Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:36:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66312 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #110 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2020, 08:34:35 am »

   

       Sau đấy vài năm, Kécxten bị dụ dỗ quay trở về Đức, Ápgút Đin, một nhà công nghiệp lớn của Đức, người có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị của nước Đức Hítle, đã đề nghị Kécxten làm bác sĩ riêng cho Himle. Đin nói : “Thưa bác sĩ, ngài có thể giúp cho chúng tôi được nhiều nếu như ngài đồng ý chăm sóc sức khỏe cho ngài Himle. Chúng tôi cần có người của mình bên cạnh ông ta”. Đin đã nói thay mặt cho những nhà công nghiệp trông cậy vào Hítle nhưng lại không muốn tin vào hắn và những người của hắn một cách xuôi chiều. Hợp đồng đã được ký kết — bác sĩ có bằng cấp Kécxten đã trở thành bác sĩ riêng của Himle, thành người tin cẩn của hắn nhưng đồng thời cũng là người canh chừng.

      Trong bản doanh của Himle, ngoài bác sĩ Kécxten là bác sĩ chính ra còn có một lô một lốc những người không dính dáng gì đến y học — những nhà chiêm tinh, lập biểu tử vi, những thầy lang vườn, những nhà tiên tri, những thuật sĩ. Họ cũng chịu sự bảo trợ của Kécxten. Tên thống chế Himle mê tín dị đoan cũng giống như những kẻ tay chân thân tín khác của Hítle đều tin vào sự tồn tại của một thế giới khác, tin là có nhập hồn và tin vào thuyết định mệnh. Himle cho rằng phần hồn của hắn đã bắt nguồn từ hoàng đế Henrich Pchixelốp xứ Xắcxông sống cách đây hàng nghìn năm. Chính hồn của hoàng đế này, người đầu tiên chinh phục vùng đất Xlavian trên bờ sông Enbơ, nay đã nhập vào thân thể gầy còm của hắn. Himle rất tin vào chuyện đó và niềm tin của hắn đã được những kẻ quanh hắn thi hành chính sách ngu dân, sẵn sàng ủng hộ.

      Trong số những nhà tiên tri tay chân của Himle thì Vunphơ, kẻ gian hùng và đại bịp là tên đã giành được uy tín hơn cả. Hắn đã trở thành cánh tay phải của bác sĩ kiêm chuyên gia xoa bóp Kécxten. Chính hắn là người mà cố vấn hình sự Các Giring sẽ phải đến gặp theo yêu cầu của Hâyđơrit. Nhiệm vụ của Hâyđơrit không có gì phức tạp lắm nhưng đòi hỏi phải giữ kín bí mật kế hoạch mà hắn đã lập ra. Cần phải khẳng định lại lời tiên tri của Vunphơ qua sự giúp đỡ của mụ thầy bói Anna Krau. Có lẽ Hâyđơrit, kẻ cầm đầu cơ quan mật vụ lại là một trong số ít những kẻ có thái độ khinh bỉ trước những điều mê tín nhảm nhí của Himle, ông chủ của hắn. Nhưng tại sao hắn lại không đem những chuyện đó ra mà mưu cầu lợi lộc cho bản thân hắn nhỉ... vẫn chưa đến lúc hắn phải xuất đầu lộ diện. Hắn cho rằng thượng sách lúc này vẫn là tác động bí mật đến mọi việc thông qua lão Himle yếu bóng vía gầy còm…

       Cuộc gặp gỡ vói Vunphơ diễn ra nhanh gọn. Nhà chiêm tinh đã chuyển cho lão cố vấn hình sự một dự án biểu tử vi mà Anna Krau phải đoán. Ngài sắp tàn và buổi tối Giring đến chơi nhà Kécxten. Họ nói đủ thứ chuyện — từ tình hình mặt trận phía Đông đến chuyện Hítle, một con người lỗi lạc có tài nhìn xa trông rộng. Kécxten kể rằng theo lời của Himle thì Quốc trưởng có thể tiếp xúc với linh hồn của tổ tiên. Đã ba lần linh hồn của Gêniskhan (Thành Cát Tư Hãn), kẻ chinh phục thế giới, đã hiện lên gặp Hítle và Hítle đã nghe theo những lời khuyên thiết thực của vị tướng đó...Giring hoài nghi : Quốc trưởng không biết tiếng Mông cổ thì làm sao họ lại có thể nói chuyện với nhau được.

      - Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ đó — Kécxten phản đối — người chinh phục thế giới đó hoàn toàn không phải là người Mông cổ. Ông ta là người Đức đấy?... Một người mang dòng máu Ariet (1) thuần khiết, con của một Kurphiurxt (2) Đức bị bọn Mông cổ bắt cóc từ hồi còn bé. Ông đã lớn lên trong triều đình Mông cổ và do có đầu óc thông minh khôn ngoan, dũng cảm nên đã được bầu làm thủ lĩnh các bộ lạc Mông cổ. Chẳng lẽ ống không biết cố vấn của ông ta là một hiệpsĩ người Anh ư. Người này cũng bị bắt làm tù binh...Chính Quốc trưởng đã thuật lại cho ngài Himle nghe về chuyện
này….

       Sau bữa trà tối, Giring bắt đầu kể về tình trạng sức khỏe của lão và nhờ Kécxten khám hộ cho mình. Kécx-ten lấy những ngón tay to khỏe và như có tính đàn hồi của mình xoa trên những thớ thịt nhẽo nhèo của lão cố vấn hình sự, sau đó hắn đưa lão vào chiếu X quang vùng lồng ngực. Chẩn đoán đã rõ. Lão cố vấn hình sự sẽ chẳng còn sống được thêm bao lâu nữa — hắn đã bị ung thư phổi hoặc vùng yết hầu gì đó. Bây giờ thì dù có mổ cũng vô ích. Nhưng Kécxten đã nói với Giring như sau :
      - Tôi thấy bệnh tình của ngài không có gì là nghiêm trọng cả, thưa ngài Giring. Tất cả chỉ là do ngài quá mệt mỏi mà thôi. Điều duy nhất mà tôi có thể khuyên ngài là ngài hãy uống cà phê pha rượu cô-nhắc. Liều lượng ra sao thì tùy ý ngài.

     Từ đấy lão cố vấn hình sự thường xuyên làm theo lời khuyên của Kécxten.

     Chiều hôm đó khi biết Giring sắp đi Bỉ, Kécxten đã nhờ lão giúp cho một việc :
      - Tôi không biết liệu ngài cố vấn có thể tới Amster-đam nhờ nhà băng Hà lan giữ giùm cho tôi một số tài liệu được không”.

      Viên bác sĩ còn thú nhận với Giring :
       - ”Đây là những ghi chép của tôi — Kécxten nói — tôi muốn giữ chúng lại... Nhưng tôi e để ở Đức có thể sẽ không có lợi”.

      Kécxten lấy trong tủ bảo mật ra một cặp giấy màu xanh, gói lại, ghi nhãn, đóng dấu bảo mật rồi trao cho Giring :
      - Tôi tin ngài hơn cả cái tủ bảo mật bằng thép này đấy— hắn nói.

      - Gekheime pherslius đakhe ! — Lão cố vấn hình sự đáp lại đúng theo giọng của Kécxten. "Bí mật sau ổ khóa !” — đấy là thuật ngữ chỉ độ mật cao nhất trong Nhà nước Đức.
…………………..
    (1).Ariet hay còn dịch là Ariang — một dân tộc  chính ở Đức….
     (2).Kurphiurxt — một người có quyền thế….

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #111 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2020, 08:06:11 am »

     

       Nhưng than ôi, Các Giring sẽ không được tiếng là một cố vấn hình sự cáo già nếu như lão lại chịu để lỡ cơ hội biết được bí mật của kẻ khác ! Sau khi trở về Béclanh, ngay chiều hôm đó, bằng nghệ thuật điêu luyện của mình, lão đã mở gói và vùi đầu vào đọc những điều được viết trong cặp giấy nọ. Trước mặt lão là những trang nhật ký của Kécxten, những điều ghi được qua những câu chuyện với Himle và đánh giá về những sự kiện đã diễn ra, nhận xét về những con người mà Kécxten đã gặp. Chiếu theo những điều đã ghi thì Himle đã tin vào bác sĩ riêng của mình như tin một vị thánh sống.

       Đây là những dòng viết về Hâyđơrit : "Hâyđơrit, người cầm đầu lực lượng cảnh sát mật là một trong những người tò mò nhất trong giới thân cận của Himle. Tôi thường có khả năng tiếp cận theo dõi hắn. Hâyđơrit có quyền đến gặp Himle vào bất cứ giờ nào kể cả trong thời gian chữa bệnh để trao cho Himle ký những giấy tờ quan trọng. Đây là một con người dễ nhận dạng—tóc vàng, gầy mảnh khảnh.

      Hâyđơrit không có bạn, tất cả các mối quan hệ hữu nghị của hắn đều mang sắc thái chính trị. Hắn sẵn sàng từ bỏ tình thân hữu nếu đạt được mục đích của mình. Hắn rất hung bạo và vô liêm sỉ, không bao giờ chịu đứng ở hàng thứ hai. Rất hiếu thắng”.

     …"Hôm hay tôi đã xoa bóp cho Himle vì ông ta lên cơn đau. Câu chuyện đề cập tới Hâyđơrit. Có tin đồn rằng hình như hắn không phải là người Ariet có giá trị. "Chuyện đó là đúng sự thưc đấy chứ ạ?” -  tôi hỏi -  "Đúng đấy —Himle trả lời — điều này tôi đã biết khi còn làm việc phụ trách cảnh sát chính trị vùng Bavaria. Tôi đã trao đổi với Quốc trưởng về vấn đề này. Hítle đã cho gọi Hâyđơrit đến chỗ mình và nói chuyện với hắn khá lâu, hắn ta đã để lại cho Quốc trưởng một ấn tượng không mấy tốt đẹp. Sau đó Quốc trưởng đã nói với tôi rằng Hâyđơrit là một con người rất có năng lực nhưng cũng rất nguy hiểm. Quốc trưởng nói những con người như thế chỉ có ích khi ta xỏ được mũi họ. Nguồn gốc phi Ariet của hắn ta rất có lợi đối với chúng ta. Hắn sẽ đội ơn ta vì ta không đuổi cổ hắn nếu như hắn phục vụ chúng ta một cách mù quáng"….

     Tất cả đúng như thế thật.

      Himle tiếp :
      - "Quốc trưởng có thể giao cho Hâyđơrit bất cứ nhiệm vụ bí mật nào, kể cả hành động chống lại bọn Do thái mà không một ai khác có thể thực hiện được”.

      "Thế có nghĩa là, tôi nói — để giết người Do thái, ngài đã dùng người của dân tộc đó và hắn đã hành động theo chỉ thị của ngài sao ?”.

      "Thế ông nghĩ thế nào — Himle trả lời — ông đã đọc Makiavelli chưa ? Ông cho rằng thời đại ngày nay đã thay đổi rồi sao ?”

      Lão Các Giring tiếp tục đọc. Đây là một tờ lẫn vào trong cặp. Có lẽ nó còn sót lại trong số những bản ghi chép cũ của Kécxten từ hồi Hess còn ở Đức và đang chuẩn bị đáp máy bay sang Luân đôn để hội đàm bí mật với chính phủ Anh.

      "Tôi đã đến thăm Hess theo lời mời của hắn — Kécxten viết —Tôi vào phòng nhưng không thấy ai cả. Cửa phòng bên cạnh hé mở, tôi liếc mắt nhìn vào thì thấy Hess đang nằm trên một chiếc đi-văng rộng, bên trên có treo một thanh nam châm lớn. Dưới đi-văng cũng có những thanh nam châm như thế. Hess đưa ngón tay trỏ vào môi ra hiệu cho tôi im lặng và nói thầm '"Tôi đang luyện từ tính để trút tất cả những độc hại ra khỏi cơ thể... Bây giờ điều này rất cần đối với tôi.”

      Tiếp đó là những bản ghi chép của Kécxten về Hítle. Cũng giống như tất cả những người xung quanh hắn, tên Quốc trưởng này là một kẻ mê tín dị đoan, tin vào các điềm lành dữ, tin vào tử vi và coi trọng vị trí các vì sao, xem tướng người qua vân bàn tay, số của hắn gặp nhiều may mắn nhưng đường sinh tử bỗng đứt đột ngột, nghĩa là hắn sẽ chết sớm và chuyện này đã làm cho hắn hết sức lo lắng.

      Lão cố vấn hình sự càng đọc càng bị lôi cuốn vào những dòng ghi chép của Kécxten nhưng lão không còn thời gian để giữ lâu trong tay những tài liệu này. Điều duy nhất lão có thể lầm là sao lại những trang quan trọng nhất trong cuốn nhật ký vào một cuốn phim cực nhỏ. Để làm điều này lão phải ngừng đọc, đem chúng vào buồng tối cạnh đó chụp, rồi lại đọc…

      Nhưng bỗng Giring lại cảm thấy toàn thân mệt mỏi rã rời như những ngày trước đó. Hắn nhớ lại lời khuyên của lão bác sĩ Kécxten nên liền đi pha cà phê hòa lẫn với rượu cô-nhắc uống ừng ực, một phút sau hắn cảm thấy khỏe ra "Thật là công dụng biết chừng nào ! Té ra lão bác sĩ nói đúng thật — Giring yên chí nghĩ - chẳng qua là mình bị suy nhược... Thanh toán xong bọn "Kapell” ta sẽ đi nghỉ”…

     Trong phòng ngột ngạt, không có lấy một chút không khí hay ánh sáng nào lọt qua được cánh cửa sổ che rèm. Để hồi tỉnh lại hoàn toàn Giring tắt đèn bàn rồi với tay ấn nút kéo rèm lên trên.

      Chiếc đồng hồ trên quảng trường được ngụy trang bằng ánh sáng mầu xanh. Kim giờ đã nằm sang bên phải báo hiệu đêm đã về khuya. Một làn gió mát thổi vào căn phòng. Giring hít vào thở ra thật sâu một hai lần và đứng một lúc bên cửa sổ rồi hắn lại hạ rèm xuống. Mò mẫm bật công tắc đèn lên xong, hắn lại ngồi xuống bên cặp giấy cua Kécxten và bỗng nhiên lão đọc được điều mà bản thân lão; một cố vấn hình sự già đời cũng không thể tưởng tượng nổi. Nhật ký của Kécxten đã đề cập đến Hítle.

      "Himle đã trở nên cáu kỉnh và lo lắng, có điều gì đó đã dày vò ông ta. Tôi đã hỏi ông về chuyện này. Ông ta trả lời tôi bằng một câu hỏi : "Này ông Kecxten, ông có nhận chữa cho người mắc bệnh đau đầu nặng và hay mất ngủ không ?”. ”Tất nhiên là có rồi, nhưng tôi phải khám bệnh cho người ấy trước đã để tìm ra nguyên do căn bệnh chứ”.
 
      "Tôi sẽ nói cho ông người đó là ai — Himle trả lời — nhưng ông phải thề là sẽ không nói cho bất cứ ai về chuyện này...”..

      Himle lấy trong tủ bảo mật ra một cái cặp màu đen, hắn mở cặp ra lấy một tờ giấy đã ghi chữ và nói — "ông đọc đi. Đây là tài liệu mật về bệnh tật của Quốc trưởng đấy”.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #112 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2020, 07:53:18 am »

    

       Báo cáo gồm hai mươi sáu trang. Thoạt nhìn là tôi đã biết đây là sổ theo dõi sức khỏe của Hítle từ hồi Quốc trưởng nằm trong bệnh viện Padevanka. Theo tài liệu này, thì hồi còn trẻ lúc mới là lính, Quốc trưởng đã bị trúng hơi độc. Hítle được chạy chữa không cẩn thận nên có nguy cơ bị mù cả hai mắt. Nhưng những triệu chứng bệnh lại rất giống bệnh giang mai. Người ta đã cho ra viện với nhận xét là bệnh nhân đã bình phục. Nhưng vào năm 1937, Hítle lại thấy xuất hiện những triệu chứng như vậy.

       Vào đầu năm 1942, Hítle lại có những hiện tượng tự cho thấy rằng Quốc trưởng đã bị mắc bệnh liệt tuần tiến. Tất cả những dấu hiệu về căn bệnh này sẽ rõ ràng trừ hai điều là mắt không bị lờ đờ và giọng nói không bị ảnh hưởng.

       Tôi trả lại báo cáo cho Himle và nói rằng rất tiếc là tôi không thể làm được gì trong trường hợp này vì chuyên môn của tôi là nội khoa chứ không phải là thần kinh. Himle muốn tôi cho ý kiến nên xử lý trường hợp này như thế nào ?”. Người ta chữa gì cho Hítle chưa ?” — tôi hỏi — "Tất nhiên là bác sĩ riêng của Quốc trưởng là ông Môren đã tiêm thuốc cho Quốc trưởng và khẳng định là thứ thuốc ấy sẽ trì hoãn bệnh phát triển và giúp cho Quốc trưởng có khả năng làm việc được ”. "Nhưng lấy gì để đảm bảo được chuyện đó chứ — Tôi phản đối — Y học hiện chưa có thứ thuốc nào để trị bại liệt tuần tiến cả”.“Tôi cũng cho là như vậy...Nhưng đây không phải là một bệnh nhân thường mà là Quốc trưởng của Đế chế Đức vĩ đại, một đất nước đang tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn, và chỉ có thể chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng. Quốc trưởng là người duy nhất có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Khi nghĩ rằng Quốc trưởng là người do thượng đế phái xuống, tôi không tin là không còn khả năng cứu chữa”. Và tức thì Môren đến và nói rằng hắn có thể cứu chữa cho Quốc trưởng. Tôi biết ông sẽ nói gì, ông Kécxten ạ. Ông sẽ nói cần phải đưa Quốc trưởng vào bệnh viện tâm thần để theo dõi... Nhưng chúng ta không thể làm chuyện đó được. Ông thử tưởng tượng xem nó đã gây ra một ấn tượng như thế nào cho nhân dân Đức, và thế giới..Tình báo nước ngoài sau vài ngày sẽ có đầy đủ tin tức về tất cả, cho dù ta có nói là bệnh gì khác đi chăng nữa, nhân dân và binh lính Đức sẽ biết chuyện này qua đài địch. Đấy chính là lý do tại sao tôi lại quyết định tin vào Môren. Chỉ cần hắn đảm bảo cho Quốc trưởng sống đến ngày toàn thắng là được...

      Himle lấy lại bản báo cáo cho vào cặp và cất vào tủ bảo mật. Khi tôi chuẩn bị ra về thì Himte nói :
      "Bây giờ thì hẳn là ông đã hiểu tại sao tôi lại lo lắng rồi chứ gì. Thế giới xem Hítle là một người hùng và vì thế Quốc trưởng phải đi vào lịch sử như một người hùng. Sau chiến tranh, đế chế Đức sẽ trải dài từ Ural đến biển Bắc Hải. Đấy là cống hiến vĩ đại nhất của Quốc trưởng”.

       Bây giờ thì tôi đã hiểu nhiều điều nhưng trước tiên tôi muốn biết xem có bao nhiêu người biết được bí mật đó. Tôi thận trọng hỏi thử thư ký của Himle xem hắn có biết gì về hai mươi sáu tờ giấy chép tay bí mật trong cái cặp xanh đỏ không.

      "Thống chế đã nói cho ngài biết về điều đó hả ? — Brandt hoảng hốt — ngài không hiểu là ngài đang bị nguy hiểm như thế nào ư ? Ngài là người ngoại quốc biết được bí mật thầm kín nhất cua chúng tôi đấy”   .

      Tôi nói cho Brandt yên tâm rằng ngoài Himle ra, bí mật này có rất ít người biết, chỉ có Boócman hoặc quá lắm là Gơrinh nữa thôi.

      Sau đó một tuần Kécxten lại ghi chép thêm về bệnh tật của Hítle :
      "Hôm nay tôi lại trao đổi với Himle về báo cáo bệnh tình của Hítle. Ông ta lại hỏi tôi xem tôi đã nghĩ ra được cách gì để chạy chữa cho Hítle chưa. Tôi khuyên nên tiến hành chữa bệnh bằng thuốc sốt rét. Tôi đã cố giải thích cho Himle rằng một nguy cơ khủng khiếp đang đe dọa toàn thể nhân dân Đức — họ đang chịu sự lãnh đạo của một người mắc bệnh bại liệt tuần tiến. Đây là điều tệ hại nhất trong lúc đang có chiến tranh, nhất là Hítle thường độc đoán  và tự quyết định mọi chuyện theo ý mình... Tôi đã giải thích cho Himle rằng bệnh tình sẽ có ảnh hưởng đến bộ não làm suy nhược khả năng trí tuệ, làm cho con người mất thăng bằng trước hiện thực. Một trong những biến chứng của bệnh này là sẽ bị cuồng dại.

      Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao Himle lại trông cậy vào Môren để hắn chữa cho Hítle. Tôi nói như vậy nghĩa là Himle đã tự gánh lấy trách nhiệm nguy hiểm, đã để mặc cho người ta ra lệnh thế nào cũng được trong tình trạng bệnh tật nguy kịch như thế. Ai mà biết được những cái lệnh ấy sẽ được phát ra vào lúc nào, khi đang tỉnh táo hay là lên cơn. Mà hàng triệu sinh mạng đều phụ thuộc vào lệnh đó.

      Himle không trả lời gì về câu nói đó của tôi. Tôi thành thật khuyên Himle rằng phải coi Hítle là người bệnh và phải đồng ý rằng Hítle không còn là vị Quốc trưởng như Himle đã tôn sùng trước đây nữa.

      "Tôi cũng nghĩ như vậy đó — Himle trả lời — ông lập luận một cách rất lôgích đấy, nhưng trên thực tế thì sự việc lại phức tạp hơn thế nhiều. Tôi đã nói với ông là chúng ta sẽ thất bại nếu như Quốc trưởng không còn. Ông hiểu cho, chúng ta không thể thay ngựa giữa dòng được đâu”.

      Tôi phản đối : “Tôi không thể nào hiểu nổi - chẳng lẽ một chế độ quyền lực như thế này lại không thể bắt dân chúng công nhận những việc như vậy được sao…. Không nên quên rằng chúng ta có Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, ông ta có đầy đủ khả năng và tháo vát để giải thích tất cả những điều cần thiết. Những người Đức cũng như các đồng minh của Đức chắc hẳn sẽ coi việc thay Hítle như một khả năng thực tế để ký kết hòa hình, một nền hòa bình đang được mọi người mong đợi”.

      "Đúng đấy — Himle tán thành — nhưng chúng ta đang ở trong tình trạng bế tắc. Ý của Quốc trưởng là trước lúc chết sẽ chỉ định người kế thừa. Lập tức sẽ có một cuộc tranh giành quyết liệt trong quân đội và đảng xung quanh chuyện kế vị. Điều đó sẽ ảnh hưởng tai hại đến tình hình trong nước”.

       "Nhưng thưa ngài Thống chế — tôi tiếp tục thuyết phục — trong tay ngài là, lực lượng SS, trong tay Gơrinh là lực lượng không quân. Nếu như ngài giải thích tình hình cho nhóm các tướng lĩnh chủ chốt và báo cho họ rằng Quốc trưởng ốm nặng và vì quyền lợi của dân tộc mà Quốc trưởng phải từ chức, thì mọi người sẽ tiếp nhận đề nghị của ngài bằng một thái độ biết ơn và hồ hởi, xem đó là một hành động xứng đáng với cương vị của một nhà lãnh đạo Nhà nước sáng suốt. Ngài Himle ạ, ngài chớ nên quên rằng — tôi nói thêm — Quốc trưởng mới, trước hết, phải tìm cách ký kết được hòa bình trong danh dự. Và như thế các tướng lĩnh chắc chắn sẽ ủng hộ ngài”.

        Các Giring mệt mỏi ngả lưng vào thành ghế xa-lông, nhắm mắt lại. Nếu như bây giờ lão nhìn thấy mình trong gương thì có lẽ lão sẽ phải thất kinh. Nhưng ở đây không có gương và lão cảm thấy mệt mỏi vô chừng. Giring rót cà phê đã nguội vào chén, cho đường vào và rót thêm vào đấy một chút rượu cô-nhắc. Quả là tay bác sĩ Kécxten đã cho hắn một liều thuốc tuyệt diệu. Giring uống một cách thích thú.

      "Té ra là ngài Hâyđơrit và Kécxten đều cùng một ruột với nhau cả — Giring cười khẩy — cả hai đều ra sức phỉnh nịnh Himle…Thuyết phục hắn lên làm Quốc trưởng mới thì có gì là khó lắm đâu…”

      Tất nhiên là Giring đã đọc được điều tiên đoán của biểu tử vi do Vunphơ chuẩn bị và những điều giải thích mà mụ thầy bói sẽ nói ra. Tất cả đúng như người ta đang cần: biểu tử vi "một người chưa rõ là ai” mà Himle đang núp đằng sau sẽ có một số phận hạnh phúc nhất. Vào ngày sinh của Himle, các vì tinh tú trên trời đã sắp xếp đúng như khi người nối dõi ngôi hoàng đế ra đời. Để chứng minh, Vunphơ so sánh với số tử vi của vua xứ Xăcxôni, Henrich Ptixelôp. Kết quả thu được là số tử vi của "con người chưa rõ mặt” và của ông vua nọ giống hệt nhau...

      Vunphơ cũng quan tâm đến lời tiên đoán và hắn đã viết trước tất cả — người có số tử vi tuyệt diệu như thế sẽ phải giữ cương vị lãnh đạo để nhân vinh quang và hành động của người đó lên.. Còn những lời đoán tướng số mà mụ thầy bói phải nói có nội dung là : không thể đùa giỡn với số mệnh, không thể lẩn tránh vận hội mà ý trời đã định cho "người đội vương miện chưa rõmặt”.

      Bây giờ cố vấn hình sự Giring chỉ còn phải tìm cơ hội để trao cho Anna Krau nội dung lời tiên đoán đã được chuẩn bị sẵn rồi thu lại. Muốn vậy cần phải gặp mụ ta qua lời giới thiệu của một người khách đến xem bói đáng tin cậy, vì chính thức mà nói tại Đức cấm hành nghề bói toán, xem tướng, lấy số tử vi. Giring còn định tráng cuộn phim nhưng nghĩ lại thấy mình đã quá mệt nên quyết định để lại đến hôm sau vì như thế cũng chưa muộn. Lão tháo cuộn phim đã chụp ra khỏi máy và cho vào một cái ống nhôm cất vào tủ chống cháy cùng với tập nhật ký của Kécxten. Trước đó lão còn cầm cuộn phim trong tay một lát như muốn lấy nhiệt độ của cơ thể lão sưởi ấm cho nó và lão lẩm bẩm một mình :   
      “Thật là lợi hại vô cùng !... Cuộn phim này chỉ mất khi ta không còn nữa thôi...”

       Lão cố vấn hình sự vẫn chưa biết rằng lão không thể nào thoát khỏi lưỡi hái của thần chết. Lão đang sống những ngày cuối cùng của đời lão….


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #113 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2020, 09:17:15 am »

   

      2.




      Giờ đây thì cả Giring và những người xung quanh đều biết rõ là lão đã mắc một căn bệnh hiểm nghèo không phương cứu chữa : Bệnh ung thư yết hầu. Điều này dễ dàng nhận thấy qua bộ mặt mai mái xám ngắt với làn da giấy dầu bám vào hai bên quai hàm và gò má, qua đôi mắt sâu hoắm khô khốc hừng hực của lão. Cục hầu to nhọn của lão nhô ra khỏi cổ bộ quân phục cảnh sát và mỗi khi lão cất tiếng nói là nó lại chuyển động lên xuống chẳng khác gì một cái pít-tông được bọc trong làn da xám ngoét.

     Thoạt tiên, lão lấy làm sửng sốt trước bản tuyên án của số phận, sau đó, lão tự an ủi mình bằng cách triết lý rằng, dẫu sao, lão cũng sống lâu hơn những người cùng thời với lão. Lão cũng chắng oán trách gì bác sĩ Kécxten; tất nhiên, là tay bác sĩ đã thừa biết bệnh tình của hắn nhưng thường tình không nói ra thôi.

      Giring bị các bác sĩ tuyên án tử hình. Là một cố vấn hình sự cáo già đã từng phục vụ trong ngành cảnh sát từ thời còn hoàng đế rồi đến thời nước Cộng hòa Vaima và bây giờ đang sống nốt những ngày tháng cuối cùng trong chế độ quốc xã. Giring đã biết bản tuyên án của mình, nhưng hắn vẫn tiếp tục làm việc với một thái độ độc ác điên cuồng như thể lão đã tìm thấy được niềm khoái lạc trong việc xô đẩy những nạn nhân của lão xuống mồ trước khi chính bản thân lão phải chui xuống đó…

      Giring đã có cái giọng khàn khàn của một kẻ hỏng hết lục phủ ngũ tạng và liều thuốc duy nhất mà lão vẫn sử dụng là cô-nhắc pha cà phê đặc. Lúc nào trên bàn của lão cũng có loại thuốc này.   

      Chính lão cố vấn hình sự khét tiếng ở Đức, Các Giring là kẻ được giao nhiệm vụ cầm đầu nhóm công tác truy lùng tổ chức của những người hoạt động bí mật rất khó bắt được trong lòng Béclanh.

     Trợ lý của lão là Vinli Bécgơ, tên này cũng là nhân viên hình sự chuyển sang làm cho Giéttapô. Tên thật của hắn là Khiugen. Khác với ông sếp dài ngoẵng của mình, Bécgơ là một gã vũ phu khỏe mạnh, mập lùn với hai cánh tay to tướng ngắn ngủn. Trong nhóm còn có cố vấn hình sự Kốpkhốp, chuyên gia nghiên cứu về các tổ chức bí mật khác nhau, đại diện của Ápve, các chuyên gia giải mã, định hướng….

      Nhóm của Giring nằm dưới sự chỉ đạo của trùm an ninh đế chế Hâyđơrít, cố vấn gần gũi nhất của Hítle về các vấn đề có liên quan đến các hoạt động bí mật chống phát xít.

      Giring đã trao đổi ý kiến với Geints Panvit. Tên này cũng là cố vấn hình sự trực thuộc Himle, chuyên giải quyết những nhiệm vụ đặc biệt. Giring không ưa gì tên Giéttapô hoạt bát, công thành danh toại này. Có lẽ cái số hắn là số ngồi mát ăn bát vàng thì phải. Hắn cứ đụng đến cái gì là y như rằng thành công. Giring đã phát ghen với thành tích của hắn cũng như là với sức khỏe và cả nghề nghiệp của hắn nữa.. Dù sao đi nữa thì Panvít vẫn là con người toàn diện hơn lão. Hắn thành đạt là do có tính kiên định, tính phiêu lưu và lòng tự tin vô hạn. Hắn rất ăn cánh với ông chủ Geiđric của hắn.Khi chủ nghĩa quốc xã lộng hành ở Đức, Geints Panvit mới có hai mươi hai tuổi. Hồi đó hắn không ưa gì chính trị mà lao vào nghiên cứu thần học toan tính trở thành linh mục trong nhà thờ thiên chúa. Nhưng ít lâu sau Panvit đi ngược lại khát vọng tinh thần và chuyển sang phục vụ trong lực lượng cảnh sát mật quốc gia. Tại đây, hắn đã tỏ ra có tài năng kiệt suất. Vào thời kỳ đầu chiến tranh, hắn phục vụ trong sư đoàn "Brandenburg”, đã từng có mặt ở mặt trận phía Đông, đã từng thực hiện những hoạt động phá hoại trong hậu phương Liên xô. Tại đây đã xảy ra một chuyện suýt nữa làm cho tên Giéttapô công thành danh toại bị toi mạng. Những tên lính đổ bộ thuộc sư đoàn "Brandenburg” được tung vào khu vực đóng quân của Liên xô nhưng không hiểu sao quân Nga đã biết được về chiến dịch bí mật nhất này và đã tiếp đón bọn chúng bằng hỏa lực "hữu nghi”. Nhiều tên đã bị chết, số còn lại bị bắt làm tù binh. Panvit cũng không biết tại sao lại xảy ra cớ sự như vậy. May mắn cho hắn là đã không tham dự cuộc đổ bộ này. Không rõ vì lý do gì khi đã ra tới sân bay rồi mà hắn lại được miễn không phải đi làm nhiệm vụ này. Sau lần đó, hắn khoe khoang với mọi người là hắn đã sinh ra dưới một ngôi sao phúc mệnh.Bây giờ hắn đã ba mươi hai tuổi nhưng đã làm nên điều mà Giring không dám mơ tới khi lão đã năm mươi tuổi...

       Cuối cùng Các Giring đã cùng với Panvit thực hiện nhiệm vụ của Hâyđơrit là đến chỗ mụ thầy bói Anna Krau ở Béclanh. Thông qua một nhân viên Áp-ve quen biết của mình là Ghecbe Gônnốp, Giring đã nhận được những chỉ dẫn cần thiết. Còn Panvit thì nói với Gônnốp rằng sẽ cùng đi với cố vấn hình sự Giring đến chỗ bà thầy bói Anna Krau để hỏi một chuyện.

      Các cửa sổ trong nhà mụ thầy bói đều được che rèm kín mít, phòng ngoài cũng như phòng khách đợi mờ mờ ảo ảo trong ánh đèn mầu đỏ. Những tấm mặt nạ nghi lễ mầu đen được treo kín trên tường và một tấm bản đồ lớn vẽ các vì sao bằng mầu vàng đục dễ làm cho người ta sởn gai ốc. Trên giá bầy những cuốn sách dầy, cũ kỹ bọc bìa da, một cái đầu lâu người, những lá bùa, một cái lò thiêu than đã tàn không hiểu dùng để làm gì, một miếng da đầu của người da đỏ còn lòng thòng những sợi tóc đen.

     Trong phòng đợi không có ai — Anna Krau tính toán cẩn thận để những người lạ không chạm trán nhau trong phòng của mụ. Mụ ta quy định thời gian biểu rất chặt chẽ cho các vị khách đến xem bói.

      Một cánh cửa cao được che rèm kín ngăn phòng đợi với một phòng khác mà từ đó vẳng lên một giọng nói nho nhỏ của một phụ nữ và tiếng lẩm bẩm chắc là của khách. Geints Panvit khe khẽ gõ cửa và đẩy nhẹ diềm cửa bước vào.
        — Ngài khỏi phải nói tên — hắn nghe rõ tiếng mụ thầy bói —ngài bốn mưưi tư tuổi có vợ tên là Man-tida và có hai con... Ngài là đại tá từ mặt trận về mặc dù ngài mặc áo sơ mi và đeo cravát tới đây.

       Mụ thầy bói im lặng một lát rồi bỗng nhiên thốt lên :
       - Hãy bỏ dèm cửa xuống ! Tôi sẽ tự nói những điều gì mà ngài quan tâm đến...

     Giring và Panvit lui ra ngồi ghé xuống chiếc ghế cạnh bàn. Vài phút sau, mụ thầy bói tự xuất hiện. Đấy là một phụ nữ cao lớn có khuôn mặt gầy gò và mái tóc dầy, trên vai khoác chiếc khăn quàng Casơmia màu xanh quét đến tận đất. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, đầu của mụ trông như bốc khói trong làn sương mù màu đỏ...

       - Tôi là Anna Krau. Một người trong số các ngài phải chờ...   

      - Chúng tôi cùng nhờ bà một việc như nhau, thưa bà. — Panvit nói.

      - Tôi đã nói rồi... Mời ngài theo tôi - Mụ thầy bói hất hàm chỉ Giring.

      Trong căn phòng nơi mụ thầy bói dẫn Giring vào cũng tranh tối tranh sáng như thế. Krau ngồi vào một chiếc ghế gỗ cao tựa lưng chạm trổ và mời lão cố vấn hình sự ngồi đối diện.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #114 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2020, 08:05:29 am »

 

       - Ngài đến để nhờ tôi một công việc không có liên quan gì đến bản thân ngài — mụ thầy bói nói - chính bản thân ngài đang cố gắng tìm hiểu số phận của người khác... Nếu như tất cả mọi người đều có tài tiên đoán thì họ sẽ biết được những nỗi buồn và những nỗi bất hạnh đang chờ đợi họ ở phía trước, họ sẽ biết được khi nào thần chết sẽ đến với họ... Mà con người ta thì lại không muốn sống trong sự chờ đợi những sự kiện không thể nào tránh khỏi. Khi đó, họ sẽ phát điên lên mất... Ngài sẽ nói cho ông bạn đồng hành của ngài chuyện này. Tôi sẽ không nói chuyện với ông ta đâu. Ngài muốn gì ở tôi nào ?

      Giring kinh ngạc. Làm sao mà mụ phù thủy tóc đỏ này lại có thể biết được mọi chuyện rành rọt như thế nhỉ. Lão vội vàng trình bày yêu cầu : lão cần xem biểu tử vi cho một người mà lão không thể nói tên ra.
     
      - Người này đã được một thầy chiêm tinh khác xem cho rồi, nhưng cần phải chứng minh lại — Giring nói.

      - Ông hãy để đấy cho tôi xem xem... Nếu người đó không có trong sách của tôi thì tôi sẽ không dấu ngài đâu... Tôi sẽ có thể phải trả giá đắt cho chuyện đó đấy...   
   
       Anna Krau dẫn Giring đi qua một cửa khác và lão đã gặp Panvit ở chân cầu thang. Mụ thầy bói làm đúng như lời mụ đã nói tức là từ chối nói chuyện với Panvit.

      Geints Panvit bắt đầu hỏi chuyện nhưng Giring xua tay :   
      - Tôi hoàn toàn không thể nào hiểu nồi... Mụ ta cần phải làm việc trong sở cảnh sát hình sự mới phải — Lão lúng búng.

      Vào ngày đã hẹn, Giring lại đến nhà mụ thầy bói. Mụ ta trao cho lão biểu tử vi và nói rằng mụ đồng ý với lời đoán của nhà chiêm tinh. Vị trí các ngôi sao trong ngày sinh của người chưa biết đó minh chứng cho số phận tương lai của con người này.




                                                                                                                                  ★  ★  ★




      Tại Béclanh, những đài phát bí mật lúc thì xuất hiện trên làn sóng, lúc lại biến mất trong một thời gian dài.

      Những đài phát này hoạt động trong khu vực Amstécđam...Thế là Giring đã quyết định tập trung lực lượng của mình trước hết vào quốc gia đang bị chiếm đóng. Nhưng bọn Đức không biết vị trí chính xác của những đài này ở đâu cả. Mãi sau này chúng mới tìm ra được nguyên nhân đáng buồn : Những chiếc máy định hướng mới chế tạo tại hãng "Liove Opta Radio” được gọi là điều kỳ diệu của kỹ thuật vô tuyến hiện đại đã chỉ hướng bát nháo và làm cho góc định hướng sai lệch đi có khi tới vài độ.

      Việc phát hiện ra những khuyết tật của loại máy này hoàn toàn là do chuyện tình cờ : Khi bọn Đức dùng chúng định hướng thử một đài vô tuyến có thể trông thấy được từ mọi phía thì máy lại chỉ vào một căn nhà nào đó chứ không phải là nơi có đài vô tuyến...   

      Nhưng những việc xảy ra với máy móc lại chẳng tình cờ chút nào. Ít nhất cũng có ba nhân viên trong hãng thí nghiệm quân sự "Liove Opta Radio” có quan hệ với nhóm của Sunxe Kharô Bôiden... Trong số đó có một kỹ sư bốn mươi tuổi có bằng cấp — tiến sĩ khoa học kỹ thuật Hanxơ Henrich Kumêrốp công tác trong phòng phát minh khoa học của hãng này. Ngay từ những năm trước chiến tranh Kumêrốp đã gắn bó đời mình với nước Nga Xô viết. Là một người căm thù sâu sắc chủ nghĩã quốc xã, Kumêrốp đã cống hiến sức lực của mình để tạo điều kiện giải phóng nước Đức khỏi ách phát xít. Khi thiết kế các máy định hướng, người kỹ sư lành nghề này chỉ cần nghĩ cách lắp sai một chi tiết nhỏ làm cho hướng sóng vào lệch đi. Thế là bao nhiêu công lao tìm kiếm của bọn tay chân của Giring đều đổ xuống sông xuống biển tất.   

     Bọn Đức lại đưa những máy đó về Béclanh để chỉnh lại. Thời gian cứ trôi đi... Để tìm kiếm những đài phát bí mật, bọn Đức đã sử dụng cả máy bay trinh sát "Storkh” quần tới quần lui trên thành phố tại những nơi các máy định hướng đã thông báo. Nhưng những chuyến bay đó cũng chẳng đem lại kết quả gì cả. Đài phát như có bùa phép vẫn tiếp tục hoạt động. Việc nhóm của Giring lần theo được dấu vết của "kẻ chơi piano ” bí mật chỉ là do một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên.




       3.




     Trên một phố vắng chạy thẳng đến gần đại lộ thành phố có một ngôi nhà của hai người phụ nữ trẻ sống độc thân. Họ đều là người Pháp. Những người hàng xóm xứ Flamăng câu nệ, sùng đạo bắt đầu để ý thấy có những người đàn ông thường tới thăm hai cô gái này. Chẳng lẽ lại có một ổ chứa mọc lên ở ngay sát nách mình như vậy sao ? — Nhửng kẻ đạo đức giả nghi kỵ. Nếu đúng vậy thì tại sao chúng nó không sống quách ở phố chợ cho rảnh. Ở đấy thì ngay đến cảnh sát cũng chẳng buồn để ý đến nữa là... Những hạng người đẹp tô son trát phấn, dễ dãi ngồi bên khung cửa, giả bộ đọc sách hay đan lát thì đầy rẫy trên phố chợ. Bọn người này tha hồ làm mưa gió và cảnh sát thì làm ngơ, miễn là có một tấm rèm che cửa là được. Còn ngay tại đây trên một đường phố lịch sự như thế này ư.. Làm vậy thì coi sao được !

      Một gã hàng xóm người Flamăng bị vợ thúc đã đến sở cảnh sát để thưa chuyện. Viên cảnh sát khu vực ghi nhận lời khai báo của tay người xứ Flamăng nọ và quyết định kiểm tra xem những cô gái trẻ người Pháp kia làm gì. Lúc đó, hai nhân viên Giéttapô thuộc nhóm của Giring cũng có mặt trong đồn. Tại sao lại không lợi dụng ngay cơ hội này để hoạnh họe, khám xét nhà nhỉ? Chính đâu đó trong khu vực này có cái đài phát khốn khổ đang hoạt động kia mà...

      Cuộc đột nhập ban đêm thật như sét đánh ngang tai. "Hai cô người Pháp” — Xôphia Pốtnăngca và Rita Ácnun đã đi ngủ rồi thì cảnh sát ập tới. Căn phòng của Pốtnăngca không có gì đáng ngờ cả : một căn phòng sinh viên giản dị, sách vở chất đầy trên bàn. Nơi ở của Rita Ácnun cũng thế, chỉ có điều là không có sách. Nhưng khi mở cánh cửa nặng chịch trên tầng hai ra, bọn Giéttapô đã trông thấy một thanh niên vạm vỡ đang hấp tấp xé những tờ giấy gì dó. Người này đánh diêm và đốt chúng ngay trên nền nhà. Bọn Giéttapô đổ xô đến, túm tụm dập lửa. Lợi dụng cảnh hỗn độn, người thanh niên đã bỏ chạy nhưng ra đến phố thì bị bắt. Một cuộc đọ sức đã diễn ra, người thanh niên khỏe mạnh đánh trả lại bọn cảnh sát, nhưng cuộc xô xát không cân sức. Anh đã bị chúng bắt, còng tay lại và giải đến sở Giéttapô. Đấy là Kamin.

      Xôphia Pốtnăngca — cô gái tầm thước, tóc đen tỏ ra bình tĩnh nhưng Rita Ácnun người đứng tên chủ nhà thì tái mét như người mất hồn. Cô ta run rẩy và khóc nức nở. Khi bị đưa lên nhà trên, cô ta nói với tên Giéttapô áp tải :
      - Tôi đã biết như vậy mà...Tôi đâu có muốn như thế cơ chứ ! Họ đã lôi kéo tôi vào tổ chức...
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2020, 05:10:40 am »



       Vào tổ chức nào ? Câu hỏi này làm Ácnun tịt mít chịu không sao trả lời được. Cô ta không biết gì hết. Việc làm của cô ta chỉ là dọn dẹp trong phòng, đôi khi chuẩn bị bữa ăn trưa. Nhưng còn Kamin — Rita không biết tên thật của anh—hàng ngày đến nhà họ, thỉnh thoảng, ngủ lại và ngồi hàng giờ bên cạnh chiếc đài vô tuyến. Có khi anh đến cùng với một hiệu thính viên tên là Cáclốt — đúng là Cáclốt Amigô. Đấy là tất cả những gì mà Rita biết được.

      - Hết rồi chứ ? — tên Giéttapô hỏi.

      - Không, chưa hết đâu ạ ; Rita Ácnun khẽ trả lời -  Hãy tìm trong tường gần gường ngủ của Pốtnăngca... Các ông sẽ còn thấy... .

      Bọn chúng bắt đầu kiểm tra giấy tờ của hai người bị bắt. Xôphia Pốtnăngca đưa hộ chiếu của mình ra —người Pháp sinh tại Boócđô. Nhưng khi cô bắt đầu nói thì bọn Giéttapô hiểu là cô không phải là người Pháp.

      - Pháp gì mày — một tên cảnh sát nói — Ăn nói ngắc nga ngắc ngứ...

      Thế là Xôphia không trả lời thêm câu nào nữa. Cô đứng yên, mặt đanh lại. Trong lúc nhà bị lục soát, cô chỉ thảng thốt hơi nhô người về phía trước khi bọn cảnh sát dịch giường gõ gõ vào tường. Chúng đã phát hiện ra hộp thư mật trong tường. Cánh cửa nhỏ được ngụy trang dưới lớp gỗ ốp chân tường ăn thông vào một căn buồng nhỏ chất đầy các chai đựng hóa chất. Trong buồng có đèn đỏ giống như một phòng làm ảnh để tráng phim và rửa ảnh. Ở đây còn tìm thấy một số bản mẫu để làm hộ chiếu và ảnh để  làm chứng minh thư. Trên một bức ảnh là hình một người đàn ông oai vệ đầu ngẩng cao một cách kiêu kỳ, trên tấm thứ hai là một người khác trẻ hơn, miệng rộng tai vểnh.

      - Đây là ai ? — Giring chỉ vào những tấm ảnh hỏi Pốtnăngca. Bọn Đức hỏi cung riêng từng người một -  Tôi không biết...

      Rita Ácnun thì lại trả lời :
      - Đây là ông chủ của chúng tôi, ông ta rất ít khi đến đây và tôi cũng chưa nghe thấy nói đến tên ông ấy bao giờ... Còn đây là Grin, người này thường hay đến đây hơn. Anh ta có một cô bạn gái cao đẹp, tóc vàng — Ácnun hấp tấp trả lời rõ từng câu hỏi một.

       Xôphia hai mươi lăm tuổi. Cô rời Ba lan vài năm sau khi cha mẹ mất. Tại Pháp, một người bác, anh trai của mẹ cô, đã tìm ra cô. Đấy là người thân duy nhất còn lại của cô, một ông bác giàu sống cô độc. Ông bác đã mời Xôphia ở lại làm con gái nuôi của mình. Ông ta rất giàu và nếu cô ở lại thì cô sẽ không phải thiếu thốn thứ gì hết. Nhưng Xôphia đã chọn cho mình con đường hoạt động đầy nguy hiểm và khó khăn chứ không phải là cuộc sống trên nhung lụa tại một biệt thư riêng trên bờ sông Lađun. Cô muốn giúp đỡ nước Nga Xô viết, đất nước mà cô cũng như các đồng chí hoạt động bí mật khác coi là tổ quốc thứ hai của mình.

       Còn bây giờ thì cô đã bị bắt...

       Bọn Đức đưa hai cô gái vào nhà tù. Giring lệnh cho bọn lính tổ chức phục trong nhà hai cô gái. Hắn ra lệnh cho bắt tất cả những ai tình nghi đến nhà đó. Nếu cần thì gọi điện cho Giéttapô, cảnh sát sẽ tới ngay.

      Sau khi đã lấy đi những tờ giấy cháy dở ghi đầy những hàng chữ số, ảnh chụp hộ chiếu, lão cố vấn hình sự ra khỏi căn nhà. Lúc đó đã gần sáng, tháng mười hai trời sáng chậm, ngoài đường vẫn còn tối om.

      Sáng sớm có ai đó bấm chuông căn nhà bọn Giéttapô đang mai phục. Cửa mở ra đón khách và một tên Giéttapô lập tức chặn ngay lối ra nhưng đấy lại là chủ của ngôi nhà này đến thúc hai cô gái trả tiền nhà. Bọn Giéttapô không chịu tin lời ông ta, và bắt giữ ông ta lại đòi kiểm tra giấy tờ, một tên nhân viên của Giring theo ông ta về đến tận nhà. Tất cả đều đúng như lời ông ta nói, chúng liền tha cho ông chủ người Flamăng, vừa bị một phen hoảng hồn và ra lệnh cho lão phải giữ mồm giữ miệng.

      Nối gót ông chủ cho thuê nhà là một người bán hàng rong mang một làn lớn đựng đầy thức ăn. Người này nhận ra người bán hàng ở quầy thực phẩm bên cạnh đó và thề rằng anh ta cần gặp bà chủ nhà vì bà ta đã đặt mua thịt thỏ và cá tươi ở cửa hàng của mình. Bọn Giéttapô nói với anh ta là chủ nhân không có nhà. Người bán hàng rong, một thanh niên hết sức khờ khạo lại hỏi xem chủ nhà đi đâu mà sớm vậy.   

      - Bà chủ đã nói với tôi là bà ấy nhất định sẽ có nhà mà. Thứ ba nào tôi cũng đến đây, bây giờ thì tôi biết quẳng cái chỗ thịt thỏ này vào đâu bây giờ...

      Người bán hàng rong nói tiếng Đức không sõi tự xưng là Cáclốt Amigô từ Urugoay tới đây để tìm kiếm công ăn việc làm nay bị mắc kẹt ở đây…

      Lại không phải là người cần bắt !...Bọn Giéttapô đưa người Urugoay đến gặp chủ nhà. Ông này cũng khẳng định đúng anh ta làm việc tại cửa hàng cạnh đấy và thường đem thực phẩm đi bán...

       Amigô chuồn ngay ra phố. Trời lạnh hay đấy là cơn sốt thần kinh của anh trước tình thế căng thẳng vừa qua... Nguy hiểm đã qua nhưng làm sao anh lại có thể thoát ra được nhỉ ? Nhưng biết đâu đấy bọn Giéttapô rất có thể thay đổi ý định và bắt anh quay trở lại thì sao...   

       Amigô đi tới góc phố và dừng lại ở đấy. Anh không thể rời bỏ cái đường phố đen đủi này bây giờ được — Vài phút nữa, Ximens sẽ phải tới đây. Ximens còn có tên là Khôde. Amigô còn biết rằng cả Điure cũng sẽ tới đây vì Điure cần phải giới thiệu anh với Khôde... Bỗng Amigô trông thấy Điure ngoài ngã tư đường phố... Điure đang đi đến ngôi nhà mà "người bán hàng rong” vừa thoát khỏi. Thoáng một cái, Điure bị che khuất vì dòng xe chạy trên đường nhưng rồi anh lại hiện ra. Amigô chạy đuổi theo anh và nói to lên :
     - Nguy hiểm đấy ! Đằng đó có bọn Giéttapô đấy. Tôi còn chờ Ximens... Cậu đi đi !

     Họ đi bên nhau một lát làm như hai người không quen biết cùng đi về một hướng.
      - Chúng ta sẽ gặp nhau tại đâu ?

      - Tại đây, tại ngã tư này, một lát nữa…

      - Grin có biết không ?

      - Có lẽ là không đâu.

      - Cậu nên đi đi là hơn..Hãy gọi điện cho anh ta và báo cho anh ta biết là tôi sẽ đợi anh ta tại Gơrănglát sau một tiếng nữa nhé, chỗ tiệm cà phê ấy. Anh ta biết đấy...   

      Họ chia tay nhau, Điure rẽ vào một hiệu bán thuốc lá, mua thuốc rồi đi ra. Anh liếc nhìn đồng hồ chờ đợi. Nơi anh đang đứng chỉ cách căn nhà bị bọn Giéttapô phục chỉ có vài chục mét thôi mà anh không thề bỏ đi được.

      Trong cuộc sống có những giây phút quyết định tất cả...Bây giờ đây chính là một trong những giây phút như thế...

       Điure đứng dưới cột đèn mắt chăm chăm nhìn sang đường phố bên kia. Và kia rồi , anh đã trông thấy Khôde đi thủng thẳng bên kia đường phố. Điure vội vã đuổi theo vượt ngang lên trên và nói vội vã :

      - Hãy đi theo tôi. Nguy hiểm đấy !

      Khôde đứng dừng lại bên góc phố thờ ơ nhìn lên tấm biển ghi ở đó và làm ra vẻ như chợt nghĩ ra điều gì rồi bước đi tiếp theo chân Điure.

      Họ đi như vậy qua mấy căn nhà. Điure đi chậm lại. Khôde rảo bước đuổi kịp anh.

     - Bị đổ vỡ rồi — Anri Điure nói — Không hiểu tại sao lại như vậy. Hãy phát tín hiệu cho tất cả trốn đi. Hãy dừng phát tin... Cậu chịu trách nhiệm về thư viện. Mang tất cả sách ở trong nhà đi cậu hiểu chưa ? Đừng để sót lại một quyển nào cả...Nhưng không phải bây giừ, ở đó đang bị phục kích.

     Anri Điure đã nói về những cuốn sách dùng làm chìa khóa giải mã điện tín.

     - Cậu có đem thứ mà cậu đã hứa đến không thế ?— Điure thay đổi thái độ, hỏi.

      - Tất nhiên rồi... Các căn cứ tàu ngầm của Đức.. Vị trí, bố trí và số lượng tàu. Đúng như đã hứa. Số liệu chính xác— tôi đã lặn lội khắp bờ biển để tự kiểm tra — Ximens Khôde lấy trong túi ra một tập giấy đầy những dòng chữ và sơ đồ phác họa bằng bút chì.

     - Với những thứ "chất nổ” này cậu đã có thể bị tóm cổ rồi đấy ! — Điure càu nhàu. — Chỉ còn thiếu nước là cậu đem nó vung ra đường phố nữa thôi...

      - Thôi, cậu hãy cất nó vào túi đi. Cậu giữ thì chắc hơn mình. Hai viên đạn không bắn trúng một con quạ đâu — Ximens nói đùa. Bất cứ trong tình huống nào anh cũng bình tĩnh và pha trò được…..
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #116 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2020, 08:25:30 am »

     

      4.



      Khi Khôde đi khuất khỏi cổng. Anri Điure đi vào một quầy điện thoại gần đấy nhất gọi điện cho Grin đề phòng mọi trường hợp bất trắc. Anh không tin là Amigô đã kịp làm việc này. Anh đã dùng một câu quy ước để báo cho Grin biết về mối nguy đang đe dọa.

      Nhưng Grin đã biết...
      - Tôi biết rồi...Hai chúng tôi sẽ... Grin nói và đặt ống nghe xuống.

      Hai chúng tôi ?...Như thế lại càng thêm phức tạp. Nhưng biết làm thế nào bây giờ ? Grin cần phải đi ngay. Mà anh ta đã đi là phải kéo theo cả Inêxa... Grin sẽ không để cho cô ta ở lại một mình. Nhưng nếu như căn nhà này đã bị bọn Giéttapô theo dõi rồi thì sao nhỉ? Cần phải mạo hiểm ! Nhưng biết nói thế nào đây khi có mặt Inêxa, một người hoàn toàn không biết tí gì về công việc của họ...

      Theo như câu chuyện ngụy trang thì Grin là con của một gia đình khá giả sang châu Âu để học nghề buôn bán. Trong hoạt động bí mật, Grin thực hiện những nhiệm vụ độc lập khác nhau. Là hiệu thính viên nhưng ít lâu sau, anh ta bắt đầu kêu ca không hợp với công tác kỹ thuật và nói thà rằng cứ giao cho anh ta một nhiệm vụ gì đó khó hơn mà lại hóa hay. Khi đó tổ chức đã để cho Grin đóng vai một người có cổ phần trong một hãng thương mại, sau đó chuyển sang làm giám đốc thay cho Đe Krus.

      Grin đã làm quen với Inêxa cách đây gần một năm.

      Là một người Tiệp khắc sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, Inêxa đã sống tại Bengơrát trước chiến tranh và lấy chồng ở đó. Chồng cô ta là một nhà kinh doanh giàu có đã luống tuổi. Sau đó Inêxa theo chồng sang đây. Mấy tháng trước khi Hà Lan bị xâm lược, chồng cô ta chết. Vào những ngày đầu chiến tranh, mỗi khi có máy bay oanh tạc, Inêxa đều chạy xuống núp dưới hầm trú ẩn. Tại đây cô ta đã quen với một thương nhân trẻ là Grin. Lần đó Inêxa đã mang theo một chiếc va-li con nặng xuống hầm trú ẩn. Grin đã xách giúp cô ta chiếc va-li về đến tận nhà.

     Grin trình bày mọi việc với các đồng chí trong tổ chức bí mật khi Inêxa đã trở thành vợ mình. Nói chung, những chuyện như thế không được chấp nhận trong hoạt động bí mật. Grin đã tỏ ra vô kỷ luật, không báo cho một ai biết về việc riêng của mình. Nhưng cũng may là mọi chuyện đều trót lọt — Grin được giao việc buôn hàng thuộc địa bên cạnh cô vợ xinh đẹp trong giới thượng lưu….

      Trời bắt đầu tối dần, thời tiết xấu đi. Mưa tuyết rơi lâm thâm. Trước khi rẽ vào quán cà phê. Anri Điure dừng dưới mái cổng bên cạnh như đứng trú mưa. Vào giờ đã hẹn, anh trông thấy Grin đi  cùng cô vợ người cao, tóc vàng diện áo măng tô có mũ lông mới nhất thời bấy giờ mặc dù đang có chiến tranh.

     Họ gặp nhau ở chỗ gửi áo mũ. Inêxa lo rũ những hạt tuyết bám trên mũ. Họ cùng nhau đi vào phòng.

      - Có chuyện gì xảy ra thế ? — Grin kéo ghế cho Inêxa và ngồi xuống hỏi.

      - Chẳng có gì đặc biệt cả... Áp-phe cuối cùng của chúng ta trên chợ đen đã bị cảnh sát biết mất rồi.

     Inêxa không biết gì về công việc của họ nên Anri mượn chuyện về "công việc làm ăn buôn bán” của hãng để nói. Inêxa cũng không biết tên thật của Grim. Theo sự hiểu biết của cô ta thì chồng mình là một thương nhân mới vào nghề, là con của một nhà giàu có. Grin hiểu và bắt đầu hỏi về chuyện làm ăn xui xẻo.

      - Anh không được quay về nhà nữa... Không biết rồi đây sẽ diễn biến ra sao.

      Điure cần phải đi ngay để kịp chuyến tàu tới. Trước khi đến giờ thiết quân luật, anh còn phải làm thêm một số việc nữa. Họ trả tiền cho chủ quán. Họ đáp xe ra ga nhưng tàu vừa chuyển bánh. Một tiếng rưỡi nữa mới lại có tàu và cũng là chuyến cuối cùng. Anri quyết định kiểm tra xem bọn Giéttapô có biết nhà của Grin không. Cạnh nhà Grin đã có những chiếc xe không bật đèn đứng chờ trên đường phố, trong bóng đêm có những bóng người đang đi đi lại lại.

      Trong đó Grin rẽ vào quán cà phê gọi điện thoại về nhà. Trong ống nghe có một giọng đàn ông trả lời bằng tiếng Đức. Grin bỏ ống nghe xuống — trong nhà đã có bọn Giéttapô.

      Grin và Inêxa trốn trong nhà mật. Anri quay lại ga và kịp vào toa trước lúc tàu chạy.

      Anh thức trắng cả đêm, suy nghĩ, phỏng đoán, hồi tưởng lại những tình huống có thể xảy ra trong tiếng bánh tầu hỏa lăn xình xịch trên đường ray.

      Thái độ của Grin đã làm cho anh lo lắng. Liệu có thể hy vọng vào anh ta được không ? Có thể là anh đã mắc sai lầm vì đã không kịp thời cắt đứt quan hệ giữa Grin và Inêxa. Nhưng bây giờ mới tính đến chuyện đó thì đã quá muộn mất rồi. Có lẽ quyết định đúng đắn nhất là đưa cả hai đi nơi khác.

    Tất nhiên Anri cũng đã thấy trước được khả năng đổ vỡ và đã có những biện pháp phòng ngừa - cấm hai trong số ba đài phát không được hoạt động. Nhưng như thế cũng không tránh khỏi đổ vỡ. Bây giờ chỉ còn phụ thuộc vào thái độ của những người bị bắt nữa mà thôi...Chủ yếu là Xôphia : cô ta là nhân viên mật mã, số phận của tố chức nằm trong tay cô ta. Ngoài ra còn Kamin nữa, anh ta cũng biết mật mã và biết nơi cất giấu đài phát dự bị. Riêng Rita Ácnun thì không đáng ngại, cho dù cô ta có khai gì đi chăng nữa thì cũng không đáng ngại. Cô ta không hay biết gì hết. Nguy hiểm nhất vẫn là việc Xôphia Pốtnăngca bị bắt. Không biết cô ta có chịu đựng nổi đòn tra khảo của bọn Giéttapô không. Không biết người phụ nữ gầy yếu, thiếu sự che chở đó sẽ xử trí ra sao.

      "Thật là lạ lùng — anh nghĩ —công tác bí mật và tình hình trên mặt trận hình như nằm trên những biên độ vô hình khác nhau — bên ấy đang thắng lợi còn bên này thì lại đang gặp phải khó khăn phức tạp”.

     Ngày 16tháng mười là ngày thắng lợi của "vọng gác” thì cũng đúng hôm đó, Mátxcơva phải trải qua những ngày gian khổ nhất — Bọn Đức đã đột phá gần đến chân thành. Hítle đã định ngày duyệt binh tại Quảng trường Đỏ…Những đội mật vụ, những toán lính càn quét đã sẵn sàng nối gót bọn lính chiến xông vào thành phố bị tàn phá... Điure đã thông báo cho trung tâm về những toán này rồi..Giờ đây khi quân Hítle phải rút lui, bên đó đang vui mừng hân hoan trước thắng lợi ban đầu thì bên này lại gặp phải thất bại, đổ vỡ... Đây tuyệt nhiên không phải là ảo tưởng. Đây là nguy hiểm thực sự. Cái chính bây giờ là cứu những người khác thoát khỏi nguy biến. Không được để cho bọn Giéttapô lần đúng theo dấu vết...

      Nhưng tại sao lại xẩy ra cơ sự này mới được chứ ?

      Điure chỉ chợp mắt được một lúc trước khi trời sáng.  Anh cảm thấy như chưa ngủ được tí nào cả. Tiếng nhân viên đường sắt thông báo làm anh chợt tỉnh. Tàu sắp tới ga và các hành khách đang chuẩn bị xuống hầm.

      Anri Điure căng thẳng chờ đợi...Một tuần, hai tuần rồi ba tuần...Anh đã tìm cách gần được bọn lính canh tù. Bọn cai ngục ở đấy là những người Flamăng. Nhưng không phải người Flamăng nào cũng theo Đức cả...

      Thế rồi anh đã nhận được một tin đau buồn : Xôphia Pốtnăngca đã tự tử...Sợ mình không chịu nổi cực hình, người nữ nhân viên cơ yếu nắm trong tay nhiều bí mật,Xôphia đã không dám mạo hiểm mà chọn cho mình cái chết...

      Cô gái ấy đã hy sinh...Đó là tổn thất đầu tiên sau một năm rưỡi đầy gian khổ của cuộc chiến đấu vô hình trên mặt trận thầm lặng. Cô gái đã chết nhưng không chịu khai một lời.

      Kamin cũng bị tra tấn dã man nhưng anh vẫn im lặng.

      Nhưng đúng là "họa vô đơn chí”, nhóm của Giring bằng máy định hướng đã phát hiện ra đài vô tuyến điện bí mật. Chúng đã tra khảo các hiệu thính viên nhưng tuyệt nhiên không moi được ở họ lấy một lời. Bọn đao phủ chỉ biết được mật danh của họ nhưng điều dó cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho chúng cả. Anri Điure đã biết về những cuộc hỏi cung đó và anh cũng biết về sự kiên cường của những người đồng chí của mình.

      Cáclốt Amigô "người Uruguay” chưa bao giờ đặt chân đến châu Mỹ la tinh cũng bị sa lưới. Anh là một thanh niên Nga sinh ra ở Vùng ngoại ô Mátxcơva nhưng đã dành phần lớn cuộc đời mình trên bờ sông Cliátma...

   Các "vọng gác” đã chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh cũng như những mất mát của các chiến sĩ ngoài mặt trận, nhưng cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục….
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #117 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2020, 07:33:07 am »

     


      5.   




       Trung tướng pháo binh Phôn Stumpơ, người tham dự cuộc ký kết hiệp định đình chiến với Pháp, đã có quan hệ thân thiết với Ôttô Stiunpnaghen, tư lệnh các lực lượng chiếm đóng. Ngay từ chiến tranh thế giới thứ nhất, những mối quan hệ thân hữu trên mặt trận đã làm cho hai viên tướng già thời quân chủ gắn bó với nhau. Giờ đây, số phận lại đưa cả hai vào Bộ Tham mưu các lực lượng chiếm đóng Đức. Vị trung tướng đã ở vào cái tuổi chiều tà xế bóng nên Béclanh sắp xếp cho Stumpơ một công tác tĩnh tại hơn trên đất Hà lan bị chiếm đóng.

     Tất nhiên hai viên tướng đã sống với nhau ngần ấy năm trời nên giữa hai người với nhau không có chuyện gì là bí mật nữa. Vì lẽ đó, nhân dịp Stiunpnaghen đến Amstécđam, phôn Stumpơ đã mời bạn đến chỗ mình để bàn một vấn đề tế nhị đã từng làm cho viên tướng pháo binh già nua lo lắng lâu nay.

      Giờ làm việc vừa chấm dứt trong khu vực của Bộ tham mưu, các sĩ quan với những lý do khác nhau đã chuồn khỏi doanh trại Hoàng gia, chỉ còn lại trực ban các phòng, phôn Stumpơ đã chọn giờ này cho cuộc gặp gỡ để không ai có thể làm phiền đến cuộc nói chuyện tin cậy giữa hai viên tướng già.

      Câu chuyện có liên quan đến đứa cháu, con bà chị gái của Stumpơ. Đó là Minda Sôntơ, người đã được Stumpơ thu xếp cho làm trong Bộ tham mưu của mình giữa một thành phố đầy rẫy những cám dỗ sau khi đã hứa với bà chị là sẽ bảo trợ cho đứa cháu. Minda không còn trẻ trung gì nữa nhưng trong gia đình không ưa nói chuyện về tuổi tác. Đùng một cái bỗng nhiên lại sinh chuyện. Con bé — Stumpơ hay gọi cô cháu gái đã tứ tuần của mình như vậy — con bé lại đem lòng yêu một thằng Nga sống lưu vong. Mà lại say "như điếu đổ” mới chết chứ...Nhìn chung mà nói thì cô cậu trông cũng có vẻ đẹp đôi. Nhưng xét cho kỹ thì quan hệ giữa chúng nó với nhau không được rõ ràng, chẳng biết thằng Víchto có mưu đồ gì không trong việc chọn con Minda. Hơn nữa Stumpơ còn lo là chuyện đó có thể dẫn đến chuyện thanh danh hắn bị xúc phạm và chính bản thân hắn mang vạ. Trong Bộ tham mưu, người ta đang thêu dệt đủ mọi thứ chuyện xung quanh việc này.
   
     - Đúng đấy, ông nói đúng đấy — lão Stiunpnaghen từng trải nói —không thể đem thanh danh của mình ra mà đùa được đâu. Ai cũng biết ông đối với con bé Minda đâu có phải là người dưng nước lã. Này, thế cái thằng ấy nó là người như thế nào, khá đấy chứ ?

      - Khỏi phải chê, còn một gia đình quý tộc cũ, là kỹ sư... Tôi không biết phải làm gì bây giờ — Stumpơ rầu rĩ nói tiếp — tôi không thể trực tiếp gặp cái thằng ấy để hỏi về ý đồ của nó. Chắc là nó đã rủ rê được con bé Minda. Nhưng nếu như nó là người đứng đắn thì nó phải làm rõ quan hệ ra chứ...

      - Tất nhiên rồi — viên tư lệnh đồng ý — Minda cần phải nói chuyện thẳng thắn với cái thằng ấy.

       - Tôi còn đang nghĩ xem hay là ta gọi mẹ con bé ấy đến đây! Đàn bà họ thông thạo chuyện này hơn cánh đàn ông chúng ta...

       Hai viên tướng già ngồi bên bàn, vừa nói chuyện vừa hút thuốc, uống rượu khá lâu...

      Mấy ngày sau, Víchto đến gặp Gram và kể cho anh nghe về tình thế khó xử mà anh đang gặp phải. Lão cậu của Minda không hài lòng về quan hệ úp mở giữa hai người sợ ảnh hưởng đến thanh danh của cô cháu gái.

      - Nếu cần thì cưới đi vậy — Gram thốt lên. Mắt anh ánh lên tia vui vẻ mặc dù anh đang nói về một vấn đề rất hệ trọng — Không thiệt đâu. Một nguồn như Minda không dễ gì mà kiếm được đâu.
 
      - Đúng thế — Vích-to lấy tay vân vê những sợi râu cằm của mình, tán thành—Minda bây giờ sẵn sàng chuyển cho tôi bản sao những tài liệu phải chuyển tới Béc lanh...Tôi rất hiểu chuyện đó. Nhưng lấy cô ta thì... Không, điều đó không thể được đâu...

      - Thế thì ta sẽ làm gì bây giờ ?

      - Có lẽ quá lắm là tuyên bố đính hôn — Vích-to đề nghị.   

    - Cũng hay đấy chứ —Gram đồng ý — Tôi tán thành. Nhưng ta còn phải chờ xem Maixete trả lời như thế nào đã...

       Câu chuyện đã diễn ra trước khi Amigô bị bắt. Thông qua Amigô, Gram đã nhận được ý kiến chấp thuận của Điure. Khi Kétrin gặp Vích-to, chị nói đùa :
      - Xin chúc mừng anh Vích-to nhé... Em mang lời chấp thuận việc đính hôn tới cho anh đây...

      Kétrin cười nhưng trong lòng chẳng vui chút nào. Víchto cảm thấy ngay điều đó.
      - Em nói thế làm gì kia chứ... Em đã hiểu tất cả mọi chuyện rồi cơ mà...

      Tất nhiên là Kétrin hiểu... Nhưng trái tim con người ta đâu có phải là sắt đá. Thật là phức tạp thay....!

       Vích-to đã trở thành nhân vật nổi danh trong số các sĩ quan tham mưu Đức. Anh đã được coi là cháu của tướng phôn Stumpơ, tư lệnh khu vực Amstéc- đam. Còn viên tướng này thì rõ ràng là có thiện cảm với cậu cháu rể. Các câu chuyện tin cậy, chân tình nhất giờ đây đã được bày tỏ khi có mặt Víchto.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #118 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2020, 12:11:15 am »

      

       Sau khi đính hôn được ít lâu, không rõ vì lý do gì tại nhà phôn Stumpơ đã có một cuộc tụ họp của các sĩ quan quân đội.

       Sau khi ăn uống xong, đám đàn ông đi vào phòng hút thuốc, tại đây tướng Stumpơ đã nói về tình hình trên mặt trận Đức — Xô. Chiến tranh ở phương Đông đã bước sang năm thứ hai nhưng nhiều việc đã xảy ra không đúng với dự tính của Bộ Tổng tham mưu. Các vị tướng già — những tinh hoa của quân sự Đức — đã không hài lòng với diễn biến của chiến dịch nhưng không nói ra miệng mà chỉ giải thích thất bại là do thái độ quá tự tin của Hítle. Phôn Stumpơ thận trọng mào đầu câu chuyện tránh đi thẳng vào vấn đề.

      — Chúng ta không thể và không nên chiến đấu trên hai mặt trận cùng lúc — hắn vừa rít xì gà vừa nói — Bixmắc đã dạy cho chúng ta điều này. Chúng ta không thể tiêu diệt được bọn bônsêvích nếu chưa ngừng cuộc chiến tranh không cần thiết với Anh và Mỹ... Cần phải tung hết lực lượng vào Nga và đập tan nó bằng hàng loạt những đòn tấn công quyết định…

       Vích-to hỏi :
       - Thưa trung tướng, ngài cho rằng cần phải ký kết hiệp ước hòa bình với phương Tây hay sao ạ ?

      - Hoàn toàn đúng như vậy đấy.

      - Nhưng ý Quốc trưởng lại muốn chúng ta tiến sang phía đông nhưng vẫn không ngừng chiến tranh với quân Anh. Liệu Quốc trưởng sẽ có thái độ như thế nào với ý kiến của trung tướng đây ?

     - Điều này dù Quốc trưởng có muốn hay không thì cũng vẫn phải làm — tưómg Stumpơ nói gay gắt.

      Câu nói do tên tướng bảo hoàng đặc sệt, Stumpơ phát ra đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Rõ ràng là viên tư lệnh khu vực Amstécđam đã trao đổi ý kiến với Stiunpnaghen, tư lệnh các lực lượng chiếm đóng của Đức tại Tây Âu. Các chiến sĩ tình báo rất nhạy cảm trước thái độ đối lập của các tướng lĩnh đối với Hítle. Chúng đã bàn với nhau là phải ký kết hiệp định hòa bình riêng rẽ với Mỹ, Anh và phối hợp cả hai nước này lập ra một mặt trận thống nhất chống Liên-xô.Giờ đây, điều này đã được tên tướng phôn Stumpơ bạn thân cùng chí hướng với Stiunpnaghen nói ra.

      Trước khi lao vào cuộc phiêu lưu, Hítle đã chỉ thị cho bọn tướng tá cùng phe cánh với hắn : "Mệnh trời đã định cho tôi thành người giải phóng vĩ đại nhất cho nhân loại. Trước bước ngoặt lịch sử này, tôi sẽ giải phóng cho con người thoát khỏi nhân tố kìm hãm trí tuệ, thoát khỏi con vật bẩn thỉu và thối rữa được mệnh danh là đạo đức và lương tâm. Tôi tạ ơn số mệnh đã ban cho tôi diễm phúc cao cả, đã buông trước mắt tôi một bức rèm không nhìn thấu được và như vậy đã giải phóng linh hồn tôi thoát khỏi thành kiến. Thiên nhiên thật là tàn nhẫn và vì thế chúng ta cũng có quyền tàn nhẫn. Nếu như tôi phái những tinh hoa của dân Đức vào nước sôi lửa bỏng, đổ máu phơi xương của những người Đức quý giá không thương tiếc thì tại sao tôi lại không có quyền tiêu diệt hàng triệu những kẻ thuộc chủng tộc hạ đẳng đang sinh sôi nẩy nở như những loài sâu bọ. Thưa các ngài, chiến tranh đưa đến sự chọn lọc tự nhiên, làm sạch trái đất khỏi những chủng tộc hạ đẳng không đủ giá trị. Và nếu nói hơi triết lý một chút thì Nhà nước chính là sự thống nhất của những người đàn ông nhằm mục đích chiến tranh…

      Lãnh thổ Ba-lan sẽ bị làm cỏ sạch sành sanh, dân ở đó sẽ bị tiêu diệt hết và thay bằng người Đức. Hiệp ước với Ba-lan chẳng qua chỉ là để tranh thủ thời gian mà thôi. Hiệp ước quốc tế cũng chỉ nhằm mục đích đó. Rốt cuộc, thưa các ngài, điều này rồi cũng sẽ xảy ra đối với bọn Nga như tôi đang làm với bọn Ba lan”…..

      Cuộc chiến tranh do Hítle gây ra đã lôi cuốn vào quỹ đạo của nó hơn sáu mươi nhà nước trên thế giới với số dân là một tỷ bẫy trăm triệu người, chiếm bốn phần năm số dân toàn thế giới. Trong một năm rưỡi đầu của chiến tranh, Hítle chỉ thấy toàn chiến thắng là chiến thắng. Ba-lan, Na-uy, Đan-mạch, Hy-lạp, Hà-lan, Bỉ... Toàn bộ Trung-Âu với tiềm năng kinh tế, quân sự khổng lồ đều nằm dưới gót giầy của chủ nghĩa phát xít. Đêm dài nô lệ và ách áp bức phát-xít đã bao phủ khắp châu Âu. Trong các Bộ tham mưu quốc xã, các tướng lãnh Đức đã vạch ra sáu tuần lễ cho chiến dịch tấn công chinh phục nước Nga. Sáu tuần thôi... và sau đấy sẽ là kỷ nguyên ngàn năm đô hộ trên toàn thế giới, kỷ nguyên của Đế chế Đại Đức…Những ước mơ sẽ được thực hiện chỉ trong sáu tuần nữa mà thôi…

      Cuộc tấn công vào nước Nga đã xảy ra vào một đêm ngắn nhất của năm 1941 — tức là vào ngày 22 tháng sáu.

      Trên đất châu Âu bị xâm lược, người ta đã đón nhận tin này với những thái độ khác nhau — lo âu và hy vọng. Lo âu vì số phận của nước Nga — Liệu nước Nga có thể đứng vững được hay không hay rồi lại cũng lâm vào cảnh như Ba lan, Pháp hoặc một số nước bị xâm lược khác... Còn hy vọng ư, hy vọng vì nước Nga sẽ đến giúp đỡ họ... Cần phải đấu tranh!

      Lúc bấy giờ những người dân của châu Âu nô lệ bị bọn phát xít Đức bất ngờ xâm lược mới bắt đầu thức tỉnh, hồi phục lại sau cơn choáng váng, hoang mang và tuyệt vọng. Cuộc sống dưới ách nô lệ phát-xít có khác gì một cơn ác mộng. Giờ đây đã bắt đầu một cuộc đấu tranh bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân. Cầm đầu phong trào kháng chiến là những người cộng sản của các nước bị chiếm đóng; mà tại đó chỉ riêng việc có liên quan đến đảng của giai cấp vô sản đã đủ để người ta bị mất đầu rồi.

      Tư lệnh các lực lượng chiếm đóng tại châu Âu tướng Stiunpnaghen đã ký lệnh :

      ”Giải tán đảng cộng sản Pháp và cấm mọi hoạt động cộng sản khác. Mọi kẻ tham gia hoạt động hoặc tuyên truyền cộng sản đều là kẻ thù của Đức. Hình phạt giành cho những kẻ đó là tử hình”…

       Những thông cáo tương tự đã xuất hiện trong tất cả các nước bị chiếm đóng, được đăng trên báo, dán trên tường, phát đi trên đài.

      Tại Pháp, tên nguyên soái già nua Pêtanh theo đuôi bọn quốc xã đã "giải tán” đảng cộng sản. Người ta đã nói lái câu "không thể thiêng liêng hơn Đức giáo hoàng La mã” để ám chỉ về hắn : "tên nguyên soái phản bội còn tàn ác hơn quỷ ác Venđơvun”.

       Cuộc đấu tranh đã chịu những tổn thất đầu tiên.  Đã có những vụ bắt bớ tử hình xảy ra. Danh sách của những con tin không thoát khỏi cái chết đã được lập sẵn. Một trong những người cộng sản bị bắt đầu tiên là Gabrien Pêri... Người phụ nữ Pháp đầu tiên bị kết án tử hình là Mari Diubua. Chị đã hy sinh bên máy chém. Nhưng cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục. Các chiến sĩ chuyển sang hoạt động bí mật như Môris Tôredơ, Giắc Diuclô... vẫn lãnh đạo phong trào kháng chiến chống phát xít.

      "Iren yêu quý — Boris viết — Hãy tha lỗi cho anh vì anh đã hành động như vậy... Khi anh ôm hôn em, anh đã biết là anh sẽ vĩnh biệt cõi đời từ ngày hôm nay. Nhưng anh phải nói thực với em là anh tự hào với nhân vật mà anh nhập vai. Em có thể thấy được anh không run sợ mà vẫn tươi cười như thường. Anh đến với cái chết một cách bình thản, có thể là với đôi chút luyến tiếc nhưng anh không hề có một chút gì vẩn đục trong lương tâm, không hề có một chút gì là sợ sệt.

      Em thân yêu, em hãy tin rằng anh vẫn còn sống. Hãy giữ lấy chiếc nhẫn cưới mà anh đã trao cho em — đấy là kỷ niệm cuối cùng của anh tặng em. Anh đã hôn nó trước khi anh tháo ra đưa lại cho em.

     Có lẽ anh đã nói với em tất cả rồi. Đã đến lúc anh phải đi. Anh đã gặp các bạn của anh, tất cả đều rất vững vàng. Điều đó làm anh vui sướng.

     Cám ơn tất cả những gì cuộc sống đã giành cho anh”.


     Bức thư được viết trên hai tờ giấy mà Iren đã xé ở vở ra cho Bôris trước lúc đi.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #119 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2020, 12:54:09 am »

     

      Sau khi Amigô bị bắt, Pitơ Gram trực tiếp gặp Kétrin. Anh đang bị xúc động và lo lắng trước những việc đã xẩy ra. Kétrin đã kể lại tỉ mỉ cho anh nghe. Pitơ có cảm giác như mình bị nghẹt thở.

     - Thế sau khi Bôris bị bắn thì cô có đến đằng nhà anh ấy không ?

      - Không, chỉ có Valentina thôi...Bà ấy chỉ gặp Êvêlin ở nhà.

     - Thế thì có gì là khác đâu cơ chứ…tất nhiên là bọn Giéttapô sẽ theo dõi tất cả những người thân của Bôris... Ngoài ra lại còn cả Iren nữa.

      - Vâng... nhưng tôi tin rằng không một ai biết gì về tôi đâu..

      - Dù sao chăng nữa thì cô vẫn cứ phải cắt đứt quan hệ với Víchto và chị gái của anh ta đi... Cắt đứt hoàn toàn. Chúng ta sẽ gặp nhau theo quy ước. Nhưng cô sẽ không chủ động trong việc này. Tôi hoặc một đồng chí khác sẽ tìm cô. Tình hình bây giờ rất nghiêm trọng đấy Kétrin ạ...

     Gram chia tay với Kétrin lòng đầy lo lắng trước những linh cảm chẳng lành. Anh truyền đạt lại cho Điure về những chuyện đã xẩy ra. Câu chuyện của Gram cũng làm cho Điure lo lắng.

     Từ lúc Amigo bị bắt, Điure đã thay đổi nhà ở để đề phòng mọi bất trắc, anh giao nhà cũ lại cho người của mình theo dõi. Đã mấy tuần trôi qua kể từ vụ đổ vỡ của Amigô nhưng vẫn chưa thấy có động tĩnh gì đáng ngờ cả. Điure đã có thể được an toàn nhưng... Chính cái ’’nhưng” đó làm anh thận trọng...   

      Điure và Gram đi đi lại lại trong đám đông hành khách trên sân ga, vừa đi vừa nói chuyện.
      - Chúng ta thỏa thuận với nhau thế này nhé — Điure nói — trước lúc gặp nhau cậu hãy chú ý nhìn lên bức tường cạnh phòng gửi hành lý này nhé... Chẳng hạn ở chỗ này nhé. Mọi ký hiệu bằng bút chì là dấu hiệu có nguy hiểm đấy.

     Điure dừng lại cạnh chỗ gửi hành lý và bật diêm châm thuốc hút rồi dụi que diêm đã tắt vào một chỗ tường nhô ra khuất trong bóng râm làm hiệu cho Gram. Sau đó anh ném que diêm vào thùng rác và họ lại đi tiếp.

     - Hãy liệu xem, không để cho Kétrin gặp bất cứ ai...   

     Tối hôm đó, Pitơ Gram đã báo Điure biết tin về tình hình gia đình mình. Niềm vui xen với nỗi lo — Lôta sắp sinh cháu.
      - Mình đang nghĩ xem nên đưa cô ta đi đâu bây giờ... Đã bao năm nay bọn mình chờ đợi cái tin này đấy...Vậy mà khi nó đến thì lại không đúng lúc chút nào cả...

      - Cậu nên đưa cô ấy đến một nhà nghỉ dành cho phụ nữ nào đó xem sao - Điure đề nghị — ở nơi nào đó vắng vẻ xa xa thành phố một chút.

      - Có lẽ rồi cũng đến phải làm như vậy mất thôi…





                     
                                                                                                 CHƯƠNG IV - BÁO CÁO TỪ LÒNG ĐỊCH




       1.




       Niềm vui sướng to lớn và thầm lặng đang tràn ngập... Quân đội Liên xô đã đánh tan quân đội phát xít Đức tại ngoại ô Mátxcơva ! Té ra suốt tuần qua, ở đấy đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhưng Mátxcơva không vội loan tin thắng lợi mà chờ cho đến lúc có tin chắc chắn. Và đây là thông báo của hãng thông tấn Liên xô : "Quân địch đã bị tổn thất nặng nề, các lực lượng Liên xô đang tiếp tục tấn công...”

       Tâm trạng bứt rứt mối lo đè nặng trong lòng đã được thay bằng niềm vui rạo rực và thầm kín. Sanđô sợ mình sẽ để lộ nỗi xúc động trước mặt người thợ vẽ trong "Geopress”, người mà anh đã giao cho việc chuẩn bị bản đồ vùng ngoại ô Mátxcơva, nơi các cuộc chiến đấu đang diễn ra. Đã từ lâu, nhà khoa học đồ bản Sandô Rađô mới lại làm việc hăng say như trong cái ngày mùa đông của tháng mười hai này. Anh tự vẽ bản đồ ngoại ô Mátxcơva, tự tay viết tên các thành phố Nga đã được Hồng quân giải phóng — Đmitrốp, Malôiarôxlavet, Môđaixk, Kali¬nin... Anh chuyển bản đồ cho người thợ vẽ và giục anh ta làm nhanh để kịp đưa đến cho các nhà xuất 'bản đã đặt hàng "Geopress”. Anh tự hào cảm thấy mình cũng góp phần vào chiến thắng tại miền đất phương Đông xa xôi cách biên giới Thụy-sĩ hàng nghìn kilômét.

       Vào những ngày này Piuntơ đã chuyển cho Sanđô lời chúc mừng của Lông và cả lời xin lỗi của ông ta vì đã có lúc tỏ ý nghi ngờ.

      Lông là một nhà báo Pháp trước đây công tác trong Bộ Tổng tham mưu Pháp, từ nhiều năm nay làm phóng viên tại Béclanh. Sau khi Pháp thất bại, Lông đã chạy sang Thụy sĩ chờ cơ hội để đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Lông đã đồng ý hợp tác với nhóm của Rađô mà không hề do dự.Lợi dụng những mối quan hệ cũ, Lông đã thu nhập được nhiều tin tức quan trọng.

       Sanđô duy trì liên lạc với Lông qua Piuntơ, vì thế nhà yêu nước Pháp không biết anh mà chỉ nghe đồn về Anbe. Nhưng bỗng một hôm khi Hồng quân phải rút thì chính Lông đã nói với Piuntơ rằng ông ta gặp người phụ trách tình báo Liên xô tại Thụy sĩ.

      - Để làm gì kia chứ ? Piuntơ ngạc nhiên hỏi.

     - Có những mối nghi ngờ đã hoàn toàn chi phối tôi... Hồng quân đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Hítle sắp sửa tấn công Mátxcơva. Hắn đã định ngày duyệt binh trên Quảng trường Đỏ… Vậy thì tiến hành công tác tình báo làm gì nữa khi sức mạnh quân sự thô bạo đã quyết định tất cả. Mà sức mạnh này lại thuộc về Hítle…Tôi muốn là người thành thật và trước khi rút phải nói với người đứng đầu..với Anbe.

      Piuntơ đã chuyển yêu cầu của Lông cho Sanđô.

      Sanđô suy tính : anh không thể trực tiếp gặp gỡ Lông được. Nhưng mặt khác không thể để mất một người như Lông. Cuối cùng anh đã đi đến quyết định là gặp Lông.

     Họ gặp nhau tại Bécnơ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM