Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 02:03:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 68805 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 08:40:34 am »


ANH HÙNG NGUYỄN VĂN KHÁNG

Nguyễn Văn Kháng sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Huy, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 5 năm 1968. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy lái máy bay, phi đội 2, trung đoàn 934, sư đoàn 372, Bộ tư lệnh Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 5 năm 1978 đến tháng 1 năm 1979, Nguyễn Văn Kháng đã đánh 45 trận, cùng biên đội diệt gần 400 tên địch; phá hủy 6 xe M113, 12 súng 12,7 ly và 2 pháo 40 ly; phá hủy nặng căn cứ hậu cần ở tây-bắc Xvây-riêng, nhiều trận địa pháo trên cảng Công Pông Xom, diệt nhiều cụm hỏa lực địch trên đảo Cô Công tạo điều kiện cho bộ binh, hải quân của ta diệt địch được thuận lợi, ít bị thương vong, làm chủ chiến trường, thu nhiều vũ khí đạn dược. Riêng đồng chí đánh chìm, đánh hỏng nặng 3 tầu trên sông Công Pông Chàm; phá hủy 5 xe vận tải, 2 trận địa pháo và diệt nhiều địch.

Ngày 6 tháng 5 năm 1978, trận đầu ra quân Nguyễn Văn Kháng nêu cao tinh thần dũng cảm vượt qua nhiều khu vực hỏa lực của địch từ mặt đất bắn lên ném bom và bắn nhiều đạn vào đội hình 1 tiểu đoàn địch, bẻ gãy cuộc càn quét của chúng ở vùng Tà-Nốt Xa Mát (Tây Ninh).

Ngày 26 tháng 5 năm 1978, 1 sư đoàn địch ở khu vực Prây Viêng định đánh sang biên giới ta, đồng chí đã cùng biên đội xuất kích 3 lần, lần nào cũng nêu cao tinh thần dũng cảm, bình tĩnh bay thấp, chọn mục tiêu chính xác, ném bom và bắn chính xác vào các mục tiêu địch. Kết quả trận này Nguyễn Văn Kháng cùng biên đội diệt hàng trăm tên địch, phá hủy 6 xe M113, 12 súng 12,7 ly, 2 pháo 105 ly. Trận đánh thắng đã làm thất bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch.

Ngày 26 tháng 9 năm 1978, Nguyễn Văn Kháng cùng biên đội vượt qua nhiều khu vực trận địa phòng không của địch, đến ném bom, bắn phá, diệt 3 trận địa pháo và súng cối, tạo thuận lợi cho bộ binh ta diệt địch ở Prây Viêng được thuận lợi, ít bị thương vong.

Ngày 3 tháng 1 năm 1979, địch rút khỏi Prây Viêng về dừng lại ở Niếc Lương, chống cự ta quyết liệt. Đồng chí đã cùng biên đội bay thấp, bất ngờ, ném bom bắn phá trúng trận địa pháo, bãi để xe, thị trấn Niếc Lương. Khi quay về thấy phà tầu địch chạy trên sông, Nguyễn Văn Kháng đã đánh trúng 1 phà, 1 tầu. Trận này đồng chí đã diệt nhiều địch, tạo điều kiện tốt cho bộ binh ta phát triển đánh địch thuận lợi, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Trận đánh đảo Cô Công ngày 15 tháng 1 năm 1979, tuy tầm hoạt động xa, địa hình chưa biết, thời tiết xấu, trên đảo có nhiều trận địa phòng không của địch, đồng chí vẫn cùng biên đội đánh phá hủy 3 trận địa pháo, đánh chìm 1 tầu chiến, chi viện đắc lực cho hải quân ta đánh chiếm đảo được nhanh chóng, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí đạn dược.

Nguyễn Văn Kháng tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, xung phong bay thử những chuyến bay F5 mới phục hồi để kiểm tra chất lượng sửa chữa.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huấn chương Chiến công hạng ba.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Văn Kháng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 08:42:05 am »


ANH HÙNG VŨ DUY VANG

Vũ Duy Vang sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 2 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, chính trị viên tiểu đoàn 278 công binh, trung đoàn 25, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vũ Duy Vang tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ đã lập thành tích xuất sắc, được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba. Khi phụ trách chính trị viên đại đội 10, Vũ Duy Vang đã góp phần lãnh đạo, chỉ huy đơn vị lập thành tích xuất sắc, đại đội được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ tháng 9 năm 1977 đến nay, Vũ Duy Vang liên tục chiến đấu trên chiến trường Tây Nam, luôn thể hiện quyết tâm cao, thường xuyên có mặt ở những nơi khó khăn ác liệt, góp phần quan trọng xây dựng đơn vị tiến bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bản thân 2 lần bị thương vẫn giữ vững ý chí chiến đấu.

Tháng 5 năm 1978, Vũ Duy Vang chỉ huy một bộ phận đi trinh sát mở đường chuẩn bị cho đơn vị bộ binh tấn công một số mục tiêu trên đường số 13. Địa hình phức tạp, địch ra sức ngăn chặn. Vũ Duy Vang đã xây dựng đơn vị có quyết tâm cao, vượt qua nhiều khó khăn luồn lách đến mục tiêu quy định. Sau khi làm xong nhiệm vụ, trên đường về, gặp địch phục kích, Vũ Duy Vang đã kịp thời chỉ huy đơn vị đánh địch. Bản thân bị thương nhưng vẫn bình tĩnh tổ chức cho anh em đưa thương binh, tử sĩ về phía sau, còn mình tiếp tục chiến đấu diệt 4 tên địch.

Trong 2 tháng 10 và 11 năm 1978, Vũ Duy Vang chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ chốt giữ ở nam Xnun. Có ngày địch tấn công trên 20 đợt vào trận địa của ta. Đơn vị phần lớn là chiến sĩ mới bổ sung chưa có kinh nghiệm chiến đấu, Vũ Duy Vang đã cùng ban chỉ huy xây dựng cho đơn vị có quyết tâm cao, đề xuất cách đánh: gài mìn, lựu đạn ở chính diện và tổ chức lực lượng xuất kích đánh vào sườn và sau lưng địch. Đồng chí đi sát đại đội chốt giữ ở hướng chủ yếu, giúp đỡ xử trí những tình huống khó khăn được kịp thời. Kết quả đơn vị đã đánh lui các đợt phản kích của địch, diệt hàng trăm tên, giữ vững trận địa. Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cuối tháng 12 năm 1978, đơn vị phân tán làm nhiệm vụ gỡ mìn, khắc phục chướng ngại mở đường cho bộ binh và cơ giới ta phát triển tấn công. Tuy địa hình phức tạp, yêu cầu rất khẩn trương, có nhiều trường hợp phải dò gỡ mìn dưới làn hỏa lực địch, Vũ Duy Vang đã luôn đi sát những bộ phận có nhiều khó khăn ác liệt nhất, động viên giữ vững quyết tâm cho mọi người và chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bảo đảm cho bộ binh, pháo binh phát triển tấn công địch được nhanh chóng. Quá trình làm nhiệm vụ tuy bị thương đồng chí vẫn ở lại trận địa chiến đấu.

Vũ Duy Vang luôn gương mẫu, sâu sát mọi người, đoàn kết thương yêu đồng đội, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật chiến trường.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 bằng khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Vũ Duy Vang đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:15:46 am »


ANH HÙNG NGUYỄN ĐÌNH TÂM

Nguyễn Đình Tâm sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Lai Yên, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ tháng 2 năm 1975. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, đại đội phó đại đội 8 thiết giáp, tiểu đoàn 3, lữ đoàn 273, Quân đoàn 3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 12 năm 1977 đến tháng 6 năm 1979, Nguyễn Đình Tâm liên tục chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, luôn nêu cao tinh thần tích cực đánh địch, thường xuyên có mặt ở những mũi nhọn tấn công, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, 4 lần bị thương không rời vị trí chiến đấu. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị bắn cháy 5 xe địch, diệt 85 tên; thu 1 xe M113, 34 súng các loại, góp phần chi viện cho bộ binh diệt nhiều địch, đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Riêng đồng chí bắn cháy 2 xe, diệt 37 địch, thu 11 súng.

Trận ngày 19 tháng 7 năm 1978, ở điểm cao 105, Nguyễn Đình Tâm chỉ huy xe dẫn đầu đội hình tấn công của đơn vị. Địch tập trung hỏa lực bắn chặn, đồng chí bị thương vào tay đã nhờ anh em băng cho rồi tiếp tục chiến đấu. Khi phát hiện địch bắn trúng xe bên cạnh, Nguyễn Đình Tâm kịp thời bắn mãnh liệt chi viện cho đồng đội đồng thời cử người sang đưa thương binh về phía sau.

Trận ngày 14 tháng 8 năm 1978, ở điểm cao 119 địch chống cự mạnh, bộ binh ta phát triển gặp khó khăn, đồng chí đã lệnh cho lái xe tăng tốc độ, dũng cảm lao lên đè sập 3 công sự địch, diệt 5 tên. Nguyên Đình Tâm bị thương, máu chảy nhiều, đã dùng tay trái bịt chặt vết thương tay phải bắn trọng liên diệt 2 tên địch đang tháo chạy, và chỉ huy xe chiếm địa hình có lợi chi viện cho bộ binh đánh chiếm mục tiêu, diệt và làm tan rã 1 đại đội địch.

Trận ngày 10 tháng 1 năm 1979, Nguyễn Đình Tâm chỉ huy 2 xe M113 cơ động chiến đấu theo đội hình bộ binh trên đường số 6. Trên đường gặp xe địch đi cùng chiều, đồng chí đã nhanh chóng triển khai chiến đấu, cùng bộ binh bắn cháy chiếc xe đi đầu, diệt toàn bộ địch trên xe, thu 4 xe khác. Gần tới thị xã Xiêm Riệp thì gặp tuyến phòng thủ của địch, Nguyễn Đình Tâm chỉ huy đơn vị bắn mạnh và dũng cảm xông lên, chọc thủng tuyến phòng thủ này, diệt 15 tên, thu 17 súng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh đánh chiếm thị xã Xiêm Riệp đúng thời gian quy định.

Trận đánh chiếm thị xã Bát Tam Băng ngày 14 tháng 1 năm 1979, Nguyễn Đình Tâm chỉ huy thê đội 2. Khi thê đội 1 gặp khó khăn, đồng chí được .lệnh vào chiến đấu, xe đồng chí dẫn đầu đội hình tấn công dùng trung liên bắn mạnh vào quân địch, diệt 15 tên, bắn cháy 1 xe. Bị đánh phủ đầu, địch hoang mang rối loạn, bộ binh ta nhanh chóng xông lên phá vỡ tuyến phòng thủ của địch và tiến vào giải phóng thị xã Bát Tam Băng.

Nguyễn Đình Tâm luôn gương mẫu, cần cù, chịu khó học tập, sử dụng thành thạo loại xe thiết giáp (K63 và M113) và các loại vũ khí trang bị trên xe. Đồng chí luôn tận tình giúp đỡ đồng đội, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, chính sách, kỷ luật, được đồng đội tín nhiệm.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Nguyễn Đình Tâm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:18:56 am »


ANH HÙNG TRẦN NGỌC GIAO

Trần Ngọc Giao sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Hà Tu, thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh, nhập ngũ tháng 2 năm 1975. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, trung đội trưởng xe tăng, đại đội 10, tiểu đoàn 2, lữ đoàn 22 thiết giáp, Quân đoàn 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 9 năm 1977 đến tháng 7 năm 1979, Trần Ngọc Giao liên tục chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, đã nêu cao tinh thần tích cực đánh địch, chiến đấu dũng cảm, táo bạo, luôn dẫn đầu đơn vị. Trung đội do đồng chí chỉ huy đã bắn cháy và phá hủy 12 xe quân sự (có 1 xe tăng), bắt 1 xe, diệt nhiều hỏa điểm và trên 100 tên địch. Riêng đồng chí diệt 23 tên địch, thu 16 súng.

Trận đánh địch ở thị trấn Chook (tỉnh Xoài Riêng) ngày 12 tháng 1 năm 1977, trên đường tiến quân xe Trần Ngọc Giao 2 lần bị trúng mìn, bản thân bị thương, vẫn dũng cảm xin theo xe khác vào chiến đấu đã cùng đồng đội chi viện cho bộ binh đánh chiếm thị trấn.

Trận ngày 5 tháng 1 năm 1979, đồng chí chỉ huy trung đội chi viện cho bộ binh đánh địch ở bến phà Niếc Lương. Khi phát hiện có 4 xe chở bộ binh địch chay về bến phà, Trần Ngọc Giao đã mưu trí chỉ huy trung đội bắn chặn diệt chiếc xe đi đầu. Số còn lại phải vứt xe bỏ chạy tán loạn tạo thuận lợi cho bộ binh ta nhanh chóng đánh chiếm bến phà.

Ngày 7 tháng 1 năm 1979, đồng chí chỉ huy xe, dẫn đầu đơn vị tấn công vào Phnôm-pênh. Dọc đường gặp địch ngăn chặn đồng chí đã dùng pháo diệt địch, buộc chúng phải bỏ lại 2 xe và 1 khẩu pháo 130 ly, tiếp đó đồng chí dùng xích xe nghiền nát nhiều tên địch. Trận đánh thắng đã mở đường cho bộ binh vào giải phóng thủ đô Phnôm-pênh.

Trần Ngọc Giao luôn gương mẫu, khiêm tốn, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật, được đồng đội tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ giữ nước.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Trần Ngọc Giao đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





ANH HÙNG LÊ HOÀNG SƠN

Lê Hoàng Sơn sinh năm 1950, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Hòa Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 5 năm 1973. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, đại đội phó bộ binh, đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn Gia Định, Bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7, đảng   viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chốpg Mỹ cứu nước, Lê Hoàng Sơn chiến đấu ở thành phố Sài Gòn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Từ cuối năm 1977 đến tháng 1 năm 1979, đồng chí chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, với cương vị trung đội phó, Lê Hoàng Sơn đã tham gia 40 trận đều lập chiến công xuất sắc, diệt 22 tên địch, thu 9 súng, chỉ huy tiểu đội, trung đội diệt hàng trăm tên địch.

Trận ngày 4 tháng 1 năm 1978, ở Cát Đai (tỉnh Kra Chiê) đồng chí chỉ huy tiểu đội mũi nhọn, trên đường tiến quân bị địch phục kích đánh vào đội hình của đơn vị. Cán bộ đại đội, đồng chí trung đội trưởng và một số chiến sĩ bị thương vong. Lê Hoàng Sơn đã thay thế chỉ huy trung đội nhanh chóng tiến lên diệt hỏa điểm đại liên địch, và chủ động hợp đồng với 2 trung đội bạn đánh địch trong công sự và đánh tỏa ra, tạo thuận lợi cho các mũi khác hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả đại đội Lê Hoàng Sơn đã diệt gọn 1 đại đội địch, có 32 tên bỏ xác tại trận, thu 39 súng. Riêng đồng chí diệt 16 tên.

Trận ngày 28 tháng 10 năm 1978, Lê Hoàng Sơn chỉ huy trung đội chốt giữ trên hướng chủ yếu của đại đội. Địch dùng 1 đại đội đánh vào trận địa, đồng chí đã bình tĩnh tổ chức chiến đấu, giành giật với địch trong 3 ngày. Có ngày, trung đội đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch và đồng chí chỉ huy anh em chủ động xuất kích, đánh bật địch mở rộng địa bàn. Đơn vị đồng chí đã diệt nhiều địch, có 25 tên bỏ xác tại trận.

Đồng chí luôn có tác phong gương mẫu khiêm tốn, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 5 bằng khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Lê Hoàng Sơn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:20:01 am »


ANH HÙNG LÊ THÁI BÊ

Lê Thái Bê sinh năm 1957 dân tộc Kinh, quê ở xã Tế Tân, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 6 năm 1974. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, chính trị viên phó đại đội 21 trinh sát, trung đoàn 429, sư đoàn 302, Qụân khu 7, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Thái Bê tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ tháng 10 năm 1977 đến tháng 12 năm 1979, Lê Thái Bê liên tục chiến đấu ở chiến trường Tây Nam luôn nêu cao tinh thần tích cực tấn công địch, hàng chục lần chỉ huy tiểu đội, trung đội vượt qua khó khăn, nguy hiểm, luồn sâu vào sau lưng địch để trinh sát nắm tình hình. Đồng chí đã cùng đơn vị điều tra nắm tình hình địch ở 20 mục tiêu chính xác, phục vụ kịp thời cho trên chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu được tốt. Khi đánh địch, đồng chí đã chỉ huy đơn vị diệt hàng trăm tên, bắt liên lạc và đưa trên 250 cán bộ và nhân dân bạn ra vùng giải phóng an toàn. Riêng đồng chí đã diệt hàng chục tên địch, phá sập 1 cầu.

Tháng 4 năm 1978, đồng chí nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị thọc sâu vào sau lưng địch trên 15 ki-lô-mét điều tra vị trí Phum Lam, Phum Mông, và 2 chiếc cầu ở Phum Đa, đồng chí đã làm tốt công tác tổ chức và xây dựng quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, nắm địch được chính xác. Tiếp đó được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 tổ đánh cầu ở Phum Đa, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí đưa đơn vị luồn lách qua các tuyến canh gác của địch, đánh sập được cầu. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 6 năm 1978, Lê Thái Bê chỉ huy trung đội vượt qua nhiều khu vực có địch tuần tra canh gác vào điều tra các vị trí địch ở Mi Mốt, Cang Đôn, Sa La... đã năm chắc tình hình địch phục vụ cho đơn vị chiến đấu thắng lợi. Sau đó được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 tiểu đội chốt giữ ở Sa La. Tuy địch liên tục phản kích với lực lượng đông gấp bội, đơn vị chỉ còn 4 người, Lê Thái Bê vẫn bình tĩnh động viên đơn vị, kiên cường bám trụ trong hơn 20 ngày, đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa.

Tháng 9 năm 1978, đơn vị Lê Thái Bê có nhiệm vụ thọc sâu nắm tình hình địch ở khu vực đường số 7 và tìm cách bắt liên lạc với lực lượng nổi dậy của bạn. Đồng chí đã nêu cao quyết tâm, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ trong mùa nước lớn, len lỏi qua nhiều bãi mìn, ổ phục kích của địch, hàng chục lần gặp địch phục kích đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên. Kết quả đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nắm địch và đưa được 250 cán bộ, nhân dân Cam-pu-chia về nơi quy định an toàn.

Lê Thái Bê luôn gương mẫu, khiêm tốn, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 5 bằng khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Lê Thái Bê được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:22:34 am »


ANH HÙNG VŨ TRỌNG CƯỜNG

Vũ Trọng Cường sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở xã Nam Hồng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 8 năm 1973. Khi được tuvên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, đại đội phó công binh, tiểu đoàn 25, sư đoàn 5, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vũ Trọng Cường tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Từ tháng 9 năm 1977 đến tháng 12 năm 1979 đồng chí đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu hơn 100 trận ở chiến trường Tây Nam, luôn thể hiện quyết tâm cao, dũng cảm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, hai lần bị thương không rời vị trí chiến đấu.

Trong đợt chiến đấu tháng 4 và tháng 5 năm 1978, Vũ Trọng Cường trực tiếp chỉ huy đơn vị mở đường cho bộ binh đánh địch ở khu vực Mi Mốt. Có nhiều đoạn đường địch gài mìn dày đặc, đồng chí đã không quản khó khăn, nguy hiểm tự mình gỡ phá những quả khó nhất và cùng đồng đội gỡ hàng trăm quả khác, mở thông đường phục vụ cho bộ binh cơ động kịp thời tấn công đánh chiếm các mục tiêu quy định.

Trận đánh ở điểm cao 142 (khu vực Mi Mốt), Vũ Trọng Cường là đại đội phó chỉ huy đơn vị chốt giữ ở hướng chủ yếu của tiểu đoàn. Địch sử dụng 2 tiểu đoàn phản kích, đánh vào trận địa của đại đội. Đồng chí chỉ huy đơn vị ngoan cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Đơn vị bị thương vong nhiều, bản thân bị sức ép, trên cho về phía sau nhưng đồng chí vẫn xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Có ngày đồng chí dùng nhiều loại vũ khí đánh địch trên một hướng, diệt hàng chục tên, góp phần giữ vững trận địa. Khi đơn vị được lệnh lui ra, Vũ Trọng Cường được giao sử dụng khẩu 12,8 ly, đồng chí đã bình tĩnh bắn kiềm chế địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vũ Trọng Cường có tác phong gương mẫu, luôn nhận phần khó về mình, nhường thuận lợi cho bạn, chấp hành chính sách, kỷ luật nghiêm, khiêm tốn, được đồng đội tin yêu.

Vũ Trọng Cường đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, 3 bằng khen.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Vũ Trọng Cường được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





ANH HÙNG HUỲNH VŨ HÙNG

Huỳnh Vũ Hùng sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Nhơn Hưng, huyện Bẩy Núi, tỉnh An Giang. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chính trị viên xã đội Nhơn Hưng, huyện đội Bẩy Núi, bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huỳnh Vũ Hùng là giao liên đưa đường cho bộ đội, cán bộ hoạt động trong vùng địch.

Tháng 6 năm 1977, Huỳnh Vũ Hùng phụ trách xã đội phó rồi chính trị viên xã đội. Từ đó đến tháng 1 năm 1979, đồng chí Huỳnh Vũ Hùng liên tục tham gia chiến đấu bảo vệ xã, ấp, luôn thể hiện quyết tâm cao, chỉ huy mưu trí, vận dụng linh hoạt nhiều cách đánh thích hợp. Đơn vị do đồng chí chỉ huy đã diệt 150 tên địch (có 70 tên địch chết vì mìn, lựu đạn do đồng chí bố trí), bắt 3 tên, thu 31 súng.

Trận ngày 22 tháng 2 năm 1978, 1 tiểu đoàn địch chia làm nhiều mũi đánh vào phía sau các chốt của dân quân. Đồng chí chỉ huy các chốt kìm chặt địch và tổ chức một bộ phận cơ động bất ngờ đánh mạnh vào sườn đội hình địch, buộc chúng phải rút chạy bỏ lại 11 xác chết và một số súng đạn.

Trận ngày 15 tháng 5 năm 1978, 1 tiểu đoàn địch có pháo binh yểm trợ đánh vào xã Nhơn Hưng. Đồng chí chỉ huy dân quân chặn đánh địch quyết liệt và lừa chúng vào bãi mìn của ta đã bố trí sẵn. Kết quả trận này địch bỏ lại trận địa 20 xác chết và 10 khẩu súng.

Huỳnh Vũ Hùng đã góp nhiều công xây dựng lực lượng dân quân phát triển từ 7 người lên 50 người có chất lượng tốt.

Tháng 1 năm 1979, để bảo đảm an toàn cho nhân dân sản xuất, đồng chí xung phong đi gỡ mìn. Sau khi tháo được hơn 100 quả an toàn, đến quả cuối cùng mìn nổ, Huỳnh Vũ Hùng bị thương cụt 2 chân. Sau 3 tháng điều trị đồng chí trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác.

Huỳnh Vũ Hùng luôn gương mẫu, khiêm tốn, giản dị được nhân dân địa phương tin yêu.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Huỳnh Vũ Hùng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:24:28 am »


ANH HÙNG TRẦN THẾ LẠI

Trần Thế Lại sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Dân Chủ, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái, nhập ngũ tháng 8 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu tá, đội trưởng đội công tác thuộc đoàn 1, Bộ tư lệnh Đặc công, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Thế Lại hoạt động ở chiến trường xa, có rất nhiều khó khăn, địch luôn luôn theo dõi, nhưng đồng chí vẫn kiên trì hoạt động, xây dựng được một số cơ sở và đưa lực lượng của ta vào hoạt động. Nhiều lần đồng chí dẫn bộ đội vào tận sân bay, khéo ngụy trang và bí mật ẩn nấp để điều tra theo dõi máy bay Mỹ lên xuống. Trần Thế Lại đã chỉ huy đơn vị phá hủy 10 máy bay, trong đó có một số máy bay B52, 2 giàn ra-đa và diệt nhiều lính Mỹ.

Ngày 28 tháng 7 năm 1969, đồng chí chỉ huy một tổ vượt qua lớp rào thép gai, bãi mìn, khu vực có địch canh gác, phá hủy được 2 máy bay, 2 giàn ra-đa.

Ngày 10 tháng 1 năm 1972, sau nhiều lần trinh sát nắm chắc tình hình địch, đồng chí tổ chức cho một bộ phận bí mật vượt qua nhiều khu vực có địch kiểm soát chặt chẽ, tập kích vào sân bay, phá hủy được 8 máy bay địch, trong đó có 1 số máy bay B52 và diệt hàng chục giặc lái Mỹ.

Nhiều năm xa sự chỉ đạo của cấp trên, hoạt động độc lập ở chiến trường xa, phải tự lo liệu về ăn, mặc, Trần Thế Lại luôn tỏ ra vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tìm mọi cách động viên đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hành động của đồng chí có tác dụng động viên lôi kéo mọi người trong đơn vị noi theo.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 12 bằng khen và giấy khen.





ANH HÙNG BÙI VĂN PHƯƠNG

Bùi Văn Phương sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 4 năm 1968. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, đoàn 1 đặc công, Bộ tư lệnh đặc công, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 11 năm 1969 đến năm 1972, Bùi Văn Phương hoạt động ở chiến trường xa. Tuy có nhiều khó khăn, địch luôn luôn theo dõi, ăn uống thiếu thốn, bản thân nhiều lần bị ốm, nhưng đồng chí đã tìm nhiều cách che giấu địch, xây dựng được nhiều cơ sở, nắm tình hình địch được chính xác, kịp thời.

Đêm 10 tháng 1 năm 1972, sau nhiều lần theo dõi nắm tình hình địch ở sân bay, Bùi Văn Phương đã chỉ huy tổ vượt qua nhiều chỗ có địch canh gác vào phá hủy 8 máy bay, trong đó có một số máy bay B52, diệt hơn chục tên giặc lái. Riêng Bùi Văn Phương phá hủy 5 chiếc. Trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại lớn, máy bay địch phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài.

Bùi Văn Phương luôn gương mẫu, khiêm tốn, giản dị. Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Bùi Văn Phương được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:25:38 am »


ANH HÙNG ĐỖ SĨ HỌA
(Liệt sĩ)

Đỗ Sĩ Họa sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng. Khi hy sinh đồng chí là thượng úy, phó trưởng đồn 209, công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Đỗ Sĩ Họa đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công, bị thương, sức khỏe giảm sút, đồng chí vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công, đồn trưởng đi công tác xa. Đỗ Sĩ Họa đã khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu theo phương án, trực tiếp phụ trách hướng chính diện. Đồn và các chốt bị pháo và cối của địch bắn cấp tập. Ở vị trí chỉ huy, Đỗ Sĩ Họa bình tĩnh quan sát địch. Khi địch ngừng bắn pháo để bộ binh xông lên, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên. Phát hiện hỏa lực lợi hại của ta ở Đồi Quế, địch dùng chiến thuật biển người ào lên. Các chiến sĩ chốt trên Đồi Quế ngoan cường chiến đấu, diệt nhiều tên địch. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế đã bị địch chiếm giữ. Quyết giành lại, Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế.

Địch vừa ào lên hết đợt này đến đợt khác, vừa leo lên kêu gọi ta đầu hàng. Đỗ Sĩ Họa trả lời: "Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết". Đi tới từng ụ súng, đồng chí động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng.

Noi gương người chỉ huy cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, làm bị thương nhiều tên, giữ vững trận địa.

Đỗ Sĩ Họa bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ... cho đến lúc anh dũng hy sinh cũng không rời trận địa.

Đồn 209 được đề nghị tuyên dương Đơn vị Anh hùng.

Đồng chí được truy tặng cấp hàm thượng úy và 1 Huân chương Quân công hạng ba.

Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Đỗ Sĩ Họa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2016, 10:27:43 am »


ANH HÙNG LỘC VIỄN TÀI
(Liệt sĩ)

Lộc Viễn Tài sinh năm 1940, dân tộc Tày, quê ở xã Vĩ Thường, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Khi hy sinh đồng chí là thượng úy, đồn trưởng đồn 155, công an nhân dân vũ trang Hà Tuyên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lộc Viễn Tài là cán bộ đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, giữ vững được trận địa, bảo vệ được dân.

Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược dồn dập bắn pháo, cối dọn đường, rồi thúc quân ồ ạt tấn công đồn 155, Lộc Viễn Tài bình tĩnh quan sát địch, đồng thời đi sát động viên từng chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn. Chỉ huy mũi chính  diện, đồng chí trực tiếp bắn đại liên vào đội hình địch. Phát hiện ba tên chỉ huy của địch, Lộc Viễn Tài đã lệnh cho cối bắn trúng, diệt chúng. Đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 100 tên, tạo điều kiện cho 2 tổ chốt diệt gần 100 tên nữa. Bị thiệt hại nặng, địch cho bộ binh lui ra để củng cố đội hình, đồng thời cho pháo bắn cấp tập vào trận địa ta. Nhưng khi bộ binh địch lại xông lên, chúng đã bị cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 155 đánh bật ra.

Ngày 5 tháng 3 năm 1979, địch tập trung lực lượng quyết chiếm đồn 155 vào cao điểm 1379 của ta. Với thủ đoạn cho pháo bắn suốt một tiếng đồng hồ, sau đó dùng bộ binh chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công, nhưng địch vẫn bị đánh bật ra. Địch phải tăng quân. Lợi dụng sương mù, Lộc Viễn Tài đã tổ chức lực lượng phục kích, đánh dồn địch vào hầm chông, bãi mìn gài sẵn, diệt nhiều tên, buộc địch phải thu quân, củng cố đội hình, rồi mở đợt tiến công mới. Lộc Viễn Tài chỉ huy một tổ chặn đánh địch từ xa, chia cắt đội hình địch ra, tiêu diệt nhiều tên. Quân địch quá đông, đạn sắp hết, đồng chí lệnh cho hai chiến sĩ rút lui, còn mình dùng những viên đạn cuối cùng ghìm chân địch, bảo vệ đồng đội. Trong tay còn hai quả lựu đạn nữa Lộc Viễn Tài chờ địch đến gần, đồng chí giật nụ xòe, ném vào đội hình địch, diệt thêm gần chục tên và đã anh dũng hy sinh.

Tính chung trong các trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, riêng Lộc Viễn Tài đã diệt 91 tên.

Đồng chí được truy tặng Huân chương Quân công hạng ba.

Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Lộc Viễn Tài được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.





ANH HÙNG ĐỖ CHU BỈ
(Liệt sĩ)

Đỗ Chu Bỉ sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng. Khi hy sinh đồng chí là trung úy, đại đội phó đại đội 6, công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong trận đánh ngày 1 tháng 3 năm 1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy phân đội giữ chốt A1, là chốt án ngữ trên tuyến đầu, cách đường biên 400 mét, cách đồn biên phòng Hoành Mô 300 mét.

Pháo địch bắn cấp tập vào các chốt của đồn và đồn biên phòng Hoành Mô suốt một tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch xông lên đánh chiếm chốt A1. Đỗ Chu Bỉ bình tĩnh chờ cho địch đến gần, đồng chí hạ lệnh cho phân đội đồng loạt nổ súng, bắn mãnh liệt vào đội hình địch, hàng chục tên bị tiêu diệt. Phân đội chốt A1 đã dũng cảm, mưu trí bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của địch.

Pháo địch lại bắn cấp tập vào chốt A1. Khi pháo chuyển làn, bộ binh địch lại ồ ạt xông lên. Lần này địch tràn vào được một đoạn chiến hào phía bên phải. Đỗ Chu Bỉ bình tĩnh chỉ huy đơn vị dùng lựu đạn và lưỡi lê, báng súng đánh địch bật trở ra. Tranh thủ những phút im lặng giữa hai trận đánh, đồng chí đi khắp trận địa nắm tình hình, củng cố tổ chức, động viên chiến sĩ, giải quyết vấn đề thương binh, tử sĩ.

Địch cho tăng viện một tiểu đoàn, một mũi đánh vào đồn, một mũi đánh chiếm chốt A1. Đỗ Chu Bỉ chỉ huy đơn vị đánh địch cả hai hướng, diệt 200 tên, giữ vững trận địa. Bị thương vào tay, rồi vào sườn, đồng chí vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo dài. Trời mưa, chiến hào lầy lội. Đỗ Chu Bỉ đã tổ chức cho đưa thương binh sang chốt A2, rồi tiếp tục chỉ huy chiến đấu bảo vệ chốt A2, giữ chốt A1. Địch chia thành nhiều mũi ồ ạt xông lên. Phân đội chốt do đồng chí chỉ huy đã đánh trả mãnh liệt, đánh bật mọi đợt tấn công của địch. Khi đang chỉ huy đơn vị chiến đấu, Đỗ Chu Bỉ trúng đạn địch đã anh dũng hy sinh.

Đỗ Chu Bỉ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và quân hàm cấp trung úy.

Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Đỗ Chu Bỉ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2016, 08:27:55 pm »


ANH HÙNG NÔNG VĂN GIÁP
(Liệt sĩ)

Nông Văn Giáp, sinh năm 1945, dân tộc Nùng, quê ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Khi hy sinh đồng chí là trung úy, đồn phó đồn 191, công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nông Văn Giáp đã qua chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đã lập nhiều thành tích chỉ huy đơn vị xây dựng thế trận mới.

Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Chúng dùng pháo bắn cấp tập vào đồn, sau đó cho bộ binh địch xông lên. Với kinh nghiệm dày dạn qua 9 năm chiến đấu chống Mỹ, Nông Văn Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt 100 tên. Dùng chiến thuật biển người, vừa tấn công chính diện, địch vừa đánh tạt sườn vào trận địa ta. Phát hiện sớm mưu đồ của địch, đồng chí chỉ huy đơn vị chiến đấu linh hoạt, cơ động, ngay từ đầu đã diệt được cụm thông tin, chỉ huy và hai tên thổi kèn. Đội hình địch rối loạn, chúng không dám xông lên, buộc lui quân, tổ chức đợt tấn công mới. Các chiến sĩ tin tưởng ở Nông Văn Giáp - người chỉ huy gan dạ, mưu trí và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Địch lại cho nhiều tốp, nhiều toán, có hỏa lực yểm trợ, liên tục tấn công.

Đồng chí nhảy lên khỏi chiến hào, hô to: "Xung phong!". Các chiến sĩ theo người chỉ huy bật dậy, kiên quyết phản kích, đẩy địch xuống chân đồi. Đồng chí bị thương nặng. Đồng chí Rô (tiểu đội trưởng) băng bó cho cấp trên của mình. Đồng chí Giáp bình tĩnh, cầm tay đồng chí Rô căn dặn: "Chiến sự còn ác liệt. Tôi bị thương. Đồng chí thay tôi chỉ huy phân đội chiến đấu, giữ vững trận địa đến cùng. Nhớ: tiết kiệm đạn, diệt nhiều địch".

Địch lại hò nhau xông lên. Xạ thủ trung liên bị thương. Đồng chí Giáp cố lê người đến thay thế, dùng sức còn lại bắn mãnh liệt vào đội hình địch, diệt nhiều tên, cùng đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch và anh dũng hy sinh.

Tấm gương chiến đấu của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị quyết tâm diệt nhiều địch, trả thù cho đồng đội, bảo vệ Tổ quốc.

Nông Văn Giáp được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Nông Văn Giáp được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM