Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:14:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người cùng quê - Tập 1  (Đọc 108201 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:14:44 pm »

NGƯỜI CÙNG QUÊ
(TẬP 1)

Tiểu thuyết của PHAN TỨ
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN, 1995
Khổ 13 x 19, số trang: 560

Số hóa: hoi_ls







1.

Sau mấy hôm vắng máy bay Mỹ ném bom, người và xe qua lại trên các phố Qui Nhơn đã nhộn nhịp hơn, nhất là trong vài tiếng đồng hồ trước khi mặt trời lặn, quãng thời gian được xem như yên ổn nhất trong ngày. Đó cũng là lúc bãi sở. Từ khi Bộ tư lệnh Nhật Bản buộc tất cả các xứ Đông Dương phải vặn đồng hồ chạy sớm theo giờ Tô-ki-ô, dân thầy dân thợ hối hả đến sở từ tờ mờ đất cũng được về nhà vào lúc chưa lên đèn.

Mở đầu đợt tan tầm là mấy chiếc ô-tô du lịch cũ kỹ của các quan Tây chạy bằng thứ cồn màu hồng thay thế xăng, máy có yếu đi nhưng còn sạch sẽ chán so với xe khách chạy với bình khí than to tướng sau đít. Lái xe cho chủ Tây vào đầu năm 1945 này là công việc vất vả, nguy hiểm nữa. Quân Nhật ngày càng gây sự nhiều hơn trên đường phố. Xe nhà binh Nhật thường cố ý húc mũi bay quệt đuôi vào xe Tây, sau đó lính Nhật còn ùa xuống túm cổ bất cứ ai da trắng mũi lõ, nện luôn một trận cho dân da vàng bản xứ trông thấy mà sướng bụng. Tài xế phải biết giữ thể diện cho quan bằng cách lái xe chạy nghênh ngang và bóp còi inh ỏi khi phố xá đang vắng lặng, nhưng vừa nhác thấy bóng xe Nhật mầu vàng đất sét tít đằng xa là phải nín còi ngay. Cho xe dạt vào sát lề đường, xuống số, sẵn sàng chồm hẳn lên vỉa hè để tránh nạn mình bị vỡ ngực, xe bị phá, chủ ăn đòn.

Sau đó một lát, từng chuỗi phu xe kéo gò lưng chạy lép nhép, miệng ếp liên hồi, tay rung cái lục lạc treo trên càng gỗ, kéo chiếc xe nhà màu đen choáng lộn hay chiếc xe thuê sơn đỏ nham nhở, đưa các quan An Nam về nhà - quan bang tá, quan đốc, quan tham, quan phán. Lũ lượt theo sau là các thầy thông thầy ký thầy thừa thầy giáo với vạt áo dài đằng sau kéo lên giắt gọn vào lưng quần, với hai ống quần rộng kẹp túm cả hai, chậm rãi đạp chiếc xe Xanh-tê-chiên nặng nề và cọc cạch, thỉnh thoảng cúi rạp đầu xuống tận tay lái để chào với theo một vị quan trên vừa vượt qua trên xe kéo.

Hết xe. Cách quãng nhà khá lâu mới tới lượt các ông cai - cai thầu, cai kíp, cai chấm công, cả số loong toong chạy giấy và bồi bếp già cũng được tôn làm ông cai cho tiện - tuy cuốc bộ trên vỉa hè nhưng vẫn giữ vẻ chững chạc với bộ ria mép rậm, cái mũ thuộc địa màu cháo lòng sâu như chuông chùa, đôi giày vải đánh phấn trắng đã tòi đầu ngón chân út ra ngoài, đôi khi thêm cái dù đen bạc màu kẹp dưới nách. Đi chung đường với họ nhưng vẫn tách riêng là những tốp thợ tỏa ra từ các nhà máy đèn, máy nước, xưởng sửa chữa ô-tô ga xe lửa, bến tàu. Họ mặc giống nhau với bộ áo quần vải xanh mua theo phiếu, dính đầy dầu mỡ và đã vá vai vá mông, kéo đôi guốc mộc đóng thêm cao su dưới đế. Họ là những người thường đi từng cụm và nói chuyện thì thào nhiều nhất, chỉ im tiếng khi qua chỗ có cảnh sát hay khi một bác cai nào ghé lại nhắc việc ngày mai.

Các trường công và tư vừa xong giờ thể dục chiều, với một loạt tiếng thét rập ràng: “Thanh niên... Pháp Nam! Hợp quần để... phụng sự!”, hô bằng tiếng Pháp hay Việt tùy theo lớp lớn hay nhỏ và tùy sở thích của thầy giáo. Học trò xô đẩy nhau ùa ra đường trong bộ đồng phục áo dài đen quần trắng, chỉ khác nhau ở tiếng guốc gỗ của lớp lớn và tiếng châu trần bình bịch của lớp nhỏ.

Về cuối cùng, đông nhất và kéo dài rải rác đến tối là số phu phen được bữa nào xào bữa nấy, suốt ngày chực hờ ở các nơi có thể cần người, lăn vào giành nhau từng tí việc kiếm xu lẻ. Họ mặc quần đùi, đi chân đất, nửa thân trên cởi trần hoặc khoác thứ “áo ba lỗ”, kiểu áo làm bằng cái bao vải thô đựng hàng khoét ba lỗ đủ xỏ đầu và hai tay. Tất cả đều cầm theo một tấm bao tải, thứ đồ dùng vạn năng của dân cu-li: đựng gói cơm khi ra đi, che nắng ngồi chờ cai gọi giao việc, mang mớ khoai nắm gạo mỗi chiều, trải nằm qua một đêm ngủ vạ vật trên vỉa hè. Chiến tranh Thái Bình Dương càng kéo dài, lớp người mang bao tải càng dồn ứ thêm mãi trong thành phố cảng chật hẹp và càng nói giọng nhiều tỉnh ngoài Bắc.

Một người phu như thế đang thất thểu đi từ bến tàu dưới mũi Tấn lên, dọc phố Gia Long. Anh ta đội cái nón lá rách chỏm để lòi một túm tóc rễ tre trên đỉnh, đeo vắt qua vai cái bao tải hơi cộm một góc. Nửa dưới khuôn mặt anh vằn vèo những dòng mồ hôi chảy qua lớp bụi than, chìm vào mớ râu đen lưa thưa bọc quanh miệng. Nhìn chân tay anh gầy đen, nước da xanh xám và dáng đi lử khử lừ khừ, người ta dễ đoán tay cu-li vác than này đang ốm đói sắp lả, hoặc nghiện nặng mà không còn xu để nuốt xái xảm. Không ai trông thấy đôi lông mày nét mác hơi cau lại, cặp mắt xếch đang liếc nhìn quanh dưới vành nón, rất sắc và tỉnh. Sức sống trong người anh như dồn cả vào cặp mắt xoi mói ấy.
Sau hai tháng luồn lách, cả Chanh vượt ngục Kom Tum đã về đến Qui Nhơn. Chen lẫn vào dòng phu từ bến cảng về, anh tìm đến xóm Ga, nơi có nhiều bạn bè và cơ sở cũ.

Chanh chỉ nghe nói chung chung là Qui Nhơn đã thay đổi nhiều trong những năm anh bị tù, nhưng thay đổi ra sao thì khó biết được. Ban nãy anh định ghé vào nhà một chị cảm tình ở gần mũi Tấn, phải bỏ đi ngay: cả xóm nhà lá ấy trúng bom Mỹ cháy sạch. Anh men theo con đường hẻm rất vắng gần nhà kho của hãng Đê-cua Ca-bô, chẳng ngờ lại đâm vào khu trại lính Nhật, bị tên lính gác dí lưỡi lê vào bụng quát cho một tràng, đuổi ra, còn may nó không bắt giữ hay soát giấy. Bí kế, anh phải bật lùi ra đường Gia Long đông đúc. Đi thêm vài trăm thước nữa thì gặp một chuỗi người nối đuôi rồng rắn trên vỉa hè như đợi phát chẩn.

Ở nơi trước đây là tiệm nhảy sang của Tây, anh vấp phải một đại lý bán gạo Nhà nước, có mấy tên cảnh sát dạo qua lại.

Những người xếp hàng bị buộc phải ngồi xuống vỉa hè, đặt bao và thùng trước mặt, cứ mươi phút lại một lần nhích tới chừng nửa thước, cấm đứng dậy. Do đấy, dân phố không nói là mua gạo bông nữa, mà đổi gọi là gạo lết, gạo mài quần.

Bọn cảnh sát xem kỹ từng mặt để làm tiền. Chúng vung vẩy cây ma-trắc cao-su trắng, mới trông giống hệt cây dùi cui gỗ sơn trắng dạo xưa, nhưng đánh đau hơn và không để lại dấu vết. Ai mặc áo vá, đội nón cời đúng kiểu dân thợ nghèo, được nhắc giữ phép nước bằng một phát ma-trắc bỗng dưng nện xuống sọ dừa, khúc cao-su nảy cong lên thì đầu người cũng giật bắn lên theo. Số nào có mẽ ngoài lành lặn như đầy tớ nhà công chức đi mua gạo cho chủ thì chúng cầm sổ lên xem, thò tay kia xuống vỗ vai hay bẹo má người ngồi tuỳ đấy là trai hay gái, hai ngón tay kẹp luôn tờ giấy bạc một đồng từ dưới giúi lên, cụp ngón cho vào lòng bàn tay và nắm lại rất thoắng nhét nhanh vào túi trước khi trả sổ. Thời may gặp một bà hay cô nào diện sang đứng ngoài nhìn vào, ngại dây bẩn với hạng người hạ lưu kia, lập tức có một tên cảnh sát đến lễ phép chào, rỉ tai xin mươi đồng hút thuốc, dẫn thẳng vào quầy cân gạo, gõ bộp dùi cui ra hiệu phải bán ngay tức khắc. Nếu được món bổng khá, hẳn có thể lôi giúp bao gạo ra vỉa hè và quát gọi xe kéo cho;

Trong nhóm “bu-lít coi tiệm” này, một tên lách ra dạo quanh, thỉnh thoảng liếc xem mấy đứa kia nhét túi được bao nhiên. Có lẽ hắn được giao gác đường, chỉ lảng vảng chỗ bán gạo để chia phần chấm mút. Cái còi nhôm chuyên thổi phạt vạ treo lủng lẳng trước ngực hắn đập lách cách vào đầu Chúa Giê-su trên cây thập tự gắn tượng chịu nạn.

Cả Chanh không kịp lùi. Anh phải lê chân đi tới. Tên kia bước lại đón đầu, đủng đỉnh. Mặt anh lạnh tê, hai đầu gối chợt cứng lại. Anh liếc nhanh sang bên phải, dưới vành nón, tìm một đường hẻm rẽ ngang. Không có.

- Ê, thằng kia... thằng cu-li!

Chanh cố ghìm mình, thờ ơ ngước lên như chợt tỉnh. Cây ma-trắc đung đưa trước mặt anh.

- Coi giấy!

- Dạ... Thưa thầy...

- Giấy thuế thân đâu?

Anh buông cái bao tải sọc xanh xuống đất. Lóng ngóng luồn tay vào trong cái áo ba lỗ, tìm thứ giấy mà anh không hề có. Nói sao đây? Bỏ quên ở nhà... Rớt mất dưới bến tàu... Nhét tay nó đồng rưỡi bạc cuối cùng, nó chịu không...

- Tổ cha mày, gì lâu quá ể vậy?

Vừa lúc ấy, mặt đất chợt nẩy ra mạnh như xe lửa dồn toa. Một loạt tiếng nổ dội tới long óc. Luồng gió bão xô cả hai nhào xuống vỉa hè. Tiếng rống dữ dội bùng lên trên đầu.

Máy bay Mỹ!

Mới ra Tết được mươi hôm, bầu trời Qui Nhơn từ sáng đến trưa thường phủ một lớp mây xốp đùng đục. Về chiều mới vén mây một góc đằng Tây cho ánh nắng soi nghiêng xuống phố cảng. Mấy chiếc tàu và xà-lan gỉ nát thả neo tênh hênh giữa cửa sông không đánh lừa được tụi Mỹ nữa, chúng cố đánh vào những chiếc tàu Nhật đậu nép vào chân núi Phương Mai, sơn màu loang lổ. Bốn chiếc máy bay Mỹ từ biển Đông vòng sâu vào đất liền, ẩn mình trong mặt trời chiều chói mắt, từ phía núi đâm xuôi theo nắng xiên khoai lao xuống bến cảng, đạp bom ngay tức khắc, ngoặt gấp qua sát thành phố, lại ngoặt trái ra biển khơi.

Dưới chùm sét đánh gần, dân phố ùa ra như ong bị đập tổ. Người xếp hàng lăng bừa xuống cống rãnh. Người đi đường chạy vọt vào các đường hẻm có đào sẵn những con hào “phòng thủ thụ động” chỉ sâu đến thắt lưng và nồng nặc mùi cứt đái. Người mua bán trong các tiệm chỉ kịp nằm soài ra đất.

Tốp máy bay hai động cơ biến mất, còn rót lại sau đuôi tiếng cưa máy rạch sắt trên gáy người, cùng tiếng gió hú rợn sắc như gại vào xương sống làm rởn óc. Cao xạ Nhật đến đây mới nổ vuốt đuôi, mảnh đạn cao xạ tiếp theo mảnh bom lại rơi xuống mái nhà và lưng người nằm sấp.
Cả Chanh ngóc cổ lên trong tiếng cao xạ ùng oàng, thấy ngay những mảng chấp chới của mái tôn và phên tre ở khu bến tàu đang còn bồng bềnh trên cao, chao qua đảo lại, rơi rất chậm vào những cây nấm khói đến từ dưới bốc lên. Anh vỗ mạnh vào tai, dập tắt tiếng ù váng óc, chợt nghe tiếng còi báo động của thành phố bắt đầu réo khi chẳng ai cần đến nó, từ ọ ọ ọ lên ò ò ò, lên tới ó ó ó, xói vào màng nhĩ.

Tên cảnh sát trước mặt anh bị một chậu cây cảnh trên gác rơi gần trúng đầu, thêm một mớ ngói sụt mái đổ túa xuống lưng. Đất ướt văng tóe lên áo quần hắn, phủ đen lốm đốm. Hắn chống tay nhỏm dậy, đưa tay vuốt một lượt trên gáy, mở to cặp mắt thất thần nhìn bàn tay nhem nhuốc, rên mấy tiếng hừ hừ trong mũi, rồi bỗng co cẳng chạy ào sang bên kia đường, biến mất. Cây dùi cui của hắn còn bị đè dưới đống đất trộn mảnh gốm vỡ của chậu cảnh, với chòm lá lốm đốm đỏ vàng phủ bên trên, cả Chanh nhặt vội tấm bao tải rơi bên cạnh, đâm đầu chạy dọc vỉa hè, kêu hổn hển như người hóa rồ.

- Chết hết, bom dữ quá... trốn đi, trốn...

Anh lao vào một đường hẹp khác, chạy thẳng xuống bờ sông Thị Nại, luồn qua xóm nhà ven sông, rẽ vài ba lần, chnyển sang đi tất tưởi. Ngớt bom rồi, chạy mãi cũng đáng ngờ.

Nửa giờ sau,  anh dừng dưới một cây bàng bên bò sông vắng, gần nhánh đường sắt từ ga xuống bến. Không có ai đuổi theo. Ngồi nép vào gốc cây sần sùi, anh đưa tay quệt trán và mặt bị đất bám đầy.

Phải đợi nhá nhem tối mới đi tiếp được. Coi bộ chưa cần trốn xa. Thằng cảnh sát kia chừng như chỉ chực soát đám phu phen từ cảng đi lên, đoạt lấy hàng ăn cắp hay buôn lậu, mà cái bao tải của anh lại cộm lên với hơn một ki-lô khoai khô. Khi rình bắt “tù quốc sự”, chúng không đứng đường vẫy gọi hú họa kiểu ấy.

Phía bến tàu, những cột khói bom dựng đứng đã tan loãng, lúc này lại hiện thêm một đám khói rất to, đen đặc, thong thả cuộn xoáy tròn như những dăm bào khổng lồ, bay chéo vào phố theo gió biển thổi nhẹ, hòa vào khói bom làm thành một lớp mây mù màu xám pha nâu, mỗi lúc một dày. Đúng là tàu xăng dầu của Nhật bị cháy. Thằng Tây ranh ma thật. Tàu Nhật đi biển ban đêm, gần sáng mới tắt hết đèn ghé vào trốn dưới chân bán đảo Phương Mai, hối hả bốc dỡ. Bọn Tây đã lén báo ngay cho máy bay Mỹ ngoài biển khơi đánh úp rất đúng giờ, đúng chỗ, chẳng cần lượn đảo gì cả. Cứ cái điệu này, thằng Nhật tức hộc máu mồm ắt phải lật nhào thằng Tây thôi. Các anh trên đoán trúng tim đen cả hai thằng rồi...

Còi xe lửa hú ba tiếng ngắn phía bến tàu. Cả Chanh nhận ra ngay tiếng còi khản rè của chiếc đầu máy Cu-cu số 21 chuyên chạy con thoi chở hàng giữa ga và cảng năm xưa do Bảy Tộ lái. Để xem bây giờ ai cầm cương nó... Anh ngồi lùi sâu vào cái hốc giữa hai rễ cây bàng, úp bao tải trùm đầu xuống tận mắt, trông giống những ông lão ăn mày mỗi chiều về ngủ co quắp dưới các gốc cây ven sông.

Chiếc đầu máy hơi nước cỡ nhỏ phì phò đến gần. Đúng nó rồi. Chanh căng mắt xem mặt người lái, trống ngực đập nhanh dần. Anh nhớ tới quãng đường cong này Bảy Tộ thường chạy chậm, ló đầu phía bên trái dòm chừng trẻ con hay bò lạc ngáng đường, tay giật còi từng tiếng rời... Anh suýt reo lên. Hay tuyệt, vẫn y nguyên Bảy Tộ với vệt râu ngắn bằng khúc bàn chải răng in một vệt đen dưới mũi và ngọ nguậy liên miên, trông rất hề. Sau lưng Tộ, một tên lính Nhật đứng dạng chân, một tay níu vào vách sắt, tay kia chống cây súng trường lắp lưỡi lê hình gươm dài thượt.

Bảy Tộ thua Chanh vài tuổi, phục anh dám cãi lại xếp Tây, dám cự mấy thằng mật thám vào lảng vảng trong đề-pô xe lửa. Sau khi anh bị bắt, Tộ liền xin vào thăm  anh trong nhà lao Qui Nhơn, biếu anh ba tờ giấy một đồng mới tinh - hồi ấy bằng gần một tháng tiền cơm trọ. Thấy anh ngần ngừ không nhận.

Tộ nói khẽ và nhanh: “Em mới trúng cơm đen mà!”, tức là cậu ta chuyển được một món thuốc phiện lậu trót lọt, lái xe lửa làm việc này rất dễ. Tộ lùi vài bước, không hiểu nghĩ sao lại chắp tay, cúi đầu vái dài Chanh rất kính cẩn, bị thằng lính gác quất luôn một hèo mây vào lưng và đuổi ra ngay.

Chuỗi toa đã qua hết, trong tiếng lục cục lách cách quen tai còn thêm tiếng va chạm lồng cồng của những thùng phuy rỗng trên toa: chiếc tàu chở dầu Nhật chưa kịp trút hàng đã bốc cháy, xe lửa đi không lại về không. Bọn lính Nhật đứng ngồi rải rác mỗi toa vài đứa, mặt lì lì, áo quần màu vàng đất sét vấy than từng mảng ở mặt trước. Một đứa buộc băng trắng ngang trán như để tang, ngồi úp mặt trên hai đầu gối, hai tay ôm cái đầu cạo trọc, lặng như khối đá.

Toa cuối cùng vừa khuất sau đường vòng thì điện đường cũng bật, những chao đèn phòng thủ sơn đen đủ để lọt xuống đất một quầng sáng vàng bủng, rất hẹp, cách quãng chừng trăm thước mới chừa một ngọn. Các khung cửa sổ đều tối om, dường như mọi nhà trong thành phố đều nhắm mắt nín thở. Chỉ còn một vầng sáng lớn phía bến tàu, ánh đỏ bầm từ dưới hắt lên làm hiện rõ những đám khói cuộn xoáy chậm và đều như bị quấy bằng thìa: chiếc tàu dầu còn cháy.

Cả Chanh lại vắt cái bao tải qua vai, lấy lại dáng đi thất thểu, men theo con đường hẻm không đèn, dò dẫm đi vào xóm nhà lá ven sông.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 01:38:30 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:19:58 pm »

2.

Bẵng đi mấy hôm cấm trại, người lính khố đỏ ấy lại chiều chiều ra bờ biển tập phóng dao như cũ. Đứng trước cổng đồn lính Tây Ga-li-ê-ni nhìn ra biển, chếch mé tay phải có những rặng dừa trồng trước đã lên khá cao và lắm trái. Lũ trẻ con lang thang bán cà-rem cây, đánh giày, đánh phấn mũ, ăn xin và ăn cắp các chợ nữa, đã quen chỗ thường kéo tới coi anh lính làm trò.

Nửa năm trước, khi anh mới đổi về đây và bắt dầu ném dao, đứa nào cũng sợ. Trông bộ tướng  anh dễ khiếp: da đen thui, mắt trắng dã, thân hình rất to ngang và hơi lùn, tóc hớt ca-rê gần trọc, xăm những chữ và hình gì quái gở đầy ngực và hai tay. Thấy anh từ xa đi tới, hai vai lúc lắc như gấu, lũ trẻ đâm đầu chạy và gọi nhau: “Lính Đê đó bay!”. Thứ lính ở đâu trên núi cao ấy về Quy Nhơn ngày càng đông, có người hiền kẻ dữ, nhưng họ nói gì không hiểu được, qua vài ba câu gà lẫn với vịt là họ nổi khùng lao vào đánh lộn.

Dần dà, không thấy  anh rượt đuổi la hét gì, bọn trẻ sán lại làm quen.  Anh ta là người Kinh, nói giọng pha Sài Gòn nhiều, chỉ ra bãi cát tập ném dao và uống rượu, bấy nhiêu thôi. Có hôm anh mang theo một ổ bánh mì to trong túi dết, chỉ cắt một lát nhắm rượu còn chia hết cho trẻ con. Một lần thấy dừa sai quả, anh leo lên chặt cả buồng, cho chúng cả. Mọt tên cảnh sát đạp xe trên đường nhựa thấy thế, vừa thổi còi vừa bước vội tới ghi phạt. Anh lính rút dao găm ra liếc trên bàn tay, xổ một tràng tiếng gì lạ hoắc, chỉ tiếng quát cuối cùng là dễ hiểu: “Xà-lù, cu-soong, phút-lơ-căng”.Tên cảnh sát chạy biến luôn. Anh cười hô hố:

- Tụi bay kêu tao là lính Đê, tao giả làm Đê luôn cho nó kinh cha! Moi cát chôn dừa đi, tối ra lấy, xách đi bây giờ nó chặn đường nắm đầu hết đó.

Từ hôm ấy,  anh có mấy chục đàn em trung thành.

Chiều nay cũng như mọi lần,  anh lừ lừ đi tới giữa đám khán giả chờ sẵn, gật đầu chào mà không nói. Lũ trẻ đúng lệ cũng im lặng dàn thành hình vòng cung. Vài đứa mới dự cuộc lần đầu láu táu lên tiếng, bị số cũ thúc cùi tay đau điếng:

- Câm họng không?  Anh đang bái tổ kia!

- Thấy gì đâu...

- Nhỏ cái miệng! Là ảnh sắp sửa bái tổ. Ngu lắm, người ta đi câu mập, đi săn, hay làm công chuyện gì như ảnh đó, là không được mở miệng. Biết chưa?

- Ờ, ờ...

Người lính móc túi áo lấy ra mảnh giấy báo vẽ sẵn một vòng tròn xộc xệch với một điểm đen ở giữa, ghim nó lên gốc dừa to đầy sẹo bằng mấy cái đinh ghim cài sẵn trêu ngực áo. Lùi lại cách gốc dừa chừng hai chục bước, anh rút trong cái túi dết ra cái bao bằng da trâu dày, bên trên có vòng da để đeo vào thắt lưng như bao dao găm. Nó chứa tới năm con dao thép rất mỏng xếp ép vào nhau như bộ nhíp xe ô tô. Dao của anh không giống một kiểu nào sẵn có: cán và lưỡi liền nhau một thanh thép, lưỡi dài độ một gang hình lá tre nhọn hoắt và bén cả hai cạnh, cán ngắn bằng một phần ba lưỡi và có khoan lỗ ở đầu mút.

Đang đứng, anh chợt nhảy lên, giẫm bịch hai đế giày đinh xuống cát, sụn đầu gối như người đánh võ xuống tấn, hai tay úp giữ bộ dao chắp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng vào bia, anh lẩm nhẩm khấn trong miệng. Không ai nghe được lời khấn, chỉ thỉnh thoảng nhận ra hai tiếng hơi to: “Hích! Hích!”. Lũ trẻ không thấy tức cười như hôm đầu nữa, chỉ rờn rợn ngắm người lính đen như khối than đang làm phép thuật gì đó trước khi giết kẻ thù. Có đứa tái mặt hẳn đi, không dám thở.

Xong, anh đứng xoay người chân trước chân sau, rút ra một lưỡi dao, ném bằng tay phải.

Kiểu ném có khác với gánh hát xiệc của người Chệt hay diễn rong trên các phố.  Anh không cầm mũi dao mà cầm cán để ném, vung tay rất mạnh, con dao rời tay chỉ xoay mũi tới trước một phần tư vòng tròn là cắm phập luôn vào cây. Anh xướng to trước khi ném: “Tay mặt!”. Dao đâm vào mé bên phải của vòng tròn trên giấy. “Tay trái!”. Dao xóc đúng bên trái. Tiếp hai mũi cắm mé trên và mé dưới. Anh dừng lại một chút, thổi nhẹ và xoa ngón tay trên mũi dao cuối cùng như dỗ đành nó, rồi vung dao lên quá đầu, hét to: “Hồng tâm!”. Con dao bay vụt rất mạnh, nghe rõ tiếng vù xé gió, cắm lút vào gốc dừa ngập đến nửa lưỡi, xuyên qua điểm đen chỉ bằng đồng bạc hoa xòe giữa tờ giấy.
Người lính cười khà, rút cái bi-đông sắt tây trong túi dết ra - kiểu bi-đông Pháp có miệng to để rót nước và miệng nhỏ để uống - tu một hơi rượu dài. Lũ trẻ biết đó là lúc cười giỡn xả láng. Chúng đổ xô tới cây dừa, những đứa lớn rướn lên nhổ giúp mấy con dao dễ sợ. Đứa nào cứng tay nhất mới nhổ được con dao hồng tâm. Chúng đã được bày vẽ cách lấy dao thế nào cho khỏi gãy mũi nhọn. Từng đứa đem trả dao, nâng bằng hai tay rất kính cẩn.

- Dạ, anh Năm phóng mạnh quá, em lắc đau tay mới nhổ được đó.

- Nói thiệt chớ, dạ thưa anh Năm, em được cái tài như  anh, em đi hát xiệc đủ nuôi cả nhà...

- Dạ, sao  anh Năm không rèn vài chục lưỡi ném luôn cho thiệt đã thèm? Ném ào ào như súng cối xay mới sướng, anh Năm à!

Anh Năm tu một hơi rượu dài nữa. Mặt vẫn đen nhưng mắt anh bắt đầu chạy những sợi máu đỏ. Anh nói cà rà:

- Tại cha mẹ sinh ra tao thứ năm, gì cũng phải theo số năm hết. Rèn chục lưỡi thì phải đổi tên, cứ để là thằng Năm Phi Đao cho gọn... Giỡn chơi thôi. Nói tụi bay biết, đời tao thù có một thằng thôi. Tao tầm sư học đạo cũng tính giết một mình thằng đó thôi. Phóng năm lưỡi phi đao mà không giết được nó thì tao cũng chết tươi rồi, nó giết lại tao, hay là tao tức hộc máu tao chết không chừng.

- Anh có súng, bắn nó dễ hơn chớ!

- Khờ quá, thằng tửng! Xếp Tây có cho mượn súng về làng đâu mày! Thằng thù đó ở làng. Hạ nó bằng dao là nhứt, đem theo không ai thấy, phóng đi không ai nghe, trúng cuống họng trước thì n chẳng la ó gì được. Số dách, thấy chưa?

Thêm một ngụm nữa, rồi Năm Phi Đao nhét nút bi-đông. Anh chợt thấy một đứa trẻ lạ ngồi khép nép sau lưng mấy đứa lớn.

- Thầy cai nào mới đổi về đây? Lại tao hỏi coi.

Một đứa lớn tranh nói vội:

- Dạ, nó là thằng Cam. Bộ dạng nhát gan như con còng rúc lỗ vậy chớ bỏ nhà đi hoang đó  anh. Nó lì lì cả ngày, tụi em kêu là thằng Câm, hì hì...

- Bay ăn hiếp lắm hay sao mà nó sợ quá vậy?

- Dạ... ờ, cái đó cũng có chút đỉnh, đứa khác chớ không phải em.

- Mày làm gì kiếm ăn, Cam? Móc túi hả?

Thằng bé bị đẩy trước mặt Năm, cúi mặt nói lí nhí. Năm bật một tiếng “hừ” trong mũi:

- Miệng mồm kiểu đó mà dám theo chó hoang mèo lạc! Hèn gì coi mày ốm nhom, xanh lét như ma chết trôi. Sáng giờ có miếng nào chưa?

Cam vẫn đáp lí nhí, lắc đầu. Năm móc trong túi dết ra một khúc bánh mì, thứ làm bột mì thật mà chỉ lính Tây mới được phát. Anh bẻ một miếng cắn nhai luôn, còn lại đưa hết cho Cam:

- Ăn đi nhỏ. Tụi bay phải thương nó, nhường nhịn nó, nghe chưa? Đứa nào ép bức nó thì liệu hồn với tao.

Lũ trẻ chung quanh dạ ran lên. Quanh năm chúng nó quen đánh chửi nhau, ăn nói tục tằn, nhưng trước mặt  anh Năm thì đứa nào cũng lễ phép, ngọt ngào, anh dặn điều gì thì chúng làm theo răm rắp, cả khi anh vắng mặt. Mấy đứa lớn kháo nhau rằng  anh Năm có cái tướng tinh làm đầu nậu, có phép thôi miên hay bùa chài gì đấy, gặp ảnh là trong bụng cứ thấy nể nể sợ sợ. Với lại chúng cũng muốn dựa thế của anh để bọn lớn và khỏe, thường nhảy ra làm đầu nậu thu thuế trẻ con, không dám làm quá tay. Nếu anh mãn lính, chịu làm ông trùm của đám trẻ không cửa không nhà, ôi chao, mấy trăm đứa trẻ sẵn sàng góp tiền nuôi anh sướng bằng ông vua Bảo Đại!

Trong khi thằng Cam gặm nhai ngấu nghiến khúc bánh mì, Năm Phi Đao sửa soạn tập ném dao bằng tay trái. Lũ trẻ dạt ra thành hình cánh cung như cũ. Anh Năm nói nhỏ xin lỗi:

- Tao phóng tay trái tồi lắm, đừng cười nghen.

Hai lưỡi dao ném tay trái không cắn đúng mép vòng tròn như trước.  Anh co tay sắp ném lần thứ ba, chợt nghe tiếng kêu “úi!”. Thằng Cam thả rơi khúc bánh mì xuống cát, mắt trô trố ngó phía sau lưng Năm, mặt nhợt đi. Nó há miệng định nói gì, nhưng cặp môi run chỉ mấp máy mà không thốt ra lời.

Năm quay nhìn đằng sau. Chẳng thấy ai. Chỉ có hai bóng người mặc quần Âu, sơ-mi trắng, một cao một thấp, đang rời đường nhựa đi xuống bãi cát. Họ bước thong thả và nói chuyện với nhau, gầu đúng hướng anh đứng nhưng không có vẻ muốn ghé lại xem. Thằng Cam bỗng chồm dậy, đâm đầu chạy rất nhanh vào đám dừa mới trồng sau, xòe lá lòa xòa sát đất, biến mất.

- Thằng nhỏ sợ gì vậy, tụi bây? Đứa nào dọa nó hả?

Lũ trẻ cũng ngạc nhiên như  anh. Một đứa rụt rè:

- Chắc là tánh nó khùng khùng,  anh Năm à...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:24:38 pm »

*
*     *

Hai người trẻ tuổi đi cách nhóm ném dao hơn chục thước, chỉ liếc nhìn thờ ơ, nói tiếp chuyện của họ vừa đủ nghe trong tiếng sóng biển vỗ gần.

- Toa cắm đầu học Luật, học giỏi nữa, cái đó tụi moa bái phục. Có điều học ra toa làm gì? Toa hay chửi bọn quan Nam Triều ăn tiền như cá đớp cứt, vậy toa có vô trường Hậu bổ để ra tri huyện không? Hay là làm trạng sư? Ở nước mình bây giờ, nói một câu phải lẽ tụi Tây không bắt Nhật cũng nắm đầu, toa cãi cho ai nghe?

Người thấp nhỏ nói hăng, đấm nắm tay phải vào lòng bàn tay trái để chấm câu. Người bên cạnh cao hơn hẳn một đầu, khoanh tay trước ngực, im lặng nghe. Cặp chân dài của anh đếm bước rất chậm mà bạn anh phải đi gấp mới theo kịp.

- Vậy đó Khánh.... moa thấy Khánh là người có tài có đức mới nói thiệt tình... Cái Chương trình Việt Minh với mấy tờ báo đó, Khánh đọc cho kỹ. Còn giờ thì moa cho mượn thêm cuốn Principes du léninisme của Xta-lin, viết gọn mà sắc sảo lắm.

- Cậu mới kiếm được thứ đó à?

- Mấy anh bên Pa-ri gởi về hồi Mặt trận Bình dân, chuyển lần lần tới moa. Về sau moa phải chôn kỹ, mà chọn vườn khác chớ không chôn vườn nhà moa khi soát nhà tụi mật thám xăm miết mà không đụng. Hà hà... giữa thời buổi đảo điên này, chong đèn khuya đọc sách chính trị, tìm câu trả lời cho trăm ngàn dấu hỏi đang bò chồng chất trong óc như bầy đỉa đói, cần lắm chớ!

Mặt trời gần khuất hẳn sau đường chân trời gẫy khớp của dãy mái nhà dọc bờ biển. Sóng đánh mạnh hơn trên mặt biển đã ngả sang màu chì, điểm thưa thớt vài cánh buồm về muộn.

Họ quay lên phía đường nhựa vừa lên đèn phòng thủ. Người thấp nhỏ trầm ngâm một lát, chợt bật cười:

- Toa vẫn đáng mặt huynh trưởng Hướng Đạo như xưa. Chín chắn, mẫn mực, không uống rượu hút thuốc, không nói chen tiếng Pháp, ít nhiều misogyne trong khi các ả mê lăn lóc. Đẹp zai, nhà zàu, học ziỏi, cầm kỳ thi họa đều zu zương số zách! Các nàng bốc như lửa, chàng cứ lạnh như nước đá. Cô nào tới gặp moa đều giả bộ vồ vập vài câu đầu lưỡi, tiếp đó hỏi toàn chuyện  anh Khánh, anh Hai Khánh, anh Hăng-ri Khánh. Thằng Tư Tuyển biến ra cái ghế cho các cô bước chân lên, cố với tay đến thần tượng đặt cao trên đầu tủ. Cái hồi toa đang học thi mà cứ đoạt cái cúp bơi lội học sinh Trung Kỳ, úi chà chà...

Hai Khánh cười to, xua tay:

- Cho qua, cho qua... Tay Việt Minh tới thuyết minh ở Hà Nội đó, cậu thấy nên tin hắn không?

Người bạn nghiêm giọng lại:

- Bọn A.B1 bây giờ xuống nước hung, vậy chớ đôi thằng túng tiền còn làm chó kiếm ăn. Còn bọn Đệ Tử “số dách cách miệng” đang được Pháp cưng ghê gớm, đừng nghe mà lầm. Toa nhờ mấy đứa bạn thân trong sinh viên hỏi dò tung tích hắn ta thử coi, hễ thấy đứng đắn thì bắt liên lạc. Việt Minh lên mạnh lắm, đâu đâu cũng có. Tụi áp-phe bắt đầu in phiếu giả để quyên tiền cho Việt Minh rồi đó, người ta mắc lừa nhiều. Một cha thông ngôn trong tòa Sứ cho moa coi một tờ, cha đó quyên ba chục lấy cái bùa hộ mạng!

Tuyển liếc ngược lên dò nét mặt Khánh và tiếp:

- Với lại... Tây cũng ít nghi ngờ con trai ông phủ Đỉnh có thể theo Việt Minh. Bốc trúng một thằng A.B, hạng mình thì tù mọt xương, còn toa có sẵn ông già tháo gỡ cho...

Khánh dừng phắt lại, giọng đanh hẳn:

- Cậu đừng nói bậy. Mình chịu lấy họ ông phủ Đỉnh vì thương mẹ mình phải đi bước nữa, chịu làm vợ lẽ ông ta, chứ thật ra mình... mình rất khinh cái lão dê xồm mà mình phải gọi bằng ba ấy. Lão ấy lấy mẹ mình để đào mỏ, mẹ mình lấy lão để thoát thân phận góa bụa, chẳng ai thương yêu ai hết. Lão tới ba vợ, còn cả mớ nhân tình với con hoang nữa, mình là cái thớ gì mà hòng dựa vào lão... Được rồi, mình sẽ suy nghĩ thêm về lời khuyên của cậu. Cứ yên trí thằng này có gan làm, có gan chịu. Cậu tin mình chứ?

Khi nổi nóng, Khánh nói hẳn giọng Hà Nội. Mỗi khi về quê, anh cố gò cho giọng mình gần giống mọi người để khỏi bị chê là mất gốc. Tuyển nắm cổ tay Khánh, bóp mạnh:

- Xin lỗi, xin lỗi. Moa cứ tưởng ông Phủ không có con trai chắc quý toa lắm. Moa tin Khánh, rất rất tin. Khánh surhomme. Khánh superman. Khánh siêu nhân của trường Khải Định năm xưa kia mà! Vấn đề đối với Khánh bây giờ không phải dám hay không dám hành động, mà là chọn lý tưởng nào để hiến thân vậy thôi... Ôi chao, trễ quá rồi. Vợ moa bắt lùng mua xà-bông thơm chợ đen về tắm cho con, không kịp nữa rồi, về nhà lại phải nghĩ ra đôi lời phủ dụ cho yên lòng dân chúng. Ô-voa nghe!

Khánh nhìn theo Tư Tuyển đi gấp dưới quầng sáng vàng vọt của điện đường, kéo theo cái bóng cũng xổng xểnh và tất tưởi như tính nết anh ta. Một người tốt bụng, thật thà nhưng cuộc đời là một chuỗi chu kỳ bốc đồng và vấp ngã, nay là anh giáo dạy tư. Cậu ta đang bốc với Việt Minh đây, nhưng xem ra chưa hiểu gì nhiều về phong trào này.

Chưa nghe tên một danh nhân nào cầm đầu Việt Minh cả. Ông Nguyễn Ái Quốc đã chết trong nhà tù Ăng-lê, tiếc thật. Các bạn sinh viên nhắc loáng thoáng tới ông cụ Hồ Chí Minh nào không rõ, tên rất lạ tai. Kể về táo bạo hẳn là họ có thừa. Chẳng táo bạo mà lại dám hô hào “đánh Tây đuổi Nhật” giữa lúc Pháp vừa thu hồi bờ cõi và thuộc địa, Nhật đang làm chủ khắp Đại Đông Á! Để xem ông giáo dạy tư đang lo vợ mắng kia sẽ ra tay “đánh Tây đuổi Nhật” thế nào cho biết!

Khánh bật cười thành tiếng với ý nghĩ ấy, lững thững đi theo đường Khải Định về phố Gia Long. Một bóng con gái từ sau trụ đen bước tới thì thào: “Em có buồng riêng kín đáo lắm, mời thầy...” Hiện ra một khuôn mặt trẻ nhưng rất gầy, trát bự phấn sáp. Hai má hõm sâu. Chiếc áo dài vải hoa hẳn được may vào thời béo tốt, nay xếp nhiều nếp nhăn trên ngực và chung quanh cái cổ ngẳng nổi cả chùm gân. Mùi nước hoa bốc hăng hắc, không thơm. Cô gái điếm bám sát bên anh: “Dạ, em con nhà tử tế, không phải như họ. Hoàn cảnh mẹ già em dại anh à...”.  Anh thoáng nhớ một nhân vật đứng đắn trong truyện của Lê Văn Trương đã trả lời cô gái nhảy cứ sấn vào mình: “Thưa cô, tôi liệt dương!”. Độc miệng thật... Khánh moi hết mớ hào lẻ trong túi quần, ước chừng được một đồng, dừng lại:

- Tôi biếu cô uống nước. Thôi nhé, đừng theo mất công.

- Dạ, cảm ơn thầy nhiều.

Một ông già ăn xin ngồi trên vỉa hè trông thấy cảnh ấy, bước ra nhanh, ngửa nón rên rỉ:

- Thầy thương thì thương cho khắp. Mấy cô đó xài tiền như nước, thân già như con lạy xin thầy lấy lưng chén cháo thôi...

Ăn mày trong này nói năng thật thà, không đọc thuộc lòng những bài dài đủ vần điệu như ăn mày ngoài Bắc. Khánh cố lục các túi. Hết nhẵn cả xu lẻ. Chỉ còn cái khăn mùi xoa của Duyên tặng, không cho được. Anh nói vội: “Hết sạch rồi bác!”, bỏ đi sải chân, vẫn nghe tiếng chửi lầu bầu của ông lão ném theo.


----------------------------------------------------------
1. Anti-bolchévik (Tay sai chống cộng sản của Pháp)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:26:06 pm »

Tiệm buôn vải của bà Lợi Thịnh trước kia lọt thỏm trong đường vắng, nhờ ông phủ Đỉnh về Qui Nhơn chạy chọt thu xếp mới ngoi ra được giữa phố Gia Long, cái phố buôn bán tấp nập nhất và được sửa sang nhiều nhất. Từ ngày Nhật sang, hàng vải khan hiếm và lên giá vòn vọt, bà Lợi Thịnh chỉ dám bán nhỏ giọt những xúc vải tích trữ trước chiến tranh, ngả sang buôn thêm tạp hóa, lãi ít hơn nhưng bán đi còn mua lại được.

Vừa thấy Khánh nhô ra dưới ánh điện, cô em gái buông tập kiếm hiệp xuống quầy, gọi toáng vào nhà trong:

- Me, me ơi, anh Hai về, ảnh về đây nè!

Bà Lợi Thịnh bước vội ra, tay cầm khăn lau:

- Đâu, đâu... Thời buổi tàu bay tàu lặn mà con cứ dông dài, me ở nhà không làm ăn gì được...

- Me lạ chưa, con mới đi từ trưa tới tối!

- Ờ, thôi, tính nết me vậy đó... Con Ba bưng nồi bồ câu ra, để me bày bàn. Anh chúng mày hai ngày nữa lên tàu rồi.  Anh nhớ cô nào Hà Nội chớ đâu có nhớ mẹ con mình. Đường sá trục trặc, bom đạn rầm rầm...

Đến lượt cô Tư phát gắt với mẹ:

- Kỳ cục không, ảnh đi xa mà me nói toàn chuyện rủi!

- Ờ, thôi, thôi... Vào ăn cho nóng đi con. Cả nhà ăn hết rồi. Me múc sẵn thau nước bên bếp đó, rửa cái cho mát.

Bà Lợi Thịnh ngồi trước mặt Khánh, múc từng muôi bồ câu hầm hạt sen mộc nhĩ đổ vào bát anh, giục anh ăn và kể chuyện không ngớt bằng giọng Bắc pha một nửa Bình Định. Khánh nhai thong thả, nghĩ nói nhiều có phải là tật về già không nhỉ? Me mới bốn mươi ba, tuổi Dần, đến tết vừa rồi được bốn mươi bốn tuổi ta. Trông me còn trẻ hơn tuổi... Xem tập an bom của me hồi còn là cô Thịnh phố Phe-ry, quả là giai nhân tuyệt sắc. Mấy ông dập dìu ngày xưa nay đến chơi còn nhắc tên những người nộp đơn nhà cô Thịnh, có cả phó sứ Pháp và tuần vũ góa vợ. Ba mình chỉ là anh thư ký nhà Đoan, được chọn nhờ đẹp trai và ngón đàn vi-ô-lông. Ba thụt két, đi tù, chết bệnh lao phổi. Lão phủ Đỉnh quay về với me, lão xấu xí đến phát tởm.

Câu chuyện của bà Lợi Thịnh nhảy sang vụ trộm năm ngoái. Ông cậu làm ở tòa án chỉ nghi thằng Cam mở cổng sau cho trộm vào bê mất hòm xà-bông Mạc-xây với một súc vải nội hóa. Khánh giật mình:

- Thằng Cam nào? Con ông Tư Chua ở Linh Lâm phải không me?

- Nó đấy. Ông phủ đem nó vào đây cho me sai vặt, trả ông Chua hai chục đồng. Nó đến đầu năm, mới bốn tháng nhà mình bị ăn trộm. Me cũng chẳng biết nó mở cổng sau hay là ăn trộm cạy khóa, mà cậu con cứ đoán chắc là thằng Cam thông đồng, ổng nhốt nó trong buồng tắm, đánh ghê quá, tối nào cũng như đòn mật thám, cả nhà bỏ cơm hết. Đánh riết ba buổi tối, me chịu không nổi lén thả nó ra, ngó qua ngó lại nó đã trốn mất tăm, không về nữa…

Khánh nhớ ngay thằng bé hồi chiều bỗng vọt chạy khỏi đám trẻ con xem ném dao. Nó gầy ngẳng, đầu trọc, cao hơn hồi giữ ngựa ở ấp ông phủ. Đúng thằng Cam đang trốn đi hoang. Nó sợ mình là phải. Biết đâu mình không túm bắt nó lôi về, để cậu mình tra tấn đến chết. Có luật lệ nào bênh vực một đứa trẻ ở mướn đâu. Đánh chết thì chôn, trả thêm cho cha mẹ nó vài chục bạc là xong. Mình học luật cũng không bênh được nó. Bênh nó thì mẹ mình, cậu mình ra tòa, và tòa cũng chỉ xử trắng án!

Khánh đẩy bát bồ câu hầm ra, buông đũa, rót nửa cốc rượu canh-ki-na Con Mèo uống cạn, lầm lì bước xuống bếp. Bà Lợi Thịnh gọi giật:
- Em con nó bưng thau nước lên đây rồi mà!

Vừa lúc ấy, trên đầu Khánh bỗng dậy lên tiếng xô đẩy bàn ghế ồn ào cùng nhiều tiếng cười gái trai lẫn lộn. Tiếp tới một cây đàn vi-ô-lông bắt đầu kéo bài “Buồn tàn thu” của Phạm Duy đang là thời thượng. Khánh dỏng tai nghe và cau mày. Bà Lợi Thịnh cầm sẵn khăn mặt đứng bên  anh, thì thào:

- Mấy hôm nay thằng Chương rủ bạn về cầu cơ hoài. Nó nói cô Mai Linh tiên nữ giáng cho thơ, nhiều bài hay lắm. Chẳng học hành gì hết. Con nói với nó một tiếng...

Rô-be Chương là em cùng cha cùng mẹ của Khánh mới mười lăm tuổi mà đã thích làm trò nghệ sĩ, học như ả chơi trăng. Khánh lắc đầu chán ngán.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:30:42 pm »

3.

Tiếng còi báo yên vẳng đến từ xa. Chị vợ Bảy Tộ rướn mình lách qua cửa hầm hẹp, hai tay bồng nách hai đứa con đẻ sinh đôi, nặng nhọc leo từng bậc. Bảy Tộ với ông khách ngồi bên bếp lửa vẫn say chuyện, quên hết tàu bay và trẻ con. Chị tức sôi lên, muốn gào thật to cho cả xóm biết cái cảnh khốn khổ của chị. Rốt cuộc, chị lặng im đặt hai con xuống chõng cho chúng nó ngủ, chui xuống hầm xốc đứa nhỏ đầu lòng lên, trút cơn giận vào bàn chân đá mạnh cái thùng bên lối đi. Họ vẫn không quay đầu lại.

Bảy Tộ hoa tay, nói khẽ nhưng vệt râu mép ngắn và đậm đen cứ nhảy thon thót:

- Lão cai Tống thay  anh làm vi-dít-tơ, bị chửi kinh khủng. Rù rờ một cây mà. Cũng xách búa đi gõ như anh mà có biết hư nên cái chó gì đâu. Lão phân bua với anh em: “Thằng Chanh con nhà thợ rèn, đẻ nằm nôi đã nghe tiếng búa, tôi bì sao được với nó!” Thằng Chẩn vặn luôn: “Vậy sao bác lập-bô cho họ bắt mất anh Chanh?”. Lão chối lia lịa, chẳng ai tin. À mà thằng Ghi-ôm-mê, thằng kỹ sư đề-pô đó, coi bộ nó về phe Đờ Gôn anh ơi. Có lần nó chửi lão cai Tống một hơi dài, bỏ đi, thằng Bảy thông ngôn dịch lại cho tụi em: “Thà rằng mày theo cộng sản mà giỏi tay nghề như thằng Chanh, tao cứ coi trọng, chớ mày làm chỉ điểm cho Nhà nước mà dốt đặc như con heo, tao đuổi”. Anh em sướng lỗ tai quá… 1

Cả Chanh cười nhẹ:

- Ngoài cai Tống ra, còn ai chỉ chọt nữa không?

- Dạ. Không đâu anh. Đứa nào thèm cũng sợ. Làm cho Tây sợ Nhật bắt, cho Nhật sợ Tây bắt. Làm cho cả hai thì sợ bị đẩy vô đường ray xe lửa, tà-vẹt rớt xuống đầu, dây điện quấn vô chân, hà hà... Hạng chót như em, vậy chớ đứa nào đi hót nhà Đoan lên khám đầu máy của em tìm cơm đen, em cho xe kẹp không kịp trối vái. Thiếu gì cớ,  anh cả!

Chai rượu lậu và đĩa tôm khô đã vơi chừng hai phần ba, hầu như một mình Bảy Tộ nhắm và uống.

Cả Chanh chỉ nhấp trà, cạn bình lại châm thêm nước sôi trong ấm đặt trên bếp. Khuya rồi, quanh xóm im ắng cả, họ cứ dông dài hoài hoài.

Chị vợ Bảy Tộ cố chợp mắt một lát để tới gà gáy đầu dậy làm hàng. Chị bán bún bò với bánh canh, thuê con nhỏ nhà bên giữ ba đứa con. Trằn trọc mãi không ngủ được, chị nhỏm dậy vấn tóc, nhìn kỹ lại ông khách lạ. Không phải bạn cùng sở với anh Bảy, chị quen họ cả bởi sáng nào cũng bán hàng trước ga. Cũng chẳng phải tay buôn lậu nào thậm thụt đến nhà, dân buôn ít hỏi về nghề thợ xe lửa.

Chị cố nghe những câu lổn nhổn tiếng Tây trong khi ngắm ông khách. Trán cao, lông mày nét mác, mắt hơi xếch. Râu thưa lởm chởm quanh miệng. Tóc cắt vụng bằng kéo hiện những tầng ong xếp lớp. Da sạm như người miền ngược mới về. Anh Cả, anh Cả Chanh, là ai vậy? Bà con anh Bảy ở nhà quê ra... chắc ảnh nói phỉnh thôi, bà con gì mà nói giọng tỉnh khác... Chị ngả lưng xuống và lịm đi lúc nào không biết.
Một bàn tay vỗ mãi vào vai chị. Chị chớp mắt khá lâu mới tỉnh, vừa nghe tiếng gà gáy râm ran. Bảy Tộ đứng bên giường, gọi chị dậy nổi lửa làm hàng.

- Ông kia... đâu rồi  anh?

- Đi rồi. Xuống đò dọc về quê rồi.

- Hứ, tưởng tôi ngu... Ai đó nói thiệt coi.

Bảy Tộ ngồi xuống sát bên chị, thở ra mùi rượu nhưng vẻ mặt vẫn vui và trịnh trọng:

- Thì nói thiệt đây nè. Anh là cộng sản, trốn tù về. Anh tin tôi, thương tôi, mới ghé thăm nhà mình chốc lát đó. Liệu mà giữ miệng mồm.

Cộng sản, tù cộng sản... Chị bỗng quờ tay sang phía hai đứa con trai sinh đôi như bom sắp rớt xuống đầu, rên rỉ:

- Anh không kể gì nhà cửa, cũng phải thương con với chớ. Bắt bớ lung tung vậy...

- Tôi đưa ảnh đi chỗ khác rồi. Nghe dặn kỹ đây hồi nào ảnh tới hỏi tôi thì phải đưa ảnh vô buồng trong, nói cặn kẽ, ảnh muốn nghỉ lại thì phải xếp chỗ thiệt kín, cơm bưng nước rót đàng hoàng, nghe chưa?

- Sợ quá đi...

- Sợ hả? Thì chạy luôn tới sở mật thám, khai là thằng Bảy Tộ nó dắt cộng sản vô nhà, vợ chẳng dính dáng tới chồng. Tiền thưởng cũng khá đó... Anh là ân nhơn của tôi, biết chưa? Hồi đó tôi nhậu nhẹt đôi chén, cãi lại xếp Tây chút xíu nữa bị đuổi, ảnh đứng ra rủ anh em kêu kiện riết, tôi mới khỏi mất việc. Người ta làm ơn cho mình mà mình lánh né, thà làm con chó kiếm cứt mà ăn!

Chị Bảy lặng lẽ xuống bếp, nhen lửa, bắc nồi nước chan lên hâm, quay sang soạn gánh. Hồi lâu chị mới buông lơ lửng:

- Cũng phải nói cho rành ảnh ăn uống ra sao, có cần têm trầu mời thuốc gì không, hay là ưa rượu như anh...

Bảy Tộ đã nằm vật xuống thay chỗ chị, ngáp dài, nhắm mắt, nói lúng búng.

- Miễn đi, khỏi... Anh đâu phải là hạng tụi này...

Anh ngủ tít luôn. Chị vợ đẩy củi vào bếp, vẫn băn khoăn: không cùng một hạng với chồng thì phải tiếp đón sao đây, trọng vọng hơn hay sơ sài hơn?

Trong khi ấy, Cả Chanh cũng đang ngả lưng xuống giường, thay chỗ cô con gái rượu của ông Hai Rề.


----------------------------------------------------------
1. Tiếng Pháp chuyên dùng; Visiteur: thợ khám xe. Rapport: cáo báo. Dépôt: nhà chứa xe.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:35:58 pm »

Tên cúng cơm ông Hai là gì chẳng ai biết, người quen thường gọi theo tên con là ông Thùy, anh em trong xưởng lại đặt cho ông là Hai Rề, kêu riết cũng quen tai. Tính ông hơi rề rà một chút cùng có, nhưng cái chính là ông làm nghề rề-pa-ra-tơ1 rất cực nhọc đã hết một đời thợ mà không được đổi.

Qua hơn năm năm mà ông thợ già vẫn nhớ ám hiệu gõ cửa của Chanh: ba tiếng rời, hai tiếng gấp. Sau lần gõ thứ hai, ông đã lên tiếng trong nhà, tỉnh như chưa hề ngủ:

- Ai rứa?

- Dạ cháu. Thằng Cả vi-dít-tơ đây.

Ông lặng lẽ mở cửa mà không thắp đèn. Đóng cửa, gài cây ngáng xong, ông mới nắm bắp tay Chanh lắc thật mạnh như thử sức, rồi bằng giọng Quảng Nam đặc sệt:

- Chú về có giấy tờ ghi không?

- Có giấy, cháu đã khỏi đi đêm!

- Liên lạc với ai chưa? Ai dẫn chú?

- Cháu ghé Bảy Tộ hồi mới tối, hỏi thăm nhiều. Nó dắt cháu băng lên khỏi xóm Ga, cháu chia tay giữa đường, đổi hướng, vòng tới đây một mình.

- Rứa là được. Tây mới gởi trát về, treo tiền thưởng bắt chú.

Ông Hai Rề vốn ít nói. Ông thắp cây đèn dầu nhỏ ngọn, đưa Chanh xuống rửa bằng lu nước mưa để dành nấu cơm cạnh bếp. Ông kỹ tính đến cái độ khách vất mẩu thuốc lá vào góc nhà, ông đi nhặt bỏ vào đúng chỗ ngay trước mặt khách. Chanh quay vào thì nơi nằm đã xếp xong. Cô Thùy con gái đầu lòng ra ngủ gian ngoài với hai em, nhường buồng và giường cho anh. Rất áy náy nhưng biết nết chủ nhà, anh chỉ cười nhẹ:

- Cung kính bất như phụng mệnh, xin tùy bác!

- Ừ, ngủ đã. Vừa may sáng mai tôi nghỉ, mặc sức ta bàn tính. Có động thì thoát như cũ.

Ông chỉ lên đầu vách xây hở, cách mái nhà vừa một người nằm sấp lách qua. Ông nhặt cái bao tải đựng nắm khoai khô, đôi guốc xuồng mà ông tự đẽo bằng gỗ mộc, cầm đèn bước ra ngoài. Đầu ông vẫn ngửa ngửa ra phía sau do cái tật riêng của thợ rề-pa-ra-tơ, quanh năm đứng dưới hố ngửa cổ lên mà sửa dưới gầm các toa xe lửa.

*
*    *

Mãi mấy ngày sau thằng Cam mới trở lại chỗ Năm Phi Đao. Nó đói quá đâm liều. Đói đến loạng choạng lảo đảo, đi không vững, ngủ không yên, ngó trời đất thấy vàng khè. Lảng vảng chung quanh cái chợ xép xóm Động hay những chỗ kéo lưới trên bãi vắng, nó gặm những đầu củ sắn xơ cứng, nướng mấy con ba khia bỏ lại trong đám rong giũ lưới, lượm nhai mớ chân cua luộc để hít lấy nước, về sau nó nuốt luôn cả bã sắn và bã cua.

Dạo này giáp hạt, người ăn xin và ăn cắp túa ra đầy các ngõ ngách. Thằng Cam không dám ăn cắp, chỉ nghĩ đến những đêm tra tấn trong tiệm bà Lợi Thịnh là đủ cho nó lạnh run. Nó cũng không biết ăn xin. Lũ trẻ trạc tuổi nó và nhỏ hơn nó xin xỏ rất tài. Vừa vật lộn rầm rầm trên bãi đấy, chúng đã đi cà nhắc thọt chân, chìa bàn tay quấn giẻ, kêu thảm thiết: “Lạy ông đi qua lạy bà đi lại, cha mẹ con chết bom tan xác, ông bà thương con què cụt chẳng có ai nuôi...”. Cam chỉ biết nép vào góc vắng, chìa ra một bàn tay run rẩy, nói lí nhí: “Con đói quá, con xin một xu...” Các bà buôn bán ở chợ ít ngại những đứa ồn ào và quen mặt, mỗi ngày họ cho mỗi đứa tí chút là xong. Họ nghi thằng nhỏ lầm lì kia hơn, xin không cần được, con mắt lấm lét, chui rúc chỗ khuất, đúng là đứa chuyên nghề đá cá lăn dưa!

Nhác thấy thằng Cam ngồi nép sau lưng lũ trẻ. Năm Phi Đao đã vẫy nó tới gần:

- Đói muốn gục rồi hả? Đúng, mày là thằng Câm, thằng khùng. Ăn đi nè!

Vừa trông thấy khúc bánh mì, Cam đã nuốt nước bọt dồn dập. Nó cắn nhai vội vã đến nỗi mắc nghẹn, trợn cả mắt. Anh Năm vỗ vào gáy nó, hệt các bà mẹ chữa phép khi con bị nghẹn:

- Xuội, xuội, xuội.. Đây không có nước, mày không uống được rượu đâu, ăn rài rài chớ.

Cuối buổi, lũ trẻ lại dạ ran khi anh dặn chúng kiếm được gì ăn phải chia cho thằng Cam.

Tới chiều hôm sau, Năm Phi Đao không tập ném dao mà kéo Cam đi theo mình ra chỗ vắng. Anh bắt đầu thương nó như một người to khỏe thương con chim trên tổ rớt xuống, chỉ biết há mỏ và rung đầu đòi ăn. Cam cũng bắt đầu chịu sức hút của tảng đá nam châm đen thui và lởm chởm là người lính khố đỏ.

- Mở miệng to tao nghe. Ai ăn thịt mày mà run như đứa kinh phong vậy! Nhà mày ở đâu ?

- Dạ...em không có nhà.

-Tía má mày đâu ? Mày nói giọng Quảng, ở Quảng Nam vô hả ?

Cam nín lặng một lát bỗng nói dồn dập:

- Em ở Quảng Nam vô đây ở mướn. Họ nghi em ăn trộm, đánh quá chừng, em phải trốn. Cha mẹ em ở hết ngoài đó, em muốn về ngoải lắm. Anh Năm làm sao cho em về, em lạy anh Năm...

Nó khóc nấc lên, cố nín, lại bật hu hu to hơn. Năm cuống quýt lục trong túi dết, ném ra cát một cái tẩu hút thuốc, ba vỏ đạn, miếng giẻ lau súng nhem nhuốc.

- Không có thứ gì ăn, thôi mày nhấp chút rượu cho khỏe. Không chịu nổi hả ? Đi với tao.

Anh đưa nó lên đường nhựa, thẳng tới một gánh cháo tôm cua đặt trên vỉa hè. Bà hàng thoáng thấy thấy bóng áo ka -ki đã vơ đòn gánh chực chạy. Anh khoát tay:

- Khỏi, khỏi. Nhiêu một tô, bà?

Anh moi túi sau lấy ra mấy hào lẻ, những đồng hào bằng sắt mạ kền ra đời trong chiến tranh thay hào bạc thật, ném xuống mẹt.

- Thằng nhỏ hai tô cháo hai cắc, tôi một cắc chả mực. Tương ớt nhiều vô bà.

Anh tu từng hơi trong bi đông, thỉnh thoảng gắp mật miếng chả bỏ vào tô cháo nóng mà Cam húp sì sụp. Mồ hôi vã đầy mặt nó. Thỉnh thoảng nó ngước nhìn lên, cái sướng cái ngon làm sáng cả bộ mặt gầy hóp. Nó thổi, nuốt, thở phì phò bằng mũi.

- Ăn chậm chậm, phỏng miệng đó nhỏ. Tao đói nhiều phen rồi, mà tao không khờ như mày đâu. Phải biết bốc hốt mà nhét vô bụng chớ!

Lát sau, bên gốc dừa thấp,  anh tròn mắt khi nghe Cam nói nó ở làng Linh Lâm:

- Ủa, mày con ai ở Linh Lâm? Ông Chua nào? Tư Chua thợ rèn ở Xóm Mới à? Hóa ra mày là em Cả Chanh chớ sao?

Đến lượt Cam sửng sốt khi nghe người lính nói giọng Sè-goòng lạ tai kia kể từng tên một. Nó mừng quá đỗi:

- Anh Năm cũng ở Linh Lâm à? Anh quen cha em, quen anh Cả?

Người lính dốc ngược bình rượu, uống hớp cuối cùng ngồi thần mặt ra hồi lâu. Rồi anh đứng dậy, nói thong thả:

- Ừ, tao ở Linh Lâm, tao quen nhà mày... Để mai kia đã... Hỏi thiệt, mày có muốn làm em nuôi tao không, Cam?

- Dạ muốn, em muốn quá đi anh Năm!

- Tao bớt mỗi ngày một xị rượu, tao nuôi mày. Tao còn sống là mày còn sống. Chiều mai mày đừng ra chỗ phóng dao nữa, đợi tao chỗ Giê-đô... là chỗ cái hồ có vòi nước phun ngược đó. Mai nghe... Chào ồi, cuộc đời chó đẻ! Quá ư chó đẻ!

Anh bỏ đi về cổng trại lính, hai vai lắc như vai gấu. Cam đứng ngẩn nhìn theo, không hiểu gì cả và hơi sờ sợ. Đi một quãng xa nó mới nhớ lời anh Năm hứa nhận nó làm em nuôi, bớt rượu để nuôi nó. Người ta chỉ nuôi trẻ con làm đứa ở chăn trâu hay sai vặt thôi. Ảnh là lính trong đồn, cần gì đứa ở? Chắc là ảnh say. Có người say hung dữ, cũng có người say lại ưa chọc ghẹo, ba lơn cười chơi... Tim nó đập vui chỉ mấy phút, đã thấy nhoi nhói đâu trong người. Nó ứa nước mắt lặng lẽ.

----------------------------------------------------------------
1. Tiếng Pháp: Réparateur: thợ xe lửa.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:42:32 pm »

*
*    *

Mưa trút từng cơn từ nền mây xám đen như khói tàu dầu bốc cháy. Gió đổi chiều không ngớt, khi thổi phía Phương Mai vào, khi mé Gành Ráng thổi ra. Cái vòi phun vẫn xịt nước lên trời một cách đần độn, nước của nó tạt xuống chỉ làm cho những ai qua lại đầu phố Khải Định cố vòng xa né tránh và chửi lầm bầm.

Thằng Cam ngồi lì trên mép hồ xây xi-măng, phía vòi phun không tưới nước. Có lúc lạnh quá, nó chạy xuống bãi cát, chui vào cái miếu nhỏ dưới gốc cây tra già cho đỡ ướt. Miếu này thờ cá ông voi hay ăn mày chết giờ thiêng, mỗi người nói một phách. Nó không cần biết, chỉ nhớ những chùm trái tra non nó hái ăn khi quá đói, chát đến rát lưỡi khô họng. Ăn xong ngủ luôn trong miếu, chỗ góc tường khuất. Khát nước thì ra uống thứ nước lờ lợ trong hồ.

Chỗ ngã ba này đông người qua lại, lâu nay nó tránh đến ban ngày. Hôm nay thì khác, anh Năm dặn nó đợi ở đây. Núp lâu trong miếu, sợ ảnh tới tìm không thấy, ảnh giận bỏ về. Nó chỉ cởi quần đùi với áo ba lỗ, vắt ráo nước, lại ra ngồi chực hồ. Mỗi bóng người đi tới đều làm nó phập phồng, nhưng tất cả đều đi thẳng, chẳng ai để ý tới cái bóng nhỏ ngồi co ro dưới mưa.

- Tội nghiệp, ướt hết hả em?

Cam chồm dậy. Anh Năm đứng sau lưng nó lúc nào không hay. Anh choàng cái tơi lá, đội nón lá, mặc quần đùi và đi chân trần như dân cày dạo coi ruộng, nửa trên vẫn mặc áo lính và đeo túi dết.

- Coi có chỗ nào khô ráo, ta ghé vô.

Cam nắm tay anh kéo thẳng về phía miếu. Anh bỏ tơi nón, cười khà:

- Cái thằng, coi khờ khờ mà hóa ra thổ công thổ địa! Chẳng uổng công anh Năm nhờ người ta sắm đồ bảnh cho mày.

Cam hoa mắt khi anh xổ trong túi dết ra một cái quần tây vải xanh chỉ hơi bạc màu chỗ đầu gối, tiếp cái áo sơ-mi tím mới vá mấy đường chỉ máy trên cổ tiếp một cái quần đùi vải ta trắng chưa hề giặt. Nhiều, sao nhiều quá...

- Cởi hết ba thứ giẻ rách ra, mặc đồ mới tao coi. Mụ vợ thằng cai Sáu khéo lựa đó, bị cái ăn lời quá sá. Con mẻ kỳ vậy, ai cũng ghét mà ai cũng phải nhờ tay mụ... Ống quần hơi dài, mày xếp lên một nếp, còn lớn nữa mà. Trễ rồi, tao phải về đồn đây. Bữa nay không có gì ăn, cho mày năm cắc. Mai đi hớt cái tóc, tắm rửa sạch sẽ, đón tao chỗ gánh cháo tôm cua đó, tao dẫn tới ở nhà vợ cai Sáu.

Cam đang hớn hở tự ngắm mình từ trên xuống dưới, bỗng lạnh toát cả người. Đầu gối nhủn ra, nó suýt ngồi thụp xuống, cố gượng mới đứng được. Nó lắp bắp:

- Anh.. anh biểu em đi ở mướn...

- Ngu vừa vừa chớ! Tao gởi mày cho mẻ đó, ăn cơm tháng trả tiền đàng hoàng. Nhà mẻ có bốn đứa học trò ở trọ, thêm mày nữa là năm. Tối mày đi học Truyền bá quốc ngữ, ban ngày học ở nhà, chỗ nào không hiểu thì mấy đứa kia chỉ vẽ cho. Tụi đó học trường cô-le1  Võ Tánh, con nhà nghèo hết, tao gặp thấy hiền khô à. Con mẻ hay đứa nào ăn hiếp mày, coi như rồi đời với tao!

Vợ cai Sáu là thím Lụng, nhà ở sâu trong xóm Bàu, làm nghề buôn rổi cá và nấu cơm tháng cho học trò nghèo. Anh Năm đưa Cam đến với một cái rương nhỏ, gần như rỗng, nhưng bắt buộc phải có để không ra vẻ là đứa trẻ cầu bơ cầu bất. Anh bảo Cam là em con ông cậu ở quê mới được gửi vào, anh nuôi cho ăn học, biết đọc biết viết rồi sẽ vào trường tư. Tiền cơm trả trước một tháng.

Cuộc đổi đời diễn ra quá gấp rút. Cam không kịp nghĩ, không kịp mừng hay lo, chỉ cung cúc chạy theo anh Năm như sợ tụt lại sau và lạc mất ông anh kỳ quái từ trên trời rớt xuống. Qua lời thím Lụng, nó mới biết anh Năm cũng là cai, mề-rô2 của anh là con số rất dài được gọi tắt là Cát-vanh-tuýt, nghĩa là 88. Thím Lụng ít được ưa bởi hay ăn lãi và nói năng ngoa ngoắt, bù lại nhà cửa cơm nước của thím bao giờ cũng sạch sẽ tinh tươm, bầy con thím khá ngoan. Cam mới đến ở mấy hôm đã được thím khen: nó dậy sớm quét từ nhà đến ngõ, gần tới bữa thì tự ý xuống bếp giúp nấu cơm, bày mâm. Tính nết nó cũng hợp với thím, thím ưa nói nhiều hơn nghe, nó thích nghe nhiều hơn nói.

Chỉ một lần Cam bị hớ nặng. Thím bán xong gánh cá, vừa bước vào nhà đã hỏi ngay:

- Cai Chò tới đây chưa, Cam?

- Dạ, cai Chò là ông nào?

- Ủa, không biết tên  anh Năm mày à? Có phải anh em thiệt không, hay là mèo mả gặp gà đồng?

Cam cứng họng, lặng đi một lúc mới nghĩ ra câu trả lời lúng búng:

- Dạ, hồi ở nhà ảnh tên khác...

- Tên gì?

- Dạ, là... là... là Chó ạ.

Cam buột miệng nói ngay cái tên móc nôi của chính nó, đến bảy tám tuổi gì đó mới đổi tên chữ. Và nó vớt luôn:

- Thím đừng kêu tên đó, ảnh giận con chết.

Thím Lụng cười the thé, để rơi cả điếu thuốc Cẩm Lệ quấn sâu kèn dính trên lưỡi:

- Có họa tao điên. Ai khui tên cúng cơm ông Năm Chó nhà mày ra, ổng dám đốt nhà lắm!

Đi học đêm, Cam lách qua những ao vũng của xóm Bàu, những vạt xương rồng và ngũ sắc mọc vạ vật, ra đường Ô-lăng-đan để tránh phải qua xóm chợ, nơi nó đã ăn xin và chịu đói. Nó sợ gặp lại lũ trẻ lang thang đã từng gọi nó là thằng Câm, thằng khùng, bắt nạt nộ khá lâu trước khi  anh Năm ra tay che chở. Tới nay, nếu vắng đi cái dáng vóc gấu đen và những con dao bay dễ sợ, chưa chắc mấy đứa kia chịu để cho nó yên thân. Bởi thế nó cố ý đi đường vắng lúc sẩm tối, còn úp cái mũ cối màu cháo lòng xuống che mặt. Qua chỗ nào nghe vẳng cái giọng nhừa nhựa kéo dài mệt mỏi “lạy ông đi qua lạy bà đi lại”, nó vội bước như chạy. Thoát xa rồi, nó mới dừng để thở và rùng mình.

Những lúc ấy, nếu anh Năm hiện ra trước mặt nó, nó sẽ choàng hai tay ôm ghì anh, khóc thật to thật nhiều cho vợi bớt cơn lũ thương yêu và biết ơn.



-----------------------------------------------------------
1. Tiếng Pháp. Coliège: trường trung học
2. Tiếng Pháp. Numéro: số (quân dịch).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:50:23 pm »

4.

Khi chọn mua nhà ở Tu-ran 1, cô Mỹ Duyên nằng nặc đòi một căn nhà hai tầng ngay cạnh Ngã Năm để mở tiệm giải khát hạng sang chuyên đón khách Tây Nhật. Ông phủ Đỉnh chê đắt quá, muốn mua một căn nhà nhỏ có vườn lộng rất kín đáo phía An Hải, bên kia sông Hàn, lão Tây lai ở đấy bán hạ giá vì quá gần chỗ quân Nhật đóng. Mỹ Duyên không chịu:

- Anh nhét em vô chỗ vắng như chùa mà lại dễ ăn bom Mỹ! Đã vậy em chẳng thèm làm vợ ba hay gái bao gì nữa, em trở về đăng-xinh  2 cho anh biết mặt.Con này chưa đến nỗi ế đâu!

Rốt cuộc mỗi bên nhân nhượng một ít, họ thuê một nhà hai tầng nhỏ gần bãi biển Thanh Bình, nằm trong hẻm nhỏ yên ả. Tầng trên chỉ có một buồng rộng liền được Mỹ Duyên thuê nhà thầu sửa sang thành phòng nhảy có quầy rượu và mấy bộ bàn ghế nhỏ xíu, có tủ lạnh, ra-di-ô, máy hát, quạt trần, nhiều bộ đèn màu lắp nút bật riêng. Phủ Đỉnh xót tiền nhăn nhó, rồi cũng phải chiều cô gái nhảy xinh đẹp nhưng rất cứng đầu. Lão mới về nhận chức tri phủ Thăng Bình được hai tháng đã mê ngay cô Xi-mo-nét Mỹ Duyên, mê lăn lóc, tuy lão biết cô ta đã từng là nhân tình của một chủ sở Bưu điện Pháp, rồi một tay cự phú người Tàu. Cô ngửa cổ cười ngoặt nghẹo khi lão xin được hái hoa:

- Anh là tri phủ, khá. Hai vợ rồi, trừ hai điểm. Của chìm của nổi ra sao em chưa biết, để rồi em nhờ mấy tay mật thám quen dò xét thử coi. Báo trước anh hay. Trái tim vàng không đặt trong lều tranh được mà phải lắp vô khung vàng khung ngọc kia. Chịu thì lấy! Yô-tô? Đắc-co? 3

Lão đành cay đắng mà chịu. Lão tự biết mình xấu trai, già hơn Mỹ Duyên đến một phần tư thế kỷ, không dám đòi hỏi nhiều ở cô hoa khôi mười chín tuổi. Lão chỉ đoạt được Mỹ Duyên như người vung tiền ra mua tranh một món hàng đấu giá. Mụ vợ cả ngày càng giống con cá mực khô, hễ nhìn là lão buồn nôn. Mụ Lợi Thịnh còn mỡ màng hơn nhưng đối xử lạnh nhạt và thân xác lạnh lùng, hay lén uống thuốc ngừa thai. Chơi bời đào đĩ mãi rất tốn và dễ mắc bệnh, lão không muốn bị tim la lần thứ hai, lại sợ chứng giang mai khủng khiếp. Thôi đành phải nuôi ả giăng há tiêu tiền như vỏ hến này, dù kẻ khác có ăn vụng ít nhiều thì phần chính vẫn còn của lão.

Tối hôm ấy mưa to, Mỹ Duyên không đi chơi được ở nhà mở đĩa hát Ti-nô Rốt-xi, lôi ra một mớ tiểu thuyết gồm đủ thứ xã hội diễm tình, giang hồ võ hiệp trinh thám rùng rợn. Con sen đã mua về cả một bát to trái cóc dầm chua ngọt, bày thêm đĩa muối ớt và mở một chai bia Hom-men. Nằm dài trên ghế xích đu, Mỹ Duyên hút từng hơi ngắn thuốc lá cô-táp lơ đãng lật hết cuốn này đến cuốn khác. Ăn, uống, hút, đọc, nghe, hưởng cả năm cái thú một lần mới là biết tận hưởng.

Ti-nô hát sang bài Ma-ri-ne-la đằm thắm:

Ma-ri-ne-la
Hãy ở lại nữa trong đôi tay anh
Anh muốn cùng em nhảy cho đến sáng
Điệu Rum-ba yêu đương này...


Duyên buông sách, thả trái cóc cắm que xuống bát, lim dim mắt. Mới đấy mà đã bốn năm. Chị Kim Phượng bày cho Duyên hát bài ấy khi chị vừa thôi học, còn Duyên đang ở lớp Nhất. Các chị lén lập hội “Ái Ti-nố, ăn cắp tiền nhà góp lại lùng mua tất cả những đĩa hát ghi giọng của thần tượng, chọn nhà vắng mở nghe chung như tín đồ nghe giảng đạo. Duyên háo hức mong mau lớn để bước vào lứa tuổi vui vẻ trẻ trung như các chị. Chẳng ai ngờ chị Phượng nhảy xuống sông tự tử vào tuổi hai mươi. Hình ảnh cuối cùng chị để lại cho Duyên là một cái xác trắng nhợt, trương phình, mặt có nhiều vết cá rỉa, ôi chao, chị không chọn được kiểu chết nào dễ coi hơn hay sao?

Mưa lại rào rào đổ xuống mái, gieo tạp âm vào bài hát đầy những  anh với em. Duyên ném cuốn sách đang đọc, lật cuốn khác. Lại vẫn chàng với nàng. Một cuốn nữa, mở trúng một cảnh cụp lạc mê cuồng quằn quại... Duyên chợt nhớ câu đùa của chị Chín bánh bèo hay bưng vào bán nửa buổi, góa chồng: “Thân phận tui như cái ống thổi lửa... Đũa trui đũa cả có đôi, riêng ống thổi lửa mồ côi một mình. Có ai sắm ống thổi lửa đủ cặp đâu cô?”.

Ai cũng có đôi. Mình cũng có đôi, một kiểu kết đôi thảm hại quá chừng. Chàng với nàng... hừ, chàng có bộ ria chuột, đứng tới tai nàng, mặc áo gấm càng nổi cái bụng to như cóc, mặc cả từng xu trước khi leo lên xe kéo...

- Chào dì Ba!

Duyên suýt đánh rơi cốc bia đang uống. Hai Khánh vào lúc nào, đang đứng chếch mé sau chỉ cách vài bước.

- Ôi, anh... làm em hết hồn...

- Đêm khuya con đến thăm, dì Ba có tiếp không? - Duyên chồm tới, vòng tay lên cổ Khánh, úp mặt vào ngực áo lấm tấm những giọt mưa:
- Con gì... Con quỉ sứ, con yêu tinh, con đười ươi của em... Anh tới hồi nào, vô đường nào?

- Con sen mở cổng, chỉ lên gác. Em may miệng nó rồi à?

- Rồi. Em bỏ tiền vô trước khi may. Anh muốn em phát điên hả? Đi qua Tu-ran không thèm ghé, ném cho mấy chữ nguệch ngoạc bỏ thùng thơ. Anh ướt hết thay đồ mau đi. Va-li anh đâu? Anh uống bia hay uống cô-nhắc? Em biểu con sen đi mua phở nghen?

Duyên nói dồn dập trong khi vẫn úp mặt vào ngực Khánh. Khánh bật cười, đưa tay bưng mặt Duyên ra khỏi ngực mình:

- Các bà thương con ghê đi. Vô Qui Nhơn, bà Hai cuống quít một trận. Ra đây, bà Ba lo con đói, con ướt... ái!

Duyên xoắn tai anh một phát rất đau, vít luôn cổ Khánh xuống:

- Hôn mấy cô Hà Nội mỏi miệng rồi hả? Bắt đầu chê em chưa?

Họ không xuống buồng ngủ dưới nhà, ăn uống xong nằm luôn trên gác. Duyên trải chiếu xuống sàn phủ thêm tấm ra, mắc màn vào các cọc đèn rất thạo. Khánh trêu:

- Coi bộ em quen tay lắm. Chắc mỗi tháng hết mươi mười lăm ngày tiếp bạn bè trên gác!

- Đồ Sở Khanh! Ở đó mà đợi mỗi năm anh về vài ngày à?

Hai giờ sau, họ rời nhau.

Khánh ngồi lên châm một điếu thuốc, chỉ hút vài hơi lại giụi tắt. Anh cố tránh tất cả những gì gây thói quen, gây nghiện. Duyên nghiêng đầu trông thấy, khẽ cười mệt nhọc:

- Người hùng kiêng được mọi thứ, chỉ trừ món nguyệt hoa!

Khánh trầm ngâm khá lâu, bỗng nói:

- Tình thế này Nhật sắp lật nhào Tây, em biết không? Anh không học được lâu nữa đâu.

- Bỏ luôn, về ở với em đi! Đá đít lão phủ, a-lê về cái nhà bò!

- Nói như thật ấy!

- Thiệt quá đi chớ. Hay là em ra Hà Nội với anh. Em làm ca-va4  nuôi anh ăn học. Tính mọi khoản tiền thì em kiếm chẳng thua lão phủ đâu, chỉ thua các món bổng ngoại thôi.

- Em thiếu gì bổng ngoại!

- Dứt khoát không là không. Đã lấy anh thì em chỉ biết một mình anh. Cả nhà em, trai hay gái đều có máu yêng hùng vậy đó, nói cắn cưa, làm cắn răng... Phải đó, em đi luôn với anh. Sáng mai em kêu chủ tới trả nhà, kêu luôn con buôn tới bán hết mọi thứ, hai đứa hai va-li là đủ. Em làm liền tay cho anh thấy nhỡn tiền, anh mới tin. Ưng bụng chưa? Ngoéo ngón tay coi!

Duyên nhỏm dậy, ép bộ ngực trần vào vai Khánh, tìm tay Khánh. Những ngón tay của người con trai vẫn lặng đờ. Duyên kê cằm trên vai Khánh một lúc lâu, rồi cười khẩy, đủng đỉnh:

- Cũng phải. Có lý... Dại gì lấy thứ gái nhẩy, bị tai tiếng, sau này khó làm rể cụ Thượng hay nhà triệu phú. Lỡ ông phủ trả đũa cậu cơn, chặn cứng mất đường làm quan. Lại còn cái đồn điền đứng tên bà Cả nữa...

- Nói bậy. Em là gái có chồng!

- Chồng ngoài giá thú. Chồng già hơn cha. Cứ kêu thẳng tôi là con điếm lịch sự lại dễ nghe hơn... Chắc cha con anh bàn tính với nhau, thuê chung một con nhân tình cho đỡ tốn, xài chung thả giàn rồi đem nó ra nhử quan Tây quan Nhật. Xin được nốt  kha khá thì cha lên án sát, con ra tri huyện như chơi...

- Im! Câm ngay!

Khánh quát lên, xoay ngoắt người lại, vung tay. Cái tát dừng lại trên không. Duyễn vẫn cười, nước mắt chảy xuống tới cằm bắt đầu rơi từng giọt:

- Cứ đánh tự nhiên. Xin mời. Đuối lý thì cãi bằng tay là tiện nhứt. Đánh gần chết tôi cũng không dám đưa  anh ra tòa đâu, đừng sợ,  anh biết luật hơn tôi mà. Hễ tôi khai bị anh đánh sau khi ăn nằm với nhau, tôi vô tù trước!

Thân hình cao lớn và rất cân đối của Khánh ngã vật xuống tấm ra trắng. Anh nhắm mắt, cảm thấy tai ù và cả người tê điếng. Đã mấy lần bị đàn bà trách móc, tới lần này Khánh mới kinh sợ khi Duyên đọc vanh vách ra những suy tính thầm kín nhất của anh bằng những lời cắn sâu đốt thịt như a-xít.


-----------------------------------------------------------
1. Tourane: tên do Pháp đặt cho thành phố Đà Nẵng.
2. Tiếng Pháp, Dancing: tiệm nhảy.
3. Tiếng Nhật và Pháp: Yoto? Daccord: Tốt chứ? Đồng ý chứ?
4. Tiếng Pháp. Cavalièga: gái nhảy.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:55:43 pm »

*
*    *

Tiếng máy may ở gian ngoài ngừng kêu, tiếp có tiếng khép cửa chính, gài then. Căn nhà lá im vắng hẳn. Thùy đã xuống bếp nấu cơm trưa, đôi chân trần đi không tiếng động trên nền đất sét nện. Lát nữa sẽ có năm tiếng gõ đúng ám hiệu. Đợi Chanh trả lời bằng hai tiếng gõ, Thùy mới mở ống khóa bấm ngoài cửa gian buồng xép, bưng mâm cơm vào, mấy ngón tay phải móc xách thêm cái siêu đồng nước sôi để pha vào ấm giỏ. Thùy cười tủm tỉm, nói đôi câu ngắn trong khi châm trà, xong bước ra và khóa ngay cửa buồng, lại mở cửa chính ngồi may như cũ, đợi hai em nhỏ đi học về cùng ăn.

Ông Hai Rề rất kỹ tính đã liệu trước tất cả những sự chẳng lành có thể xảy ra, bắt Thùy nhắc lại trước mặt Cả Chanh từng cách xử trí để cho cả hai cùng thuộc lòng.

- Răng mi trù đóng cửa cả ngày cho bí mật? Nghề thợ may mà đóng cửa, cầm bằng mi khai với chòm xóm tui có người nấp trong nhà. Phải mở y như cũ cho khách ra vô, nghi ai rình mò thì phải mời riết, rót nước bày thuốc... Còn mấy đứa bạn hay chạy xộc vô buồng mi đó, cũng cứ để tụi nó vô... Phải có cách chớ. Mi kêu dạo ni mất cắp nhiều, phải khóa ngoài. Hễ có đứa mô muốn vô theo thì mi đừng gõ ám hiệu, mà ngoáy chìa lắc khóa xành xạch cho ảnh biết, kêu khóa hư phải đợi cha về cạy giùm. Cơm nước phần mi lo, giặt đồ với đổ cứt đái phần tao. Chú Chanh cứ để yên tôi sắp đặt, đừng cãi. Việc quốc sự tôi không rành, chớ nuôi người quốc sự thì tôi đã từng!

Ông Hai là người đạo gốc vùng Trà Kiệu. Mở mắt ra đã thấy có tượng ảnh Chúa trong nhà, ông coi việc đi lễ đọc kinh chỉ là cái lệ xưa bày nay làm, cũng như kẻ khác ăn chay ngày rằm mồng một hay đặt mâm cúng những cụ tổ tiên ông bà mà họ chưa hề thấy mặt. Ông tin Chúa kiểu lừng khừng, nghe lời các cha cũng lừng khừng, tất cả đều một vừa hai phải. Các con ông đều rửa tội, lãnh tên thánh, như Thùy là An-na Thùy, ông không quen đọc tên đầm nên cứ gọi là con Ang-hòa khi có việc gì trình cha.

Ông dặn kỹ các con phải coi chừng lễ xưng tội:

- Tội vạ bay khai với tao đây là được. Mấy ông cha nớ tội cả đống thì tha tội cho ai! Vì thần phải nể cây đa, tao thưa dạ với họ cho phải phép, khai sơ sơ mấy cái tội rượu chè, chia tri, thiếu nhơn đức khiêm nhường, rứa thôi. Khai tội nặng thì mấy ổng cho đi tù lẹ lẹ! Hì hì, họ đặt cái luật thánh cổ quái thiệt, đáng tuổi con mình mà lại bắt mình kêu bằng cha, xưng con. Đảo điên thế sự!

Thấy Thùy định tháo bức ảnh màu Mẹ Ma-ri-a ra treo buồng ngoài, ông gắt inh:

- Mi sợ Đức Mẹ thấy anh cả mi thay quần hả? Nhớ kinh bổn thử coi:Bà Ma-ri-a bao tuổi lấy chồng, ông Giu-xe thửa chưng bạn sạch, tiếp có chửa với Chúa Trời? Chúa Giê-xu chết khi băm ba tuổi. Bà trẻ nhứt cũng tới năm mươi, gấp đôi tuổi  anh mi, việc chi Bà mắc cỡ?... Ừ thì Chúa chết năm ba mươi, mẹ Chúa trẻ trung chi nữa, hả?

Cha cố dạy ông nhơn đức tin, cuộc đời lại dạy ông nghi ngờ. Vốn ít nói nhưng sẵn tính đa nghi, ôug hay buông những cân vặn lý hoặc châm biếm bằng cái giọng tửng tửng, cù không cười. Bọn đốc công Pháp và cai kíp người Việt ghét ông, đè cổ ông mãi dưới phốt vi-dít 1  không cho ngoi lên, đến nỗi ông mắc cái tật ngửa đầu vì quanh năm quai ngược búa lên trời để sửa gầm xe.

Hồi Cả Chanh bị bắt, Tây chưa nghi ông, chúng nghĩ dù sao cộng sản với đạo Thiên chúa cũng ít ưa nhau. Lão cai Tống thay Chanh đóng vai vi-dít-tơ, cầm cây búa nhỏ lắp cán dài và mềm, cây đèn khí cạc-buya, bỏ mớ phấn trong túi, đi gõ các trục xe coong coong và đánh dấu những chỗ cần sửa. Liên tiếp có những chiếc ốc văng mất mũ, những má phanh bị kẹt tóe lửa khi chạy, những xích nối toa quên tháo. Tay kỹ sư Pháp định đưa ông Hai lên thay vì giỏi tay nghề hơn, thì một người bị bắt chịu đòn không nổi đã khai ông nuôi  anh ta nửa tháng trong khi trốn tránh. Sự thật đúng như thế nhưng ông cứ cãi bay biến, sở mật thám không có chứng cớ vẫn giam ông bốn tháng và cho vào sổ đen. Gặp lúc quân Nhật trưng dụng xe lửa tới tấp, phụ tùng xe bên Pháp không gửi sang được nữa, tay kỹ sư kia phải tự đến bảo lãnh cho ông về để sửa toa xe, nhưng không dám để ông làm vi-dít-tơ với lương cao hơn và việc nhàn hơn. Ông vẫn tiếp tục là ông Hai Rề như xưa, với cái tật “Quảng Nam hay cãi” và cái đầu ngưỡng thiên.

Hôm nay Hai Thùy ngồi lại trong khi Chanh ăn cơm, không còn giữ ý như ngày đầu nhường buồng:

- Anh Cả nè, người ta đồn Nhật với Tây sắp đánh lộn rồi đó. Anh nghe tin gì không?

Chanh bật cười:

- Tôi mới về đây mấy ngày, chưa liên lạc gì được, tin lấy đâu ra.

- Ừ hè, em quên. Cha nói gần gần có giấy thuế thân cho anh rồi đó. Lão lý trưởng đòi năm chục, cha kêu mắc quá, chắc cũng phải thí cho nó ba chục mới xuôi. Tây đồn cho lính Đê lên Hưng Thạnh tập bắn nhiều lắm, súng nổ từ sáng tới tối. Lính Đê bây giờ có thêm một tấm vải đỏ rộng một gang vầy nè, quấn quanh bụng, thắt cái nịt to ra ngoài. Sao vậy anh?

- Có lẽ là lính cảm tử. Tây muốn dọa cho Nhật sợ. Còn lính người mình ra sao?

- Không thấy lính chào mào tập bắn, chỉ có lính bê-rê thôi. Chắc Tây nó không tin người mình đâu. Tụi Nhật ra đường, cứ nắm tay người mình, đặt tay nó sát bên cạnh, chỉ vô màu da giống nhau. Nó nói: “An Nan yô-tô, phu-ran-xư yô-tô-nai”. Người ở chợ nói vậy nghĩa là người An Nam tốt, Tây xấu. Đúng không anh?

Rõ ràng Thùy tin rằng người như Chanh thì điều gì cũng biết. Chanh buồn cười khi nhớ một câu của ông bạn tù có võ vẽ ít chữ Hán: “Cộng sản bất xuất môn, toàn tri thiên hạ sự. Ngồi trong xà lim mà hiểu chuyện thế giới mới là thiên tài!”. Cô gái đeo thánh giá này dường như cũng nghĩ in hệt.

Chanh và cơm, liếc nhìn lên tấm ảnh màu Mẹ Ma-ri-a lại nhìn Thùy, nhận thấy khuôn mặt và nhất là đôi mắt Thùy rất giống Mẹ Ma-ri-a. Nhiều người đã nhận thấy các gia đình theo đạo Thiên chúa thường đẻ con gái có những nét giống Mẹ Ma-ri-a, có lẽ vì các bà các chị quanh năm nguyện ngắm tượng ảnh, và các cô lớn lên cũng thích cái dáng nghiêng đầu mơ màng của Mẹ.

Ngót năm năm trước, anh bị bắt khi Thùy còn là con bé vùng biển phơi nắng đen nhẻm, gầy đét, tóc vàng cháy, ăn nói láu táu, tính nết bộp chộp. Anh trở về khi Thùy đã là cô gái mười tám tuổi, trắng trẻo vì chuyên ngồi may trong nhà, đi đứng nói năng đều dịu dàng bởi quen chiều lòng các loại khách đàn bà trẻ con, và vai chị Hai đảm đang việc nhà thay người mẹ qua đời đã giúp Thùy tập thu vén mọi việc thật lớp lang tỉ mỉ. Chanh nói chuyện với Thùy không còn kẻ cả và tự nhiên như xưa, đôi lúc luống cuống khi mắt Thùy nhìn mình quá chăm chú. Những lúc ấy Chanh thường xưng hô rất lộn xộn, anh và Thùy, tôi và cô, đôi khi buột miệng nói anh và em như hồi xưa.

Thùy chợt nhớ:

- Bác Tư, cha anh đó, năm ngoái dẫn tới đây một đứa nhỏ em của anh. Ổng nói ổng đi với ông phủ Đỉnh là người cùng làng, đem con ra gởi cho bà vợ ông Phủ ở Qui Nhơn đây để nó đi học, chớ ở làng không ai dạy chữ.

Chanh giật mình hỏi dồn:

- Thùy thấy nó chừng bao nhiêu tuổi, bộ dạng ra sao.

- Nó ốm nhom và cao cao, chừng mười hai mười ba gì đó.

- Vậy là thằng Cam rồi. Phủ Đỉnh có bà vợ hai chủ tiệm Lợi Thịnh, buôn vải giàu lắm.

- Lợi Thịnh ở phố Gia Long hở anh? Hồi trước em có tới mua vải đôi lần, họ nói thách quá trời mà không bán chịu. Sau em toàn mua chịu của mấy tiệm gần nhà thôi, trả tiền lời mỗi ngày nửa phân. Cha anh ghé vô khi đang say rượu, nhà đi vắng hết, em sợ quá. Ổng hỏi có được thơ từ gì của anh không. Ổng kêu cả một bầy con có một mình anh sáng dạ nhứt, nghe họ rủ rê đi làm cộng sản thiệt tới uổng, em nghe càng sợ. Anh làm quốc sự mà không xin phép ổng à?

- Xin phép sao được... Rồi Thùy có gặp lại thằng Cam nữa không? Nó còn ở nhà Lợi Thịnh không?

- Em ít đi phố lắm. Báo động luôn, bỏ nhà chẳng ai coi ngó... Hay để chiều nay em tới đó hỏi thử thì biết.

Chanh bần thần buông đũa chén. Tin thằng em trai đang sống ngay gần đây đánh thức dậy nỗi nhớ nhà nhớ quê dữ dội mà lâu nay anh cố nén. Nhưng rồi anh lắc đầu, ngập ngừng:

- Khoan đã. Mật thám đang lùng  anh, Thùy hỏi tụi nó sẽ nghi...

Hai người tần ngần nhìn nhau. Bỗng Thùy giật mình, bưng vội mâm bước ra ngoài. Chanh thoáng nghe một tiếng thở dài.



----------------------------------------------------------
1. Tiếng Pháp. Fosse à visite: hố kiểm tra (xem gầm toa xe)
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 02:01:56 pm »

5.

Một cơn bão trái mùa nào đó đang dồn ứ trên thành phố mới vào xuân, sống giữa trời yên biển lặng mà con người thấy như không khí bị nén ngột ngạt, sấm sét và gió cuồng sắp ập xuống đầu.

Gạo vọt lên vài ngày một giá. Mọi thứ đều thiếu, chỉ có người là thừa. Dân đói từ các tỉnh ngoài cứ tuôn mãi vào theo đường bộ, đường biển, nhiều nhất là theo những chuyến xe lửa thường bị máy bay Mỹ rượt theo quét đạn lửa từ toa đầu đến toa cuối. Dễ nhận thấy Mỹ không ném bom phá cầu và ga, cố tránh không đánh hỏng đầu máy xe lửa, những thứ sẽ cần dùng khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm Đông Dương. Người chết và hàng cháy không ngớt, nhưng các chuyến vẫn chạy cả ngày lẫn đêm, thả rơi vãi dọc đường những xác thui đen và thân hình đẫm máu, trút xuống các ga những vợ mất chồng, bầy trẻ lạc cha mẹ. Quân Nhật thiếu xăng dầu phải đi xe lửa nhiều hơn, ung dung ngồi trong toa hạng tư đã được sửa bên trong thành lô-cốt lắp bánh, với bao cát xếp kín cả bốn vách và dưới mái toa, hút thuốc lá Mic do Pháp cung cấp, đợi ngớt máy bay sẽ đi tiếp.

Trên những số nhật báo Đông Pháp đến Trung Kỳ muộn nhiều ngày, tin thắng trận của đội quân Thiên Hoàng do hãng Đô-mây đánh đi vẫn đầy dẫy quan đặc sứ Ma-txư-mô-tô cùng quan toàn quyền Đờ-cu nối tiếp nhau ca ngợi tình thân hữu Pháp - Nhật. Tạp chí Tân Á cứ ra đều và gửi biếu không, các chi nhánh Đai-nan Kô-si1  mở tiệc mời các quan chức Pháp Nam nhiều hơn là bán bút máy Pi-lôt, các lớp đào tạo thông dịch viên tiếng Nhật lấy tăng học sinh. Mọi sự đều vui vẻ, tốt đẹp.

Trong bóng tối, Pháp và Nhật xỉa từng nhát dao vào lưng nhau và sắp nổ súng diệt hẳn nhau.

Pháp đặt căn cứ mật trên vùng núi, mộ rất nhiều lính Tây Nguyên về cho tập ráo riết. Máy bay Đồng minh thả bom xuống doanh trại Nhật, thả dù súng đạn xuống cho Pháp. Mật thám Pháp đang đêm ập vào xích tay những ai nhấp nhổm theo Đại Việt quốc gia xã hội đảng, dù chưa kịp uống máu ăn thề. Pháp để sẩy mất giáo chủ Hòa Hảo nhưng lại kịp bắt giáo chủ Cao Đài.

Phía Nhật xem chừng nhũn nhặn và kín tiếng hơn so với khi mới kéo vào Đông Dương. Những vụ húc xe và bạt tai quan chức Pháp giảm bớt nhiều. Lính Nhật ít ra phố, thu hình lại trong khu doanh trại che cót kín chung quanh hàng rào và những đồn lũy đặt pháo bờ biển, cao xạ. Rất nhiều toa xe chở ngựa mới mua từ Phú Yên ra, chờ đêm vắng mới trút ngựa đàn vào các vùng cấm ở chân núi. Chỉ có những chuyến bay tuần tiễu là tăng lên rõ: từng cặp máy bay khu trục Dê-rô lắp hai pháo rà rất thấp trên thành phố, vòng qua lại nhiều lần, rống nhức tai. Khi máy bay Mỹ đến đông thì Dê-rô biến mất, hình như chúng đậu núp bên dưới các cầu tàu xây bê-tông nhô ra biển. Người Việt tinh ý đoán rằng Nhật đánh Mỹ bằng cao xạ thôi, để dành máy bay đánh Pháp. Cứ nghĩ tới lúc máy bay Nhật giội bom ầm ầm xuống đầu các vị quan Tây bụng phệ, đeo đầy lon với ngù vàng bạc và chỉ quen lên xe xuống ngựa, cũng đủ sướng cái bụng đang đói!

Giữa những ngày căng óc căng gân ấy, Năm Phi Đao đến nhà thím Lụng với cái bọc khá lớn. Anh mở bọc, lấy ra một gói nhỏ nhét vào cái rương gỗ của Cam, một gói to hơn gửi thím giữ. Anh đưa xấp giấy bạc và nói rành rọt với thím:

- Tôi gởi thêm chị Sáu một tháng tiền cơm nữa cho thằng nhỏ. Hễ tôi đổi đi chỗ khác hay là bị mũi tên hòn đạn gì đó, chị rán nuôi giùm nó cho tôi năm bảy tháng, đợi ông già nó tới trả nợ chuộc về. Coi vậy chớ tôi sanh đúng giờ dữ, khi chết chắc là linh hiển. Cứ ăn ở tốt rồi tôi phù hộ cho cả nhà chị.

Thím Lụng xanh mặt, đánh rơi chén nước mắm cầm tay:

- Trời đất, chú nói gì độc miệng....

- Tôi làm ma, thiêng lắm đó chị. Không thèm hù dọa người ta đâu, tôi vật cho hộc máu đàng hoàng!

- Thôi thôi thôi, lạy chú một mớ lạy, chú nhậu say thì nói chuyện khác tôi nhờ!

Anh Năm xoay người bước ra, nháy Cam đi theo. Tới chỗ vắng anh mới ngồi bệt xuống sau một bụi xương rồng, cười đến sặc, ho một hồi mới nói được:

- Với mụ đó, phải oánh một đòn thất kinh hồn vía mụ mới thấm. Sáng mai trở đi, mụ không dám giao cho mày nấu bữa trưa nữa đâu. Mày ở trọ mà mụ coi như đầy tớ, bậy hết sức.

- Em nấu mau lắm mà. Nghe anh nói em cũng khiếp quá!

Năm Phi Đao kéo Cam ngồi xuống cạnh mình, cầm cổ tay nó nắn nắn một lát, nói rất dịu:

- Em còn ốm nhom, chữ nghĩa chưa được chút gì, thiệt tội. Có thương anh thì rán kiếm ít chữ bỏ bụng đi. Anh dốt đui dốt đen thành ra cực miết. Tình thế không yên được nữa, sắp tới họ đánh lộn nhau tới chữ, thân  anh khó biết mất hay còn... Sụt sịt hả? Đúng thằng này là con gái bị bà mụ nặn lầm. Hết chưa?... Sanh ra trúng cái đời chó đẻ này, mình không ăn nẫu2  thì nẫu cũng ăn mình, ở đó mà khóc mếu....

Anh lại rút cái bi-đông chẳng bao giờ cạn trong túi dết ra, nhấp một hớp, trầm ngâm quệt miệng:

- Nghe anh dặn đây. Từ mai trở đi Tây nó cấm ra phố, nhốt hết trong đồn. Anh có vắng lâu thì đừng nóng ruột, đừng để mụ Sáu sai vặt. Nhớ kỹ điều này nghen: gặp hồi chộn rộn, anh Cả Chanh có thể trốn ra khỏi tù, về tìm em đó. Hễ gặp ảnh, em nói giùm thằng Năm Phi Đao là đứa biết tình nghĩa, nó nhắn cảm ơn đại ca, bấy nhiêu thôi. Nhắc lại anh nghe coi... Ờ, được đó, thôi về đi học!

Anh bỏ đi rất vội, không ngoảnh lại.

Ba hôm sau, đúng chín giờ tối theo giờ Đông Kinh một quả pháo hiệu đỏ rực vọt lên trời đêm. Lập tức súng lớn nhỏ nổ túi bụi phía đồn lính Ga-li-ê-ni điện thành phố tắt phụt, tiếng xe chạy và ngựa hí nổi lên trên các phố thường đêm vắng lặng. Không có tiếng máy bay và cao xạ.

Pháp và Nhật đã quật nhau chí tử.



-----------------------------------------------------------
1. Tiếng Nhật. Đại Nam công ty: tổ chức tình báo Nhật ngụy trang buôn bán.
2. Người ta.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM