Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:11:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68863 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 01:10:19 pm »


ANH HÙNG BÙI VĂN TÌNH
(Liệt sĩ)

Bùi Văn Tình sinh năm 1960, dân tộc Kinh, quê ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nhập ngũ tháng 3 năm 1979. Khi hy sinh đồng chí là hạ sĩ tiểu đội phó, đại đội 9, trung đoàn 179, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, đang làm nhiệm vụ ở Cam-pu-chia.

Ngày 10 tháng 7 năm 1980, Bùi Văn Tình cùng 19 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được lệnh đi cứu vớt gạo ở chiếc tàu Ninh Giang 3 thuộc công ty Sô Cô Vi vận tải đường sông chở 80 tấn gạo từ Trà Nóc lên Công Pông Chàm giao cho bạn, nhưng bị đắm cách bờ 15 mét. 70 tấn gạo bị chìm sâu trong khoang kín, cách mặt nước chừng 5 mét. Khoang tầu chỉ có 1 cửa lên xuống rộng 1 mét, dài 1,2 mét.

Trong lúc nhân dân Cam-pu-chia thiếu gạo gay gắt, đơn vị đã hạ quyết tâm và bàn cách vớt gạo.

Người lặn có nhiệm vụ dùng 2 móc có buộc dây lặn xuống móc vào 2 bao gạo rồi dùng sức đẩy lên khỏi cửa khoang để người trên xà lan kéo lên. Bùi Văn Tình được phân công ở tổ chuyển gạo ướt lên bờ phơi.

Sau 4 lần lặn của 2 người trước đó chưa đạt kết quả, thấy vậy Bùi Văn Tình xung phong lặn xuống vớt gạo.

Ngay từ lần lặn đầu tiên đồng chí đã móc được 2 bao gạo đẩy lên cửa boong tầu. Trong 2 giờ đồng hồ Bùi Văn Tình đã lặn 45 lần móc được 90 bao gạo lên (khoảng trên 7.000kg). Do đống gạo đã bị lấy rỗng ở giữa nên gạo 3 bên thành tầu đổ xuống đè lên người Bùi Văn Tình lúc 6 giờ 30 phút ngày 10 tháng 7 năm 1980, Bùi Văn Tình đã hy sinh.

Hành động hy sinh dũng cảm của Bùi Văn Tình là một gương sáng cho đơn vị học tập, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả.

Bùi Văn Tình đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Bùi Văn Tình được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 04:55:27 pm »


ANH HÙNG ĐỖ XUÂN HỢP

Đỗ Xuân Hợp sinh năm 1906, dân tộc Kinh, quê ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 11 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thiếu tướng, giáo sư, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Quân y.

Trước Cách mạng tháng Tám, Đỗ Xuân Hợp là giáo sư trường Đại học Y Đông Dương, đồng chí tham gia các hội cứu tế, hội chữ thập đỏ, khám bệnh cho người nghèo.

Từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 6 năm 1946, đồng chí là Chủ tịch ủy ban khu phố Chợ Hôm, Hội trưởng Hội cứu đói toàn quốc.

Tháng 7 năm 1946, Đỗ Xuân Hợp là một trong một số sáng lập viên Đảng Xã hội Việt Nam, sáng lập viên Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

Từ tháng 11 năm 1946 đến nay Đỗ Xuân Hợp liên tục phục vụ quân đội. Đồng chí đã giữ các cương vị:

Viện trưởng Viện Quân y 10, Hiệu trưởng trường Quân y sĩ, trường Sĩ quan Quân y, trường Đại học Quân y, chuyên viên Viện Nghiên cứu y học quân sự. Ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy công tác, có nhiều cống hiến xuất sắc cho ngành quân y.

Đỗ Xuân Hợp rất say mê nghiên cứu khoa học. Đồng chí đã có hơn 100 công trình; viết 15 cuốn sách giáo khoa dùng cho cán bộ từ trình độ y tá đến bác sĩ, có nhiều công trình có giá trị cao như:

Công trình nghiên cứu về đặc điểm, giải phẫu và nhân học người Việt Nam.

Công trình bàn về kết hợp 2 nền y học trong y học nói chung và hình thái học nói riêng.

Tài liệu “Một số thuyết cơ bản y học cổ truyền của các dân tộc qua các thời đại” in năm 1978, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đọc và viết thư khen ngợi.

Đỗ Xuân Hợp còn trực tiếp chỉ đạo đề tài nghiên cứu nhân trắc học người Việt Nam, làm cơ sở ứng dụng trong các binh chủng, quân chủng.

Đỗ Xuân Hợp là người chỉ đạo biên soạn cuốn Từ điển thuật ngữ giải phẫu bằng 4 thứ tiếng (La-tinh, Pháp, Anh, Việt). Đồng chí là người đầu tiên trong ngành y của ta xây dựng nên hệ thống ngôn ngữ nói chung và ngành giải phẫu Việt Nam nói riêng. Đồng chí đã đề xuất và thực hành giảng dạy kiến thức chuyên môn y học hoàn toàn bằng tiếng Việt ở trường Đại học y từ trong kháng chiến chống Pháp.

Ngay từ năm 1946, Đỗ Xuân Hợp đã viết sách bằng tiếng Việt “Cuốn sổ tay thực hành bệnh viện” và năm 1952, đồng chí viết cuốn “Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa”, được Bác Hồ khen ngợi và tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba cho cuốn sách thứ 2.

Đỗ Xuân Hợp rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ. Đồng chí đã trực tiếp hướng dẫn cho ngành giải phẫu Việt Nam được 3 phó giáo sư, 10 tiến sĩ y khoa, và nhiều đồng chí nay trở thành chuyên viên đầu ngành của Nhà nước và quân đội.

Đỗ Xuân Hợp không những hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân đội mà còn hoàn thành xuất sắc các trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như: Đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 6 (Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa 4); Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 3 và 4; Chủ tịch hội Thái - Việt Nam; giáo sư trường Đại học y khoa Hà Nội.

Đỗ Xuân Hợp là một trí thức cách mạng, sống giản dị, khiêm tốn, liêm khiết, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp chung của ngành quân y. Đồng chí được các tầng lớp trí thức trong ngành y mến phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, hạng nhì, hạng ba.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Đỗ Xuân Hợp được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 04:57:07 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN NGỌC DOÃN

Nguyễn Ngọc Doãn sinh năm 1914, dân tộc Kinh, quê ở phường Thịnh Hào, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 11 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại tá, chuyên viên 7, giáo sư. Viện phó Viện Quân y 108.

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1939, Nguyễn Ngọc Doãn làm nghề tự do đến tháng 10 năm 1946, đồng chí nhập ngũ. Từ tháng 11 năm 1946, Nguyễn Ngọc Doãn liên tục phục vụ trong quân đội đến nay. Đồng chí đã qua các cương vị: Trưởng ban Quân y trung đoàn 115 kiêm Viện trưởng bệnh viện Yên Bái; Viện phó Viện Quân y 108, chuyên viên y học - Bộ Quốc phòng. Ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần tận tụy, tích cực công tác, không quản gian khổ, vất vả hy sinh. Trong kháng chiến nhiều lần đồng chí đi sát mặt trận cứu chữa thương binh, giải quyết thành công nhiều trường hợp hiểm nghèo.

Nguyễn Ngọc Doãn rất say mê nghiên cứu khoa học, đã có trên 70 đề tài, công trình có giá trị được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong toàn quân.

Đề tài về những cây thuốc Việt Nam, xác định đặc tính của nhựa cây duối, cây thủy xương bồ chữa loạn nhịp tim mạch; cây dừa cạn chữa bệnh cao huyết áp, tua rễ đa chữa chứng tràn dịch màng bụng trong các bệnh về gan... Những đề tài này có tác dụng trong điều trị, được Bộ Y tế khen thưởng.

Công trình nghiên cứu về gan đang được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi khuẩn về bệnh xơ gan.

Công trình nghiên cứu về thận, trong đó có 2 đề tài được nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam như: Thẩm phân phúc mạc giải quyết những trường hợp urê huyết cao. Đề tài cặn ĐĐY nước tiểu lấy để trong 3 giờ nhằm để chẩn đoán các tổn thương ở thận.

Hầu hết các đề tài, công trình khoa học của Nguyễn Ngọc Doãn đều được đăng ở Tạp chí Y học, các báo Dược học, Nội khoa, Y học thực hành, Thông tin, Y học Việt Nam. Có nhiều đề tài đã được xuất bản bằng tiếng Pháp để trao đổi với nước ngoài.

Đồng chí đã có 7 cuốn sách nói về dược lý, dược Việt Nam, tim mạch, bệnh gan, mệt, tăng huyết áp.

Nguyễn Ngọc Doãn đã hướng dẫn 2 luận văn bảo vệ thành công phó tiến sĩ trong nước, gợi ý đề tài, dịch đề cương luận văn cho nhiều cán bộ quân y, dân y đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đồng chí đã duyệt luận văn của nhiều cán bộ quân y, dân y về chuyên khoa cấp 2 theo đào tạo chính quy, bổ túc nâng cao trình độ chuyên khoa cấp 1, 2 về bộ môn dược lý cho nhiều cán bộ quân y, dân y.

Ngoài ra, đồng chí còn được giao và đã làm tốt nhiệm vụ như: Chủ nhiệm bộ môn dược lý trường Đại hoc y Hà Nội từ năm 1955; Phó Chủ tịch Hội đồng nội khoa; Tổng hội Y học Việt Nam; Ủy viên Hội đồng giám định y khoa - Bộ Quốc phòng.

Suốt 38 năm phục vụ trong quân đội, nay tuy đã 72 tuổi Nguyễn Ngọc Doãn luôn luôn nêu cao tinh thần tận tụy, đi sâu nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình có giá trị và đang được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh có hiệu quả. Đồng chí còn quan tâm hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về y học và dược cho những lớp trẻ. Nguyễn Ngọc Doãn sinh hoạt giản dị, trong sạch, lành mạnh, có tín nhiệm trong hàng ngũ cán bộ quân y.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhất, 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Ngọc Doãn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 04:58:41 pm »


ANH HÙNG ĐẶNG TRUNG THÀNH

Đặng Trung Thành sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Sơn Lai, huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ tháng 2 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 31 đặc công, Quân khu 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặng Trung Thành tham gia chiến đấu 25 trận, 2 lần bị thương. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Riêng đồng chí diệt nhiều tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Trận ngày 28 thảng 11 năm 1980, Đặng Trung Thành chỉ huy trung đội đánh vào một căn cứ địch ở đường 8 (Trung Lào). Địch chống cự quyết liệt và tổ chức nhiều đợt phản kích, đồng chí bình tĩnh chỉ huy đơn vị diệt 134 tên địch.

Trận ngày 24 tháng 4 năm 1971, Đặng Trung Thành chỉ huy trung đội đánh vào căn cứ do 1 tiểu đoàn địch đóng trong công sự vững chắc, đã diệt 100 tên, đơn vị chỉ hy sinh 1 người.

Trận ngày 2 tháng 4 năm 1972, Đặng Trung Thành đánh điểm cao 1803. Địch ở đây đông, có công sự vững chắc. Khi phát hiện thấy ta, chúng tập trung hỏa lực bắn dữ dội vào đội hình của đơn vị. Quá trình chiến đấu đồng chí 2 lần bị thương vẫn tiếp tục chỉ huy đại đội kiên quyết tấn công, tiêu diệt gần 1 đại đội địch, chiếm được điểm cao này.

Trận ngày 24 tháng 12 năm 1981, Đặng Trung Thành dẫn một tổ luồn sâu vào vùng địch kiểm soát qua nhiều chặng có địch tuần tra canh gác, diệt 40 tên, phá hủy hơn 100 tấn hàng quân sự, ta an toàn. Bọn địch hoang mang, hoảng loạn bắn lẫn nhau chết hơn 100 tên.

Đặng Trung Thành đã góp nhiều công sức xây dựng tiểu đoàn 31 trở thành đơn vị vững mạnh, lập công xuất sắc.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 4 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 lần được Chính phủ nước bạn Lào và Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương cao quý, 5 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 8 lần Chiến sĩ thi đua.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Đặng Trung Thành được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 04:59:31 pm »


ANH HÙNG NGUYẾN VĂN ĐỆ

Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ tháng 10 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu tá, Viện phó phân viện tên lửa thuộc Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Kỹ thuật, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

38 năm phục vụ quân đội, Nguyễn Văn Đệ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác sử dụng, cải tiến, sửa chữa và thử nghiệm vũ khí, đạn dược phục vụ bộ đội chiến đấu. Trưởng thành từ công nhân sửa chữa vũ khí, được tổ chức đưa đi đào tạo cán bộ trung cấp rồi kỹ sư ngành đạn, đồng chí luôn cố gắng học tập, không sợ hy sinh gian khổ, tích cực nghiên cứu trong thực tế sản xuất và chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Đệ tham gia chế thử hạt lửa nụ xòe, pháo dù... và là nhân viên thử nghiệm khối lắp vũ khí SKZ 40 và 51 ly, cối 60, 81 và 120 ly. Sau chiến dịch Biên Giới 1950, ta thu được nhiều vũ khí, đạn dược của Pháp. Đồng chí là một trong số người được giao nhiệm vụ tháo gỡ khảo sát làm tài liệu hướng dẫn cho bộ đội sử dụng những loại vũ khí lấy được của địch đánh địch, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu thốn vũ khí cho bộ đội ta.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Văn Đệ nêu cao tinh thần dũng cảm, không quản nguy hiểm, nơi nào địch thả loại bom mới, đồng chí đi đến tìm cách tháo gỡ để kịp hướng dẫn cho các đơn vị cách tháo gỡ bom mìn, thủy lôi. Nhờ đó đã góp phần hạn chế thương vong, tổn thất cho bộ đội ta. Nguyễn Văn Đệ còn góp nhiều ý kiến trong việc nghiên cứu thành công tháo gỡ nhiều loại tên lửa có điều khiển, nhiều loại máy phát nhiễu của Mỹ gắn trên máy bay, phục vụ có hiệu quả cho các đơn vị phòng không bắn rơi nhiều loại máy bay, kể cả máy bay B52 của địch. Nguyễn Văn Đệ cũng thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo dụng cụ để tháo gỡ an toàn nhiều loại tên lửa có điều khiển do ta thu hồi được của địch. Thành công trong việc nghiên cứu dùng đạn rốc két không đối đất của Mỹ để thành đất đối đất sử dụng ở chiến trường K đầu năm 1983 và đánh quân xâm lược tháng 6 năm 1984 đạt kết quả tốt.

Nguyễn Văn Đệ đã thành công trong việc nghiên cứu xác định được tuổi thọ của thuốc phóng ghế ngồi trong máy bay Mỹ. Từ kết quả này đã giúp cho người lái của ta yên tâm sử dụng máy bay Mỹ ta thu hồi được (đề tài này trước đây nhiều đồng chí bỏ dở vì khi nghiên cứu xảy ra tai nạn).

Trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, Nguyễn Văn Đệ đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo đảm an toàn, nhưng vẫn 3 lần bị thương, đồng chí không hề nản chí. Có lần vết thương chưa lành, nhưng để tránh nguy hiểm cho đồng đội, đồng chí xin ra viện sớm về hướng dẫn cho anh em nắm vững những nguyên nhân thường xảy ra mất an toàn.

Nguyễn Văn Đệ có tinh thần trách nhiệm trong mọi việc, gương mẫu, giản dị, được đồng đội mến phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công, 11 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 9 lần Chiến sĩ quyết thắng.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Văn Đệ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 05:00:41 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BÌNH

Nguyễn Văn Bình sinh năm 1959, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nhập ngũ tháng 9 năm 1978. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung úy, đại đội trưởng đại đội 4 bộ binh, tiểu đoàn 3 đoàn 7701, mặt trận 779, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1979 đến năm 1985, Nguyễn Văn Bình liên tục hoạt động trên đất Cam-pu-chia. Đồng chí đã chiến đấu 35 trận, chỉ huy đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Riêng đồng chí diệt 10 tên, bắt 3 tên, thu 15 súng.

Tháng 5 năm 1981 được tin báo 150 tên địch đi cướp thóc gạo của nhân dân, Nguyễn Văn Bình chỉ huy tiểu đội nhanh chóng vận động 5 ki-lô-mét bao vây bám sát địch. Thấy lực lượng ta ít địch vừa chống trả quyết liệt vừa rút vào rừng. Đồng chí dẫn đầu đơn vị đuổi đánh, diệt được một số tên. Riêng Nguyễn Văn Bình bắt 1 tên, thu 1 súng AK và 100 viên đạn. Bọn địch hoảng sợ bỏ chạy. Trận đánh thắng, đã bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của nhân dân.

Tháng 7 năm 1981, Nguyễn Văn Bình chỉ huy 1 tổ 5 người phục kích địch. Mặc dù đã 6 ngày dưới trời mưa không thấy địch, một số anh em đề nghị cho rút, đồng chí đã động viên mọi người kiên trì chờ đợi. Đến ngày thứ 7, 15 tên địch chia làm 2 tốp, tốp đi đầu 5 tên, tốp sau 10 tên mò vào trận địa phục kích của Nguyễn Văn Bình. Đồng chí chờ địch đến gần mới nổ súng. Thấy lực lượng ta ít, chúng bắn lại dữ dội Nguyễn Văn Bình chỉ huy đơn vị kiên quyết đánh trả. Trận này tổ Nguyễn Văn Bình diệt 4 tên, số địch còn lại bỏ chạy.

Sau đó ít ngày, Nguyễn Văn Bình chỉ huy 10 người phối hợp với 15 bộ đội Cam-pu-chia bao vây truy quét địch, 10 ngày liền trên hành lang biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Đồng chí luôn dẫn đầu đơn vị lùng sục địch ở từng gốc cây, bụi rậm, diệt 5 tên, bắn bị thương nhiều tên, thu 5 súng và một số đồ dùng quân sự. Riêng đồng chí diệt 2 tên, thu 2 súng, địch hoảng sợ bỏ chạy về bên kia biên giới Thái Lan.

Trong những lần chiến đấu phối hợp với bạn, đồng chí luôn nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Chấp hành tốt kỷ luật chiến trường, được bạn tin yêu.

Nguyễn Văn Bình được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Văn Bình được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 09:58:34 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN VƯỢNG

Nguyễn Văn Vượng sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 2 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là công nhân quốc phòng thuộc nhà máy Z121, Tổng cục Kỹ thuật, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Vượng chuyển về nhà máy Z121 công tác ở phân xưởng chế tạo thuốc gợi nổ từ năm 1967. Đây là phân xưởng điều kiện làm việc nguy hiểm và độc hại, đòi hỏi phải có quyết tâm cao.

Năm 1967, Nguyễn Văn Vượng được giao nhiệm vụ sản xuất mặt hàng mới phục vụ chiến đấu, có tính độc hại cao và có thể nổ ở các môi trường kể cả dưới nước. Đồng chí luôn gương mẫu và vận động anh em trong tổ chấp hành đúng quy tắc an toàn và rất thận trọng lúc thao tác, nên đã góp sức vào việc hoàn thành kế hoạch của đơn vị, chất lượng sản xuất tốt.

Năm 1980, Nguyễn Văn Vượng được giao nhiệm vụ tổ trưởng sản xuất, phụ trách một tổ quay trộn hỗn hợp các loại thuốc gợi nổ. Công việc đòi hỏi bảo đảm chất lượng cao. Nhưng một số anh em công tác lâu năm có kinh nghiệm đã chuyển đi nơi khác. Nhà máy đưa một số anh chị em học sinh vào học nghề thay thế. Trong tổ 1 phần 3 là phụ nữ có con nhỏ, công việc phụ thuộc vào máy móc, nhiệt độ, độ ẩm, vật liệu phụ thuộc vào đơn vị bạn cung cấp, nên gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng chí đã cùng với tập thể trong tổ tìm cách khắc phục hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cung cấp đầy đủ và kịp thời các loại thuốc gợi nổ cho đơn vị bạn sản xuất.

Đối với các anh chị em mới vào nghề Nguyễn Văn Vượng tận tình giúp đỡ hướng dẫn chu đáo, tỷ mỉ cách thao tác đúng quy trình sản xuất.

Nguyễn Văn Vượng là người có ngày công cao nhất (26 ngày/tháng). Đồng chí đã cùng anh chị em trong tổ phát huy được 9 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Riêng đồng chí có 4 sáng kiến, có sáng kiến tăng năng suất lao động lên 40%.

Đồng chí đã cùng tập thể xây dựng tổ từ một tổ yếu kém trở thành tổ Lao động xã hội chủ nghĩa liên tục 4 năm liền từ năm 1980 đến 1983.

Là một công nhân chế tạo thuốc hỏa cụ, Nguyễn Văn Vượng luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có tính sáng tạo, dũng cảm, không sợ khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí luôn luôn có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chế độ, nội quy, không để gây ra một sai sót nào trong sản xuất.

Đồng chí có lối sống cần cù, giản dị, được mọi người yêu mến. Trong quá trình công tác, đồng chí luôn luôn phấn đấu tu dưỡng rèn luyện nên liên tục từ 1967 đến 1983 năm nào cũng đạt Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, nhiều năm được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng.

Nguyễn Văn Vượng đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 7 bằng khen, 16 giấy khen.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Văn Vượng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 09:59:31 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN PHẢ

Nguyễn Văn Phả sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là công nhân quốc phòng, tổ trưởng tổ sản xuất phân xưởng 48, Cục kỹ thuật, quân chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1963 đến năm 1967, Nguyễn Văn Phả là chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 1, khu phòng thủ 2, quân khu Đông Bắc.

Từ năm 1968 đến tháng 4 năm 1979, Nguyễn Văn Phả chuyển về công tác ở phân xưởng 46, quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ đục đá xây hầm. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần tận tụy, là một trong số người có ngày công và năng suất cao.

Từ tháng 4 năm 1979 đến tháng 1 năm 1981, Nguyễn Văn Phả đi học lớp thợ hàn ở nước ngoài. Kết quả đạt loại xuất sắc, được Đại sứ ta tặng bằng khen.

Từ tháng 2 năm 1971 đến tháng 9 năm 1976, Nguyễn Văn Phả trở về nước công tác ở xưởng 48 làm thợ hàn sửa chữa tầu. Năm 1972 máy bay Mỹ đánh phá ác liệt khu nhà máy, đồng chí vẫn kiên trì bám trụ không sơ tán để mỗi khi có tầu hỏng là nhanh chóng sửa ngay.

Mỗi khi hàn, đồng chí phải chịu hàng 2, 3 giờ liền ở trong khoang tầu kín gió, nhiệt độ về mùa hè có lúc lên tới 40°c, áo quần ướt đầm mồ hôi... và không quản ngại còn động viên anh em khác cùng làm.

Từ năm 1977 đến năm 1985, Nguyễn Văn Phả là tổ trưởng tổ hàn mộc tiện ở phân xưởng đúc nồi của nhà máy 48, Quân chủng Hải quân. Điều kiện làm việc rất vất vả: Đốc neo đậu xa đơn vị gần 20 ki-lô-mét, nhiều khi phải khênh vác phụ tùng từ bờ ra đốc từ 600 đến 700 mét... một số người trong tổ ngại, đồng chí gương mẫu làm nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày trong tháng và đảm nhiệm những phần việc nặng nhọc, không kể lúc nào, khi có việc gấp đồng chí không nề hà, sẵn sàng làm ngay, để lôi cuốn anh em.

Đồng chí luôn chú trọng đi sâu nghiên cứu kỹ thuật, phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất. Có 4 sáng kiến có giá trị cao góp phần đưa năng suất tăng gấp 2, 3 lần. Như: bản thân bơm nước biển; hàn chân vịt tầu bị mẻ ngay khi còn lắp trên trục chân vịt; chế tạo hệ thống đường ống hàn hơi chạy từ cơ xưởng sang đốc và chạy chung quanh đốc; sáng kiến chế tạo máy hàn hơi thô sơ bằng các vỏ chai hơi. Thành công này đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu máy hàn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sửa chữa. Từ chỗ một tháng phân xưởng chỉ bàn giao xuất xưởng 1 tầu, nay 1 tháng đã xuất xưởng được 4 chiếc.

Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, Nguyễn Văn Phả còn làm phó thư ký công đoàn bộ phận, ủy viên ban chấp hành công đoàn nhà máy... công tác nào đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt.

Đồng chí sinh hoạt giản dị, khiêm tốn, được anh em trong đơn vị tín nhiệm.

Nguyễn Văn Phả đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 16 năm Chiến sĩ thi đua, 3 năm Chiến sĩ quyết thắng.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Văn Phả được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 10:00:46 am »


ANH HÙNG PHÙNG HẠNH PHÚC

Phùng Hạnh Phúc sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, làm công nhân quốc phòng năm 1960. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là kỹ thuật viên phòng luyện kim thuộc nhà máy Z111, Tổng cục Kỹ thuật, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp hóa chất, Phùng Hạnh Phúc được điều vào quân đội công tác ở nhà máy Z111 từ năm 1960 đến năm 1985. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần tận tụy công tác, hàng năm có ngày công cao, thường xuyên trên 270 ngày, hàng ngày thực hiện đúng 8 giờ lao động có ích. Nhiều khi do yêu cầu gấp, Phùng Hạnh Phúc làm việc liên tục cả ngày đêm không nghỉ. Nhiều đợt hàng tuần lễ liền mỗi ngày đồng chí làm việc trên 10 tiếng đồng hồ.

Quá trình làm việc Phùng Hạnh Phúc thường xuyên phải tiếp xúc với chất độc hại, mặc dù đã có nhiều biện pháp bảo hộ, nhưng đồng chí vẫn mắc một số bệnh nghề nghiệp có ảnh hưởng đến mũi, mắt, tim, phổi. Tuy vậy, Phùng Hạnh Phúc vẫn hăng say nghiên cứu kỹ thuật. Đồng chí có 54 sáng kiến có giá trị tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giải quyết được khó khăn và khan hiếm nguyên vật liệu của ta, giảm chi phí hàng chục vạn đồng, nhiều sáng kiến có giá trị như:

Nghiên cứu sấy mô bằng mở 30-PC, lập được quy trình ổn định về chế tạo được loại mở trên với vật liệu có sẵn, không phải mua của nước ngoài.

Sáng kiến giảm tỷ lệ muối khi thái sinh than làm đầm nước cho nồi hơi.

Pha chế dầu xanh ngọt cho ngòi pháo.

Nghiên cứu chất cho thêm vào dung dịch cốt hóa để làm việc được ở nhiệt độ 50°c, phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Cải tiến cách mạ đồng, mạ thiếc, mạ bạc, mạ hợp kim thiếc, mạ các kính phản quang... để phục vụ sản xuất ngòi nổ chậm thủy lôi, ống dẫn sóng ra-đa, máy quang học...

Trong thời gian từ năm 1965 đến 1975, Phùng Hạnh Phúc được giao nhiệm vụ theo dõi sản xuất ngòi nổ chậm hóa học, một công việc rất khó khăn phức tạp, yêu cầu chất lượng của sản phẩm rất cao, theo dõi việc cho nổ thử rất nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn. Trong khi đó vật tư nguyên liệu khan hiếm, mua của nước ngoài , gặp nhiều khó khăn, đồng chí đã nghiên cứu thành công nghề mạ dây treo kim hỏa, đã tìm được quy trình công nghệ phù hợp, dây sau khi mạ xong, qua thử nghiệm và lắp vào ngòi nổ chậm đạt chất lượng tốt. Sáng kiến này đã tận dụng được hết các loại dây có sẵn hồi đó không phải mua của nước ngoài.

Phùng Hạnh Phúc còn nghiên cứu thành công loại ngòi nổ chậm có thời gian dài bảo đảm an toàn cho bộ đội khi sử dụng, giảm độc hại trong khi nhồi lắp thuốc đồng thời đưa năng suất tăng gấp đôi so với trước.

Đồng chí tìm ra được một loại men thủy tinh có nhiệt độ chảy thấp, với các nguyên liệu có sẵn, dễ kiếm chế tạo giản đơn, không độc hại. Men chế tạo một lần có thể dùng cho cả năm sản xuất. Chất men bám vào thủy tinh rất chắc, không ảnh hưởng gì đến chất lượng của sản phẩm, năng suất lại tăng gấp 10 lần so với trước.

Phùng Hạnh Phúc rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật mạ cho hơn chục người có tay nghề giỏi, bổ sung cho các nhà máy khác. Bản thân tích cực học tập ngoại ngữ để nghiên cứu thêm sách kỹ thuật nước ngoài, đồng chí đã dịch được một số tài liệu tiếng Nga sang tiếng Việt cho công nhân nghiên cứu.

Phùng Hạnh Phúc gương mẫu về mọi mặt, giản dị, được mọi người tin yêu.

Phùng Hạnh Phúc 17 năm được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 4 năm Chiến sĩ quyết thắng, 5 bằng và giấy khen.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Phùng Hạnh Phúc được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng đanh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2016, 05:40:31 pm »


ANH HÙNG PHAN VĂN NHỜ

Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau) sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải, nguyên là thượng tá, Đoàn trưởng đoàn 962 vận tải biển, Quân khu 9. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, Phan Văn Nhờ hoạt động ở vùng địch tạm chiếm, tỉnh Minh Hải. Đồng chí luôn bám đất, bám dân, xây dựng và chỉ huy lực lượng vũ trang huyện Giá Rai đánh địch, xây dựng cơ sở cách mạng. Hai lần đồng chí bị địch bắt, chúng tra tấn dã man, nhưng Phan Văn Nhờ vẫn nêu cao khí tiết cách mạng, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng.

Từ năm 1955 đến năm 1959, Phan Văn Nhờ được giao nhiệm vụ hoạt động xây dựng cơ sở ở nhiều vùng thuộc tỉnh Bến Tre - nơi địch thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng lùng bắt những người kháng chiến cũ và cán bộ cách mạng. Trong thời gian này bị địch bắt 2 lần, đồng chí đã nêu cao tinh thần dũng cảm chịu đựng mọi cực hình tra tấn, giữ vững khí tiết, không hề tiết lộ nhiệm vụ của mình, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, Phan Văn Nhờ được giao nhiệm vụ tổ chức vận chuyển vũ khí, thuốc men bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Nam. Hoàn cảnh hoạt động có rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Địch luôn luôn phong tỏa ven biển và ngoài khơi, kiểm tra rất ngặt nghèo mọi tầu thuyền đi lại. Phan Văn Nhờ đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, bằng nhiều hình thức hoạt động khác nhau, khi giả làm người đánh cá, khi giả làm người buôn. Đồng chí hai lần bị địch bắt đã khôn khéo giữ được bí mật. Phan Văn Nhờ tự nguyện hy sinh lột da đầu, xoay phần tóc phía sau ra phía trước, sửa lại hình dạng mặt để che mắt địch. Có nhiều lần để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của địch ở ven biển, đồng chí cho thuyền ra khơi, gặp sóng to gió lớn rất nguy hiểm, thuyền lênh đênh ở biển hàng tháng, thiếu ăn, mất ngủ, đồng chí vẫn kiên quyết tìm cách chuyển vũ khí đến đích an toàn. Kết quả đồng chí đã tổ chức vận chuyển an toàn 37 chuyến tầu chở vũ khí, thuốc men từ Bắc vào Nam với tổng số hơn 600 tấn, góp phần bảo đảm cho chiến trường Nam Bộ tiếp tục phát triển trong những thời điểm khó khăn nhất.

Từ sau năm 1975 đến nay, đồng chí Phan Văn Nhờ đảm nhiệm các nhiệm vụ: Phó Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang; Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, kiêm giám đốc Ty thủy sản tỉnh Kiên Giang... đồng chí đều nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phan Văn Nhờ đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất,

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Phan Văn Nhờ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM