Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:31:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: The Last Battle - Trận chiến cuối cùng  (Đọc 98460 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #120 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2017, 11:40:27 pm »


        Chỗ nào cũng kín đặc quân Nga. Lực lượng phòng thủ mỏng manh của thành phố dần bị đẩy lui, và các quận lần lượt thất trận. Có nơi, những người lính trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương trang bị vũ khí sơ sài cứ thế quay người bỏ chạy. Các đoàn viên Đoàn Thanh niên Hitler, Lực lượng Phòng vệ Địa phương, cảnh sát và lính cứu hỏa cùng kề vai chiến đấu, nhưng dưới quyền các sĩ quan khác nhau. Bọn họ cùng chiến đấu vì một mục đích, nhưng mệnh lệnh nhận được lại trái ngược nhau. Thực sự thì nhiều người còn không biết ai chỉ huy mình. Sĩ quan chỉ huy mới của Berlin, tướng Weidling đưa số binh lính ít ỏi còn lại trong Quân đoàn Thiết giáp 56 của mình đến các khu vực phòng thủ để hỗ trợ Volkssturm và Đoàn Thanh niên Hitler, nhưng cũng không hiệu quả mấy.

        Zehlendorf thất trận chỉ trong nháy mắt. Đoàn Thanh niên Hitler và Lực lượng Phòng vệ Địa phương cố chống trả trước khi thị trấn bị tiêu diệt; viên thị trưởng treo cờ trắng lên rồi tự tử. Ở quận Weissensee, phe cộng sản vốn từng chiếm ưu thế trước khi Hitler trỗi dậy, nhiều vùng liền đầu hàng ngay lập tức, và những lá cờ đỏ xuất hiện, còn các chữ thập ngoặc màu đen thì nhanh chóng bị tháo dỡ. Pankow chống đỡ được 2 ngày, Wedding thì được 3. Một số cứ điểm của Đức chống cự quyết liệt đến cùng, nhưng không một chỗ nào còn có hàng phòng thủ vững chắc nữa.

      Rào chắn trên đường phố bị đập tan tành như que diêm. Xe tăng Nga lao thật nhanh, cho nổ tung các tòa nhà thay vì để lực lượng bắn tỉa và binh lính đi vào đó. Hồng quân không muốn lãng phí thời gian. Có một số chướng ngại vật bị phá hủy bằng cách cho pháo bắn trực diện, như toa xe điện và các xe kéo chất đầy đá. Khi gặp phải các rào chắn vững chắc hơn, quân Nga liền đi vòng qua. Ở Wilmersdorf và Schöneberg, quân Liên Xô đụng độ quân kháng cự, bọn họ bèn vào trong các ngôi nhà nằm một bên con đường đã bị chặn, rồi bắn xuyên từ hầm này qua hầm khác bằng súng bazooka. Bọn họ trồi lên đằng sau quân Đức và diệt sạch cả ổ.

        Pháo binh san bằng từng mét các quận trung tâm. Các vùng bị chiếm cũng nhanh như tốc độ hành quân của Nga với đội ngũ pháo và các khẩu Organ Stalin từng dùng bên sông Oder và sông Neisse. Ở hai sân bay Tempelhof và Gatow, các nòng pháo đặt kề nhau san sát. Ở Grünewald, trong rừng Tegel, trong các công viên và những chỗ thoáng đãng khác đều như vậy – thậm chí là trong các vườn hoa chung cư cũng có. Từng hàng Organ Stalin (Kachiusa) xếp chật kín các đường phố chính, bắn ra hàng loạt đạn phốt pho và khiến cả vùng chìm trong biển lửa. Edmund Heckscher, nằm trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương nhớ lại, “Lửa cháy dữ tới nỗi đêm mà cứ như ngày. Anh có thể đọc báo được đấy, nếu có một tờ trong tay.” Tiến sĩ Wilhelm Nolte, một nhà hóa học trong Sở Cứu hỏa (*), thấy máy bay Liên Xô nhắm bắn vào các công nhân đang cố chữa cháy. Hermann Hellriegel, vừa bị đưa vào quân Volkssturm, bị một vụ nổ hất văng lên không và ngã xuống một cái hố gần đó. Hellriegel kinh hoàng nhận thấy mình đang nằm trên ba cái xác lính. Người lính già 58 tuổi, vốn từng là nhân viên bán tour du lịch vội vàng trèo ra khỏi hố và chạy ù về nhà.

       Khi quân Nga tiến vào thành phố sâu hơn, Lực lượng Phòng vệ Địa phương bắt đầu biến mất, đồng phục và băng đeo tay của họ vứt vương vãi trên mặt đường. Một số đơn vị là do người chỉ huy cố tình giải tán. Karl Ritter von Halt, chỉ huy tiểu đoàn Volkssturm gọi những người còn sống sót sau một trận chiến đấu ác liệt đến tập hợp ở sân vận động Olympic Reichssportfeld, và bảo bọn họ về nhà. Dù gì thì nửa số đó cũng chả làm ăn gì được; bọn họ được phát đạn Ý để dùng cho súng trường của Đức. Von Halt nói, “Hoặc làm thế, hoặc lấy đá ném bọn Nga, vậy thôi.”

       Binh lính trên toàn thành phố bắt đầu đào ngũ. Trung sĩ Helmut Volk thấy chả có lý gì lại phải bỏ mạng vì Quốc trưởng. Volk đang làm kế toán trong Abwehr, cục tình báo Đức, rồi một ngày anh được giao một khẩu súng trường và lãnh trách nhiệm canh gác ở Grünewald. Khi nghe nói có lệnh bảo đơn vị mình đến chỗ Dinh Thủ tướng, Volk đã bỏ trốn về nhà anh, nằm  trên đường Uhlandstrasse. Cả nhà gặp anh cũng không vui vẻ gì cho lắm; bộ quân phục của anh sẽ khiến cả gia đình lâm vào nguy hiểm. Volk liền cởi nó ra, mặc đồ bình thường và giấu bộ quân phục dưới hầm. Vừa làm xong thì quân Nga chiếm được vùng này.

…………………….
 (*): Một số xe cứu hỏa vốn đã rời khỏi đó vào ngày 22 đã quay lại thành phố theo lệnh Thiếu tướng Walter Golbach, Cục trưởng Cục Cứu hỏa. Theo các báo cáo hậu chiến, Goebbels đã ra lệnh đưa xe cứu hỏa ra khỏi Berlin để tránh bị rơi vào tay quân Nga. Khi nghe nói mình sẽ bị bắt vì làm trái lệnh Goebbels, Golbach đã tự sát nhưng không thành. Mặt vẫn còn chảy máu đầm đìa, ông bị một toán SS bắt đi và bị xử bắn.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #121 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2017, 11:45:41 pm »

     
       Trong sở chỉ huy bên cầu Frey, binh nhì Willi Thamm nghe được một chuyện khiến anh quyết định ở lại với đơn vị tới cùng. Một trung úy bước vào báo cáo với đại úy của anh, sau khi làm một tách cà phê và một ly rượu schnapps đã nhấn mạnh rằng: “Anh cứ nghĩ đi! Lính ở đâu cũng muốn đào ngũ hết. Hôm nay có ba người vắng mặt mà không báo cho tôi.” Viên đại úy của Thamm nhìn anh ta. Anh hỏi, “Anh đã làm gì rồi?” Viên trung úy nhấp ngụm cà phê và nói, “Bắn bọn nó chứ sao.”

      Từng tốp SS lục tung cả thành phố, lùng bắt những kẻ đào ngũ, giờ đây công lý nằm trong tay bọn họ. Bọn họ chặn lại tất cả những ai mặc quân phục để kiểm tra giấy tờ tùy thân và đơn vị của người đó. Ai bị tình nghi đào ngũ sẽ bị xử bắn, hoặc treo cổ trên một cái cây hay trụ đèn đường nào đấy để làm gương cho kẻ khác. Aribert Schulz, 16 tuổi, đoàn viên Đoàn Thanh niên Hitler, báo cáo về sở chỉ huy của cậu, nằm trong một rạp chiếu phim bỏ không ở Spittelmarkt rằng cậu thấy một gã SS cao gầy, tóc đỏ mang súng trường đang áp giải một người đi trên đường. Schulz hỏi có chuyện gì và được trả lời rằng người đó là một trung úy lục quân, bị phát hiện khi đang mặc thường phục. Schulz đi theo bọn họ tới đường Leipziger-strasse. Đột nhiên tên lính SS đẩy mạnh người kia một cái. Trong khi viên trung úy loạng choạng cố giữ thăng bằng thì tên lính SS bắn vào lưng anh ta.

        Đêm đó, Schulz lại gặp tên lính SS tóc đỏ lần nữa. Cậu đang đứng gác cạnh một rào chắn cùng mấy đứa nữa trong đơn vị mình thì thấy một chiếc tăng T-34 của Liên Xô trên đường Kurstrasse. Chiếc tăng đang chầm chậm quay nòng thì bị trúng đạn và bốc cháy. Người duy nhất còn sống lập tức bị bắt. Các cậu bé tìm thấy trong túi người lính Nga đó mấy tấm hình chụp các vị trí quan trọng của Berlin. Người lính xe tăng Hồng quân bị đưa về sở chỉ huy thẩm tra và rồi bị giao cho một gã đeo súng trường. Cũng tên lính SS đó. Hắn lại đưa tù nhân của mình ra ngoài, nhưng lần này lại thân thiện vỗ vai anh lính Nga và ra hiệu bảo đi. Anh lính Nga nhe răng cười rồi cất bước, và tên SS bắn anh ta, cũng vào sau lưng. Cậu nhóc Schulz hiểu ra, gã SS cao lêu nghêu đó chính là người chuyên hành quyết của Sở chỉ huy.

        Lực lượng phòng thủ trên khắp Berlin đang buộc phải dồn về các quận trung tâm đổ nát. Để cản bước quân Nga, 120 trên tổng số 248 cây cầu trong thành phố đã bị cho nổ. Số thuốc nổ còn trong tay tướng Weidling ít tới nỗi họ phải dùng bom của không quân. Những kẻ cuồng tín còn phá hủy hết các cơ sở hạ tầng bổ trợ, mà thường chẳng bận tâm đến hậu quả.

       Một tốp SS cho nổ đường hầm dài 4 dặm chạy bên dưới một nhánh của sông Spree và kênh Landwehr. Đường hầm đó vốn có tuyến đường sắt chạy qua, và hàng nghìn người dân đang trú tại đó. Nước bắt đầu tràn vào trong, và người ta chen lấn nhau chạy lên trên chỗ cao hơn. Đường hầm không chỉ chật kín người trú bom mà còn có bốn toa tàu hỏa dùng làm bệnh viện để chăm sóc người bị thương. Khi Elfriede Wassermann và ông Erich chồng bà cố chạy ra ngoài (bọn họ mới từ hầm Anhalter xuống đây), bà Elfriede nghe thấy những người bị thương nằm trong tàu la lên, “Đưa bọn tôi ra! Đưa bọn tôi ra! Sắp chết đuối tới nơi rồi!” .

 
Chẳng ai dừng lại cả. Nước đã lên tới eo Elfriede. Ông Erich chống nạng chạy tập tễnh thì còn tệ hơn thế. Người ta đấm đá lẫn nhau và la hét không ngừng, bọn họ xô đẩy, giẫm đạp lên nhau hòng tới được chỗ an toàn. Bà Elfriede gần như tuyệt vọng, nhưng ông Erich cứ hét, “Cứ đi đi! Cứ đi tiếp! Chúng ta sắp tới đó rồi. Ta sẽ làm được.” Và họ đã thành công. Bà Elfriede không biết có bao nhiêu người lên được bên trên.

       Ngày 28/4, quân Nga đã tiến sát trung tâm thành phố. Vành đai ngày càng hẹp lại. Những trận giao tranh ác liệt diễn ra bên rìa các quận Charlottenburg, Mitte và Friedrichshain. Vẫn còn một con đường hẹp để ngỏ đi về phía Spandau. Những toán quân non kinh nghiệm của Weidling đang cố trấn giữ con đường đó, để rút lui vào phút cuối. Thương vong thật kinh khủng. Đường phố toàn xác người. Vì có pháo kích nên người ta không thể ra khỏi hầm trú ẩn để giúp bạn bè và người thân nằm bị thương ở gần đó; nhiều người thì bị trúng đạn khi đang xếp hàng lấy nước ở những vòi bơm nước cổ lỗ sĩ ven đường. Quân lính cũng không khá hơn là mấy. Ai bị thương mà còn đi được tới trạm cấp cứu dã chiến là còn may. Những người không đi được thường phải nằm lại nơi mình ngã xuống và chết vì mất máu.

       Kurt Bohg, nằm trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương bị đứt gần hết gót chân, ông tập tễnh lê bước suốt hàng dặm. Cuối cùng ông không đi nổi nữa. Ông nằm trên đường, kêu gào mong được giúp đỡ. Nhưng số ít dám liều mạng chạy khỏi hầm dưới làn đại bác thì bận lo cứu mạng bản thân.

        Bohg nằm trong một cái máng nước, ông thấy một bà xơ dòng Luther chạy từ nhà này sang nhà khác. Ông gọi, “Xơ ơi, xơ. Giúp tôi được không?” Bà xơ dừng lại. Bà hỏi, “Anh ráng đi tới nhà giáo đoàn nằm cạnh nhà thờ được không? Nó cách đây có 5 phút thôi. Tới đó tôi sẽ giúp anh.” Không biết sao ông cũng tới được đó. Cửa nào cửa nấy mở toang. Ông lê bước vào hành lang, rồi tới một căn phòng đợi và cuối cùng gục xuống. Tại đó, ông như đang nằm giữa một ao máu đang tuôn tràn. Ông chầm chậm giương mắt lên xem máu từ đâu ra. Ông nhìn quanh phòng, ngoài kia có một khu vườn. Cửa vẫn mở: một con bò sữa đen trắng đứng đó bất động, lặng lẽ nhìn ông bằng đôi mắt ươn ướt. Miệng nó trào máu ồng ộc. Người và vật cứ thế nhìn nhau trong nỗi thương cảm không lời.

       Khi quân Nga bắt đầu cô lập trung tâm thành phố, quân của Weidling càng bị dồn ép nhiều hơn. Quân nhu dần cạn kiệt. Đáp lại yêu cầu viện trợ bằng cách thả dù của ông, Weidling nhận được 6 tấn quân nhu và đúng 16 quả tên lửa dành cho xe thiết giáp.

      Một điều khó tin là giữa cái hỏa ngục đáng sợ ấy, một chiếc máy bay chợt bay qua và hạ cánh xuống đại lộ Đông-Tây – con đường chính chạy từ sông Havel bên phía tây tới đại lộ Unter den Linden ở phía đông. Đó là một chiếc Fieseler Storch nhỏ, ngồi bên trong là tướng Ritter von Greim và nữ phi công nổi tiếng Hanna Reitsch. Chiếc máy bay bị hỏa lực phòng không bắn trúng, xăng tuôn ào ào từ các bồn xăng trên cánh. Von Greim đang điều khiển thì bị thương ở chân ngay trước khi gạt cần. Hanna chộp lấy cần gạt kéo xuống và hạ cánh hoàn hảo. Hai người được Hitler triệu tập đến Dinh Thủ tướng; khi tới đó ông ta liền phong Von Greim làm thống chế, thay thế “tên phản bội” Goering chỉ huy Không quân, vốn chẳng còn tồn tại nữa.

       Hầm Führerbunker đã bị trúng đạn pháo, nhưng tạm thời vẫn tương đối an toàn. Vẫn còn một địa điểm an toàn nữa giữa lòng thành phố. Đó là hai tòa tháp phòng không nhô cao bên trên sở thú. Tháp G cao 40 mét chật kín người: không ai biết chính xác là có bao nhiêu. Walter Hagedorn, bác sĩ của Không quân ước tính có khoảng 13.000 người – cộng thêm quân lính.

       Người ta đứng hoặc ngồi trên cầu thang, đầu cầu thang, ở khắp các tầng. Không có chỗ mà nhúc nhích. Các nhân viên của Hội Chữ thập Đỏ, như Ursula Stalla, 19 tuổi làm mọi thứ có thể để xoa dịu nỗi thống khổ của mọi người. Cô không bao giờ quên được mùi hôi thối quyện lại khiến người ta muốn bệnh - “mồ hôi, quần áo bốc mùi, tã em bé, trộn lẫn với mùi thuốc sát trùng từ bệnh viện.” Một số người đã tự sát. Hai bà già ngồi bên nhau ở đầu cầu thang tầng một đã uống thuốc độc khi nào không ai hay: vì người xung quanh quá đông, nên hai bà vẫn ngồi thẳng lưng dù đã chết trong mấy ngày liền, cho tới khi có người phát hiện ra.

       Bác sĩ Hagedorn đã phẫu thuật cho những người bị thương trong bệnh viện nhỏ của ông suốt 5 ngày liền hầu như không nghỉ. Vấn đề của ông là làm sao chôn xác chết. Người ta không thể ra ngoài vì có pháo kích. Sau này ông kể, “Trong những quãng pháo kích tạm lắng, chúng tôi cố đưa xác chết và các bộ phận bị cắt bỏ ra ngoài chôn, nhưng không thể được.” Lúc đó, đạn đại bác dội liên tục vào những bức tường bất khả xâm phạm của tòa tháp từ mọi phía, những mảnh đạn văng tứ tung qua cửa chớp, và Hagedorn có chừng 500 xác chết, 1.500 người bị thương, cộng thêm một lượng lớn chưa rõ đã dở điên dở dại. Còn có người tự tử nằm ở khắp nơi, nhưng vì quá đông và chật chội nên không đếm được. Nhưng vị bác sĩ vẫn nhớ có nhiều người trong hầm nói, “Ta cứ ở đây chờ tướng Wenck hay quân Mỹ tới đây.”

        Phía bên đưới tòa tháp là sở thú thênh thang, hoang tàn. Cuộc tàn sát những con thú thật khủng khiếp. Chim chóc bay tán loạn mỗi lần có quả đại bác nào bắn tới. Những con sư tử đã bị bắn. Con hà mã Rosa trúng đạn chết trong ao. Người coi chuồng chim, ông Schwarz đang tuyệt vọng, vì con cò mỏ giày quý hiếm Abu không biết làm sao đã trốn khỏi phòng tắm
nhà ông. Và giờ chỉ huy tòa tháp phòng không ra lệnh cho giám đốc sở thú Lutz Heck phải giết con khỉ đầu chó; chuồng của nó đã bị hư và nó có thể trốn mất.

       Heck cầm súng trường theo, đi tới chuồng khỉ. Con khỉ đầu chó, người bạn già của ông đang ngồi thu lu sau chấn song. Heck giơ súng lên, chĩa họng súng gần đầu nó. Con khỉ đẩy họng súng qua một bên. Heck sợ hãi, giơ súng lên lần nữa. Con khỉ lại đẩy qua tiếp. Heck thấy muốn bệnh và run rẩy cả người, nhưng vẫn cố thử lần chót. Con khỉ đầu chó lặng lẽ nhìn ông. Rồi Heck bóp cò.


                                     ****************
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #122 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2017, 07:39:33 pm »

     
      Trong lúc trận chiến đang tiếp tục, một cuộc tàn sát thảm khốc khác cũng đang diễn ra, nhưng là với con người. Đám quân Nga theo sau đoàn quân tiên phong đầy kỷ luật bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của kẻ chinh phục, đó là phụ nữ của kẻ bị chinh phục.

      Ở quận Zehlendorf , Ursula Köster đang ngủ dưới hầm với ba mẹ và hai đứa con gái sinh đôi 6 tuổi, Ingrid và Gisela, cùng đứa con 7 tháng của cô, Bernd, thì bốn tên lính Nga đập cửa bằng báng súng. Bọn chúng lục soát căn hầm, tìm được một cái va li rỗng, rồi trút mấy hộp trái cây, bút máy, bút chì, đồng hồ và ví tiền của Ursula vào đó. Một tên tìm được chai nước hoa Pháp. Gã mở ra, ngửi ngửi rồi đổ lên bộ đồ đang mặc. Tên thứ hai lấy mũi súng đẩy ba mẹ Ursula và bọn trẻ vào căn phòng nhỏ hơn trong hầm. Rồi từng tên một, bọn chúng thay nhau cưỡng hiếp cô.

      Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, Ursula , quần áo tả tơi đang cho con bú thì hai tên lính bước vào hầm. Cô ẵm con và cố chạy ra ngoài cửa. Nhưng cô quá yếu rồi. Một tên giật đứa bé ra khỏi tay cô và bỏ nó vào trong nôi. Tên kia nhìn cô rồi nhăn răng cười. Cả hai đều trông rất thô tục; quần áo bẩn thỉu, ủng giắt dao và đội mũ lông. Vạt áo sơ mi một gã còn thòi ra ngoài. Cả hai  luân phiên cưỡng hiếp cô. Kh bọn chúng đi khỏi, Ursula gom hết chăn mền tìm được bọc em bé lại, dẫn theo hai đứa con gái chạy vào khu nhà có vườn hoa bên kia đường. Tại đó, cô tìm được một cái bồn tắm bị vứt bên ngoài một căn nhà. Ursula bèn lật úp nó lại rồi cùng các con chui vào đó.

        Ở Hermsdorf, cô gái 18 tuổi Juliane Bochnik nghe tiếng quân Nga tới gần, bèn chạy xuống hầm và nấp dưới ghế sofa. Cô nghe tiếng ba mình phản đối bọn chúng vào nhà, ông là một nhà ngôn ngữ học và có biết tiếng Nga. Bọn lính đòi biết chỗ Juliane trốn, và ba cô hét lên: “Tôi sẽ tố cáo các anh với chính ủy!” Bọn chúng dí súng vào ba cô và đưa ông ra ngoài đường. Juliane nằm yên, hi vọng bọn Nga sẽ đi khỏi đây. Cô đã bôi đen gương mặt và mái tóc vàng của mình để trông già đi ; nhưng cô không dám liều. Cô cứ nằm yên dưới sofa.

       Trong căn hầm bên cạnh có hai người già. Chợt Juliane nghe tiếng một người sợ hãi thét. “Nó ở trong đó! Trong đó! Dưới ghế sofa ấy.” Juliane bị kéo ra khỏi chỗ trốn, cô đứng run rẩy vì sợ hãi. Bọn lính Nga xì xồ nói chuyện một lát, rồi kéo nhau đi hết, chỉ còn một tên ở lại. Sau này cô kể, “Gã đó là một sĩ quan trẻ tuổi, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, vì đèn pin của hắn chói quá nên tôi cũng chỉ thấy được thế.” Cử chỉ của hắn mang ý nghĩa không lẫn vào đâu được. Cô lùi lại; hắn liền sấn tới. Hắn cười, rồi bắt đầu lột quần áo của Juliane “dịu dàng mà mạnh bạo.” Cô vùng vẫy. Juliane kể, “Cũng không dễ dàng gì cho hắn. Một tay thì cầm đèn pin, rồi lại phải liên tục ngó chừng đằng sau phòng hờ có ai tập kích bất ngờ, đúng kiểu đa nghi điển hình của bọn Nga.”
        Dần dà, bất chấp những nỗ lực của cô, hắn cũng lột sạch được Juliane. Cô cố van vỉ, nhưng không biết nói tiếng Nga. Cuối cùng cô bắt đầu khóc và sau đó quỳ xuống, van xin hắn hãy để cô yên. Tên lính Nga trẻ tuổi cứ nhìn cô chằm chằm. Juliane ngừng khóc, cô đứng dậy và thử cách khác; cô bắt đầu nói một cách kiên quyết và lịch sự. Cô kể, “Tôi bảo hắn là thế này không đúng. Người ta không làm như thế.” Tên lính Nga bắt đầu bực mình. Cô gái lại nức nở, cô gần như đã khỏa thân. Cô khóc, “Tôi không yêu anh! Thế này chả ích gì! Tôi không yêu anh!” Đột nhiên gã đó “A” một tiếng đầy vẻ phẫn nộ, rồi lao ra khỏi hầm.

      Sáng hôm sau, Juliane cùng một cô gái khác chạy trốn tới một nữ tu viện do các xơ dòng Dominica điều hành; cả hai trốn trên gác xép suốt bốn tuần kế tiếp. Sau này Juliane nghe tin Rosie Hoffman bạn cô và mẹ đều bị cưỡng hiếp, hai người từng thề sẽ tự tử khi quân Nga tới. Cả hai đã uống thuốc độc (*).

       Tại quận Reinickendorf, thầy giáo Gerd Buchwald thấy quân Liên Xô đang điên cuồng chạy. Căn hộ của ông bị mấy nữ Hồng quân lục soát, bọn họ “cứ như bị nam châm hút vào mấy bộ quần áo của vợ tôi. Bọn họ lấy những thứ mình muốn rồi đi mất.” Ông đốt hết những gì còn lại, tháo rời khẩu súng lục của mình và giấu ngoài vườn. Tối hôm đó, một nhóm lính Nga xuất hiện. Cả bọn đều đã say khướt. Bọn chúng hét lên với Buchwald bằng tiếng Đức, “Đàn bà! Đàn bà!” Ông mỉm cười thân thiện với cả đám. “Tôi đã hai ngày liền không cạo râu, đầu tóc thì bù xù, nên có lẽ lời tôi nói dễ tin, vì tôi trông già đi nhiều. Tôi đứng dậy, gi ang hai t ay và nói, “Đàn bà không còn.’” Có vẻ chúng hiểu là vợ ông đã chết. Buchwald nằm dài trên sofa, còn cả đám thì nhìn quanh quất, lấy một cái dây đeo lưng quần của ông rồi biến mất tăm. Sau khi bọn chúng đi khỏi, Buchwald cài cửa lại. Ông đẩy chiếc sofa ra , và giúp bà vợ Elsa chui ra khỏi cái hố đường kính gần 1 mét ông đào dưới nền nhà xi măng. Suốt mấy tuần lễ kế tiếp, đêm nào bà cũng ngủ trong đó.

      Tiến sĩ Gerhard Jacobi, linh mục của nhà thờ Kaiser Wilhelm cũng thành công giấu được vợ mình. Dù nhiều phụ nữ bị lôi ra khỏi hầm nhà ông và bị cưỡng hiếp, ông đã khéo léo che giấu vợ bằng một cái chăn. Ông ngủ phía ngoài một chiếc ghế dài hẹp, còn vợ ông thì nằm bên trong. Chân của bà hướng vào đầu ông. Phủ cái chăn dày lên trên, không ai phát hiện ra được.

      Ở Wilmersdorf, Ilse Antz, cùng em gái cô, Anneliese và mẹ ban đầu có ấn tượng tốt với Hồng quân, và bọn họ không bị phiền nhiễu gì trong một thời gian. Rồi một đêm nọ, ngay trước khi trời hửng sáng, Anneliese đang ngủ với mẹ thì bị lôi ra khỏi giường. Cô la hét ầm ĩ, nhưng vẫn bị lôi lên lầu một căn hộ, tại đó cô bị một tên sĩ quan Liên Xô cưỡng hiếp đầy thô bạo. Xong chuyện, gã vò tóc cô và nói, “Người Đức tốt.” Gã bảo cô không được nói với ai là có một sĩ quan Nga đã cưỡng hiếp mình. Hôm sau, một tên lính đi tới và trao cho cô một hộp thức ăn.

       Không lâu sau đó, lại có một tên lính khác để ý Ilse. Hắn đi vào nhà, hai tay hai khẩu súng lục. Cô kể, “Tôi ngồi trên giường và tự hỏi không biết hắn định giết mình bằng khẩu bên phải hay bên trái.” Trong căn hầm lạnh lẽo, Ilse đang mặc mấy lớp áo len và quần vải dày. Hắn vồ lấy cô và bắt đầu lột mấy cái áo len ra.  Rồi hắn chợt hỏi, có vẻ hoang mang, “Mày là lính Đức à?” Ilse nói, “Tôi chẳng ngạc nhiên mấy. Tôi đói tới mức ốm nhom ốm nhách, trông không ra phụ nữ nữa.” Nhưng tên lính Nga nhanh chóng phát hiện ra là mình đã lầm. Cô bị hắn cưỡng hiếp. Khi đi khỏi đó, hắn nói: “Người Đức chúng mày đã làm thế trên đất Nga đấy.” Lát sau hắn quay lại - cô hết sức ngạc nhiên , khi thấy hắn ngồi bên giường và bảo vệ cô suốt đêm trước những tên lính Hồng quân thèm khát khác.

………………………………………………
         (*).Cả hai đều còn sống. Một bác sĩ nhanh tay cứu mạng họ.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #123 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2017, 07:43:11 pm »

       Sau đó, gia đình Antz bị bạo hành liên miên. Có lần bọn họ bị đưa ra ngoài, bắt đứng dựa lưng vào tường để xử bắn. Lần khác, Ilse lại bị cưỡng hiếp. Họ bắt đầu nghĩ tới chuyện tự tử. Ilse kể, “Giá mà có thuốc độc, chắc chắn tôi sẽ kết liễu đời mình ngay.”

     Trong lúc quân Nga cưỡng hiếp và cướp bóc, những vụ tự tử xảy ra khắp nơi. Chỉ riêng trong quận Pankow đã có 215 vụ được ghi nhận trong ba tuần, đa số là phụ nữ. Khi các cha Josef Michalke, Alfons Matzker và Jesuits trong nhà thờ St.Canisius ở quận Charlot-tenburg thấy người ta vớt xác một người mẹ và hai đứa con từ dưới sông Hacel lên , bọn họ mới nhận ra phụ nữ đã bị sự tàn bạo của quân Nga giầy vò tới bậc nào. Người phụ nữ đó đã buộc hai túi to đầy gạch vào tay, rồi mỗi tay ôm một đứa bé nhảy xuống sông.

       Một giáo dân của cha Michalke là Hannelore von Cmuda, một cô gái 17 tuổi, đã bị một đám Hồng quân say xỉn nhiều lần cưỡng hiếp; xong xuôi chúng bắn cô ba phát. Bị thương nặng nhưng không chết, cô được đưa tới nhà xứ đạo bằng một cái nôi, phương tiện vận tải duy nhất có được. Lúc đó cha Michalke không có nhà, và khi ông quay về thì cô đã biến mất. Ông tìm Hannelore suốt 24 tiếng sau; cuối cùng ông tìm được cô trong bệnh viện St. Hildegard. Ông làm các bí tích cuối cùng và ngồi bên giường cô cả đêm hôm sau, bảo cô đừng lo lắng. Hannelore đã sống sót (một năm sau, cô và mẹ bị xe tải tông chết).

        Margarete Promeist phụ trách một hầm trú không kích. Bà kể, “Trong hai ngày đêm, từng đợt từng đợt lính Nga ùa vào hầm cướp bóc và cưỡng hiếp. Người phụ nữ nào không chịu thì sẽ bị giết. Có người bị bắn chết dù đã chấp nhận. Trong một căn phòng nọ, tôi phát hiện được xác của sáu hay bảy phụ nữ, vẫn nằm trong tư thế vừa bị cưỡng hiếp xong, đầu nát bấy.” Bản thân Margarete cũng không thoát, dù bà đã phản đối với tên lính trẻ rằng “Tôi quá già so với cậu.” Bà thấy ba tên lính Nga tóm lấy một y tá và giữ chặt lấy cô để tên thứ tư hiếp cô ấy.

       Klaus Küster, đoàn viên Đoàn Thanh niên Hitler, lúc này mặc thường phục, đang nói chuyện với hai sĩ quan Liên Xô ngồi trong một chiếc xe jeep. Một người nói được tiếng Đức, và nói nhiều tới mức Küster gom hết can đảm hỏi một câu không được khéo cho lắm. Küster hỏi, “Có thật là lính Nga cướp bóc và cưỡng hiếp người ta như trên báo nói không?” Viên sĩ quan hào phóng đưa cậu một gói thuốc lá và nói, “Tôi lấy danh dự sĩ quan đảm bảo với cậu, người lính Liên Xô sẽ không đụng tới ai dù chỉ một ngón tay. Mấy lời trên báo toàn là dối trá.”

       Hôm sau, Küster thấy ba gã lính Nga tóm lấy một phụ nữ trên đường General- Barby-Strasse và kéo cô vào một ngôi nhà. Một tên ra hiệu cho Küster biến đi bằng khẩu súng máy trong tay. Tên thứ hai giữ lấy người phụ nữ đang la hét và tên thứ ba hiếp cô ấy. Rồi Küster thấy kẻ hiếp dâm bước ra khỏi cửa. Hắn đã say khướt, mặt đẫm nước mắt. Hắn thét lên, “Ja bolshoi swinjar“. Küster hỏi viên sĩ quan câu đó nghĩa là gì. Ông ta cười và nói bằng tiếng Đức: “Nó nghĩa là -Tôi là đồ con heo.’”

       Margareta Probst đang ở trong một hầm trú ẩn ở quận Kreuzberg, do một tên Nazi cuồng tín tên là Möller đào trong một căn phòng khóa kín. Quân Nga biết được chỗ gã ở, liền cố phá cửa. Möller nói vọng ra: “Chờ tôi chút. Tôi sắp tự xử rồi.” Đám lính Nga lại cố phá cửa tiếp. Möller kêu lên: “Chờ tí! Súng bị kẹt đạn.” Rồi có tiếng súng nổ vang lên.

      Suốt mấy tiếng sau, trong hầm toàn là lính Nga đi kiếm gái. Giống như nhiều phụ nữ khác, Margareta cũng cố làm bản thân trong càng kém hấp dẫn càng tốt. Cô giấu mái tóc dài vàng óng trong chiếc mũ lưỡi trai, đeo kính râm, bôi i-ốt lên mặt và dán một miếng cao dán to đùng lên má. Cô không bị làm nhục. Nhưng những người khác thì không được thế. Cô kể, “Các cô gái đứng túm tụm thành vòng tròn và bị đưa lên các căn hộ trên lầu. Bọn tôi nghe họ la hét cả đêm - âm thanh đó thậm chí vọng xuống tận dưới hầm.” Sau này, một bà già 80 tuổi nói với Margareta, có hai tên lính nhét bơ vào miệng cho bà khỏi kêu, mấy tên còn lại thì thay nhau cưỡng hiếp bà.

        Dora Janssen và người vợ góa của cậu lính cần vụ của chồng mình đều nghĩ bọn họ được dễ thở rồi, nhưng giờ lại không được ổn cho lắm. Trong căn hầm của họ, người vợ góa Inge đang bị một tên lính cưỡng hiếp dã man, hắn nói mẹ hắn đã bị quân Đức đem về Berlin sau khi chúng đánh vào Nga, và từ đó không còn gặp lại được nữa. Dora không bị đụng đến; cô nói mình bị lao, và thấy đám lính Nga có vẻ rất sợ điều này. Nhưng Inge lại bị hiếp lần nữa, và bị thương nặng tới mức không đi nổi. Dora chạy ra ngoài đường, tìm một người trong giống sĩ quan và kể mọi chuyện cho ông ta nghe. Ông ta lạnh lùng nhìn Dora và nói, “Hồi ở Nga quân Đức còn tệ hại hơn thế này nhiều. Đây đơn giản là báo thù mà thôi.”

       Elena Majewski 17 tuổi, và Vera Ungnad 19 tuổi đã gặp được cả mặt tốt và mặt xấu của quân Nga. Khi cơn lũ cướp bóc và hãm hiếp dậy sóng quanh công viên Tiergarten, một người lính Nga trẻ tuổi đã ngủ ngoài cửa hầm của họ để ngăn mấy người đồng đội của họ không vào trong. Hôm sau anh ta đi mất, bảy tám lính Hồng quân bước vào nhà hai cô gái và yêu cầu hai người tham dự một buổi tiệc quân Nga đang tổ chức ở nhà bên. Hai cô gái không còn cách nào khác đành phải chấp nhận; dù sao thì họ thấy cũng không có lý gì phải sợ. Chỗ tổ chức tiệc hóa ra là trong một căn phòng ngủ, có chừng 13 tên lính trong đó, nhưng thoạt nhìn thì không có gì không ổn. Mấy chiếc giường bị đẩy vào sát tường để lấy chỗ kê một cái bàn dài, có giá cắm nến bằng bạc, khăn ăn và đồ thủy tinh đủ cả. Một sĩ quan trẻ tuổi, tóc vàng đang mở máy hát, phát mấy bản nhạc tiếng Anh. Anh ta cười với hai cô và nói, “Cứ ăn uống thỏa thích nhé.” Elena ngồi xuống, nhưng Vera đột nhiên muốn đi. Cô chợt hiểu ra đây không phải là một bữa tiệc đơn thuần như bề ngoài.

       Cô cố đi ra ngoài. Mấy tên lính nhe răng cười và ngăn cô lại. Rồi một tên nói, “Làm với mười ba thằng thì em tiêu đời; làm với anh thì em không tiêu đâu.”

       Không còn nghi ngờ gì nữa, Vera đã hiểu lý do của bữa tiệc. Nhưng cô đồng ý đi với tên lính kia: một người rõ ràng tốt hơn 13 người; như thế dễ trốn hơn. Cô biết rõ từng ngóc ngách trong vùng; cô mà trốn được thì bọn chúng sẽ không tài nào tìm ra.

      Nhưng tên lính đó không để cô có cơ hội. Hắn túm tóc lôi cô đi tìm một phòng trống, mặc cô vùng vẫy, la hét, cào cấu. Dọc đường cô vùng ra được và ngáng chân hắn. Rồi cô hất đôi giày cao gót ra để chạy cho nhanh, cô chạy chân trần trên đám kính và cao su vỡ ra sân sau, chạy mãi tớ chỗ một tòa nhà đổ nát trên đường Putlitzstrasse. Cô điên cuồng đào một cái hố giữa đống gạch vụn, đội một cái xô nước bỏ không lên đầu và quyết ở đây tới lúc chết thì thôi.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #124 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2017, 07:47:06 pm »

     
      Elena thì vẫn còn ở lại bữa tiệc. Cô không thoải mái lắm, nhưng cô cũng rất đói. Trên bàn có cả mớ trứng cá muối, hàng đống bánh mì trắng, sô-cô-la và những tảng thịt bò tái đỏ hỏn. Đám lính Nga còn nốc vodka ừng ực, và càng lúc càng say. Cuối cùng Elena cũng tìm được dịp. Cô lặng lẽ đứng dậy và bước ra ngoài; vui mừng nhận thấy không ai đi theo. Nhưng khi qua phòng bên, một tên lính có vẻ lì lợm có bộ ria vểnh tóm lấy cô và kéo cô vào một căn phòng nhỏ. Hắn ném cô xuống đất và lột bỏ bộ áo liền quần của cô ra. Cô ngất lịm đi. Hồi lâu sau, cô tỉnh lại, đẩy tên đàn ông say khướt đang ngủ say ra khỏi người mình và đau đớn lết ra khỏi nhà. Cũng giống Vera, Elena đi trốn. Cô trốn đằng sau một cái bếp lò lớn trong một căn nhà gần đó.

      Rudolf Reschke bé nhỏ, cậu nhóc đã bẻ đầu con búp bê Hitler, đang cố cứu mẹ mình khỏi bị làm nhục. Một tên lính Nga đang kéo bà Reschke thì bị vướng vào màn kéo co với Rudolf  và cô em gái Christa. Càng kéo tay người mẹ thì hai đứa trẻ càng níu váy mẹ chúng mạnh hơn và khóc lóc ầm ĩ, “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Tên lính đành bỏ cuộc.

       Có một số phụ nữ thoát một cách đơn giản, họ đấm đá dữ dội tới mức làm đám lính bỏ cuộc và đi tìm chỗ khác. Jolenta Koch bị một gã người Nga lừa vào một căn nhà trống vì nghe nói có người bị thương trong đó. Trong nhà có một tên lính Hồng quân khác tóm lấy cô và định quăng cô lên giường. Nhưng cô chống trả kinh khủng quá, nên cả hai không chịu được phải thả cô đi. Người phụ nữ hàng xóm của cô, tên Schulz, thì không được may mắn như thế. Bà Schulz bị một tên lính chĩa súng đe dọa rồi hãm hiếp ngay trước mặt chồng và cậu con trai 15 tuổi; ngay khi tên lính Nga vừa đi khỏi, người chồng điên lên bắn chết vợ con rồi tự sát.

       Ở Haus Dahlem, Mẹ bề trên Cunegundes nghe nói có một bà mẹ ba con bị lôi ra khỏi nhà và bị hãm hiếp cả đêm. Sáng hôm sau được thả đi; bà vội vàng về với con   thì thấy mẹ và anh trai mình đã treo cổ cả ba đứa nhỏ rồi cũng tự tử. Thấy vậy người phụ nữ cắt cổ tay tự sát. Các xơ ở Haus Dahlem đang làm việc không nghỉ. Dân chạy nạn, cùng với hành vi thú tính của bọn lính Nga làm bọn họ bận bịu hết sức. Một tên lính Nga định hiếp bà bếp Lena người Ukraina, nhưng Mẹ bề trên Cunegundes chạy tới ngăn , hắn liền điên lên rút súng ra và bắn bà một phát. May thay, hắn xỉn quá nên bắn trật. Mấy tên lính khác tới khu phụ sản và cưỡng hiếp những người phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh hết lần này tới lần khác, mặc cho các xơ ngăn cản. Một xơ kể lại, “Tiếng bọn họ la hét vang vọng cả ngày lẫn đêm.” Mẹ bề trên Cunegundes nói số nạn nhân bị cưỡng hiếp trong vùng có cả bà già bảy mươi
lẫn bé gái mới mươi mười hai tuổi.

      Bà chẳng thể làm gì để ngăn chặn các vụ tấn công tình dục. Nhưng bà cho gọi các xơ và các phụ nữ khác ở trong nhà tới, và nhắc lại những lời cha Happich từng nói. Bà tiếp tục: “Còn một điều nữa, đó là sự giúp đỡ của Chúa Phước Lành của chúng ta.Dù gì đi nữa, Chúa đã để Thánh Michael ở lại đây. Đừng sợ.” Bà chẳng còn biết an ủi gì khác. Ở Wilmersdorf, người gián điệp của quân Đồng minh, Carl Wiberg và cấp trên của ông, Hennings Jessen-Schmidt đã thành công trình báo thân phận của họ với quân Nga, giờ đang nói chuyện với một viên đại tá Nga ở bên ngoài căn nhà của Wiberg thì có một sĩ quan Hồng quân định cưỡng hiếp vị hôn thê Inge của Wiberg đang ở dưới hầm. Nghe tiếng cô hét lên, Wiberg vội vàng chạy vào trong; mấy người hàng xóm kêu là kẻ đó đã đưa cô vào một phòng khác rồi khóa cửa lại. Wiberg và viên đại tá đạp tung cửa. Quần áo của Inge bị xé rách; còn tên sĩ quan thì chưa. Viên đại tá tóm lấy hắn và hét, “Amerikanski! Amerikanski!” rồi lôi hắn ra ngoài, lấy súng lục đập lia lịa không thương tiếc. Ông bắt tên sĩ quan đứng dựa vào tường và định bắn. Wiberg lao tới chắn giữa hai người và xin viên đại tá tha mạng cho hắn. Ông nói: “Anh không thể bắn chết người ta như thế được.”

       Cuối cùng viên đại tá cũng dịu lại, còn tên sĩ quan thì bị bắt giam. Vụ tấn công tình dục đáng mỉa mai nhất trong suốt giai đoạn cướp bóc và cưỡng hiếp này hẳn là vụ xảy ra ở làng Prieros, ngay bên ngoài vùng ngoại ô phía nam thành phố.

      Quân của Koniev đã đi vòng qua làng này, nên trong một thời gian dài nó không bị chiếm đóng. Nhưng rồi cuối cùng quân lính cũng tới đây. Bọn chúng phát hiện ra trong đám người Đức này có hai phụ nữ sống trong một cái thùng gỗ. Else Kloptsch và bạn cô là Hildegard Radusch, “người đàn ông trong gia đình,” sắp chết đói tới nơi mới đợi được giây phút này. Hildegard đã cống hiến cả đời mình cho chủ nghĩa Marx: quân Nga đến có nghĩa là giấc mơ đã thành hiện thực. Khi quân Nga vào làng, một trong những hành động đầu tiên của bọn chúng là thô bạo cưỡng hiếp người cộng sản Hildegard Radusch(*).

         Quân Nga đã hóa điên. Tại nhà kho của Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế ở Babelsberg, gần Potsdam , nơi các tù nhân chiến tranh người Anh đang làm việc, một toán Hồng quân say xỉn  hung hăng phá hủy hàng nghìn gói thuốc, dụng cụ y tế và thức ăn đặc biệt dành cho binh sĩ bị thương, hạ sĩ John Aherne kể, “Bọn chúng bước vào, xuống một căn hầm, thấy ở đó hàng đống hàng lớn, thế là chúng lấy tiểu liên nã liên hồi vào đó. Mấy chất lỏng đủ loại chảy ra từ các gói hàng nát be bét. Thật không thể tin nổi.”

        Cạnh nhà kho là xưởng phim UFA rộng lớn. Alexander Korab, một du học sinh tại Berlin đứngs nhìn hàng trăm tên lính say xỉn ùa vào một tiệm bán đồ hóa trang rồi khoác đủ thứ kỳ quặc ra ngoài đường, từ áo chẽn Tây Ban Nha có cổ xếp nếp màu trắng cho tới quân phục Napoleon và mũ, có cả những chiếc váy phồng. Bọn chúng bắt đầu nhảy múa ngoài đường, có người thổi accordion đệm theo, rồi chúng bắn chỉ thiên - ngay giữa lúc trận chiến vẫn còn rất khốc liệt.


         Có vẻ như hàng nghìn người lính Hồng quân chưa từng tới một thành phố lớn nào. Bọn họ tháo bóng đèn ra và cẩn thận gói lại để đem về nhà, cứ tưởng là nó có ánh sáng bên trong và để ở đâu cũng sáng được. Vòi nước cũng bị giật ra khỏi tường cũng vì lý do đó. Nhiều người thấy hệ thống nước trong phòng tắm là cả một điều huyền bí; đôi khi còn dùng toilet để rửa mặt và gọt khoai tây, nhưng bọn họ chịu không biết bồn tắm dùng để làm gì. Hàng nghìn cái bồn tắm bị quăng ra ngoài cửa sổ. Vì binh lính không biết nhà tắm dùng để làm gì, mà lại không tìm được nhà xí bên ngoài, thế là bọn họ phóng uế bừa bãi khắp nơi. Có một số cũng có chút cố gắng: Gerd Buchwal đã phát hiện ra là “có chừng một tá chai lọ của vợ tôi bỗng đầy ắp nước tiểu, mấy cái nắp thủy tinh còn được cẩn thận vặn lại như cũ.”

      Tại nhà máy hóa chất Schering ở quận Char-lottenburg, tiến sĩ Georg Henneberg kinh hoàng phát hiện ra là quân Nga đã đột nhập vào phòng thí nghiệm của ông và đang chơi tung hứng bằng mấy quả trứng thí nghiệm đã bị nhiễm khuẩn sốt mò.

      Henneberg phát cuồng lên, cuối cùng cũng tìm được một viên đại tá Nga để ra lệnh cho đám lính ra khỏi tòa nhà và khóa cửa lại.



                                 ***************

……………………
        (*). Người Nga không phủ nhận các vụ cưỡng hiếp xảy ra trong quá trình Berlin sụp đổ, dù bọn họ có vẻ khá bao che. Lịch sử Liên Xô thừa nhận là đã không kiểm soát được quân lính, nhiều người còn cho là những hành vi tàn ác nhất là do các cự tù binh chiến tranh thực hiện, bọn họ được quân đội Liên Xô giải phóng trên đường tiến về sông Oder, và đầu óc bọn họ toàn chuyện báo thù. Về các vụ cưỡng hiếp, biên tập viên Pavel Troyanoskii của tờ báo quân đội Sao đỏ nói với tác giả: “Đương nhiên chúng tôi không phải trăm phần trăm đều là quí ông, chúng tôi đã phải chứng kiến quá nhiều thứ”. Một biên tập khác của tờ Sao đỏ nói: “Chiến tranh là chiến tranh, và điều chúng tôi đã làm chẳng là gì so với những thứ bọn Đức đã làm ở Nga”. Trong cuốn trò chuyện với Stalin, Milovan Djilas, trưởng đoàn Phái bộ Quân sự Nam tư tại Moscow trong suốt cuộc chiến, đã viết rằng ông từng trách móc Stalin về các tội ác mà Hồng quân đã thực hiện ở Nam tư. Stalin đáp: “Một người lính sau khi vượt qua hàng ngàn cây số, trải qua bao nhiêu máu lửa thì chơi đùa với một người phụ nữ hay lấy vài món đồ thì có là gì chứ, anh không hiểu à?”.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #125 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 09:53:57 am »

     Giữa tình trạng bạo lực và cướp bóc vô nghĩa đó, trận chiến vẫn diễn ra khốc liệt. Nằm ở trung tâm trận chiến chính là căn hầm Führerbunker và cư dân của nó, đã bị lực lượng phòng thủ đang bị ép ra bã và dân chúng đang hoảng loạn quên béng đi mất .

      Cuộc sống trong hầm giờ cứ như trong mộng, chẳng có chủ đích gì. Gertrud Junge, thư ký của Hitler kể lại, “Những người còn ở lại cứ tiếp tục chờ có quyết định gì không, nhưng chẳng có gì cả. Bản đồ nằm lung tung trên bàn , cửa nào cũng mở toang hoác, không ai ngủ nổi nữa, cũng chẳng còn ai biết ngày tháng giờ giấc gì nữa. Hitler không thể chịu nổi nếu phải ở một mình; ông ta cứ đi lên đi xuống qua mấy căn phòng nhỏ và nói chuyện với tất cả những ai còn ở lại. Ông ta nói về cái chết sắp tới của mình và cái kết đang đến gần.

     Đồng thời, gia đình Goebbels đã chuyển vào hầm, mấy đứa nhỏ chơi đùa và hát cho “cậu Adolf“ nghe. Có vẻ như không còn ai nghi ngờ gì về ý định tự sát của Hitler nữa ; ông ta nói chuyện này suốt. Mọi người cũng biết là Magda and Joseph Goebbels đều định tự sát - và cả sáu đứa con của họ là Helga, Holde, Hilde, Heide, Hedda và Helmuth cũng vậy. Những người duy nhất không biết có lẽ là chính bọn trẻ. Chúng nói với Erwin Jakubek, một người hầu bàn trong hầm là chúng sẽ bay một chuyến khá dài đi khỏi Berlin. Cô con cả Helga nói: “Bọn cháu sẽ tiêm một mũi phòng say máy bay.”

      Bà Goebbels bị đau răng, bà cho gọi bác sĩ Helmut Kunz, viên nha sĩ làm việc trong bệnh viện lớn nằm ở dưới hầm của Dinh Thủ tướng. Ông nhổ cái răng hàm ra, và sau đó bà nói: “Không thể để bọn trẻ bị quân Nga bắt sống. Nếu điều xấu hơn biến thành xấu nhất và chúng ta không thể thoát được thì anh phải giúp tôi.”

       Khi nghe nói Kunz đã nhổ răng cho Magda, Eva Braun cũng bảo ông giúp cô ta chữa mấy cái răng. Rồi chợt nhớ ra, cô nói: “Ồ, tôi quên mất. Làm thế ích gì cơ chứ? Chỉ mấy tiếng nữa là tất cả chấm dứt rồi còn đâu!”

       Eva định dùng thuốc độc. Cô lấy ra một viên cyanua và nói, “Đơn giản lắm - chỉ cần cắn một phát và mọi chuyện sẽ kết thúc.” Ludwig Stumpfegger, một bác sĩ của Hitler lúc đó cũng có mặt, ông nói: “Nhưng làm sao cô biết nó sẽ có tác dụng? Sao cô biết trong đó có độc?” Câu này khiến mọi người choáng váng, lập tức người ta lấy một viên cho chú chó Blondi của Hitler uống thử. Kunz kể, Stumpfegger lấy một cái kẹp bóp vỡ viên thuốc và cho vào miệng chú chó; nó chết ngay tức khắc.

        Cú đòn cuối cùng giáng xuống Hitler vô tình được đưa tới vào chiều ngày 29/4, do một người đàn ông ngồi bên máy đánh chữ cách đó gần 8.000 dặm, tại thành phố San Francisco gây ra. Người đó là Paul Scott Rankine, phóng viên tờ Reuters, đang ở thành phố này để thu thập tin tức về hội nghị thành lập Liên Hiệp Quốc. Hôm đó, ông nghe Cục trưởng Cục Thông tin Anh quốc, Jack Winocour - và ông này thì nghe tin từ Bộ trưởng Bộ ngoại giao Anh quốc Anthony Eden- nói là Himmler đã đề nghị được đầu hàng quân Đồng minh. Rankine liền viết bài về chuyện này, và chỉ trong vài phút sau nó được truyền trên toàn thế giới.

       Bài báo đã khiến Hitler mơ hồ nghĩ về sự phản bội của Himler. Tin này đến tai  ông ta vào đầu buổi tối, trong lúc ông ta đang họp với Weidling, Krebs, Burgdorf, Goebbels và trợ lý của Goebbels là Wener Naumann. Theo Weidling kể lại , “ Naumann được gọi đi nghe điện thoại, mấy phú sau ông ta quay lại. Ông ta nói với bọn tôi là đài phát thanh Stockholm có một bài phóng sự nói là Thống chế SS Himmler đã bắt đầu đàm phán với Bộ Chỉ huy Tối cao của liên quân Anh-Mỹ.”

      Hiler lảo đảo, mặt xám như tro tàn. Weidling nói, ông ta “nhìn Goebbels một hồi lâu rồi lẩm bẩm gì đó nhỏ tớ mức không ai nghe được.” Ông ta trông có vẻ choáng váng. Gertrud Junge nói, “Sau đó tôi có gặp Hitler. Ông ta xanh mét, đôi mắt trống rỗng và nhìn như thể đã mất hết tất cả.” Quả đúng là vậy. Eva Braun nói với Gertrud và một thư ký khác của Hitler, “Đêm nay chúng ta chắc chắn sẽ phải rơi lệ.”

       Viên sĩ quan liên lạc của Himmler ở Führerbunker, Trung tá SS Hermann Fegelein, anh rể của Eva Braun, lập tức bị nghi ngờ là đồng lõa phản bội với Himmler. Fegelein đã biến mất khỏi hầm mấy ngày nay; người ta mở cuộc tìm kiếm và phát hiện ra ông ta đang ở nhà, mặc thường phục và chuẩn bị rời khỏi Berlin. Ông ta buộc phải quay lại hầm và bị giam lại. Hitler kết luận là việc Fegelein định đi khỏi Berlin hẳn có liên quan với tội phản bội của Himmler. Theo Đại tá SS Otto Günsche kể, “Fegelein bị tòa án quân sự tuyên án tử và bị bắn đêm hôm đó. Cô em vợ của ông từ chối cầu tình cho ông ta.”

       Giờ đây, Hitler thấy rõ là chiến tranh đã gần đến hồi kết. Đến rạng đông, ông ta đã để lại di chúc chính trị cũng như cá nhân của mình, giao cái chính phủ đổ nát cho Đô đốc Karl Doenitz làm Tổng thống và Joseph Goebbels làm Thủ tướng. Ông ta cũng kết hôn với Eva Braun.

       Gertrud Junge kể, “Sau buổi lễ, Hitler và cô dâu ngồi lại chừng một giờ với vợ chồng Goebbels, các tướng Krebs và Burgdorf, tiến sĩ Naumann và Đại tá Không quân Nicolaus von Below.” Gertrud Junge chỉ ở lại với bọn họ chừng 15 phút, vừa đủ để “bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất của mình dành cho cặp đôi mới cưới.” Cô nói, “Hitler nói về cái kết của Chủ nghĩa Quốc xã, mà ông nghĩ rằng sẽ khó lòng hồi sinh trở lại, và nói, ‘Đối với tôi, cái chết chỉ là sự giải thoát khỏi cuộc sống gian nan phiền muộn này mà thôi. Tôi đã bị những người bạn thân thiết nhất lừa dối và nếm trải mùi vị của sự phản bội.’”

        Cũng trong ngày hôm đó, Hitler lại nhận thêm tin xấu: Mussolini và phu nhân đã bị quân kháng chiến bắt và đem treo cổ. Đêm đó, Hitler nói lời vĩnh biệt mọi người trong hầm.

        Ngày hôm sau, khi xe tăng Nga chỉ còn cách đó không đầy nửa dặm, ông ta quyết định là đã tới lúc. Hitler dùng bữa trưa với hai viên thư ký và người đầu bếp chuyên nấu món chay; anh hầu bàn Erwin Jakubek kể, bữa ăn cuối cùng là “mì ống Ý với sốt.”

       Hitler nói thêm mấy lời vĩnh biệt sau bữa ăn; ông ta nói với Gertrud Junge: “Giờ mọi chuyện đã đi quá xa rồi, thôi coi như hết. Vĩnh biệt.”  Eva Braun ôm choàng lấy cô thư ký và nói: “Cho tôi gửi lời chào đến Munich (*), và hãy lấy chiếc áo khoác lông của tôi làm kỷ niệm nhé - tôi luôn thích những ai ăn mặc đẹp.” Sau đó hai người vào trong phòng riêng. Đại tá Otto Günsche đứng ngoài cửa căn phòng nghỉ dẫn vào dãy phòng của Hitler. Sau này ông kể, “Đó là chuyện khó khăn nhất tôi từng làm. Lúc đó chừng 3:30 hay 3:40 gì đó. Tôi cố kiểm soát cảm xúc của mình. Tôi biết ông ấy phải tự sát thôi. Không còn cách nào nữa.”

      Trong lúc chờ đợi, bầu không khí xuống tới cực điểm trong một quãng ngắn. Magda Goebbels đột nhiên lao tới chỗ ông, đòi gặp Quốc trưởng, trông bà có vẻ hoảng loạn. Không thuyết phục nổi bà, Günsche đành gõ cửa phòng Hitler. “Quốc trưởng đang đứng trong phòng làm việc. Eva không có trong phòng, nhưng trong phòng tắm có tiếng nước chảy nên tôi đoán cô ấy chắc đang trong đó. Ông ấy cực kỳ giận dữ khi thấy tôi đi vào. Tôi hỏi ông ấy có muốn gặp bà Goebbels hay không. Ông ấy nói, ‘Tôi không muốn nói gì với bà ấy nữa hết. ’ Thế là tôi đi ra.

      Năm phút sau tôi nghe có tiếng súng nổ.

      “Bormann đi vào trước. Rồi tôi theo sau cô hầu phòng Linge. Hitler đang ngồi trên ghế. Eva thì nằm trên chiếc tràng kỷ. Gương mặt Hitler toàn là máu. Ở đó có hai khẩu súng. Một là khẩu Waltherpp PPK. Nó là của Hitler. Cái kia là một khẩu súng lục nhỏ mà ông ấy luôn bỏ trong túi . Eva mặc một chiếc đầm màu xanh lam, cổ áo và tay áo màu trắng. Mắt cô mở lớn. Mùi cyanua nồng nặc. Cái mùi đó nồng tới mức tôi nghĩ quần áo tôi sẽ bị ám mùi suốt mấy ngày mất – nhưng có thể là do tôi tưởng tượng thế thôi.

      “Borman không nói gì, nhưng tôi thì lập tức đi qua phòng họp, Goebbels, Burgdorf và những người khác mà tôi không nhớ nữa đang ngồi trong đó. Tôi nói, ‘Quốc trưởng đã chết rồi.’”

       Một lát sau, cả hai cái xác được lấy mền cuốn lại và đặt trong một cái hố bên ngoài cửa hầm, gần một cái máy trộn bê tông bỏ không. Chúng tôi tưới đẫm xăng lên và châm lửa. Người lái xe của Hitler, Erich Kempka thấy dù hai các xác đang cháy bừng bừng nhưng “chúng tôi vẫn bị giam hãm trong sự hiện hữu của Hitler.”


       Đường ống thông hơi trong hầm mang mùi xác cháy vào trong phòng và không thoát ra được. Kempka kể, “Chúng tôi không làm sao tránh được. Nó giống như mùi thịt heo muối bị cháy.”

……………………….
       (*) Eva Braun quê ở Munich - ND.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #126 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 09:59:44 am »

       Khi hoàng hôn xuống, vị thủ tướng mới, Joseph Goebbels ra quyết định trọng đại đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức: ông ta quyết định thử đàm phán đầu hàng theo điều kiện của riêng mình. Một bức điện vô tuyến được gửi qua tần số của Liên Xô, yêu cầu gặp mặt. Không lâu sau đó, phía Nga hồi âm; bọn họ đồng ý gặp người đại diện, và chỉ định một chỗ cho các sĩ quan Đức có thể đi qua trận tuyến của Nga.

        Lúc gần nửa đêm, Đại tướng Hans Krebs và Tham mưu trưởng của Weidling là Theodor von Dufving (vừa được thăng hàm đại tá) băng qua đống đổ nát, có một phiên dịch và hai người lính đi cùng, bước vào trận địa của Liên Xô. Bọn họ gặp mấy người lính yêu cầu trình ủy nhiệm thư và muốn tước súng của họ. Krebs lạnh lùng nói, ông vốn giỏi tiếng Nga: “Một đối thủ can đảm sẽ để người ta mang theo vũ khí trong lúc đàm phán.” Mấy người lính Nga lúng túng và cho phép họ giữ lại vũ khí tùy thân.

       Bọn họ được xe hơi chở tới một căn nhà ở Tempelhof, rồi được đưa vào một phòng ăn nhỏ. Đồ đạc ở đây vẫn còn dấu vết của những người dân thường từng sống trong nhà - một cái bàn dài, một tủ quần áo to đùng sát tường, mấy cái ghế, và trên tường treo một bản in thạch bản của bức tranh “Bữa ăn cuối cùng” của Leonardo da Vinci.

       Trong phòng còn có vài cái điện thoại dã chiến. Krebs và Von Dufving thấy nơi này toàn sĩ quan cao cấp. Không có chào hỏi gì cả và mấy người Nga cũng không tự giới thiệu. Do đó, Krebs không biết người ngồi đối diện mình chính là Thượng tướng Vasili Ivanovich Chuikov danh tiếng, người từng phòng thủ Stalingrad và là tư lệnh Tập đoàn quân Cận vệ 8. Ông cũng không biết các “sĩ quan” Nga gồm hai phóng viên chiến trường, viên sĩ quan phụ tá (và cũng là em vợ) của Chuikov cùng với hai phiên dịch viên. Sự thật là thế này, Chuikov quá bất ngờ trước lời đề nghị gặp mặt đột ngột này nên không kịp tập hợp đủ ban tham mưu của ông (*).

        Ban đầu Krebs yêu cầu được gặp riêng “trưởng đoàn đàm phán Liên Xô.” Chuikov lấy một điếu xì gà Nga dài trong cái hộp trước mặt và châm lửa hút, nhẹ nhàng chỉ vào những người ngồi quanh mình và nói, “Đây là ban tham mưu của tôi - hội đồng chiến tranh của tôi.” Krebs vẫn phản đối, nhưng cuối cùng cũng bỏ cuộc. Ông nói, “Nhiệm vụ của tôi là truyền tải thông điệp cực kỳ quan trọng mang tính tuyệt mật. Tôi muốn ngài biết điều này, ngài là người ngoại quốc đầu tiên hay tin Hitler đã tự sát vào ngày 30/4.”

       Đây quả là tin mới đối với Chuikov, nhưng ông nói mà không hề chớp mắt, “Chúng tôi biết rồi.” Krebs choáng váng. Ông hỏi, “Sao các anh biết được? Hitler chỉ mới tự sát cách đây mấy tiếng đồng hồ.” Hitler đã kết hôn với Eva Braun vào ngày 29; cô ta cũng đã tự sát, xác của hai người được hỏa thiêu và đem chôn. Ông giải thích, chuyện này xảy ra trong hầm Führerbunker. Chuikov tiếp tục che giấu sự ngạc nhiên của mình. Ông và những người khác trong bộ chỉ huy Liên Xô không hề hay biết chút gì về một nơi như thế, họ cũng chưa từng nghe nói tới Eva Braun.

       Rồi bọn họ bắt đầu đàm phán khá căng thẳng. Krebs nói với Chuikov là Hitler có để lại di chúc, chỉ định người kế nhiệm, rồi ông đưa bản sao di chúc cho Chuikov xem. Ông nói, vấn đề là không thể đầu hàng một cách hoàn chỉnh được, vì tân Tổng thống Doenitz không có ở Berlin.

       Krebs đề nghị, bước đầu nên tạm ngừng bắn hoặc đầu hàng sơ bộ trước - sau đó có lẽ chính phủ Doenitz sẽ đàm phán trực tiếp với Nga. Nhưng đề nghị gây chia rẽ nội bộ quân Đồng minh này đã bị Chuikov thẳng thừng từ chối sau một cuộc điện thoại ngắn gọn cho Zhukov (Quyết định này sau được Moscow xác nhận).

       Cuộc đàm phán kéo dài cả đêm. Đến bình minh, tất cả những gì Krebs đạt được từ phía Ng a là một yêu cầu duy nhất: thành phố cần đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức, thêm vào đó, cá nhân những ai đang ở trong hầm cũng cần đầu hàng.

       Trong khi Krebs ở lại tranh cãi với Chuikov, Von Dufving đi một chuyến mạo hiểm xuyên qua trận tuyến, trong đó ông bị một toán SS nhắm bắn và được một viên trung tá người Nga kéo vào chỗ an toàn. Cuối cùng ông cũng về được Führerbunker và nói với Goebbels là Nga đòi đầu hàng vô điều kiện. Goebbels bắt đầu kích động. Ông ta kêu lên, “Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ chấp nhận điều đó.”

      Vì cả hai bên đều ngoan cố, thế là cuộc đàm phán tan vỡ. Cả hầm đều hoảng sợ. Có vẻ như mọi khẩu súng Nga trong quận đều nhắm vào Dinh Thủ tướng; sau này Von Dufving đoán đó là hệ quả trực tiếp của việc Krebs để lộ vị trí của căn hầm. Những người bị bao vây trong Führerbunker chỉ còn lại hai phương án: hoặc tự sát, hoặc đột phá. Mọi người lập tức lên kế hoạch. Bọn họ sẽ đi thành từng nhóm nhỏ qua hệ thống đường hầm và hầm ngầm phức tạp nằm bên dưới Dinh Thủ tướng. Từ đó, bọn họ sẽ đi theo hệ thống đường tàu điện ngầm tới ga Friedrichstrasse, hi vọng sẽ gặp được một đội quân nào đó dẫn họ lên phía bắc. Sau này, trợ lý của Goebbels, Werner Naumann kể lại, “Một khi chúng tôi vượt qua được vòng vây của quân Nga ở bờ bắc sông Spree thì chắc chắn là có đi hướng nào cũng an toàn.”

      Một số người chọn giải pháp còn lại.

………………………………………….
        (*).Ngoài hai phóng viên chiến trường mà Chuikov mời tới, còn có mặt một nhạc sĩ Liên Xô ghé qua, đó là Matvei Issakovich Blanter, do Stalin đưa tới để viết một bản giao hưởng kỷ niệm cho chiến thắng Berlin.Hai phóng viên hỏi viên tướng phải làm gì với ông nhạc sĩ, và Chuikov nói: “Cứ dẫn ông ta theo”. Nhưng khi Blanter đến nơi, ông ta lại mặc thường phục nên không được cho vào. Người ta nhét vội ông vào phòng để đồ cạnh phòng họp. Ông ở trong dó gần hết cuộc họp. Ngay trước khi mấy vị khách đi khỏi, ông ngất xỉu vì thiếu dưỡng khí và ngã vào trong phòng làm mấy người Đức giật mình.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #127 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 10:02:47 am »

       Cả gia đình Goebbels chọn cách tự tử. Werner Naumann đã cố thuyết phục Magda Goebbels nhiều tuần nay, nhưng bà rất kiên định. Giờ đã đến lúc. Khoảng 8 giờ rưỡi ngày 1/5, Naumann đang nói chuyện với hai vợ chồng Goebbels thì đột nhiên Magda “đứng dậy và đi vào phòng bọn trẻ. Một lát sau bà ta quay lại, mặt trắng bệch và run lẩy bẩy.” Gần như ngay tức khắc, Goebbels nói lời vĩnh biệt.

       Naumann kể, “Ông ấy nói riêng vài lời với tôi - không phải chuyện chính trị hay về tương lai gì cả, chỉ là vĩnh biệt mà thôi.” Khi Goebbels ra khỏi hầm, ông ta bảo viên phụ tá Guenther Schwägermann hãy thiêu xác ông và cả nhà sau khi họ chết. Rồi Naumann thấy Joseph và Magda Goebbels đi lên cầu thang, ra ngoài vườn. Goebbels đội mũ lưỡi trai và đeo găng tay.  Magda thì “run tới mức đi lên không nổi.” Sau đó không có ai gặp hai người bọn họ nữa.

       Bọn trẻ cũng đã chết , mà thủ phạm thì thật khó tin. Naumann nói: “ Vào thời khắc cuối cùng, trước khi Joseph và Magda Goebbels tự kết liễu, chỉ có một người vào phòng bọn trẻ, và đó chính là Magda.”

      Số trốn đi cũng không khá khẩm hơn là mấy. Một số người bị giết. Số còn lại thì rơi vào tay quân Nga chỉ sau vài tiếng đồng hồ; người cảnh vệ của Hitler, Otto Günsche bị giam trong nhà tù Liên Xô 12 năm. Một số bị thương - như viên phi công Hans Baur chẳng hạn, anh ta mang theo bức chân dung Frederick Đại đế mà Hitler tặng, rồi một quả pháo nổ làm anh ta mất một chân, và khi tỉnh dậy trong một bệnh viện của Nga thì bức tranh không còn nữa. Những người khác, như Martin Bormann thì biến mất đầy bí ẩn. Chỉ có vài người thực sự trốn được-hoặc ít ra là rơi vào tay quân Anh-Mỹ.

        Có ba người ở lại trong hầm và tự sát: phụ tá của Hitler, tướng Burgdorf; Tham mưu trưởng OKH, tướng Hans Krebs, và viên đại úy SS Franz Schedle thuộc đội cảnh vệ của hầm.

       Hiện tại, khi mà các quan chức khác đều đã đi khỏi, toàn bộ trách nhiệm về sự an toàn của thành phố, của lực lượng phòng thủ và người dân đều rơi lên vai một người - Đại tướng Karl Weidling. Giờ đây, Berlin chìm trong trận hỏa thiêu dữ dội. Quân đội đã bị đẩy lui vào tận trung tâm thành phố. Xe tăng chạy dọc trên các đại lộ Unter den Linden và Wilhelmstrasse. Giao tranh diễn ra trên toàn công viên Tiergarten và sở thú. Pháo binh Nga đang oanh tạc thành phố từ đại lộ Đông-Tây. Quân lính có mặt tại các ga tàu điện ngầm ở quảng trường Alexanderplatz và đường Friedrichstrasse, và một cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra trong tòa nhà Quốc hội. Weidling thấy chẳng thể làm gì khác ngoài chuyện đầu hàng. Ông thấy nên nói cho người của mình biết. Ông mở một cuộc họp với các vị tư lệnh của mình và giải thích tình hình. Weidling kể, “Tôi trình bày với bọn họ những việc vừa xảy ra trong 24 giờ qua và nêu kế hoạch của mình. Cuối cùng tôi để từng người lựa chọn xem có cách nào khác hay không, nhưng bọn họ cũng chẳng còn giải pháp nào nữa. Tuy nhiên, ai muốn thử bỏ trốn thì có thể làm theo ý mình.”

       Gần một giờ sáng ngày 2/5, Sư đoàn Bộ binh Cận vệ 79 của Hồng quân nhận được một thông điệp trên radio. Người đó nói, “Xin chào, xin chào. Đây là Quân đoàn Thiết giáp 56. Chúng tôi yêu cầu ngừng bắn. Vào lúc 12:15 theo giờ Berlin, chúng tôi đã cử người đàm phán ngừng bắn tới cầu Potsdam. Dấu hiệu nhận biết là một lá cờ trắng. Chờ hồi âm.”

        Phía Nga trả lời: “Đã hiểu. Đã hiểu. Đang chuyển đề nghị của các anh tới Tham mưu trưởng.”

       Khi nhận được bức điện, tướng Chiukov lập tức ra lệnh ngừng bắn. Vào lúc 12:15 ngày 2/5, Đại tá von Dufving, tham mưu trưởng của Weidling cùng hai sĩ quan nữa mang theo một lá cờ trắng đi tới cầu  Potsdam. Bọn họ được đưa tới bộ chỉ huy của Chuikov

      Lát sau Weidling tới . Ngày hôm đó, loa phát thanh trên toàn thành phố thông báo chiến sự chấm dứt.

       Lệnh của tướng Weidling viết, “Mỗi giờ xung đột chỉ làm tăng thêm số thương vong, tăng thêm nỗi thống khổ của cư dân Berlin... Tôi ra lệnh lập tức ngừng bắn.” Dù xung đột lẻ tẻ vẫn xảy ra trong nhiều ngày tới, nhưng trận chiến Berlin đã chính thức chấm dứt. Người đi trên Quảng trường Dân chủ ngày hôm đó thấy cờ đỏ bay phấp phới trên nóc tòa nhà Quốc hội. Nó đã cắm trên đó ngay từ khi chiến sự còn đang diễn ra, vào đúng 1:45 chiều ngày 30/4.

       Dù quân Nga đã biết là hầm Führerbunker nằm ngay bên dưới Dinh Thủ tướng nhưng bọn họ cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ mới tìm được. Người đi đường bị tóm lại và bị bảo chỉ đường cho đội tìm kiếm. Nhiếp ảnh gia Gerhard Menzel là một trong số đó. Anh chưa từng nghe nói đến căn hầm. Nhưng anh vẫn đi cùng một tốp lính vào Dinh Thủ tướng đổ nát.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #128 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 10:07:57 am »

     
       Trong mê cung hầm ngầm, các kỹ sư Nga và đội dò mìn dẫn đường. Mỗi khi thăm dò xong một căn phòng hay hành lang nào đó, mấy người lính lại nhặt nhạnh giấy tờ, tài liệu và bản đồ. Menzel đột nhiên được tặng một cặp ống nhòm mới tìm được và được thả cho đi. Bọn họ đã tới được Führerbunker.

      Những cái xác đầu tiên tìm được là của tướng Burgdorf và tướng Krebs. Hai người nằm trong phòng khách của hành lang, ngồi bên một cái bàn dài toàn ly và chai rượu. Cả hai đều tự sát bằng súng, nhưng có thể nhận diện được qua giấy tờ cất trong quân phục của họ.

      Thiếu tá Boris Polevoi, thuộc một trong những đội tìm kiếm đầu tiên bước vào, kiểm tra nhanh toàn bộ căn hầm. Ông phát hiện ra gia đình Goebbels trong một căn phòng nhỏ có mấy chiếc giường đơn kê sát tường. Xác Joseph và Magda nằm trên sàn. Polevoi nói, “Cả hai cái xác đều bị thiêu, chỉ có gương mặt của Goebbels là còn nhận diện được.” Sau đó bọn họ gặp chút rắc rối trong việc tìm hiểu làm sao xác hai người lại có ở đây. Có lẽ ai đó đã đem xác hai người vào hầm sau khi hỏa thiêu một phần, nhưng không biết là ai.

       Bọn trẻ cũng có ở đó. Thiếu tá Polevoi nói, “Thấy bọn nó như thế thật là đáng sợ. Đứa duy nhất có vẻ không bình thường là cô con cả Helga. Nó có mấy vết bầm tím. Tất cả đều đã chết, nhưng mấy đứa còn lại nằm đó rất yên bình.”

       Các bác sĩ Liên Xô lập tức kiểm tra bọn trẻ. Quanh miệng chúng có vết bỏng, nên bọn họ cho là bọn trẻ đã được cho uống thuốc ngủ và bị đầu độc trong lúc ngủ bằng nhét các viên thuốc cyanua vào miệng.Về các vết bầm của Helga, các bác sĩ đoán là cô bé đã tỉnh lại trong lúc bị đầu độc nên đã vùng vẫy, và bị giữ chặt chân tay.

        Khi đem xác lên Sảnh Danh dự của Dinh Thủ tướng để chụp hình và gắn nhãn nhận diện, Polevoi nhìn lại căn phòng chết chóc lần cuối. Mấy chiếc bàn chải và ống kem đánh răng của bọn trẻ nằm vương vãi trên sàn.

       Một đội chuyên gia tìm được xác Hitler gần như ngay lúc đó, được chôn dưới một lớp đất mỏng. Một sử gia người Nga, tướng B. S. Telpuchovskii chắc chắn đó là xác Quốc trưởng. Ông nói, “Cái xác đã cháy đen, nhưng phần đầu còn khá nguyên vẹn, dù phần lưng có vết đạn bắn. Hàm răng đã long ra, nằm cạnh cái đầu.”

       Thế rồi nghi ngờ bắt đầu dấy lên. Trong khu này, người ta còn tìm thấy mấy cái xác nữa, và một số cũng bị thiêu.

      Telpuchovskii nói, “Chúng tôi phát hiện ra xác của một người đàn ông mặc quân phục có nhiều đặc điểm giống Hitler, nhưng đôi tất của ông ta lại có chỗ vá. Chúng tôi cho là đó không thể nào là Hitler được, vì làm thế nào mà Quốc trưởng của Đế chế Đức lại mang tất vá cơ chứ. Còn có xác một người đàn ông vừa mới bị giết nhưng không bị thiêu.”

       Vấn đề về mấy cái xác càng rối hơn nữa khi đặt cái xác đầu tiên bên cạnh cái xác thứ hai, rồi mời các cảnh vệ và nhân viên đến nhận dạng. Bọn họ không thể, và cũng sẽ không làm.

       Mấy ngày sau, Thượng tướng Vasili Sokolovskii ra lệnh cần kiểm tra hàm răng của hai cái xác. Fritz Echtmann và Käthe Heusermann, hai chuyên gia nha khoa từng làm việc trong phòng khám của bác sĩ Blaschke, nha sĩ riêng của Hitler, được gọi tới. Echtmann được đưa tới Finow, gần Eberswalde, cách Berlin chừng 25 dặm về phía đông bắc. Người ta bảo ông vẽ phác hàm răng của Hitler. Khi ông vẽ xong, mấy điều tra viên cầm bản vẽ đi qua phòng khác. Một lát sau bọn họ quay lại. Echtmann nghe họ bảo là “Hình vẽ khớp.” Rồi bọn họ cho ông xem toàn bộ hàm dưới và mấy cái cầu răng giả của Hitler.

       Käthe Heusermann được đón đi ngày 7/5; cô nhận ra cái hàm và mấy cái cầu răng giả ngay lập tức. Cô và bác sĩ Blaschke đã làm mấy cái đó chừng vài tháng trước nên rất dễ nhận ra. Käthe được tặng một túi đồ ăn và được lái xe đưa về Berlin. Hai ngày sau, cô lại được mời đi, lần này là tới thị trấn Erkner . Trong khu đất hoang có một hàng mộ chưa lấp, có thể thấy mấy cái xác bên dưới. Gã người Nga đi cùng cô nói, “Cô hãy nhận dạng bọn họ.” Käthe lập tức nhận ra được xác của Joseph Goebbels và các con. Cô nói: “Mấy đứa con gái đều mặc đầm ngủ bằng vải flannel in hoa hồng đỏ và xanh xoắn vào nhau.” Không thấy Magda Goebbels ở đó.

      Có vẻ như do hậu quả của việc nhận dạng hàm răng của Hitler nên Käthe Heusermann đã phải ở tù 11 năm trong một nhà tù Liên Xô, phần lớn thời gian là bị biệt giam.

     Chuyện gì đã xảy ra với phần còn lại của cái xác của Hitler? Người Nga tuyên bố đã hỏa táng nó ngay bên ngoài Berlin, nhưng không nói ở đâu. Bọn họ nói chưa từng phát hiện ra xác của Eva Braun, chắc nó đã bị lửa thiêu hoàn toàn, và những bộ phận có thể dùng để nhận dạng được có lẽ đã bị trận oanh tạc dữ dội vào các tòa nhà chính phủ phá hủy mất (*).

      Hai bản phác thảo này được vẽ riêng cho tác giả vào năm 1963, do Käthe Heusermann và Fritz Echtmann vẽ, đây là cách họ giúp người Nga nhận dạng hàm răng của Hitler. Cần chú ý là trong bức vẽ của Etchmann, vị trí của cầu răng giả ở hàm trên được đánh dấu bằng hình chữ nhật không liền nét.

      Sáng 30/4, khi Gotthard Heinrici đang đi trên hành  lang trong bộ chỉ huy của mình trước khi khởi hành, một viên đại úy trẻ tuổi bước tới chỗ ông. Anh nói, “Thưa Thượng tướng, chắc ngài không biết tôi đâu. Tôi làm trong Ban Tác chiến. Như người ta, tôi cũng biết là ngài vừa bị cách chức và được lệnh tới Plön.”

      Heinrici không nói gì.

       Viên đại úy trẻ nói, “Tôi xin ngài, xin đừng vội tới đó.”  Heinrici hỏi, “Anh đang nói gì vậy hả?”

      Viên đại úy nói, “Nhiều năm trước, tôi từng đi theo trung đoàn ở Schwäbisch Gmünd vào các ngày chủ nhật trong lúc diễu hành. Khi đó ngài còn là thiếu tá. Sau này tôi có quen với viên sĩ quan quản trị của ngài hồi ấy.”

       Heinrici nói, “À, Rommel.”

       Viên đại úy nói tiếp, “Thưa ngài, tôi hi vọng ngài sẽ tha thứ cho tôi vì nói điều này, nhưng tôi không muốn ngài phải chịu chung số phận với Thống chế Rommel.”

        Heinrici nhìn anh ta sắc lẹm và hỏi, “Ý anh là gì? Rommel đã hy sinh trong chiến đấu.”

       Viên đại úy đáp: “Không phải vậy đâu thưa ngài. Ông ấy đã bị ép phải tự sát.” Heinrici nhìn anh ta chằm chằm. Ông gằn từng tiếng, “Sao anh biết?”

       Anh ta nói, “Tôi là sĩ quan phụ tá của Rommel. Tôi tên là Hellmuth Lang. Tôi xin ngài, hãy chạy xe tới Plön càng chậm càng tốt. Như thế thì khi ngài tới đó có khi chiến tranh đã kết thúc rồi.”

       Heinrici chần chừ. Rồi ông bắt tay Lang. Ông kiên định nói, “Cảm ơn anh. Cảm ơn anh rất nhiều.”

       Heinrici đi xuống hành lang ra khỏi tòa nhà. Ban tham mưu ít ỏi của ông đứng bên ngoài. Có ai đó ra hiệu lệnh và mọi người bước tới chào. Heinrici đi tới chỗ từng người một. Ông nói, “Tôi muốn cảm ơn tất cả các anh.” Đại úy Heinrich von Bila, sĩ quan phụ tá của ông mở cửa xe. Heinrici ngồi vào trong. Von Bila ngồi vào cạnh lái xe. Anh nói, “Đến Plön.”

       Heinrici nhoài người tới và vỗ vai người lái xe. Ông nói, “Chúng ta không cần vội lắm đâu.”

       Khuya hôm sau, Heinrici tới đơn vị ở Plön. Khi vào phòng, ông thấy có chiếc radio đang phát. Đột nhiên chương trình bị cắt ngang. Sau một loạt tiếng trống trầm trầm, người ta thông báo Quốc trưởng đã qua đời. Lúc đó là 10 giờ tối ngày 1/5.

…………………… 
        (*). Tác giả tin là người Nga không quan tâm lắm đến Eva Braun nên cũng không cố gắng nhận dạng xác của cô. Liên Xô lần đầu tiên khẳng định Hitler đã chết là khi Nguyên soái Vassili Sokolovski nói cho tác giả và giáo sư Erickson biết vào ngày 17/4/1963 gần 18 năm sau khi sự kiện xảy ra .   

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #129 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2017, 10:11:04 am »

     
       Chuẩn úy Dixie Deans ngồi cạnh cậu lính canh người Đức của anh, Charlie Gumbach, cùng nghe tin tức. Đây là tin tốt nhất anh từng nghe được trong suốt một thời gian dài: “... Trong trận chiến chống chủ nghĩa Bolshevish, Quốc trưởng đã chiến đấu tới tận hơi thở cuối cùng,” người phát thanh viên trang nghiêm thông báo. Deans nhìn quanh quất. Anh và Gumbach đang ở đâu đó phía đông Lauenburg, trú trong một căn hầm của một nhà nọ nằm ngay đằng sau trận tuyến của Đức. Cả gia đình họ cũng có mặt và người vợ rơi lệ khi nghe tin. Deans cố kiềm chế niềm vui sướng của mình. "Dù Quốc trưởng có thể đã chết, cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Trận tuyến của Đức nằm ngay phía trước và Dixie phải vượt qua đó. Chuyện này không dễ tí nào; bắn nhau đang rất ác liệt.”

        Mọi người qua đêm trong căn hầm không lấy gì làm thoải mái. Deans dễ dàng đi vào giấc ngủ. Anh đã phải đạp xe nhiều ngày liền, cố tới được trận tuyến của Anh. Giờ chỉ cần chút may mắn là anh có thể làm được - nếu anh có thể thuyết phục bọn Đức bên kia để mình qua. Đó là điều cuối cùng Deans còn nhớ được trước khi thiếp đi.

       Mấy tiếng sau, anh tỉnh giấc vì có ai thọc vào người. Một khẩu tiểu liên chọc vào mạn sườn anh. Có người nói, “OK, anh bạn; đứng dậy đi.”

       Dixie ngước nhìn thấy một người lính dù của Sư đoàn Không vận 6 của Anh, có gương mặt trông có vẻ rất gan góc. Vùng này đã bị chiếm đêm qua, trong lúc bọn họ ngủ say. Deans đứng dậy, hết sức vui mừng giải thích mình là ai. Anh và Charlie được đưa về bộ chỉ huy trung đội, rồi tới bộ chỉ huy sư đoàn và rồi quân đoàn. Cuối cùng bọn họ gặp Trung tướng Evelyn H. Barker, tư lệnh Quân đoàn 8.

        Deans nhanh chóng giải thích tình hình. Anh nói vội vã, “Có 12.000 tù binh chến tranh thuộc Không lực Hoàng gia đang đi tới đây. Máy bay quân ta đã bắn vào bọn họ!”

      Anh chỉ cho tướng Barker xem mình đã để bọn họ lại chỗ nào. Viên tướng hơi choáng váng; rồi ông vội vàng gọi điện thoại - và hủy một cuộc không kích khác đã được lên lịch tại vùng đó. Tướng Barker nhẹ nhõm nói, “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Chúng ta sắp chiếm được vùng đó trong vòng 48 giờ tới ; anh nên nghỉ ngơi đi.”

       Deans nói, “Không, thưa ngài . Tôi đã hứa với Đại tá Ostmann là tôi sẽ trở về.” Barker ngạc nhiên nhìn anh. Viên tướng nói, “Thôi được, tôi sẽ cho xe cắm cờ Hội Chữ thập Đỏ đưa anh về, như thế chắc sẽ qua được. Bảo mấy thằng Đức anh gặp là bọn nó nên ngừng làm việc được rồi đấy.”

        Deans chào viên tướng. Khi đi qua văn phòng tham mưu trưởng, anh nhìn quanh. Anh hỏi, “Anh lính canh người Đức của tôi đâu, Charlie Gumbach ấy?” Có người nói , “Anh ta sắp bị đưa vào trại tù binh chiến tranh rồi.” Deans giận điên lên. Anh gầm gừ, “Không có anh ta thì tôi sẽ không đi hỏi đây. Tôi đã hứa danh dự rồi !”

       Charlie nhanh chóng quay lại, và bọn họ cùng ngồi trên một chiếc Mercedes chiếm được có cắm cờ Hội Chữ thập Đỏ trên mui.

       Hai ngày sau, Dixie Deans đưa đoàn người của mình đến chỗ trận tuyến của Anh, có mấy người thổi kèn túi dẫn đường. Mọi người đứng quan sát những người lính Không lực Hoàng gia mệt mỏi, gầy trơ xương, đầu ngẩng cao nặng nề bước vào lãnh địa của Anh. Đại tá Ostmann và mấy người lính canh của ông bị giam lại. Deans và mấy người nữa cùng đi với bọn họ tới trại tù binh chiến tranh của Anh. Hai bên nhìn nhau. Ostmann bước tới trước, rồi ông ta và Deans chào nhau. Deans nói, “Tạm biệt, Đại tá Ostmann.” Ostmann cũng nói, “Tạm biệt Deans. Hi vọng ta sẽ gặp lại nhau.” Rồi Deans hô “Nghiêm!” và Ostmann cùng mấy người lính canh vào trong trại tù. Charlie Gumbach vẫy tay với anh khi đi ngang qua.



Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM