Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:01:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Re: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 49981 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyendoantho
Thành viên
*
Bài viết: 439



« Trả lời #240 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2014, 12:07:33 pm »

Sắp Xuân mới rồi nhớ Lê Minh quá..Đã lâu không ra được 19C,chỉ còn 2 thứ bẩy nữa thôi.Chiều mai phải ra để tất niên vơi anh em nhé.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #241 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2014, 05:13:33 pm »


Nhân thấymột ảnh cũ chụp cùng TTNL chừng 5-6 năm trước khi đến thăm ảnh Nguyên Ngọc. Ảnh không rõ nhưng cũng in gửi lại đây. Ảnh này chắc do 6971 chụp.


Thứ Bảy vừa rồi, có cuộc hội ngộ trong Hà Đông của TraLienTay sau hơn 40 năm với người cùng tổ Tam Tam ngày nhập ngũ. Mấy đứa Xê 20 cũng cùng đi. Nếu là một năm trước, không thể thiếu L. Minh.

Gửi theo ảnh TLTay một bức ảnh chụp hôm đến thăm anh NN.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2014, 07:53:31 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #242 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2014, 10:45:48 pm »

Gọi Hạc (26)

Khoảng hơn tuần sau những trận đánh ác liệt quanh Cam Ranh, những người lính trinh sát Xê 20 đã tràn đến Xuân Lộc, nơi có chốt chặn tử thủ của bên kia để bào vệ SG.
 
Đã là những ngày cuối tháng Tư năm Bảy Nhăm. Chiều 21.4, Xuân Lộc đang là những giờ phút hấp hối của phía bên kia. Phía bên ta, để đảm bảo thần tốc, một số đơn vị vẫn tập trung tấn công Xuân Lộc, riêng sư 325 nhận chỉ thị tránh Xuân Lộc, đi vòng về phía biển, hướng Bà Rịa Vũng Tàu, hình thành một mũi quân khẩn trương tiến về Sài Gòn. Phía bên kia, những đơn vị lính Dù tháo chạy khỏi Xuân Lộc về SG bị chặn đánh tơi tả, nhưng cũng có những đơn vị rút về SG theo hướng vòng ra phía biển như đường đi của sư 325.

Đêm 21.4.1975, hơn chục chiến sỹ trinh sát Xê 20 đi tiên phòng trên 1 xe Giải phóng, tiếp sau là một xe Jeep, tiến về phía Châu Đức, Bà Rịa, hướng về SG. Rạng sáng, xe ta đã đụng với một toán tàn quân tại địa phận xã Ngãi Giao. B trưởng Nguyễn Thế Dân và trinh sát trẻ Ngô Thanh Nhật đã hy sinh. Một vài người bị thương, trong đó có L Minh. Một tổn thất đáng tiếc ngay cửa ngõ SG.

Một chiều tháng 6 năm Chín Nhăm, nhân vào dạy ở phân hiệu ĐH Giao thông ở SG, Minh một mình đi xe máy tìm lại nơi đã để lại vết sẹo trên cơ thể và cả trong trái tim người lính từ hơn 20 năm trước. Đã rất nhiều thay đổi, nhưng vẫn có những rừng cao su âm u như mê cung, những con đường chập chờn trong ký ức. Địa chỉ là một dòng ngắn ngủi ghi trên giấy chứng thương của Minh: “Cách thôn Đồng Cùng 2 km, xã Ngãi Giao, Châu Đức, Bà Rịa”. Chịu không tìm được mộ Dân và Nhật, chủ nhật tuần tiếp sau Minh lại rủ thêm mấy đồng nghiệp và sinh viên từ SG lên nghĩa trang Châu Thành lặn lội cố tìm.

“Mất gần hai tiếng đồng hồ, tám thằng tôi mới tìm gần hết, còn lại vài ô. Bạn bè đi cùng tôi, người kém, người hơn tuổi tôi, tất cả đều là dân sự và chưa bao giờ cầm súng kể cả làm lính “Việt cộng” hay lính “Quốc gia” nhưng ai nấy rất tận tình. Một mình tôi thẫn thờ quay lại cổng nghĩa trang. Tôi ngồi dựa lưng vào cổng mà mắt đăm đăm nhìn các hàng mộ. Các đồng đội xếp hàng tề chỉnh, thẳng hàng ngang, thẳng hàng dọc, thẳng hàng chéo, như một đội quân đang duyệt đội ngũ. Mắt tôi nhìn mà như không nhìn vào những chữ “Vô Danh”. Tưởng như  hàng ngàn cặp mắt “không tên” đó đang chiếu vào tôi, vây lấy tôi, . . . làm tôi bất động, nghẹn thở, . . . bơ thờ”.

Câu chuyện gia đình đi tìm mộ các anh Dân và Nhật cũng thật ly kỳ. Sau Bảy Nhăm ít lâu, gia đình LS Nhật có tìm đến nơi chôn cất 2 anh. Hai ngôi mộ ven đường hoang vu. Rồi bẵng đi, sau 2 lần quy tập thì mộ 2 anh trở thàng một trong vô vàn ngôi mộ “chưa biết tên” ở nghĩa trang Châu Thành.
  
Thế là lại đành nhờ ngoại cảm, chỉ ra cho 2 ngôi mộ ở hàng này, dãy kia và tin là xương cốt người ruột thịt ở bên dưới. Nhưng rồi giữa năm 2011, bỗng có một ai đó từ Ngãi Giao liên hệ với gia đình, thông báo về sự tồn tại 2 ngôi mộ bộ đội ở đúng nơi đã xảy ra trận đọ súng đêm 21.4.75 giữa các trinh sát Xê 20 và tàn binh SG. Giờ đây nơi 2 anh nằm đã thành 2 bên hè của một con phố. Người báo tin chính là chủ căn nhà mà mộ LS Dân nằm trên hè phố sát mép tường nhà.

Tháng Chín năm 2011, bọn mình cùng gia đình và địa phương đón 2 anh về với quê hương.

* Kèm ảnh minh họa của Minh về Ngãi Giao và ảnh đón 2 anh về.    


« Sửa lần cuối: 28 Tháng Giêng, 2014, 10:42:32 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Congairuou
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #243 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2014, 10:00:22 pm »

Sắp Giao thừa rồi, con phải làm sao, buồn, trống trải, nhớ bố!
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Giêng, 2014, 10:15:12 pm gửi bởi Congairuou » Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #244 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2014, 10:09:38 pm »

Gọi Hạc   (27)

Tổn thất đêm 21.4.75 của Xê 20 ở Ngãi Giao – Châu Đức dù không lớn, mất một cán bộ và một chiến sỹ trinh sát, nhưng thật đau đớn vì chỉ còn cách Sài Gòn không xa. Thật may mắn là đêm ấy LMinh chỉ bị dính chấu cối cá nhân ở đầu và hôm sau vẫn trốn không đi viện. Chắc vào những giờ phút ấy, ai cũng háo hức hy vọng được tận mắt chứng kiến giờ phút lịch sử của đất nước.

Đấy là suy nghĩ bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa, chứ lúc đó dù có tin chắc ngày khải hoàn sắp đến rồi, thì cũng đâu có chắc là còn bao nhiêu ngày nữa, liệu còn có những đêm Ngãi Giao – Châu Đức nữa không, liệu có những ai sẽ ngã xuống trước bình minh không?

Sau Ngãi Giao – Châu Đức, hướng sư 325 tiếp tục thần tốc tiến về phía Sài Gòn. Tiếp đến là trận đánh chiếm quận lị Long Thành – Đồng Nai. Trận này không ác liệt lắm nhưng dai dẳng, mất tới 2 -3 ngày rất khó chịu, đến tận 27.4 mới dẹp xong hẳn. Lực lượng chủ lực của sư đoàn đã phải bỏ qua tiếng súng kháng cự vẫn lẹt đẹt trong những con phổ hẻm để lướt về phía trước. Xê 20 không bị tổn thất nào ở Long Thành, nhưng đã có không ít máu của nhiều đồng đội e101 và những người anh em thiết giáp 203 đã đổ xuống Long Thành.

Mãi đến cách đây vài năm mình mới có dịp lần đầu tiên qua vùng Long Thành trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Bây giờ loang loáng phố xá, cao tốc, khu công nghiệp, sân bay, ... Ngồi trên xe đã thầm nhủ năm nào rủ nhau, bạn đưa mình về lại Đồng Cùng, Long Thành, nơi một thời trai trẻ xông pha trinh sát binh địa.

*Kèm ảnh LMinh, chụp khi vẫn còn rõ vệt tóc bị cắt để băng bó vết thương do mảnh cối cá nhân ở Ngãi Giao.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2014, 08:36:11 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #245 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2014, 11:49:53 am »

Gọi Hạc (28)

Theo hướng Đông Bắc Sài Gòn, sư đoàn 325 khi đó gồm trung đoàn 18, trung đoàn 101, bổ sung thêm trung đoàn 46 đã thanh toán xong quận lỵ Long Thành, hừng hực tiến tiếp về phía Sài Gòn. Trước mặt sẽ là quận lỵ Nhơn Trạch và Thành Tuy Hạ, những cản trở ruồi cuối cùng bên của ngõ Sài Gòn.

Địa danh Thành Tuy Hạ gắn với tổng kho bom đạn và vũ khí của bên Sài Gòn và cũng gắn liền với những chiến công dũng cảm của Đặc công rừng Sác hồi năm Bảy Hai. Thành Tuy Hạ là căn cứ nổi tiếng kiên cố với tầng tầng lớp lớp tường rào, nhất là sau mấy vụ đột kích của đặc công, nhưng trong khí thế những ngày cuối thánhg 4 năm Bảy nhăm, việc đánh chiếm Thành Tuy Hạ không mấy khó khăn. Thậm chí, theo Lê Minh kể lại thì chúng ta đang thực hiện “thần tốc” nhưng khi thế trận đã rõ mười mươi, ta lại không vội vã trong mấy ngày 26-27-28/4, với chủ trương để cửa cho Mỹ và phía Sài Gòn có cơ hội di tản. Một việc làm nhân đạo.

Ngày 29/4, sư 325, dẫn đầu là e46 đã tràn qua Thành Tuy Hạ. Pháo 130 ly kéo sát Nhơn Trạch, giót uy hiếp vào sân bay Tây Sơn Nhất. Chẳng bõ những ngày hứng pháo biển giã ta ở Quảng Trị.
 
“Tầm bảy tám giờ sáng, rất nhiều F4 của hải quân Mỹ bay ầm ào trên trời, rất thấp, hết tốp này đến tốp khác. Chúng lượn vòng ngay trên đầu chúng tôi. Lúc đầu chúng tôi không hiểu là chuyện gì. Sao chúng nó bay nghênh ngang thế mà pháo 37 của ta không thấy lên tiếng ?

Lại một “cụ” nào đó nói với chúng tôi:

-   Mỹ nó bay hộ tống cho việc rút quân đấy. Chúng mày có thích xem Mỹ nó rút quân thì trèo lên đồi kia mà xem. Cao xạ được lệnh không bắn máy bay Mỹ. Mấy thằng A72 ngứa tay cũng phải nhịn (A72 là tên lửa phòng không vác vai tầm nhiệt).

Có lẽ "các cụ" được phổ biến mà "các cụ" còn nghe cả BBC và Tiếng Nói Hoa Kỳ nữa.  "Cụ" nào chả thế.

Chúng tôi trèo lên cái đồi nằm bên trái đường đi Nhơn Trạch và nhìn về thành phố. Vướng rất nhiều đồi ở phía trước nên chúng tôi không nhìn rõ máy bay đáp xuống chỗ nào trong thành phố. Nhưng, một cảnh tượng thật là hoành tráng mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy. Không biết cơ man nào là máy bay trực thăng, như, một bầy ong vỡ tổ, những cái bay lên, bay xuống, lượn vòng, ào ạt, nhao từ phía nam tới rồi khi cất lên lại lao về phía nam (phía biển).

-     Kinh quá nhỉ, cứ như một đàn ruồi ý nhỉ !
-     Nhiều thật đấy !
-     Thì Mỹ nó rút mà lại.
-     Có khi có cả trực thăng của không quân ngụy.
-    Thì ngụy nó cũng chạy chứ !

Sau này nhiều lần xem các loại phim Mỹ tôi cũng chưa thấy lần nào có nhiều máy bay trực thăng như thế.
Chúng tôi đứng xem Mỹ rút bằng trực thăng rất lâu. Chắc trực thăng bay ra tàu đổ người xuống rồi quay lại Sài Gòn đón đợt khác. Ai nấy đều hiểu rằng cuộc chiến sẽ chỉ còn ngày một ngày hai nữa tôi. Bình minh sắp đến rồi. Trong lòng ai nấy đều rộn ràng. Thoáng qua một ý nghĩ, có thể mình sẽ được chứng kiến giây phút đó.  Hay là, ai sẽ ngã xuống trên đường từ đây đến, trước lúc bình minh ! Dù có bất chợt nghĩ như vậy, thảy không một ai chùn bước”.


Bao mồ hôi và cả máu để được có những phút giây ngất ngây mà ai cũng thèm được chứng kiến. Thế mà đọc những dòng cuối của Minh, mắt kính mình vẫn nhòe đi. Ừ, rồi có những tuổi đôi mươi không được đón bình minh dù đã tang tảng sáng, rồi có những người may mắn như bọn mình trở về, và rồi những người trở về vẫn phải đến lúc chia tay nhau, thật nghiệt ngã.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2014, 03:17:59 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #246 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2014, 07:14:34 pm »


Nhớ Lê Minh. Thỉnh thoảng phóng trên đường Hà Nội vẫn chợt nghĩ giá có Lê Minh cùng lượn thì vui. Rồi "chỗ này hồi trước đã ngồi cùng nhau" ...

--
Sau này nhiều lần xem các loại phim Mỹ tôi cũng chưa thấy lần nào có nhiều máy bay trực thăng như thế.
--

Đúng là không phim nào có thể có số máy bay nhiều thế (trừ khi hiện nay có thể dùng máy tính cho số máy đầy trời, như bạt ngàn tàu thuyền trong phim Xích Bích).

Mình không đi đến cuối cuộc chiến như Lê Minh và đơn vị để có cái cảm giác những ngày trước hoà bình, để bồi hồi mình sẽ sống hay ngã xuống trong những ngày cuối, nhưng dường như cũng có hình dung được cái cảm giác hết sức đặc biệt ấy.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #247 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2014, 09:43:29 pm »

Gọi Hạc (29)

Và những phút giây chờ đợi của người lính cũng đến. Cảm ơn L Minh, người đã dũng cảm và may mắn đi đến tận cùng cuộc chiến, để mấy mươi năm sau truyền lại cho bọn mình cái cảm giác hồi hộp, háo hức tưởng như còn nóng hổi. Có thể nó rất khác so với văn chương, phim ảnh đâu đó, nhưng đây là một góc của cuộc chiến sáng 30/4/75 dưới góc nhìn của một người lính trinh sát mà mình vô cùng yêu quý, tin tưởng.

“Đêm tối, chưa nhìn được bờ sông bên kia. Chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy những ánh đèn lốm đốm sáng của các căn nhà. Nổi bật nhất là mấy cái tàu chiến của địch đang đậu ở căn cứ Cát Lái. Các cửa sổ nhiều tầng của các con tàu hầu hết đều có ánh đèn. Không biết địch đang làm gì. Liệu có phải chúng tập trung tàu và dùng hỏa lực mạnh của các tàu để chống trả cuộc vượt sông của chúng tôi. Hay là chúng vẫn không hay biết gì bờ bên này, hay là chúng đang lục tục chuẩn bị tháo chạy.

Phân đội khoảng tám, chín hay mười người (bây giờ không nhớ rõ). Tôi chỉ còn nhớ chính xác có Tất y tá, Quynh a trưởng a4 và tôi. Những người khác thì nhớ không chắc chắn lắm. Hai chiếc ghe máy của du kích sẽ chở chúng tôi qua sông trước khi trời sáng.

Chúng tôi xuống thuyền. Hai chiếc thuyền máy nổ máy. Đây là hai chiếc ghe nhỏ và dài, kiểu ghe nam bộ. Chỉ có hai du kích đứng cuối thuyền điều khiển còn lại cúi rạp xuống, súng lăm lăm hướng về phía trước. Màn sương vừa đủ để chúng tôi có thể nhìn thấy căn cứ Cát Lái và hai chiếc tầu của hải quân địch đang đậu ở đó. Chắc chắn khi chúng tôi lao ra giữa dòng nước thì địch cũng nhìn thấy. Hy vọng là chúng tưởng là thuyền của dân chạy sang phía chúng mà không bắn ẩu.

Hai chiếc thuyền chếch mũi, ngược dòng nước và lao ra sông khá nhanh. Hai chiếc thuyền ngược dòng nước một đoạn rồi rẽ sóng sang ngang. Mọi người ngồi rạp dưới lòng thuyền nhưng mọi con mắt đều hướng về phía trước. Bờ sông bên kia vẫn là hai chiếc tàu hải quân của địch và trong căn cứ Cát Lái vẫn có nhiều ánh đèn.

Sau lưng chúng tôi, tất cả hỏa lực đã sẵn sàng nổ súng nếu có chuyện gì bất trắc. Khoảng cách chỉ là 800 mét sao tôi có cảm tưởng nó rất rộng. Sao chiếc ghe gắn máy lại chạy chậm như vậy. Sau này, khi kể lại, bạn tôi thường thêm “mắm, muối, hạt tiêu” vào cho câu chuyện vượt sông của trinh sát thêm đậm đà. Rằng, khi đang vượt sông thì địch phát hiện, bắn xối xả vào hai con thuyền. Rồi pháo binh của ta lên tiếng và cuộc bắn nhau rất quyết liệt. Cuối cùng thì hai con thuyền cũng sang được bờ bên kia. Tuy nhiên, sự thực hai con thuyền nhỏ không bị địch bắn một phát đạn nào và lúc chúng tôi vượt sông, không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Lúc đó tiếng máy nổ của hai chiếc ghe nghe rất ầm ỹ và là động tĩnh duy nhất trên sông.

Hai chiếc thuyền cập vào bờ gần như cùng lúc và khá gần nhau. Chúng tôi nhảy xuống thuyền, chạy lom khom trên mặt ruộng trống trải. Trời đã sáng, bến cập của chúng tôi thì ngay phía bắc căn cứ Cát Lái có vài trăm mét. Anh em nhanh chóng vận động trên đồng trống và ẩn nấp trên những bờ ruộng.

 Cứ hai người một, “cóc nhảy”, dịch chuyển dần áp sát với căn cứ. Trời đã sáng bảnh, không còn cách nào khác là phải tiến càng nhanh càng tốt. Tất cả các con mắt đều căng ra quan sát mọi động tĩnh của căn cứ, những ngón tay mấp máy đặt trong vòng cò, sẵn sàng nghoéo lại. Chỉ cần thấy một động tĩnh của địch trong căn cứ phát hiện ra toán trinh sát thì súng nổ. Súng AK của chúng tôi mà lên tiếng thì lập tức từ bờ bên kia các loại pháo sẽ lập tức khạc lửa.

Duyên di chuyển phía trước tôi, liên tục đàm thoại về bên kia, báo cáo không có động tĩnh gì trong căn cứ. Mãi quãng 6 giờ sáng mới thấy bờ bên kia bắn mấy chiếc tàu chiến hải quân của địch có tính chất xua đuổi chứ không phải bắn hủy diệt. Hai chiếc tàu địch cũng có bắn trả chút ít gọi là rồi bỏ chạy thẳng. Không hề có phát đạn nào của ta bắn vào căn cứ Cát Lái.

Chúng tôi quan sát thấy bờ tường phía bắc của căn cứ có một khoảng trống do bờ tường bị phá đổ. Anh Hạnh yêu cầu tiến thật nhanh vào Cát Lái qua khoảng tường đổ đó. Có vẻ như bờ tường này cũng mới bị phá, không biết vì sao. Sau này tôi mới nghĩ, có thể lính địch phá tường để nếu có bị tấn công thì có thêm lối thoát cho nhanh. Cũng có thể chúng phá tường để tuồn đồ đạc ra khỏi căn cứ mà không đi qua cổng chính. Lính rã đám biết là có thể làm những gì ?

 Cả toán trinh sát vượt qua chỗ tường đổ và lọt vào bên trong. Tất cả các tay súng đều lăm lăm chĩa về mọi hướng. Bây giờ mà nổ súng thì chúng tôi sẽ cùng chịu trận pháo của ta giã vào đầu, chung với lính địch. Nhưng, tất cả các ngón tay trỏ đều đã sẵn sàng nghoéo cò.

Cái góc căn cứ Cát Lái này có lẽ thật sự là chỗ ra vào của lính tráng trốn trại ra ngoài. Gần đó là một tháp nước khá cao. Tiếng loa của máy truyền tin rọc rẹc trên tai Thứ. Nó nói:

-    Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng Luyến nói sẽ bắn pháo ngay vào đây.
-    Nói ngay, chúng tôi đang ở trong căn cứ rồi, dừng ngay việc bắn pháo. Trong căn cứ có lẽ
     không có địch. Chúng tôi đang tiến vào trung tâm căn cứ. – Anh Hạnh nói.
-    Báo cáo, bên kia vẫn chuẩn bị bắn.
-    Nói lại đi, chúng tôi đang ở trong căn cứ rồi, đừng bắn. – Giọng anh Hạnh hơi gắt, có vẻ như anh đang bực mình vì bên kia không hiểu ý.

 Phải vài lần gào vào máy mà bên kia vẫn thông báo nổ súng vào Cát Lái. Cuối cùng mấy người xúm lại quát vào cái ống nói:

-    Chúng tôi ở trong này rồi, đừng có bắn vào đầu chúng tôi. Trong này không có địch !
  
     Và rồi bờ bên kia cũng hiểu ra chuyện và hỏi lại, rất lằng nhằng. Anh Hạnh phải giằng lấy ống nói và quát:

-    Tôi Hạnh đây. Chúng tôi ở trong căn cứ Cát lái rồi. Trong này không có địch. Đề nghị cho bộ đội vượt sông !

Lằng nhằng đến khoảng 10 giờ, anh Hạnh mới giao nhiệm vụ cho các nhóm. Tôi không còn nhớ anh Hạnh phân công những ai sục ra bến phà và trấn giữ đầu bến phà để bên kia vượt sông sang. Một nhóm ba người chúng tôi phát triển theo hướng ngược lại.
 
Ba thằng đi từ Cát Lái dọc theo liên tỉnh lộ 25. Trên bản đồ 1:25000 thấy con đường dẫn đến một bến phà trên sông Sài Gòn, gọi là bến Bạch Đằng (là chỗ đường hầm Thủ Thiêm bây giờ). Ba thằng cứ dọc theo đường, giữ đúng cự li vài chục mét theo đội hình zic-zac. Đoạn này hai bên đường đều có nhà dân san sát. Đich đã bỏ chạy từ lâu rồi, dân thì không thấy đâu. Không biết họ ở trong nhà hay cũng chạy đi đâu rồi, con đường vắng lặng quá. Tôi vừa tiến mắt vừa láo liên quan sát rất nhanh. Bất cứ động tĩnh gì bất trắc có thể xiết cò ngay lập tức. Hai thằng đi sau tôi cũng vậy.

Chúng tôi tiến rất nhanh. Tới ngã ba, một đường đi thẳng sẽ ra đường đi cầu Sài Gòn. Chúng tôi rẽ trái đi theo LTL25 để ra bến Bạch Đằng. Nếu ở đó có phà hay thuyền của dân đều có thể qua sông mà tiến thẳng đến dinh Độc Lập. Tại sao chúng tôi không chọn đường ra cầu Sài Gòn ?  Là vì, chỉ có mấy thằng trinh sát lẻ mà ra cầu Sài Gòn, chắc chắn địch có phòng ngự kiên cố làm sao mà vượt qua dược. Con đường chúng tôi chọn tuy có vướng bến phà qua sông nhưng sẽ không có địch lập tuyến phòng thủ vì đường này xe tăng qua sông sẽ khó nên “Việt Cộng” không chọn".


* Kèm bản đồ do L. Minh vẽ, mô tả con đường vào SG sáng 30/4/75 của lính Xê Hai Mươi.

(Còn nữa)


« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2014, 07:27:40 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #248 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2014, 09:48:07 pm »

Gọi hạc   (29)

(Tiếp theo)

"Mới đi được một đoạn cỡ mấy trăm mét kể từ ngã ba, đoạn này nhà dân thưa thớt, chúng tôi chợt thấy có gì đó bất thường trong các nhà dân. Những người dân thập thò qua cửa. Họ đang dớn dác nhìn. Rồi dân cũng thấy chúng tôi. Một người dơ tay vẫy, rồi nhiều người cùng vẫy. Rồi có người nào đó hô lên:

-    Mấy ông Giải Phóng !  Tổng thống đầu hàng rồi !

Rất nhanh, chỉ một loáng, một số người dân đã bao quanh chúng tôi tuy rằng họ chưa dám đứng quá gần. Hết người này đến người khác hồ hởi nói, tổng thống đã đầu hàng trên đài phát thanh rồi.

Ba thằng chúng tôi cũng sững sờ trong một cảm xúc khó tả. Không hẳn là “niềm vui vỡ òa” như bây giờ thường nói. Một cảm xúc giống như người chạy Ma ra tông, nước rút về đích. Chỉ là một cảm giác thẫn thờ. . .

Nhiều người dân lần lần bao quanh chúng tôi. Mọi người rất hồ hởi, cũng có người ra xem vì tò mò. May là mọi người không sán vào quá gần. Mấy thằng lính, không nhớ đã bao nhiêu ngày không tắm và đang “tỏa hương”.

 Mấy thanh niên lượn Honda đến và hỏi:

-    Mấy ông Giải phóng cần đi đâu bọn tui chở ?
-    Mấy anh cần đi đâu, tui chở ?

Rồi một chiếc xe lam phành phạch cũng đỗ xịch lại đòi chở chúng tôi đi bất cứ đâu chúng tôi muốn. Ba thằng quyết định chọn xe lam để đi được cả nhóm. Chúng tôi yêu cầu chạy về Dinh Độc Lập. Khi chiếc xe lao đi thì trên xe, ngoài người lái, không phải chỉ có ba thằng lính chúng tôi mà có thêm một vài thanh niên nữa cũng đi “chơi” cùng. Xe chạy khá nhanh về phía bến Bạch Đằng. Mươi phút sau đã đến bờ sông Sài Gòn. Bên này là đất quận 9 còn bên kia là quận nhất.

 Mấy thanh niên nhanh nhẹn nhảy xuống xe và đi tìm người lái phà. Anh xe lam nói, hàng ngày anh ấy vẫn chở mấy bà đi chợ bên kia sông qua phà này. Đi đường này phải qua phà nhưng “rất phẻ” (rất khỏe), “đường ngắn không mấy anh à !” (bây giờ mọi người đều gọi chúng tôi là anh rồi, sau khi chúng tôi phàn nàn về chuyện gọi bằng “ông”).

Mấy thằng trinh sát đứng sát ra bến phà mà ngóng sang bờ bên kia. Lúc đó tôi chẳng biết nhà nào là nhà nào. Mà, có nhìn thấy chữ “Magetic Hotel” thì bây giờ cũng quên rồi. Nhưng, rất hoành tráng. Đặc biệt là các cao ốc. Lúc đó Sài Gòn đã có một số cao ốc, cái cao nhất có đến 16 tầng. Ở Hà Nội lúc đó chỉ có nhà bốn năm tầng là cao nhất. Trong mắt tôi lúc đó, Sài Gòn là thành phố giàu có và hiện đại. Rất nhiều biển quảng cáo đủ các cỡ và màu sắc treo khắp mọi nơi trong thành phố. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó, biển quảng cáo làm giảm cái đẹp của thành phố. Đường Bạch Đằng bên kia sông vẫn thấy Honda, rồi xe đạp và ô tô ngược xuôi mà không quá đông, trông rất thanh bình. Ngay bờ bên kia chưa có lính ta tới, cũng không thấy một lá cờ nào nửa xanh nửa đỏ hay cờ đỏ sao vàng. Tôi rất nóng lòng, chỉ muốn vượt qua sông ngay.

Chừng 15 phút sau, mấy thanh niên quay lại, vẻ mặt thất vọng:

-    Có phà mà không có người lái mấy anh ơi ! giờ sao hả mấy anh ?

 Lúc đó trong tốp 3 chúng tôi có một người “cấp bê” (không nhớ là ai). Tôi chỉ còn nhớ ý kiến của tôi lúc đó là muốn qua sông “đi chơi Sài Gòn cái ! Không có phà thì đi thuyền cũng được, có mấy trăm mét chứ bao nhiêu” thì anh ấy bảo “thôi, quay lại. Bây giờ có đi tiếp thì cũng chỉ là đi chơi chứ không còn nhiệm vụ gì để làm. Không khéo rồi lại lạc đơn vị”

Chiếc xe quay lại ngã ba. Chúng tôi xuống xe, cảm ơn anh xe lam và mấy thanh niên.

-    Chờ ở đây thôi anh ạ !
-    Ừ !

 Lúc này dân đã đổ ra đường, họ đứng thành từng toán rải rác hai bên để chờ đón và xem bộ đội vượt sông qua đây. Không phải là quá đông người như các bức ảnh chụp mà sau này ta thường thấy. Những bức ảnh đó, tôi cho rằng là ảnh dựng lại để chụp.

 Phải một lúc sau thấy từng toán bộ đội lục tục từ hướng Cát lái tới. Anh em đi thoải mái chẳng có hàng lối gì. Trên mặt mọi người không còn nét căng thẳng. Mọi người bước đi hồ hởi lắm, những bước đi thanh thản, dường như vô định. Ừ thì, mấy chục ngày qua, chúng tôi liên tục hành quân, liên tục đi về một hướng, ấy là hướng Sài Gòn. Thì đây, Sài gòn đây rồi. Bộ đội vượt sông bằng các phương tiện khác nhau, xuồng máy, ghe máy, xe lội nước, . . . .

Hình như mọi người vượt sông không có tổ chức gì, mạnh ai sang được trước thì sang. Người sang trước sẽ chờ anh em cùng đơn vị sang sau. Suốt từ Bến Cát Lái đến chỗ ngã ba lính dồn lên ngày càng đông . Xê 20 của chúng tôi cũng thấy lẻ tẻ toán trước, toán sau qua sông. Chúng tôi tụ tập ở đây để chờ mọi người. Riêng c20 chúng tôi mách nhau vào Cát Lái lấy đồ trong kho nên ba lô đứa nào cũng đầy những thuốc lá và đồ hộp.

Có lẽ phải đến 12 giờ ngày 30/4/1975, anh em c20 mới hội tụ đủ ở cái ngã ba này. Nhưng chưa có xe nên mọi người phải đợi. Đủ các loại xe, nào thì thiết giáp và xe tăng tự bơi, nào thì “Vọt Tiến”, nào thì “Giải Phóng, nào thì “Zin Ba Cầu” (chính xác là Hoàng Hà, vì là xe TQ), rồi “Comăngca”, “Bắc Kinh” (loại xe bắt chước Comăngca), . . . . Không còn biết là xe nào của đơn vị nào nữa. Tất cả cứ nháo nhào, mạnh ai nấy chạy. Chỉ cần trong đơn vị có người nhớ số xe hoặc nhớ lái xe thì là “xe của mình” và anh em ào ào trèo lên thùng. Quang cảnh thật nhốn nháo và hỗn độn.

Rồi thì, Chắc khoảng 1 giờ chiều, đại đội tôi cũng lên được xe. Như tất cả các xe khác, thảy đều chạy về Sài Gòn, theo đường qua cầu Sài Gòn. Từ ngã ba, xe chạy thẳng ra hướng đường 1. Đường QL1 cao hơn hẳn, nên ở chỗ cắt nhau là một cái dốc khá cao. Tôi nhớ cái dốc này vì một lần lái xe Jeep qua đây, tôi không tăng ga và để xe bị chết máy giữa dốc.

 Ra đến đường lớn thì, thật là kinh hoàng !  Không biết bao nhiêu là xe, không biết bao nhiêu là lính. Đúng là trên trời, dưới lính. Tất cả các xe đều chạy theo một hướng, không theo “đội hình hành quân” nào hết. Các trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn rùng rùng chuyển động, không còn phân biệt được ai với ai. Tất cả đều là lính.

Không biết cảm xúc những người lính lúc này như thế nào. Anh em có sung sướng, hay hồ hởi, hay tự hào, hay gì gì đó, . . . Nhưng tôi nhận thấy một điều, tất cả các nét mặt lính đều giãn ra. Dường như tất cả thần kinh và “các cơ quan đoàn thể” đều được thả lỏng. Không còn thấy đâu, nỗi âu lo ngày thường của lính trận. Không thấy đâu, nét mặt đăm chiêu, đôi mắt tia lia láo liên, đôi tai trực chỉ mọi tiếng động. Cái bản năng sẵn sàng chạy, sẵn sàng nhảy, sẵn sàng lăn xuống hố để tránh đạn hay sẵn sàng nghoéo cò dường như lặn đi đâu hết cả.

Tiếng cười nói trên xe ầm ĩ. Có xe còn hát tập thể “Rầm rập bước chân ta, rung chuyển thành phố Sài Gòn . . .”, “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười . . . Sài Gòn ơi, ta đã về đây ta đã về đây . . .”. Hầu hết các xe đều cắm cờ nửa xanh nửa đỏ, chúng bay trong gió phần phật như chưa bao giờ được thế. Đến gần cầu Sài Gòn, có chiếc xe bị chết máy làm đoàn xe bị dồn lại. Tiếng hò hét trên các xe: “đẩy sang bên đê !”, rồi nhiều tiếng hô: “đẩy xuống ruộng đê !”, . . .

 Chỗ cầu Sài Gòn có mấy chiếc xe tăng của ta bị cháy, khói vẫn đang bốc lên leo lét. Trên cầu là chướng lũy bằng thùng phi cát và bao cát. Những người đi trước đã rỡ bỏ bớt nhưng chưa hết. Những chiếc xe của đoàn quân qua cầu phải qua từng chiếc một ngoằn nghoèo theo đường rắn lượn.

Qua cầu Sài Gòn được một đoạn ngắn thì không còn đi được nữa. Xe lính ùn ùn kéo vào thành phố. Đồng bào chạy loạn đi bộ gồng gánh đồ đạc, xe Honda, xe lam, đủ các kiểu xe ô tô của dân thì ùn ùn túa ra từ trong thành phố. Con đường trở nên kẹt cứng. Có lẽ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ Sài Gòn lại kẹt đường như thế này. Không có ai điều hành, tất cả cứ lao lên, “nhào vô”. Đứng trên thùng xe, nhìn ra xung quanh, ngoái lại phía sau, đâu đâu cũng người và xe, đặc quánh, à à như vô vàn tổ ong. Chỗ nào cũng thấy động đậy mà chẳng ai có thể nhích lên được.

Rất lâu, chẳng xe nào có thể nhích lên được. Và, rất nhanh, đã thấy nhiều người mang hàng ra bán cho bộ đội. Đầu tiên phải kể đến trà đá. Đây là lần đầu tiên những chú lính”Quảng Trị” nhìn thấy nước trà đóng trong túi ni lông lại còn có mấy cục nước đá bên trong. Túi nước được buộc chun và cắm một cái ống để hút. Mọi người trên xe đều không hiểu đây là nước gì. Giải thích mãi thì chúng tôi cũng hiểu được đây là nước chè. Ai nấy đều bất ngờ và lấy làm thích thú vì biết thêm “món lạ”. Không chỉ trà đá mà còn có nước mía đá đóng túi. Nước mía thì biết rồi nhưng đóng túi bóng thì thật là lạ.  

Giao dịch liền sau đó là của các thanh niên cầm đồng hồ và bút máy đi quanh các xe bộ đội. Nhiều anh em đã biết các loại đồng hồ và bút máy từ hồi 1972 ở Quảng Trị. Nhưng bây giờ, lính hầu hết là “cò lùi” (=Cò không tiến = Tiền không có). Những chiếc đồng hồ rất đẹp Orient, Seiko (anh em thường đọc là sen-cô do chữ hiệu của loại đồng hồ này là SEIKO). Lúc bấy giờ không phải là đồng hồ tốt nhất nhưng bình dân và phổ biến nhất. Mọi người trên xe tôi cũng cầm và truyền tay nhau xem nhưng không ai mua.  Có một cậu thanh niên, trông không phải là dân “bán đồng hồ dạo”,  cứ nài nỉ muốn đổi đồng hồ cậu ta đang đeo tay để lấy tiền cách mạng làm kỷ niệm, bao nhiêu cũng được, một tờ cũng được. Một chiếc ORIENT mặt trắng mạ vàng và dây cũng vàng óng. Bạn tôi đã đổi 1 đồng để lấy chiếc đồng hồ đó. Chiếc đồng hồ này bây giờ vẫn còn và trở thành một kỷ vật.

Anh em bắt đầu lôi đồ hộp chiến lợi phẩm ra chén. Rất nhiều loại khác nhau, hộp to, hộp bé, hộp cao, hộp dẹt, hộp tròn, hộp bầu dục, . . . bên ngoài đều sơn màu cứt ngựa và không ghi gì thêm, chẳng biết bên trong khác nhau thế nào. Đồ hộp của lính ta cũng vậy. Quen rồi thì mới biết đâu là cá, là thịt, là giò,  là ruốc mặn hay ruốc ngon, hay là calathầu khai khai. . . .

Thế là có bao nhiêu loại mọi người đục ra thử hết một lượt. Có thằng khui được hộp thịt, có đứa hộp cá, rồi hộp phở, hộp giò ba lát, . . . Hộp nhỏ cao cao là Cocacola, nước soài, nước dừa,  . . . Hộp mỏng dính là mứt và caramen, nhiều nhất là caramen. Mứt cũng  có đủ các loại không biết là làm từ những loại hoa quả nào - soài, dâu, cam, . . . chỉ biết là mứt - sền sệt và rất ngọt.

 Cả xe tôi chỉ có mỗi cái mở hộp, mấy thằng sốt ruột dùng luôn dao găm “anh Chí” [4] để đục. Thằng có thìa inox giắt sau đít (giống bác LXT – có lẽ là mốt lúc đó) thì múc bằng thìa, thằng có đũa giắt ba lô thì dùng đũa. Đại đa số dón thử bằng “năm quân”. Không khí trên xe thật náo nhiệt như chợ vỡ.

Khi đã biết hộp nào đựng gì rồi thì đứa nào đứa nấy chọn những thứ mình thích mà chén đến no.

      Mải ăn, rồi thuốc lá phì phèo, không ai để ý. Lúc đó đoạn đường phía trước đã có đơn vị nào đó tự phát đứng ra dẹp đường. Cứ súng lăm lăm trong tay, chĩa lên trời. Bà con dân chúng cũng sợ nên cuối cùng thì đường đã được thông. Tất cả dân đều phải dừng lại để nhường đường cho đoàn xe lính chạy vào thành phố.

 Nhìn về phía sau, trời đất ơi ! Đoàn lính có vẻ như dài vô tận, tít tắp đến khi khuất vào chỗ đoạn đường vòng ở rất xa.

Đoàn xe lính bắt đầu chuyển bánh chạy vào thành phố. Vì đã hỏi thăm trước đường đến Dinh Độc Lập nên xe chúng tôi rẽ trái đi theo đường Thị Nghè. Nhiều xe chạy thẳng và nhiều xe chạy theo sau chúng tôi. Tôi nhớ, tôi chỉ có mảnh bản đồ phía đông thành phố, đoạn quận 9 và quận Thủ Đức mà không có bản đồ  thành phố nên không ai biết đường đi đến Dinh. Đoàn xe vừa chạy vừa hỏi thăm đường.

 Đến đúng cầu Thị Nghè, một lần nữa đoàn xe lại bị nghẽn lại. Vẫn là, dân từ trong thành phố tỏa ra để về nhà. Cầu Thị Nghè lúc đó có hẹp hơn đường ở hai đầu cầu, nhưng nhìn cây cầu này cũng thấy rất rộng so với cấc cây cầu ở miền bắc. Lúc xe dừng trên cầu, một đứa phát hiện ra món lạ. Đó là một hộp bằng bìa cứng rất nhẹ, bóc ra bên trong là một túi bóng hàn kín. Trong túi là một loại “bỏng” nhỏ li ti và nhẹ, tung lên có thể bay trong gió. Không ai biết đây là thứ gì. Đứa thì bảo là đồ ăn đứa thì bảo là loại vật liệu gì đó, đừng ăn nhỡ có chất độc ?!  
 
Những cánh bỏng bé như những chiếc khuy bấm nhỏ, nhẹ, xốp và rất giòn. Nhìn vào hình vẽ trên hộp, thấy có hình một tách cà phê đang bốc khói. Thế là yên tâm đây là đồ ăn nhé !  Bỏ một vốc vào miệng, thấy vị nhàn nhạt. Nhai xong, thấy được một tẹo bột không đáng kể gì. Đối với những chú lính quen ăn no, vắc nặng, món này thật là vô vị và chả bõ dính răng. Về sau này chúng tôi thấy nhiều loại bỏng ngon hơn và biết rằng đó là một trong rất nhiều kiểu gọi là “Snack”. Snack để ăn chơi (như bỏng ngô) hay ăn khi uống rượu, hoặc uống cà phê.

Vào đến gần trung tâm thành phố, chắc là cách Dinh Độc Lập không còn xa thì đường không còn quá đông. Lính tráng dòm ngắm thành phố. Xe chạy nhanh hơn và lại nghe tiếng lá cờ bay phần phật. Chợt nhìn lại, vẫn thấy trên tay trái mọi người hầu hết đều còn  dải băng đỏ. Đi qua một đường phố có nhiều cây to. Một cái cổng lớn bên trái đường xe chạy có biển đề “Thảo Cầm Viên”.

-    Thảo Cầm Viên là cái gì hả chúng mày ?
-     Ừ nhỉ, chẳng biết là cái đếch gì nhể ?
     . . .
-    Thảo là cỏ này, cầm là gà vịt này   , viên là vườn này. Thế thì là cái khỉ gì ?

Mấy xe của xê 20 dừng lại để hỏi thăm đường. Thấy xe dừng lại, nhiều người dân đang đi đường dừng lại xem bộ đội và tranh nhau chỉ đường. Rồi có một thanh niên nhanh nhẹn nhảy lên xe xin dẫn đường. Đoàn xe tiếp tục chạy. Cậu thanh niên giải thích,  trong Thảo Cầm Viên có hổ, báo, sư tử, chim muông, . . . Thì ra đây là vườn “bách thú” hay “bách thảo’ như ngoài bắc thường gọi.

Đến một khu phố rất đẹp và thanh bình. Mấy chiếc xe của xê 20 dừng lại. Mấy thủ trưởng xê quyết định không vào dinh nữa mà chơi ở đây. Bấy giờ khoảng hai rưỡi ba giờ gì đó. Anh em nhảy xuống xe và được phép đi chơi gần, trong thời gian một tiếng.

Thời tiết chiều lòng người, nắng chiều nhè nhẹ. Đường phố rất sạch và đẹp. Nhiều vườn hoa với những thảm cỏ xanh biếc được chăm sóc cẩn thận. Chỗ chúng tôi đang đứng là ngã tư đường Tự Do  và đường Lê Lợi. Qua một vườn hoa đẹp trước mặt là một tòa nhà rất lớn, kiến trúc theo kiểu Pháp. Chính giữa tòa nhà, trên đỉnh tầng hai có ghi “TÒA ĐÔ CHÁNH”. Chỗ xe chúng tôi đỗ lại là ngay trước thềm một tòa nhà khác cũng kiểu Pháp và cũng rất đẹp với một cấu trúc vòm ở chính giữa. Phía dưới vòm ghi dòng chữ “HẠ NGHỊ VIỆN”. Vườn hoa chếch phía trước “Hạ Nghị Viện” có nhóm tượng đài “thủy quân lục chiến”. Phía phải Hạ Nghị viện là một con đường nhỏ. có một tòa nhà 3 tầng với biển đề "PHÒNG THÔNG TIN".


Chuyện đã qua sắp 39 năm rồi, nhưng đọc lại càng thấy trân trọng người đã đứng ra tuyên bố Đầu hàng, đỡ cho bao nhiêu mất mát, tan hoang.

* Kèm ảnh L Minh (đội mũ tai bèo) và các đồng đội C20 tại SG/1975.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2014, 06:11:58 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #249 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2014, 10:52:41 pm »

Đọc lại những bài viết của Lê Minh, thật khâm phục cách viết và trình hiểu của người lính này. Nếu những người viết của quân đội ta cũng viết như Lê Minh nhỉ ? hay biết mấy . Viết kí ức như thế đọc mới sướng
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM