Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:21:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mãi mãi tuổi mười chín  (Đọc 35634 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2015, 12:17:34 pm »

        Trêchiakov leo lên khỏi lòng khe : anh không việc gì phải đứng dưới gầm cầu suốt thời gian ấy, dẫu sao đó không phải là trò xiếc. Sau khi ra lệnh tháo rơ-moóc và dùng dây chão dài để kéo, anh không đợi đi qua cầu. Anh đi ngang qua những khẩu pháo, ngang qua các pháo thủ đứng bên pháo, anh thấy mình đúng, anh đã làm những gì cần làm, nhưng vì sao nhìn họ lúc này anh thấy khó chịu và thấy xấu hổ cho bản thân mình. Anh đã bò dưới gầm cầu, hét lên điều gì đó... Chỉ đơn giản là ngồi cạnh người lái xe và bình tĩnh dẫn khẩu đội đi : ít ồn ào và được việc hơn.

      Đến nửa đêm, ở khu trại, sau khi gõ cửa một ngôi nhà, họ dựng ông già dậy đưa đường. Ông già không mặc gì, chỉ khoác tấm vải trắng ngồi lên xe xích : ông hy vọng, như thế chắc là ông sê được thương xót hơn và họ sẽ thả ông ra sớm hơn. Họ choàng chiếc áo bông ngắn khét nắng lên vai ông, và ông sau khi xỏ tay vào áo, lấy chân này ủ ấm chân kia.

     - Chạy, chạy…Theo lối mòn này...— Cái cổ gà chọi đầy lông trắng để trần của ông ta thò ra từ cổ áo.

     - «Chạy, chạy» — anh lái xe nhại; toàn thân ướt sũng, đầu đội mũ ca-lô ướt. — Ông đưa tôi đi đâu đấy ? Ở đây độc các mụ toi cơm. Ông hãy đưa tôi đến nơi pháo cần đến áy !   

     Ông già nhẫn nhục chớp chớp đôi mắt rớm nước, từ chiếc áo bông ngắn, cánh tay run cầm cập chỉ ra, phía trước, trong mưa. Ông dẫn khẩu đội đến cánh rừng thưa, và họ thả ông ra.

     Máy tắt hết. Tiếng súng máy bỗng gõ đều gần ngay bên. Từ mặt đất đen ngòm, những đường đạn sáng lóe, hiện lên rồi biến mất. Tiền duyên ở một nơi nào không xa. Thế mà anh cùng với những cỗ đại bác hạng nặng vẫn bị giam hãm nơi đây.

     Cánh lái xe bước đến :

    - Báo cáo trung úy, hết chất đốt.

    - Sao lại hết?

    - Đốt hết rồi.

    - Chúng ta đi mãi, đi suốt đêm.

      Một phát súng lẻ loi yếu ớt. Sau khi vạch theo sau một vệt khói lấp lánh, phát pháo sáng bay vút lên. Nó cháy bùng, sáng rực trên đầu họ và cánh rừng thưa, pháo, người — tất cả hiện rõ mồn một như trên lòng bàn tay trần trụi.

      - Sao lại hết chất đốt?— Trêchiakov hỏi, cảm thấy chán nản và bất lực hoàn toàn — Sao lại hết vào cái lúc đang cần ?

       Họ đứng trước mặt anh, mắt nhìn xuống đất và im lặng. Và họ có thể đứng như vậy mãi mãi, anh thấy rõ điều đó. Ánh sáng vụt tắt. Không biết phai làm gì bây giờ, phải nói thêm điều gì chứ gào lên và chửi rủa, nói chung là vô ích – Trêchiakov bỏ đi. Hình như Zavgôrôtnhi gọi anh từ bên trong chiếc xe rơ- moóc, tiếng rên rỉ của ai đó vang lên, nhưng anh làm ra bộ không nghe thấy. Anh không cần an ủi, bởi vì anh ta, một người ốm, thì có thể làm được gì từ nơi đó ?

      Những chú ngựa nào đó lang thang trong cánh rừng thưa. Một chú ngựa bạch, mắt lim dim gặm cỏ cây. Hơi bốc lên từ thân hình ướt đẫm của chú ngựa. Mãi đến lúc này Trêchiakov mới biết mưa đã tạnh. Từ mặt đất, từ cỏ cây, sương mù bốc lên.

      Nghe thấy tiếng người nói, anh bước lại gần hơn. Khẩu đội vừa đẩy pháo vào chiến hào mới đào, vừa cãi vã nhau, vừa thở nặng nhọc. Ghìm nòng pháo, ấn mạnh càng pháo, ấn mạnh bánh cao su, các pháo thủ gần như ở trần, ướt đẫm vì mưa đang đẩy pháo xuống. Mọi người cố nén xúc động, đứng vây quanh anh. Đây là trận địa của tiểu đoàn pháo. Anh đã tìm được trung đội trưởng. Trông anh ta hơi già, mang ủng và quấn xà cạp như lính bộ binh, mỗi chiếc ủng bám hàng pút (1 pút=16,38 kg) đất đen, thoạt đầu anh ta hoài nghi nghe Trêchiakov. Rồi thì anh ta hiểu ra sự thể. Họ so đo các tấm bản đồ. Và đột nhiên, hệt như khu vực đó xoay chuyển trước mắt, mọi cái đều trở nên dễ hiểu. Sườn dốc cao điểm ấy, nơi họ cần đặt pháo cách đây có nửa cây số.

      Khi trời chưa sáng, anh vội vã tìm trận địa của khẩu đội, anh chui lủi khắp nơi, suy tính xem đưa pháo vào đây bằng con đường nào, và anh trở lại cánh rừng thưa. Các chiến sĩ ngủ cả, chỉ còn Paravian trùm áo bạt đi lại bên pháo. Họ ra lệnh báo thức. Các chiến sĩ lái xe lạnh cóng trong những chiếc áo bông ngắn, không đủ ấm cả trong giấc ngủ, tiến lại gần, ngáp rung cả người. Anh hướng dẫn cách đưa pháo vào, và chất đốt đã được tìm thấy.

      - Ở đó trong các thùng phuy còn chút ít...

      Cánh lái xe nhìn lảng đi. Họ nói rằng hết chất đốt. Anh thấy lúng túng đến mức không kiểm tra lại ở các
thùng. Nhưng bây giờ không phải chỉ ở các thùng phuy, mà còn tìm được cả một thùng tônô. Nhưng dù sao cánh lái xe cũng phải thôi: đi suốt đêm mà không biết rõ sẽ đi đâu, và tất nhiên phải đốt gần hết nhiên liệu.

       Trước lúc rạng đông, khi bóng tối nhờ nhờ đặc quánh lại, để các chiến sĩ đào hầm cho pháo.  Trêchiakov đã liên lạc với đài quan sát. Trong chiếc hố con con mới đào, Trabarôv đang cầm ống nghe :

      - Đại đội trưởng đâu?

      - Đại đội trưởng đang nằm ngủ ở bên trên ấy.

       Một phát pháo sáng bay vọt lên nơi tiền duyên và Trêchiakov trông thấy : áo mưa bạt trùm kín từ đầu, chỉ thò đôi ủng ướt át ra ngoài, đại đội trưởng đang nằm ngủ ngoài bờ chiến hào.

     -  Đồng chí đại úy ! Đồng chí đại úy !...

      Pôvưixenko ngồi dậy trên mặt đất, nheo mắt lại vì ánh pháo sáng, trong giây phút đầu tiên anh ta nhìn bằng đồi mắt đỏ ngầu, vẫn chưa hiểu chuyện gì. Rồi ngáp đến trào nước mắt, rùng mình, và lắc đầu hỏi :

     - À... cậu đến bắt liên lạc đấy phải không ?

     Trong bóng tối, anh ta nhìn mãi những chiếc kim dạ quang trên mặt đồng hồ.

    - Cậu đi đâu mà lâu thế ? Cậu họ gì, Tretverikov phải không?

     - Trêchiakov.

     - Ừ nhỉ, Trêchiakov, đúng thế. Cậu được cử ra chỗ chết đấy.

     Khi tỉnh hẳn, đại úy đứng lên, vươn người và lại ngáp.

     - Đã đào hầm cho pháo xong chưa ?

     - Đang đào.

      Vẫn văng vẳng bên tai Trêchiakov tiếng máy kéo ầm ầm, và đôi chân anh dường như vẫn đang lội trong bùn đen. Sau suốt một đêm khôug ngủ chỉ có cái đầu vẫn nhẹ nhàng, minh mẫn, và đại đội trưởng người cao to choàng tấm áo bạt lúc thì thấy ở gần bên, lúc thì xa tít trong ánh sáng hừng hực của đám cháy.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #11 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2015, 06:44:54 pm »

     V.




     Những trận chiến đấu rời rạc đã diễn ra trong một vài ngày trước trên mảnh đất này. Giữa chiến hào của quân Đức và quân ta, cánh đồng lúa mì chưa thu hoạch càng rơi rụng xơ xác xuống nhiều hơn vì các tiếng nổ, và lỗ chỗ những hố đạn đen ngòm trên cánh đồng. Đêm đêm, trinh sát bò trên lúa mì : trinh sát của ta bò đến chỗ quân Đức, trinh sát của bọn Đức bò đến chỗ quân ta. Và đột nhiên pháo nổ đùng đoàng, pháo sáng bắt đầu phóng lên, những loạt đạn súng máy sáng rực cày khắp cánh đồng, đạn cối nện trầm và vang. Ai đó bị kéo lê trong tăng sẽ gộp vào những người vô danh hy sinh trong chiến tranh, đôi gót ủng và những ngón tay vàng ệch buông thõng xuống vì bị thương của anh ta vẽ thành vạch trên mặt đất.

     Giữa trưa oi ả, cánh đồng lúa mì bốc cháy vì đạn pháo. Khói bốc cao, gió táp vào ngọn lửa, lách qua chiến hào, lan khắp tiền duyên. Thay đại đội trưởng, Trêchiakov ngồi trên điểm cao cùng với lính trinh sát và lính thông tin tại đài quan sát, nơi đó mặt đất chỉ có cỏ cháy trụi đến tận gốc, các thi hài và tro. Mùi lúa mì cháy khét lẹt bám vào tất cả mọi thứ : không khí, thức ăn, quần áo.

       Sau khi đi một vòng trên nhiều bãi chiến trường, mặt trời uể oải lặn xuống phía hậu phương quân Đức, ; trong khói và bụi, ráng chiều rực hồng nguội dần dưới đám mây tro, trăng đã lên cao trên bầu trời. Trăng tràn đầy ánh sáng, lạnh lùng nổi bật trên mặt đất đen.

    Dưới ánh trăng xanh, nhìn đôi bàn tay mình bị xỉ ăn mòn bám thành những đường viền đen quanh những chiếc móng tay nứt mẻ, thỉnh thoảng Trechiakov chợt nhớ lại, đôi tay anh đã trở nên sạch sẽ như thế nào bên đầm lầy gần thành phố Ruxxa Cổ, da nhăn nheo, mềm mại như sau mỗi lần rửa. Anh thay giầy để hong khô xà cạp, đôi chân rút ra khỏi xà cạp, trông như hết sinh khí, giống chân của người chết trôi vớt ở dưới nước lên.

      Lúc đó, họ đã ngồi biết bao lâu giữa đầm lầy trên hòn đảo nhỏ xíu giữa vùng tiền duyên cùa quân ta và quân Đức, họ không một lần được nhóm lửa, thế là mọi thứ trên người họ đều trở nên ẩm ướt. Mùa xuân năm bốn mươi hai lại dai dẳng và lạnh lẽo. Tuyết bỗng rơi giữa những ngày lễ tháng năm, vừa nóng, vừa có bão tuyết, tuyết cuốn lại thành từng đám to, lóa cả mắt trước mặt nước u ám, cả hòn đảo của họ trở nên trắng xóa. Sau đó, cỏ dưới lớp tuyết đang tan càng xanh óng lên.

      Và không sao quên được chuyện nửa đêm anh chồm dậy vi tiếng có thì thào «quân Đức !» gió trên cao kéo những đám mây phủ kín bầu trời từ chiều tối, mặt nước nổi lên mờ ảo. Toàn thân run lên vì giá lạnh và ngái ngủ, ở tuổi mười tám của mình, điều đáng sợ nhất là người ta cho mình là đồ hèn. Trechiakov chăm chú nhìn qua ụ đất ngoài chiến hào nhưng anh không thể trông thấy rõ. Chỉ có nước mắt trào ra vì căng thẳng, vì giá lạnh. Từ các lùm cây, sóng đang dao động. Lại một đợt sóng nữa. Chúng nó đang lội nước, lảo đảo dưới ánh trăng. Bóng đen nối tiếp bóng đen, không một tiếng oàm oạp, từ bụi này sang bụi kia — có bốn tên. Chỉ có sóng gợn lên rồi lại tan ra.

      Đằng kia, trong các lùm câu, cả bốn tên đã bị loại bằng súng cacbin. Và với sự ngốc nghếch của tuổi trẻ anh bò lại xem tụi Đức: chúng như thế nào ? Anh muốn hiểu rõ một điều gì đó trong chính bản thân mình. Anh bắt đầu bò lên và suýt chết : hóa ra tên trinh sát vẫn còn sống.

     Trêchiakov ì ạch kéo hắn lên, khi băng bó vết thương cho một người đuối sức, đầy hơi lạnh của tử thần, anh ngạc nhiên không tìm thấy trong mình, kể cả những lời chửi rủa, kể cả lòng căm thù dành cho tên lính Đức này cho dù hắn vừa mới bắn vào anh.

      Đến tận lúc này, anh vẫn chưa lý giải được cho chính mình rất nhiều điều, nhưng chiến tranh đã bước sang năm thứ ba và những gì chưa hiểu, đều đã trở nên quen thuộc và giản đơn. Trong chiến tranh, thời gian vẫn cứ trôi đi theo qui luật củariêng mình. Trong chiến tranh, nhưng gì xảy ra đã lâu, đôi lúc xích lại gần một cách rõ ràng, hệt như điều đó vừa mới hôm qua thôi, và những gì đang diễn ra ngay lúc này lại dài lâu nhất, vô tận nhất. Tưởng chừng như nửa cuộc đời anh đã ngồi trên điểm cao cháy bỏng, quen dần với trạng thái chiến đấu thường tình. Lúc anh ngủ và anh không ngủ trong bất cứ giờ nào và anh sẵn sàng ngủ và choàng dậy trong lúc báo dộng. Và anh đã được biết nhiều điều về các chiến sĩ của mình, những người ngồi chung chiến hào với anh. Ôbukhov là người trẻ nhất, lông mày hung hung đen, da bánh mật chưa đầy mười tám tuổi nhưng đã hào hứng chiến đấu. Lúc nào anh ta cũng chế giễu Xuiarov, lính thông tin, tuổi nhiều gấp đôi mình :

     - Anh kể đi, kể cho trung úy nghe, vì sao họ giảm án cho anh ?

     Và rồi chính Ôbukhov bắt đầu, hai tròng mắt xanh, ánh lên :   

     - Không nên đưa vốt-ca đến cho anh ta ngửi. Anh ta uống một tí mà đã say sưa rồi. Trước chiến tranh, anh đã lĩnh bao nhiêu năm đấy nhỉ ?...

      Xuiarov lặng thinh. Một cái gì đó khó tin cậy ở anh ta, ở một nụ cười mơ hồ để lộ những chiếc răng vàng khè vì thuốc lá. Nhưng thường thường anh ta chỉ chớp mắt khi câu chuyện hướng về mình, và anh ta chăm chú hút điếu thuốc ướt đẫm, cố nuốt cả làn khóỏi thuốc xanh. Và không hiểu sao, lúc đỏ trông anh ta đến là khó chịu, khi ngón tay đeo nhẫn bị cụt khẽ ngọ nguậy, giần giật.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #12 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2015, 08:36:42 am »

       Khi tất cả mọi người đã quen dần và nhờ thính giác bắt đầu phân biệt được khẩu đội pháo Đức bắn từ đâu, họ được lệnh cuốn các phương tiện liên lạc cấp tốc trở lại trận địa. Họ giật những tấm vải bạt lấy lối vào, vội vàng rũ tung cỏ khô ở chỗ nằm, Trêchiakov ngoảnh nhìn lần cuối và đột nhiên anh thấy bỏ lại mảnh đất chật hẹp này thật đáng tiếc, cứ như anh thật sự đã đào được vật gì đó từ mảnh đất ấy. Ngoài mặt trận bao giờ cũng vậy : những nơi chốn không có chuyện gì xảy ra với bạn, lại trở nên vô cùng thân thiết.

      Dưới vầng trăng cao tít sáng tỏ, họ bò trên mặt đất cháy xém sém, cuộn dây điện thoại lại. Một tên Đức hốt hoảng nổ súng, pháo sáng vọt lên tới tấp. Khi toàn thân bạn bị đóng đinh trên mặt đất trần trụi, pháo địch dường như ở gần hơn, và mỗi quả pháo sáng đều treo ngay trên đầu bạn. Lúc đó bạn chợt nhớ ra ngồi trong chiến hào thật dễ chịu và không chút nguy hiểm.

      Sang khỏi sườn dốc bên kia điểm cao, họ đi thẳng người. Nơi đây, trong khe ướt át, cỏ mọc cao, đẫm sương, thế là Trêchiakov rửa tay trong cỏ, vừa đi vừa rửa, và không hiểu sao anh lại mỉm cười. Anh đã quen với cái mùi cháy khét lẹt này đến nỗi không nhận ra nó nữa, và ở đây giữa không khi trong lành, anh lại bắt đầu cảm thấy cả người anh khét lẹt.

      Cuộn giây, xẻng, ống nghe, tất cả tài sản và vũ khí chất trên người, họ đuổi kịp khẩu đội đang hành quân. Lính bộ binh chuyển quân dọc mặt trận trong lớp bụi dày đặc, do những bàn chân, những bánh xe cày tung lên. Khi các đại đội đã vào hết trong các chiến hào, hầm hố, tưởng chừng như không còn ai, và tựa như không ai phải chiến đấu. Nhưng khi rải quân trên đường như thế này — đầu hàng quân và cuối hàng quân tất cả đều chìm trong bụi đường, cả một nước Nga đông dân chìm trong bụi đường. Chiến tranh đã bước sang năm thứ ba, trở lại trên chính những mảnh đất trước kia, năm bốn mươi mốt, có biết bao nhiêu người đã được chôn cất và những người chưa được chôn cất.

     Ánh sáng xanh của ngọn đèn pha lặng lẽ lia trên cao, hắt ánh sáng xuống, bụi cuồn cuộn bốc lên dầy đặc hơn trên đầu mọi người lính bộ binh, gù lưng vì đồ đạc đang lắc lư trong bụi. Và trong nháy mắt bỗng thấy xuất biện : một người lính bộ binh cao, cao hơn tất cả mọi người một cái đầu, mũ calô mầu trắng, ghì chặt chiếc ga-men bẹp dúm vào ngực, vừa đi vừa nốc ừng ực từ chiếc ga-men đó ; khẩu súng chống tăng dài xanh ánh lên trên vai, gò má anh cao, và mắt thì nhỏ hẹp. Luồng sáng chuyển dịch, và trong bóng tối khi mà mùi dầu hôi át hết cả các mùi khác, những chiếc xe tăng lao vút lên, lính bộ binh bám đầy bên thành xe. Khi ngọn đèn pha lại hắt ánh sáng xuống chiếc máy ủi đất, giữa đám lính bộ binh đang chạy trong vết xe tăng, họ trông thấy khẩu đội của mình ở phía trước ; những khẩu đại bác hạng nặng trùm kín đang chuyển động. Chất những đồ đạc không cần thiết từ trên vai lên pháo, các pháo thủ giờ bước đi nhẹ nhàng hơn.

     Ho đón bình minh trong cánh rừng. Ở một nơi nào đó, phía sau những khẩu đại bác vẫn đang nối đuôi nhau, trung đội chỉ huy của anh, sau một đêm đi trước, đã nằm ngủ trên mặt đất. Mặt trời mùa thu sưởi ấm một cách lãnh đạm, lá rụng ướt đẫm sương lạnh giá. Tháo ủng, xà cạp phơi nắng, Trêchiakov thiu thiu ngủ ngồi, đôi chân trần của anh được sưởi ấm ở nơi khuất gió. Bầu trời xanh thăm thẳm trên đầu, những ngọn cây vàng úa xào xạc trước gió cố bơi, bơi mãi đón gặp những đám mây trắng muốt… Anh ngủ thiếp đi, rồi chợt tỉnh dậy... Khắp cánh rừng ngào ngạt hương mùa thu và mùi lửa, trung đội của anh ngủ quanh đống lửa. Chiếc thúng đầy muội treo trên ngọn lửa cháy không có khói. Một chiến sĩ quấy thùng, và đưa thìa lên nếm. Sau một tuần về trung đoàn, Trêchiakov còn chưa kịp nhớ hết mọi người trong trung đội của mình, nhưng anh biết người chiến sĩ này. Gương mặt bèn bẹt sáng lên vì gần lửa, mắt lim dim... Kưchin ! Ngay cả cái tên nghe cũng rất cộc lốc : Kưchin.

      Ngọn lửa liếm quanh chiếc thùng đang bốc hơi nghi ngút. Kưchin liếm thêm một lần nữa, vẻ phân vân, nghĩ ngơi, cho thêm chút muối và lại ngoáy lên. Hơi mỡ từ chiếc thùng bốc lên nghi ngút ; thật là thèm :
      - Kưchin, nấu gì đấy ?

      Anh ta quay lại :
      - Trung úy đã dậy rồi đấy ạ !

     - Tôi hỏi, nấu gì đấy ?

    -  Một con bốn chân…Có sừng.

      - Nó chuyện trò thế nào ?

       Kưchin nhắm tịt mắt lại.
     - Be be - anh ta giả làm tiếng bê, — Đồng chí  trung úy. Hong xà cạp bên bếp lửa đi, ấm lắm.

      - Phơi nắng khô rồi.

      Vò đôi xà cạp trong những ngón tay đen sì vì nhọ, Trêchiakov xỏ giày, rồi đứng lên. Lính bộ binh nằm  ngủ, vẻ mỏi mệt trải khắp cánh rừng. Những người ở phía sau vẫn kéo đến, lê bước như trong mơ , vừa mới trông thấy đằng mình, thế là họ đổ sụp xuống đất. Một nữ y tá túi thuốc đeo bên hông chạy từ chiến sĩ này sang chiến sĩ khác, tay quệt nước mắt trên má :
      - Có mỗi một chiếc cặp sốt, thế mà họ lấy mất, - chị than phiền với Trêchiakov, một trung úy không quen biết, chị còn biết than thở cùng ai. Chị không còn trẻ, tuổi chạc ba mươi, mái tóc phi-dê thời hạn sáu tháng bám đầy bụi. Ai chà, ai lấy trộm chiếc cặp sốt của chị làm gì ? Nó đã bị vỡ hoặc bị mất, mà chị thì cứ đi tìm. Và chị khóc vì chị kiệt sức, chị đã làm việc suốt dọc đoàn hành quân đêm, với tất cả mọi người. Các chiến sĩ ngủ ngon, còn chị vẫn đi hết người nầy sang người khác, đánh thức những người ngu mê, bắt tháo giầy, bôi thứ gì đó lên những đội chân nứt nẻ, rắc thêm một chút gì nữa : chỗ đau không phải chỉ vì đau mà vì ngã. Trong chiến tranh Trêckiakov bao giờ cũng thấy thương họ : những người phụ nữ. Nhất là những người phụ nữ như  vậy, kém nhan sắc, tiều tụy. Trong chiến tranh, đối với những người ấy, mọi sự đều nặng nề hơn.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2015, 07:37:33 am »

      Anh tìm được hố bom đầy nước trong khu rừng. Cây con đổ nằm quanh: có một số cây nào đó trong số chúng rất có thể sống lại. Cởi mũ, áo ca-pốt, anh quỳ xuống. Một đám mây trắng lướt trên mặt gương nước, và anh trông thấy mình trong đám gương ấy: ai đó như người Tsigan, đen đủi từ nơi đó đang nhìn lên. Má đen sạm đầy bụi, râu mọc lởm chởm, đôi mắt sâu hõm quầng đen, hai gò má hóp lại, da tróc ra sần sùi. Sau có tuần lễ mà anh không còn giống chính mình nữa. Anh gạt những chiếc lá rụng trên mặt nước sang bên và những con gọng vó run rẩy nhẩy cẫng lên trên những chiếc chân mảnh mai. Giống như ở đầm lầy than bùn, nước đùng đục, nhưng khi vốc lên lòng bàn tay thì hóa ra nó trong, sạch và mát lạnh.

     Anh kéo chiếc áo va-rơi ra khỏi vai, đã lâu anh không được rửa ráy như vậy. Sau đó anh lau cổ, lau mặt bằng áo sơ mi, anh đội chiếc mũ ca-lô lên mái tóc vừa chải ướt, và khi cầm chiếc cổ áo dựng đứng nơi cổ, anh cảm thấy mình sạch sẽ, lại sức. Duy chỉ có bụi từ trong phổi là không thể nào khạc ra được – ban đêm anh đã hít không biết bao nhiêu là bụi.   

    Suốt thời gian này trong cánh rừng vang lên tiếng xào xạc : trọng pháo của quân ta từ các trận địa bí mật gầm lên nhả đạn, lá rụng rào rào từ trên cây xuống vì tiếng nổ. Bước ra khoảng trống của cánh rừng, anh nhảy vào đoạn tăng sê cát sụt lở nhiều chỗ và chút nữa thì giẫm phải người lính bộ binh nằm ở dưới đó. Người anh ta vẫn nai nịt đầy đủ quân trang, anh ta nằm như đang ngủ. Nhưng gương mặt vàng ệch của anh ta không phải là gương mặt Nga, một bên mắt không khép chặt ánh lên lờ mờ. Mái đầu tròn, tóc đen búi cao bị đất phủ kín: anh ta đã chết và một loạt pháo khác đã chôn vùi anh ta.

      Trêchiakov rẽ ra sau khúc ngoặt tăng sê. Nơi đây cũng đầy những hố đạn mới há hoác miệng – đạn rơi xuống phía trước, rơi xuống phía sau và rơi thẳng – hỏa lực cực mạnh. Tiếng ầm ầm này họ đa nghe thấy trên đường vào.

      Chống cùi tay lên ụ đất cát ngoài giao thông hào, anh quan sát bãi chiến trường phía trước. Bãi chiến trường quy tụ chỗ thấp, đằng đó súng máy gõ lạch tạch, mái chuồng bò ướt lấp loáng như kính, những cây bạch dương hình tháp đứng làm lính gác, lấy thân mình che chở cho ngọn đồi xanh biếc. Và đài hoa hướng dương vẫn hướng đến mặt trời vàng lên rực rỡ, lộng lẫy.

      Anh nhìn qua ống nhòm, suy tính xem lúc hoàng hôn khi mặt trời khuất sau ngọn đồi, từ nơi đây anh sẽ liên lạc với bộ binh như thế nào, nếu được lệnh đi về phía đó đặt đường dây cho tốt hơn để không bị đạn pháo tiện đứt. Và khi đi ra, anh còn chạm phải xác một người lính bộ binh nữa. Anh ta vẫn ngồi sau khi toàn thân lăn xuống đáy hầm, máu đông thành cục nơi ngực áo capốt và nói chung không nhìn thấy mặt. Trên ụ đất cát ngoài tăng sê những cục não xam xám dính vào dường như vẫn còn giần giật. Suốt chiến tranh, Trêchiakov đã thấy nhiều cái chết, nhiều người bị giết. Nhưng ở chỗ này thì anh không dám nhìn nữa. Đó là cái mà con người không cần thiết phải thấy. Xa xa phía trước, sau những cây thông, tất cả đều vàng rực, vẫy gọi, như cuộc đời chưa từng được trải qua.

     Khi anh trở về, trung đội anh đang ăn sáng trên bãi cỏ. Chiếc chậu thau men đặt ở đó, các chiến sĩ nằm châu đầu vào chiếc chậu, lần lượt nhau, gió vuốt ve cùng một lúc tất cả những mái đầu cắt cao của bọn họ. Trabarov, trung đội phó xếp bằng chân ngồi trịnh trọng bên chiếc chậu. Vừa trông thấy trung úy, anh ta bèn gõ thìa, các chiến sĩ nhúc nhích, những người đang nằm, bắt đầu ngồi dậy.

    - Cứ ăn đi, ăn đi, — Trêchiakov nói. Nhưng Trabarov nghiêm khắc ngó quanh mình, và Kưchin thành thạo lôi chiếc xoong đặt trên tro nóng ra và đưa cho viên trung úy. Tất cả mọi người cùng ở bên nhau thân thiết, còn anh tạm thời chưa thân thiết. Trải chiếc áo ca-pốt xuống cạnh sườn, Trêchiakov nằm xuống và cũng bắt đầu ăn. Xúp nấu bằng thịt bê non, ngọt và mềm.

    - Thế nào, đồng chí trung úy — Kưchin vừa hỏi vừa nhìn anh bằng đôi mắt trìu mến của người chủ nhà đang đãi tất cả mọi người - ngoài mặt trận chúng ta có thể chiến đấu được chưa ?

      Và mọi người bắt đầu trò chuyện rằng mùa hè chứ không phải mùa đông, mùa hè nói chung có thể chiến đấu được chứ không như chiến đấu trong băng giá hoặc là trong tuyết tan mùa xuân. Họ trở nên vui vẻ vì bữa ăn. Các pháo thủ còn kéo pháo ở nơi nào đó, hoặc giờ này đang đào hầm cho pháo chứ họ đâu có kịp ngủ chốc lát và được ăn – đây là toàn thể trung đội chỉ huy, gồm các lính trinh sát, thông tin, điện đài…Suốt cuộc chiến tranh, anh phục vụ trong trung đội chỉ huy và anh yêu mến trung đội vì lẽ ở đây tự do hơn. Càng gần hiểm nguy, con người càng thấy mình tự do hơn.

     Anh nhìn các chiến sĩ, những con người sống động vui tươi kề bên cái chết. Anh chấm miếng thịt vào những hạt muối thô rải đầy trên vung nồi, kể chuyện về mặt trận Tây Bắc ẩm ướt và lạnh lẽo, khiến ai cũng vui thích. Ăn xong, anh bắt đầu hút thuốc, rồi nói với Trabarov đến đêm cử cho anh hai người - một trinh sát, một thông tin -  anh ta bèn cử ngay Kưchin và lại cử Xuiarov. Xuiarov biết vì sao mình được cử đi. Mọi chuyện vẫn diễn ra, mặt trời lên cao hơn trên cánh rừng, nhưng trong nhận thức thì mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác. Anh vẫn trông thấy đoạn hào bị đạn pháo vùi kín. Chẳng lẽ chỉ có những con người vĩ đại nói chung mới không biến mất sao ? Chẳng lẽ chỉ có họ sau khi chết là còn lại giữa vạn vật ? Còn những người bình thường, như tất cả bọn họ lúc này đang ngồi trong cánh rừng — chính nơi đây những người vĩ đại cũng đã ngồi như vậy trên cỏ, chẳng có lẽ ở họ, không còn lại một cái gì ? Bạn đã sống, rồi được chôn cất, thế mà dường như không có bạn, dường như bạn không sống dưới ánh mặt trời, dưới bầu trời xanh muôn thuở nơi mà giờ đây, những chiếc máy bay đạt đến độ cao không với tới được, đang gầm rú hống hách. Chẳng lẽ cả những ý nghĩ chưa thổ lộ và cả những nỗi đau — tất cả đều biến mất không để lại một dấu vết ? Hay là dẫu sao thì vẫn còn lại một cái gì đó, lơ lửng không trông thấy, để rồi sẽ đến một lúc nào -  được đáp lại trong tâm hồn ai đó ? Còn ai sẽ phân chia những người vĩ đại và những người không vĩ đại, khi mà họ chưa kịp sống? Rất có thể, những người vĩ đại nhất — Puskin, Tônxtôi tương laí — trong những tháng năm này lặng lẽ nằm lại trên các bãi chiến trường của cuộc chiến tranh và không bao giờ được nói một điều gì với mọi người. Chẳng lẽ cuộc sống lại không cảm thấy hết sự trống rỗng này? 
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #14 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2015, 04:36:12 pm »

      VI


      Nửa giờ trước khi chuẩn bị pháo kích. Trêchiakov nhẩy vào công sự của anh. Dựng cổ áo capốt lên đầu tựa vào vách hầm, Kưchin đang thiu thiu ngủ, anh ta hé mắt rồí nhắm lại. Xuiarov ngồi xổm hít lấy hít để khói thuốc lá, nhổ ra một đống nước bọt giữa hai đầu gối. Nhận ra trung úy, anh ta lịch sự đưa tay xua đám khói thuốc lá trên đầu mình.

     - Đồng chí trung úy, uống vốtca chứ? — Kưchin hỏi Gương mặt bèn bẹt của anh ta trong mờ đất giống hệt người Mông cổ. Mà chính anh ta là người nông thôn đâu ở gần Tambôv. Tổ tiên anh ta đã đến giết những tổ tiên khác của anh ta. Hai dòng máu này hòa hợp và không giao chiến với nhau trong con người anh ta.

     - Cậu đào đâu ra vốtca thế ?

      - Chuẩn úy bộ binh ở đây... Hệt như một chú chó con Kưchin chỉ tay lên trời và ngáp. Đôi mắt ươn ướt, quả thật anh ta mới ngủ dậy. — Bên bộ binh, họ thông báo trước những tổn thất của ngày hôm sau. Thoạt đầu họ lĩnh vốtca, rồi sau họ mới báo cáo những tổn thất. Ngày mai, thủ trưởng biết không, họ sẽ có bao nhiêu là vốtca...!

        Trêchiakov nhìn đồng hồ :
        - Vẫn còn là hôm nay, chứ chưa sang ngày mai, Nào, ta sẽ uống một trăm gam.

       Anh uống bằng cái nắp, hóa ra là rượu nhạt, tựa như nước. Chỉ có điều ngực ấm lên. Anh vẫn đứng, đưa mũi giầy gạt đất sét trên vách hầm. Đó là những giây phút cuối cùng không bao giờ quay trở lại. Trong bóng tối, bữa ăn sáng được đưa đến cho bộ binh, và mỗi người dù không nói đến điều đó, vẫn nghĩ khi vét chiếc gamen: có thể..lần chót... Với ý nghĩ ấy từng người một giấu chiếc thìa đã được chùi sạch sau cuộn giấy: có thể, sẽ không cần nữa. Và chính vì mang ý nghĩ ấy trong người, bạn thấy mọi điều không hẳn giống như thường lệ. Mặt trời mãi vẫn chưa mọc, và một sự yên tĩnh đến run rẩy. Chẳng lẽ bọn Đức không cảm thấy điều đó sao? Hoặc là chúng đã ẩn nấp, và đang chờ đợi ? Và không thể dừng lại, không thể thay đổi được gì nữa. Những năm tháng đầu tiên ở ngoài mặt trận, anh tự thấy xấu hổ về điều đó, anh nghĩ, chỉ mình anh như vậy. Trong những phút giây này, dù thế nào, từng người một đều phải đối diện với chính mình, để vượt qua được giây phút đó: không còn có một cuộc sống nào khác nữa.

      Trong những giây phút này, khi mà dường như không có chuyện gì xẩy ra, bạn chỉ việc chờ đợi, còn điều đó chuyển động không thể đảo ngược hướng đến giới hạn cuối cùng của mình, hướng đến những tiếng nổ mà không một ai, kể cả bạn, có thể bắt nó dừng lại được. Trong những giây phút này chúng ta cảm thấy bước tiến lặng Iẽ của lịch sử. Bạn bỗng cảm thấy rõ cả cái khối cồng kềnh này được gom góp lại từ hàng nghìn, hàng nghìn sự nỗ lực của những người khác nhau, đã chuyển động, đang chuyển động không phụ thuộc vào ý muốn của một người nào đó, mà tự nó chuyển động sau khi đã tìm được bước tiến của mình, cho nên không thể dừng
nó lại.

      Lúc này, trong anh mọi cái đều căng ra còn Xuiarov đánh lửa ở dưới công sự, bối rối khi từ dưới trông lên thấy gương mặt trung úy bình tĩnh đến dửng dưng: tựa lưng vào ụ đất, lơ đãng đưa mũi giầy gạt đất sét hệt như chỉ cốt để chống lại cơn buồn ngủ.

      Đêm nay, cuối đêm, Trêchiakov ngồi trong căn hầm của đại đội trưởng, mà anh phải yểm trợ cho anh em. Họ đều không ngủ. Đại đội trưởng bên chiếc áo lót bằng vải thô vừa lau mặt bằng chiếc khăn vốn đã lấm lem từ trước, vừa uống trà và kể về chuyện anh ta đã nằm ở quân y viện, mãi tận Xuzran, ở đó chủ nhiệm quân y viện là một người đàn bà xinh đẹp.

     Dưới tấm gỗ thấp của căn hầm, đôi mắt anh ta sáng rực lên, dễ bảo và dịu dàng. Anh ta liếm mồ hôi từ môi trên nhẵn thín, cổ ướt đẫm, mồ hôi vẫn cứ túa ra trên những nếp nhăn vốn đã ướt, và trên xương đòn gánh, có một vết thương đáng sợ để lại vết sẹo bóng loáng, mạch máu không được bảo vệ thỉnh thoảng lại phồng lên.

       Trêchiakov nghe anh ta nói, và chính anh cũng nói, nhưng mọi chuyện bỗng trở nên lạ lùng, hệt như nó xẩy ra không phải với anh: họ đang ngồi trong lòng đất, uống trà và chờ đợi thời gian. Và ở phía bên kia, quân Đức, có thể, cũng không ngủ, cũng chờ đợi. Để rồi sau đó ào lên như một đợt sóng, bứt khỏi chiến hào, chạy đến giết nhau…Có một lúc nào đó, sau này mọi người sẽ cảm thấy điều đó rất kỳ quặc.

     Anh uống liền ba ca nước trà dính mùi mỡ và tình cờ trong khi nói chuyện, anh được biết trung đoàn đó chính là trung đoàn bộ binh của bố dượng anh. Có điều bây giờ phiên hiệu của trung đoàn đã khác, bởi vì năm bốn mươi hai nó chỉ còn lại có lá cờ trong khi bị vây, sau đó trung đoàn được giải thể và đổi tên. Mẹ anh còn giữ được bức thư của một người cùng trung đoàn với ông, chính người đó trông thấy bố dượng anh bị giết chết khi họ cùng vượt vòng vây, và viết thư báo tin cho mẹ anh. Nhưng dẫu sao vẫn hy vọng: biết bao trường hợp không ngờ đã xảy ra trong chiến tranh. Và đánh lừa số phận, sợ giất đứt nốt niềm hy vọng cuối cùng. Trêchiakov thận trọng hỏi:
    - Bác tôi ở trung đoàn các anh. Trung đội trưởng trung đội công binh, thiếu úy BeZais…Trận Kharkov…Anh tình cờ có biết không?

     Anh đã thốt lên từ «bác», dường như không phải anh nói đến ông vậy, để nếu người đó có nói «hy sinh rồi».

   - BeZais…họ như thế à… - Anh cứ hỏi mọi người, ví dụ như Pôxôkhin, tham mưu trưởng tiếu đoàn, sĩ quan tùy tùng. BeZais…nhất định Pôxôkhin nhớ đấy. Còn tôi thì không dự trận Kharkov, ra viện tôi mới về trung đoàn này.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2015, 07:06:48 am »

      Tháng năm năm bốn mươi hai, khi ta bắt đầu phản công ở Kharkov, và sau đó kết thúc như vậy, tại thành phố Ruxxa Cổ, anh đã gửi cho bố dượng một bức thư rất thích thú kiểu trẻ con, anh viết rằng anh mong được như ông và có lẽ ở nhà họ cũng sắp…Lúc ấy, vòng vây ở Kharkov đang khép chặt lại.

      Gương mặt mẹ run rẩy reaars đáng thương khi mẹ hỏi anh ở nhà ga : «Con sẽ ra mặt trận Tây-Nam..Ở chính những nơi ấy đấy…Có thể con sẽ được biết điều gì đó về Igor Lêônhiđôvits».

    Có mặt anh,bao giờ mẹ cũng gọi người bố dượng với đầy đủ tên họ và bây giờ đây bà lúng túng khi gọi khác đi.

    Khi chiến tranh bắt đầu, Bezais được gọi nhập ngũ. Lần đầu tiên anh thấy xao xuyến về người bố dượng. Cùng với mẹ và Lianka, cả ba người đi ra chỗ tập trung trên đại lộ trong trường của Lianka. Và anh đã thấy mọi điều thay đổi như thế nào. Người bố dượng đang chờ họ, ông ngồi trên vỉa hè, lưng dựa vào cổng trường xây gạch. Ông là kỹ sư chế tạo, được nhiều người ở đây biết đến, ông đang ở trong thành phố của mình mà cứ như ở trong một thành phố xa lạ, nơi đó không ai biết ông và không ai nhớ đến ông, ông ngồi bệt xuống đường nhựa, tay ôm lấy đầu gối. Trông thấy ba mẹ con dang đi về phía mình, ông đứng dậy, thờ ơ phủi quần và ôm hôn mẹ. Ông cao gầy, mặc chiếc áo va-rơi bằng vải bông, đầu đội mũ ca-lô, ghì chặt gương mặt bà vào hàng cúc áo ngực và cằm đã cạo râu chạm vào đầu bà, mắt nhìn ra phía trước và vuốt tóc bà. Và cái nhìn của ông, dường như nhìn vào đâu ông cũng thấy rõ ở nơi đó tất cả những gì đang chờ đợi mẹ anh.

       Đôi chân khẳng khiu của ông quấn xà cạp đen. Và ông đi ra mặt trận bằng đôi chân khẳng khiu như vậy xỏ trong đôi ủng bộ đội to rộng. Tất cả những năm họ sống bên nhau, anh không quan tâm đến người bố dượng. Anh chỉ coi ông như một người cùng thuê nhà, vậy mà lần đầu tiên trái tim anh đã biết nhói đau thì lại chính vì ông, chứ không phải vì mẹ anh.

      Lần ấy, ở trường sĩ quan về, anh gặp lại mẹ. Anh thấy mẹ già hẳn đi, gầy hóp lại. Cổ đầy gân. Còn Lianka, sau có hai năm, thay đổi hẳn không nhận ra được nữa. Chiến tranh, không biết mẹ và Lianka ăn uống thế nào mà cô bé đẹp hẳn lên. Khi anh ra trận, cô bé vẫn chẳng có gì đáng để ý : thân gầy và hai bím tóc cụt lủn trên lưng gầy guộc. Còn bây giờ khi cô đi bên anh ngoài đường phố, các sĩ quan đều ngoái nhìn theo.

      Trêchiakov, nhìn đồng hồ và vội vàng chộp lấy cái túi đựng thuốc. Nhưng anh chợt hiểu : không kịp cuốn thuốc nữa rồi.
     - Cho một hơi nào !

     Anh cầm lấy điếu thuốc từ tay Xuiarov, hít một hơi thở thật sâu, anh hút vài hơi liền và đứng thẳng người trong chiến hào. Anh ngoái cổ lại, mặt trời vẫn chưa mọc, nhưng mặt đã cảm thấy ánh sáng của mặt trời. Thứ ánh sáng ấy rung rinh, đùn đẩy lớp không khí và sáng lên. Không khí trên đầu trở nên dễ nhận thấy, trong không trung đạn pháo xẹt qua – cả ở dưới thấp và ở trên cao - ở mấy tầng không khí.

    Cả ba người đứng trong chiến hào, nhìn sang phía quân Đức. Từ cánh đồng hoa hướng dương phía trước, đất bắn tung lên, tiếng nổ ầm ầm làm rung chuyển mọi vật, và từ phút giây đó,  súng nổ đùng đoàng, mọi vật chao đảo không ngừng, trên bức thành bụi và khói cuộn lên mù mịt. Khẩu đội pháo của tiểu đoàn đặt sau chiến hào của họ vẫn nổ giòn giã hơn mọi loại pháo.

     Bỗng đạn bay vèo vèo sát trên đầu. Họ chúi đầu xuống trước khi kịp hiểu ra điều gì
     - Kiểm tra đường dây! - Trêchiakov hét lên, vui sướng ý thức được: vẫn sống.

      Đạn lại réo lên, nã vào khẩu đội. Từ nơi đó, không thể quan sát được : Phía trước, tất cả đều chìm trong khói. Máy bay cường kích của ta gầm rú lao vút qua, rồi lượn vòng trong khói như những bóng đen : chỉ có đèn hiệu lóe sáng nơi cánh máy bay. Ở đằng kia, phía trước trên đầu họ, những chiếc máy bay mau lẹ bổ nhào xuống trận địa.. Chúng bay thấp thoáng phía trên nóc chồng bò và từ đó tiếng nổ rung lên.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2015, 06:21:13 am »

      Súng vẫn nổ đùng đoàng và mọi vật vẫn bắn tung lên, thế mà tất cả mọi người vẫn cảm thấy dường như im lặng đang bao trùm trên tiền duyên. Và chỉ khoảng khắc, lực hút của trái đất đã bật tung khỏi mặt đất khi bộ binh xông lên tấn công:

     - A,a,a,a…tiếng kêu rên rỉ bật ra. Và ngay lập tức súng tiểu liên nổ đì đùng, súng máy kéo hàng tràng dài.

     Từ khắp chiến hào, lính bộ binh bật dậy, người, cúi gập xuống như chẹn ngang cơn đau, chạy trên bãi chiến trường, náu mình trong bụi và trong khói mịt mù.

     Khi ba người kéo dây điện thoại theo mình trên bãi chiến trường rồi nhảy xuống một chiếc tăng sê, lính bộ binh vẫn ẩn hiện phía trước trong đám hoa hướng dương. Lạ thật, lần nào nhẩy vào tăng sê của bọn Đức cũng vậy : pháo binh ta đã bắn, bắn vào đó mà hầu như không thấy xác lính Đức. Chẳng lẽ chúng đã đem theo xác chết?. Chỉ có mỗi một tên xạ thủ súng máy nằm chết cứng bên khâu súng đã đổ nhào.

   Một lát sau, cả ba người đã nằm dài dưới tăng sê. Họ nằm, hay đúng hơn là họ ngã, tay ôm lấy đầu. Xuiarov đội cuộn dây lên đầu, bò qua chỗ khác. Đợi trận tập kích qua, Trêchiakov nhổm lên. Tên lính Đức xạ thủ súng máy, bận quần áo ấm, đội mũ sắt, đeo kính, vẫn nằm ngửa trong tăng sê, hệt như một con búp bê bị trói chặt. Đôi mắt kính đầy bụi vẫn nguyên vẹn, thậm chí không hề rạn nứt, ánh lên mờ mờ, chiếc mũi trắng của người chết gồ lên sau đôi kính.

     Kưchin ngồi dậy, ghê tởm khạc nhổ — đất chui vào đày mồm, đầy mũi. Mùi thuốc súng bốc lên ngột ngạt. Phía dưới khói vẫn quét lê. Họ từng người một nhảy ra khỏi tăng sê. Những cây hướng dương thoát chết trên cánh đồng, vàng rực rỡ trong khói, những đài hoa vẫn quay ra đón họ : ở đằng kia, phía sau, mặt trời đã mọc trên bãi chiến trường.

     Trêchiakov nằm ngửa, kéo cong cái đài hoa nặng trĩu xuống. Đài hoa đầy hạt hệt như cái đĩa kẹp đạn, nặng trĩu xuống. Anh bẻ đài hoa rồi giũ hạt vào trong lòng bàn tay:

     - Đi thôi !

     Anh dốc dúm hạt vào miệng, vừa chạy trên cánh đồng vừa nhổ những chiếc vỏ còn mềm, chưa kịp già đanh lại.

     Từ đằng xa anh đã nhận ra đường giao thông hào nhỏ nằm giữa những cây hoa hướng dương và cánh  rừng thưa. Phía trước anh, linh bộ binh trườn trong cỏ khô. Họ bò ở đấy để làm gì nhỉ? Trận chiến đấu đã lan đến tận làng, vậy mà họ vẫn cứ bò ở đây. Đường giao thông hào rất tốt, từ nơi đó, cả trận địa hiện ra. Trêchiakov vẫy đồng đội :

     - Từng người một, theo tôi !

      Anh bắt đầu chạy, cổ rụt vào vai. Một vài viên đạn bay vèo vèo trên gáy. Anh nhẩy xuống hào. Và ngay lập tức, một tràng súng máy lướt trên đầu. Anh nhìn ra, Kưchin bò loạng choạng trong cỏ. Anh ta lấy báng súng tiểu liên che đầu, cuộn dây đeo sau lưng trông như tháp xe tăng.   

     Họ lần lượt nhào vào hào. Những dòng mồ hôi đầy đất đen chảy trên má. Họ bắt đầu mắc máy ngay lập tức.

     Chỉ đến bây giờ Trêchiakov mới hiểu vì sao bộ binh phải bò trong cỏ : súng máy khống chế và ghìm họ trên trận địa. Chỉ cần ngẩng cao đầu lên là súng máy từ cánh rừng thưa sẽ lia hàng băng dài và thế là hết cả ngọ nguậy.

    - Tân lê, Tân lê, Tân lê đâu ! — Xuiarov gọi khẩu đội bằng một giọng sợ sệt và nghe giống như : « tai vạ, tai vạ, tai vạ...» Không nhất thiết phải chúi vào chiến hào này. Thấy rõ trận địa, mà sao bắn vẫn không trúng? Thậm chí đến các ổ súng máy cũng không tiêudiệt được. Những khẩu pháo đặt cách đây hai kilômét, vãi đạn ở khoảng cách này, đạn sẽ dính vào lưng lính bộ binh của mình trước.

      - Tân lê đấy à?! Nghe rõ không? Tôi, Phượng Vĩ đây ! Đồng chí trung úy này ! — Xuiarov từ dưới đưa ống nghe lên, chớp đôi mi ướt, đưa vai quệt chỗ bẩn trên má. Anh ta sung sướng vì liên lạc vẫn được giữ vững, và anh ta sẽ không phải bò dưới làn đạn…

      Trong ống nghe, giọng Pavưxenkô khàn khàn. Và tiểu đoàn trưởng giật lấy ống nghe : ông đang ngồi ở đài quan sát của đại đội. Nghe rõ tiếng ông hỏi Pavưxenkô : «Tay nào của cậu ở đằng đó? Tay mới phải không? tên gì nhi?» Anh chưa bao giờ tận mắt trông thấy tiểu đoàn trưởng, mà chỉ nge thấy giọng nói của ông.

    - Trêchiakov ! Đang ở đâu đấy ? Báo cáo tình hình đì không được bịa rõ chưa? Không được bịa đâu đấy..

    - Tôi đang ở ngoài trận địa, thưa đồng chí Ba. Bên trái cánh rừng thưa. Bộ binh nằm ở đó.

      Phía trước chiến hào, trung đội trưởng đầu đội mũ calô xanh bò từ chiến sĩ bộ binh nầy sang chiến sĩ bộ binh khác lấy xẻng đập vào mông từng người.

      Trong khi anh bò sang ngưòi khác «Bò thấp, tiến lên» đã im bặt. Từ đám cỏ chiếc mũ calô xanh nhô lên như một cái mào. «Giả mà nhấc chiếc mũ ra...» Trêchiakov thoáng nghĩ, và anh tự báo cáo tình hình cho tiểu đoàn trưởng. Dưới đáy hào, Kưchin sau khi đã lấy lại hơi, ngồi nhằn hạt hướng dương, vỏ dính đầy môi dưới.   

      Đạn cối nổ. Họ nhất loạt chúi xuống. Một vài quả nổ ở phía trên. Khi đã co người lại, Trêchiakov vẫn ấn nút tín hiệu, quên bỏ tay ra.

      - Chỗ các đồng chí có chuyện gì thế ? Tiểu đoàn trưởng quát lên, trong ống nghe ông nghe rõ tiếng nổ như ở ngay bên cạnh. Cậu đang ở đâu ?

     - Tôi đã báo cáo — Tôi đang ở ngoài trận địa.

     - Trận địa nào? Trận địa nào hả ?

     - Ở đây súng máy địch khống chế dữ...

     - Cậu vẫn nghĩ đến chuyện chiến đấu đấy chứ? Súng máy đối với cậu là cái quái gì ?

     - Nó không cho bộ binh...   

     - Tôi hỏi : cậu có nghĩ đến chuyện chiến đấu không ?

      Tiếng nổ đanh Đạn bắn từ đâu đó không xa— Xoẹt-đùng ! Xoẹt-đùng ! Mà không nghe thấy tiếng súng. Nhưng khẩu đội ở cách đây không xa. Anh lao vọt lên và chật vật lắm mới kịp ngồi thụp xuống : cúi thấp đến nỗi tưởng như mất đầu. Anh nhìn lên. Nghe âm thanh ở nơi nào đó sau làng.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2016, 05:51:21 am »

     Trên trận địa, từ các hố đạn mới, lính bộ binh bò ra mọi phía. Một người nằm sấp bất động. Nếu như không tiêu diệt được khẩu đội cối đó, nó sẽ xơi tái hết lính bộ binh. Nhưng mình lại không nhảy ra khỏi đây dược. Giá leo được lên nóc chuồng bò...

     Một tai anh nghe thấy tiếng đạn cối nổ, tai kia anh nghe thấy giọng nói khẩn thiết của tiểu đoàn trưởng. Ở chỗ Trêchiakov thì chẳng có ai để mà quát tháo, chỉ thấy bộ binh ở đằng xa.

      - Đồng chí Ba. đồng chí có trông thấy nóc chuồng bò không ?

      Hơi thở nghẹn lại giây lát : có lẽ, nó đấy, cái quả đạn... Rồi nổ tung lên đến nỗi công sự rung chuyển.

      - Đồng chí có thấy nóc chuồng bò không? —Trê- chiakov hét lên, tai anh điếc đặc. Anh ngọ nguậy giũ đất ra khỏi người — Tôi sẽ tìm được ở đằng đó.

      Qua tiếng ầm ầm, nghe không rõ :
     - Quân ta ở đó? Hay quân Đức ? Ai đang ở đó ?

     Có mà quỉ mới biết được ai đang ở đó. Vẫn thấy thấp thoáng bộ binh ta. Nếu trèo được len mái nhà, từ nơi ấy mọi điều tất phải rõ ràng.
     - Tôi sẽ tìm thấy, sẽ báo cáo !

     - Đồng chí hãy nhìn...

      Nhìn cái gì cơ chứ, anh không xác định được, tiếng nổ làm tai anh điếc đặc. Anh lắc đầu, tai càng ù hơn. Anh quát Xuiarov tắt máy. Ngồi ở đây chẳng để làm gì. Anh chúi vào đây chưa đủ, lại còn kéo mọi người theo...Họ đang ngồi đây, còn bộ binh vẫn nằm ngoài trận địa dưới làn đạn. Họ sẽ ngồi đây cho đến khi lũ súc sinh đến làm cỏ sạch bọn họ. Tới khi phải bò ra khỏi nơi đây, chiến hào này bỗng trở thành vị cứu tinh.
     - Kưchin! Lên trước đi.

      Người đầu tiên tỏ vẻ chần chừ. Nhưng tên xạ thủ súng máy không chỉ chờ người đầu tiên, một khi chuẩn bị xong, nó sẽ còn chờ cả những người khác.
      - Cầm lấy dây, máy — chạy vào đám hoa hướng dương tránh đạn !

     Kưchin phủi vỏ hướng dương trên miệng, chùi tay vào đầu gối, trở nên nghiêm nghị. Anh ta đeo khẩu súng trường ra sau lưng, mắt nheo nheo ước lượng khoảng cách.
    - Tôi lên đây !

     Anh ta nằm áp bụng xuống gò đất ngoài chiến hào, vắt chân qua, nhổm dậy rồi bắt đầu chạy, hai tà áo capốt quét lê trên cỏ. Họ nhìn theo. Chưa chạy tới nơi, anh ta đã quẳng cuộn dây nặng trịch lên phiá trước, đầu lao tiếp theo cuộn dây trong đám hướng dương. Khi súng máy nổ, chỉ có những đài hoa rung rinh vạch thành vệt.
      - Xuiarôv ! Đến lượt anh !

       Anh ta chăm chú dùng mẩu cưa cọ vào viên đá lấy lửa. Vội vàng châm thuốc, thích thú hít mấy hơi liền. Điếu thuốc rung rung trong tay, anh ta cứ hút, hút mãi.
     - Phải chờ cho anh hút xong hả ?

     - Thưa trung úy, xong ngay đây, xong ngay đây….

     Xuiarov đưa bàn tay rờ quanh miệng, ngón tay đeo nhẫn bị cụt rung rung.
     - Lâu không ?

     - Thưa trung úy, ngay bây giờ đây…

     Gương mặt anh ta lo ngại, mồ hôi vã ra như tắm. Đột nhiên anh ta không bò nữa, mà ngồi dậy, giơ khuỷu tay che đầu. - Vèo – vèo! Đạn từ trận địa ào đến chỗ anh ta -  Ầm ! Ầm ! Ầm !

     - Anh có lên hay không ? Lên chứ?

      Anh đưa mũi ủng bẩy anh ta khỏi mặt đất, anh ta nằm vật ra:
     - Anh có lên không ? Có lên không hả ?

     Xuiarov kêu lên rất lạ lùng, tiếng kêu từ bên trong bật ra. Lại ầm ầm ở phía trên. Và ở đây họ vẫn loai hoay trong khói, trong chiến hào. Không làm chủ được mình, Trêchiakov thộp lấy cổ áo capốt của Xuiarov, lôi anh ta dậy, và kéo lại gần:
      - Mày muốn sống hả ?

      Thế rồi anh giật, anh lắc Xuiarov. Hai bên thái dương đẫm mồ hôi và cái nhìn run rẩy, chập chờn của Xuiarov sát trước mắt anh.
     - Muốn sổng lâu hơn tất cả mọi người hả ?

      Thế rồi anh cảm thấy run bắn lên và không kiềm chế nổi: phải nện cho hắn một trận.  Trêchiakov hất Xuiarov ra. Xuiarov va vào thành hào, máu mũi trào ra đỏ tươi như nước anh đào chưa thật chín. Từ dưới đất, anh ta ngước đôi mắt sưng phồng lên, và lại ngã vật ra, đưa tay che mặt.
      - Mày cứ việc sống, đồ chó chết !

      Trêchiakov giật lấy khẩu súng trường, giật lấy cuộn dây của anh ta , cuộn dây điện thoại Đức màu đỏ, tầm trăm mét và quăng lên trên.

      Có ai đó rên rỉ và ngã nhào xuống chiến hào, mũ ca-lô xanh. Cái nhìn đục ngầu sợ hãi, đôi tay đầy đất, đầy máu ôm lấy bên bụng. Anh trông thấy cảnh đó khi đã lấy đà chạy. Ý nghĩ cấp cứu nảy ra trong khoảng khắc; dừng lại, băng bó…Nhưng anh đã chạy, cuộn dây vướng víu trong tay, dây cuốn lại trên mặt đất. Từ trận địa, nơi đây bỗng xuất hiện tiếng đan cối. Không có tiếng súng, không thấy rung chuyển – chỉ tiếng réo này, nghe rõ nhất ! Và Trêchiakov cúi thấp hơn cả tiếng réo, tay cầm cuộn dây, chạy dưới tiếng réo, hệt như được che chở. Đôi chân tự khắc nhấc lên nhanh hơn, nhanh hơn. Trên cao, tiếng réo vẫn nhanh hơn, nhanh hơn, không tránh khỏi.. Tiếng réo thấp dần, nhằm vào một mình anh. Anh ngã xuống đất. Xoài người trên mặt đất, anh cảm thấy nó ở giữa lưng và xương bả vai, anh chờ đợi. Khi không thể chờ đợi được nữa, khi hơi thở nghẹ lại, tiếng réo mới ngừng bặt. Sự tĩnh lặng chết chóc đang ngự trị. Anh nheo mắt lại…Và bị giật mạnh ra đằng sau. Anh chồm lên mạnh hơn trước. Anh vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn ra đằng sau. Khói đen phủ trên chiến hào. Anh chạy đến tận những cây hoa hướng dương và ngã gục xuống. Anh còn nhìn thêm lần nữa. Từ chính chỗ chiến hào ấy, khói đạn đã tan ra. Ở đó có Xuiarov và trung đội trưởng đội mũ ca-lô xanh.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2016, 06:40:31 am »

       VII



     Áp sát bức tường chuồng bò làm bằng gỗ tròn, Trêchiakov vừa mò mẫm bước đến góc chuồng bò vừa ngoảnh lại nhìn. Đạn bay xẹt bên thái dương. Anh chờ đợi, chuẩn bị. Rụt đầu vào vai, anh chạy qua khoảng trống, anh ngã xuống. Mặt đất đầy những phân bò bị những đôi mông kéo lên, nay bắt đầu khô cứng. Anh nhổm lên, tháo tấm gỗ chèn cổng, anh trông thấy Kưtchin đang bò sát hàng rào bãi chăn nuôi, người đầy rơm rác và phân chuồng. Anh giật chiếc cổng ra, cừu ở trong giạt sang một bên.

      Kưchin vừa chạy, vừa rải dây theo người :
      - Mắc máy vào, nhanh lên !

     Và anh bắt đầu trèo lên cao. Chiếc áo capốt cản trở anh. Vội vàng tháo móc khuy, anh quẳng chiếc áo xuống đất. Anh ngã uỵch sau bức tường, từ lỗ hổng trên nóc, nắng chiếu xiên vào đống rơm. Trêchiakov lại bò ra bờ rào, nhảy lên, hai tay tóm chặt lấy xà ngang, anh đu người ngòi lên trên. Lớp phân chim, lớp bụi êm như nhung bám đầy xà ngang. Cả người anh nằm trên xà ngang, anh dùng báng súng tiểu liên thúc vỡ tấm ngói xi măng, chui hẳn ra ngoài. Tay vịn mái, anh chạy trên đế giầy cao su, rồi nằm sấp xuống mái ngói xi-măng nóng bỏng. Từ nơi này, mọi cái được mở toang ra!.

     Anh nhìn thấy trận đánh trong làng ở phía dưới. Bộ binh tụm lại ở các vườn rau, sau nhà, từng người một chạy qua đường. Con đường đầy bụi, giống như vạch ranh giới chết, súng máy quét liên tục dọc con đường. Đã có một vài người lăn xoài trong bụi. Thế nhưng, bộ binh vẫn nối nhau rời khỏi ngôi nhà, chạy nhanh như cắt, đầu rụt lại và ngã gục ở phía đó.

     Ngoài rìa làng, sau các khu vườn, gần đến nỗi các gương mặt nổi rõ trong ống nhòm, Trêchiakov trông thấy một khẩu đội súng cối trong khe xói. Tên lính Đức lực lưỡng đội mũ-sắt đứng giữa hai nòng súng chĩa lên cao, lần lượt thả đạn vào súng, lửa thường xuyên bùng lên, còn tên lính thông tin lom khom trong cỏ. Nó quì gối, cầm ống nghe chờ đợi. Nó hét
lên điều gì đó, vẫy tay: tên trinh sát Đức có ống nhòm, đang nằm ở chỗ nào đó, truyền lệnh chỉ huy cho nó.

     Trêchiakov đập báng súng vào mái nhà, đục thủng tấm ngói xi măng ngay bên cạnh :
     - Kưchin !

     Từ ngoài nắng, mắt anh không phân biệt được gì ở phía dưới : bóng tối, những tia sáng chênh chếc đầy bụi rơi từ lỗ hổng trên trần mái nhà.
       - Kưchin, bắt được liên lạc chưa ?

       - Rồi !   

       Kưchin cặm cụi trong đống rơm, làm gì đó với chiếc máy điện thoại. Các con cừu túm tụm trong góc chuồng.
     - Gọi khấu đội bắn !

     Từ chiều hôm qua khi mặt trời lặn, Trêchiakov đã nhìn thấy ngọn đồi thâm thấp. Phía dưới, mây chắn ngang, ngọn đồi sừng sững trên trận địa, và trên đỉnh đồi sáng rõ, hóa ra bọn Đức đông lúc nhúc. Anh gọi bắn một viên đạn vào ngọn đồi và ghi phương hướng: vật chuẩn số một. Bây giờ từ vật chuẩn anh sẽ gọi bắn vào mục tiêu.

     Tiểu đoàn trưởng có lúc làm anh rối trí bởi các câu hỏi câu hỏi: cậu đã kiểm tra chưa hay là chỉ rúc vào một xó nào đó? Ông ta yêu cầu chỉ địa điểm đã tìm được bằng pháo hiệu, nhưng ở chỗ Trêchiakov cả pháo hiệu lẫn người bắn pháo hiệu đều không có.

     Ở khẩu đội súng cối, tên lính Đức đội mũ sắt lần lượt bỏ đạn vào nòng súng. Đạn được đưa từ phía dưới lên, còn tên Đức thì chuyền từ tay trái sang tay phải, thả đuôi quả đạn vào và vội vàng bịt tai. Nòng pháo bốc hơi hừng hực, và khi quả đạn cối còn bay trên không, nó đã kịp bỏ những quả đạn khác vào và hét lên điều gì đó vui vẻ, tay ôm lấy tai dưới vành mũ sắt. Và xa hơn, sau những bụi cây, từ chỗ này nom không rõ, dưới lòng khe các khẩu pháo cối vẫn nhả đạn. Ở đó các bụi cây rung lên, những cụm khói bốc lên rời rạc, bị gió cuốn đi, và chiếc mũ sắt lúc thì hiện lên, lúc thì biến mất. Khẩu đội súng cối bắn liên tục chính xác, đạn nã trúng trận địa giữa cánh rừng thưa và những cây hướng dương, nơi bộ binh ta đang nằm sát đất.

    Cuối cùng họ cho phép được phát hỏa. Trêchiakov truyền lệnh bắn. Tiếng nồ ầm ầm đằng sau, cứ như không phải pháo bắn, mà là họ đập một cái gì đó rất nặng vào đất. Anh nín thở chờ tiếng nổ của mình, vì trận đánh này, vì cả cuộc chiến tranh, chính lúc này đối với anh, chính nơi này, tiếng pháo nổ cần phải bay vút lên. Bọn Đức — xạ thủ súng cối — bỗng nằm ẹp xuống đất. Sau đó, chúng bắt đầu ngóc lên. Nhưng anh vẫn chưa thấy tiếng nổ.

      Trêchiakov chỉnh đường ngắm, lệch về bên trái. Trong khi chờ Kưchin hô «Bắn», vô tình anh trông thấy một người lính bộ binh rời khỏi góc nhà, chạy qua đường, đôi ủng đóng cá sắt loang loáng. Loạt đạn súng máy cầy dưới chân, hệt như kẻ vạch trong bụi. Người lính bộ binh ngã xuống.

     - Bắn! — từ phía dưới vang lên. Đón bắt đường đạn bằng tai, anh thầm cầu mong nó rơi chúng mục tiêu, và anh nhổm hẳn lên trên mái nhà mà không nhận ra điều đó.

      Bọn Đức nhất loạt nằm xuống, nhưng vẫn không thấy nổ tung lên. Anh liếc nhìn ra chỗ người lính bộ binh ngã. Trống không. Không có ai. Nhưng trong nhận thức anh không làm sao nối kết các ý nghĩ đó lại được: anh đã nhìn thấy và lại quên đi.

      Anh truyền lệnh lần thứ ba và mọi điều lại diễn ra như cũ. Người đẫm mồ hôi, anh gọi bắn ba quả đạn, không những không trúng mục tiêu mà còn không nghe thấy tiếng nổ. Anh đột ngột chỉnh lại đường ngắm. Trong khi chờ đợi, từ trên cao, anh thấy sau  nhà kho, sau chiếc xe kéo bên bờ tường, một cái đầu nhô ra rồi cả đôi vai tên Đức. Hắn biến mất, rồi lại ngó nghiêng. Trêchiakov nằm trên nóc nhà, tháo khẩu tiểu liên qua đầu. Dây súng hất chiếc mũ calô xuống, anh chỉ kịp nhìn theo chiếc mũ đang từ từ trượt xuống trên mái ngói xi măng.

     Tên Đức lộ cả người ra. Nó không trông thấy ai, bèn luồn đến chỗ đồng bọn. Người cúi gập lại, chân trái tập tễnh, bắt đầu chạy. Chỉ sợ để sổng, Trêchinkov rê nòng súng theo. Anh siết cò, khi tên Đức hệt như cảm thấy được, quay ngoắt người lại, phơi mặt ra. Nỗi sợ hãi và niềm vui sướng hèn nhát cùng hiện trên mặt hắn: Thoát rồi, sống rồi! Và ngay lúc đó mặt nó rung rung. Tên Đức bắt đầu ưỡn thẳng, thẳng mãi tấm lưng ăn đạn ra một cách vừa đau đớn, vừa khoan khoái, rồi cúi gập ngực lại, đôi tay bị co giật giơ lên qua vai. Và nó ngã khuỵu xuống buông rơi khẩu tiểu liên.

     Vào đúng lúc đó, Trêchinkov trông thấy tiếng nổ của anh. Giữa các tiếng nổ khác trên trận địa ở phía sau khẩu đội, từ các bụi cây, khói bay lên. Đằng kia, ở khe xói phía dưới, không hiểu sao, anh không trông thấy tiếng nổ của mình :  trong khe nổ tung lên. Anh chỉnh đường ngắm.
    - Bắn !— Kưchin lại hét lên ở phía dưới.

      Trêchinkov giơ ống nhòm lên chờ đợi. Mặt trời thiêu gáy, lưng ướt sũng.

      Trong khe xói bọn Đức bỗng bỏ pháo cối, chúng vừa chạy vừa ngã, nằm sóng sượt khắp mọi nơi. Khoảnh khắc chờ đợi kéo dài vô tận. Bây giờ, Trêchinkov trong thấy rõ ràng trong ống nhòm trận địa bỏ không: hòm đạn nòng pháo cối vươn cao, ánh sáng lấp lánh trên nòng pháo đầy bụi — tất cả đều vắng tanh, thời gian như ngừng lại. Một tên lính cối không chịu đựng được, nhỏm khỏi mặt đất... Từ chỗ đất thấp ở chỗ đó bỗng nổ tung lên.
     - Khẩu đội, ba viên — bắn cấp tập! — Trêchiakov thét lên. Và ở đằng kia tất cả nổ tung bay vút lên, mái nhà nơi anh nằm rung chuyển.

      Và khi mặt đất bị đạn pháo cày tung, khi gió thổi bạt khói đi, trận địa cối lại lộ ra không trông thấy gì. Chỉ có mặt đất nham nhở và những hố đạn.

     Rồi sau, anh nhận thấy : một cái gì đó sống động đang ngọ nguậy ở dưới khe. Anh chăm chú nhìn. Chóp mũ ngất ngưởng, tên lính cối đang bò từ khe ra, dùng hết sức lực, lê thân trên mặt đất hệt như nó vừa bị xéo phải.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 06:28:31 am »

     

       VIII


      Trận chiến đấu đã diễn ra nhiều giờ trong đám khói bụi che khuất cả mặt trời. Những chiếc xe tăng sa lầy trước hào chống tăng, chúng cố vượt qua hào, và một chiếc bốc cháy giữa cánh đồng. Nghe đâu bên cánh trái, bộ binh đang tiến, họ được trang bị áo giáp, mũ sắt, lưng che mộc sắt, ngực có áo giáp, dường như họ vượt qua hào chống tăng trước cả những chiếc xe tăng. Suốt cuộc chiến tranh Trêchiakov chưa trông thấy bộ bình ta như vậy, nhưng anh nghe nói cánh bộ binh ấy ở bên trái.

      Chiếc xe tăng ba mươi tư tấn nằm bên miệng hào chống tăng bị phá hủy, bị đạn pháo cày rộng toác ra, và xác lính bộ binh nằm la liệt khắp chiến trường. Tất cả họ hòa vào cánh đồng vàng nục, ngưòi thì đội mũ ca-lô, người thì tóc húi cao gối đầu trên cỏ khô cứng, nhưng đều mặc những chiếc áo varơi cháy xém, cuộn lại vắt vai. Và không có tiếng nói của bất cứ ai — dù của trung đội trưởng, đại đội trưởng, người chỉ huy — có thể dựng họ dậy. Từ nay trở đi họ không phụ thuộc vào ai nữa, họ nằm trong cỏ trước hào chống tăng, dường như vẫn đang tiếp tục bò lên. Nghe tiếng nổ, Trêchiakov lao xuống, suýt nữa thi xéo phải một người lính bị đất sét phủ nửa người phía dưới. Cuộn dây điện màu xanh của ai đó nằm vắt ngang qua người anh ta.

      Khi Trêchiakov cùng với Kưchin bò ra khỏi hào, vừa chạy trên trận địa, vừa rải dây theo, đạn réo gần đến nỗi lúc chạy đầu Trêchiakov lắc lư, như muốn dứt ra khỏi người. Một loạt pháo bất ngờ dội vào cả hai ngưòi. Trong khoảnh khắc nào đó, ngóc đầu khỏi mặt đất, anh trông thấy ở phía trước một đám tuyết đen xém giữa ngày nóng nực. Nó dựng thành bức tường dông bão cuồn cuộn và trên bức tường ấy, đàn bồ câu trắng đang bay lượn, và bỗng nhiên anh nhìn thấy một con chim trúng đạn. Lần đầu tiên trong đời Trêchiakov nhìn thấy điều đó. Chú bồ câu bay tung lên cao hơn đàn chim, quay tròn rồi rơi xuống, trên không trung chỉ còn những chiếc lông rụng từ đôi cánh giang rộng. Thế là cái lạnh tràn qua khắp tim anh: «Hôm nay nó sẽ giết mình!» — Anh chợt nghĩ và tự thấy hoảng sợ, vì đã nghĩ vậy. Và lát sau, anh chồm dậy chạy trên trận địa, tay giữ khẩu tiểu liên. Lính bộ bình khoác áo varơi đang khom người chạy phía trước, bỗng trở nên sáng trắng trước bức thành mây đen ngòm, giống như trên phim ảnh âm bản.

     Trêchiakov hụp đầu trong khói súng, khi ngã xuống anh vẫn nghe thấy tiếng đạn cối đang bay xuống thấp. Và cả tiếng rên rỉ của ai đó ở ngav bên cạnh, nghẹn ngào, rên rỉ: «Ôi ! Ối Ối ! Ối giời ơi! ». Đạn cối nổ dữ đội hơn, Tiếng rên rỉ càng đau đớn hơn. Và còn nghe thấy hai giọng nói gầm lên vội vã : «Này, đã bảo...Đứa đây!». «Đưa cho ngay đấy... đưa ngay đấy….»

      Hóa ra là giọng Kưchin. Huỳnh huỵch. Tiếng rên ngừng bặt. Khi Trêchiakov nhổm dậy, Kưchin và người lính bộ binh đang giằng co cuộn dây điện thoại Đức, cả hai cùng giậm chân thình thịch trong bụi. Người lính bộ binh khỏe hơn, cao lớn trong chiếc áo capổt mở phanh. Kưchin vội vàng giật lại, giáng vào tay anh ta. Và còn ngoắc chân. Đã thế lại kêu lên tuvệt vọng :
      - Đồng chí trung úy ! Trung úy !

      Đạn bay vèo vèo, cả hai ngồi thụp xuống, không ai chịu buông cuộn dây ra khỏi tay.   
      - Đồng chí trung úy !

      - Nào, buông ra ! — chạy tới nơi, Trêchiakov quát  lên. Người lính bộ binh miễn cưỡng buông tay.   

     - Cuộn dây của tôi. Tôi tìm thấy nó ngoài trận địa...

      Một đợt sóng nổ làm cả ba người cùng chao đi. Khi giũ đất khỏi cổ áo, Trêchiakov thấy Kưchin đang ngồi chồm hỗm nối đầu dây vừa kiếm được.
     - Tìm được, cứ đi mà tìm nữa đi. Ngoài khe còn khối...

      Và Kưchin nở nụ cười mãn nguyện.   

      Họ nhảy xuống tăng sê, phía trên vẫn mịt mù khói bụi. Ngồi trên cuộn dây, hệt như để giữ cho chặt, Kưchin bật máy. Trêchiakov nằm chống khuỷu tay trên mô đất ngoài hầm, anh quan sát trận địa qua ống nhòm. Hơi nước phủ đầy kính ngắm, mồ hôi túa ra làm đôi môi nứt nẻ xót cứng, chảy trên ngực dưới lần áo va rơi.

     Phía trước bộ binh vội vã đào công sự. Những tiếng nổ bay vọt lên mù mịt giữa các chiến sĩ bộ binh đang bò trên mặt đất và đang nằm sát đất, khói trùm khắp trận địa, súng máy quất liên tục, không cho bộ binh ngóc đầu dậy. Và ở trên đầu, trên tầng không khí dầy đặc — Tằng ! Tằng ! — hàng loạt súng máy vang lên chói tai, động cơ gào rú, khi sà xuống thấp, khi vọt lên cao, trận không chiến rối như mớ bòng bong.

       Mọi người luôn luôn chạy đi chạy lại trong hào giao thông. Một lần, khi đang dựa vào thành vách hào, Trêchiakov thoáng trông thấy họ xốc nách ai đó lôi đi. Áo varơi nhàu rách, bụng lép kẹp vàng ệch... Tóc húi cao trông quen quen, ai đó đưa tay chụp chiếc mũ ca-lô trên đầu.

       Sau một hồi biến mất, Kưchin lại chạy bổ đến :
       - Đồng chí trung úy, đằng kia có đường hầm ngầm như thế này dưới mặt đất. Sâu chừng mươi mét .

       Anh ta đang nhai nhai cái gì đó…
       - Đồng chí có muốn xơi bánh mì không? Ở đằng kia nó bỏ lại mọi thứ. Đến mà xem. Mười mét đất sét trên đầu, không một quả đạn nào có thể.

       Sau chỗ ngoặt giao thông hào trong một ngách hầm, những tên Đức bị giết chết đè lên nhau. Tên trên cùng nằm giang chân, chân vẫn mang chiếc bít tất thủng. Bộ quân phục rách bươm nơi cổ, thay vào chỗ khuôn mặt là lớp đất đen và máu đã khô lại. Gió thổi tung những sợi tóc sáng màu phía trên. Trêchiakov bước qua xác bọn Đức, khi xuống dưới, từ ngoài nắng vào, anh đưa tay lần theo bờ tường.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM