Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:45:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68402 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:23:36 pm »


ANH HÙNG LÊ VĂN RỈ
(Liệt sĩ)

Lê Văn Rỉ sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở ấp 1 xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Khi hy sinh, đồng chí là tiểu đội trưởng du kích xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Lê Văn Rỉ tham gia đội du kích từ tháng 9 năm 1960, đầu năm 1961 đồng chí là tiểu đội trưởng đã cùng tiểu đội gây cho địch nhiều tổn thất lớn. Lê Văn Rỉ vẫn thường nói với đồng đội rằng: “Tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn và hơi thở cuối cùng, không bao giờ khuất phục kẻ thù”.

Trong những năm 1962 - 1964 địa bàn Lê Văn Rỉ phụ trách đã trở thành nơi ngăn chặn và đánh địch có hiệu quả tiêu biểu của địa phương. Bằng các loại vũ khí thô sơ chủ yếu là chông, mìn, trái tự tạo, đồng chí đã hình thành tuyến chống càn và sau này trở thành đường giao liên quan trọng cho đến ngày giải phóng.

Hai năm 1965 - 1966 là giai đoạn khó khăn nhất của lực lượng vũ trang địa phương, vũ khí thiếu nghiêm trọng, Lê Văn Rỉ đã chế tạo ra những bàn chông, quả mìn để trang bị cho bộ đội và cung cấp cho các đơn vị bạn, đồng thời đồng chí còn phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn mọi người cùng chế tạo.

Mùa khô năm 1965, Lê Văn Rỉ đã chỉ huy tiểu đội đặt mìn phục kích 1 đại đội biệt kích đang trên đường đánh vào căn cứ của ta. Đồng chí vừa chiến đấu vừa dụ địch vào trận địa bày sẵn. Một tiểu đội đich bị thiệt hại nặng, cơ quan lãnh đạo của xã được bảo vệ an toàn.

Tháng 12 năm 1966 địch tổ chức một trận càn với quy mô lớn hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của huyện. Với tinh thần mưu trí và dũng cảm, Lê Văn Rỉ đã chỉ huy một bộ phận nhỏ nổ súng thu hút hỏa lực của địch để bộ phận còn lại bí mật rút về phía sau cùng lực lượng tại chỗ bảo vệ huyện ủy. Trận càn của địch bị bẻ gẫy hoàn toàn.

Tháng 6 năm 1967, trong một lần đi làm nhiệm vụ, tổ của Lê Văn Rỉ không may lọt vào ổ phục kích của một tiểu đoàn địch. Lực lượng quá chênh lệch. Biết không thể qua được, đồng chí đã giục đồng đội rút lui còn mình ở lại quyết tử với kẻ thù, Lê Văn Rỉ bị thương gãy một chân, song vẫn kiên cường chiến đấu diệt 4 tên địch. Đến khi hết đạn và kiệt sức do vết thương quá nặng, kiên quyết không để sa vào tay giặc. Lê Văn Rỉ ôm gọn 2 trái lựu đạn bật chốt an toàn nằm sấp chờ giặc đến. Bọn giặc tưởng đồng chí đã chết, chúng tập trung lật dậy như để xem “tên Việt cộng”. Nhanh như chớp, với sức lực còn lại Lê Văn Rỉ tung 2 trái lựu đạn, diệt 12 tên giặc và đồng chí đã anh dũng hy sinh đúng như lời nguyền của mình khi còn sống.

Đồng chí đã nhiều lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng, danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng và được công nhận là một du kích tiêu biểu của tỉnh Long An.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Văn Rỉ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:24:20 pm »


ANH HÙNG PHAN VĂN TÌNH
(Liệt sĩ)

Phan Văn Tình sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Phong Thạnh (nay là xã Bình An), huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, tham gia du kích năm 1960. Khi hy sinh, đồng chí là chiến sĩ trung đội du kích xã, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong gần 3 năm tham gia công tác và chiến đấu trong đội du kích của xã, Phan Văn Tình tỏ ra hăng hái, ngoan cường trong chiến đấu, đã đánh 10 trận đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Ngày 20 tháng 10 năm 1962 trong khi cùng đồng đội đi vận động nhân dân đấu tranh chính trị, Phan Văn Tình gặp địch tại Rạch Cầu Kè. Để giữ bí mật và đảm bảo cho đồng đội an toàn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, đồng chí đã nhận thu hút địch về phía mình. Phan Văn Tình đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Bị sa vào tay giặc, đồng chí đã dũng cảm, hiên ngang không khai báo, bảo vệ an toàn cơ sở bí mật. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man, dùng xe kéo lê trên đường, dùng lưỡi lê đâm từ từ vào cổ họng. Song, Phan Văn Tình vẫn hiên ngang, lẫm liệt, chấp nhận cái chết vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ, để lại trong tâm khảm nhân dân trong vùng niềm kính trọng, yêu mến.

Đồng chí đã thể hiện ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất trước kẻ thù, là tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Phan Văn Tình được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:25:07 pm »


ANH HÙNG CHÂU VĂN BIẾT
(Liệt sĩ)

Châu Văn Biết sinh năm 1951, dân tộc Kinh, quê ở xã Long Mỹ (cũ), nay là ấp Long Mỹ, xã Phước Long Hội, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi hy sinh, đồng chí là xã đội trưởng du kích xã Long Mỹ, huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai. Trải qua gần 4 năm tham gia cách mạng (từ cuối năm 1969 đến tháng 3 năm 1973) Châu Văn Biết đã chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 17 trận. Đồng chí đã diệt được 13 lính chư hầu, 17 tên lính ngụy, bắt 6 tù binh, phá hủy 1 xe M113, thu 4 súng cá nhân và hàng ngàn viên đạn cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của địch.

Sau Tết Mậu Thân (1968), quân ngụy với sự hỗ trợ của liên quân Mỹ - chư hầu tiến hành bình định đặc biệt, chà đi xát lại rất ác liệt ở vùng xã Phước Long Hội nhằm đánh bật lực lượng cách mạng ra ngoài, hòng xóa căn cứ Minh Đạm của ta. Năm 1970, sau khi điều tra kỹ tình hình địch, Châu Văn Biết đã tự chế tạo 1 khối thuốc nổ 12kg gài tại Bàu Giang (Long Mỹ) phá hủy 1 xe M113 và diệt gọn 1 tiểu đội lính Úc 12 tên.

Tháng 7 năm 1972, Châu Văn Biết với cương vị là xã đội trưởng Long Mỹ đã cùng 3 đồng chí thuộc tiểu đoàn 445 của huyện chống trả với 2 đại đội bảo an thuộc tiểu đoàn 701 của địch càn vào Long Mỹ. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, Châu Văn Biết cùng đồng đội liên tiếp nhặt và ném trả lựu đạn địch, có lúc dùng cả hai tay hớt quăng lên. Sau đó được tiểu đoàn 445 chi viện, đẩy lùi cuộc càn quét của địch. Tổ chiến đấu do đồng chí chỉ huy đã diệt hơn 40 tên địch, khiến cho tiểu đoàn bảo an 701 hoàn toàn mất tinh thần chiến đấu. Gương chiến đấu dũng cảm của Châu Văn Biết với chiến thắng Bàu Ong Vực (xã Long Mỹ) được huyện đội, huyện ủy phổ biến học tập trong quân và dân của huyện.

Ngày 26 tháng 3 năm 1973, khi Châu Văn Biết cùng một đồng chí đi nắm tình hình địch thì bị lọt vào ổ phục kích của một trung đội bảo an địch. Ngay loạt súng đầu tiên của địch đồng chí đã bị thương vào đùi. Châu Văn Biết vẫn bình tĩnh bảo vệ cho đồng đội rút lui rồi giả hàng để dụ địch vào gần mới ném lựu đạn. Nhưng lựu đạn không nổ, quả còn lại đồng chí mở chốt, gài vào người và nằm úp xuống. Địch từng bước tiến đến chỗ đồng chí nầm, khi chúng lật đồng chí lên lựu đạn nổ làm 2 tên chết và 1 tên bị thương.

Gương hy sinh anh dũng của Châu Văn Biết được đồng đội và nhân dân mến phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Châu Văn Biết được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:25:56 pm »


ANH HÙNG ĐOÀN TRIẾT MINH
(Liệt sĩ)

Đoàn Triết Minh (tức Bẩy Đen), tên thật là Đặng Minh Nhuận, sinh năm 1932, quê ở xã Long Châu (nay là phường Ba), thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Nhập ngũ tháng 1 năm 1948. Khi hy sinh đồng chí là trung úy, đại đội trưởng đại đội 1, tiểu đoàn 261, Quân khu 8, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là một học sinh sớm giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi Đoàn Triết Minh gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp tại quê hương. Năm 1954, đồng chí cùng đơn vị tập kết ra Bắc đến năm 1961 đồng chí được trở về miền Nam tham gia chiến đấu giải phóng quê hương. Qua các cương vị từ chiến sĩ đến cán bộ đại đội. Đoàn Triết Minh luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thành tích nổi bật đặc biệt xuất sắc của Đoàn Triết Minh là đã chỉ huy đại đội 1, tiểu đoàn 261, Quân khu 8 phối hợp với 1 trung đội (thiếu) bộ đội huyện Châu Thành và du kích xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (cũ) nay là tỉnh Tiền Giang, đánh bại cuộc càn của chủ lực Mỹ - ngụy dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh vùng 4 chiến thuật với số lượng đông gấp hàng trăm lần, có máy bay, pháo binh và xe bọc thép hỗ trợ tấn công vào Ấp Bắc, ngày 2 tháng 1 năm 1961.

Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong 12 giờ liền (từ 6 giờ sáng đến 18 giờ). Mặc dù so sánh lực lượng không có lợi cho ta, địch đã sử dụng tối đa lực lượng quân dù thiện chiến, xe bọc thép M113 và trực thăng vũ trang. Bẩy Đen đã mưu trí, kiên quyết tổ chức bộ đội, cùng với bộ đội địa phương và du kích xã chặn đánh tiêu diệt địch ngay khi chúng tổ chức tiến công vào địa bàn, giữ vững trận địa. Quá trình chiến đấu, do bị bắn rơi nhiều máy bay trực thăng, bị phá hủy nhiều xe bọc thép và tổn hao về sinh lực, địch buộc phải bỏ dở cuộc càn và rút lui.

Dưới sự chỉ huy của Bẩy Đen, đại đội 1 cùng với quân dân Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của Mỹ trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long tạo nên khí thế mới trong phong trào thi đua diệt máy bay trực thăng và xe bọc thép của địch trong toàn quân khu. Với cương vị chỉ huy, Bẩy Đen đã thể hiện tư tưởng tiến công chỉ huy kiên quyết, linh hoạt, táo bạo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đoàn Triết Minh đã anh dũng hy sinh trong trận chỉ huy đơn vị tiến công địch ở Mỹ Tho ngày 30 tháng 8 năm 1963.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Đoàn Triết Minh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:26:46 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN CỐNG
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Cống (tức Út Ruộng) sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tham gia cách mạng năm 1950, nhập ngũ năm 1959. Khi hy sinh đồng chí là đại đội trưởng đại đội 513 đặc công bộ đội địa phương tỉnh Trà Vinh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Cống sinh trưởng trong một gia đình nông dân, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, là cơ sở bảo vệ mật. Khi được chuyển sang lực lượng vũ trang, từ năm 1959 đến năm 1963 Nguyễn Văn Cống đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Là một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng lực lượng đặc công của tỉnh Trà Vinh, Nguyễn Văn Cống đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong huấn luyện xây dựng và tổ chức lực lượng đáp ứng với các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong chiến đấu đồng chí tỏ rõ bản lĩnh ngoan cường của một cán bộ chỉ huy, mưu trí, linh hoạt và kiên quyết. Nguyễn Văn Cống đã cùng với đơn vị góp phần phá vỡ mạng lưới đồn bốt, giải phóng một số xã của hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú, tạo thành thế liên hoàn cho lực lượng ta hoạt động.

Năm 1960 đồng chí đã chỉ huy đơn vị đặc công tỉnh - mới thành lập, có 7 người - đánh trận đầu thắng lợi, tiêu diệt công sở tề xã Long Vĩnh, diệt 20 tên. Tiếp đó, vào năm 1963 Nguyễn Văn Cống chỉ huy tiêu diệt đồn Cái Già, xã Hiệp Mỹ, huyện Cầu Ngang tiêu diệt 1 trung đội địch chốt giữ trong đó có tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.

Để bảo vệ cơ sở và cứu thoát cán bộ ta bị địch bắt đồng chí đã chỉ huy 3 chiến sĩ dùng kỷ thuật đặc công đột nhập vào bệnh viện quận Long Toàn cứu cán bộ của ta bị địch bắt đang giam giữ tại đây. Nhiệm vụ khó khăn, lại mới bị thương chưa lành hẳn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao đồng chí vẫn kiên quyết tự nhận trách nhiệm chỉ huy thực hành nhiệm vụ đạt kết quả tốt.

Khi chỉ huy đại đội đặc công tham gia mũi chủ yếu, đồng chí linh hoạt, dũng cảm, có lối đánh táo bạo tổ chức chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ mở cửa, đột phá tạo điều kiện để đơn vị bạn phát triển và giành thắng lợi.

Đồng chí là một cán bộ chỉ huy tiêu biểu, có nhiều công sức xây dựng lực lượng đặc công tỉnh Trà Vinh lớn mạnh, trưởng thành. Nguyễn Văn Cống sống giản dị, gần gũi được đồng đội tin yêu.

Đồng chí đã được Quân khu tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công".

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Văn Cống được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:27:45 pm »


ANH HÙNG HỒ MINH LUÔNG
(Liệt sĩ)

Hồ Minh Luông, sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, tham gia cách mạng năm 1960, nhập ngũ tháng 1 năm 1962. Khi hy sinh, đồng chí là chính trị viên đại đội 247 bộ đội địa phương tỉnh Sóc Trăng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1960 Hồ Minh Luông đã tham gia công tác ở địa phương, là cán bộ xã đội, được đào tạo thành cán bộ trung đội, làm cán bộ chính trị tiểu đoàn Phú Lợi, sau đó làm chính trị viên đại đội 247. Suốt quá trình tham gia chiến đấu ở đại đội 247 đồng chí đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc, thể hiện tư tưởng tiến công địch, không ngại gian khổ ác liệt, hy sinh; chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận đạt hiệu quả cao, diệt nhiều địch thu nhiều vũ khí, đơn vị giữ thế bám trụ vững chắc ở vùng ven Sóc Trăng suốt những năm ác liệt.

Tháng 6 năm 1967, Hồ Minh Luông đã táo bạo, kiên quyết chỉ huy đánh đồn Phú Hữu ngay giữa ban ngày, tiêu diệt 3 tên địch, bắt sống 7 tên, thu 90 súng các loại.

Trong trận tiến công vào thị xã Sóc Trăng ngày 17 tháng 1 năm 1968 đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh hiếm hậu cứ tiểu đoàn 3 trung đoàn 33 của địch, diệt 30 tên sau đó đơn vị bám trụ ở vùng ven thị xã đến cuối năm 1969. Trong thời gian này Hồ Minh Luông đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận, diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch, bắn cháy và phá hỏng 10 xe M113, bắn rơi và bị thương 10 máy bay.

Ngày 3 tháng 9 năm 1969, trong khi đơn vị cùng với đội biệt động thị xã và du kích xã Trường Khánh lập bàn thờ và làm lễ truy điệu Bác Hồ tại ấp Trường Lộc, thì địch dùng 2 tiểu đoàn bộ binh, có máy bay và 18 xe M113 liên tiếp mở nhiều đợt tấn công vào khu vực đơn vị và nhân dân tổ chức lễ truy điệu, Với tình cảm sâu sắc với lãnh tụ kính yêu, và quyết tâm cao đồng chí đã trực tiếp chỉ huy đơn vị bám trụ giữ vững trận địa và bàn thờ Bác. Trong suốt 7 ngày đêm chiến đấu với một lực lượng địch đông gấp hơn 20 lần có máy bay, pháo binh và xe bọc thép chi viện, bẻ gãy được cuộc càn, tiêu diệt 100 tên, 4 xe M113, bắn bị thương 4 máy bay; đại đội 247 với thành tích "Anh dũng, kiên cường, bám trụ diệt địch" đã được tuyên dương Đơn vị Anh hùng.

Ngày 12 tháng 11 năm 1969, trong một trận chiến đấu Hồ Minh Luông đã hy sinh anh dũng.

Đồng chí là một cán bộ chỉ huy, một bí thư chi bộ có đạo đức phẩm chất tốt, bản lĩnh chiến đấu kiên cường, có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, được đồng đội và nhân dân tin yêu.

Ngày 20 thảng 12 năm 1994, Hồ Minh Luông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:28:31 pm »


ANH HÙNG SƠN KHINH
(Liệt sĩ)

Sơn Khinh sinh năm 1930, dân tộc Khơ-me, quê ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, tham gia cách mạng tháng 12 năm 1958. Nhập ngũ năm 1964. Khi hy sinh đồng chí là huyện đội phó, huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Sơn Khinh sớm tìm đến với cách mạng. Từ năm 1958 gia đình đồng chí đã thường xuyên đưa đón cán bộ, nắm tình hình hoạt động của địch để cung cấp cho cách mạng. Năm 1960 Sơn Khinh chính thức tham gia du kích xã. Trong 8 năm công tác, chiến đấu trên các cương vị khác nhau đồng chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một cán bộ chỉ huy.

Năm 1960 trong một lần đi công tác, Sơn Khinh gặp tên phân liên đoàn trưởng, đồng chí cùng với 2 người khác đã xông vào dùng dao găm đâm chết tên này. Cũng năm đó, Sơn Khinh chỉ huy du kích xã Vĩnh Phước phối hợp với bộ đội tập kích 1 trung đội biệt kích ở chùa Trà Vôn, bọn địch ngoan cố ở trên nóc chùa xả súng dữ dội vào đội hình ta. Đồng chí đã dũng cảm dẫn đầu lực lượng xung phong tràn vào tiêu diệt hỏa điểm, tạo điều kiện cho đơn vị giành thắng lợị hoàn toàn.

Trong thời gian 4 năm làm xã đội trưởng Vĩnh Phước, Sơn Khinh đã chỉ huy đánh nhiều trận có hiệu quả cao, diệt và bắt sống 200 tên địch, thu 39 súng các loại.

Năm 1968, trên cương vị huyện đội phó đồng chí đã tham gia chỉ huy trận chống càn của sư đoàn 21 ngụy tại Chòm Điền xã Vĩnh Phước, lực lượng ta đã kìm chân sư đoàn ngụy tại đây mấy ngày, địch phải rút chạy để lại 50 xác chết. Trong trận này Sơn Khinh đã anh dũng hy sinh, để lại trong nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Phước niềm tiếc thương vô hạn.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huy chương Quyết thắng, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Sơn Khinh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:29:22 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BÉ BẨY
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Bé Bẩy (tức Nguyễn Văn A) sinh năm 1947 dân tộc Kinh, quê ở xã Long Điền, huyện Giá Rai tỉnh Minh Hải, nhập ngũ tháng 4 năm 1960. Khi hy sinh đồng chí là trung đội phó thuộc đại đội 71, tiểu đoàn Phú Lợi, bộ đội địa phương tỉnh Sóc Trăng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ mất sớm, Bé Bẩy phải đi ở làm thuê kiếm sống. Năm 13 tuổi đồng chí đi theo bộ đội, làm liên lạc. Trong hơn 5 năm tham gia chiến đấu Bé Bẩy luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong trận đánh đồn ngã tư Phổ Sinh tháng 8 năm 1945, Bé Bẩy là chiến sĩ liên lạc đại đội, đồng chí đã lọt vào trong đồn địch, dũng mãnh đánh xáp lá cà với địch, phối hợp cùng đại đội tấn công từ ngoài vào, tiêu diệt và làm bị thương trên 100 tên, thu 50 súng. Riêng đồng chí diệt 20 tên, thu 20 súng.

Tháng 1 năm 1965, Bé Bẩy cùng đại đội đi phục tích đánh tiểu đoàn bảo an đi cứu viện đồn Tam Sóc (Mỹ Tú - Châu Thành), đồng chí đã mưu trí gọi hàng 7 tên, thu 7 súng, cả tiểu đoàn địch bị đại đội của ta nổ súng phải tháo chạy.

Trong trận chống càn ở Định Hòa, Gia Hòa, Mỹ Xuyên tháng 12 năm 1965, mặc dù đang đợi để đi báo công, đồng chí vẫn xin được tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Bé Bẩy được phân công nổ súng kìm chân địch, đồng chí đã mưu trí vừa đánh vừa dụ địch vào hỏa lực của ta để đơn vị tiêu diệt. Với tinh thần ngoan cường đồng chí đã bám trụ chống càn đến ngày thứ năm, bắn đến viên đạn cuối cùng. Không để súng rơi vào tay giặc, Bé Bẩy đã đập gẫy súng rồi vật lộn với địch và anh dũng hy sinh giữa lúc tuổi đời vừa tròn 18.

Sự hy sinh dũng cảm của Bé Bẩy đã góp phần cổ vũ đơn vị xông lên phản kích đập tan trận càn của địch. Trong trận này riêng đồng chí Bé Bẩy đã tiêu diệt 30 tên.

Trong hơn 5 năm tham gia chiến đấu và công tác đồng chí đã 4 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu và năm 1965 được báo cáo điển hình tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân khu 9.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Văn Bé Bẩy được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2016, 09:40:17 am »


ANH HÙNG VÕ VĂN KIẾT
(Liệt sĩ)

Võ Văn Kiết (tức Mười Quốc) sinh năm 1924, quê ở xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tham gia cách mạng năm 1946. Khi hy sinh đồng chí là chiến đoàn phó chiến đoàn 2, Quân khu 8, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ngày tham gia hoạt động cách mạng Võ Văn Kiết đã giữ nhiều chức vụ về đảng và chính quyền, luôn nêu tấm gương tiêu biểu, chủ động tiến công địch, tổ chức quần chúng đứng lên diệt ác, phá kim; luôn sâu sát, tận tụy trong công việc; chỉ huy chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, luôn nhận khó khăn về mình nhường thuận lợi cho bạn, đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Tháng 3 năm 1960 với cương vị trưởng ban quân sự huyện, Võ Văn Kiết đã tổ chức võ trang tuyên truyền phát động nhân dân diệt ác, phá kìm trong toàn huyện.

Năm 1963 đồng chí chỉ huy lực lượng vũ trang vào ấp chiến lược trừng trị bọn ác ôn và trụ lại trong ấp hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh, từ đó phát động toàn huyện phá ấp chiến lược.

Năm 1965 với cương vị chính trị viên kiêm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 514 bộ đội tỉnh, Võ Văn Kiết đã chỉ huy tiểu đoàn liên tục chiến đấu giành nhiều thắng lợi.

Tháng 6 năm 1966 Võ Văn Kiết chỉ huy tiểu đoàn tập kích trường huấn luyện hạ sĩ quan Tân Hiệp và tấn công quận Cái Bè tiêu diệt 100 tên địch có cả tên quận trưởng và tên cố vấn Mỹ, thu nhiều vũ khí, đạn dược.

Cuối năm 1966, Võ Văn Kiết chỉ huy tiểu đoàn đánh tiêu diệt gọn trung đội Mỹ bảo vệ căn cứ Bình Đức, sau đó chỉ huy 1 đại đội tập kích chi đội xe M113 tại Giồng Dứa, phá hủy 9 xe M113 thu nhiều vũ khí, trên đường trở về căn cứ đụng phải đại đội biệt kích Mỹ, đơn vị đã dũng cảm chiến đấu diệt hơn 60 tên.

Năm 1967, trên địa bàn của tỉnh địch tập trung 21 tiểu đoàn gồm lính Mỹ, quân chủ lực ngụy cộng với các tiểu đoàn lính bảo an tỉnh Long An, Vĩnh Long, Mỹ Tho mở cuộc càn lớn. Đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn 514 tập kích diệt gọn sở chỉ huy lữ đoàn 2, sư đoàn 9 Mỹ, diệt gần 200 tên, thu và phá hủy toàn bộ máy móc quân sự, đồng thời thu lại được toàn bộ số súng AK, đại liên, ĐK75 mà địch thu của đơn vị bạn.

Tết Mậu Thân (1968) Võ Văn Kiết chỉ huy tiểu đoàn 514 tiến công thành phố Mỹ Tho, đơn vị đồng chí là một trong những đơn vị đầu tiên vào nội đô thành phố.

Tháng 3 năm 1968, Võ Văn Kiết chỉ huy đơn vị chống càn ở Long Bình Điền (Chợ Gạo) bắn rơi 9 máy bay trực thăng của Mỹ.

Võ Văn Kiết đã anh dũng hy sinh trong trận chống càn ngày 10 tháng 5 năm 1968.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Võ Văn Kiết được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2016, 09:41:00 am »


ANH HÙNG PHAN THỊ RÀNG
(Liệt sĩ)

Phan Thị Ràng (tức Tư Phùng) sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; trú quán tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Khi hy sinh, đồng chí là huyện ủy viên huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phan Thị Ràng được huyện ủy phân công về công tác ở xã Thổ Sơn. Tại đây đồng chí đã tích cực làm công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng, vận động được 20 thanh niên nhập ngũ được bà con tin yêu quý mến.

Tháng 1 năm 1962 địch tập trung 2.000 quân đánh vào vùng căn cứ của ta ở Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Sóc). Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Đồng chí vừa là liên lạc giữa các đơn vị trong khu vực, vừa tổ chức, vận động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận phối hợp với các hoạt động quân sự buộc địch phải bỏ dở cuộc càn. Đêm 8 rạng ngày 9 tháng 1 năm 1962, trên đường đi làm nhiệm vụ thì Phan Thị Ràng bị địch bắt. Mặc dù địch tra tấn dã man kể cả những nhục hình và dụ dỗ, đồng chí vẫn môt lòng trung kiên với cách mạng, tin tưởng ở thắng lợi thuộc về nhân dân, tiếp tục làm công tác binh vận, và tìm cách thông báo cho đồng chí đồng bào những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Lồng lộn, tức tối kẻ thù đã giết hại đồng chí một cách dã man.

Sự hy sinh và tấm gương sáng ngời của Phan Thị Ràng đã truyền thêm sức mạnh và lòng căm thù giặc cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng Ba Hòn, quyết tâm đánh địch, bảo vệ quê hương.

Cuộc đời chiến đấu của Phan Thị Ràng, tuy ngắn ngủi, nhưng đã thể hiện đầy đủ bản chất, truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình ảnh đồng chí đã khắc sâu trong tâm khảm người dân xứ Hòn cùng với những chiến công chói ngời của quê hương. Được nhà văn Anh Đức khắc họa bằng hình ảnh chị Bẩy Sứ trong tác phẩm Hòn Đất.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM