Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:04:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68839 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 12:04:50 pm »


ANH HÙNG HOÀNG HỮU CHUYÊN
(Liệt sĩ)

Hoàng Hữu Chuyên sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ tháng 4 năm 1970. Khi hy sinh đồng chí là đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 bộ binh, trung đoàn 174, sư đoàn 316, Quân đoàn 29, Quân khu 2, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hoàng Hữu Chuyên đã tham gia 5 chiến dịch lớn, chiến đấu 32 trận, 6 lần bị thương, sau khi chữa khỏi, mặc dù sức khỏe giảm nhiều, trên cho về phía sau, đồng chí đều tha thiết xin ở lại đơn vị chiến đấu.

Trong trận chiến đấu tháng 12 năm 1970 ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào) mặc dù địch đông, Hoàng Hữu Chuyên vẫn chỉ huy phân đội chiến đấu diệt nhiều tên, bảo vệ được nhân dân. Bạn rất ca ngợi bộ đội tình nguyện Việt Nam.

Tháng 12 năm 1971, đồng chí chỉ huy trung đội bí mật luồn rừng, leo núi trong mấy ngày liền đánh điểm cao 1663 ở bắc Phú Long Chẹng (Lào) diệt gọn 1 đại đội địch ở đây.

Tháng 10 năm 1972, Hoàng Hữu Chuyên chỉ huy trung đội chiến đấu ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào) mặc dù địch đông gấp nhiều lần, đồng chí vẫn kiên quyết đánh, chỉ huy linh hoạt, mưu trí, diệt hơn 100 tên.

Trận chiến đấu ngày 10 tháng 3 năm 1975, đánh cao điểm Chư Duê ở Buôn Ma Thuột, mặc dù máy bay, pháo binh bắn phá dữ dội vào đội hình tiến quân của đơn vị, Hoàng Hữu Chuyên vẫn bình tĩnh chỉ huy đại đội đánh nhanh, đánh mạnh. Sau 30 phút chiến đấu ác liệt, đại đội đồng chí chiếm được điểm cao và cắm cờ trên sở chỉ huy của sư đoàn 23 ngụy.

Đặc biệt trận chiến đấu ngày 12 tháng 7 năm 1984 ở điểm cao 233 Hà Tuyên. Địch ở thế có lợi, có hỏa lực mạnh bắn ác liệt ngăn chặn đường tiến quân của ta, Hoàng Hữu Chuyên bình tĩnh, xông xáo chỉ huy tiểu đoàn nhanh chóng đánh nhanh, đánh mạnh, kiên quyết tấn công tiêu diệt địch. Kết quả chỉ sau 20 phút, đơn vị đã đánh chiếm được mục tiêu và diệt hàng trăm tên.

Địch tập trung hỏa lực bắn hàng ngàn đạn pháo và nhiều loại súng, đồng thời tổ chức lực lượng mở nhiều đợt tấn công, hòng đánh chiếm lại trận địa. Hoàng Hữu Chuyên nêu cao tinh thần dũng cảm bình tĩnh chỉ huy linh hoạt, mưu trí tiêu diệt địch ở từng đoạn giao thông hào, công sự, đánh bật các đợt tấn công của chúng. Đồng chí đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba và được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Hữu Chuyên được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 12:06:28 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN QUỐC THẤT
(Liệt sĩ)

Nguyễn Quốc Thất sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 2 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là thượng úy, đại đội trưởng đại đội 8 công binh, tiểu đoàn 276, trung đoàn 550, Quân đoàn 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi học xong lớp 9 phổ thông, Nguyễn Quốc Thất xung phong nhập ngũ, được bổ sung về Quân đoàn 4. Đồng chí luôn chịu khó công tác và học tập, được chọn đi học văn hóa cấp 3. Thi tốt nghiệp lớp 10 đạt giỏi. 5 năm học ở Học viện Kỹ thuật quân sự, năm nào đồng chí cũng là học sinh tiên tiến, thi tốt nghiệp đạt loại ưu tú.

Tháng 10 năm 1982, Nguyễn Quốc Thất được điều về trung đoàn 550 công binh thuộc Quân đoàn 4 hoạt động ở chiến trường Cam-pu-chia. Một năm làm trợ lý tác chiến đồng chí chịu khó đi sâu nghiên cứu công việc đề xuất được nhiều ý kiến hay giúp cho trung đoàn chỉ huy các đơn vị được tốt.

Tháng 10 năm 1983, đồng chí xin xuống đơn vị cơ sở, được giao nhiệm vụ đại đội trưởng. Nguyễn Quốc Thất luôn đi sát, hướng dẫn cho mọi người biết sử dung thành thạo vũ khí có trong tay, và biết cách tháo phá nhiều loại mìn. Chỗ nào khó khăn nguy hiểm đồng chí đều có mặt. Năm 1984, địch dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm, vừa phục kích, vừa bố trí nhiều bãi mìn chồng ép lên nhau. Việc phá gỡ của ta gặp nhiều khó khăn, chỉ sơ suất một chút có thể bị thương vong. Nguyễn Quốc Thất khi tìm cách tháo gỡ từng quả, khi dùng sắt có cán dài nấp sau vật cản để phá. Đồng chí đã tháo phá được 98 quả - là người tháo phá được nhiều nhất đơn vị.

Ngày 28 tháng 3 năm 1984 sau khi gài mìn diệt địch xong, trên đường về, phát hiện có một bãi mìn do địch gài, Nguyễn Quốc Thất dẫn 2 cán bộ trung đội vào phá. Sau khi phá được 3 quả, đến quả thứ 4 thì vướng vào quả mìn bên cạnh, thấy ánh lửa lóe lên, Nguyễn Quốc Thất nhanh chóng đè lên trên để tránh nguy hiểm cho 2 đồng chí kia. Khi tiếng nổ phát ra, 2 cán bộ trung đội chạy lại thấy thân thể Nguyễn Quốc Thất dập nát, máu chảy đầm đìa.

Đồng chí mất đi, cả đơn vị vô cùng thương tiếc, đã phát động phong trào noi gương Nguyễn Quốc Thất.

Nguyễn Quốc Thất đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Quốc Thất được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 12:08:04 pm »


ANH HÙNG PHẠM HÙNG DŨNG
(Liệt sĩ)

Phạm Hùng Dũng sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhập ngũ năm 1977. Khi hy sinh đồng chí là đại đội trưởng đại đội 732, tiểu đoàn 4 bộ binh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp, Quân khu 9, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phạm Hùng Dũng là dân quân, dũng cảm bám đất, bám dân, nhiều lần dẫn đường cho bộ đội đi sâu vào vùng địch kiểm soát để đánh địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ tháng 4 năm 1977 đến ngày 18 tháng 3 năm 1978, Phạm Hùng Dũng đã chiến đấu 30 trận, diệt 27 tên địch, bắn bị thương 9 tên, thu 7 súng.

Trận ngày 18 tháng 2 năm 1978, 1 tiểu đoàn quân Pôn Pốt khoảng 300 tên đánh chiếm một đồn biên phòng của ta ở Ẩp Một. Đồng chí đã dẫn đầu đơn vị chạy bộ hơn chục ki-lô-mét đến Ấp Một đúng thời gian quy định và triển khai lực lượng bám sát, đánh nhanh, đánh mạnh địch. Kết quả trận này đơn vị đồng chí góp phần quan trọng cùng đơn vị bạn diệt tại chỗ 75 tên, bắt 2 tên, thu 30 súng. Bọn còn lại bỏ chạy về bên kia biên giới.

Trận ngày 18 tháng 3 năm 1978, khoảng 400 tên địch chia làm 2 cánh từ bên kia biên giới đánh sang. Ý đồ của chúng định đánh chiếm Ấp Một và đánh xuống Mương Kinh. Phạm Hùng Dũng chỉ huy đơn vị vận động bám sát địch, nổ súng mãnh liệt, diệt nhiều tên. Khi bị thương, Phạm Hùng Dũng vẫn không rời trận địa tiếp tục chiến đấu cho đến lúc hy sinh.

Hành động của đồng chí có tác dụng động viên, cổ vũ mọi người hăng hái noi theo, chiến đấu dũng cảm đánh bật địch về bên kia biên giới.

Phạm Hùng Dũng đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 6 bằng và giấy khen.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Phạm Hùng Dũng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 01:25:55 pm »


ANH HÙNG TRẦN VĂN THÁI
(Liệt sĩ)

Trần Văn Thái sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nhập ngũ tháng 1 năm 1961. Khi hy sinh đồng chí là đại đội trưởng vô tuvến điện, trung đoàn thông tin, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trần Văn Thái xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng kiên cường. Vào bộ đội đồng chí được đào tạo thành chiến sĩ báo vụ. Ra trường Trần Văn Thái tích cực rèn luyện nâng cao trình độ, đồng chí đã đảm nhiệm phiên liên lạc khó khăn cự ly xa và là nòng cốt trực tiếp chuyển nhận phần lớn điện của tổ điện đài.

Trong toàn cảnh chiến trường gian khổ, ác liệt, phương tiện khí tài thiếu thốn, Trần Văn Thái vẫn dũng cảm kiên cường bám đài, bám đơn vị, bám địa bàn, khắc phục khó khăn chuyển nhận điện kịp thời, chính xác, giữ vững thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1968, Trần Văn Thái bị thương đứt gân gót chân trái và cụt một phần ba cánh tay phải, đồng đội có người đã khuyên đồng chí nên về địa phương công tác cho phù hợp với sức khỏe. Nhưng với nguyện vọng thiết tha được tiếp tục ở lại đội ngũ cùng đồng đội phục vụ chiến đấu đồng chí đã kiên trì khổ luyện. Sau một thời gian tập luyện, Trần Văn Thái đã sử dụng được máy thu phát tín hiệu bằng tay trái (tuy không nhanh bằng trước đây) và trong các chiến dịch đồng chí vẫn theo đơn vị hành quân làm nhiệm vụ.

Địch càn vào căn cứ, Trần Văn Thái bố trí cho anh em đưa tài liệu về phía sau, bản thân cùng 2 người khác ở lại chiến đấu. Đồng chí đã dùng tay trái gài lựu đạn và sử dụng AK bắn bộ binh và máy bay lên thẳng của địch, cùng anh em bẻ gãy một mũi càn của chúng, bảo vệ an toàn tài liệu và máy móc.

Tháng 3 năm 1971 Trần Văn Thái được giao làm đại đội trưởng vô tuyến điện trong tình hình địch thường xuyên càn quét, đơn vị liên tục bị oanh tạc. Anh em thương vong nhiều, một số người nao núng, ngại công tác ở đơn vị làm nhiệm vụ phát sóng dễ bị địch phát hiện tập trung B52 và pháo binh sát thương. Bằng hành động gương mẫu, tận tụy, dũng cảm và bình tĩnh, Trần Văn Thái thuyết phục được mọi người yên tâm làm nhiệm vụ. Đơn vị thương vong còn 1 phần 3 quân số, không đủ người thay thế. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu, Trần Văn Thái ngoài chức trách của đại đội trưởng còn làm việc của chính trị viên, quản lý, y tá, ra sức động viên mọi người kiên quyết bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi.

Trần Văn Thái hy sinh ngày 8 tháng 8 năm 1971. Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 14 bằng và giấy khen, 3 lần danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985 Trần Văn Thái được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 01:27:18 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN HỒNG CAO
(Liệt sĩ)

Nguyễn Hồng Cao sinh năm 1962, dân tộc Tày, quê ở xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nhập ngũ tháng 2 năm 1982. Khi hy sinh đồng chí là trung sĩ, trung đội phó đại đội 1 bộ binh, tiểu đoàn 3, bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên, Quân khu 2, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nguyền Hồng Cao rất chịu khó đi sâu học tập kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đội phó. Trong chiến đấu đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng tĩch cực đánh địch. Gần 1 năm chỉ huy trung đội chốt giữ trận địa ở hướng chủ yếu của đại đội trên điểm cao 1250 (huyện Yên Minh, Hà Tuyên), mặc dù hàng ngày pháo địch bắn phá vào khu vực đơn vị, bộ binh địch luôn luôn áp sát, Nguyễn Hồng Cao đi sát từng chiến sĩ, kiểm tra, hướng dẫn mọi người trong trung đội, tổ chức tuần tra canh gác chặt chẽ, nắm chắc mọi tình hình hoạt động của địch, báo cáo kịp thời giúp cho trên chỉ huy, chỉ đạo được chính xác, hạn chế được nhiều thiệt hại cho đơn vị.

Từ ngày 2 đến ngày 30 tháng 4 năm 1984, địch bắn hàng vạn đạn pháo cối vào khu vực điểm cao 1250. Có ngày chúng bắn hơn 1.000 quả và dùng bộ binh tấn công lên trận địa của ta. Nguyễn Hồng Cao bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng, đẩy lùi các đợt tấn công của chúng. Đơn vị Nguyễn Hồng Cao diệt nhiều tên, giữ vững trận địa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1984, địch lợi dụng sương mù, dùng nhiều loại pháo bắn dữ dội vào trận địa và cho lực lượng bộ binh đông hơn ta nhiều lần, mở nhiều đợt tấn công ác liệt vào trận địa ta. Đồng chí bình tĩnh chỉ huy linh hoạt, có bộ phận bắn thẳng vào đội hình tấn công của địch, có bộ phận xuất kích đánh vào sườn, vào phía sau địch, diệt nhiều tên, đẩy lùi 6 đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa. Riêng Nguyễn Hồng Cao diệt hơn 40 tên. Đồng chí đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gương chiến đấu của Nguyễn Hồng Cao có tác dụng động viên cổ vũ mọi người noi theo.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Hồng Cao được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 01:28:15 pm »


ANH HÙNG BÙI VĂN BÌNH
(Liệt sĩ)

Bùi Văn Bình sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé, nhập ngũ tháng 10 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, trợ lý tham mưu tiểu đoàn 14 bộ binh, đoàn 7701, mặt trận 779, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1979 đến ngày 25 tháng 1 năm 1984 (lúc hy sinh), Bùi Văn Bình làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Cam-pu-chia. Đồng chí đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bùi Văn Bình đã trực tiếp tham gia 5 chiến dịch, trận đánh nào đồng chí cũng đi trước điều tra nắm tình hình địch, đề xuất phương án tác chiến tốt, giúp cho tiểu đoàn hạ quyết tâm chính xác, giành thắng lợi.

Trận ngày 25 tháng 1 năm 1984 tại Phum Bông Sang Khao (giáp ranh huyện Ba Rài và San Túc), Bùi Văn Bình nhận nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận 12 người bám sát địch, đánh nhanh, đánh mạnh, ngay phút đầu đã diệt 3 tên, bọn địch hoảng sợ bỏ chạy. Đồng chí chỉ huy đơn vị truy kích diệt thêm 3 tên khác, lúc này đơn vị có một số hy sinh và bị thương, bản thân Bùi Văn Bình cũng bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu. Thấy lực lượng ta ít, địch lại huy động thêm lực lượng phản kích. Bùi Văn Bình bình tĩnh, sử dụng 3 loại súng (B40, AK, RPD) và ném lựu đạn vào đội hình địch diệt thêm 1 số. Đồng chí đã anh dũng hy sinh trong lúc đang chiến đấu.

Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí có tác dụng động viên cổ vũ mọi người hăng hái noi theo.

Nhân dân 18 xã của huyện Ba Rài (nơi đồng chí Bình công tác), vô cùng thương tiếc, đã làm lễ cầu phước (theo phong tục tập quán địa phương) để tưởng nhớ đến người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Bùi Văn Bình được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 11:12:30 pm »


ANH HÙNG HUỲNH THỊ HƯỞNG
(Liệt sĩ)

Huỳnh Thị Hưởng (tức Sáu Hồng) sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tham gia cách mạng năm 1961. Khi hy sinh đồng chí là du kích xã Hội An, huyện đội Chợ Mới, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong phong trào của một địa phương có truyền thống cách mạng, đồng chí luôn coi việc giải phóng dân tộc là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình.

Trong những năm 1962 - 1965 xã Hội An bị địch lấn chiếm. Chấp hành nghị quyết của huyện ủy, tất cả cán bộ Hội An phải bám dân để phát động quần chúng đấu tranh chống địch. Là đảng viên, là cán bộ nữ, việc ăn ở và hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm rất gian khổ. Bọn địch tung mật thám khắp vùng để bắt cán bộ, nhưng Huỳnh Thị Hưởng không chùn bước, vẫn ra sức vận động bà con theo cách mạng.

Đồng chí làm công tác quần chúng rất giỏi, với tác phong cần cù, tháo vát, tình cảm gần gũi quần chúng, đồng chí được chi bộ và quần chúng rất thương mến tín nhiệm. Lời nói và hành động gương mẫu của đồng chí có sức thuyết phục cao đối với mọi người. Với cương vị là phó bí thư chi bộ xã, Huỳnh Thị Hưởng cùng với các đồng chí trong chi bộ xây dựng phong trào của xã như thuế nông nghiệp, vận động tòng quân, xây đựng cơ sở, đào hầm, nuôi giấu cán bộ, xây dựng du kích mật, diệt ác phá kìm... phát triển tốt, làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền vùng Hội An luôn sống trong kinh hoàng lo sợ, bọn lính ngụy ở địa phương không dám ra khỏi đồn lấy nước uống. Cơ sở cách mạng được tổ chức, vùng giải phòng ngày càng mở rộng, quần chúng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Huỳnh Thị Hưởng, một người con gái dịu hiền, với đồng chí, đồng đội hết lòng thương yêu chăm sóc, cho anh em từng ngọn rau, viên thuốc, nhưng với kẻ thù đồng chí lại tỏ ra là một chiến sĩ kiên cường bất khuất. Theo chỉ thị của huyện ủy ngày 16 tháng 6 năm 1965, trong khi đi làm nhiệm vụ trừng trị tên xã trưởng ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, đồng chí bị chỉ điểm sa vào tay giặc. Đòn tra tấn dã man của 4 tên cố vấn Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai cũng không hề khuất phục được khí phách hiên ngang của người nữ đảng viên cộng sản trẻ tuổi. Trước luận điệu chiêu hồi của địch, Huỳnh Thị Hưởng đã xé túi áo nhét vào lỗ tai để khỏi phải nghe chúng phản tuyên truyền.

Địch giở trò đánh vào tinh thần quần chúng, đưa đồng chí ra chợ để lừa gạt nhân dân rằng: “Sáu Hưởng đã hồi chánh với quốc gia”. Biết tin đồng chí bị địch tra tấn dã man mà không hề khai báo, quần chúng càng thương yêu chị, người kéo về chợ càng đông. Gắng gượng trước những đau đớn do địch tra tấn, Huỳnh Thị Hưởng nói với đồng bào: “Bà con cứ an tâm, tôi không khai báo gì cả, tôi có chết đi, nhưng nhiều đồng chí đồng bào thay tôi để làm cách mạng, có Đảng lãnh đạo sáng suốt, cách mạng nhất định thắng lợi, bọn Mỹ - ngụy dã man nhất định bị tiêu diệt”. Và đồng chí thét vào mặt kẻ thù: “Tao làm cách mạng không phải là để khai báo cho tụi bay”. Tức giận vì không khuất phục được Huỳnh Thị Hưởng, bọn địch đào hố chôn chỉ để ló đầu lên để tra tấn nhưng Huỳnh Thị Hưởng vẫn không hề khai. Bọn chúng lại lôi đồng chí lên, Huỳnh Thị Hưởng lại tiếp tục vạch mặt kẻ thù. Biết mình không thể sống nổi, đồng chí dồn hết sức hô to:

“Hồ Chí Minh muôn năm!”
“Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”.

Tên cố vấn Mỹ đã dùng lưỡi lê rọc miệng, cắt lưỡi, cắt tai và từng bộ phận trên thân thể đồng chí cho đến khi chết hẳn.

Huỳnh Thị Hưởng hy sinh nhưng hình ảnh của đồng chí vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân xã Hội An, huyện Chợ Mới. Sau đó nhiều quần chúng cách mạng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng giữ vững khí tiết.

Lực lượng vũ trang huyện Chợ Mới nêu khẩu hiệu: “Tất cả chiến đấu diệt địch trả thù cho đồng chí Huỳnh Thị Hưởng". Khí thế phong trào cách mạng đi lên rõ rệt, thanh niên hăng hái tòng quân, thành lập thêm nhiều đội du kích sẵn sàng chiến đấu chống đàn áp khủng bố trả thù cho đồng chí. Hiện nay có 1 đường phố của huyện Chợ Mới và nhà trẻ lớn nhất của tỉnh An Giang được mang tên Huỳnh Thị Hưởng - người con gái trung kiên bất khuất cuả quê hương.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985. Huỳnh Thị Hưởng đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 11:13:38 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VIẾT NINH
(Liệt sĩ)

Nguyễn Viết Ninh sinh năm 1962, dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 9 năm 1980. Khi hy sinh đồng chí là trung đội trưởng bộ binh, đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, Quân khu 2, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Viết Ninh trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu chịu khó rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, qua các lần kiểm tra, đồng chí đều đạt loại giỏi, trong hội thao kỹ thuật do Quân khu 2 tổ chức, Nguyễn Viết Ninh đạt loại xuất sắc, được tặng bằng khen.

Tháng 4 năm 1983, Nguyễn Viết Ninh được bổ sung đi chiến đấu ở biên giới Hà Tuyên, đồng chí động viên cả tiểu đội hăng hái lên đường, tới đích đúng thời gian quy định.

Trận ngày 12 tháng 7 năm 1984, Nguyễn Viết Ninh chỉ huy tiểu đội diệt hàng chục tên xâm lược, giữ vững trận địa.

Trong đợt chiến đấu từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 1 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh chỉ huy trung đội chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Dù khó khăn ác liệt thế nào, địch đông gấp nhiều lần, có hỏa lực mạnh... đồng chí vẫn bình tĩnh dũng cảm, xông xáo đi đầu đơn vị trong các lần phản kích bám sát địch để diệt địch.

Ngày 16 tháng 1 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh bị thương lần thứ nhất vào tay trái, vẫn chiến đấu diệt nhiều tên; lần thứ hai vào bụng, vẫn không rời trận địa tiếp tục chiến đấu, và đi lại trên trận địa thu nhặt súng, lựu đan của đồng đội bị thương vong, đi sát động viên cổ vũ mọi người kiên quyết đánh địch, giữ vững trận địa.

5 giờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 1985, địch dùng nhiều loại pháo bắn ác liệt và cho bộ binh đông gấp nhiều lần mở nhiều đợt tiến công vào trận địa trung đội đồng chí. Mặc dù vết thương trước còn rất đau, ngay phút đầu của trận đánh, Nguyễn Viết Ninh bị 3 viên đạn vào ngực, bụng và 2 chân, anh em định đưa về phía sau. Thấy trước tình huống ác liệt đồng chí kiên quyết ở lại tiếp tục chỉ huy trung đội chiến đấu đến gần trưa, đánh lui 6 lần phản kích của địch, diệt hàng trăm tên. Bọn địch bị thiệt hại nặng phải rút, đơn vị Nguyễn Viết Ninh giữ vững trận địa. Vì vết thương quá nặng, đồng chí Nguyễn Viết Ninh đã hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí có tác dụng động viên cổ vũ đơn vị noi theo.

Đồng chí đã được tặng thưởng, Huân chương Quân công hạng ba.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 11:14:41 pm »


ANH HÙNG LÊ TRẦN MẪN
(Liệt sĩ)

Lê Trần Mẫn sinh năm 1961, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngữ tháng 3 năm 1979. Khi hy sinh đồng chí là thượng sĩ, y tá, đại đội 7 bộ binh, tiểu đoàn 5, trung đoàn 153, sư đoàn 356, Quân khu 2, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Lê Trần Mẫn luôn nêu cao tinh thần tích cực tận tụy công tác, có nhiều biện pháp tích cực tổ chức phòng tránh bệnh cho đơn vị. Mỗi khi đơn vị có người ốm đau, đồng chí rất tận tình chăm sóc, được anh em yêu mến.

Trong đợt chiến đấu ở Vị Xuyên từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 năm 1985, sau khi bắn hàng nghìn đạn pháo, địch liên tiếp tổ chức tấn công vào điểm cao 685. Sau mỗi lần thất bại, địch lại tăng quân và bắn phá dữ dội hơn. Đơn vị bị thương vong nhiều, Lê Trần Mẫn kịp thời lên thay thế chỉ huy đơn vị chiến đấu giành giật với địch từng đoạn giao thông hào. Có ngày đánh lui 7 đợt tấn công của chúng.

Ngày 24 tháng 12 năm 1985, thấy đơn vị đồng chí còn ít người, chúng càng tập trung hỏa lực và quân đông mở 8 đợt tấn công lên chốt. Sau khi cùng 3 người khác diệt hơn 100 tên địch, thì đạn gần hết. Thấy địch cắm cờ lên điểm chốt, Lê Trần Mẫn chỉ huy 3 chiến sĩ tập trung hỏa lực diệt địch tại đây và nhổ được cờ của chúng. Đồng chí bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh tại điểm cao 685.

Gương chiến đấu của Lê Trần Mẫn được anh em trong đơn vị phát động học tập.

Lê Trần Mẫn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.

Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Lê Trần Mẫn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 01:09:21 pm »


ANH HÙNG NGÔ ĐÌNH QUỲ
(Liệt sĩ)

Ngô Đình Quỳ sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 3 năm 1946. Khi hy sinh đồng chí là trung tá, chủ nhiệm khoa sốt rét, Viện vệ sinh phòng dịch Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân từ gia đình nông dân yêu nước, có 4 anh em trai thì 3 người đi bộ đội, có 2 người là liệt sĩ. Ngô Đình Quỳ đã tham gia quân đội từ năm 16 tuổi. Trải qua các cương vị: chiến sĩ liên lạc, y tá, y sĩ, bác sĩ, chuyên khoa cấp 2, đồng chí luôn luôn đi sát cơ sở để phục vụ chiến sĩ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1983, Cục Quân y cử Ngô Đình Quỳ phụ trách tổ đi nghiên cứu phòng chống sốt rét ở biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Ngô Đình Quỳ đến trung đoàn 14, sư đoàn 339, mặt trận 979, Quân khu 9 nơi có trọng điểm sốt rét của chiến trường Cam-pu-chia. Đồng chí cùng quân y đơn vị lập kế hoạch phòng chống sốt rét rất có hiệu quả góp phần nhanh chóng ổn định sức khỏe bộ đội đáp ứng yêu cầu chiến đấu trước mắt và lâu dài. Ngô Đình Quỳ đã trực tiếp lên tận các điểm chốt tiền tiêu, tìm hiểu nghiên cứu và đề ra những biện pháp phòng chống sốt rét có hiệu quả cho bộ đội. Cùng các y sĩ trong đoàn khám cho hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ ốm và sốt rét. Huấn luyện bồi dưỡng kinh nghiệm phòng chống sốt rét cho quân y trung đoàn (2 bác sĩ, 5 y sĩ và trên 70 y tá). Đào tạo được 29 y tá từ chiến sĩ đảm bảo cho mỗi đại đội có 3 y tá chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Ngô Đình Quỳ đã đề xuất với chỉ huy viết chỉ thị phòng chống sốt rét, mở hội nghị nuôi quân phòng bệnh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống nâng cao sức khỏe bộ đội.

Đồng chí còn hướng dẫn sản xuất và sử dụng thuốc nam góp phần tăng cường thuốc cho công tác điều trị, bồi dưỡng sức khỏe. Do vậy, đơn vị đã lấy được hàng tạ thuốc gồm cao hoàng đằng chữa bệnh đường ruột; cao tắc kè; ngũ gia bì bồi dưỡng cơ thể; rễ cỏ tranh điều trị gan trong sốt rét...

Đồng chí đã tổng kết được 5 vấn đề đặc trưng về sốt rét khu vực giúp trên chỉ đạo phòng chống sốt rét được tốt hơn.

Ngoài nhiệm vụ chính, Ngô Đình Quỳ còn tham gia phục vụ phòng chống sốt rét giúp đơn vị bạn như đoàn A583, Binh đoàn 2 của bộ đội bạn, khám và phân loại cho hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cán bộ chuyên môn, phòng chống sốt rét cho bộ đội ta và bạn Cam-pu-chia và trực tiếp cứu chữa thương bệnh binh.

Trong thời gian công tác ở trung đoàn 14 Ngô Đình Quỳ đã góp phần tăng cường sức khỏe cho đơn vị, tỷ lệ quân số khỏe năm 1983 là 75%; năm 1984 là 80%. Tỷ lệ sốt rét tử vong năm 1983 là 689/54; năm 1984 là 312/14. Đặc biệt giảm tử vong do sốt rét ác tính chỉ còn 25% so với năm 1983.

Ngô Đình Quỳ là gương sáng về phẩm chất người thầy thuốc cách mạng. Đồng chí bị bệnh sốt rét ác tính đã hy sinh ngày 20 tháng 5 năm 1985.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 4 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Ngày 25 tháng 1 năm 1985 Ngô Đình Quỳ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM