 điều khoản sau đây:

Điều 1: Hai quan Phụ chính và ông Ba-vi-ê Sốp-phua đã cùng nhau đứng ra lập hội để khai thác các mỏ và khẩn hoang các vùng đất thuộc tỉnh Quảng Yên xứ Bắc Kỳ. Khi cần có một quyết định nào quan hệ tới hội thì ông Ba-vi-ê Sốp-phua là người có quyền quyết định như đã ghi trong điều khoản 5 của bản hợp đồng.

Điều 2: Triều đình An Nam đã bán lại hai mỏ Cái Bàn và Hòn Ngọc cho ông Ba-vi-ê Sốp-phua theo đúng quy định của hiệp ước ký kết ngày 26/8/1884. Nếu thấy cần phải thông báo cho Chính phủ Pháp điều đó thì hai quan Phụ chính cũng sẵn sàng làm. Sau này nếu ông Ba-vi-ê Sốp-phua xin khai thác một khu mỏ nào khác và hai chính phủ sau khi đã xác nhận lợi ích của việc làm đó đã đồng ý, hai quan Phụ chính sẽ làm tất cả những việc có thể làm được để ông Ba-vi-ê Sốp-phua có được khu mỏ đó.

Điều 3: Sau khi đã có khu đất nhượng các mỏ Kế Bào và Hòn Gai, ông Ba-vi-ê Sốp-phua sẽ tự bỏ vốn ra để khai thác hai mỏ đó.

Điều 4: Theo điều khoản 2, hai quan Phụ chính đã giúp cho hội được khai thác hai mỏ Kế Bào và Hòn Gai và hứa sẽ thông báo cho Chính phủ Pháp biết về việc đó nếu thấy cần thiết, và nếu ông Ba-vi-ê Sốp-phua có xin khai thác thêm mỏ nào khác nữa thì tiến hành mọi sự vận động để ông ta có được mỏ đó. Vì những việc làm này, hội cam kết trả cho hai quan Phụ chính - hay những người thừa kế của các ông 20% số lãi do việc khai thác mỏ Kế Bào và Hòn Gai đưa lại sau khi đã khấu trừ mọi khoản chi phí, còn lại 80% số tiền lãi sẽ trả cho ông Ba-vi-ê Sốp-phua và các kỹ sư cùng nhân viên của hội, hay những người thừa kế của ông Sốp-phua.

Điều 5: Hai quan Phụ chính đã trao cho ông Ba-vi-ê Sốp-phua quyền đứng ra tổ chức một Hội để khai thác mỏ than và khẩn hoang các đất đai của vùng Kế Bào và Hòn Gai, do đó việc hai ông giao cho ông Sốp-phua cả việc điều hành mọi công việc của Hội là thích hợp.

Điều 6: Trong Hội này, hai quan Phụ chính chỉ giúp ông Ba-vi-ê Sốp-phua mua đất đai để khai thác, còn về khoản tiền vốn và các công việc khác của Hội thì hai ông không được tham dự.

Điều 7: Hai quan Phụ chính đã có những khoản lợi khi thành lập Hội này, vì vậy hai ông tránh không ký một bản hợp đồng bán đất như vậy với người khác nữa.

Điều 8: Khi trao hợp đồng này cho ông Ba-vi-ê Sốp-phua, hai quan Phụ chính đã ký tên và đóng dấu chính thức của hai ông vào, vì vậy việc quan Tổng trú sứ nước Pháp tại Huế cùng ký tên và đóng dấu vào bản hợp đồng này để thị thực là cần thiết.

Làm tại Huế thành 3 bản chữ Hán và 9 bản chữ Pháp. Chỉ có bản chữ Pháp mới có giá trị mà thôi.
   
   Ngày 13 tháng 7 năm Giáp Thân
   (2-9-1884)
   Cùng ký tên.

Phụ chính Nguyễn Văn Tường đóng dấu Cần Chánh điện Đại học sĩ
Phụ chính Tôn Thất Thuyết đóng dấu Võ Hiển điện Đại học sĩ.
Tham biện Nguyễn Văn Cử đóng dấu riêng của Nguyễn Văn Cử2.

Những điều khoản thoả thuận trong bản hợp đồng trên chứa đựng một nội dung rất quan trọng của khuynh hướng cải cách duy tân cuối thế kỷ XIX. Đó là hợp tác với người Tây, học tập họ để phát triển kinh tế, tiến tới phú cường mới mong có cơ hội bảo vệ nền độc lập. Nhiều nhà canh tân đã kiên trì thuyết phục nhà vua thực hiện canh tân đất nước đặng có sức mạnh cứu nước. Họ đã thấy sức mạnh của quốc gia là ở nơi khai thác tài nguyên. Nước ta có nhiều tài nguyên, nhưng không khai thác được vì thiếu vốn, do đó đề nghị nhà vua cho người Tây bỏ vốn vào khai thác, nhà nước thu lời và nhân dân lại có việc làm3. Nguyễn Trường Tộ đã xin triều đình cho giao thiệp với một công ty Pháp để khai thác mỏ, Triều đình không kiên quyết thi hành4. Khi có phái viên nước ngoài xin khai mỏ, Nguyễn Hữu Độ tâu với vua: “Việc phái viên người Pháp xin khai mỏ ở thượng du tất phải làm. Nếu cứ cố chấp, đến lúc ấy sẽ khó, xin phái nhiều cán viên hợp tác với họ chia nhau đi đốc biện cốt sao mình nắm được lời mà họ không dám khinh nhờn ta, thế là lợi cả đôi đường”. Vua lại từ chối. Những ý tưởng tiến bộ đó không có cơ hội để thực hiện. Đến Tôn Thất Thuyết, ước vọng canh tân của lớp người đi trước đã được thực hiện một khâu: hợp tác với nước ngoài.
____________________________________
1. Đại học Sư phạm Huế.
2. Hồ sơ lưu trữ 276 RSA/IC, Trung tâm lưu trữ trung ương II Tp. Hồ Chí Minh. Tài liệu này được Gs. Đinh Xuân Lâm dịch từ chữ Pháp ra chữ Việt và giới thiệu trên thông báo số 2 Chương trình nghiên cứu triều Nguyễn của trường  ĐHSP Huế, 1993.
3. Trương Bá Cần - Nguyễn Trường Tộ, Tập I: Con người (Trung tâm nghiên cứu Hán-Nôm, 1991, tr. 94.
4. Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm... Lịch sử Việt Nam cận đại, tập I, Nxb. Giáo dục, 1961, tr. 220.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:45:09 am »


Theo hợp đồng ký kết trên, Tôn Thất Thuyết đứng ra cùng Ba-vi-ê Sốp-phua lập hội kinh doanh khai thác mỏ và khẩn hoang đất đai Quảng Yên với tư cách là đồng sáng lập viên. Đó là điều chưa có trong lịch sử: với tư cách đồng sáng lập viên ông có nhiệm vụ, chức năng, quyền lợi cụ thể trong Hội. Theo điều 2, điều 6 của hợp đồng, ông có nhiệm vụ giúp cho Ba-vi-ê Sốp-phua hoạt động khai thác mỏ, thông báo cho hai chính phủ về việc mua đất, vận động và làm việc để ông Ba-vi-ê Sốp-phua có được mỏ và đất mà ông ta muốn mua. Các quan Phụ chính không được bỏ vốn đầu tư, không được tham dự vào mọi việc của Hội. Điều này cho thấy chức năng quyền hạn của các sáng lập viên người Việt chỉ hạn chế trong phạm vi giao dịch hành chính giấy tờ, không can hệ đến hoạt động kinh doanh và tài chính của Hội. Với quyền hạn đó quan Phụ chính được trả 20% tiền lãi do khai thác hai mỏ than Kế Bào và Hòn Gai đưa lại như quy định ở điều 4.

Còn sáng lập viên người Pháp, Ba-vi-ê Sốp-phua sau khi đã mua được đất và mỏ, ông ta có toàn quyền đầu tư vốn khai thác và điều hành mọi hoạt động của Hội như điều 3, điều 5 qui định. Với quyền hạn rộng lớn đó, ông ta được Hội trả 80% tiền lời do hoạt động khai thác mỏ đưa lại.

Bản hợp đồng qui định chia lời vĩnh viễn cho các sáng lập viên vì sau các ông là người thừa kế được hưởng quyền lợi đó. Hợp đồng qui định tiền vốn đầu tư chỉ do một phía Pháp bỏ ra sau khi họ mua được đất, không có sự góp vốn của sáng lập viên người Việt, việc chia lời không theo cổ phần vì các sáng lập viên không có cổ phần, mà chia theo tính chất công việc do họ đảm nhận, do trọng trách của họ trong Hội. Điều đó cho thấy đây là một hình thức hợp tác giản đơn giữa Tôn Thất Thuyết và Ba-vi-ê Sốp-phua theo phương thức người góp của, kẻ góp công, hai bên cùng có lợi. Ba-vi-ê Sốp-phua mua đất đai và mỏ của triều đình An Nam, rồi bỏ vốn ra đầu tư khai thác, Tôn Thất Thuyết chỉ làm các thủ tục giấy tờ hợp thức cho ông ta và tham gia lập Hội kinh doanh, nhưng không được tham dự hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, việc ông ký kết hợp đồng kinh tế với người Pháp vẫn là một bước tiến trong tư tưởng canh tân đất nước tiến tới phú cường. Mặt khác việc ký kết ấy trực tiếp hạn chế việc chiếm dụng tài nguyên thiên nhiên nước ta. Điều 2 hợp đồng qui định: “Nếu sau này ông Ba-vi-ê Sốp-phua xin khai thác mỏ nào khác và hai chính phủ sau khi xác nhận ích lợi của việc làm đó đã đồng ý, hai quan Phụ chính sẽ làm tất cả những việc có thể để ông Ba-vi-ê Sốp-phua có được khu mỏ đó”. Điều này như tấm biển cấm ngăn chặn sự cướp đoạt trắng trợn của tư bản Pháp kinh doanh khai thác mỏ, buộc họ phải tôn trọng chủ quyền của Chính phủ An Nam đối với tài nguyên trong lòng đất Bắc kỳ.

Trong thực tế, trong quá trình xâm lược, tư sản Pháp đã tuỳ tiện chiếm đoạt một số mỏ như kỹ sư Fuchs, nhà doanh nghiệp Sốp-phua chiếm mỏ Hồng Gai, Đuy-puy chiếm mỏ Cái Bầu1. Nhưng họ biết rõ theo điều ước Pa-tơ-nốt thì đất đai và tài nguyên Bắc kỳ vẫn là của vương quốc An Nam. “Vua An Nam vẫn là chủ nhân mặt đất và dưới đất, cả tầng này cũng được bảo vệ chống mọi sự chiếm hữu. Đến năm 1881 mới chỉ có mỏ than Nông Sơn đã nhượng cho một người Hoa, còn lại vẫn là của vua An Nam” 2. Tư sản Pháp rất thèm muốn có quyền sở hữu đối với các mỏ. Họ muốn “nhà vua có thể trao cho chúng ta quyền hành của ông ta bổ sung vào điều ước 1884” 3 để hợp thức hoá việc chiếm dụng vùng đất đai và mỏ trong quá trình xâm lược.

Nhưng triều đình không trao cho họ quyền đó mà bán lại cho họ theo đúng qui định của Hiệp ước 26/8/1884 với một số điều khoản cụ thể về kinh tế và mỏ ở Bắc và Trung kỳ. Sau khi bán đất, hai quan Phụ chánh đại thần cùng tư sản Pháp đứng ra thành lập Hội kinh doanh. Trước Tôn Thất Thuyết chưa ai làm được việc này. Vì theo thống kê của người Pháp, đến năm 1888 ở Việt Nam mới chỉ có hai công ty. Đó là Công ty tài chính Đông Dương (Banque de l'Indochine) lập năm 1875 và Công ty vận tải đường sông Nam kỳ (Messageries fluviales de Cochinchine) lập năm 18814. Theo Aumiphin, trước năm 1888 Việt Nam chỉ có hai công ty5. Như vậy có thể nói Hội kinh doanh của Tôn Thất Thuyết và Ba-vi-ê Sốp-phua là đơn vị kinh tế đầu tiên có sự hợp tác Pháp - Việt và Tôn Thất Thuyết là người Việt Nam đi tiên phong trong lĩnh vực này. Đó là tư duy kinh tế nhạy bén để tự cường của ông.

Bản hợp đồng ký kết ngày 2.9.1884 sau Hiệp ước Patơnốt 3 tháng đã diễn ra trong bối cảnh Tôn Thất Thuyết đang hoạt động tích cực về quân sự, chính trị chuẩn bị lực lượng kháng chiến, về quân sự, ông xây dựng lực lượng quân đội, tích trữ vũ khí, xây dựng các sơn phòng và kinh đô dã chiến; về chính trị ông tạo dựng một ông vua yêu nước, dám chống Pháp để tập hợp nhân tâm; về kinh tế ông hợp tác với người Âu khai thác mỏ và khẩn hoang nhằm tới sự phú cường. Phải chăng Tôn Thất Thuyết đã có cách nhìn toàn diện trong kế hoạch chuẩn bị lực lượng giành lại độc lập. Đó là sự hoạt động đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự. Nếu đúng như vậy thì đó là tư tưởng chủ chiến khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Ông đã làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ Tổ quốc. Điều này được thể hiện trong thư Puginier gửi Brière de l’Isle ngày 6/11/1884: "…Không còn nghi ngờ nào về mưu toan của Chính phủ Nam triều và các hành động của họ nhằm bảo toàn khả năng có thể có của Vương quốc họ...” 6.

Chuẩn bị kháng chiến trong điều kiện một nền kinh tế suy đồi, Tôn Thất Thuyết đã tiên phong thực hiện duy tân cải cách kinh tế, hướng theo văn minh phương Tây, hợp tác với họ khai thác tài nguyên để tiến tới phú cường. Việc ký hợp đồng kinh tế đã giúp ông bảo vệ được quyền nội trị của triều đình, ngăn chặn giới kinh doanh Pháp không tuỳ tiện chiếm đoạt nguồn tài nguyên thiên nhiên nước ta, buộc họ phải tôn trọng chủ quyền của Vương quốc An Nam ở Bắc kỳ. Có thể nói đó là một bộ phận trong tư tưởng chủ chiến của Tôn Thất Thuyết. Sẽ là chưa đầy đủ khi nói về tư tưởng chủ chiến của Tôn Thất Thuyết mà không đề cập đến tư tưởng kinh tế tiến bộ này.
____________________________________
1. Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm… Sđd, tr. 182.
2, 3. Ximôni - Vai trò của tư bản Pháp trong cuộc khai thác xứ Đông Dương, Paris, 1929, bản dịch tiếng Việt, tr. 94.
4. Répertoire des sociétés anonymes indochinoises, IDEO, H., 1944.
5. Jean Pierre Aumiphin - Sự hiện diện của nền tài chính, kinh tế Pháp ở Đông Dương (1858-1939), Hội KHLSVN, H., 1994.
6. Nguyễn Văn Kiệm - Cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp tục của nhà nước phong kiến Việt Nam những năm 80 của thế ký XIX, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, 6/1996, ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 11:02:18 pm »


MẤY SUY NGHĨ VỂ TÔN THẤT THUYẾT
(1839-1913)
BÙI ĐÌNH PHONG1


1. Tôn Thất Thuyết, một nho sỹ có ý thức trách nhIệm cao cả với nước, với dân.

Dưới thời phong kiến, quan hệ vua - tôi đứng hàng đầu. Trung với vua không chỉ là bổn phận, nghĩa vụ mà còn là đạo lý của người dân. Tôn Thất Thuyết là người trong hoàng tộc, nên dẫu chỉ là một chi xa dòng chính, ông càng phải thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh hơn bổn phận trung với vua.

Không nghi ngờ gì nữa, mục tiêu chiến đấu của Tôn Thất Thuyết là vẫn khôi phục lại chế độ phong kiến. Phong trào Cần Vương do ông đề xướng - dù Cần Vương chỉ là danh nghĩa - vẫn là một phong trào yêu nước chống Pháp thuộc phạm trù phong kiến. Tôn Thất Thuyết nhắc đến “trăm họ vì vua còn cố gắng” là điều tất yếu và dễ hiểu.

Cần phải khẳng định lại rằng, cũng như nhiều sỹ phu trong phong trào chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi để phát động văn thân, sỹ phu cùng nhân dân cả nước tiến hành cao trào yêu nước, chống Pháp là với tư cách cá nhân, chớ hoàn toàn không đại diện cho giai cấp phong kiến đã mất vai trò lịch sử. Những con người đó đã tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của dân tộc, đổng thời họ cũng chịu tác động sâu sắc, mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cứu nước lúc bấy giờ. Tôn Thất Thuyết với Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng... đều gặp nhau ở chỗ phát huy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, không hám danh lợi, dám hy sinh vật chất, tính mệnh, thậm chí cả gia đình, vợ con... cho nền độc lập của dân tộc. Nhưng ở Tôn Thất Thuyết, có thể nói điệp khúc cứu nước được lặp đi lặp lại gần trọn cuộc đời 74 mùa xuân của ông.

Trong câu đối viếng Trần Bích San, một trong những sỹ phu có tư tưởng tiến bộ muốn tiến hành cải cách nước ta về mọi mặt, Tôn Thất Thuyết ca ngợi Bích San là “con hiếu của nhà, tôi trung của nước”. Viết thư gửi Cầm Bá Thước, một thủ lĩnh Cần Vương ở châu Thường Xuân (Thanh Hoá), Tôn Thất Thuyết tâm sự:

“Trăm họ vì Vua còn cố gắng,
Một mình báo Nước vẫn long đong”

Ở nơi đất khách quê người, khi được tin Nguyễn Cao, thủ lĩnh chống Pháp ở ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, đã tuẫn tiết bằng móng tay dài sắc tự rạch bụng lôi ruột ra ném vào mặt giặc Pháp, Tôn Thất Thuyết có bài thơ “Viếng Nguyễn Cao” nhấn mạnh tới “đền ơn nước”: Quyết lòng vì nước lập kỳ công.

Với Nguyễn Quang Bích, con người cùng chí hướng cương quyết chống lại đường lối thoả hiệp của triều đình và đã trở thành thủ lĩnh chống Pháp ở vùng Tây Bắc, Tôn Thất Thuyết khẳng định: “Lòng son lo báo nước có sông núi làm chứng”, để đến khi “gặp nhau sương nhuộm bạc phơ đầu”...

Vậy là theo gương Trương Định, Trần Tấn, Đặng Như Mai, và nhiều sỹ phu tâm huyết khác, Tôn Thất Thuyết đã có ý thức trách nhiệm cao với nước, với dân. Ông có bổn phận phò vua cứu nước, nhưng đồng thời - nói như một người Pháp, ông Bastide - cũng “có quyền và bổn phận căm ghét và chiến đấu chống thực dân Pháp”.

Cũng là môn đồ của “cửa Khổng sân Trình” chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, nhưng Tôn Thất Thuyết không đặt vua lên trên nhiệm vụ cứu nước, cứu dân. Có lẽ chỉ có ông, nhờ nhận thức sâu sắc rằng “thù nước một lòng phải trả”, mới dám phế truất và thủ tiêu các ông vua có xu hướng thân Pháp như Dục Đức, Hiệp Hoà, hoặc thẳng tay trừng trị bọn quan lại có hành động đầu hàng thân Pháp. Sự khác nhau và gặp nhau giữa ông và Phan Đình Phùng cũng là ở chỗ này. Phan Đình Phùng, với tư tưởng trung quân truyền thống, coi việc Tôn Thất Thuyết phế vua là sai trái. Nhưng hai ông đã gặp nhau ở mục đích cuối cùng là cứu nước. Cùng với Chiếu Cần Vương, Tôn Thất Thuyết đã mời Phan Đình Phùng ra giữ chức Hiệp thống quân vụ, và Phan đã sẵn sàng không chút ngần ngại nghe theo lời Thuyết, đứng lên mộ quân chống Pháp.
__________________________________
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 11:06:43 pm »


2. Tôn Thất Thuyết là hiện thân của tư tưởng chủ chiến.

Các tài liệu trước đây, bằng một số sự kiện lịch sử cụ thể, đã đề cập đến vấn đề này. Nhưng nếu phân tích thêm thời cuộc lịch sử lúc bấy giờ và đặt vấn đề “chiến hay hoà” trong thời cuộc đó, cũng như đánh giá đúng đắn những quyết sách của Tôn Thất Thuyết, chúng ta sẽ khám phá thêm cách nhìn và tầm nhìn của con người chủ chiến đầy lòng hăng hái, năng nổ và có cơ mưu này.

Chúng ta đều biết “chiến bay hoà” là một vấn đề lớn của đất nước Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX. Vấn đề này xuất hiện ngay khi Pháp đánh chiếm Đà Nẵng và có sự diễn biến, phân liệt qua từng mốc lịch sử lớn. Sau hoà ước 1862, tư tưởng chủ chiến phát triển trên bề rộng khắp Bắc-Trung-Nam, nhưng phải từ năm 1873 đến 1884 thì mới đi đến chỗ “quyết đánh cả Triều lẫn Tây”. Và chính trên cơ sở đó mà phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu mới có điều kiện bí mật chuẩn bị kế hoạch, lực lượng và hành động ở mức cao sau khi giai cấp phong kiến đã hoàn toàn đầu hàng trước tư bản Pháp.

Nhân đây, để làm rõ thêm tư tưởng chủ chiến của Tôn Thất Thuyết, chúng tôi muốn bàn thêm về mối quan hệ giữa Tôn Thất Thuyết với phe chủ chiến Trần Tấn, Đặng Như Mai. Trước đây, có ý kiến cho rằng “hàng ngũ những người chủ chiến sớm bị chia rẽ sâu sắc. Có phe chủ chiến mà chống cả triều đình đầu hàng như Trần Tấn, Đặng Như Mai; có phe chủ chiến mà vẫn trung thành với triều đình như Tôn Thất Thuyết. Ông đã đứng về phía triều đình đàn áp quân khởi nghĩa (của Trần Tấn, Đặng Như Mai - B.Đ.P)1. Năm 1985, hai tác giả là Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, căn cứ vào tài liệu của giáo sĩ Pháp và tài liệu điền dã, cho rằng “khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” nhất định được Tôn Thất Thuyết đồng tình và tìm cách ủng hộ”2.

Chúng tôi muốn làm rõ thêm ý kiến thứ hai để tỏ sự đồng tình với hai tác giả. Như trên đã trình bày, tư tưởng chủ chiến ở Việt Nam có quá trình phát triển. Sự phát triển đó căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới thái độ của triều đình, âm mưu của kẻ thù và yếu tố chủ quan của chính nhóm chủ chiến. Nhưng yếu tố nào cũng phải lấy tình hình nước sôi lửa bỏng và việc cứu nước làm chuẩn mực. Chiến thắng Cầu Giấy (21-12-1873) đại uý Phrăng-xi Gác-ni-ê phải đền tội, trong đó có công lớn của Tôn Thất Thuyết đã liên quan chặt chẽ đến sự kiện năm Giáp Tuất (1874). Bởi vì khi tinh thần và phong trào nhân dân Nghệ Tĩnh đang sôi nổi, hào hứng sau chiến thắng Cầu Giấy thì triều đình lại hô bãi binh, ký hoà ước. Thế rồi văn thân bốn tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã thực hiện cuộc “Bình Tây sát tả”. Thái độ hoà nghị, hành động bãi binh của Tự Đức sau chiến thắng Cầu Giấy khác nào dội nước vào lửa, xoá nhoà công trạng của Tôn Thất Thuyết. Còn phái chủ chiến Trần Tấn, Đặng Như Mai với hành động “phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây”, rõ ràng là một khích lệ lớn, một việc làm tiếp sức, và trên một ý nghĩa nào đó nhằm bảo vệ thành quả mà Tôn Thất Thuyết và những người chủ chiến đã thực hiện một năm trước đó. Xem thế, quả thật khó đồng tình với sử triều Nguyễn và các ý kiến cho rằng “Tôn Thất Thuyết đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai”.

Điều thứ hai, khi phân tích mối quan hệ giữa “chiến hay hoà” với “thủ cựu hay duy tân”, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu khi ông cho rằng đây là những vấn đề hết sức phức tạp, thường nảy sinh nhiều nghịch lý và mâu thuẫn. “Thường nhất là thấy người chủ chiến hô hào duy trì cấm đạo, hơn nữa hô hào Bình Tây sát tả”3. Như vậy có thể nói rằng phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu rõ ràng là không có gì đối nghịch với phái chủ chiến của Trần Tấn, Đặng Như Mai, ngược lại còn đồng tình, hưởng ứng chủ trương "Bình Tây sát tả".

Điểm thứ ba, nếu nói Tôn Thất Thuyết vì “chủ nghĩa trung quân” mà làm việc đó, cũng khó có sức thuyết phục. Như trên đã nói, tư tưởng chủ chiến của Tôn Thất Thuyết là liền mạch từ thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, trong đó phong trào kháng chiến của nhân dân Hà Nội, các tỉnh Thanh-Nghệ- Tĩnh-Bình... là bệ đỡ hết sức quan trọng. Ông đã từng nói: “Tướng ở ngoài chỉ biết lo đánh giặc”. Đặc biệt sau khi Tự Đức chết, Tôn Thất Thuyết được cử làm Phụ chính trong hoàn cảnh triều đình liên tiếp ký các hoà ước Quý Mùi (1883) và Giáp Thân (1884), trong khi thực dân Pháp ngày càng lấn tới, ông càng không thể giữ tư tưởng trung quân mù quáng như một số văn thân sĩ phu đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến.

Phái kháng chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu một mặt dựa trên tư tưởng chủ chiến của các phong trào thời kỳ trước đó, mặt khác mở ra một giai đoạn mới cho phong trào chống thực dân Pháp của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX. Với tư cách cá nhân yêu nước chống Pháp, với mục tiêu bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc trong khi giai cấp phong kiến đã hoàn toàn đầu hàng, Tôn Thất Thuyết đã cùng những người kháng chiến trở thành những người đại diện và lãnh đạo phong trào chống Pháp của nhân dân. Cuộc đấu tranh do Tôn Thất Thuyết chủ động khởi xướng trở thành cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân chống thực dân Pháp và triều đình phong kiến bù nhìn.

Phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu đã đưa cuộc kháng chiến của dân tộc tới đỉnh cao, thành phong trào Cần Vương, trước khi cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc chuyển sang khuynh hướng mới tư sản.
_____________________________________
1. Trần Văn Giàu - Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1, Nxb. KHXH, 1973, tr. 437.
2. NCLS, số 6 (225), 1985.
3. Trần Văn Giàu - Sđd, tr. 413.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 11:09:33 pm »


3. Tôn Thất Thuyết đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc bất chấp mọi trở ngại dèm pha, chống đối.

Nhìn chung, trong phong trào yêu nước, chống Pháp cuối thế kỷ XIX, các phần tử chủ chiến đều bị kẻ thù cố tình bôi nhọ, xuyên tạc. Nhưng thật hiếm có một người nào đó lại chịu nhiều sự vu cáo, bịa đặt như Tôn Thất Thuyết. Từ thực dân Pháp đến bọn người tay sai, cơ hội, hợp tác với giặc đều cố tình xuyên tạc hành động cứu nước chân chính của Tôn Thất Thuyết, nhằm hạ bệ “một bậc anh hùng”, “một nhân vật lớn” theo cách nói của Bastide; hay bôi nhọ phẩm chất cao đẹp của một con người “không chấp nhận một sự thoả hiệp nào” và “cả cuộc đời gắn bó lạ lùng với Tổ quốc” (lời của Gaultier M.). Sử triều Nguyễn ghi rằng “Tôn Thất Thuyết đưa quân từ ngoài Bắc vào đàn áp cuộc khởi nghĩa 1874 của văn thân Nghệ-Tĩnh”. Sách sử miền Nam dưới thời thuộc Pháp có những nhận xét về Tôn Thất Thuyết gần giống như lời vua Tự Đức: “Ít học, nhát gan, nóng nảy, nói càn, kiêu căng, hẹp hòi”. Ngay cả lúc Tôn Thất Thuyết lên đường sang Trung Quốc cầu viện với ý thức trách nhiệm cao, lo việc phục quốc và hy vọng khôi phục đất nước như lời tâm sự của ông trong bài “Cảm nghĩ về con ngựa thổ”:

                          “Mang nặng lên cao nhọc mệt thay,
                          Đường dài dằng dặc chửa từng hay.
                          Khi về kiếm được đồ gia dụng,
                          Chính thực Hy đồ để lại đây".

                                                               (Dịch thơ)

Thế mà vẫn có kẻ buộc tội ông là “đào ngũ”, “hèn nhát”...

Qua đó mới thấy vai trò và ảnh hưởng của Tôn Thất Thuyết trong “tiểu triều đình" Hàm Nghi lớn đến mức nào! Mới hiểu rằng kẻ thù dân tộc quỷ quyệt, nham hiểm đến chừng nào!

Tôn Thất Thuyết hiểu rõ điều đó và có ý thức cao về trách nhiệm của mình đối với vận mệnh Tổ quốc, của dân tộc. Ông đã chủ động tấn công trước vào các căn cứ đóng quân của giặc Pháp đêm 4-7-1885. Sau khi thất bại, ông nhanh chóng đưa Hàm Nghi lên căn cứ kháng chiến đã được bí mật chuẩn bị từ trước. Ông tổ chức một lực lượng tình nguyện hộ tống Hàm Nghi. Và khi cuộc chiến đấu gặp khó khăn, ông đã chủ động tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trên đường đi, ông không quên tìm cách tranh thủ gặp gỡ trao đổi, bàn kế hoạch tác chiến với các lãnh tụ nghĩa quân ở Thanh Hoá, Lai Châu... Những năm tháng cuối đời trên đất Trung Quốc, khi thực dân Pháp và phong kiến Mãn Thanh (Trung Quốc) câu kết với nhau nhằm tiêu diệt phong trào chống Pháp của nhân dân ta, Tôn Thất Thuyết vẫn luôn hướng về Tổ quốc và làm bất cứ việc gì để góp sức với các cuộc khởi nghĩa trong nước.

Rõ ràng là mặc dầu Tôn Thất Thuyết không thể vượt ra khỏi điều kiện hạn chế của giai cấp và thời đại, tư tưởng và hành động của ông trọn vẹn thuỷ chung, gắn bó từ đầu đến cuối với cuộc đấu tranh bất khuất của dân tộc để chống xâm lược và bè lũ tay sai đầu hàng, vì nền độc lập của Tổ quốc. Đó là điểm son rực rỡ trong cuộc đời yêu nước chiến đấu của ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2016, 12:14:02 pm »


MỐI QUAN HỆ CHIẾN ĐẤU
GIỮA TÔN THẤT THUYẾT VÀ PHẠM THẬN DUẬT
ĐINH XUÂN LÂM1


Có thể khẳng định rằng Phạm Thận Duật (1825-1885) đã phải tiến hành công tác ngoại giao với Pháp trong một hoàn cảnh vô cùng bức bách, với những điều kiện vô cùng khó khăn.

Thực vậy, tình hình Việt Nam cho tới những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XIX đã vô cùng nguy khốn. Thực dân Pháp sau khi nuốt gọn sáu tỉnh Nam Kỳ (1867), đã ra sức củng cố chính quyền thuộc địa về mọi mặt bằng bạo lực và mua chuộc trong gần 20 năm dài, để đến đầu năm 1882 lại kéo quân ra Bắc lần thứ hai với dã tâm bằng bất cứ giá nào phải hoàn thành việc đánh chiếm Việt Nam. Thành Hà Nội đã bị quân Pháp chiếm vào trưa ngày 25-4-1882, Tổng đốc Hoàng Diệu dùng dải lụa treo cổ lên cành cây khi thành thất thủ để khỏi rơi vào tay giặc, sau khi đã bái vọng về phương Nam nhận tội với nhà vua vì không giữ được thành.

Ngay sau đó, triều đình nhà Thanh đã cho quân vượt biên giới sang đóng trải dài trên nhiều tỉnh, từ Hưng Hoá qua Cao Bằng, Lạng Sơn xuống tới Thái Nguyên, với ý đồ rõ rệt làm áp lực với Pháp để chia sẻ một phần quyền lợi đất đai ở Bắc Kỳ.

Chính vào lúc đó Phạm Thận Duật được triều đình Huế cử cầm đầu phái bộ ngoại giao sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Thời kỳ này ông giữ chức Thượng thư bộ Binh và được cử làm Đại thần Viện Cơ mật. Ra đi ngày 6-2-1883, chỉ trước tết Nguyên đán mấy ngày, điều đó cho thấy tình hình bức bách lúc đó đã làm cho triều đình Huế nôn nóng đến mức nào, đồng thời cũng vạch rõ ảo tưởng của vua quan triều Nguyễn đối với “Thiên triều” phía Bắc.

Sau hơn một tháng trời lênh đênh trên biển cả, ngày 17- 3 năm đó Phạm Thận Duật vừa đặt chân tới Thiên Tân thì ở trong nước Henri Rivière đã đưa quân từ Hà Nội xuống đánh chiếm thành Nam Định (27-3), phải 10 ngày sau phái đoàn ngoại giao ở Thiên Tân mới nhận được tin chẳng lành này từ trong nước báo sang. Tình hình đó càng làm cho Phạm Thận Duật cùng các thành viên phái đoàn thêm bối rối, muốn thương lượng gấp với các quan lại nhà Thanh để còn lên đường về nước. Thế mà nay lần mai lữa, chờ đợi mãi mới được Tổng đốc Lưỡng Quảng kiêm Phó vương Lý Hồng Chương cho gặp. Nhưng trước thái độ hờ hững của bọn quan lại nhà Thanh, Phạm Thận Duật đã nhận rõ tâm địa xấu xa của bọn chúng, chỉ muốn “đục nước béo cò”, thương lượng với Pháp để chia mối lợi lớn trên xương máu nhân dân ta. Đã vậy, tin tức chẳng lành cứ dồn dập từ trong nước sang, hết tin vua Tự Đức chết (17-7-1883) lại đến tin quân Pháp đánh chiếm Thuận An (20-8-1883) làm áp lực buộc triều đình Huế ký điều ước Quý Mùi (25-8-1883), do Cao uỷ cộng hoà Pháp là Harmand thay mặt phía Pháp nên còn gọi là Điều ước Harmand. Với 27 điều khoản nặng nề, điều ước mới ký về thực chất là một hàng ước, triều đình Huế đã đi sâu thêm một bước vào con đường khuất phục đầu hàng Pháp.

Thấy không còn có lý do để nấn ná ở lại Thiên Tân, ngày 24-1 Phạm Thận Duật xuống tàu về nước, do bị ốm nên mãi ngày 26-1-1884 ông mới về tới Huế, chỉ vài ngày trước Tết Giáp Thân (1884), các phái viên của đoàn cùng phó sứ Tôn Thất Phan đã về đến Huế từ trước. Vua Nguyễn lúc đó là Kiến Phúc được đặt lên ngôi báu từ ngày 2-12-1883, sau khi chỉ trong vòng 4 tháng liên tiếp hết Dục Đức đến Hiệp Hòa, người bị bỏ chết đói trong ngục tối, người bị đầu độc, tình hình triều đình Huế cực kỳ rối ren càng tạo thêm điều kiện cho giặc Pháp dễ bề lấn lướt.
_______________________________
1. Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM