Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:12:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết 1839-1913  (Đọc 62085 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 11 Tháng Hai, 2016, 02:40:10 pm »


Tên sách: Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết 1839-1913
Sưu tầm và biên tập:
-Gs.Đinh Xuân Lâm
-Phạm Đình Nhân
-Doãn Đoan Trinh
Năm xuất bản: 1998
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


LỜI NÓI ĐẦU


Trong lịch sử Việt Nam vào những thập kỷ cuối thế kỷ XIX, Tôn Thất Thuyết (1839-1913) xuất hiện với tư cách một người yêu nước lẫm liệt, một bản lĩnh cương cường, một nhân cách lỗi lạc. Chính vì các ưu điểm lớn đó mà kẻ thù trước kia, từ bọn thực dân xâm lược đến bè lũ phong kiến đầu hàng, đều ra sức xuyên tạc lịch sử, vu cáo ông, nào là hiếu sát, nào là quyền thần vô học, nào là đảo ngũ v.v... Trong khi đó thì nhân dân yêu nước, ngay từ trong khói lửa của cuộc phản công tại Kinh thành Huế đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885, đã sáng suốt ca ngợi ông bằng những lời lẽ trang trọng và đẹp đẽ nhất:

"Nước ta Quan Tướng anh hùng,
Bách quan văn vũ cũng không ai tày!"

(Vè Thất thủ kinh đô)

Chỉ với Cách mạng tháng Tám thành công (1945) chính quyền về tay nhân dân, Tôn Thất Thuyết mới được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn; vai trò của ông trong lịch sử mới được khẳng định, tuy rằng vẫn còn chưa thật sự được trọn vẹn. Lác đác một số bài nghiên cứu về Tôn Thất Thuyết được công bố trên tạp chí trong nước. Trong một số công trình về lịch sử cận đại Việt Nam của các tác giả trong và ngoài nước, và đáng chú ý là trong các sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học đều có đề cập tới vai trò của Tôn Thất Thuyết.

Năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra cuộc phản công tại kinh thành Huế (7-1885) đã có một số cuộc nói chuyện về Tôn Thất Thuyết tại Huế và một số địa phương trong nước, ngay cả ở Câu lạc bộ của Việt kiều yêu nước tại thủ đô Paris của nước Pháp. Đặc biệt, ngày 29 tháng 12 năm 1995, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức long trọng tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam ở thủ đô Hà Nội lễ tưởng niệm “Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết” với sự tham gia nhiệt tình của các vị lão thành cách mạng, các cán bộ quân đội đã về hưu hay còn tại chức, các cán bộ nghiên cứu sử học, đặc biệt là của các hậu duệ của Ông và của đông đảo đồng bào Thừa Thiên - Huế, quê hương của vị danh tướng.

Di tích đền thờ Tôn Thất Thuyết tại quê hương Ông, (làng Văn Thê, huyện Hương Trà) đã được Bộ Văn hoá cấp bằng chứng nhận.

Sách “Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết” lần này ra mắt bạn đọc chưa phải là một chuyên khảo mà mới chỉ tập hợp một số báo cáo tham luận trong lễ tưởng niệm vị danh tướng hồi tháng 12 năm 1995, cộng thêm một số bài nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí lịch sử trước kia và gần đây, không ngoài mục đích phát huy hơn nữa kết quả của lễ tưởng niệm và giới thiệu sâu hơn một bước nhân vật lịch sử Tôn Thất Thuyết trong sự phát triển toàn diện của cuộc đời và sự nghiệp. Tất nhiên cũng còn một số vấn đề đòi hỏi phải có thêm tư liệu nữa mới có thể giải quyết được, như mối quan hệ giữa Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.

Về việc chọn các bài đưa vào sách này, có trường hợp một tác giả có nhiều bài, đó là một hiện tượng đáng mừng khi có một tác giả cần cù đi vào đề tài về một nhân vật mà mình yêu mến, nhất là khi tác giả đó lại là con em của chính ngay mảnh đất đã sản sinh ra nhân vật.

“Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết” còn tập hợp một số thông tin về việc công nhận di tích “Phủ Ông Tướng”, về thực trạng của di tích đó hiện nay. Cuối sách là toàn văn “Vè Thất thủ Kinh đô”, một bài sử ca ra đời ngay sau khi xảy ra sự biến kinh thành (7-1885), trong đó các sự việc, các nhân vật đều được nhìn nhận, đánh giá theo con mắt của những người dân lao động bình thường đã sống trong những ngày tháng quyết liệt đó, là những chứng nhân của giai đoạn lịch sử bi thương mà hào hùng đó của dân tộc.

Chúng tôi chân thành mong đợi những góp ý của bạn đọc xa gần, và rất hy vọng nhận được thêm các nguồn tư liệu quý giá có thể còn tản mác đây đó, để tiến tới hoàn thành việc biên soạn một công trình đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về Tôn Thất Thuyết, xứng đáng với công lao của người xưa đã đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1998
ĐINH XUÂN LÂM
Chủ tịch Hội đồng khoa học
Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu
Lịch sử và Văn hoá Việt Nam
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2016, 02:56:19 pm »


CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỨU NƯỚC
CỦA TÔN THẤT THUYẾT

ĐINH XUÂN LÂM - NGUYỄN VĂN KHÁNH1


Sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược để giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong hai thập kỷ cuối thế kỷ XIX gắn bó chặt chẽ với cuộc đời và những hoạt động yêu nước mạnh mẽ của Tôn Thất Thuyết.

Nhưng do sống và chiến đấu trong một thời đại phức tạp đầy biến động của lịch sử dân tộc, cá tính lại có những nét biểu hiện quyết liệt khác thường, nên khi còn sống và ngay cả khi đã mất, Tôn Thất Thuyết luôn luôn là đối tượng vu cáo, bôi nhọ của những phần tử chống đối. Nhiều kẻ đã cố tình dựng đứng, bịa đặt nhiều chuyện phi lý để làm mờ phẩm chất cao đẹp trong con người ông, đồng thời biện minh cho hành động đầu hàng giặc, phản bội dân tộc của chúng.

Dưới con mắt của giặc Pháp và bè lũ tay sai, Tôn Thất Thuyết hiện ra như “một quyền thần vô học”, “tài năng thì kém nhưng lại hay đa nghi chém giết”, “chỉ lấy quyền thế mà đè nén người ta”, “hơi một tý thì lấy sự chém giết làm oai"2; hay là một người “không thức thời”, “hèn nhát”, “đào ngũ” 3. Tuy rằng không phải không có người cho Ông là “chân thành yêu nước”, là “một bậc người có tài trí đương thời”, “tính rất cương cường vĩ đại”4,...

Có thể nói, nhìn chung cho tới gần đây việc đánh giá Tôn Thất Thuyết, cũng như một số vấn đề lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Ông, vẫn chưa thật sự thống nhất. Nguyên nhân của tình trạng đó, trước hết do cách nhìn nhận và quan niệm của những người nghiên cứu. Nhưng một phần không kém quan trọng là do tình trạng tư liệu nghèo nàn, nhiều khi lại thiếu xác thực. Vì vậy cần phải khai thác triệt để các nguồn tư liệu thành văn hiện có, đồng thời tiếp tục bổ sung các tư liệu mới, nhất là tư liệu điều tra thực tế, trên cơ sở đó kiểm chứng lại các nhận định cũ để rồi cố gắng từng bước đi tới những nhận định đúng đắn và sát hợp hơn.


*


Tôn Thất Thuyết sinh ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi (12- 5-1839) tại thôn Phú Mộng, xã Xuân Long, nay thuộc thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, thuộc một chi của dòng họ Nguyễn đang cầm quyền, Tôn Thất Thuyết có nhiều thuận lợi hơn so với người khác trên con đường công danh sự nghiệp. Theo thuật lại, Tôn Thất Thuyết có vóc người vạm vỡ, ham hoạt động, rất giỏi võ nghệ, và không ưa lối trang sức bề ngoài.

Đương thời người ta gọi Tôn Thất Thuyết là “Quan Tướng” (để phân biệt với Quan Quận là Nguyễn Văn Tường). Vì vậy có người lầm tưởng Ông xuất thân từ quan võ, và ít được học hành. Nhưng thực ra, ông vốn là một quan văn, năm 1869 là Án sát tỉnh Hải Dương, tới năm 1870 do yêu cầu của tình hình mới chuyển sang làm quan võ cùng Thống đốc quân vụ Hoàng Tá Viêm phụ trách việc tiễu phỉ vùng biên giới phía Bắc.5

Trong công tác, ông tỏ ra năng nổ, hăng hái, lại lắm cơ mưu nên được thăng chức rất nhanh. Năm 1870 là Tán tương quân vụ Sơn Tây, sau được cử làm Tán lý quân thứ Thái Nguyên, rồi Bố chính Hải Dương. Ba năm sau (1873) ông là Tham tán quân vụ, kiêm Tham tri bộ Binh. Đến năm 1875 được cử làm quyền Tổng đốc bốn tỉnh Ninh-Thái-Lạng-Bình (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng), sau đó được bổ chức Hiệp thống quân vụ.

Chính vua Tự Đức mặc dù luôn luôn có thái độ khe khắt với Tôn Thất Thuyết, có lúc chê Ông “ít học, không thông, lại có tính nóng nảy nói càn”, “vốn có tính kiêu căng, hẹp hòi hay nghi ngờ người”6 cũng đã có lần buộc phải khen ông là “tướng có uy vũ”, “tài trí đáng khen”, “không phải là cuồng dũng như Ông Ích Khiêm, ít học như Trương Văn Để, cho nên Lê Tuấn cũng từng khen là biết lễ”7.
_______________________________________
1. Trường Đại học KHXHNV Hà Nội.
2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1968, quyển II.
3. Charles Gosselin, Vương quốc An Nam (L’Empire d’Annam), Paris, Perrin et Cie, 1904.
4. Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1957. Cùng loại ý kiến này còn một số người Pháp (như A. Delvaux - Một vài điểm làm sáng tỏ thêm về một thời kỳ rối ren trong lịch sử nước Nam B.A.V.H tháng 4-6 năm 1920; Ch. Gosselin trong Vương quốc An Nam, Sđd; M. Gaultier trong Ông vua bị lưu đầy (Le Roi proscrit), Hà Nội, 1940, v.v...
5. Trong cuộc đòi chiến đấu ở ngoài Bắc, Tôn Thất Thuyết chưa hề làm thơ, mà chỉ có một số câu đối (Viếng Trần Bích San, Hoàng Diệu, Đề đền Cổ Loa). Nhưng trên đường sang Trung Quốc cầu viện, ông có sáng tác một số bài thơ (Hoạ thơ Nguyễn Quang Bích, Gửi Cầm Bá Thước, Khóc Nguyễn Cao, Chim én bay trong mưa...).
6. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 35, tr 85.
7. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 33, tr 230, 258.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2016, 03:04:35 pm »


Tôn Thất Thuyết thường xuyên quan tâm tới công việc phòng thủ giữ vững độc lập của Tổ quốc. Năm 1873 thấy rõ âm mưu đen tối của thực dân Pháp đang lăm le kéo quân ra đánh chiếm miền Bắc, Ông đã chủ động làm sớ tâu về triều đình: “Hà Nội là một trấn lớn ở Bắc Kỳ, rất quan yếu, xin chuẩn cho quan Khâm mạng là Nguyễn Tri Phương về trấn trị, cho nơi căn bản được vững” 1. Đến khi thành Hà Nội bị thất thủ (20-11-1873), rồi các tỉnh Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định nối tiếp nhau rơi vào tay giặc, mặc dù chưa có lệnh của triều đình, ông đã hăng hái cùng Hoàng Tá Viêm kéo quân từ Sơn Tây về phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc2 phục kích đánh tan giặc Pháp tại Cầu Giấy (21-12-1873), tướng giặc là Gác-ni-ê (Francis Garnier) phải đền tội tại trận. Nhưng Tự Đức lo ngại thực dân Pháp phản ứng đã vội cử người đi Bắc đòi hai ông phải rút quân, Tôn Thất Thuyết đã khẳng khái nói: “Tướng ở ngoài chỉ biết lo việc đánh giặc”. Phái viên của Tự Đức là Nguyễn Trọng Hợp và Trương Gia Hội phải tới quân thứ bàn bạc thuyết phục, Hoàng Tá Viêm và Tôn Thất Thuyết mới thuận nghe, đóng binh bất động3.

Trong thời gian này, có một sự kiện cần được làm sáng tỏ. Theo sử triều Nguyễn, năm 1874 khi nghe tin văn thân và nhân dân Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Trần Tấn và Đặng Như Mai sôi nổi đứng dậy “chống lại cả Triều lẫn Tây”, Tôn Thất Thuyết đã tức tốc đưa quân từ Bắc vào đàn áp, được Tự Đức khen là “có lòng với vua” 4. Nhưng căn cứ vào một số tài liệu của các giáo sỹ Pháp được chứng kiến trực tiếp cuộc khởi nghĩa tại Nghệ Tĩnh thì dư luận chung là “ông ta (chỉ Tôn Thất Thuyết - TG) sẽ đứng về phía những người nổi loạn ở Nghệ An và mở đường cho nghĩa quân tiến ra Bắc” 5. Cùng với các tài liệu đó, kết quả điều tra thực địa trong nhân dân vùng Thanh Chương (Nghệ Tĩnh) cũng xác nhận ý kiến trên, cho rằng “Tôn Thất Thuyết vào Nghệ An với danh nghĩa là đàn áp, nhưng cốt để tiếp xúc và trực tiếp giúp đỡ nghĩa quân” 6. Một nhà Việt Nam học Nhật Bản là ông Y. Tsuboi cũng đã nhận xét: “Lúc bấy giờ Tôn Thất Thuyết tỏ ra có thiện cảm với phe nổi dậy và kêu gọi toàn thể quan lại, nhân sỹ, thân hào hãy cùng nhân dân Bắc hà nổi dậy chống Pháp” 7. Như vậy là ngay từ 1874, Tôn Thất Thuyết đã tỏ rõ tư tưởng chống Pháp, và do đó khẩu hiệu: “Bình Tây sát tả” của cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất nhất định đã được ông đồng tình ủng hộ.

Năm 1878, ông xin về nghỉ tại Thanh Hoá để chữa bệnh. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Thanh Hoá, Tôn Thất Thuyết đã liên lạc với các sỹ phu văn thân yêu nước trong tỉnh và bàn định kế hoạch xây dựng cơ sở kháng chiến. Năm 1879 ông tìm gặp Tống Duy Tân và đặc cách bổ dụng làm Đốc học, rồi Chánh sứ sơn phòng ở Quảng Hoá (Vĩnh Lộc), để lo việc tuyển quân, tích trữ lương thực, sẵn sàng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp mà chính ông dự đoán sẽ bùng nổ. Đến tháng 8 năm 1881, do tình hình nước nhà có nhiều khó khăn về nội trị và ngoại giao, Tự Đức đã phải gọi ông ra nhận chức Thượng thư bộ Binh phụ trách toàn bộ việc quân của triều đình. Năm 1883, ông được cử vào Viện Cơ mật, đến khi Tự Đức mất (17/7/1883) ông lại được cử làm Phụ chánh cùng Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường cáng đáng việc nước khi vua còn ít tuổi. Do nắm cả quyền chính trị và quân sự trong tay, ông đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định trong các hoạt động và đối sách của triều đình Huế hồi đó.

Lúc bấy giờ tình hình triều đình Huế trở nên vô cùng rối ren. Trên đà thắng thế, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, bắt ép triều đình ký điều ước Quý Mùi (25/8/1883), rồi điều ước Giáp Thân (6/6/1884) từng bước xác lập và củng cố nền bảo hộ của chúng trên toàn bộ đất nước ta. Trong khi đó, phái kháng chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu vẫn bí mật chuẩn bị lực lượng, như mở “đường thượng đạo”; gấp rút xây dựng hệ thống đồn sơn phòng dọc theo dãy Trường Sơn; chuyển súng đạn đại bác, kho tàng, lương thực ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị); ráo riết tổ chức và đẩy mạnh luyện tập các đội Phấn Nghĩa và Đoàn Kiệt,... để chờ ngày sống mái với quân thù. Tại kinh đô Huế, Tôn Thất Thuyết cho quân tập trung thêm vào thành nội, đồng thời tiến hành củng cố hào, tường thành và đặt thêm các súng lớn để tự vệ. Tôn Thất Thuyết còn cương quyết phế truất và thủ tiêu các ông vua có xu hướng thân Pháp như Dục Đức, Hiệp Hoà, hay thẳng tay trừng trị bọn quan lại và thân vương có hành động đầu hàng thân Pháp, như giết Trần Tiễn Thành, đầy đi xa Tuy Lý Vương, Gia Hưng Quận vương.
_________________________________________
1. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 33, tr 295.
2. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 33, tr 349.
3. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 33, tr 70.
4. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 33, tr 70.
5. Niên giám hội truyền giáo, số 47.
6. Theo lời kể của cụ Phan Bá Tình ở Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương (Nghệ An).
7. Y. Tsuboi. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Hội Sử học Việt Nam xb, Hà Nội, 1993, tr. 295
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2016, 03:10:49 pm »


Càng ngày thực dân Pháp càng thấy rõ Tôn Thất Thuyết là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam của chúng, cho nên tìm mọi cách gạt bỏ ông ra khỏi triều đình. Ngày 21/5/1885, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Frâyxinê (Freycinet) điện cho Khâm sứ Pháp ở Huế rằng: “Không thể không trừng phạt hành vi của viên Thượng thư bộ Binh nước Nam... Ông hãy báo cho triều đình nước đó biết rằng chúng ta không thể chịu được Tôn Thất Thuyết còn giữ chức Phụ chánh lâu hơn nữa, ông phải đòi hỏi người ta bãi chức viên ấy và đưa đi xa”.

Mối quan hệ giữa phái chủ chiến trong triều đình Huế với bè lũ thực dân Pháp và tay sai đã trở nên căng thẳng cực độ. Giữa lúc đó, tướng giặc Cuốc-xi (Roussel de Courcy) đưa quân từ ngoài Bắc vào kinh thành Huế (2/7/1885) với ý định rõ rệt là gấp rút bóp chết lực lượng chống Pháp còn sót trong triều đình Huế, bố trí bắt cóc và trong trường họp cần thiết có thể thủ tiêu Tôn Thất Thuyết. Một thầy thuốc người Pháp có mặt tại Huế lúc đó là Măng-gianh (A. Mangin) trong bức thư ngày 25/7/1885 gửi cho bạn đã khẳng định: “Cuốc-xi là một phần tử điên cuồng theo chủ nghĩa thôn tính”. Tình hình cấp bách đó buộc Tôn Thất Thuyết và các đồng chí của ông phải hành động trước, không thể bị động ngồi chờ kẻ thù tiêu diệt.

Theo kế hoạch đã định, đêm mồng 4 tháng 7 năm 1885, lợi dụng lúc thực dân Pháp chủ quan sơ hở đang say sưa yến tiệc trong toà Khâm sứ bên bờ nam sông Hương, ông đã ra lệnh cho binh lính dưới quyền nổ súng tấn công vào các căn cứ của chúng. Một cánh quân do Tôn Thất Lệ (em trai Tôn Thất Thuyết) chỉ huy đánh thẳng vào toà Khâm sứ Pháp. Cánh quân thứ hai dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Soạn tập trung tấn công vào đồn Mang Cá góc đông bắc thành Huế, nơi tập trung phần lớn binh lực của quân đội Pháp. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Nhưng do việc chuẩn bị chưa thật chu đáo, so sánh lực lượng lại chênh lệch có lợi cho Pháp nên cuộc tấn công của quân triều đình đã thất bại nhanh chóng. Ngay sau đó, Tổn Thất Thuyết phải đưa Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (QuảngTrị), và lấy danh nghĩa nhà vua xuống Chiếu Cần Vương kêu gọi sỹ phu và nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc Pháp cứu nước, khôi phục độc lập dân tộc.

Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, một cao trào yêu nước chống Pháp đã được phát động mạnh mẽ và kịp thời trong cả nước. “Ảnh hưởng của Tôn Thất Thuyết như tăng lên hàng ngày” 1, điều khẳng định đó của một tác giả người Pháp chỉ có thể giải thích được từ việc làm hợp lòng dân của ông và phe kháng chiến trong triều đình Huế.

Sau khi đến Sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) ít ngày, Tôn Thất Thuyết định đưa vua Hàm Nghi chạy theo đường bộ ra Thanh Hoá để xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài. Nhưng bị giặc Pháp chặn đường, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết buộc phải theo đường rừng phía sườn tây Trường Sơn chạy ra sơn phòng Phú Gia (Hà Tĩnh) 2. Cuộc hành trình của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết cùng đám tuỳ tùng ra Hà Tĩnh vô cùng gian khổ. Biết trước điều đó, trước giờ lên đường, Tôn Thất Thuyết không có sự cưỡng bách mà hoàn toàn dựa vào tinh thần tự nguyện của binh lính dưới quyền:

“Chú nào con vợ chưa thành
Cho về sở định sở sanh việc nhà.
Chú nào lưa mẹ còn cha
Cho về bảo dưỡng vậy mà đừng đi”
3

Thế nhưng chính mẹ già cùng vợ con ông vẫn sẵn sàng theo ông đi kháng chiến, để rồi mẹ (Văn Thị Thu) và vợ (Lê Thị Thành) phải chết dọc đường vì lam sơn chướng khí, con trai thì người bị giết khi bảo vệ vua (Tôn Thất Thiệp), người tự sát khi thấy việc lớn không thành (Tôn Thất Đàm). Và nếu chúng ta biết thêm rằng thân sinh ông là Tôn Thất Đính vì tuổi cao sức yếu không thể trực tiếp cầm quân theo con được, nhưng rất tán thành việc làm chính nghĩa của con, sau ông cũng bị giặc bắt đày ra Côn Đảo và mất tại đó. Các em ông là Tôn Thất Lệ thì sau cuộc tấn công giặc Pháp đêm 4/7/1885 thất bại đã chạy theo vua Hàm Nghi, rồi mất trong khi đi kháng chiến; Tôn Thất Hàm giữ chức tri huyện Nống Cống (Thanh Hoá) đã bỏ quan tham gia phong trào Cần Vương trong tỉnh, sau bị giặc bắt đưa đi an trí rồi tuyệt thực chết; Tôn Thất Hoành tham gia phong trào chống Pháp, bị giặc đày chết ở Lao Bảo (Quảng Trị); Tôn Thất Trọng về sau tham gia phong trào Đông du. Có thể khẳng định toàn thể gia đình Tôn Thất Thuyết đã tham gia kháng chiến, mỗi người tuỳ tài năng và sức lực đã đóng góp phần xương máu của mình vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Thực dân Pháp và tay sai đã điên cuồng phản ứng lại, ra sức đẩy mạnh việc săn lùng, khủng bố những người yêu nước. Triều đình Đồng Khánh mới được đặt lên ngôi sau sự biến kinh thành đã ra Dụ “định cách thưởng cho việc rước giá vua về và bắt nghịch Thuyết yết cáo khắp nơi, từ Quảng Trị về phía bắc... Ai hay bày kế trực tiếp đưa xe vua ra giao cho quan quân rước về thưởng cho hàm chánh nhị phẩm, tấn phong tước Nam...; bắt sống được Tôn Thất Thuyết thưởng 1.000 lạng bạc, chém được thưởng 800 lạng” 4.

Sau đó chúng lại lồng lộn đẩy mạnh việc truy lùng, phóng hết đạo quân này đến đạo quân khác đi sâu vào miền rừng núi Hà Tĩnh - Quảng Bình hòng bắt cóc Hàm Nghi và “tiểu triều đình” do ông và Tôn Thất Thuyết đứng đầu.
___________________________________________
1. M. Gaultier, trong Ông vua bị lưu đầy (Le Roi proscrit), Hà Nội, 1940
2. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 36, tr 235.
3. Vè Thất thủ kinh đô, Nxb. Văn-Sử-Địa, Hà Nội, 1959.
4. Đại Nam thực lục chính biên, Tập 36, tr. 250.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2016, 02:19:06 pm »


Tháng 8 năm 1886, trước những khó khăn ngày càng lớn, Tôn Thất Thuyết giao cho hai con trai là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Thiệp cùng các thủ lĩnh khác ở lại bảo vệ vua, còn mình thì theo đường rừng sang Trung Quốc cầu viện. Trên đường đi, ông tranh thủ gặp những thủ lĩnh yêu nước các địa phương để cùng với họ bàn bạc kế hoạch phối hợp đánh Pháp (như Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Tống Duy Tân ở Thanh Hoá, Nguyễn Quang Bích ở Hưng Hoá...)

Đầu năm 1887, Tôn Thất Thuyết đến vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Nhưng ông đã thất bại trong kế hoạch cầu viện. Lúc này, phong kiến nhà Thanh đã ký quy ước Thiên Tân bán rẻ Việt Nam cho Pháp nên cố tình bỏ rơi ông. Thêm vào đó, sau khi đánh chiếm xong miền núi, thực dân Pháp đã tiến hành khoá chặt đường biên giới phía bắc. Mặc dù vậy, vượt qua muôn vàn khó khăn, ông vẫn tiếp tục duy trì mối liên hệ với trong nước, mua sắm vũ khí gửi về, xây dựng các đội quân vũ trang rồi tổ chức tấn công vào các đồn binh Pháp trên đường biên giới. Năm 1896, dưới sức ép của Pháp, nhà Thanh trở mặt đưa ông đi an trí ở Long Châu, rồi Thiều Châu. Lúc này phong trào kháng chiến trong nước đã bị kẻ thù dìm trong máu lửa, thực dân Pháp càng có điều kiện xiết chặt ách kìm kẹp đối với nhân dân ta. Trước sự tan rã của phong trào kháng chiến, Tôn Thất Thuyết rất đau buồn và phải sống những năm tháng cuối đời trên đất tha hương. Ông mất ngày 22 tháng 9 năm 1913 tại Thiều Châu (Trung Quốc).

Về việc sang Trung Quốc cầu viện năm 1886, để lại vua Hàm Nghi trong nước vào lúc tình hình khó khăn, sau này Tôn Thất Thuyết đã bị một số người buộc tội là “hèn nhát”, “đào ngũ”... Nhưng ngày nay nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan khoa học, chúng ta có thể bác bỏ nhận định đó và khẳng định rằng động cơ thúc đẩy ông lên đường sang Trung Quốc là tinh thần yêu nước, căm thù giặc, mong muốn tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài cho công việc chống Pháp của nhân dân ta. Tất nhiên trong hoàn cảnh phong kiến nhà Thanh đã bắt tay câu kết với thực dân Pháp thì chủ trương đó là một sự ngộ nhận về chính trị. Song cũng phải thấy rằng Tôn Thất Thuyết vốn xuất thân từ tầng lớp quan lại, được đào tạo theo khuôn mẫu Khổng giáo nên không thể vượt ra khỏi hạn chế của giai cấp và thời đại lúc bấy giờ. Mục tiêu chiến đấu của ông vẫn là nhằm khôi phục lại chế độ phong kiến. Trong khi đó, vào cuối thế kỷ XIX một xã hội phong kiến - dù có một ông vua yêu nước chống Pháp như Hàm Nghi - cũng đã trở nên lỗi thời, không còn thích hợp nữa. Chính vì vậy phong trào Cần Vương sau một thời kỳ phát triển đã dần dần suy yếu, bị cô lập và cuối cùng đã tan rã, nó không thể thống nhất và mở rộng thành một phong trào dân tộc dân chủ sôi nổi khả dĩ cùng lúc đánh đổ cả hai kẻ thù là đế quốc và phong kiến tay sai.

Ở đây cũng còn một vấn đề khác cần được trao đổi và giải quyết: đó là mối quan hệ giữa Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.

Trước đây có một số người cho rằng Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cùng thuộc phái chủ chiến, chỉ đến sau cuộc phản công thất bại ở kinh thành Huế mới có sự phân hoá về tư tưởng và hành động. Thậm chí còn có ý kiến cho việc Nguyễn Văn Tường nửa đường bỏ Vua quay lại hợp tác với Pháp cũng nằm trong kế hoạch của phái kháng chiến, Tường ở lại hoạt động bên trong, còn Thuyết hoạt động bên ngoài, đó là sự phân công, thoả thuận từ trước. Vấn đề này khá phức tạp, đòi hỏi thêm nhiều nguồn tư liệu trước khi có một nhận định đánh giá dứt khoát. Nhưng nếu căn cứ vào một số sự kiện và ghi chép hiện có thì thật ra quan điểm của hai người hoàn toàn đối lập nhau. Ngay vào tháng 10/1880, Tôn Thất Thuyết đã tố cáo Nguyễn Văn Tường nhập tiền giả của Trung Quốc. Ông còn khẳng định Tường đã lợi dụng chức vụ Thượng thư bộ Hộ để ăn của đút. Về tư tưởng, Tường là một kẻ chủ hoà. Trong thời kỳ Tôn Thất Thuyết còn nắm giữ binh quyền, phái chủ chiến mạnh, Tường buộc phải làm theo để giữ chức quyền. Đến khi cuộc phản công ở Huế của phái kháng chiến bị thất bại, kinh thành rơi vào tay giặc, Tường đã nhẩy ra hợp tác với Pháp. Riêng việc mới chạy ra đến Kim Long đã lẻn vào nhà thờ nhờ cố đạo Cát-pa (Caspard) đưa ra đầu thú đã nói lên rằng trước đó Tường đã có ý định thoả hiệp với Pháp. Còn Tôn Thất Thuyết không phải không nắm vững ý đồ của Tường, nhưng đặt trong tương quan lực lượng cụ thể, Tôn Thất Thuyết buộc phải tìm cách lôi kéo ông ta để tập trung lực lượng đối phó với thực dân Pháp.

Dưới con mắt của nhân dân ta, Tôn Thất thuyết đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng quả cảm:

“Nước Nam quan Tướng anh hùng
Bách quan văn võ chẳng ông nào tày
Người có ngọc vẹt cầm tay
Đạn bắn cả ngày chẳng thể trúng ông”
1.
________________________________________
1. Thất thủ kinh đô, Nxb. Văn-Sử-Địa, Hà Nội, 1959.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2016, 02:24:08 pm »


Một   điểm   khác cần làm sáng tỏ là Tôn Thất Thuyết không chỉ là một võ tướng, ông còn là một người giàu cảm xúc, nhạy cảm trước thiên nhiên và với con người. Nhìn chim én nhỏ chao mình giữa mưa gió, ông ngậm ngùi thương cảm hỏi chim:

“Hà sự đình đài hồ bất quy,
Sơn biên phong vũ cộng phi phi”
                                   (Vũ trung phi yến)

(Sao không về ở chốn lâu đài,
Mưa gió bên rừng cánh tả tơi
)
                                   (Chim én bay trong mưa)

Đối với Tôn Thất Thuyết, tình cảm yêu nước luôn luôn gắn liền với ý thức trách nhiệm. Ông tự ví mình như cột đá chặn giữa dòng sâu khi đứng ra cáng đáng sự nghiệp lớn:

“Ba trung chỉ trụ chướng cuồng lưu”

(Cột cao giữa sóng chặn dòng sâu)
                                    (Tôn Thất Thuyết đại nhân phụng đề thi)

Nhưng vẫn lạc quan tin tưởng và hy vọng vào ngày mai:

“Thử du nhược đắc thiên tâm trợ,
Quy khứ Nam xa triệt hảo trình”

(Phen này ví được lòng trời giúp,
Trở gót về Nam lối hẳn thông
)
                                   (Thơ gửi Cầm Bá Thước)

Trong những năm tháng cuối đời ở nơi đất khách quê người, Tôn Thất Thuyết vẫn hướng về Tổ quốc với nỗi niềm canh cánh khôn nguôi:

“Chỉ nhật quốc thù kỳ khả phục,
Kinh thu thâm bệnh thả tiên trừ”
                                    (Giới yên thi)

(Thù nước hẹn ngày thề trả sạch,
Thân già nhiều bệnh quyết lo chừa
)
                                    (Thơ chừa thuốc phiện)

Con người mang nặng tình nghĩa với non sông đất nước như vậy không thể “lấy chuyện chém giết làm vui”, “cuồng dại mà lại nhát gan” 1 như một bọn bồi bút tay sai của thực dân, những kẻ thù ghét ông từng xuyên tạc. Ngay một số người Pháp trung thực cũng đã xác nhận Tôn Thất Thuyết “là một bậc anh hùng”:

“Thuyết không hề bao giờ muốn giao thiệp với chúng ta (tức bọn thực dân Pháp - TG) và ông biểu lộ lòng căm ghét không cùng đối với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể nói rằng ông ta căm ghét chúng ta: đấy là quyền và có lẽ đấy là bổn phận của ông ta” 2. Một tác giả khác cũng nhận xét: “Lòng yêu nước của Tôn Thất Thuyết không chấp nhận một sự thoả hiệp nào. Ông ta xem các quan lại chủ hoà như kẻ thù của dân tộc... Tuy nhiên, dù cho sự đánh giá ông của những người cùng thời thiên vị như thế nào, một đạo đức lớn đã bộc lộ rõ rệt trong mọi hoàn cảnh của đời ông: đó là sự gắn bó kỳ lạ của ông đối với Tổ quốc” 3.


*


Nói tóm lại, Tôn Thất Thuyết trước sau là một người yêu nước nhiệt thành. Bằng hành động kiên quyết, dũng cảm của mình, với ý thức trách nhiệm cao đối với dân với nước, ông đã trở thành một lãnh tụ kháng chiến tiêu biểu, và đã đóng vai trò to lớn trong phong trào đấu tranh vũ trang lâu dài và gian khổ cuối thế kỷ XIX của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược dưới danh nghĩa Cần Vương. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương ngời sáng về tinh thần phụng sự Tổ quốc, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc và nhân dân.
_______________________________________
1. Trần Trọng Kim, Sđd.
2. Bastide, Cuộc nổi dậy và đánh chiếm kinh thành Huế năm. 1885. (Soulèvement et prise de Huê en 1885), Paris, 1912.
3. M. Gaultier, Sđd.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 04:01:18 pm »


NHẬN DIỆN CHẶNG ĐƯỜNG LƯU VONG CỦA TÔN THẤT THUYẾT
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN1


Tám tháng sau những ngày ngặt nghèo, gian lao phò vua Hàm Nghi từ Huế ra Sơn phòng Hà Tĩnh - Quảng Bình xây dựng căn cứ lãnh đạo phong trào kháng Pháp, vào tháng 2 năm 1886, Tôn Thất Thuyết để hai con trai là Đàm và Thiệp tiếp tục duy trì sự nghiệp cần vương, còn mình cùng vài bộ tướng thân cận lên đường sang Trung Hoa cầu viện. Bắt đầu từ đây, nhiều người đương thời, và cả hậu thế chúng ta về sau cứ mãi chê trách ông. Không hề có một tiếng khen, hoạ hoằn lắm mới có đôi lời biện hộ yếu ớt cho chặng đường lưu vong lỡ bước của ông.

Trong chiều hướng nghiên cứu làm rõ hơn “cái tâm” và những nỗ lực tột cùng của Tôn Thất Thuyết cùng các chiến hữu của ông trên dặm đường phiêu bạt nơi đất khách quê người, chúng tôi không có tham vọng gì hơn ngoài mong muốn được góp phần làm thay đổi những định kiến nghiệt ngã của cuộc đời luôn ám ảnh trong tâm trí của một số người trong chúng ta khi nghĩ về ông.

I. Những cái nhìn nghiệt ngã

Đánh giá về hành động cầu viện nhà Thanh của Tôn Thất Thuyết, những người Pháp ở phía đối nghịch - như đại uý Gosselin2, đã không ngần ngại gọi ông là tên “đảo ngũ”. Hoặc như nhà sử học Trần Trọng Kim3 thì hết sức mỉa mai khi viết: “Tôn Thất Thuyết thấy không chống nổi quân Pháp, bèn bỏ vua Hàm Nghi rồi cùng với Đề đốc Trần Xuân Soạn đi đường thượng đạo, nói rằng sang cầu cứu bên Tàu” 4. Cuộc hành trình sang Trung Hoa của Tôn Thất Thuyết được Trần Trọng Kim miêu tả như là ông muốn tìm một chỗ ẩn nấp để bảo trì mạng sống của mình: “Tôn Thất Thuyết đi đường thượng đạo ra vùng Hưng Hoá theo thượng lưu sông Đà lên Lai Châu nương tưạ vào họ Điêu (Điêu Văn Trì - NQTT). Đến lúc nghe tiếng quân Pháp lên đánh, liền bỏ họ Điêu mà trốn sang Tàu... Một người như thế mà làm đại tướng để giữ nước thì tài gì mà nước không nguy được” 5. Và cuối cùng Trần Trọng Kim kết luận: “Ông Tôn Thất Thuyết làm đại tướng mà cư xử ra một cách rất hèn nhát không đáng làm người trượng phu chút nào” 6.

Không riêng gì Trần Trọng Kim, ngay cả những người làm công việc khảo cứu các gương anh hùng của dân tộc như Đào Trinh Nhất cũng cho đó là hành động trốn tránh hèn nhát: “Tôn Thất Thuyết bỏ nửa đoạn giữa đường, tách mình đi sang Tàu, nói là đi cầu viện. Sang Tàu rồi, chẳng biết rằng Thuyết đã nói chuyện cầu viện gì được với quan quyền Mãn Thanh chưa, hay là lão biết tình thế nguy hiểm cô cùng rồi, nên kiếm chuyện tìm đường trốn tránh lấy thân vậy thôi. Nhiều người Pháp - trong đó đại uý Gosselin là một, chê Thuyết hèn nhát vì cái cử chỉ bỏ vua giữa đường tách mình đào nạn như thế” 7.

Ngoài những lời chê trách đầy ác ý hoặc do ngộ nhận, các công trình mang tính khách quan cũng đánh giá thấp chặng đường lưu vong của Tôn Thất Thuyết. Người ta thường cho đó là hạn chế lớn khi ông ảo tưởng về nhà Thanh, không thấy và cũng không dám tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân mà đi nhờ vả ngoại bang... nên kết luận đó là một sai lầm đáng tiếc.

Quả thật là đáng tiếc cho con đường lưu vong của Tôn Thất Thuyết, nhưng cũng hết sức đáng tiếc cho chúng ta vì chưa đủ cứ liệu để hình dung hết ý đồ chiến lược của ông trong chuyến đi này. Có một điều ít được mọi người biết đến, đó là sự đóng góp của Tôn Thất Thuyết đối với phong trào kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam vẫn liên tục, thường xuyên trên từng bước lưu vong của ông.
_________________________________________
1. Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Huế.
2. Ch. Gosselin - L'Empire d’Annam. Paris, Perrin et Cie, 1904.
3. Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược, quyển II. Sài Gòn, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, 1971.
4, 5. Như trên, tr. 329.
6. Như trên, tr. 338.
7. Đào Trinh Nhất - Phan Đình Phùng. Sài Gòn, Tân Việt, 1957, tr. 94
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 04:06:42 pm »


II. Thực tế và uẩn khúc

Sau trận quân Pháp tiến đánh căn cứ Cửa Khe ở vùng thượng nguồn sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình vào cuối tháng 1/1886, vua Hàm Nghi phải tiếp tục cuộc chạy trốn. Tôn Thất Thuyết thấy rằng khó có thể thay đổi tình thế nếu không tạo nên được một sức mạnh quân sự nào khác, do vậy ông nghĩ đến việc phải đích thân trực tiếp ra Bắc để tìm cách khuấy động phong trào kháng chiến, nghĩ đến con đường liên minh với người Trung Hoa như triều đình Huế trước đó vẫn thường làm. Ý đã quyết, ông bèn cùng Trần Xuân Soạn vượt ngàn Hà Tĩnh ra Nghệ An và đến Thanh Hoá vào tháng 3 năm 1886.

Vùng đất Thanh Hoá bao la trù phú, dân cư đông đúc, sĩ khí ngất trời đã làm cho Tôn Thất Thuyết sau chuỗi ngày thất bại bỗng bình tâm trở lại, niềm hy vọng chiến thắng lại loé lên trong lòng vị lãnh tụ phong trào chống Pháp. Tại vùng Cẩm Thuỷ, Tôn Thất Thuyết triệu tập một cuộc họp để bàn bạc kế hoạch chống Pháp cùng với em ruột là Tôn Thất Hàm (vốn là tri huyện Nông Cống) và nhiều lãnh tụ Cần Vương khác. Sự hưởng ứng rầm rộ của sỹ phu và dân chúng ở Thanh Hoá làm nức lòng Tôn Thất Thuyết, nên ông không chút ngần ngại khi quyết định để viên tuỳ tướng thân cận nhất là Trần Xuân Soạn ở lại lo việc điều hành lực lượng kháng chiến vùng Thanh Hoá và khu vực phía Bắc.

Sau khi đã thảo luận và vạch kế hoạch khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh, Tôn Thất Thuyết đến tổng Trịnh Vạn thuộc châu Thường Xuân hội với Cầm Bá Thước là một tộc trưởng người Thái để bàn việc đánh Pháp. Rồi vào ngày 22/4/1886, Tôn Thất Thuyết đi ngược thượng lưu sông Mã tìm gặp tù trưởng người Mường là Hà Văn Mao ở Điền Lư thuộc châu Quan Hoá. Những cuộc gặp gỡ của Tôn Thất Thuyết đều nhằm chủ đích vận động cho công cuộc đánh Pháp ủng hộ vua Hàm Nghi, và đều thu được kết quả tốt đẹp, nơi nơi tưng bừng khởi nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của ông1.

Tôn Thất Thuyết lưu lại nhiều ngày ở nhà Hà Văn Mao, rồi sau đó tiếp tục ra Bắc ngược lên sông Đà, đến vùng Lai Châu tìm tù trưởng Điêu Văn Trì vào tháng 6 năm 1886. Điêu Văn Trì là một tù trưởng người Thái đã tập hợp lực lượng và lập căn cứ ở núi rừng Tây Bắc để chống lại người Pháp. Tôn Thất Thuyết đến đây nhằm mục đích kích động sự ủng hộ của người Thái đối với vua Hàm Nghi, và bàn kế hoạch phối hợp trên cả hai vùng Trung - Bắc, rồi sau đó sang biên giới để tiến hành công việc cầu viện Mãn Thanh. Nhưng do cả năm trời liên tục trèo đèo lội suối, nhiễm nhiều lam chướng từ khi phải rời khỏi kinh thành Huế, nên ông Thuyết mắc bệnh khá nặng, phải lưu lại vùng này một thời gian khá dài để dưỡng bệnh.

Tại Lai Châu, Tôn Thất Thuyết nhận được một thông cáo của vua Đồng Khánh đề ngày 2/7/1886 kể tội “Thuyết và Soạn” với nội dung như sau:

“Tội của các ngươi nhất định là rất nặng, nhưng lòng quảng đại của Trẫm rất lớn nên Trẫm có thể cho các người trở về và tha chết cùng những kẻ mà các người lôi kéo vào con đường sai lầm.

Trẫm sẽ cho lưu đầy các người tại nguyên quán và nếu sau này các ngươi biết ăn năn hối quá, Trẫm sẽ xét lại và cho phục hồi danh vị. Còn nếu cứ ngoan cố, Trẫm sẽ trừng phạt các người về những tội làm ác, làm cực khổ trăm họ. Đầu các người và dư đảng sẽ bị treo thưởng...”

Đến ngày 12/7 năm Bính Tuất (11/8/1886), Đồng Khánh lại ra một đạo Dụ khác tuyên bố sẽ tha tội cho Tôn Thất Thuyết những việc làm đã qua nếu ông chịu trở về với triều đình2. Tôn Thất Thuyết không hề lung lạc tinh thần mà vẫn quyết tâm đeo đuổi sự nghiệp chống Pháp.

Cũng trong thời gian Tôn Thất Thuyết ở Lai Châu với Điêu Văn Trì, quân Pháp tiến hành nhiều cuộc hành binh càn quét khu căn cứ của họ Điêu ở Sơn La và Lai Châu, nhưng nghĩa quân đã ngăn chống có hiệu quả và bảo toàn được lực lượng. Đến đầu năm 1887, khi bệnh tình của Tôn Thất Thuyết thuyên giảm, Điêu Văn Trì mới cùng với 20 thủ hạ bí mật đưa ông theo ngả Bình Lư lên Mạn Hảo và đến được tỉnh Vân Nam của Trung Hoa.
________________________________________
1. Tôn Thất Hàm cầm đầu lực lượng khởi nghĩa ở Nông Cống, Cầm Bá Thước nổi dậy ở châu Thường Xuân, Hà Văn Mao chỉ huy lực lượng khởi nghĩa ở căn cứ Mã Cao, Trần Xuân Soạn đóng quân tại căn cứ Quảng Hoá để nối liền hệ thông cứ điểm Ba Đình - Mã Cao.
2. Phạm Văn Sơn - Việt Nam cách mạng cận sử, Sài Gòn, Khai Trí, 1963, tr. 113.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 04:12:31 pm »


Có thể nói trước khi chính thức đặt vấn đề ngoại viện với nhà Thanh, Tôn Thất Thuyết đã không quản khó khăn gian khổ để huy động các lực lượng nội tại “mà triều đình Hàm Nghi” nắm được nhằm tiếp tục phát triển phong trào kháng Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương. Công tác tổ chức, điều phối lực lượng kháng chiến cũng được Tôn Thất Thuyết sắp xếp chu đáo bằng việc cắt Tôn Thất Đàm lo việc điều khiển các thủ lĩnh quân sự từ Hà Tĩnh trở vào phía Nam, và cử cánh tay phải của mình là Trần Xuân Soạn chịu trách nhiệm phát triển lực lượng kháng chiến ở phía Bắc1. Những điều đó chứng tỏ Tôn Thất Thuyết không hề ỷ lại hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người láng giềng Trung Hoa, ngược lại rất xem trọng vai trò cốt yếu của lực lượng kháng chiến trong nước.

Vả lại không phải đến lúc này Tôn Thất Thuyết mới nghĩ tới việc cầu viện, mà ngay trong những ngày tháng 7 năm 1885, sau khi Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương lần thứ nhất, Tôn Thất Thuyết đã cử Nguyễn Quang Bích và Hoàng Tá Viêm (thực tế chỉ có Nguyễn Quang Bích đi sứ) mang thư vua Hàm Nghi sang cầu cứu Tổng đốc Vân - Quý. Cho nên việc sang Trung Hoa của Tôn Thất Thuyết lần này chỉ có mục đích thúc giục nhà Thanh đem quân cứu viện; và lẽ dĩ nhiên ông chẳng hề ảo tưởng quân Thanh sẽ đánh tan quân Pháp, mà chỉ mong họ gây được một số khó khăn cho Pháp như thời kỳ trước khi có hiệp ước Thiên Tân, để có lợi cho phong trào chống Pháp.

Một vấn đề cần làm sáng tỏ ở đây là Tôn Thất Thuyết có ý định quay trở về Việt Nam tiếp tục chiến đấu không, và nếu muốn thì tại sao ông vẫn ở lại Trung Hoa cho đến chết?

Trước hết chúng ta có thể dứt khoát khẳng định rằng Tôn Thất Thuyết nhất định quay về, bởi vì lý tưởng của đời ông là giết giặc cứu nước, và chí căm thù giặc vẫn nung nấu trong lòng ông cho đến phút cuối của cuộc đời. Việc ông cắt cử 2 con Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp trực tiếp bảo vệ vua Hàm Nghi duy trì triều đình kháng chiến, gửi con trai út Tôn Thất Trọng cho lãnh tụ Cần Vương Quảng Bình là Nguyễn Phạm Tuân, để Trần Xuân Soạn ở lại điều hành phong trào chống Pháp tỉnh Thanh Hoá và phía Bắc, vượt núi băng rừng đi vận động các thủ lãnh dân tộc thiểu số như Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao, Điêu Văn Trì ủng hộ vua Hàm Nghi... chứng tỏ ông hết mình vì sự nghiệp chống Pháp, không hề có ý định từ bỏ cuộc chiến đấu.

Dự tính sang cầu viện rồi trở về nước đuổi Pháp thành công cũng được khắc hoạ rõ nét trong bài thơ Tôn Thất Thuyết gởi Cầm Bá Thước từ hải ngoại:

                                    ... “Bách tính cần vương nhân tự chấn,
                                    Nhất ngu báo quốc khách do hành.
                                    Thử du nhược đắc thiên tâm trợ,
                                    Quy khứ Nam xa triệt hảo trình”.

Tạm dịch:
                                    Trăm họ giúp vua đang cố gắng
                                    Một thân vì nước vẫn long đong.
                                    Phen này ví được lòng trời giúp,
                                    Trở gót về Nam lối hẳn thông.


Hay trong bài thơ “Tự thuật chí mình”, Tôn Thất Thuyết thể hiện tấm lòng vì nước rất cảm động:

                                    ... “Y hy Bắc địa du hồng nhạn,
                                    Phảng phất Nam phong trợ mã ngưu.
                                    Báo quốc đan tâm hà nhạc tại,
                                    Gian nan tương kiến mãn sương thu.”

Tạm dịch:

                                    Lẻ loi đất Bắc chim hồng nhạn,
                                    Phảng phất gió Nam vó ngựa trâu.
                                    Vì nước lòng son sông núi tạc,
                                    Gội bao sương tuyết bạc phơ đầu.


Thế nhưng dự tính tốt đẹp đó không thực hiện được, Tôn Thất Thuyết buộc phải ở lại Trung Hoa cho đến mãn đời và phải chịu nhiều miệng tiếng rất oan nghiệt.

Trên thực tế thì Tôn Thất Thuyết đến tỉnh Vân Nam vào tháng 1/1887, được viên phó Tổng đốc Sầm Công Bảo tiếp đãi trọng hậu, nồng nhiệt. Tuy vậy chính quyền Vân Nam từ chối yêu cầu của Tôn Thất Thuyết, và đưa ông sang tỉnh Quảng Đông vào tháng 2/1887 để gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng. Tại Quảng Đông, hành tung của Tôn Thất Thuyết nhanh chóng bị bại lộ, và vào ngày 10/3/1887, gián điệp của Pháp đã biết ông ngụ tại phố Cửa Nam trong thành Quảng Đông. Tin tức này lập tức được báo về phủ toàn quyền Đông Dương thông qua lãnh sự Pháp ở Quảng Đông. Sau đó viên Lãnh sự Pháp ở Quảng Đông đưa ra lời kháng nghị, và sứ quán Pháp ở Bắc Kinh lên tiếng phản đối, nên chính quyền Mãn Thanh đã quản thúc Tôn Thất Thuyết.
_____________________________________
1. Nguyễn Thế Anh- Monarchie et fait colonial au Việt Nam (1875-1925). Paris, Editions l’Harmattan, 1992, tr. 128- 129.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 04:19:10 pm »


Việc giam giữ Tôn Thất Thuyết được trình bày khá cặn kẽ trong công điệp của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động gởi cho Sứ quán Pháp, nội dung như sau:

“Gần đây một vị thượng quan An Nam tên là Nguyễn Phúc Thuyết cùng với mười kẻ phụ tá có đệ lên triều đình chúng tôi một văn kiện than phiền sự ngược đãi của người Pháp trên đất An Nam để tâu lên Hoàng đế. Nhưng bản chức đã... ra lệnh phát cho họ hàng tháng một số tiền là 57 lạng bạc 36 xu và uỷ cho viên Đại tá quân vụ thị trấn Quảng Đông giam giữ họ.

Nhưng việc giam giữ họ ở giữa thành phố này cũng có nhiều trở ngại nên bản chức đưa họ về Long Châu để các nhà chức trách dân - quân - chính tỉnh này trông coi... Bản chức cho họ biết không được phép tăng thêm số người tòng vong dù cớ nào. Họ không được tính toán việc gì từ nay và cấm không được bước ra khỏi thành phố...”1.

Mặc dù bị khước từ yêu cầu cứu viện, rồi lại bị quản thúc, nhưng Tôn Thất Thuyết vẫn tìm cách để hỗ trợ cuộc kháng Pháp tại quê nhà. Trần Xuân Soạn sau thất bại của cứ điểm Ba Đình - Mã Cao vào đầu tháng 2/1887 đã lên đường sang Trung Hoa, và gặp Tôn Thất Thuyết ở Quảng Đông. Hai ông tích cực vận động những quan lại Mãn Thanh có tinh thần chống Pháp, tranh thủ sự giúp đỡ của cựu tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, và khai thác tối đa những sơ hở trong việc tranh chấp đường biên giới giữa nhà Thanh và quân Pháp để phục vụ cho mục đích của mình.

Tôn Thất Thuyết đã tổ chức đường dây liên lạc với các cuộc khởi nghĩa bên trong nước, quyên góp, chiêu mộ binh dũng, tiếp tục nhận trâu bò lúa gạo, tiền bạc từ trong nước gởi sang để mua sắm, vận chuyển vũ khí, đạn dược về lại cho nghĩa quân. “Tôn Thất Thuyết đã tiếp tế được ngày càng nhiều vũ khí cho nghĩa quân bên trong”, súng đạn không những về đến đồng bằng Bắc Kỳ mà còn tới tận Thanh Hoá2. Hoạt động của Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn ở Quảng Đông rầm rộ đến nỗi quan lại Việt Nam thuộc tỉnh Lạng Sơn hay biết. Tháng 9.1888, tỉnh Lạng Sơn báo cáo về triều đình Đồng Khánh rằng: “Lê Thuyết (tức Tôn Thất Thuyết )và Trần Xuân Soạn, lẻn đến một dải Liên Thành, Bằng Tường nước Thanh nhập bọn với Lương Tuấn Tú và bọn Hoàng Văn Tường thuộc khách tỉnh ấy, cùng nhau tụ họp”, “Lê Thuyết ở nước Trung Hoa, giả làm quan nước Thanh, chiêu mộ binh dũng...”3.

Có thể nói “các tướng lĩnh ở các vùng đều có sự liên lạc với Tôn Thất Thuyết”4, đều xem ông là người chỉ huy tối cao của phong trào chống Pháp ở Việt Nam. Năm 1888, sau khi từ Thanh Hoá sang Quảng Đông được vài tháng, Tống Duy Tân lại được Tôn Thất Thuyết cử về xây dựng căn cứ chống Pháp ở Hùng Lĩnh. Đến giữa năm 1889, khi nhận được tin Hàm Nghi đã bị bắt, Tôn Thất Thuyết thấy rằng cần phải có một người đứng ra đảm nhận việc điều hành chung để tiếp tục công cuộc chống Pháp, và ông lại nghĩ đến Phan Đình Phùng. Tôn Thất Thuyết liền viết thư và sai một gia nhân thân tín là Trần Thế trở về Việt Nam, tìm đến núi Vụ Quang ở Hà Tĩnh để gặp cụ Phan trao mệnh lệnh. Bức thư của Tôn Thất Thuyết nói rõ: “Hiện nay trong nước như không có trào đình, không có vua chúa, vậy thì nơi tướng quân khởi nghĩa có thể coi như nơi trung khu của nhà nước, tướng quân cứ tuỳ tiện làm việc, chọn người mà dùng, cốt giữ vững lấy đức liêm chánh công bình mà đồ việc lớn...”5. Và Tôn Thất Thuyết lấy tư cách là vị Phụ chính duy nhất của triều đình kháng chiến để phong cho cụ Phan Đình Phùng làm Bình Trung tướng quân, phụ trách việc chỉ huy phong trào chống Pháp khắp cả Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
_______________________________________
1. Dẫn theo Phạm Văn Sơn, Sđd, tr. 114-115.
2. Trần Văn Giàu - Chống xăm lăng, quyển 3 - Phong trào Cần Vương. Hà Nội, Xây dựng, 1957, tr. 134, 167.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam Thực lục, tập 38, Hà Nội, Khoa học xã hội, 1978, tr. 126.
4. Phạm Văn Sơn, Sđd, tr. 216.
5. Đào Trinh Nhất, Sđd, tr 141.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM