Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:48:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình đồng đội ! ( Phần 3 )  (Đọc 101026 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #100 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2016, 04:47:45 pm »

RỪNG LẠNH - 3

Trong lúc ấy, nhóm khác do trung đội phó Điền chỉ huy đang dò dẫm từng bước một, men theo bờ con suối.

Đúng ra, đây là cái khe nước, do cấu tạo địa hình mở rộng, lượng nước không lớn chảy xiết từ bên kia biên giới sang. Hơi nước cùng sương rừng thả xuống bốc lên trong đêm dày đặc. Cách một mét chỉ nhìn mờ mờ bóng nhau qua ánh đèn.

- Khu vực này có thể có mìn, mọi người chú ý, chỉ kiểm tra khoảng cách hai mươi mét, đứng giãn đội hình ra. - Bê phó vốn là người cẩn thận, dù tọa độ khảo sát trên bản đồ, không chấm đỏ chỗ này có nguy hiểm.

Tiếng lội bì bõm lại vang lên phía sau khúc ngoặt trước mặt. Có cái gì đó, nghe kỹ như đang tát nước chứ không phải đang lội.

- Thủ trưởng, em bắn nhé! – Người lính đứng đằng trước Điền giương khẩu AK, Điền vội ghìm tay cậu ta lại: “ Không, đây là khu vực giáp ranh, cậu không nhớ à?”

Đúng vậy, chỉ cần một tiếng nổ đầu nòng, đội tuần tra hai bên sẽ kéo đến. Sẽ phiền ra nếu nổ súng vì không có lý do gì rõ ràng. Anh ra lênh : “ Cứ đi tiếp chút nữa đi”. Người lính gật đầu, kẹp chiếc đèn ngang khẩu súng thận trọng tiến tới chỗ bờ suối gấp khúc.

Tiếng bì bõm biến mất, sau khúc ngoặt cũng chẳng có gì!

- Có lẽ, bọn chúng đã đi sang bên kia đường biên. Điền lắc đầu, thật ra anh cũng chẳng biết “ bọn chúng” là ai, tồn tại theo kiểu vật chất nào. “ Rút về lán!”

Chợt mọi người sững lại, dưới lòng suối, một vật gì phát sáng loang loáng, nó lan đi rất nhanh theo dòng nước.

“ Bê phó để tôi!” Một chiến sĩ nhảy ào xuống chỗ phát sáng đó, Điền không kịp ngăn, anh ta kêu ối một cái rồi chìm nghỉm. Khúc suối này hóa ra rất sâu.

- Đồ ngu! – Bê phó giận dữ rủa thầm: “Nhanh tìm cách kéo cậu ta lên. Tập trung đèn lại đây”. Mấy người lính nghe lệnh vội bẻ cành cây, người trên bờ giữ một đầu cho một người cầm một đầu lao xuống.

Đột nhiên cậu chiến sĩ kia trồi lên, cất tiếng cười mừng rỡ khiến Điền rùng mình: “ Đây rồi, tìm thấy rồi, nhiều lắm!”. Tiếng cười không phải của cậu ta, dù rất to nhưng chỉ đủ mọi người nghe thấy, tiếng cười của một kẻ dại trong đêm, đập âm âm vào vách đá hai bên bờ suối .

Cậu lính bò lên bờ, tay ôm khư khư thứ gì đó tròn tròn, đặt lên bờ cỏ. Mấy ánh đèn liền chiếu vào thứ đó.

Một cái đầu lâu đen xỉn, ướt rượt, với hàm răng nhôm nhoam cái còn cái mất nhe ra.

Mọi người giật mình khi từ trong hốc mắt đen ngòm, một vật nhỏ lao ra. Đó là một chú cá, vừa ngáp vừa uốn mình giãy tưng tưng …

( Còn nữa )
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #101 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2016, 05:56:52 pm »

RỪNG LẠNH - 4

Chiếc xe tăng từ từ trườn tới phía Hoàng, ngồi quanh tháp pháo, bọn lính đeo sao đỏ với nhưng gương mặt hup húp cười khoái trá khi thấy anh đang hoảng hốt chạy lùi ra. " B40 đâu!" . Hoàng định kêu lên nhưng chợt nhận ra mình khoác trên người bộ áo chàm, chứ không phải bộ quân phục. Hình như, anh đang trong thân xác một người khác.

Anh cũng nhận ra, không phải mình mình, xung quanh còn nhiều người lắm, già trẻ, lớn bé, đàn ông, phụ nữ có cũng đang chạy như anh. Đang cố tránh xa con quái vật bằng thép phun khói đen sì kia. Họ đã đến bờ suối. Vài người nhảy xuống nhưng bị quật ngã bằng những tràng tiểu liên ngay khi nhô sang bờ bên kia.

Con quái vật thép vẫn lừ lừ tiền đến những người đứng bên bờ suối, cùng đường rồi, họ không còn chạy đi đâu được nữa. Nó chồm lên những người đầu tiên, đứng gần nhất

Tiếng thét đau đớn cất lên của những người bị cuốn vào băng xích cùng tiếng rú kinh hoàng của những người chưa tới lượt, bắt buộc phải chứng kiến người thân của mình bị nghiền nát đành đống thịt đỏ bầy nhầy dưới gầm xe. Tiếng súng vẫn tiếp tục rộ từng tràng, bóng người đang leo lên bờ bên kia tiếp tục ngã lăn xuống suối.

Còn lại Hoàng cùng hai mẹ con người phụ nữ trẻ. Anh giật đứa bé, lẳng xuống bụi cây trong tiếng thét của người mẹ khi băng xích bắt đầu nghiến lên người cô. Đang đinh nhảy xuống thì thấy nhói ở vai, một viên đạn đã găm vào đó. Sức nặng khủng khiếp bắt đầu đè vào chân rồi từ từ lên tới nửa người, anh cố nhỏm dậy nhưng không được, sức nặng nghiến ngấu đổ ập lên người, đau buốt, nghẹt thở. Anh hét lên...

- Hoàng, Hoàng, tỉnh dậy đi nào! - Hoàng mở mắt, hóa ra là cơn mơ, chính trị viên đại đội đang lay lay anh. Cảm giác bị sức ép vẫn còn, anh vuốt ngực, thấy dễ thở hơn một chút.

- Hút đi! - Chính viên châm sẵn điếu thuốc đưa Hoàng, khi hai người ra khỏi lều.

Rừng khuya rất lạnh, tiếng chim ăn đêm kêu ngay đầu lán thê lương.

" Có khi cậu phải về tuyến sau an dưỡng. Dạo này thấy cậu tinh thần bất ổn lắm Hoàng ạ!"

Hoàng rít hơi thuốc, Nicotin làm anh tỉnh táo ra chút:" Không cần anh ạ. Có lẽ, tôi phải giải quyết một số việc ở đây. Tôi linh cảm rằng tôi phải làm điều gì đó!"

Chính viên trầm ngâm. Ba ngày trước, khi tổ của Hoàng báo về sự kiện họ phát hiện ra rất nhiều xương cốt, không rõ là dân thường hay lính, nằm chất đống trong một cái hố giữa rừng và lòng suối. Đơn vị cử anh lên để tiến hành biện pháp giải quyết. Tất nhiên, trong báo cáo không hề nhắc tới chuyện họ bị dẫn dắt bởi một thứ gì đó siêu nhiên, ép phải tìm cho ra những bộ hài cốt đó. Chỉ khi lên tới đây nghe kể lại, khiến anh rùng mình. Chính viên là người từng trải qua chiến tranh, đơn vị anh ngày trước cũng từng chứng kiến những vụ tàn sát người chết xác nằm đắp đống chân đồi, ven suối, cả xác lính địch cũng chẳng ai chôn, thậm chí, có lúc đơn vị phá vây cũng không kịp mang xác đồng đội đi theo đành để lại nằm lẫn với chúng.

Vậy những bộ xương kia là của những ai, ta hay địch?

Khu vực này, chiến sự đã xảy ra gần hai mươi năm, hơn nữa, có dấu hiệu bị đốt cho nên quần áo, vật dụng những bộ hài cốt không còn gì.

Cách đây hai chục cây số có một thị trấn nhỏ, nhưng người ở đó đều là mới, không ai biết chuyện gì đã xảy với các bộ xương này. Đôi quy tập địa phương đành tạm mang đi ra ngoài nghĩa địa thị trấn chôn cất. Tưởng vậy là hết chuyện.

Nhưng, đơn vị vẫn không yên...

( Còn nữa )
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #102 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2016, 02:41:29 pm »

RỪNG LẠNH - 5

Nắng chiều buông những tia cuối cùng xuống Bản Na, tiếng mõ trâu lốc cốc chạy dọc theo con đường từ ngọn núi vào bản, những ngọn khói bốc lên từ các nếp nhà sàn, tiếng người í ới gọi nhau. Không gian thật thanh bình.

Hoàng cất tiếng hỏi mấy cô gái đang giặt dưới suối: “ Các cô cho hỏi, nhà ké Sùng ở đâu?”

- Bộ đội cứ đi men theo con suối này, hết khúc ngoặt kia một đoạn là đến. Hoàng bước đi, vẫn nghe loáng thoáng sau lưng tiếng cười khúc khích của các cô :” Cái bộ đội này đẹp trai lắm vớ!”. Giá như lúc khác anh sẽ hạ ba lô trêu đùa với các cô ngay, nhưng lúc này, anh không còn lòng dạ nào để đùa cợt nữa.

Anh vừa đi cả một quãng đường gần trăm ki lô met về tới đây, một bản Tày vùng núi thấp. Để tìm một người, ké Sùng

Chợt anh chột dạ, khi đến gần ngôi nhà các cô gái chỉ, thấy mọi người đang tập trung rất đông . Chả có lẽ! Anh vội rảo bước vào sân.

“ Tới rồi! Nó đến rồi!” Một câu của người đang ông gần như reo lên khi nhìn thấy anh. Hoàng ngơ ngác, người ta nhầm ai ấy nhỉ? Có vẻ đúng là người ta đang chờ anh thật. Người đàn ông vừa kêu lúc nãy chạy ra cầm tay anh: “ Già Sùng chờ cái bộ đội hai hôm nay rồi, già yếu lắm, đang hấp hối nhưng vẫn cố chờ đấy!”. Không cho Hoàng có thời gian thể hiện sự ngạc nhiên, ông ta lôi tuột anh lên sàn.

Giấc mơ

Hoàng đã gặp ông ké này trong một giấc mơ, trong rất nhiều lần ở các giấc mơ quái dị mà anh hay gặp về đêm ở khu rừng đơn vị anh đang làm nhiệm vụ. Một ông già da bọc xương, nằm dính vào chiếu, đắp tấm chăn màu chàm, đang giương đôi mắt lờ đờ không còn sinh khí, cố thu chút tàn lực cuối cùng nhìn anh, môi mấp máy.

“ Giấc mơ “. Ông lão phều phào. Hoàng vội quỳ xuống cạnh giường, mọi người xung quanh dạt ra.

“ Ta chờ con mấy hôm nay”- ké Sùng nói trong hơi thở khó nhọc “ Ta gặp trong giấc mơ. Người ta nói ta phải ở lại chờ con rồi mới đi với tổ tiên được”

“ Người ta? Là ai hả ké?” – Hoàng nắm bàn tay còn toàn gân hỏi.

“ Còn một người nữa, giấc mơ, ” Ông cụ không trả lời câu hỏi của Hoàng, thốt nên mấy câu rồi im lặng. Hoàng lay lay, không thấy phản ứng gì, ông cụ đã đi.

Chợt anh thấy trong lòng bàn tay đang nắm vào tay ông cụ, có gì cồm cộm. Một chiếc túi bùa. Hoàng mở ra xem, mấy sợi chỉ ngũ sắc, loại hay buộc cổ tay, chân trẻ con, còn một cái ảnh đứa bé gái, đã loang lổ, ố vàng, gần như không nhận rõ mặt. Nhìn kỹ một lúc, anh ngẩn ra, đứa bé trong một giấc mơ, chính nó, anh đã giằng ra khỏi tay người mẹ sắp bị xích xe tăng đè ném xuống bụi cây ven suối.

Vậy, nó CÓ THẬT, còn sống và đang giữ cái anh đang cần.

Anh hiểu ra vấn đề, khi xâu chuỗi các cơn mộng mị lại với nhau.

Giấc mơ.

( Còn nữa )
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2016, 05:24:19 pm gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #103 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2016, 02:29:08 pm »

RỪNG LẠNH - 6

…Những bộ xương lần lượt đứng dậy, chen chúc nhau trong lòng hố, tiến đến trước mặt Hoàng, anh hốt hoảng lùi bước, chĩa súng “ Đứng lại, không tôi bắn đấy!”

Khí lạnh dưới hố bốc ra ngùn ngụt.

Mấy chiếc đầu lâu nhìn nhau, từ trên các chỏm sọ nhẵn thín, có cái nứt toác như bị bổ đôi, những sợi tóc dần dần hiện ra, rồi gương mặt xuất hiện da thịt, đôi hốc đen ngòm thay vào là cặp mắt lấp lánh, ngân ngấn nước. Hoàng sửng sốt.

Đứng trước mặt anh là những con người, trong chốc lát họ không phải là các bộ xương ghê rợn nữa.

Quần áo chàm của họ tả tơi, có cô gái trẻ gần như trên người không còn gì, đang lấy tay cố gắng che vài chỗ trên cơ thể một cách co ro.

Một đứa bé đứng nép nép, ôm chân một ông già, nhìn anh với con mắt sợ hãi, hình như bộ quân phục màu xanh của anh làm nó khiếp.

“ Chúng tôi là những người chết, người đã chết không thể chết thêm được nữa, dù anh có bắn” - Người đàn ông nhiều tuổi nhất, tiến ra trước đám người - hồn ma nói. Giọng tan vào sương đêm.

- “ Ngư..ời…ngư…ời…chết. Nhưng, các người là ai, ở đâu đến?”

- Chúng tôi là dân bản ở đây, bị giết ”

- Vậy… ai giết mọi người!

- Bọn chúng nó! - Người đàn ông chỉ sang bên kia biên giới: Ngày ấy, chúng tôi bất thình lình bị tấn công từ sáng sớm. Nhiều, rất nhiều người bị chết ngay trên giường ngủ của mình, số còn lại bị đuổi, bị lùa đến đây. Chúng đánh đập đàn ông, bóp chết trẻ con, hãm hiếp phụ nữ, rồi hất chôn chúng tôi chung vào một chỗ.

Hoàng chợt hiểu. vì sao đứa bé nhìn bộ quân phục của anh sợ chết khiếp như vậy. Ngày trước, nó từng bị những kẻ mặc bộ quân phục màu như này hành hạ. Có điều, chỉ giống nhau ở cái màu xanh. Những kẻ giết nó mặc quân phục Tô Châu, đeo ngôi sao đỏ năm cánh trên mũ.

- “ Khi đó, bọn chúng chưa đuổi đến đây, chúng tôi ngồi cầu mong các anh đến. Nhưng bộ đội, không một ai đến cứu!” – Ông già trở lên giận giữ.

Hoàng lúng túng, nỗi sợ hãi của anh không còn nữa

- “ Chúng tôi phải nhìn cảnh từng người bị báng súng giã như giã gạo, lưỡi lê xuyên thấu qua tim, vợ con bị làm nhục , kêu khóc, giãy giụa ngay trước mặt.. Đứa con gái bé nhỏ của tôi, bọn chúng mổ bụng, trước khi chết, tôi vẫn kịp nhìn thấy lòng ruột của nó bị moi ra, ném vung vãi. Đau lắm!

Nước mắt Hoàng chảy ra.

- “ Bộ đội, tôi biết, ngày ấy anh còn bé. Anh không chứng kiến những gì đã xảy ra. Tôi không có ý trách anh. Dù sao, chúng tôi cũng đã chết, không thể sống lại được nữa.” Ông già hạ giọng khi nhìn thấy giọt nước lăn trên má anh:

- “ Gần hai chục năm nay, chúng tôi chờ, hy vọng sẽ có người đến, tìm ra chúng tôi, cho chúng tôi quần áo, chút cơm canh. Càng chờ càng không thấy, tưởng đã hết hy vọng, những người dân bản sẽ không ai biết đến cái chết của họ. May có các anh đến đây. Bộ đội, không cứu được chúng tôi, nhưng anh có thể làm được việc khác!”

- Bộ đội, hãy giúp chúng tôi, trả lại tên tuổi cho mọi người”- Ông nắm tay anh khẩn khoản, Hoàng chỉ cảm thấy có thứ gì rất lạnh đang áp vào tay mình.
“Ké Sùng, ông ấy là người thoát chết duy nhất, bị bắn rơi xuống hố, khi bọn chúng bỏ đi, ông ấy leo lên chạy xa lắm!” – Ông già tiếp : “ Anh đi tìm ông ta đi!"

Anh gật đầu, thấy vậy nét mặt các hồn ma mừng rỡ. Da thịt, quần áo, tóc tai họ dần dần biến mất, lộ ra những bộ xương…


Hoàng bật dậy. Lại là một cơn mơ, anh vén lều chạy ra suối lội xuống vốc nước rửa mặt. Không để ý, chính viên đang đứng trên bờ nhìn xuống lắc đầu!
Tiếng chim rúc lên từng hồi như tiếng cười khoan khoái phía trong rừng tối...

( Còn nữa )
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
NhưC7D2E876F356
Thành viên
*
Bài viết: 741



« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 10:30:16 pm »

Ngày xưa mình cũng có một giấc mơ rất kì lạ khi còn chốt trên 685, định kể lại trong:" hành quân lên 685" nhưng bận quá mà chẳng viết nữa. Những hồn ma này lại là những đồng đội của mình. Trong giấc mơ, họ lay mình dậy và nói:" dậy mà về đi, có chúng tao chốt ở đây là đủ rồi. Về đi, về đi để còn biết mùi đời". Và ngay chiều hôm đó, bọn mình nhận được lệnh rút quân khỏi 685.

Tận 30 năm sau mình mới mang được cái "mùi đời" lên để nhớ ơn đồng đội


 
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #105 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 11:06:30 am »

NHỮNG NGỌN NẾN TRONG ĐÊM



   Ba hai năm, một quãng đường dài/ Mỗi sớm mai khi mình còn thức dậy/ Cảm ơn đời ơn bạn đã cho tôi/ Sống cuộc đời thay bạn nằm ngã xuống.

   Ba hai năm nhanh hơn gió thoảng/ mỗi đêm về trằn trọc giấc mơ hoang/ Nơi biên thùy bạn không chăn ấm/ Nghĩa trang buồn đội hình vẫn nghiêm trang.


   Trời Vị Xuyên về đêm không một ngọn gió, nóng nực, cái nóng oi bức cùng những tiếng sấm ì ầm báo hiệu một cơn mưa lớn. Con người và mọi cây cỏ đều đang chờ được tưới mát, được ngủ ngon giấc trong tiếng rào rào mưa rơi sau một ngày nắng nóng đến khô héo.

   Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên lặng ngắt về đêm, những ngọn đèn công suất lớn soi rọi biểu tượng hình vòng hương và mũi súng AK biểu tượng của sự tri ân nhưng người lính đã hy sinh đang sáng rực. Trên khu bia mộ, từng hàng, từng hàng mộ im lìm trong ánh đèn vàng vọt thiếu sáng. Mảnh trăng non đầu tháng lơ lửng những phút cuối trước khi bị những đám mây đen che phủ.



   Chúng tôi, đoàn cựu binh trung đoàn 174 - F 316 cũng các bạn bè đến đây lúc 8h tối. Ngày mai, là ngày mỗi khi nhắc tới, lồng ngực mỗi người lính cựu lại đau nhói khi nhớ tới ba mươi hai năm trước: 12/7/1984, gần một trăm bẩy mươi người lính của sư đoàn Thổ ngã xuống trên cao điểm 233, 300...cùng với những người lính các đơn vị bạn ba mươi hai năm trước.

   Một nghìn bảy trăm ngọn nến cho gần một nghìn bảy trăm ngôi mộ liệt sĩ các sư đoàn, các thời kỳ ở đây đã được chuẩn bị, đêm nay, chúng tôi thắp cho những đồng đội, những người đàn anh đi trước nằm nơi đây, một chút ấm áp từ ngọn lửa của những người còn sống, của những người đàn em.

   Hôm nay, ta gặp ở đây, ngày mai sẽ trên chốt, ngay chính nơi các đồng đội về với Đất Mẹ.

   " Các đồng đội linh thiêng, hãy cho chúng tôi thời gian, cho chúng tôi thắp xong cho các anh nén hương, ngọn nến. Đừng mưa vội nhé! " Một lời cầu từ đáy lòng cất lên. Trời vẫn ì ầm cơn giông, đe dọa sẽ trút những giục nước xuống, cắt ngang công việc của chúng tôi bất cứ lúc nào.

   Mồ hôi đầm đìa, ướt đẫm những bộ quân phục, những bộ trang phục, hòa lẫn với những giọt nước mắt cay mặt trên mặt chảy vào khóe mắt. Không khí khẩn trương, tiếng thúc giục nhau không ngừng " Nhanh lên các bạn ơi, đừng để dở dang". Khu mộ thoăn thoắt những bóng người chạy theo các hàng, ánh lửa bùng lên..



   Hàng người nối nhau từ dưới lên trên cùng, chuyền cho nhau bó hương, cốc nến, khói nhang trầm lan tỏa trong không gian, những ngôi mộ sáng lên từng hàng chữ tên tuổi, đơn vị người đã mất.





   Ngọn lửa trên lư hương bùng rừng rực. Soi tỏ những giọt nước mắt lăn trên những gò má nhăn nheo, những mái đầu bàng bạc.



   ***

   Người lính cựu binh đi cùng hai cô con gái vào nghĩa trang. Anh không theo đoàn nào.

   - " Tôi là người sống sót còn lại, trong tổ đặc công của trung đoàn 821 khi đi đánh trận địa cùng các anh, trung đoàn 174 " giọng anh nghèn nghẹn.

   " Nỗi đau lớn nhất của tôi, khi bị thương, nằm tại đó, đồng đội cõng ra, nhưng anh ấy lại hy sinh. Chưa biết nằm ở đâu. Tôi...nợ anh ấy nhiều lắm!"

    Hai cô con gái người cựu binh đã lớn, một cô đã thành bác sĩ, cô út đang học đại học. " Bố cháu thương tật 61 %, chúng cháu đi, mang thuốc theo để có gì còn chăm sóc bố!"

   Câu chuyện với người lính đơn vị bạn khiến mọi người mải miết, không kịp hỏi tên anh. Cho đến khi, tất cả lên xe về, ba bố con họ còn ở lại tiếp tục cặm cụi thắp hương cho từng ngôi mộ, mới nhớ ra. " Chúng ta chỉ cần biết, gọi anh ấy bằng một cái tên " ĐỒNG ĐỘI " thôi các bạn ạ."
Chợt nhận ra, đây là một người bạn Fây, đã biết anh, nhưng thôi, cứ để trong lòng mọi người biết vậy là đủ.

***

   Xe rời nghĩa trang, lòng ai cũng nhẹ nhõm.

   Đồng đội ơi, hoan hỉ nhé! Năm sau chúng tôi lại lên.

   Cũng không phải lâu thế, cứ có dịp, chúng tôi sẽ ghé.

   Ngoài xe, vài giọt mưa đã lác đác hắt vào, lăn chầm chậm trên kính...

   Những ngọn nến trên đồi cao, vẫn đang lung linh trong đêm.



   Vị Xuyên, ngày 11/7/2016
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2016, 11:35:18 am gửi bởi Linh Quany » Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #106 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2016, 12:06:02 pm »

Chú Hà (Dapxichlo) vừa rồi không tham gia "Thăm lại chiến trường xưa" thì thật đáng tiếc,tôi gặp thằng Đẹp nhà Phú linh.Nó nhắc chú mãi,trận hôm 11/3 nó bổ hòm đạn 7,62ly ra,nó lắp cho băng đạn của tôi một hộp đạn lửa vạch đường chú nhớ không ?Khi bắn đạn bay như đom đóm,sau tôi cho thằng Đẹp bắn 2 băng nó sướng rên,chắc từ bé nó mới được bắn nhiều như thế.Khi chia tay,định chụp ảnh lưu niệm thì máy hết pin,chán quá.
Logged
dapxichlo
Thành viên
*
Bài viết: 291


« Trả lời #107 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2016, 11:37:23 am »

    -Chào Linhquany và toàn thể các bác. Kính chào bác Laoshan1234(bác Bình Long).
Em xin lỗi mùa hè em bận quá,cái bể bơi đông khách luôn bị quá tải,em muốn đi lắm nhưng điều kiện chưa cho phép,em vẫn vào đọc thường xuyên,em đã nhìn ảnh của bác rồi,còn đồng đội tên Đẹp da trắng người dong dỏng cao,còn em vẫn có ước muốn vào thăm lại chiến trường xưa. Lao Chải và phải lên bản Nậm Lầu,lên 1558A-1558B ,quan sát 1800-1776-1785-1668 (chốt đồi thông),em muốn chỉ nơi anh em mình còn nằm lại ở  1785,còn rất nhiều điều cần phải nói tới các trận đánh ,công khai và bí mật chỉ thương cho những đồng đội hy sinh vì tổ quốc,nhưng Không có phần mộ ,những trận đánh vẫn ghi sâu trong tâm trí của em Anh Long ạ,bây giờ Chỉ cần một tờ giấy và cây bút là em vẽ ra tất cả các điểm cao,con suối một ngày nào đó anh nhé,anh em mình sẽ lên.
-Linhquany đúng là đi phục phụ mọi người đưa ảnh của mọi người,còn mình thì lại quên cảm ơn rất nhiều.
          Chúc toàn thể các bác mọi sự tốt lành.
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #108 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 03:02:35 pm »

   Bác dapxichlo dạo này cày cuốc ác quá! Em tưởng đợt rồi cũng có bác đi Vị Xuyên.

   ---

   Đồi 233 trưa 12/7/2016.

   Trong cái nắng nóng rực, đoàn congteno chở hàng ùn tắc kéo dài từ ngã ba Thanh Thủy cho đến tận cửa khẩu khiến chiếc xe 50 chỗ của Đoàn CCB trung đoàn 174 - F 316 không thể len vào được, nằm chờ cửa hang Dơi. Là người hướng dẫn cho đoàn ( Đa số các CCB đều không nhớ địa điểm vì trận đánh xảy về đêm ) tôi bắt chiếc xe ôm, len lỏi qua đám khói bụi dày đặc chạy lên, vừa tìm cách mở đường vừa muốn chụp tấm ảnh về đưa cho họ xem nơi xưa kia họ chiến đấu như nào.

   233,226 ... giờ đổi khác rất nhiều, một phần đã bị san đi làm chỗ tập kết xe hàng, một phần còn lại người ta đang bạt tiếp đi để xây dựng không biết công trình gì và dựng lên bản Nà La tái định cư mới.

   Tất cả, giờ là một công trường.

   Những bộ xương, quân trang quân dụng mục nát thi thoảng lộ ra dưới lớp đất được xới lên dưới lưỡi thép máy ủi. Có lẽ hầu hết là Hài cốt của những liệt sĩ của ta .

   Nơi đây, rạng sáng ngày 29/4/1984, những người lính cuối cùng của D1 - E 122 - F 313 bị bao vây ba mặt, phải băng qua chính bãi mìn của mình rút xuống ven sông Lô. Nhiều người trong đơn vị họ nằm lại mãi.

   Cũng là nơi, rạng sáng 12/7/1984, trong chiến dịch MB 84. Hàng trăm người lính của trung đoàn 174 cùng đoàn đặc công 821 ngã xuống. Trong đó có một tiểu đoàn trưởng.
Vị trí này được nhắc thoáng qua trong bài hát "Về đây đồng đội ơi" của nhạc sĩ Trương Quý Hải, một người lính cựu sư đoàn 356, hầu như trên thông tin báo chí hiện nay, chỉ thấy nói đến các địa danh của 356 chiến đấu như 772, 685, nó cũng như bên Đông sông Lô, cao điểm 1030, Xi Cà Lá, 1100 tây nam sườn 1509 ( Nơi những người lính E 266 - F 313, E 141 - F 312, F 3 Sao Vàng ..v..v...hy sinh ) ít ai biết, lặng lẽ chìm đi trong những bài báo, phóng sự truyền hình rầm rộ về việc làm cao cả của các cựu binh 356 đang xây đài hương 468. Thật bất lực vì không phải nhà báo, không thể làm gì hơn được.

   Mấy năm trước đi cùng đoàn CCB F 313, thì 233 vẫn còn vài nét nhận ra được trong trí nhớ của những người lính đoàn Tây Côn Lĩnh. Từng tổ phục, hang đại liên, hầm số 1, số 2..v..v...Nay chỉ là một bãi đất đang san ngổn ngang.

   Cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang thay đổi từng ngày, được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế, sầm uất nhộn nhịp hẳn lên. Các đồi đá, điểm cao sát đường xưa hai bên từng giành giật với nhau với mật độ đạn pháo ác liệt, thay tên đổi chủ liên tục thì giờ đã thấp dần đi, thay vào đó các ngôi nhà cao tầng, các bãi chứa hàng.

   Những vị trí phòng thủ tự nhiên nằm che chắn sẽ mất. Nói dại nếu có đánh nhau nữa thì Trung Quốc đứng ở cửa khẩu bắn một phát khéo tới tận cầu ngã ba.

   Bù lại, kinh tế sẽ phát triển, hàng xuất khẩu khu vực Việt Bắc sẽ được thuận lợi hơn.

   Về tới nơi, mọi người hỏi " Ảnh đâu?", tôi lắc đầu, chả lẽ cho họ xem cái máy xúc.
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #109 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 09:45:32 am »

NỖI SỢ SAU CHIẾN TRANH

( Viết về đồng chí thương binh bố vợ nhân ngày 27/7 )

Bố vợ tôi là người lính đặc công thời chống Mỹ. Thuộc lữ đoàn 367 chuyên đánh phối thuộc cùng công trường 5 ( sư 5 ) miền Tây nam bộ.
Ngày đầu tiên, khi vợ tương lai dẫn về giới thiệu, nhìn ông cũng hốt, vì cái tướng hơi dữ nhưng tôi trấn tĩnh ngay, cơ bản là ...chưa biết có nên cơm cháo gì hay không, sợ đek!

" Mày uống được rượu không?" Ông vừa đẽo khúc rễ cây vừa hỏi. Tôi từ bi " Dạ, cháu cũng không uống được mấy.". Cái khúc rễ đó là của cây mật gấu Cao Bằng, cho vào rượu chuyển sang màu vàng, đắng nghét, uống một lúc thấy vị ngọt hậu thoang thoảng. Có lẽ vì vị đắng - ngọt đó hay vì sợ nhạc phụ tương lai mỗi lần nhâng chén tôi cũng nhâng theo mà tôi học đủ nghị quyết sáu lăm với ông. Cũng chả biết xưng bố con lúc nào, thi thoảng húng lên vỗ vai nhau cứ như thân quen từ lâu lắm rồi í. Hóa ra ông rất hiền.

Đêm đó, cả nhà không ngủ được vì chuyện lính tráng của bố con tôi.

Từ đấy, những đợt gặp hội đồng đội, ông vẫn gọi tôi vào cùng tiếp rượu.

Đơn vị ông, số người sống sót hầu như không còn mấy, những người lính đặc công hao hụt dần không kịp bổ sung sau những trận đánh mật tập, suốt từ bên đất K, Lò Gò, Sa mát cho tới chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước khi ngồi xuống mâm, họ đều đứng một chút mặc niệm, tưởng nhớ những người anh em đã mất. Chén đầu là chén uống cho đồng đội đã ra đi, chén sau mới uống cho người còn sống

Trong câu chuyện của họ, thật và sống động đến nỗi, tôi nghe cảm nhận được cái lạnh mỗi khi cởi trần phơi sương cho hết mùi lừa chó becgie, sự hồi hộp ngoài hàng rào dây thép gai bò vào căn cứ địch, cái dữ dội của pháo bầy, sự sống chết trong gang tấc khi bị trực thăng đuổi thổi rẽ cây như rẽ tóc trên đầu phải chém vè, và cái tôi muốn nghe nhất là tình đồng đội của họ.

Lính đặc công, mỗi khi ra trận, không hề có thông tin đi theo, họ chỉ trông vào người chỉ huy.

Họ hy sinh, phần nhiều không lấy xác được, ngay khi mang đồng đội ra cũng chẳng mảnh tăng bạt thay áo quan, chỉ mỗi chiếc quần đùi trên người, đồng chí gạt nước mắt tiễn đưa nhau xuống dưới nền đất lạnh.

Ông cụ nhà tôi, có lẽ số may mắn, bị thương nhiều lần nhưng tử thần không động đến.

Ngày chúng tôi sắp cưới, ông được nhận chế độ chất độc màu da cam. Trước mặt hai đứa, ông thông báo và im lặng chờ. Vợ tôi không hiểu, nhưng tôi hiểu: Ông sợ rằng, cái di chứng của thứ chất độc diệt cỏ đó sẽ truyền sang thế hệ sau, con không bị nhưng cháu có thể.

Ông chờ sự biến chuyển tâm lý của tôi.

" Vâng, dù sao muộn vẫn hơn không có bố ạ", tôi thản nhiên. Gương mặt ông thoáng giãn ra nhẹ nhõm.

Nhưng, tôi cũng không hẳn không có mối lo.

Đứa con đầu lòng, đích tôn dòng họ nhà nội tôi trong bụng vợ lớn dần. Hai người đàn ông, tôi và bố vợ, âm thầm hồi hộp theo dõi, mỗi khi đọc xong kết quả siêu âm lại yên tâm một chút.

Rồi đến ngày vợ tôi sinh, lại vẫn hai người đàn ông, một già một trẻ đứng bồn chồn bên ngoài. Ai nhìn cũng tưởng sốt ruột chờ cháu, họ không biết suy nghĩ của bố con tôi, tuy không nói ra nhưng chắc chắn đều chung một điều rất khác.

Bố tôi tóc bạc thêm và già hơn đi trong buổi chiều đó.

Tiếng oe oe trước phòng hộ sinh, mẹ tôi bế cháu ra. Cả hai lao tới, động tác đầu tiên là...cầm tay chân xem.

Con tôi hàn toàn bình thường về mọi hình hài, thể chất. Thậm chí còn gào hơi to và đạp hơi mạnh khi ông ngoại động vào.

Tiếng thở nhẹ nhõm từ hai lồng ngực cùng vang lên.

Vài giọt nước mắt chảy xuống lăn trên gò má nhăn nheo của ông. Tôi cũng thấy mắt mình cay cay...
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM