Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:27:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68408 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #180 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:44:06 pm »


ANH HÙNG TRẦN VĂN CƯỜNG

Trần Văn Cường sinh năm 1948, quê ở xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 9 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung tá, phó đoàn trưởng, tham mưu trưởng đoàn 565, trực tiếp làm trung đoàn trưởng trung đoàn 14, binh đoàn 12.

Trần Văn Cường là đoàn phó, tham mưu trưởng đoàn 565, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ được giao làm trung đoàn trưởng trung đoàn 14 - đơn vị đảm nhiệm đào đường làm công trình thủy điện Hòa Bình. Đồng chí luôn nêu cao quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, tổ chức chỉ huy chặt chẽ cùng tập thể lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: khoan đào hầm đạt từ 100 đến 123%; đổ bê tông đạt từ 110 đến 125%; bạt xả kênh bờ phải đạt từ 110 đến 135%.

Nổi bật là nhiệm vụ khoan đào hầm một công việc mới mẻ, khó khăn, Trần Văn Cường đã vận dụng nhiều biện pháp thi công và nhanh chóng làm chủ trang bị kỹ thuật mới. Tổ chức những đội xung kích mũi nhọn (đi lò nhanh) nên năm 1985 - 1986 đơn vị 2 lần lập kỷ lục khoan đào hầm từ 41,8 mét lên 51,2 mét, tháng. Các hầm do đơn vị đồng chí chỉ huy đều vượt tiến độ từ 5 đến 7 ngày, chất lượng công trình được lãnh đạo công trình và chuyên gia đánh giá cao.

Tính trong 6 năm thi công đường hầm đơn vị đồng chí đã khoan đào 4,8 ki-lô-mét, với 160.000 mét khối đất đá. Riêng năm 1988, chỉ trong 9 tháng đơn vị đã đạt 200%.

Trần Văn Cường luôn chú ý xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt được anh em tin yêu.

8 năm làm nhiệm vụ trên công trình thủy điện Hòa Bình đồng chí được tặng 8 bằng khen (có 4 bằng khen của chuyên gia Liên Xô) 4 năm liền là Chiến sĩ thi đua, 1 Huy hiệu của Bộ Năng lượng Liên Xô tặng.

Ngày 8 tháng 2 năm 1989, Trần Văn Cường được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #181 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:44:48 pm »


ANH HÙNG ĐINH THỊ DUNG

Đinh Thị Dung sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ tháng 4 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại úy chuyên nghiệp, quản lý và phụ trách nhà ăn cấp tá, Viện Quân y 103 thuộc Học viện Quân y, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đinh Thị Dung trưởng thành từ một công nhân làm nhiệm vụ cấp dưỡng (1959 - 1964), làm quản lý bếp ăn rồi phụ trách nhà ăn cấp tá của Viện Quân y 103 (1965 - 1989). Trong 30 năm công tác, Đinh Thị Dung đã xác định tốt tư tưởng, có quyết tâm cao, luôn an tâm gương mẫu, yêu nghề, say sưa với nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện sơ tán, tập trung của bếp, bảo đảm từng bữa ăn cho cán bộ, nhân viên của viện, được quần chúng tin tưởng, mến phục.

Trong công tác chuyên môn, Đinh Thị Dung luôn tích cực học hỏi qua các lớp chuyên môn, học ở đồng chí, đồng đội, thường xuyên rút kinh nghiệm, cải tiến, nâng cao chất lượng, dần dần đồng chí trưởng thành, tỏ rõ là người quản lý có năng lực, có nghiệp vụ. Quá trình công tác Đinh Thị Dung đã chấp hành nghiêm các chế độ kinh tế, tài chính, thực hiện công khai, không để xảy ra thâm hụt, giữ vững mức ăn cho bộ đội. Trong nuôi quân đồng chí đã chịu khó nắm vững nguồn lương thực, thực phẩm để khai thác, nghiên cứu sở thích và nhu cầu của từng đối tượng để phục vụ... Từ đó mà tìm cách cải tiến, chế biến món ăn, bảo đảm cho mọi người ăn đủ, ăn ngon trong tiêu chuẩn quy định. Đinh Thị Dung đã cùng nhà bếp thường xuyên chăm lo đến bữa ăn của các đồng chí trực đêm, đang mổ hoặc đi công tác xa về nhỡ bữa... lúc nào cũng đáp ứng chu đáo với thái độ vui vẻ, chân tình, góp phần cho anh em yên tâm làm nhiệm vụ.

Với tập thể bếp, Đinh Thị Dung đã xây dựng được tình đoàn kết thương yêu và giúp đỡ nhau lúc thường cũng như khi gặp khó khăn, do vậy tập thể bếp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng năm tập thể bếp được khen thưởng và bếp được công nhận là “Nuôi quân giỏi, quản lý tốt”.

Trong 30 năm phục vụ, Đinh Thị Dung đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công; 9 năm là Chiến sĩ thi đua, 11 năm là Chiến sĩ quyết thắng, năm 1988 được Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Đinh Thị Dung được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #182 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:45:28 pm »


ANH HÙNG TRẦN VĂN DƯỢC

Trần Văn Dược (tức Tư Dược) sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, nhập ngũ năm 1948. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại tá, bác sĩ, phó phòng quân y Quân khu 9, nguyên giám đốc xí nghiệp 408 (nuôi trồng dược liệu) thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Trần Văn Dược đều bám trụ ở địa bàn Nam Bộ; chiến trường Khu 5 là địa bàn cực kỳ khó khăn, ác liệt. Đồng chí cùng đồng đội luôn bám dân, bám địa bàn, nằm hầm bí mật, tổ chức cứu chữa thương, bệnh binh và cho nhân dân, tham gia đánh địch bảo vệ thương, bệnh binh. Trần Văn Dược luôn yêu ngành, yêu nghề, ham học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong điều kiện khó khăn về thuốc chữa bệnh, thực hiện kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, tự lực, tự cấp một phần thuốc nam. Được Quân khu giao nhiệm vụ Trần Văn Dược cùng 2 cán bộ của phòng quân y Quân khu xây dựng đội sản xuất nuôi, trồng dược liệu và sau này phát triển thành xí nghiệp 408 của Quân khu.

Quá trình xây dựng và phát triển, từ kinh nghiệm nuôi, bắt rắn của gia đình, Trần Văn Dược đã say mê nghiên cứu thử nghiệm và đã thành công việc nuôi rắn sinh sản với quy mô lớn với các hình thức: tự nhiên, bán tự nhiên và nuôi lồng, tạo ra sản lượng lớn, chế biến nhiều sản phẩm từ con rắn phục vụ chữa bệnh và bán rắn sống ra nước ngoài; vừa tăng nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh vừa có thu nhập để tiếp tục đầu tư sản xuất, phát triển trang bị kỹ thuật cho xí nghiệp và góp phần vào chương trình bảo vệ môi sinh, môi trường thiên nhiên. Trần Văn Dược đã nghiên cứu thành công thuốc trị rắn cắn, lập ra phác đồ cấp cứu, điều trị rắn cắn phổ biến cho toàn quân thực hiện. Đồng chí đã cùng anh em cấp cứu, điều trị thành công trên 4.000 ca bộ đội và nhân dân bị rắn cắn.

Ngoài ra, Trần Văn Dược còn chỉ đạo và tham gia việc chăn nuôi trăn, kỳ đà, cá sấu, nai, rùa... và nhiều cây thuốc quý khác để cung cấp nguyên liệu cho Quân khu và chế biến được 19 loại sản phẩm dược phục vụ chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân có chất lượng tốt, được hoan nghênh.

Quá trình công tác, đồng chí đã truyền đạt kinh nghiệm và góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ y tế kế tiếp có chất lượng cao. Trần Văn Dược đã xây dựng xí nghiệp 408 ngày càng trưởng thành phát triển đúng hướng, nhiều triển vọng trong việc nghiên cứu khoa học thực hành, trong việc nghiên cứu y học của toàn quân.

Trần Văn Dược đã được tặng thưởng 8 Huân chương các loại, trong đó có 1 Huân chương Quân công hạng ba, 3 Huân chương Chiến công; 1 Huy hiệu và bằng lao động sáng tạo của Tổng công đoàn; 8 năm là Chiến sĩ thi đua; 8 năm là Chiến sĩ quyết thắng, được Nhà nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Trần Văn Dược được Chủ tịch Hội đồng Nbà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #183 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:46:33 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN THANH TÙNG

Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê xã Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, vào xưởng Ba Son năm 1971. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tổ trưởng sản xuất, thợ cơ khí 7/7 thuộc nhà máy Ba Son, Quân chủng Hải Quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Thanh Tùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân nghèo (bố là công nhân lái máy kéo ở cảng Sài Gòn do già yếu nghỉ việc năm 1974). Vì kinh tế gia đình khó khăn, sau khi học hết lớp 9/12 đồng chí xin vào làm thợ phụ tại xưởng Ba Son.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Thanh Tùng được tiếp nhận làm việc ở tổ sửa chữa máy của đội vận chuyển. Quá trình công tác, đồng chí luôn xác định được trách nhiệm, cần cù chịu khó, ham học và sau 5 năm, Nguyễn Thanh Tùng có tay nghề khá và được chuyển thành công nhân chính thức của xưởng Ba Son. Trong công tác, khi gặp khó khăn Nguyễn Thanh Tùng luôn tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo cách giải quyết phù hợp. Đồng chí đã có 35 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị kinh tế cao, làm lợi cho tập thể 22 triệu đồng (thời giá lúc đó). Từ năm 1984 đến năm 1986 Nguyễn Thanh Tùng được Tổng công đoàn tặng 4 bằng khen và huy hiệu lao động sáng tạo.

Sau năm 1975, do công việc nặng nề, đội vận chuyển thiếu phương tiện lao động (nhất là xe cẩu) trong khi ở nhà máy có hàng chục xe cẩu, xe nâng các loại bị hỏng do thiếu vật tư, phụ tùng thay thế, phân xưởng và nhà máy đã liên hệ nhiều nơi nhưng cũng chỉ sửa chữa được vài chiếc. Nhận thấy khó khăn chung, với lòng say mê sáng tạo, Nguyễn Thanh Tủng đã mạnh dạn đề nghị nhà máy cho phép phục hồi một xe nâng của Mỹ loại 25 tấn. Sau hàng tháng trời nghiên cứu, chọn giải pháp, cải tiến các phụ tùng của các xe phế thải, nhờ phân xưởng cơ khí gia công chế tạo. Qua nhiều lần thử nghiệm đồng chí đã hoàn chỉnh chiếc xe cẩu nâng được trên 20 tấn, bảo đảm tốt và đưa vào sử dụng sau 2 tháng phục hồi, làm lợi cho nhà máy 400.000 đồng (giá năm 1982) được lãnh đạo, chỉ huy và công nhân nhà máy hoan nghênh và đánh giá cao.

Nhờ trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo của Nguyễn Thanh Tùng và sự giúp đỡ của các phân xưởng, xe máy đã được phục hồi (3 xe cẩu sức nâng 5 đến 25 tấn; 3 xe nâng từ 3 đến 7 tấn, 3 xe tải trọng tải 2 đến 10 tấn) và hoạt động tốt, kịp thời phục vụ sửa chữa tầu nhanh, nhất là sửa chữa kịp thời tầu của Quân chủng, phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, xây dựng và bảo vệ Trường Sa, bảo vệ công trình dầu khí... và các hoạt động kinh tế khác của nhà máy.

Nguyễn Thanh Tùng là một tổ trưởng sản xuất giỏi, có tay nghề cao (7/7), đồng chí biết tổ chức, điều hành hợp lý, thường xuyên sâu sát giúp đỡ anh em trong tổ cả lý thuyết và thực hành, đã có 4/12 công nhân đạt tay nghề từ 4/7 và 5/7. Năng suất lao động toàn tổ thường tăng 50%, vượt mức kế hoạch từ 30 đến 50%. Hàng năm đạt Tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Thanh Tùng luôn nhận phần khó khăn về mình và chia đều thành quả lao động cho toàn tổ, đồng chí được toàn tổ tin yêu, toàn nhà máy mến phục.

Quá trình công tác từ năm 1979 đến 1988 Nguyễn Thanh Tùng 3 năm là Chiến sĩ thi đua và 7 năm là Chiến sĩ quyết thắng, được nhiều bằng và giấy khen của nhà máy, của đoàn thể.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Nguyễn Thanh Tùng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #184 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:47:37 pm »


ANH HÙNG LÊ XUÂN BÁ

Lê Xuân Bá sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; trú quán phường Tân Lập, thị xã Buôn Ma Thuột tỉnh Đắc Lắc; nhập ngũ năm 1953. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại tá, giám đốc công ty xây dựng 470 thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Xuân Bá là cán bộ trưởng thành từ cơ sở lên, đồng chí đã cùng đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lê Xuân Bá luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu đựng gian khổ khắc phục mọi khó khăn, ác liệt, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976, riêng đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Từ năm 1976 đến năm 1983, đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ trên địa bàn Tây Nguyên. Lê Xuân Bá cùng tập thể chỉ huy sư đoàn lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mở rộng đường cấp phối, đường rải nhựa, xây dựng cầu cống bằng gỗ, và bê tông... đảm bảo kỹ thuật, chất lượng tốt, bàn gịao sử dụng đúng thời gian. Đồng chí trực tiếp chỉ huy xây dựng 30 ki-lô-mét đường đá dăm từ Đức Lập đi Đắc Song trên trục đường 14 nối liền các tỉnh miền Trung với thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng, góp phần xây dựng kinh tế Tây Nguyên. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, riêng đồng chí được tặng 3 bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Từ năm 1984 đến nay, đồng chí chỉ huy đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng tập trung chủ yếu là chỉ huy đơn vị tham gia xây dựng thủy điện Đ’rây H’Linh là một công trình thủy điện do Việt Nam tự thiết kế và thi công. Nhiều đơn vị của Nhà nước đã đến thi công nhưng phải bỏ dở vì quá nhiều khó khăn. Với trách nhiệm cao vì sự nghiệp phát triển kinh tế và kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên, sư đoàn 470 nay là Công ty xây dựng 470 đảm nhiệm Tổng B toàn bộ công trình.

Đơn vị đã khắc phục khó khăn về nhiều mặt: tiền, vật tư công trình không đáp ứng kịp với tiến độ xây dựng; kinh nghiệm và phương tiện, trang bị của đơn vị không phù hợp với nhiệm vụ, đi lại, vận chuyển khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt... cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng và sáng tạo trong thi công các kỹ thuật tiên tiến... Ngày 30 tháng 10 năm 1989 đơn vị đã hoàn thành xuất sắc 14 hạng mục công trình và đến ngày 2 tháng 9 năm 1990 tổ máy số 2 và 3 phát điện. Công trình đã được Bộ Năng lượng (bên A), các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ thi công, đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Với cương vị chỉ huy, Lê Xuân Bá luôn sâu sát, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, vừa làm vừa động viên anh em khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tổ chức thi công kết hợp lao động cơ giới với lao động thủ công, tạo ra năng suất cao đảm bảo tiến độ xây dựng, bản thân đồng chí đã tham gia và quyết định nhiều giải pháp thi công như:

Ứng dụng phương pháp nổ mìn vi sai dưới hố móng, tiết kiệm thuốc nổ trong điều kiện mặt bằng hẹp và nguy hiểm.

Chỉnh tuyến đường xuống lấy đá ở hố móng sâu 22,5 mét thay cho cần cẩu thấp, làm lợi hàng trăm triệu đồng.

Nghiên cứu và tham gia làm máy hút cát trên cơ sở tầu hút bùn, thay thế cho 70 lao động thủ công trong cùng một thời gian lao động.

Mạnh dạn ứng dụng chất phụ gia Lít-nhin vào bê tông, tiết kiệm 545 tấn xi măng...

Là cán bộ chỉ huy, đồng chí đã làm tốt công tác chính trị, luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến quần chúng, có lối sống giản dị, khiêm tốn, được anh em tín nhiệm, địa phương và các cơ quan hữu quan tin cậy và ủng hộ. Từ năm 1982, cùng lãnh đạo chuyển công ty từ bao cấp sang hạch toán có kết quả và nền nếp, là đơn vị tự cân đối, làm ăn có lãi, có đóng góp cho quân đội, Nhà nước.

Quá trình công tác đồng chí đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng trưởng thành. Đồng chí đã được khen thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Lao động hạng ba, 3 năm là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng.

Ngày 29 tháng 11 năm 1990, Lê Xuân Bá được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM