Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:17:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: The Last Battle - Trận chiến cuối cùng  (Đọc 98680 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:41 am »

   
      Nguyên soái Georgi Zhukov giở tấm khăn trải bàn, để lộ tấm bản đồ địa hình nổi rộng lớn của Berlin. Nó giống mô hình hơn là bản đồ, với các tòa nhà chính phủ, các cây cầu và ga tàu hỏa mini, mô phỏng chính xác các tuyến đường chính, kênh đào và sân bay. Các cứ điểm phòng thủ dự kiến, các tháp phòng không và boongke đều được đánh dấu tỉ mỉ, có các nhãn màu xanh nho nhỏ
đính trên các mục tiêu chủ chốt, có đánh số bên trên. Tòa nhà Quốc hội Reichstag mang nhãn số 105, điện Reichskanzlei là 106; số 107 và 108 là văn phòng bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao.

       Vị nguyên soái quay sang các sĩ quan. Ông nói, “Nhìn mục tiêu số 105 này. Ai sẽ là người đầu tiên tới được tòa nhà Reichstag? Chuikov cùng Tập đoàn quân Cận vệ 8? Katukov và đội xe tăng của ông ấy? Berzarin và Tập đoàn quân Tiên phong 5? Hay là Bogdanov cùng Tập đoàn quân Cận vệ 2? Là ai đây?”

       Zhukov đang cố ý nhử các sĩ quan của mình. Mỗi người đều sốt ruột muốn tới thành phố trước, và nhất là chiếm được tòa nhà Reichstag. Theo Đại tướng Nikolai Popiel nhớ lại cảnh tượng đó sau này, Katukov đột ngột nói, “Cứ nghĩ đi. Nếu tôi tới được mục tiêu 107 và 108, tôi có thể tóm gọn cả Himmler và Ribbentrop một lượt!”

       Buổi họp chiến thuật kéo dài cả ngày; ngoài mặt trận, công tác chuẩn bị cho các cuộc tấn công đã gần hoàn thành. Súng đạn đã được đưa vào vị trí trong rừng; xe tăng được đưa lên để có thể bắn hỗ trợ pháo binh khi loạt nã pháo khởi đầu. Một lượng lớn đồ tiếp tế, vật liệu xây cầu, xuồng cao su và bè đã sẵn sàng tại các khu vực tấn công, và xe tải chạy nghẹt đường, đưa các sư đoàn đến nơi tập hợp. Nhu cầu quân số dữ dội tới mức lần đầu tiên Nga phải dùng máy bay để chuyên chở quân từ hậu phương đến. Khắp nơi, người lính Nga nào cũng thấy rõ là cuộc tấn công sắp đến rồi, nhưng không có ai ở ngoài Bộ chỉ huy biết được ngày chính xác.

       Đại úy Sergei Ivanovich Golbov, phóng viên của Hồng quân, lái xe dọc theo mặt trận của Zhukov, quan sát công tác chuẩn bị rầm rộ. Golbov đã vận dụng mọi nguồn tin để tìm hiểu ngày tấn công, nhưng không thành công. Anh chưa từng chứng kiến công tác chuẩn bị trước trận chiến như thế này, và anh tin là quân Đức cũng đang dõi theo từng bước. Nhưng khá lâu sau này, anh nhận xét rằng, “Không ai bận tâm bọn Đức thấy được cái gì.”

      Có một khía cạnh của công tác chuẩn bị khiến Golbov thấy kỳ lạ. Nhiều ngày nay, những chiếc đèn pha rọi máy bay đủ hình đủ cỡ được đưa đến mặt trận. Lực lượng đó toàn là nữ. Hơn nữa, các đơn vị này đóng cách tiền tuyến khá xa và ẩn giấu kỹ càng dưới tấm lưới ngụy trang. Golbov chưa bao giờ thấy nhiều đèn pha đến vậy. Anh thắc mắc chúng có thể làm được gì trong cuộc tấn công.



                                   ****************


 
       Ở Reichspostzentralamt tại Berlin, tòa nhà Quản trị Dịch vụ Bưu chính nằm ở quận Tempelhof, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Wilheim Ohnesorge cúi người nhìn chồng tem màu sắc sặc sỡ nằm trên bàn. Chúng là loạt in đầu tiên, và Ohnesorge hết sức vui sướng về chúng. Người họa sĩ đã làm rất tốt và Quốc trưởng chắc chắn sẽ hài lòng với  kết quả. Ông vui vẻ kiểm tra hai con tem kỹ hơn. Một cái vẽ một người lính SS với khẩu súng máy Schmeisser trên vai; cái còn lại vẽ một người lãnh đạo Đảng Nazi mặc đồng phục, tay phải giơ cao ngọn đuốc. Ohnesorge nghĩ đợt phát hành kỷ niệm đặc biệt này rất phù hợp với hoàn cảnh. Chúng sẽ được bán ra vào ngày sinh nhật của Hitler, ngày 20/4.

       Một ngày đặc biệt cũng đang chiếm vị trí hàng đầu trong tâm trí Erich Bayer. Viên kế toán của quận Wilmersdorf đã lo lắng suốt nhiều tuần nay về việc ông sẽ làm gì vào thứ ba ngày 10/4 – ngày mai. Đó là lúc phải thanh toán; nếu không đủ kiểu rắc rối và thủ tục rườm rà sẽ xuất hiện. Bayer có tiền; đó không phải là vấn đề. Nhưng giờ nó còn ý nghĩa gì nữa không? Liệu đội quân chiếm được Berlin – Mỹ hoặc Nga – có để ý đến việc thanh toán? Và nếu không đội quân nào chiếm được thành phố thì sao? Bayer cân nhắc vấn đề trên mọi khía cạnh. Rồi ông tới ngân hàng và rút 1.400 mark. Bước vào văn phòng gần đó, ông thực hiện thủ tục thanh toán cần thiết cho khoản thuế thu nhập trong năm 1945 của mình.



                                   **************


 
       Chuyện xảy ra nhanh tới mức ai cũng bàng hoàng. Ở mặt trận phía tây, tại bộ chỉ huy Tập đoàn quân 9, tướng Simpson ngay lập tức ra lệnh cho hai tư lệnh quân đoàn của mình, Thiếu tướng Raymond S. McLain của Quân đoàn 19 và Thiếu tướng Alvan Gillem của Sư đoàn 13. Simpson nói, mệnh lệnh chính thức sẽ có sau, nhưng giờ lệnh là “Xuất phát.” Giai đoạn hai bắt đầu. Đó là tin chính thức. Các sư đoàn sẽ đến sông Elbe – và xa hơn nữa. Ở bộ chỉ huy của Sư đoàn Thiết giáp 2, tướng White được tin và ngay lập tức gửi cho Đại tá Paul A. Disney, tư lệnh Trung đoàn Thiết giáp 67, đơn vị tiên phong số 2.

      Disney nhớ lại, khi tin tức đến, “Tôi hầu như không có thì giờ nói một tiếng ‘Xin chào’ thì tướng White nói, ‘Tiến về phía Đông.’”

      Nhất thời, Disney sửng sốt. Đoàn quân dừng chân chưa đầy 24 tiếng. Vẫn mù mờ, ông hỏi, “Mục tiêu là gì?” White trả lời gọn lỏn một chữ, “Berlin!”



        ................................   



Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #71 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 12:58:36 am »

      5.


      Sư đoàn Thiết giáp 2 đi thành năm hàng lớn, tiến nhanh về sông Elbe và Berlin. Họ vượt qua các Bộ chỉ huy đèn đuốc sáng rực mà không hề chậm bước. Họ càn quét qua các thị trấn nơi những ông già trong Lực lượng Phòng vệ Địa phương cầm súng trong tay và đứng đực trên đường, sốc quá nên chẳng làm được gì. Họ vượt qua các đội quân cơ giới của Đức đang di chuyển cùng hướng. Súng nổ ran nhưng chẳng bên nào dừng bước. Lính Mỹ ngồi trên các xe tăng bắn bừa vào lính Đức ngồi trên xe máy. Ở những nơi quân địch cố chống cự từ trong các hầm trú ẩn, một số tư lệnh của Mỹ bèn dùng đến lực lượng kỵ binh giống như xe bọc thép của họ. Thiếu tá James F. Hollingsworth từng gặp tình huống như vậy, ông bèn xếp 34 chiếc xe tăng thành một hàng và đưa ra một mệnh lệnh hiếm khi nghe thấy trong chiến tranh hiện đại: “Tấn công!”.

       Súng gầm lên, những chiếc xe tăng của Hollingsworth ào vào vị trí của địch và băng qua đó. Đến tối thứ tư ngày 11/4, trong một cuộc đua thiết giáp vô tiền khoáng hậu, những chiếc xe tăng Sherman đã đi được 57 dặm – 73 dặm đường – chỉ trong không đầy 24 giờ. Vào lúc 8 giờ hơn, Đại tá Paul Disney gửi đến bộ chỉ huy một bức điện súc tích: “Chúng tôi đã đến sông Elbe.”

       Thậm chí trước đó, một nhóm nhỏ xe thiết giáp đã đến được ngoại ô Magdeburg. Hồi chiều, những chiếc xe trinh sát của Trung tá Wheeler Merriam, chạy với tốc độ lên tới 50 dặm một giờ, đã chạy vào một vùng ngoại ô bên bờ tây sông Elbe. Những chiếc xe dừng lại đó, không phải vì hàng phòng thủ của địch, mà do dân thường qua lại và đi mua sắm.

       Kết quả thật hỗn loạn. Mấy bà mấy cô ngất xỉu. Những người đi mua sắm túm tụm lại sợ hãi hoặc nằm bẹp dí xuống đất. Lính Đức chạy tán loạn, bắn như điên.

      Nhóm của Merriam không đủ sức chiếm khu vực đó, nhưng các xe trinh sát đã xoay xở thoát được đám hỗn loạn và đến được sân bay, vốn là mục tiêu của họ. Khi họ chạy xe dọc theo rìa sân bay, máy bay đang cất cánh và hạ cánh. Súng Mỹ bắt đầu xả vào mọi thứ trong tầm nhìn, kể cả một phi đội máy bay chiến đấu đã sẵn sàng cất cánh. Mấy chiếc xe thoát được mà chỉ bị tổn thất một chiếc, nhưng sự xuất hiện của bọn họ đã đánh động lực lượng phòng thủ ở Magdeburg.

       Giờ đây, khi các đơn vị của Mỹ nối đuôi nhau chạy qua hai bên thành phố tới sông Elbe, họ bắt đầu gặp phải kháng cự ngoan cường ngày càng tăng. Khi quay lại, đội trinh sát của Merriam đã báo cáo một thông tin quan trọng: chiếc cầu xa lộ ở phía bắc thành phố vẫn còn đó. Ngay lập tức, nó trở thành mục tiêu chủ chốt của sư đoàn, vì nó có thể đưa sư đoàn 2 tới Berlin.

       Nhưng trước loạt súng họ gặp phải, rõ ràng không thể chiếm được cây cầu trên đường đi nữa. Lực lượng phòng thủ tại Magdeburg quyết tâm chiến đấu. Trong khi đó, vẫn còn những cây cầu khác ở phía bắc và phía nam. Nếu có thể chiếm được một cái trong số đó trước khi quân địch kịp phá hủy, Sư đoàn 2 sẽ băng băng trên đường.

       Cách đó 7 dặm về phía nam, tại Schönebeck, một cây cầu khác bắc qua sông Elbe. Đó là mục tiêu của Thiếu tá Hollingsworth của Trung đoàn Thiết giáp 67. Suốt chiều thứ tư, những chiếc xe tăng của Hollingsworth lao băng băng qua hết thị trấn này đến thị trấn khác mà chẳng bị cản trở gì, cho tới khi đến được một nơi gọi là Osterwieck. Tại đó, một trung đoàn Lực lượng Phòng vệ Địa phương đã khiến cuộc hành quân phải ngừng lại.

        Hollingsworth rất hoang mang. Nhiều ông già người Đức có vẻ đã sẵn sàng đầu hàng – một số thậm chí còn cột khăn tay vào súng trường và giơ lên bên trên hố cá nhân – nhưng trận đánh vẫn không dừng lại. Một tù binh bị bắt trong mấy phút đầu giải thích: 11 tên lính SS trong thị trấn đã buộc Lực lượng Phòng vệ Địa phương phải chiến đấu. Giận dữ, Hollingsworth bắt tay vào hành động.

      Ông gọi chiếc jeep của mình lại, đem theo một trung sĩ và một người điều khiển radio, cùng với lái xe, viên thiếu tá chạy vòng quanh khu vực và đi vào thị trấn bằng một con đường mòn. Ông trang bị khá kỳ quặc. Bên hông dắt hai khẩu Colt tự động kiểu phương Tây trễ xuống; ngoài ra còn có một khẩu tiểu liên Thompson để dự phòng. Hollingsworth là một tay thiện xạ, từng giết hơn 150 tên lính Đức.

      Ông tóm lấy một người dân đi ngang qua, hỏi nơi đám SS đang đóng. Người đó sợ chết khiếp, vội chỉ vào một căn nhà lớn và kho thóc gần đó, xung quanh có hàng rào cao. Thấy hàng rào có một cửa vào, Hollingsworth cùng người của mình ra khỏi xe và chạy ào tới, dùng vai húc cửa, làm nó văng khỏi bản lề. Khi họ chạy băng qua sân, một tên SS chạy về phía họ, giơ súng máy lên; Hollingsworth lia khẩu tiểu liên bắn gã thành tổ ong. Ba người lính Mỹ còn lại bắt đầu ném lựu đạn vào cửa sổ. Liếc nhanh chung quanh, viên thiếu tá phát hiện ra một tên SS khác ở cửa trên kho thóc và hạ gục hắn bằng khẩu Colt 45. Trong nhà, họ tìm thấy sáu cái xác do lựu đạn gây ra; ba tên SS còn lại đầu hàng. Hollingsworth vội vàng quay lại đội ngũ. Ông đã bị cầm chân mất 45 phút quý báu.

      Ba tiếng sau, đoàn xe tăng của Hollingsworth lên đến đỉnh của khu đất cao nhìn xuống hai thị trấn Schönebeck và Bad Salzelmen. Đằng xa, sông Elbe sáng lấp lánh dưới ánh chiều, vào lúc này nó rộng gần 150 m. Nghiên cứu khu vực này qua ống nhòm, Hollingsworth thấy cây cầu ở đường cao tốc vẫn còn đó – và có lý do của nó. Những chiếc xe thiết giáp của Đức đang rút quân qua sông, đi về phía đông bằng cây cầu đó. Hollingsworth tự hỏi, làm sao chiếm được cây cầu trước khi nó bị cho nổ, trong khi xe thiết giáp của địch đang ở xung quanh?

      Trong khi quan sát, ông dần hình thành một kế hoạch. Ông gọi hai sĩ quan đi cùng lại, Đại úy James W. Starr and Đại úy Jack A. Knight, rồi Hollingsworth phác thảo ý tưởng. Ông nói, “Chúng đang đi theo tuyến đường bắc-nam này chạy tới Bad Salzelmen. Rồi chúng rẽ qua phía đông ở ngã ba đường, tiến về Schönebeck và qua cầu. Hi vọng duy nhất của chúng ta là tấn công Bad Salzelmen và giành lấy ngã ba. Giờ, chúng ta sẽ làm thế này. Khi tới ngã ba, Starr sẽ tách ra và chặn đường lại, cầm chân bọn Đức đang đến từ phía nam. Tôi sẽ đi theo phía sau đội hình của chúng, khi đó đã rẽ qua phía đông, đi vào Schönebeck và theo chúng qua cầu. Knight, anh đi đằng sau. Chúng ta sẽ chiếm cây cầu đó, và nhờ Chúa, chúng ta sẽ làm được.”

      Hollingsworth biết kế hoạch này chỉ hiệu quả nếu họ hành động đủ nhanh. Ánh nắng đang yếu dần; nếu may mắn, đám xe tăng Đức sẽ không hay biết họ theo sau chúng qua cầu.

      Sau một hồi, đoàn xe tăng của Hollingsworth đã vào vị trí. Các cửa sập được mở ra, họ nã súng vào Bad Salzelmen; trước khi quân Đức biết được chuyện gì đang diễn ra, những chiếc xe của Starr đã chặn đường ở phía nam và đi theo hàng xe thiết giáp của chúng.

      Đoàn xe tăng Đức ở đầu hàng ngũ đã rẽ, tiến về cây cầu. Dường như nghe được tiếng súng nổ đằng sau, chúng đẩy nhanh tốc độ. Vào lúc đó, những chiếc xe tăng của Hollingsworth lấp vào chỗ trống trong đội hình và đi theo với cùng tốc độ.

      Nhưng rồi họ cũng bị phát hiện. Những khẩu pháo đặt trên các toa xe trần ở đường ray gần đó khai hỏa, bắn tập hậu vào đội hình quân Mỹ. Khi những chiếc Sherman của Hollingsworth đến được Schönebeck, một chiếc xe tăng Mark V của Đức quay tháp pháo và bắn một phát vào chiếc dẫn đầu của Mỹ. Thượng sĩ Cooley, xạ thủ của Hollingsworth liền khai hỏa và làm nổ tung chiếc Mark V.

      Chiếc xe tăng xoay qua vệ đường, đâm vào tường và bắt đầu bốc cháy dữ dội. Hầu như chẳng còn đủ chỗ cho chiếc xe tăng của Hollingsworth qua lọt nữa, nhưng rốt cuộc nó cũng nặng nề len qua được, theo sau là phần còn lại trong hàng ngũ. Những chiếc xe tăng Mỹ bắn vào đuôi xe địch và bị những chiếc xe bốc cháy ép lui, nhưng rồi cũng xông được vào thị trấn.

      Lúc đến được trung tâm thị trấn, Hollingsworth nhớ lại, “mọi người đang chĩa súng vào nhau. Thực là hỗn loạn hết sức. Người Đức ló ra khỏi cửa sổ, hoặc là dùng mấy khẩu súng chống tăng Panzerfäuste bắn bọn tôi, hoặc là đã biến thành mấy xác chết đong đưa.”
     Chiếc xe tăng của Hollingsworth không bị trúng đạn và giờ ông chỉ còn cách cây cầu ba dãy nhà. Nhưng đoạn cuối là lúc tồi tệ nhất. Khi những chiếc xe tăng còn lại tiến lên, quân địch nổ súng từ mọi hướng. Các tòa nhà nổ tung, và dù đã 11 giờ đêm, khung cảnh vẫn sáng rực như ban ngày.


........................

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #72 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 01:05:43 am »

 
   Phía trước là đường dẫn lên cầu. Những chiếc xe tăng ào ào lao tới. Trước đó, khi quan sát từ trên cao, Hollingsworth thấy lối vào đã bị chặn, nó là một mê cung tường đá nhô ra ngoài từng khoảng không đều từ cả hai bên đường; xe phải đi chậm lại và rẽ trái rẽ phải rất gắt mới tới được nhịp cầu trung tâm. Nhảy lên từ phía trên xe, Hollingsworth quan sát xem liệu mình có thể vừa dẫn đường vừa chỉ thị cho xạ thủ khai hỏa thông qua chiếc điện thoại móc ở sau xe hay không. Đúng lúc đó, một quả pháo chống tăng nổ đằng trước Hollingsworth, cách không đầy 15 m. Sỏi rải đường bay tứ tung, và bỗng nhiên viên thiếu tá thấy mặt mình toàn máu là máu.

      Một tay cầm khẩu Colt 45, tay kia giữ ống nghe điện thoại, ông vẫn kiên cường tiến về phía cây cầu. Chiếc tăng của ông va quệt với một chiếc jeep, và Hollingsworth gọi bộ binh tới. Ông dẫn bọn họ tới đường dẫn lên cầu, rồi bắt đầu len lỏi đi qua các chốt chặn, vừa liên tục bắn trả lại bọn lính Đức đang chiến đấu dữ dội để bảo vệ cầu. Gối trái ông bị trúng đạn, nhưng ông vẫn đi đầu, còn giục bộ binh đi nhanh hơn.

      Cuối cùng, bị choáng và mù dở vì máu chảy nhiều, Hollingsworth dừng lại. Một làn mưa đạn xối xả từ các vị trí của Đức ập đến, và Hollingsworth buộc phải ra lệnh rút lui. Ông còn cách cây cầu có 12 m. Khi đại tá Disney, sĩ quan chỉ huy của ông tới nơi, ông thấy viên thiếu tá “không đi nổi nữa và chảy máu tùm lum. Tôi ra lệnh cho ông ấy rút về phía sau.”

      Hollingsworth đã bỏ lỡ cây cầu chỉ trong vài phút. Nếu thành công, ông tin mình có thể tới được Berlin chỉ trong vòng 11 tiếng. Lúc bình minh ngày 12/4, khi bộ binh và các kỹ sư cố chiếm cầu Schönebeck một lần nữa, quân Đức cho nó nổ tung ngay trước mặt họ.

       Phía trên mặt trận của Tập đoàn quân 9, Trung úy Duane Francies đánh một vòng lớn trên chiếc máy bay trinh sát không vũ trang, chiếc Piper Cub Miss Me. Ngồi sau anh là người quan sát pháo binh, Trung úy William S. Martin.

       Hai người đã trinh sát cho Sư đoàn Thiết giáp 5 từ hồi vượt sông Rhine tới giờ, định vị các cứ điểm và gửi tin về các vị trí cho đoàn xe tăng đang đi tới. Đó không phải là một công việc nhàm chán; Francies và Martin đã hơn một lần đụng độ quân địch, thế rồi họ bắn lộn xộn vào hàng ngũ địch bằng khẩu Colt 45 của mình.

       Đằng đông, mây đã dạt ra và hai người trên máy bay có thể thấy được các ống khói cao mờ mờ xa xa. Francies hét to, chỉ về phía trước, “Berlin kìa! Các nhà máy ở Spandau kìa.” Giờ đây, mỗi ngày trôi qua Sư đoàn 5 lại tiến gần thêm, Francies bắt đầu tìm kiếm các đặc trưng khác nhau của thành phố từ vị trí trên cao khá thuận lợi của mình. Khi chiếc Miss Me dẫn đường cho xe tăng đến Berlin, viên phi công trẻ tuổi muốn có thể nhận diện các con đường và tòa nhà chính ngay lập tức để nói cho những anh lính xe tăng biết. Anh định hướng dẫn “các cậu bé” thật chi tiết khi nào họ tới gần Berlin.

       Francies đã sẵn sàng bay trở lại một bãi cỏ ở gần hàng ngũ đi đầu, bỗng anh đẩy cần gạt về phía trước. Anh đã phát hiện ra một kẻ lái chiếc mô tô thùng đang lao trên đường, gần mấy chiếc xe tăng của Sư đoàn 5. Anh bắt đầu sà xuống để kiểm tra chiếc xe đó, rồi liếc nhìn qua bên phải và choáng váng cả người. Bay bên trên ngọn cây chỉ chừng hơn trăm mét và gần như không thể nhận ra được, có một chiếc Fieseler Storch, một loại máy bay trinh sát pháo binh của Đức. Khi chiếc Miss Me đến gần hơn, có thể thấy rõ những sọc trắng trên thân và cánh máy bay nổi bật trên nền xám đen của chiếc Storch.

      Cũng giống chiếc Cub, đây là một chiếc máy bay một lớp cánh có cánh cao, phủ vải bên ngoài, nhưng nó lớn hơn chiếc Miss Me và theo như Francies thấy, bay nhanh hơn ít nhất 30 dặm một giờ. Tuy nhiên, chiếc máy bay Mỹ có lợi thế về độ cao. Khi Francies hét lên, “Bắt nó!” anh nghe Martin cũng hét lên như vậy.

       Martin báo cáo qua radio là họ vừa phát hiện ra một chiếc máy bay Đức và bình tĩnh thông báo “chúng tôi sắp chiến đấu.” Trên mặt đất, những người lính xe tăng của Sư đoàn Thiết giáp 5 vô cùng kinh ngạc khi nghe cú điện của Martin, cùng ngẩng cổ lên trời để quan sát cuộc giao tranh sắp tới.

       Martin mở cửa hông, còn Francies thì bay sà xuống. Anh lái chiếc Cub đánh một vòng tròn nhỏ bên trên chiếc máy bay Đức, cả hai cùng bắn bằng khẩu Colt 45. Francies hi vọng loạt đạn sẽ buộc nó phải bay đến chỗ các chiếc xe tăng đang đợi, ở đó các xạ thủ súng máy có thể dễ dàng bắn hạ nó. Tên phi công địch dù rõ ràng bị bối rối trước cuộc đột kích, nhưng không dễ vâng lời đến thế. Chiếc Storch trượt mạnh sang một bên, rồi bắt đầu bay vòng vòng điên cuồng. Phía trên, Francies và Martin đang nhoài ra ngoài máy bay giống như những vệ sĩ xe ngựa ngoài biên giới, họ xả súng và cố bóp cò nhanh hết mức. Francies rất ngạc nhiên khi thấy chiếc máy bay Đức không bắn trả. Ngay cả khi họ nạp thêm đạn, viên phi công của chiếc Storch vẫn cứ bay vòng vòng, thay vì tìm cách nới rộng khoảng cách. Sau đó, Francies đoán chừng tên phi công này vẫn đang cố tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra.

      Hạ độ cao xuống cách máy bay địch có 6 m, hai người lính Mỹ liên tục bắn vào kính chắn gió của chiếc máy bay kia. Bọn họ ở gần tới nỗi Francies có thể thấy viên phi công “nhìn bọn tôi chằm chằm, mắt mở to như mắt ốc nhồi.”

       Rồi đột nhiên chiếc máy bay Đức ngoặt gấp rồi xoay mòng mòng. Martin vẫn đang tường thuật nhanh trận chiến qua radio bèn hét lên, “Chúng tôi bắt được nó rồi! Bắt được nó rồi!” Giọng anh khàn đi vì phấn khích, tới mức Trung tá Israel Washburn đang ngồi trong chiếc half-track của ông cứ tưởng Martin nói “Chúng tôi bị bắn rồi!”

      Chiếc Storch xoay tròn và rơi xuống, cánh phải chạm đất và văng ra, rồi nó nhào lộn mấy vòng và cuối cùng nằm yên giữa bãi cỏ. Francies cho chiếc Miss Me hạ cánh xuống bãi cỏ gần đó và chạy tới chỗ chiếc máy bay rơi. Viên phi công Đức và quan sát viên của anh ta đã bước ra ngoài, nhưng người quan sát viên bị thương ở chân nên té xuống đất. Viên phi công hụp xuống đằng sau một đống củ cải đường to, Martin bắn một phát cảnh cáo, thế rồi hắn buộc phải bước ra, tay giơ lên trời. Trong khi Martin tịch thu súng của viên phi công, Francies kiểm tra người quan sát viên bị thương. Khi anh tháo chiếc ủng của hắn ta, một khẩu Colt 45 rơi ra ngoài. Trong lúc anh băng bó vết thương bên ngoài, tên người Đức cứ lặp đi lặp lại, “Danke. Danke. Danke.”(*)

        Sau đó, Francies và Martin vui sướng chụp hình cùng chiến lợi phẩm của mình. Trận đánh của họ có lẽ là trận hỗn chiến cuối cùng của Thế chiến thứ hai tại châu Âu và không nghi ngờ gì nữa, họ là những phi công duy nhất trong cuộc chiến này có thể hạ được một chiếc máy bay Đức chỉ bằng một khẩu súng lục. Đối với Francies, “ngày hôm đó toàn là niềm vui.” Điều duy nhất có thể vượt lên trên chuyện này là dẫn đường cho Sư đoàn Thiết giáp 5 tới Berlin. Francies tin là anh chỉ phải đợi lệnh trong một hai ngày nữa(**)

      Khi trung đội xe tăng do Trung úy Robert E. Nicodemus dẫn đầu đến gần Tangermünde vào buổi trưa, họ gặp phải một sự yên lặng rợn người. Mục tiêu của đơn vị thuộc Sư đoàn Thiết giáp 5 là cây cầu nằm trong thành phố nhỏ nên thơ này, chỉ cách Magdeburg khoảng 40 dặm về phía đông bắc. Giờ cây cầu ở Schönebeck đã mất, cây cầu ở Tangermünde là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến, ít nhất là đối với Tập đoàn quân 9.

      Chiếc xe tăng của Nicodemus lăn bánh xuống đường chính của Tangermünde và đi vào quảng trường. Đường phố ở đây cũng như ở những nơi khác trong thành phố đều vắng vẻ. Thế rồi, khi đoàn xe tăng đến được quảng trường, còi báo động không kích bắt đầu rền vang, và sau này Nicodemus nói, “mọi chuyện đột ngột xảy ra. Khắp nơi đều hỗn loạn.”

     Từ các ô cửa sổ, cửa chính và gác xép tưởng chừng trống không trước đó, lính Đức khai mào bằng loạt súng chống tăng kiểu như bazooka. Lính Mỹ bắn trả. Trong lúc đó, Trung sĩ Charles Householder đứng trong tháp pháo của chiếc tăng của anh, liên tục nã tiểu liên cho tới khi chiếc xe bị bắn trúng và anh phải nhảy ra ngoài. Chiếc tăng của Trung sĩ Leonard Haymaker, nằm ngay sau chiếc của Householder cũng bị trúng đạn; bốc cháy bừng bừng.

      Haymaker thoát ra an toàn, nhưng đồng đội của anh còn bị kẹt trong làn đạn của địch. Haymaker cúi thấp người né tránh và xoay một vòng, rồi dùng khẩu tiểu liên yểm trợ cho đồng đội chạy thoát.

       Vào đỉnh điểm của trận đánh, một người lính Mỹ nhảy lên phía sau chiếc xe tăng của Nicodemus và hét át tiếng ầm ĩ xung quanh, tự nhận là một tù binh chiến tranh vừa trốn được. Anh ta nói, có khoảng 500 tù binh đang bị giam giữ trong thành phố này, tại hai nhà tù riêng biệt. Nicodemus lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Anh đã định gọi pháo binh hỗ trợ, nhưng anh không thể nã pháo vào một thành phố đầy tù binh Mỹ. Anh quyết định đột phá vào nhà tù gần nhất để đưa tù nhân ra khỏi làn lửa đạn trước.

       Được người tù binh dẫn đường, Nicodemus đi qua những tòa nhà, sân sau và nhảy qua các hàng rào, đến một khu đất có rào vây quanh nằm ven sông. Khoảnh khắc thấy viên sĩ quan đến gần, các tù nhân người Mỹ trong trại giam nhảy bổ vào tấn công các cảnh vệ.

       Cuộc giao tranh khá ngắn ngủi. Ngay khi tước xong vũ khí của bọn cảnh vệ, Nicodemus thả các tù nhân ra ngoài. Khi cả nhóm đến gần con đường cuối cùng quân địch đang chiếm giữ và thấy mấy chiếc xe tăng Mỹ đằng xa, một người lính quay sang Nicodemus hân hoan nói: “Tôi tự do rồi. Chúng không thể giết được tôi.” Anh ta bước ra giữa đường và một tên lính bắn tỉa Đức bắn xuyên qua đầu anh ta.

       Trong khi Nicodemus đang giải phóng tù nhân, giao tranh khốc liệt giữa các căn nhà diễn ra trên toàn thành phố. Cuối cùng, khi cây cầu đã vào trong tầm ngắm, đại diện của đơn vị lính Đức đồn trú tại đây đến gặp đội quân tiên phong của Mỹ và thông báo rằng họ muốn đầu hàng.

     Trong khi đang thương lượng, đột nhiên có tiếng nổ dữ dội. Một đám mây bụi khổng lồ cuồn cuộn bốc lên và các mảnh gạch đá vỡ rơi ào ào xuống thành phố. Các kỹ sư Đức đã cho nổ cây cầu. Sư đoàn Chiến thắng, đơn vị cách thủ đô gần nhất của Mỹ, đã bị chặn bước đầy trêu ngươi trong khi chỉ còn cách Berlin có 53 dặm.

       Tâm trạng lo âu bắt đầu lan truyền trong bộ chỉ huy Tập đoàn quân 9. Cho tới giữa trưa ngày 12/4, họ vẫn rất tự tin. Sư đoàn Thiết giáp 5 đã đi được 200 dặm chỉ trong 13 ngày một cách phi thường; Sư đoàn 2 cũng tiến được chừng đó và chỉ mất nhiều hơn một ngày.Tổng cộng, tập đoàn quân của Simpson đã đi được gần 226 dặm kể từ hồi qua sông Rhine. Trên toàn mặt trận, các sư đoàn của Tập đoàn quân 9 đang lao tới sông Elbe.

       Nhưng họ vẫn chưa chiếm được cây cầu nào, cũng chưa lập được đầu cầu nào bên bờ đông dòng sông. Nhiều người đã hi vọng là chiến công nổi tiếng chiếm được cây cầu bắc qua sông Rhine ở Remagen hồi đầu tháng 3 sẽ tái diễn, chiến công này đã làm thay đổi chiến lược của Anh-Mỹ chỉ sau một đêm.

      Nhưng lần này không được may mắn như vậy. Giờ đây, Bộ chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp 2 ra quyết định: nhất định phải vượt sông. Sẽ thực hiện một cuộc tấn công dưới nước ở bờ đông sông Elbe để chiếm một đầu cầu. Sau đó, sẽ xây một cầu phao bắt qua sông. Ở Bộ chỉ huy của mình, Chuẩn tướng Sydney R. Hinds, chỉ huy Trung  đoàn Thiết giáp B của Sư đoàn 2 đã có kế hoạch. Chiến dịch sẽ diễn ra ở phía nam Magdeburg, tại một thị trấn nhỏ tên là Westerhüsen. Kế hoạch này là một canh bạc. Hỏa pháo của địch có thể hủy diệt cây cầu trước khi chiến dịch hoàn thành, hoặc tệ hơn, có thể ngăn chặn công cuộc xây cầu nữa. Nhưng càng đợi lâu, lực lượng phòng thủ của địch sẽ càng tập trung đông hơn. Và cứ mỗi giờ trì hoãn trôi qua thì cơ hội đánh bại quân Nga để tới Berlin lại càng nhỏ đi.

       Đến 8 giờ tối ngày 12/4, hai tiểu đoàn thiết giáp lặng lẽ đi qua bờ đông bằng xe lội nước DUKW. Việc vượt sông không gặp cản trở gì. Đến nửa đêm, hai tiểu đoàn đã tới nơi và rồi đến hừng đông thì có thêm một tiểu đoàn thứ ba nhập cuộc. Bên bờ đông, binh lính nhanh chóng triển khai kế hoạch, đào các công sự thành hình bán nguyệt nhỏ quanh khu vực định xây cầu phao. Tướng White hân hoan gọi điện về cho tư lệnh Tập đoàn quân 9, tướng Simpson: “Chúng tôi qua được rồi!”


                                   ***************

      (*) Tiếng Đức nghĩa là “Cảm ơn” – ND.

       (**)  Chiến công phi thường của Francies thuộc hàng độc nhất vô nhị trong Thế chiến thứ hai, lại chwa từng được Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận. Anh được kiến nghị trao tặng Huân chương Chữ Thập về thành tích xuất chúng trong không quân, nhưng chưa bao giờ được nhận. Lạ lùng thay, dù không phải là phi công, nhưng Martin lại được trao Huân chương Không lực vì đã góp phần trong chiến công này.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 10:30:07 am »

     
        Quân Đức hay tin về vụ vượt sông gần như cùng lúc với Simpson. Ở Magdeburg, viên chỉ huy, một cựu binh của trận Normandy vội vàng báo cho tướng Wenck ở bộ chỉ huy Tập đoàn quân 12 biết. Viên sĩ quan ở Magdeburg, một chuyên gia pháo binh, từ lâu đã học được một điều là không nên đánh giá thấp quân địch. Sáng sớm ngày 6/6/1944, từ ụ pháo của mình, ông nhìn ra ngoài và thấy quân Đồng minh tấn công. Và cũng như bây giờ, ông báo ngay cho thượng cấp.

      Ông nói, “Đó là một cuộc xâm lăng. Chắc phải có tới mười nghìn tàu chiến ngoài đó.”

     Người ta không tin bức điện đáng sợ của ông. Ông được hỏi là “Những chiếc thuyền đó đi hướng nào?”

      Lời hồi âm của ông đơn giản và cụt lủn: “Đến đúng chỗ tôi.”

      Giờ đây, Thiếu tá Werner Pluskat, người từng chỉ huy quân Đức khai hỏa từ trung tâm bãi biển Omaha chuẩn bị đến sông Elbe. Các pháo thủ của ông ở dọc bờ sông, phía bắc và nam Magdeburg sẽ cầm chân quân Mỹ chừng nào còn có thể. Nhưng Pluskat đã có đủ kinh nghiệm để khỏi cần nghi ngờ gì về kết quả nữa.

      Tuy nhiên, những học viên sĩ quan trẻ tuổi của tướng Wenck lại không hề suy nghĩ tiêu cực tí nào. Họ phấn khích và vẫn còn mới mẻ, nên thấy trông đợi vào các trận chiến sắp tới.

       Giờ đây, các đơn vị chiến đấu cơ động của các sư đoàn Potsdam, Scharnhorst và Von Hutten đang tiến vào vị trí, chuẩn bị tiêu diệt đầu cầu của quân Mỹ ở bờ đông sông Elbe. Ở bờ tây sông Elbe, các kỹ sư đang làm việc như điên. Các ngọn đèn pha được đưa vội đến, hướng thẳng lên trên để phản chiếu lại từ các đám mây, và trong thứ ánh trăng nhân tạo này, những chiếc thuyền phao đầu tiên đã hoàn thành và được đưa xuống sông. Chúng được cố định vào vị trí lần lượt từng cái một.

      Đại tá Paul A. Disney, tư lệnh Trung đoàn Thiết giáp 67 đứng gần đó, quan sát công tác xây cầu và càng lúc càng thấy mất kiên nhẫn. Đột nhiên pháo nổ vang. Khi chúng nổ gần mấy chiếc thuyền phao đầu tiên, những cột nước bắn tung lên trời. Cách bắn thật khác thường: pháo không bắn thành loạt mà lại lẻ tẻ từng phát, có vẻ như các khẩu pháo đặt khá xa nhau.

      Disney chắc chắn là loạt pháo này do một quan sát viên đứng nấp gần đây chỉ đạo, bèn ra lệnh ngay lập tức tiến hành tìm kiếm các căn nhà bốn tầng nhìn ra sông. Cuộc tìm kiếm chẳng thu được gì; pháo vẫn tiếp tục bắn, chính xác và chết chóc.

      Những chiếc thuyền phao bị xé toạc và chìm nghỉm, các mảnh đạn văng xuống nước liên hồi buộc lực lượng xây cầu phải tìm chỗ trú ẩn. Người bị thương được chuyển vào nơi an toàn bên bờ sông; và những người khác đến thay thế.

       Cuộc bắn phá diễn ra suốt đêm, làm công sức bền bỉ của các kỹ sư Mỹ tan thành mây khói. Điều Hinds sợ nhất đã xảy ra. Ông dứt khoát ra lệnh cho một đơn vị bộ binh ở phía nam. Mệnh lệnh cho họ là: tìm chỗ khác.

       Sáng hôm sau, phần còn lại của cây cầu đã bị loạt đại bác của Đức phá hủy. Khi những quả pháo cuối cùng nổ tung và phá hủy nhịp cầu trung tâm vốn đã méo mó tả tơi, lúc đó cây cầu chỉ còn các bờ đông không đầy 70 m nữa. Hinds đanh mặt lại, mệt mỏi, ra lệnh rút lui. Khi họ tập hợp lại với người bị thương, có một bức điện gửi tới: xuôi dòng một đoạn, bộ binh ở bờ đông đã tìm được một nơi phù hợp để xây cầu.

      Đến chiều thứ sáu ngày 13, những chiếc xe lội nước DUKW kéo theo một sợi cáp to nặng qua sông đến đầu cầu mới nhất. Người ta định dùng sợi cáp này làm trục. Một khi đặt vào vị trí, nó sẽ kéo theo một chuỗi thuyền phao qua sông, mang theo xe cộ, tăng và pháo. Mặc dù thế này rất chậm, nhưng buộc phải dùng nó cho tới khi vật liệu xây cầu được đem tới.

       Giờ vấn đề khiến Hinds lo lắng nhất là số phận của ba tiểu đoàn bên bờ Đông. Đội quân này đang đóng tại một vùng hình bán nguyệt giữa hai ngôi làng Elbenau và Grünewalde, quay lưng lại sông Elbe. Đó là một đầu cầu nhỏ, và họ không có pháo binh hay xe thiết giáp hỗ trợ, trừ mấy cụm pháo bên bờ tây. Nếu ba tiểu đoàn này bị tấn công mạnh mẽ, tình hình có thể trở nên nguy ngập. Bây giờ, Hinds ra lệnh cho Đại tá Disney vượt sông Elbe bằng xe lội nước DUKW để chỉ huy đội quân đó.

       Disney tìm được vị trí đóng quân của tiểu đoàn đầu tiên trong một khu rừng, do Đại úy John Finnell chỉ huy. Finnell rất lo lắng. Sức ép của quân Đức đang lớn dần. Anh nói, “Nếu chúng ta không nhanh chóng đưa xe tăng tới đây thì sẽ rắc rối to.”

      Sau khi tóm lược tình hình cho Hinds qua radio, Disney đi tiếp và tìm được tiểu đoàn thứ hai. Khi ông đến gần con sông, pháo bắt đầu ập xuống xung quanh. Disney lăn xuống một con hào, nhưng pháo rơi gần hơn nữa, nên ông lại trèo ra và nhảy xuống một con hào khác.

       Lần này ông không gặp may. Ông gặp một cơn mưa mảnh đạn, rồi tiếp một loạt nữa. Đợt pháo thứ ba khiến ông gục hẳn. Disney nằm đó bất tỉnh và bị thương nặng. Cánh tay trái của ông bị trúng đạn lỗ chỗ, còn đùi phải thì bị một mảnh đạn lớn văng phải làm rách toạc.

      Trong vòng 36 tiếng đồng hồ, Hollingsworth và Disney, hai trong số những người cống hiến nhiệt thành nhất để đưa quân Mỹ đến Berlin đã bị loại khỏi vòng chiến.

      1:15 chiều ngày 12/4, vào lúc những chiếc xe tăng dẫn đầu của Sư đoàn Thiết giáp 5 đang lăn bánh vào thị trấn Tangermünde, Tổng thống Franklin D. Roosevelt qua đời bên bàn làm việc của ông ở Warm Springs.

       Một họa sĩ đang vẽ chân dung cho ông thì bỗng nhiên ngài tổng thống đặt tay lên đầu và than đau đầu. Không lâu sau đó ông qua đời. Trên bàn làm việc của ông có một tờ tạp chí Hiến pháp Atlanta. Trên đó có dòng tít: NGÀY 9 – CÒN CÁCH BERLIN 57 DẶM.

       Gần 24 tiếng sau, tin tức về cái chết của tổng thống mới lọt ra ngoài tiền tuyến. Thiếu tá Alcee Peters của Sư đoàn 84 nghe tin từ một người Đức. Ở một chỗ giao với đường sắt gần Wahrenholz, một ông già cầm cờ hiệu đã đến chia buồn cùng ông vì “tin tức này thật khủng khiếp.”

      Peters thấy sốc và khó lòng tin được nhưng trước khi ông kịp tiêu hóa hoàn toàn tin tức mình nghe được, thì đội quân của ông đã tiếp tục lên đường, tiến về sông Elbe, và ông có nhiều chuyện khác phải lo nghĩ.

      Trung tá Norman Carnes, chỉ huy một tiểu đoàn của Trung đoàn Bộ binh 333 đang di chuyển qua một cánh đồng dầu bị bom tàn phá ở bắc Brunswick thì nghe tin Roosevelt qua đời. Ông cảm thấy thương tiếc, nhưng tâm trí ông cũng đang bận bịu với công việc của mình. Sau này ông nói, “Đó chỉ là một cơn khủng hoảng khác. Mục tiêu tiếp theo của tôi là Wittingen và tôi đang bận suy nghĩ về nó. Dù sống hay chết thì giờ Roosevelt cũng không thể giúp gì được tôi…” Giáo sĩ Ben Rose viết thư cho bà vợ Anne của ông: “Bọn anh ai cũng đau buồn… nhưng bọn anh đã chứng kiến quá nhiều người ngã xuống rồi, nên hầu hết đều biết ngay cả Roosevelt cũng không phải là không thể thiếu… Anh rất ngạc nhiên khi thấy cả bọn có thể bình tĩnh đến vậy khi hay tin và còn nói về chuyện này nữa.”

     Joseph Goebbels hầu như không thể kiềm chế bản thân được nữa. Ngay khi nghe tin, ông ta liền điện cho Hitler đang ở trong Führerbunker.

     Ông ta hân hoan nói: “Thưa Quốc trưởng, tôi phải chúc mừng ngài! Roosevelt đã chết! Số trời đã định. Nửa cuối tháng tư sẽ là bước ngoặt của chúng ta. Hôm nay là thứ sáu ngày 13/4. Đây là bước ngoặt!”

     Trước đó, Goebbels đã đưa cho Bá tước Schwerin von Krosigk, Bộ trưởng Bộ Tài chính hai lời chiêm tinh. Một cái là cho Hitler, vào ngày ông ta nắm quyền, ngày 30/1/1933. Cái kia là vào ngày 9/11/1918, nói về tương lai nền Cộng hòa Weimar.

      Krosigk viết trong nhật ký: “Một sự thật đáng ngạc nhiên đã trở nên rõ ràng. Cả hai lời tiên tri đều dự đoán rằng chiến tranh sẽ bùng nổ vào năm 1939, giành thắng lợi đến năm 1941, và rồi sau đó tình thế sẽ đảo ngược – trong đó các thất bại nặng nề nhất sẽ diễn ra trong những tháng đầu năm 1945, nhất là nửa đầu tháng tư. Thế rồi, sẽ có một chiến thắng áp đảo trong nửa cuối tháng tư, duy trì đến tận tháng tám, và khi đó hòa bình sẽ đến. Trong ba năm tiếp đó, nước Đức sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng sang đến 1948 Đức sẽ trỗi dậy lần nữa.”

        Goebbels cũng đang đọc cuốn Lịch sử Vua Frederick II của Phổ của Thomas Carlyle, và cuốn sách khiến ông ta càng vui sướng hơn. Có một chương nói về Cuộc chiến Bảy năm (1756-1763), khi đó Phổ đơn độc chống lại một liên minh gồm Pháp, Áo và Nga. Trong năm thứ 6 của cuộc chiến, Frederick nói với các quân sư rằng nếu đến ngày 15/2 mà tình hình không thay đổi gì, ông ta sẽ tự sát. Thế rồi ngày 5/1/1762, Nữ hoàng Elizabeth băng hà và Nga rút khỏi cuộc chiến. Carlyle viết, “Phép màu của Điện Brandenburg đã xuất hiện.” Tình thế cuộc chiến dần tốt lên. Giờ đây, trong năm thứ sáu của cuộc chiến, Roosevelt đã chết. Không thể phủ nhận sự tương đồng này.

         Ngài Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền đang cực kỳ hưng phấn. Ông ta ra lệnh đãi sâm banh tất cả mọi người ở Bộ Tuyên truyền.


                                                                    *****************
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #74 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 10:35:53 am »

     

        “Vượt qua! Vượt qua! Tiếp tục di chuyển!” Đại tá Edwin Crabill “Đạn chì” của Sư đoàn 83 hiên ngang đi lên đi xuống dọc bờ sông, đưa người xuống xuồng đột kích, ở chỗ này chỗ kia giúp các chiếc khởi đầu chậm chạp bằng cách đẩy mũi chân một cái.

       Ông hét với một chiếc xuồng đầy ắp khác, “Đừng lãng phí cơ hội này. Các anh đang trên đường tới Berlin đó!” Khi những người lính khác bắt đầu qua sông bằng xe lội nước DUKW, ông Crabill lùn xủn và nóng nảy lại mắng mỏ, “Đừng có chờ tổ chức lại quân! Đừng chờ người ta bảo các anh phải làm những gì! Sang đó bằng mọi cách! Nếu đi ngay bây giờ thì các anh chẳng cần phải bắn một phát nào!”

       Crabill đã đúng. Ở thị trấn Barby, cách Magdeburg 15 dặm về phía nam, Sư đoàn 83 vượt sông thành từng đoàn mà không gặp cản trở gì, ngay dưới chỗ đối thủ hàng đầu của họ, Sư đoàn Thiết giáp 2, đang cố vượt sông bằng chiếc phà dây cáp (*). Họ vào thị trấn và thấy cây cầu đã bị cho nổ, nhưng không chờ lệnh từ sĩ quan chỉ huy của sư đoàn, Crabill ra lệnh ngay lập tức vượt sông. Xuồng đột kích nhanh chóng đem tới và chỉ trong vài giờ sau, nguyên một tiểu được đã qua sông thành công. Giờ một tiểu đoàn khác đang trên đường qua. Đồng thời, pháo cũng đang được chở qua bằng thuyền phao và các kỹ sư đang xây một cây cầu phao, sẽ hoàn thành trước hoàng hôn. Ngay cả Crabill cũng thấy ấn tượng trước hoạt động điên cuồng do mệnh lệnh của mình dẫn tới. Khi ông đi từ nhóm này qua nhóm khác để giục họ làm nhanh hơn, ông cứ đắc thắng lặp đi lặp lại với các sĩ quan khác là “Mấy người ở Fort Benning sẽ không bao giờ tin được chuyện này đâu!”(**)

        Có một đám người Đức đang lặng lẽ quan sát cảnh tượng hối hả trước mắt, họ đứng trên ban công bên dưới tháp đồng hồ ở quảng trường thị trấn. Suốt nhiều giờ liền, trong lúc Trung tá Granville Sharpe chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh bận rộn càn quét lực lượng kháng cự ít ỏi còn lại trong thị trấn, ông biết đám khán giả đó đang quan sát, và thấy càng lúc càng bực mình.

      Ông nhớ lại, “Người của tôi thì đang bị bắn, còn đám người Đức đó thì khoái chí đứng coi đánh nhau trong thị trấn và ngoài sông.”

      Sharpe chịu đựng đủ rồi. Ông đi lên một chiếc xe tăng và bảo người xạ thủ. “Bắn một phát vào mặt đồng hồ, để coi, vị trí 5 giờ đi.” Người lính xe tăng vâng lệnh, bắn một cú thật chuẩn vào số năm. Đám đông đột ngột giải tán.

       Hơn nữa, dù sao show diễn cũng xong rồi. Sư đoàn 83 đã qua sông. Đầu cầu vững chãi đầu tiên đã được lập nên ở bờ đông sông Elbe.

       Đến tối ngày 13, các kỹ sư đã hoàn thành nhiệm vụ, và vẫn cẩn thận cho đến tận cùng, họ đã đặt một tấm biển báo trên đường dẫn lên cầu. Nhằm vinh danh tân tổng thống và với hào khí ngút trời quen thuộc của sư đoàn, cộng thêm đánh giá chuẩn xác giá trị của việc quảng cáo, tấm bảng viết: CẦU TRUMAN. ĐƯỜNG ĐẾN BERLIN. CÔNG TRÌNH CỦA SƯ ĐOÀN BỘ BINH 83.

       Tin tức bay đến chỗ tướng Simpson và từ đó đến chỗ tướng Bradley. Ông điện ngay cho Eisenhower. Đầu cầu của Sư đoàn 83 bỗng chiếm vị trí hàng đầu trong tâm trí mọi người. Vị Tư lệnh Tối cao lắng nghe tin tức cẩn thận.

       Rồi đến cuối bài báo cáo, ông hỏi Bradley một câu. Sau này Bradley đã cố dựng lại cuộc trò chuyện, theo đó Eisenhower đã hỏi: “Brad, anh nghĩ nếu ta đột phá qua sông Elbe và chiếm Berlin thì cái giá phải trả là bao nhiêu?” Bradley đang cân nhắc vấn đề đó suốt nhiều ngày nay. Cũng như Eisenhower, giờ ông không còn coi Berlin là một mục tiêu quân sự nữa, nhưng nếu có thể dễ dàng chiếm được thì ông cũng muốn chiếm. Giống như cấp trên, Bradley vẫn bận tâm về việc xâm nhập quá sâu vào khu vực chiếm đóng tương lai của Liên Xô và về các thương vong có thể xảy ra khi lính Mỹ tiến vào một vùng đất mà sau này họ sẽ phải dần dần rút lui khỏi đó. Ông tin là tổn thất trên đường tới Berlin sẽ không quá cao, nhưng ở trong thành phố đó thì lại là chuyện khác. Chiếm Berlin có thể phải mất một giá đắt. Ông trả lời vị Tư lệnh Tối cao, “Tôi đoán sẽ mất khoảng 100.000 người.”

       Hai người im lặng một lúc. Rồi Bradley nói thêm, “Đó là một cái giá khá đắt cho một mục tiêu danh vọng, nhất là khi chúng ta đã biết mình sẽ phải rút khỏi đó và để anh bạn kia chiếm lấy.”(***)

      Cuộc trò chuyện chấm dứt tại đó. Ngài Tư lệnh Tối cao không để lộ ý định của mình. Nhưng Bradley thì đã có ý kiến riêng không thể rõ ràng hơn: sinh mạng của người Mỹ quan trọng hơn là danh vọng đơn thuần hay là chiếm đóng tạm thời tại một vùng đất vô nghĩa.

...........................

  (*) Phà dây cáp là loại phà được đẩy qua sông bằng một sợi cáp được buộc vào hai bên bờ....

  (**) Fort Benning là một trường đào tạo quân sự của Mỹ - ND.


   (***) Phỏng đoán của Bradley đã gây ra nhiều hoang mang, thứ nhất là ông nói thế với Eisenhower khi nào, và thứ hai là căn cứ vào đâu mà ông đưa ra con số đó. Vụ việc lần đầu được tiết lộ trong hồi ký của Bradley, cuốn Chuyện một người lính. Trong đó không nêu ngày cụ thể. Do vậy, như Bradley đã nói với tác giả, ông cũng có phần nào trách nhiệm về sự mơ hồ sau này. Có một tài liệu nói Bradley đã nói với Eisenhower ở SHAEF từ đầu tháng 1/1945, rằng con số thương vong ở Berlin có thể lên tới 100.000 người. Chính Bradley nói: “Tôi nói dự đoán của mình với Ike qua điện thoại, ngay sau khi chúng ta chiếm được đầu cầu ở sông Elbe. Tất nhiên, tôi không nghĩ mình sẽ phải chịu thương vong 100.000 người khi đi từ đó tới Berlin. Nhưng tôi tin là quân Đức sẽ chiến đấu ác liệt để bảo vệ thủ đô. Tôi cho là  chúng ta sẽ chịu tổn thất nặng nề hơn tại Berlin.” 

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #75 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2017, 07:15:08 pm »

   
      Ở Bộ chỉ huy Quân đoàn 19, tướng McLain đứng trước bản đồ, nghiên cứu tình hình. Theo ông, trận tuyến của địch bên bờ đông sông Elbe chỉ có cái mã, không hơn. Một khi các sư đoàn của ông đã qua sông và đột phá được hàng phòng ngự này, thì không gì có thể cản họ tới Berlin được nữa.

      Đại tá George B. Sloan, Tư lệnh hành quân của McLain tin là quân Mỹ sẽ chỉ gặp phải kháng cự như họ đã gặp trên đường từ sông Rhine tới đây – các ổ kháng cự cuối cùng, và hoàn toàn có thể đi nhanh vòng qua đó. Ông tin chắc chỉ trong vòng 48 giờ kể từ khi tấn công trở lại, các bộ phận đi đầu của các đơn vị thiết giáp của Mỹ sẽ tới được Berlin.   

      McLain đã có một số quyết định chóng vánh. Thành tựu đánh ngạc nhiên của Rạp xiếc Rách rưới, chiếm được một đầu cầu, đưa quân qua sông và rồi bắc một cây cầu qua sông Elbe, tất cả chỉ trong vài tiếng đồng hồ, đã thay đổi bức tranh toàn cục ở dòng sông. Sư đoàn 83 không chỉ mở rộng đầu cầu bên bờ đông mà còn đang tiến nhanh về phía trước. McLain chắc chắn là đầu cầu của sư đoàn 83 rất vững chãi. Ông không chắc lắm liệu chiếc phà dây cáp mỏng mảnh của Sư đoàn Thiết giáp 2 có chịu được bắn phá hay không. Nhưng Sư đoàn 2 cũng đã có ba tiểu đoàn qua được sông và đang đóng ở đó. Ông đã sắp xếp cho một phần Sư đoàn Thiết giáp 2 sẽ vượt sông qua cây cầu Truman của Sư đoàn 83.

      Do vậy, McLain thấy chả có lý do gì để Sư đoàn 30, đang vào vị trí, lại phải tấn công Magdeburg và đi theo cây cầu xa lộ. Với tốc độ hành quân hiện tại, đầu cầu của Sư đoàn 83 sẽ nhanh chóng mở rộng và liên kết với các tiểu đoàn đơn lẻ bên kia phà. Cuộc tấn công sẽ tiếp tục từ đầu cầu rộng lớn này. McLain quyết định đi vòng qua toàn bộ Magdeburg. Như Sư đoàn 83 đã nói, cầu Truman sẽ là đường dẫn đến Berlin.

      Đến bình minh thứ bảy ngày 14/4, ở chỗ phà dây cáp của Sư đoàn Thiết giáp 2, tướng Hinds đợi ba chiếc thuyền phao buộc chung lại. Chúng sẽ làm nền cho chiếc phà, rồi dùng cáp kéo qua kéo lại cho tới khi nào cầu xây xong. Pháo vẫn rơi xuống hai bên bờ sông, chỗ đầu cầu, và quân bên bờ đông gặp phải giao tranh ác liệt. Họ có thể cầm cự một thời gian nữa nếu gặp bộ binh, nhưng nỗi lo lớn nhất của Hinds là là gặp quân thiết giáp tấn công. Quân Mỹ bên bờ đông vẫn chưa có pháo binh hay xe thiết giáp hỗ trợ.

      Chiếc xe đầu tiên được lên phà là một chiếc xe ủi; cần nạo vét và san phẳng bờ đông thì xe tăng và các vũ khí hạng nặng mới có thể lên bờ được. Một chiếc xe lội nước DUKW sẽ kéo phà đi, giúp phà đi nhanh hơn bằng cách kéo cáp. Hinds lo lắng quan sát. Hai sợi cáp đã bị phá hủy và trôi đi mất. Ông chỉ còn một sợi; và mấy chiếc thuyền phao cỡ lớn cuối cùng của ông đã được đưa ra làm phà.

      Chiến dịch cồng kềnh bắt đầu. Trong lúc mọi người đứng nhìn, chiếc phà chậm chầm đi ra đến giữa sông Elbe. Rồi khi nó đến gần bờ đông, xảy ra một chuyện không thể tin được. Một quả pháo bắn tới, và với xác suất cỡ một phần triệu đã làm đứt cáp. Hinds chết đứng vì sốc, trong khi sợi cáp, chiếc phà và xe ủi chìm xuống nước. Ông cay đắng nói, “Xuống địa ngục rồi!”

      Cú bắn khó tin đó giống như dấu hiệu của tai ương, mọi người xôn xao cho rằng quân bên bờ Đông đang bị xe thiết giáp tấn công.

      Bên bờ đông sông Elbe, qua làn sương sớm và khói pháo, Trung tá Arthur Anderson quan sát đội xe thiết giáp của Đức xông qua hàng phòng thủ của bộ binh của ông. Có bảy hay tám chiếc gì đó, trong đó có hai chiếc tăng. Nhìn qua gọng kính, Anderson thấy nhóm quân đó nằm ngoài tầm bắn của mấy khẩu bazooka chống tăng, và đang bắn vào các hố cá nhân của Mỹ rất bài bản.

      Trong khi ông đang quan sát, một trung đội đang giữ vị trí bên cánh phải bị vượt qua. Binh lính nhảy ra khỏi hố cá nhân, chạy vào vị trí an toàn trong rừng. Giờ quân Đức đang tấn công vào hai trung đội còn lại của Anderson, làm nổ tung các hố cá nhân liên tiếp. Điên lên, Anderson gọi các cụm pháo binh bên bờ tây hỗ trợ. Nhưng cuộc tấn công diễn ra quá nhanh, nên khi Sư đoàn Thiết giáp 2 bắt đầu nã pháo thì Anderson biết là đã quá muộn.

      Dọc theo đầu cầu ở đằng xa hơn, Trung úy Bill Parkins, chỉ huy trung đội 1, thình lình nghe tiếng súng máy nổ của quân mình và rồi có tiếng súng máy nhẹ của Đức bắn trả. Một người đưa tin của trung đội chạy tới.

      Anh ta báo cáo, có ba chiếc xe Đức chở đầy lính đang đến đây, “càn quét sạch mọi thứ trên đường đi.” Parkins truyền lời lại cho binh sĩ là cứ giữ nguyên vị trí và tiếp tục bắn. Rồi anh vội vàng ra khỏi nơi đóng quân để tìm hiểu xem có chuyện gì. Sau này anh nói, “Tôi thấy ba chiếc xe tăng Mark V cách đó vài trăm mét, đang đến gần từ phía đông, mỗi chiếc hình như chở theo cả một trung đội. Bọn chúng bắt tù binh Mỹ đi đằng trước, chĩa súng thẳng vào bọn họ.”

       Vài người lính của Parkins bắn trả bằng bazooka, nhưng chúng ở quá xa; mấy quả pháo dù có trúng cũng nẩy bật ra. Quân của anh sắp bị nuốt gọn. Parkins ra lệnh rút lui, trước khi họ bị bắt hay bị giết sạch.

      Xe Đức đang kéo tới cực nhanh từ phía bắc, đông và nam đầu cầu. Thượng sĩ Wilfred Kramer, chỉ huy một trung đội bộ binh, thấy một chiếc xe tăng Đức cách mình chừng 200 m, có bộ binh dàn hình quạt đằng sau. Kramer lệnh cho cả đội chờ đợi. Tới khi quân Đức còn cách không đầy 40 m, anh hét ra lệnh khai hỏa. Sau này anh giải thích, “Chúng tôi đang làm rất tốt và giữ vững vị trí của mình. Nhưng rồi chiếc tăng nã súng. Loạt đạn đầu tiên bắn đến cách mấy khẩu súng máy của chúng tôi chừng 9 m. Nó nhắm thẳng tới đây.” Kramer cố cầm cự, rồi cũng ra lệnh rút quân.

      Cuộc giao tranh quanh Grünewalde khốc liệt tới mức Trung tá Carlton E. Stewart, chỉ huy một tiểu đoàn, phải gọi pháo binh từ một trung đội của ông tới và nghe họ báo cáo rằng “chúng bắn thẳng vào vị trí của chúng ta, trong khi quân ta vẫn đang ở dưới hầm của các căn nhà.”

       Mọi người yêu cầu phải tấn công mấy chiếc tăng từ trên không, nhưng suốt từ sáng tới trưa, chỉ có vài chiếc máy bay xuất hiện. Trên đường hành quân thần tốc đến Elbe, các đường băng đã bị bỏ xa tới nỗi máy bay phải mang thêm các thùng xăng ở hai cánh để có thể theo kịp tốc độ hành quân, và thế có nghĩa là không thể mang bom theo được.

       Đến trưa, tướng Hinds đã ra lệnh toàn bộ bộ binh ở bờ đông rút lui qua sông. Dù ban đầu thương vong khá cao, nhưng mấy ngày sau thì chỉ nhỏ giọt. Tổng thương vong ở bờ sông là 304 người; có một tiểu đoàn có 7 sĩ quan và 146 lính chết, bị thương hoặc mất tích. Cuộc giao tranh đã đặt dấu chấm hết cho hi vọng dựng thêm một cây cầu hoặc đầu cầu nữa của Sư đoàn Thiết giáp 2. Giờ đây, tướng White, tư lệnh Sư đoàn 2 không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng cây cầu ở Barby của Sư đoàn 83. Quân Đức đã thành công chặn lại đà tiến quân khủng khiếp của Sư đoàn Thiết giáp 2 một cách chớp nhoáng.

       Đầu cầu bị xóa sổ chóng vánh và dữ dội tới mức thậm chí các tư lệnh Mỹ còn không biết đơn vị nào đã tấn công. Thực ra, đó khó mà gọi là đơn vị được. Đúng như tướng Wenck đã đoán, những học viên sĩ quan và sĩ quan tập sự non choẹt của ông đã làm rất tốt. Tràn trề tham vọng và khao khát vinh quang, họ đã đẩy bản thân và trang bị nghèo nàn của mình tới cực hạn, nhờ đó kéo dài thêm thời gian cho Wenck.

       Trong chiến công đẩy lui Sư đoàn Thiết giáp 2, các đội quân tiên phong cơ động này đã làm được điều mà chưa đơn vị nào làm được trong suốt 30 tháng giao tranh. Nếu như dựng được một cây cầu hay đầu cầu bắc qua sông Elbe, có lẽ Sư đoàn 2 đã tiến thẳng tới Berlin mà không cần chờ lệnh.

       Kế hoạch tấn công nước Đức của ngài Tư lệnh Tối cao đã mở đầu rực rỡ; thực vậy, màn hành quân thần tốc của quân Anh-Mỹ đến cả ông cũng phải ngạc nhiên. Ở miền bắc, Cụm Tập đoàn quân 21 của Montgomery đang tiến khá ổn định. Tập đoàn quân Canada ở gần Arnhem đã sẵn sàng càn quét hang ổ chính còn lại của địch tại Hà Lan. Tập đoàn quân 2 của Anh đã vượt sông Leine, chiếm được thành phố Celle và đang ở ngoại ô Bremen. Ở trung tâm nước Đức, vòng vây vùng Ruhr ngày càng hẹp lại, và quan trọng nhất là Tập đoàn quân 9 của Simpson cùng với các tập đoàn quân 1 và 3 đã cắt đôi nước Đức. Tập đoàn quân 1 đang tiến về Leipzig. Tập đoàn quân 3 thì đang ở gần biên giới với Czech.


...............................   
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #76 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2017, 07:25:00 pm »

   
    Nhưng những thành tựu như gió lốc này cũng có cái giá của nó: tuyến cung cấp đồ tiếp tế của Eisenhower gần như đã tới giới hạn. Ngoài xe tải ra, hầu như chẳng còn phương tiện vận tải nào đến được chỗ Bradley nữa; chỉ còn mỗi một cây cầu đường sắt trên sông Rhine còn hoạt động. Lực lượng chiến đấu vẫn được tiếp tế ổn thỏa, nhưng các sĩ quan SHAEF khá phiền muộn về bức tranh toàn cảnh.

       Để cung cấp cho các đoàn quân viễn chinh, hàng trăm máy bay chở quân đã được huy động bay suốt ngày đêm, chở đồ tiếp tế đến. Chỉ riêng ngày 5/4, một phi đoàn C-47S đã chở theo hơn 3.500 tấn đạn dược và đồ tiếp tế, và gần 2.800 m3 xăng ra mặt trận.

      Thêm vào đó, khi quân Đồng minh tiến vào nước Đức ngày càng sâu, họ còn phải cung cấp thêm hàng nghìn người thuộc thành phần không tác chiến. Phải nuôi hàng trăm nghìn tù binh Đức. Lao động cưỡng chế từ một số quốc gia và các tù binh chiến tranh của Anh và Mỹ đã được giải thoát cần có chỗ trú, thức ăn và chăm sóc y tế. Mà bệnh viện, xe cứu thương và đồ dùng y tế thì giờ mới được chuyển đi. Và dù các cơ sở vật chất cho y tế cũng khá nhiều, nhưng đột nhiên nhu cầu y tế lại tăng cao không ngờ.

        Gần đây, tai họa ngầm đáng sợ nhất của nền Đệ tam Quốc xã đã bắt đầu hé lộ. Trên toàn mặt trận, trong tuần lễ hành quân thần tốc này, những người lính rất sốc và khiếp sợ khi gặp phải các trại tập trung của Hitler, có hàng trăm nghìn tù nhân trong đó, và hàng triệu cái xác còn chình ình bên trong.

       Những người lính dày dạn kinh nghiệm chiến đấu không thể tin nổi trước cảnh tượng của các trại tập trung và nhà tù rơi vào tay họ. Đến tận hai mươi năm sau, nhiều người vẫn giận dữ tột độ khi hồi tưởng lại: những bộ xương di động tiều tụy lảo đảo đi về phía mình, ý chí sinh tồn là thứ duy nhất Nazi còn để lại cho bọn họ; những ngôi mộ, hầm và hố chôn tập thể; những dãy lò hỏa thiêu đầy ắp xương cháy đen, bằng chứng kinh hoàng nhưng câm lặng của cuộc tàn sát “các tù nhân chính trị” một cách có hệ thống trên quy mô lớn – những người bị tuyên án tử chỉ vì “họ là người Do Thái,” như một cảnh vệ ở trại tập trung Buchenwald giải thích.

     Quân lính phát hiện ra các phòng hơi độc, thiết kế như phòng tắm bình thường, chỉ khác là vòi sen phun ra khí cyanide chứ không phải nước. Trong nhà của viên sĩ quan chỉ huy Buchenwald có mấy cái chụp đèn làm bằng da người. Vợ của viên sĩ quan, bà Ilse Koch có mấy đôi găng tay và bìa sách làm từ thịt tù nhân; trên chiếc kệ gỗ nhỏ đặt hai chiếc đầu người nhồi tiêu bản đã teo tóp lại. Có những nhà kho chật ních quần áo, giày dép, chân tay giả, răng giả và mắt kính – được phân loại và đánh số riêng biệt, rất có hệ thống. Những chiếc răng vàng được tháo riêng ra và chuyển tới bộ tài chính.

       Đã có bao nhiêu người bị tàn sát? Thoạt tiên, vì quá sốc khi phát hiện ra điều này, chẳng ai có thể ước tính được. Nhưng rồi các báo cáo đến từ khắp nơi trên toàn mặt trận đã cho thấy tổng số người bị giết là cả một con số thiên văn.

      Còn về việc các nạn nhân là ai thì lại quá rõ ràng. Theo định nghĩa của Đệ tam Quốc xã, họ là những kẻ “không phải người Aryan,” “những kẻ hèn kém có văn hóa nhơ bẩn,” đến từ một tá quốc gia, một tá tín ngưỡng khác nhau, nhưng phần đông là người Do Thái. Trong số bọn họ, có người Ba Lan, Pháp, Czech, Hà Lan, Na Uy, Nga, Đức. Trong vụ thảm sát khổng lồ, tàn ác nhất lịch sử, họ đã bị giết bằng rất nhiều cách quái dị. Một số bị đem làm “chuột bạch” trong phòng thí nghiệm. Hàng nghìn người bị bắn, hạ độc, treo cổ hoặc ngửi hơi độc; số khác thì đơn giản là bị bỏ đói cho đến chết.

       Ở trại Ohrdruf, do Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ kiểm soát từ ngày 12/4, tướng George S. Patton, một trong những sĩ quan cứng cựa nhất của quân đội Mỹ, rảo bước qua những căn nhà chết chóc rồi quay đi, mặt đẫm lệ và thấy muốn bệnh. Hôm sau, Patton ra lệnh cho cư dân trong ngôi làng gần đó đến chứng kiến tận mắt, vì họ khẳng định mình không hề hay biết gì về tình hình bên trong trại tập trung này; ai muốn bỏ đi sẽ được tháp tùng bằng súng trường. Sáng hôm sau, vợ chồng ông trưởng làng treo cổ tự tử.

      Trên tuyến đường tiến quân của quân Anh, họ cũng phát hiện ra sự thật khủng khiếp tương tự. Chuẩn tướng Hugh Glyn Hughes, sĩ quan quân y cấp cao của Tập đoàn quân 2 Anh quốc, đã lo lắng suốt nhiều ngày nay về khả năng lây nhiễm bệnh dịch từ một trại tập trung ở Belsen mà ông được nghe cảnh báo trước đó.

      Khi tới đó, Hughes mới thấy bệnh sốt Rickettsia và thương hàn mà ông từng lo lắng lại là những thứ nhẹ nhàng nhất. Nhiều năm sau ông nói, “Không một bức hình nào, không từ ngữ nào có thể truyền tải về quê nhà những nỗi kinh hoàng mà tôi đã chứng kiến. Trong trại, có 56.000 người còn sống. Họ sống trong 45 căn chòi gỗ. Đâu cũng thế, tại một nơi chỉ đủ chỗ cho không đầy 100 người lại phải nhồi nhét từ 600 tới 1.000 người. Những căn chòi quá tải đó đều chìm trong thiếu thốn và dịch bệnh. Họ phải chịu đựng cái đói, bệnh viêm ruột, sốt Rickettsia, thương hàn và bệnh lao.

      Xác chết có ở khắp nơi, nhiều khi chất cùng một chỗ với người sống. Có tới hơn 10.000 cái xác nằm ngổn ngang trong các khu nhà, trong những khu mộ tập thể khổng lồ chưa được khai quật, trong các con hào, mương rãnh, bên hàng rào dây thép gai bao quanh khu trại và bên những căn chòi gỗ. Suốt ba mươi năm làm bác sĩ, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như thế này.”

      Để cứu những người còn sống sót, quân đội trên toàn mặt trận cần tới trợ giúp y tế tức thời. Trong một số trường hợp, nhu cầu quân sự bị đẩy xuống hàng thứ hai.

      Sau này Hughes nói, “Tôi không tin có ai có thể biết được chúng tôi sẽ phải đối mặt với những gì, hay là nhu cầu y tế sẽ bức thiết tới nhường nào.”

      Cần gấp bác sĩ, y tá, giường bệnh cùng hàng nghìn tấn thuốc và trang thiết bị y tế. Chỉ mình chuẩn tướng Hughes không thôi đã cần một bệnh viện với 14.000 giường bệnh – dù ông biết là cho tới khi kiểm soát được tình hình, dẫu có làm gì thì mỗi ngày cũng sẽ có ít nhất 500 người chết.

      Đại tướng Eisenhower đã có một chuyến đi cá nhân đến trại tập trung ở gần Gotha. Ông đi qua khắp mọi chỗ trong trại, mặt xám lại như tro, răng nghiến chặt. Sau này ông nhớ lại, “Trước đó, tôi chỉ nghe nói chung chung hoặc nghe qua các nguồn tin thứ cấp… Tôi chưa bao giờ bị sốc đến thế.”

      Tác động tâm lý của các trại tập trung đến các sĩ quan và quân lính vượt xa đánh giá ban đầu. Ở nơi đóng quân của Tập đoàn quân 9 tại một ngôi làng gần Magdeburg, thiếu tá Julius Rock, một sĩ quan quân y của Sư đoàn Bộ binh 30, đến kiểm tra một chuyến tàu chở hàng mà Sư đoàn 30 vừa chặn lại. Trên đó chật ních tù nhân trong các trại tập trung. Rock kinh hoàng, rồi ngay lập tức đưa họ xuống tàu. Rock bố trí cho bọn họ vào ở trong các nhà dân Đức, mặc cho ông thị trưởng địa phương phản đối kịch liệt, đến khi viên sĩ quan tiểu đoàn của ông lạnh lùng ra lệnh cho ông thị trưởng đang kêu ca. Anh ta nói cộc lốc, “Ông mà từ chối thì tôi sẽ bắt một đám con tin rồi bắn hết cả bọn.”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #77 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2017, 07:29:52 pm »

     
      Ở những binh lính từng thấy qua trại tập trung, quyết tâm giành chiến thắng nhanh chóng bị thay thế bởi những cảm xúc khác. Ngài Tư lệnh Tối cao cũng có cảm giác tương tự. Từ Gotha quay lại SHAEF, ông đánh điện về Washington và London, giục họ đưa các biên tập viên báo chí và các nhà lập pháp đến Đức ngay lập tức, cho họ chứng kiến những khu trại tập trung kinh hoàng, để có thể đưa các bằng chứng “không còn nghi ngờ gì được đến trước công chúng Mỹ và Anh”.

      Nhưng trước khi Eisenhower có thể kết thúc chiến tranh, ông phải củng cố lực lượng viễn chinh của mình. Đêm ngày 14, từ văn phòng ở Reims, Eisenhower gửi cho Washington kế hoạch tương lai của mình.

      Eisenhower nói, ông đã thành công đưa quân vào trung tâm, và giờ còn lại hai nhiệm vụ chính: “những đội quân dưới cấp sư đoàn còn sót lại của địch ở các vùng xa; và chiếm các khu vực mà bọn chúng có thể dùng làm cứ điểm cuối cùng.” Eisenhower cho rằng những nơi đó là Na Uy và Pháo đài Quốc gia ở vùng Bavaria. Ở miền bắc, ông định đưa quân của Montgomery vượt sông Elbe, chiếm Hamburg, rồi tấn công Lübeck và Kiel. Ở miền nam, ông định để Cụm tập đoàn quân 6 của tướng Denver tiến tới vùng Salzburg.

      Eisenhower khẳng định, “Các chiến dịch mùa đông ở Pháo đài Quốc gia sẽ cực kỳ khó khăn… Rất có thể là sau khi chúng ta hội quân với Nga, Pháo đài Quốc gia vẫn còn tồn tại… cho nên ta phải nhanh chóng hành quân trước khi quân Đức kịp chuẩn bị phòng ngự cẩn thận.”

      Còn về thủ đô của Đức, Eisenhower nghĩ nơi đó cũng sẽ “đáng để tấn công Berlin vì quân địch có khả năng tập trung xung quanh thủ đô và sự sụp đổ của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của quân địch lẫn quân ta.” Nhưng vị Tư lệnh Tối cao nói, chiến dịch đó “sẽ không được ưu tiên nhiều, trừ khi chiến dịch ở các mạn sườn của chúng ta diễn ra nhanh ngoài dự kiến.”

       Tóm lại, kế hoạch của ông là:

     (1)“Trấn giữ mặt trận vững chắc ở vùng trung tâm sông Elbe”
      (2) Bắt đầu chiến dịch tấn công Lübeck và Đan Mạch;
      (3) “Phát động một cuộc hành quân mạnh mẽ” để gặp quân Nga ở thung lũng sông Danube và đánh tan Pháo đài Quốc gia.


       Eisenhower nói, “Vì cuộc tấn công vào Berlin phải đợi kết quả của ba cái trên, nên tôi không xem đó là một phần trong kế hoạch của mình.”

     Bên sông Elbe, suốt đêm ngày 14, binh sĩ của Rạp xiếc Rách rưới và Sư đoàn Thiết giáp 2 đi qua những cây cầu của Sư đoàn 83 ở Barby. Dù đã có thêm một cây cầu thứ hai được xây gần cây cầu đầu tiên, tốc độ hành quân vẫn khá chậm. Tuy vậy, hàng ngũ quân thiết giáp của tướng White lại định phát động tấn công vào Berlin lần nữa ngay khi tập hợp lại bên bờ tây. Binh sĩ của Sư đoàn 83 rỉ tai nhau rằng Đại tá Crabill đã đề nghị cho Sư đoàn Thiết giáp 2 mượn một chiếc xe bus to màu đỏ mới tịch thu được, có thể chở được 50 lính, mà ông vừa giành được ở Barby. Sư đoàn 83 có đủ lý do để có cảm giác chiến thắng. Các đội quân trinh sát của họ đã đến phía bắc thị trấn Zerbst, cách Berlin không đầy 48 dặm.

       Sáng sớm chủ nhật ngày 15/4, tư lệnh Tập đoàn quân 9 là tướng Simpson nhận được một cú điện thoại từ Đại tướng Bradley. Simpson phải lập tức bay tới sở chỉ huy của Cụm tập đoàn quân 12 ở Wiesbaden. Bradley nói, “Tôi có một tin rất quan trọng cần nói cho anh, và tôi không muốn nói qua điện thoại.”

       Bradley đến sân bay chờ Simpson. Simpson nhớ lại, “Bọn tôi bắt tay, rồi ông ấy nói tôi nghe tin ngay tại đó".

        Brad nói, ‘Anh phải dừng bước ở Elbe. Anh không được tiến thêm về phía Berlin nữa. Simp à, tôi xin lỗi, nhưng chuyện là thế đó.’”

       Simpson hỏi, “Anh nghe cái quỷ này từ đâu thế hả?”

       Bradley nói, “Từ Ike.”

      Simpson choáng váng tới mức không thể “nhớ nổi một nửa những điều Brad nói sau đó. Tất cả những gì tôi nhớ được là tôi đã tan nát cả cõi lòng và tôi quay trở lại máy bay trong mơ hồ. Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ, Làm sao tôi có thể nói với ban tham mưu, với các tư lệnh quân đoàn và binh lính của tôi đây? Hơn hết thảy, làm sao tôi nói cho lính của mình nghe tin này được đây?”

     Từ sở chỉ huy, Simpson truyền tin cho các tư lệnh quân đoàn; rồi đi tới sông Elbe ngay sau đó. Tướng Hinds gặp Simpson tại sở chỉ huy của Sư đoàn 2 và thấy ông có vẻ lo âu. Hinds nhớ lại, “Tôi nghĩ có thể ông già không thích cách chúng tôi vượt sông. Ông ấy hỏi tôi tình hình sao rồi.” Hinds đáp, “Thưa trung tướng, tôi đoán mọi chuyện vẫn ổn. Chúng tôi có hai đường lui ngon lành. Không quá phấn khích, cũng chẳng sợ hãi, và việc vượt sông ở Barby đang êm đẹp.”
     
       Simpson nói “Tốt. Cứ để người của anh bên bờ đông nếu muốn.” Ông nhìn Hinds và nói. “Sid này, chúng ta chỉ được đi tới đây thôi.” Hinds bị sốc và không muốn chấp hành mệnh lệnh. Ông nói thẳng, “Không, thưa trung tướng. Như thế là không được. Chúng tôi sẽ tới Berlin.”

       Simpson có vẻ như đang chật vật tìm cách kiềm chế cảm xúc. Có một khoảng im lặng khó chịu. Rồi Simpson lạnh lùng nói, “Chúng ta sẽ không đến Berlin đâu Sid ạ. Với chúng ta, chiến tranh đến đây là chấm dứt”.

       Ở khoảng giữa Barleben và Madgdeburg, nơi Sư đoàn 30 vẫn đang tiến về phía dòng sông, tin tức truyền đi rất nhanh. Mọi người tụ tập thành từng nhóm, hoa chân múa tay bàn tán đầy giận dữ và kích động. Binh nhất Alexander Korolevich của Trung đội D, Trung đoàn 120 không tham gia trò chuyện. Anh không chắc mình đang vui hay buồn, anh chỉ đơn giản là ngồi xuống và bật khóc.



                                                                    **************
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #78 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2017, 06:45:07 pm »

      Heinrici nhận thấy được mọi dấu hiệu. Ở một nơi ngoài mặt trận, quân Nga đặt một loạt pháo; lại phát động một cuộc tấn công quy mô nhỏ ở nơi khác. Đó đều là đòn nghi binh và Heinrici biết rõ điều đó. Ông đã học được mọi mánh khóe của người Nga nhiều năm trước. Mấy hành động nhỏ lẻ này chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc tấn công chủ chốt. Giờ đây, mối bận tâm lớn nhất của ông là ông nên ra lệnh cho lính của mình rút về hàng phòng ngự thứ hai khi nào.

       Trong khi ông còn đang cân nhắc thì Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Sản xuất, Albert Speer đã đến. Đây là một ngày Heinrici không muốn có khách tới – đặc biệt là người đang lo âu và phiền muộn một cách rõ rệt như Speer.

       Trong văn phòng của Heinrici, Speer giải thích lý do viếng thăm của mình. Ông ta muốn được viên tướng ủng hộ. Heinrici không được làm theo mệnh lệnh “tiêu thổ” của Hitler yêu cầu phá hủy các cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp Đức, các nhà máy năng lượng, cầu đường và những thứ tương tự. Speer hỏi, “Sao phải hủy hết tất cả, trong khi nước Đức đã bại trận rồi? Người dân Đức phải được sống.”

        Heinrici lắng nghe từ đầu đến cuối. Ông nói với Speer rằng ông đồng ý là mệnh lệnh của Hitler “quá độc ác,” và ông sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để giúp đỡ. Heinrici cũng cảnh báo, “Nhưng giờ thì tất cả những gì tôi có thể làm là cố đánh trận này cho thật tốt mà thôi.”

       Đột nhiên, Speer rút ra một khẩu súng lục từ trong túi. Ông ta nói, “Cách duy nhất để chặn đứng Hitler là dùng một thứ như thế này.”

      Heinrici nhìn khẩu súng và nhướng mày.

      Ông lạnh lùng nói, “Ờ, tôi phải nói cho anh hay, tôi không phải được sinh ra để ám sát đâu.”

       Speer bước quanh văn phòng. Dường như ông ta còn không nghe được lời của Heinrici. Ông ta nói, “Tuyệt đối không được để Hitler biết ông ta nên bỏ cuộc. Tôi đã cố thử ba lần cả thảy, hồi tháng 10 năm 1944, rồi tháng giêng và tháng ba năm nay. Vào lần cuối cùng, Hitler trả lời tôi thế này: ‘Nếu một tên lính dám nói thế với tôi, tôi sẽ nghĩ hắn đã nhụt chí rồi và sẽ ra lệnh xử bắn ngay.’ Rồi ông ta nói, ‘Trong cơn khủng hoảng trầm trọng thế này, người lãnh đạo không được mất tinh thần. Nếu họ mất tinh thần thì coi như xong.” Không thể nào thuyết phục ông ta tin là ta đã mất tất cả. Không thể nào đâu.”

      Speer đút khẩu súng vào lại trong túi. Ông ta nói với giọng bình tĩnh hơn, “Dù sao thì giết ông ta cũng là chuyện không tưởng.”

      Ông ta không nói với Heinrici là mình đã suy nghĩ về việc ám sát Hilter cùng nội các suốt nhiều tháng trời. Thậm chí ông ta còn nghĩ đến việc bơm hơi độc vào hệ thống thông gió của căn hầm Führerbunker, nhưng việc này cũng không khả thi: quanh ống thông hơi ngầm có xây một ống khói cao ba mét rưỡi. Speer nói: “Nếu giết ông ta giúp được người dân Đức thì tôi sẽ làm, nhưng tôi không thể.” Ông ta nhìn Heinrici và nói, “Hitler luôn tin tưởng tôi. Dù gì thì làm thế cũng không được đúng đắn cho lắm.”

      Heinrici không thích không khí của cuộc trò chuyện. Ông cũng khá lo lắng về cung cách và sự mâu thuẫn của Speer. Nếu như có ai biết được là Speer từng nói chuyện này với ông, có lẽ toàn bộ người ở sở chỉ huy của ông sẽ bị xử bắn. Heinrici khéo léo lái cuộc trò chuyện về chủ đề ban đầu, bảo vệ nước Đức trước chính sách tiêu thổ.

       Viên tư lệnh Cụm tập đoàn quân Vistula nhắc lại, “Tất cả những gì tôi có thể làm là thực hiện trách niệm của một quân nhân trong mọi chừng mực có thể. Phần còn lại nằm trong tay Chúa. Tôi bảo đảm với anh một chuyện. Berlin sẽ không biến thành một Stalingrad thứ hai đâu. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra.”

       Trận đánh ở Staligrad diễn ra trên khắp mọi nẻo đường, mọi khu phố. Heinrici không định để quân của mình rút lui đến tận Berlin trước sức ép của quân Nga rồi lại đánh một trận tương tự thế. Đối với chỉ đạo của Hitler phải phá hủy các cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, cá nhân Heinrici vốn không hề làm theo mệnh lệnh đó tại quân khu của mình. Ông nói với Speer rằng ông sắp gặp sĩ quan chỉ huy Berlin là tướng Reymann. Heinrici nói ông đã mời Reymann đến để bàn về các vấn đề này và cũng để giải thích riêng với Reymann vì sao ông không thể nhận quân đồn trú tại Berlin vào dưới quyền mình. Một lát sau thì Reymann đến. Đi cùng ông là tư lệnh hành quân của Heinrici, Đại tá Eismann. Speer vẫn ngồi lại dự buổi họp quân sự.

      Sau này Eismann nhớ lại, Heinrici nói với Eismann là “đừng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Cụm tập đoàn quân Vistula.”

       Reymann trông như thể tia hy vọng cuối cùng của ông vừa vụt tắt. Ông nói, “Vậy thì tôi không biết phải làm sao mới bảo vệ được Berlin nữa.”

       Heinrici bày tỏ hy vọng rằng quân của ông có thể đi vòng qua Berlin. Ông nói thêm, “Tất nhiên là tôi có thể được ra lệnh phải đưa quân vào Berlin, nhưng anh không nên trông đợi vào điều này.”

       Reymann nói với Heinrici là ông được lệnh từ Hitler phải phá hủy các cây cầu và một số tòa nhà trong thành phố. Heinrici giận dữ đáp, “Tiêu hủy mấy cây cầu hay cái gì khác ở Berlin sẽ chỉ làm tê liệt thành phố mà thôi. Nếu như tôi được lệnh đảm trách Berlin dưới quyền mình, tôi sẽ cấm phá hủy bất kỳ thứ gì.”

       Speer cũng góp lời, xin Reymann đừng thực thi mệnh lệnh đó. Ông ta nói, trong trường hợp như thế, phần lớn thành phố sẽ bị cắt điện và nước. Theo như Eismann nhớ lại lời Speer thì ông ta nói, “Nếu anh phá hủy các đường cấp điện và cấp nước, thành phố sẽ bị tê liệt ít nhất một năm. Như thế sẽ dẫn tới bệnh dịch và nạn đói cho hàng triệu con người. Trách nhiệm của anh là phải ngăn chặn tai ương đó! Trách nhiệm của anh là không được thực hiện những mệnh lệnh đó!”

       Theo như Eismann nhớ lại, bầu không khí trở nên căng thẳng. Ông nói, “Reymann đấu tranh nội tâm khá dữ dội. Cuối cùng anh ta trả lời bằng giọng khàn khàn, rằng mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một sĩ quan một cách đầy vinh dự; con trai anh ta đã ngã xuống ngoài chiến trường; nhà cửa và tài sản của anh ta đều đã mất sạch; chỉ còn lại mỗi danh dự. Anh ta nhắc lại cho bọn tôi chuyện gì đã xảy ra với người sĩ quan đã thất bại trong việc cho nổ cầu Remagen: người đó bị xử tử như một phạm nhân bình thường. Reymann nghĩ, mình cũng sẽ bị như vậy nếu không thực thi mệnh lệnh.”

      Cả Heinrici và Speer cùng cố khuyên ngăn Reymann, nhưng họ không thể khiến ông đổi ý. Cuối cùng Reymann đi khỏi đó. Không lâu sau đó Speer cũng cáo biệt. Heinrici còn lại một mình – để tập trung vào điều đang chiếm lĩnh tâm trí ông: thời điểm quân Nga tấn công.

      Các báo cáo tình báo mới nhất đã được đưa đến sở chỉ huy và có vẻ như chúng cùng chỉ ra rằng sắp có một cuộc tấn công. Thiếu tướng Reinhard Gehlen, trưởng cơ quan tình báo của OKH thậm chí còn đưa vào thông tin thẩm vấn được từ các tù binh gần đây. Có một báo cáo nói rằng một người lính Hồng quân đến từ Sư đoàn Bộ binh 49 “khẳng định là chiến dịch tấn công chủ lưc sẽ bắt đầu trong năm tới mười ngày nữa.”

       Người tù binh đó nói, “quân Liên Xô đồn rằng Nga sẽ không để Mỹ và Anh giành được Berlin.” Bản báo cáo thứ hai cũng tương tự vậy và còn chứa nhiều suy đoán hơn.

       Một tù binh bị Quân đoàn 79 bắt được vào đầu ngày hôm đó ở gần Küstrin nói rằng khi cuộc tấn công bắt đầu, mục tiêu chính của nó sẽ là “đến được Berlin trước Anh và Mỹ.” Theo người lính đó, “sẽ có những cuộc chạm trán chớp nhoáng với quân Mỹ,” họ sẽ bị nã pháo ‘vì nhầm lẫn’ cho họ biết mùi sức mạnh pháo binh Nga.”



                                                                ................................. 




       Cùng ngày hôm đó, chủ nhật ngày 15/4, tại Moscow, Đại sứ Averell Harriman gặp mặt Stalin để bàn về chiến tranh tại miền Viễn Đông. Trước buổi gặp, tướng Deane của Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ đã bảo Harriman chú ý tới các báo cáo trên đài phát thanh Đức rằng quân Nga sẽ tấn công Berlin vào bất kỳ lúc nào.

       Khi buổi họp với Stalin kết thúc, Harriman đã đưa vấn đề này ra một cách không chính thức. Ông hỏi, có đúng là Hồng quân định đổi kế hoạch tấn công Berlin hay không?

       Câu trả lời của vị Đại nguyên soái, được tướng Deane đánh điện về cho Washington tối hôm đó là như sau: “Stalin nói thực sự sẽ có một cuộc tấn công và ông ta không biết liệu nó có thành công hay không. Tuy nhiên, mục tiêu chính sẽ nhắm vào Dresden, như đã nói trước đó với Eisenhower, chứ không phải Berlin.”





                                                              ****************

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #79 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 08:35:48 pm »

       
                       
                                                                V - TRẬN CHIẾN




       1.



      Tại Phương diện quân Belorussia số 1, trong bóng tối dày đặc của những cánh rừng là cả một sự yên lặng tuyệt đối. Pháo xếp thành hàng dài nhiều dặm, nòng súng kề nhau, nằm dưới những tán thông và lưới ngụy trang.

       Súng cối đặt đằng trước. Phía sau là những chiếc tăng nòng giương cao. Sau đó nữa là súng tự động, rồi tới các ụ pháo cỡ nhỏ và trọng pháo. Đằng sau rốt là bốn trăm khẩu Katushka – những bệ phóng tên lửa nhiều nòng có thể bắn 16 quả một lúc. Còn ở đầu cầu Küstrin bên bờ tây sông Oder là một lượng lớn đèn pha. Khắp nơi, trong những giây phút cuối cùng trước cuộc tấn công, binh lính của Nguyên soái Georgi Zhukov đang đợi đến giờ G – 4 giờ sáng.

       Đại úy Sergei Golbov thấy miệng mồm khô không khốc. Mỗi giây phút trôi qua, anh lại thấy sự yên lặng càng đặc quánh thêm. Anh đang đứng cùng một đoàn quân ở phía bắc Küstrin, bên bờ đông sông Oder, tại đó dòng sông rộng hơn 450 mét vì đang mùa lũ.

       Sau này anh nhớ lại, vây quanh anh là “hàng đám quân đột kích đông nghịt, những hàng xe tăng, các đội kỹ sư mang theo vật liệu xây cầu phao và xuồng cao su. Bờ sông chật kín những người là người, cộng thêm trang thiết bị, nhưng hoàn toàn yên lặng.” Golbov có thể cảm nhận được “những người lính đang run rẩy vì phấn khích – như những con ngựa run lên trước cuộc đi săn.” Anh liên tục tự nhủ “mình nhất định phải sống sót qua ngày hôm nay, mình có quá nhiều thứ phải viết lại.” Anh lặp đi lặp lại, “Đây không phải lúc để chết.”

      Ở trung tâm, quân lính dồn chật kín vào đầu cầu bên bờ tây. Quân Nga đã giành được công sự chủ chốt này – dài 30 dặm, sâu 10 dặm – từ tay tướng Busse hồi cuối tháng 3, và đây sẽ là tấm ván dậm nhảy cho cuộc tấn công vào Berlin của Zhukov. Từ đây, Tập đoàn quân Vệ binh 8 sẽ mở màn cuộc tấn công. Một khi bọn họ chiếm được cao nguyên Seelow trọng điểm, nằm ngay phía trước Berlin, hơi lệch sang hướng tây một chút, thì quân thiết giáp sẽ theo sau. Trung úy Vladimir Rozanov, 21 tuổi, chỉ huy một tiểu đội pháo binh trinh sát, đứng bên bờ tây, gần chỗ mấy cô gái phụ trách chiếu đèn pha. Rozanov tin chắc là mấy chiếc đèn này sẽ khiến bọn Đức phát điên; anh háo hức chờ tới lúc các cô bật đèn.

      Tuy nhiên, mặt khác, Rozanov lại thấy lo lắng một cách lạ lùng về trận chiến sắp tới. Ba anh nằm trong đội quân đánh về phía nam của Nguyên soái Koniev. Viên sĩ quan trẻ tuổi rất giận ba mình; vì ông già đã không thư từ gì về nhà trong hai năm qua. Do đó, anh hy vọng hai ba con có thể gặp nhau tại Berlin – và có lẽ cùng về nhà sau cuộc chiến. Dù đã phát chán chiến tranh, Rozanov vẫn rất vui khi được tham gia vào cuộc tấn công cuối cùng. Nhưng việc chờ đợi thật là không thể chịu đựng nổi.

       Đằng xa hơn trên đầu cầu, Trung sĩ Nikolai Svishchev, chịu trách nhiệm bảo trì pháo đứng cạnh ụ pháo của mình. Là một binh sĩ kỳ cựu, từng tham gia nhiều trận pháo kích, anh biết chuyện gì sắp đến. Lúc bắt đầu nã pháo, anh cảnh báo các binh sĩ “phải hét lên hết cỡ để cân bằng áp lực, chứ tiếng ồn lúc đó sẽ rất kinh khủng đấy.” Giờ đây, cầm dây giật khẩu pháo trong tay, Svishchev đang đợi tín hiệu khai hỏa.

       Phía nam Küstrin, ở đầu cầu gần Frankfurt, Trung sĩ Nikolai Nvikov thuộc một trung đoàn súng trường đang đọc các khẩu hiệu sơn nguệch ngoạc bên hông mấy chiếc xe tăng gần đó. Một cái viết “Từ Moscow đến Berlin.” Cái nữa thì: “Còn cách hang ổ bọn quái vật phát xít 50 km nữa.” Novikov đang phấn khích muốn điên. Bài diễn văn khích lệ tinh thần của các chính trị viên trong trung đoàn đã khuấy động nhiệt huyết của anh. Lời cổ vũ lạc quan và sôi nổi đó đã khiến Novikov kích động tới mức anh lập tức ký đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản (*).

      Trong một boongke xây trên ngọn đồi nhìn xuống đầu cầu Küstrin, Nguyên soái Zhukov say mê đứng nhìn chăm chăm vào bóng tối. Đứng cạnh ông là Thượng tướng Chuikov, người đã chỉ huy phòng thủ ở Stalingrad và là tư lệnh của quân tiên phong, Tập đoàn quân Cận vệ 8.

      Từ sau trận Stalingrad, Chuikov bắt đầu bị chàm. Chỗ phát ban phần nào ảnh hưởng đến hai bàn tay; do đó ông phải đeo găng tay đen để bảo hộ. Giờ, trong lúc sốt ruột chờ đợi cuộc tấn công bắt đầu, ông bồn chồn chà xát hai bàn tay đeo găng vào nhau. Đột nhiên Zhukov hỏi, “Vasili Ivanovich, tất cả các tiểu đoàn của anh đã vào vị trí cả chưa?” Chuikov nhanh nhẹn trả lời chắc nịch. Ông nói, “Từ 48 giờ trước rồi, thưa nguyên soái. Tôi đã thực hiện xong mọi điều đồng chí ra lệnh.”

   Zhukov nhìn đồng hồ. Ông đứng ở khe hở của boongke, xoay vành mũ qua một bên, tì hai khuỷu tay lên gờ bê tông và cẩn thận điều chỉnh ống nhòm. Chuikov bẻ cổ áo khoác dựng lên, kéo vành mũ phủ kín tai để cản tiếng pháo nổ, rồi đến đứng cạnh Zhukov và quan sát bằng cặp ống nhòm của mình.

      Các sĩ quan tham mưu tụ tập phía sau bọn họ, hoặc ra ngoài boongke để quan sát từ trên đồi. Ai nấy yên lặng nhìn chăm chú ra ngoài bóng tối mịt mờ. Zhukov nhìn đồng hồ lần nữa rồi lại nhìn vào ống nhòm. Vài giây trôi qua. Rồi Zhukov nói khẽ, “Đến lúc rồi, các đồng chí. Đến lúc rồi.” Lúc đó là 4 giờ sáng.

      Ba cột lửa đỏ rực thình lình vụt lên giữa bầu trời đêm. Trong một tích tắc, các ngọn lửa lơ lửng giữa trời, nhuộm đỏ sông Oder bằng thứ ánh sáng chói mắt.Thế rồi, ở đầu cầu Küstrin, dàn đèn pha của Zhukov rực sáng. 140 ngọn đèn phòng không cường độ mạnh, được hỗ trợ bởi đèn pha xe tăng, xe tải và các loại xe khác, chiếu thẳng vào các vị trí của quân Đức. Ánh sáng lóa mắt đó khiến phóng viên chiến trường, Trung tá Pavel Troyanoskii liên tưởng tới “một nghìn mặt trời cùng chiếu sáng một lúc”.

      Thượng tướng Mikhail Katukov, Tư lệnh Tập đoàn quân Cận vệ Tăng số 1 ngạc nhiên tột độ. Ông hỏi Trung tướng N. N. Popiel trong ban tham mưu của Zhukov: “Ta kiếm được mấy cái đèn pha này từ chỗ quái nào vậy?” Popiel đáp, “Có quỷ mới biết được, nhưng tôi đoán người ta đã đem toàn bộ hệ thống phòng không của Moscow đến đây.” Im lặng kéo dài một hồi, trong lúc những chiếc đèn pha rọi vào khu vực đằng trước Küstrin. Rồi ba ngọn lửa xanh bay vụt lên trời, và pháo đồng loạt khai hỏa.

      Cả trận địa chìm trong biển lửa cùng với tiếng nổ chói tai làm rung chuyển cả mặt đất. Mặt trận phía Đông chưa từng có trận pháo kích nào dữ dội thế, có tới hơn 20 nghìn khẩu pháo đủ kích cỡ cùng bắn phá các vị trí của quân Đức.

      Trước ánh sáng vô tình từ những ngọn đèn pha, vùng thôn quê phía tây đầu cầu Küstrin dần tiêu tan vì bị lớp lớp đạn pháo ập xuống. Toàn bộ làng mạc đều bị phá hủy. Đất cát, bê tông, thép, cây cối bay tung tóe trong không trung, và các cánh rừng xa xa bắt đầu bốc cháy dữ dội. Ở phía bắc và phía nam Küstrin, hàng nghìn khẩu pháo nã đạn vào bóng tối. Những đốm sáng bé tí, ví dụ như của các khẩu pháo chết chóc, nhấp nháy liên hồi khi hàng tấn đạn pháo ập vào mục tiêu. Cơn lốc do các vụ nổ gây ra mạnh đến mức cả bầu không khí cũng bị chấn động.

      Nhiều năm sau, những người Đức còn sống sót vẫn nhớ rất rõ ràng cơn gió nóng lạ lùng đột ngột ào tới, rít gào trên những khu rừng, bẻ cong các ngọn cây non và cuốn theo cát bụi cùng gạch vụn bay vào không trung. Cả hai bên chiến tuyến, người ta đều không thể quên được tiếng gầm khủng khiếp của các khẩu pháo. Chúng tạo nên một cơn chấn động dữ dội tới mức cả binh lính và trang thiết bị đều run như điên.

      Cơn bão âm thanh thật sự khiến người ta phải choáng váng. Ở chỗ ụ pháo của Trung úy Svishchev, các xạ thủ hét to hết cỡ nhưng cơn chấn động quá lớn từ các khẩu pháo khiến tai họ bị chảy máu. Tiếng ồn dễ sợ nhất là từ mấy khẩu Katushka hay còn gọi là “Đàn organ Stalin”.

      Mấy trái tên lửa bắn ra từ bệ phóng rít lên trong đêm, để lại vệt khói dài màu trắng sau đuôi. Tiếng ồn khủng khiếp đó làm Đại úy Golbov liên tưởng tới tiếng các khối thép lớn nghiến vào nhau. Dù ồn kinh dị, Golbov vẫn thấy trận pháp kích thật là vui. Anh thấy xung quanh “ai cũng hớn hở như thể đang đánh nhau mặt đối mặt với bọn Đức và khắp nơi mọi người đang dùng bất kỳ vũ khí gì có trong tay, dù chẳng thể thấy được mục tiêu”.

     Đứng nhìn mấy khẩu pháo khạc lửa, anh nhớ tới lời bà anh từng kể về ngày tận thế, “mặt đất sẽ bốc cháy rừng rực và những kẻ xấu sẽ bị lửa thiêu đốt.”

..............................
    (*)Rất nhiều người lính đã gia nhập Đảng Cộng sản ở sông Oder, và không phải ai cũng vì lý do chính trị. Không như quân đội Anh hoặc Mỹ, Hồng quân không có hệ thống đăng ký phù hiệu cá nhân hay còn gọi là “thẻ bài quân nhân” (dog tag); gia đình của những người lính Hồng quân chết trận hoặc bị thương trong chiến đấu hiếm khi được thông báo chính thức. Nhưng nếu một người lính Cộng sản bị thương vong, Đảng Cộng sản sẽ báo cho gia đình hoặc bà con của anh ta.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM