Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:29:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68404 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:36:06 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BẨY
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Bẩy (tức Nguyễn Văn Bẩy B) sinh năm 1943, dân tộc kinh, quê ở xã Hưng Mỹ, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Khi hy sinh (tháng 5 năm 1972), đồng chí là trung úy, chiến sĩ lái máy bay thuộc đại đội 4, trung đoàn 923, sư đoàn 371, Quân chủng Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Bẩy là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1965 đồng chí nhập ngũ và được cử đi học lái máy bay ở Liên Xô, đến năm 1968 về nước vừa học tập vừa tham gia chiến đấu tại trung đoàn 910 và trung đọàn 923. Nguyễn Văn Bẩy luôn ham học hỏi, tự rèn luyện để trở thành phi công bay giỏi trong đất liền và trên biển.

Trước tình hình nhiệm vụ chiến đấu khẩn trương phải tìm phương án đánh địch trên biển, trung đoàn đã cơ động vào sân bay Khe Cát. Nguyễn Văn Bẩy là một trong số phi công đầu tiên được cử làm nhiệm vụ dùng máy bay MIG17 mang bom đánh tầu khu trục thuộc hạm đội 7 của Mỹ.

Sáng ngày 19 tháng 4 năm 1972, biên đội của Lê Xuân Dy số 1 và Nguyễn Văn Bẩy số 2 trực ban chiến đấu. 9 giờ 30 phút, phát hiện 3 tốp tầu địch. Nhưng do trời mù, tầm nhìn hạn chế nên sở chỉ huy chưa cho cất cánh. Đến 16 giờ 5 phút, biên đội được lệnh, hai phi công bay cách bờ khoảng 10 ki-lô-mét thì vòng phải, được sở chỉ huy thông báo tầu địch nằm chếch hướng nam 15 độ... Biên đội phát hiện mục tiêu, cắt 4 quả bom đều trúng mục tiêu làm 2 tầu khu trục bị cháy và hỏng nặng trong đó tàu Heg bee hỏng rất nặng. Tầu địch phải lùi xa, ngừng pháo kích vào đất liền một thời gian.

Trận đánh có ý nghĩa lớn, lần đầu tiên không quân tiêm kích của ta đánh bị thương tầu khu trục Mỹ trên biển Đông. Trận thắng đã mở ra khả năng chiến đấu mới của không quân ta.

Ngày 6 tháng 5 năm 1972, trong trận không chiến với không quân hải quân Mỹ tại vùng trời Thanh Hóa, sau khi bắn rơi 1 chiếc A6 của Mỹ, Nguyễn Văn Bẩy đã anh dũng hy sinh.

Lúc còn sống, đồng chí là một chiến sĩ có quyết tâm chiến đấu cao, tích cực học tập, làm chủ vũ khí trang bị, nhiệt tình công tác có nếp sống giản dị, khiêm tốn được đồng đội tin yêu. Quá trình chiến đấu tuy số lượng diệt địch không nhiều, nhưng trận đánh biển của đồng chí và Lê Xuân Dy đã đặt cơ sở cho lực lượng không quân cường kích bom của ta sau này.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 bẳng khen, 3 giấy khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994; Nguyễn Văn Bẩy đã dược Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:36:51 am »


ANH HÙNG VŨ XUÂN THIỀU
(Liệt sĩ)

Vũ Xuân Thiều sinh tháng 2 năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà. Trú quán tại 21 phố Đặng Dung, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, nhập ngũ năm 1965. Khi hy sinh (tháng 12 năm 1972) đồng chí là thượng úy trung đội trưởng thuộc đại đội 9, trung đoàn 927, sư đoàn 371, Quân chủng Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 6 năm 1965, theo tiếng gọi chống Mỹ cứu nước, Vũ Xuân Thiều tạm biệt năm thứ 3 khoa vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, đồng chí trúng tuyển đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô. Năm 1968 về nước, Vũ Xuân Thiều được biên chế vào trung đoàn 921, sau đó chuyển sang trung 927. Quá trình tập luyện Vũ Xuân Thiều luôn có ý chí quyết tâm cao, chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm anh em cũ, nhanh chóng nắm vững và sử dụng tốt vũ khí trang bị trong điều kiện đánh ban đêm. Năm 1972 do yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu khẩn trương đồng chí đã cùng đơn vị cơ động đến các sân bay thuộc Quân khu 4 trong điều kiện đường bay ngắn, rừng núi, thời tiết phức tạp nhưng vẫn bảo đảm cất cánh hạ cánh an toàn.

Trung tuần tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 vào thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Thời cơ lập công đã đến, Vũ Xuân Thiều cùng đồng đội quyết tâm diệt B52. Để đánh chắc thắng đồng chí đề xuất phương án công kích gần, mặc dù có khả năng nguy hiểm cho cả máy bay và người lái.

21 giờ 41 phút ngày 28 tháng 12 năm 1972, Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) được sở chỉ huy hướng dẫn vòng phía sau đội hình máy bay địch.

Đến vùng trời Sơn La, sau khi vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích bảo vệ cho máy bay B52, Vũ Xuân Thiều phát hiện được mục tiêu đồng chí báo cáo xin công kích. Được sự đồng ý của chỉ huy sở, Vũ Xuân Thiều đã nhanh chóng bắn trúng mục tiêu, chiếc B52 của địch bốc cháy, vì cự ly quá gần Vũ Xuân Thiều không kịp thoát ly và đã anh dũng hy sinh.

Chiến công của Vũ Xuân Thiều bắn rơi máy bay B52 đã kích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng, góp phần làm phong phú thêm cách đánh B52 của Mỹ - có lực lượng yểm hộ mạnh - cho không quân ta. Đồng thời là một kinh nghiệm về cách chỉ huy, dẫn đường máy bay ta đánh đêm ghi một chiến công vào trang sử chiến đấu của bộ đội không quân.

Chiến công của Vũ Xuân Thiều đã góp phần làm thất bại hoàn toàn đợt tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng kéo dài 12 ngày đêm, buộc chúng phải ký Hiệp đinh Pa-ri về Việt Nam.

Lúc còn sống, Vũ Xân Thiều có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sinh hoạt giản dị, khiêm tốn.

Vũ Xuân Thiều được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Vũ Xuân Thiều được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:38:09 am »


ANH HÙNG LÊ HỒNG THỊNH
(Liệt sĩ)

Lê Hồng Thịnh (tức Lê Văn Cao) sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1954. Khi hy sinh, đồng chí là trung úy sĩ quan điều khiển thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 81 tên lửa, trung đoàn 238, sư đoàn phòng không 363, Quân chủng Phòng không, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Hồng Thịnh xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, cha và anh trai là đảng viên, năm 17 tuổi đồng chí đã tình nguyện đi bộ đội. Từ trình độ học vấn thấp (4/10), Lê Hồng Thịnh phấn đấu lên sĩ quan ra-đa rồi sĩ quan điều khiển tên lửa. Đồng chí đã thể hiện tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn để nắm vững chuyên môn kỹ thuật. Từ tháng 5 năm 1965 đến tháng 7 năm 1967. Lê Hồng Thịnh là sĩ quan điều khiển, trưởng xe YA, giữ vị trí quan trọng có tính quyết định đưa tên lửa bắn trúng mục tiêu. Chiến đấu trong hoàn cảnh rất khó khăn, đơn vị chỉ có một kíp chiến đấu, phải trực và chiến đấu liên tục. Năm 1967 địch leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc cả ngày lẫn đêm, chúng dùng đủ loại máy bay (có cả B52), thả nhiều loại nhiễu và dùng các loại vũ khí tối tân hiện đại như bom la-de, tên lửa Srai để đánh phá các mục tiêư trên mặt đất và tìm diệt các trận địa phòng không, tên lửa của ta. Đơn vị lại luôn cơ động qua những địa hình phức tạp, đường xấu đi qua các địa phương Quảng Yên, Nam Hà, Hà Nội, Hà Tây, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Linh, làm cho khí tài rơ rão hỏng hóc xuống cấp rất nhanh...

Lê Hồng Thịnh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, ra sức tranh thủ mọi lúc mọi nơi để nghiên cứu cách đánh, rèn luyện thuần thục về kỹ thuật chiến thuật, bảo quản máy móc khí tài... Kíp chiến đấu của đồng chí đã điều khiển tên lửa được chuẩn xác, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Lê Hồng Thịnh đã chỉ huy đánh 23 trận, bắn rơi 17 máy bay các loại (rơi tại chỗ 13 chiếc). Một số trận tiêu biểu:

Trận đầu đơn vị ra quân ngày 5 tháng 10 năm 1965 bắn rơi tại chỗ 3 máy bay.

Trận ngày 22 tháng 12 năm 1965 bắn rơi tại chỗ 2 máy bay AD6 là chiếc máy bay thứ 99 và 100 ở thành phố Vinh.

Trận ngày 22 tháng 5 năm 1967 bắn rơi tại chỗ 4 máy bay ...

Những thành tích do kíp chiến đấu của đồng chí lập nên là một bộ phận quan trọng tạo nên thành tích chung của tiểu đoàn 81 tên lửa đã được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng (năm 1973).

Lê Hồng Thịnh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ngày 6 tháng 7 năm 1967 khi chỉ huy kíp bắn rơi 2 máy bay địch, để lại niềm thương tiếc lớn lao cho đơn vị.

Trong cuộc sống, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu mọi công tác, khiêm tốn, giản dị, trung thực, được anh em trong đơn vị cũng như quần chúng nhân dân nơi đóng quân tin yêu quý mến.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Hồng Thịnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:38:52 am »


ANH HÙNG NGUYỄN THỊ HỒNG
(Liệt sĩ)

Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng năm 1954. Khi hy sinh (ngày 17 tháng 1 năm 1968), đồng chí là huyện ủy viên, hội trưởng hội phụ nữ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1965, Nguyễn Thị Hồng là một trong những đầu mối cơ sở hoạt động sớm nhất ở địa phương. Đồng chí trực tiếp làm nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ lãnh đạo hoạt động bí mật tại địa phương. Đặc biệt từ năm 1960 đến năm 1965 là những năm địch càn quét, đánh phá phong trào cách mạng quyết liệt. Đồng chí bị địch bắt 11 lần và tra tấn dã man. Chúng đã giam Nguyễn Thị Hồng qua nhiều nhà tù ở Điện Phong, Vĩnh Điện, Hội An. Song đồng chí vẫn một lòng với cách mạng, không khai báo, bảo đảm bí mật cơ sở.

Năm 1964, sau khi thoát khỏi nhà lao Hội An trở về, Nguyễn Thị Hồng tiếp tục hoạt động cho đến năm 1965, Gò Nổi được giải phóng, Nguyễn Thị Hồng làm hội trưởng phụ nữ huyện, huyện ủy viên...

Xuân năm 1968, Nguyễn Thị Hồng được giao nhiệm vụ vận động nhân dân các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong xuống đường đấu tranh trực diện với Mỹ - ngụy và đánh chiếm quận lỵ Điện Bàn. Đồng chí dẫn đầu đoàn quân hơn 1.000 người trong đó có cả lực lượng vũ trang, vừa đấu tranh cướp chính quyền, vừa đánh chiếm quận lỵ. Địch phát hiện đã cho quân lính ngăn chặn, bắn xối xả vào đoàn người. Nguyễn Thị Hổng là người đi đầu nên bị trúng đạn. Ráng chịu đau, chị cầm cờ hô hào quần chúng tiến lên uy hiếp địch để lực lượng vũ trang đánh địch. Nhưng do hỏa lực địch mạnh, đồng chí trúng đạn lần thứ hai, ngã xuống nhưng vẫn hô to: “Tiến lên, tiến lên” và Nguyễn Thị Hồng anh dũng hy sinh. Lời kêu gọi của Nguyễn Thị Hồng đã thúc giục đoàn người dũng cảm xông lên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang đánh chiếm được một số đồn bốt địch tại quận lỵ Điện Bàn. Đây là cuộc đấu tranh mang tính chất quy mô lớn nhất trong toàn tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ.

Tấm gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Thị Hồng đã được nhân dân địa phương cảm phục và noi gương học tập.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Thị Hồng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:39:51 am »


ANH HÙNG HUỲNH THỊ HƯỜN
(Liệt sĩ)

Huỳnh Thị Hườn (tức Má Hai) sinh năm 1920, dân tộc Kinh, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tham gia cách mạng năm 1968. Khi hy sinh (ngày 31 tháng 1 năm 1968), đồng chí là hội trưởng hội phụ nữ xã Khuê Ngọc Điền, huyện 8 tỉnh Đắc Lắc.

Năm 1954, chồng Huỳnh Thị Hườn là đảng viên tập kết ra Bắc. Trong điều kiện Mỹ - ngụy tập trung đánh phá các gia đình có người thân tập kết, buộc lòng Má Hai phải mang các con lên sinh sống ở Buôn Ma Thuột và tìm cách liên lạc với cách mạng để hoạt động, địch luôn nghi ngờ, theo dõi ráo riết. Năm 1963, Má Hai chuyển sang buôn bán ở các khu dinh điền để có điều kiện hoạt động tiếp tế cho cách mạng. Địch phát hiện hoạt động của Má Hai và ra lệnh truy bắt, buộc lòng Má Hai phải gửi các con sống ở thị xã và vào hẳn xã Khuê Ngọc Điền bắt đầu cuộc sống thoát ly. Với các công việc xã hội cụ thể: hội trưởng hội phụ nữ xã, Má Hai đã tổ chức chị em phụ nữ làm nòng cốt quyên góp tiền, lương thực, thực phẩm ủng hộ các đơn vị bộ đội, chăm sóc thương, bệnh binh, vận động phụ nữ động viên chồng con tham gia du kích, đi dân công và sản xuất.

Trong thời kỳ xã Khuê Ngọc Điền bị đánh phá ác liệt, Má Hai đã đến từng nhà động viên mọi người kiên trì bám trụ, khắc phục khó khăn sản xuất, phục vụ cho lực lượng vũ trang chiến đấu, có một người con trai 15 tuổi Má Hai cũng động viên tham gia cách mạng. Trong cuộc sống, Má Hai tích cực lao động sản xuất, nuôi gà lấy trứng nuôi thương binh, bệnh binh, giành thời gian thăm hỏi động viên anh em bộ đội trú quân trong xã.

Năm 1966, Má Hai đã nuôi ròng rã 3 tháng liền một thương binh nặng tại nhà cho đến khi khỏe mạnh và gửi về đơn vị an toàn. Má Hai còn phát hiện bọn ác ôn để bộ đội tiểu đoàn 301 và du kích tiêu diệt.

Đầu năm 1968 Má Hai phụ trách đội binh vận 36 người dẫn đầu đoàn đấu tranh chính trị của huyện 8, huyện 9 gồm hàng ngàn người tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. Suốt dọc đường đi, Má Hai thường xuyên hô khẩu hiệu, khích lệ mọi người quyết tâm đấu tranh. Đoàn biểu tình đến khu vực xã Hòa Đông bị địch chặn lại và dùng súng bắn vào. Mặc dù bị thương Má Hai không chịu lùi bước vẫn dũng cảm dẫn đầu đoàn người tiến lên. Nhiều người ngã xuống, Má Hai vượt lên cầm cờ. Mặc dù bị thương lần thứ hai, lần thứ ba, Má Hai ráng chịu cùng 4 chị em khác tiến thẳng vào cửa chính đồn địch và kêu gọi binh lính không bắn vào đồng bào. Địch ngoan cố bắn 1 quả M79. Má Hai hy sinh trong khi lá cờ vẫn nắm trong tay. Hành động dũng cảm và hy sinh anh dũng của Má Hai đã cổ vũ, động viên mọi người xông tới.

Gương hy sinh của Má Hai trong tư thế tiến công kẻ thù đã gây xúc động cho nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng và lan vào thị xã Buôn Ma Thuột. Má Hai là tấm gương sáng của một phụ nữ kiên cường, dũng cảm, chịu đựng gian khổ hy sinh, tất cả vì sự chiến thắng của cách mạng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Má Hai được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:40:48 am »


ANH HÙNG PHAN ĐỊCH
(Liệt sĩ)

Phan Địch sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 1962. Khi hy sinh (tháng 3 năm 1971), đồng chí là xã đội trưởng xã Phú Đa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phan Địch xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng (cha bị địch bắt và giết, mẹ là cơ sở nuôi dưỡng che giấu cán bộ cách mạng, chị gái tham gia kháng chiến chống Mỹ, là huyện ủy viên, hy sinh năm 1972; anh tham gia cách mạng hy sinh năm 1968). Sẵn lòng căm thù giặc Mỹ và bè lũ tay sai đàn áp, giết hại nhân dân, trong đó có người thân trong gia đình, nên đồng chí sớm giác ngộ cách mạng.

Trong hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm, đồng chí vẫn kiên cường bám trụ tại địa phương, vận động nhân dân rào làng chiến đấu, tổ chức thành thế trận liên hoàn, nghiên cứu làm vũ khí tự tạo, chỉ huy lực lượng du kích xã đánh nhiều trận chống càn có hiệu quả, bảo vệ được nhân dân, cơ sở cách mạng. Đồng chí đã vận động nhân dân nuôi giấu cán bộ, bộ đội và thương binh, có đợt 750 thương binh được nuôi ở trong xã. Vận dụng sáng tạo giữa đấu tranh chính trị và tuyên truyền làm tan rã hàng ngũ địch. Đồng thời phối hợp với các lực lượng ở trên chỉ huy đánh nhiều trận xuất sắc tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Trong 8 năm công tác và chiến đấu Phan Địch đã diệt 40 tên, bắt sống 21 tên, thu 17 súng, bắn cháy, bắn hỏng 6 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương một chiếc khác. Trong xây dựng và chiến đấu đồng chí luôn chủ động, bình tĩnh, dũng cảm, chỉ huy vững vàng, mưu trí sáng tạo vận dụng linh hoạt, ứng xử kịp thời.

Tháng 3 năm 1966 du kích thôn do Phan Địch chỉ huy đã phối hợp với du kích xã đánh vào điểm bầu cử của địch, phá tan thùng bỏ phiếu, làm chết và bị thương 22 tên địch thu một số vũ khí.

Tháng 7 năm 1967, Phan Địch chỉ huy đội du kích xã phối hợp với đại đội 117, chặn đánh quân Mỹ - ngụy diệt 150 tên địch, bắn cháy 3 xe tăng và bắn bị thương nhiều chiếc khác. Riêng Phan Địch đã dũng cảm dùng mìn, lựu đạn diệt 2 xe tăng, tạo thuận lợi cho đơn vị xông lên tiêu diệt địch, buộc chúng phải rút khỏi xã.

Chuẩn bị cho quân ta tiến công vào thành phố Huế năm 1968 được trên giao nhiệm vụ, Phan Địch đã tổ chức, lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để vận chuyển hàng hóa, lương thực cho các đơn vị, bố trí ăn, ở, bảo vệ 2 tiểu đoàn trước ngày ta tấn công một cách bí mật và an toàn. Quân ta tiến công vào An Cựu, diệt 150 tên, thu 18 súng. Phan Địch chỉ huy du kích xã và nhân dân bao vây địch, diệt 17 tên, giải phóng hoàn toàn thôn Hoà Đông. Địch cho máy bay đến giải tỏa, ta bắn rơi 1 chiếc, diệt 125 tên Mỹ, phá hủy 4 xe quân sự.

Tháng 3 năm 1971, Phan Địch bị địch bao vây lật hầm biết không sống được anh đã hủy tài liệu, xé tiền không để rơi vào tay quân thù. Phan Địch đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngoài chiến công trên, Phan Địch còn tham gia chỉ huy hàng chục lần các trận chống càn, nhiều lần làm cho Mỹ - ngụy thất điên bát đảo.

Đồng chí là tấm gương sáng về đức tính hy sinh, sống chân thành, quý trọng tình nghĩa, thương yêu anh em đồng đội, bảo vệ dân, che chở cho dân, được nhân dân quý mến.

Đồng chí đã góp phần xây dựng xã Phú Đa trở thành Đơn vị Anh hùng.

Phan Địch 2 lần được cử đi báo cáo điển hình ở Quân khu, được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ quyết thắng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Phan Địch được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:41:33 am »


ANH HÙNG HỒ ĐÔNG
(Liệt sĩ)

Hồ Đông sinh năm 1946, dân tộc kinh, quê ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương năm 1965. Khi hy sinh (tháng 10 năm 1970) đồng chí là đội trưởng đội biệt động huyện Phú Vang, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hồ Đông xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước (cha là cơ sở cách mạng, em ruột tham gia kháng chiến hy sinh năm 1967). Hồ Đông còn nhỏ được cử làm liên lạc cho cán bộ huyện, sau đó bổ sung vào lực lượng du kích xã. Do sớm được giác ngộ, căm thù giặc Mỹ và bè lũ tay sai, Hồ Đông luôn suy nghĩ tự tạo các loại bom mìn, các móc gài vũ khí mổ bất ngờ để tiêu diệt địch. Từ một giao liên, quá trình chiến đấu trưởng thành lên xã đội trưởng, rồi làm đội trưởng biệt động của huyện, đồng chí chỉ huy đơn vị, phối hợp với các lực lượng, dựa vào quần chúng tổ chức đánh nhiều trận xuất sắc, sử dụng nhiều lối đánh, hiểm hóc, khiến cho địch hoàn toàn bất ngờ để tiêu diệt. Trong vòng 8 năm công tác, chiến đấu Hồ Đông đã tiêu diệt 39 tên địch trong đó có 7 tên Mỹ, bắt sống 7 tên, làm bị thương 14 tên, phá 1 xe jép, thu 25 súng các loại.

Tháng 8 năm 1966, một đại đội lính Mỹ đổ bộ vào càn quét tại xã, đốt phá nhà cửa, bắn chết nhiều dân thường vô tội. Đề ngăn chặn tội ác của chúng cấp trên giao nhiệm vụ cho Hồ Đông chặn đánh bọn Mỹ, trả thù cho đồng bào ta. Đồng chí chỉ huy một tổ du kích bí mật đột nhập đánh vào sau lưng địch. Bị bất ngờ, địch đối phó lúng túng. Riêng đồng chí tiêu diệt 3 tên, thu 1 súng, 2 lựu đạn, bọn Mỹ vội vã rút quân. Thắng lợi đó tạo cho nhân dân trong xã phấn khởi, tin tưởng là sẽ đánh thắng Mỹ.

Tháng 5 năm 1968, bọn Mỹ tập trung quân mở trận càn lớn nhằm đánh phá vùng giải phóng của ta. Để hạn chế tổn thất và sự tàn phá của địch, cấp trên giao cho Hồ Đông phải chặn đánh bọn Mỹ, hạn chế cuộc càn quét. Đồng chí đã chỉ huy trung đội du kích xã dùng bom mìn tự tạo gài thành bãi mìn (gần 50 quả) trong đó có một quả bom nặng 250 kg, phục kích chờ sẵn. Khi địch vào đúng đội hình phục kích, toàn đơn vị nổ súng. Đồng chí bắn B40 vào đội hình bọn Mỹ, làm chúng rối loạn. Địch dàn quân ra chống cự vấp phải bãi mìn, chiếc xe jéep chỉ huy bị phá hủy trên xe có 5 tên Mỹ (trong đó có một tên đại tá), buộc chúng phải rút quân. Đây là trận đánh bom mìn tự tạo, đã tiêu diệt nhiều địch, hạn chế thương vong của ta.

Tháng 4 năm 1970, trung đội thám báo của địch thường xuyên tổ chức phục kích vây ráp bắn chết nhiều cán bộ ta. Hồ Đông đã chặn đánh diệt 2 tên, bắn bị thương 2 tên khác, và đồng chí bị trúng đạn đã anh dũng hy sinh.

Đồng chí là một tấm gương sáng để cho đồng đội học tập noi theo. Hồ Đông sống chân thành, tình nghĩa, một mực thương yêu anh em. Đồng chí đã chiến đấu không mệt mỏi để bảo vệ xóm làng và cuộc sống bình yên cho nhân dân yên tâm sản xuất, được nhân dân tin yêu, mến phục.

Hồ Đông được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhì, một Huấn chương chiến công Giải phóng hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng ba, 2 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, 2 bằng khen của tỉnh và huyện.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Hồ Đông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:42:24 am »


ANH HÙNG NGUYỄN THỊ BÉ
(Liệt sĩ)

Nguyễn Thị Bé sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạnh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, tham gia cách mạng tháng 2 năm 1961. Khi hy sinh đồng chí là huyện ủy viên, bí thư kiêm chính trị viên xã đội xã Suối Bà Tươi (nay là xã Phước Đông), huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Thị Bé xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có 9 anh chị em đều tham gia cách mạng và hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Tháng 2 năm 1961 từ một cô thợ may, Nguyễn Thị Bé tình nguyện tham gia công tác; tháng 6 năm 1961 được kết nạp vào Đoàn. Năm 1962 Nguyễn Thị Bé được kết nạp vào Đảng phụ trách bí thư xã đoàn. Năm 1970 Nguyễn Thị Bé là bí thư Đảng ủy xã kiêm chính trị viên xã đội.

Nguyễn Thị Bé luôn hăng say công tác, chịu khó rèn luyện, trong chiến đấu dũng cảm, mưu trí, trong cuộc sống luôn chan hòa , gần gũi với mọi người. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng đồng chí quyết không khai báo, buộc địch phải thả về. Nguyễn Thị Bé đã tham gia chiến đấu 29 trận diệt 18 tên (có 9 tên Mỹ), 1 tên chiêu hồi ác ôn, 1 tên chủ ấp bạo ngược, bắn cháy 1 xe tăng, bắt sống 3 tên, thu 5 súng. Ngoài ra đồng chí còn làm hàng trăm trái gài tự tạo và động viên nhân dân làm hàng ngàn chông cắm quanh căn cứ địch.

Nguyễn Thị Bé đã dùng loa phóng thanh, hàng đêm chĩa vào đồn địch giải thích chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi ngụy quân đầu hàng. Địch dùng súng bắn vào nơi có tiếng nói, nhưng do thay đổi vị trí linh hoạt nên tiếng súng vẫn nổ, tiếng loa vẫn vang làm cho địch hoang mang, ăn không ngon, ngủ không yên.

Năm 1966, Nguyễn Thị Bé đã giải tán 1 trung đội phòng vệ dân sự và diệt tên Bung, một tên chiêu hồi ác ôn, hạn chế tổn thất cho cách mạng.

Năm 1967, Nguyễn Thị Bé bị địch bắt, bọn Mỹ đã giam đồng chí ở Củ Chi, rồi đưa về trại giam tỉnh Tây Ninh. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập dã man, (bắt nắm ngửa gí thuốc lá vào rốn), Nguyễn Thị Bé vẫn chịu đựng. Nhiều ngày tháng địch bắt chào cờ và hát quốc ca ngụy, đồng chí không nghe và còn đấu tranh vạch mặt chúng, không đủ chứng cớ, kẻ thù buộc phải thả về.

Tháng 3 năm 1968, mẹ của Nguyễn Thị Bé qua đời, sau khi sinh đứa con cuối cùng. Trước cảnh bố già nuôi con nhỏ, Nguyễn Thị Bé định ở nhà thay mẹ nuôi em.

Sau khi bàn bạc với bố và anh chị, Nguyễn Thị Bé tiếp tục công tác. Vì địch khủng bố gắt gao, gia đình đồng chí phải di chuyển 11 lần qua 9 địa điểm để Nguyên Thị Bé an tâm công tác.

Từ năm 1969 trở đi địch tăng cường đánh phá ác liệt và tổ chức lực lượng càn quét vào xã, Nguyễn Thị Bé cùng lực lượng vũ trang xã kiên trì trụ bám, tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức đánh địch, diệt nhiều tên, buộc địch co lại đóng chốt trong các đồn bốt.

Có lần bị địch phát hiện hầm bí mật, đồng chí và một du kích đã dũng cảm bật nắp hầm ném lựu đạn và bắn súng vào đội hình địch diệt tại chỗ 3 tên, làm bị thương 2 tên, thoát ra an toàn.

Năm 1971 thực hiện chủ trương đột ấp phá kìm, Nguyễn Thị Bé đã 3 lần cùng đồng đội đột vào ấp bắt 3 tên, thu 5 súng, trong đó có tên Âu, chủ ấp ác ôn khét tiếng ở địa phương.

Tháng 3 năm 1973, địch tổ chức lực lượng có xe tăng vào cày ủi xã, Nguyễn Thị Bé đã chỉ huy du kích phối hợp với đại đội 33 của trên chiến đấu ngoan cường chặn đánh khi chúng vào địa phương. Trong lúc giao tranh ác liệt, Nguyễn Thị Bé bị trọng thương, đồng đội định đưa về phía sau, nhưng đồng chí kiên quyết ở lại và nói: "Các anh đừng bận tâm, hãy dồn sức cho trận đánh, đừng để lỡ cơ hội diệt địch". Nhờ có sự cổ vũ của Nguyễn Thị Bé đơn vị đã diệt 12 tên, bắn cháy 4 xe tăng, buộc địch tháo chạy. Nguyễn Thị bé đã hy sinh anh dũng.

Nguyễn Thị Bé sống giản dị, gương mẫu, chân thành, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các cương vị khác nhau, được nhân dân và đồng đội tin yêu, mến phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng 5 bằng khen, 3 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 lần là Dũng sĩ diệt xe tăng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Thị Bé được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:43:08 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN PHƯỚC
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Phước (tức Út Phước) sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tham gia cách mạng từ năm 1959, nhập ngũ năm 1960. Khi hy sinh đồng chí là đại đội trưởng đại đội 2 đặc công, tỉnh Long An, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Võ Văn Tần, sớm được giác ngộ cách mạng, ý thức về con đường đấu tranh chống áp bức, căm thù giặc sâu sắc. Các anh chị em của Út Phước tham gia hoạt động cách mạng, đều trở thành đảng viên, là cơ sở trung kiên của cách mạng, 2 anh là liệt sĩ. Năm 1959 Út Phước tham gia hoạt động trong tổ chức thanh niên, được tổ chức bí mật cử đi tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia cách mạng; rời bỏ đồng ruộng làm công nhân lò bánh mì ở Củ Chi, vừa làm vừa giác ngộ công nhân. Sau đó, đồng chí làm liên lạc cho tổ chức từ Củ Chi về Đức Hòa. Tuy gặp nhiều khó khăn, ác liệt Út Phước luôn giữ vững ý chí, bình tĩnh trong mọi tình huống. Năm 1960 đồng chí gia nhập bộ đội huyện Đức Hòa. Út Phước tham gia nhiều trận đánh và được đề bạt làm đại đội trưởng đại đội đặc công 2. Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy đánh công đồn hơn 130 trận lớn nhỏ. Út Phước trực tiếp tiêu diệt 80 tên địch trong đó có toàn bộ ban chỉ huy một tiểu đoàn, phá hủy 2 xe bọc thép, dùng mìn làm tan xác 3 xe ủi đất và 3 xe quân sự địch, thu gần 100 súng các loại. Đồng chí luôn là tiếng súng hiệp đồng trên dải chiến trường dọc sông Vàm Cỏ Đông từ Đức Huệ đi Cần Đước, Cần Giuộc... Ngoài nhiệm vụ chính, Út Phước còn tích cực chủ động bố trí cùng du kích địa phương dùng mìn tự tạo tiến công địch, ghìm chân không cho chúng lấn ra vùng giải phóng.

Năm 1963, địch dùng quân chủ lực đánh phá, đóng chốt lực lượng công binh và xe ủi đất của chúng phá sạch từ ngã ba Mỹ Hạnh đi Hậu Nghĩa, chia cắt xã thành 2 vùng. Được phân công về giúp địa phương, Út Phước đã nghiên cứu đánh đồn Đức Lập, dùng mìn tự tạo của du kích với tinh thần quả cảm và lối đánh đặc công đồng chí đã gài mìn làm nổ tan xác 4 xe ủi đất, 3 xe quân sự của địch, địch phải rút lui, ta củng cố địa bàn.

Trận đánh Đức Lập 2, ngày 27 tháng 10 năm 1965, đại đội đặc công do Út Phước chỉ huy đã tiêu diệt 1 đại đội biệt kích Mỹ, 1 trung đội cảnh sát dã chiến, bắn cháy 2 xe bọc thép. Thắng lợi lớn làm cho quân địch trong vùng hết sức hoang mang lúng túng, khí thế cách mạng trong vùng lên cao. Sau 3 trận đánh Đức Lập đã hình thành chiến thuật đánh bồi, đánh nhồi làm cho hệ thống phòng thủ của địch ở địa phương bị lung lay.

Tháng 4 năm 1967, ta đánh Phước Lý đúng thời gian Út Phước chuẩn bị cùng anh hùng Nguyễn Thị Hạnh đi dự hội nghị Chiến sĩ thi đua Miền. Do tính chất của trận đánh, tỉnh yêu cầu đồng chí ở lại tham gia đánh xong Phước Lý rồi lên đường. Trong trận này đại đội 2 đặc công kết hợp với nội ứng và 2 tiểu đoàn của tỉnh tiêu diệt tiểu đoàn 2 sư đoàn 25 ngụy. Riêng Út Phước đã diệt 30 tên trong đó có cả ban chỉ huy tiểu đoàn ngụy. Trong lúc ở lại sau cùng để tìm kiếm đồng đội bị thương đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Đồng chí luôn có quyết tâm cao trong mọi nhiệm vụ được phân công, có ý chí tiến công địch, trong mọi tình huống, sáng tạo và quả cảm trong các trận đánh, giản dị thương yêu đồng chí, đồng đội, hết lòng phục vụ nhân dân, được đồng đội, nhân dân tin yêu, mến phục, kẻ thù khiếp sợ trước uy danh của Út Phước.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, là Chiến sĩ thi đua Miền năm 1967.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Út Phước được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2016, 10:43:49 am »


ANH HÙNG PHAN NHU
(Liệt sĩ)

Phan Nhu (tức A Ma Lê) sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 8 năm 1945. Khi hy sinh đồng chí là bí thư huyện ủy huyện 5, tỉnh Đắc Lắc, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phan Nhu sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí nhập ngũ tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam. Năm 1950 theo yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí được điều về tỉnh Đắc Lắc trực tiếp làm bí thư đảng xã Ta Bôl huyện MaĐrăc. Đồng chí đã bám dân tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào dân tộc. Năm 1954, được tổ chức phân công ở lại hoạt động không tập kết ra Bắc. Năm 1959 đồng chí là tỉnh ủy viên phụ trách huyện Buôn Hồ, thời kỳ này địch tăng cường chính sách tố cộng. Đồng chí đã đổi tên là A Ma Lê, sống chung với đồng bào (từ ăn mặc, nói như người dân địa phương), nhờ vậy được đồng bào che chở, đùm bọc. A Ma Lê đã tổ chức xây dựng được nhiều đội du kích mật, chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang.

Trong khó khăn gian khổ của rừng sâu, núi cao, thú dữ, bệnh tật hoành hành, A Ma Lê vẫn chịu đựng kiên trì trụ bám địa bàn. Có lần đi công tác A Ma Lê bị cọp bắt móc mắt, móc miệng, trên cho ra Bắc điều trị đồng chí xin ở lại. Mặc dù miệng méo, mắt mờ, sức khỏe giảm sút nhưng A Ma Lê vẫn tích cực hoạt động. Sau Nghị quyết 15 của Trung ương, đồng chí cùng một số cán bộ du kích xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập Ban quân sự tỉnh Đắc Lắc.

Trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh ngày 27 tháng 10 năm 1960 tiêu diệt 1 trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí ở Buôn Hoang đã có tác động lớn đến phong trào đồng khởi giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Cuối năm 1965, A Ma Lê được giao làm bí thư huyện ủy huyện 5, là địa bàn chiến lược để tổ chức lực lượng đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng, tiến hành 3 mũi giáp công, phát triển phong trào du kích chiến tranh, bảo vệ hành lang, tổ chức vận chuyển vũ khí cho tỉnh và khu. A Ma Lê có công lớn trong lãnh đạo đấu tranh chính trị, binh vận, giải phóng hàng mảng ấp chiến lược, làm tan rã phần lớn dân vệ, thu hàng ngàn khẩu súng, giải phóng một vùng rộng lớn sát thị xã, quận lỵ trong 2 năm 1964 - 1965.

Tháng 11 năm 1967 trên đường đi công tác, đồng chí bị địch phục kích và anh dũng hy sinh.

Phan Nhu là cán bộ Đảng, cán bộ quân đội ưu tú ở Đắc Lắc và ở Tây Nguyên. Từ năm 1950 đến năm 1967 đồng chí đã gắn bó và chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần tích cực đưa phong trào của tỉnh từ chỗ non yếu nhất của Khu 5 lên ngang tầm với phong trào chung của toàn Liên khu.

Trong công tác và sinh hoạt đồng chí sống giản dị, gần gũi, thân thương, được nhân dân quý mến gọi là đồng chí Miết A Ma Lê (Bác A Ma Lê kính trọng). Đồng chí đã để lại hình ảnh đẹp đẽ về "Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Phan Nhu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM