Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:25:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68403 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 08:34:08 am »


ANH HÙNG VŨ PHI TRỪ
(Liệt sĩ)

Vũ Phi Trừ sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 2 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là đại úy, thuyền trưởng tầu HQ602 thuộc lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Phi Trừ trưởng thành từ chiến sĩ lên, đã được đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (1978-1981), được điều về làm phó tầu HQ604 (1981-1983) rồi thuyền trưởng (1984-1988).

Quá trình công tác và nhất là thời gian phụ trách tầu, Vũ Phi Trừ nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu học, chịu rèn, năng nổ sâu sát chiến sĩ và tỏ rõ năng lực tổ chức đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Mặc dù tầu HQ602 là tầu cũ, đã xuống cấp, đồng chí cùng anh em chăm lo bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời nên duy trì sức sống cho con tầu; tập thể tầu HQ602 đã đi lại hàng chục ngàn hải lý an toàn với nhiệm vụ chi viện tiếp tế và phục vụ bộ đội quần đảo Trường Sa.

Là thuyền trưởng kiêm phó bí thư chi bộ, Vũ Phi Trừ luôn chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng chi bộ đảng đạt trong sạch vững mạnh, duy trì nền nếp kỷ luật, bảo đảm đời sống của chiến sĩ, đồng chí được quần chúng tin tưởng, quý mến.

Khi xảy ra sự kiện hải quân xâm lược khiêu khích và lấn chiếm Trường Sa, Vũ Phi Trừ cùng tập thể tầu luôn xây dựng quyết tâm, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí đã chỉ huy bộ đội chiến đấu với kẻ thù, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên các đảo và lãnh hải của Tổ quốc.

Ngày 11 tháng 3 năm 1978, Vũ Phi Trừ nhận lệnh chỉ huy tầu HQ602 chở người, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng đi chốt giữ và xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Mặc dù sóng to, biển động tầu ra khơi vẫn đúng kế hoạch trong hành trình công tác cùng với hai tầu bạn trong biên đội.

Đoạn đường biển từ đảo Đá Lớn đến đảo Gạc Ma, địch cho tầu chiến khiêu khích, lao tầu đến cắt ngang hướng đi của tầu ta, Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, kiên quyết giữ nguyên tốc độ và hướng đi của tầu, buộc tầu địch phải lái vòng về sau. Khi tầu địch quay lại, đồng chí đã cho tầu của ta tiến thẳng đến vị trí đã định, thả neo và chốt giữ đảo Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã cùng với chỉ huy chốt giữ đảo và lực lượng công binh, tổ chức cắm cờ Tổ quốc trên đảo vào lúc 21 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988.

4 giờ 30 phút sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo, lúc này hai tầu địch cỡ lớn tới bao vây, chĩa pháo uy hiếp ta và dùng loa gọi ta rút ra khỏi đảo Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã lớn tiếng trả lời chúng: "Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ Việt Nam”. Lời nói đó đã khích lệ, cổ vũ tinh thần bộ đội ta.

Vũ Phi Trừ cùng Trần Đức Thông thống nhất báo cáo tình hình về sở chỉ huy và xây dựng phương án đánh trả địch nếu chúng tấn công ta.

Địch dọa ta không được, chúng đổ quân lên đảo để nhổ cờ, bộ đội ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Tầu địch lùi ra xa, khi trên đảo có súng nổ thì tầu địch cũng bắn vào tàu HQ602. Tình thế trở nên ác liệt, phức tạp, bộ đội ta chiến đấu trong điều kiện không cân sức, tầu ta bị hỏng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, chỉ huy bộ đội xuống các xuồng, dùng súng bộ binh chiến đấu tự vệ, đồng thời cho băng bó, cấp cứu các đồng chí bị thương còn trên tầu. Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu bằng súng AK và B40 chi viện cho anh em trên đảo. Vũ Phi Trừ bị thương nặng, tầu chìm nhanh và đã anh dũng hy sinh.

Vũ Phi Trừ là cán bộ hải quân gắn bó với tầu, với biển, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong cuộc chiến đấu giữ vững chủ quyền của nước ta trên biển Đông.

Vũ Phi Trừ đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 2 năm 1986-1987 là Chiến sĩ thi đua và được tặng 4 bằng khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Vũ Phi Trừ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 08:35:36 am »


ANH HÙNG NGUYỄN ĐÌNH HOÀNG
(Liệt sĩ)

Nguyễn Đình Hoàng sinh năm 1958, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nhập ngũ ngày 15 tháng 9 năm 1978, Khi hy sinh đồng chí là đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 bộ binh, trung đoàn 733, sư đoàn 315 thuộc Mặt trận 579, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1978, khi có chiến tranh ở biên giới Tây Nam, Nguyễn Đình Hoàng đang làm kế toán lâm nghiệp tỉnh Đắc Lắc, đồng chí tình nguyện xin nhập ngũ nhưng cơ sở do điều kiện công tác không đồng ý. Nguyễn Đình Hoàng đã viết đơn bằng máu gửi chủ tịch tỉnh xin được vào quân đội cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí đã được trên chấp thuận và đứng trong quân ngũ.

Từ một chiến sĩ, do say mê học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng, Nguyễn Đình Hoàng đã phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được đào tạo trở thành người sĩ quan và đã cùng đơn vị liên tục tham gia chiến đấu giúp bạn trên chiến trường Cam-pu-chia. Trên các cương vị đại đội, tiểu đoàn, đồng chí luôn thể hiện rõ trách nhiệm cao trước mọi nhiệm vụ; năng nổ công tác, nắm bắt tình hình nhanh, xử lý hoạt bát, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ sau tháng 1 năm 1979 và những năm tiếp theo, Nguyễn Đình Hoàng chỉ huy đơn vị liên tục tham gia truy quét, đánh địch trên địa bàn Cam-pu-chia, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng ở thôn xã. Mùa đông 1981, trung đoàn tham gia đánh chia cắt, tiêu diệt căn cứ địch ở đông ngã ba biên giới (Lào - Cam-pu-chia - Thái Lan), Nguyễn Đình Hoàng được lệnh ở lại gần biên giới Thái Lan chiến đấu đánh địch, đây là nơi có nhiều khó khăn. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận, diệt nhiều tên địch, có lần Nguyễn Đình Hoàng trực tiếp chiến đấu diệt 4 tên tại chỗ, thu vũ khí.

Năm 1985, sau khi giải phóng khu vực ngã ba biên giới, đại đội của Nguyễn Đình Hoàng được giao nhiệm vụ luồn sâu, đánh cắt quân địch tháo chạy, diệt nhiều tên. Đơn vị được lệnh mở cửa tấn công phía tây cao điểm 581 (khu vực Mê Ri Ca), bộ phận đi đầu gặp khó khăn, 4 đồng chí bị thương nặng. Nguyễn Đình Hoàng bình tĩnh chỉ huy đơn vị vượt qua dốc cao, qua những đoạn thang dây đưa hết thương binh về phía sau an toàn, sau đó tiếp tục tấn công, đã thọc sâu, chia cắt địch tạo thuận lợi cho đơn vị bạn đánh nhanh, giải quyết nhanh.

Năm 1987 Nguyễn Đình Hoàng được cử về quân khu học tập, đồng chí xin lãnh đạo, chỉ huy mặt trận là học xong xin trở lại chiến trường. Sau khi kết thúc lớp học, do sức khỏe yếu, đồng chí bị sốt đái huyết cầu tố hay ngất vì yếu tim; quân khu sắp xếp ở lại hậu phương công tác; nhưng Nguyễn Đình Hoàng vẫn quyết tâm xin trở lại chiến trường làm nhiệm vụ. Trở lại chiến trường, đơn vị sắp xếp đồng chí làm nhiệm vụ vận tải, một lần nữa, Nguyễn Đình Hoàng xin ra chỉ huy đơn vị chiến đấu. Đồng chí đã cùng đơn vị tham gia đánh nhiều trận. Trong một lần đi công tác Nguyễn Đình Hoàng bị địch phục kích và anh dũng hy sinh.

Từ chiến sĩ lên cán bộ, từ quần chúng phấn đấu thành đảng viên, Nguyễn Đình Hoàng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm có ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Với đơn vị đồng chí luôn đoàn kết, thương yêu bộ đội, góp phần xây dựng đơn vị trưởng thành về mọi mặt, cuộc đời quân ngũ của đồng chí luôn gắn bó với chiến trường, với cách mạng Cam-pu-chia, Nguyễn Đình Hoàng là tấm gương sáng trong đơn vị.

Nguyễn Đình Hoàng được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 2 lần là Chiến sĩ quyết thắng, 3 lần là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Nguyễn Đình Hoàng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 02:37:21 pm »


ANH HÙNG BÙI ĐẠI

Bùi Đại sinh năm 1924, dân tộc Kinh, quê ở xã Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 10 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Thiếu tướng, giáo sư cấp 2, tiến sĩ Viện trưởng Viện quân y 108. Bùi Đại đã được Nhà nước ta tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bùi Đại còn là Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Y tế, Phó chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương, Ủy viên thường trực Hội đồng khoa học y học Bộ Quốc phòng, Trưởng tiểu ban Phòng dịch quân sự, chuyên viên đầu ngành về dịch tễ học và nhiều chức danh khoa học khác ở trong nước và thế giới.

Bùi Đại liên tục công tác trong ngành Y, luôn nêu cao quyết tâm sẳn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trên các cương vị khác nhau, trên các chiến trường trong nước và nước bạn. Đồng chí say mê học nghiên cứu tìm tòi và vận dụng sáng tạo những kiến thức y học hiện đại vào thực tiễn Việt Nam. Bùi Đại đã có nhiều đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn trong xây dựng ngành truyền nhiễm Việt Nam và công tác phòng, chống dịch bệnh trong quân đội và ngoài xã hội.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Đại đã tham gia các chiến dịch lớn: Tây Bắc, Thượng Lào (Xiêng Khoảng) và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã có mặt trên các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất ở miền Nam: Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (1966), Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh (1968), Mặt trận Tây Nguyên - Đông Nam Bộ (1971-1972), Mặt trận Trị - Thiên (1973), chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh (1974-1975).

Từ năm 1960 đến năm 1989, ngoài thời gian có mặt trên chiến trường chính miền Nam và làm công tác nghiên cứu giảng dạy, Bùi Đại đã phụ trách nhiều đoàn chống dịch bệnh lớn: Năm 1967, giúp Trung Quốc chống dịch bệnh viêm màng não; năm 1969 chống dịch lỵ ở Nam Hà; năm 1971, giúp Cam-pu-chia chống dịch hạch; năm 1976, chống dịch tả ở Hải Phòng; năm 1977 giúp Lào chống dịch DXH (đái đen) và 4 lần đi chống dịch sốt rét ác tính và sốt rét đái huyết cầu tố ở biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan.

Trong thời gian Bùi Đại làm Chủ nhiệm bộ môn truyền nhiễm Viện quân y 103, Chủ nhiệm khoa truyền nhiễm Viện quân y 108, Viện trưởng Viện quân y 103, Viện phó Học viện quân y, rồi Viện trưởng Viện quân y 108, đồng chí đã nghiên cứu, biên soạn 15 cuốn sách trong đó có 2 sách giáo khoa chương trình đại học, 13 sách chuyên đề sau và trên đại học. Trong đó 8 cuốn đồng chí tự viết và 7 cuốn do đồng chí chủ biên (11 sách xuất bản trong quân đội, 4 sách do Bộ Y tế xuất bản). Những tài liệu này đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu và điều trị cho các đơn vị cơ sở trong toàn quân.

Bùi Đại đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học (49 công trình in trên tạp chí, 45 báo cáo ở các hội nghị) ngoài ra còn viết 40 bài báo về chuyên ngành có tính chất tổng kết kinh nghiệm hoặc tài liệu chỉ đạo ngành. Riêng về sốt rét có 40 công trình đồng chí cùng đồng đội triển khai công tác ở các bệnh viện, đơn vị an dưỡng và ở các chiến trường.

Từ năm 1960, Bùi Đại đã tham gia giảng dạy đại học và sau đại học, tham gia đào tạo các lớp dài hạn và chuyên tu, đã đào tạo 6 lớp chuyên khoa truyền nhiễm, trực tiếp hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh và giảng dạy tại trường Đại học Y khoa. Ngoài ra còn tham gia chấm thi trong nước và năm 1984 được mời giảng dạy về bệnh nhiệt đới cho 34 bác sĩ Học viện Ki-rốp (Liên Xô). Trong xây dựng ngành Bùi Đại đã soạn 15 chỉ thị về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Đồng chí là một cán bộ nghiên cứu đồng thời là một cán bộ phụ trách đơn vị luôn gương mẫu, nhiệt tình, tận tụy với công tác, giữ vững đoàn kết, được cấp trên tin cậy, quần chúng yêu mến và kính trọng.

Bùi Đại đã được thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 6 năm là Chiến sĩ thi đua và nhiều bằng và giấy khen. Đồng chí còn được Nhà nước ta trao tặng Huân chương vì sức khỏe phân dân, Huân chương vì thế hệ trẻ, được Nhà nước Lào và Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương cao quý.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Bùi Đại được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 02:38:26 pm »


ANH HÙNG PHÙNG HỒNG LÂM

Phùng Hồng Lâm sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 1 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Đại tá, thuộc Cục nghiên cứu Bộ Quốc phòng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Được Đảng, nhân dân và quân đội tin cậy giao cho những nhiệm vụ quan trọng, hết sức nặng nề và rất vẻ vang trên trận tuyến thầm lặng tại chiến trường. Mặc dù sống và hoạt động ở địa bàn xa, tình hình xã hội phức tạp, tính chất nhiệm vụ đặc biệt và rất khó khăn, nguy hiểm. Phùng Hồng Lâm vẫn luôn giữ vững được phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Với cương vị được giao, đồng chí luôn thể hiện trách nhiệm cao, nhiệt tình, tận tụy, có tác phong sâu sát, tỷ mỉ, cụ thể, chu đáo, giữ vững các nguyên tác hoạt động bí mật, an toàn của ngành. Phùng Hồng Lâm đã bám trụ kiên cường ở địa bàn, chủ động xây dựng và phát triển lực lượng, xây dựng được một số quan hệ điệp báo có giá trị ở một số mục tiêu quan trọng của đối phương, thu được nhiều tin tức trong đó có những tin có giá trị về chiến lược trong từng thời kỳ, kịp thời báo cáo giúp lãnh đạo, chỉ huy có cơ sở khẳng định, đánh giá đúng về địch, từ đó đề ra những chủ trương, biện pháp kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

39 năm chiến đấu, công tác liên tục, Phùng Hồng Lâm đã tỏ rõ là một cán bộ có kinh nghiệm hoạt động và hoạt động có hiệu quả cao, đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Phùng Hồng Lâm đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất và nhiều bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Phùng Hồng Lâm đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 02:39:09 pm »


ANH HÙNG TRƯƠNG QUANG LUẬT

Trương Quang Luật sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Tịnh Ấn, huỵện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 9 năm 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại tá, Viện trưởng Viện quân y 21 thuộc Cục Hậu cần, mặt trận 579, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

44 năm phục vụ trong quân đội, Trương Quang Luật đã trưởng thành từ chiến sĩ cứu thương đến bác sĩ chuyên khoa cấp 2, đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1966-1970) Trương Quang Luật là đại đội trưởng đại đội 20 quân y thuộc Quân khu 4 (khu Vĩnh Linh). Đồng chí đã tổ chức cứu chữa thương bệnh binh kịp thời, chăm lo xây dựng đơn vị được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng năm 1968.

Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia, Trương Quang Luật được bổ nhiệm từ bác sĩ chủ nhiệm khoa ngoại Viện quân y 17 thuộc Quân khu 5, làm Viện trưởng Viện quân y 21, măt trận 579. Là bệnh viện hoạt động trên địa bàn rừng núi, xa hậu phương, tiếp tế đi lại khó khăn, nên thương bệnh binh về đến viện thường nặng và suy kiệt sức khỏe. Trương Quang Luật đã tập trung y bác sĩ khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến để chữa chạy, nuôi dưỡng thương bệnh binh mau khỏi bệnh, trở về đơn vị, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và công tác của chiến trường.

Về nghiệp vụ chuyên môn, qua 10 năm Trương Quang Luật đã trực tiếp mổ hơn 50 ca phức tạp như vết thương thấu bụng, thủng dạ dày, thủng đại tràng ngang... thành công.

Trường hợp lái xe Phan Viết Phước, bị thương ngày 13 tháng 9 năm 1981 đạn thẳng xuyên qua phổi, máu ra nhiều, phổi lòi ra ngoài, choáng nặng, không lấy được huyết áp. Trương Quang Luật đã bình tĩnh phẫu thuật thành công.

Trường hợp Nguyễn Xuân Nam, nhân viên của viện đi công tác về bị đau bụng, hội chẩn triệu chứng viêm phúc mạc phải mổ gấp, nhưng máy nổ hỏng, Trương Quang Luật dùng đèn pin, đèn ô tô chiếu sáng, sau hai giờ phẫu thuật một đoạn ruột dài gần 10 phân lồng vào đại tràng, bệnh nhân được cứu sống.

Đối với thương binh Som Năng (bộ đội Cam-pu-chia) ngày 29 tháng 4 năm 1978 đưa từ tuyến trước về vì vết thương ở khoeo chân trái sưng to bằng quả bưởi. Hội chẩn là khối máu tụ do thủng động mạch. Đây là một ca mổ chuyên khoa về di chứng vết thương mạch máu. Trương Quang Luật vừa phẫu thuật, vừa hướng dẫn từng động tác cho y, bác sĩ của viện phẫu thuật thành công, thương binh được cứu sống.

Đối với tên Năm Hỗ - tù nhân trong nhóm phản động Hoàng Cơ Minh - bị gãy xương đùi, lở loét, suy nhươc gần chết, được Viện quân y 21 cứu sống, làm nhân chứng tố cáo âm mưu và tội ác của nhóm phản động hải ngoại này. Bộ Nội vụ đã gửi thư cảm ơn.

Trương Quang Luật có 13 đề tài khoa học có giá trị, nhiều đề tài đã được đăng trên tạp chí Y học quân sự.

Trong 10 năm ở chiến trường Cam-pu-chia, Trương Quang Luật đã cùng đồng nghiệp cứu chữa, điều trị 28.052 thương, bệnh binh, tham gia giám định 1.875 thương binh, tổ chức 4 lớp học ngoại ngữ cho y, bác sĩ của viện.

Trong công tác giúp bạn, Trương Quang Luật thường xuyên giữ quan hệ tốt với bệnh viện tỉnh Stung-Treng và bệnh viện khu vực 1, trao đổi kinh nghiệm hoặc trực tiếp phẫu thuật các ca khó vượt quá khả năng của bạn, được bạn tin yêu và mến phục.

Trương Quang Luật đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ huy viện, phát huy vai trò tập thể xây dựng viện ngày một tiến bộ và trưởng thành. Năm 1986, Viện quân y 21 được Hội đồng Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trương Quang Luật luôn tu dưỡng, rèn luyện không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, chăm lo xây dựng đội ngũ y, bác sĩ của viện. Trong những năm giúp bạn, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí đã được thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 8 lần là Chiến sĩ thi đua, 2 lần là Chiến sĩ quyết thắng và nhiều bằng, giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Trương Quang Luật được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 02:40:11 pm »


ANH HÙNG HÀ MINH THÁM

Hà Minh Thám sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ tháng 12 năm 1972. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu tá, phó trung đoàn trưởng về chính trị, trung đoàn 95 thuộc mặt trận 579, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 12 năm 1972, tuy chưa đến tuổi nghĩa vụ quân sự nhưng Hà Minh Thám đã tình nguyện viết đơn bằng máu để được nhập ngũ, lên đường tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Từ tháng 7 năm 1973, đồng chí công tác tại tiểu đoàn 52 thuộc tỉnh đội Bình Định cho đến ngày miền Nam giải phóng. Hà Minh Thám được đào tạo qua lớp quản trị trưởng, ra trường về làm cán bộ trung đội thuộc trung đoàn 95, Quân khu 5.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 4 tháng 6 năm 1978, Hà Minh Thám đã chỉ huy đơn vị chiến đấu tiêu diệt được địch, giữ vững trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Hà Minh Thám đã chỉ huy đơn vị với cương vị đại đội phó, chốt giữ điểm cao biên giới liên tục trong 3 tháng liền. Trận ngày 14 tháng 9 năm 1978 Hà Minh Thám đã tổ chức đơn vị đánh bại nhiều cuộc tấn công của địch, giữ được chốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Trong quá trình chỉ huy đơn vị tham gia chiến đấu giúp bạn trên đất Cam-pu-chia, nhiều lần bị thương sau khi điều trị, tuy còn yếu nhưng Hà Minh Thám vẫn xin trên trở về đơn vị tham gia chiến đấu, đơn vị đã góp phần giải phóng khu vực Bung Lùng, Lọm Phát, Stung-treng, Choam Ka San - chùa Prét-vi-hia thuộc vùng đông - bắc.

Từ năm 1979 đến năm 1984, Hà Minh Thám đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các cương vị công tác khác nhau. Trong thời gian cùng đại đội 3, tiểu đoàn 1 phòng ngự tại chùa Prét-vi-hia, hai năm liền là Chiến sĩ thi đua. Chiến dịch M1 (đánh điểm cao 547) với cương vị là tiểu đoàn phó chính trị tiểu đoàn 3, Hà Minh Thám đã cùng tập thể khắc phục khó khăn, giữ vững quyết tâm, chiến đấu thắng lợi, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Nổi bật là trận đánh ngày 8 và 9 tháng 12 năm 1984 tại điểm cao 677 (núi Cụt), đơn vị Hà Minh Thám được giao nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu, địch chống trả quyết liệt. Sau 8 giờ chiến đấu, đơn vị chưa đánh chiếm được mục tiêu, một số cán bộ, chiến sĩ thương vong, đạn dược tiêu thụ gần hết, đồng chí đã kêu gọi đơn vị giữ vững quyết tâm, tổ chức lại lực lượng, củng cố trận địa, tiếp tục chiến đấu, bám trụ chờ lực lượng bổ sung. Với cương vị bí thư chi bộ, được sự đồng ý của đảng viên, đồng chí tuyên bố kết nạp 2 quần chúng có thành tích vào Đảng đã có tác dụng cổ vũ động viên khí thế của đơn vị, cùng lực lượng phía sau chiến đấu tiêu diệt địch chiếm được mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận này đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Hà Minh Thám được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Trong trận đánh đầu tháng 1 năm 1985, Hà Minh Thám trực tiếp chỉ huy 2 đại đội truy kích địch từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều ngày 5 tháng 1 năm 1985, diệt 96 tên bắt 42 tên, thu 61 súng các loại và một số đồ dùng quân sự khác. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Hà Minh Thám được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Với cương vị chủ nhiệm chính trị rồi phó trung đoàn trưởng trung đoàn 95, Hà Minh Thám đã có nhiều cố gắng cùng tập thể phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng trung đoàn là điển hình tiêu biểu của mặt trận 579. Năm 1988, đơn vị nhận cờ thưởng thi đua luân lưu của Bộ Quốc phòng.

Quá trình công tác, Hà Minh Thám luôn gương mẫu, chấp hành mọi quy định, ở đâu cũng cùng đơn vị giữ vững và phát triển tình đoàn kết quân đội Việt Nam với nhân dân, lực lượng vũ trang Cam-pu-chia, tạo điều kiện giúp bạn về mọi mặt trên địa bàn.

Hà Minh Thám được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công trong 11 năm làm nhiệm vụ quốc tế và bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Hà Minh Thám được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 02:41:34 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN LANH

Nguyễn Văn Lanh sinh năm 1966, dân tộc Kinh, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1985. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83, Quần chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Lanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, học lớp 7/10 đồng chí phải ở nhà làm ruộng giúp đỡ gia đình, là một thanh niên cần cù, chịu khó trong lao động và tích cực tham gia công tác đoàn ở địa phương.

Tháng 8 năm 1985 Nguyễn Văn Lanh nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, đồng chí về công tác tại trung đoàn 83 công binh hải quân.

Từ tháng 11 năm 1985 đến tháng 2 năm 1988, Nguyễn Văn Lanh tham gia xây dựng công trình K25 (Hải Phòng), sau đó xây dựng khu hậu cứ Hòa Khương (Đà Nẵng). Trong hơn hai năm, Nguyễn Văn Lanh luôn nhiệt tình công tác, hăng hái, chịu khó rèn luyện và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 25 tháng 2 năm 1988, đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ ở Trường Sa, Nguyễn Văn Lanh xác định quyết tâm, phấn khởi lên đường. Ngày 8 tháng 3 năm 1988 Nguyễn Văn Lanh được giao làm tiểu đội trưởng, cùng đơn vị xây dựng công trình tại đảo Gạc Ma, đồng chí đã làm tốt việc bốc dỡ, vận chuyển vật liệu và tham gia xây dựng công trình theo kế hoạch.

Sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tầu HQ604 lên đảo, thì tầu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, vây ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: “Đồng chí nào biết bơi, bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ hy sinh. Nguyễn Văn Lanh đã xông đến bảo vệ cờ; mặt giáp mặt với kẻ thù, đồng chí vẫn bình tĩnh, dũng cảm và kiên cường đấu tranh với địch. Khi địch tiến đến giằng cờ, Nguyễn Văn Lanh kiên quyết giữ lại, đôi bên giằng co, địch nhổ xà beng đánh, Nguyễn Văn Lanh né tránh được. Địch dùng lê đâm, đồng chí tránh nhưng bị sạt qua bả vai. Khi thấy tên sĩ quan địch dùng súng ngắn định bắn, bằng một động tác bất ngờ, Nguyễn Văn Lanh đánh bật khẩu súng trong tay hắn. Địch bên ngoài điên cuồng nổ súng, đồng chí bị thương đạn vào bả vai. Một tên xông tới gí lưỡi lê vào bụng Nguvễn Văn Lanh, hăm dọa bắt hạ cờ. Đồng chí kiên quyết gạt lê ra thì tên địch nổ súng, đạn xuyên vào bả vai trái, làm đồng chí mất đà, ngã nhào xuống nước. Đồng đội đã vào tiếp cứu và tiếp tục giương cao cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của ta trước mặt kẻ thù.

Khi địch rút ra xa, Nguyễn Văn Lanh được đồng đội tìm kiếm và đưa ra tầu HQ505 cấp cứu, sau đó được đưa về sau điều trị. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, Nguyễn Văn Lanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Lanh đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm kiên quyết chiến đấu mặt giáp mặt với kẻ thù và đã chiến thắng, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma.

Nguyễn Văn Lanh đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Nguyễn Văn Lanh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 02:43:14 pm »


ANH HÙNG TRẦN THỊ LÝ

Trần Thị Lý (tức Trần Thị Nhâm) bí danh Bích Ngọc, sinh ngày 30 tháng 12 năm 1933, quê xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng ngày 19 tháng 8 năm 1948, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trần Thị Lý sinh ra và lớn lên trên vùng cát huyện Điện Bàn, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng. Năm 12 tuổi, Trần Thị Lý tham gia thiếu nhi cứu quốc của xã. Năm 1946, đồng chí được điều về làm cán bộ văn phòng thanh niên cứu quốc của huyện Điện Bàn và là thường vụ ban chấp hành thanh niên cứu quốc huyện. Tuổi nhỏ, chí lớn, Trần Thị Lý lăn lộn với phong trào kháng chiến cứu quốc ở địa phương, vận động thanh niên tham gia kháng chiến. Năm 16 tuổi, Trần Thị Lý được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đầu năm 1952, trong một lần đi công tác không may Trần Thị Lý bị địch bắt, chúng dùng mọi thủ đoạn và cực hình tra trấn, nhưng không khai thác được gì. Đến tháng 11 năm 1952, địch phải trả tự do cho đồng chí.

Ra tù Trần Thị Lý càng hăng say hoạt động. Năm 1953, đồng chí được điều về làm công tác thanh niên của tỉnh. Trần Thị Lý lại ngày đêm bám sát cơ sở, góp phần đưa phong trào thanh niên của tỉnh lên một bước mới.

Tháng 7 năm 1954, Trần Thị Lý được giao nhiệm vụ làm cán bộ giao liên huyện.

Tháng 1 năm 1955, đồng chí phụ trách đường dây bí mật của tỉnh tại Đà Nẵng. Thời gian này, địch kiểm soát gắt gao, truy tìm cán bộ của ta nằm vùng ở khắp các địa phương, Trần Thị Lý đã kiên trì, bền bỉ và khôn khéo liên lạc, tập hợp các đồng chí ở các huyện, tìm cách lánh ra Đà Nẵng tránh được tổn thất cho cách mạng.

Tháng 6 năm 1955, Trần Thị Lý bị địch bắt lần thứ hai. Địch tra tấn vô cùng dã man, đồng chí vẫn cắn răng chịu đựng mọi cực hình, kiên quyết không khai, bảo vệ bí mật của Đảng và cơ sở cách mạng. Sau 5 tháng giam cầm, tra tấn không khai thác được gì, chúng buộc phải thả chị.

Tháng 11 năm 1955, tuy sức khỏe còn yếu, Trần Thị Lý vẫn xin tổ chức tiếp tục công tác, phụ trách đường dây bí mật của tỉnh.

Tháng 6 năm 1957, trong lúc đang làm nhiệm vụ, Trần Thị Lý bị địch bắt lần thứ ba. Đồng chí đã chịu mọi cực hình tra tấn cực kỳ dã man của địch “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung", nhưng chúng cũng không lay chuyển được Trần Thị Lý.

Tháng 10 năm 1958, đồng chí kiệt sức, địch nghĩ Trần Thị Lý không thể sống được nữa nên chúng đem vứt chị ra ngoài nhà lao. Trần Thị Lý được cơ sở đưa về nhà, sau đó đưa ra khỏi Gò Nổi và được tổ chức cho ra miền Bắc chữa trị các vết thương.

Sự kiên trinh bất khuất của Trần Thị Lý - người con gái đất Quảng trước kẻ thù đã in đậm trong tình cảm và sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước và bầu bạn thế giới.

Với hơn 50 vết thương trên cơ thể. Trần Thị Lý vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Ngày 2 tháng 2 năm 1992, Trần Thị Lý được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2016, 10:15:23 am »


ANH HÙNG NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH
(Liệt sĩ)

Nguyễn Đình Chính (tức Nguyên Đình Giai) sinh năm 1924, dân tộc Kinh, quê ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1945. Khi hy sinh đồng chí là chỉ huy Ban công tác 1 - một trong những đơn vị tiền thân của biệt động thành Sài Gòn.

Tháng 4 năm 1944, Nguyễn Đình Chính trốn khỏi hàng ngũ hải quân Pháp trong chế độ "lính thợ bản xứ" ở Hải Phòng để vào Sài Gòn làm công nhân ở xưởng Ba Son. Ở đây đồng chí cùng anh em tổ chức bãi công, gây xô xát với bọn cai xếp. Tháng 8 năm 1945, đồng chí chính thức gia nhập hàng ngũ cách mạng tại Thủ Dầu Một, đảm nhiệm việc huấn luyện dân quân địa phương, tổ chức phục kích xe chở súng đạn của địch ở các làng xã miền Tây Nam Bộ, đồng thời tổ chức thành lập một công binh xưởng thô sơ để sửa chữa vũ khí. Sau 2 lần bị Nhật bắt làm tù binh, Nguyễn Đình Chính đã vượt ngục về Sài Gòn gia nhập Ban trinh sát quân chính khu 7. Đến tháng 3 năm 1946 đồng chí được tổ chức giao làm chỉ huy Ban công tác 1. Từ giữa năm 1946 đến năm 1947, Ban công tác của đồng chí đã liên tiếp giáng xuống đầu kẻ thù những đòn chí mạng làm cho giặc Pháp và bọn tay sai vô cùng khiếp đảm.

Một trong những trận đánh tiêu biểu nhất đó là vào giữa năm 1946. Nguyễn Đình Chính cùng 5 người khác có nhiệm vụ tiêu diệt tên phản bội chiêu hồi Nguyễn Thượng Hiền có nhiều nợ máu với nhân dân. Chính hắn đã chỉ điểm cho địch bắt hơn 10 cán bộ của ta, gây tổn thất rất lớn cho cách mạng. Vào một buổi trưa Nguyễn Đình Chính cùng 5 đồng đội của mình đóng giả những trí thức thân Pháp đi qua được bọn bảo vệ, đột nhập vào nhà, chỉ 10 phút sau các đồng chí đã dùng dao găm diệt gọn 5 tên ác ôn phản động.

Ngày 26 tháng 2 năm 1947 trong khi làm nhiệm vụ đồng chí đã sa vào ổ phục kích của giặc. Trong thời gian từ tháng 2 năm 1947 đến tháng 2 năm 1949, địch đã dùng mọi thủ đoạn dã man tàn bạo nhất để tra tấn hòng khuất phục đồng chí, nhưng Nguyễn Đình Chính đã giữ vững khí tiết của người cộng sản. Địch đã xử Nguyễn Đình Chính hai án tử hình. Ngày 9 tháng 2 năm 1949 giặc đưa đồng chí ra pháp trường khám Chí Hòa. Tại đây Nguvễn Đình Chính đã kịp viết thư bằng máu của mình gửi Bác Hồ với tất cả lòng kính trọng và niềm tin bất diệt vào thắng lợi cuối cùng trước lúc hy sinh.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Nguyễn Đình Chính được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2016, 10:16:42 am »


ANH HÙNG NGÔ THẤT SƠN
(Liệt sĩ)

Ngô Thất Sơn (tức Trịnh Ngọc Ánh) sinh năm 1919, dân tộc Kinh, quê ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Khi hy sinh đồng chí là chỉ huy trưởng bộ đội Si-vô-tha khu đông bắc Cam-pu-chia thuộc Bộ tư lệnh Nam Bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngô Thất Sơn tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945. Đồng chí đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: làm đội phó đội bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ; chỉ huy phó bộ đội Hải ngoại số 1 Nam Bộ; chỉ huy trưởng bộ đội Si-vô-tha khu đông bắc Cam-pu-chia.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Ngô Thất Sơn được bố mẹ đưa lên Cam-pu-chia học hành và xây dựng sự nghiệp. Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp. Đồng chí đã từ biệt vợ con, danh vị để về nước tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền Sài Gòn ngày 25 tháng 8 năm 1945. Ngô Thất Sơn đã được giao làm đội phó đội bảo vệ Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Cuối năm 1945 trên đường làm nhiệm vụ ra Bắc đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó đi học trường Võ bị Sơn Tây. Ra trường với tấm bằng loại ưu, Ngô Thất Sơn được cử về làm phát thanh viên tiếng Cam-pu-chia đầu tiên trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.

Đầu năm 1946 đồng chí được giao nhiệm vụ sang Thái Lan, cùng với một số đồng chí ở đây mua sắm vũ khí, tuyển mộ huấn luyện cấp tốc đội "Độc lập số 1" sau gọi là bộ đội Hải ngoại số 1 gồm 105 đồng chí. Ngô Thất Sơn được cử làm chỉ huy phó.

Cuối năm 1946, sau nhiều ngày xuyên rừng, lội suối, ăn đói nhịn khát, vừa đi vừa chiến đấu, thu lượm vũ khí và vận động nhân dân giúp đỡ cách mạng. Nhiều đồng chí đã hy sinh, nhiều đồng chí bị lạc. Tháng 10 năm 1946 đội của Ngô Thất Sơn về tới Cây Cầy thuộc xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, lúc này đồng chí đã được chỉ định làm chỉ huy trưởng.

Hai năm 1946 - 1947, đơn vị đồng chí được giao nhiệm vụ hoạt động ở địa bàn Tây Ninh. Bọn địch ở đây ra sức đàn áp, lùng sục, gây chia rẽ hận thù dân tộc giữa đồng bào Cam-pu-chia với ta. Trước tình hình đó đồng chí chỉ huy anh em thâm nhập, giải thích, vận động, nhân dân hiểu ra và hết lòng giúp đỡ cách mạng. Trong vòng 3, 4 tháng hầu hết các phum đều tổ chức được hội đoàn kết cứu quốc, các đội dân quân tự vệ. Có lần Ngô Thất Sơn dùng hàng binh Pháp đóng giả làm lính Pháp xộc thẳng vào nhà tên xã trưởng, tập trung lính, thu vũ khí, treo cờ IsSarăk, Ngô Thất Sơn tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch.

Đầu năm 1948 Ngô Thất Sơn chỉ huy một trung đội mạnh có 2 hàng binh Pháp đóng giả quân lính Pháp đột nhập vào đồn Com Pong Chac, bắn chết tên gác cổng, quân lính bỏ chạy toán loạn, số còn lại đầu hàng, bắt sống tên quận phó Chey-sóc, thu trên 30 súng trường và nhiều đạn dược. Cũng trong thời gian này Ngô Thất Sơn đã trực tiếp bồi dưỡng và giúp đỡ nhiều đồng chí của bạn học tập và sau này trở thành những cán bộ chủ chốt.

Tháng 8 năm 1948 Ngô Thất Sơn được cử làm trung đoàn phó trung đoàn 305, gồm 5 chi đội và bộ đội Hải ngoại số 1. Tháng 10 năm 1948 đơn vị được điều lên Cam-pu-chia với danh nghĩa là quân tình nguyện và đổi tên thành bộ đội Si-vô-tha. Đồng chí được cử làm trung đoàn trưởng. Với uy tín của mình, nhân dân Cam-pu-chia tôn đồng chí làm ông Quan Năm, Đại tá Nai Sơn SLCHAN, giặc Pháp theo đó cũng gọi đồng chí là Colorel Naisơn Srchan và viết thư hứa hẹn, dụ dỗ đầu hàng.

Ngày 2 tháng 6 năm 1949, trong khi đang họp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nghe tiếng súng nổ, Ngô Thất Sơn đã xin về để trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Lực lượng quá chênh lệch, nhiều đồng chí đã hy sinh, Ngô Thất Sơn bị thương và sa vào tay giặc.

Biết đồng chí là một thủ lĩnh "cỡ bự", bọn địch ra sức dụ dỗ, mua chuộc và dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man. Chúng đưa đồng chí hết nhà giam này đến nhà giam khác, song không thể lung lạc được ý chí của người cộng sản. Chính tên quan ba đã phải thốt lên: "Từ trước tới nay tôi chưa gặp người Việt Nam nào dũng cảm như ông". Đã có lần chúng đề nghị đánh đổi đồng chí để ta thả 2 tên đại tá Chavton và Lepage nhưng chúng đã không dám thực hiện bởi như vậy có khác chi thả hổ về rừng.

Ngày 10 tháng 11 năm 1952 bọn giặc đã lén lút thủ tiêu đồng chí tại khám lớn Đức Hòa (tỉnh Long An).

Tin đồng chí hy sinh đã làm cho bạn bè và nhân dân quen biết trên đất Việt và Cam-pu-chia hết sức xúc động, đau xót, tiếc thương và khâm phục về tinh thần anh dũng, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Ngô Thất Sơn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM