Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:05:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: The Last Battle - Trận chiến cuối cùng  (Đọc 98467 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2016, 06:53:32 am »

      Vợ ông, bà Gerda, đã ngán đến tận cổ sự cuồng tín của ông chồng, nhưng bà rất lo lắng và băn khoăn khi phải bàn với ông về kế hoạch sống sót của hai người. Bà chỉ ra rằng quân Nga đang đến rất gần Berlin. Ông Gotthard cắt lời bà. Ông nổi đóa, “Chỉ là lời đồn tầm phào! Là lời đồn thôi! Do kẻ thù cố tình tung ra.” Trong thế giới Nazi méo mó của ông Gotthard, mọi thứ vẫn đang diễn ra đúng theo kế hoạch. Chiến thắng chắc chắn thuộc về Hitler. Bọn Nga sẽ không bao giờ tới được cửa vào Berlin.

      Còn có những người đầy nhiệt huyết và dễ bị ảnh hưởng – những người chưa từng nghĩ đến khả năng thất bại – ví như Erna Schultze. Vị thư ký 41 tuổi trong sở chỉ huy Oberkommando der Kriegsmarine (Bộ Chỉ huy Hải quân Tối cao) vừa mới nhận ra tham vọng của đời mình: Bà vừa được thăng làm thư ký của đô đốc và đây là ngày làm việc đầu tiên của bà.

     Shell House, nơi đặt sở chỉ huy, đã bị trúng bom nặng trong 48 giờ qua. Nhưng đám gạch vụn và khói bụi chẳng làm bà Erna bận tâm – bà cũng không bị mệnh lệnh vừa đưa tới bàn làm việc làm cho lo lắng. Mệnh lệnh yêu cầu đốt mọi hồ sơ Geheime Kommandosache (tối mật). Nhưng Erna rất buồn vì vào cuối ngày làm việc đầu tiên này, bà và các nhân viên khác phải “rời đi vô thời hạn” và séc trả lương của bọn họ sẽ được gửi sau.

       Bà Erna vẫn không lay chuyển. Niềm tin của bà mạnh mẽ tới mức bà không tin bản thông cáo chính thức về thất bại của nước Đức. Bà tin tinh thần toàn Berlin vẫn rất tốt, và việc đế chế Đức chiến thắng chỉ là vấn đề thời gian. Ngay cả vào lúc này, khi bước ra khỏi tòa nhà, bà Erna vẫn khá chắc chắn là trong vài ngày tới Hải quân sẽ gọi bà quay lại.

      Còn có những người khác quá tin tưởng và liên quan quá sâu với tầng lớp cao cấp trong bộ máy của đảng Nazi đến mức họ chẳng mấy nghĩ ngợi về chiến tranh hay những hậu quả của nó. Giữa bầu không khí hăng say và sự quyến rũ của vị trí đặc quyền của mình, họ không chỉ cảm thấy an toàn mà còn thấy được bảo vệ hoàn hảo, trong sự tận tụy mù quáng với Hitler. Kathe Reiss Heusermann với đôi mắt xanh hấp dẫn là một ví dụ điển hình.

       Ở số 213 Kurfurstendamm, cô Kathe 35 tuổi, tóc vàng, tính tình sôi nổi đang ngập trong công việc làm trợ lý cho Giáo sư Hugo J. Blaschke, nha sĩ hàng đầu của các lãnh đạo Nazi. Nhờ phục vụ cho Hitler và nội các từ năm 1934, giáo sư Blaschke đã được trao quân hàm Brigadeführer (chuẩn tướng) của lực lượng SS và đứng đầu khoa nha của Trung tâm Y tế SS Berlin. Là một đảng viên Nazi hăng hái, giáo sư Blaschke đã tận dụng mối quan hệ giữa mình với Hitler vào phòng khám tư lớn nhất và hái ra tiền nhất Berlin. Bây giờ ông đang chuẩn bị tận dụng thêm một bước nữa. Không giống Kathe, ông có thể thấy rõ những gì sắp xảy ra – và ông đã lập kế hoạch rời khỏi Berlin ngay khi có cơ hội. Nếu ở lại, quân hàm SS và vị trí của ông có thể gây rắc rối: Dưới mắt người Nga, huy hoàng ngày hôm nay có thể trở thành nguy cơ của ngày mai.

       Kathe gần như chẳng biết gì về tình hình. Cô quá sức bận. Từ sáng sớm đến tối mịt, cô xoay tít mù, hỗ trợ giáo sư Blaschke ở các bệnh viện và sở chỉ huy hoặc ở phòng khám tư của ông ở quận Kurfurstendamm. Có năng lực và được nhiều người quý mến, Kathe được các tinh anh của đảng Nazi tin tưởng hoàn toàn tới mức cô đã phục vụ gần hết tùy tùng của Hitler – và một lần cho ngài Quốc trưởng.

       Lần đó chính là mốc son trong sự nghiệp của cô. Vào tháng 11/1944, cô và giáo sư Blaschke được triệu tập khẩn cấp đến sở chỉ huy của Quốc trưởng ở Rastenburg, Đông Phổ. Ở đó, họ thấy Hitler đang bị đau dữ dội.

      Sau này cô nhớ lại, “Mặt ông ấy, nhất là má bên phải bị sưng khủng khiếp. Răng ông ấy cực lỳ tệ. Tổng cộng, ông ấy có ba cầu răng giả. Ông ấy chỉ còn tám cái răng hàm trên và ngay cả mấy cái đó cũng đã được trám bằng vàng. Một cầu răng giả đã hoàn thiện hàm trên của ông và nó được giữ yên một chỗ bởi mấy cái răng có sẵn. Một trong số đó, cái răng khôn bên phải, bị sâu cực nặng.” Giáo sư Blaschke nhìn qua cái răng và bảo Hitler rằng nó cần phải nhổ, chẳng có cách nào chữa được. Giáo sư Blaschke giải thích rằng ông cần nhổ hai cái răng – một cái răng mọc lệch ở phía sau răng giả và thứ hai là cái răng sâu nằm bên cạnh. Điều đó có nghĩa là cần cắt xuyên qua cầu răng giả bằng vàng và bằng sứ ở đằng trước cái răng mọc lệch, cần phải khoan và cưa khá nhiều. Rồi sau khi nhổ cái răng cuối cùng, vài ngày sau ông sẽ làm một cầu răng giả mới hoặc gia cố lại cái răng cũ.

        Giáo sư Blaschke khá lo lắng về ca phẫu thuật: nó quá rắc rối và không biết được Hitler sẽ phản ứng ra sao. Các vấn đề phức tạp còn trở nên phiền hơn vì Hitler không thích gây mê. Kathe nhớ là ông ta nới với giáo sư Blaschke rằng ông ta chỉ chấp nhận “một lượng tối thiểu.” Cả giáo sư Blaschke và Kathe đều biết ông ta sẽ đau đớn không chịu nổi; hơn nữa ca phẫu thuật có thể kéo dài từ 30 đến 45 phút. Nhưng họ chẳng thể làm gì khác.

        Giáo sư Blaschke tiêm một mũi cho Hitler vào hàm trên và ca phẫu thuật bắt đầu. Kathe đứng bên cạnh ngài Quốc trưởng, một tay kéo căng má ông ta, tay kia cầm một cái gương. Mũi khoan ken két của giáo sư Blaschke nhanh chóng khoan vào cầu răng giả. Rồi ông đổi một chút và bắt đầu cưa. Hitler ngồi im – cô nhớ lại, “như bị đóng băng.” Cuối cùng, giáo sư Blaschke làm sạch cái răng và nhanh chóng nhổ. Sau này Kathe nói, “Suốt ca phẫu thuật, Hitler không hề cử động, cũng không thốt một lời. Thật là phi thường. Bọn tôi thắc mắc không hiểu sao ông ấy có thể chịu nổi cơn đau.”

       Lần đó đã là năm tháng trước; có cảm giác như chưa từng có chuyện gì về cầu răng giả lung lay của ngài Quốc trưởng. Ngoài những người trực tiếp thân cận với Hitler, rất ít ai biết về ca phẫu thuật. Một trong các quy tắc cốt yếu cho những ai làm việc cho ngài Quốc trưởng là mọi chuyện về ông ta, đặc biệt là bệnh tình, là tối mật.

        Kathe rất giỏi giữ bí mật. Ví dụ như, cô biết rằng một bộ răng giả đặc biệt đã được làm cho vị đệ nhất phu nhân chưa kết hôn nổi tiếng của đế chế Đức. Giáo sư Blaschke định sửa cái răng vàng lần tới khi bà ta đến Berlin. Tình nhân của Hitler, Eva Braun, chắc chắn rất cần nó.

       Cuối cùng, Kathe biết một trong những bí mật được bảo vệ cẩn thận nhất. Cô có trách nhiệm gửi bộ dụng cụ nha khoa hoàn chỉnh đến bất cứ nơi nào Quốc trưởng đi tới. Ngoài ra, cô đang chuẩn bị một cầu răng giả mới có mấy thân răng bàng vàng cho một trong bốn thư ký của Hitler: Johanna Wolf, 45 tuổi, béo ú và lùn tịt. Kathe sẽ nhanh chóng chỉnh sửa bộ cầu răng giả mới cho “Wolfie”, ở trong phòng phẫu thuật của điện Reichskanzlei. Cô đã qua lại giữa phòng phẫu thuật của giáo sư Blaschke và điện Reichskanzlei gần như hàng ngày trong suốt chín tuần qua. Adolf Hitler đã ở đó kể từ ngày 16/1.

       Khi đêm mùa xuân khép lại, thành phố có vẻ vắng lặng. Berlin đổ nát trông ma quái và thảm thương, trải dài dưới một ánh trăng mờ ảo, là một mục tiêu rõ ràng cho quân thù trong đêm. Bên dưới mặt đất, người dân Berlin đang chờ đợi những kẻ đánh bom và tự hỏi sáng mai ai trong số họ sẽ còn sống.

      Vào lúc 9 giờ tối, Không lực Hoàng gia quay lại. Còi báo động rền vang lần thứ tư trong 24 giờ qua, và cuộc tấn công lần thứ 317 vào thành phố bắt đầu. Trong sở chỉ huy quân sự ở Hohenzollerndamm, Thiếu tướng Hellmuth Reymann bình tĩnh ngồi bên bàn làm việc, không chú ý nhiều đến tiếng hỏa lực phòng không và tiếng bom nổ ầm vang. Ông đang liều mạng chạy đua với thời gian – vốn chẳng còn lại bao nhiêu.

       Chỉ mới 16 ngày trước, điện thoại nhà riêng ở Dresden của tướng Reymann đã đổ chuông. Ở bên kia đầu dây là Đại tướng Wilhelm Burgdorf, sĩ quan hành chính của Hitler. Tướng Burgdorf nói, “Quốc trưởng đã chỉ định anh làm tư lệnh quân sự của Dresden.”

       Thoạt đầu, Reymann thậm chí không thể đáp lời. Thủ phủ của bang Saxony từ thế kỷ 16 với những ngọn tháp nhọn, những con đường rải sỏi và những tòa lâu đài trong truyện cổ tích, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong ba cuộc không kích lớn. Đau lòng trước cảnh tàn phá của thành phố cổ thân yêu, tướng Reymann đã nổi giận. Ông hét lên, “Đi nói với ông ta là ở đây chẳng còn gì mà bảo vệ ngoài gạch vụn cả,” rồi gác máy. Những lời giận dữ của ông chỉ là nóng giận nhất thời. Một tiếng sau, tướng Burgdorf gọi lại và nói, “Quốc trưởng đổi lại, chỉ định anh làm tư lệnh Berlin.”

       Ngày 6/3, tướng Reymann nhận lệnh. Trong vòng vài giờ, ông phát hiện ra sự thật kinh hoàng. Dù Hitler đã tuyên bố Berlin là một Festung (pháo đài), pháo đài này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của ngài Quốc trưởng. Thành phố chẳng được chuẩn bị gì để chống lại các cuộc tấn công. Không có kế hoạch, không có lực lượng phòng vệ và gần như không có quân đội. Tệ hơn, không có lương thực dự trữ cho cư dân trong thành phố; còn kế hoạch di tản phụ nữ, người già và trẻ em đơn giản là không tồn tại.

        Bây giờ, tướng Reymann đang chạy đua với thời gian để cố gỡ rối tình hình. Những vấn đề của ông rất nan giải: ông phải kiếm quân lính, súng ống, đạn dược và thiết bị để bảo vệ thành phố ở đâu? Rồi các kỹ sư, máy móc và vật liệu để xây công trình phòng ngự? Ông có được phép di tản phụ nữ, trẻ em và người già? Nếu không, làm sao ông cung cấp thực phẩm và bảo vệ cho họ khi cuộc bao vây bắt đầu? Và hết lần này tới lần khác đầu óc ông quay lại với câu hỏi lớn nhất: thời gian – còn bao nhiêu thời gian?

       Nội việc bảo vệ các sĩ quan cấp cao đã đủ khó khăn. Đến tận bây giờ, vào lúc cuối ngày, tướng Reymann mới bổ nhiệm một tham mưu trưởng, Đại tá Hans Refior. Đại tá Refior vừa đến Berlin vài giờ trước, và ông còn giật mình trước sự hỗn loạn của Berlin hơn cả tướng Reymann. Mấy ngày trước, trên tờ tạp chí ảnh Das Reich, đại tá Refior đã đọc một bài báo khẳng định rằng Berlin là không thể đánh chiếm được. Ông đặc biệt nhớ một dòng nói thế này: “Với hàng phòng thủ này, Berlin như một con nhím xù lông.” Nếu vậy thì, hệ thống phòng thủ đó được cất giấu kỹ quá. Đại tá Refior đếm chẳng được mấy cái.

      Trong suốt bao nhiêu năm làm một quân nhân chuyên nghiệp, tướng Reymann 53 tuổi có mái tóc hoa râm chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có ngày phải đối mặt với một nhiệm vụ như vậy. Ông vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho từng vấn đề - và phải nhanh chóng. Liệu có thể cứu được Berlin không?

       Tướng Reymann quyết làm mọi điều mình có thể. Có vô số ví dụ trong lịch sử quân sự thế giới về những chiến thắng khi mà thất bại tưởng như là không thể tránh khỏi. Ông nghĩ đến Vienna đã phòng thủ thành công trước người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1683, và Đại tướng Graf von Gnei-senau, tham mưu trưởng của Blucher, người đã giữ vững Kolberg năm 1806. Đúng vậy, đó là những so sánh không tương xứng, nhưng có lẽ chúng đem lại chút hi vọng. Tướng Reymann biết mọi chuyện đều phụ thuộc vào quân Đức trấn giữ mặt trận sông Oder, và vào viên tướng chỉ huy họ.

       Những người vĩ đại nhất đã không còn – Rommel, Von Rundstedt, Von Kluge, Von Manstein – những nhà chỉ huy tài ba có tên tuổi nổi tiếng. Họ đều đã biến mất, đều đã chết, bị mất tín nhiệm hoặc bị buộc phải nghỉ hưu. Giờ đây, hơn bao giờ hết, đất nước và quân đội đang cần một người chỉ huy – một Rommel táo bạo, một Von Rundstedt tỉ mỉ. Sự an toàn của Berlin và có lẽ cả khả năng sống sót của nước Đức sẽ tùy thuộc vào điều này. Nhưng người đó đang ở đâu?


     *************************
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2016, 06:00:04 am »

                                                                              

                                                                                        II




                                                                                 VỊ TƯỚNG




     1.



       Ngày 22/3, bình minh mờ sương và lạnh lẽo. Phía nam thành phố, đường Reichsstrasse 96 chạy dài qua các rừng thông đẫm sương, những giọt sương sáng lấp lánh trên mặt đường nhựa. Vào buổi sớm mai se lạnh của ngày thứ hai của mùa xuân, giao thông trên con đường này cực kỳ đông đúc – và dù đang thời chiến, chất lượng giao thông ở Đức vẫn tuyệt đến không tưởng. Vài chiếc xe tải hạng nặng chạy trên đường, chở theo những chiếc tủ hồ sơ kềnh càng, những hòm tài liệu, thiết bị văn phòng và thùng các tông. Những chiếc xe tải khác thì chất
cao các tác phẩm nghệ thuật – đồ nội thất đẹp đẽ, tranh ảnh, đồ đồng, đồ sứ và tượng. Có một chiếc xe tải chở đằng sau một pho tượng bán thân của Julius Caesar đang lúc lắc qua lại.

      Xen kẽ giữa mấy chiếc xe tải là những chiếc xe hơi đủ loại cỡ lớn – những chiếc Horch, Wanderer và limousine Mercedes. Tất cả đều mang huy chương chữ vạn mạ bạc, là xe của Đảng Nazi. Xe nào cũng chạy dọc theo đường Reichsstrasse 96 theo cùng một hướng: hướng nam. Trong xe là các quan chức cao cấp trong đảng Nazi của Đệ tam Quốc xã – hay “những con chim trĩ bảy màu,” những người được vinh dự trao tặng huân chương chữ vạn mạ vàng, tượng trưng cho những tinh hoa của đảng Nazi. Những con chim trĩ bảy màu, cùng với vợ con và gia sản, đang đi di tản. Gương mặt cứng nhắc và lạnh lùng trong bộ đồng phục màu nâu, những người đàn ông này nhìn thẳng tắp về phía trước, như thể bị ám ảnh về khả năng bị chặn đường và bắt quay lại nơi mà họ không muốn về: Berlin.

     Ở phần đường bên kia, một chiếc xe sĩ quan, dòng Mercedes cỡ lớn, có gắn lá cờ kim loại màu đỏ, trắng và đen kẻ ô vuông của một vị Tư lệnh lục quân trên tấm chắn bùn bên trái, đang chạy nhanh về hướng bắc. Trong xe, Thượng tướng Gotthard Heinrici, mặc áo da cừu cũ, cổ choàng khăn, đang khom người ngồi cạnh viên tài xế, nhìn ra ngoài đường đầy vẻ chán chường. Ông biết con đường cao tốc này, giống như mọi vị tướng khác của đế chế Đức. Anh họ của tướng Heinrich, Nguyên soái Gerd von Rundstedt, từng mỉa mai con đường này là “der Weg zur Ewigkeit” – con đường dẫn đến sự vĩnh cửu. Nó đã đưa nhiều người từ một sĩ quan cao cấp thành kẻ bị lãng quên, vì Reichsstrasse 96 là đường dẫn trực tiếp đến Tổng bộ chỉ huy quân sự Đức cách Berlin 18 dặm. Ngoài các tướng tá có quân hàm cao, rất ít người Đức biết được vị trí của tổng bộ này. Ngay cả cư dân trong vùng cũng không biết rằng cơ quan đầu não quân sự của nước Đức của Hilter nằm ngay bên ngoài thị trấn Zossen cổ xưa có từ thế kỷ XV của họ, nằm sâu trong rừng và được ngụy trang cẩn thận. Zosen là điểm đến của tướng Heinrici.

       Nếu như dòng xe cộ, bằng chứng ồn ào cho thấy các cơ quan chính phủ đang trên đường di dời, có gây ấn tượng gì với vị tướng, thì ông cũng không nói ra điều đó với viên sĩ quan phụ tá 36 tuổi của mình, đại úy Heinrich von Bila, đang ngồi đằng sau cùng với người lính cần vụ của ông, Balzen. Trước khi bình minh lên, họ đã khởi hành từ bắc Hungary, nơi tướng Heinrici đã chỉ huy đoàn quân thiết giáp số 1 và các đoàn quân số I của Hungary. Họ đã bay từ đó tới Bautzen, gần biên giới Đức – Tiệp, và từ đây tiếp tục đi bằng xe hơi. Và giờ đây, mỗi giờ đồng hồ trôi qua lại đưa vị tướng Heinrici 58 tuổi, một trong những chuyên gia phòng thủ của quân đội Đức, đến gần hơn với bài kiểm tra lớn nhất trong sự nghiệp quân sự 40 năm của ông.

      Tướng Heinrici sẽ được biết chi tiết về nhiệm vụ mới của mình ở Zossen – nhưng ông đã biết trước là mình không cần quan tâm đến quân Đồng minh phương Tây, mà là kẻ thù cũ của ông, quân Nga. Đó là một nhiệm vụ rất ác liệt, và với Heinrici, rất kinh điển: ông được bổ nhiệm chỉ huy Tập đoàn quân Vistula cùng với mệnh lệnh cầm chân quân Nga bên bờ sông Oder và cứu lấy Berlin.

      Thình lình, còi báo động không kích vang lên ầm ĩ. Tướng Heinrici giật mình quay lại nhìn mấy căn nhà gỗ mà họ vừa chạy ngang qua. Chẳng hề có dấu hiệu nào của một cuộc thả bom hay của máy bay Đồng minh. Hồi còi báo động vẫn kéo dài, rồi nhỏ dần đằng sau họ. Thứ làm ông giật mình không phải âm thanh đó. Ông chẳng lạ gì các cuộc đánh bom. Điều khiến ông ngạc nhiên là ông nhận ra sâu trong lòng nước Đức, ngay cả những ngôi làng nhỏ thế này cũng có báo động không kích.

      Tướng Heinrici chầm chậm xoay người lại. Dù ông từng chỉ huy các đội quân từ đầu cuộc chiến năm 1939, đầu tiên ở mặt trận phía Tây, rồi sau đó là ở Nga năm 1941, ông đã không có ở Đức trong hơn hai năm qua và ông không rõ ảnh hưởng của toàn bộ cuộc chiến lên mặt trận gia đình. Ông nhận ra mình như một người khách lạ ngay giữa đất nước mình. Ông thấy chán nản; ông không hề mong đợi những thứ như thế này.

      Rất ít tướng lĩnh Đức từng trải qua cuộc chiến này nhiều hơn ông – và ngược lại, rất ít người có quân hàm tương tự lại có thành tựu ít hơn ông. Ông không phải là Rommel táo bạo, có các chiến công được người Đức ca ngợi và rồi được Hitler, vốn nhạy bén về mặt truyên truyền, vinh danh bằng một cây gậy chỉ huy của nguyên soái. Ngoài các mệnh lệnh trên chiến trường, tên của tướng Heinrici hiếm khi xuất hiện trên các tài liệu. Danh vọng và vinh quang mà mọi người lính đều theo đuổi đã lảng tránh ông, vì trong nhiều năm làm tư lệnh đánh trận ở mặt trận phía đông, ông đã chiến đấu với quân Nga trong một vai trò mà các đặc điểm của nó đã quẳng ông vào chỗ bị lu mờ.

       Những cuộc hành quân của ông không có được vinh quang tiến quân thần tốc, mà chỉ có nỗi tuyệt vọng khi phải rút quân đầy gian nan. Chuyên môn của ông là phòng thủ, và ở mặt này ông có rất ít người ngang tầm. Là một chiến lược gia thận trọng, chuẩn xác, một vị tư lệnh có cung cách nho nhã dễ khiến người ta mắc lừa, tuy vậy tướng Heinrici lại là một vị tướng cứng rắn, xuất thân từ một ngôi trường quý tộc lâu đời, từ lâu ông đã học cách trấn giữ phòng tuyến với số quân tối thiểu và với các giá thấp nhất.

      Một trong số các sĩ quan tham mưu của ông từng nhận định, “Heinrici chỉ rút quân khi tình hình đã quá xấu – và chỉ sau khi đã cân nhắc kỹ càng.” Trong một cuộc chiến mà đối với ông là một cuộc rút lui chậm chạp và đau khổ từ ngoại ô Moscow đến dãy Carpathian, tướng Heinrici đã trấn giữ hết lần này tới lần khác trong những tình thế gần như là vô vọng.

       Ngoan cố, ngang ngạnh và yêu cầu cao, ông đã nắm lấy mọi cơ hội – ngay cả khi đó chỉ là trấn giữ thêm một dặm trong một giờ nữa. Ông chiến đấu ác liệt tới mức các sĩ quan và lính của ông đặt cho ông một biệt danh đầy tự hào “Unser Giftzwerg” (*) – thằng cha bé nhỏ gan góc của chúng ta .

      Khi gặp ông lần đầu, họ thường lúng túng trước lời mô tả “gan góc.” Ông thuộc kiểu thấp bé nhẹ cân, với đôi mắt xanh trầm lặng, mái tóc vàng sáng và hàng ria mép gọn ghẽ, thoạt trông Heinrici giống một ông giáo hơn là một vị tướng – và còn là một ông giáo ăn mặc xoàng xĩnh.

      Đó là một mối lo ngại lớn của viên sĩ quan phụ tá của ông, đại úy Von Bila, vì tướng Heinrici không quan tâm mấy về việc trông cho giống một ông thượng tướng. Đại úy Von Bila thường khó chịu về vẻ ngoài của tướng Heinrici – nhất là đôi ủng và áo khoác. Tướng Heinrici ghét mang ủng cao tới gối được đánh bóng loáng vốn phổ biến trong giới sĩ quan Đức.

      Ông thích mang ủng thấp, cùng với quần bó bằng da có khóa bên hông giống thời Thế chiến thứ nhất. Còn về áo khoác, ông có mấy cái, nhưng ông lại thích cái áo da cừu cũ kỹ, và không chịu tách rời nó bất chấp mọi nỗ lực của đại úy Von Bila. Tương tự, tướng Heinrici thường mặc mấy bộ đồng phục cho tới khi chúng đã mòn xơ cả chỉ mới thôi. Và vì ông tin rằng cần mang hành trang gọn nhẹ, tướng Heinrici hiếm khi mang theo nhiều hơn một bộ đồng phục – ngoài bộ mang trên lưng.

     ...............................
        (*) “Unser Giftzwerg” nghĩa đen là “người lùn độc địa của chúng ta” – và từ này thường được áp dụng cho Heinrici với ý nghĩa này bởi những người không thích ông.

« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2016, 06:07:28 am gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2016, 06:06:48 am »

      Đại úy Von Bila luôn là người khơi mào khi nào thì tướng Heinrici cần trang phục mới – và anh phát khiếp mấy cuộc đọ sức này, vì anh thường thua cuộc. Lần cuối đại úy Von Bila liều mình khơi dậy chủ đề, anh tiếp cận một cách thận trọng. Anh ngập ngừng thăm dò Heinrici, “Thưa Thượng tướng, chúng ta có nên tìm lúc nào đó may đồng phục mới không ạ?” Tướng Heinrici nhìn Von Bila qua cặp kính mắt và nhẹ nhàng hỏi, “Anh thực sự nghĩ vậy à, Bila?” Nhất thời, đại úy Von Bila nghĩ mình đã thành công. Rồi Giftzwerg lạnh lùng hỏi, “Để làm gì?” Kể từ đó, đại úy Von Bila không bao giờ nhắc lại chuyện này nữa.

      Nhưng nếu như Heinrici trông không giống một vị tướng, thì ông hành động đúng như một vị tướng. Ông là một người lính đến từng centimet, và với những đội quân mà ông chỉ huy, đặc biệt là sau thời gian kháng cự ở Moscow, ông là một huyền thoại.

      Vào tháng 12/1941, cuộc tấn công chớp nhoáng của Hitler vào nước Nga cuối cùng đã bị chặn đứng cứng ngắc ngay trước cửa ngõ vào Moscow. Khắp trận tuyến của quân Đức, hơn 1.250.000 lính quân trang gọn nhẹ đã bị mắc kẹt trong mùa đông khắc nghiệt đến sớm. Khi quân Đức loạng choạng tiến lên trong băng tuyết, các đội quân Nga mà Hitler và các chuyên gia của ông ta vẫn luôn coi thường bỗng bất thình lình xuất hiện giống như từ trên trời rơi xuống. Trong một trận chiến sống còn, quân Soviet đã huy động 100 sư đoàn gồm những người lính đã quen với mùa đông nơi đây chống lại quân xâm lược.

      Quân Đức bị đẩy lui với những thất bại đáng kinh ngạc, có lúc nó giống như cuộc rút lui khủng khiếp của Napoleon vào năm 1812 được lặp lại - ở quy mô lớn hơn và đẫm máu hơn.

      Phòng tuyến cần được gia cố. Tướng Heinrici bị giao cho trấn giữ khu vực gay go nhất. Ngày 26/1/1942, ông được giao cho chỉ huy phần tàn dư của đoàn quân số IV, trấn giữ khu vực ngay chính diện Moscow, là nòng cốt trong phòng tuyến của Đức. Bất kỳ cuộc rút lui nghiêm trọng nào tại khu này cũng sẽ gây nguy hiểm cho các cánh quân hai bên sườn và có thể châm ngòi cho một cuộc hỗn loạn.

      Tướng Heinrici nhận nhiệm vụ vào một ngày đặc biệt lạnh; nhiệt độ xuống dưới - 41ºC. Nước đóng băng ngay trong nồi hơi xe lửa; súng máy không bắn được; không thể đào chiến hào và hố cá nhân vì mặt đất cứng như sắt. Những người lính với trang bị mong manh của tướng Heinrici đang chiến đấu trong tuyết cao tới thắt lưng, với các trụ băng dính trên mũi và lông mi. Sau này ông nhớ lại, “Tôi được ra lệnh phải trấn thủ tới khi cuộc tấn công lần đó chắc chắn chiếm được Moscow. Đã thế người của tôi đang chết dần chết mòn – và không chỉ vì đạn của quân Nga. Phần lớn họ đều chết rét.”

       Họ trấn thủ gần 10 tuần. Tướng Heinrici dùng mọi cách có thể, cả chính thống lẫn phi chính thống. Ông hô hào quân mình, thúc giục họ, thăng chức, giáng chức – và hết lần này tới lần khác không tuân theo mệnh lệnh kéo dài bất di bất dịch của Hitler, “Starre Verteidigung”- chống cự thật nhanh. Mùa xuân đó, ban tham mưu của đoàn quân số IV ước tính là trong suốt mùa đông dài, Giftzwerg đã có nhiều lúc bị quân thù áp đảo ít nhất là một chọi mười hai.

      Bên ngoài Moscow, tướng Heinrici đã phát triển một kỹ thuật giúp ông nổi tiếng. Khi ông biết quân Nga sắp tấn công vào một quân khu cụ thể, ông sẽ ra lệnh cho quân của mình rút lui vào đêm hôm trước đến các vị trí mới ở đằng sau 1-2 dặm. Những loạt pháo của quân Nga sẽ bắn vào tiền tuyến trống không. Như Heinrici đã chỉ ra: “Nó giống như đập vào cái túi rỗng. Cuộc tấn công của quân Nga sẽ đánh mất tốc độ của nó, vì người của tôi sẽ sẵn sàng mà chưa bị tổn hại gì. Rồi quân của tôi trong những quân khu chưa bị tấn công sẽ tiến vào và giành lại tiền tuyến ban đầu.” Bí quyết là phải biết được khi nào quân Nga chuẩn bị tấn công. Từ các báo cáo tình báo, quân tuần tra và thẩm vấn tù binh, cùng với giác quan thứ sáu phi thường, tướng Heinrici đã xác định thời gian và địa điểm chính xác như làm toán.

      Không phải lúc nào cũng có thể áp dụng những phương pháp đó, và khi làm, tướng Heinrici phải hết sức cẩn trọng – Hitler đã bỏ tù và thậm chí bắn vài viên tướng vì đã bỏ ngoài tai lệnh cấm rút lui của ông ta. Sau này Heinrici nói, “Trong khi chúng tôi hầu như không thể dời một lính gác từ cửa sổ tới cửa ra vào mà không được ông ta cho phép, nhưng những lúc có thể, một số trong đám chúng tôi vẫn tìm ra cách để tránh né mấy mệnh lệnh ngày càng mang tính tự sát hơn của ông ta.”

     Vì những lý do rõ ràng, Heinrici chưa bao giờ là người được Hitler hay nội các của ông ta ưa thích. Lai lịch quân sự bảo thủ và cao quý của ông đòi hỏi ông phải chấp hành nghiêm chỉnh lời tuyên thệ trung thành của mình với Hitler, nhưng tiếng gọi của một nền độc tài cao hơn luôn đến trước. Từ đầu cuộc chiến, tướng Heinrici đã đối nghịch với Quốc trưởng vì quan điểm tôn giáo của mình.

      Là con trai của một giáo sĩ Tin Lành, mỗi ngày tướng Heinrici đọc một đoạn Kinh thánh, đi lễ ngày chủ nhật và khăng khăng đòi đoàn quân của mình phải tuần hành trong nhà thờ. Mấy chuyện này không hợp ý Hitler lắm. Một vài dấu hiệu rõ ràng đã được chỉ cho Heinrici rằng Hitler nghĩ một vị tướng mà lại bị thấy công khai đi nhà thờ thì không được khôn ngoan.

      Trong chuyến đi cuối cùng đến Đức, trong lúc rời khỏi thị trấn Munster, Westphalia, tướng Heinrici được một quan chức cấp cao trong đảng Nazi đặc biệt từ Berlin tới nói chuyện với ông. Tướng Heinrici, vốn chưa bao giờ là thành viên của đảng Nazi, được thông báo rằng “Quốc trưởng thấy các hoạt động tôn giáo của ông không phù hợp với mục đích của chủ nghĩa quốc xã.” Tướng Heinrici lạnh lùng nghe lời cảnh báo. Chủ nhật sau đó, ông và vợ con vẫn đi nhà thờ như thường lệ.

     Sau đó, ông được thăng chức rất chậm và đầy miễn cưỡng. Nếu không phải có tài lãnh đạo tyệt vời không thể phủ nhận chắc ông cũng không được thăng chức, và sự thật là nhiều vị tư lệnh mà ông từng ở dưới quyền – đặc biệt là Nguyên soái Günther von Kluge – luôn nhấn mạnh là ông cần được thăng chức.

       Cuối năm 1943, tướng Heinrici chịu sự thù địch của Thống tướng Hermann Goering, một lần nữa vì vấn đề tôn giáo. Tướng Goering phàn nàn kịch liệt với Hitler rằng trong lần rút lui của đoàn quân số IV ở Nga, Heinrici đã không tuân theo chính sách tiêu thổ của Quốc trưởng. Ông ta đặc biệt nhấn mạnh rằng vị tướng đã cố tình không tuân theo mệnh lệnh “đốt cháy và phá hủy mọi ngôi nhà có người sống” ở Smolensk; trong số những tòa nhà còn lại có Đại thánh đường của thị trấn.

      Heinrici đã nghiêm trang giải thích rằng “nếu Smolensk bị phá hủy thì lực lượng của tôi đã không thể rút quân qua đó được.” Câu trả lời không làm cả Hitler và Goering vừa lòng, nhưng nó có đủ logic quân sự để ông không phải ra Tòa án binh.

     Tuy nhiên, Hitler không quên việc này. Tướng Heinrici, bị trúng hơi độc trong Thế chiến thứ nhất, từ đó bị nhiều chứng rối loạn dạ dày. Vài tháng sau vụ việc với Goering, Hitler viện cớ mấy căn bệnh này đã đưa Heinrici vào danh sách không điều động vì “lý do sức khỏe.” Ông nghỉ hưu trong một nhà điều dưỡng ở Karls- Bad, Tiệp Khắc, và ở đó, theo lời của Heinrici là, “Bọn họ đơn giản là để tôi ngồi yên đó.” Vài tuần sau khi ông bị cách chức, lần đầu tiên quân Nga vượt qua được đơn vị cũ của ông, đoàn quân số IV.

     Trong những tháng đầu của năm 1944, Heinrici vẫn ở Karlsbad, làm một khán giả từ xa trước những sự kiện lớn lao đang từ từ đưa đế chế Hitler đến bên bờ sụp đổ: cuộc xâm chiếm Normandy của quân Đồng minh phương Tây vào tháng 6; liên quân Anh-Mỹ tiến vào đất nước hình chiếc ủng, Italy và chiếm được Rome; vụ ám sát hụt Hitler ngày 20/7; thế công mạnh mẽ của quân Nga khi chúng tiến qua Đông Âu. Khi tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, Heinrici thấy cảnh ăn không ngồi rồi của mình thật bực đến không chịu nổi. Nếu nài xin Quốc trưởng, chắc ông cũng được chỉ huy một Tập đoàn quân, nhưng ông lại không chịu làm thế.

      Cuối cùng, vào cuối mùa hè năm 1944, sau tám tháng nghỉ hưu cưỡng chế, Heinrici được cho quay về nhiệm vụ - lần này đến Hungary và chỉ huy binh đoàn thiết giáp số 1 cùng các Tập đoàn quân Hungary số I đang gặp nguy khốn.

      Ở Hungary, Heinrici lại quay trở về cung cách cũ. Vào cao điểm của cuộc chiến ở đó, Thượng tướng Ferdinand Schörner, được Hitler chống lưng, và là thượng cấp của Heinrici ở Hungary, đưa ra một quy tắc là bất kỳ người lính nào bị phát hiện ở lại đằng sau mặt trận không theo mệnh lệnh “sẽ bị xử bắn ngay lập tức và bêu xác làm gương.” Quá ghê tởm trước mệnh lệnh đó, tướng Heinrici giận dữ vặn lại: “Những phương pháp như thế chưa từng được sử dụng dưới quyền của tôi, và sẽ không bao giờ có.”

       Dù bị buộc phải rút lui từ bắc Hungary về Tiệp Khắc, ông đã chiến đấu ngoan cường đến mức vào ngày 3/3/1945, ông được thông báo rằng Thập tự Hiệp sĩ của ông vừa được trang trí thêm Thanh gươm Lá sồi – một lời khen tặng đáng ghi nhận đối với một người vốn bị Hitler chán ghét mãnh liệt. Và bây giờ, chỉ hai tuần sau đó, ông đang hối hả tới Zossen, với tờ công văn trong túi áo ra lệnh cho ông chỉ huy Tập đoàn quân Vistula.

      Khi quan sát con đường Reichsstrasse 96 bị bỏ lại đằng sau chiếc Mercedes đang lao vun vút của mình, tướng Heinrici tự hỏi con đường này sẽ đưa ông đến đâu. Ông nhớ lại phản ứng của ban tham mưu của mình khi họ biết được lệnh điều động của ông, và ông được lệnh phải báo cáo với Đại tướng Heinz Guderian, người đứng đầu Tổng bộ tham mưu của OKH (Oberkommando des Heeres) – Chỉ huy Cao cấp của Quân đội. Họ đều bị sốc. Viên tham mưu trưởng của ông hỏi, “Ông có thực sự muốn công việc đó không?”

      Đối với các thuộc cấp đang lo lắng, tướng Heinrici thẳng tính có vẻ như đâm đầu vào rắc rối rồi. Là tư lệnh mặt trận sông Oder, phòng tuyến chủ chốt cuối cùng của hàng phòng ngự giữa quân Nga và Berlin, ông sẽ thường xuyên bị đặt dưới sự giám sát của Hitler và “mấy thằng hề trong cung” – như một trong số các sĩ quan của Heinrici gọi bọn họ.

     Tướng Heinrici chưa bao giờ làm một kẻ nịnh nọt, và cũng chưa từng học cách bóp méo sự thật; làm sao ông có thể tránh va chạm với những kẻ quanh Quốc trưởng? Và ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy đến với những người bất đồng ý kiến với Hitler.

      Tận tâm hết mức có thể, các sĩ quan thân cận với Heinrici đã đề nghị ông nên tìm cớ không nhận nhiệm vụ này – có lẽ là “lý do sức khỏe.” Thật đáng ngạc nhiên, tướng Heinrici đơn giản đáp lại rằng ông sẽ tuân theo mệnh lệnh – “giống như một binh nhì Schultz hay Schmidt nào đó.” Bây giờ ông đã đến ngoại ô Zossen, tướng Heinrici không thể chịu nổi khi nhớ lại cảnh tượng lúc ông khởi hành, Ban tham mưu của ông nhìn ông “như thể tôi là một con cừu non sắp bị đưa đi giết mổ.”

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2016, 06:11:37 am »

  

       2.



       Ở cổng chính của căn cứ, xe của tướng Heinrici nhanh chóng được thông qua. Hàng rào bảo vệ sơn hai màu đỏ đen bên trong được kéo qua, và chiếc xe chạy vào sở chỉ huy Zossen giữa hàng người đứng chào xôn xao. Có cảm giác như họ vừa bước vào một thế giới khác. Về một mặt nào đó thì đúng là như thế - một thế giới quân sự, kỷ luật, được ngụy trang và che giấu kỹ càng, chỉ có một số ít người biết và được nhận dạng bằng các mật danh “Maybach I” “Maybach II.”

      Khu liên hợp mà họ vừa lái xe qua là Maybach I – trụ sở của OKH, Bộ Chỉ huy Cao cấp của Quân đội, đứng đầu là Đại tướng Guderian. Ông chỉ huy các đội quân ở mặt trận phía Đông từ nơi này. Cách đó một dặm về phía trong là một khu hoàn toàn tách biệt: Maybach II, trụ sở của OKW, Bộ Chỉ huy Cao cấp của các Lực lượng Vũ trang. Dù cái tên được đánh số hàng thứ hai nhưng Maybach II lại có thẩm quyền cao hơn – trụ sở của Tư lệnh Tối cao, Hitler.

      Không giống Đại tướng Guderian, người trực tiếp chỉ huy từ trụ sở OKH của mình, đội hình bậc thang cao nhất của OKW – Tổng tham mưu của OKW, Nguyên soái Wil-helm Keitel, và Tổng giám sát, Thượng tướng Alfred Jodl – luôn kề cận bên Hitler dù ông ta có đi đâu. Chỉ có bộ máy vận hành của OKW là nằm lại Zossen. Keitel và Jodl chỉ huy các đội quân ở mặt trận phía tây thông qua đó, ngoài ra còn dùng nó làm cơ quan thu thập và phân phối thông tin đưa mọi mệnh lệnh của Hitler đến toàn bộ các lực lượng vũ trang của Đức.

     Do vậy, Maybach II là thần của các vị thần, hoàn toàn tách biệt khỏi sở chỉ huy của Guderian đến mức rất ít sĩ quan của ông được phép vào trong đó. Sự phong bế kín kẽ tới mức hai Sở chỉ huy còn được ngăn cách về mặt vật lý bằng những dãy hàng rào kẽm gai thường có lính gác đi tuần. Hitler đã tuyên bố vào năm 1941 rằng không ai có thể biết nhiều hơn phận sự của mình. Trong sở chỉ huy của tướng Guderian, mọi người nói rằng “nếu quân địch có chiếm được OKW thì chúng ta vẫn sẽ ổn và đi làm bình thường thôi: chúng ta có biết gì về chỗ đó đâu.”

     Bên dưới sự bảo vệ của tán rừng, chiếc xe của tướng Heinrici chạy theo một trong số mấy con đường đất nhỏ hẹp đan chéo qua khu liên hợp. Rải rác giữa những gốc cây không ngay hàng thẳng lối là những tòa nhà bê tông thấp. Khoảng cách giữa các căn nhà thưa tới mức chúng hoàn toàn được các ngọn cây che phủ, nhưng để cho chắc chắn, chúng được sơn ngụy trang màu xanh lá, nâu, đen u ám. Các phương tiện đi lại đậu phía ngoài mấy con đường – bên cạnh những tòa nhà trông như trại lính phủ lưới ngụy trang. Lính gác đứng khắp nơi, và ở những điểm chiến lược quanh khu trại, những gò đất thấp nhô lên trên, chứa các boongke có lính ở trong.

      Đó là phần nổi của cơ sở ngầm mở rộng bên dưới toàn khu trại, phần ngầm của Maybach I và Maybach II còn rộng hơn cả phần trên mặt đất. Mỗi tòa nhà có ba tầng hầm, nối với nhau bằng các hành lang. Cơ sở ngầm lớn nhất là “Exchange 500” – tổng đài thông tin liên lạc bằng radio quân sự, điện báo và điện thoại lớn nhất nước Đức. Nơi này hoàn toàn tự vận hành, có hệ thống điều hòa không khí (gồm một hệ thống lọc đặc biệt nhằm chống tấn công bằng hơi độc), hệ thống cấp nước, bếp và không gian sinh hoạt riêng biệt. Nó nằm sâu 20m dưới lòng đất – tương đương một tòa nhà bảy tầng dưới đất.

      Exchange 500 là cơ sở vật chất duy nhất mà OKH và OKW dùng chung. Ngoài việc kết nối hai Sở chỉ huy và Berlin với mọi tư lệnh lục quân, không quân và hải quân cấp cao ở xa, nơi đây còn là tổng đài liên lạc chính của chính phủ Đức quốc xã và các cơ quan điều hành. Nó được hoàn thành vào năm 1939, được thiết kế để phục vụ cho một đế chế rộng bao la.

      Trong phần thân chính hay phòng đặt các đường dây nối đi xa, hàng dãy nhân viên trực ngồi trước những tấm bảng có đèn nhấp nháy; trên mỗi tấm bảng có một tấm thẻ nhỏ ghi tên một thành phố nào đó – Berlin, Prague, Vienna, Copenhagen, Oslo,… Nhưng đèn của một vài bảng điều khiển đã tắt – những tấm bảng đó vẫn còn ghi tên của Athens, Warsaw, Budapest, Rome và Paris.

     Mặc dù đã cẩn thận ngụy trang, khu liên hợp Zossen đã từng bị đánh bom. Tướng Heinrici có thể thấy bằng chứng rõ ràng khi xe của ông dừng bên ngoài tòa nhà chỉ huy của tướng Guderian. Khu vực này lỗ chỗ hố bom, cây bị bật gốc, và có mấy tòa nhà bị hư hại nặng. Nhưng hậu quả của cuộc đánh bom đã được giảm thiểu tối đa nhờ kiến trúc kiên cố của các tòa nhà – một số có tường dày tới 1m (*).
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2016, 06:17:25 am gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 06:39:49 am »

     
      (*) Lời dẫn của tác giả:

      Thực sự thì, Zossen đã bị quân Mỹ đánh bom dữ dội chỉ bảy ngày trước đó, vào ngày 15/3, theo yêu cầu của người Nga. Thông điệp từ Nguyên soái Sergei V. Khudyakov của Ban tham mưu Hồng quân gửi đến Đại tướng John R. Deane, trưởng Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ tại Mos-cow, giờ đang được lưu tại Washington và Moscow, và xuất hiện ở đây lần đầu, trong một tài liệu đầy ngạc nhiên vì nó cho thấy quy mô của tình báo Nga tại Đức: “Đại tướng Deane thân mến: Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, Bộ tổng tham mưu của Quân đội Đức nằm cách Berlin 38km về phía nam, trong một khu hầm ngầm được gia cố đặc biệt mà người Đức gọi là ‘Thành lũy.’

      Khu hầm ngầm nằm cách Zossen 5,5 - 6km về phía nam-đông nam và cách con đường cao tốc gần đó 1-1,5km về phía đông


      Theo cùng nguồn tin đó thì việc khởi công xây công sự ngầm này bắt đầu từ năm 1936. Vào năm 1938 và 1939, khả năng chịu bom không kích và súng phun lửa của khu công sự được người Đức kiểm tra. Tôi mong ngài, thưa ngài Đại tướng thân mến, sẽ không từ chối ra lệnh cho không lực của quân Đồng minh đánh bom ‘Thành lũy’ càng sớm càng tốt bằng bom hạng nặng. Tôi chắc chắn kết quả là… Bộ tổng tham mưu của Đức, nếu nó vẫn nằm ở đó, sẽ chịu nhiều thiệt hại và tổn thất khiến nó không thể làm việc bình thường… và [có thể] phải di dời. Vì thế, người Đức sẽ mất một Sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc được tổ chức tốt. Đính kèm theo đây là một tấm bản đồ có vị trí chính xác của [trụ sở] Bộ tổng tham mưu Đức.”

      Trong tòa nhà chính, bằng chứng của cuộc tấn công còn rõ ràng hơn. Người đầu tiên mà tướng Heinrici và đại úy Von Bila gặp là Trung tướng Hans Krebs, Tham mưu trưởng của tướng Guderian, đã bị thương trong cuộc không kích. Chiếc kính một mắt đeo bên mắt phải, ông ngồi sau bàn làm việc trong một văn phòng gần văn phòng của tướng Guderian, đầu quấn băng trắng. Tướng Heinrici không quan tâm nhiều về tướng Krebs. Dù vị Tham mưu trưởng này cực kỳ thông minh, tướng Heinrici thấy ông ta “là một người đàn ông không chịu tin sự thật, người có thể đổi trắng thay đen để làm giảm thiểu tình hình thực sự cho Hitler nghe.”

      Tướng Heinrici nhìn ông ta. Bỏ qua sự tinh tế, ông đột ngột hỏi:
     “Ông bị thương làm sao vậy?”.

      Tướng Krebs nhún vai. Ông đáp:
      “Ồ không có gì. Không có gì đâu.”

      Krebs vẫn luôn thản nhiên như thế. Trước cuộc chiến, ông từng là tùy viên quân sự Đại sứ quán Đức tại Moscow, và ông nói tiếng Nga gần như hoàn hảo. Sau khi ký Hiệp ước Trung lập Nga-Nhật năm 1941, Stalin đã ôm Krebs và nói, “Chúng ta sẽ luôn là bạn.” Giờ đây, trong lúc ngẫu nhiên nói chuyện với Heinrici, Krebs nói rẳng mình vẫn đang học tiếng Nga. Ông nói, “Mỗi sáng tôi đặt một quyển từ điển trên một cái kệ bên dưới tấm gương và học vài từ trong lúc cạo râu.” Heinrici gật đầu. Krebs sẽ thấy mớ tiếng Nga của mình hữu dụng nhanh thôi.

     Vào lúc đó, Thiếu tá Freitag von Loringhonven, sĩ quan phụ tá của tướng Guderian, cùng nhập hội với bọn họ. Đi cùng ông là Đại úy Gerhard Boldt, một thành viên khác trong ban tham mưu cá nhân của tướng Guderian. Họ trịnh trọng chào Heinrici và Von Bila, rồi đi cùng hai người tới văn phòng của Đại tướng. Với Von Bila, có vẻ như ai cũng mặc bộ đồng phục chiến trường màu xám được cắt may và ủi cẩn thận, mang ủng cao bóng loáng, cùng với phù hiệu màu đỏ mang quân hàm trên cổ áo. Heinrici, đi phía trước thiếu tá Von Loringhonven, có vẻ lạc quẻ về mặt trang phục như thường lệ - đặc biệt là nhìn từ đằng sau. Chiếc áo khoác da cừu cổ viền lông làm Von Bila nhăn mặt vì ngượng.

     Thiếu tá Von Loringhonven đi vào văn phòng của Đại tướng, một lát sau quay lại và để cửa mở cho tướng Heinrici. Khi tướng Heinrici đi vào, ông thông báo “Ngài Thượng tướng Heinrici.” Von Loringhonven đóng cửa lại và rồi nhập bọn cùng Boldt và Von Bila trong phòng chờ.

     Tướng Guderian đang ngồi đằng sau một cái bàn lớn ngập giấy. Khi Heinrici đi vào, ông đứng dậy, nồng nhiệt chào vị khách, chỉ cho ông một cái ghế và nói chuyện về chuyến đi của Heinrici một lúc. Heinrici thấy rằng Guderian đang căng thẳng và cáu kỉnh. Bờ vai rộng, chiều cao trung bình, với mái tóc hoa râm mỏng và hàng ria lộn xộn, tướng Guderian trông già hơn cái tuổi 60 của mình. Ông là một vị tướng bệnh tật, dù không nhiều người biết, với chứng cao huyết áp và bệnh tim – một bệnh tình không thể thuyên giảm trước tâm trạng chán nản thường trực của ông. Những ngày này, người sáng tạo ra lực lượng thiết giáp lớn nhất của Hitler – tài năng vũ khí của ông từng đem lại cuộc chiếm đóng nước Pháp năm 1940 chỉ trong 27 ngày và gần như chưa từng đạt được thành tựu tương tự ở Nga – thấy mình hầu như chẳng còn quyền lực gì. Dù là người đứng đầu Tổng bộ tham mưu, ông cũng không còn ảnh hưởng gì mấy tới Hitler nữa. Là một sĩ quan nóng tính hầu hết mọi lúc, Heinrici nghe nói bây giờ tướng Guderian gặp nhiều trở ngại tới mức ông thường nổi cơn lôi đình.

     Khi họ nói chuyện, tướng Heinrici nhìn quanh. Văn phòng khá đơn giản: một cái bàn bản đồ lớn, vài cái ghế dựa lưng thẳng, hai cái điện thoại, một cái đèn ngủ bóng màu xanh lá đặt trên bàn làm việc, và trên bức tường màu be không có gì khác trừ một bức chân dung đóng khung thông thường của Hitler, treo trên cái bàn bản đồ. Người đứng đầu Tổng bộ tham mưu thậm chí còn chẳng có lấy một cái ghế êm ái.

       Dù Guderian và Heinrici không phải là bạn bè thân thiết, họ cũng đã biết nhau nhiều năm, tôn trọng tài năng của nhau và đủ gần gũi để trao đổi tự do và thoải mái. Ngay khi vào chủ đề công việc, Heinrici nói thẳng. Ông nói, “Đại tướng, thời gian qua tôi chỉ ở vùng hoang dã của Hungary. Tôi chẳng biết gì về Cụm Tập đoàn quân Vistula, nó bao gồm những thành phần nào hay tình hình bên sông Oder ra làm sao cả.”

     Tướng Guderian cũng thẳng thừng tương tự. Ông mạnh mẽ đáp lại, “Tôi phải nói với anh, Heinrici à, Hitler không muốn giao anh quyền chỉ huy này đâu. Ông ta nghĩ đến người khác trong đầu rồi.”

      Heinrici vẫn im lặng.

      Guderian tiếp tục: “Tôi chịu trách nhiệm việc này. Tôi đã nói với Hitler rằng anh là người cần thiết. Thoạt tiên ông ta không chịu anh đâu. Cuối cùng, tôi đã khiến ông ta đồng ý.”

      Guderian nói chuyện theo kiểu thẳng thừng, đậm tính công việc, nhưng vì có thiện cảm với người trước mặt mà tông giọng của ông thay đổi. Dù là 20 năm sau, Heinrici vẫn còn nhớ chi tiết của bài chỉ trích sau đó.

     Guderian gầm gừ, “Himmler. Hắn là vấn đề lớn nhất. Phải thoát khỏi kẻ mà anh vừa thay thế - Himmler!”

     Ông đột ngột đứng dậy khỏi ghế, đi quanh bàn và bắt đầu rảo bước trong phòng. Heinrici chỉ vừa mới biết gần đây là Thống chế Heinrich Himmler là tư lệnh của Cụm Tập đoàn quân Vistula. Tin tức đó khiến ông ngạc nhiên tới mức thoạt đầu ông không tin. Ông biết Himmler là một thành viên trong nội các của Hitler – có lẽ là người quyền lực nhất nước Đức sau Quốc trưởng. Ông không hề biết rằng Himmler có kinh nghiệm gì trong việc điều binh khiển tướng ngoài chiến trường – chứ đừng nói tới việc chỉ huy hoạt động của một Cụm Tập đoàn quân.

      Tướng Guderian cay đắng kể lại hồi tháng 1, khi Ba Lan sụp đổ trước cơn thủy triều Hồng quân, ông đã liều lĩnh thúc giục thành lập Cụm Tập đoàn quân Vistula như thế nào. Vào lúc đó, nó được hình dung là một tổ hợp các quân đoàn phía bắc trấn giữ phòng tuyến chủ chốt giữa sông Oder và Vistula, đại khái từ Đông Phổ đến một điểm phía nam nơi nó sẽ liên kết với một Cụm tập đoàn quân khác. Nếu phòng tuyến giữ được, nó sẽ ngăn quân Nga tràn như tuyết lở vào trung tâm nước Đức, qua vùng hạ Pomerania và thượng Silesia, rồi qua cổng Bran-denburg và cuối cùng – là Berlin.

      Guderian đã đề nghị cho Thống chế Freiherr von Weichs chỉ huy tập đoàn quân này. Guderian nói, “Vào lúc đó ông ấy là người phù hợp nhất. Chuyện gì đã xảy ra? Hitler nói Von Weichs quá già. Jodl cũng có mặt tại cuộc họp và tôi mong ông ta có thể ủng hộ mình. Nhưng ông ta đưa ra vài nhận xét về quan điểm tôn giáo của Von Weichs. Thế là xong chuyện.”

      Guderian lớn tiếng chửi, “Thế rồi, chúng ta có ai nào? Hitler bổ nhiệm Himmler! Trong số bao nhiêu người – là Himmler đấy!”

      Guderian, theo lời ông, đã “tranh luận và nài xin bãi bỏ vụ bổ nhiệm kinh khủng và vô lý” của một người không hề có kiến thức quân sự. Nhưng Hitler rất cứng rắn. Dưới quyền Himmler, mặt trận chỉ có sụp đổ chứ chẳng có gì khác. Hồng quân đã di chuyển đúng như Guderian dự đoán. Một khi quân Nga vượt qua được Cụm tập đoàn quân Vistula, một phần lực lượng của họ đi về phương Bắc tới biển Baltic ở Danzig, tách ra và chạy vòng quanh khoảng 20-25 sư đoàn chỉ riêng ở Đông Phổ.

      Phần còn lại của quân đội Soviet băng qua Pomerania và thượng Silesia, rồi tới được sông Oder và sông Neisse. Khắp nơi dọc theo mặt trận miền đông, phòng tuyến của Đức bị áp đảo. Nhưng không có khu nào sụp đổ nhanh như của Himmler. Thất bại của ông ta đã mở toang cánh cổng vào con đường chính đi qua nước Đức và kết nối với quân Đồng minh phương Tây. Hơn hết thảy, nó đặt Berlin vào trong tình thế nguy hiểm.

      Guderian nói với Heinrici rằng, chỉ 48 giờ trước đó, ông đã lái xe đến sở chỉ huy của Cụm tập đoàn quân Vistula ở Birkenhain, cách Berlin khoảng 50 dặm về phía bắc, cố thuyết phục Himmler bỏ quyền chỉ huy. Ở đó, ông được thông báo rằng Himmler đang bị bệnh. Ông cuối cùng cũng tìm được vị tư lệnh SS cách đó 20 dặm, gần thị trấn Lychen, “nằm co ro trong viện điều dưỡng, mà chả bị gì ngoài một cơn cảm lạnh.”

      Guderian nhanh chóng nhận thấy “căn bệnh” của Himmler có thể tận dụng thành lợi thế. Ông bày tỏ sự cảm thông với ngài Thống chế, và nói có lẽ ông ta đã làm việc quá sức, rằng số chức trách mà ông ta nắm giữ sẽ “là gánh nặng lên sức mạnh của bất kỳ người đàn ông nào.” Ngoài là tư lệnh của Cụm tập đoàn quân Vistula, Himmler đầy tham vọng còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thủ lĩnh Gestapo, lực lượng cảnh sát và an ninh của Đức; đứng đầu lực lượng SS, và là tư lệnh của Huấn luyện quân. Sao không bỏ bớt một chức trách, Guderian đề nghị - để coi, Cụm tập đoàn quân Vistula?

      Himmler tóm ngay lấy lời đề nghị đó. Ông ta nói với Guderian, quá đúng; việc ông ta có quá nhiều chức vụ thực sự đòi hỏi sức chịu đựng lớn lao. Himmler hỏi, “Nhưng làm sao tôi có thể nói với Quốc trưởng là tôi muốn từ bỏ Vistula?” Guderian nhanh nhảu nói với Himmler là nếu được cho phép, ông ta sẽ đề xuất việc này. Himmler mau lẹ đồng ý. Guderian nói thêm, đêm hôm đó, “Hitler đã làm nhẹ bớt gánh nặng của vị Thống chế đã làm việc quá sức và có quá nhiều gánh nặng này, nhưng chỉ sau khi đã càu nhàu một thôi một hồi và hết sức miễn cưỡng.”

       Guderian ngừng lại, nhưng chỉ trong một lúc. Lời thuật lại tai họa đầy gay gắt của ông chấm dứt bằng một cơn thịnh nộ trào dâng. Bây giờ ông nổi giận trở lại. Giọng run rẩy vì giận dữ, ông nói: “Chúng ta đang ở trong một đám hỗn loạn lạ kỳ. Cái cách cuộc chiến đang diễn ra thật là không thể tin được. Không thể tin được!”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2016, 09:25:23 am »

      Guderian nhớ lại, qua mấy tháng trước, ông đã cố thuyết phục Hitler hiểu rằng “nguy cơ thật sự nằm ở mặt trận phía Đông,” “cần có biện pháp mạnh.” Ông thúc giục một loạt rút quân chiến lược từ các nước quanh biển Baltic – đặc biệt là từ Courland ở Latvia – và từ các nước ở bán đảo Balkan, và thậm chí còn đề nghị từ bỏ Na Uy và Italy. Cần rút ngắn phòng tuyến các nơi; mỗi sư đoàn được rút bớt có thể tăng tốc hướng về mặt trận với Nga. Theo tin tình báo, quân Nga có số sư đoàn đông gấp đôi quân Đồng minh phương Tây – chưa kể số sư đoàn Đức chiến đấu ở phía Đông ít hơn phía Tây. Hơn nữa, những sư đoàn thiện chiến nhất của Đức đang đối đầu với Eisenhower. Nhưng Hitler không chịu tiếp tục phòng thủ; ông ta không tin những tin tức và số liệu đặt trước mặt mình.

     Thế rồi, Guderian tuyên bố, “Có lẽ Hitler đã mắc phải sai lầm lớn nhất đời.”

     Tháng 12/1944, ông ta phát động cuộc tấn công ồ ạt vào lực lượng Đồng minh phương Tây, một lần đánh cược cuối cùng, ở những cánh rừng tại cao nguyên Ardennes của Bỉ và miền bắc Luxembourg. Hitler huênh hoang rằng cuộc tấn công sẽ đập tan quân Đồng minh và thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến. Ông ta đưa ba đoàn quân vũ trang tận răng tấn công vào trung tâm của phòng tuyến quân Đồng minh – tổng cộng có 20 sư đoàn, trong đó có 12 sư đoàn có vũ trang. Mục tiêu của họ là: vượt qua phòng tuyến, đến được Meuse, và rồi tiến về hướng bắc để chiếm được cảng tiếp tế sống còn ở Antwerp. Bị đánh úp bất ngờ, quân Đồng minh choáng váng và phải rút lui với tổn thất nặng nề. Nhưng không lâu sau cuộc tấn công đuối dần. Hồi phục nhanh chóng, quân Đồng minh đẩy lùi các đội quân kiệt sức của Hitler về sau biên giới Đức chỉ sau năm tuần.


      Guderian nói, “Khi thấy rõ là cuộc tấn công đã thất bại, tôi đã năn nỉ Hitler rút quân khỏi Ardennes và đưa họ đến mặt trận phía Đông, nơi chúng ta đoán quân Nga sẽ tấn công bất cứ lúc nào. Nhưng chả ích gì – ông ta không chịu tin phỏng đoán của chúng tôi về sức mạnh của quân Nga.”

     Ngày 9/1, Guderian nói với Hitler là người Nga có thể sẽ phát động tấn công từ Baltic tới Balkan bằng một lực lượng khổng lồ vào cỡ 225 sư đoàn và 22 quân đoàn có vũ trang. Dự đoán tình hình do Đại tướng Reinhard Gehlen, Trưởng cục tình báo của Guderian chuẩn bị. Dự báo cho thấy về mặt bộ binh, quân Nga sẽ áp đảo quân Đức theo tỷ lệ 11 đánh 1, về quân có vũ trang là 7 đánh 1, về cả pháo và máy bay thì ít nhất là 20 đánh 1.

      Hitler đập bàn và điên cuồng chửi bới tác giả của bản báo cáo. Ông ta rống lên, “Thằng nào chuẩn bị mớ rác này hả? Dù nó có là ai, nó cũng sẽ bị đưa vào nhà thương điên!” Ba ngày sau quân Nga tấn công, và tướng Gehlen cho thấy ông đã đúng.

      Guderian nói với Heinrici, “Mặt trận hầu như sụp đổ, đơn giản là vì phần lớn lực lượng thiết giáp của chúng ta đang kẹt ở phía Tây. Cuối cùng Hitler cũng đồng ý chuyển một số binh chủng thiết giáp, nhưng ông ta không chịu để tôi dùng xe tăng để tấn công quân Nga đang chĩa mũi nhọn về phía đông Berlin. Ông ta đã đưa chúng đi đâu? Tới Hungary, nơi chúng bị quăng vào một cuộc tấn công hoàn toàn vô ích để dành lại mấy mỏ dầu.”

      Ông nổi điên lên, “Ngay cả bây giờ, không hiểu sao vẫn còn 18 sư đoàn đang ngồi ở Courland – kẹt cứng ở đó, chả làm gì. Ở đây cần họ - chứ không phải ở vùng Baltic! Nếu chúng ta muốn sống sót, cần đưa mọi thứ đến mặt trận Oder.”

       Guderian ngừng lại và cố trấn tĩnh bản thân. Rồi ông nói: “Quân Nga đang nhìn xuống cổ họng chúng ta. Chúng đã dừng tấn công để tái cơ cấu tổ chức. Chúng tôi đoán là anh có 3 đến 4 tuần để chuẩn bị – trước khi mấy cơn lũ tràn tới. Vào lúc đó, quân Nga sẽ cố thiết lập những vùng mới chiếm ở bờ Tây và mở rộng những cái họ đã có. Cần đẩy lùi những nơi đó. Dù nơi khác có xảy ra chuyện gì, quân Nga cần phải bị chặn đứng bên sông Oder. Đó là hi vọng duy nhất của chúng ta.”



      3.




      Tướng Guderian gọi người mang bản đồ vào. Trong căn phòng chờ bên ngoài, một trong số mấy sĩ quan phụ tá cầm lấy vài tấm bên trên một chồng đã chuẩn bị sẵn, đem vèo trong văn phòng và trải ra trên chiếc bàn bản đồ trước mặt hai vị tướng.

       Đây là lần đầu tướng Heinrici nhìn qua tình hình tổng thể.

      Hơn một phần ba nước Đức đã mất – bị nuốt chửng bởi đà tiến quân của phe Đồng minh từ cả đông lẫn tây. Tất cả những gì còn lại nằm giữa hai rào chắn lớn bằng nước: ở phía tây là sông Rhine; còn ở phía đông là sông Oder và sông nhánh của nó, sông Neisse. Và tướng Heinrici biết là những vùng công nghiệp lớn của đế chế Đức chưa bị chiếm thì đang bị đánh bom đêm ngày.

      Ở phía Tây, quân đội của Eisenhower, như tướng Heinrici có nghe được, thực sự đã tới bên bờ sông Rhine, phòng tuyến tự nhiên vĩ đại của nước Đức. Lực lượng của liên quân Anh-Mỹ trải dài gần 500 đặm dọc theo bờ tây – đại khái từ Biển Bắc tới biên giới Thụy Sĩ. Thậm chí một cứ điểm ở sông Rhine đã bị chọc thủng. Ngày 7/3, quân Mỹ đã chiếm được một cây cầu ở Remagen, phía nam thành phố Bonn, trước khi quân Đức kịp hoàn toàn phá cầu. Bây giờ, quân Mỹ chiếm một vùng quanh đầu cầu rộng 20 dặm, sâu 5 dặm nằm dọc bờ đông. Những giao điểm khác đang chống đỡ từng giây từng phút.

     Ở phía Đông, quân Soviet đã ùn ùn vượt qua Đông Âu và trấn giữ một mặt trận dài hơn 800 dặm – từ biển Baltic tới biển Adriatic. Ở Đức thì quân Nga đang đứng dọc sông Oder-Neisse tới tận biên giới với Tiệp Khắc. Guderian nói với Heinrici, bây giờ, quân Nga đang ráo riết chuẩn bị tiếp tục tấn công. Máy bay trinh sát đã phát hiện ra quân tiếp viện đang túa về mặt trận. Mọi ga đầu mối đều đầy ắp súng và trang thiết bị. Mọi con đường đều kẹt cứng xe tăng, những đoàn xe ngựa kéo và máy kéo, và các đoàn quân đang di chuyển nhanh như vũ bão.

      Sức mạnh của Hồng quân vào lúc tấn công sẽ lớn tới đâu, không ai có thể đoán nổi, nhưng đã nhận dạng được ba Tập đoàn quân hiện diện tại Đức – tập trung chủ yếu ở ngay đối diện Cụm tập đoàn quân Vistula.

      Nhìn vào mặt trận để lại cho ông, tướng Heinrici lần đầu thấy được cái mà sau này ông mô tả là “toàn bộ sự thật choáng váng.”

      Trên bản đồ, đường màu đỏ uốn lượn đánh dấu vị trí của Vistula kéo dài 175 dặm – từ bờ biển Baltic tới chỗ sông Oder và sông Neisse gặp nhau ở Silesia, nơi nó kết nối với lực lượng của Thượng tướng Schörner. Phần lớn mặt trận nằm trên bờ Tây sông Oder, nhưng có ba đầu cầu lớn vẫn còn nằm trên bờ đông: ở phía bắc là Stettin, thủ phủ có từ thế kỷ XIII của Pomerania; ở phía nam là thị trấn Küstrin và thành phố cổ Frankfurt bên sông Oder – cả hai đều nằm trong quân khu quan trọng ngay đối diện Berlin.

       Để ngăn quân Nga chiếm được thủ đô và tiến thẳng vào trung tâm nước Đức, tướng Heinrici phát hiện ra mình chỉ có trong tay hai quân đoàn. Trấn thủ cánh phía bắc của mặt trận là Quân đoàn Thiết giáp số 3, do Đại tướng Hasso von Manteuffel nhỏ con chỉ huy – có lẽ là chiến thuật gia thiết giáp vĩ đại nhất của quân đội Đức sau tướng Guderian và Rommel. Ông trấn giữ các vị trí kéo dài khoảng 95 dặm – từ phía bắc Stettin đến giao điểm của kênh Hohenzollern và sông Oder, cách Berlin khoảng 28 dặm về hướng đông bắc. Phía dưới đó, cách ngã ba sông Neisse 80 dặm, lực lượng phòng thủ do Đại tướng Theodor Busse, 47 tuổi, mang kính cận cùng với Quân đoàn 9 của ông phụ trách.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2016, 09:29:12 am »

       Chán nản trước bức tranh toàn cục, tướng Heinrici không quá ngạc nhiên trước số lượng đông đảo của quân địch nữa. Ở mặt trận phía Đông, đánh trận mà không có không quân yểm hộ là chuyện bình thường, chỉ có vài chiếc xe tăng ít ỏi, và còn bị áp đảo số lượng ít nhất là một chọi chín hoặc mười. Nhưng tướng Heinrici biết, mọi chuyện đều tùy thuộc vào năng lực của các đội quân. Giờ điều làm ông lo lắng là làm sao kết hợp hai quân đoàn này.

      Đối với tướng Heinrici có kinh nghiệm trận mạc đầy mình, tên của một sư đoàn và tư lệnh của nó thường biểu lộ lịch sử và khả năng chiến đấu của nó. Giờ đây, ngồi xem xét bản đồ, ông thấy mặt trận phía đông có rất ít sư đoàn chính quy mà ông có biết. Thay vì được đánh số thông thường, phần lớn các sư đoàn ở đây lại có tên khá kỳ quặc, kiểu như “Gruppe Kassen,” “Döberitz,” “Nederland,” “Kurmark,” “Berlin” và “Müncheberg.”

      Heinrici tự hỏi kết cấu của các lực lượng này là thế nào. Họ có phải là quân tàn dư – đơn giản là quẳng phần còn lại của các sư đoàn vào với nhau? Tấm bản đồ của tướng Guderian không vẽ nên một bức tranh rõ ràng cho ông. Ông cần chính mắt thấy, nhưng ông nghi từ đầu là mấy lực lượng này chỉ là sư đoàn về mặt danh nghĩa. Heinrici không nói gì về sự nghi ngờ của mình, vì tướng Guderian có những vấn đề khác, khẩn cấp hơn để thảo luận – đặc biệt là Küstrin.

      Quân đoàn lớn nhất của tướng Heinrici là Quân đoàn 9 của tướng Busse, tấm khiên chắn ngay trước Berlin. Từ những dấu chấm đỏ trên bản đồ, có thể thấy rõ là tướng Busse đang phải đối mặt với sức ép lớn lao. Guderian nói, quân Nga đang tập trung ngay đối diện Quân đoàn 9. Chúng đang phi thường nỗ lực để quét sạch hai đầu cầu của Đức bên bờ đông tại Küstrin và tại vùng Frankfurt. Tình hình tại Küstrin nguy ngập hơn.

      Trong mấy tuần qua tại quân khu này, Hồng quân đã mấy lần thành công vượt sông Oder và giành được mấy vị trí vững chắc bên bờ tây. Đa số những cố gắng đó đều bị đẩy lui, nhưng quân Nga vẫn đóng quanh Küstrin bất chấp các nỗ lực phòng ngự. Chúng đã chiếm được những vùng quanh đầu cầu với quy mô lớn cả hai bên thành phố. Giữa những công sự tạm chiếm vây quanh thành thế gọng kềm đó, trơ lại một hành lang đơn độc, nối quân phòng thủ tại Küstrin với Quân đoàn 9. Một khi gọng kềm đó xiết lại, Küstrin sẽ sụp đổ và mối liên kết giữa hai đầu cầu sẽ là tấm ván dậm nhảy lớn bên bờ tây cho quân Nga lấy đà tiến về Berlin.

      Và giờ đây, tướng Guderian tung cho tướng Heinrici một quả bom nữa. Ông nói, “Hitler đã quyết định sẽ phát động một cuộc tấn công để quét sạch đầu cầu phía nam Küstrin, và Đại tướng Busse đang chuẩn bị đấy. Tôi tin nó sẽ xảy ra trong 48 giờ tới thôi.”

      Theo như tướng Guderian phác thảo, kế hoạch là cuộc tấn công sẽ phát động từ Frankfurt, dưới Küstrin 13 dặm. Năm sư đoàn Đặc nhiệm Thiết giáp sẽ vượt sông vào đầu cầu của Đức rồi từ đó tấn công bờ đông và đánh từ đằng sau vào đầu cầu của Nga ở phía nam Küstrin.

      Tướng Heinrici nghiên cứu tấm bản đồ. Thành phố Frankfurt nằm ở cả hai bên sông Oder, với phần lớn thành phố nằm bên bờ tây. Một cây cầu duy nhất nối hai bờ thành phố. Đối với vị tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân Vistula, có hai sự thật rất rõ ràng: địa hình nhiều đồi núi bên bờ đông tạo điều kiện lý tưởng cho pháo binh Nga – chúng có thể bắt chết quân Đức từ các ngọn đồi. Nhưng tệ hơn, đầu cầu trên sông quá nhỏ để năm sư đoàn cơ giới cùng hội lại một chỗ.

       Tướng Heinrici nghiền ngẫm tấm bản đồ một lúc. Trong đầu ông không còn nghi ngờ gì nữa rằng việc các sư đoàn Đức hợp lại sẽ bị phát hiện ngay, và sau đó sẽ bị đập tan bằng trọng pháo, rồi bị máy bay tấn công. Nhìn tướng Guderian, ông nói đơn giản:
      “Đó là chuyện bất khả thi.”

      Guderian cũng đồng ý. Ông giận dữ nói với tướng Heinrici rằng cách duy nhất mà các sư đoàn có thể hợp lại là “nằm sấp trên cầu, từng người từng người một – làm thành một cây cột bằng lính và xe tăng dài chừng 15 dặm.” Nhưng Hitler khăng khăng đòi tấn công. Ông ta nói với tướng Guderian, “Nó sẽ thành công, vì bọn Nga sẽ không ngờ tới một cuộc hành quân liều lĩnh và phi chính thống như thế.”

      Tướng Heinrici vẫn tiếp tục nghiên cứu tấm bản đồ, ông thấy khu vực nằm giữa Küstrin và Frankfurt dày đặc quân Nga. Cho dù cuộc tấn công có thể xuất phát từ đầu cầu đó đi nữa, quân Nga mạnh đến mức các sư đoàn Đức sẽ không bao giờ tới được Küstrin. Heinrici nghiêm nghị cảnh báo: “Lính của ta sẽ bị dồn về sông Oder. Đó sẽ là thảm họa.”

      Tướng Guderian không bình luận gì – chả có gì để nói cả. Đột nhiên, ông liếc nhìn đồng hồ, rồi bực bội nói:
       “Chúa ơi, tôi phải quay về Berlin để dự cuộc họp của Quốc trưởng vào lúc ba giờ.”

       Chỉ cần nghĩ tới chuyện này cũng đủ làm một cơn thịnh nộ khác bùng nổ. Guderian thở phì phò:
      “Chẳng thể làm việc nổi. Cứ ngày hai lần phải đứng hàng giờ mà nghe cái đám xung quanh Hitler nói tầm xàm ba láp – có thảo luận gì đâu! Tôi chẳng thể nào làm xong việc gì! Tôi tốn toàn bộ thì giờ để di chuyển trên đường hoặc ở Berlin nghe mấy lời ngớ ngẩn!”

      Cơn lôi đình của tướng Guderian lớn tới mức khiến tướng Heinrici giật mình. Gương mặt vị Tham mưu trưởng đổi sang màu đỏ bầm, nhất thời Heinrici sợ là tướng Guderian sẽ lên cơn đau tim mà chết. Trong khi tướng Guderian tìm cách bình tĩnh lại, căn phòng trở nên yên tĩnh trong lo lắng. Rồi ông nói: “Hitler sẽ thảo luận về cuộc tấn công Küstrin. Có lẽ anh nên đi với tôi.”

      Tướng Heinrici từ chối. Ông nói:
      “Nếu tôi phải phát động cuộc tấn công điên rồ này ngay ngày mốt, thì tôi sẽ quay trở về sở chỉ huy của mình càng sớm càng tốt.”

      Rồi ông cứng cỏi nói thêm:
     “Hitler có thể chờ thêm vài ngày nữa để gặp tôi.”

     Trong phòng đợi, Heinrich von Bila đang tính giờ của cuộc họp thông qua đống bản đồ và biểu đồ đang thấp dần đi vì được mang vào văn phòng tướng Guderian. Chỉ còn lại một hai tờ, anh nghĩ, vậy là buổi chỉ dẫn sắp xong. Anh đi qua chỗ chiếc bàn và nhìn lơ đãng vào tấm bản đồ. Nó cho thấy toàn bộ nước Đức, nhưng đường nét trên đó có vẻ hơi khác. Đại úy Von Bila định quay đi thì có một thứ đập vào mắt anh. Anh nhìn gần hơn. Tấm bản đồ này khác với những cái khác. Những dòng chữ trên đó khiến anh chú ý – nó viết bằng tiếng Anh. Anh cúi xuống và bắt đầu nghiên cứu cẩn thận.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2016, 11:34:46 am »

       
       4.



      Khi tướng Heinrici đầy mệt nỏi về được trụ sở của ông tại Birkenhain, gần Prenzlau thì đã gần sáu giờ chiều.

      Suốt gần hai tiếng rưỡi đồng hồ ngồi xe từ Zossen về, ông không nói một lời. Có lúc đại úy Von Bila cố khơi chuyện bằng cách hỏi ông đã xem tấm bản đồ đó chưa. Anh đoán là tướng Guderian đã cho tướng Heinrici xem một bản sao khác của tấm bản đồ này và giải thích nội dung của nó. Nhưng thực sự thì tướng Heinrici không hề biết gì về nó cả, và đại úy Von Bila không có được câu trả lời nào. Ngài thượng tướng chỉ ngồi mím môi và lo âu. Von Bila chưa bao giờ thấy ông chán nản đến thế.

      Sau khi nhìn thoáng qua trụ sở mới của mình lần đầu tiên, tướng Heinrici thậm chí còn chán nản hơn nữa. Nơi công tác của tư lệnh Cụm tập đoàn quân Vistula gồm một dinh thự uy nghi đường bệ, hai bên có các trại lính bằng gỗ. Tòa nhà chính được xây khá kỳ quặc – một tòa nhà rộng lớn, trang trí công phu với một hàng cột quá khổ nằm dọc mặt tiền. Nhiều năm trước, Himmler đã cho xây dựng nơi này như một chỗ ẩn náu cá nhân. Trên một đường tàu tránh gần đó là chiếc tàu lửa xa hoa được dành riêng cho ông ta, chiếc “Steiermark.”

      Giống như ở Zossen, trụ sở này cũng được rừng che phủ, nhưng sự so sánh đến đây là chấm dứt. Không hề có sự hối hả rộn ràng mà tướng Heinrici nghĩ trụ sở của một Cụm tập đoàn quân đang hoạt động phải có. Trừ một viên hạ sĩ SS đứng trong nhà nghỉ của tòa nhà chính, nơi này dường như cực kỳ vắng vẻ. Viên hạ sĩ hỏi tên của họ, đưa họ đến một chiếc trường kỷ rồi biến mất tăm.

      Mấy phút trôi qua, rồi một trung tướng SS ăn vận hoàn hảo không chê vào đâu được xuất hiện. Ông giới thiệu mình là Tham mưu trưởng của Himmler, Heinz Lammerding, và giải thích trơn tru rằng ngài Thống chế “đang có một cuộc thảo luận quan trọng”“không thể bị làm phiền vào lúc này.” Lịch sự nhưng lạnh lùng, Lammerding không hề mời tướng Heinrici vào đợi trong văn phòng mình, cũng không có một cử chỉ mến khách thông thường nào. Ông ta quay gót đi và để tướng Heinrici cùng đại úy Von Bila đợi trong phòng nghỉ. Suốt bao năm là một sĩ quan cấp cao, tướng Heinrici chưa bao giờ bị đối xử một cách bất cẩn như thế.

       Ông kiên nhẫn đợi 15 phút, rồi nói nhỏ với Von Bila, “Đi nói với Lammerding là tôi không định ngồi ngoài đây thêm một phút nào nữa. Tôi cần gặp Himmler ngay.” Vài giây sau, tướng Heinrici được tháp tùng đi xuống một hành lang vào văn phòng của Himmler.

      Himmler đang đứng bên cạnh bàn làm việc. Ông ta có vóc người trung bình, lưng dài hơn chân – một viên sĩ quan của tướng Heinrici nhớ lại là giống như “hai cái chân sau của con bò đực.” Ông ta có gương mặt nhỏ, cằm thụt, cặp mắt lác đằng sau đôi kính có dây đeo đơn giản, một hàng ria mép nhỏ và đôi môi mỏng. Bàn tay ông ta nhỏ nhắn, mềm mại và ẻo lả với những ngón tay dài thanh mảnh. Tướng Heinrici nhận thấy nước da của ông ta “xanh xao, phù thũng và có cảm giác xốp như miếng bọt biển.”

      Himmler bước về phía trước, chào hỏi rồi ngay lập tức nói một tràng giải thích dài. Ông ta nắm tay tướng Heinrici và nói, “Anh phải hiểu là rời khỏi Cụm tập đoàn quân Vistula là một quyết định khó khăn vào bậc nhất của tôi.” Vừa nói, ông ta vừa ra dấu cho tướng Heinrici ngồi vào ghế. “Nhưng như anh biết đó, tôi có quá nhiều chức trách, quá nhiều việc phải làm – và vì thế, sức khỏe tôi không được tốt lắm.”

      Ngồi đằng sau chiếc bàn, Himmler ngả người ra sau và nói: “Bây giờ, tôi sẽ nói cho anh tất cả mọi chuyện đã diễn ra. Tôi đã bảo đem mọi bản đồ và báo cáo vào đây.” Hai người lính SS bước vào phòng; một là người viết tốc ký, người kia mang một đống bản đồ. Đằng sau họ là hai sĩ quan tham mưu.

      Tướng Heinrici vui mừng khi thấy hai viên sĩ quan mặc đồng phục quân đội, chứ không phải của lực lượng SS. Một trong hai là Trung tướng Eberhard Kinzel, Phó Tham mưu trưởng; còn người kia là Đại tá Hans Georg Eismann, Giám sát trưởng. Tướng Heinrici đặc biệt vui khi gặp Eismann, ông biết đây là một sĩ quan tham mưu cực kỳ có năng lực. Tướng Lammerding không có mặt.

      Himmler chờ đến khi mọi người ngồi xuống. Rồi ông ta bắt đầu một bài biện hộ cá nhân rất kịch tính. Đối với tướng Heinrici, nó giống như “ông ta bắt đầu kể chuyện Adam và Eve,” rồi đi vào những chi tiết thanh minh đầy gian khổ mà ông thấy là “mấy lời ông ta nói chả có nghĩa lý gì.”

       Cả Kinzel và Eismann đều biết là Himmler có thể nói thế hàng giờ. Sau đó vài phút, Kinzel chuồn mất vì “có công việc gấp.” Eismann ngồi quan sát Himmler và Heinrici, âm thầm so sánh hai người họ. Ông thấy tướng Heinrici là “một quân nhân lớn tuổi âm trầm và bền bỉ - một người đàn ông nhỏ bé, lặng lẽ, nghiêm túc và lúc nào cũng nhã nhặn,” phải hứng chịu một màn huênh hoang màu mè của một kẻ mới phất không hề có đặc tính quân nhân, “một kẻ chẳng đọc nổi thước chia độ trên bản đồ.”

      Nhìn cái cách Himmler khoa chân múa tay “lặp đi lặp lại mấy chuyện ít quan trọng nhất trong bài diễn văn đầy phô trương,” ông biết là tướng Heinrici hẳn đang vừa choáng váng vừa chán ghét.

      Eismann chờ lâu hết mức có thể, rồi cả ông cũng kiếm cớ vì “có nhiều việc phải làm.” Mấy phút sau, tướng Heinrici nhận thấy viên tốc ký, không thể theo kịp bài nói của Himmler, đã đặt cây bút chì xuống. Quá sức chán nản, Heinrici ngồi im, để cơn lũ ngôn từ ào qua ông.

      Thình lình, điện thoại trên bàn làm việc của Himmler reng. Himmler nhấc máy và nghe một lúc. Trông ông ta có vẻ giật mình. Ông ta đưa điện thoại cho Heinrici và nói, “Anh là tư lệnh mới. Anh nên nghe cú điện này.”

      Người gọi là Đại tướng Busse, tư lệnh Quân đoàn 9. Tướng Heinrici cứng người lại khi nghe. Tai họa đã xảy ra trong nhiệm vụ mới của ông. Quân Nga đã do thám được công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công Küstrin của tướng Buss. Sư đoàn Thiết giáp 25, một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của tướng Busse, nhiều tháng nay trấn thủ hành lang để mở giữa các đầu cầu của Nga nằm hai bên Küstrin, đã lặng lẽ rút khỏi vị trí nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công.

       Một sư đoàn khác là Sư đoàn Thiết giáp 20 đã đến thế chỗ Sư đoàn 25. Quân Nga đã nhận thấy sự thay đổi và tấn công từ cả hai hướng bắc và nam. Gọng kềm đã khép lại nghe răng rắc, đúng như tướng Heinrici đã lo sợ. Sư đoàn Thiết giáp 20 bị đánh tan, Küstrin bị cô lập – và quân Nga giờ đã có được một đầu cầu lớn để tấn công Berlin.

     Tướng Heinrici cúp máy và dứt khoát nói cho Himmler nghe tin này. Vị Thống chế trông có vẻ lo lắng và nhún vai. Ông ta nói, “Ừm, anh mới là tư lệnh của Cụm tập đoàn quân Vistula mà.”

      Tướng Heinrici nhìn chòng chọc. Ông nói bén nhọn, “Giờ nhìn đây này. Tôi không biết một thứ chết tiệt gì về Cụm tập đoàn quân này. Tôi thậm chí còn không biết tôi có những người lính nào, hay ai cần ở đâu.”

     Himmler ngây ngốc nhìn tướng Heinrici và Heinrici thấy ông chẳng thể trông đợi sự giúp đỡ nào. Ông quay lại chiếc điện thoại và ngay lập tức ra lệnh cho tướng Busse phản công, cùng lúc đó hứa hẹn với vị tư lệnh của Quân đoàn 9 là ông sẽ đến mặt trận sớm hết mức có thể. Khi đặt ống nghe xuống, Himmler một lần nữa bắt đầu bài diễn văn dông dài như thể chưa có gì xảy ra.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 07:29:42 am »

      Nhưng bây giờ tướng Heinrici đang cực kỳ cáu tiết. Ông thẳng thừng cắt lời. Ông nói với Himmler là ông cần nghe ý kiến xem xét của ngài Thống chế về tình hình tổng thể cũng như về tương lai của nước Đức. Sau này ông nhớ lại, câu hỏi đó “rõ ràng không thú vị mấy” đối với Himmler. Vị Thống chế đứng dậy khỏi ghế, bước quanh bàn và nắm lấy tay Heinrici, đưa ông đến một chiếc sofa cách đó một khoảng xa trong phòng, ngoài tầm nghe của viên tốc ký. Rồi bằng một giọng khẽ khàng, Himmler quăng ra một quả bom. Ông ta bật mí, “Tôi đã thực hiện các bước cần thiết để bắt đầu đàm phán với các nước phương Tây thông qua một nước trung lập.” Ngừng lại một chút, ông ta nói thêm: “Tôi nói với anh chuyện này là vì tuyệt đối tin tưởng anh đó, anh hiểu chứ.”

      Im lặng kéo dài. Himmler nhìn Heinrici đầy trông đợi – có lẽ đang chờ một lời bình luận. Tướng Heinrici choáng váng. Đây là tội phản quốc – phản bội nước Đức cùng quân đội và những người lãnh đạo của nó. Ông cố đấu tranh để kiểm soát suy nghĩ của mình. Liệu Himmler có nói thật không? Hay đó là một thủ đoạn để gài ông nói lời hớ hênh? Tướng Heinrici tin là một Himmler tham vọng có thể làm mọi thứ - ngay cả phản quốc để giành lấy quyền lực cho bản thân. Vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc ngồi yên lặng, đến cả sự hiện diện của Himmler không thôi cũng đã làm ông thấy ghê tởm.

      Thình lình cửa mở và một sĩ quan SS xuất hiện. Himmler có vẻ nhẹ nhõm khi thấy có người cắt ngang. Viên sĩ quan thông báo, “Thưa Thống chế, ban tham mưu đã tập hợp lại để nói lời tạm biệt.” Himmler đứng dậy và bước ra khỏi phòng mà không thốt một lời nào nữa.

      Đến 8 giờ tối thì Himmler cùng các sĩ quan SS và cận về của ông ta đã đi. Balzen, người lính cần vụ của tướng Heinrici, nhanh chóng phát hiện ra bọn họ mang theo mọi thứ, bao gồm mấy món đồ dẹt, đĩa, kể cả ly tách và đĩa uống trà trong tòa dinh thự. Sự khởi hành của bọn họ hoàn chỉnh tới mức giống như Himmler chưa từng đặt chân tới trụ sở này. Trên chiếc tàu lửa xa hoa của mình, Himmler nhanh chóng biến vào màn đêm, rời xa khỏi mặt trận sông Oder, hướng về phía Tây.

       Ông ta để lại sau lưng một Heinrici đang giận điên người. Cơn giận dữ và ghê tởm của vị tư lệnh mới càng tăng lên khi ông nhìn quanh trụ sở của mình; một sĩ quan của ông nhớ lại là “tâm trạng tức giận của Heinrici tăng thêm mấy độ” khi ông kiểm tra sự trang hoàng đầy nữ tính trong dinh thự của Himmler. Văn phòng rộng rãi và mọi thứ trong đó đều có màu trắng. Phòng ngủ được trang trí màu xanh lục nhạt – từ rèm cửa, thảm, vải bọc đồ gỗ đến cả chiếc chăn bông và khăn trải giường. Tướng Heinrici chua chát nhận thấy nơi này “thích hợp cho một quý bà tao nhã hơn là một người quân nhân đang cố chỉ huy một đội quân.”

      Đêm hôm đó, tướng Heinrici gọi điện cho vị cựu Tham mưu trưởng của ông ở Silesia, như ông đã hứa, và kể cho ông ta nghe chuyện gì đã xảy ra. Ông đã kiểm soát lại được cảm xúc của mình, và có thể suy nghĩ về cuộc gặp mặt một cách tỉnh táo hơn. Ông quyết định là tiết lộ của Himmler quá là không tưởng để có thể tin được. Tướng Heinrici quyết định quên chuyện này đi. Trên điện thoại, ông nói với người đồng nghiệp cũ tại Silesia, “Himmler quá sức vui sướng khi ra đi. Ông ta chỉ ngại không thể ra khỏi đây đủ nhanh. Ông ta không muốn chịu trách nhiệm khi sự sụp đổ đến. Không. Ông ta chỉ muốn một vị tướng đơn giản chịu thay – và tôi là con dê tế thần.”

       Trong căn phòng được phân cho mình, viên sĩ quan phụ tá của tướng Heinrici, Đại úy Heinrich von Bila, rảo bước lên xuống không ngừng. Tâm trí anh không thể thoát khỏi tấm bản đồ anh đã thấy ở sở chỉ huy của tướng Guderian ở Zossen. Anh nghĩ thật là kỳ quặc khi không có ai ngăn cản anh nghiên cứu nó – tấm bản đồ đó rõ ràng là một tài liệu mật của tư lệnh.

      Tướng Guderian hẳn đã cho ông xem, nhưng tướng Heinrici chẳng bình luận gì. Hay có thể là tấm bản đồ không quan trọng như anh đã nghĩ? Có thể là nó được chuẩn bị tại chính sở chỉ huy của tướng Guderian – như là một dự đoán của người Đức về ý định của quân Đồng minh thì sao? Dù vậy đi nữa, Von Bila vẫn thấy khó chấp nhận – sao nó lại in bằng tiếng Anh mà không phải là tiếng Đức?

       Chỉ có một cách giải thích khác: đó là nó là một tấm bản đồ của quân Đồng minh, bị tình báo của Đức làm sao đó mà lấy được. Nó có thể đến từ đâu khác chứ? Nếu điều này là thật – và Von Bila không thể nghĩ ra câu trả lời nào khác – thì anh muốn tìm cách cảnh báo cho vợ và ba đứa con của anh. Theo tấm bản đồ đó, nếu nước Đức bị đánh bại, gia đình anh ở Bernberg sẽ nằm trong vùng do Nga kiểm soát. Trừ khi Von Bila đang tưởng tượng ra chuyện này, anh đã thực sự thấy được một kế hoạch tối mật về cách mà quân Đồng minh định chiếm và phân chia nước Đức.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2016, 07:36:46 am »

 
     5.



       Cách đó 50 dặm, bản gốc của tấm bản đồ và các tài liệu đi kèm của nó nằm ở một chỗ an toàn ở Auf dem Grat 1, Dahlem, Berlin – sở chỉ huy khẩn cấp của Thượng tướng Alfred Jodl, Tư lệnh Hành quân của OKW (Bộ Tư lệnh Cấp cao của Các lực lượng Vũ trang). Và trong số tất cả các bí mật ngoài sức tưởng tượng từng lọt vào tay Cục Tình báo Đức trong cuộc chiến, tập hồ sơ bìa đỏ này là tài liệu tiết lộ bí mật tàn khốc nhất mà tướng Jodl từng đọc.

      Tập hồ sơ chứa một lá thư và một bản ghi nhớ về các thông tin cơ bản khoảng 70 trang; cùng hai tấm bản đồ in rời đính vào bìa sau, mỗi tấm vào cỡ 18x20 inch và vẽ theo thước đo 1 inch tương ứng với 29 dặm. Tướng Jodl tự hỏi không biết quân Đồng minh đã biết việc một bản sao của lời mở đầu cho một trong những chỉ đạo chiến tranh tối mật của họ đã bị thất lạc hay chưa. Tập hố sơ này lấy được từ quân Anh hồi cuối tháng 1, trong những ngày cuối cùng của cuộc tấn công ở cao nguyên Ardennes.

       Kế hoạch của quân Đồng minh được Hitler cho là quá dễ gây kích động tới mức chỉ có một số ít người ở sở chỉ huy OKW được phép xem. Vào tuần đầu tiên của tháng 2, sau khi dành nguyên một buổi tối nghiên cứu tập hồ sơ, Quốc trưởng đã xếp tài liệu này vào loại “Trạng thái Tối mật.” Các cố vấn quân sự của ông ta và những sĩ quan tham mưu của bọn họ có thể nghiên cứu kế hoạch, ngoài ra thì không còn ai khác. Ngay cả các thành viên trong nội các của ông ta cũng không được cho biết. Nhưng, bất chấp những hạn chế đó, một thường dân đã được xem tài liệu và bản đồ: đó là bà Luise Jodl, vợ mới cưới được vài tuần của tướng Jodl.

       Vào một buổi tối, ngay trước hôn lễ của bọn họ, tướng Jodl quyết định cho vị hôn thê của mình xem qua tài liệu này. Nói cho cùng, bà là người nhận của nhiều bí mật quân sự: bà từng là một thư ký đáng tin cậy của Bộ Tư lệnh cấp cao của Đức. Bỏ toàn bộ hồ sơ vào trong chiếc cặp tài liệu, tướng Jodl đem nó tới căn hộ của bà, cách Sở chỉ huy của ông một khối nhà. Gần như ngay khi cánh cửa trước được khép lại an toàn đằng sau, ông đưa tập tài liệu ra và nói với vị hôn thê của mình: “Đây là những gì quân Đồng minh định làm với nước Đức.”

       Bà Luise cầm lấy tập hồ sơ bìa đỏ đặt lên bàn và bắt đầu đọc. Từ lâu bà đã học cách đọc tài liệu và bản đồ quân sự, nhưng trong trường hợp này thì kỹ năng đó không cần thiết lắm – tài liệu này đã quá rõ ràng. Tim bà chùng xuống. Thứ bà đang cầm trong tay là kế hoạch chi tiết cho sự chiếm đóng Tổ quốc của bà sau khi nước Đức thất bại. Bà nghĩ, một số người ở sở chỉ huy của Eisenhower có khuynh hướng đầy thù hận khi chọn các mật danh. Trên bìa tập hồ sơ là tựa đề ớn lạnh, “Chiến dịch Nhật thực.”

       Lấy lại tập hồ sơ, tướng Jodl giở mấy tấm bản đồ ra và trải lên bàn. Ông cay đắng nói, “Em xem đi, nhìn mấy đường biên giới xem.”

       Bà Luise im lặng nghiên cứu những đường biên giới in đậm vẽ ngang dọc trên tấm bản đồ. Vùng phía bắc và tây bắc có dòng chữ “U.K.” Phía nam, xứ Bavaria mang dòng chữ “U.S.A.,” và phần còn lại của đế chế Đức, đại khái là toàn bộ vùng trung tâm và từ đó tới miền đông, có nhãn “U.S.S.R.” Bà mất tinh thần nhận thấy ngay cả Berlin, cũng được ba ông lớn chia chác. Nằm giữa khu vực của người Nga, Berlin được khoanh tròn riêng biệt và được phe Đồng minh chia làm ba: Mỹ có phần phía nam; Anh được phía bắc và tây bắc; còn Liên Xô thì có phần phía đông và đông bắc. Vậy ra đây là cái giá của thất bại, bà nghĩ. Bà Luise nhìn vị hôn phu. Bà nói, “Chuyện này giống như một cơn ác mộng.” Dù biết tấm bản đồ này là thật, bà Luise vẫn thấy nó khó chấp nhận được. Bà hỏi, hồ sơ Nhật thực này từ đâu ra? Dù bà đã biết tướng Jodl nhiều năm, bà biết ông có thể rất kín miệng về nhiều chuyện. Bà luôn nghĩ rằng ông Alfred “là người lãnh đạm, giấu mình sau mặt nạ, ngay cả với tôi.” Bây giờ, câu trả lời của ông cũng đầy lảng tránh. Dù khẳng định các tài liệu và bản đồ là thật, ông không nói làm sao lấy được chúng, trừ lời lưu ý rằng “chúng ta lấy được chúng từ một sở chỉ huy của Anh.”

        Khá lâu sau, sau khi tướng Jodl đã quay lại sở chỉ huy của mình, bà Luise chợt nhận ra một khía cạnh đáng sợ khác của Chiến dịch Nhật thực. Nếu Đức thua, những người bà con của bà ở dãy Harz sẽ sống trong vùng bị Nga chiếm đóng.

       Dù bà yêu Alfred Jodl và hoàn toàn trung thành với đất nước mình, bà Luise đã có một quyết định mang đậm tình người. Vào lúc này, bà sẽ bất chấp lời cảnh báo của ông rằng không bao giờ được tiết lộ bất kỳ điều gì bà đã thấy, đọc hay nghe thấy. Bà không thể để chị dâu và bốn đứa cháu của bà rơi vào tay quân Nga.

      Bà Luise quyết định chớp lấy cơ hội. Bà biết số điện thoại mật ưu tiên của tướng Jodl. Cầm lấy điện thoại, bà nói chuyện với nhân viên tổng đài và gọi cho người bà con. Mấy phút sau, đường dây nối thông.

      Sau một đoạn nói chuyện ngắn gọn và tẻ nhạt với bà chị dâu đang ngạc nhiên, bà Luise lưu ý một cách bình thường khi kết thúc cuộc nói chuyện, “Chị biết đó, mấy này này gió đông rất mạnh. Em thực sự nghĩ là chị và bọn nhỏ nên chuyển về phía tây, sau con sông.”

      Bà chầm chậm đặt ống nghe xuống – hi vọng là bà chị dâu có thể hiểu thông điệp mã hóa vụng về của mình. Ở đầu dây bên kia, bà chị dâu nghe thấy tiếng lách cách khi người nhận đã đổi. Bà băn khoăn sao bà Luise lại gọi trễ như vậy. Nghe tin tức của cô ấy thì tốt, nhưng bà không hiểu bà Luise nói cái gì. Bà chẳng buồn suy nghĩ thêm nữa.

      Tướng Jodl và bà Luise kết hôn ngày 6/3. Kể từ lúc đó, bà Luise vẫn luôn lo lắng liệu chồng bà có thể phát hiện ra cuộc điện thoại hay không. Bà không cần quan tâm chuyện này. Viên thượng tướng đầy gánh nặng này có nhiều vấn đề cấp bách hơn.

       Cho tới giờ, tướng Jodl và các sĩ quan tham mưu của mình đã nghiên cứu và phân tích Chiến dịch Nhật thực kỹ tới mức họ gần như thuộc lòng từng đoạn một. Dù nó không phải là một tài liệu về chiến lược – nó không cảnh báo về những bước đi sắp tới của quân địch để quân Đức có thể đưa ra các biện pháp đối phó – kế hoạch Nhật thực cũng quan trọng tương tự.

       Có một điều, nó giúp trả lời một chuỗi câu hỏi đã làm tướng Jodl và OKW phiền muộn nhiều năm: họ đã băn khoăn rằng quan hệ đồng minh giữa phương Tây và Liên Xô mạnh đến mức nào? Liệu nó có tan vỡ khi bọn họ ngồi chia chiến lợi phẩm? Giờ đây, quân Nga đang nắm giữ phần lớn Trung Âu, liệu tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” của Churchill và Roosevelt sau Hội nghị Casablanca 1943 có còn hiệu lực? Và liệu quân Đồng minh có định nghiêm túc bắt một nước Đức thất bại phải chấp nhận những điều khoản đó? Khi tướng Jodl và Bộ Tư lệnh Cấp cao nghiên cứu hồ sơ Nhật thực, tất cả những câu hỏi như thế về ý định của phe Đồng minh đã biến mất. Tài liệu này của phe Đồng minh đã trả lời vấn đề bằng những điều khoản không thể nào lầm lẫn.

        Tuy nhiên, phải đến tuần thứ hai của tháng 2, tướng Jodl mới nhận ra toàn bộ tầm quan trọng của hồ sơ này - đặc biệt là, của những tấm bản đồ của nó. Vào ngày 9/2 và trong ba ngày sau đó, Roosevelt, Churchill và Stalin đã gặp gỡ trong một hội nghị bí mật tại Yalta. Mặc cho những nỗ lực tình báo nhằm tìm hiểu chính xác chuyện gì đã diễn ra tại hội nghị, nhưng tất cả những gì tướng Jodl biết được là từ bản thông cáo chính thức được đưa ra tại buổi họp báo quốc tế ngày 12/2 – nhưng thế là đủ. Bản thông báo khá mơ hồ và rất kín kẽ về mặt thông tin, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, các tài liệu và bản đồ của Nhật thực là mấu chốt trong những ý định đã thông báo của phe Đồng minh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM