Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:33:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: The Last Battle - Trận chiến cuối cùng  (Đọc 98676 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 07:41:16 am »

       Có một đoạn trong bản thông cáo chính thức khẳng định: “Chúng tôi đã đồng thuận về nhiều chính sách và kế hoạch nhằm thúc đẩy các điều khoản đầu hàng vô điều kiện mà chúng tôi sẽ cùng đưa ra… Các điều khoản này sẽ không được thực hiện chừng nào chưa tới thất bại cuối cùng của nước Đức… Theo kế hoạch đã được nhất trí, mỗi bên lực lượng của Tam Quyền sẽ chiếm một phần nước Đức riêng biệt…” Phe Đồng minh không cần nêu ra các “điều khoản” nữa – tướng Jodl đã đọc qua trong hồ sơ Nhật thực rồi. Và dù bản thông cáo Yalta không tiết lộ các khu vực chiếm đóng dự định, tướng Jodl cũng đã biết nốt. Vị trí và ranh giới chính xác của mỗi vùng đều có trên tấm bản đồ của Chiến dịch Nhật thực.

       Có thể suy ra nhiều kết luận khác, nhưng có một cái đặc biệt cay đắng đối với tướng Jodl. Rõ ràng là dù có chuyện gì khác đã xảy ra ở Yalta, kế hoạch của phe Đồng minh đối với nước Đức đã đơn thuần được thông qua ở cuộc họp của ba ông lớn. Trong khi bản thông cáo Yalta tạo ấn tượng là kế hoạch chi tiết về việc chiếm đóng và chia cắt khởi nguồn từ hội nghị, ngày tháng trên tập tài liệu và bản đồ Chiến dịch Nhật thực chứng minh rằng không cần nghi ngờ, những quyết định cơ bản đã đạt được nhiều tháng trước đó. Lá thư đi kèm với bản ghi nhớ thông tin cơ bản của Chiến dịch Nhật thực được ký vào tháng giêng.

       Mấy tấm bản đồ đã được chuẩn bị trước đó: chúng được in từ cuối năm 1944 và có ngày tháng đề tháng 11. Chiến dịch Nhật thực, được định nghĩa là “kế hoạch và vận hành của cuộc chiếm đóng nước Đức,” đơn giản là không thể nào được đưa ra trừ phi đã có sự nhất trí hoàn toàn trong phe Đồng minh – một sự thật tỉnh táo làm khô héo một trong những niềm hy vọng cuối cùng của nước Đức.

      Từ giây phút Hồng quân vượt qua biên giới phía đông của đế chế Đức, Hitler và các cố vấn quân sự của ông ta đã chờ đợi vết mẻ bất đồng đầu tiên giữa phe Đồng minh với nhau xuất hiện. Họ tin là điều này chắc chắn sẽ xảy ra, vì phương Tây sẽ không bao giờ để nước Nga Soviet thống trị Trung Âu. Tướng Jodl cũng có đồng quan điểm. Ông đặc biệt nghiêng về phía người Anh, vì ông cảm thấy rằng họ sẽ không bao giờ chịu nổi tình hình như thế (*). Nhưng đó là trước khi ông xem qua Chiến dịch Nhật thực. Nhật thực cho thấy rõ là quan hệ Đồng minh đó vẫn không suy suyển và Yalta đã chứng thực điều đó.

      Hơn thế nữa, ngay đoạn đầu của lá thư đi kèm – một lời nói đầu cho toàn bộ hồ sơ – đã cho thấy sự nhất trí hoàn toàn trong phe Đồng minh. Lá thư viết: “Để thực hiện các điều khoản đầu hàng mà nước Đức phải chịu, chính phủ của Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh (ở Liên Xô là nhân danh nhà nước nắm quyền) đã đồng ý rằng nước Đức sẽ bị các lực lượng vũ trang của ba thế lực chiếm đóng (**). Và không cần bàn cãi gì về độ đáng tin của lá thư nữa. Nó được ký vào tháng 1/1945, tại Sở chỉ huy của Tập đoàn quân 21 của Anh, và tại Bỉ, bởi một người có địa vị không kém Thiếu tướng Sir Francis de Guingand, Tham mưu trưởng của Thống chế Montgomery.

        Lời dẫn của tác giả:

        (*): Ở cuộc họp ngày 27/1/1945, Hitler đã hỏi Goering và Jodl: “Các anh có nghĩ là sâu trong lòng bọn người Anh rất hăng hái trước những diễn biến của Nga không? “ Jodl trả lời mà không hề ngập ngừng. Ông đáp, “Chắc chắn là không. Kế hoạch của họ khá là khác… sau đó… họ sẽ hoàn toàn nhận ra được.” Goering cũng rất tự tin. Ông nói, “Chắc chắn là họ không dự tính được là chúng ta lại cầm chân họ trong khi quân Nga chinh phục khắp nước Đức. Họ không tin là chúng ta… cầm chân họ ở phía tây như mấy thằng điên, trong khi quân Nga tiến vào đất Đức ngày càng sâu.” Jodl hoàn toàn đồng ý, chỉ ra rằng người Anh “đã luôn luôn nghi ngờ người Nga.” Goering thì hết sức chắc chắn là người Anh sẽ cố dàn xếp một số thỏa hiệp với Đức, thay vì thấy trái tim của châu Âu rơi vào vòng quỹ đạo cộng sản, ông nói: “Nếu cái đà này cứ diễn ra, chúng ta sẽ nhận được một bức điện tín [từ người Anh] trong vài ngày tới.”

      (**): Có thể có một số sai khác nhỏ giữa bản dịch này với tài liệu gốc. Khi Chiến dịch Nhật thực rơi vào tay người Đức, nó được dịch ra tiếng Đức và sao chụp lại. Phiên bản trên là một bản dịch của tài liệu bị thất lạc đã được người Anh lấy lại.

        Đòn mạnh nhất dành cho tướng Jodl là sự nhấn mạnh lặp đi lặp lại về việc đầu hàng vô điều kiện; nó được nhắc hết lần này tới lần khác. Lúc đầu, người Đức tin chắc là lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chỉ là hành động tuyên truyền nhằm nâng cao nhuệ khí của hậu phương của phe Đồng minh. Giờ họ đã biết rõ hơn: phe Đồng minh rõ ràng có ý định đó. Chiến dịch Nhật thực nói rằng, “Câu trả lời khả thi duy nhất để có thể cất khúc khải hoàn cho toàn bộ cuộc chiến là đánh bại và chiếm đóng hoàn toàn… Phải làm rõ là người Đức sẽ không được quyền đàm phán, theo nghĩa của từ này.”

       Ý định của phe Đồng minh hứa hẹn sẽ không có chút hi vọng, chút tương lai nào cho nước Đức. Rõ ràng là dù Đức có muốn đầu hàng đi nữa thì cũng không có cách nào ngoại trừ đầu hàng vô điều kiện. Với tướng Jodl, điều này có nghĩa là Đức không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu đến cùng (***).

     Lời dẫn của tác giả:

      (***): Ở phiên tòa xét xử của tướng Jodl tại Nurenberg năm 1946, ông được hỏi sao không khuyên Hitler đầu hàng từ đầu năm 1945. Tướng Jodl nói: “Lý do rất đơn giản… đầu hàng vô điều kiện… và dù chúng tôi có chút nghi ngờ về thứ mình phải đối mặt, thì nó cũng đã hoàn toàn biến mất khi chúng tôi lấy được bản Chiến dịch Nhật thực bằng tiếng Anh.” Vào lúc đó, khi đang khai trước Tòa án, tướng Jodl nhìn mấy vị sĩ quan Anh đang có mặt tại đó và nói với một nụ cười nửa miệng, “Các quý ông của phái đoàn Anh quốc sẽ biết đó là cái gì.” Sự thật là những người Anh tại phiên tòa không hiểu được lời nói đó: Chiến dịch Nhật thực được giữ bí mật tới mức họ không biết gì về nó. Chính lời ám chỉ bí ẩn đó, cộng thêm vài cuộc phỏng vấn với bà Jodl, đã đưa tác giả đến với Chiến dịch Nhật thực và nội dung của nó, lần đầu công bố tại cuốn sách này.

        Vài ngày sau – vào ngày chủ nhật trước Lễ Phục sinh, ngày 25/3 – Thượng tướng Jodl kiểm tra bản đồ của Chiến dịch Nhật thực một lần nữa. Ông có đủ lý do để làm vậy. Các đơn vị trong Quân đoàn 3 của Đại tướng George S. Patton của Mỹ đã vượt sông Rhine vào đêm thứ năm ở ngôi làng chuyên làm nông Oppenheim, gần Mainz, và giờ đang tiến về Frankfurt. Ngày hôm sau, ở miền bắc, các lực lượng của Thống chế Montgomery càn quét qua sông trong một cuộc tấn công quy mô lớn trên một mặt trận dài 25 dặm. Bất chấp mọi thứ, phòng tuyến sông Rhine đang sụp đổ - và quân Đồng minh phương Tây đang tiến cực nhanh. Giờ đây, tướng Jodl đang lo lắng kiểm tra lại mấy tấm bản đồ của Chiến dịch Nhật thực, tự hỏi phe Đồng minh định tiến sâu vào nước Đức đến mức nào. Đó là một câu hỏi mà bản ghi nhớ thông tin cơ bản của Chiến dịch Nhật thực không trả lời. Tướng Jodl ước gì ông có các phần khác của kế hoạch – đặc biệt là phần có kế hoạch hành quân.

        Dù vậy, mấy tấm bản đồ vẫn cung cấp một gợi ý. Ông thậm chí từng đề cập chuyện này với vợ. Đó chỉ là linh cảm, nhưng tướng Jodl nghĩ là mình đã đúng. Mấy tấm bản đồ vẽ đường ranh giới giữa liên quân Anh-Mỹ và quân Nga chạy dọc sông Elbe từ Lübeck đến Wittenberge, và từ đó cuộn xoắn về phía nam tới vùng lân cận Eisenach, rồi qua phía đông tới biên giới với Tiệp.

      Liệu đường vẽ đó, ngoài là đường ranh giới khu vực, còn là điểm dừng của đà tiến quân của liên quân Anh-Mỹ hay chăng? Tướng Jodl gần như chắc chắn là như thế. Ông bảo vợ rằng ông không nghĩ là quân Anh và Mỹ sẽ đến Berlin; ông tin là bọn họ đã quyết định để việc chiếm thủ đô cho Hồng quân thực hiện. Trừ khi bản đồ của Chiến dịch Nhật thực đã bị thay đổi, đối với tướng Jodl, có vẻ như các lực lượng của Eisenhower sẽ dừng chân tại đường ranh giới của Chiến dịch Nhật thực.

       Trong tuần cuối cùng của tháng ba – ngày chính xác thì không ai còn nhớ được nữa – Đại tướng Reinhard Gehlen, Trưởng ban tình báo của tướng Guderian, lái xe đến Prenzlau để gặp vị tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân Vistula.

        Trong cặp tài liệu của ông là một bản sao Chiến dịch Nhật thực. Tướng Gehlen chỉ ra các bố trí mới nhất của quân Nga bên sông Oder mà họ biết được cho tướng Heinrici, rồi ông đưa cho tướng Heinrici tập hồ sơ Chiến dịch Nhật thực và giải thích đó là cái gì. Tướng Heinrici chầm chậm xem qua các trang giấy. Rồi ông giở mấy tấm bản đồ ra. Ông nghiên cứu chúng một lúc lâu. Cuối cùng, Heinrici nhìn Gehlen và tóm tắt lại ý nghĩa của tài liệu này, ý nghĩa mà ai Bộ Tư lệnh Cấp cao cũng biết, bằng một câu duy nhất. “Das ist ein Todesurteil” – Đây là một bản án tử hình.


 
                          ***********************
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2016, 12:41:48 pm »

                              III




                         MỤC TIÊU


      1.


       Gần đến nửa đêm ngày chủ nhật trước Lễ Phục sinh, một chiếc xe sĩ quan Mỹ dừng bên ngoài sở chỉ huy xây bằng đá xám của Sư đoàn Dù 82 ở Sissonne, miền bắc nước Pháp. Hai sĩ quan bước ra ngoài. Một người mặc đồng phục của Mỹ, người kia mặc quân trang của Anh nhưng không mang phù hiệu. Người thứ hai gầy và cao lêu nghêu, đội một chiếc mũ nồi xanh gọn gàng, tương phản rõ rệt với mái tóc vàng hoe của ông, nuôi bộ râu đỏ trông rất dữ tợn. Tên của ông thật sự khó mà phát âm nổi đối với cả người Mỹ lẫn người Anh: Arie D. Bestebreurtje. Ông thường được biết đến bằng cái tên “Arie”, hay “Đại úy Harry.” Ngay cả những cái tên này cũng thay đổi qua từng nhiệm vụ, vì ông dành phần lớn thời gian đằng sau các phòng tuyến của Đức. Arie là một đặc vụ của Lực lượng Đặc biệt và là một thành viên của Cục Tình báo Hà Lan.

      Mấy ngày trước, Arie được thượng cấp gọi đến Brussels và bảo rằng ông vừa được phân đến Sư đoàn Dù 82 để thực hiện một công tác đặc biệt. Ông sẽ phải báo cáo với vị Thiếu tướng trẻ tuổi James M. Gavin, 38 tuổi, tư lệnh của Sư đoàn Dù 82, để tham gia vào một chỉ thị tối mật. Bây giờ, Arie và viên sĩ quan tháp tùng đi vào sở chỉ huy, rảo bước lên một dãy cầu thang để lên tầng hai rồi đi dọc theo một hành lang đến một căn phòng bản đồ được canh gác cẩn mật. Tại đây, một quân cảnh kiểm tra giấy ủy nhiệm của họ, sau đó anh ta chào họ rồi mở cửa.

      Vào trong phòng, Arie được tướng Gavin và Tham mưu trưởng của ông, Đại tá Robert Wienecke chào đón nồng nhiệt. Arie thấy phần lớn người trong phòng đều là bạn cũ: ông từng kề vai chiến đấu cùng họ trong cuộc tấn công của sư đoàn 82 tại Nijmegen, Hà Lan. Mấy vị thượng cấp của ông tại Bỉ đã không phóng đại các biện pháp an ninh tại đây. Chỉ có 15 sĩ quan có mặt –tư lệnh các trung đoàn và một số thành viên nhất định trong ban tham mưu của họ, rõ ràng tất cả đều được chọn rất kỹ lưỡng. Bản thân căn phòng khá đơn giản. Chỉ có vài băng ghế dài và mấy cái bàn, cùng một số biểu đồ trên tường. Ở cuối phòng có một tấm bản đồ lớn cỡ bức tường, được phủ rèm.

      Một sĩ quan an ninh gọi tên từng người để đối chiếu với bảng phân công; rồi tướng Gavin nhanh chóng mở màn. Đứng bên tấm bản đồ phủ rèm, ông ra dấu cho mọi người đến xung quanh. Ông bắt đầu:

     “Chỉ có mấy người các anh là có lý do nhất định để đến buổi chỉ thị này, và tôi phải nhấn mạnh rằng, trừ khi có mệnh lệnh khác, các anh không được để những thứ được nghe trong tối nay lọt ra khỏi căn phòng này. Nói cách khác, các anh sẽ huấn luyện người của mình trong bóng tối, vì các anh không được cho họ biết mục tiêu. Thực sự thì, các anh đã phần nào huấn luyện bọn họ rồi, dù phần lớn các anh không biết điều đó. Trong mấy tuần qua, các anh cùng với người của mình đã nhảy dù xuống hoặc bay đến một khu vực huấn luyện đặc biệt, được đánh dấu có chủ đích và bố trí mô phỏng theo quy mô thực tế của mục tiêu tấn công kế tiếp của chúng ta.

      Thưa các quý ông, chúng ta sắp tham gia một vụ tiêu diệt. Đây sẽ là một cú nốc ao.”

     Ông giật mạnh sợi dây thừng ở bên cạnh tấm bản đồ. Tấm rèm được kéo qua, để lộ mục tiêu: Berlin.

      Arie nhìn kỹ gương mặt các sĩ quan trong khi họ nhìn chăm chăm tấm bản đồ. Ông nghĩ ông thấy được sự hưng phấn và đề phòng. Ông không ngạc nhiên lắm. Mấy vị tư lệnh này đã chán nản suốt nhiều tháng nay. Phần lớn bọn họ từng cùng đơn vị nhảy dù xuống Sicily, Italy, Normandy và Hà Lan, nhưng gần đây sư đoàn lại được giao cho các nhiệm vụ trên bộ, chủ yếu là ở cao nguyên Ardennes trong trận chiến Bulge. Ông biết rằng với tư cách là những binh đoàn dù xuất sắc, họ cảm thấy bị phủ nhận vai trò chính của mình: tấn công mục tiêu trước các tập đoàn quân đang tiến đến rồi trấn giữ ở đó cho đến khi được điều đi nơi khác. Sự thật là đà tiến quân của quân Đồng minh quá nhanh nên các kế hoạch nhảy dù cứ bị hoãn hết lần này đến lần khác.

      Tướng Gavin giải thích, cuộc tấn công Berlin sẽ là một phần trong chiến dịch của Tập đoàn quân Dù Đồng minh I, do ba sư đoàn thực hiện. Sư đoàn 82, được chỉ định là “Lực lượng Tác chiến A,” sẽ nắm vai trò chủ chốt. Mở lớp phủ trong suốt bên trên tấm bản đồ ra, tướng Gavin chỉ vào một chuỗi hình vuông và oval được đánh dấu bằng bút chì đen, phác họa các mục tiêu và khu nhảy dù rộng lớn. Ông nói, “Theo như kế hoạch, Sư đoàn dù 101 sẽ chiếm sân bay Gatow, phía tây thành phố. Một lữ đoàn từ Quân đoàn Dù 1 của Anh sẽ chiếm sân bay Oranienburg ở phía tây bắc.” Ông ngừng lại một chút rồi nói tiếp. “Mục tiêu của chúng ta nằm ngay giữa Berlin – sân bay Tempelhof”.

       Mục tiêu của Sư đoàn 82 có vẻ quá nhỏ. Với diện tích 321 dặm vuông của thành phố cùng các vùng lân cận, sân bay này giống như một con tem – một vệt xanh rộng không đầy một dặm vuông rưỡi, nằm trong một vùng nhà cửa dày đặc. Ở rìa phía bắc, đông và nam của sân bay có không ít hơn chín nghĩa trang, quả thực hơi giống điềm gở. Tướng Gavin nói:

      “Hai trung đoàn sẽ trấn giữ vành đai, và trung đoàn thứ ba sẽ di chuyển vào các tòa nhà phía bắc sân bay, về hướng trung tâm Berlin. Chúng ta sẽ chờ ở chỗ này cho tới khi các lục quân tới được đó. Sẽ không lâu lắm đâu – vài ngày là cùng.”

      Tướng Gavin nói, cần tăng cường huấn luyện “mù” cho các lính dù. Mô hình phỏng theo địa thế sân bay Tempelhof và các vùng lân cận sẽ được dựng trong một căn phòng “an ninh” của sở chỉ huy; các tư lệnh trung đoàn cùng ban tham mưu sẽ được tiếp cận với các ảnh chụp khu vực đổ bộ, các đánh giá tình báo và các thông tin khác để lên kế hoạch chi tiết. Tướng Gavin nói:

       “Chúng ta thật là may khi có được sự phục vụ của Đại úy Harry. Anh ấy là một chuyên gia về Berlin đấy – nhất là ở Tempelhof và vùng phụ cận. Anh ấy sẽ nhảy dù cùng với chúng ta và từ đây trở đi cũng sẽ có mặt ở các buổi chỉ thị để trả lời thắc mắc của các anh.”

      Tướng Gavin ngừng lại lần nữa và nhìn các sĩ quan:

     “Tôi dám chắc là tất cả các anh đều muốn biết đáp án của câu hỏi lớn nhất: Khi nào? Cái đó thì tùy bọn Đức. Kế hoạch không vận đã đi vào hoạt động từ hồi tháng 11 vừa rồi. Thường xuyên có thay đổi và chúng ta phải biết là sẽ còn thay đổi nhiều nữa trước khi có ngày cụ thể.

Ngày đó đã được xác định là ‘A-Day,’ sẽ tùy thuộc vào tốc độ tiến quân về Berlin của quân Đồng minh. Chắc chắn là việc nhảy dù sẽ không được lên kế hoạch chừng nào lục quân vẫn còn cách xa thành phố. Nhưng A-Day có thể sẽ đến chỉ trong 2-3 tuần nữa. Cho nên chúng ta không có nhiều thời gian đâu. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói cho các anh vào lúc này.”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #22 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 12:46:04 pm »

      Tướng Gavin lui xuống và nhường cuộc họp lại cho các sĩ quan tham mưu của mình. Họ phân tích từng giai đoạn của chiến dịch, còn tướng Gavin ngồi nghe bọn họ nói. Sau này nhớ lại, ông rất tiếc là yếu tố bảo mật đã ngăn không cho ông nói ra đầy đủ chi tiết. Ông không hoàn toàn ngay thằng, vì ông chỉ mới nói cho người của mình một phần của chiến dịch Nhảy dù số 1 của quân Đồng minh – phần chiến dịch chịu trách nhiệm kết hợp cùng các mũi tiến quân của Đồng minh tấn công Berlin.

      Phần ông chưa đề cập là cuộc nhảy dù có thể phải tiến hành trong một điều kiện quân sự khác: nước Đức và các lực lượng vũ trang Đức đầu hàng hoặc sụp đổ đột ngột. Nhưng phần đó của kế hoạch vẫn còn là tối mật. Đó là phần mở rộng hợp lý của Chiến dịch Lãnh chúa – cuộc xâm chiếm châu Âu – và có giai đoạn được biết đến dưới cái tên Chiến dịch Rankin, Phương án C, và sau này là Chiến dịch Lá bùa.

       Tên chiến dịch được đổi lần cuối vào tháng 11/1944, vì lý do bảo mật. Bây giờ nó mang mật danh là Chiến dịch Nhật thực.

      Chiến dịch Nhật thực bí mật tới nỗi ngoài các sĩ quan tham mưu cao cấp ở Sở chỉ huy Tối cao, chỉ có một số tướng lĩnh được phép nghiên cứu về chiến dịch. Đó là tư lệnh của các tập đoàn quân và quân đoàn hoặc những người thuộc các bộ phận khác có trách nhiệm tương đương. Rất ít tư lệnh sư đoàn được biết điều gì về Chiến dịch Nhật thực. Tướng Gavin chỉ được biết một số mục tiêu của kế hoạch và các phần có liên quan tới ông cùng sư đoàn của mình.

      Trong mấy tháng qua, Đại tướng Lewis H. Brereton, Tư lệnh của Tập đoàn quân Dù Đồng minh I, và cấp trên trực tiếp của tướng Gavin là Thiếu tướng Matthew B. Ridgway, Tư lệnh của Quân đoàn 18 đã tham gia vô số cuộc họp, ở đó Chiến dịch Nhật thực được xem là kế hoạch chiếm đóng nước Đức. Nó trình bày chi tiết các bước hành quân sẽ diễn ra ngay sau khi Đức đầu hàng hoặc sụp đổ. Các mục tiêu chính của chiến dịch là ép Đức đầu hàng vô điều kiện cùng với giải giáp và kiểm soát mọi lực lượng của Đức.

      Theo các hoàn cảnh của Chiến dịch Nhật thực, kế hoạch không vận tấn công vào Berlin yêu cầu các lính dù phải di chuyển thật nhanh để “giành kiểm soát thủ đô của địch cùng với các trung tâm vận chuyển và hành chính cao nhất… và phô diễn sức mạnh quân đội của chúng ta.” Họ sẽ phải hạ gục những nhóm cuồng tín còn sót lại, chúng có thể vẫn tiếp tục chống cự; giải cứu và chăm sóc cho các tù binh chiến tranh; thu giữ các tài liệu, hồ sơ và băng hình tối mật trước khi chúng bị phá hủy; kiểm soát các trung tâm thông tin như các sở bưu chính và viễn thông, trạm phát thanh, tòa báo và các nhà máy in; bắt giữ các tội phạm chiến tranh và các nhân vật chủ chốt còn sống sót của chính phủ, và thiết lập luật và quy định mới. Các đội quân dù sẽ khởi xướng tất cả các bước này, cho tới khi lục quân và các nhóm lãnh đạo trong quân đội đến nơi.

      Tướng Gavin chỉ được nghe chừng đó về Chiến dịch Nhật thực. Còn phần kế hoạch về cách chiếm đóng và phân chia Đức và Berlin sau khi chiến thắng thì ông không được biết. Ngay bây giờ, mối quan tâm duy nhất của tướng Gavin là chuẩn bị sẵn sàng cho sư đoàn 82.

      Nhưng vì các yêu cầu của kế hoạch, ông cần chuẩn bị cho hai kế hoạch riêng biệt. Cái thứ nhất là tấn công để chiếm thành phố. Cái thứ hai, tiến hành theo hoàn cảnh của Chiến dịch Nhật thực, yêu cầu các đơn vị dù phải đổ bộ xuống Berlin với tư cách là quân canh gác, nhưng chỉ thực hiện các hoạt động của cảnh sát.

       Tướng Gavin đã nói với các vị tư lệnh dưới quyền hết mức dám nói – dù ông biết là nếu cuộc chiến đột ngột kết thúc thì toàn bộ nhiệm vụ không vận này sẽ thay đổi rất lớn. Với đà diễn biến hiện tại thì nhiệm vụ của ông rất rõ ràng. Ông cần làm theo kế hoạch của chiến dịch và làm sư đoàn 82 sẵn sàng cho một cuộc tấn công không vận nhằm chiếm đóng Berlin.

      Tướng Gavin chợt nhận ra là viên sĩ quan tình báo Hà Lan đang kết thúc phần của ông ta trong buổi chỉ thị. Đội trưởng Harry nói, “Tôi phải lặp lại là nếu các anh có hy vọng sẽ được ai đó ở Berlin giúp đỡ thì hãy quên đi. Liệu các anh có tìm được những người hướng dẫn sẵn lòng giúp đỡ?

      Câu trả lời là: Không.

      Liệu có cơ sở ngầm như chúng ta đã có ở Pháp và Hà Lan không?

      Câu trả lời là: Không.

      Dù có một số người dân Berlin có cảm tình riêng với chúng ta, thì họ cũng quá sợ hãi nên sẽ không dám biểu lộ điều đó. Chúng ta có thể thảo luận chi tiết về các vấn đề này sau, nhưng ngay bây giờ tôi đảm bảo với các anh điều này: đừng có ảo tưởng gì rằng các anh sẽ được chào đón bằng sâm banh và hoa hồng như những anh hùng giải phóng. Quân đội, lực lượng SS và cảnh sát sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, và rồi bọn chúng sẽ bước ra ngoài, tay giơ lên đầu, nói với các anh rằng toàn bộ chuyện này chỉ là một hiểu lầm khủng khiếp, rằng mọi chuyện là lỗi của Hitler và cảm ơn các anh vì đã đến được thành phố trước người Nga.”

       Quý ông Hà Lan cao kều vuốt râu. Ông nói:

      “Nhưng chúng sẽ chiến đấu như mấy thằng điên, và có thể sẽ mất kha khá thời gian đấy. Nhưng cũng đáng thôi, và tôi rất tự hào được đồng hành cùng các anh. Các bạn thân mến, khi chúng ta chiếm được Berlin, chiến tranh sẽ kết thúc.”


      Tướng Gavin biết là chiếm được Berlin không hề dễ dàng, nhưng ông nghĩ rằng cú sốc tâm lý về cuộc tấn công có khi cũng đủ hạ gục hàng phòng ngự của Đức. Đó sẽ là một trong những cuộc tấn công không vận lớn nhất cuộc chiến. Theo kế hoạch ban đầu, chiến dịch có 3.000 máy bay bảo vệ, 1.500 máy bay vận chuyển, có lẽ hơn 1.000 tàu lượn và khoảng 20.000 lính dù – hơn cả lực lượng đã đổ bộ xuống Normandy vào D-Day. Tướng Gavin nói với các sĩ quan của mình khi cuộc họp kết thúc:

      “Tất cả những gì ta cần bây giờ là một quyết định và một từ - Xuất phát.”

     Cách đó 30 dặm, tại Mourmelon-le-Grand, Sư đoàn Dù 101 cũng đang huấn luyện và sẵn sàng cho bất cứ chiến dịch nào, nhưng không ai trong sư đoàn 101 biết sư đoàn nào sẽ được ra lệnh. Sở chỉ huy cấp cao hơn đã đưa ra quá nhiều kế hoạch tấn công bằng lính dù đến nỗi vị tư lệnh của sư đoàn, Thiếu tướng Maxwell D. Taylor, cùng trợ lý của ông là Chuẩn tướng Gerald J. Higgins và Ban tham mưu thấy mình đang trong tình trạng lúng túng. Họ phải chuẩn bị cho mọi kế hoạch, nhưng họ nghiêm túc tự hỏi liệu có kế hoạch nhảy dù nào sẽ xảy ra hay không.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2016, 10:13:47 am »

   
      Ngoài kế hoạch ở Berlin, còn có các kế hoạch tấn công không vận vào một căn cứ hải quân Đức ở Kiel (Chiến dịch Núi lửa phun); kế hoạch nhảy dù hàng loạt tại các trại tù binh chiến tranh (Chiến dịch Hân hoan); và kế hoạch tấn công nhằm chiếm các mục tiêu trước Tập đoàn quân VII của Mỹ khi đoàn quân này tiến về Rừng Đen (Chiến dịch Sẵn sàng). Còn có nhiều chiến dịch khác đang được nghiên cứu – và có một số cái khá là ngoài sức tưởng tượng. Sở chỉ huy của sư đoàn 101 đã biết rằng Ban tham mưu của Tập đoàn quân Dù Đồng minh I thậm chí đang cân nhắc việc nhảy dù xuống vùng núi quanh Berchtesgaden, ở Bavaria, để tấn công biệt thự Eagle’s Nest nằm ở Obersalzberg cùng với chủ nhân của nó, Adolf Hitler.

       Rõ ràng không phải cuộc nhảy dù nào cũng có thể được lên kế hoạch. Như tướng Higgins nói với ban tham mưu: “Nếu nếu tiến hành mọi chiến dịch thì sẽ không đủ máy bay vận tải để đáp ứng nhu cầu không vận. Dù gì thì chúng ta cũng không quá tham lam – chúng ta chỉ cần một cái thôi!” Nhưng quân dù sẽ tiến hành chiến dịch nào – và nhất là vai trò của sư đoàn 101 là gì? Đổ bộ xuống Berlin là nhiều khả năng nhất – ngay cả tư lệnh hành quân, Đại tá Harry Kinnard, cũng nghĩ đó sẽ là “một vụ kinh khủng.” Mọi người trong sư đoàn 101 đều bực bội vì trong cuộc đổ bộ xuống Berlin, người của sư đoàn 101 sẽ chiếm sân bay Gatow, trong khi địch thủ số một của bọn họ là sư đoàn 82 lại được giao cho mục tiêu chính, Tempelhof. Dù vậy thì Berlin vẫn là mục tiêu lớn nhất của cuộc chiến; thế cũng đủ cho mọi người rồi.

       Đối với Đại tá Kinnard, một cuộc đổ bộ không vận có vẻ là cách hoàn hảo để kết thúc chiến tranh tại châu Âu. Ông thậm chí còn vẽ một đường màu đỏ từ khu vực tập kết ở Pháp đến vùng đổ bộ của sư đoàn 101 tại Berlin lên tấm bản đồ chiến tranh: thủ đô của Đức chỉ cách có 475 dặm. Nếu được bật đèn xanh, ông nghĩ những người Mỹ đầu tiên có thể đến được Berlin chỉ trong có năm tiếng đồng hồ.

      Tướng Taylor, Tư lệnh sư đoàn 101 và trợ lý của ông là tướng Higgins vừa phấn khích về cuộc tấn công, vừa tự hỏi liệu cuộc nhảy dù này có cơ hội xảy ra hay không. Tướng Higgins rầu rĩ nghiên cứu tấm bản đồ. Ông nói, “Nhìn cái cách lục quân đang di chuyển thì có lẽ họ sẽ để chúng ta ngồi chầu rìa đây.”

      Cùng ngày, chủ nhật ngày 25/3, các lãnh đạo quân đội của phe Đồng minh phương Tây nhận được tin tức hài lòng từ Sở chỉ huy Tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh (SHAEF). Tại Washington và London, Đại tướng George C. Marshall, Tổng tham mưu của Mỹ và Nguyên soái Sir Alan Brooke, Tổng tham mưu Hoàng gia, nghiên cứu một bức điện từ Đại tướng Dwight D. Eisenhower vừa đến đêm qua.

       “Chuỗi chiến thắng vừa qua ở phía tây sông Rhine đã đạt được đúng như kế hoạch, tiêu diệt được một phần lớn quân địch có ở Mặt trận phía Tây. Dù không muốn lạc quan thái quá, tôi tin rằng tình hình hiện tại đưa ra cơ hội mà chúng ta đã chiến đấu để giành được và cần nắm ngay lấy… Cá nhân tôi tin rằng sức mạnh của quân thù… đang bị kéo căng quá mức, cho nên đà thâm nhập và tiến quân sẽ sớm chỉ bị giới hạn do phía chúng ta mà thôi… Tôi ra lệnh hành động mạnh mẽ trên mọi mặt trận… Tôi định củng cố mọi thành công với tốc độ nhanh nhất.”


      2.


      Từ độ cao 240m nhìn xuống, những hàng người và xe cộ có vẻ dài bất tận. Ngó ra ngoài chiếc Piper Cub không vũ trang của mình, chiếc máy bay trinh sát Miss Me, Trung úy Duane Francies say mê nhìn cảnh tượng ngoạn mục bên dưới. Cả vùng dày đặc lính, xe tăng và các xe cộ khác. Từ cuối tháng ba, khi những đội quân cuối cùng vượt qua sông Rhine, Francies đã quan sát các bước tiến của đoàn quân.

      Giờ con sông lớn đã nằm lại đằng sau, và phóng tầm mắt nhìn trái nhìn phải, nhìn xa hết mức đằng trước, Francies chỉ thấy một bức tranh toàn cảnh mênh mông một màu vàng nâu. Francies đẩy cần gạt về phía trước và chiếc Miss Me sà xuống dọc theo ranh giới giữa Tập đoàn quân 2 của Anh và Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ. Anh chao đôi cánh, thấy đoàn quân bên dưới vẫy tay đáp lời, rồi hướng về phía đông để thực thi nhiệm vụ làm “đôi mắt” cho những hàng xe tăng đang dẫn đầu Sư đoàn Thiết giáp 5. Chiến thắng đã ở rất gần, anh chắc chắn như thế. Không gì có thể chặn bước tiến của đoàn quân này. Đối với anh chàng phi công 24 tuổi này, có vẻ như “đến cả vỏ Trái Đất cũng phải rung chuyển và đoàn quân đang ồ ạt tiến về sông Elbe,” hàng rào chắn bằng nước cuối cùng chặn trước Berlin.

      Những gì Francies thấy chỉ là một phần nhỏ xíu của cuộc tấn công vĩ đại của Đồng minh. Suốt nhiều ngày nay, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, trong mưa tuôn xối xả và lội qua bùn lầy, trong mưa đá và vượt qua băng tuyết, dọc theo Mặt trận phía Tây từ Hà Lan tới gần biên giới Thụy Sĩ, một hàng người, đồ tiếp tế và máy móc rộng 350 dặm đang đổ về vùng đồng bằng của Đức. Cuộc tấn công lớn cuối cùng đã bắt đầu. Để hủy diệt sức mạnh quân sự Đức, 7 tập đoàn quân hùng mạnh – gồm 85 sư đoàn lớn, trong đó có 5 sư đoàn dù và 23 sư đoàn thiết giáp, cùng 4.600.000 lính Đồng minh phương Tây – đang đổ dồn vào nước Đức để thực hiện cuộc tiêu diệt.

      Những lá cờ đầu hàng tự chế - khăn trải giường, khăn tắm hoặc mảnh vải trắng – treo khắp nơi. Trong các thành phố và làng mạc, từ các ô cửa sổ vỡ tan tành và các cửa ra vào, những người dân Đức sợ hãi, vẫn còn choáng váng bởi những trận chiến vừa quét qua chỗ họ, nhìn chăm chăm đầy kinh ngạc vào sức mạnh khổng lồ của quân Đồng minh đang ào qua. Chiến dịch này thật vĩ đại, tốc độ của nó làm người ta nghẹt thở.

      Những đoàn xe tăng, súng tự động, trọng pháo, xe bọc thép, xe chở súng Bren, xe chở đạn dược, xe cứu thương, xe tải chở xăng và xe chở dầu diesel to lớn kéo theo những toa xe rơ-mooc chất đầy thiết bị - những đoạn cầu, thuyền phao, xe ủi đất bọc thép và thậm chí cả tàu đổ bộ đang nện bước xuống mọi nẻo đường. Sở chỉ huy của các sư đoàn cũng đang di chuyển, bằng những chiếc xe jeep, xe sĩ quan, xe mooc chỉ huy và xe tải phát  thanh cỡ lớn có cả rừng ăn ten rung rung ló ra bên trên. Và những đoàn lính, như những cơn sóng nối tiếp nhau, làm rung chuyển mọi nẻo đường, ngồi trên xe tải và xe bọc thép chạy bên cạnh những hàng xe cơ giới, hoặc nặng nề đi qua những cánh đồng cạnh đó.

       Họ tạo nên một đoàn diễu binh hoa mỹ và hung bạo, ở giữa đoàn quân là những lá cờ chiến, huy hiệu và phù hiệu riêng của các trung đoàn đã làm nên lịch sử trong Thế chiến thứ hai.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2016, 09:07:03 pm »

       Trong các sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn là những vệ binh đã làm quân tập hậu trong cuộc di tản ở Dunkirk, là những người lính đặc công râu ria xồm xoàm, đội chiếc mũ nồi xanh đã bạc màu, là những cựu binh của lữ đoàn của Lord Lovat từng tấn công vào các bờ biển bị chiếm đóng tại châu Âu trong những năm tháng đen tối của chiến tranh, là những người Canada can trường của Sư đoàn 2 danh tiếng từng đổ bộ xuống Dieppe trong cuộc diễn tập đẫm máu trong cuộc xâm lăng Normandy.

      Trong những hàng xe thiết giáp, cờ đuôi nheo bay phấp phới, có mấy chiếc từng thuộc đội “Chuột Sa mạc” của Sư đoàn Thiết giáp 7, từng khiến Thống chế Erwin Rommel chịu thất bại ở vùng sa mạc Lybia.

       Và lấn át tiếng ầm ĩ kéo dài của hàng người và vũ khí là tiếng kèn te te của “Quỷ mặc váy,” Sư đoàn Cao nguyên 51, những chiếc kèn túi của họ đang dạo khúc mở đầu trận chiến, như họ vẫn luôn làm vậy.

      Trong những đội hình sát cánh của quân Mỹ là các sư đoàn với cái tên khá xấc cùng những huyền thoại đầy màu sắc – Sư đoàn “Chiến đấu 69,” Sư đoàn Thiết giáp 5 “Sư đoàn Chiến thắng,” “Những kẻ phá đường ray” của Sư đoàn Bộ binh 84, Sư đoàn Bộ binh 4 “Sư đoàn Thường xuân.” Còn có Sư đoàn Thiết giáp 2, “Địa ngục trên bánh xe,” có những chiến thuật xe tăng độc đáo từng khiến quân Đức từ khắp vùng suối cạn Bắc Phi cho tới bờ sông Rhine phải hỗn loạn. Còn có Sư đoàn 1, “Anh cả đỏ,” với kỷ lục số lần đổ bộ tấn công nhiều hơn mọi đơn vị khác của Mỹ: Sư đoàn 1, cùng với một trong những lực lượng lâu đời nhất của Mỹ, Sư đoàn 29 “Xám Xanh” can trường, đậm tính truyền thống, đã từng kiên trì giữ một dải đất hẹp trên bờ biển Normandy có tên là “Omaha,” khi mà tất cả tưởng chừng như đã mất.

       Có một đơn vị, Sư đoàn Bộ binh 83 lừng lẫy, đang di chuyển nhanh như một đội quân thiết giáp, gần đây được các phóng viên đặt biệt danh là “Rạp xiếc rách rưới.” Vị tư lệnh tháo vát của sư đoàn, Thiếu tướng Robert C. Macon, từng ra lệnh hỗ trợ việc vận chuyển của sư đoàn bằng mọi thứ có thể di chuyển được; “không cần hỏi gì thêm.”

      Giờ, Rạp xiếc rách rưới đang chạy nhanh hết sức bằng một tổ hợp lạ kỳ, gồm những chiếc xe Đức bị chiếm được sơn lại vội vàng: xe jeep quân đội, xe sĩ quan, xe tải chở đạn, xe thiết giáp Mark V và Tiger, xe mô tô, xe buýt và hai chiếc xe cứu hỏa. Ở hàng đầu, với lính bộ binh ngồi kín, là một trong hai chiếc xe cứu hỏa. Trên tấm chắn sau của nó là một tấm băng rôn lớn bay phấp phới. Trên đó viết: TRẠM DỪNG KẾ: BERLIN.

       Có ba Cụm tập đoàn quân lớn. Giữa Nijmegen ở Hà Lan và Düsseldorf bên sông Rhine, Cụm tập đoàn quân 21 của Thống chế Sir Bernard Law Montgomery đã vượt sông Rhine vào ngày 23/3 và giờ đang băng băng qua đồng bằng Westphalia, phía bắc Thung lũng sông Ruhr rộng lớn, động lực công nghiệp chính của Đức. Dưới quyền Thống chế Montgomery và nắm giữ cánh phía bắc của ông là Tập đoàn quân 1 của Canada, do Trung tướng Henry D. Crerar chỉ huy. Ở trung tâm là Tập đoàn quân 2 của Anh do Trung tướng Sir Miles Dempsey chỉ huy (là tập đoàn quân đậm tính “đồng minh” nhất của quân Đồng minh; Tập đoàn quân 2 ngoài các đơn vị người Anh, Scotland và Ireland còn có quân Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Tiệp – và cả một sư đoàn Mỹ: Sư đoàn Dù 17). Dọc cánh phía nam của Cụm tập đoàn quân là lực lượng thứ ba của Montgomery: Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ hùng mạnh, do Trung tướng William H. Simpson chỉ huy. Các lực lượng của Thống chế Montgomery đã bỏ lại sông Rhine đằng sau gần 50 dặm.

      Kế đó, trong hàng quân Đồng minh, trấn giữ mặt trận khoảng 125 dặm dọc sông Rhine, từ Düsseldorf đến Mainz, là Cụm tập đoàn quân 12 dưới quyền Đại tướng Omar N. Bradley. Cũng giống Thống chế Montgomery, tướng Bradley có ba tập đoàn quân. Tuy nhiên, một trong số đó, Tập đoàn quân 15 Hoa Kỳ do Trung tướng Leonard Gero chỉ huy, là một tập đoàn quân “ma”; nó được chuẩn bị cho các nhiệm vụ chiếm đóng và hiện tại gần như không có hoạt động gì, chỉ trấn giữ bờ tây sông Rhine, ngay phía trước sông Ruhr, từ vùng Düsseldorf đến Bonn.

      Sức mạnh của tướng Bradley nằm trong Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ và Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ hùng mạnh, tổng cộng có tới 500.000 người. Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ của Đại tướng Courtney Hodges – “con ngựa thồ” của chiến trường châu Âu và là tập đoàn quân đã đi tiên phong trong cuộc xâm lăng Normandy – đang tràn về phía nam sông Ruhr, tiến về phía đông với một tốc độ chóng mặt.

     Kể từ khi chiếm được cầu Remagen vào ngày 7/3, tướng Hodges đã dần dần mở rộng đầu cầu ở bờ đông sông Rhine. Các sư đoàn liên tục dồn vào đó. Rồi vào ngày 25/3, người của Tập đoàn quân 1 đã ào ra khỏi nơi đóng quân tạm thời đó với lực lượng khổng lồ. Giờ đây, chỉ sau đó ba ngày, họ còn cách điểm bắt đầu tấn công có 40 dặm.

     Tràn qua miền trung nước Đức như vũ bão bên cạnh Tập đoàn quân 1 là Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ danh tiếng của Đại tướng George S. Patton. Tướng Button ưa tranh cãi và dễ nổi nóng – niềm kiêu hãnh của ông là Tập đoàn quân 3 của mình đang tiến ngày càng xa hơn, nhanh hơn, có diện tích giải phóng được và số quân Đức giết được hoặc bắt được nhiều hơn bất cứ đội quân nào khác – lại đạt được một cái nhất nữa. Ông đã phỗng tay trên của Montgomery bằng cách bí mật vượt sông Rhine trước cuộc tấn công nổi tiếng ngày 23/3 của Cụm tập đoàn quân 21 gần 24 giờ đồng hồ. Bây giờ, những hàng xe tăng của tướng Patton đang tiến về phía đông với tốc độ 30 dặm một ngày.

       Kề với tướng Patton và ở bên phải đoàn quân của tướng Bradley là lực lượng lục quân thứ ba của Đồng minh, Cụm tập đoàn quân 6 của Đại tướng Jacob Devers. Hai tập đoàn quân của tướng Devers – Tập đoàn quân 7 Hoa Kỳ của Trung tướng Alexander Patch và Tập đoàn quân 1 của Pháp do Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny chỉ huy – trấn thủ cánh phía nam mặt trận, đại khái 150 dặm. Các tập đoàn quân của tướng Patch và tướng Patton đang gần như cùng sóng vai tiến quân.

       Tập đoàn quân của tướng De Tassigny đang chiến đấu tại một trong những vùng có địa hình mấp mô nhất trên toàn mặt trận, trên vùng núi Vosges và Rừng Đen. Quân của ông, Tập đoàn quân 1 hậu giải phóng của Pháp, sáu tháng trước còn chưa tồn tại. Giờ, 100.000 người lính của nó hi vọng trước khi chiến tranh kết thúc họ vẫn còn đủ thời gian để báo thù bọn les boches (*).

      Ai cũng có món nợ phải đòi. Nhưng dọc theo Mặt trận phía Tây, Lục quân Đức hiếm khi tồn tại thành một lực lượng có tổ chức và gắn kết. Bị tiêu hao nhiều trong cuộc tấn công Ardennes, các đội quân một thời hùng mạnh của Đức quốc xã cuối cùng đã bị đập tan trong chiến dịch kéo dài một tháng giữa sông Moselle và sông Rhine.

..........................................
 (*): Dùng để chỉ lính Đức trong WWI hoặc WWII, kết hợp từ allemand (tiếng Pháp, chỉ nước Đức) và caboche (tiếng lóng nghĩa là thủ cấp) – ND.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2016, 09:38:38 pm »

     
      Quyết định của Hitler cho quân chiến đấu ở phía tây sông Rhine thay vì rút các lực lượng tơi tả của mình về đóng bên bờ đông đã chứng tỏ là một thảm họa; nó sẽ được ghi nhận là một trong những sai lầm quân sự lớn nhất của cuộc chiến. Gần 300.000 người bị bắt và 60.000 thương vong. Tổng cộng, tổn thất của quân Đức tương đương hơn 20 sư đoàn đầy đủ.

      Ước tính dù Đức còn hơn 60 sư đoàn, nhưng đó hầy hết là các sư đoàn trên giấy, mỗi sư đoàn chỉ có khoảng 5.000 lính, trong khi một sư đoàn có quân số đầy đủ thì phải đạt 9.000 – 12.000.

     Thực sự thì, có thể tin là Đức chỉ còn không đầy 26 sư đoàn hoàn chỉnh ở phía Tây, mà ngay cả những sư đoàn này cũng chỉ có trang bị tồi tàn, thiếu đạn dược, đặc biệt thiếu xăng và phương tiện di chuyển, cùng với pháo và xe tăng. Thêm nữa, đó chỉ là phần tàn dư gồm các sư đoàn, các nhóm SS rời rạc, lính phòng không, hàng nghìn lính không quân (Không quân Đức gần như đã biến mất), các tổ chức về một mặt nào đó có thể gọi là quân đội, các đơn vị Lực lượng phòng vệ Hậu phương Volkssturm gồm người già và thiếu niên chưa qua huấn luyện, và thậm chí cả những nhóm học viên trường sĩ quan tuổi thiếu niên.
 
      Vô tổ chức, thiếu sự liên lạc và thường không có người lãnh đạo đủ khả năng, Lục quân Đức không thể ngăn chặn, thậm chí là trì hoãn đà tấn công dữ dội có hệ thống của các tập đoàn quân của Eisenhower.

       Trong khi cuộc tấn công ở sông Rhine trôi qua chưa được một tuần, các tập đoàn quân đang tiến quân thần tốc của nguyên soái Montgomery và tướng Bradley đã đến gần thành trì cuối cùng của nước Đức: con sông Ruhr được phòng thủ nghiêm ngặt.

     Cùng lúc với mũi tiến công nhanh chóng về phía đông, ba tập đoàn quân của Mỹ đột ngột quay lại để đánh vào vùng phụ cận sông Ruhr từ hai hướng bắc-nam. Phía bắc, Tập đoàn quân 9 của tướng Simpson đổi từ hướng chính đông sang bắt đầu hành quân theo hướng đông nam. Phía nam, Tập đoàn quân 1 của tướng Hodges và Tập đoàn quân 3 của tướng Patton, di chuyển song song, tướng Patton đi phía ngoài, cũng quay lại và tiến về hướng đông bắc để liên kết với quân của tướng Simpson.

       Cái bẫy đang khép lại nhanh tới mức quân Đức – chủ yếu là Cụm tập đoàn quân B của Thống chế Walter Model, một lực lượng gồm không ít hơn 21 sư đoàn – có vẻ như không hề biết gì về gọng kềm đang xiết dần quanh họ. Giờ đây, bị đe dọa trước cuộc bao vây, bị kẹt trong một cái ngõ cụt rộng 55 dặm, dài 70 dặm – một cái ngõ cụt mà tình báo của Đồng minh nói là chứa nhiều lính và thiết bị hơn cả số mà quân Nga đã chiếm được ở Stalingrad.

      Trong kế hoạch tổng thể nhằm đánh bại nước Đức, công cuộc vượt sông Rhine và chiếm sông Ruhr luôn là được xem là các mục tiêu thiết yếu nhất – và khó khăn nhất. Lòng chảo công nghiệp sông Ruhr, với các mỏ than, nhà máy lọc dầu, nhà máy thép và nhà máy vũ khí chiếm diện tích gần 4.000 dặm vuông. Quân Đồng minh từng nghĩ chiếm được nơi này cũng phải mất mấy tháng – nhưng đó là trước khi quân Đức ở sông Rhine tan rã hoàn toàn.

       Giờ, gọng kềm – mưu kế của vị tướng người Missouri trầm lặng, Omar Bradley – đang được thực thi với tốc độ nghẹt thở. Quân Mỹ đang tiến nhanh tới mức giờ tư lệnh các sư đoàn nói việc hoàn thành bao vây chỉ là chuyện tính bằng ngày. Một khi sông Ruhr bị bịt kín, Đức sẽ chẳng còn lại bao nhiêu sức mạnh để mà ngăn cản đà tiến công của quân Đồng minh. Thậm chí bây giờ quân địch đã rệu rã tới mức không có nổi phòng tuyến liền mạch nữa.

       Thực sự thì quân Đức đã vô tổ chức tới mức Thiếu tướng Isaac D. White, chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp 2 Hoa Kỳ, ra lệnh cho người của mình bỏ qua bất kỳ kháng cự nào và tiếp tục lên đường. Sư đoàn 2, mũi nhọn của gọng kềm của Tập đoàn quân 9 dọc vành đai phía bắc sông Ruhr, nhờ đó đã tiến được hơn 50 dặm chỉ trong không đầy ba ngày.

      Quân Đức tại các vùng bị cô lập chiến đấu dữ dội, nhưng Sư đoàn 2 lại gặp rắc rối từ các cây cầu đã bị hủy, các chốt chặn dựng vội, những bãi mìn và địa hình xấu nhiều hơn là từ các hành động của quân thù. Hầu như chỗ nào cũng gặp cảnh này. Trung tá Wheeler G. Merriam, dẫn đầu mũi tấn công chớp nhoáng của Sư đoàn 2 bằng Tiểu đoàn Trinh sát 82 của mình, đang gặp phải một đám lộn xộn lớn và rất ít kháng cự. Ngày 28/3, khi những chiếc xe tăng của ông dàn hai bên tuyến đường sắt chính chạy theo hướng đông tây, trung tá Merriam yêu cầu dừng để báo cáo vị trí mới. Khi người đánh điện radio của ông cố liên lạc với Sở chỉ huy, Merriam nghĩ ông vừa nghe thấy tiếng đầu máy hơi nước. Thình lình, một chiếc tàu lửa Đức, chở đầy ắp quân lính và mấy toa xe chở hàng chất đầy xe thiết giáp và súng, đang phụt khói chạy trên đường ray, chạy ngang qua ngay trước mặt đơn vị của ông. Quân Mỹ và quân Đức nhìn nhau chằm chằm vì kinh ngạc. Merriam nhìn lên đám lính Đức đang nhoài ra khỏi cửa sổ toa tàu, gần tới mức ông có thể nhận thấy rõ ràng “từng sợi râu trên mặt bọn chúng ở mấy chỗ chưa cạo.” Người của ông sửng sốt nhìn chăm chăm đằng sau chiếc tàu khi nó chạy về hướng Tây. Cả hai bên không bắn một viên đạn nào.

       Cuối cùng, kích động biến thành hành động, trung tá Merriam chộp lấy điện đài. Cách đó vài dặm về hướng tây, Tư lệnh Sư đoàn, Thiếu tướng White, thấy đoàn tàu xuất hiện trong tầm mắt gần như cùng lúc ông nghe trung tá Merriam phấn khích cảnh báo qua chiếc đài trên xe jeep của ông. Tướng White thấy một quân cảnh đang chỉ huy hàng người của mình, thình lình dừng việc băng qua đường ray – và rồi tướng White, cũng giống trung tá Merriam, đứng ngẩn người khi đoàn tàu lăn bánh qua.

       Mấy giây sau, cầm điện thoại dã chiến trong tay, ông yêu cầu bắn pháo. Trong vài phút, Trung đoàn Pháo binh 92, đóng ở đằng xa phía tây, bắn một loạt đạn pháo khiến đoàn tàu bị cắt làm đôi. Sau đó, họ phát hiện ra trên các toa xe chở hàng chất cả đống súng chống tăng, pháo và một khẩu trọng pháo 16 inch. Đám lính trên tàu bị bắt nói rằng họ đã hoàn toàn không biết đà tiến của quân Đồng minh. Họ cứ nghĩ quân Anh và Mỹ còn ở phía tây sông Rhine.

      Hỗn loạn vừa là bạn, vừa là thù. Trung tá Ellis W. Williamson của Sư đoàn Bộ binh 30 đang đi nhanh tới mức quân của ông thậm chí còn bị pháo binh của một sư đoàn Đồng minh khác bắn. Họ tưởng quân của trung tá Williamson là quân Đức đang rút về miền đông. Trung úy Clarence Nelson của Sư đoàn Thiết giáp 5 cũng có một trải nghiệm kỳ lạ tương tự.
 
      Chiếc xe jeep của anh bị bắn trúng, và Nelson nhảy qua một chiếc half-track đang bị công kích dữ dội. Anh ra lệnh cho một chiếc xe tăng đến tấn công chỗ có hỏa lực mạnh của quân địch. Chiếc xe chạy lên tới đỉnh đồi và bắn hai phát – vào một chiếc xe thiết giáp của Anh. Người trong xe giận dữ nhưng không bị thương. Họ đang nằm chờ, hi vọng tìm được mục tiêu cho riêng mình. Và giáo sĩ Ben L. Rose của Trung đoàn Kỵ binh Cơ giới 113 nhớ lại là một sĩ quan chỉ huy xe tăng từng báo cáo rất nghiêm túc với trung đoàn trưởng là: “Chúng ta vừa tiến được mấy trăm mét rồi, thưa ngài. Kháng cự từ quân địch lẫn đồng bạn đều rất ác liệt.”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #26 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2016, 10:40:18 pm »

      Thế tiến công quá mau lẹ cùng với việc hàng phòng thủ của Đức sụp đổ quá chóng vánh đã khiến nhiều vị tư lệnh lo lắng về các rủi ro từ tai nạn trên đường còn hơn là từ hỏa lực quân thù. Đại úy Charles King của Sư đoàn Thiết giáp 7 danh tiếng của Anh đã năn nỉ lính của mình “phải cẩn thận khi lái xe trên mấy con đường này.” Anh cảnh báo, “Giờ mà chết vì tai nạn thì thật là đáng tiếc.” Mấy tiếng sau, đại úy King, một trong những thành viên ban đầu của Chuột Sa mạc, đã chết; chiếc xe jeep của anh bị trúng một quả địa lôi của Đức.

       Phần lớn mọi người đều không biết mình đang ở đâu hay đội quân nào đang ở bên cạnh họ. Các đơn vị đằng trước đã bắt đầu bị thiếu bản đồ. Những chiếc máy bay trinh sát của Tiểu đoàn Trinh sát 82 không hề quan tâm chuyện này chút nào.

       Họ đang sử dụng bản đồ khẩn cấp: mọi phi công chiến đấu đều được cung cấp bản đồ thoát hiểm của Không lực Hoa Kỳ to bằng chiếc khăn tay lụa từ đầu cuộc chiến, nhằm giúp họ thoát khỏi lãnh địa của kẻ thù nếu như bị bắn hạ. Máy bay trinh sát của Tiểu đoàn 82 xác định vị trí của mình đơn giản bằng cách kiểm tra các biển chỉ đường của Đức. Trong khu vực của Sư đoàn 84, Trung tá Norman D. Carnes phát hiện ra toàn bộ tiểu đoàn của ông còn có hai tấm bản đồ để theo dõi đà tiến quân dự định. Ông cũng không lo lắng mấy – miễn là radio của ông còn hoạt động và ông có thể giữ liên lạc với sở chỉ huy. Trung tá Arthur T. Hadley, một chuyên gia tâm lý chiến tranh đi cùng Sư đoàn Thiết giáp 2, giờ đang phải dùng mấy tấm bản đồ trong một cuốn sổ tay du lịch cũ dành cho du khách. Và Đại úy Francis Schommer của Sư đoàn 83 luôn biết anh đang dẫn tiểu đoàn của mình đi đâu. Anh cứ tóm lấy người Đức đầu tiên gặp được, dí súng vào mạn sườn người đó, và hỏi mình đang ở đâu bằng tiếng Đức rất lưu loát. Anh chưa từng phải nhận một câu trả lời sai.

       Đối với người của các sư đoàn thiết giáp, cuộc tiến quân từ sông Rhine cũng là một loại chiến tranh. Những hàng xe thiết giáp ngoằn ngoèo đột kích, vượt qua, bao vây và đục khoét các đội quân và thành phố Đức là một ví dụ kinh điển của các chiến thuật thiết giáp tài tình nhất. Một số người cố mô tả cuộc đua của những chiếc xe thiết giáp về miền đông trong thư.

       Trung tá Clifton Batchelder, tư lệnh Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn Thiết giáp 67, nghĩ rằng cuộc tiến công “có được mọi nghị lực và can đảm của các chiến dịch kỵ binh vĩ đại trong cuộc Nội chiến.” Trung úy Gerald P. Leibman nhận thấy khi Sư đoàn Thiết giáp 5 vượt qua quân địch, hàng nghìn lính Đức đằng sau đang chiến đấu trong những vùng bị cô lập, viết một cách hài hước rằng “Chúng tôi dạo chơi ở hậu quân của địch sau khi đã chọc thủng những vị trí ở tiền phương của chúng.”

       Đối với Leibman, cuộc tấn công gợi nhớ lại cuộc đột phá của đoàn xe thiết giáp của tướng Patton ở hàng rào Normandy mà anh cũng từng tham gia. Anh viết, “Chẳng ai ăn uống ngủ nghê gì. Tất cả những gì chúng tôi làm là tấn công rồi đi tiếp, tấn công rồi đi tiếp. Ở đây cũng giống như ở Pháp – trừ một chỗ, lần này cờ bay trên mỗi ngôi nhà không phải cờ ba màu của Pháp, mà là cờ trắng đầu hàng.” Trong cuộc đua giữa Trung đoàn Devonshire với Sư đoàn Thiết giáp 7 của Anh, Trung úy Frank Barnes kể với bạn mình là Trung úy Robert Davey là “thật tuyệt khi lúc nào cũng được tiến về phía trước.” Cả hai đều thấy phấn chấn, vì trong buổi chỉ thị trước cuộc tấn công, họ nghe rằng đây là lần cuối hành quân và mục tiêu sau cùng là Berlin.

      Thống chế Montgomery vẫn luôn biết Berlin là mục tiêu sau cùng. Dễ nổi nóng, thiếu kiên nhẫn khi bị trì hoãn, tính khí thất thường và thường thiếu lịch thiệp, nhưng luôn thực tế và can đảm, Montgomery đã chú mục vào Berlin từ chiến thắng vĩ đại của ông ở sa mạc El Alamein. Người đàn ông này đã từng nói “Xuất phát” khi mà thời tiết xấu có thể làm trì hoãn cuộc xâm lăng Normandy, giờ đòi được bật đèn xanh lần nữa. Thiếu quyết định rõ ràng từ Tư lệnh Tối cao, Montgomery đã tự thông báo quyết định của riêng mình.

       Vào lúc 6:10 chiều thứ ba ngày 27/3, trong một thông điệp mã hóa gửi Bộ chỉ huy Tối cao, ông trình bày với Đại tướng Eisenhower rằng: “Hôm nay, tôi đã phát lệnh cho các tư lệnh lục quân rằng cuộc hành quân về phía đông giờ đây bắt đầu… Ý định của tôi là tấn công mạnh vào phòng tuyến sông Elbe bằng Tập đoàn quân 2 và Tập đoàn quân 9. Cánh phải của Tập đoàn quân 9 sẽ hướng về Magdeburg và cánh trái của Tập đoàn quân 2 hướng về Hamburg…Tập đoàn quân của Canada sẽ hành quân… đến miền Tây Bắc Hà Lan và Tây Hà Lan và vùng ven biển bắc nằm ở ranh giới bên trái của Tập đoàn quân 2…

      Tôi đã ra lệnh cho Tập đoàn quân 2 và Tập đoàn quân 9 đưa các lực lượng thiết giáp và cơ động của họ tiến về phía trước ngay lập tức để đến được sông Elbe bằng tốc độ cao nhất. Tình hình có vẻ tốt và các việc trên nên bắt đầu tiến hành nhanh chóng trong vài ngày tới.

       Sở chỉ huy chiến thuật của tôi sẽ dời tới tây bắc Bonninghardt vào thứ năm ngày 29/3. Sau đó… sở chỉ huy của tôi sẽ di chuyển đến Wesel-Münster-Wiedenbrück-Herford-Hanover – rồi từ đó đi theo xa lộ đến thẳng Berlin, tôi hi vọng thế.”

                                    * * * * * * * * *

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 07:30:03 am »

       Chầm chậm quay đầu trong khi cổ bị buộc dây, Cô Effie và Cậu Otto nhìn chăm chăm khoảnh sân Berlin ngổn ngang gạch vụn đầy rầu rĩ. Từ ban công đằng sau của căn hộ ở tầng hai trong quận Wilmersdorf của mình, Carl Wiberg nói khẽ khích lệ mấy con chó Dachshund và kéo chúng lại cho an toàn. Ông đang dẫn chúng đi qua lối thoát hiểm không kích mà ông đã dựng nên, và sau nhiều tuần huấn luyện, bọn chó đã thích nghi rất tốt. Mấy người hàng xóm của ông Wiberg cũng vậy, dù họ cho là ông người Thụy Điển này lo cho bọn thú cưng có hơi quá.

Mọi người dần quen với cảnh Cô Effie và Cậu Otto mặc áo choàng lấp lánh và chải chuốt, chạy lên xuống qua mấy ô cửa sổ. Cũng không có ai để ý tới mấy sợi dây thừng lủng lẳng, đó chính là cái mà ông Wiberg muốn. Một ngày, nếu bọn Gestapo có ập vào, ông có thể sẽ phải ra cái ban công đằng sau và trốn thoát bằng chính mấy sợi dây đó.

        Ông đã cẩn thận suy tính mọi thứ. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến việc ông là gián điệp Đồng minh bị lộ, và giờ đây, khi mà dân Berlin ngày càng nghi ngờ và lo âu nhiều hơn, ông Wiberg không còn nhiều cơ hội. Ông vẫn chưa tìm ra nơi trú ẩn của Hitler. Những câu hỏi thông thường và có vẻ ngây ngô của ông bề ngoài không gây nghi ngờ gì, nhưng chúng cũng chẳng đem lại thông tin gì nốt. Ngay cả đám bạn ông làm lớn trong quân đội và không quân cũng không biết gì. Wiberg bắt đầu tin là Quốc trưởng và nội các của ông ta không có tại Berlin.

      Thình lình, khi ông dẫn mấy con chó lên ban công, chuông cửa vang lên. Ông Wiberg thấy căng thẳng; ông không hề mong có khách, và ông sống trong lo sợ phập phồng rằng sẽ có lúc đi ra cửa và thấy cảnh sát đứng đó. Ông cẩn thận mở dây buộc cho bọn chó và rồi bước ra cửa. Bên ngoài là một người khách lạ. Ông ta cao to, mặc đồ lao động và khoác áo da. Vai phải ông ta vác một thùng các tông.

      Ông ta hỏi, “Ông là Carl Wiberg hả?”

      Ông Wiberg gật đầu.

      Người khách lạ ném cái thùng vào trong nhà. Ông ta mỉm cười nói:
     “Đây là một món quà nhỏ từ mấy người bạn ở Thụy Điển của ông.”

      Ông Wiberg cảnh giác hỏi:
      “Mấy người bạn ở Thụy Điển của tôi ư?”

      Người khách lạ nói,
      “Ồ, ông biết rõ cái thứ chết tiệt này là gì mà.”

      Ông ta quay lại và đi nhanh xuống lầu.

      Ông Wiberg chầm chậm đóng cửa. Ông đứng ngây ra đó, nhìn xuống cái thùng. “Món quà” duy nhất ông từng nhận được từ Thụy Điển là đồ tiếp tế cho công tác gián điệp ở Berlin. Đây là cái bẫy chăng? Liệu cảnh sát có ập đến căn hộ này khi ông mở hộp không? Ông nhanh nhẹn băng qua phòng khách và cảnh giác nhìn xuống dưới đường phố. Trống không. Không thấy dấu hiệu gì của vị khách.

      Ông Wiberg quay lại bên cánh cửa và đứng nghe ngóng một lúc. Ông không nghe thấy thứ gì bất thường. Cuối cùng, ông bê cái thùng các tông đặt lên chiếc sofa trong phòng khách và mở nó ra. Cái thùng được mang đến một cách thông thường này chứa một cái máy phát radio lớn. Wiberg chợt nhận ra mình đang đổ mồ hôi.

      Mấy tuần trước, ông Wiberg đã được thượng cấp của mình, một người Đan Mạch tên Hennings Jessen-Schmidt, thông báo là từ nay trở đi ông sẽ là “chủ tiệm” của mạng lưới gián điệp tại Berlin. Kể từ đó, ông đã nhận được một lượng lớn đồ tiếp tế thông qua mấy người đưa thư. Nhưng cho tới nay ông luôn được báo trước, và việc chuyển phát luôn được thực hiện với cảnh giác cao độ. Điện thoại của ông sẽ reng hai lần rồi dừng lại; đó là dấu hiệu sắp có đồ đưa tới.

       Đồ tiếp tế chỉ đến khi trời tối, và thường vào lúc có không kích. Ông Wiberg chưa bao giờ được người khác tiếp cận vào ban ngày. Ông điên lên. Sau này ông nói, “Ai đó đã hành động quá mức ngây thơ và nghiệp dư và có vẻ muốn phá hoại toàn bộ chiến dịch.”

       Vị trí của ông Wiberg đang dần trở nên nguy hiểm hơn; ông không thể gánh nổi một cuộc viếng thăm của cảnh sát. Vì bây giờ trong căn hộ của ông là cả một kho thiết bị do thám. Mấy căn phòng của ông trữ một lượng lớn tiền, mấy bảng mã và một đóng thuốc và độc dược – từ những viên thuốc nhỏ “knockout” tác dụng nhanh, có thể khiến người ta bất tỉnh trong những khoảng thời gian khác nhau, cho đến các loại hợp chất cyanua độc.

      Trong hầm chứa than của ông và trong một garage thuê gần đó là một kho vũ khí nho nhỏ chứa súng trường, súng lục và đạn. Ông Wiberg thậm chí còn có một va li chứa thuốc nổ dễ bay hơi. Mấy cuộc không kích làm ông rất lo lắng cho kho hàng hóa ký gửi này. Nhưng ông và Jessen-Schmidt đã tìm ra một nơi cất giấu hoàn hảo. Mớ thuốc nổ giờ được cất trong một két an toàn lớn nằm trong hầm của Ngân hàng Deutsche Union.

       Căn hộ của ông Wiberg đã tồn tại một cách diệu kỳ qua các cuộc không kích cho tới tận bây giờ, nhưng ông chết khiếp khi nghĩ đến hậu quả nếu như nó bị trúng bom. Ông có thể bị lộ ngay lập tức.

      Jessen-Schmidt đã bảo Wiberg rằng vào đúng thời điểm, các món đồ tiếp tế sẽ được đưa đến các nhóm gián điệp và phá hoại khác nhau sắp đặt chân đến Berlin. Cách hoạt động của các điệp viên đã được chọn này là bắt đầu nhận một tín hiệu gửi qua radio hoặc qua mạng lưới người đưa thư từ London. Ông Wiberg mong chóng đến lúc phân phối đồ. Jessen-Schmidt đã được cảnh báo là cần chờ tin trong vài tuần nữa, vì công việc của nhóm sẽ trùng với lúc chiếm đóng thành phố. Theo thông tin mà Jessen-Schmidt và Wiberg nhận được, quân Anh và Mỹ sẽ đến được Berlin vào khoảng giữa tháng tư.



     3.



      Trong không khí yên tĩnh của phòng làm việc của mình tại số 10 đường Downing, Winston Churchill ngồi khom xuống trong chiếc ghế da ưa thích, điện thoại khum bên tai. Ngài Thủ tướng đang nghe Tổng tham mưu của mình,  Đại tướng Sir Hastings Ismay, đọc một bản sao của thông điệp của Montgomery gửi cho Tư lệnh Tối cao. Lời hứa hẹn của vị Thống chế về “tốc độ cao nhất và tấn công quyết liệt” thực sự là tin tốt; nhưng lời tuyên bố định tiến về Berlin của ông thậm chí còn tốt hơn. Ngài Thủ tướng nói với tướng Ismay, “Montgomery đang có bước tiến đáng kể.”

       Sau nhiều tháng thảo luận sôi nổi giữa các lãnh đạo quân sự của Anh và Mỹ, chiến lược của phe Đồng minh có vẻ như bắt đầu vận hành trơn tru. Kế hoạch của Đại tướng Eisenhower, được phác thảo vào mùa thu năm 1944 và được Hội đồng Tham mưu trưởng ở Malta chấp thuận vào tháng 1/1945, yêu cầu Cụm tập đoàn quân 21 của Thống chế Montgomery làm mũi tiến công chính ở hạ lưu sông Rhine và bắc sông Ruhr; đây là lộ trình mà Churchill, trong một lá thư gửi cho Roosevelt, đã gọi là “con đường ngắn nhất dẫn tới Berlin.”

       Ở phía nam, quân Mỹ sẽ vượt sông và tiến về khu vực Frankfurt, thu hút quân địch khỏi Montgomery. Mũi tiến quân hỗ trợ này sẽ thành mũi tấn công chính nếu cuộc tấn công của Montgomery thất bại. Nhưng dù Churchill lo lắng hết mức, chuyện đã được sắp xếp xong. Cuộc “Thập tự chinh Vĩ đại” đã gần đi đến hồi kết, và Churchill cực kỳ hài lòng vì trong số các vị tư lệnh của Đồng minh, có lẽ ý trời đã định cho người hùng của trận El Alamein chiếm được thủ đô của kẻ thù. Cụm tập đoàn quân 21 đã được đặc biệt tăng cường cho cuộc tấn công, được ưu tiên hàng đầu về binh lính, không lực để hỗ trợ, đồ tiếp tế và thiết bị. Tổng cộng, trong tay Montgomery có gần một triệu quân thuộc 35 sư đoàn và các đơn vị đi cùng, bao gồm Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2016, 09:21:09 pm »

       Bốn ngày trước, Churchill đã đi cùng Đại tướng Eisenhower sang Đức để chứng kiến giai đoạn mở đầu của cuộc tấn công vào phòng tuyến bên sông. Khi đứng bên bờ sông Rhine quan sát cuộc tấn công lịch sử mở màn, Churchill nói với Eisenhower, “Đại tướng thân mến của tôi ơi, bọn Đức tiêu rồi. Ta đã tóm được chúng. Bọn chúng xong đời rồi.”

       Và quả vậy, thật đáng ngạc nhiên là ở hầu hết các nơi, quân địch chống cự rất yếu ớt. Tại quân khu của Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ, nơi 2 sư đoàn – khoảng 34.000 người – đang vai kề vai hành quân với quân Anh, chỉ có 31 thương vong. Giờ, Montgomery dẫn hơn 20 sư đoàn và 1.500 xe tăng vượt sông tiến về sông Elbe. Con đường dẫn đến Berlin – nơi Churchill từng gọi là “mục tiêu đích thực và quan trọng nhất của liên quân Anh-Mỹ” – có vẻ khá rộng mở.

        Con đường này còn rộng mở về mặt chính trị nữa. Chưa từng có một cuộc thảo luận nào giữa ba ông lớn xem quân của ai sẽ chiếm thành phố. Berlin là một mục tiêu để mở, nằm đó chờ đội quân Đồng minh đầu tiên tới chiếm.

        Tuy nhiên, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc chiếm đóng phần còn lại của quốc gia đối địch này – như mấy tấm bản đồ của Chiến dịch Nhật thực đã phân chia. Và các quyết định về việc chiếm đóng nước Đức có ảnh hưởng quan trọng đến việc chiếm Berlin và tương lai chính trị của thành phố. Ít nhất một vị lãnh đạo của phe Đồng minh đã nhận thấy điều này ngay từ đầu. Ông đã nói, “Chắc chắn sẽ có một cuộc đua giành lấy Berlin.” Người đó là Franklin Delano Roosevelt.

      Trước đó 17 tháng, vào ngày 19/11/1943, vấn đề này đã được trình bày cho Roosevelt. Lần đó, ngài Tổng thống ngồi chủ tọa trong một phòng họp thuộc dãy buồng của Đô đốc Ernest J. King trên tàu chiến U.S.S. Iowa. Ngồi cạnh ông là các trợ lý và cố vấn, trong đó có Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Roosevelt đang trên đường tới Trung Đông để dự hội nghị ở Cairo và Teheran – cuộc họp thứ năm và thứ sáu trong thời chiến của các lãnh đạo phe Đồng minh.

       Đó là những ngày trọng yếu trong cuộc đấu tranh với phe Trục trên toàn cầu. Ở mặt trận Nga, quân Đức đã phải chịu thất bại nặng nề và đẫm máu nhất của chúng: Stalingrad, bị bao vây và cô lập trong 23 ngày, đã sụp đổ, và hơn 300.000 lính Đức bị giết, bị thương hoặc bắt làm tù binh. Ở Thái Bình Dương, nơi hơn một triệu quân Mỹ đang chiến đấu, quân Nhật đang bị đẩy lui trên mọi mặt trận. Ở phương Tây, Rommel bị đánh tan tác tại Bắc Phi. Italy, bị xâm chiếm từ châu Phi qua đường Sicily, đã đầu hàng. Và giờ liên quân Anh-Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch cho coup de grace – Chiến dịch Chúa tể, cuộc xâm chiếm toàn diện châu Âu.

      Trên tàu Iowa, Roosevelt đang rất bực bội. Các tài liệu và bản đồ trước mặt ông là phần cốt yếu trong một kế hoạch tên là Chiến dịch Rankin, Phương án C, một trong các nghiên cứu được phát triển có liên quan với cuộc xâm chiếm sắp tới. Rankin C cân nhắc các bước cần thực hiện nếu quân địch bất ngờ sụp đổ hoặc đầu hàng. Trong trường hợp đó, kế hoạch này đề nghị rằng nên chia nước Đức và Berlin thành nhiều phần, mỗi ông lớn chiếm một vùng. Điều khiến ngài Tổng thống thấy khó chịu là khu vực mà những kế hoạch gia người Anh đã chọn cho đất nước ông.

       Rankin C được lập ra dưới hoàn cảnh đặc thù và khó khăn. Người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi các điều khoản của nó sẽ là Tư lệnh Tối cao của Đồng minh tại châu Âu. Nhưng vị tư lệnh này còn chưa được chỉ định. Nhiệm vụ khó khăn phải cố lập kế hoạch trước cho Tư lệnh Tối cao – đó là, vừa chuẩn bị cho cuộc tấn công thông qua eo biển Manche, Chiến dịch Chúa tể, vừa chuẩn bị kế hoạch trong trường hợp nước Đức sụp đổ, Chiến dịch Rankin – được giao cho Trung tướng Frederick E. Morgan của Anh (*), được biết đến với mật danh “COSSAC” (Chief of Staff to the Supreme Allied Com-mander – Tham mưu trưởng cho Tư lệnh Đồng minh Tối cao, đề cử). Đó là một công việc bạc bẽo và mệt mỏi. Khi ông được chỉ định làm nhiệm vụ này, Sir Alan Brooke, Tham mưu trưởng của Ban tham mưu Hoàng gia, đã nói với tướng Morgan là: “Thôi thì thế đó; tất nhiên là nó chả đi vào hoạt động đâu, nhưng anh phải làm thật tốt vào!”

       Trong lúc chuẩn bị Chiến dịch Rankin C, tướng Morgan đã phải cân nhắc mọi tình huống không lường trước. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quân địch đầu hàng đột ngột tới mức quân Đồng minh bị mất thăng bằng, như họ từng bị hồi Thế chiến thứ nhất khi không đoán trước được Đức sẽ đầu hàng vào tháng 11/1918? Quân của từng bên sẽ đi đâu? Ai sẽ chiếm Berlin? Đó là các câu hỏi cơ bản, và chúng cần được giải quyết một cách quyết đoán và rõ ràng, nếu như quân Đồng minh không muốn bị bất ngờ trước sự sụp đổ bất ngờ của địch.

       Vào lúc đó, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào về kết cục cuộc chiến được lập ra. Dù ở Mỹ và Anh, nhiều cơ quan Chính phủ đã thảo luận các vấn đề sẽ xuất hiện khi đình chiến, nhưng việc lập nên chính sách chung vẫn không mấy tiến triển. Chỉ có một điểm nhất trí duy nhất: cần chiếm đóng đất nước của địch.

       Ngược lại, Nga không khó khăn gì trong chuyện đưa ra chính sách. Josef Stalin luôn xem chiếm đóng là chuyện đương nhiên, và ông luôn biết chính xác mình sẽ làm điều đó như thế nào. Hồi tháng 12/1941, ông đã thẳng thắn nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Anthony Eden, về các yêu cầu hậu chiến của mình, chỉ ra các vùng lãnh thổ mà ông định chiếm đóng và thôn tính. Đó là một danh sách ấn tượng: theo gót giày chiến thắng của mình, Stalin muốn được thừa nhận chủ quyền của ông với Latvia, Lithuania và Estonia; một phần của Phần Lan mà ông đã chiếm khi ông tấn công Phần Lan vào năm 1939; tỉnh Bessarabia của Rumania; miền đông Ba Lan, nơi quân Soviet đã tràn qua vào năm 1939 theo thỏa thuận với Nazi; và phần lớn vùng Đông Phổ. Khi ông bình tĩnh đưa ra các điều khoản này, súng nổ cách điện Kremlin có 15 dặm, ở ngoại ô Moscow, nơi quân Đức vẫn đang chiến đấu dữ dội.

        Dù người Anh coi các yêu cầu của Stalin năm 1941 là còn quá sớm để nói (**), đến năm 1943 thì họ cũng chuẩn bị kế hoạch cho riêng mình. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Anthony Eden, đã đề xuất là Đức phải bị Đồng minh chiếm đóng hoàn toàn và phân chia thành ba vùng.

        Ngay sau đó, một cơ quan ở trong nội các là Ủy ban Đình chiến và Hậu chiến được thành lập, dưới quyền Phó Thủ tướng Clement Attlee, chủ tịch Đảng Lao động. Nhóm Attlee đưa ra một đề xuất công khai, trong đó cũng chủ trương chia ba nước Đức, và Anh sẽ chiếm vùng tây bắc giàu có về thương mại và công nghiệp. Họ cũng đề xuất để cả ba phe cùng chiếm Berlin. Phe Đồng minh duy nhất gần như không có kế hoạch nào với nước Đức bại trận là Mỹ. Quan điểm chính thức của Mỹ là các thỏa thuận hậu chiến nên để đến gần chiến thắng sau cùng rồi hãy tính. Chính sách chiếm đóng chủ yếu liên quan tới quân sự mà thôi.

..................................

        (*): Hình thành ban đầu vào năm 1943, Chiến dịch Rankin thực sự có ba phần: Phương án A là trường hợp Đức yếu tới mức chỉ cần một “Chiến dịch Chúa tể mini” là đủ; Phương án B đặt giả thiết Đức sẽ rút lui chiến lược tại một số nơi ở các quốc gia bị chiếm đóng trong khi vẫn để lại lực lượng lớn dọc bờ biển châu Âu nhằm chống xâm lược; và Phương án C đối phó với tình huống Đức đột ngột sụp đổ trước, trong hoặc sau cuộc xâm lăng. Các Phương án A và B đã sớm bị hủy bỏ, và theo tướng Morgan nhớ lại, chỉ nhận được sự cân nhắc ngắn ngủi.

      (**): Churchill nghe được các yêu cầu của Stalin khi ông đang băng qua Đại Tây Dương trên con tàu chiến H.M.S. Duke of York trên đường gặp Roosevelt. Mỹ vừa mới bước vào cuộc chiến và Churchill băn khoăn liệu có nên đưa ra vấn đề này với đồng minh mới hùng mạnh vào lúc này hay không. Ông đánh điện cho Eden: “Dĩ nhiên, anh không được lỗ mãng với Stalin. Chúng ta không đến Mỹ để ký các hiệp ước đặc biệt và bí mật. Tiếp cận Tổng thống Roosevelt với mấy lời đề nghị đó sẽ chỉ chuốc lấy lời từ chối cộc lốc và có thể gây rắc rối kéo dài… Cho dù có đặt vấn đề một cách không chính thức đi chăng nữa… thì theo ý tôi vẫn là không phù hợp.” Bộ Ngoại giao Mỹ có nghe về cuộc trò chuyện giữa Eden và Stalin, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy có ai bận tâm đến việc nói cho ngài Tổng thống Mỹ biết vào lúc đó cả. Nhưng đến tháng 3 năm 1943, Roosevelt được thông báo đầy đủ và theo Eden, người thảo luận vấn đề này với ông, ngài Tổng thống đoán trước là sẽ không có khó khăn lớn gì với Liên Xô. Ông Eden nói: “Câu hỏi lớn đang ngự trị trong đầu Roosevelt là liệu có thể làm việc với Nga vào bây giờ và sau chiến tranh được không.”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2016, 08:01:27 pm »

       Nhưng giờ, khi mà sức mạnh kết hợp của Đồng minh bắt đầu rõ rệt trên mọi mặt trận và nhịp độ tấn công của Đồng minh ngày càng tăng cao, yêu cầu cần lập kế hoạch chính trị thống nhất ngày càng cấp bách. Tháng 10/1943, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Moscow, bước thăm dò đầu tiên được thực hiện nhằm định ra chính sách hậu chiến chung của Đồng minh. Các phe Đồng minh chấp nhận ý tưởng cùng chịu trách nhiệm kiểm soát và chiếm đóng nước Đức, và thành lập một cơ quan giữa ba bên, Hội đồng Cố vấn châu Âu (EAC), để “nghiên cứu và đưa ra đề xuất cho ba chính phủ về các vấn đề ở châu Âu có liên quan tới sự kết thúc giao tranh.”

       Nhưng cùng lúc đó, tướng Morgan đã đưa ra bản kế hoạch của ông – một bản kế hoạch chi tiết sơ thảo về việc chiếm đóng nước Đức – sau này ông giải thích, “chỉ được chuẩn bị sau khi đã bói bằng cầu thủy tinh cả đống lần.” Ban đầu, không có chỉ dẫn chính trị, tướng Morgan chỉ đưa ra bản kế hoạch chiếm đóng có giới hạn. Nhưng kế hoạch Rankin C sau cùng của ông phản ánh kế hoạch do ủy ban của Attlee đưa ra, vốn phức tạp hơn.

       Tướng Morgan đã chia nước Đức thành ba phần theo toán học trên một tấm bản đồ, “phác thảo sơ qua bằng chì xanh dọc theo ranh giới của các tỉnh có sẵn.” Rõ ràng là người Nga, đến từ phía đông, phải chiếm một phần ở phía Đông. Việc chia chác giữa Nga với Anh-Mỹ trong kế hoạch Rankin C (bản đã được sửa lại) là một đường chạy từ Lübeck bên bờ biển Baltic đến Eisenach ở miền trung nước Đức và từ đó tới biên giới với Tiệp.

       Quy mô khu vực của Nga lớn cỡ nào không phải là chuyện Morgan bận tâm. Ông đâu có được ra lệnh phải cân nhắc chuyện đó, vì đó “đương nhiên là chuyện của người Nga, họ đâu có ở trong ban COSSAC của chúng ta". Nhưng Berlin khiến ông phiền não, vì nó sẽ nằm trong khu vực của Nga. Ông tự hỏi, “Liệu chúng ta có tiếp tục xem đó là thủ đô hay là, nói cho cùng, có cần có một thủ đô nữa không? Tính quốc tế của chiến dịch đã đề xuất rằng việc chiếm Berlin hay bất cứ thủ đô nào khác, nếu có, phải được chia đều giữa ba bên, quân Mỹ, Anh và Nga mỗi bên một sư đoàn.”

       Về khu vực của Anh và Mỹ, đối với tướng Morgan, mối liên hệ Bắc-Nam của chúng có vẻ chỉ được định trước bởi một sự thật nghe thì kỳ cục nhưng lại có liên quan: vị trí các căn cứ của Anh và Mỹ và các sở chỉ huy tại Anh. Từ lúc những lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên Vương quốc Anh, đầu tiên họ được cấp chỗ ở Bắc Ireland, rồi sau đó ở nam và tây nam nước Anh. Các lực lượng của Anh đóng ở miền bắc và đông nam. Do đó, sự tập trung binh lính, đồ tiếp tế và thông tin liên lạc cũng tách biệt – quân Mỹ luôn ở bên phải, Anh bên trái đối diện với châu Âu lục địa.

       Vì Morgan đã đoán trước sẽ có Chiến dịch Chúa tể, bản kế hoạch này tiếp tục băng qua eo biển Manche đến các bờ biển xâm chiếm được ở Normandy – và có lẽ là băng qua châu Âu để đến trung tâm nước Đức. Anh sẽ đến miền bắc nước Đức và giải phóng Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy. Phía bên phải, quân Mỹ đi theo đường tiến quân qua Pháp, Bỉ và Luxembourg, cuối cùng sẽ đến các tỉnh miền nam nước Đức.

       Sau này Morgan nói, “Tôi không tin là vào lúc đó có người có thể nhận ra ngụ ý sau cùng và đầy đủ của quyết định phân chia vùng chiếm đóng – trong mọi khả năng, lại do các quan chức cấp thấp của Bộ Chiến tranh đưa ra. Nhưng toàn bộ phần còn lại đều bắt nguồn từ đó.”

       Trên tàu Iowa, ngài Tổng thống Mỹ nhận ra ngụ ý sau cùng và đầy đủ khá rõ. Những ngụ ý đó chính là điều ông không thích về kế hoạch Rankin C. Ngay khi buổi họp chiều bắt đầu lúc 3 giờ, Roosevelt khơi mào chủ đề, và ông thực sự điên tiết. Bình luận về bản ghi nhớ đi kèm mà mấy vị Tham mưu trưởng đã hỏi xin chỉ thị về kế hoạch đã chỉnh sửa của tướng Morgan, Roosevelt quở trách các cố vấn quân sự của mình vì đã “đưa ra các giả thuyết nhất định” – đặc biệt là việc Mỹ nên chấp nhận đề nghị của Anh chiếm miền nam nước Đức. Ngài Tổng thống tuyên bố, “Tôi không thích sắp xếp kiểu này.” Ông muốn phần tây bắc nước Đức. Ông muốn các cảng biển Bremen và Hamburg, cũng như các cảng ở Đan Mạch và Na Uy. Và Roosevelt rất kiên quyết về một vấn đề khác: quy mô vùng chiếm đóng của Mỹ. Ông nói, “Chúng ta nên đi tới Berlin. Mỹ phải có được Berlin.” Rồi ông nói thêm: “Liên Xô có thể lấy phần lãnh địa miền Đông.”

        Roosevelt cũng không hài lòng về một khía cạnh khác của kế hoạch Rankin C. Ở phía nam, Mỹ sẽ phải chịu gánh một cục trách nhiệm gồm Pháp, Bỉ và Luxembourg. Ông khá lo lắng về Pháp, nhất là vị lãnh đạo của tổ chức Nước Pháp Tự do, Đại tướng Charles de Gaulle, người ông vẫn luôn xem là “một mối đau đầu về chính trị.” Khi tiến quân vào nước Pháp, ngài Tổng thống nói với các cố vấn, De Gaulle sẽ “ở sau quân ta một dặm,” sẵn sàng chiếm chính quyền. Hơn hết thảy Roosevelt sợ nội chiến sẽ bùng nổ ở Pháp khi chiến tranh kết thúc. Ông nói không muốn bị dính líu “trong công cuộc khôi phục nước Pháp.” Ngài Tổng thống tuyên bố rằng, “Pháp là một em bé người Anh.”

       Và không chỉ có Pháp mà thôi. Ông thấy nước Anh nên chịu trách nhiệm với cả Bỉ và Luxembourg nữa – và cả miền nam nước Đức luôn. Về khu vực của Mỹ - theo như ngài Tổng thống hình dung, nó phải quét qua miền bắc nước Đức (bao gồm cả Berlin), gồm một dải từ Stetttin cho tới sông Oder. Và một lần nữa, cân nhắc lời lẽ, ông nhấn mạnh rằng mình rất không hài lòng trước cách phân chia vùng chiếm đóng đề xuất. Roosevelt nói, “Người Anh định để Mỹ lấy phần miền nam, và tôi không thích thế.”

        Ý kiến của ngài Tổng thống làm các cố vấn quân sự của ông giật mình. Ba tháng trước, tại Hội nghị Quebec, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã chấp nhận cơ bản kế hoạch này. Cả Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ cũng thế. Vào lúc đó, Tổng thống Roosevelt tỏ ra rất quan tâm đến việc phân chia nước Đức và gia tăng trọng lượng lời nói của ông trong việc thúc giục lập kế hoạch bằng cách bày tỏ mong muốn rằng các đội quân nên “sẵn sàng tới Berlin sớm ngang với Nga.”

        Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ tin rằng các vấn đề có trong kế hoạch Rankin C đều đã được sắp đặt xong xuôi. Sỡ dĩ họ đưa chuyện này lên tàu Iowa chỉ vì nó có liên quan tới các vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự. Giờ ngài Tổng thổng không chỉ chính thức phản đối kế hoạch chiếm đóng mà còn phản đối cả nội dung cơ bản của Chiến dịch Chúa tể nữa. Nếu phải thay đổi vùng chiếm đóng để đáp ứng mong muốn của ngài Tổng thống, sẽ phải thay đổi tình hình bố quân ở Anh trước khi tiến hành xâm chiếm.

        Điều này sẽ làm trì hoãn – thậm chí gây thiệt hại – cho cuộc tấn công qua eo biển Manche, một trong những chiến dịch phức tạp nhất từng có trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Đối với các cố vấn quân sự, rõ ràng là ngài Tổng thống Roosevelt hoặc là không hề hiểu được các quy tắc vận hành logic mênh mông trong đó – hoặc là hiểu rất rõ và đơn giản là sẵn sàng trả một cái giá phi thường đắt để nước Mỹ có được vùng tây bắc và Berlin. Trong quan điểm của họ, cái giá đó quả thực không thể trả nổi.

        Đại tướng Marshall bắt đầu tỉ mỉ phân tích tình huống về mặt ngoại giao. Ông đồng ý là “chuyện phải thế mới đúng.” Nhưng, ông nói, những đề xuất của kế hoạch Rankin C bắt nguồn từ các suy tính quân sự cốt yếu nhất. Ông giải thích từ góc độ logic, “Chúng ta phải đóng quân bên phải… mọi chuyện lại quay trở về vấn đề cũ, các cảng biển của Anh.”

       Đô đốc Ernest King, Tổng Tư lệnh hành quân của Hải quân Hoa Kỳ, ủng hộ tướng Marshall; ông nói rằng, kế hoạch xâm chiếm đã được phát triển quá sâu rồi, muốn chấp nhận dù chỉ một thay đổi về cách triển khai quân là chuyện phi thực tế.

       Vấn đề này rộng lớn tới mức tướng Marshall tin rằng dù chỉ hoán đổi các đội quân không thôi cũng cần có một kế hoạch mới hoàn toàn – một kế hoạch đủ linh hoạt để áp dụng cho “bất kỳ giai đoạn phát triển nào” nhằm đạt được những gì ngài Tổng thống muốn ở Đức.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM