Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:00:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình đồng đội ! ( Phần 3 )  (Đọc 101030 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dapxichlo
Thành viên
*
Bài viết: 291


« Trả lời #110 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:08:01 am »

    -kính chào toàn thể các bác-chào Linhquany-chúc một ngày mới tốt lành.
Vừa qua không đi Vị Xuyên được, nhiều việc quá mùa hè bể bơi luôn bị quá tải, công việc cứu hộ quan trọng lắm,nhưng vẫn đọc không bỏ sót bài nào cả,nỗi sợ sau chiến tranh mình hiểu cảm giác đó, vì ở xóm mình đã có nhiều người bị chất đó,có người còn bỏ quê đi biệt xứ luôn,vậy là ông bố vợ của Linhquany may mắn lắm rồi.
     Lần sau có đi thì cũng nhớ chụp cho mình mấy bức ảnh nhé,phục phụ mọi người còn mình chẳng có gì.
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:34:25 am »

Linh quany viết càng ngày càng chắc tay. Rất hay.
Tiếp nữa đi nhé!
Logged

Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #112 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 10:52:26 am »

   Cảm ơn các bác. Em up chuyện hài vậy!  Grin

---

   VỢ ĐẺ

   Nhưng đây không phải là vợ tôi, là vợ thằng bạn. Tôi là người đưa vợ thằng bạn đi đẻ! Hic

   Ngày ấy, tôi mới có ba mươi hai tuổi, chưa vợ , công việc làm thuê ổn định.

   Trong một đêm thu đẹp trời, tôi đang mơ màng trong giấc nồng, thì chợt tiếng điện thoại reo. Không ngạc nhiên lắm vì bọn bạn vẫn “ đánh úp “ kiểu này thường xuyên. Chắc thằng chó nào bị vợ đủn ra ngủ vỉa hè gọi mình tới quán rượu để tâm sự, xả tretss đây! Mắt nhắm mắt mở ngó thì thấy số của thằng bạn đồng ngũ ngày trước.

   Lạ nhỉ, thằng này vốn cực yêu vợ và ngược lại. Thế nào mà nó lại gọi cho mình.

   “ Vợ tao đau bụng quá mày ơi! Mà tao lại đang đi công tác xa, nhà có mỗi bà già”. Nó rống lên thảm thiết!

   - Đau bụng thì gọi bác sĩ, gọi gì tao, bỏ nghề lâu rồi, chả nhẽ mày muốn tao vào…sờ bụng vợ mày!

   - Không, ý tao là nó có khả năng …chuyển dạ. Trăm sự tao nhờ mày, bạn đồng đội thân mến!

    Thôi chết, con vợ nó hôm nọ ra nhà chơi bụng to vượt mặt, chắc sắp vượt cạn thật!

   Tỉnh hẳn ngủ. Vụ này căng đây. Tưởng cảm mạo, vớ vẩn thì được. Đẻ là vui rồi, à quên, mệt rồi!

   - Thôi được, mày cứ yên tâm, đã có tao – tôi tắt máy, vẫn nghe tiếng nó loáng thoáng cảm ơn. “ Lúc sướng thì đéo …gọi bố vào giúp! “ Tôi lẩm bẩm tụt khỏi giường.
 
   Tôi thân với thằng này ngay từ khi bước chân vào đơn vị. Đang lớ nga lớ ngớ thì nghe tiếng “ Đồng hương, cậu cùng A với tớ đấy, vào nằm cạnh giường tớ chỗ kia, đưa ba lô đây! “ Nó giúp tôi ổn định chỗ nằm.

   “ Vừa nhìn cậu, tớ thấy quý rồi!” Nó bảo tôi vậy, khi hai thằng gác chân chữ ngũ phì phèo thuốc lá trên giường. Hóa ra, nó cùng đợt, dân thị xã cùng tôi, đến trước mấy tiếng. Bố tổ, thế mà như lính cũ chỉ bảo tân binh, dù hai thằng đều là tân binh cả.

   Sau ba tháng quân trường, mỗi thằng một nơi, tôi đi học quân y rồi chuyển rất xa, nó ở lại đơn vị huấn luyện . Thằng chuyển ngành, thằng ra quân, tình đồng đội thành tình bạn vẫn như xưa.

   Vội vàng mặc bộ quần áo, đang bị cái khóa đồng kẹp vào truym đau điếng thì lại tiếng chuông điện thoại “ Mày vào nhanh đi, vợ tao không chịu được rồi!”

   Không kịp mặc áo, cứ cởi trần quấn áo vào cánh tay, " Bạn yên tâm ", tôi trấn an rồi vội vàng lao đi luôn.

   Vợ nó đang nằm quàn quại trên giường, bà già ngồi sau đấm lưng thùm thụp. Nước chảy ướt chiếu. Vỡ ối rồi.

   Không thể đèo bằng xe máy. Lúc đó chưa có taxi.

   Tình thế ngàn cân treo sợi cáp. Không thể chần chừ, nó mà đẻ ra nhà thì tôi chết đầu nước, vụ đỡ đẻ hồi còn trong lính giờ nghĩ lại vẫn thấy vẫn hoảng.

   Tôi hơi rối, đã thế con vợ ( thằng bạn ) cứ kêu như sắp bị hành hình “ Đau quá, ối anh ơi “. Không biết nó kêu chồng hay kêu tôi.

   “ Quanh đây có ai chạy xe chở hàng không bà”. Chợt tôi nghĩ ra, hỏi bà cụ.

   “ Có, ngay nhà bên đó cháu!”

   Lão hàng xóm còn không kịp mặc quần dài, vội đánh con xe hai tấn rưỡi ra, sau khi nghe tôi trình bày tình thế nước sôi lửa bỏng. Cũng may bệnh viện rất gần, chỉ một thoáng, tôi đã đưa người sắp đẻ yên vị trong khoa sản...

   ***

   Nhìn đồng hồ mới bốn giờ sáng. Cơn buồn ngủ dở ập đến, may quá ngoài phòng chờ có mấy cái ghế không ai ngồi, tôi ngả lưng làm giấc. Kệ sản phụ đang kêu gào vì mình cũng chả giúp được gì!

   Tỉnh dậy,thấy mình làm giấc bon quá, đã tám giờ. Tiếng đồng ca của các mẹ sắp lên bàn trong phòng thành một mớ âm thanh nghe không vui tý nào. Cố lắng tai nghe xem có ai chửi chồng không, vì thấy dân gian đồn thế, tuyệt nhiên không, không ai chửi một câu. Hóa ra các cụ ngày xưa nói láo!

   Ngó điện thoại gần hai chục cuộc gọi nhỡ, tất nhiên là của thằng trời đánh vợ sắp sinh lại bỏ đi công tác kia. Bấm gọi lại: “ Vợ tao sinh xong chưa? Mẹ tròn con vuông chứ!”

   - Ơ…tao không biết!

   - Thế mày làm gì? Giọng nó hốt hoảng

   - Thì tao ngủ . Để vào xem như nào đã.

   Vợ nó đang nằm thiu thiu. Chắc đã qua cơn đau. Tôi ngạc nhiên túm áo cô bác sĩ vừa đi tới “ Chị ơi, em tưởng đứa này nó đẻ rồi chứ. Tối qua ở nhà vỡ ối rồi mà!”. “ Vỡ đâu mà vỡ, do cô ấy tức bàng quang…đái ra đấy thôi. Cứ yên tâm, còn lâu mới đẻ!”.

   Giờ tôi mới để ý áo mình có mùi khai.

   Hê hê, chờ thì chờ, tuần sau nó đẻ càng tốt. Điện lại cho thằng bạn, giọng nó trầm xuống như van vỉ: Tao trăm sự nhờ mày, tao đang bên Lào, lại ở vùng sâu. Sáng mai mới có xe đưa về, ngày kia mới có mặt ở nhà. Mày giúp tao nhé. Gọi hộ số cho em gái tao nữa."

   "Mẹ, vợ sắp đẻ còn đi công tác! chiu mày rồi!"

   " Thì...bác sĩ khám nói hơn tuần nữa, ai dè nó lại tòi ra sớm vậy. "

   Bấm cho cô em gái nó “ Tối em lên “. Ơ hay nhỉ! Thằng anh đi công tác, con em thì bận công việc. Thôi xong tôi rồi. Nhà nó neo đơn như này, biết dừa vào ai đây! Đành gọi về nơi làm xin nghỉ ốm.

   Chạy về nhà nó, lấy đủ chăn màn, bát đũa, phích nước, thấy bà mẹ đang lọ mọ đun cháo “ Bà để con mua cháo xay, bà cứ nghỉ đi!” .

   Cô vợ ( thằng bạn ) có vẻ lại hơi đau, tỉnh như sáo, mặt nhăn nhó hết quỳ lại ngồi. Lắc đầu quầy quậy khi tôi đưa cho tô cháo.

   “ Đấm lưng cho cô ấy đi, nhè nhẹ thôi, cho nó đỡ đau”. Một chị cũng kha khá tuổi đang phe phẩy quạt cho cô bé kềnh càng giường bên, chắc con gái hay con dâu, nhắc tôi!

   Đấm thì đấm.

   “ Anh cứ kệ em, em chịu được”. Có vẻ cô vợ ngại. “ Không sao đâu em, cứ coi anh như thằng Q, sau này …cũng thế nhé!”. Tôi vỗ thật nhẹ, sợ manh động tới đằng trước lại lòi con ra. Cơn đau có vẻ dứt dần, nhưng cứ dừng tay cô lại nhăn nhó. Tôi vừa tay quạt tay đấm, toát hết mồ hôi mà không dám dừng.

   Đúng lúc ấy, có chuông điện thoại “ Không kịp nhìn màn hình, tôi gào lên “ Chưa ra, nó còn chờ mày !”

   “ Ơ kìa, cái gì ra hả anh. Tiếng cô người yêu làm tôi giật mình. Bỏ mẹ rồi, vội chống chế : “ À, ...con trâu nhà thằng bạn nó đẻ, anh đi qua xem í mà!”
“ Anh nói dối, lúc nãy em đến cơ quan anh, thấy chú bảo vệ nói anh ốm. Đang nằm khoa nào chút nữa em xong việc đến!”...

   ***

   Tôi thả chiếc điện thoại xuống như đánh rơi…

   Thời tiết càng trưa càng nóng. Cái nóng đầu thu vậy mà ghê gớm.

   May quá, mẹ nó đã lên. “ Con ra ngoài nghỉ, để bà trông cho”. Tôi tót ra, mệt phờ. Tranh thủ gật gù lúc, không có trưa lại phải ngồi trông.

   “ Dậy, đưa vợ vào đẻ nhanh lên, lần này vỡ ối thật rồi đấy!”. Choàng tình khi chị bác sĩ tôi vừa hỏi lúc sáng đang lay lay. Ối mẹ ơi!

   Đẩy chiếc xe đến cửa, thấy loáng thoáng bên trong một hàng đang dạng háng, ngượng không thể tả. “ Để đây, chị đỡ cho” Vẫn chị bác sĩ ấy, may thế!

   Chả biết làm gì, cứ đi đi lại lại ngoài hành lanh. Ngoài đó cũng một loạt các ông bố, bà nội, bà ngoại ôm chăn chiếu, mặt mày vừa hớn hở, vừa căng thẳng chờ đợi. “ Chú ơi, chú ngồi xuống đi, cứ đi lại thế bọn tôi chóng mặt lắm!” , Một chị cất tiếng. Ờ mà vợ mình đek đâu mà mình sốt ruột nhể.

   - “ Con trai hay gái đấy anh?” Một thằng bố tương lai trong ít phút nữa hỏi. Tôi ngớ ra, đáp bừa “ con trai”. Nó sụt sùi “ Em đứa này là đứa thứ ba, vẫn con gái, số anh sướng thế!”. Nghe giọng của nó mà không biết mình nên cười hay nên mếu.

   “ Xong rồi, cậu vào…bế vợ ra đi!”. Lại vẫn chị bác sĩ ấy.

   “ Bế? Nhưng mà…bế đi đâu hả chị?”

   “ Ô cái cậu này, bế xuống khu kia kìa!.” Chị hơi gắt. Tiếng lao xao của vài người vang lên “ Chúc mừng nhá, thành bố trẻ con rồi đấy! Mà vợ chú như nào mà đẻ dễ thật đó!”. Mẹ, chắc nó khen của “ vợ “ mình bằng cái tông lào.

   Môn bế thương binh tôi được huấn luyện rất rành, nhưng bế bà đẻ, lại chả phải vợ mình cứ luống cuống. Mà sao nó nặng thế không biết, vừa cho ra đến mấy cân rồi vẫn nặng, cả người lẫn mùi. Đã thế chân lại dài. “ Ôm chặt cổ anh”, tôi dặn rồi lúc lắc phi một mạch.

   “ Anh ký vào đây!”, một tay bác sĩ khác gọi tôi lên, đưa cho tờ giấy “ Ơ anh ơi, đây không phải…”

   - Cái gì không phải, tên bố rành rành đó thôi, anh ký luôn xuống dưới ấy!

   Khổ, sáng tôi làm thủ tục, có để ý đek đâu. Nhưng giờ nhìn lại, ký làm sao được.

   Đang định trình bày, thì qua tấm kính cửa, phản chiếu dáng quen quen, người yêu tôi đang đi vào “ Vâng, em ký ạ!” tôi ngoạch bừa luôn một phát rồi lao ra.

   “ Anh bị sao mà vào nằm khám ở đây?” Giọng nàng khàn khàn, mọi ngày chua đáo để.

   - Ờ…thì khám xong tranh thủ thăm vợ thằng bạn đẻ….- Đang gãi tai thì chị bác sĩ, lần này gọi tôi chả đúng lúc chút nào “ Ông bố không vào thăm, bế con chút đi à!” tai tôi ù đi trong tiếng “ Khỏe mạnh nhé, được ba cân hai…”.

   Tiếng mèo gừ ở đâu vọng về, mà không phải, nó ngay trước mặt, phát ra từ miệng cô bạn gái thân thương. Sau đó nó chuyển giai điệu nhẹ nhàng, mát mẻ “ Kìa, bố vào xem mặt con mình đi chứ! Ba – cân – hai đấy!”

   Giông tố bắt đầu nổi lên rồi! Cơ mà không phải sản phẩm của tôi, tôi đếch sợ. Cây ngay ngại gì chết đứng “ Vợ thằng bạn anh …”, không thèm nghe tôi nói, nàng quay ngoắt đi thẳng.

   Đang lẽo đẽo chạy theo, vừa bực vừa ngại trước ánh mắt của mọi người, thì gặp bà cụ đang cắp chăn màn tới, tôi vượt lên, tóm tay nàng lại “ Em đừng nghĩ có chuyện…như trong phim thế! Đây là mẹ bạn anh. Hỏi đi!”

   ***

   Vợ tương lai của tôi nhẹ nhàng đón đứa bé từ tay tôi “ Ôi bé ngoan, cô bế nào”

   - “ Sao lại là cô, mẹ chứ, thằng này nó là bố thì cô phải là mẹ cháu! – Q trêu.

   Nàng mặt đỏ tưng bừng : " Thì…đàn bà mà anh. Với lại, bọn em mà dửng dưng, bình tĩnh được, đâu phải là đang…yêu!

   Giá mà hôm đó, lúc em gọi anh nói luôn, hoặc cứ nhờ em giúp thì đâu đến nỗi."

   Q nắm chặt tay tôi : May có ông, mấy ngày qua ông vất vả quá, vợ chồng tôi đội ơn ông.

   - Đồng đội mà, ơn huệ gì! Tôi vỗ vai Q, nhưng trong đầu thì “ May vợ mày không phải mổ đấy, tao lại phải làm thợ cạo bất đắc dĩ nữa thì thôi rồi...Không có lần sau đâu!"

    Có tiếng kêu ré của người yêu tôi trong phòng, giật mình chạy vào. Hóa ra nàng bị thằng cu cho một bãi nước đái vọt cả lên mặt.

   “ Lây đấy” Bà mẹ Q hóm hỉnh “ Hai bác thể nào cũng có con trai đầu lòng ".

    Cả nhà cùng cười vang. Tôi có cảm giác rất hạnh phúc, như mình vừa làm ông bố thật sự vậy.

Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 11:35:08 am »

Tuyệt cú mèo!
Logged

Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #114 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:10:52 am »

MA

   Chuyện này có thật, tôi gặp trăm phần trăm, không thèm bịa chút nào.

   Chuyện xảy ra khi tôi đang ở trong Bản Phùng, một nơi có danh lam thắng cảnh có tiếng của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, nhất là các thửa ruộng bậc thang khi mùa lúa chín cao ngất tầng mây.

   Nhưng tôi đến đây không phải ngắm cảnh, mà đi kiếm cơm, thuộc đội làm đường biên giới.

   Hôm đó, sau trận rượu ngô, thắng cố ngựa nghiêng cả với mấy ông cán bộ xã xong, chân nam đá chân chiêu về lán, đi một lúc buồn ngủ díp cả mắt, liền tìm kiếm chỗ nào ngả lưng oánh một giấc, khi nào tỉnh thì về. Lúc ấy tôi chả khác đếu gì mấy anh Mèo, say ngủ lăn vệ đường, nhưng lịch sự hơn tìm chỗ cao ráo tý, không có nhỡ bà con nhìn thấy cán bộ nằm cạnh rãnh nước thì mất mặt lắm.

    Ai đã từng đi bản Phùng, chắc nhớ đằng sau cái Ủy ban xã ngày xưa, lưng chừng đồi có những nấm đất vòng tròn tự nhiên cỏ bám um tùm, nhìn rất lạ mắt, nghe nói có từ lâu lắm không biết từ thế kỷ nào, phía dưới là một khu nghĩa địa của người La Chí. Vắng tanh vắng ngắt không một bóng người, kể ra đi qua đây cũng hơi rờn rợn.
Nói chung là đến lúc này cũng chả nghĩ ngợi nhiều, cái chân không nghe cái đầu rồi lố, tôi trèo lên một vòng tròn đất, chỉ trong tích tắc đã đưa mình vào sâu giấc, dù nắng chiều vẫn xiên khoai vào mặt.

    Tỉnh dậy khi thấy lành lạnh. Thời tiết ở đây chỉ cần tắt nắng là sương lạnh có khi ập đến ngay, vội cố mở mắt đứng dậy về, dù đầu óc còn chao đảo. Không nhanh chút nữa nhiệt độ giảm xuống sâu hơn, khéo bị cảm chết mất.

   Nhưng vửa mở mắt, tôi giật mình khi thấy một gương mặt cực kỳ cổ quái đang ngó xuống nhìn mình, nó đầy lông, đen sì, hai mắt to thô lố. Đặc biệt trên đầu có hai cái sừng như sừng trâu. Nó đội dây dợ lằng nhằng đủ màu xanh đỏ tím vàng, thậm chí có cái tua rua còn chạm cả vào mặt. Ối mẹ ơi, sao giống Ngưu Ma Vương thế!

   Nhẽ đây có ma quỷ!

   Tôi định hét lên tiếng nhưng mồm như bị bịt lại, vội chuồi người xuống, may đồi dốc, chỉ cần cựa chân cái là tụt xuống ra khỏi chỗ cái đầu kia rồi.

    Mặc dù hai đầu gối va vào nhau lập cập, nhưng tôi cố đứng dậy, lao đầu chạy.

    Tiếng lộc cộc sát đằng sau, hình như nó đuổi theo.

   Đã thế, chân tôi cứ như bị vướng vào thứ gì đó, quýnh quáng không chạy được, rồi như ai tung dây thừng cuốn chân mình lại. Vẫn đang đà lao người, tôi đổ sập xuống đất, may kịp chống tay không vỡ mặt.

    Thứ đang đuổi theo đằng sau xô đến, giáng cú đau điếng vào lưng. Nhờ cú va chạm đó làm tôi tỉnh hẳn. Chợt nhớ tới mình có dắt con dao bố bản người Nhắng ( Giáy ) cho hồi bên Tây Bắc lúc nào cũng mang theo người, nó có cuốn chỉ ngũ sắc ở chuôi, nghe nói chống được tà ma. Sờ vào thắt lưng vẫn thấy. Hồn vía như nhập lại khi tay chạm vào chất thép lành lạnh. Rút ra khỏi vỏ tôi nghiến răng đâm bừa về phía sau một phát, nghe cái cạch, tê cả tay.

   Thứ sau lưng chẳng lẽ mình đồng da sắt?

   Tự nhiên, chân tôi lại thấy tự do, không suy nghĩ lâu tôi lại vùng dậy chạy. Có khi do cú đâm vừa rồi khiến đồ quái quỷ kia cũng sợ, nó đã buông.

   Phía trước hiện ra mấy bóng người đang leo ngược lại, mừng quá tôi vội hét lên. Họ chạy tới.

   " Ma, ma ..." thở hổn hển tôi chỉ vào cái đống đen sì lưng chừng đồi.

  Không biết mấy người dân địa phương này chẳng hiểu tiếng Kinh hay tôi nói không rõ làm họ cứ ngơ ngác khi nhìn theo hướng tay tôi chỉ. Được một lúc họ cũng hiểu ra, tất cả cười ồ, xốc tôi dậy và đưa ngược lên chỗ đó. Định không theo nhưng họ kèm chặt quá, lại nhớ con dao rơi ở đó, cũng muốn xem nó là cái gì dù vẫn hơi run, tôi cố bước theo.

***

   Đến nơi, mặt tôi tưng bừng đỏ.

   Hóa ra tôi ngủ say quá, lăn mẹ từ trên cái gò xuống, xoay trở thế nào nào lăn tiếp xuống khu mộ của người La Chí.

    Người La Chí có tục lệ khi chôn người chết, họ treo cái sừng trâu với ít giấy bồi phết hình mặt con trâu ( Chắc cái thủ đem ra chén, đeo cái giả lên mộ , chỉ có sừng là thật ), cuốn dây vải, dây chuối linh tinh quanh cái đó. Tôi lăn xuống đấy đạp vào cái cọc treo nó, ngả xuống, khi mở mắt thấy nó sà sát mặt, thần hồn nát thần tính trong lúc mơ ngủ tỉnh dậy, trời thì lờ mờ sắp về tối, mắt lại hoa không nhìn rõ tưởng mặt quỷ. Chạy nhưng chân lại vướng vào đám dây chuối, cứ kéo cái sừng theo, ngã sấp.

   Cú đâm bừa kia trúng ngay phải cái sừng, dao văng cả ra.

   Hé hé!

Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #115 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2016, 02:32:33 pm »

RỪNG LẠNH - 7

   Hoàng từ bản Na về, chính trị viên đã đứng chờ ngay bìa rừng.

   -“ Kết quả thế nào?” chính viên đỡ quai ba lô giúp Hoàng, hỏi.

   - Cũng không thu hoạch được gì anh ạ. Nhưng may là vẫn còn một chút manh mối. – Hoàng đưa túi bùa cho chính viên.

   Người đại phó chính trị thở dài. Anh đã giúp Hoàng đến hết sức mình. Trong điều kiện có thể.

   Vùng biên, sau những năm chiến tranh, còn sót lại rất nhiều những bộ hài cốt liệt sĩ, người dân, chưa thể tìm về, quy tập, xác định danh tính được. Họ nằm rải rác khắp nơi, những nấm mồ tập thể hay riêng rẽ, từ trong các ngách đá, hang sâu, lưng đồi, ven bờ suối. Những linh hồn lang thang không ai hương khói.

   Với các liệt sĩ, đã có quân đội lo, nhưng với người dân, chưa có ai, tổ chức nào đứng ra tìm kiếm họ cả.

   Là quân nhân, trên cương vị người cán bộ chính trị, tất nhiên anh không thể cổ vũ một cách công khai những việc tâm linh như này. Nó sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của anh và Hoàng.

   Ban đầu, anh cũng định gạt đi ý tưởng của Hoàng. Câu chuyện về những bộ xương trong rừng, tìm được, đưa về nơi chôn cất là xong. Nhưng cũng không lý giải nổi những hiện tượng xảy ra khi ở cùng với các chiến sĩ, dù cố gắng đả thông tư tưởng, giúp họ yên tâm làm nhiệm vụ.

   Chính anh, đêm về nghe thấy tiếng đập cửa lều, lạ cái là hỏi chiến sĩ thì không ai nghe thấy.

   Tiếng đập đó, cố tình chỉ cho một mình chính trị viên nghe.

   Tại tọa độ X, khi Hoàng xin cho người đi kiểm tra, cách khu rừng hai ki lô mét, những người lính phát hiện ra dấu tích của một ngôi bản hoang, với những mái nhà , cây cột cháy nham nhở, mục ruỗng nằm trong đám cỏ cây ngút đầu. Những hố đạn pháo bị chi chít, bị lấp gần tới miệng, chứng tỏ xưa kia, ở đây đã có một trận đánh hoặc ít ra là một trận tấn công mang tính hủy diệt.

   Cạnh đấy, có dấu hiệu một đồn biên phòng, hay một khu vực chốt cũng bị san bằng hoàn toàn.

   - Không thể được Hoàng ạ. Chúng ta là lính, chỉ biết phục tùng mệnh lệnh cấp trên, giao nhiệm vụ gì thì làm thế. Cậu xin tôi, vậy tôi xin ai? – anh dứt khoát với Hoàng khi cậu ta xin nghỉ phép, để làm công việc mà theo anh không nên.

   Đơn giản, chỉ cần chuyển cậu ta đi hướng khác là được.

   Hoàng là một sĩ quan trẻ, có năng lực, xông pha, xốc vác. Thường các tuyến khó cứ có cậu ta đảm nhận thì Ban chỉ huy rất yên tâm. Nơi nào có dấu chân nhóm của cậu, khi xong bàn giao đất lại cho địa phương đều “ sạch “, không hề có tai nạn nào xảy ra.

   Công việc của những người lính công binh vật cản rất nguy hiểm, chỉ sơ xảy là không có cơ hội rút kinh nghiệm. Thời bình, khi các đơn vị rút hết về xuôi, thì họ lại cờ thuốn lên các chốt, thực địa nơi rùng xanh núi thẳm để dò tìm, rà phá những quả mìn còn dưới lòng đất. Tư tưởng, tâm lý người lính lúc này rất quan trọng.

   Ngay đêm đó, trong cơn mơ anh gặp một cụ già, dắt một đứa bé đến xin chỉ huy hãy giúp họ. Khớp với giấc mơ của Hoàng.

   Những linh hồn bơ vơ đó đã thuyết phục được anh.

   Họ đã tìm ra, một người bà con của ké Sùng, sống tại một bản khác, biết nơi ông lão đang ở và anh cho phép Hoàng đi “tranh thủ” về thăm nhà - Đó là báo cáo với cấp trên như vậy.Nhưng đến đây lại tắc, công việc không thể thiếu người chỉ huy trực tiếp. Thật khó cho cả anh lẫn Hoàng.
 
   Đêm nay, anh phải đưa ra quyết định. Giữ lại Hoàng, cho cậu ta tiếp tục phần việc dang dở, hay chuyển đi nơi khác.

   Tiếng chim rừng rúc từng hồi lê thê, như hồi hộp chờ câu trả lời của chính viên vang trong đêm.

   ( Còn nữa )
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #116 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 07:24:04 am »

 Vội vàng mặc bộ quần áo, đang bị cái khóa đồng kẹp vào truym đau điếng thì lại tiếng chuông điện thoại “ Mày vào nhanh đi, vợ tao không chịu được rồi!”
Anh mày thích mỗi đoạn này, thật đáng đời Grin Grin Grin
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #117 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2016, 08:53:04 am »


Anh mày thích mỗi đoạn này, thật đáng đời Grin Grin Grin

   Thủ trưởng quả là ác  Tongue

   Em cũng vừa được Nhà xuất bản Quân đội in ra cuốn này đây!  Grin

Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #118 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2016, 10:35:35 pm »

RỪNG LẠNH - 8

Hương Ly mệt mỏi ngả người vào chiếc sô pha. Hôm nay là một ngày thật chán nản.

Thậm chí còn nhạt nhẽo nữa.

" Thật chẳng ra làm sao ". Cô hầm hầm suy nghĩ. Hôm nay là một ngày quan trọng của cuộc đời cô, ngày sinh nhật lần thứ hai mốt. " Vậy mà!"

Tiếng chuông điện thoại ở góc bàn chợt reo lên, uể oải cô nhấc tai nghe " A lô ". Bản nhạc happy birthday thánh thót vang lên, " New century tối nay chứ, hay nơi nào tùy em thích." Giọng nói của Nam, người bạn trai mời mọc. " Không, em bận", cô đáp lại rồi bực bội dập máy.

Là Hoa khôi trong trường đại học, Hương Ly có một nét đẹp khuẻ khoắn, nước da trắng hồng cùng đôi mắt lá răm " sắc như dao cau" theo lời nhận xét của những người bạn, cô luôn có các vệ tinh vây xung quanh. Trong đó có Nam, học khóa trên, một cậu chàng đẹp trai con nhà " cơ bản", khá giả, không hề thiếu tự tin khi nói đến các ngón nghề ăn chơi. Tuy có chút tình cảm nhưng cô thấy anh ta thiếu thiếu một thứ gì đó, không cắt nghĩa được, dù Nam luôn là ngôi sao cũng khiến rất nhiều cô gái mơ ước được ngả vào vòng tay anh ta.

Sáng nay, cô vừa thấy một cô gái cặp eo Nam trên đường. Rất bực. Nhưng thôi, không quan trọng bằng thứ mà cô đang phải suy nghĩ.

Không hiểu sao, gần đây, Hương Ly có những cảm giác rất lạ.

Những giấc mơ hàng đêm liên tục lặp lại, cô thấy mình ở trong một cánh rừng, có rất nhiều người vây xung quanh, họ nói những gì mà cô không thể hiểu được, rồi lửa cháy, tiếng la hét...khiến cô tỉnh dây đầm đìa mồ hôi.

Trong một giấc mơ khác, cô thấy mình nằm bên cạnh bờ một con suối, cơ thể bị gai cào rách tướp.

Tất cả các giấc mơ mù mờ không có ý nghĩa đó, dù cô cố nhớ khi thức dậy cũng không rõ, nó như màn sương bị vén lên, nhìn thấy chút gì rồi lại bị chìm đi ngay. Chỉ có một giấc mơ rõ nhất, đó là cảnh đứng trước một chiếc nhà sàn của người miền núi, cạnh một gốc cây rất to...

Mọi sự giải nghĩa đều có vẻ không liên quan. Từ nhỏ tới giờ, cô chưa bao giờ đến những nơi đó cả, một tiểu thư con nhà giàu sống giữa Thủ đô, chưa mấy khi đi xa gia đình. Nhưng nó làm cô có linh cảm, gợi nhớ đến một thứ gì đó.

Trong một lần, vào ngày rằm đi chùa vô tình gặp một sư thầy nói với cô:" Tròn ngày, tròn tháng, tròn năm, con sẽ gặp một người, gặp quá khứ, hiện tại và cả tương lai!" Ngơ ngác chưa kịp hỏi thì ông đã lẫn vào đám đông người đến bái Phật...

Tiếng chuông điện thoại lại reo lên cắt đưt dòng suy nghĩ của Hương Ly. Giọng của Nam trong ống nghe như van vỉ: " Em giận anh à, anh tới nhà nhé?", " Giận gì, thôi cũng được, anh đến đi". Cô ban ơn.

Lại tiếng chuông nữa reo lên, nhưng lần này là chuông cửa. Hương Ly ngạc nhiên khi mở cổng thấy không phải là Nam, mà một người bộ đội, anh ta còn rất trẻ trạc tuổi cô, bộ quân phục bám đầy bụi đường. Chắc hẳn vừa đi quãng đường rất xa tới đây.

- Xin lỗi, có khi anh nhầm nhà! - Hương định quay vào, sau khi nói với anh lính, cô không quen ai, mối quan hệ nào với bộ đội. Vả lại, cô đang trong tâm trạng không tốt.

- Vâng, nhưng cho tôi hỏi chút thôi - Người lính rụt rè: Cô có phải là Hương Ly?

Hương Ly ngạc nhiên quay ra, anh ta là ai mà biết mình.

- Tôi là Hoàng, vừa biên giới về. Có việc rất quan trọng nên tìm cô.

Hoàng nói xong, móc túi áo, đưa cho Hương Ly tấm ảnh. Cô cầm lấy xem, chợt rùng mình rồi sụp xuống.

Người trong ảnh chính là cô hồi bé, cô cũng có một tấm y như này, chỉ có điều là tấm ảnh của cô ăn mặc khác. Cô bé trong hình người lính đưa mặc bộ quần áo chàm của người miền núi.

( Còn nữa )
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #119 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2016, 09:10:01 pm »

  .

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2016, 01:07:20 am gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM