Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:34:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66370 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #150 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2021, 07:22:50 am »

   

      Nếu như tôi nhớ không nhầm thì cạnh xà lim của Sunxe Bôiden là xà lim của Inda Schiôbe. Tôi nhớ rất rõ chị ấy. Đây là một phụ nữ trẻ đẹp, thông minh suy nghĩ có lô- gích. Rất tiếc, là bức thư viết trước lúc chết của chị không giữ được trọn vẹn. Juda Schiôbe đã viết cho người mẹ bị đưa đi trại tập trung Ravenbriúp vì tội của con mình. Bức thư đã bị thất lạc ở đó, đến nay chỉ còn giữ lại được một đoạn mà thôi.. Ngày tháng ghi trong bức thư của Inda là ngày cuối cùng của đời chị 22-12-1942.

    "Mẹ kính yêu - Inda viết — Cám ơn mẹ vì mẹ đã thực hiện điều mong muốn cuối cùng của con. Mẹ đừng buồn nhé, và con xin mẹ đừng mặc quần áo đen màu tang, mẹ nhé...”

      Về Han Kôpi tôi hầu như không nhớ gì, nhưng anh ta cũng nằm trong số những người bị tuyên án tử hình. Riêng ấn tượng về người vợ của anh ta thì vẫn còn đọng lại mãi trong trí nhớ của tôi. Chị ấy cũng bị tuyên án tử hình nhưng vì sinh con trong tù nên chúng cho phép chị nuôi con, xong sau đó thì cũng bị đưa ra hành quyết. Chị chết sau chồng nửa năm.

      Vợ Kôpi bị bắt khi đang có thai. Chị bị giam trong nhà tù nữ tại Bachim Strác và vào tháng 11 năm 1942 thì sinh con trai. Hinđa đặt tên con là Han giống như tên chồng. Tôi thường đến thăm chị trong tù và biết rất rõ về cuộc đời của chi ấy. Hai vợ chồng có thể trao đổi thư từ một tháng hai lần theo quy định của nhà tù, nhưng Han Kôpi chỉ viết có ba lá thư.. Riêng chị Hinđa thì viết nhiều hơn. Chị viết cho chồng ngay cả khi Han Kôpi không còn nữa, vì chị không được báo gì về cái chết của chồng. Tôi còn giữ được một số thư của chị ấy chứa đựng nỗi lo lắng cho số phận của đứa con và người chồng mà chị ta ngỡ là vẫn còn đang sống. Đây là những gì mà Han Kôpi viết sau khi bị bắt ít lâu :
      “Anh hết sức lo cho tình cảnh của em khi biết em cũng phải chịu chung số phận với anh... Có lúc anh đã nghĩ rằng em sẽ không chịu đựng được như thế đâu. Nhưng tất cả lại không như anh đã nghĩ, việc em có thai đã làm cho em thêm bình tĩnh và điều đó đã lan cả sang anh làm cho anh thêm yên tâm. Mà sự yên tâm đó thật là cần thiết cho cả hai chúng ta. Anh không thể tưởng tượng được tấm lòng ưu ái cho tương lai lại có thể tiếp cho con người mạnh đến như thế”.

      Hinđa biết rằng chị sẽ phải chết nhưng trước Iúc chết cần phải tạo ra mầm sống khác — chị phải sinh một đứa con khoẻ mạnh. Ý thức đó đã giúp cho đôi vợ chồng vượt lên những đau khổ hiện tại. “Chẳng lẽ chúng ta không thể hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc mà số phận đã ban cho ta ư”. Han viết. Đấy là bức thư cuối cùng của anh, đấy là những giây phút hạnh phúc cuối cùng khi anh được tin đứa đã ra đời. Sau đó mười ngày, anh bị đưa ra tòa quân sự dã chiến, và ít ngày sau, vào đêm trước giáng sinh anh đã bị đưa đi xử tử.

      Còn Hinđa thì nhẫn nại tính từng ngày, đợi từng giờ để có thể ngồi dậy viết thư cho chồng. Ngày 20 tháng Giêng năm 1943, Hinđa bị đưa ra tòa án quân sự dã chiến và đã bị tuyên án tử hình. Người mẹ ngồi trong phiên tòa mà ruột gan rối bời vì phiên tòa kéo dài, không thể cho con bú đúng giờ... Khi trở về nhà giam chị đã viết cho chồng :
      "Anh có biết là em đã xúc động như thế nào trong những giây phút này không. Thật là hạnh phúc biết bao khi em được ôm đứa con bé bỏng của chúng ta – thằng Hanxi, vào lòng. Vì nó mà em phải giữ bình tĩnh. Những ý nghĩ về sự ly biệt với đứa con trai đã làm cho em thất vọng. Em nghĩ rằng, đối với người mẹ, không có cực hình tra tấn nào đáng sợ hơn là phải xa lìa con”.

      Chị đã đưa đơn xin ân xá và chờ đợi lòng nhân đạo của lũ quan tòa nhưng điều này đã không được đáp ứng — án tử hình chỉ được hoãn lại. Nhưng Hinđa đã tiếp nhận tin này chẳng khác gì sự ban ơn của thượng đế. Chị đã dành tất cả để chăm sóc đứa bé. Vào tháng ba, một tin buồn nữa đã giáng xuống đầu chị — bọn quốc xã báo cho chị biết là chồng chị đã bị tử hình từ lâu rồi. Thế là chị viết thư cho mẹ, bày tỏ sự lo ngại của mình về số phận của đứa con trai. Bà mẹ của Hinđa đã viết rằng theo tòa án, bọn Giéttapô đã tịch thu ngôi nhà nhỏ của họ ở Borsigvalde "Vậy mà con cứ mong sao cho giọt máu của chúng con sẽ lớn lên trong ngôi nhà đó, nơi bố mẹ của nó đã sống hạnh phúc bên nhau..”

      Những người thân của nữ tù đã chăm lo cho đứa bé, họ gửi cho chị quần áo trẻ con, nhưng sự ban ơn của thượng đế — thời hạn tạm hoãn án tử hình đã gần hết. “Mẹ đừng gửi gì thêm cho con nữa mẹ nhé. Con không biết mình còn được sống bên cháu bao lâu nữa. Còn sau đó, sau đó thì... Nhưng dù sao thì con cũng sung sướng, nó rất hay cười nên làm sao con có thể khóc được... ”

      Còn đây là lá thư cuối cùng của chị : “Mẹ ơi ! Mẹ yêu quý của con ! Thế là chẳng bao lâu nữa, mẹ con ta sẽ phải chia lìa vĩnh viễn, đau khổ nhất đối với con là phải xa lìa đứa con thơ, với thằng Hanxi của con. Nó đã đem lại cho con biết bao hạnh phúc ! Con biết rằng con có thể yên tâm khi cháu nằm trong bàn tay ôm ấp yêu thương tin cậy của mẹ. Mẹ ơi, vì nó con sẽ giữ vững tinh thần đến cùng. Con muốn thằng Hanxi bé nhỏ của con sẽ khỏe mạnh cương nghị, có tấm lòng đôn hậu, rộng mở, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và chân thật như bố cháu "Vì chỉ có tự do mới có thể là phần thưởng cho những người xông lên phía trước ! ” — nhà thơ Gớt đã nói như vậy đấy mẹ ạ...”   

      Hinđa bị xử tử vào một ngày mùa hè chói chang tại Pletsenđe và tôi đã tiễn đưa cô ta đến tận nơi hành hình, tôi cố giúp cho cô ấy giữ vững tinh thần dũng cảm Hinđa Kopi đã chết một cách bình thản và kiêu hãnh...

      Sau phút trầm tư suy nghĩ, Garold Pelkhau nói tiếp : "Bây giờ ta lại trở lại cái tháng Mười hai lạnh lẽo năm ấy...Tôi còn có hai cuộc gặp gỡ, chia tay nữa ở trong xà lim của những người bị án tử hình. Cửa các xà lim như tôi đã nói, đều mở toang nhưng tôi vẫn gõ vào rầm cửa trước khi bước vào. Khi vào xà lim của họa sĩ Kurt Sumakher, tôi cũng làm như vậy. Sumakher là một người cao, tóc vàng, có khuôn mặt bộc trực, dễ mến. Bằng lòng yêu đời và lối khôi hài sở trường của mình, ông ta đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng không bao giờ phai nhạt. Ông ta đã không chịu để cho cường bạo đè nén lên "cái tôi” tinh thần của mình và đã khước từ viết lá thư cuối cùng vì không muốn nó rơi vào tay những kẻ mà ông khinh bỉ. Nhưng ông vẫn viết lá thư của mình và giấu vào trong xà lim tại Prin Anbretxơrac, nhà tù của Giéttapô. Bức thư đó còn giữ lại cho tới ngày nay.

     "Chúng đã tước của tôi tờ giấy lớn viết trên hai mặt — tài sản duy nhất của tôi. Trong tờ giấy đó, tôi đã viết về những ngày sầu thảm cuối cùng của tôi, về điều đang cổ vụ tôi và tại sao tôi đã đấu tranh chống chính sách của bọn quốc xã, tại sao tôi lại rơi vào đây.Tôi đã thấy một con đường đi duy nhất : cuộc sống phồn vinh, tự do và phẩm giá của con người chỉ có thể do những người theo chủ nghĩa xã hội — quốc tế vô sản tại châu Âu xã hội chủ nghĩa tạo nên mà thôi. Vì thế tôi đã đấu tranh trong đội ngũ này đến hơi thở cuối cùng. Riđen Snai, Haitstốc, Iork Paxkin – những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh của nông dân là những người bạn, những vị tiền bối của tôi. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được và đang chết vì lý tưởng của mình chứ không phải vì lý tưởng xa lạ của kẻ thù...

      Bằng sức lao động của mình, con người có thể tạo ra một cuộc sống xứng đáng với mình, với những khả năng to lớn của nền khoa học hiện đại và nguyên tắc tổ chức, họ có thể đạt được những phúc lợi cao cả là hòa bình mà không cần đến cái dã man của chiến tranh. Tôi không phải là kẻ lạnh lùng, tôi còn có trái tim nóng bỏng đủ để đạt được mục đích đó. Vì thế, mà tôi ngồi ở đây. Con người khác với loài vật ở chỗ biết suy nghĩ và hành động theo ý chí của mình. Đau đớn thay cho số phận của những người bị xua đuổi chạy theo những mục tiêu mơ hồ như những đàn cừu...

     Tôi viết điều này khi tay tôi nằm trong còng và hầu như lúc nào cũng bị theo dõi. Thưa các bạn, tôi tin chắc là tư tưởng của chúng ta rồi sẽ thắng, cho dù tất cả chúng tôi, đội quân tiên phong, có phải hy sinh đi chăng nữa... Cái nhóm nhỏ bé của chúng tôi đã đấu tranh thực sự và dũng cảm. Chúng tôi đấu tranh vì tự do và không thể là những kẻ hèn nhát. Ôi hãy cho anh sức mạnh đến giây phút cuối cùng đi em, Elidabét yêu quý của anh ! Cuốc”..

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #151 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2021, 09:46:47 pm »

   

       Người chiến sĩ Cuốc Sumakhơ mặc quân phục trong doanh trại cũng như trong nhà tù tự xưng là người lính đã viết như thế đấy. Bị gọi vào quân đội, anh vẫn tiếp tục đấu tranh chống lại sự dã man của chiến tranh... và anh đã bị bắt ngay trong doanh trại. Anh có quan điểm của mình. Tôi không đồng ý với quan điểm đó nhưng đã không tranh luận với anh - tôi chỉ là một linh mục của nhà tù. Nhưng tôi tôn trọng ý nghĩ của anh, tôn trọng ý nghĩ của những ai đã đau khổ, những ai đã đi ra pháp trường vì lý tưởng của mình. Tôi nhớ đến đức chúa Giêsu, nhớ đến vùng Gôngốp, nơi người bị hành hình, nhớ đến cây thánh giá mà đức Chúa đã mang trên vai..Cuốc Sumakhơ trước lúc vào quân đội, là họa sĩ khắc gỗ, là nhà tạc tượng. Tài hay không thì tôi chưa dám nói, nhưng hình tượng tinh thần của anh ấy do chính bản thân anh tạc nên đã là một sự hoàn hảo của vẻ đẹp con người và in đậm nét trong lòng tôi. Tôi nghĩ như vậy đấy...

      Vợ của anh ta - Elidabét Sumakhơ — người mà Cuốc  đã nói tới bằng những lời yêu thương cuối cùng trong lá thư của mình trước lúc chết, ở cách chồng chỉ có vài bước ngay trong xà lim bên cạnh nhưng chị vẫn không được đọc bức thư này. Họ đã bị chia lìa vĩnh viễn…

      Thời gian cứ thế dần trôi. Bọn canh tù đã chuẩn bị cho họ đi đến chặng đường cuối cùng. Đàn ông thì được cắt tóc, mặc áo vải lanh thô, thứ y phục mà họ phải bận để trình điện trước đấng cao cả. Công tố Menphrét Redơ – kẻ gieo rắc sự chết chóc — đã đến. Tôi hỏi ông ta rằng tại sao lại không báo cho tôi biết về vụ tử hình sắp tới thì ông ta lạnh nhạt và nhẫn tâm trả lời tôi :"Không có dự tính cho linh mục đến dự”..

      Hai ngày trước hôm xử, Hans phôn Ôxten, một nhân viên trong Bộ Ngoại giao đã bí mật đến hỏi tôi có biết cố vấn trưởng của Nhà nước Ruđônphơ phôn Sêlia ở đâu không ? Tôi không biết người này. Bây giờ, phôn Sêlia đã ở trong số những người bị kết án trong nhà tù Pletsenđe. Có lẽ tin đồn về vụ tử hình sắp tới đã đến tai bạn bè của ông ta. Buổi chiều, có một người mà tôi không quen từ Bộ Ngoại giao đến nhà tù. Người này hỏi ủy viên công tố xem ông có biết gì về việc hoãn tử hình Ruđônphơ phôn Sêlia không. Redơ nhún vai — ông ta không hay biết gì hết. Khi ấy, người kia bắt đầu thuyết phục viên công tố là phôn Sêlia còn phải bàn giao hồ sơ công vụ đang giữ nên cần hoãn lệnh tử hình đối với ông ta. "Luật pháp là luật pháp” — Ređơ trả lời rồi quay quắt bỏ đi.

      Tôi không biết người được cử đến chiều hôm đó là ai trong Bộ, có thể đấy là bạn của phôn Sêlia, mà cũng có thể là người của phôn Ribentrốp phái đến để cố cứu sống một nhân viên mà Ribentrốp căm thù miễn là Bộ của mình không bị mất uy tín. Tôi không rõ lắm, nhưng mọi cái đều có thể lắm chứ.

      Trước khi kết thúc câu chuyện về những sự kiện trong những ngày này tại nhà tù Pletsenđe, tôi muốn kể đôi lời về những người khác trong nhóm. Tòa án và tử hình, như tôi cảm thấy, cứ liên tục diễn ra. Những người bị kết án đã viết những dòng cuối cùng trong thư và lần lượt đi ra pháp trường. Hết người này lại đến người khác... Những người sắp chết không nói dối, họ im lặng hoặc nói lên sự thật. Hai tuần sau, Eric phôn Brôđônphơ bị đem ra xử án lại vì bản tuyên án trước không được Hítle duyệt và lần này thì chị bị kết án tử hình. Frika đã không tỏ ra mảy may sợ sệt, yếu đuối trước bản án tử hình. Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Eric đã viết "Không cho phép bất cứ kẻ nào nói dối về ta rằng, ta đã khóc, đã run sợ cho cuộc sống của mình. Ta đã chết nhưng vẫn tươi cười – vì suốt đời ta đã yêu tiếng cười và vẫn còn tiếp tục yêu nó...”   

     Minđrit Khanắc cũng bị đem ra xử lần thứ hai cùng với Eric phôn Brôđônphơ. Họ hy sinh dưới lưỡi dao của máy chém trong cùng một giờ. Minđrit trước đó là một phụ nữ béo tốt, khỏe mạnh, nhưng đến ngày hành quyết, sau năm tháng ở trong tù, chị đã trở thành một người tóc bạc, lưng còng. Không một ai biết Mindrit đã phải trải qua những ngày tháng cuối cùng như thế nào..

      Tôi nhớ mãi mái đầu tóc bạc chải ra phía sau của chị ấy. Minđrit đã trải qua một cuộc đời lao động khiêm nhường. Vợ chồng Khanắc không có con, tất cả tình thương Minđrit đều dành cho chồng. Chị tin tưởng chắc chắn vào khả năng và trí tuệ của chồng. Lúc đầu, Minđrit chỉ là người bạn đồng hành trong cuộc đấu tranh của Acvit Khanắc. Chị đã chia xẻ những nỗi lo âu của chồng, hồi hộp chờ chồng thâu đêm suốt sáng hoặc băng mình trên đường phố khuya vắng để đi đón chồng. Chị đã xử sự như những người phụ nữ cố giữ gìn cho hạnh phúc của mình. Nhưng càng ngày, nước Đức càng chìm đắm trong màn đêm và cùng với điều đó, ý chí, lòng dũng cảm, khát khao chân lý của chị cũng tăng lên. Chị đã trở thành người tham gia tích cực vào phong trào kháng chiến.

           Minđrit đã sống ở Đức mười lăm năm kể từ khi Acvit cưới chị làm vợ và đưa chị từ Mỹ trở về. Tuy vẫn giữ quốc tịch Mỹ nhưng chị rất yêu tổ quốc thứ hai của mình. Trước lúc chị bị hành hình, tôi đã cùng chị nói chuyện khá lâu trong xà lim. Lời nói cuối cùng của chị là : "Sao mà tôi yêu nước Đức đến thế..” Buổi sáng hôm bị lên máy chém, chị đã dịch bài thơ của Gớt sang tiếng Anh. Vì không có giấy nên chị đã dịch bài thơ ra bìa sách.   

        Ađam Cuốckhốp, nhà thơ kiêm nhà soạn kịch là một người cao tuổi nhất trong nhóm. Ông đã 56 tuổi .Trong ý nghĩ, tôi vẫn thấy như đang ngồi bên ông ta. Ông ngồi sau bàn, quay lưng lại cánh cửa mở của xà lim. Ông có đôi vai rộng vạm vỡ và cái đầu vĩ đại của một nhà tư tưởng. Ông đang cúi đầu trước trang giấy, viết nốt những dòng cuốỉ cùng của bức thư vĩnh biệt. Tôi chờ cho đến khi ông ta viết xong lá thư. Rồi ông ta đặt bàn tay to, rộng lên lá thư và nói : “Thế là giờ đây, nợ đời đã được trả xong…”

     Tôi gặp Cuốckhốp lần này không phải là lần đầu. Ông ta đối xử với tôi một cách tin tưởng và chúng tôi thường nói chuyện với nhau về văn học, về thơ ca mà ông yêu một cách say đắm. Ngay cả khi ở trong tù, tay bị còng ông đã viết những bút ký về biện chứng thẩm mỹ. Tác phẩm đã không còn giữ được cũng như những bài viết về kinh tế của người bạn ông, Acvit Khanắc.

      Cuốckhốp đã gửi bức thư của mình cho đứa con trai lên năm tuổi. Tên đứa bé là Ule. Bố mẹ nó đã đặt tên cho đứa bé là Ule để kỷ niệm vở ca kịch Ulenspigen (Tên vở kịch ca ngợi cuộc đấu tranh giải phóng của người Flamăng. ND) mà nhà thơ đã viết. Ông đã đưa vở kịch cho tôi xem. Sau này, tôi được biết rằng quyển sách của ông đã được dùng làm chìa khóa mật mã để viết các bức điện bí mật.

      “ Ule, con bé bỏng, yêu thương của bố— bức thư của Cuốckhốp bắt đầu bằng những dòng như vậy — sao mà bố thèm được cùng con dạo chơi trước nhà khi trời đã tối hoặc tốt nhất là cùng con ra vườn xem những vì sao của con mà bố rất thích. Bố đã viết nhiều trong một cuốn sách lớn về những vì sao, đã nghĩ nhiều về con. Con còn nhớ cái lần đầu con đòi tiếp tục xem sao sau khi có báo động không? Trong số những vì sao đó có hai ông sao sáng đẹp đứng cạnh nhau. Sau đấy lại có thêm một ông sao to nữa mà con hỏi bố tên nó là gì. Con còn nhớ không hay là đã quên mất rồi ? Đó là vua của những vì sao đấy con ạ, nó là sao Mộc. Nó có những tám ông trăng giống như những ông trăng của ta vậy.. Hai bố con ta đều thích sao, vậy thì ta thỏa thuận nhau thế này nhé : vào giờ sinh của con từ bốn giờ rưỡi đến năm giờ -  hai bố con ta sẽ nhìn lên bầu trời qua khung cửa sổ và cùng nghĩ về nhau nhé. Nếu như trời có mây mù thì bố con ta cùng nghĩ rằng, trời hôm đó giống như trời hôm con ra đời, suýt nữa thì bị chết và lúc đó những vì sao ấy cũng ẩn mình dưới bóng mây...”

      Trước khi rời xà lim, Cuốckhốp còn viết một số câu thơ cho đứa con : "Ule, con yêu quý của bố, con là niềm hạnh phúc lớn lao cuối cùng của bố, còn bố thì lại để cho con trở thành đứa trẻ mồ côi. Nhưng giờ đây toàn thể nhân dân, không — toàn thể nhân loại sẽ là bố của con…”
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #152 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2021, 07:55:38 am »

      

     Tôi hiểu rằng những hồi ức của tôi chưa thể đầy đủ hoàn toàn. Tôi đã không gặp được tất cả những người tham gia vào “Liên minh Đỏ” mà họ thì rất nhiều – nghe đâu có 600 người. Hơn nữa, tôi cũng không biết được hoàn toàn rằng những người mà tôi đã gặp ở trong tù đều thuộc một tổ chức. Họ chẳng bao giờ nói về điều này cả và họ làm như thế là đúng.

     Trong số các bị cáo có đại diện của các tầng lớp khác nhau, những con người có nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác khác   nhau. Họ đã thống nhất xung quanh cuộc đấu tranh chống lại chế độ phát xít. Cụ Emin Khiubne trông như một vị giáo trưởng đã hy sinh cùng với con gái, con rể trong một ngày. Chuyện này đã xảy ra vào tháng 8 năm 1943. Cùng với gia đình cụ Khiubne, chúng còn chặt đầu hai nữ sinh viên Getse và Maria. Họ đã hy sinh như những thiên thần. Trước lúc chết, họ đã tìm cách cứu sống những người khác bằng cách tự nhận tội về phần mình. Nhưng sự hy sinh của họ đã không mang lại điều họ mong muốn — bọn phát xít đã xử tử tất cả những người bị kết án tử hình.   

      lon Ritmaixche, một người có học thức, sinh tại Hămbua đã hy sinh như một người sùng đạo. Tôi đã biết anh ta từ lâu, từ trước khi bị bắt kia. Anh ấy đã từng là bác sĩ thần kinh — tâm thần. Người ta đã gọi anh ấy là người tin vào lẽ phải và chính nghĩa một cách cuồng tín. Trong nhà lao, anh ấy vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triết học, và tôi có cảm giác anh ấy là người ít bị đau khổ vì cảnh tai ương và giam cầm của nhà tù hơn những người khác vì lòng say mê khoa học đã làm cho anh không hề để ý đến chúng nữa.

      Trong bức thư từ biệt của Ritmaixche đã thể hiện rõ phẩm chất đạo đức của anh như tất cả những con người khác. "Cuộc sống trong nhà lao đối với tôi không gian khổ như những người ngoài cuộc cảm thấy — anh viết— Tôi không còn đủ thời gian để làm xong tất cả những gì đã vạch ra cho bản thân — hết đọc lại suy nghĩ. Tôi chưa đọc được cuốn "Phê phán trí tuệ trong sạch” của Kant, chứ chưa nói gì đến "Vật chất và trí nhớ” của Bergxon. Quyển sách của Konrat, vì tôi mới nhận cách đây có mấy ngày, nên không có đủ thời gian để đọc nó nữa. Có lẽ kết thúc cuộc sống với tôi như thế là tự nhiên, nếu như tính đến việc tôi đã chịu ảnh hưởng của số phận và cái chết của Giócđanô Brunô ( - Nhà bác học đã bị thiêu vì dám tuyên bố là quả đất tròn. ND) từ lúc mới chỉ có 15 tuổi. Cuộc sống của tôi trước hết là đấu tranh vì tri thức "vì ý thức và tư tưởng”. Thông thường, tôi không có đủ thời gian để nghĩ đến những chuyện khác.

     Hãy khỏe mạnh em nhé. Mêki của anh. Anh không sợ. Những bài thơ tuyệt diệu của Genđeclin mà em gửi cho anh đã sưởi ấm lòng ahh, hỗ trợ anh trên bước đường cuối cùng... Anh chẳng còn có gì để mà sợ nữa…”


     Ngài có thấy không ? Ngay cả quan tòa cũng chỉ có thể hiểu được qua những bức thư rằng những bị kết tội đã là những con người có trí tuệ cao cả, thích văn học, yêu thơ ca và họ tìm kiếm ở đó nguồn sinh lực như trong mạch nước ngầm vậy. Thật khó mà quên được bức thư viết lúc chết của Gan Genric Kumerốp – một kỹ sư tài năng, một người có tâm hồn tuyệt đẹp và trong sáng. Anh là một người trong số những người bị xử tử sau cùng khi Kha- nắc, Sunxe Bôiden và một số khác đã cỏ xanh nấm mồ cách đấy nhiều tháng. Kỹ sư Kumerốp đã trải qua những ngày đau khổ sau cái chết của Inga, vợ anh, cách đấy không lâu. Anh đã viết lá thư khá lâu từ sớm, đến tận chiều mặc dù thời gian còn lại rất ít..Bức thư của Kumerốp đã là thứ ánh sáng đặc biệt soi tỏ cho tôi thấy mục đích chân chính mà những con người này đã phấn đấu.

     Bây giờ kể lại cụ thể nội dung bức thư của Kumerốp chứa đựng những suy tư về cuộc sống và thuật lại sự thật về mình, về những người có cùng chí hướng với anh, kể cũng không cần thiết. Chỉ có điều, tự nhiên, tôi lại nhớ đến hai nhà kỹ sư Kumerốp và Vecne phôn Braun (một kỹ sư nghiên cứu tên lửa.ND) – cả hai cùng trạc tuổi nhau, cùng làm việc trong lĩnh vực phát minh quân sự nhưng đường đi của họ lại hoàn toàn khác nhau. Một người thì phục vụ cho sự xâm lược, vũ trang cho quân đội Đức,  còn người kia thì chống lại sự xâm lược. Tôi không thạo về kỹ thuật nhưng tôi biết Kumerốp là người có trình độ và rất toàn diện. Anh đã từng giảng bài trong trường kỹ thuật cao cấp, trong trường đại học lý hóa, công tác trong phòng phát minh của hãng thực nghiệm “Liope ốpta Rađio” và rất quan tâm đến điều mà sau này được gọi là "điều kỳ diệu của Nga”.

     Đây là những gì anh viết cho bà mẹ, sau khi đã thanh toán món nợ của cuộc đời "Con không biết có còn được viết thư cho mẹ được nữa không vì vậy con muốn nói tất cả, nói hết, dù rằng những điều con nói đây có thể trùng lấp với những điều con đã nói trước đây…Chẳng hạn ta hãy suy nghĩ kỹ về từ ngữ và khái niệm : gián điệp và làm gián điệp. Chính ý nghĩa bình thường có trong từ này lại không hề nói lên bản chất, hành động của con trong suốt nhiều năm, kể từ năm 1918, không hề nói lên bản chất hành động của hàng nghìn người đã suy nghĩ như con. Cách tự duy của chúng con đã thúc đẩy con hành động đã được hình thành qua mối thiện cảm với nước Nga mới – tổ quốc thứ hai của chúng con. Cần phải giúp đỡ nước Nga trong việc trang bị kỹ thuật, vũ trang cho nó để nó tự vệ trước sự tấn công của các nước khác. Và chúng con đã cố gắng giúp đỡ những người cùng chí hướng, những người bạn của mình, truyền cho họ những kiến thức của mình. Với lương tâm trong sạch và động cơ tư tưởng đúng đắn, chúng con đã xuất sang nước Nga những bí mật kỹ thuật của các hãng quân sự. Và con cũng hành động như thế, điều này có liên quan đến những phát minh của con cũng như những phát minh khác đang nằm trong tay những tên giám đốc đê tiện của các công ty có cổ phần hoặc thuộc nhà nước Đức, một nhà nước càng ngày càng bí mật vũ trang cho mình và càng ngày càng tỏ ra hằn học với phương Đông, với nước Nga Sô-viết. Tất cả những gì con biết, con có, con đều chuyển hết cho nước Nga.

     Ở đây, con chỉ muốn giải thích cho mẹ hiểu điều gì đã thúc đẩy con làm như vậy, con xin nhắc lại. Hành động và suy nghĩ của con luôn luôn trong sạch…Ngoài ra mẹ cũng biết đấy, người Nga buộc phải phòng ngự, con tự hào trước việc làm dũng cảm của họ..”.


      Giờ thì — Penhau kể tiếp – Giờ thì tôi xin kể cho Ngài nghe về cái giờ bi thảm nhất của ngày lễ giáng sinh…Ngoài hành lang của khu nhà tù số ba lờ mờ ánh đèn, một con đường nhỏ lót vải  linôlêum màu xanh bóng. Tù nhân không được đặt chân lên con đường này. Khắp mọi chỗ đều gọn gàng như trong trại lính, tất cả trông buồn thảm và thê lương. Sự yên tĩnh nặng nề như kết đọng lại trong nhà tù…Tử tù từng người một được dẫn từ xa-lim vào ngôi nhà dưới. Bên cửa ra vào xếp hàng 11 cỗ quan tài màu đen dựa vào tường trong đó chất đầy dăm, gỗ bào..Ở giữa phòng lớn được ngăn bằng một bức rèm đen có để một cái bàn của Ủy viên công tố Ređơ ngồi ở phía sau.

     Một đội gồm ba tên đao phủ đứng ở phía đối diện. Tên phụ trách đội mũ lễ hình ống trụ, xỏ găng tay trắng, mặc áo vạt dài như thể người cầm đuốc trong đám tang. Hai tên khác trong đội cũng mặc áo tang màu đen.

     Kharô Sunxe Bôiden là người bị dẫn đến trước tiên.

     "Anh là Kharô Sunxe Bôiden phải không ?” — Viên công tố hỏi anh.   

     "Đúng ! Đúng !” —giọng anh vang lên phá vỡ sự yên lặng không sao chịu nổi.   

      "Tôi sẽ giao anh cho người đao phủ để thực hiện bản tuyên án... ”

      Hai tay người bị kết tội, bị trói ghì sau lưng. Tấm áo tù khoác trên người để lộ đôi vai trần của anh. Bọn đao phủ cởi áo và giữ lấy tay anh. Kharô hất vai tỏ thái độ — Hãy để ta tự đi lấy. Anh bước đến buồng ngăn nơi có sợi dây thòng lọng thòng từ trên móc sắt xuống, lòng thòng bên trên chiếc ghế đẩu. Những lời cuối cùng của anh vang lên trong không khí chết lặng:
      “Ta sẽ chết như một người cộng sản...”

       Anh tự bước lên chiếc ghế đẩu, bức rèm đen kéo lại. Sau một phút, bàn tay đeo găng trắng mở rèm ra. Tên đao phủ chính đội mũ hình ống trụ và mặc áo dài vạt chỉ cho tất cả thấy người bị treo cổ rồi kéo rèm lại. Viên công tố đứng dậy phán : "Bản án đã thi hành”. Cùng với lời nói đó, hắn ta giơ tay lên chào theo kiểu phát xít.

      Tay bác sĩ nhà tù xăng xái ra lệnh : "Cứ để vậy, không tháo dây thòng lọng trong vòng hai mươi phút để tôi có thể xác nhận là đã chết hẳn...”

      Người tiếp theo là tiến sĩ Acvit Khanắc, sau đấy là những người khác. Thể thức tử hình lặp lại nguyên xi như vậy. Tên công tố hỏi, người bị kết án đáp lời và Ređơ giơ tay chào theo kiểu quốc xã.

     Sau khi xử tử xong những người đàn ông, chúng chuyển sang chém những người phụ nữ.

     Không một ai trong số những người bị kết án nói thêm một lời nào nữa ngoài từ “Đúng”. Tất cả đã hy sinh trong sự im lặng và dũng cảm.

     Mọi việc đã xong xuôi…Bọn đao phủ và những tên đại diện của chính quyền rời khỏi nơi tử hình. Tôi đi ngang qua khu nhà tù, nơi những người tù mới bị dẫn qua. Đám coi tù đang xủng xẻng chìa khóa đóng cửa xà lim, tắt công tắc điện…Tất cả lại trở nên tối om…
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #153 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2021, 12:10:53 am »

    

     Thực hiện ý nguyện cuối cùng của Kharô Sunxe Bôiden tôi đã đến thăm mẹ anh để kể cho bà nghe về cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi.

     Bà tuyệt vọng vì đau khổ, lắng nghe tôi kể và sau đó bà đã thuật lại bà đến thăm tên ủy viên công tố Ređơ. Bà đến nhà hắn ngay sau lễ Giáng sinh, khi con mình đã chết. Đây là câu chuyện của bà mà tôi đã ghi lại sau khi đến thăm gia đình Sunxe Bôiden. Tôi đã tỏ ra hết sức nhã nhặn trình bày yêu cầu của mình cho viên công tố - mẹ Kharô kể - lời yêu cầu đó là xin được gửi quà lễ Giáng sinh cho con trai tôi. Đáp lại lời tôi, ông ta nói : « Tôi cần phải báo cho bà biết rằng ; con trai và con dâu bà đã bị tuyên án tử hình theo lệnh đặc biệt của Quốc trưởng ngày 22 tháng 12, bản án đã được thi hành. Do tính chất nghiêm trong của tội lỗi, quốc trưởng đã thay án xử bắn bằng hình thức treo cổ".

      Tôi bật dậy, la lớn: "Không thể như thế được ! Các người không thể làm như thế được !”

     Ređơ trả lời tôi : "Bà nóng nẩy quá đấy, tôi không thể nói chuyện với bà được nữa...”   

      Sau vài phút im lặng, tôi nói : "Giéttapô đã hứa với tôi rằng bản án sẽ không được thực hiện cho đến tận cuối năm kia mà. Làm sao mà họ lại có thể nuốt lời hứa như thế ?”

      “Trong phiên xử đó — Ređơ phản đối — người ta nói dối nhiều quá rồi thành ra thêm hay bớt một điều nói dối thì có gì là đáng sợ kia chứ.”

      Tôi xin được lấy lại xác của Kharô và vợ nó nhưng viên công tố đã khước từ điều đó. Thế là chúng tôi có gì kỷ niệm về Kharô đâu. .

    "Cần phải xóa bỏ vĩnh viễn tên tuổi của nó trong tâm trí mọi người - Ređơ tuyên bố với tôi — Đó là thêm một sự trừng phạt nữa đấy”.

     Bằng mọi cách vu oan, giáng họa và lăng mạ tên tuổi của Kharô, Ređơ đã bôi nhọ hình ảnh của nó, hình ảnh đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi. Khi tôi toan kiên quyết bác lại luận điệu của hắn thì Ređơ hét lên đe đọa :   
     “Tôi xin lưu ý bà là bà đang nói chuyện với một quan chức cao cấp của tòa án quân sự đế chế, bà sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những lời nhục mạ của bà đấy nhé”.

     Khi đứa cháu cùng đi với tôi định tham dự vào câu chuyện như một người trung gian thì Ređơ đã nói xa xả vào mặt nó và nhắc lại rằng không ai có thể nghi ngờ những lời của ông ta cả.

     Sau đó tôi hỏi Ređơ xem có bức thư cuối cùng của Kharô không. Ređơ không thèm nói nửa lời nhưng một viên quan chức khác có mặt trong cuộc nói chuyện tại đó hình như đã thông cảm với tôi. Ông ta chẳng nói chẳng rằng, chìa cho tôi một phong bì dán kín trong đó có những lời chào cuối cùng của Kharô.

    Sau cùng, Ređơ bắt tôi và đứa cháu ký vào một tờ cam kết buộc chúng tôi phải giữ kín hoàn toàn về cái chết của các con tôi và về những điều này. Ređơ dọa chúng tôi rằng, nếu chúng tôi làm trái đi thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Khi tôi nói khó mà giữ kín được lâu về cái chết của những người bị kết tội và hỏi nếu như có ai đó hỏi Kharô ở đâu thì tôi sẽ trả lời như thế nào. Ređơ đã trả lời tôi:

     - "Bà hãy nói rằng con bà đã hy sinh cho bà...”

     Nhưng đối với chúng tôi, Kharô không chết, nó vẫn là một con người trung thực, tốt bụng như lúc đang còn sống.

      Đấy là những gì bà mẹ của Kharô Sunxe Boden đã kể cho tôi nghe? Khi từ biệt, bà đã cho xem quyển tiểu thuyết của Mắcxim Goócki mà Kharô đã tặng cho em gái với dòng chữ kỷ niệm trên đầu cuốn sách. Quyển sách này đã trở thành một di vật của gia đình.

      Kharô viết :
     “Tích tắc! Tích tắc ! Cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao... Từ lúc còn người xuất hiện trên hành tinh của chúng ta không ai tránh khỏi cái chết cả. Tôi còn đủ thời gian để quen với ý nghĩ đó. Ý thức hoàn thành trách nhiệm có thể cứu con người khỏi sự sợ hãi trước cái chết. Sống trung thành và dũng cảm đấy là sự đảm bảo cho cái chết thanh thản.

       Con người, chủ nhân, hành động và ý chí của mình, có trái tim mang nỗi đau của toàn thế giới muôn năm ! Con người sẽ chẳng để lại gì ngoài những hành động của mình. Chỉ có những con người có tinh thần dũng cảm và hùng mạnh dám xả thân cho sự nghiệp giải phóng và cái đẹp mới sống muôn đời. Vì họ đã chiếu sáng cuộc đời bằng ánh sáng rực rỡ soi rọi cho cả những người suốt đời chịu cảnh tối tăm.

     Đừng tiếc thân mình, đấy là đạo lý đẹp nhất và cao thượng nhất trên trái đất này !”.


                              Tháng 12 năm 1941
                                                Kharô   


     Đấy, Kharô Sunxe Bôiden là người như thế đấy !.




                              ★  ★  ★




      Để có thể kết thúc câu chuyện về những ngày cuối cùng của các anh hùng — các chiến sĩ hoạt động bí mật Đức đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, ta cũng nên quay lại cuộc tìm kiếm của luật sư Krum. Đây là những gì ông đã viết sau nhiều năm kể từ khi sự kiện bi thảm trên xảy ra. Hóa ra luật sư cũng đã gặp Penhau, vị linh mục của nhà tù Plersenđe. “Cuộc gặp gỡ với vị linh mục của nhà thờ - luật sư viết – cuối cùng đã giúp tôi tìm thấy điều mà tôi đang tìm kiếm theo yêu cầu của Stainbơ. Tôi đã xác định trên văn bản giờ chết chính xác của Ingrit và chồng cô ta. Cũng vào thời gian ấy, tôi đã suy nghĩ nhiều và đã bỏ nghề luật sư vì thù lao mà làm bất cứ việc gì”.

     Khi chia tay, tôi đã hỏi vị linh mục xem ông ta có biết tài liệu về việc thi hành án tử hình của tòa án quân sự có thể được cất giấu ở một nơi nào khác không. Tôi đã kể cho ông ta nghe về những cuộc tìm kiếm vô ích liên quan đến vụ Ingrit. Penhau cũng không biết tên hai người này.

     Ông ta nói với tôi :
    - “Không phải bao giờ, người ta cũng thấy điều cần tìm ở nơi người ta tìm… Ngài hãy đến nhà tù dành cho nữ tù nhân trước đây tại Bacnimstác xem sao. Ngày 5 tháng Tám năm 1943, tại nhà tù Plersenđe đã xử tử một lúc 12 phụ nữ thuộc “Liên minh Đỏ”. Thông thường thì thông báo tử hình được gửi đi từ nhà tù Plersenđe đến các nhà tù trước đó đã giam giữ những người bị kết án tử hình để chứng minh rằng bản án đã được thực hiện”.

     Tôi lại lao vào tìm kiếm. Tại nhà tù Bacnimstác quả thực tôi đã tìm được đôi điều đó. Những cái tôi tìm được không những chỉ liên quan đến Ingrit và Klau Gecsen mà thôi. Trong hầm ngầm của nhà tù mà trước đây có thể diễn ra những cuộc hỏi cung những người bị bắt, thấy  la liệt những chồng tài liệu. Tôi đã mất nhiều thời gian để tìm kiếm cho tới lúc thấy được chiếc cặp giấy đề dòng chữ “Đã tử hình”.

    Cái đầu tiên đập vào mắt tôi chính là bản sao lệnh của Hítle đúng nguyên bản đại bản doanh Tổng tư lệnh tối cao quân đội Đức. Lệnh này bắt đầu như sau :
      “Dinh Quốc trưởng. Ngày 21 tháng Sáu năm 1943.

      Nội dung. Về việc xin ân xá cho 17 người bị Tòa án tối cao Đế chế kết án tử hình và tước bỏ vĩnh viễn quyền công dân của các thành viên thuộc nhóm tội phạm “Liên minh Đỏ”.

     Tiếp đó là danh sách của những người bị kết án :Kacl Bem, Xtanixlap Vedolec, Emin Khiubner, nhà văn Ađam Cuốckhốp, Friđa Vedolec, nữ sinh viên Ucxula Getse, nữ điện thoại viên Maria Tecvin, vũ nữ Ôđa Sotmuy lơ,Rô đa Sledingơ, Hinđa Kôpi, nữ nhân viên ghi tốc ký Klara Sa-phen, Inđa Imme, nữ trợ lý Eva Maria Bruc, bà thầy bói Anna đã bị xử tháng Hai năm 1943 vì tội phá hoại sức mạnh quân sự của đế chế, kỹ sư Hanx Kumerốp, nữ họa sĩ Katô Bôntecvanbéc, học viên Liana Beckovit.

     Tất ca là 17 người, trong số đó có nhiều người tôi biết Tiếp đó là quyết định của Hítle “Tôi phủ định việc xin xá tội ”.


      Đích thân Hítle và Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh cao lực lượng vũ trang Kâyten đã ký vào lệnh.

     Ngoài ra còn có một mệnh lệnh mang chữ ký của đô đốc Baxchian đính kèm theo mệnh lệnh của Quốc trưởng:
     “Gửi chánh án tòa án tối cao Đế chế.
 
      Sau khi Quốc trưởng bác đơn xin xá tội, tôi ra lệnh thi hành bản án đối với các bị can sau…”


      Trong bản mệnh lệnh có nhắc lại tên của 17 người và ngày hôm sau đó, tất cả những người này đã bị xử tử tại nhà tù Pletsenđe.

      Sau đấy, tôi đã tìm thấy một đoạn ghi trong sổ đăng ký tên người chết. Trong đó có tên Inda Schiobe.

     “Béc lanh – Saclottenbuốc. Số 5568, ngày 23/12/1942
      Nữ phóng viên : Inda Schiobe
      Tín ngưỡng : Phúc âm
      Trú quán : Béc lanh
      Nơi ở : Phranbuốctơ Anle, 202 (ở với mẹ đẻ)
     Sinh ngày : 17/5/1911 tại Béclanh
     Bố là Mac Schiobe. Nơi cư trú cuối cùng : không rõ. Người chết chưa có chồng
      Chết ngày :23/12/1942 tại Béc lanh – Saclottenbuốc. Kenigdam. Ghi theo lời của người làm chứng – phó cai ngục Vecnơ sống ở Vaixendơ. Người làm chứng tuyên bố  đã xác nhận là chết.

    Nguyên nhân chết : bị chặt đầu.
    Làm chứng và ký nhận : Vecnơ
“.

     Trong sổ còn có những dòng ghi đại loại như vậy như giờ phút chết của Ruđônphơ phôn Sêlia chết ngày 22 tháng 12 năm 1942. Nguyên nhân chết; bị chặt đầu, của Cuốc Sunxe,  Inđa Imme…Tất cả đều chết tại nhà tù Pletsenđe.

    Tại đây, tôi đã tìm thấy cái mà tôi đang dày công tìm kiếm : tài liệu nói về vụ tử hình Ingrit Vaiblium, chết ngày 4 tháng Bảy năm 1943 vào lúc 20 giờ 42 phút và Klau Gecsen chết cùng ngày nhưng trước đó 26 phút.

     Vị khách của tôi, Stainbec hài lòng và cảm ơn tôi rối rít. Còn tôi thì không nói gì về kế hoạch và ý định của mình cho Stainbec biết. Rồi Stainbec đưa đơn kiện lên tòa tin chắc rằng cuộc tranh chấp về thừa kế sẽ được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho lão.

     Nhưng Stainbec đã vội mừng quá sớm. Sự thể là như thế này; tôi đã tìm được đứa con gái của Ingrit Vaiblium nay đã lớn lên thành một cô gái. Cô ta đã được nuôi dưỡng trong gia đình nhân viên một ngân hàng nhỏ tại Liunebuốc, cách nơi ở của viên công tố Ređơ hồi trước chiến tranh không xa. Cô con gái vẫn giữ tên gọi cũ là Êlêna nhưng đã bị thay họ khác. Bố mẹ nuôi của cô ta đã tỏ ra là những người đúng đắn, họ đã khẳng định sự kiện của nhiều năm đã qua. Những bằng chứng của họ được xác nhận trong phòng công chứng đã trở nên có hiệu lực về mặt pháp lý.

     Chỉ có một người phụ nữ, người có họ xa với Gectsen là biết cuộc tìm kiếm của tôi. Người này sống thầm lặng trong ngôi nhà đó và không nghi ngờ gì về việc vợ chồng Stainbec đang thèm khát chỗ đó cả. Người đàn bà đó sung sướng không nói được nên lời khi gặp Êlêna, người mà chị ta đã nhớ rất rõ và thương cảm. Tôi rất muốn làm một điều tốt lành cho hai người phụ nữ đau khổ đó – một già và một trẻ.. Tôi không nói gì cho Stainbec biết, sợ lão lại tìm ra mánh khóe gì mới để chiếm đoạt lấy cái di sản đó một cách bất hợp pháp. Tất nhiên là tôi từ chối tiến hành công việc của lão mà đã cùng với cô con gái Va-iblium và người họ hàng xa phía bên nội đến thẳng tòa án.

      Phiên xử về di sản đã làm cho những người khách tò mò chú ý. Người ta đã viết những bản tin ngắn về nó cho các báo, nhưng cuối cùng, phần thắng đã thuộc về Êlêna Vaiblium Gectsen. Nhưng không phải như thế là mọi việc đã xong xuôi. Stainbec đã đưa tôi ra tòa về tội tiết lộ bí mật nghề nghiệp gây cho lão tổn hại về mặt vật chất. Thế là tôi đành phải đấu kiếm với các quan tòa mà trong thời gian Hítle đã lộng quyền xét xử ở Đức. Người ta cũng đã viết nhiều về chuyện này. Báo chí chia làm hai phe tùy theo khuynh hướng chính trị. Tòa án đã tuyên án kết tội tôi, bắt tôi phải nộp tiền phạt khá cao. Tôi đã bác bỏ đơn kiện nhưng bị thất bại. Tôi buộc phải trả tiền phạt. Nhưng dù sao, tôi cũng đã hài lòng vì phiên xử. Trong tòa, tôi cũng đã nhắc lại những lời tôi đã nói với cự công tố viên Ređơ :”Những người chết không được bảo vệ, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ họ nếu như tin vào chính nghĩa của họ.

      Khách hàng đến văn phòng luật sư của tôi cũng thay đổi. Phải thừa nhận rằng đã có những vị khách né tránh luật sư "đỏ”. Nhưng tôi lại thấy tự hào khi những người khách mới, những người bạn của tôi đến nhờ tôi bảo vệ cho một người hoạt động bí mật lão thành, người cộng sản, người tham gia vào phong trào kháng chiến chống phát xít đã bị lên án trong việc tham gia vào tổ chức đảng cộng sản đã bị cấm ở Đức. Đã có những phiên xử có sự tham dự của tôi mà cụ thể là phiên xử về cấm sự khôi phục của đảng quốc xã kiểu mới. Tôi đã đứng về phía những luật sư tiến bộ độc lập. Điều này đã đưa đến việc tôi tham dự hội nghị pháp luật quốc tế tổ chức tại Mát-xcơva về vấn đề thời hạn có hiệu lực đối với bọn tội phạm phát xít (Hội nghị này đã đi đến kết luận "đối với bọn tội phạm phát xít thì không quy định thời hạn có hiệu lực. ND). Mọi cái được bắt đầu từ việc tôi tôi bắt tay vào tìm di sản của một con người bị tử hình, Ingrit Vaiblium.

     Con đường của tôi, là con đường của một trí thức Đức nhận thức được chân lý. Tôi muốn dành cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh để cho nước Đức của chúng tôi không bị quay lại cái thời kỳ đen tối của nghĩa quốc xã. Hãy cầu cho tôi đạt được thành tích trong cuộc đấu tranh này ! Tôi vẫn là người ngoài đảng, hiện vẫn chưa phải là đảng viên đảng cộng sản. Nhưng chính Kharô Sunxe Bôiden cũng đâu có phải là đảng viên cộng sản. Đối với tôi, Sunxe Bôiden và những người cùng chí hướng của anh là tấm gương sáng trong cuộc đấu tranh cũng như trong cuộc sống hàng ngày...

                                        Luật sư Leônac Krum.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #154 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2021, 08:08:34 am »

                                     

                                                                                                                              PHẦN THỨ BA.


                                                                                                          NGÀY TÀN CỦA CHỦ NGHĨA QUỐC XÃ.   

                                                     *********************************************************************************************


                                                                                                                                CHƯƠNG I


                                                                                                                             GIẤY BẠC GIẢ.



      1.



       Viên đại tá trong bộ Tổng tham mưu Đức, bá tước Klaus phôn Stauphenbec là một người có số phận hẩm hiu trên con đường binh nghiệp.   

     Thời còn trẻ, đố ai dám đoán trước Klaus sẽ đi theo con đường công danh thuộc lĩnh vực này dẫu rằng dòng dõi họ nhà Stauphenbec đã có những tướng kỳ cựu như Gneidenau từng lừng danh trong cuộc chiến tranh với Napôlêông. Hồi còn nhỏ, Klaus là một đứa trẻ bệnh tật, còm cõi, yếu đuối, yếu đến nỗi cha mẹ Klaus phải để cậu con trai thôi trường quý tộc về học tại gia trong một thái ấp của gia đình. Thái ấp Lioitlinger gồm một pháo đài cũ kỹ với những bức tường vây quanh và một tháp canh, được luân chuyển từ tay bá tước này đến nam tước khác trong giòng họ nhà Stauphenbec. Việc học tập tại nhà của Klaus không ảnh hưởng gì đến nguồn tài chính của bố mẹ cậu ta cả.

     Trước cách mạng, năm mười tám, bố Klaus đã là một võ quan trong triều đình hoàng đế Viurtembec, còn mẹ Klaus là nữ quý tộc trong triều đình, kết bạn với hoàng hậu, ngoài giờ lễ nghi chính thức họ nói chuyện xưng hô với nhau như bạn bè.

      Hình dáng bên ngoài cũng như tính cách của Klaus chẳng thích hợp với con nhà binh chút nào cả. Lớn lên như một trang thanh niên lãng mạn, thích mơ mộng, có thể ngắm cảnh thiên nhiên hàng giờ không biết chán, thích đọc thơ, nghe nhạc, Klaus tất nhiên có thiên hướng thích thần học, thi ca hơn là nghệ thuật quân sự. Có lẽ có một điểm duy nhất mâu thuẫn với tính cách ủy mị của Klaus là sự can đảm tới mức lì lợm của cậu ta. Đặc điểm này đã bắt đầu thể hiện ngay từ các trò chơi trẻ con :  Klaus luôn luôn là đứa trẻ đầu tiên trượt tuyết lao từ ngọn núi phủ đầy tuyết cạnh thái ấp Lioitlinger xuống phía dưới.

      Klaus có hai người anh trai sinh đôi là Alexanđrơ và Becton, hơn Klaus hai tuổi, Klaus đã cùng với hai người anh sống qua thời niên thiếu, và những năm đầu của tuổi thành niên. Klaus đã lớn lên như vậy, không hề phải lo lắng gì trong cuộc sống và cũng không có gì nổi bật giữa những đứa bạn cùng lứa tuổi. Nhưng bỗng nhiên khi mười chín tuổi vừa thi tốt nghiệp xong, Klaus đã tự nguyện xin phục vụ trong quân đội tại một trung đoàn kỵ binh. Vài năm sau, Klaus đã được phong trung úy.

     Có chuyện gì đã xảy ra vậy? Tại sao một cậu bé trong gia đình Stauphenbec lại lấy cuộc sống trong doanh trại, trong chuồng ngựa nồng nặc mùi hôi thối làm trường đại học của mình như vậy. Nguyên nhân dẫn đến chuyện đó chỉ có một điều duy nhất – tình hình chính trị tại nước Đức sau chiến tranh trở nên phức tạp vì sự hỗn độn trong xã hội vào những năm của nước Cộng hòa Vâyma. Hòa ước Vâyma ký tại rừng Côngpienhơ đã bắt nước Đức quân chủ quì gối.   Hòa ước nhục nhã gợi cho người ta luôn luôn nhớ lại sự thất bại trong chiến tranh thế giới. Nó như là một cái gai đâm nhức nhối. Để thoát khỏi điều đó, cần phải phục hồi lại niềm vinh quang đã mất đi của nước Đại Đức. Klaus cũng như nhiều người Đức khác đã nghĩ như thế. Tâm trạng phục thù ngày một tăng lên. Klaus cũng như bố đẻ của mình, một người theo chủ nghĩa quân chủ cực đoan bị phế truất đã luôn sống ở trong tâm trạng đó. Nhưng liệu một vị bá tước già nua, một cựu võ quan trong triều đình Viurtembec có thể làm được gì? Để biểu thị sự chống đối chế độ, viên cựu võ quan mê kịch đã không đi tới nhà hát khi được biết biểu tượng hoàng gia – phù điêu hình con đại bàng sải rộng cánh bay đã bị tháo ra khỏi lô chính của nhà hát.

     Klaus cười thầm trong lòng trước cách xử sự của ông bố, nhưng phận làm con không cho phép Klaus tỏ thái độ công khai. Klaus đã chọn cho mình một con đường khác, trở thành một người lính và cho đó là nghĩa vụ yêu nước của mình.

      Song, sau khi nhập ngũ, Klaus lại thích vào hội của những người trí thức Đức hơn và lấy làm ngán ngẩm cho đám sĩ quan chỉ biết nhậu nhẹt, hết rượu lại cà phê…   

      Klaus có cảm tình với một người cùng trung đoàn tên là Manphret phôn Blaukhich, cháu của tổng tư lệnh các lực lượng lục quân tương lai. Klaus cũng kết bạn với nhà phê bình kịch ở Miukhen tên là Ruđônphơ Riôtlơ, người cùng nhập ngũ một ngày với Klaus. Chán cuộc sống trong quân đội Riôtlơ đã xin xuất ngũ, nhưng vẫn giữ quan hệ tốt với nhiều người cùng trung đoàn đang từng bước thành đạt trên bước đường công danh.

      Manphret thích lĩnh vực khác hơn nên cũng đã rời bỏ quân đội và trở thành một tay lái xe đua nổi tiếng. Riêng Klaus vẫn trung thành với binh nghiệp.

      Nét đặc trưng về quan điểm chính trị của Klaus trong những năm đó không có cảm tình đặc biệt đối với nước Cộng hòa Vâyma, song một lòng một dạ phụng sự và trung thành tuyệt đối với lời thề quân nhân. Bên cạnh đó, Klaus tin rằng phụng sự Nhà nước Đức, trước hết là phụng sự nhân dân và toàn thể dân tộc Đức. Đối với Klaus thì nhà nước đó như thế nào, hình thức cai quản của Nhà nước đó ra sao, quân chủ của hoàng đế Vimgenma hay là cộng hòa tư sản cũng chẳng có ý nghĩa gì. Klaus chấp nhận một điều : đã là quân nhân thì không cần làm chính trị và không có quyền tham gia bầu cử.

      Ngay cả bọn quốc xã sau khi lên nắm chính quyền quan điểm của Klaus cũng không thay đổi. Thậm chí Klaus còn thích những quan điểm của chúng nữa là đằng khác — đảng quốc xã công khai chống lại hiệp ước Bersanski, đòi bãi bỏ nó và giành cho nước Đức quyền thành lập quân đội của mình, Tuy vậy chỉ có trong vấn đề này là quan điểm cũ của Klaus gần gũi với những tham vọng chính trị của Hítle—kẻ Klaus khinh miệt cho là hãnh tiến—một tên binh nhất quèn.

      Vào một ngày cuối thu năm 1933, Riôtlơ đã tới Lioitlingen, thái ấp của gia đình Stauphenbec để từ biệt Klaus trước khi đi xa. Họ đã nói chuyện tay ba có thêm cả Robec N., người bạn thời xa xưa của Klaus, người được thăng quan tiến chức vùn vụt vượt lên trên những người phục vụ cùng thời với mình. Bây giờ Robec đã là thiếu tá và giữ chức vụ cùng một sĩ quan được giao phó những nhiệm vụ đặc biệt trong quân khu Baravia.

      Robec N. là một người cao, tóc vàng nhạt, có nét mặt và thân hình cân đối của một vận động viên.

      Họ lánh mình trong căn phòng của Klaus nằm trong một cái tháp của tòa lâu đài cũ có những khung cửa sổ hẹp ở tít trên cao và nền nhà được trải một tấm thảm lông lớn. Tháp này nối với một ngôi nhà mới hơn bằng một hành lang chật hẹp song gọi là mới mà cũng đã được xây dựng từ thập kỷ trước. Klaus gọi căn phòng của mình là "căn phòng thời trung cổ”. Tại đó Klaus đã sống qua thời thơ ấu và những năm tháng tuổi trẻ. Tất cả mọi thứ ở nơi này đều gợi lại cho viên sĩ quan trẻ về quá khứ của mình. Klaus giữ nguyên nơi ở của mình như nhiều năm trước đây. Trong góc phòng là chiếc giường gấp bằng sắt cùng với tấm nệm lông chim, dưới cửa sổ là một cái bàn nặng chịch những cái ghế tựa thô kệch. Giá sách, tủ áo và cả biểu tượng Viurtemberg treo trên tường trong một cái khung gỗ xám — những con sư tử vàng và sừng hươu. Biểu tượng này có lẽ đã được tổ tiên xa xưa của Klaus tôn thờ..

    - Cậu định đi đâu thế? - Ngay thoạt đầu Stauphenberg đã hỏi.

      Họ ngồi vào bàn và uống ruợu của nhà cất lấy trong những chiếc cốc vại Bavaria.

      Thức uống kiểu “Viurtemberg” là niềm tự hào của vị chủ nhân thái ấp Lioitlinger.

     - Mình quyết định đi khỏi cái đất nước ngàn năm của Hítle—Riôtlơ trả lời bằng một giọng điệu mỉa mai thường thấy của anh ta.

     - Nhưng tại sao cơ chứ?.   

     - Mình không muốn trở thành nhà tiên tri song cũng không có ý định trở thành còn cừu bị người ta lùa đến lò sát sinh. Hãy tin lời mình nói, sau đây vài năm thôi, tất cả chúng ta sẽ trở thành những kẻ tòng phạm. Mình phản đối chủ nghĩa quốc xã, tốt nhất là mình nên đi khỏi đây.

      Klaus nổi xung lên :
     - Như thế có nghĩa là cậu muốn trở thành một kẻ đào ngũ.

     - Không…Người lính Pháp không thể phản bội hoàng đế Anh. Hítle sẽ dẫn nước Đức đến chỗ diệt vong.

     Cuộc nói chuyện đã diễn ra một cách gay gắt nhưng thẳng thắn. Robec hầu như không tham gia vào cuộc tranh luận. Anh yên lặng cầm cốc rượu và chỉ thỉnh thoảng mới chậm rãi nói vài câu ngắn, khẳng định chính kiến của bản thân.

     - Nhà nước ngàn năm mới chỉ bắt đầu…Nếu chúng ta còn sống thì chúng ta sẽ thấy.

     - Riêng tôi – Klaus phản đối – thì tôi vẫn giữ ý kiến của mình, chúng ta phục vụ cho dân tộc mặc cho ai đứng đầu nhà nước…Tôi vẫn tuân theo câu châm ngôn của tổ tiên Viurtemberg của tôi.

     Klaus hất cằm về phía bức tường treo biểu tượng cũ. Trên biểu tượng có ghi dòng chữ “Dũng cảm và trung thành”..

     Đến khuya, ba người bạn chia tay nhau nhưng mỗi người một ý. Họ nghỉ đêm tại Lioitlinger rồi sớm hôm sau ai lại quay về nhà nấy. Riôtlơ đến Miunkhen sau đó ít lâu bỏ đi Thụy sĩ, còn hai viên sĩ quan Klaus và Robec thì trở về đơn vị tiếp tục cuộc đời nhà binh.

    Cuộc nói chuyện tại Lioitlinger hình như không gây cho Klaus một ấn tượng đáng kể nào cả. Mãi nhiều năm sau, Klaus mới cố nhớ lại xem ai đã nói gì trong cái đêm đó và phân tích từng lời nói. Còn lúc bấy giờ, Klaus có những chuyện lo riêng của mình. Cũng vì vậy mà những sự kiện đang diễn ra trên đất nước có liên quan đến việc thiết lập chủ nghĩa quốc xã đã không làm cho Klaus lo lắng lắm...

      Vào năm đó, Klaus đang quan tâm đến một chuyện khác : chuẩn bị cho đám cưới của mình với nữ công tước Nina phôn Liopkhenphen, một mỹ nữ có những nét khả ái của thân mẫu, một nữ quý tộc Nga đã sống đầu đó ở Litva hoặc Kurlianda vào cuối thế kỷ trước.

      Klaus tiếp tục thực hiện "nghĩa vụ người lính”, thề phục tùng Hítle. Lúc bấy giờ, tất cả quân nhân Đức tuyên thệ phục vụ quốc trưởng chứ không phục vụ cho nhà nước, cho dân, cho tổ quốc. Klaus nhớ làu làu từng chữ "Xin thề trước thượng đế, nguyện tuyệt đối phục tùng Hítle, quốc trưởng của đế chế Đức, của nhân dân Đức, vị tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang, nguyện sẵn sàng là người lính dũng cảm, hiến dâng cuộc sống của mình thực hiện lời tuyên thệ”.   

      Klaus tiến nhanh trên bước đường công danh. Một năm trước khi xảy ra đại chiến, Klaus đã tốt nghiệp loại ưu của học viện bộ tổng tham mưu và được cử làm trưởng phòng tác chiến sư đoàn. Klaus đã từng tham gia vào cuộc đánh chiếm Tiệp khắc, Ba lan và Pháp. Nhưng càng thực hiện lời tuyên thệ nbao nhiêu, thì Klaus càng dần dần nhận ra rằng mình đã tham gia vào những công việc phản lại lương tâm và lý tưởng, càng tin là Hítle đã đưa nước Đức đến chỗ diệt vong. Ý nghĩ đó đã làm cho Klaus nhớ lại câu chuyện năm xưa tại Lioitlinger với Robec và Riôtlơ. Đặc biệt là câu nói của Riotlơ "...Tất cả chúng ta có thể trở thành tội phạm mất...”

     Klaus có hai đứa con, một trai một gái. Số phận của chúng cũng bị đe dọa. Cần phải làm gì đây ? Nhưng lời thề cứ như trói buộc Klaus.

     Klaus tự giam mình lại. Trong lúc nói chuyện với một người bạn, Klaus đã buột mồm nói một câu nguy hiểm về Hítle. "Thằng ngu đó vẫn cứ kéo chúng ta vào cuộc chiến tranh”. Klaus đã tự trách mình về sự nông nổi, bộp chộp nhưng cũng may là chẳng chuyện gì xảy ra hết. Có lẽ người bạn này cũng nghĩ như vậy mà thôi...

      Khi chiến tranh bắt đầu nồ ra ở phương Đông. Klaus đã công tác tại Bộ Tổng tham mưu các lực lượng lục quân. Tại đây Klaus đã gặp Robec nhưng họ rất ít tiếp xúc với nhau và không ai trong hai người đả động đến câu chuyện đã qua. Nhưng có một hôm, khi hai người đến gần cổng ra vào ở Tsoxen, Robec nói:   
      - "Đã đến lúc người ta phải nói với quốc trưởng rằng "Không” chưa nhỉ! ”

      - Quốc trưởng còn đang thắng trong cuộc chiến tranh này cơ mà – Klau phản đối.

     - Thôi đi, đừng có nói như vậy ?... Quân Nga lại chẳng cho ta vào cạm bẫy tại Vonga ấy à.

      Robec là một trong những người thân cận của Ganđe và nắm tình hình rõ hơn Klaus là điều chắc chắn. Họ nói với nhau về điều này đúng vào ngày quân đội Liên xô chuyển sang phản công tại Stalingrát.

      Câu chuyện kết thúc tại đó, nhưng Klaus lại lỡ lời :
      - Chẳng lẽ trong đại bản doanh lại không có ai đủ can đảm cho hắn một viên kẹo đồng...

      Robec nhìn chằm chằm vào mặt Klaus như để kiểm tra ý định của người vừa nói ra cái câu nói lạ lùng đó.
      - Cậu lại không thận trọng rồi Klaus ạ — Robec nói —Người ta có thể nói "Không” với Hítle bằng nhiều cách...

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #155 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2021, 06:53:32 am »

 

       2.



     Khối Iượng tin tức gửi đi Mátxcơva ngày một tăng. Hiệu thính viên Đgim và vợ chồng Khamel đêm nào cũng ngồi hàng giờ bên máy phát nhưng cũng không làm sao cho xuể được. Hơn nữa trước đây, khi chiến tranh mới bắt đầu họ chỉ đánh đi có vài chục bức điện trong một tháng. Tất cả gói gọn trong chương trình phát, mỗi tuần hai, ba lần. Còn bây giờ họ phải phát đi tới hàng trăm bức... và cứ thế từ tháng này tiếp sang tháng khác. .

     Nhưng việc viết điện dưới dạng mật mã thì chỉ có một mình Sanđô làm. Đôi khi Êlena cũng giúp anh một tay. Họ thức trắng đêm để làm công việc tỉ mỉ của nhân viên cơ yếu, đôi khi họ phải làm cả ban ngày. Ngoài ra, Sanđô còn phải dành thời gian làm các bản đồ, sơ đồ trong hãng “Geopress”. Tiếp đó là những công việc trước mắt, những cuộc gặp gỡ, kiểm tra, lựa chọn tin tức. Sanđô hầu như thức trắng để làm việc nhưng vẫn không thể giải quyết được hết công việc.

      Sanđô chọn lọc những, tin tức quan trọng số một và đóng dấu “Tối khẩn” - "Cần dịch ngay”. Nhưng trong điều kiện nói trên thì "Thượng khẩn” liệu có ý nghĩa gì đâu? Làm gì còn có những tin tức khác được. Tất cả những bức điện vô tuyến sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu được đánh đi chậm mất một hoặc hai ngày.

      Thế nhưng đứng về nguyên tắc bí  mật thì việc nhân viên điện đài ngồi hàng giờ liền không rời khỏi máy phát và phát đi những tín hiệu moóc trên làn sóng là điều không thể chấp nhận được. Kẻ địch được trang bị những khí tài định huớng đang hết đêm này sang đêm khác lần mò trên các đường phố để tìm kiếm đài phát.   

      Các hiệu thính viên đã kiệt sức, nhưng không thể phái sang Thụy sĩ các nhân viên điện đài mới được. Trung tâm đã đề nghị tìm và huấn luyện điện tín viên tại chỗ. Nhưng biết đào đâu ra những người này bây giờ ?   

      Sau một thời gian suy nghĩ và tìm kiếm, Sanđô đã chọn được một cô gái trẻ hai mươi tuổi tên là Macgarita Boli, con gái của một kiều dân Ý đã từ Rôm đến Thụy sĩ mười năm về trước. Người bố của Boli là một chiến sĩ chống phát xít có thái độ căm ghét cả Muxôlini lẫn Hítle. Là một công chức bình thường trong một hãng buôn tại Bađen, ông đã sống một cuộc đời trầm lặng nhưng lương tâm luôn luôn bị cắn rứt bởi thái độ lẩn tránh cuộc đấu tranh chống phát xít của chính mình.

      Lần đầu Sanđô gặp gỡ và nói chuyện với ôug bố, ông tỏ ra rất sẵn sàng giúp đỡ nhưng người đấu tranh chống chủ nghĩa quốc xã. Nhưng liệu ông ta có thể làm được điều gì kia chứ ? Hay là nhờ Macgarita, cô con gái có cùng một quan điểm với người cha...

      Ông bố già tự nhận sẽ nói chuyện với cô con gái và Macgarita đã đồng ý không một chút đắn đo.

      Macgarita là một cô gái xinh đẹp có nước da bánh mật, đôi mắt sáng, hàng lông mi dài, bước đi uyển chuyển dễ thu hút mọi người xung quanh. Những đặc điểm này không thích hợp với người hoạt động bí mật lắm — giá như được một người có hình thức bình thường thì tốt hơn...

      Đgim bắt đầu huấn luyện cho cô gái. Anh đi từ Lôdana đến Bađen và trở thành khách quen trong gia đình Boli. Bước đầu, mọi việc đều trôi chảy, chiếc phát mới do Khamel lắp đã được chuyển đến Boli. Thế là nhóm của Rađô đã có ba điện đài xách tay.   

      Macgarita vẫn chưa làm việc độc lập được. Cô nghiên cứu tín hiệu moóc, ngày đêm tập phát trên ma-níp và đã đạt được những thành tích đầu tiên trong công việc mới mẻ này. Đgim rất hài lòng về cô học trò của mình.

      Đôi khi Macgarita được giao đóng vai liên lạc viên. Cô chuyển tài liệu từ Piunte tới cho Đgim. Cô đã có mật danh là Roda. Thỉnh thoảng Roda gặp Sanđô hoặc Êlena dưới cái tên là Anbe và Maria để nhận ở họ những phong bì không đề địa chỉ rồi chuyển cho Đgim. Những cuộc gặp gỡ như vậy thường diễn ra trên các đường phố, trong các vườn hoa, tại các nhà ga nhỏ của Thụy sĩ. Roda không biết Anbe và Maria sống ở đâu. Đối với cô, những chuyến đi và gặp gỡ như vậy thật là lãng mạng và có sức hấp dẫn lạ lùng.

      Nhưng ông bố, người đã đích thân lôi cuốn cô vào công tác bí mật ngày càng lo lắng và suy nghĩ nhiều đến những nguy hiểm đang đe dọa cô con gái của mình. Lo sợ cho số phận của gia đình, ông bố lúc nào cũng cảm thấy như gia đình mình đang đứng trước nguy cơ bị cảnh sát ập vào lục soát, bắt bớ hoặc phải chịu những tai họa khác. Rồi ông lại cảm giác là con gái mình đang mạo hiểm. Vì lo sợ nên ông đã đề nghị chuyển máy phát đi nơi khác. Một hôm Macgarita nổi giận và tuyên bố với ông bố là cô thà đi khỏi nhà còn hơn là thôi không làm công việc mà ông đã đề nghị cô làm.

      Macgaríta đã bỏ đi khỏi Bađen thật. Cô đem chiếc chiếc máy phát đến một căn nhà nhỏ ở Giơnevơ trên đường phố Anri Miuxa mà người ta đã tìm cho cô. Cô đến đây với danh nghĩa là nữ sinh viên khoa văn. Tới mùa hè năm 1943, người nữ hiệu thính viên đã hoàn toàn vững tay nghề. Cô đã có thể độc lập phát đi những bức điện mật mã mà không mắc lỗi, đã nhanh chóng dò được tín hiệu gọi của trung tâm và ghi lại những cụm số cho Rađô. Như vậy Roda là người báo vụ thứ tư trong nhóm của Rađô.

     Nhưng có điều lạ là càng đi sâu vào những công việc bí mật, cô càng cảm thấy chưa vừa lòng. Roda có cảm giác là mình có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Sự đơn điệu của những buổi phát ban đêm và nỗi buồn không có việc làm ban ngày sau khi thức dậy bắt đầu đè nặng trong lòng cô. Tất nhiên là Roda không bộc lộ cho ai biết là cô không vừa lòng. Cô làm việc một cách cần cù, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao và tỏ ra là một người thận trọng điềm tĩnh không chê vào đâu được.

      Sanđô không biết được tâm trạng này của người nữ nhân viên điện đài. Điều làm cho anh thận trọng và lo lắng lại bắt nguồn từ nguyên nhân khác kia. Một hôm, lúc đó là vào đầu mùa xuân năm 1942, có một người xưng tên là Ivôm Ramô tới chỗ Rađô. Đấy là Evansvai, một người quen cũ của Rađô. Evan sinh ra và lớn lên ở Đức. Năm 1933, y bỏ chạy sang Pháp. Sanđô đã nhớ lại là có một thời khi anh còn đang làm ở hãng "Impress”, anh có biết một tay nhà báo là Evan đang cộng tác với các tờ báo lá cải ở Pari. Tay này là một kẻ nổi tiếng rất đê tiện trong nghề nghiệp và chuyên viết về các loại chủ đề giật gân và các vụ bê bối.

      Tất nhiên, sự việc không phải chỉ ở cái tay Evan này. Sanđô thừa biết hắn là một kẻ khiêu khích. Như vậy có thể đi đến kết luận là : lưới mật vụ của Giéttapô đã chú ý đến anh và hãng đồ bản của anh.

      Tên Ramô đã biến mất nhưng cảm giác lo ngại vẫn ám ảnh Rađô. Hơn thế nữa, các trạm thu vô tuyến của Đức, trên thực tế đã phát hiện được các đài phát hoạt động tại Thụy sĩ.   

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #156 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2021, 01:41:02 am »


      …Heiđric, tên toàn quyền bảo hộ tại Tiệp khắc đồng thời là kẻ chỉ huy cơ quan mật vụ của Cục an ninh đế chế đã giao cho tên trợ lý của hắn là Panvit tìm hiểu xem những đài vô tuyến xuất hiện tại nước Thụy sĩ trung lập là những đài nào.

     Panvit đã tự mình đến các vùng gần biên giới, cầm đầu một đội định hướng đi dọc biên giới Thụy sĩ và đã xác định được ba đài bất hợp pháp đang hoạt động ở bên kia biên giới trên đất Thụy sĩ - hai cái trong khu vực Giơnevơ còn một đài ở Lodana.

     Panvit báo cáo cho Heiđric biết về chuyến đi và kết quả thu được.

     - Thế đấy - Heiđric tức giận lẩm bẩm — Ba tên đỏ... Hãy giao việc này cho lưới điệp viên của ta ở Thụy sĩ và để cho cố vấn hình sự Giring đích thân đến báo cáo cho tôi... Cần phải tước ngay những con chủ bài này ra khỏi tay kẻ địch.

      Nhưng Giring đã không thể báo cáo cho Heiđric được nữa rồi. Heiđric đã bị nhóm nhảy dù của Tiệp từ Luân đôn bay sang giết chết ở ngoại ô Praha sau đấy vài hôm, Panvit đáp máy bay đến Praha để điều tra về cái chết của Heiđric. "Ba tên đỏ” — tên của ba đài vô tuyến mà Giéttapô đã đặt cho vẫn tiếp tục hoạt động.

      Việc chuẩn bị tiêu diệt mạng lưới vô tuyến tại nước Thụy sĩ trung lập giờ đây được giao cho Gecman Hanxle, tên mật vụ của Giéttapô công tác dưới bình phong nhân viên lãnh sự quán của Đức tại Giơnevơ. Và chính lúc đó đã xuất hiện Ramô. Aspirant, tên khiêu khích được vội vã tung sang Giơnevơ.

      Sanđô đã báo cho Trung tâm biết những điều lo lắng của anh.

      Nhưng công việc vẫn phải tiếp tục. Ba hiệu thính viên vẫn cố gắng giải quyết khối lượng công việc to lớn.

      Công tác bí mật không phải là miếng đất của những người hèn nhát. Các chiến sĩ tình báo như những chiến sĩ công binh thường xuyên dấn thân vào bãi mìn : chỉ cần một cử động thiếu thận trọng thôi là cũng dẫn đến thảm họa. Những chi tiết rất nhỏ — một mô đất trên đường, một sợi dây kim loại nhô lên khỏi mặt đất, một cành cây bị uốn cong, một đám cỏ bị nhầu nát trên đồng cỏ — tất cả đều là những cái đang rình đón những lơ là dù chỉ một tích tắc của người gỡ mìn. Chỉ cần sơ ý chạm vào đấy, sơ ý  bước lên là lập tức bị nổ tung ngay.

      Otto Piunte đã có lần kể cho Sanđô rằng ở Liutsern có một kiều dân người Đức có quan hệ với giới thượng lưu của nước Đức quốc xã, người này căm thù chủ nghĩa phát xít. Nếu lôi cuốn được người đó vào công tác thì cũng có lợi. Bản thân Taylo cũng đôi khi dùng tin của con người này nhưng không thích nói về anh ta dù chỉ là nhắc đến tên mà thôi.

    Câu chuyện của Piunte làm cho Sanđô quan tâm nhưng anh e ngại sợ bị tung tin giả. Hơn nữa Giéttapô cũng có thể bày ra trò này trò nọ lắm chứ. Cần phải kiểm tra tất cả và tìm hiểu cho kỹ. Cuối cùng đã đi đến quyết định là Rađô và Piunte sẽ đi gặp Taylo để bàn kỹ xem nên làm như thế nào.

     Rađô tin tưởng vào những người giúp việc cho mình nhưng từ bấy đến nay cả Păcbo lẫn Taylo đều không biết tí gì về người lãnh đạo của nhóm hoạt động bí mật cả. Ngay cả đến chuyện người đó tên là gì, sống ở đâu họ cũng không hề hay biết, phần lớn những người hoạt động bí mật trong nhóm Rađô vẫn chỉ là Anbe.

      Cuộc gặp gỡ được ấn định vào ngày chủ nhật, sau buổi ăn trưa, tại bờ hồ Sanđô gặp Piunte sớm hơn một chút, rồi sau đó ba người ngồi trên tảng đá được ánh sáng mặt trời sưởi ấm.

      - Trong trường hợp này — Sanđô nói – chúng ta sẽ gọi người Piutsern là Liutsi đi... Anh có tin vào người đó không ?

     - Tôi tin anh ta như tin chính bản thân mình…Tôi chưa gặp một người nào lại căm thù chủ nghĩa quốc xã đến như vậy. Tôi có cảm giác là người này bị dằn vặt bởi vì không thể hiện được mình trong những công việc cụ thể.

     - Thế anh ta có biết anh là ai và làm việc gì không ?

     - Cũng có thể anh ta đã đoán ra… Nhưng tất nhiên là không biết chúng ta có quan hệ với Hồng quân.

     Taylo đứng dậy và thong thả đi theo bậc thang đá xuống gần mặt nước trong xanh như người đi dạo sau bữa ăn trưa.

      Khi Taylo đi khỏi, Rađô nói với Piunte :
      - Tôi còn có một chuyện nữa muốn nói với anh, anh Otto ạ... Anh hãy tham gia vào việc mã hóa các bức điện đi. Một ít thôi cũng được. Việc này chiếm mất của chúng tôi khá nhiều thời gian thành ra chúng tôi không kịp cung cấp cho hiệu thính viên những bức điện đã mã hóa. Trung tâm đã chấp thuận việc này rồi.

     - Tất nhiên là tôi sẽ làm, nếu chuyện đó là cần thiết. Anh hãy chuyển cho Trung tâm lời cám ơn của tôi về sự tin tưởng đối với tôi nhé.

     - Như vậy tôi sẽ trao khóa mã và hướng dẫn cách sử dụng cho anh trong cuộc gặp gỡ lần sau. Việc này cũng không đến nỗi phức tạp lắm đâu. — Sanđô nói.   

      Cuối tuần, Taylo gọi điện cho người bạn của mình và mời anh ta đến ăn cơm tại nhà.
     - Chẳng qua là muốn gặp anh cho vui — Taylo giải thích lấp lửng — đã lâu chúng ta không gặp nhau rồi, muốn tán gẫu tí chút  mà thôi...

      Liutsi hứa sẽ đến và vào hôm thứ bảy, đúng giờ hẹn,  anh đã có mặt ở nhà Taylo. Riốtlơ, chủ một hãng thông tấn nhỏ, có hình dáng bề ngoài bình thường, người gầy, đeo kính cận mắt tròn, gọng sừng. Cái miệng rộng của anh ta thường xuyên méo theo nụ cười chua chát, cái đầu hói cao làm cho trán anh như rộng thêm choán phần lớn khuôn mặt. Rudolph nói chậm rãi như cần nhắc từng lời một.

      Chiếc áo vét nhầu nát rộng thùng thình trên thân hình hom hem của anh ta và chiếc cà vạt thắt cẩu thả đã nói lên rằng chủ nhân của chúng rất thờ ở đối với hình thức của mình.

     Sau bữa ăn, Taylo và Riôtlơ ngồi nói chuyện phiếm với nhau. Taylo hỏi về công việc trong hãng của Riôtlơ mà theo anh được biết đang gặp phải những khó khăn nhất định.

     Khi hai người chuyển sang phòng khách và ngồi bên bàn cà phê, Riôtlơ bỗng hỏi:   
      - Anh hãy nói thẳng ra xem nào, anh mời tôi đến ăn cơm để làm gì ? Để nói những chuyện sáo rỗng, về những khó khăn trong công việc của hãng tôi ư ? Chẳng lẽ anh lại đi quan tâm đến những chuyện như thế.... Có lẽ anh còn có chuyện nào khác muốn nói với tôi. Thế nào, anh không nói gì sao

     Taylo phá lên cười :
     - Đúng, thật là khó mà giấu được anh - Taylo reo lên — Anh thật chẳng khác gì bà thầy bói ở Béclanh,Anna Klaus, có thể đọc được ý nghĩ của người khác từ xa... Đúng là tôi muốn nói với anh một chuyện thật, nhưng còn chưa biết bắt đầu như thế nào cả.

     - Chẳng riêng gì bà Klaus đâu — Riôtlơ nói — Bây giờ thì ai rồi cũng phải làm cái việc đọc ý nghĩ của người khác... Đã có thời tôi biết rất rõ về người chồng đã quá cố của bà ta... Về khả năng của bà ta thì tôi có thể nói như thế này : tin tức là mẹ của linh cảm... Thế đấy, anh muốn nói với tôi về chuyện gì nào? Tôi thấy anh chẳng có tướng làm ngoại giao gì sất..

    - Tôi biết anh là người biết giữ mồm giữ miệng – Taylo bắt đầu — vì vậy tôi có thể yên tâm, chuyện này chỉ có chúng ta biết với nhau mà thôi. Tôi biết anh là người có hận thù đối với Hítle, nhưng tôi không hiểu tại sao một người chống phát xít như anh lại có thể thờ ở đứng ngoài cuộc đấu tranh tích cực chống lại hắn được..Đấy là câu hỏi đầu tiên mà tôi mong đợi anh trả lời.

      Riôtlơ ném sang người nói chuyện với mình một cái nhìn bực bội :
     - Tại sao anh lại nghĩ là tôi không tham gia gì cả - anh ta phản đối — Anh chẳng thấy là tôi đang lợi dụng những quan hệ của tôi ở Béclanh để thông báo cho Bộ Tổng tham mưu Thụy sĩ biết về tình hình của Đức hay sao... Đừng cho tôi là kẻ quá tự tin nhưng phải nói hiện nay tôi là người thông thạo tin tức nhất ở cái đất Thụy sĩ này đấy... Tin tức dồn đến với tôi, và dựa theo những tiu tức đó, tôi đã phân tích, dự đoán các sự kiện về mặt quân sự ở châu Âu... Linh tính của tôi cho đến nay vẫn chưa đánh lừa tôi bao giờ cả…
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #157 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2021, 08:01:03 am »

   

     - Tôi tin anh — Taylo phản đối — Nhưng điều này thì có liên quan gì đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít kia chứ ?

     - Thế nghĩa là thế nào ? — Riôtlơ ngỡ ngàng thốt lên— Tôi có thể lấy từ trong óc ra vị trí đóng quân bất cứ sư đoàn nào của Đức trên mặt trận phía Đông, ở Pháp hay ở ngay nước Đức... Chúng thường xuyên nằm ở đây này — Riôtlơ gõ gõ đầu ngón tay lên trán — Như vậy mà anh còn nói là tôi đã không làm gì cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Tin tức của tôi được lấy từ những nguồn tin hoàn toàn đáng tin cậy.

     - Dù sao chăng nữa — Taylo nói — anh vẫn chưa làm gì giúp ích cho cuộc đấu tranh chống lại bọn Đức quốc xã cả... Khoan đã, khoan đã — Taylo ra hiệu ngăn người bạn toan đứng dậy — Hãy để tôi nói nốt đã... Đúng là anh có chuyển tất cả những tin tức đó cho bộ Tổng tham mưu Thụy sĩ thật. Đúng anh có phân tích, có dự đoán. Nhưng để làm gì ? Thụy sĩ là một nước trung lập, nó không có chiến tranh với Đức và toàn bộ những tin tức của anh sẽ là một thứ hàng chết nằm trong két sắt của bộ Tổng tham mưu Thụy sĩ.. Tôi biết anh căm thù chủ nghĩa phát xít đã buộc anh phải rời bỏ tổ quốc, thất lạc bạn bè, trong số đó có nhiều người đã ngã xuống hoặc đang bị đầy đọa trong các trại tập trung... Nhưng tin tức của anh lại không được những người thực sự đấu tranh chống Hítle trên chiến trường sử dụng. Chẳng lẽ anh không đồng ý với điều tôi vừa nói hay sao ?

     Khixchian Snâđe, tên bí mật là Taylo, đã biết Riôtlơ từ trước cả thời Hítle nữa kia. Taylo biết nhiều về Riôtlơ hơn bất cứ ai khác, nhưng cũng chỉ là biết vậy thôi, cụ thể chẳng có gì hơn. Các tư liệu Taylo nắm về Riôtlơ chỉ gói gọn trong một số chi tiết về tiểu sử. Riôtlơ 45 tuổi, sinh tại một thị trấn nhỏ cổ kính vùng Bavaria trong một gia đình công chức Bộ Lâm nghiệp. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cậu thiếu niên Riôtlơ đã tình nguyện gia nhập quân đội hoàng gia. Phong trào yêu nước đã lôi cuốn các tầng lớp trí thức Đức trong đó có chàng trai Riôtlơ. Nhưng chẳng bao lâu sau, Riôtlơ thức tỉnh và đã từ bỏ quân ngũ. Sau chiến tranh, Riôtlơ thử viết báo và say mê nhà hát, làm biên tập viên cho một tạp chí văn học ở Miunkhen..Trong thời gian này Riôtlơ đã làm quen với Taylo.

      Sau khi Hítle lên nắm chính quyền, Riôtlơ rời bỏ nước Đức. Bẵng đi một thời gian, Taylo không gặp Riôtlơ. Sau đấy vài năm, hai người lại gặp nhau ở Thụy sĩ... Riôtlơ vẫn là người chống Hítle kịch liệt. Taylo cũng vậy. Và rồi tình bạn của hai người được nối lại. Nhưng Riôtlơ, người bạn cũ của Taylo vẫn luôn luôn như có điều gì đó không nói ra. Riôtlơ cam đoan với Taylo rằng, cái chính của anh ta là công tác trong nhà xuất bản "Vita Nova” mà anh là người lãnh đạo. Tạp chí, nơi tập hợp những kiều dân Đức, đã được phát hành ở Luxecnơ. Trong tập san này, có đăng những bài báo, những bài bình luận thiên hướng chống phát xít. Nhiều bài báo đã do chính Riôtlơ viết với nhiều bút danh khác nhau.

     Taylo biết rằng nhà xuất bản không đem lại nguồn thu nhập gì cho Riôtlơ cả. Tóm lại đây không thể là nguồn kiếm sống được. Riôtlơ thường phải trả tiền nhuận bút cho các nhân viên bằng tiền túi của mình, anh đã phải đi vay và sống rất tằn tiện. Bản thân Taylo cũng đã cho Riôtlơ vay tiền không phải là một lần và cũng không có hy vọng gì nhận lại. Có lần Riôtlơ đã thú nhận với Taylo là nhà xuất bản của anh tồn tại được chủ yếu nhờ tiền tự nguyện quyên góp của những người bạn chống phát xít, trong đó có cả  những người đang sống ở Đức.   

     Sau đóRiôtlơ đã rất kín đáo là công nhận anh ta đang cộng tác với Bộ Tổng tham mưu Thụy sĩ. Việc làm này đã giúp anh có thêm tiền cho hãng của mình. Riôtlơ làm cố vấn nên mọi tin tức từ Đức gửi tới đều qua tay anh.   

     Có một điều không thể hiểu được là các thông báo bí mật đã đến tay Riôtlơ bằng cách nào và từ ai đưa đến. Liên lạc qua giao thông viên thì không thể có được rồi. Có lẽ tin tức đã đến với Riôtlơ qua liên lạc vô tuyến. Nhưng nếu vậy thì từ đâu và như thế nào ? Biết đâu tin tức đã được gửi qua bằng chính kênh liên lạc của các lực lượng vũ trang Đức cũng nên. Đấy mới chỉ là giả thuyết nhưng Taylo không loại trừ khả năng này.Nếu vậy thì những bức điện mật mã gửi cho Riôtlơ lẫn trong muôn ngàn những bức điện quân sự cũng đã có thể tới được nơi cần gửi…Có phải chính vì thế mà Riôtlơ cố tìm cách giấu những bí mật của mình không…?

     Taylo đã kể cho Sanđô nghe rất cụ thể như viết tốc ký lại nội dung câu chuyện của anh với Liutsi. Anh không gọi tên thật của Liutsi và giữ kín những chuyện có liên quan đến bản thân Riôtlơ như anh ta là người như thế nào, đã từng làm gì, nhận tin từ đầu tới.

      Cả hai người đều nóng lòng chờ đợi câu trả lời của Liutsi.

      Sau một tuần, Liutsi tự gọi điện đến cho Taylo.
      — Tôi đồng ý — giọng nói khàn khàn như người bị ốm của anh ta vang lên trong ống nghe —Hãng của tôi thuộc quyền của anh. Các điều kiện như trước…

       Riôtlơ bỏ máy xuống.

      Trong buổi liên lạc thường kỳ với Mátxcơva, trung tâm đã được thông báo về việc Liutsi đồng ý cộng tác với nhóm và những điều kiện mà anh ta đặt ra — Liutsi đã khước từ không chịu tiết lộ nguồn tin đang sử dụng. Đại tá Bêlikốp suy nghĩ nát óc về vấn đề mới đặt ra và phân tích các giả thiết có thể có.

      Grigôri Bêlikốp làm việc trong ngành tình báo Liên xô từ những năm khi "Ông già” - lan Káclôvich Becdin, người mà anh coi như thầy dạy của mình còn đang lãnh đạo Trung tâm. Anh nhớ lại những lời dặn dò của ông trước khi anh lên đường ra nước ngoài hoạt động. Theo thói quen, lan Káclôvich đi đi lại lại trong căn phòng làm việc chật chội rồi dừng lại trước mặt anh, lấy nắm tay này đấm vào lòng bàn tay kia và nói :
     - “Trong nghề của chúng ta, cái chính là phải phân tích được một cách hết sức khách quan...Không nên chậm trễ nhưng cũng không nên vội vàng hấp tấp. Đồng chí có hiểu tôi nói không ? Chúng ta không thể và cũng không được phép sai lầm... Trung tâm sẽ giúp đỡ đồng chí. Hãy tin tưởng ở ’Trung tâm đầu não’. Nhưng trước hết, đồng chí hãy tự suy nghĩ xem nên như thế nào và phải làm cái gì đã. Thôi nhé, chúc đồng chí lên đường bình an”.

      Giờ đây, chính Grigôri Bêlikốp lại làm việc trong "Trung tâm đầu não”, chính anh lại có trách nhiệm phân tích, lãnh đạo và chuẩn bị các quyết định, chỉ đạo các hoạt động của "các vọng gác”..

      Anh đến chỗ giám đốc với những suy nghĩ, giả thiết của mình. Tại đấy, nhiều khả năng đã được đề cập đến, đề phòng cả khả năng kẻ địch có thể tung tin giả để đánh lừa ta. Nhưng cuối cùng trung tâm đã đi đến một quyết định thống nhất — đồng ý lôi cuốn Liutsi, con người chưa quen biết đó vào công tác. Tất nhiên cần phải kiểm tra các báo cáo của Liutsi thông qua các nguồn tin khác.

      Giám đốc nói:
       — Chúng ta không nên quên hoàn cảnh chính trị phức tạp ở nước Đức phát xít...Chống lại Hítle không chỉ có các phần tử dân chủ mà còn có cả đại diện của các tầng lớp khác bất hình với chế độ Hítle. Chúng ta cần phải triệt để tranh thủ tình hình này.

      Đại tá Bêlikốp đã chuyển yêu cầu của mình tới Liutsi: yêu cầu báo cáo về nơi đóng quân của sư đoàn dự bị Đức kèm theo phiên hiệu và tên gọi của chúng.

      Sanđô hiểu rằng qua đây, giám đốc muốn kiểm tra độ tin cậy trong các báo cáo của Liutsi.

      Ba ngày sau, Tay lo đã chuyển báo cáo trả lời cụ thể của Liutsi. Trong báo cáo, Liutsi đã kể tên những sư đoàn dự bị Đức nằm trong hậu phương mặt trận phía Đông. Báo cáo được bắt đầu bằng những chữ : "Đã nhận được qua Vecte...” và nhiều những bí danh khác như Ônga, Têtđi, Anna Phecnan... Mỗi một bí danh đều ám chỉ một cơ quan của Đức, nơi bắt nguồn của những tin tức đó.
   
   Thế là Liutsi bắt đầu cung cấp tin. Chấp hành chỉ thị của trung tâm, Sanđô không bao giờ gặp gỡ trực tiếp với anh ta cả.   

      Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, người đứng đầu cơ quan tình báo chiến lược Mỹ ở châu Âu là Alen Đalét, kẻ đã từng hoạt động nhiều năm ở Thụy sĩ đã viết về điều này như sau :
      "Liên xô đã sử dụng một nguồn tin kỳ diệu ở Thụy sĩ là Rađônphơ Riôtlơ, bí danh là Liutsi. Nhờ có những nguồn tin mà đến nay vẫn chưa phát hiện được, Riôtlơ đã thu được ở Thụy sĩ những tin tức của Bộ chỉ huy tối cao Đức tại Béclanh một cách liên tục, đều đặn, thông thường là chưa đầy hai mươi tiếng đồng hồ kể từ lúc thông qua các quyết định về các vấn đề trên mặt trận phía Đông...”




Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #158 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2021, 10:17:08 am »

   

    3.



     Vào cuối tháng Mười năm 1942, hơn một trăm tầu vận tải của Mỹ có trọng tải gần một triệu tấn đã rời bờ biển phía Đông của nước Mỹ, vượt đại dương đến châu Âu. Trên các tầu vận tải quân sự này có chở ba mươi bảy ngàn lính Mỹ chuẩn bị đổ bộ vào Bắc Phi. Để giữ bí mật cho chiến dịch đã định, các còn tầu này đã xuất phát từ vịnh Traxapixki vào ban đêm. Nhưng đây là một việc rất khó vì làm sao có thể giữ kín được hành trình trên đại đường mênh mông của một đoàn tầu vận tải nối đuôi nhau kéo dài hàng trăm hải lý.

      Để hộ tống cho đoàn tầu vận tải, Mỹ đã huy động tới gần hai trăm tầu chiến của các hạm đội hải quân. Tất cả đủ để thành lập một đội áp tải cho đội quân đổ bộ đường biển.

      Sau đó một vài ngày, lại có một đoàn tàu khác từ Sốtlanđia đến bờ biển Bắc Phi chở bẩy mươi hai nghìn- người với những trang bị cần thiết để đổ bộ. Làm sao để có thể giữ bí mật những cuộc chuyển quân lớn như vậy được ?

      Ấy thế mà cái chuyện khó tin thật đó đã xẩy ra. Tình báo Đức đã không phát hiện ra tàu đối phương trong khi đó kẻ đứng đầu ngành tình báo đế chế là một người lọc lõi, có kinh nghiệm như đô đốc Kanarit.

      Sáng ngày mồng 8 tháng 11, quân đổ bộ đã bắt đầu được tung vào vùng Cadablanca, Óclêan và Angiêri. Các đơn vị quân đội Pháp nằm ở Bắc Phi hầu như không kháng cự gì cả và chẳng bao lâu đã đứng về phía quân Đồng minh.

     Đối với bộ chỉ huy Đức – Ý thì Bắc Phi coi như đã bị mất.

     Hítle nổi cơn thịnh nộ. Apve và Cục an ninh đế chế đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ được là đã bỏ lỡ cơ hội tấn công vào các tầu đổ bộ của địch. Để bù lại những mất mát,Hítle ra lệnh bao vây ngay lãnh thổ “vùng tự do” nếu không sẽ có nguy cơ bị tấn công miền Nam nước Pháp.

     Sau một ngày một đêm. mọi chuyện đầu đã vào đấy : quân Đức đã chiếm được bờ biển phía Nam và toàn bộ lãnh thổ "vùng tự do”. Các chế độ ban hành trong các nước châu Âu bị Đức chiếm đóng lại càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Tất cả những cái đó đã làm cho công tác của các chiến sĩ bí mật càng thêm phức tạp. Đâu đâu cũng thấy có các toán Giéttapô đi lùng sục.

      Rõ ràng là đội quân Giéttapô đã tìm ra dấu vết của tổ chức bí mật và mưu toan nhử họ vào cạm bẫy đã cài sẵn. Anri Điure đã lệnh cho người của mình không được đặt chân đến văn phòng của hãng buôn hàng thuộc địa. Ở đó chỉ có một mình Xiudan và một số nhân viên không có liên quan gì đến tổ chức bí mật.

     Trong văn phòng của hãng đã bắt đầu thấy xuất hiện những vị khách hàng khả nghi ăn mặc dân sự nhưng vẫn không giấu được tác phong quân nhân. Có kẻ mượn cớ hỏi mua một chuyến hàng chè Xâylan. Xiudan đã được chuẩn bị để trả lời những câu hỏi kiểu ấy.

      - "Thưa các ngài — cô giải thích — khắp nơi đang có chiến tranh nên từ lâu chúng tôi không nhận được chè từ Xâylan gửi tới... ”

      Những kẻ khác lại xin cung cấp điện cực để hàn điện, giả cách quan tâm đến những vấn đề này, vấn đề khác nhưng lại lẫn lộn cái này, cái kia không biết dùng để làm gì. Một tên có mái tóc trắng và cặp mắt đa tình đã hỏi xem liệu có thể gặp người giám đốc được không. Xiudan đã trả lời là hôm nay không có ai ở đây cả. Thế nhưng tên này không chịu đi mà cứ ở lỳ một chỗ mắt la mày lém nhìn qua cửa sổ thông ra đại lộ.

     Tình hình trở nên căng thẳng tột độ và giờ đây, Điure buộc phải tự mình thường xuyên tới Amsterdam. Một hôm vào một ngày tháng Mười u ám, Điure đã gặp Gram. Hai người đi dạo trên sông Amstel .
      - Grin đã bị bắt — Anri Điure nói - Tất cả phải nhanh chóng rời khỏi thành phố. Cả cậu nữa…

     - Nhưng tôi đã nói là trước hết tôi phải rẽ qua chỗ Lota đã cơ mà — Gram phản đối — cô ấy đang còn ở trong bệnh viện.

     Các đồng chí của Pête Gram đều biết vợ chồng anh đang rất sung sướng — họ vừa có một cháu gái. Lota đang nằm ở trong một bệnh viện cách Amsterdam vài giờ xe chạy. Gram muốn rằng dù bất kỳ thế nào cũng phải gặp được vợ và con gái.   

     - Không nên làm như vậy — Điure thuyết phục bạn — Một tuần nữa cô ấy sẽ đến Thụy sĩ với cậu. Giấy tờ đã chuẩn bị xong hết cả rồi.

     - Cậu đừng lo, sẽ không có chuyện gì đâu... có ai biết là Lota nằm viện đâu.

     - Thế Grin thì sao ?

    - Cậu ấy có biết, nhưng chỉ có mình cậu ấy thôi.

    - Vấn đề là ở chỗ đó — Điure ngắt lời — không đùa được với Giéttapô đâu. Mình nhắc lại là cậu phải đi ngay lập tức thôi.

     - Thế còn cậu ?

     - Mình sẽ đi ngay sau khi xong công việc... chỉ vài ngày nữa thôi... Trước khi cậu đi chúng ta sẽ gặp nhau một lần nữa.

      Hai người vira nói chuyện vừa chăm chú nhìn về phía chiếc cầu lớn — Víchto sẽ đi qua chiếc cầu đó. Điure đã hẹn gặp với Víchto muộn hơn một chút. Hai người cùng xem đồng hồ. Chỉ còn ba phút nữa là Víchto tới. Đúng giờ, Víchto đi về phía bờ sông.

     Víchto cố giữ bình tĩnh, nhưng đôi mắt anh đã nói lên sự lo âu của anh. Anh mang đến một tin buồn: Valenchina, chị gái anh đã bị bắt.

     Anri cũng nói với Víchto như đã nói với Gram.
     - Anh phải đi khỏi nơi đây ngay.

     - Tôi chẳng cần phải đi đâu sất — Víchto phản đối -  Tôi đã quyết định là nếu có bị bắt thì tôi sẽ tự tử.

    Điure phát cáu :
    - Víchto ạ, anh có quyền lo cho cuộc sống của riêng bản thân anh nhưng anh đừng quên là cuộc đấu tranh vẫn còn đang tiếp diễn. Chúng ta vẫn còn là những người lính, đồng chí Víchto ạ. Thế đấy, phải theo quan điểm của người lính... Càng kéo theo mình nhiều kẻ thù xuống mồ càng tốt.   

      Víchto kinh ngạc nhìn Anri và bỗng mỉm cười sung sướng:
      - Tôi thật không ngờ là mình lại có thể cảm thấy dễ chịu khi bị khiển trách trong tình đồng chí như vậy. Sao mà lại tuyệt như thế nhỉ, quỷ thật đấy !

      Căng thẳng qua đi, Điure bình tĩnh nói :
      - Anh có nhớ không, Víchto. Anh đã nhắc lại lời của tên tướng Stump : "Có Hítle hoặc không có Hítle thì Đức cũng vẫn cùng anh chống lại nước Nga Xô viết”. Anh có nhớ không? Vậy là nếu có phải đương đầu với Giéttapô, ta cũng phải hành động như ở ngoài mặt trận — tức là phải chiến đấu đến cùng và nếu có phải hy sinh thì cũng phải kéo theo thật nhiều kẻ thù chứ. Còn một điều nữa -  chỉ nhận về mình những cái mà kẻ thù đã biết và những điều không thể phủ nhận được mà thôi.

     - Cậu có thể tin ở mình — Gram nói.

     - Cả tôi nữa — Víchto kêu lên — Anh không thể tưởng tượng được là tôi đã từ lâu mơ ước được trở về nước Nga như thế nào đâu... Và lúc này đây, tôi có cảm giác là tôi đã đến gần tổ quốc của tôi rồi…Cám ơn anh và xin anh tha thứ cho sự nông nổi của tôi.   

     - Thôi bây giờ chúng ta chia tay nhau nhé — Anri kết
thúc cuộc nói chuyện. Pite này, mình nhờ cậu tìm mọi cách báo cho trung tâm biết về những việc mới xảy ra gần đây nhé... Mình mất liên lạc rồi.

     - Báo chuyện gì kia phứ, SOS (Tín hiệu cấp cứu) phải không ? Gram nhếch mép cười.

      - Không, cậu hãy báo cho họ biết là chúng ta sẽ tiếp tục đứng vững trên vị trí của mình...

      Họ chia tay nhau, Điure đi tới cầu còn Víchto và Pite đi về hướng khác. Hai ngưừi lại trao đổi với nhau về việc Milda bỗng nhiên mất hút và đưa ra nhiều giả thiết khác nhậu nhưng không sao giải thích nổi việc này.

      Câu chuyện về vụ bắt Milda mãi nhiều năm sau mới được sáng tỏ…

     Các báo cáo vẫn tiếp tục được gửi về trung tâm. Bọn hiệu thính viên của Ápve đã thu được chúng và ghi lại. Những phần không giải được chúng cho vào hồ sơ lưu trữ. Sau nhiều tháng, một số bức điện đã được giải mã.  Trong một bức điện có nói tới tòa lãnh sự Đức tại Ams-terdam và về cuộc ném bom của không quân đồng minh vào một thành phố ở Chiuringi. Người Anh đã phát tin rằng vụ tập kích của họ đã gây ra nhiều tổn thất cho các xí nghiệp quân sự. Bức điện vô tuyến giải mã được đã bác bỏ thông cáo đó của Anh. Vụ tập kích chỉ gây thiệt hại không đáng kể. Trong một bức điện còn nổi là đã dựa theo tin của một nhân viên lãnh sự có mặt tại Chiuringi.

     Milda là người duy nhất có khả năng làm việc này và đã bị Giéttapô bủa lưới theo dõi.

     Các vụ bắt bớ liên tiếp diễn ra. Vào đúng ngày Víchto và Pite chia tay với Điire thì bọn Giéttapô trong đội của Giring đã ập đến văn phòng của hãng. Xiudan ra mở cửa và cô đã chạm trán với tên tóc trắng hôm trước đến văn phòng hãng. Bây giờ, hắn mặc sắc phục SS và chỉ huy cuộc lục soát. Chúng lục tung tất cả các cặp đựng hồ sơ thương mại, các mẫu hàng hóa của hãng nhưng không tìm thấy gì cả. Chúng hỏi Xiudan người cầm đầu ở đâu... Cô ta không biết gì cả... Chúng đã giữ cô lại. Xiudan đứng trước cửa sổ bối rối nhìn ra phía đại lộ. Ngoài trời âm u, những giọt mưa thu rỉ rích. Những cành cây ướt sũng lờ mờ hiện lên trong làn mưa bụi. Nét mặt của Xiudan bình thản không để lộ những lo lắng nội tâm. Nhưng kìa, cô bỗng thấy một dáng người quen quen đang đi phía bên kia đại lộ. Không, hai người cơ... Pite cầm ô, đi bên cạnh anh là một người để râu đen, cổ áo bỏ lên trên... Xiudan có cảm giác là họ đang đi về phía văn phòng. Trống ngực cô thình thịch... Xiudan vội vàng nhắc cây đèn có màu xanh ra khỏi bệ cửa sổ, nhưng có lẽ cô đã hành động quá đột ngột... Cây đèn đặt trên cửa sổ là tín hiệu an toàn, không có nguy hiểm...   

     Tên Giéttapô tóc trắng đã trông thấy động tác không tự nhiên của người bị bắt giữ.
      — Để nguyên đèn đó — Hắn thét lên và đích thân đặt cây đèn ở lại chỗ cũ.

      Xiudan sựng ngày lại đứng im như tượng. Cô thu hết nghị lực để không để ý đến hai người đang đi bộ trên đường phố ẩm ướt nữa. Tên tóc trắng đi lại phía bàn, lục lọi trong đống giấy tờ... Và bất ngờ, Xiudan bật tung cửa sổ, hét lên và gieo người từ trên xuống dưới hy sinh thân mình để báo cho các đồng chí của mình biết nguy hiểm đang chờ đón họ...

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #159 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2021, 07:32:14 am »




                                                                                                                          CHƯƠNG II -  “ÊRƠKA”.





      1.




      Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước sang năm thứ năm. Đã vào cuối năm 1943. Tương quan lực lượng giữa hai bên đối chiến đã có phần nghiêng về phía quân đội đồng minh chống Hítle, nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn với quy mô không giảm và các phe đối lập đã dồn tất cả sức lực để giành thắng lợi chiến lược quyết định. Trong chiến tranh,người chiến thắng là người giành được thắng lợi trong trận đánh cuối cùng... Trên các mặt trận trên bộ, dưới nước, trên không, mỗi một loại vũ khí có chỗ đứng nhất định của nó — lục quân thì có xe tăng  pháo binh, hải quân thì có tàu chiến... Và ở đây, trong cái thế trận hình thành của những lực lượng làm nên thắng lợi quân sự thì không có loại nào là loại thượng đẳng, loại nàol loại hạ đẳng cả.

      Tình báo có mặt ở mọi nơi, cố phát hiện cho được ý đồ, kế hoạch của đối phương. Đây là một cuộc chiến tranh không trận tuyến, một cuộc chiến tranh vô hình diễn ra trong điều kiện hết sức bí mật. Những tình báo viên của các phe như bị bịt mắt, dò dẫm trong màn đêm dày đặc, đôi khi chạm trán nhau mà không biết. Còn phương pháp hoạt động áp dụng trong cuộc chiến tranh bí mật này thì mỗi bên một khác : lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng đối lập với sự đểu cáng - lòng trung thành với đầu óc hám lợi — sự tính toán cẩn thận với chủ nghĩa phiêu lưu.

      Mọi việc đều phụ thuộc một điều : vũ khí đó nằm trong tay ai.   

      Chiến dịch "Xixeron” cũng là mật danh của một trong những kẻ tham gia, có thể là một ví dụ điển hình về phương pháp hoạt động của bọn tình báo quốc xã.      

     Tất cả được bắt đầu từ một việc rất nhỏ hoàn toàn không có gì đáng để ý tới.

     Viên đại sứ Anh tại Ankara, Hiu Nesơbun Hiughexen, là nhà ngoại giao của trường phái Anh cổ điển đã nhận một người tên là Eliat Badna vào làm hầu phòng. Đầu sai vẫn hoàn toàn là đầu sai — tên hầu người Thổ nhĩ kỳ ít nói, hơi thộn, trước đây đã từng phục vụ trong các tòa đại sứ khác và đã tỏ ra là một tên Kavác được việc. Kavác là một từ Thổ nhĩ kỳ dùng để gọi những người gác cổng, người hầu, người làm bếp, người canh gác, người lái xe...nói  chung là những người phục vụ trong các tòa đại sứ hoặc hầu hạ những người ngoại quốc nổi tiếng sống ở Ixtam-bun hoặc các thành phố khác trên bán đảo Anatoli.

      Eliat là một gã trung niên mập lùn, vai rộng, có cái trán to quá sức tưởng tượng vì cái đầu hói trước tuổi. Bộ ria đen trùm lấy nụ cười xu nịnh thường dính trên môi của hắn làm cho hắn càng thêm khả ố.

      Năm tháng qua đi, nhưng Eliat - Kavác vẫn hoàn toàn là kavác...Chao ôi kavác ! Hạng người mạt hạng trong những kẻ mạt hạng — ông dở ông, thằng dở thằng...Cái ý nghĩ đó làm héo hon cả ruột gan hắn, nhưng đâu đó trong thâm tâm hắn vẫn nuôi mộng thành đạt..
   
      Có lần, khi hắn còn đang làm cho viên tham tán Đức Enke, Eliat đã mang về quê một tấm ảnh của mình — ảnh chụp hắn đang nằm ngửa trên ghế đi-văng sang trọng trong bộ quần áo vét-tông, tay cầm tờ họa báo đang mở rộng... Bố mẹ hắn và những người láng giềng trầm trồ chuyền tay nhau xem tấm ảnh.   

     Tên Eliat đã tự chụp lấy tấm ảnh đó bằng máy chụp tự động… khi chủ đi vắng.

     Nhưng đấy chỉ là lừa dối bố mẹ, làm hoa mắt hàng xóm láng giềng chứ làm sao có thể dối lừa được bản thân mình...   

     Trời đã phú cho Eliat ở cái tính tò mò lạ lùng chẳng thua gì loài khỉ đối với cuộc sống của những người khác. Bất cứ xó xỉnh nào hắn cũng thọc mũi vào được — xem trộm, nghe trộm dù đấy là chuyệ riêng tư thầm kín của vợ chồng người ta hay những mảnh giấy người ta bỏ quên trên bàn. Cái gì hắn cũng muốn đểmắt vào...

     Thế rồi bỗng nhiên một hôm, hắn nảy ra ý nghĩ "Hay là ta làm gián điệp nhỉ ?”…

     Thực tình mà nói, ý nghĩ làm gián điệp nảy sinh trong đầu hắn hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Ngay từ những ngày đầu hầu hạ cho viên đại sứ Anh, Eliat đã để ý đến một chuyện : Chiều nào cũng vậy, cô thư ký của đại sứ, cô Liuxki cầu kỳ mang đến phòng đại sứ hai chiếc hộp dẹt, một màu đen, một màu đỏ chứa đựng những giấy tờ bí mật. Ngài Hiu ngồi làm việc bên những tờ giấy đó cho tới tận đêm khuya trong căn phòng yên tĩnh. Những bức điện mật đọc xong được cho vào chiếc hộp đỏ và để trong két sắt của cô thư ký của đại sứ. Trong chiếc hộp đen đựng những giấy tờ mật quan trọng hơn.   

      Hiu Nesơbun Hiughexen mắc bệnh mất ngủ nặng, tên hầu tối nào cũng phải đặt lên bàn chủ một viên thuốc ngủ, một ly nước và chuổn bị buồng tắm.

     Badna suy nghĩ nhiều về chuyện này và quyết định trở thành một tên gián điệp cỡ bự. Cần phải in được mẫu các chìa khóa của viên đại sứ mà ông ta thường để trong phòng ngủ, và sau đó phải kiếm máy ảnh để chụp tài liệu. Nhưng trước hết là phải thỏa thuận với một đại sứ quán nào đó để sau này còn làm ăn lâu dài.

     Có lẽ nên chọn đại sứ quán Đức vì nó ở gần kề ngay đây thôi. Nhưng cái chính là ở đó có viên tham tán từng quen với Eliat, người mà trước đây hắn đã từng hầu hạ...

     Phức tạp nhất vẫn là tìm cách in được mẫu chìa khóa để mở két sắt của viên đại sứ. Còn việc kiếm giá ba chân để chụp ảnh thì là chuyện vô cùng đơn giản. Ngài Hiu thường đi tắm trước khi đi ngủ và  tên Kavác đã lợi dụng đúng lúc đó. Trong khi viên đại sứ đang ngâm mình trong bồn tắm, Eliat lẻn vào buồng ngủ của ông ta lấy trộm chùm chìa khóa trên bàn rồi in vào khuôn.   

      Chờ một buổi tối thuận lợi khi hai vợ chồng viên đại sứ đi vắng, hắn lẻn vào phòng ngủ mở két sắt lấy những tài liệu để trong chiếc hộp đen cho vào lần trong áo vét và mang về buồng của mình, khóa trái cửa lại. Êliat không biết tầm quan trọng của những tài liệu mà hắn có trong tay. Hắn chỉ thấy những dấu in màu tím trên giấy “Tuyệt mật” "Dùng mật mã của đại sứ”.

     Eliat đặt từng từ tài liệu một dưới máy vừa bấm máy vừa đếm : ba mươi tư, ba mươi lăm... ba mươi sáu... Vừa đúng ba mươi sáu pô. Hắn thay phim và tiếp tục vừa đếm vừa chụp tất cả gói gọn trong hai cuộn phim mỗi cuộn có ba mươi sáu pô.

     Tên hầu phòng thu dọn mọi thứ, cất máy ảnh và trả lại tài liệu vào két của viên đại sứ. Sau đó hắn ước lượng xem có thể bán được bao nhiêu tiền cho những cuộn phim chụp được. Điều quan trọng nhất là không bị hớ.   

     Ít lâu sau, Eliat đến đại sứ quán Dức. Một tay Kavác khác, có lẽ là tên làm thế chân hắn, ra mở cửa, dẫn hắn vào phòng khách còn bản thân thì đi báo cho chủ. Sau nửa năm xa vắng, phòng khách của ông chủ cũ hắn không hề thay đổi một chút nào. Hắn tắt công tắc đèn chùm chỉ để lại chiếc đèn bàn, kéo rèm cửa sổ và ngồi xuống xa lông; Hắn cố ngồi sao cho mặt khuất vào bóng tối. Một lúc sau, tham tán Enke và vợ :— em gái của bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Ioakhim phôn Ribentrốp xuất hiện. Eliat coi sự có mặt đó cũng góp phần thắng lợi cho mưu đồ của hắn……
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM