Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 02:47:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68785 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 08:20:06 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TẤN
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Tấn sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê ở xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 6 năm 1972. Khi hy sinh đồng chí là chuẩn úy, phó đại đội trưởng đại đội 2 bộ binh, tiểu đoàn 44, trung đoàn 176, Binh đoàn 678, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Tấn đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, công tác gương mẫu, tận tụy, hết lòng thương yêu đồng đội.

Tháng 9 năm 1972, Nguyễn Văn Tấn tham gia chiến dịch 972, chiến đấu ở đường 8a, 8b, đường 12 và đường 13, đã chiến đấu hàng chục trận. Trận đánh ở cầu Xê Băng Phai ngày 25 tháng 12 năm 1972, khi đơn vị đang vượt sông thì bị đại liên của địch bắn chặn. Nếu không diệt thì bị thương vong lớn và đơn vị sẽ không thực hiện được ý định của trận đánh. Nguyễn Văn Tấn đã xung phong lên diệt hỏa lực đó, tạo thuận lợi cho trận đánh.

Trận ngày 8 tháng 9 năm 1977, ở Phu Bia, được cơ sở báo tin có 1 toán địch đã xuống núi, Nguyễn Văn Tấn cùng 1 chiến sĩ bám sát bờ sông thì phát hiện 4 tên địch trên bè chuối. Đồng chí mượn thuyền của dân đuổi bắt sống chúng. Khi thuyền của Tấn lao ra sông địch bắn mạnh cản đường. Nguyễn Văn Tấn đã bình tĩnh cùng chiến sĩ trên thuyền bắn chết 2 tên và kêu gọi 2 tên còn lại đầu hàng.

Đơn vị đóng quân trên một địa bàn rất phức tạp. Trong dân bản địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc. Đây là khu vực lần đầu tiên có bộ đội Việt Nam đến hoạt động, nên hầu hết nhân dân đều lo sợ. Nguyễn Văn Tấn đã cùng đội công tác của bạn bám dân, bám bản, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng dân quân du kích, hiệp đồng và hỗ trợ cho bạn truy quét bao vây bắt gọn những tên địch nằm vùng.

Hồi 15 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1979, được cơ sở báo tin có 1 toán địch khá đông đang triển khai phục kích trên đường 13, đánh vào đoàn xe chở hàng của bạn. Nếu để chậm thì cả đoàn xe của bạn bị địch cướp. Mặc dầu vẫn đang sốt rét nhưng Nguyễn Văn Tấn đã động viên được 12 anh em khác cũng đang sốt, ốm của đơn vị còn lại tổ chức đánh địch. Trong 20 phút chiến đấu, địch chết và bị thương một số trong đó có tên chỉ huy bị diệt tại trận. Đồng chí động viên anh em truy kích diệt thêm một số và Nguyễn Văn Tấn anh dũng hy sinh.

Khi còn sống, đồng chí luôn khiêm tốn, giản dị, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, nhiệt tình. Trong chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Trong sinh hoạt sâu sát, hòa nhã với anh em, được mọi người mến phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 2 năm là Chiến sĩ quyết thắng, 2 năm là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Tấn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 08:21:16 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN SỨ
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Sứ sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhập ngũ tháng 4 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là thượng sĩ, phó đại đội trưởng đại đội 1 bộ binh, tiểu đoàn 263, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, mặt trận 979, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 12 năm 1978, Nguyễn Văn Sứ được bổ nhiệm chức vụ phó đại đội trưởng.

Đồng chí đã góp phần chỉ huy đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và Cam-pu-chia. Trong chiến đấu gay go, quyết liệt, Nguyễn Văn Sứ nêu cao tinh thần dũng cảm mưu trí. Đơn vị đồng chí đã diệt 135 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng, thu một số vũ khí đạn dược. Riêng đồng chí diệt 30 tên địch, phá hủy 2 khẩu súng (12,8 ly và đại liên), bắn cháy 2 xe tăng.

Ngày 22 tháng 1 năm 1979, tại ngã ba Rô Ninh thuộc tỉnh Tà Keo (Cam-pu-chia), địch dùng lực lượng bộ binh đông có 9 xe tăng và 1 đại đội pháo binh yểm trợ bao vây và tấn công đội hình của ta. Nguyễn Văn Sứ chỉ huy một mũi đánh bật 6 đợt tấn công của địch, buộc chúng phải rút chạy. Riêng đồng chí dùng B40 bắn cháy 1 xe tăng.

Ngày 31 tháng 3 năm 1979, Nguyễn Văn Sứ chỉ huy đơn vị giữ chốt tại ngã ba chữ K. Một tiểu đoàn bộ binh địch có 6 xe tăng yểm trợ mở nhiều đợt tấn công lên trận địa chốt của đơn vị. Đồng chí đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị liên tục chiến đấu 18 giờ liền, đánh lui 7 đợt tấn công của địch. Đến 18 giờ, địch lại cho 4 xe tăng và bộ binh tập trung mở đợt tấn công ồ ạt đánh vào trận địa của đơn vị. Một số chiến sĩ bị thương vong, công sự tuyến trước bị sập. Nguyễn Văn Sứ vẫn bình tĩnh tổ chức lại đội hình chiến đấu. Đồng chí vừa chỉ huy vừa dùng súng B40 và AK diệt 2 hỏa điểm súng máy và bắn cháy 1 xe tăng của địch. Sau đó đồng chí bị trúng đạn hy sinh.

Khi còn sống, Nguyễn Văn Sứ gương mẫu về mọi mặt, giản dị, khiêm tốn, hết lòng thương yêu đồng chí, được đồng đội tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Sứ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 08:22:26 am »


ANH HÙNG QUÁCH VĂN THẮM
(Liệt sĩ)

Quách Văn Thắm sinh năm 1959, dân tộc Mường, quê ở xã Mạn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nhập ngũ tháng 4 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là trung sĩ, trung đội phó trinh sát. đại đội 21, trung đoàn 429, sư đoàn 302, Bộ tư lệnh 479, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Quách Văn Thắm vào bộ đội tháng 4 năm 1978. Đồng chí tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và giúp bạn Cam-pu-chia. Trưởng thành từ chiến sĩ lên trung đội phó, ở cương vị nào Quách Văn Thắm cũng có quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quách Văn Thắm đã 33 lần làm nhiệm vụ luồn sâu vào hậu cứ của địch, lần nào đồng chí cũng mưu trí, dũng cảm vượt qua tuyến phòng thủ và các bãi mìn của địch, nắm chắc được tình hình, báo cáo kịp thời chính xác, giúp trên tổ chức chiến đấu. Đồng chí 2 lần trực tiếp chỉ huy phân đội phục kích, diệt được 21 tên địch, thu 4 súng. Riêng đồng chí diệt được 10 tên địch, thu 2 súng. Đặc biệt:

Ngày 22 tháng 11 năm 1980, Quách Văn Thắm cùng tổ đi trinh sát, phát hiện hành lang của địch, đã chỉ huy tổ phục kích, diệt 8 tên, thu 5 súng.

Ngày 27 tháng 11 năm 1981, địch phát hiện được trận địa phục kích của ta, chúng dùng lực lượng đông, đánh vào phân đội 8 người của ta. Quách Văn Thắm chỉ huy phân đội chiến đấu dũng cảm, đánh lui các đợt tấn công của chúng. Khi bị thương nặng, biết mình không sống nổi, Quách Văn Thắm động viên anh em đưa thương binh về tuyến sau, còn mình ở lại tiếp tục chiến đấu, thu hút hỏa lực địch về mình, tạo điều kiện cho đồng đội đưa thương binh về tuyến sau an toàn. Quách Văn Thắm đã anh dũng hy sinh.

Khi còn sống, Quách Văn Thắm là một cán bộ gương mẫu về mọi mặt, có tinh thần trách nhiệm cao, được đồng đội tin yêu, quý mến.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhất.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Quách Văn Thắm được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 08:24:47 am »


ANH HÙNG TỐNG DUY TỤNG
(Liệt sĩ)

Tống Duy Tụng sinh năm 1950, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Phong, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 10 năm 1974. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội trưởng, đại đội 2, tiểu đoàn 572, lữ đoàn 101, vùng 5, Quân chủng Hải quân, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong chiến đấu, Tống Duy Tụng đã nêu cao tinh thần dũng cảm, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, dù khó khăn ác liệt thế nào, dù địch đông gấp nhiều lần cũng quyết đánh. Đặc biệt trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Cô Ma Nô (tây - bắc cảng Công Pông Xom) ngày 21 tháng 2 năm 1979, 1 đại đội địch bí mật dùng xuồng nhỏ và phao bơi bất ngờ lên đảo nổ súng dữ dội vào tiểu đội của đồng chí. Tống Duy Tụng đã bình tĩnh chỉ huy tiểu đội dũng cảm đánh trả địch quyết liệt. Biết địch đông gấp nhiều lần, Tống Duy Tụng động viên mọi người tiết kiệm đạn, chờ địch đến gần mới nổ súng. Đồng chí linh hoạt vượt ra khỏi công sự tiến sát địch tiêu diệt chúng. Cuộc chiến đấu càng trở nên quyết liệt, tiểu đội Tống Duy Tụng chỉ còn 2 người, Tống Đuy Tụng bị thương nặng vẫn kiên quyết chiến đấu diệt nhiều tên. Thấy ta hết đạn, địch xông lên định bắt sống, Tống Duy Tụng dùng quả lựu đạn cuối cùng ném về phía địch diệt nhiều tên. Địch bị thương vong nhiều, chúng hoảng sợ bỏ chạy. Tống Duy Tụng vì vết thương quá nặng, đã anh dũng hy sinh. Hành động dũng cảm của đồng chí đã được toàn đơn vị phát động học tập noi theo.

Khi còn sống, Tống Duy Tụng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về mọi mặt, được đồng đội tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 bằng khen, 2 năm là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Tống Duy Tụng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.




ANH HÙNG NGUYỄN VĂN NGỘ
(Liệt sĩ)

Nguyễn Văn Ngộ sinh năm 1959, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ An Phú, huyện Bến Thủ, tỉnh Long An, nhập ngũ tháng 8 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là binh nhất, trung đội phó, đại đội 2 bộ binh, tiểu đoàn 502, Bộ tư lệnh 779, Quân khu 7, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Ngộ đã tham gia chiến đấu 13 trận trên đất Cam-pu-chia. Trong chiến đấu đồng chí nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng tìm cách đánh địch. Nguyễn Văn Ngộ chỉ huy tiểu đội diệt 33 tên địch, thu 30 súng, góp phần tích cực cùng đại đội giữ vững trật tự trị an ở khu vực được giao.

Đặc biệt ngày 1 tháng 9 năm 1979, Nguyễn Văn Ngộ được tin báo có 2 người dân bị chết trong bãi mìn của địch đã 2 ngày chưa đưa ra được. Trước tình hình đó, đồng chí xung phong vào bãi mìn của địch để đưa 2 người dân ra. Khi đến nơi lại thấy thêm một người bị mìn nổ chết và một em bé bị thương đang kêu khóc. Nguyễn Văn Ngộ không quản ngại hy sinh đã nhanh chóng tổ chức phá gỡ mìn để cứu nhân dân. Tháo gỡ được hơn một chục quả mìn, thì một quả mìn nổ đồng chí bị thương nặng. Nguyễn Văn Ngộ bình tĩnh động viên nhắc nhở đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ tìm cách đưa dân ra khỏi bãi mìn, sau đó đồng chí đã hy sinh.

Hành động hy sinh dũng cảm của Nguyễn Văn Ngộ được chính quyền, nhân dân Cam-pu-chia nơi đơn vị đóng quân và đồng đội rất khâm phục.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Ngộ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:47:22 pm »


ANH HÙNG TRIỆU XUÂN HÒA

Triệu Xuân Hòa sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát, Bộ tham mưu, Bộ tư lệnh 479, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1977, đang làm trợ lý tiểu đoàn, Triệu Xuân Hòa đã tự nguyện xin xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu, đã qua các chức vụ: đại đội phó về chính trị, đại đội trưởng, tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Triệu Xuân Hòa quan tâm xây dựng đơn vị về mọi mặt, 2 năm liền đạt Đơn vị Quyết thắng. Đồng chí có bản lĩnh chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, chỉ huy mưu trí, dũng cảm, linh hoạt đánh thắng nhiều trận, đạt hiệu quả cao.

Qua 5 năm chiến đấu ở Cam-pu-chia, Triệu Xuân Hòa đã trực tiếp chỉ huy đơn vị 36 lần đi sâu vào vùng địch kiểm soát để trinh sát, nắm tình hình chính xác phục vụ đắc lực cho trên chỉ đạo tác chiến tốt. Bản thân 36 lần gặp địch, 7 lần nổ súng, đã diệt 30 tên, thu 11 súng, bảo đảm an toàn cho trận chiến đấu giành thắng lợi, đặc biệt:

Tháng 4 năm 1978, Triệu Xuân Hòa chỉ huy một đơn vị luồn sâu vào hậu phương địch từ 30 đến 50 ki-lô-mét để nắm tình hình và tìm cách liên lạc với lực lượng ly khai. Gần 1 tháng ăn đói, chịu khát, gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, đồng chí vẫn gương mẫu động viên anh em vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Triệu Xuân Hòa đã dẫn đường đưa cán bộ bạn đi tuyên truyền xây dựng được 4 cơ sở. Tháng 8 năm 1978 đồng chí chỉ huy một đại đội 4 lần dẫn đường cho 3 trung đoàn đến đúng thời gian quy định, đánh trúng mục tiêu, diệt nhiều địch.

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1979, Triệu Xuân Hòa chỉ huy đơn vị 2 lần trực tiếp trinh sát địch ở Sa Pa, Công Pông Thom, nam Sa Vay Chét, nam Xiêm Riệp và ở vùng biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan nơi địch tổ chức tuần tra canh gác nghiêm ngặt. Quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị đồng chí đã tích cực truy lùng địch, bản thân Triệu Xuân Hòa cũng diệt nhiều tên.

Năm 1981, đồng chí chỉ huy đơn vị đánh địch ở bắc Ăng Co, Pa-ca-sơ-mây, Vườn Soài, bắc Căng Đan, diệt 13 tên, thu 8 súng, bảo vệ an toàn vùng này.

Triệu Xuân Hòa luôn sâu sát giáo dục cán bộ, chiến sĩ chấp hành đường lối chính sách của Đảng bạn. Bản thân tích cực học tập, đã nói và viết được chữ Cam-pu-chia, gương mẫu chấp hành kỷ luật, được quần chúng tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 lần Chiến sĩ quyết thắng, 1 lần Chiến sĩ thi đua, 11 bằng và giấy khen.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Triệu Xuân Hòa được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:49:37 pm »


ANH HÙNG HOÀNG VĂN LƯỢNG

Hoàng Văn Lượng sinh năm 1954, dân tộc Mường, quê ở xã Tân Phú, huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 4 năm 1974. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung úy, trung đội trưởng đặc công, đoàn 381, Bộ tư lệnh Đặc công, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1978 đến năm 1982, Hoàng Văn Lượng 2 lần tham gia chiến đấu ở Cam-pu-chia. Đồng chí nêu cao bản lĩnh chiến đấu kiên cường, táo bạo, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng tìm cách khắc phục, tìm ra lối đánh thích hợp, đạt hiệu quả cao.

Tháng 9 năm 1981, mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn về đời sống, Hoàng Văn Lượng được tuyển chọn từ trung đoàn 113 về đoàn 381 để đi chiến đấu, đồng chí không ngần ngại, hăng hái lên đường đi ngay. Quá trình làm nhiệm vụ, Hoàng Văn Lượng đã 8 lần đi sâu vào vùng địch kiểm soát, vượt qua nhiều bãi mìn, nơi địch phục kích bí mật lọt vào căn cứ của chúng, điều tra nắm tình hình, ăn đói, nhịn khát 9, 10 ngày liền. Có lần đã ở bờ bụi dưới trời mưa tầm tã 2 ngày đêm liền, chỉ huy tổ diệt cả toán địch. Đồng chí đã khéo léo đóng giả làm người dân địa phương, làm họ tin, không nghi ngờ, để tạo thời cơ tiêu diệt địch.

Trận ngày 24 tháng 11 năm 1981, Hoàng Văn Lượng dẫn tổ bí mật lọt vào căn cứ hậu cần của bộ tư lệnh tiền phương bọn Pôn Pốt, ăn ở trong đó 2, 3 ngày liền theo dõi hoạt động của chúng. Khi đánh, đồng chí tự tay đặt thuốc nổ phá hủy 6 mục tiêu trong số 9 mục tiêu của trận đánh. Đơn vị đồng chí đã phá hủy hoàn toàn 23 nhà ở của địch (có 4 nhà của bọn sĩ quan); phá hủy 3 kho chứa 100 tấn đạn B40, B41 và đạn cối 82 ly, ta an toàn.

Trận đánh thắng làm bọn địch hoang mang, giao động, phải bỏ căn cứ này.

Trận ngày 30 tháng 5 năm 1982, Hoàng Văn Lượng chỉ huy tổ vượt nhiều trạm canh gác cẩn mật của địch, nhiều đoạn đường địch bố trí mìn, bí mật đột nhập vào sở chỉ huy sư đoàn 801 của địch, đánh nhanh, đánh mạnh, phá hủy 4 nhà, diệt 21 tên, phần lớn là sĩ quan tham mưa. Trận đánh thắng, có tác động lớn, động viên cổ vũ mọi lực lượng của ta hăng hái, tin tưởng là ta có thể đánh thắng địch.

Hoàng Văn Lượng luôn gương mẫu về mọi mặt, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu, gương chiến đấu của đồng chí được phát động trong đoàn 381 học tập, noi theo.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 4 bằng và giấy khen.

Ngày 25 tháng 1 năm 1982, Hoàng Văn Lượng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:51:27 pm »


ANH HÙNG TRẦN ĐỨC CƠ

Trần Đức Cơ sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 6 năm 1974. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung úy, đại đội trưởng đại đội trinh sát, tiểu đoàn 27, sư đoàn 302, Bộ tư lệnh 479, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1979 đến năm 1983, Trần Đức Cơ làm nhiệm vụ chiến đấu trên đất Cam-pu-chia, đồng chí chỉ huy đơn vị đánh 23 trận và 34 lần dẫn đơn vị luồn sâu nắm tình hình. Trong các trận chiến đấu cũng như các lần đi trinh sát nắm địch, Trần Đức Cơ đều nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị diệt hơn 100 tên địch. Riêng đồng chí diệt 25 tên, bắt 1 tù binh, thu 5 súng, 1 máy thông tin, phá hủy 1 kho đạn, 1 kho quân trang và 21 khẩu súng.

Trong 3 ngày đêm từ 19 đến 21 tháng 3 năm 1980, Trần Đức Cơ chỉ huy một bộ phận cải trang bí mật vào sở chỉ huy của bọn tàn quân địch đóng trên đất Thái Lan để nắm tình hình và tổ chức đánh địch. Đêm 21 tháng 3 năm 1980, khi địch đang ngủ say đồng chí tổ chức gài mìn ở cửa ra vào các nhà ngủ của chúng. Sau đó bất ngờ nổ súng. Địch hốt hoảng chạy ra ngoài, bị vướng mìn nổ. Kết quả trong trận này đơn vị đồng chí đã phá hủy hàng chục căn nhà, diệt hàng trăm tên. Riêng đồng chí bắn chết 7 tên, thu 2 súng.

Trong đợt chiến đấu tháng 11 năm 1981, Trần Đức Cơ chỉ huy đơn vị bí mật luồn rừng lội suối sang đất địch để nắm tình hình. Tuy có nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu nước, đói cơm, nhiều tuần lễ chỉ ăn gạo sấy, muối rang, sức khỏe giảm sút... đồng chí vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi sâu sát từng chiến sĩ, nhường cơm nhường thuốc cho anh em ốm yếu, động viên đơn vị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả trong trận này, Trần Đức Cơ đã nắm chắc được tình hình địch, cung cấp kịp thời cho cấp trên có phương án tác chiến tốt, diệt gần 100 tên, ta an toàn. Riêng đồng chí diệt 9 tên địch; đốt cháy 1 kho quân trang.

Trong chiến đấu, Trần Đức Cơ là một cán bộ mưu trí, dũng cảm; trong sinh hoạt giản dị, khiêm tốn, hết lòng thương yêu đồng đội, được đơn vị tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 năm liền được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng và Chiến sĩ thi đua.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Trần Đức Cơ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:52:46 pm »


ANH HÙNG LÂM THANH HỒNG

Lâm Thanh Hồng sinh năm 1959, dân tộc Kinh, quê ở xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; nhập ngũ tháng 1 năm 1978. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, phó đại đội trưởng về chính trị, đại đội 6, tiểu đoàn 2, đoàn 9905, bộ đội địa phương tỉnh An Giang, mặt trận 979, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hơn 4 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và hoạt động ở Cam-pu-chia, Lâm Thanh Hồng đã chiến đấu gần 100 trận góp phần tích cực chỉ huy đại đội đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch, diệt 45 tên, thu 147 súng và 3 tấn đạn. Riêng đồng chí diệt 16 tên, bắt 5 tù binh, thu 21 súng.

Tháng 10 năm 1978, Lâm Thanh Hồng cùng 3 cán bộ đại đội, tiểu đoàn trinh sát trận địa địch ở Mương Tám Sớm thuộc xã Phước Hưng, huyện Phú Châu, tỉnh An Giang. Suốt 4 đêm liên tục ngâm mình dưới nước sâu để trinh sát nắm địch, sau nhiều lần đi lại kiểm tra lần cuối bị vướng mìn của địch, cả 4 người bị thương vong. Địch phát hiện được chúng tăng cường tuần tra, bắn dữ dội, đồng chí vẫn bình tĩnh cứu chữa thương binh suốt 7 giờ liền và tìm cách đưa thương binh, tử sĩ về phía sau an toàn.

Ngày 3 tháng 1 năm 1979, Lâm Thanh Hồng chỉ huy trung đội cùng với các đơn vị trong tiểu đoàn đánh địch hơn 10 giờ liên tục. Đồng chí đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy trung đội bí mật, luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ở hướng chính chia cắt đội hình phòng ngự của chúng để tiêu diệt. Kết quả trận này đơn vị Lâm Thanh Hồng đã góp phần đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch, Riêng đồng chí diệt 3 tên, thu 4 súng.

Đi đến đâu, Lâm Thanh Hồng cũng chú ý chỉ huy đơn vị làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân, được nhân dân bạn tin yêu, giúp đỡ bắt nhiều tên xấu hoạt động 2 mặt trong chính quyền cách mạng. Có gia đình đã gọi con và 4 thanh niên khác theo địch mang 5 súng trở về với cách mạng. Đơn vị đồng chí đã giúp bạn xây dựng chính quyền và lực lượng dân quân ở 5 xã vững mạnh.

Lâm Thanh Hồng luôn gương mẫu, giữ nghiêm kỷ luật, tác phong khiêm tốn, giản dị, đoàn kết thương yêu đồng đội, được đơn vị tín nhiệm.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Lâm Thanh Hồng được Chủ tịch Hội đồng nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:54:51 pm »


ANH HÙNG DƯƠNG ĐỨC THÙNG

Dương Đức Thùng sinh năm 1954, dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ tháng 8 năm 1974. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, đại đội trưởng đại đội công binh, tiểu đoàn 4, lữ đoàn 25, Quân đoàn 4, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Xuân 1975, Dương Đức Thùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ năm 1979 đến năm 1983, Dương Đức Thùng làm nhiệm vụ trên đất Cam-pu-chia, đồng chí đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, dũng cảm, mưu trí, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, vượt khó khăn, gian khổ, đi sâu sát nhân dân bạn, làm công tác phát động quần chúng, xây dựng chính quyền, tổ chức lực lượng đánh địch, giữ vững trật tự xã hội ở nhiều xã thuộc huyện Kiêng Vay, tỉnh Căng Đan.

Tháng 2 năm 1979, Dương Đức Thùng là đội trưởng đội công tác phát động quần chúng ở xã Đông Ất, huyện Kiêng Vay, tỉnh Căng Đan. Nhân dân ở đây chưa được giác ngộ, đời sống đói khổ, bệnh tật, địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc những chủ trương chính sách của Đảng và Mặt trận dân tộc cứu nước Cam-pu-chia. Đồng chí đã xác định trách nhiệm, bản thân gương mẫu tự học tập và động viên mọi người học tập tiếng Cam-pu-chia. Chỉ sau một thời gian ngắn Dương Đức Thùng đã nói được tiếng Cam-pu-chia. Thấy dân rách, đồng chí có 2 bộ quần áo, biếu một bộ cho một cụ già. Nhiều lần thấy trẻ em ghẻ bẩn, đồng chí đã tắm rửa cho chúng. Thấy nhà dân bề bộn, mất vệ sinh, Dương Đức Thùng đã dọn dẹp sạch sẽ. Có lần thấy một người dân bị rắn độc cắn, người mê man, Dương Đức Thùng đã nhanh chóng tìm lá đắp vào vết rắn cắn và cho uống nước lá giải độc. Sau 20 phút người này đã tỉnh. Một số người đòi tiêm thuốc cho người dân này với ý đồ xấu. Đồng chí kiên quyết không cho tiêm. Kết quả chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ, sức khỏe người dân được hồi phục. Một lần gặp một phụ nữ đẻ khó, Dương Đức Thùng đã tìm thứ lá gia truyền cho uống, giúp chị đẻ an toàn.

Nhân dân bị đói, lại không chịu đi làm do ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch: "Dân không cần sản xuất, Xi-ha-núc sẽ cấp cho mỗi gia đình 1 tấn gạo..." Dương Đức Thùng động viên mọi người trong đội công tác đi sâu sát nhân dân, tuyên truyền giải thích, vạch mặt những luận điệu xảo quyệt của địch; mặt khác tích cực giúp đỡ nhân dân lao động sản xuất và bằng những hành động cụ thể, thực tế của mình để giảm bớt khó khăn trong đời sống của nhân dân. Nhân dân tin tưởng ở bộ đội Việt Nam, đã chỉ những tên địch lọt vào hàng ngũ chính quyền cách mạng để ta cải tạo.

Nhiều lần, địch dụ dỗ, mua chuộc, dọa dẫm, những phần tử xấu tìm cách giết hại đồng chí. Chúng treo giải: Ai giết được Dương Đức Thùng thì chúng thưởng 10 lạng vàng, nếu bắt được thì được thưởng nhiều hơn. Đồng chí vẫn vững vàng, càng tích cực lăn lộn, hoạt động, có lần Dương Đức Thùng cải trang làm dân, vượt qua 2 tên gác bí mật đến gần nghe cuộc họp của địch, và tổ chức lực lượng bắt được 2 tên từ Thái Lan về; bắt 3 tên khác ra trình diện, thu 21 súng, 300 viên đạn. Kết quả này đã gây được lòng tin trong nhân dân, củng cố được chính quyền trong sạch vững mạnh.

Một lần khác, vào lúc 19 giờ, 3 tên địch phục kích dùng gậy xông vào đánh, đồng chí đã bình tĩnh dũng cảm đánh trả lại, 3 tên này phải bỏ chạy. Sau vụ này bọn địch ở trong xã bỏ trốn, có tên ra trình diện và nói: Trước đây tôi lầm đường theo địch giết anh, nay tôi ân hận...

Đồng chí luôn gương mẫu về mọi mặt. Được bạn tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 18 bằng và giấy khen, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Được Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia tặng Huân chương.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Dương Đức Thùng được Chủ tịch hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 10:56:23 pm »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN NGHĨA

Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1961, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Cửu Long, nhập ngũ tháng 4 năm 1979. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung sĩ, đại đội 2, tiểu đoàn trinh sát, bộ tham mưu Quân khu 9, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Từ năm 1980 đến năm 1983, Nguyễn Văn Nghĩa hoạt động trên đất Cam-pu-chia, đồng chí đã hơn chục lần cùng đơn vị luồn sâu vào đất địch để trinh sát, mỗi lần từ 10 đến 30 ngày. Tuy điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn gian khổ, phải ăn cơm sấy, muối rang, nước suối, ngủ rừng, chống đỡ muỗi vắt, và bệnh sốt rét, Nguyễn Văn Nghĩa vẫn kiên định vững vàng bám sát đơn vị, chăm sóc sức khỏe cho anh em, để tậo điều kiện cho đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 24 tháng 10 năm 1981, địch tập kích vào đội hình đơn vị, làm 1 người hy sinh, 1 người bị thương vào 2 chân. Để đảm bảo cho đội trinh sát tiếp tục đến mục tiêu quy định, Nguyễn Văn Nghĩa xung phong nhận việc cứu chữa thương binh và bảo vệ thi hài tử sĩ. Suốt 7 ngày đêm, một mình ở trong vùng địch kiểm soát, vừa phải lo cứu chữa thương binh, vừa phải tự dò gỡ mìn tìm đường để đưa thương binh ra ngoài vùng địch. Đêm thứ 8, tình thế hết sức ngặt nghèo, địch tăng cường lùng sục, lương thực gần hết, vết thương của thương binh chưa ổn định... đồng chí vẫn nêu cao quyết tâm không để thương binh, tử sĩ rơi vào tay địch, đã tìm cách chôn cất tử sĩ chu đáo, chăm sóc, và cõng thương binh đi suốt 3 đêm liền vượt ra khỏi vòng vây của địch đưa về nơi an toàn. Hành động trên của Nguyễn Văn Nghĩa đã được đơn vị nêu gương học tập.

Nguyễn Văn Nghĩa luôn gương mẫu, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị quý mến.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công, 3 bằng và giấy khen.

Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Nghĩa được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM