Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:21:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Re: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 49698 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #270 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2014, 03:47:33 pm »

Gọi Hạc (36)

Lớp Vật lý K15 sau này gặp lại nhau, mỗi đứa một nghề, chỉ còn vài đứa trung thành với Newton. Có đứa sang làm triết, làm báo, thư viện, có đứa làm dược, dầu khí, nghệ thuật, công an, ... LMinh thì sau khi tốt nghiệp đại học và cả khi đã có bằng TS vẫn dạy Vật Lý ở bộ môn Khoa học cơ bản của trường ĐH Giao thông (HN). Những kiến thức cơ bản Toán, Lý, Hóa là chung cho mọi khoa, cần cho mọi lĩnh vực chuyên môn, nhưng với các trường đại học chuyên ngành thì chỉ được dạy ở 1-2 năm đầu. Những năm sau SV tập trung học các môn chính, như ĐHGT thì chuyên môn chính chắc sẽ là Cầu đường, Giao thông thủy, Giao thông bộ, máy thủy, máy cơ giới… Trong trường, giáo viên dạy môn cơ bản thấy bơ vơ, lạc lõng, càng yêu nghề lại càng thấy buồn tẻ.

Suốt bao nhiêu năm, LMinh cứ cặm cụi với đám sinh viên mới vào trường. Sau nữa có thời kỳ LMinh dạy thêm luyện ôn thi đạị học. Không biết có vì thu nhập không và thu nhập đến đâu, nhưng LMinh say mê và tâm đắc lắm. Lần gặp nhau nào cũng nghe LMinh say mê kể chuyện luyện ôn thi. LMinh hầu như không dạy ở các trung tâm luyện thi, mà chỉ dạy các lớp, các nhóm không đông học sinh, thường là con em bạn bè, họ hàng. Thằng con lớn của 6971, học chuyên lý Amstecdam, lúc ôn thi vào đại học cũng nằng nặc xin theo chú Minh một “cuốc”. Mấy lần đến nhà thì lại thấy dạy mấy đứa cháu con các em Châu, Quang, ... Mục đích luyện thi thường được trương lên là “ Đỗ mới lấy tiền”, nhưng LMinh lại “Dạy cho đến khi học sinh thật sự hiểu và thích môn lý”.  

Đầu những năm 90, rách lắm, mình phải đi dạy thêm Tin học ở trường cấp III Trần Phú, đầu phố Hai Bà Trưng. Hồi ấy Tin học là môn ngoại khóa. LMinh ngạc nhiên: “Tưởng dạy Vật lý hay dạy Binh địa, chứ T học vi tính bao giờ mà lại đi dạy Tin học”. Hì hì. Có hôm, LMinh đến trường TP, đứng bên ngoài chờ mình. Hết giờ dạy, ra gặp nhau, LMinh bảo:
-   Dạy như T thế thì có trụ được hết 1 học kỳ không? T nói to, nói nhiều và nói thừa nhiều quá.
-   Thì cứ thấy học sinh ồn ào, mình lại phải nói to hơn lên.
-   Thế là sai rồi, không được. Phải làm ngược lại cơ !
Sau này, khi đi dạy, mình học theo chiêu của LMinh, thấy khỏe.

Mình đã đôi lần rủ LMinh cùng làm đề tài, nhắc LMinh tích cóp công trình nay mai làm học hàm hay cái này, cái nọ, chứ say mê và nghiêm túc như bạn mà cứ nhàu đi nhàu lại mấy định luật Newton thì phí quá. LMinh cười buồn buồn:
-   Biết thế, nhưng ở đâu phải theo đấy thôi. Mà tưởng là mòn nhẵn như vật lý cổ điển, nhưng nhai thật kỹ cũng nhiều cái hay. Thầy cô nào cũng dạy thế này, mình thử dạy thế kia. Nhiều khi học sinh thấy dễ hiểu hơn, thậm chí thích thú môn Vật lý.

Khoảng chục năm gần đây, nhờ Trà Liên Tây giới thiệu, mình có quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp Nhật Bản ở trường nơi TLT đang giảng dạy. Những lúc 2 đứa gặp nhau bên Nhật, thế nào cũng nhắc đến LMinh. Đã nhiều lần TLT và mình muốn thiết kế ít nhất lấy một lần để 3 đứa gặp nhau bên Nhật, ôn lại những tháng ngày Lính. Gợi ý đồ ấy với LMinh, nhưng bạn toàn ậm ừ hoặc lắc đầu. Khoảng năm 2010-2011, một buổi tối ngồi cà phê trên đường Văn Cao, mình cố thuyết phục LMinh.
-   Minh à, tới bố trí sang chỗ  HTB cùng với mình nhé, vài ngày thôi.
-   Mình có công việc gì với Nhật đâu mà sang!
-   Chậc, thì bọn mình mời LMinh, coi như cộng tác viên trong đề tài của bọn mình.
-   Thồi, thồi.
-   Thế thì LMinh nhận làm một nội dung vật lý cụ thể trong đề tài của bọn mình, làm thật. Rồi bọn mình sẽ cùng sang Nhật thảo luận. Ừ đi.
-   Thồi, thồi – LMinh nhất quyết lắc đầu.    

TLT và mình đành lắc đầu: “LMinh mà. Khái tính lắm !!!”, nhưng 2 đứa vẫn định bụng, thế nào trước khi về hưu cũng cố rủ cho được một lần để 3 đứa gặp nhau ở Nhật. Nhưng lỡ mất rồi.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Bảy, 2014, 10:18:45 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #271 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2014, 10:00:39 am »

       "Gọi Hạc" 36 phản ánh đúng tính cách của Lê Minh. Rất tận tụy, đam mê với công việc của mình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người vô tư, không bao giờ làm phiền người khác. Nếu bác 6971 rủ đi QT thì chắc TTNL lúc nào cũng có mặt. Năm ngoái trong chuyến đi QT-TT- H , TTNL có kể với tôi về những chuyến đi một mình bằng xe đò, thuê xe ôm, thuê xe máy để đi đến những nơi từng chiến đấu, chụp ảnh, lấy tư liệu để viết trên trang NHỮNG CHUYỆN KHÔNG QUÊN CƯỜI RA NƯỚC MẮT,trong đó có Hòn Vượn là sâu sắc nhất, những chuyến luồn sâu để chuẩn bị cho chiến dịch 1975, chính vì vậy trong chuyên mục này chuyện Hòn Vượn chiếm một vị trí đặc biệt, chi tiết và được anh quan tâm . Khi bị ốm nặng cũng không muốn làm phiền vợ, con và người thân chỉ khi biết bị nặng mới vào viện ( chủ quan với sức khỏe) . Ba người lính trinh sát C20, F325 rất thân nhau, hiểu rất rõ về nhau, yêu quý nhau ; chúng tôi rất trân trọng các anh TTNL- TLT-6971
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2014, 09:30:55 am gửi bởi thaiminhhung » Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #272 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 06:24:42 pm »

Gọi Hạc (37)

Chơi thân với nhau đến lúc bạn của mình thành bạn của bạn và ngược lại. LMinh chơi đẹp với bạn bè nên rất rộng. Trong các nhóm bạn bè của LMinh mà mình biết nhiều có nhóm Trường Trỗi, thực ra là bạn học phổ thông, cấp II- III.

LMinh học những năm cuối cấp ở trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi, thường gọi ngắn gọn là Trường Trỗi, dân Trỗi. LM học khóa 5,  1965-1970. Theo LMinh kể, học sinh của trường chủ yếu là con em cán bộ quân đội, gửi con em vào trường để rảnh rang đi chiến trường. Ban đầu trường ở Lạng Sơn, sau sang Quế Lâm (TQ) rồi lại về Phú Thọ.

Những năm tháng ở Quế Lâm để lại những ấn tượng đẹp trong LMinh nên bạn thường nói tốt về những năm tháng và con người thời ấy. Mấy năm trước, LMinh có quay lại Quảng Tây, bạn vẫn khen dân Tàu chu đáo, cởi mở. Bạn kể đi kể lại mấy lần về một "đại ca" ở Quảng Tây đã vô tư, tận tình giúp LMinh khi bạn bị lạc. Cũng may là khi LMinh còn sống, giàn khoan 981 chưa vào Biển Đông.  

Theo một bài thơ ghép vần tên của một thi sỹ vườn K5 thì khóa này có 112 HS phía Bắc và 63 HS phía Nam. Riêng K5 phía Bắc có rất nhiều người tên Minh:
“Lê Minh cùng sáu tên Minh
đệm là: Thúc, Xuân, Dũng, Quốc, Hữu, Quang”


Trong hồi ức về những năm tháng trường Trỗi, mình đọc thấy có bạn ở Blog BanTroi đã viết mấy năm trước:

“Nhớ bạn Lê Minh hay hát bài “ Hà Nội – Huế – Sài Gòn” của Hoàng Vân khi sinh hoạt lớp. Lê Minh cố gắng thể hiện thật hay bài hát này. Lúc bấy giờ trên sóng phát thanh đài tiếng nói VN nghệ sĩ Thanh Huyền với giọng ca vàng ngọt dịu, làm say đắm lòng người đã thể hiện rất thành công bài hát này.”

6971 cũng thấy ngạc nhiên. Từ khi chơi với nhau, chỉ thấy TLT hay hát chứ TTNL và 6971 chỉ hát mỗi: “Vì nhân dân quên mình, …”.
  
Dân Trỗi ở Hà Nội hay tụ họp ở Vườn Treo – Đội Cấn. Không phải K5 mà là tất cả các K, ồn ào, cứ như tất cả đều biết nhau. Mình cũng được dự như Dân Trỗi mấy lần. Chỉ khổ, thi thoảng ai đó lại hỏi: “Nom Bác quen quen, K mấy ấy nhỉ? “.

Bạn học trường Trỗi mà LMinh hay nhắc đến nhất với nhiều kỷ niệm đẹp là LS Doanh, hy sinh ở Thành Cổ sáng 15/9/1972. Có những bạn Trỗi không cùng khóa nhưng cùng trên Quân sử, sau sang chơi ở Khúc quân hành, như @ Phong Quảng và @ Vi Tính. Có lần, 3 @ Trỗi này rủ nhau làm một cuốc từ HN vào tận Tích Tường, Như Lệ, rất làng mạn và thú vị, nghe LMinh kể lại phát thèm.  Một hôm khác, bác Vi Tính mời TTNL và tôi lên thăm nhà sàn, ăn thịt lợn mán mãi trên Hòa Lạc. Suốt đường đi 3 đứa chỉ kể chuyện lính và chuyện trường Trỗi.

*Kèm ảnh họp lớp K5 Trường Trỗi – phía Bắc, năm 1986, tại phố Nhà Hỏa, HN. LMinh đứng cuối hàng đứng thứ 2, tay bế em nhỏ, chắc là Con Gái Rượu.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2014, 07:59:13 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #273 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2014, 11:12:36 am »

Gọi Hạc (38)

Tính theo khóa thì LM và 6971 là cựu SV khoa Vật Lý, ĐHTH HN, khóa 15, hay như cách gọi sau này là K15, vào trường tháng 10/1970, học 4 năm rưỡi và sẽ ra trường đầu năm 1975. Nhưng chiến tranh. Chỉ học K15 có nhõn 01 năm thì LMinh và 6971 cùng rời giảng đường, ra chiến trường. Lúc về học lại thì không còn cùng khóa nữa.

Gọi là K15 Vật Lý, nhưng thực ra chỉ có 1 lớp, khoảng 80 người. Sau đợt tiễn 17 SV nhập ngũ 6/9/1971 còn có 2 đợt “vét” nữa vào năm 1972, lớp còn lại xơ xác. Người ra đi mặc áo lính ít nghĩ về người ở lại giảng đường, nhưng những người ở lại thì đăm đắm dõi theo người đi, sống chết. 6971 là người trở về đầu tiên. Và có 3 người mãi mãi không bao giờ trở về.

Chỉ 1 năm học cùng lớp với nhau ở K15 còn đến 3 năm rưỡi sau này 2 đứa học 2 khóa khác nhau, 6971 theo K18 còn LMinh theo K20. Nhưng không hiểu sao, có vẻ như cả 2 đứa đều gắn bó với K15 hơn so với K18 và K20. Khó lý giải, nhưng thực tế là như vậy. Có thể do cùng lứa. Nhưng có vẻ chính 3 lần chia tay những năm 71 – 72 đã gắn kết K15 với nhau.

Hầu như năm nào K15 cùng gặp nhau, ít nhất 1 lần, ấn định vào dịp kỷ niệm ngày nhập học, tháng 10. Gặp nhau ở HN. Phần lớn ở Hà Nội cả, nhưng cũng có mấy bạn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây, í ới cũng về, chỉ mãi miền trung, SG thì đành chịu. Năm 2011, nhân 40 năm ngày nhập khóa, cả lớp xuống Đồ Sơn, cho thả phanh một lần. Năm 2012, lớp lại kéo nhau vào họp mặt ở Nha Trang. Vợ chồng Long + Chính mãi từ Moscow cũng xin 2 xuất xịn, cả thảy 20 người. Mấy ngày ở Nha Trang ríu rít cứ như một lũ tuổi teen, gạt bỏ mọi ưu phiền trần thế. Xả làng Nha Trang 3-4 ngày, sau đó số bay ngược về HN, số rủ nhau kéo vào SG, ra Vũng Tàu. Riêng 2 đứa LMinh và 6971 nằm nán lại Nha Trang một đêm, để hôm sau gặp gỡ, chơi bời với mấy cựu trinh sát Xê 20 ở Nha Trang. Lâu lắm mới có dịp 2 đứa mình được cặp đôi, rủ rỉ như hồi còn là lính. Một kỷ niệm ngọt ngào, ngắn ngủi.

*Kèm ảnh LMinh ở đảo Nha Trang. Nhớ quá.  
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Bảy, 2014, 04:19:04 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #274 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2014, 04:46:33 pm »

Gọi Hạc (39)

Một chiều mùa Hè năm trước nữa, nghĩa là cũng mới đây thôi, 6971 thấy chuông điện thoại. LMinh gọi.
-   T à, bận gì lắm không?
-   Ờ, đang ở cơ quan. Có việc gì thế, M ? – Đoán chắc lại có lão trinh sát nào đó ở tỉnh xa về, rủ nhau ra đâu đó chém gió.
-   Mình đang ở trong bệnh viện.
-   Gì cơ ? – Không biết bạn vào thăm ai hay bạn phải nằm viện.
-   Mình sắp lên bàn mổ, vào với mình tý.

Rụng rời. Sao lên bàn mổ mà Lminh nói cứ tưng tửng như trứng luộc vậy. Hơi sợ, vì LMinh thường đi xe máy rất nhanh. Mình hối hả vào ngay bệnh viện Giao thông ở Cầu Giấy. Thì ra Lminh bị một cái u ở ngay bả vai. Lminh bảo:
-   U lành ấy mà. Nằm viện mấy ngày rồi. Bác sỹ bảo phải trích đi. Mình giấu Châu, không muốn vợ con lo lắng. Lịch trích chiều nay. Tưởng xoẹt một cái, chiều tối lại ù về nhà, vợ con vẫn không biết. Nào ngờ, bác sỹ bảo : Người nhà đâu ? Phải ký giấy cam đoan. Vì thế mình gọi T ra ký giúp. Đây, T cầm lấy (Lminh đưa điện thoại, ví, 2 cái phong bì đã có ruột để đưa bác sỹ, thuốc và bật lửa).
 
LMinh dẫn mình vào gặp bác sỹ hay y tá gì đó để ký. Bà ấy hỏi :
-   Bác là thế nào với bác Minh ạ ?
-   Bạn thân của tôi, bạn chiến đấu đấy.
-   Ấy chết không được, phải vợ con, ruột thịt mới ký cam đoan được bác ạ.

Thế là buộc phải gọi cho mẹ con Châu. Giận thì giận, thương thì thương. Sau cú ấy không những LMinh mà cả 6971 cũng phải chịu trận lây. Thiện ý chứ có gian dối gì đâu nhưng vẫn là có lỗi đi, thôi cho chịu án treo.

Sau phẫu, TLT và mình vào thăm thấy Lminh đang sôi nổi chuyện lính với một bệnh nhân giường bên cạnh, cứ như chuyện đánh nhau mới hôm qua. Chuyện ấy đã được kể trên Quân sử rồi :
 
TTNL : « Tình cờ TràLiênTây 6971 và tôi gặp một lão nói năng hăng hái khí tiết lắm. Hỏi ra mới biết lão là quân ta. Rồi, hôm nay tôi bảo lão đi mười lăm bước mà làm một bài thơ kỷ niệm. Thơ của lão đây:

TÌNH CỜ
Chúng tôi gặp nhau phải chăng duyên
Nói đi kể lại lời hàn huyên
Chuyện thời xửa xưa của người lính
Nắm chặt tay nhau thật chân tình

Hỏi đơn vị nào ? – E “chim lắm” (*) !
Tri Bưu - Thành Cổ pháo như mưa
Đu đưa hầm lắc bom khoan tới
Như Lệ, Tích Tường ấy chuyện xưa

Thâm tình người lính bao kỷ niệm
Bạn nằm đâu ? Lòng vẫn day dưa . . .
                                   Người lính


6971: “Khi Tralientay và tôi vào, đã nghe mấy cậu trẻ nằm ở 2 giường phía ngoài gióng lên: "Hai bác Quảng Trị có khách kìa". Thực ra là 2 bố dân Hà Nội cả, chắc là suốt ngày nói chuyện QT nên bọn trẻ gọi là 2 bác QT. Một tên nằm, một tên ngồi, tay cầm tờ giấy. Hóa ra đang "thẩm thơ". Hình như bài thơ vẫn chưa chín, thấy tác giả vẫn lăm lăm bút trên tay, kê giấy lên chiếc nạng gác đầu giường để viết. Thế mà bảo "đi mười lăm bước" xuất thơ! Chân vẫn băng trắng xóa, dày cộm, đi đứng gì. Hạn đúng vào năm tuổi. Đúng sáu mươi, rơi cái cưa máy, thế là nó thiến luôn vào khoeo, thấu xương. Tôi vỗ về: "May mà nó không thiến lên trên lưng lửng ngã ba". Lão cười khẹc khẹc.

TTNL bảo lão: Thế ký thẳng tên thế này à. Chắc là ký tên tác giả bài thơ, chắc là TTNL đang rủ rê lão trình làng Quân sử. Tôi có nghe nói, ai rủ được một CCB nhâp Quân sử thì được thăng 1 sao, không biết thực hư. Có lẽ đúng, vì thấy cha LXT "nhập ngũ QS" sau tôi mấy đợt mà bây giờ đã sao gạch loang loáng. Mà lão TTNL cũng dở hơi, sao gạch thật còn chẳng ăn ai nữa là sao gạch ảo do Quân sử cấp, khác gì thăng hạng cho các game thủ trong Thiếu lâm truyền kỳ trên mạng. TTNL phải giải thích thế nào là nick name. Gợi cho lão mấy cái tên rất hầm hố, lão chốt: Người lính. Tôi đùa: Lính là binh nhất binh nhì, chứ "Trả Đảng, trả lon thiếu úy" như lão nói thì là sỹ quan rồi chứ lính đâu. Lão bảo: "Lính là lính tất! Tướng cũng là lính". Yêu yêu cái lý sự cùn của lão.

Kiểu thơ lính, không màu mè, lãng mạn mà ngồn ngộn kỷ niệm là chính. Tôi đang dò dẫm từng dòng thơ viết ngoáy, sửa chữa nhằng nhịt thì lão giật lấy rồi tự đọc. Hóa ra cái giọng khàn khàn rất hợp với thơ, nghe rất phê. Nom bề ngoài, nghe tán róc, chẳng thể nghĩ lão là nhà thơ. Lão bảo: Cơi nới cái nhà, thấy lục tục mấy đứa đến hỏi giấy này, giấy nọ. Lão bảo: "Nhìn mặt tao đây này. Giấy phép tao để ở Thành Cổ Quảng Trị, máu thì vào mà xem". Khiếp! Người thì xương xương, da thì sẫm, bố ai dám đùa. Ấy vậy mà là nhà thơ. Hình như những người đen đen, như bạn tôi bên "Mặt trận Tây nguyên", đều có máu thơ, đều có giọng đọc thơ hút hồn.

Mất khối thời gian với bài thơ của lão bạn mới, bấy giờ mới quay sang hỏi lão bạn cũ. "Thế nào rồi?"  - Ổn. "Ổn là thế nào, cái u bằng rưỡi cái quả trứng đà điểu chứ có bé đâu". "Chậc, muốn xem thì đây này". Vết rạch dài cả gang tay, thế mà lão định giấu bạn bè, giấu cả vợ con, chích như trích mụn trứng cá, định trích nhanh buổi trưa, để chiều tối còn ra 19C NH. Lão này cũng đúng là "người lính" thật. Bây giờ có kết quả xét nghiệm rồi, thở phào, chứ nói thật cả tuần vừa rồi tôi cứ thắc thỏm.”


Mới đấy thôi, ốm đau còn có nhau, tán róc còn có nhau, tung hứng với nhau chứ bây giờ “đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.    
Logged

Nhật ký Viết lại
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #275 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2014, 09:39:10 pm »


Ôi chuyện mới đây mà bạn đã là người thiên cổ!

TTNL nằm viện mấy ngày mà ở nhà hắn không biết.
Hắn cứ sáng sách xe máy vào bệnh viện như đi làm, nằm viện cả ngày, khám và uống thuốc các kiểu, chiều muộn lại phóng xe về nhà ăn cơm tắm rửa ngủ nghê như thật, sáng sau lại vào viện. Mấy ngày sau tận đến khi phải mổ phải ký phải nhờ ông bạn 6971 không được bị lộ đành phải khai với vợ con. Hôm đầu vào viện chỉ có ba thằng bạn lính và ông bạn lính mới giường bên. Mấy hôm sau vào viện đã suốt ngày gặp vợ con TTNL, gặp cả ông bà thông gia.

Mới đấy mà như đã tận bao giờ!
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #276 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2014, 10:59:27 am »

Mới đó đã một năm trôi qua. Vào ngày này năm 2013 đoàn những CCB QT đi thăm và tri ân những anh em đồng đội đã chiến đấu và hy sinh tại Quảng trị, TTNL cùng với chúng tôi những người trong ban tổ chức, xây dựng chương trình, lo xe, khách sạn, chỗ ăn cho cả đoàn hơn 30 người. Đúng là tính cách của con nhà trinh sát, rất tỷ mỷ , cẩn thận chu đáo nhất là đoạn từ Huế trở vào, TTNL bước lên đầu xe xin phép làm hướng dẫn viên nghiệp dư, anh chuẩn bị bản đồ, giới thiệu chi tiết từng địa điểm, những trận đánh mà TTNL trực tiếp tham gia trinh sát. Anh khoe với tôi mới đổi được máy ảnh mới. anh chụp nhiều ảnh có những bức ảnh đẹp và trao đổi ảnh với tôi qua e-mail. Sau này tôi được biết khi đó ban ngày vào viện ban đêm về nhà viết bài gửi ảnh. Chỉ khi không thể làm được nữa mới thôi. Trong hộp thư của tôi vẫn còn giữ nguyên những những bức ảnh chúng tôi trao đổi . Tôi sẽ giữ mãi những bức ảnh và email của TTNL như những kỷ niệm đẹp nhất về người bạn, người đồng đội thân yêu. Những việc trước đây khi vào QT anh thường tranh làm, giờ đây sẽ có người khác làm thay. Nhớ Lê Minh -TTNL. Hà nội 25/7/2014
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #277 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2014, 11:02:37 am »

Le Minh Trong chuyến đi QT 2013
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #278 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2014, 05:59:26 pm »

Gọi Hạc (40)

Hè 1975, chính xác là thứ Bảy, 23/8, mình gặp lại LMinh ở nhà Minh, 60 phố Sơn Tây. Hai thằng lính gặp lại nhau sau gần năm rưỡi xa cách nhau, nhưng đâu phải là 2 năm rưỡi đời thường. Mình lao dồn dập, tới tấp câu hỏi vào LMinh, về đồng đội, về chiến trường, về trận này, trận nọ. Và thế nào cũng có câu: “Thế có bị dính mảnh đạn nào không?”. LMinh bảo: “Bị phát vào đầu, phát vào đít”. Đạn nó chừa phần giữa. Thế chứ lị.

Sau này, LMinh kể lại trong QS:
… Anh Lê Hồng Thanh xê viên thì chạy lên phòng tham mưu lo giấy chứng thương cho tôi. Lúc mang giấy chứng thương về, tôi xem và bảo anh ghi thiếu một vết thương:
-   Em còn bị một vết vào đít nữa đây này. Bây giờ chỉ ngồi được một bên mông thôi.
-   Đọc đi, mình viết bổ sung vào cho, vẫn là chữ viết của mình mà. Được rồi, sau này nhớ khám thương nhé !
-   Em nghĩ cái giấy này là một kỷ niệm thôi, em bị thương có tí tẹo, ăn thua gì mà khám.
"

TLT và 6971 thì nhận thẻ TB ngay từ khi đất nước vẫn chia 2 miền. Nặng nhẹ, đắt rẻ không biết nhưng cả 2 đều là 35%, trước kia là TB 2/8, sau đổi ngược thành 1/4. Ngày 27/7 hàng năm mỗi thẻ được cấp 1kg đường, ngọt khé cổ. Giá trị chẳng là bao nhưng thời bao cấp thẻ đỏ cũng được việc đáo để.

Nhắc LMinh đi khám thương tật, hắn bảo “Ngại chết, mà vết thương gãi ghẻ, khám xét gì, chẳng bõ xấu hổ”. Có thời, người người, nhà nhà đi làm sổ TB, dễ ợt. Nhắc hắn. Vẫn thế, cứ lì ra, ương ương: “Dễ sao B và T không đi khám lại để tăng bậc”. “Chậc, tăng bậc để làm quái gì! M ấy, phải làm đi để cho con cái nó được nhờ ít điểm thi chứ. Vì tương lai chứ” – LMinh cười “Thì vưỡn!”.

Mãi đến 2010, nghĩa là 35 năm sau chiến tranh, chẳng hiểu sao LMinh lại lẳng lặng đi làm sổ TB. Minh kể:  

“ …Cái giấy chứng thương, tôi gấp tư, nhét vào túi ngực. 35 năm sau tôi mới đi khám thương thì nó đã rách thành 4 mảnh, may mà không mất chữ nào. Người ta giám định thương tật và phong chức cho tôi thành thương binh loại bét.”

LM viết tưng tửng thế thôi, chứ cũng lên bờ, xuống ruộng mới có được cái thẻ đấy. Hôm nhận thẻ xong, LM mời mấy thằng bạn thân ra quán nhậu ở ngõ Hạ Hồi rửa thẻ.
  
- Người ta đua nhau làm thẻ Da cam rồi LMinh mới đến thẻ Đỏ, lạc hậu quá.
- Để kiếm được thẳng rể đã rồi ta lại túc tắc lo thẻ Da cam, M nhỉ.
- Thời xếp hàng, tem phiếu hết rồi, con gái học hành cũng xong rồi. Bây giờ mới có thẻ thì có mà “lỗ”.
- Lỗ là lỗ thế nào? Tổng kết tổ bộ môn hay chi bộ năm nay thế nào mà chẳng nêu thành tích: "Năm nay chi bộ đã có thêm 1 thương binh".
 
Ba mươi nhăm năm lặng lẽ ôm 2 vết thương, tháng 7 hàng năm lặn lội vào các nghĩa trang QT tri ân đồng đội, ... để rồi cuối đời dự được mấy lần người khác tri ân 27.7 mình (chẳng biết 2 hay 3 hay 4 là cùng) rồi lặng lẽ ra đi. Bạc quá, bạc quá!    
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #279 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2014, 07:28:15 am »

Gọi Hạc (41)

Khoảng giữa tháng 11 năm 2012, LMinh đột ngột đưa “Chuyện thật chưa đặt tên” lên QS.  LMinh nói ngay từ đầu: Đây là chuyện của Anh Thập - Hoạ sỹ, chứ không phải chuyện TTNL. Thì hiểu LMinh là người chắp bút, giống như hồi đã từng viết “Chuyện Lê Xuân Tường” vậy.

Tưởng đưa chơi chơi đôi ba chuyện lên, ai dè LMinh cặm cụi, liên tục “xem hồi sau sẽ rõ” hơn nửa năm trời mà đến tận lúc đi xa vẫn dở dang. Lúc đầu 6971 chỉ đọc lướt, sau thấy chuyện cha Thập có khá nhiều bất ngờ, thú vị, đồng cảm nên cũng bị cuốn hút. Tranh thủ vừa đọc, vừa tung hứng với anh em QS. Cũng vui.

Có hôm hỏi LMinh:
-   Minh nhặt ở đâu ra cái tay hoạ sỹ Thập ấy đấy?
-   Ờ, cũng là tình cờ, … Một hôm đi Hải Phòng, ờ  ờ … - Rồi chẳng hiểu sao LMinh lại chuyển sang chuyện khác. LMinh chơi rộng. 6971 cũng không cố gặng hỏi.

Mãi sau này, khi LMinh đã đi rồi, nhân vật Thập mới xuất hiện. Thì ra đấy là em rế Lminh, tên là 10.

Cũng dịp này năm ngoái, cuối tháng Bảy, thấy “Chuyện thật chưa đặt tên” gián đoạn mất mấy ngày. Thì ra LMinh đi QT, Thừa Thiên. Sau khi về, LMinh viết tiếp được mấy lần nữa, nhưng thưa dần rồi bỏ dở ở chuyện số 88 : Bước ngoặt. Mình nhắc LMinh có chỗ sai chính tả, giơ tay lại viết là dơ tay, nhưng chẳng thấy bạn trả lời - Một điều hơi lạ.
 
Thì ra LMinh bị ốm. Ốm ngay từ trước khi đi QT-TT. Cả trong lúc đi cũng khật khừ. Mà thực ra thì trước đó mấy tháng, hôm gặp nhau lớp Lý K15, đã thấy thần sắc LMinh kém lắm. Hỏi thì bạn bảo: Dị ứng ấy mà. Ngạc nhiên hôm đầu tháng 7, khi cùng nhau về Tứ Kỳ tiền trạm cho buổi gặp mặt Xê 20, thấy LMinh mới bỏ thuốc là, chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Một hôm xem ảnh LMinh trong chuyến đi QT-TT, mình đã sững sờ với bức ảnh LMinh trên dòng Thạc Hãn. Nom bạn sọm đi quá nhiều và gợi mình nhớ tới hình ảnh cụ Lê Giới (Bố Minh).
 
LMinh đi QT-TT về được khoảng 1 tuần thì phải vào viện, không gượng cầm cự ở nhà được nữa (xem post # 572). Nhưng cho đến 10/8 năm ngoái, hôm mọi người vào Bạch Mai thăm bạn thì ngay cả người bi quan nhất cũng không nghĩ đến chuyện gì quá xấu có thể xảy ra với bạn. Ai cũng nghĩ mấy bữa nữa bạn lại về với anh em 19C Ngọc Hà.

* Kèm ảnh LMinh trên dòng Thạch Hãn
Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM