Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:48:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68827 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 05:42:17 pm »


ANH HÙNG TRẦN ĐỨC THÁI

Trần Đức Thái sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê ở xã Định Hải, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1972. Về địa phương năm 1984. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thương binh hạng 2/4 đang nghỉ tại gia đình ở xã Định Hải, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa.

Từ năm 1972 đến năm 1974, Trần Đức Thái tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba.

Từ năm 1975 đến năm 1983, Trần Đức Thái điều trị và an dưỡng ở bệnh viện 16, đoàn 585, đoàn 582 đồng chí tích cực rèn luyện nâng cao thể lực, luôn lạc quan, sống giản dị, được mọi người yêu mến.

Năm 1984, Trần Đức Thái xin chuyển về sống với gia đình, tuy được Nhà nước nuôi dưỡng hoàn toàn, địa phương miền giảm mọi khoản đóng góp, nhưng đồng chí không vì thế mà ỷ lại địa phương, Nhà nước mà luôn ghi sâu lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế".

Trần Đức Thái đã khắc phục mọi khó khăn về đời sống kinh tế của gia đình và thương tật của bản thân, tích cực tham gia mọi mặt công tác xây dựng quê hương như: đội trưởng đội bảo vệ đê, đội trưởng văn nghệ, đội trưởng bóng chuyền xã... đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt 15 giờ ngày 5 tháng 8 năm 1985 ở cửa hàng hợp tác xã mua bán xã Định Hải, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa có tiếng kêu cướp... cướp... của chị mậu dịch viên. Trần Đức Thái lúc này đang ở quán nước cách cửa hàng hợp tác xã mua bán 30 mét nghe thấy tiếng kêu liền nhanh chóng chạy ra cửa hàng thì thấy một tên cướp đang vác một kiện vải, còn một tay cầm quả lựu đạn đe dọa và khống chế mọi người xung quanh định chạy thoát thân. Trước tình hình này mọi người hoảng sợ không ai dám đến bắt tên cướp, Trần Đức Thái đã dũng cảm, kiên quyết đuổi bắt bằng được tên cướp để lấy lại tài sản cho hợp tác xã mua bán và để nhân dân trừng trị hắn.

Biết không thể thoát thân tên cướp đã phải vứt kiện vải lại để chạy cho nhanh hơn, nhưng Trần Đức Thái vẫn tiếp tục đuổi bắt tên cướp cùng với sự hỗ trợ tích cực của Lê Mạnh Tuấn (quân nhân phục viên).

Tên cướp thấy khó có thể chạy thoát thân liền dừng lại rút chốt quả lựu đạn để hòng giết hại Trần Đức Thái và Lê Minh Tuấn.

Trước tình thế đó Trần Đức Thái không trù trừ do dự, đồng chí bình tĩnh, dũng cảm, dùng gối đánh mạnh vào bụng tên cướp một cách bất ngờ nên nó ngã gục. Trần Đức Thái dùng chân nhanh chóng dẫm lên tay cầm quả lựu đạn của tên cướp dìm xuống bùn, nhằm hạn chế uy lực sát thương của lựu đạn đối với Lê Mạnh Tuấn. Quả lựu đạn nổ. Trần Đức Thái cụt mất một chân. Nhưng tên cướp đã bị bắt, tài sản của hợp tác xã mua bán đã được thu lại đầy đủ. Đồng chí Tuấn người bạn cùng đuổi bắt tên cướp chỉ bị thương nhẹ.

Hành động dũng cảm, mưu trí của Trần Đức Thái đã nêu gương sáng cho cán bộ, nhân dân xã Định Hải, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa học tập về tinh thần trách nhiệm cao chống tiêu cực bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

Trần Đức Thái đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, 6 bằng và giấy khen.

Ngày 22 tháng 12 năm 1986, Trần Đức Thái được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 05:43:45 pm »


ANH HÙNG TRẦN VĂN PHƯƠNG
(Liệt sĩ)

Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 3 năm 1983. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, lữ đoàn 146 vùng 4 hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trần Văn Phương, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng. Học xong lớp 10 đồng chí vào bộ đội, được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của quân chủng.

Tháng 1 năm 1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm khẩu đội trưởng pháo thuộc tiểu đoàn 562 lữ đoàn 146, vùng 4 hải quân. Qua rèn luyện và công tác Trần Văn Phương luôn tỏ ra một cán bộ có năng lực và trách nhiệm, đơn vị cử đồng chí đi học trường Quân chính Quân khu 7.

Tháng 1 năm 1986, Trần Văn Phương trở về đơn vị được bổ nhiệm trung đội trưởng và đề bạt quân hàm thiếu úy.

Đầu tháng 3 năm 1988, quân xâm lược ngang ngược cho nhiều tầu chiến khiêu khích và chiếm đóng trái phép đảo đá ngầm Chữ Thập và Chân Viên. Lúc này Trần Văn Phương được trên bổ nhiệm phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa).

17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1989, tầu chiến địch kéo đến, chúng gọi loa khiêu khích, buộc tầu ta rời đảo. Mờ sáng ngày 14 tháng 3, địch hạ xuồng cho lính giương lê dàn hàng ngang xông về phía lá cờ Tổ quốc ta. Trần Văn Phương tổ chức lực lượng, động viên chiến sĩ bình tĩnh không mắc mưu khiêu khích của địch, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc.

Địch hung hăng cậy thế đông người có vũ khí trong tay chúng xông vào cướp cờ của ta. Không sợ hy sinh, coi thường kẻ địch Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Thấy chúng đang uy hiếp tính mạng một chiến sĩ đồng chí xông vào cứu. Kẻ địch đê hèn đã nổ súng vào Trần Văn Phương.

Gương anh dũng hy sinh của Trần Văn Phương đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên đảo kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 05:44:51 pm »


ANH HÙNG VŨ HUY LỄ

Vũ Huy Lễ sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ505, lữ đoàn 125 hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Huy Lễ được đào tạo qua trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân trong nước và ở Liên Xô. Đồng chí đã được giao chỉ huy nhiều dạng tầu của hải quân.

Tháng 6 năm 1982, Vũ Huy Lễ được điều làm thuyền trưởng tầu HQ505, loại tầu vận tải đổ bộ hạng lớn của Mỹ ta thu được sau ngày miền Nam giải phóng.

Tầu HQ505 sản xuất từ năm 1942, nên máy móc thiết bị trên tàu hỏng hóc nhiều, Vũ Huy Lễ cùng anh em tích cực sửa chữa bảo quản giữ gìn để tăng cường sức sống cho con tầu và làm chủ nó. Do vậy nhiều chuyến đi tầu bị hỏng, Vũ Huy Lễ và anh em đã tự sửa chữa thành công tiếp tục làm nhiệm vụ.

Ngày 13 tháng 2 năm 1988 (27 Tết Mậu Thìn) Vũ Huy Lễ chỉ huy tầu chở người, vật liệu, lương thực và kéo tầu LCu 556 và Pông Tông Đ02 ra chốt giữ đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ đưa LCu 556 và Pông Tông Đ02 vào vị trí cố định trong điều kiện hết sức khó khăn.

9 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988, Vũ Huy Lễ được lệnh đưa tầu HQ505 đến chốt giữ đảo Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Cùng đi có tầu HQ604. Địch cho tầu chiến lao cắt hướng đi của tầu 604 không thành, chúng quay sang chặn cắt hướng đi của tầu 505. Vũ Huy Lễ mưu trí lừa địch đưa tầu HQ505 đến đúng vị trí chiếm lĩnh ở đảo Cô Lin vào lúc 16 giừ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988.

Địch tăng thêm 2 tầu chiến đến khiêu khích. Vũ Huy Lễ chỉ thị cho anh em trên đảo kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

7 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3 năm 1988, địch đổ quân lên đảo Gạc Ma, giành giật cờ của ta trên đảo. Và chúng đã ngang ngược bắn vào tầu HQ604. Sau đó ít phút chúng bắn vào tầu HQ505. Vũ Huy Lễ lệnh cho anh em nổ súng đánh trả địch. Đạn của địch làm lái điện hỏng, bình khí nén hỏng không đóng được ly hợp, máy chính cũng bị đạn làm hỏng nặng. Vũ Huy Lễ bình tĩnh ra lệnh cứu chữa thương binh, vừa cho cơ điện khắc phục máy khẩn cấp, dùng tay điều khiển trực tiếp máy thay ly hợp cho tầu tiến hết tốc lực lao lên đảo. Lúc này cả 3 tầu chiến địch tập trung đánh mạnh vào HQ505. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. 8 giờ 45 phút tầu HQ505 bị bốc cháy lớn.

Tầu địch tạm thời ngừng bắn. Vũ Huy Lễ cho anh em hủy tài liệu mật và tổ chức cứu tầu. Đồng chí động viên anh em dù phải chiến đấu đến người cuối cùng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước. Biết không khuất phục được tàu HQ505 địch buộc phải lùi xa. Trong khi đó tàu 604 ở đảo Gạc Ma bị địch bắn chìm hẳn. Vũ Huy Lễ cử một tổ khẩn trương đưa chiếc xuồng còn lại đến đảo Gạc Ma đưa 44 anh em (có 8 thương binh và một tử sĩ) về tầu HQ505.

Vũ Huy Lễ cùng đồng đội và con tầu HQ505 vẫn hiên ngang ngay trên đảo Cô Lin khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc ta trên biển Đông.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, Vũ Huy Lễ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 08:42:20 am »


ANH HÙNG PHẠM VĂN ĐẮP
(Liệt sĩ)

Phạm Văn Đắp sinh năm 1963, dân tộc Re, quê ở làng Thương, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 2 năm 1986. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chiến sĩ thuộc đại đội 9 bộ binh, tiểu đoàn 9, trung đoàn 733, sư đoàn 315, mặt trận 579, Quân khu 5.

Tháng 2 năm 1986, Phạm Văn Đắp tình nguyện nhập ngũ, sau 3 tháng huấn luyện, đồng chí cùng đơn vị lên đường làm nhiệm vụ giúp bạn trên đất nước Cam-pu-chia.

Trong huấn luyện, do trình độ văn hóa thấp, tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn nhưng đồng chí rất cần cù, say mê, chịu khó học tập, đồng chí đã xác định "Có học giỏi mới bắn trúng được kẻ thù". Kết thúc huấn luyện, đồng chí đạt loại ưu tú được trên tặng bằng khen.

Quá trình tham gia chiến đấu, đồng chí luôn bình tĩnh, dũng cảm, cùng đơn vị đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, bị thương nặng, trên cho về phía sau đồng chí xin ở lại cùng đồng đội chiến đấu.

Trong trận phòng ngự ngày 23 tháng 2 năm 1987 tại cao điểm 416, đồng chí cùng đồng đội kiên cường chiến đấu dưới hỏa lực của pháo binh địch, đẩy lùi nhiều lần tấn công của bộ binh địch. Sau một ngày chiến đấu, quân số thiếu hụt do thương vong, địch tiếp tục tổ chức tấn công, đồng chí đã cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt, giành giật với địch từng ụ súng, mép hào... Đồng chí đã khôn khéo nhử địch đến gần, bắn B40 và ném hàng chục quả lựu đạn vào đội hình của chúng, diệt hàng chục tên, buộc chúng phải tháo chạy. Khi bị thương nặng, đồng chí vẫn bám trận địa, bắn quả đạn B40 cuối cùng diệt 4 tên và anh dũng hy sinh, góp phần cho đơn vị giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc trận địa.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Phạm Văn Đắp được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



ANH HÙNG LÊ VĂN VẰN
(Liệt sĩ)

Lê Văn Vằn sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Trào, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ tháng 12 năm 1972. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp, tiểu đội trưởng lái xe ô tô vận tải đại đội 51, tiểu đoàn 782, Cục Hậu cần, mặt trận 579 Quân khu 5, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Văn Vằn tham gia lái xe phục vụ đơn vị chiến đấu trong các chiến dịch Nông Sơn, Đức Dục, Tiên Phước, Chu Lai, Đà Nẵng, Quy Nhơn và chiến dịch Hồ Chí Minh. Là một lái xe xông xáo, luôn tìm tòi sáng tạo đồng chí xử trí được nhiều tình huống khó... để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí chuyên chở lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị cho các đơn vị chiến đấu, trong 6 tháng cuối năm 1978 đồng chí đã vận chuyển được 26 chuyến hàng từ La Sơn - Plây-cu lên các chốt. Có lần xe bị mìn, hỏng xăm lốp, nhíp, nhưng Lê Văn Vằn đã nhanh chóng khắc phục đưa hàng đến đích an toàn.

Trong 2 năm (1978 - 1979), đồng chí đã vận chuyển 105 chuyến hàng với 332 tấn, bình quân 3,5 tấn/xe, đạt 57.710 tấn/km. Đồng chí đã vận chuyển 1.775 lượt người an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có 2 lần xe Lê Văn Vằn bị vấp mìn tăng, sức khỏe giảm sút, cấp trên định đưa đồng chí về phía sau công tác, nhưng đồng chí xin được ở lại, tiếp tục lái xe vận tải phục vụ đơn vị chiến đấu.

Ngày 10 tháng 3 năm 1979, trong chuyến chở hàng lên phía trước, khi quay về kết hợp chở thương binh, xe bị vấp mìn, Lê Văn Vằn bị thương quá nặng đã anh dũng hy sinh.

Lê Văn Vằn đã nêu một tấm gương sáng trong đội ngũ chiến sĩ lái xe của mặt trận 579, có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, có tinh thần khắc phục khó khăn, sáng tạo trong công tác, sống giản dị được đơn vị yêu mến.

Lê Văn Vằn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 lần là Chiến sĩ quyết thắng, 2 lần là Chiến sĩ thi đua, 24 bằng và giấy khen.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Lê Văn Vằn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 08:44:14 am »


ANH HÙNG NGUYỄN ĐỨC HÀNH
(Liệt sĩ)

Nguyễn Đức Hành sinh năm 1960, dân tộc Kinh, quê ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Hải, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhập ngũ ngày 15 tháng 2 năm 1983. Khi hy sinh đồng chí là hạ sĩ, tiểu đội phó trinh sát thuộc tiểu đoàn 504, trung đoàn 320, mặt trận 779, Quân khu 7.

Sau 3 tháng huấn luyện Nguyễn Đức Hành cùng đơn vị nhận nhiệm vụ chiến đấu trên địa bàn tỉnh Công Pông Thom (Cam-pu-chia). Đồng chí đã chiến đấu nhiều trận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngày 26 tháng 7 năm 1983 tại Phum Cô-ca-ếch tổ trinh sát của đồng chí gồm 3 người đang đi làm nhiệm vụ, bất ngờ bị địch phục kích, đồng chí mưu trí linh hoạt cho đồng đội vòng sang phải đánh tiêu diệt 5 tên và thu 2 khẩu súng, đơn vị an toàn.

Ngày 19 tháng 12 năm 1983, Nguyễn Đức Hành chỉ huy trung đội phục kích địch tiêu diệt được 20 tên. Đặc biệt ngày 25 tháng 2 năm 1984 ở Phum Tà Bông, xã Tăng Cà Xâu, huyện Xăng Túc, tỉnh Công Pông Thom, trung đội đang hành quân thì bị địch phục kích, một số đồng chí trong đơn vị bị thương, trong đó có Nguyễn Đức Hành. Trước tình thế khó khăn đó, đồng chí đã ở lại chặn đánh địch để đơn vị đưa thương binh rút ra ngoài an toàn. Nguyễn Đức Hành đã chiến đấu rất dũng cảm, đạn hết, bọn địch xông lên bao vây định bắt sống, đồng chí chờ cho địch đến gần, mới cho nổ quả lựu đạn cuối cùng diệt tại chỗ 5 tên làm bị thương một số tên khác và đã anh dũng hy sinh. Hành động của Nguyễn Đức Hành đã nêu một tấm gương sáng tiêu biểu cho toàn đơn vị học tập noi theo.

Mới 11 tháng tuổi quân nhưng Nguyễn Đức Hành đã có 8 tháng chiến đấu trên đất bạn, đã cùng trung đội diệt 200 tên địch, thu 15 khẩu súng và một số trang bị quân sự khác của địch.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Nguyễn Đức Hành được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



ANH HÙNG NGUYỄN VĂN VIỆT
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Việt sinh năm 1961, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ ngày 15 tháng 5 năm 1979. Khi hy sinh đồng chí là hạ sĩ, chiến sĩ trinh sát thuộc đại đội trinh sát đoàn 7701, mặt trận 479, Quân khu 7, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Việt sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, ông nội và anh trai là liệt sĩ. Sau khi nhập ngũ, đồng chí cùng đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn trên đất Cam-pu-chia. Quá trình công tác, chiến đấu, Nguyễn Văn Việt luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày 13 tháng 5 năm 1981 đồng chí được giao phụ trách 1 tổ 4 người bảo vệ 1 cán bộ cấp tỉnh của bạn đi công tác xuống các huyện. Khi đến Phum Ta-beng Rút-xây thì bị 50 tên địch phục kích nhằm bắt sống đồng chí cán bộ của bạn. Nguyễn Văn Việt đã chỉ huy tổ đánh vào 2 bên sườn đội hình địch, còn đồng chí đánh thẳng vào chính giữa đội hình tiêu diệt một số tên. Trong quá trình chiến đấu đồng chí bị thương vẫn kiên quyết đánh địch bảo vệ cán bộ bạn an toàn và đã anh dũng hy sinh.

Cảm kích trước sự hy sinh cao cả của Nguyễn Văn Việt, đồng chí cán bộ đó nói: "Anh tôi, em tôi, vợ tôi và cả con tôi nữa cũng chưa chắc dám chết để cho tôi được sống, nhưng đồng chí Việt đã dám hy sinh cho tôi được sống, cho tôi cả cuộc đời. Tôi cảm ơn đồng chí Việt và gia đình tôi xin thờ cúng đồng chí và tôi đề nghị Nhà nước Việt Nam khen thưởng cho đồng chí Nguyễn Văn Việt...".

Nhân dân tỉnh Công Pông Thom còn nhớ mãi tấm gương chiến đấu dũng cảm quên mình vì cách mạng Cam-pu-chia của người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

Nguyễn Văn Việt đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Nguyễn Văn Việt được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 08:45:18 am »


ANH HÙNG CAO XUÂN THĂNG
(Liệt sĩ)

Cao Xuân Thăng sinh năm 1965, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 11 năm 1967. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, phó đại đội trưởng về chính trị đại đội 7 bộ binh thuộc tiểu đoàn 54, trung đoàn 20, sư đoàn 4, mặt trận 979, Quân khu 9.

Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ đại đội trong điều kiện chiến đấu ở chiến trường có nhiều khó khăn ác liệt, địa hình rừng núi hiểm trở, đói cơm, thiếu nước, sức khỏe lại yếu, gia đình đang gặp nhiều khó khăn, đơn vị cho xuất ngũ, nhưng Cao Xuân Thăng đã tình nguyện xin được ở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 5 năm 1979, đánh địch co cụm ở núi Tượng Lăng, Cao Xuân Thăng đã cùng đơn vị chiến đấu dũng cảm, diệt hàng chục tên địch và thu vũ khí.

Từ năm 1979 đến năm 1981 Cao Xuân Thăng cùng đơn vị chiến đấu ở ngã ba LaÉc bắc quốc lộ 4 thuộc khu vực cảng Công Pông Xom và chiến đấu ở biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Với cương vị là trung đội trưởng, đồng chí đã chỉ huy đơn vị luồn sâu, bám sát địch đánh hàng chục trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được phong quân hàm thiếu úy, giữ chức phó đại đội trưởng về chính trị.

Tháng 3 năm 1983, đơn vị truy quét địch ở Tô Luốt Pông thuộc tỉnh Cam Pốt, đồng chí chỉ huy một mũi đánh thẳng vào đội hình địch, làm cho quân địch rối loạn, chớp thời cơ để cho đơn vị tiêu diệt toàn bộ quân địch. Kết quả trận này đơn vị đã diệt gần 100 tên. Riêng đồng chí diệt 10 tên và thu 7 khẩu súng của địch.

Cao Xuân Thăng tích cực học tập, sử dụng được nhiều loại súng, trong chiến đấu luôn đạt hiệu qủả cao. Đồng chí sống khiêm tốn, giản dị, được đồng đội quý mến.

Cao Xuân Thăng đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Cao Xuân Thăng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 06:15:11 pm »


ANH HÙNG LÊ QUANG

Lê Quang sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xã Thuận Vi. huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1948. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại tá, trưởng phòng quân y mặt trận 479, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lê Quang đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên cương vị phụ trách, đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ năm 1964 đến năm 1972, đồng chí làm công tác quân y tại chiến trường Quân khu 5.

Từ năm 1972 đến năm 1979, Lê Quang là Viện phó Viện K113 - miền Đông Nam Bộ.

Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia với cương vị là Viện trưởng Viện Quân y 7E, trưởng phòng quân y mặt trận 479, đồng chí đã lập thành tích: luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ, bám sát đơn vị, tổ chức lực lượng quân y phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, cứu chữa kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong, tàn phế của thương, bệnh binh. Trong chiến dịch mùa khô 1983 - 1984, Lê Quang đã tổ chức cụm phẫu thuật cấp cứu dã chiến, trực tiếp phụ trách đội di chuyển nằm sát các đơn vị chiến đấu để sơ cứu, ổn định vết thương, rồi mới chuyển thương binh về phía sau, giảm tỷ lệ tử vong ở 2 cấp (trung đoàn, sư đoàn) từ 2,11% (mùa khô 1983 - 1984), xuống 2,1% (mùa khô 1984 - 1985).

Lê Quang đã nghiên cứu, tổ chức điều động lực lượng chuyên môn và cấp phát thuốc quân y theo hướng bệnh tật và yêu cầu nhiệm vụ, nên đã đáp ứpg được yêu cầu chiến đấu. Trong lúc khó khăn, đồng chí trực tiếp cho máu 3 lần, và động viên bộ đội cho máu để truyền cho thương binh, nên cứu chữa được nhiều ca hiểm nghèo. Có lần Lê Quang chỉ huy đưa thương binh về phía sau, bị phục kích, lái xe hy sinh, đồng chí vẫn bình tĩnh, dũng cảm chăm sóc tốt thương binh.

Năm 1983 đề tài "Nhận xét biến chứng chèn ép trong thi thể do vết thương mìn" của đồng chí được áp dụng vào thực tiễn ở đơn vị đạt kết quả tốt.

Năm 1986, đề tài "Đưa cấp cứu sốt rét nặng xuống cấp tiểu đoàn một cách đồng bộ của cán bộ chuyên môn, thuốc men, nuôi dưỡng, cấp cứu... cho đến khi ổn định mới chuyển về bệnh xá trung đoàn" đã giảm được tỷ lệ tử vong do sốt rét nặng toàn mặt trận từ 7,08% xuống 4,83%.

Năm 1987, đề tài "Mấy ý kiến về nguyên nhân gia tăng sốt rét đái huyết cầu tố của mặt trận 479" vận dung vào thực tiễn đã hạ được số ca sốt rét đái huyết cầu tố từ 233 ca còn 15 ca.

Lê Quang đã tích cực "tổ chức trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên và chiến sĩ thuộc quyền và bồi dưỡng về nghiệp vụ quân y cho cán bộ Cam-pu-chia có kết quả tốt, đồng thời trực tiếp tham gia cứu chữa, điều trị cho thương bệnh binh và nhân dân bạn. Bạn đã trưởng thành, tự đảm đương được nhiệm vụ tốt.

Là một cán bộ chỉ huy, một bí thư chi bộ, Lê Quang luôn chăm lo giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện để anh em hoàn thành nhiệm vụ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công và 1 cờ luân lưu của mặt trận.

Lê Quang đã được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công, 2 lần là Chiến sĩ quyết thắng, 1 lần là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Lê Quang được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 06:16:09 pm »


ANH HÙNG HỒ KHẢI HOÀN

Hồ Khải Hoàn sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Định Thành, huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải, nhập ngũ tháng 8 năm 1972. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu tá, trung đoàn trưởng trung đoàn 157 bộ binh, sư đoàn 339, mặt trận 979 Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hồ Khải Hoàn tham gia du kích từ năm 16 tuổi. Tháng 8 năm 1972 đồng chí giữ chức trung đội trưởng du kích xã và được điều vào tiểu đoàn U Minh 2 giữ chức trung đội phó rồi trung đội trưởng. Đến tháng 5 năm 1975 đồng chí giữ chức đại đội trưởng. Trong chống Mỹ cứu nước, Hồ Khải Hoàn đã trực tiếp tham gia chiến đấu 47 trận, diệt 67 tên, thu 55 súng các loại, 5 máy thông tin PRC-25 của địch.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang ở Cam-pu-chia, đồng chí đã chỉ huy đơn vị trực tiếp chiến đấu nhiều trận và lập công xuất sắc. Một số trận đánh tiêu biểu:

Tháng 1 năm 1979 Hồ Khải Hoàn trinh sát phát hiện một cụm địch khoảng 200 tên cách lộ 4 về phía tây 20 ki-lô-mét, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn bí mật tiếp cận bao vây, bất ngờ nổ súng diệt tại chỗ 23 tên, bắt 1 xe tăng, thu 32 súng các loại, 3 máy thông tin, đơn vị an toàn.

Tháng 10 năm 1983, Hồ Khải Hoàn chỉ huy đơn vị hoạt động dài ngày ở Tà Sanh (cách nơi đóng quân 80 ki-lô-mét). Sau 7 ngày đêm hành quân, phục kích diệt 12 tên lính Pôn Pốt. Máy thông tin bị hỏng không liên lạc được với cấp trên, nhưng thấy nhiều dấu vết địch hoạt động, Hồ Khải Hoàn chỉ huy đơn vị phục kích đến ngày thứ 11, địch xuất hiện, đơn vị nổ súng diệt 16 tên.

Mùa khô năm 1984-1985, Hổ Khải Hoàn là cán bộ trung đoàn trực tiếp chỉ huy đơn vị trinh sát nghiên cứu căn cứ sư đoàn 3 Pôn Pốt ở Đơ Mon. Cùng anh em vượt qua nhiều trở ngại chông, mìn dày đặc và núi cao, vượt sông Mê Man vào căn cứ nắm địch, rồi chỉ huy đơn vị đánh tiêu diệt căn cứ tiền phương bộ tổng tham mưu Pôn Pốt.

Tháng 2 năm 1982, đơn vị làm nhiệm vụ truy quét địch ở Bắc Mung, đánh căn cứ trung đoàn 52, sư đoàn 1 Pôn Pốt và tiểu đoàn 78 lữ đoàn 6 Mô-li-ni-ca. Hồ Khải Hoàn đã nghiên cứu, nắm chắc tình hình, âm mưa, thủ đoạn tác chiến của địch, sử dụng lực lượng hợp lý, chọn cách đánh thích hợp, diệt 38 tên, bắt sống 7 tên trong đó có 1 trung đoàn trưởng trung đoàn 57, 1 tiểu đoàn trưởng và 1 đại đội trưởng. Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Riêng đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Hổ Khải Hoàn là cán bộ trưởng thành từ chiến sĩ lên, qua các chức vụ đảm nhiệm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, là một cán bộ thường xuyên chăm lo xây dựng đơn vị phát triển mọi mặt. Tuy bị thương đứt nhiều đoạn ruột, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng đồng chí vẫn bám sát đơn vị, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, bình tĩnh, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tín nhiệm và yêu mến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ Khải Hoàn đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 2 lần là Chiến sĩ thi đua, 37 bằng và giấy khen.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, Hồ Khải Hoàn đã được tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công các hạng, 3 lần là Chiến sĩ quyết thắng, 3 lần là Chiến sĩ thi đua, 7 bằng khen.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Hồ Khải Hoàn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2016, 06:17:11 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN THAM

Nguyễn Văn Tham sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 10 năm 1976. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát thuộc đoàn 330, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua các cương vị từ chiến sĩ liên lạc đến chỉ huy cấp tiểu đoàn Nguyễn Văn Tham luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trong chiến đấu đồng chí, mưu trí, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ ác liệt, thiếu thốn cùng đồng đội trinh sát nắm vững địch và trực tiếp chỉ huy đánh địch, giành thắng lợi ở những trận then chốt.

Tháng 1 năm 1979 đơn vị đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 210 Pôn Pốt ở Tà Ni - Tà Keo, Nguyễn Văn Tham cùng đơn vị phát triển đánh chiếm đài phát thanh, sân bay Pô Chen Tông, thủ đô Phnôm-pênh đúng thời gian quy định; sau đó phát triển đánh sang sân bay và thị xã Công Pông Chư Năng và làm chủ ga xe lửa thị xã Pu Sát, được sư đoàn đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 3 năm 1979, đơn vị truy quét địch ở vùng núi Tượng Lăng, tỉnh Tà Keo, Nguyễn Văn Tham chỉ huy trung đội khắc phục khó khăn về địa hình và thời tiết khắc nghiệt, bí mật luồn rừng sâu, núi cao bất ngờ nổ súng diệt gọn 1 đại đội địch, thu 18 súng. Riêng đồng chí diệt 18 tên, thu 1 súng B40, 4 súng AK, Nguyễn Văn Tham cùng đơn vị vận động đưa hơn một nghìn dân bị lính Pôn Pốt lùa vào rừng về làng cũ làm ăn, sinh sống.

Tháng 4 năm 1981, phát hiện căn cứ ở điểm cao 1.004 núi Cam Chay tỉnh Cô Công, Nguyễn Văn Tham chỉ huy đơn vị bí mật, luồn sâu bất ngờ nổ súng tập kích diệt 15 tên, thu 500 kg gạo, 2 khẩu B40, 5 súng ĐKZ, 1 súng ngắn. Riêng đồng chí diệt 5 tên, thu 1 súng B40… đơn vị an toàn.

Tháng 5 năm 1985, sau khi được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng, thấy rõ trách nhiệm và nhiệm vụ nặng nề của đơn vị, Nguyễn Văn Tham đã cùng ban chỉ huy luôn chăm lo xây dựng đơn vị về mọi mặt, vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, đóng quân ở đâu đơn vị cũng xây dựng có nền nếp, bảo đảm đời sống và luôn sẵn sàng chiến đấu cao.

Từ mùa khô năm 1984-1985 đến năm 1989, Nguyễn Văn Tham đã tham gia chỉ huy đơn vị chiến đấu 25 trận lớn, nhỏ đều thắng lợi, được sư đoàn và mặt trận tổng kết, viết chiến lệ phổ biến kinh nghiệm cho toàn quân. Riêng đồng chí diệt 28 tên địch, thu 12 súng trong đó có một khẩu pháo 100 ly, 1 khẩu 12,7 ly, 3 khẩu B40, 4 khẩu AK và một số đồ dùng quân sự khác.

Nguyễn Văn Tham là một cán bộ gương mẫu, tận tụy công tác, hết lòng thương yêu đồng đội. Trong chiến đấu chỉ huy linh hoạt, đi trước về sau, gặp khó khăn, phức tạp, kiên quyết tìm cách hoàn thành, Nguyễn Văn Tham là cán bộ có năng lực, có uy tín với đơn vị.

Đồng chí được tặng thưởng 8 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 năm là Chiến sĩ quyết thắng, 4 năm là Chiến sĩ thi đua và nhiều bằng, giấy khen.

Ngày 30 tháng 8 năm 1989, Nguyễn Văn Tham được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2016, 08:32:12 am »


ANH HÙNG TRẦN ĐỨC THÔNG
(Liệt sĩ)

Trần Đức Thông sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ ngày 7 tháng 4 năm 1962. Khi hy sinh đồng chí là trung tá, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, vùng 4 thuộc Quân chủng Hải quân, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1984 trở về trước, Trần Đức Thông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cương vị từ thấp đến cao (thợ sửa chữa pháo của lữ đoàn 335 phòng không, trạm trưởng sửa pháo của trung đoàn 227, Quân khu Hữu Ngạn, trợ lý tác chiến trung đoàn 223, Quân khu Trị Thiên), đồng chí luôn tận tụy công tác, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Sau khi Tổ quốc thống nhất, Trần Đức Thông xác định tốt nhiệm vụ, gắn bó với quân đội. Học xong chương trình trung cấp ở trường Phòng không đồng chí về nhận công tác ở đơn vị bảo vệ đảo Trường Sa.

11 năm gắn bó với nhiệm vụ xây dựng đảo, bảo vệ Trường Sa, Trần Đức Thông luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, gương mẫu, không ngại gian khổ, có tinh thần đoàn kết giữ nghiêm kỷ luật, hết lòng thương yêu bộ đội; có tác phong lãnh đạo chỉ huy sâu sát, năng nổ, tỏ ra là một cán bộ có kinh nghiệm và năng lực tổ chức thực hiện, được nhân dân và đồng đội tin yêu.

Ở đảo nào, Trần Đức Thông cũng góp phần xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt, đảo Sơn Ca (1982) từ trung bình lên khá nhất trong quần đảo Trường Sa (1983 - 1984). Trần Đức Thông thường trực đảo Nam Yết 3 năm (1984-1987) tổ chức tiếp nhận hàng ngàn tấn vật liệu và chỉ huy xây dựng đảo Thuyền Chài, tiếp nhận vũ khí, trang bị ra đảo an toàn, đúng kế hoạch.

Vừa là cán bộ trong ban chỉ huy lữ đoàn, vừa hoạt động trong Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, Trần Đức Thông đã suy nghĩ, đóng góp và đề ra biện pháp công tác phù hợp, làm cho hoạt động quân sự và chính quyền có nền nếp. Huyện đảo Trường Sa đã thực sự trở thành nơi gắn bó, đoàn kết giữa các khối đảo với các địa phương của tỉnh Phú Khánh, tạo điều kiện giúp đỡ tinh thần và vật chất có hiệu quả đối với bộ đội đảo, Trần Đức Thông được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Trong cuộc chiến đấu chống lấn chiếm các đảo ở biển tháng 3 năm 1988 của hải quân xâm lược, Trần Đức Thông đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng và quyết tâm cao trong việc chỉ huy bộ đội giữ vững chủ quyền của ta trên các đảo. Đầu tháng 3 năm 1988 Trần Đức Thông đang nghỉ phép thì có điện gọi về đơn vị. Đồng chí đã chỉ huy một lực lượng ra đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Lan Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 tới vị trí, Trần Đức Thông tổ chức lực lượng đi khảo sát, xác định vị trí cắm cờ, làm nhà. 4 giờ sáng ngày 14 tháng 3, đồng chí chỉ huy bộ đội bốc dỡ vật liệu từ tầu HQ604 xuống đảo Gạc Ma, lúc này tầu địch đang bao vây, uy hiếp, dùng xuồng máy đổ quân lên đảo hòng nhổ cờ, và chiếm đảo.

Trần Đức Thông đã cho điện báo về sở chỉ huy và xác định quyết tâm “dù địch vây ép, dù mất tầu, chúng tôi quyết không lùi”. Trần Đức Thông lệnh cho bộ đội trên tầu xuống đảo hỗ trợ lực lượng bảo vệ cờ và đấu tranh với địch, đồng thời nhắc nhở bộ đội, hãy bình tĩnh, không được nổ súng khi chưa có lệnh để tránh sự khiêu khích của địch.

Trên đảo đã xảy ra đụng độ giữa ta và địch, tầu địch vòng dãn ra xa và dùng pháo bắn nhiều loạt vào tầu HQ604. Tầu ta trúng đạn, nước tràn vào và chìm nhanh, Trần Đức Thông bị thương nặng vào đầu nhưng vẫn ở mũi tầu chỉ huy bộ đội, cho đến lúc hy sinh. Trần Đức Thông đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, kiên quyết cùng bộ đội đấu tranh giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Quá trình công tác, đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 12 bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Trần Đức Thông đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng đanh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM