Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:16:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết 1839-1913  (Đọc 61861 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2016, 07:04:02 pm »


Khi còn sống, Nguyễn Phúc Thuần được ban tước là Hiệp Đức hầu, về sau khi đã mất ông mới được truy tặng tước Quốc Oai công. Có lẽ do Nguyễn Phúc Thuần trùng tên với Định vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1775), nên thời Nguyễn đã tránh tên huý và chép ông thành Nguyễn Phúc Hiệp. Tên Hiệp có thể là do lấy từ tước cũ Hiệp Đức hầu trước đó. Hiện nay ông thường được gọi là Nguyễn Phúc Hiệp hoặc Tôn Thất Hiệp, song kỳ thật vào thế kỷ XVII ông mang tên là Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Thuần (tức Hiệp) có 4 con trai là Nguyễn Phúc Nhuận, Nguyễn Phúc Lộ, Nguyễn Phúc Thiều, Nguyễn Phúc Phan.

Nguyễn Phúc Nhuận là con đầu của Nguyến Phúc Thuần, được thăng đến chức Chưởng dinh1, hàm Thiếu phó quận công. Ông Nhuận sinh được 5 con trai là Nguyễn Phúc Vân, Nguyễn Phúc Khoan, Nguyễn Phúc Thành, Nguyễn Phúc Nghiêm, Nguyễn Phúc Sử.

Nguyễn Phúc Thành (cố nội của Tôn Thất Thuyết) là con thứ ba của Nguyễn Phúc Nhuận, làm quan võ đến chức Cai cơ, sinh được hai người con trai là Tôn Thất Trung và Tôn Thất Lộc2.

Tôn Thất Lộc (ông nội của Tôn Thất Thuyết) là con thứ hai của Tôn Thất Thành, làm quan võ đến chức Quản cơ, thụy phong là Minh nghĩa Đô uý3. Ông Lộc có sáu con trai là Tôn Thất Hoà, Tôn Thất Thuận, Tôn Thất Tường, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Đính, Tôn Thất Di.

Tôn Thất Đính (cha của Tôn Thất Thuyết) là con thứ năm của Tôn Thất Lộc, sinh ngày 7 tháng 6 năm Nhâm Thân (tức 15.7.1812): Tôn Thất Đính là Vệ uý Chưởng doanh Kỳ vũ được thăng thụ chức Chưởng vệ. Năm 1861 làm Tán lý quân thứ Gia Định, đã từng theo Hộ bộ Thượng thư kiêm Khâm sai quân vụ đại thần Nguyễn Bá Nghi đem quân vào Biên Hoà chặn quân Pháp. Đến năm 1864, lúc đang giữ chức Đề đốc4 quân thứ Hải Dương, Tôn Thất Đính lấy cớ đau ốm xin nghỉ nên bị vua Tự Đức giáng tám cấp, sau đó mới về an trí tại Huế. Năm 1885, mặc dù đã già nhưng ông vẫn ủng hộ chủ trương của con là Tôn Thất Thuyết, quyết tâm đánh Pháp. Ông Đính bị giặc bắt vào tháng 7 năm 1885, lúc đang tìm đường đi theo vua Hàm Nghi. De Courcy ra lệnh đưa ông vào Gia Định, và đến tháng 9 năm 1885, Pháp đày cả ông Đính lẫn Phạm Thận Duật cùng Nguyễn Văn Tường xuống tàu đi Côn Đảo. Phạm Thận Duật sức yếu không chịu nổi đã chết trên đường đi, Nguyễn Văn Tường bị đưa tiếp sang Tahiti, còn Tôn Thất Đính bị đày tại Côn Đảo, về sau ông được Pháp trả về lại Huế, và sống những ngày còn lại tại chùa Phổ Quang, gần chợ Bến Ngự5. Ông mất vào ngày 28 tháng 10 năm Quý Tỵ (tức 5.12.1893).
__________________________________
1. Thời các chúa Nguyễn, quan võ có các chức là Chưởng dinh, Chưởng cơ, Cai cơ, Cai đội. Dẫu là họ hàng quyến thuộc của chúa, và được tin dùng đến mấy cũng được phong ngang chức Chưởng dinh là cao nhất. Nguyễn Phúc Nhuận giữ chức Chưởng dinh, và khi chết được truy tặng hàm Thiếu phó quận công, chứng tỏ ông có vị trí lớn trong dinh chúa.
2. Từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), những người trong Hoàng tộc thuộc dòng dõi các chúa bắt đầu được gọi là Tôn Thất thay cho họ Nguyễn Phúc. Từ đời con của Nguyễn Phúc Thành trở về sau đều mang chữ Tôn Thất thay cho họ, vì vậy hai người con của ông được cải lại là Tôn Thất Trung, Tôn Thất Lộc.
3. Thời Gia Long trở đi, Quản cơ là chức quan võ thuộc hàm chánh tứ phẩm. Các chức quan võ hàm chánh tứ phẩm đều được thụy phong là Minh nghĩa Đô úy.
4. Đề đốc là chức quan võ hàm chánh nhị phẩm. Tôn Thất Đính là Đề đốc Hải Dương hưu trí chứ không phải là Đề đốc Hộ thành Thuận Hóa như một số tài liệu đã nhầm.
5. Tôn Thất Hứa - “Quanh sự kiện Tôn Thất Thuyết”. Viên Giác, số Xuân Quý Dậu (1993), tr. 128.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 10:56:23 pm »


Tôn Thất Đính có 3 bà vợ, sinh hạ được 6 trai và 5 gái. Sáu người con của ông Đính theo thứ tự là:

Tôn Thất Dụ, bị mất từ sớm.

Tôn Thất Thuyết, sinh ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức 12.5.1839) tại xóm Phú Mộng, làng Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, cạnh Kinh thành Huế (nay thuộc tổ 13 khu vực II, phường Kim Long, thành phố Huế)1.

Tôn Thất Hàm, sinh năm 1842, làm quan giữ chức Tham biện Sơn phòng Thanh Hoá, từng được bổ làm Tri huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Ông tham gia phong trào Cần vương tích cực, về sau bị bắt đưa vào Đà Nẵng liền tự tuyệt thực mà chết vào ngày 9 tháng 12 năm 1892 (21 tháng 10 năm Nhâm Thìn).

Tôn Thất Lệ sinh năm 1851, làm quan giữ chức Tham biện Sơn phòng Quảng Trị, là người chỉ huy cánh quân đánh toà Khâm sứ ở Huế hôm 5.7.1885. Ông đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ở Mai Lãnh thuộc Quảng Trị để bảo vệ vua Hàm Nghi vào cuối tháng 7 năm 18852.

Tôn Thất Chiếu mất từ nhỏ.

Tôn Thất Chí sinh năm 1873, mất năm 1921.

Như vậy, trong 6 người con trai của Tôn Thất Đính, ngoại trừ Tôn Thất Dụ và Tôn Thất Chiếu chết sớm, Tôn Thất Chí còn nhỏ, ba anh em còn lại là Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Hàm và Tôn Thất Lệ đều tham gia việc nước, tất cả đều là quan lại triều đình.

Nếu tính từ ông tổ của hệ Năm là chúa Nguyễn Phúc Tần cho đến đời của anh em Tôn Thất Thuyết, không có đời nào của dòng họ này lại không theo đuổi binh nghiệp. Trực hệ của Tôn Thất Thuyết luôn giữ những chức vụ không nhỏ trong guồng máy chính quyền của các chúa Nguyễn, vua Nguyễn, và rất có uy tín với triều đình. Đây là một đặc trưng nổi bật của dòng họ Tôn Thất Thuyết, và đến đời anh em Tôn Thất Thuyết thì đặc trưng đó đã trở thành truyền thống được hun đúc mạnh mẽ.
_________________________________
1. Xem thêm: Thái Trưòng Huy Thanh - “Về nơi sinh của danh nhân Tôn Thất Thuyết”. Huế Xưa và Nay, số 14, 1995, tr. 27-29. Nguyễn Quang Trung Tiến: “Tôn Thất Thuyết - Anh hào lắm nỗi nhiêu khê” - Tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ, Sở KHCN&MT Thừa Thiên Huế, số 2, 1995, tr. 146-158; và “Nhận diện chặng đường lưu vong của Tôn Thất Thuyết”, tạp chí đã dẫn, số 4, 1995, tr. 40-47.
2. Ông Tôn Thất Hứa (trong bài đã dẫn) dựa vào gia phổ để cho rằng Tôn Thất Lệ hy sinh tại Mai Lãnh, Quảng Trị vào ngày 11/7 năm Ất Dậu (20.8.1885). Theo chúng tôi Tôn Thất Lệ hy sinh vào cuối tháng 7 năm 1885 (sớm hơn gần một tháng) thì mới hợp lý; vì các trận đánh truy kích đạo quân vua Hàm Nghi ở vùng Mai Lãnh, Quảng Trị xảy ra vào cuối tháng 7.1885. Từ đầu tháng 8.1885 Tôn Thất Thuyết đã phò vua Hàm Nghi sang Lào, không còn đánh nhau nữa, và cũng không có dấu hiệu chứng tỏ Tôn Thất Lệ còn sống đến lúc ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2016, 10:58:13 pm »


Kế thừa truyền thống binh nghiệp của cha ông, Tôn Thất Thuyết đã đem hết tài năng quân sự phục vụ triều Nguyễn, và thực sự đã chinh phục được vua Tự Đức. Có lẽ khi Tôn Thất Thuyết được vua Tự Đức tín nhiệm và giao trọng trách đảm nhận việc nước, phần nào đó cũng là do ông có một nguồn gốc xuất thân đáng kính nể từ dòng tộc đã trên 200 năm làm tướng (!).

Hổ phụ sinh hổ tử! Thế hệ con cái cũng không làm hổ danh dòng họ. Năm bà vợ của Tôn Thất Thuyết đã sinh cho ông 9 người con trai là Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Diên, Tôn Thất Tấn, Tôn Thất Khởi, Tôn Thất Khánh, Tôn Thất Lượng, Tôn Thất Hoàng, Tôn Thất Trọng; và 6 người con gái là: Tôn Nữ Thị Huyền, Tôn Nữ Thị Ẩn, Tôn Nữ Thị Năng, Tôn Nữ Thị Tri, Tôn Nữ Thị Thọ, Tôn Nữ Thị Tựu.

Trong các người con của Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Đàm là con trai trưởng, tham gia việc nước từ sớm, đảm nhận chức vụ Khâm sai Chưởng lý quân vụ đại thần, thay cha điều hành “triều đình Hàm Nghi” kháng chiến từ tháng 2 năm 1886 đến tháng 10 năm 1888 ở vùng núi Quảng Bình - Hà Tĩnh, và đã anh dũng tự sát vào 15.11.1888 khi hay tin vua Hàm Nghi bị lọt vào tay giặc. Con trai thứ hai là Tôn Thất Thiệp tuy còn trẻ (sinh năm 1871), nhưng biết bao lần đã vào sinh ra tử để bảo vệ ngọn cờ kháng chiến của phong trào Cần vương, cuối cùng cũng hy sinh quên mình trước mặt vua Hàm Nghi khuya ngày 1.11.1888 tại núi rừng Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình. Con trai thứ tám là Tôn Thất Hoàng cũng dính dáng đến cuộc khởi nghĩa Trung kỳ năm 1916 (có sự tham gia của vua Duy Tân) nên bị giặc Pháp bắt cùng với nhà hoạt động Khoá Bảo tên tuổi ở Quảng Trị, và bị đày đến chết trên nhà tù Lao Bảo1. Con trai thứ chín là Tôn Thất Trọng lúc mới tám tuổi đã bị giặc Pháp bắt cùng với thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương Quảng Bình là Nguyễn Phạm Tuân (4.1887), về sau lại hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và mất tích ở nước ngoài.

Ngay cả những người con rể cũng chịu ảnh hưởng khí phách dòng tộc Tôn Thất Thuyết, tham gia chống Pháp như Nguyễn Thượng Hiền (chồng bà Tôn Nữ Thị Ẩn) là nhà cách mạng đầu thế kỷ XX hoạt động cùng cụ Phan Bội Châu; Nguyễn Thượng Ý (chồng bà Tôn Nữ Thị Tựu) là Phụ giáo của vua Duy Tân.

Có thể nói rằng, nếu Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Hàm, Tôn Thất Lệ... là kết tinh của một truyền thống binh nghiệp của dòng tộc chúa Nguyễn Phúc Tần, thì các con của Tôn Thất Thuyết đã góp phần đắc lực trong việc hoàn chỉnh vẻ oai danh cho thế tộc của mình.

Sự đóng góp máu xương của anh em, gia đình và dòng tộc Tôn Thất Thuyết với lịch sử dân tộc vô cùng to lớn. Chính vì điều đó mà thế tộc của Tôn Thất Thuyết đã trở thành một thế tộc vang danh cho đến ngày nay, và luôn được người đời hết sức ngưỡng mộ.
____________________________________
1. Tôn Thất Hứa, bài đã dẫn, tr. 129.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 09:27:28 pm »


VỊ HOÀNG ĐẾ TRƯỞNG THÀNH TỪ NIÊN THIẾU
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN1

Kể từ ngày vua Tự Đức mất, mặc dù các Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nắm trọn quyền hành trong việc phế bỏ vua này, truất ngôi vua khác, nhưng họ lại rất bị động trong việc tìm người trong Hoàng tộc có cùng chí hướng để đưa lên ngôi báu. Cả vua Hiệp Hoà lẫn vua Kiến Phúc đều lần lượt đi ngược lại đường lối của phái chủ chiến, trở thành những phần tử không thể không bị loại bỏ khỏi việc triều chính đang đến hồi thực sự gây cấn.

Cái chết đột ngột của vua Kiến Phúc đêm 31.7.1884 đã đẩy phái chủ chiến trong triều đình Huế vào cái thế phải dứt khoát lựa chọn bằng được một ông vua ủng hộ lập trường chống Pháp. Song họ không tin được người nào trong số các hoàng tử con vua Thiệu Trị, ngay cả người con nuôi thứ hai2 còn lại của vua Tự Đức là Chánh Mông - Ưng Kỹ cũng vậy. Cho nên họ đã hướng tầm nhìn ra khỏi Hoàng thành để chọn một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống chốn gác ngọc cung son làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc, và quan trọng hơn hết là họ có thể lái chèo được nhà vua hướng về đại cuộc của quốc gia một cách dễ dàng. Người được chọn ấy chính là cậu bé Ưng Lịch, con thứ năm của Kiến Thái Vương Hồng Cai (hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) và cũng là em ruột của Chánh Mông - Ưng Kỹ và vua Kiến Phúc.

Ưng Lịch sinh ngày 3 tháng 8 năm 1871, từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn với mẹ ruột là bà Phạm Thị Nhờn, chớ không được học hành, nuôi dạy tử tế như hai anh ruột ở trong cung. Mũ áo xênh xang và cuộc sống vương giả hoàn toàn xa lạ với cậu bé quen sống trong cảnh dân dã. Khi thấy sứ giả của triều đình đến đón, cậu bé vô cùng sợ hãi và không dám nhận lấy áo mũ mà người ta dâng lên cho mình với thái độ cung kính như đối với một bậc quân vương. Vào sáng ngày 2 tháng 8 năm 1884, cậu bé Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hoà để làm lễ đăng quang, trở thành vua Hàm Nghi lúc vừa tròn 13 tuổi.

Việc đưa Ưng Lịch lên ngôi là chủ trương của phái kháng chiến, đứng đầu là Phụ chính đại thần kiêm Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết, nên đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người Pháp, và cũng không tránh khỏi sự đả kích của các phần tử thân Pháp trong nội bộ hoàng tộc. Là một vị vua mới 13 tuổi, dĩ nhiên vua Hàm Nghi chưa thể nào có được ý thức đầy đủ về thù nhà, nợ nước, cũng như chưa thể nào hiểu được vai trò của một vị hoàng đế trong bối cảnh đất nước bị ngoại bang thống trị. Cho nên mọi việc triều chính hầu như đều do Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường sắp đặt, còn nhà vua thì chỉ việc y theo. Công việc đầu tiên mà vua Hàm Nghi phải thủ vai, dưới sự hướng dẫn của Tôn Thất Thuyết, là tổ chức đón phái đoàn Pháp từ Toà Khâm sứ ở bờ Nam sông Hương sang điện Thái Hoà làm lễ tôn vương cho nhà vua. Đây là kết quả thắng lợi mà phe chủ chiến của triều đình Huế đã đạt được trong việc bảo vệ ngai vàng của Hàm Nghi. Còn đối với người Pháp thì sau những yêu sách, đòi hỏi bất thành, họ đành phải nhân nhượng để tránh thêm những rắc rối mới bằng cách chấp nhận một sự việc đã rồi.
______________________________
1. Đại học KHXH-NV Huế.
2. Vua Tự Đức vì không có con nên đã nhận 3 người cháu ruột làm con nuôi là:
    - Dục Đức - Ưng Chân, sinh ngày 23/02/1852, con của Kiến Thuỵ Vương Hồng Y (hoàng tử thứ 4 của vua Thiệu Trị). Ưng Chân kế ngôi vua Tự Đức mới được ba ngày, chưa kịp đặt đế hiệu thì đã bị truất ngôi, nên thường được gọi là vua Dục Đức. Dục Đức bị chết đói trong ngục ngày 24.10.1884.
    - Chánh Mông - Ưng Kỹ, sinh ngày 19.02.1864, con của Kiến Thái Vương Hồng Cai (hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị). Ưng Kỹ về sau được đưa lên kế ngôi Hàm Nghi từ 14.01.1885 đến 28.01.1889, hiệu là Đồng Khánh.
    - Dưỡng Thiện - Ưng Đăng, sinh ngày 12.02.1869, em ruột của Ưng Kỹ, kế ngôi vua Hiệp Hoà từ 30.11.1883 đến 31.07.1884, hiệu là Kiến Phúc.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 09:30:09 pm »


Lúc 9 giờ sáng ngày 17.8.1884, phái đoàn Pháp gồm đại tá Guerrier, Khâm sứ Rheinart, thuyền trưởng Wallarmé cùng 185 sĩ quan, binh lính kéo sang Hoàng thành Huế. Guerrier buộc triều đình Huế phải để toàn bộ quân Pháp tiến vào Ngọ môn bằng lối giữa, là lối chỉ dành cho vua đi, nhưng Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt. Cuối cùng, chỉ có ba sứ giả được vào cổng chính, còn số sĩ quan, binh lính tháp tùng phải đi theo lối hai bên. Trong Hoàng thành, lính Cấm vệ và bá quan văn võ của triều đình Huế đội ngũ nghiêm chỉnh, xếp từ Ngọ môn đến điện Thái Hoà. Vua Hàm Nghi được bố trí ngồi yên trên ngai, không bước xuống và cũng không đứng dậy khi phái đoàn Pháp vào điện. Bực tức vì không được thoả mãn ý đồ, Guerrier đã không theo đúng những nghi thức do bộ Lễ đã bàn trước, mà chỉ bước đến bệ rồng chào vua Hàm Nghi, sau đó mở chiếc hộp màu đỏ cầm sẵn trên tay rút ra bản chúc từ, rồi nhân danh Chính phủ Pháp tuyên đọc để công nhận việc lên ngôi của vua Hàm Nghi, kèm theo những lời chúc tụng chiếu lệ. Vua Hàm Nghi đáp lễ bằng cách sai một đại thần hỏi thăm sức khoẻ Tổng thống Grévy của nước Pháp cùng các quan chức Pháp đã từng sang Việt Nam công cán. Cả phía triều đình Huế lẫn phái đoàn Pháp đều mang tâm trạng hậm hực không vừa lòng nhau, nhưng buổi lễ thọ phong cuối cùng cũng kết thúc êm thắm. Khi phái đoàn Pháp cáo từ, Tôn Thất Thuyết ngầm lệnh cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ môn lại, quân Pháp đành phải nuốt giận theo lối cửa hai bên mà về. Thái độ của triều đình Huế và vua Hàm Nghi trong buổi lễ tôn vương, mà người xếp đặt là Tôn Thất Thuyết, đã khiến cho người Pháp vô cùng căm tức, nhưng quan lại và dân chúng Việt Nam khắp nơi đều hả dạ và bày tỏ thái độ hoan nghênh nhiệt liệt. Nhìn nhận về sự kiện này, Marcel Gaultier viết: “Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn. Thái độ ấy do Hội đồng phụ chính đề ra, hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như là mệnh lệnh (chống lại người Pháp - TG) không nói ra bằng lời...”1

Sau cuộc đối phó thành công với người Pháp trong việc tôn lập vua Hàm Nghi, phái chủ chiến ra sức củng cố thế lực, kiên quyết trừng trị các phần tử thân Pháp chống đối ngôi vị của vua mới. Thông qua bộ tham mưu của phái chủ chiến, vua Hàm Nghi đã kết tội Kỳ Phong Công Hồng Đình (hoàng tử thứ 23 của vua Thiệu Trị), bởi vì ông này có tính tình phóng đãng, lại nghiện ngập bê tha, và quan trọng nhất là đã dám phản đối cuộc lên ngôi của vua Hàm Nghi, dám nhục mạ vua là đứa con hoang vô thừa nhận. Hồng Đình bị bắt giam vào ngục như Dục Đức và bị bỏ đói đến chết vào ngày 19 tháng 9 năm 1884. Sau đó, vua Hàm Nghi còn ký lệnh cho Nguyễn Văn Tường bắt giam luôn Gia Hưng Quận vương Hồng Hưu (hoàng tử thứ 8 của vua Thiệu Trị, cựu Phụ chính đại thần triều vua Kiến Phúc, và là người cầm đầu phủ Tôn Nhân), bởi vì ông này có ý đồ hạ bệ Nguyễn Văn Tường - Tôn Thất Thuyết, chống đối ngôi vua của Hàm Nghi, chống lại chủ trương chống Pháp của phái chủ chiến (thực tế trước đó viên Khâm sứ Rheinart cũng đã từng bác bỏ Hàm Nghi và đề nghị triều đình Huế đưa Gia Hưng Quận vương Hồng Hưu lên làm vua). Nhờ có Khâm sứ mới tới thay thế là Lemaire đứng ra can thiệp, Hồng Hưu thoát khỏi cảnh bị giam cầm trong ngục thất, song vẫn bị triều đình Huế lột hết phẩm tước và đày ra sơn phòng Cam Lộ vào cuối tháng 10 năm 1884, con cái bị cải sang họ mẹ hoặc đổi qua Tôn Thất. Hồng Hưu bị chết vào ngày 9.5.18852.

Hàm Nghi tại vị là một thành quả lớn trong nỗ lực ổn định nội bộ triều đình Huế của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và phái chủ chiến. Mặc dù vua Hàm Nghi còn nhỏ tuổi và chưa mấy quan tâm đến vận mệnh của đất nước, song nhờ thế mà từ khi nhà vua lên ngôi cho đến ngày thất thủ Kinh thành Huế, phái chủ chiến không còn gặp phải những trở ngại từ phía người đại diện quyền uy tối thượng của vương triều như dưới thời Hiệp Hoà, Kiến Phúc nữa. Dẫu chưa phải là người đồng chí hướng, nhưng sự hiện diện của Hàm Nghi trên ngai vàng đã bảo đảm quyền lực tối ưu cho Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, và do vậy cán cân lực lượng trong nội bộ triều đình Huế nghiêng hẳn về phía những người chủ trương chống Pháp. Chính nhờ thế mà triều đình Huế đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của thực dân Pháp để tích cực chuẩn bị cho một cuộc đối đầu bằng vũ lực, và vua Hàm Nghi nghiễm nhiên trở thành đại diện tối cao cho ý chí độc lập, tự chủ của quốc gia.
___________________________________
1. Marcel Gaultier - Le Roi Proscrit, Hanoi, Impr. d'Extrême - Orient, 1940, tr. 40-41.
2. Nguyễn Thế Anh - Monarchie et fait colonial au Vietnam (1875-1925). Paris, Editions l’Harmattan, 1992, tr. 56.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 09:34:41 pm »


Cuộc tấn công của quân đội triều Nguyễn, dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, vào lực lượng quân Pháp ở Kinh thành Huế vào đêm 4 rạng sáng 5.7.1885 thất bại đã đưa đẩy vua Hàm Nghi bước vào cuộc chiến đấu chống Pháp một cách bất đắc dĩ. Vào mờ sáng hôm đó, khi quân triều đình tỏ ra núng thế trước các mũi phản công của quân Pháp, Tôn Thất Thuyết đành phải tính đường rút vào Kinh thành Huế. Tàn quân được lệnh tập trung ở cửa Chương Đức, Tôn Thất Thuyết vào cung báo lại việc giao chiến trong đêm, và mời vua Hàm Nghi cùng Tam cung1 lên đường. Nghe chuyện phải rời khỏi kinh thành, vua Hàm Nghi đã thảng thốt nói: “Ta có đánh nhau với ai đâu mà phải chạy”2. Bước lên kiệu, chân vấp phải nấc thang cũng khiến nhà vua khóc ròng. Đoàn hộ giá theo lối cửa Hữu đi lên chùa Linh Mụ, rồi hướng ra Bắc một cách vội vã. Vua Hàm Nghi ngồi trong kiệu bị chao đảo liên tục, đầu nhà vua bị va đập nhiều lần vào thành kiệu đến chảy nước mắt, sau cùng vua phải xuống nằm trên võng cho lính cáng. Mãi đến chiều 6.7.1885, cả đoàn mới tới được Quảng Trị. Chiều ngày 8.7.1885, Thái hậu Từ Dũ ra lệnh họp bá quan văn võ ở Hành cung Quảng Trị, ngỏ ý muốn trở về Huế và thừa nhận hiệp ước Patenôtre (6.6.1884). Phần lớn quan lại và những người trong Hoàng phái đều đồng tình, kể cả vua Hàm Nghi, chỉ có Tôn Thất Thuyết và một số ít thuộc phái chủ chiến phản đối. Ngày 9.7.1884, dưới áp lực của Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi đành từ biệt Tam cung, gạt lệ lên đường đi Tân Sở trong tâm trạng u buồn, ủ rũ. Làng Điềm ở Bảng Sơn cách thành Tân Sở hai cây số về phía Bắc là nơi vua Hàm Nghi trú chân, còn quân sĩ thì đóng ở trong thành. Khung cảnh núi đồi hoang dại và một tương lai hứa hẹn nhiều gian khó càng khiến nhà vua thêm phần nhớ Huế. Khi nhận được bức thư của Nguyễn Văn Tường3 gởi cho nhà vua đề nghị trở về, vua Hàm Nghi đã không dằn lòng nổi, liền yêu cầu Tôn Thất Thuyết đưa mình trở lại Huế, chấp nhận sống trong vòng kiềm toả của người Pháp. Trước những tình cảm nông nổi và suy nghĩ non trẻ của nhà vua, Tôn Thất Thuyết đã nghiêm mặt nói rằng nếu muốn về thì xin vua hãy để đầu lại. Vua Hàm Nghi lúc đó mới sợ và không còn dám bàn chuyện trở về Huế nữa.

Việc xuất bôn của Hàm Nghi sau sự biến Kinh thành Huế đã đẩy người Pháp vào một thế lúng túng về mặt chính trị. Họ tự nhìn nhận đã “bị rắc rối vô cùng vì cuộc xung đột đổ máu đêm 5.7.1885 đã biến đổi hoàn toàn thời cục xứ An Nam. Vị vua trẻ tuổi đã rời bỏ kinh thành thì ở Huế không còn có chính phủ, không có chính quyển, không còn có ai có thể thi hành các điều ước liên tiếp mà chúng ta đã ký kết với nước này...”4. Công bằng mà xét thì đó là hệ quả trực tiếp mà Tôn Thất Thuyết và các đồng chí của ông tạo nên, còn Hàm Nghi chỉ là một nhân vật thụ động, nếu không muốn nói là nhà vua đã bị cưỡng ép.
__________________________________
1. Tam cung gồm có 3 bà là:
    - Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.
    - Trang Ý Hoàng Thái hậu, vợ cả vua Tự Đức, mẹ nuôi của Dục Đức.
    - Hoàng Thái phi (hay bà Học phi), vợ thứ của vua Tự Đức, mẹ nuôi của Kiến Phúc và sau đó còn là mẹ nuôi của vua Hàm Nghi.

2. Phạm Hoàng Sơn – Việt Nam cách mạng cận sử. Sài Gòn, Khai Trí phát hành, 1963, tr. 38.
3. Lúc đoàn hộ giá vua Hàm Nghi đến Kim Long, bà Từ Dũ ngầm ra lệnh cho Nguyễn Văn Tường quay lại điều đình với Pháp. Nguyễn Văn Tường đã nhờ Giám mục Kim Long là Caspar đưa về gặp De Courcy và hợp tác với Pháp, phản lại Tôn Thất Thuyết. De Courcy giao trách nhiệm cho Tường phải đưa vua Hàm Nghi về Huế và ổn định tình hình trong vòng hai tháng.
4. Ch. Gosselin - L’Empire d’Annam, Paris, Perrin et Cie, 1904, tr. 207.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 09:41:54 pm »


Miễn cưỡng dấn thân vào cuộc chiến đấu, từ Tân Sở cho đến khi ra tới sơn phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi đã chịu nhiều khổ ải vì phải luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, giữa thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, giữa muôn vàn thiếu thốn, bệnh tật, đói khát và sự hiểm nguy về tính mạng luôn luôn đe doạ. Trước nỗi gian khổ và sự hy sinh không quản ngại của những người theo phò tá, của nhân dân các vùng đi qua, vị vua thơ dại dần hiểu được ý nghĩa việc bôn tẩu của mình. Sự ủng hộ, che chở, giúp đỡ và tham gia nhiệt tình của đồng bào các địa phương từ Quảng Trị qua tới đất Lào, cũng như ở vùng rừng núi Hà Tĩnh - Quảng Bình, đã làm cho vua Hàm Nghi thấy được vai trò lịch sử của bản thân mình, nên nhà vua không còn cảm thấy bị cưỡng ép như trước. Chính nhờ những chuyển biến tâm lý đó mà nhà vua đã có hùng tâm để theo nghĩa quân lên thác, xuống ghềnh, nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử trong gần bốn năm trời. “Nhà vua bị những sự gian lao mài luyện thành người nhẫn nại, và đón cuộc phong trần bằng thái độ rất thản nhiên1. Hai lần xuống chiếu Cần Vương, một lần gởi thư cầu viện cho Tổng đốc Vân Quý của Mãn Thanh2 và rất nhiều chỉ, dụ khác gởi các quan lại, lãnh tụ của phong trào chống Pháp đã nâng vua Hàm Nghi lên một tầm cao mới, “tên của ông ta đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia”3. “Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời gọi của ông vua xuất hạnh”4.

Trong suốt thời gian kháng chiến của vua Hàm Nghi, ba bà thái hậu và vua Đồng Khánh5 liên tục gởi thư kêu gọi trở về, nhưng vua khẳng khái từ chối. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert cũng từng nghĩ đến việc lập Hàm Nghi làm vua bốn tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình nhưng không thành. Vinh hoa phú quý cũng như sự nhọc nhằn gian khổ không thể làm lay chuyển ý chí của một con người đã giác ngộ. “Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà trong vòng cương toả của người”6. Đêm 11.1888, khi Tôn Thất Tiệp và cha con Thống chế Nguyễn Thuý bảo vệ Hàm Nghi đã bị quân phản bội giết chết, nhà vua chỉ thẳng vào mặt Trương Quang Ngọc mà rằng: “Mày giết ta đi còn hơn là mày mang ta mà nộp cho Tây”. Sau khi nghe xong bức thư của đại uý Pháp là Boulanger do Trương Quang Ngọc đọc, nhà vua vẫn nói: “Ta có quen biết với người viết bức thư này đâu, ta chẳng hiểu gì cả, ta về Huế làm gì?”7.
________________________________
1. Phan Trần Chúc – Vua Hàm Nghi. Hà nội, Chính Ký, 1952, tr. 142.
2. Chiếu Cần Vương lần thứ nhất phát tại Tân Sở (Quảng Trị) vào ngày 13.07.1885; lần thứ hai phát tại vùng Sơn phòng Hà Tĩnh vào ngày 19.09.1885. Còn thư của vua Hàm Nghi cầu viện Tổng đốc Vân-Quý nhà Mãn Thanh thì được viết trong khoảng tháng 8 năm 1885, một tháng sau ngày nổ ra sự biến kinh thành Huế.
3. Ch. Gosselin - L’Empire d’Annam, Sđd, tr. 239.
4. Như trên, tr. 237.
5. Sau nhiều cố gắng để đưa Hàm Nghi về Huế nhưng không thành, người Pháp đã lập Ưng Kỹ lên ngôi từ ngày 14.09.1885, lấy hiệu là Đồng Khánh. Bấy giờ ở Huế có câu ca dao nói về Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh:
Một nhà sinh được ba vua
Vua sống, vua chết, vua thua chạy dài
”.
6. Phan Trần Chúc – Vua Hàm Nghi, Sđd, tr. 143.
7. Như trên, tr. 170.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 09:46:50 pm »


Từ cái đêm tồi tệ đó ở bên bờ khe Tá Bào (nằm ở thượng lưu sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình), Trương Quang Ngọc mang vua Hàm Nghi về các đồn Thanh Lạng, Đồng Ca, rồi sang Quảng Khê và đến đồn Thuận Bài vào chiều 14.11.1888. Quân Pháp tổ chức chào đón nhà vua rất long trọng, song nhà vua không hề chịu nhận mình là vua Hàm Nghi, đồng thời còn giả vờ ngây ngô không hiểu từ “Lang-sa” là gì. Lúc này, tuy đã gần 18 tuổi, nhưng nhà vua chân tay nhỏ nhắn, sức vóc yếu đuối, ra vào phải có người cõng, khiến cho người Pháp thêm phần nghi ngại. Viên trung uý chỉ huy đội quân sen đầm từ Huế ra đón là Bonnefoy chuyển bức thư của Tôn Thất Đàm gởi cho vua Hàm Nghi1, xem xong nhà vua ném lá thư xuống bàn làm như không có quan hệ gì đến mình; nhưng đêm đến, khi bốn bề vắng lặng, nhà vua lấy thư đọc đi đọc lại nhiều lần ra chiều cảm khái. Viên Đề đốc Thanh Thuỷ là Nguyễn Hữu Viết được người Pháp cử tới thăm hỏi để nhận mặt, nhà vua giả như không hay biết. Nhưng khi thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến thì vô tình nhà vua đứng dậy vái chào. Đến lúc ấy người Pháp mới yên trí đó là vua Hàm Nghi, vị hoàng đế trẻ tuổi mà nhiều năm qua sĩ phu và nhân dân các xứ Trung - Bắc kỳ đổ máu xả thân hưởng ứng lời hiệu triệu, nay đã nằm trong tay họ. Từ Thuận Bài, người Pháp chuyển vua Hàm Nghi qua Bố Trạch, rồi vào Đồng Hới, và tới cửa Thuận An hôm 22.11.1888.

Lúc này triều đình Huế đã biết tin Hàm Nghi bị bắt, vua Đồng Khánh sai quan lại Thừa Thiên và bộ binh ra đón ở vùng địa đầu của tỉnh để đưa về Huế. Nhưng người Pháp rất sợ dân tình sẽ bị khích động một khi thấy mặt ông vua kháng chiến. Và quan trọng hơn nữa là nhà vua thực sự muốn chống lại Pháp, trở thành nhân vật hoàn toàn bất lợi cho nền thống trị của họ, nên Pháp đã báo cho Viện Cơ Mật hay rằng vua Hàm Nghi lúc này tính tình khác thường, về Kinh e có điều bất tiện cần phải đưa đi tĩnh dưỡng nơi khác một thời gian, lúc nào trong nước bình yên sẽ rước về. Kỳ thật người Pháp đã có một quyết định dứt khoát đối với vị vua kháng chiến này là đày sang xứ Algérie ở Bắc Phi. Tại Thuận An, Khâm sứ Rheinart2 cùng các nhân viên Viện Cơ mật là Đoàn Văn Bình, Lê Trinh và Tham tri bộ Công là Phạm Bỉnh kéo xuống thăm hỏi, nhưng nhà vua cáo ốm không chịu tiếp. Bị thúc ép mãi, vua Hàm Nghi phải ra hội kiến nhưng vẫn giữ thái độ hết sức lãnh đạm. Rheinart báo cáo cho hay là Thái hậu đang đau nặng, nếu nhà vua muốn thăm hỏi thì sẽ cho người rước về gặp mặt. Nghe vậy, vua Hàm Nghi sa sầm nét mặt đáp: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa”. Rồi cáo từ về phòng riêng. Trong thời gian tiếp chuyện, một sĩ quan Pháp lén chụp ảnh vua Hàm Nghi, rồi gởi đi khắp nơi để tuyên truyền việc nhà vua bị bắt là xác thực. Vào 4 giờ sáng 25.11.1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Trên đường, Bonnefoy cố dò hỏi về Tôn Thất Thuyết, vua Hàm Nghi trả lời không biết Tôn Thất Thuyết là ai và tỏ ra không hiểu gì về câu hỏi ấy. Buổi chiều, khi chạy qua Hải Vân quan, viên sĩ quan Pháp chỉ vào chiếc pháo thuyền La Comète đậu ở bến Linh Kiện nói khích rằng vì Tôn Thất Thuyết mà nhà vua sắp phải xuống đó để lìa xa Tổ quốc. Vua Hàm Nghi gạt đi và yêu cầu Bonnefoy đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, rồi bước xuống tàu để đi Sài Gòn. Trước phút rời xa quê hương, nhà vua nhìn lên bờ, không nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã oà khóc3.
_________________________________
1. Khi nghe tin vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đàm viết hai bức thư: một gởi vua Hàm Nghi để xin tạ tội vì đã không bảo vệ được nhà vua; một gởi cho quân Pháp ở đồn Thuận Bài, Quảng Bình yêu cầu đừng giết những nghĩa quân của ông sắp sửa ra đầu thú, rồi thắt cổ chết vào ngày 15.11.1888, hưởng dương được 22 tuổi.
2. Lúc này Rheinart lại được cử sang giữ chức Khâm sứ Pháp tại Huế.
3. Phạm Văn Sơn – Việt Nam cách mạng cận sử, Sđd, tr. 93-97 và Phan Trần Chúc – Vua Hàm Nghi, Sđd, tr. 177-182.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 09:50:04 pm »


Nếu như trước đó người Pháp cho rằng vua Hàm Nghi vì chịu sức ép của cha con Tôn Thất Thuyết và những người kháng chiến mà duy trì cuộc đấu tranh chống Pháp, thì giờ đây họ phải giải thích như thế nào về một lựa chọn do chính bản thân nhà vua quyết định? Có thể nói cuộc lưu đầy của vua Hàm Nghi sang xứ lạ quê người là một bản án mà người ký quyết định thi hành không ai khác hơn là chính bản thân nhà vua. Hàm Nghi đã tự mình không chấp nhận thân phận một nô lệ, dẫu cho người nô lệ ấy được đặt ở vị trí một hoàng đế. Quyết tâm của nhà vua khiến cho người Pháp hết sức kinh ngạc, bởi vì lâu nay họ vẫn cho rằng nhà vua chiến đấu chống lại họ trong thế bị ép buộc từ phía những người chủ chiến, rằng những năm qua nhà vua đã miễn cưỡng trong việc duy trì một cuộc “Thánh chiến” chống lại họ. Ngay cả vua Đồng Khánh cũng cho rằng: “Nhà nước ta, trước nhân ách vận, quyền thần lộng quyền, bức bách em nhỏ ta là Ưng Lịch, lập nên làm vua để thoả lòng riêng, rồi sinh mất hoà khí, hỏng việc, ức hiếp vua phải chạy, làm mê hoặc lòng người, để hại cho trăm họ1. Sự thật cho thấy vị vua chưa đầy 18 tuổi đã có những quyết định độc lập của riêng mình, một nhận thức đầy đủ về mặt chính trị và lập trường chống Pháp rõ ràng. Nói cách khác là nhà vua đã tự mình nhận thức được vấn đề Dân - Nước từ trong thực tiễn đấu tranh để trưởng thành thực sự. Ý chí cương quyết và thái độ không quỳ gối trước kẻ thù của vua Hàm Nghi là niềm tự hào to lớn của những con dân biết cầm vũ khí chống lại quân xâm lược, và vì thế mà hình ảnh của nhà vua kháng chiến trẻ tuổi mãi mãi không phai mờ trong tâm tưởng của mọi người.

Hổ thẹn trước khí phách kiêu hùng của Hàm Nghi, và để xoa dịu nỗi bất bình của dân chúng, vua Đồng Khánh đã biện hộ cho việc lưu đày Hàm Nghi rằng: “Công ấy (vua Hàm Nghi - TG) hiện nhân khí lam chướng, tích thành cố tật, nước ta đã chữa chạy sợ không được khỏi, quý đại thần (người Pháp) rất không yên tâm, chi bằng danh y ở quý quốc (nước Pháp) học thuật giỏi hơn, nên giao cho quý quốc, chọn nơi nuôi nấng giữ gìn, ngày thêm thuốc chữa, quyết hẳn sớm yên, sẽ lại đưa về, xin đừng quan ngại”2. Từ Sài Gòn, ngày 13.12.18883 vua Hàm Nghi bị đưa xuống chiếc tàu mang tên “Biên Hoà” vượt đại dương đi Bắc Phi. Do không quen đi đường biển, nhà vua bị say sóng liên miên, cơ thể vật vã, nhưng vẫn không hề thốt ra một lời kêu ca, oán thán. Sau cả tháng trời lênh đênh giữa biển, vua Hàm Nghi đã đặt chân đến Algérie vào ngày 13.01.1889. Lúc này nhà vua vừa bước qua tuổi 18. Tuổi xuân của vị hoàng đế đã bắt đầu, nhưng nghiệt ngã thay lại diễn ra trong cuộc sống lưu đầy nơi xứ lạ quê người!

Vua Hàm Nghi được bố trí ở tại một ngôi nhà thuộc làng El Biar nằm trên dãy đồi cao Mustapha. Đây là một vùng hẻo lánh chớ không đông đúc, nhộn nhịp như ở thành phố Alger cách đó vài cây số. Những ngày mới sang, nhà vua không chịu học tiếng Pháp vì cho rằng đó là ngôn ngữ của kẻ thù, và vẫn dùng khăn lượt, áo dài theo nếp cũ ở quê hương. Khoảng một năm sau, vì nhu cầu hiểu biết, và để tránh bớt sự hiếu kỳ của dân bản xứ, vua Hàm Nghi thay đổi cách ăn mặc và bắt đầu học tiếng Pháp. Người dạy vua Hàm Nghi là thầy dòng Néopold4 thường khen ngợi óc thông minh và sự ham học của nhà vua về các môn toán học. Thời gian đầu vua Hàm Nghi nói còn kém, nhưng vài năm sau đã nói đúng giọng và thông thạo tiếng Pháp một cách đặc biệt, khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Vua Hàm Nghi còn có biệt tài và năng khiếu về cả hai môn âm nhạc lẫn hội hoạ, hai môn này đã làm khuây khoả bớt những nỗi chua xót mà nhà vua âm thầm chịu đựng và không bao giờ quên được. Người dân bản xứ kính trọng gọi nhà vua là “ông Hoàng An Nam”, về sau nhà vua lấy một người vợ thuộc giới quý tộc Pháp, con gái của chánh án toà án thành phố Alger, sinh được một hoàng tử tên là Minh Đức và hai nàng công chúa, trong đó có một người đỗ kỹ sư nông học.

Nhà vua vẫn ở tại El Biar một cách bình dị cho đến những ngày cuối cùng của cuộc sống lưu đày. Năm 1943, vị vua kháng chiến qua đời, mang theo nỗi hờn vong quốc không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí. Vua Hàm Nghi đã thực sự để lại nhiều nỗi cảm phục, luyến tiếc và xót thương cho những người dân Việt.
____________________________________
1. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập XXXVIII, H., Nx. KHXH, 1978, tr. 142.
2. Như trên, tr. 143.
3. Nguyễn Thế Anh - Monarchie et fait colonial au Vietnam, Sđd, tr. 134.
4. Về sau Néopold sang Việt Nam và mất tại trường Pellerin ở Huế vào năm 1912.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2016, 10:49:07 pm »


VUA HÀM NGHI VÀ SỰ MỞ ĐẦU PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG
TỪ ĐẤT QUẢNG TRỊ
PHẠM HỒNG VIỆT1

Đêm mồng 4 rạng sáng ngày mồng 5 tháng 7-1885 (lúc 0 giờ 40 phút), Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn chỉ huy Phấn nghĩa quân mở cuộc tấn công quyết liệt vào đồn Mang Cá, khu nhượng địa, khu sứ quán của thực dân Pháp ở Huế. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Quân Pháp chết mất 4 sỹ quan và 60 tên lính. Nhưng về phía người Nam thì vừa dân vừa lính chết chừng 1500 người. Ngày 5-7-1885 ấy chính là 23 tháng 5 Ất Dậu. Ở Huế ngày 23-5 được coi là ngày “Quảy cơm chung”, cũng là ngày kỷ niệm “Kinh thành thất thủ”.

Tảng sáng ngày 5-7, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng Tam Cung (Từ Dũ - mẹ vua Tự Đức; Trang Y - vợ vua Tự Đức và mẹ nuôi vua Dục Đức; Học Phi - vợ Tự Đức và mẹ nuôi vua Kiến Phúc) rút khỏi kinh thành.

Cùng ngày 5- 7-1885, đoàn của Hàm Nghi đến Trường Thi (La Chữ), trưa đến xã Văn Xá. Tôn Thất Thuyết ra bản thông báo cho khắp nước biết việc vua Hàm Nghi xuất bôn.

Trong ký ức của một số người dân Quảng Trị trước năm 1945, có hình ảnh của vua Hàm Nghi trên đường ra Tân Sở. Ở vào khoảng nửa chặng đường dài chừng mười ki lô mét trên con đường thiên lý từ thị xã Quảng Trị cũ vào lỵ sở phủ Hải Lăng (thôn Diên Sanh, nay thuộc xã Hải Thọ), ngày ấy “cả bức vườn rộng - một vườn cau - nằm đầy lính tráng. Có hai thớt tượng, không đưa được vào trong vườn, phải để ngoài đường cái...”.

Bà con còn kể lại rằng không ít người đã đi theo vua. “Trong làng có một số người yêu nước lần ấy theo vua Hàm Nghi ra đi kháng chiến và không bao giờ trở lại”. Nhà báo Phan Quang có kể lại sự ra đi của một người cụ thể như sau: “Cha ông lý Bản là một . Nhà ông lý cách nhà tôi có một lối đi, nối đường quan đến bờ sông, nó là cái ngõ dùng chung cho mấy gia đình trong xóm. Tôi có được mấy lần theo cha sang ăn kỵ bên nhà hàng xóm. Cha tôi nói nhỏ với tôi trước khi đi: “Hôm nay không đúng là ngày kỵ thật đâu. Không ai biết “ổng” mất ngày nào. Con cháu chỉ lấy ngày ông bỏ làng cùng với vua ra đi để làm ngày giỗ, coi như ngày ông mất vậy thôi2.
____________________________
1. Đại học Sư phạm Huế.
2. Xem: Phan Quang – Vua Hàm Nghi ghé làng tôi, Tạp chí Sông Hương, số 37, tháng 5-1989.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM