Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:54:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68781 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:14:50 am »


ANH HÙNG LÊ TỰ NHẤT THỐNG
(Liệt sĩ)

Lê Tự Nhất Thống sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng năm 1964. Khi hy sinh, đồng chí là thôn đội trưởng du kích thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Tự Nhất Thống xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha mẹ và anh trai là liệt sĩ. Bản thân đồng chí tham gia cách mạng từ năm 10 tuổi, làm liên lạc và theo dõi nắm tình hình địch, báo cho du kích. Năm 14 tuổi đồng chí vào du kích, năm 16 tuổi làm thôn đội trưởng. Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đồng chí luôn thể hiện quyết tâm cao. Chiến đấu dũng cảm mưu trí, bị thương vẫn tiếp tục đánh địch, đồng chí đã tham gia 33 trận, cùng đơn vị diệt 156 tên địch (có 42 tên Mỹ) làm bị thương 24 tên khác, bắt 2 tên. Riêng đồng chí đã diệt 74 tên (có 19 tên Mỹ, 2 ác ôn), phá hủy 1 xe cày ủi, thu 25 súng các loại, 1 máy thông tin, hơn 100 quả lựu đạn.

Thời kỳ làm liên lạc và trinh sát Lê Tự Nhất Thống đã làm tốt nhiệm vụ, đồng thời mưu trí lừa bọn Mỹ - ngụy lấy được nhiều súng đạn cung cấp cho du kích (gồm 2 khẩu M79, 6 khẩu AR15, 1 khẩu súng ngắn, 26 lựu đạn).

Một lần khi đang giấu súng trong người để tìm diệt địch, bất ngờ gặp 7 tên Mỹ đang tiến đến, đồng chí đã nhanh chóng cởi áo cuốn theo súng rồi đến giếng giả vờ tắm rất tự nhiên. Bọn địch không nghi ngờ, Lê Tự Nhất Thống đã kịp thời lấy súng bắn 1 băng diệt được 6 tên, tên còn lại bỏ chạy, đồng chí rút an toàn (lúc đó là tháng 10 năm 1969, đồng chí 15 tuổi).

Ngày 3 tháng 3 năm 1970, đồng chí chỉ huy 3 du kích tập kích 1 tiểu đội Mỹ, diệt gọn tiểu đội này. Địch cho pháo bắn làm đồng chí và một đồng đội bị thương nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh gài lựu đạn vào xác Mỹ rồi cõng thương binh rút an toàn. Hôm sau địch đến lấy xác bị trúng lựu đạn, chết thêm 5 tên.

Ngày 15 tháng 11 năm 1970, sau khi cùng đồng đội theo dõi nắm chắc quy luật hoạt động của 1 tiểu đội Mỹ, Lê Tự Nhất Thống đã dùng mìn và 2 lựu đạn M26 thu được của địch gài sẵn và phục kích chờ địch, xẩm tối địch lọt vào ổ phục kích một số bị mìn chết. Lợi dụng lúc địch hoảng loạn đồng chí ném tiếp lựu đạn và bắn, diệt gọn cả 9 tên, thu 4 súng, 1 máy thông tin và rút an toàn.

Ngày 7 tháng 10 năm 1971 Lê Tự Nhất Thống đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu tại xóm Trảng thôn Thanh Quýt xã Điện Thắng quê hương của đồng chí.

Khi còn sống, đồng chí luôn khiêm tốn và có ý thức kỷ luật cao, được quần chúng tin mến.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất và 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, 6 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, 10 bằng khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Tự Nhất Thống được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:15:30 am »


ANH HÙNG LÊ VĂN TRẦM
(Liệt sĩ)

Lê Văn Trầm sinh năm 1915, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Quý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tham gia cách mạng năm 1945. Khi hy sinh, đồng chí là phó chủ nhiệm hậu cần tỉnh Kiến Tường, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp Lê Văn Trầm tham gia công tác ở chính quyền xã, đồng chí đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động quần chúng đấu tranh, xây dựng nhiều cơ sở và chính quyền cách mạng. Năm 1956 đồng chí được điều sang quân đội, phụ trách phòng hậu cần tỉnh đội Kiến Tường. Trên cương vị này trong 13 năm Nguyễn Văn Trầm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổ chức, chỉ huy đảm bảo tốt công tác vận chuyển vũ khí, bảo đảm hậu cần phục vụ yêu cầu chiến đấu của các lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Tường.

Ngày 11 tháng 6 năm 1969 trong khi đang điều trị vết thương tại trạm quân y X12 ở Kinh Chuối, xã Tân Ninh, địch dùng máy bay lên thẳng đổ quân bao vây trạm quân y, trước tình thế cấp thiết đó, đồng chí đã dũng cảm, trực tiếp chỉ huy 2 chiến sĩ chiến đấu ngăn chặn và thu hút lực lượng địch về phía mình để trạm quân y tổ chức đưa thương binh rút đi an toàn. Toàn tổ chiến đấu do Lê Văn Trầm chỉ huy đã anh dũng hy sinh, nhưng nhiệm vụ bảo vệ thương binh đã hoàn thành xuất sắc. Trong trận chiến đấu này riêng đồng chí đã diệt được 12 tên địch, bắn bị thương 20 tên khác.

Tấm gương ngời sáng quên mình vì đồng đội, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ trong tình thế khó khăn hiểm nghèo của đồng chí được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh mãi mãi nhắc đến, kính trọng và tin yêu.

Đồng chí còn là người cha của 5 liệt sĩ và 2 thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Văn Trầm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:16:09 am »


ANH HÙNG TRẦN VĂN HÙM
(Liệt sĩ)

Trần Văn Hùm sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, tham gia du kích năm 1964. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, phải đi làm thuê kiếm sống, chứng kiến cảnh bất công trong xã hội Mỹ - ngụy, với lòng căm thù giặc sâu sắc, Trần Văn Hùm đã tham gia du kích xã, hăng hái luyện tập, hoạt động bảo vệ quê hương. Trong quá trình tham gia du kích xã, trên bất cứ cương vị nào đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng chí đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy đội du kích xã chiến đấu tiêu diệt hơn 200 tên địch, trong đó có 69 tên lính Mỹ, diệt 4 xe cơ giới, bắn rơi 1 máy bay, thu nhiều vũ khí đạn dược.

Tháng 10 năm 1967, sau nhiều ngày điều tra nắm tình hình địch, đồng chí đã mưu trí, tổ chức chỉ huy đơn vị du kích đánh tập kích vào nơi trú quân của 2 đại đội Mỹ. Với lối đánh táo bạo dũng mãnh, đơn vị do đồng chí chỉ huy đã tiêu diệt và làm bị thương trên 1 trung đội lính Mỹ, trong đó có tên trung úy chỉ huy.

Cũng trong năm 1967, Trần Văn Hùm đã chỉ huy du kích xã chiến đấu chống 2 trận càn của địch giành thắng lợi, lối đánh của đồng chí là kết hợp cả hầm chông, ong vò vẽ, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ.

Năm 1968, đồng chí chỉ huy du kích phối hợp với đặc công tập kích vào căn cứ Rạch Kiến, tiêu diệt 1 đại đội lính Mỹ.

Ngày 7 tháng 7 năm 1972 Trần Vàn Hùm chỉ huy đội du kích và phối hợp với lực lượng của trên đánh đồn Tân Trạch. Trận chiến diễn ra ác liệt, đồng chí chỉ huy 1 mũi thọc sâu vào đồn giặc, bị thương nặng, trời lại gần sáng - tình thế hiểm nghèo đồng chí đã ra lệnh cho 2 chiến sĩ bị thương nhẹ rút ra để mình ở lại kìm chân địch.

Địch kêu gọi đầu hàng nhưng Trần Văn Hùm đã kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Trần Văn Hùm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:17:41 am »


ANH HÙNG PHẠM VĂN KHUY
(Liệt sĩ)

Phạm Văn Khuy sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tham gia du kích năm 1968. Khi hy sinh đồng chí là cán bộ xã đội xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Phạm Văn Khuy sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng. Năm 1968 sau khi hai anh ruột hy sinh, đồng chí tham gia du kích ấp; thời điểm lúc này vô cùng ác liệt, địch mở nhiều cuộc hành quân đánh phá vào xã hòng biến Lộc Hưng thành một vùng trắng. Hưởng ứng phong trào lấy vũ khí địch đánh địch của xã phát động, Phạm Văn Khuy đã vận động nhân dân và tự mình tìm kiếm bom, đạn lép của địch, cải tiến thành vũ khí đánh địch. Trong năm 1968, Phạm Văn Khuy đã chế tạo hơn 100 trái gài từ pháo 105, đạn cối 81 ly và xây dựng một bãi gài rộng hơn 1 hécta và chủ động gài trái rải rác trong ấp để đánh địch. Tháng 2 năm 1968, lực lượng Mỹ càn vào địa phương vấp phải trái gài chết 22 tên, số còn lại phải rút chạy bỏ dở cuộc càn.

Năm 1969, Phạm Văn Khuy được rút về văn phòng xã ủy vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa phụ trách công trường chế tạo vũ khí của xã. Trong năm đó đã sản xuất hơn 300 trái các loại cấp phát cho lực lượng du kích xã. Riêng đồng chí lúc nào cũng có 20 trái sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xã ủy, huyện ủy, Phân khu 1 đứng chân tại Lộc Hưng.

Tháng 2 năm 1969 đồng chí được kết nạp vào Đoàn.

Năm 1970 trong một trận chiến đấu với lính sư đoàn 25 ngụy càn vào xã, đồng chí đã gài 40 trái diệt 93 lính ngụy, địch rút chạy, căn cứ được bảo vệ an toàn.

Tháng 4 năm 1971, rút kinh nghiệm các lần càn cũ, địch không dám đi bừa bãi, buộc đi theo đường dân thường đi lại. Do nắm được tình hình trên Phạm Văn Khuy gài 2 trái 175 ly, khi địch đến, Khuy giật nổ làm chết và bị thương 32 tên.

Tháng 2 năm 1972, đồng chí đã dẫn đường và kết hợp với tiểu đoàn 16 chặn đánh địch càn vào xã diệt hàng trăm tên.

Tháng 11 năm 1972, Phạm Văn Khuy gài 2 trái nổ phá hủy 2 xe ủi, diệt 4 tên Mỹ khi chúng huy động 18 xe ủi đến ủi phá xóm làng.

Cuối năm 1972, 1 đại đội bảo an càn vào ấp Bộc An, đồng chí đã vừa gài trái chặn địch, vừa trực tiếp đánh diệt nhiều tên và đã anh dũng hy sinh.

Là một chiến sĩ du kích dũng cảm, luôn tìm cách đánh địch có hiệu quả cao, đồng chí luôn được lãnh đạo tin cậy, nhân dân và đồng đội tin yêu.

Đồng chí đã sản xuất được 800 trái gài các loại, đánh 52 trận, gài nổ 46 trái (có 3 trái giật dây), diệt và làm bị thương 158 tên địch (có 26 tên Mỹ), phá 2 xe ủi đất, thu 2 súng.

Phạm Văn Khuy đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, 5 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, được 5 bằng khen do Phân khu 1 cấp và 11 giấy khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Phạm Văn Khuy được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:18:28 am »


ANH HÙNG NGÔ VĂN TÔ
(Liệt sĩ)

Ngô Văn Tô sinh năm 1951, dân tộc Kinh, quê ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, tham gia cách mạng tháng 6 năm 1966. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngô Văn Tô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, sớm giác ngộ cách mạng, năm 15 tuổi, đồng chí gia nhập du kích xã. Quá trình chiến đấu Ngô Văn Tô đã trực tiếp đánh 70 trận, chỉ huy lực lượng du kích xã phối hợp với lực lượng của trên ngăn chặn 26 cuộc càn quét của địch vào xã. Đồng chí đã dùng các loại trái gài tự tạo diệt 2 xe tăng và 11 tên Mỹ, vừa chỉ huy đơn vị vừa trực tiếp chiến đấu diệt 120 tên lính ngụy. Đồng chí còn cải trang trà trộn trong dân vào ấp chiến lược 12 ngày đêm liên tục, để tiêu diệt ác ôn, gỡ thế kìm kẹp cho nhân dân, kết quả diệt 6 tên trưởng ấp, sau đó phục kích giữa đồng ruộng diệt 2 tên trưởng và phó đồn An Khương.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Ngô Văn Tô còn đi sâu vận động nhân dân ủng hộ hàng trăm xe bò thóc gạo ra vùng giải phóng nuôi quân. Trong một trận chiến đấu không cân sức giữa lòng địch, biết không thể chiến đấu lâu dài với chúng đồng chí đã tổ chức cho lực lượng du kích tìm cách thoát ra ngoài căn cứ an toàn. Còn lại một mình, Ngô Văn Tô tiếp tục một người một súng, tả xung hữu đột, đánh lạc hướng địch để lực lượng ta rút ra ngoài. Đồng chí đã hy sinh anh dũng ngày 20 tháng 1 năm 1973, sau khi diệt được 6 tên địch tại ấp chiến lược Suối Sâu xã An Tịnh.

Khi còn sống Ngô Văn Tô có quyết tâm chiến đấu cao, chăm lo xây dựng đơn vị trưởng thành về mọi mặt (xã được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng), sinh hoạt giản dị được nhân dân và đồng đội tin yêu.

Ngô Văn Tô đã được tặng nhiều danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng, được tặng 7 bằng khen và nhiều giấy khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Ngô Văn Tô được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:19:34 am »


ANH HÙNG TRƯƠNG VĂN SẾN
(Liệt sĩ)

Trương Văn Sến sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Vào du kích tháng 1 năm 1961. Khi hy sinh, đồng chí là du kích xă Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi còn đi học Trương Văn Sến đã tham gia làm giao liên, đưa thư từ tin tức cho các chú, các anh hoạt động trong xã. Có lần bọn mật thám đến vây bắt, đồng chí kịp thời báo cho cán bộ chạy thoát, bản thân bị địch bắt chúng tra tấn dụ dỗ nhưng đồng chí không khai báo, buộc địch phải tha.

Năm 1961, Trương Văn Sến gia nhập du kích ấp, được phân công làm tiểu đội trưởng. Trong chiến đấu đồng chí luôn dũng cảm, đánh bộ binh, đánh xe cơ giới, đánh máy bay đều có hiệu quả. Địa bàn xã là nơi địch thường xuyên càn quét, đánh phá dữ dội. Trương Văn Sến xin trên đi học cách làm trái đánh xe tăng ở công trường sản xuất vũ khí xã Trung Lập, huyện Củ Chi. Trở về đồng chí bắt tay làm và phổ biến cho anh em trong xã cùng làm. Đồng chí tự sản xuất được 770 trái gài trong đó có 120 trái mìn gạt chống tăng bằng đầu đạn 105 và 175 ly lép của địch. Từ năm 1961 đến năm 1970, Trương Văn Sến đã chiến đấu 96 trận, diệt và làm bị thương 155 tên địch (có 144 tên Mỹ, 7 tên ngụy và 4 dân vệ), đánh hỏng và phá hủy 7 xe tăng, có 1 xe ủi đất, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng.

Tháng 3 năm 1966, một đoàn xe tăng Mỹ chạy từ hướng Đồng Dù lên, đồng chí vác trái chặn đầu tốp xe tại Bàu Tràm Lớn, 1 chiếc M113 cán mìn nổ tung, 7 tên Mỹ bị diệt.

Tháng 4 năm 1966, Mỹ càn vào ấp Lộc An, Trương Văn Sến chỉ huy tổ du kích 3 người, bò sát vào nơi đóng quân của Mỹ giữa ban ngày diệt 3 tên. Cũng trong tháng này một đoàn xe của Mỹ càn tới. Trương Văn Sến dùng trái đánh hư 1 xe M118 diệt 6 tên. Địch cho máy bay lên thẳng đến lấy xác, đồng chí nổ súng bắn rơi 1 chiếc máy bay này.

Tháng 2 năm 1967, địch ủi phá địa hình trong ấp để lập vành đai trắng, Trương Văn Sến cải trang gánh quả mìn bằng đầu đạn 175 ly đặt vào nơi chúng sẽ đến. Xe ủi tới, trái nổ làm tan xác chiếc xe này, diệt 2 tên. Chiến thắng này đã cổ vũ nhân dân trong xã và du kích tìm trái lép để cải tiến đánh địch.

Trong năm 1968, Trương Văn Sến đã 6 lần làm trinh sát dẫn đường cho bộ đội đánh vào các cụm dã chiến của Mỹ ở Bầu Tràm, Tâm Định... diệt nhiều tên.

Tháng 4 năm 1968, Trương Văn Sến đã đặt 7 trái gài ở chỗ máy bay lên thẳng đổ quân càn quét, đồng chí đã bắn rơi 1 chiếc, bọn địch hốt hoảng chạy vào bãi trái nổ chết và bị thương 15 tên.

Tháng 1 năm 1969, Trương Văn Sến cùng tổ du kích 9 lần bắn tỉa và pháo kích bằng ống phóng đầu đạn 105 ly vào chốt Mỹ ở Trảng Nhớt diệt 9 tên, làm bị thương 6 tên. Trong năm 1969 đồng chí đã nhiều lần dùng trái gài diệt và làm bị thương 40 tên, diệt 1 xe M113, bắn bị thương 1 máy bay.

Ngày 25 tháng 12 năm 1969, Trương Văn Sến cùng tổ gài 1 bãi trái ở rừng dâu Bầu Tràng Nhỏ cách bốt Mỹ 250 mét. Địch đi càn lọt vào, trái nổ, diệt 23 tên, chỉ còn sót 5 tên trở về.

Hồi 7 giờ sáng ngày 5 tháng 11 năm 1970, có 1 tên chiêu hồi chạy từ hướng Bầu Bàng về phía gò Ông Phát trong lúc Mỹ đang càn ở đây. Trương Văn Sến dùng trái nổ phóng diệt 2 tên Mỹ, bọn còn lại bắn chết tên chiêu hồi và gọi máy bay lên thẳng đổ quân bao vây. Đồng chí cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu, Trương Văn Sến bắn hư 1 chiếc, địch bắn pháo ác liệt vào đội hình du kích, đồng chí đã hy sinh anh dũng.

Cuộc đời của Trương Văn Sến tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng, ý chí kiên cường trong chiến đấu, cách đánh có hiệu quả của đồng chí được nhân dân và du kích cảm phục.

Trương Văn Sến đã 6 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 lần Dũng sĩ diệt cơ giới, 2 lần Dũng sĩ diệt máy bay.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Trương Văn Sến được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:20:35 am »


ANH HÙNG LÊ VĂN VIỆT
(Liệt sĩ)

Lê Văn Việt (tức Tư Việt) sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê ở xã Long Phước, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 2 năm 1960. Khi hy sinh, đồng chí là trung đội trưởng đội 5/F100 biệt động Sài Gòn - Gia Định, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Văn Việt đi làm giao liên cho địa phương từ tháng 1 năm 1959 sau đó chính thức gia nhập biệt động thành tháng 12 năm 1960. Từ năm 1960 đến năm 1966 đồng chí đã tham gia hơn 45 trận đánh, cùng đơn vị diệt và làm bị thương 389 tên địch, phần lớn là Mỹ, diệt 7 đồn bốt, phá hủy 1 khách sạn của Mỹ, 1 phòng thông tin, 1 đài phát tín hiệu, tham gia đánh tòa Đại sứ Mỹ, đốt cháy gần 50.000 lít xăng.

Tháng 2 năm 1960 Lê Văn Việt được giao nhiệm vụ đi làm nội tuyến, đồng chí đã cướp 2 khẩu súng của địch mang về cho đơn vị. Tháng 3 năm 1960, đồng chí dùng súng ngắn bắn chết 1 cố vấn Mỹ ở xã Tăng Nhơn Phú.

Trong năm 1961 Lê Văn Việt tham gia đánh nhiều trận, tiêu diệt bọn an ninh liên trường võ bị Thủ Đức, thu nhiều vũ khí. Tháng 11 năm 1961 đến tháng 8 năm 1963 đồng chí được tổ chức cho đi học lớp trinh sát địa hình, trinh sát đặc công.

Trong những năm 1963 - 1964 đồng chí tham gia các trận đánh tiêu diệt bót Bà Bếp (Củ Chi), bót Cầu Xang (Hoóc Môn), đánh hỏng đài phát tiếng nói Quán Tre. Đặc biệt ngày 24 tháng 2 năm 1964, Lê Văn Việt đã cùng đồng đội thiết kế một xe du lịch chở 200kg thuốc nổ đánh sập cư xá Brink 5 tầng, loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên sĩ quan Mỹ thường trú phần lớn từ cấp thiếu tá đến đại tá, phá hủy hoàn toàn một phòng thông tin của Mỹ ở tầng 3 và đốt cháy 5.000 lít xăng.

Trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ ngày 30 tháng 5 năm 1965 tại Hàm Nghi, quận 1 Sài Gòn, sau khi trinh sát nắm chắc quy luật hoạt động của địch, đồng chí đã báo cáo và đề xuất phương án tác chiến, được cấp trên đồng ý. Ngày 24 tháng 3 năm 1965 đồng chí về Sài Gòn để chuẩn bị cho trận đánh (trong khi đang bị bệnh kiết lỵ hành hạ). 3 giờ sáng ngày 30 tháng 5 năm 1965 mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã được Lê Văn Việt kiểm tra lần cuối, Đúng 9 giờ chiếc xe chở 150kg thuốc nổ theo kế hoạch đã được đồng chí dẫn đường tiến thẳng tới cổng tòa Đại sứ Mỹ. Lê Văn Việt đã tự tay bắn gục 4 tên lính gác, lái xe hướng thẳng tới vị trí giật nụ xòe gây nổ và nhảy ra theo hướng đã định. Lê Văn Việt thu hút địch về phía mình để đồng đội hoàn thành mục tiêu chính. Đồng chí bình tĩnh vừa bắn vừa rút. Địch đã áp sát bắn đồng chí bị thương, ruột thòi ra ngoài. Lê Văn Việt gắng sức còn lại nhét vào, tiếp tục chiến dấu. Hết đạn, đồng chí rút chốt lựu đạn nhưng kiệt sức không rút nổi, đồng chí ngất đi và rơi vào tay giặc. Tòa Đại sứ Mỹ bị đánh thiệt hại nặng làm chấn động trong nước và trên thế giới.

Ngày 1 tháng 4 năm 1965 địch tuyên án tử hình Nguyễn Văn Hai (Lê Văn Việt khai khi bị bắt). Được tin, đồng bào đấu tranh đòi thả tự do cho Lê Văn Việt và tuyên bố nếu giết đồng chí thì cách mạng sẽ bắn tên Henly trung tá tình báo Mỹ. Vì vậy địch buộc phải hủy bản án tử hình và đầy anh ra Côn Đảo. Đêm 19 tháng 10 năm 1966 Lê Văn Việt cùng 2 người vượt ngục, nhưng kế hoạch không thành. Đồng chí bị bắt và bị địch tra tấn dã man cho đến chết, hôm đó là ngày 4 tháng 10 năm 1966.

Lê Văn Việt đã được tặng 1 Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba, thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lê Văn Việt được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2016, 11:21:24 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN KHÁNH
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Khánh (tức Nguyễn Văn Be) sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, tham gia du kích năm 1960. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Khánh sinh ra và lớn lên trong vùng căn cứ cách mạng, được giáo dục, giác ngộ, đồng chí đã tham gia du kích xã, chiến đấu bảo vệ quê hương. Trong chiến đấu dù ở cương vị nào đồng chí đều tỏ ra rất dũng cảm, kiên cường, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Trong 9 năm Nguyễn Văn Khánh đã diệt và làm bị thương 302 tên địch, bắn cháy, đánh chìm 5 tàu, 2 bobo, thu 62 súng, bắt sống 13 tên địch.

Ngày 13 tháng 11 năm 1963 để giải vây cho dồn Maren bị du kích vây đánh, địch cho 1 tàu chở 1 trung đội bảo an từ quận lỵ Tuyên Nhơn lên ứng cứu. Một mình Nguyễn Văn Khánh đã mưu trí dũng cảm đào công sự sát bờ sông và dùng B40 đánh chìm tàu này, tiêu diệt toàn bộ bọn lính trên tàu. Đây là chiếc tàu đầu tiên của địch bị ta đánh chìm trên khu vực tỉnh Kiến Tường.

Tháng 6 năm 1964, đồng chí lại chỉ huy 4 tổ du kích đánh đội thuyền của địch đi tuần trên sông Vàm Cỏ Tây bắn cháy 5 tàu sắt và 1 tàu chở dầu. Riêng đồng chí diệt 1 tàu sắt và 1 tàu chở dầu.

Trong trận chiến đấu ngày 22 tháng 4 năm 1969, Nguyễn Văn Khánh chỉ huy đơn vị đánh tập kích đoàn thuyền địch gồm 4 chiếc đậu trên sông Vàm Cỏ Tây (có 1 đại đội biệt kích bảo vệ trên bờ). Địch phát hiện được lực lượng của ta và tổ chức đối phó. Biết rằng nếu chiến đấu sẽ không thu được kết quả, đồng chí ra lệnh cho đơn vị rút lui, riêng mình tự nhận nhiệm vụ bắn thu hút địch để đơn vị được an toàn. Nguyễn Văn Khánh đã anh dũng hy sinh, nhưng toàn đơn vị được bảo toàn.

Đồng chí là một cán bộ có những phẩm chất tốt đẹp, dũng cảm, kiên cường, dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, vì đồng đội.

Tấm gương hy sinh quên mình của Nguyễn Văn Khánh được đồng đội và nhân dân mến phục.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Văn Khánh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:21:49 pm »


ANH HÙNG VÕ TẤN ĐỒ
(Liệt sĩ)

Võ Tấn Đồ sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở ấp An Định, xã An Ninh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Khi hy sinh đồng chí là đội trưởng đội du kích xã An Ninh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trong 4 năm (từ tháng 4 năm 1968 đến tháng 4 năm 1972) Võ Tấn Đồ tham gia chiến đấu, tuy nhỏ tuổi nhưng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: giao liên, quân báo rồi làm đội trưởng du kích. Đồng chí tham gia chiến đấu trên 30 trận, đánh độc lập 23 trận loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, trong đó có 37 tên Mỹ, 4 tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, diệt 9 xe M113, 1 xe cơ giới, 1 máy bay HU1A, thu trên 40 súng các loại và hàng trăm lựu đạn, mìn của địch.

Năm 16 tuổi, Võ Tấn Đồ đã lén lấy súng của anh em du kích giấu lại trong nhà mình, phục kích chặn đầu 1 đại đội địch đi càn qua xóm, chờ địch đến thật gần mới nổ súng diệt tại chỗ tên đi đầu rồi rút lui an toàn. Sau trận này, Võ Tấn Đồ được giao làm giao liên, quân báo cho đội du kích xã.

Từ tháng 4 năm 1968 đến tháng 7 năm 1969, bằng cách đánh gài mìn, lựu đạn và bắn tỉa, một mình đồng chí đã diệt 36 tên địch trong đó có 27 tên Mỹ.

Trận ngày 17 tháng 5 năm 1969, sau khi nắm chắc quy luật hoạt động của 1 trung đội biệt kích Mỹ, đồng chí đã gài mìn, lựu đạn rồi một mình mai phục và linh hoat sử dụng 3 khẩu súng (AK, Cacbin, AR15) diệt tại cho 6 tên Mỹ, thu 6 khẩu M16 và một số lựu đạn.

Tháng 2 năm, 1970 trong trận chống càn ở An Hòa Võ Tấn Đồ đã bắn chết tên chiêu hồi nguy hiểm dẫn đường cho một tốp lính, rồi kêu gọi cảnh cáo khiến cho địch hoang mang đến chiều tối chúng phải rút quân.

Tháng 6 năm 1970, hai chiếc máy bay HU1A bay thấp, phát hiện ra đội hình của ta, Võ Tấn Đồ bình tĩnh chờ máy bay lại gần mới nhả đạn 1 chiếc bốc cháy, chiếc còn lại hoảng sợ bay đi.

Những năm 1970 - 1971 chiến trường ngày càng ác liệt, địch đẩy mạnh chiến dịch bình định, đội du kích của đồng chí phải rời sang xã An Hưng, Võ Tấn Đồ xin được ở lại một mình tiếp tục bám địa bàn chiến đấu. Sau khi kiên trì nghiên cứu kỹ tình hình địch, bằng cách đánh dũng cảm, mưu trí, táo bạo, đồng chí đã diệt 9 xe M113, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch, làm nức lòng nhân dân xã An Ninh nói riêng và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đức Hòa nói chung.

Tháng 4 năm 1972 trong lúc đi nhặt bom bi lép của địch về làm mìn chiến đấu, không may bom nổ, đồng chi hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân xã An Ninh.

Trong quá trình chiến đấu ngắn ngủi, Võ Tấn Đồ được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và nhiều bằng khen của tỉnh và huyện.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Võ Tấn Đồ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2016, 03:22:43 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BỬU
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Bửu sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Bửu tham gia đội du kích từ năm 1961, đồng chí được giao nhiều nhiệm vụ: làm ấp đội trưởng, xã đội phó rồi xã đội trưởng. Từ năm 1961 đến tháng 5 năm 1970, Nguyễn Văn Bửu đã chỉ huy đội du kích xã chiến đấu hàng trăm trận, trong đó có 7 trận xuất sắc, tiêu diệt 148 tên địch (có 32 tên Mỹ), đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch (có 1 đại đội Mỹ), bắt sống 3 tên biệt kích và hạ 1 máy bay HU1A. Riêng đồng chí đã diệt 70 tên địch (có 20 tên Mỹ), bắt sống 3 tên biệt kích và bắn hạ 1 máy bay HU1A.

Từ năm 1961 đến năm 1964 Nguyễn Văn Bửu được phân công hoạt động trong khu trù mật. Đồng chí đã nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo những thông tin quý giá với cấp trên. Đồng chí đã thu lượm, cất giấu được các loại pháo, cối lép của địch để chế tạo thành vũ khí đánh địch, tiêu diệt hàng chục tên ác ôn, làm cho địch vô cùng hoang mang lo sợ.

Đầu năm 1966, sau một thời gian trinh sát nắm chắc quy luật hoạt động của 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn 25 Mỹ ở Quéo Ba, Nguyễn Văn Bửu đã chỉ huy tổ du kích mật vừa sản xuất vừa đi gài mìn ở những nơi bọn địch thường qua lại, tụ tập. Kết quả chỉ trong 2 ngày của tháng 7 năm 1966, 32 tên địch bị diệt do vướng phải mìn của tổ, số còn lại hoang mang phải rút khỏi căn cứ.

Tháng 1 năm 1967, 1 tiểu đoàn biệt kích địch lại đến Quéo Ba để đàn áp phong trào cách mạng. Được sự đồng ý của cấp trên, Nguyễn Văn Bửu lúc này - là xã đội phó - đã dẫn một tổ du kích đột nhập vào Quéo Ba, đào hầm, bám trụ nắm tình hình địch rồi gài mìn để tiêu diệt chúng. Kết quả một đại đội biệt kích đã bị loại khỏi vòng chiến, 53 tên chết tại chỗ.

Đợt 1, Mậu Thân năm 1968 đồng chí được rút lên làm tiểu đội trưởng trinh sát bộ đội địa phương. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Nguyễn Văn Bửu lại được phân công về làm xã đội trưởng xã Mỹ Quý Tây. Ngay trong tháng 5 năm 1968 đồng chí đã chỉ huy lực lượng du kích xã đánh địch đổ bộ bằng máy bay lên thẳng diệt 30 tên.

Từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1969, Nguyễn Văn Bửu đã chỉ huy du kích xã đặt mìn tự tạo trên ngọn cây và nối dây mìn với máy gây nổ dưới đất bện bù nhìn làm giả bộ đội lấp ló như đang hành quân rồi nằm mai phục. Khi máy bay địch phát hiện thấy liền quần đảo, chà soát, đồng chí chập điện gây nổ, chiếc máy bay lên thẳng tan xác, 3 tên giặc phải bỏ mạng.

Tháng 5 năm 1970, trong một chuyến đi công tác, Nguyễn Văn Bửu bị lọt vào ổ phục kích của địch, đồng chí đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ.

Đồng chí đã được tặng 2 đanh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1, cấp 2; 3 lần danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng và 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Văn Bửu được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM