Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:58:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68426 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #170 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2016, 06:14:49 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN THÀNH TRUNG

Nguyễn Thành Trung (tức Đinh Khắc Chung) sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trú quán 324/7 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ năm 1969. Đồng chí là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyển ngành, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1960 đến năm 1968, Nguyễn Thành Trung là học sinh phổ thông và đại học tham gia phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh, rồi làm cán bộ giao liên cho Ban binh vận T2 (Khu 8 ). Năm 1969, Nguyễn Thành Trung được kết nạp vào Đảng, rồi chuyển về công tác ở Ban binh vận Trung ương Cục, được phân công làm cơ sở nội tuyến trong không quân ngụy.

Nhận nhiệm vụ chiến đấu trong lòng địch trước mọi hiểm nguy rình rập bản thân và gia đình, song Nguyễn Thành Trung vẫn kiên định lập trường, xác định nhiệm vụ cách mạng Đảng giao. Đồng chí đã dũng cảm, mưu trí đánh bại sự theo dõi của kẻ thù, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, quyết tâm thực hiện mục đích vào được hàng ngũ không quân ngụy để được lái máy bay phản lực F5, loại máy bay tối tân của Mỹ. Nguyễn Thành Trung đã hoàn thành nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Hơn một năm học ở Nha Trang, Tân Sơn Nhất và gần 3 năm du học ở Mỹ, Nguyễn Thành Trung vẫn giữ nghiêm kỷ luật công tác, thường xuyên liên lạc với cán bộ Ban binh vận Trung ương Cục.

Cuộc tiến công Xuân 1975 nhằm giáng đòn tâm lý đối với ngụy quân, ngụy quyền trung ương, đẩy chúng đã hoang mang càng thêm lúng túng. Ngày 8 tháng 4 năm 1975 từ căn cứ không quân địch, Nguyễn Thành Trung chủ động tìm cách xuất kích bằng máy bay F5E ném bom bắn phá vào dinh Độc Lập. Lần đầu bom không trúng. Nguyễn Thành Trung kiên quyết bay trở lại cắt bom lần nữa trúng đích đồng thời quay lại lần thứ ba dùng súng 20 ly bắn vào kho xăng Nhà Bè rồi mới bay về hạ cánh an toàn trên đường băng ngắn (1.000 mét) ở sân bay Phước Long, vùng căn cứ cách mạng.

Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Thành Trung, nhận nhiệm vụ mới do Binh chủng Không quân là cùng với anh em gấp rút sửa chữa, phục hồi 5 chiếc máy bay A37 lấy được của địch, tập luyện cho anh em phi công ta lái máy bay Mỹ. Nguyễn Thành Trung điều khiển phi đội A37 từ sân bay Phan Rang vào Sài Gòn ném bom bãi đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất rồi bay về căn cứ an toàn.

Từ sau ngày miền Nam giải phóng mặc đù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thành Trung vẫn phát huy tốt bản chất cách mạng, đã vượt qua mọi khó khăn lao vào nhiệm vụ xây dựng lực lượng không quân bằng những máy bay và vũ khí ta thu được của địch. Đồng chí đã cùng anh em kỹ thuật ngày đêm sửa chữa, phục hồi số máy bay A37, máy bay F5, trực tiếp lái thử từng chiếc để xác định chất lượng, đồng thời tập luyện cho anh em phi công và huấn luyện cho số người mới học làm phi công. Nguyễn Thành Trung đã có nhiều công lao đóng góp trong việc thành lập trung đoàn cường kích A37 và trung đoàn tiêm kích F5 - trung đoàn duy nhất của Không quân Việt Nam.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Thành Trung được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #171 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2016, 06:15:32 pm »


ANH HÙNG VŨ XUÂN ĐÀI

Vũ Xuân Đài sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Dương Quang, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ năm 1965. Trong kháng chiến chống Mỹ đồng chí là đại đội trưởng đại đội 1, súng máy cao xạ 12,7 ly, thuộc tiểu đoàn 14, sư đoàn 2, Quân khu 5. Khi được tuyên dương Anh hùng Vũ Xuân Đài là sĩ quan đã nghỉ hưu tại phường Nguyễn Trãi, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Hưng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 3 năm 1966 đến tháng 3 năm 1969, Vũ Xuân Đài cùng đơn vị hoạt động trên các địa bàn thuộc Quân khu 5, là xạ thủ số 1 súng 12,7 ly. Đồng chí đã tham gia chiến đấu khi khống chế các điểm cao, chi viện cho bộ binh chiến đấu; khi cùng khẩu đội phục kích bắn máy bay địch nhiệm vụ nào Vũ Xuân Đài cũng nêu cao quyết tâm chiến đấu đạt hiệu xuất cao, bị thương cũng không rời trận địa.

Vũ Xuân Đài chịu khó nghiên cứu thủ đoạn của máy bay địch, tìm ra cách đánh có hiệu xuất cao nhất. Nhiều lần đồng chí đem súng lên điểm cao bất ngờ bắn rơi máy bay địch khi nghi binh lừa địch đến để diệt. Tính chung trong 3 năm Vũ Xuân Đài đã bắn rơi 37 máy bay các loại (C130, C47, CH47, HU1A, HU1B, CH06, T28).

Có trận đồng chí bắn rơi 1 chiếc C47, tiêu diệt nhiều sĩ quan cấp cao của địch đi trên chiếc máy bay này.

Trận ngày 17 tháng 9 năm 1967, tại xã Bình Trị, Quảng Nam, Vũ Xuân Đài, chỉ với 9 viên đạn đã diệt gọn cả tốp 3 chiếc HU1A.

Từ tháng 3 năm 1969 đến tháng 11 năm 1978, Vũ Xuân Đài bị thương nặng (thương tật 2/4) được chuyển về làm tài vụ tại Viện quân y 7, Quân khu 3, đồng chí đã phát huy tốt phẩm chất trong chiến đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Từ tháng 12 năm 1978, Vũ Xuân Đài về nghỉ hưu tại phường Nguyễn Trãi, thị xã Hải Dương, đồng chí vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia công tác địa phương được nhân dân tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhì và hạng ba, 1 Huy hiệu Bác Hồ, 4 năm là Chiến sĩ thi đua (1965, 1966, 1967, 1968), 19 bằng khen, nhiều danh hiệu khác như: "Chim đầu đàn", "Kiện tướng diệt máy bay", "Dũng sĩ diệt máy bay", "Dũng sĩ quyết thắng".

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Vũ Xuân Đài được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #172 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2016, 06:17:04 pm »


ANH HÙNG LÊ KIM HÀ

Lê Kim Hà sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Phú Cường, huyện Châu Thành, tỉnh Sông Bé, nhập ngũ ngày 1 tháng 5 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là thượng tá, Phó chủ nhiệm khoa hồi sức cấp cứu viện 175, Tổng cục Hậu cần, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Lê Kim Hà, trưởng thành từ y tá lên bác sĩ chuyên khoa cấp 2 ngành gây mê hồi sức. Lê Kim Hà vào bộ đội năm 1962 làm nhiệm vụ nuôi quân cho cơ quan tỉnh đội Phước Thành. Năm 1963 đồng chí được cử đi học lớp y tá sơ cấp do tỉnh đội mở, ra trường về công tác ở đại đội đặc công của tỉnh. Năm 1965 Lê Kim Hà được đi học lớp y sĩ, năm 1966 ra trường về công tác ở Viện quân y K71A và được học lớp chuyên khoa gây mê hồi sức. Năm 1970 Lê Kim Hà được điều về bệnh viện D72 thuộc Đoàn hậu cần 500. Năm 1973 Lê Kim Hà được đi học lớp bác sĩ chuyên tu khóa VIII, khóa cuối cùng của trường Quân y miền Nam. Năm 1975 tốt nghiệp bác sĩ về công tác ở khoa hồi sức cấp cứu Viện quân y 175 cho tới nay.

Khoa hồi sức cấp cứu là khoa thu dung bệnh nhân không nhiều, nhưng tính chất rất nặng nề, nguy kịch, đòi hỏi phải chẩn đoán, xử trí nhanh chóng, chính xác. Ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mỏng manh, bệnh lại đa dạng, chỉ cần điều trị sớm vài ba phút có thể cứu được bệnh nhân khỏi tử vong. Những năm phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam, số lượng thu dung thương binh rất lớn, Lê Kim Hà đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, tận tụy với công việc, chăm sóc thương bệnh binh bằng tất cả tình thương yêu của người mẹ, người chị, người em, người đồng chí. Không quản ngại ngày đêm, có thời gian đồng chí làm việc liên tục 14 đến 16 tiếng đồng hồ theo dõi bên giường bệnh nên đã xử trí, cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Lê Kim Hà đã làm đúng lời dạy của Bác Hồ "Người thầy thuốc phải như người mẹ hiền".

Trong học tập đồng chí là một tấm gương về tính kiên trì, bền bỉ, biết tận dụng trong mọi lúc, mọi nơi để nghiên cứu học tập như trong giao ban điểm bệnh hàng ngày, trong thực hành chuyên môn, hội nghị khoa học kỹ thuật trong và ngoài quân đội. Từ năm 1978 đến nay Lê Kim Hà đã thực hiện được 8 đề tài nghiên cứu khoa học, 2 thông báo chuyên môn đã được báo cáo trong hội nghị khoa học của viện, trong đó có những đề tài đáng chú ý như:

- Phương pháp tưới rửa ổ bụng liên tục trong điều trị viêm phúc mạc sau mổ do vết thương chiến tranh.
- Công tác theo dõi chăm sóc nuôi dưỡng bệnh nhân chấn thương sọ não hôn mê dài ngày.
- Cơ cấu tỷ lệ Shock chấn thương trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Ngoài ra đồng chí còn tích cực tham gia giảng dạy 6 lớp y tá sơ cấp, 3 lớp y tá trung cấp, 3 lớp y sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức. Hướng dẫn lâm sàng thực hành trong cấp cứu cho 2 lớp chuyên khoa cấp 1 nội, ngoại, 3 lớp y tá biên phòng thực hành theo dõi chăm sóc bệnh nhân nặng. Đồng thời Lê Kim Hà còn tận tình hướng dẫn, bồi dưỡng các bác sĩ trẻ của khoa cũng như các khoa bạn gửi đến thực hành kỹ thuật cấp cứu chọc tĩnh mạch dưới đòn, chọc ống sống, đặt nội khí quản, mở khí quản, hồi sinh tổng hợp...

Trưởng thành từ y tá lên bác sĩ chuyên khóa cấp 2 ngành gây mê hồi sức, Lê Kim Hà luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, sống giản dị trong sạch, luôn sâu sát tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh chị em, yên tâm công tác, có ý thức giáo dục, đấu tranh mạnh dạn với những việc làm sai trái, cùng với chỉ huy lãnh đạo xây dựng khoa ngày càng tiến bộ vững mạnh. Khoa đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1985).

Lê Kim Hà là một đảng viên gương mẫu, là một bác sĩ quân y tận tụy, được bệnh nhân rất tin tưởng, anh em chuyên môn mến phục.

16 năm đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Kim Hà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #173 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:38:18 pm »



ANH HÙNG LAO ĐỘNG

(GỒM 12 ĐỒNG CHÍ TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
ĐƯỢC NHÀ NƯỚC TUYÊN DƯƠNG ANH HÙNG LAO ĐỘNG)



ANH HÙNG TRẦN ĐẠI NGHĨA

Trần Đại Nghĩa (tức Phạm Quang Lễ) sinh năm 1903, dân tộc Kinh quê ở xã Chấn Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, tham gia quân đội tháng 12 năm 1946, là Thiếu tướng, kỹ sư, Cục trưởng Cục Quân giới. Đồng chí nguyên là Cục trưởng Cục Pháo binh, Thứ trưởng Bộ Công thương, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hơn 10 năm du học và nghiên cứu ở nước ngoài, năm 1946, được Bác Hồ đưa về nước, về nước Trần Đại Nghĩa được Chính phủ và Bác Hồ giao trọng trách tổ chức xây dựng ngành quân giới, chế tạo vũ khí cung cấp cho bộ đội ta đánh giặc.

Trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến vô cùng khó khăn, địch phong tỏa, nguyên vật liệu thiếu thốn, trình độ công nhân còn non kém. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc. Trần Đại Nghĩa đã đem hết tâm trí và sự hiểu biết của mình cùng anh em công nhân phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, xây dựng và phát triển ngành quân giới phục vụ tiền tuyến. Đồng chí đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào ngành quân giới, sản xuất cung cấp được nhiều vũ khí cho quân đội.

Trần Đại Nghĩa là một trí thức sát thực tế, luôn luôn chú ý đem hết những hiểu biết của mình kết hợp với khả năng trình độ anh em công nhân, tình hình nguyên vật liệu của ta để tổ chức lực lượng và xác định phương hướng phục vụ kháng chiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng đánh lớn của chiến trường.

Đồng chí luôn luôn chú ý lãnh đạo anh em công nhân hướng công tác chuyên môn theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, điều tra để nắm vững nhu cầu của cuộc kháng chiến và của bộ đội qua từng giai đoạn. Thời gian đầu của cuộc kháng chiến Trần Đại Nghĩa đã hướng ngành quân giới vào sản xuất, chế tạo được một số lựu đạn, mìn cải tiến. Đặc biệt đồng chí đã chế tạo thành công súng ba-dô-ca, SKZ, bom bay diệt xe tăng làm cho quân Pháp nhiều phen kinh hoàng.

Trần Đại Nghĩa đã kết hợp chặt chẽ lý thuyết và thực hành vừa nâng cao trình độ chuyên môn cho anh em công nhân, đào tạo được nhiều cán bộ và thợ giỏi vừa sản xuất chế tạo được nhiều loại vũ khí đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc kháng chiến.

Đồng chí luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, sâu sát giúp đỡ quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất.

Trần Đại Nghĩa đã được Bác Hồ, Chính phủ và Bộ Quốc phòng nhiều lần tuyên dương thành tích, được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba. Trong Đại hội liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tháng 5 năm 1952 đồng chí được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương kháng chiến hạng nhất.

Ngày 19 tháng 5 năm 1952, Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #174 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:39:12 pm »


ANH HÙNG NGÔ GIA KHẢM

Ngô Gia Khảm sinh năm 1919, dân tộc kinh, quê ở xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân từ giai cấp vô sản, lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng. (Ngô Gia Khảm gọi đồng chí Ngô Gia Tự bằng cậu) nên sớm tiếp xúc với cách mạng và tham gia hoạt động.

Năm 16 tuổi, Ngô Gia Khảm vào học nghề thợ nguội trong nhà máy xe lửa Gia Lâm. Sống cuộc đời bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn, lại được tiếp xúc với phong trào công nhân, đồng chí sớm giác ngộ giai cấp và tham gia các hoạt động đấu tranh của công nhân trong nhà máy. Năm 1941, Ngô Gia Khảm cùng một số đồng chí khác bị Pháp bắt và đầy đi Sơn La. Trong tù, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, một lòng trung thành với Đảng và đã tham gia cuộc đấu tranh tuyệt thực 11 ngày (tháng 5 năm 1941).

Ra khỏi nhà tù, Ngô Gia Khảm lại tiếp tục hoạt động. Năm 1944, đồng chí cùng một số anh em khác nhận nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí cung cấp cho bộ đội.

Ngô Gia Khảm là một trong những người đầu tiên xây dựng xưởng vũ khí của Quân giải phóng (tiền thân của Quân đội nhân dân ngày nay). Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: máy móc vật liệu thiếu thốn, kinh nghiệm chưa có, bọn mật thám của Pháp và Nhật chăng bẫy săn bắt phá hoại, đồng chí đã kiên trì và quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vì nhiệm vụ, đồng chí đã kiên nhẫn công tác, sẵn sàng hy sinh thân mình để chế những chất thuốc nổ không có sẵn trong nước. Đồng chí luôn luôn chú ý cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất không ngừng, thúc đẩy phong trào thi đua, dìu dắt, bồi dưỡng lớp công nhân trẻ, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đoàn kết cùng lập công tập thể.

Binh công xưởng, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của đồng chí đã vượt muôn vàn khó khăn, sản xuất thành công quả lựu đạn đầu tiên được bộ đội dùng diệt 11 tên phát-xít Nhật trong chiến khu Hoàng Hoa Thám (năm 1945).

Sau cách mạng tháng Tám, Ngô Gia Khảm được giao nhiệm vụ thành lập xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc. Nhiệm vụ rất nặng nề. Đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, tích cực suy nghĩ tìm tòi, kết hợp chặt chẽ với những sáng kiến của tập thể nên đã vượt được mọi trở lực, chế tạo được thuốc nổ, để làm hạt nổ đầu tiên, sản xuất được vũ khí, xây dựng nhà máy ngày một vững mạnh. Trong khi sấy thuốc và pha chế, ba lần bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn không nản chí, quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Ngô Gia Khảm đã có sáng kiến trong việc dập mồi nổ đạn DAM đưa năng suất từ 600 chiếc lên 140.000 chiếc một ngày. Sáng kiến trong việc chặt "tà-vẹt", chế máy dập xẻng đưa mức sản xuất tăng 800%.

Đồng chí luôn luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, khiêm tốn, giản dị, chân thành, liêm khiết, được đồng đội tin yêu mến phục.

Ngô Gia Khảm đã được tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng nhì, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, là Chiến sĩ thi đua của liên khu Việt Bắc năm 1950, Chiến sĩ thi đua toàn quân (năm 1951), Chiến sĩ thi đua số 1 của ngành công nghiệp.

Trong Đại hội liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tháng 5 năm 1952, đồng được Chính phủ và Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Ngày 19 tháng 5 năm 1952 Ngô Gia Khảm được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #175 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:39:54 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN PHÚC ĐỒNG

Nguyễn Phúc Đồng sinh năm 1897, dân tộc Kinh, quê ở Linh Quang, ngoại thành Hà Nội, Tháng 1 năm 1947, đồng chí vào làm công nhân xưởng quân giới thuộc Bộ Quốc phòng. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là công nhân quân giới.

Nguyễn Phúc Đồng, qua 13 năm nông tác trong ngành quân giới luôn luôn biểu thị tinh thần kiên trì công tác, phục vụ quân đội không điều kiện. Tuy tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần thi đua liên tục, bền bỉ, tiêu biểu cho đức tính cao quý của người thợ kiểu mẫu.

Nguyễn Phúc Đồng là một thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm nhưng rất khiêm tốn, không bao thủ, tự giác học tập tiếp thu sáng kiến của anh em thợ trẻ và dìu dắt lớp trẻ cùng tiến. Đồng chí thường được giao sản xuất và sửa chữa những mặt hàng quan trọng, khó làm, cần phải đảm bảo độ chính xác cao. Lần nào đồng chí cũng khắc phục khó khăn làm đúng yêu cầu, đúng thời gian, bảo đảm chất lựợng tốt, được bộ đội tin tưởng. Nguyễn Phúc Đồng luôn luôn chú ý tìm tòi phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến phương pháp sản xuất. Được giao làm đạn, đồng chí đã cùng tổ phấn đấu tăng năng suất 100%, làm các bộ phận của pháo, phấn đấu tăng năng suất 300 đến 500%, tiết kiệm được lao động, nguyên liệu, vật liệu, rút ngắn được thời gian, kịp thời phục vụ bộ đội trong các chiến dịch, góp phần vào thắng lợi chung.

Có những trường hợp được giao sản xuất các chi tiết của pháo và các mặt hàng khác rất khó, yêu cầu chất lượng cao lại không có mẫu sẵn, Ngô Phúc Đồng đã kiên trì tìm tòi nghiên cứu, triệt để chấp hành đúng quy trình chế tạo và quy định kỹ thuật nên đã sản xuất thành công, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng chí luôn luôn chú ý phổ biến kinh nghiệm cho đồng đội và hết lòng dìu dắt bồi dưỡng cho lớp công nhân trẻ, luôn luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, khiêm tốn, giản dị, chân thành, được đồng đội tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 28 lần được cấp trên tặng bằng khen và giấy khen, 10 năm liền là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 7 tháng 7 năm 1958. Nguyễn Phúc Đồng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #176 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:40:51 pm »


ANH HÙNG CAO VIẾT BẢO

Cao Viết Bảo sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở thôn Chương Nghĩa Đông, xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 2 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là công nhân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sinh trưởng trong một gia đình công nhân nghèo, 13 tuổi Cao Viết Bảo đã phải đi ở và học việc, bị hành hạ rất cực khổ. Cách mạng tháng Tám thành công, được cán bộ giác ngộ, hiểu rõ xưởng máy ngày nay đã thuộc về mình, đồng chí rất phấn khởi, tích cực sản xuất và xung phong vào tự vệ để bảo vệ xưởng máy. Tháng 2 năm 1946, Cao Viết Bảo vào làm công nhân xưởng quân giới thuộc Bộ Quốc phòng.

Qua 11 năm làm nhiều công tác khác nhau: rèn, hóa chất, tôi thép... tuy gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, công việc gian khổ, vất vả, đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực, tận tụy, khẩn trương, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cao Viết Bảo còn luôn luôn thể hiện tác phong gương mẫu, tha thiết với nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động, phát huy nhiều sáng kiến có giá trị, nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, góp phần phục vụ bộ đội chiến đấu thắng lợi.

Đồng chí lúc nào cũng nghĩ đến bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận nên đã quyết tâm phấn đấu không mỏi để sản xuất và sửa chữa vũ khí. Bao giờ Cao Viết Bảo cũng chịu khó đi sâu vào nghiệp vụ, tìm tòi học tập, áp dụng cái mới, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống mọi hiện tượng làm ẩu, triệt để làm theo đúng quy trình chế tạo nên bảo đảm được sản phẩm có chất lượng tốt, hoàn thành đúng thời gian. Điểm nổi bật của Cao Viết Bảo là tác phong gương mẫu, khẩn trương, hết sức nhiệt tình và tha thiết với nhiệm vụ.

Năm 1951-1952, tổ đồng chí làm nhiệm vụ rèn cuốc công binh. Cao Viết Bảo đã nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, cải tiến thao tác, cùng tổ đưa mức sản xuất từ 3 giờ rèn được một cái, xuống 2 giờ, sau đó còn đưa mức lên 12 cái một ngày. Làm bản lề AT, tổ của đồng chí cũng tăng năng suất lên 200%. Trong công tác rèn và hàn đạn ĐKZ, Cao Viết Bảo đã cùng tổ luôn luôn phấn đấu tăng định mức 200% trở lên, bảo đảm chất lượng tốt, tiết kiệm được hàng tấn than củi.

Cuối năm 1953, đồng chí được điều đi phục vụ xưởng hóa chất, làm thuốc đạn, đồng chí đã cùng tổ hoàn thành vượt mức kế hoạch phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cao Viết Bảo sống và làm việc rất mực đạo đức, khiêm tốn, giản dị, đoàn kết chân thành với anh em đồng đội, đồng chí được mọi người tin yêu, mến phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Lao Động hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất và hạng ba, 35 lần được tặng thưởng bằng khen và giấy khen, 8 năm liền (1951-1958) được bầu là Chiến sĩ thi đua của ngành quân giới Bộ Quốc phòng.

Ngày 7 tháng 7 năm 1958, Cao Viết Bảo được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #177 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:41:50 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN MAI TÂM

Nguyễn Mai Tâm sinh ngày 1 tháng 1 năm 1935, quê ở xã Tân Tiến (nay là xã Đông Cao), huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), nhập ngũ ngày 1 tháng 1 năm 1953. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tổ trưởng tổ 5, đại đội 6, công trường 35, tổng đội 62, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay Nguyễn Mai Tâm nghỉ hưu tại quê. Trước, khi nghỉ hưu đồng chí là thiếu tá, đoàn phó Đoàn 5 Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ mất sớm, Nguyễn Mai Tâm đã sớm phải đi ở đợ, làm thuê kiếm sống. Đầu năm 1953, đồng chí đã cùng 4 thanh niên khác trong xã tình nguyện lên đường đánh giặc. Từ năm 1953 đến năm 1957 đồng chí đã tham gia chiến đấu và công tác ở các đơn vị thuộc huyện đội Phổ Yên, Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tả Ngạn. Bất kỳ ở đơn vị nào và làm việc gì đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1958, Tổng cục Hậu cần thành lập các tổng đội xây dựng doanh trại cho quân đội, đảm bảo cho bộ đội ăn, ở theo nền nếp chính quy. Nguyễn Mai Tâm được chọn đi học thợ nề. Tốt nghiệp ra trường, đồng chí được điều về đại đội 6, công trường 35, tổng đội 2 làm nhiệm vụ xây dựng doanh trại cho các đơn vị quân đội. Thấm nhuần đường lối xây dựng quân đội, Nguyễn Mai Tâm đã luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lao động quên mình, tích cực thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động. Từ năm 1958 đến năm 1962, đồng chí đã phấn đấu vượt được 14 định mức lao động của Nhà nước và đơn vị. Tiêu biểu là:

Chỉ tiêu định mức xây dựng móng nhà của Nhà nước là 1,5m3/công, đồng chí đã phấn đấu nâng lên 3,7m3/công, rồi sau đó là 6,3m3/công. Chỉ tiêu định mức trát tường là 18m2/công, nhiều anh em làm chỉ đạt 15m2/công. Nguyễn Mai Tâm đã có sáng kiến đổ vữa lên ván, một người trát vữa vào tường, một người cầm ván vừa trát vừa nén, đạt năng suất 30m2/công, đồng thời rút được thợ phụ ra làm việc khác.

Chỉ tiêu rửa sỏi của công trường là 0,5m3/công, đồng chí có sáng kiến tận dụng gỗ vụn ghép thành 1 chiếc thuyền rửa sỏi, để sỏi vào thuyền gỗ chao đi chao lại dưới vòi nước chảy xiết nâng năng suất lên 2m3/công.

Với sáng kiến trát trụ bê tông theo phương pháp dây chuyền (trát 5,6 trụ một lượt đầu, khi vữa cầm chặt vào trụ quay lại trát lượt hai), Nguyễn Mai Tâm đã nâng năng suất trát trụ bê tông lên gấp hai lần.

Sáng kiến dùng thước ke áp vào ga để xây ga hình vuông vừa đảm bảo vuông góc, vừa đảm bảo chiều đứng tường của Nguyễn Mai Tâm đã nâng chỉ tiêu năng xuất từ 0,9m2/công lên 2,1m2/công. Chỉ tiêu xây đường đôi của công trường là 1,2m2/công, đồng chí đã đạt 2,5m2/công và cao nhất là 3,5m2/công. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất của Nguyễn Mai Tâm đã được phổ biến và áp dụng rộng rãi ra toàn công trường. Đại đội 6 mà đồng chí là thành viên nhiều năm đã được công nhận là lá cờ đầu của đơn vị, được Chính phủ thưởng Huân chương. Tổ 5 do đồng chí làm tổ trưởng, luôn luôn đạt năng suất cao nhất công trường đã được Chính phủ công nhận là tổ Lao động xã hội chủ nghĩa.

Với tác phong khiêm tốn, giản dị, cần cù, chịu khó, lao động quên mình, Nguyễn Mai Tâm đã được đồng đội yêu mến, khâm phục. Từ năm 1953 đến đầu năm 1962, đồng chí đã được tặng 1 Huân chương Quân công hạng 3, 1 Huân chương Lao động hạng nhất, 1 Huy chương Chiến thắng hạng 2, 13 bằng khen, 14 giấy khen và 9 năm liên tục từ năm 1953 đến năm 1961 đều được bầu là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 4 tháng 5 năm 1962, Nguyễn Mai Tâm được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #178 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:42:38 pm »


ANH HÙNG VŨ VIẾT HÒA

Vũ Viết Hòa sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Xuân Đan, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là bảo quản viên kho Quân khí, Cục Quân khí, Tổng cục Hậu Cần, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người được thử thách và rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp, Vũ Viết Hòa có tinh thần hết lòng phục vụ quân đội. Đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, yên tâm và tích cực công tác "coi kho như nhà”. 12 năm làm công tác kho, Vũ Viết Hòa đã tận tụy, đêm nào cũng soi đèn kiểm tra diệt mối, bảo quản kho tốt, đạn dược không hư hỏng.

Đồng chí đã phát huy 9 sáng kiến cải tiến dụng cụ tháo, lắp đạn dược, có sáng kiến làm tăng năng suất 20 lần.

Trong mọi còng việc, dù thường xuyên hay đột xuất, trạm của đồng chí đều phục vụ kịp thời, bảo đảm chất lượng, đóng gói đúng quy cách.

Đối với tập thể, Vũ Viết Hòa luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhận khó khăn nguy hiểm về mình, nhưởng thuận lợi, an toàn cho bạn. (Khi bốc và xếp hàng đồng chí nhận việc ở trên cao nhất; khi tiêu hủy đạn thì ở những vị trí nguy hiểm) nên được anh em rất yêu mến.

Vũ Viết Hòa là chiến sĩ quân khí tiêu biểu cho tinh thần trách nhiệm cao và đức tính cần kiệm, bảo vệ của công.

8 năm liền đồng chí là Chiến sĩ thi đua.

Cao Viết Hòa đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huy chương Chiến thắng hạng nhất.

Ngày 4 tháng 5 năm 1962, Vũ Viết Hòa được Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #179 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2016, 06:43:22 pm »


ANH HÙNG PHẠM TUÂN

Phạm Tuân sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 9 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung tá, nhà du hành vũ trụ, nhà nghiên cứu vũ trụ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phạm Tuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chuyên bay vũ trụ Xô - Việt đầu tiên trên tổ hợp quỹ đạo, nghiên cứu khoa học Chào mừng 6 - Liên hợp 36 - Liên hợp 37, đã tỏ rõ lòng dũng cảm và chủ nghĩa Anh hùng trong chuyến bay.

Ngày 31 tháng 7 năm 1980, Phạm Tuân được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Cùng ngày 31 tháng 7 năm 1980, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô và Thư ký Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô đã ký lệnh tặng trung tá Phạm Tuân danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin và Huân chương Sao Vàng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM