Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:33:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66340 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #100 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2019, 03:38:13 pm »

 

      …. Ôđa đã lim dim ngủ trên ghế xa lông.

     - Anh dùng cà phê nhé ?— Cô nhỏm dậy hỏi.

      - Không, cám ơn ! Anh đi đây, trời sắp sáng rồi. Sao em không đi ngủ đi, thức dậy làm gì kia chứ — Anh thu ăng-ten, đóng vali lại và cho vào tủ đựng quần áo — Chúc em ngủ ngon!

      - Thế còn cái này thì sao ? — Ôđa chỉ vào những tờ giấy ghi mã số nằm trên bàn để máy phát.

      Kharô gấp tờ giấy lại và đút vào túi áo ngực.

      - Hay là anh hủy nó đi có hơn không...

      - Chẳng sao đâu ! - Kharô xua tay — Về nhà sẽ hủy nó đi. Không một nhà hình pháp học nào trên thế giới có thể hiểu nó được đâu. Hơn nữa bọn chúng nó có nghi ngờ gì anh đâu...

      Kharô đứng trước gương sửa lại mũ rồi ra khỏi nhà.

      Mấy ngày sau, chiếc máy đã được chuyển đến nhà bá tước phu nhân Êrica phôn Brôcdôphơ ở vùng Tây nam Béclanh. Êrica cũng sống độc thân. Chồng của bà phục vụ trong quân đội và hiện đang ở mặt trận phía Đông. Êrica làm việc trong Bộ Lao động Đế chế, ban ngày ít khi bà có nhà. Thông qua Bôiden, hiệu thính viên đã nhận được chìa khóa cửa và có thể ở nhà bà ta từ sáng đến chiều tùy ý lựa chọn thời gian đánh điện cho Mátxcơva.   

      Cuộc săn lùng "kẻ chơi pianô” vẫn tiếp tục. Các đội định hướng chạy long tóc gáy tìm kiếm những đài phát sóng ngắn nhưng không thu được kết quả gì cả..

       Phần lớn lượng tin tức đã qua tay Ghéc-be Gôn-nốp, trung úy phản gián trong lực lượng không quân, học trò chăm chỉ của Minđrit Khanăc.

     Ghéc-be học tiếng Anh rất nhanh, phát âm của anh không còn chê vào đâu được. Một hôm, vào cuối buổi học, Arvit Khanăc bước vào phòng. Hai người chưa quen biết nhau vì khi Gôn-nốp đến học thì cố vấn đã đi làm rồi. Viên trung úy bật dậy khỏi bàn, đứng thẳng người như khi đang nhận lệnh.

     - Anh cứ học đi, học đi! – Arvit nói và chìa tay ra cho trung úy bắt – Anh ngồi xuống và tiếp tục đi. Tôi không làm phiền anh đấy chứ ?

     Cố vấn tháo kính, lấy một miếng vải mịn ra lau rồi cầm tờ họa báo ngồi xem bên cạnh. Chẳng mấy chốc, bài học kết thúc…

     - Anh phát âm hay quá – Khanăc khen ngợi – Anh đã học thứ tiếng này lâu chưa ?

     - Dạ, chỉ mới đây thôi…Trước đây tôi có học trong trường trung học, rồi sau đấy tự học, còn bây giờ thì nhờ Phrau Minđrit giúp đỡ. Tôi rất biết ơn bà nhà.

     Minđrit tươi cười:
     - Ngài Gôn-nốp là một học trò có năng khiếu, chỉ nửa năm nữa thôi là ngày ấy sẽ hoàn toàn thông thạo thứ tiếng này cho mà xem.

      - Anh công tác ở đâu đấy ?— Khanắc hỏi.

     - Xin lỗi ngài Khanăc, tôi không thể trả lời câu hỏi của ngài được đâu ạ.

      - Tại sao vậy, bí mật ư ? — Khanắc mỉm cười hiền hậu — Tôi là cố vấn Nhà nước trong Bộ Kinh tế... Đối với tôi thì chẳng có gì mà phải giữ bí mật đâu...

      Trước mặt Gôn-nốp là một người có khuôn mặt trí thức, thông minh, ông tươi cười nhéo đôi mắt cận thị nhìn người đang nói chuyện với mình. Tự nhiên trung úy Gôn-nốp cảm thấy khó xử trước con người này. Câu trả lời vừa rồi của anh có lẽ là thiếu tế nhị. Trên thực tế thì làm việc ở đâu, cũng chẳng có gì là bí mật cả, đúng là như vậy…

     - Tôi phục vụ trong Ápve - Gôn-nốp khẽ nói – Chẳng qua nói ra không tiện…

    - Chuyện đó hoàn toàn tự nhiên – Arvit đồng ý.

     Họ bắt đầu nói về tình hình ngoài mặt trận, về những triển vọng của chiến tranh. Khanắc thắc mắc không hiểu tại sao các hoạt động quân sự lúc bắt đầu thì rầm rộ là thế mà bây giờ bỗng nhiên lại lắng xuống như vậy.

     - Xin ngài cứ yên tâm, tất cả sẽ lại sắp được đẩy mạnh lên thôi--Trung úy nói và lại càng thêm thiện cảm với vị cố vấn đang nói chuyện với mình - Một sự chấn chỉnh đội ngũ thông thường trước đòn tấn công mới đấy ạ…

      - Tôi ngờ lắm — Khanăc phản đối — Nếu như đấy là để chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn thì tất nhiên là tôi phải được biết chứ. Chiến tranh và kinh tế có quan hệ với nhau mà...   

      Bỗng nhiên Gôn-nốp muốn bày tỏ sự hiểu biết của mình trước vị quan chức cao cấp Bộ Kinh tế quốc gia này.

     - Nhưng trong lĩnh vực này tôi biết rõ hơn - Gôn-nốp phản ứng —Đấy là nghề của tôi mà lại! - Chiến dịch "Taiphun” (Bão tố) sẽ quyết dịnh số phận của Mátxcơva.

      - Thế thì quân ta qua thực là có thể có mặt ở nhà trước lễ giáng sinh như ngài tiến sĩ Gơben đã khẳng định sao ?.. Chẳng hiểu sao tôi lại không tin vào điều đó. Việc đâu có dễ như thế.   

       Về chuyện này trung úy Gôn-nốp tán thành Khanăc. Ngoài ra trung úy cũng đồng ý với ý kiến chân thành của ông ta về tình trạng lộn xộn trong Bộ Tổng tham mưu. Lẽ ra Hítle chẳng cần gì phải nhúng tay vào tất cả mọi chuyện.   

      Gôn-nốp cũng đã nhiều lần tranh luận với Minđrit về đề tài này, và Minđrit tươi cười mạnh dạn nói lên những ý nghĩ của mình về chế độ quốc xã, về quan hệ không bình đẳng với các dân tộc khác. Minđrit nói bằng tiếng Anh còn Gôn-nốp phải dịch ra tiếng Đức nội dung câu nói sau đó lại trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh. Trung úy Gôn-nốp đồng ý với Minđrit về nhiều điểm. Người phụ nữ có đôi mắt màu xanh da trời đã có khả năng thuyết phục được Gôn-nốp...

      Rồi một lần khác Gôn-nốp đã dẫn bạn của mình là Sunxe Bôiden đến thăm nhà Khanăc và giới thiệu Bôiden với hai người. Bôiden làm ra vẻ mới gặp vợ chồng Khanăc lần đầu tiên. Sau đó thì mọi chuyện đều đâu vào đó cả. "Té ra” Kharô Sunxe Bôiden cũng tán thành với ý kiến của Khanăc cho rằng chế độ Hítle sẽ đưa nước Đức đến chỗ diệt vong.

        Viên sĩ quan Ápve, Trung úy Gôn-nốp, làm việc trong phòng lập các kế hoạch phá hoại và tung các lực lượng đổ bộ đường không vào hậu phương Liên xô. Nòng cốt của lực lượng đổ bộ này là lính của sư đoàn "Brandenburg 800”. Bọn này thường là lực lượng xung kích đột khởi. Chúng mặc quân phục của đối phương, đột nhập vào hậu phương địch và bất ngờ chiến đấu, gây rối loạn…trước khi có cuộc tấn công. Chuyện này đã xẩy ra trên đảo Krit, tại Hà lan, tại Đan mạch... và ở Nga cũng vậy. Vào đêm trước khi chiến tranh nổ ra, các nhóm đổ bộ của sư đoàn "Brandenburg 800” đã xâm nhập pháo đài Brext, đã trà trộn trong lãnh thổ Liên-xô thuộc vùng rừng núi Ápgutốp. Hoạt động của các toán đổ bộ còn tiếp diễn như thế về sau này nữa. Nhưng nhiều toán trong số đó đã không tránh khỏi thất bại. Những đội săn lùng của Nga đã tiêu diệt bọn quân đổ bộ đường không ngay tại địa điểm đổ quân... Có chuyện này gì Ghécbe Gôn-nốp, sĩ quan Ápve trong Bộ Không quân đã thông báo cho Bôiden hay Khanăc biết về địa điểm đổ bộ và nhiệm vụ của các toán quân đổ bộ. Anh ta còn báo về những tình báo viên và điệp viên của Đức đã được tung ra từ các tàu ngầm của Đức sang bờ biển Anh hoặc tung bằng đường không vào ngoại ô Luân-đôn, vào Xcốtlen, và những vùng đất hoang vắng của Xứ-Gan trong những đêm tối trời. Không một tên nào thoát được lưới bủa vây. Liên minh quân sự Anh-— Nga đã thông báo cho nhau những tin tức tình báo quân sự như vậy….

............................
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #101 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2019, 07:19:41 pm »

     

       2.


       Nữ tình báo viên Anta hoạt động độc lập tại Béc lanh. Chị có liên lạc trực tiếp với Mátxcơva, có đài phát và hiệu thính viên riêng. Cho đến tận ngày cuối cùng của hòa bình, chị vẫn chưa được sử dụng vô tuyến điện để liên lạc. Chỉ khi chiến tranh bắt đầu thì chiếc đài phát cất trong hộp thư bí mật bấy lâu nay của chị mới bắt đầu hoạt động hết công suất vào ngay đêm đầu tiên của chiến tranh…

      Những ngày đầu tiên, hiệu thính viên thường làm việc cả ngày lẫn đêm vì công việc rất nhiều. Nhưng sau vụ lùng sục của Giéttapô, họ đã hạn chế tới mức tối thiểu những lần thu phát.

      Nhưng bỗng dưng liên lạc bị đứt hẳn..Tại phunk — Ápve, bọn Đức lập tức nhận ra điều này nhưng chúng lại cho rằng chẳng qua là đối phương có mưu mô gì đó thôi. Song trên thực tế thì không phải hoàn toàn như vậy.   

      Vào ngày đã định, hiệu thính viên không đến địa điểm bí mật nơi Anta đang chờ đợi. Trong cuộc gặp gỡ theo yêu cầu cũng không thấy anh ta xuất hiện. Không một ai biết chuyện gì đã xảy ra : anh ta đã bị bắt hay bị tai nạn... Ba ngày trước đó, sau buổi liên lạc, người báo vụ mang cả máy phát đi và biến mất như độn thổ. Nếu như anh ta đã bị bắt thì không loại trừ khả năng anh ta có thể khai báo vì không chịu đựng được đòn tra tấn của Giéttapô. Thực ra anh ta cũng không biết gì nhiều về chị ngoài bí danh ra.

       Anta hết sức thận trọng tìm cách liên lạc với một đồng chí của mình nhưng người này cũng tuyệt nhiên không hay biết gì cả. Đồng chí đó chỉ biết rằng hiệu thính viên đã mất liên lạc với Mátxcơva. Tuân theo chương trình liên lạc, hiệu thính viên bắt đầu phát sóng nhưng không thấy Mátxcơva trả lời. Nguyên nhân này mãi tận về sau mới được làm sáng tỏ — hiệu thính viên đã nhầm lẫn thời gian liên lạc với trung tâm. Một sự sơ xuất nhỏ dẫn đến hậu quả bi thảm….

       Đấy là lúc Inda cảm thấy hoàn toàn cô độc. Chị chỉ còn có một mình, xung quanh chẳng có một ai. Đâu đó gần đây là những người bạn cùng chí hướng nhưng Inda không có quyền tìm kiếm họ. Mà làm thế nào để tìm được họ kia chứ...

      Vào những ngày này, một nỗi buồn nữa trĩu nặng trong lòng chị — người anh trai của chị, một chiến sĩ cộng sản bí mật bị bọn Giéttapô đột nhập vào bắt tại địa điểm bí mật đã hy sinh. Anh đã bị tuyên án tử hình, những tấm áp phích màu vàng dán khắp thành phố thông báo cho dân Béclanh biết bản án đã được thi hành. Người anh của Inda không khai tên thật của mình. Bọn Giéttapô đã dùng mọi cực hình tra tấn anh rất dã man nhưng không thể moi được ở anh một lời nào. Inda trông thấy những tấm áp phích vàng thì biết rằng anh mình đã bị xử nhưng mẹ chị thì vẫn không hay biết gì, bà vẫn mong chờ đứa con trai Guxtáp của mình trở về.

      Dạo này Inda hay đến chỗ mẹ và ngủ đêm tại đó. Mẹ chị thường cùng chị hồi tưởng về cha chị và kể về anh trai Guxtáp, về tính nghịch ngợm của anh, về cảnh hạnh phúc gia đình trước đây, về những chiếc áo váy mà Inda đã mặc hồi bé….

      Tất cả những cái đó làm cho lòng chị thêm quặn đau. Chị cố kiềm chế tình cảm và nếu mẹ chị phát hiện ra điều gì bất thường thì chị lại viện cớ là do đau thận. Mà quả thật từ bấy đến giờ chị vẫn bị căn bệnh quái ác đó hành hạ. Chị không còn nhận được tin tức nào của Cuốc nữa. Chị gửi cho Cuốc bức thư cuối cùng, một tuần trước chiến tranh : "Anh yêu thương — chị viết — Em đang sung sướng đến phát điên lên mất... vì em đã nhận được thư anh... Em không thể tự cho mình là con người mất hạnh phúc được, em cũng đã có lúc gặp phải những khó khăn ghê gớm. Em làm việc từ bảy giờ mười lăm nhưng sáu giờ là em đã phải thức dậy. Chính ra thì em có thể nghỉ việc vào lúc bốn rưỡi, nhưng nếu anh muốn gặp em thì anh phải đến nơi làm việc vào lức sáu giờ rưỡi kia. Em phải lo giữ uy tín mà anh. Bây giờ thì em đã bắt đầu hiểu quảng cáo là gì rồi. Ở chỗ các anh, nơi em vẫn hằng gửi gắm con tim và khối óc mình, không biết liệu có những chuyện như thế không nhỉ? Anh hãy viết thư và kể cho em nghe tất cả mọi chuyện về anh và về mảnh đất thân yêu của chúng ta anh nhé. Phải, chúng ta đã xem nơi ấy là mảnh đất thân thương của chúng ta rồi mà.

      Còn phải kể gì về Béclanh cho anh nghe ư ? Béclanh đã trở thành thủ đô của những kẻ tự kiêu, bất tài, vô dụng... Nhà của anh không còn nữa, bom đạn đã chôn vùi nó mất rồi. Nơi trú chân mới của em thì vẫn còn nhưng chui được vào đó đâu có dễ , bậc cầu thang đã bị phá hư hết rồi.

      Chúc anh yêu của em luôn hạnh phúc. Mọi người ở đây cũng gửi lời hỏi thăm anh đấy. Anta, của anh”.


      Còn đây là lá thư cuối cùng của Cuốc Vônphgan viết cho chị : "Anta thân yêu, anh không thể chỉ cảm ơn em không thôi vì em đã viết cho anh một bức thư kỳ diệu làm sao... Anh lúc nào cũng sung sướng khi đón nhận những lá thư yêu dấu của em, khi được biết em vẫn rất phấn khởi, lạc quan mặc dầu khó khăn không phải là nhỏ...

      Anh cần phải khuyên em một điều. Em đừng xem đó như một chỉ thị chính thức, Ngay bản thân anh cũng hết sức buồn khi phải viết cho em nhưng dòng này. Anh nhớ cố lần em viết thư cho anh và nói rằng em đã giữ lại thư của anh rất lâu. Em thân yêu cùa anh, em đừng làm như thế nữa nhé. Việc đó sẽ gây thêm nguy hiểm cho em đấy. Em đừng bao giờ mang chúng theo bên người. Em hẳn đã hiểu quy định công tác của chúng ta như thế nào rồi. Vào những giờ phút sắp xảy ra những sự kiện đáng lo ngại này, anh xin cầu chúc cho em những điều tốt lành nhất. Anh mãi mãi là của em. K.”

     Tại trung tâm và Mátxcơva cũng hết sức lo lắng. Béc-lanh đã ngừng trả lời khi được hỏi……



Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #102 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2019, 03:21:52 pm »

 

    3.



      Đã mấy tháng nay, từ ngày có chiến tranh, đại tá Bêlikốp hầu như không ngủ. Cảm giác đói ngủ luôn dày vò anh. Suốt cả ngày đêm, năm thì mười họa, anh mới chợp mắt được hai ba tiếng đồng hồ và lúc đó thì anh chẳng còn biết trời đất là gì nữa... Nhưng hễ có tiếng chuông điện thoại réo hoặc người trực nhật mang cặp điện báo thận trọng bước vào là y như rằng anh đã bật dậy, áp lòng bàn tay lên mắt xoa dụi để cố xua đi cơn buồn ngủ.   

       Nghề nghiệp đòi hỏi người ta phải sáng suốt, minh mẫn, cần phải ghi nhớ trong đầu hàng trăm sự kiện, nắm cụ thể những báo cáo từ hậu địch gửi về qua trung tâm liên lạc đặc biệt. Mà đâu phải chỉ ghi nhớ chúng trong óc không thôi, còn phải phân tích, so sánh để đi đến quyết định đâu là tin tức chính xác, đâu là chưa chính xác hoặc có thể là tin giả...   

      Từ sáng sớm, Grigôri đã bắt tay và làm báo cáo tổng kết tin tức cho giám đốc, chuẩn bị chỉ thị, cho các nhân viên của Trung tâm đang chiến đấu xa Mátxcơva, ở tận phía bên kia mặt trận.

      Sau đó anh lại phải đọc những tin tức mới, cân nhắc, kiểm tra, so sánh với những tin đã có, rồi tiến hành thảo luận, bàn bạc... Công việc cứ dồn dập chẳng lúc nào được ngơi tay. Anh không còn tính ngày đêm bằng giờ giấc nữa mà bằng chương trình liên lạc với các hiệu thính viên... Những tin tức về sự khó khăn gian khổ ngoài mặt trận, về những hướng tấn công mới của địch cứ ngày ngày đổ dồn về làm lòng anh nặng trĩu và bực bội, nhưng không biết làm sao cho nguôi đi được. Tim anh như thắt lại khi biết những gì đang xảy ra ngoài mặt trận và khi nhận được những tin tức bi đát từ lòng địch báo về…Tất cả những điều đó làm cho anh, đại tá Bêlikốp, có cảm giác như mình làm chưa hết sức như ngoài mặt trận để có thể chặn đựng đòn tấn công của kẻ địch và tiêu diệt chúng.

      Thời gian đầu chiến tranh, cảm giác đó làm anh hết sức day dứt. Grigôri đã viết đơn cho Giám đốc xin được ra mặt trận. Lúc đó là vào tháng thứ hai của cuộc chiến tranh. Từ tờ mờ sáng, giám đốc đã cho gọi anh tới. Khi Grigôri vào, giám đốc còn đang ngồi sau bàn, đầu ông gục xuống tấm bản đồ mở trước mặt, Grigôri đằng hắng, giám dốc bàng hoàng mở mắt, ông nói như thanh minh cho sự mệt mỏi của mình :
      - Đã hai ngày đêm nay tôi không hề chợp mắt.. thật là khó khăn vô cùng...   

       Trên bàn trước mặt ông là tấm bản đồ vùng trung  tâm của mặt trận. Những mũi tên xanh chỉ hướng địch có thể tấn công. Chúng đều chĩa mũi nhọn vào Mátxcơva. Bên cạnh các mũi tên là ký hiệu các sư đoàn phát xít, những tập đoàn quân xe tăng, các lực lượng dự bị chưa triển khai, phiên hiệu của các đơn vị đã được xác định. Những dấu chấm hỏi màu xanh được viết rải rác trên bản đồ chứng tỏ còn nhiều điều cần phải làm sáng tỏ. Người ta có cảm giác là tấm bản đồ này được lấy ra từ một bộ tham mưu cao cấp nào đó của Đức... Nhưng trên thực tế để có được một ký hiệu hay một con số, mỗi ngày tháng, mỗi phiên hiệu, các chiến sĩ tình báo Liên xô đã phải làm  việc căng thẳng biết dường nào

      Giám đốc đã xua đi được cơn buồn ngủ của mình, ông ngẩng đầu mệt mỏi, mặt mũi hốc hác:
     - Quân đoàn của Manstâynơ vẫn thuộc tập đoàn quân số bốn chứ ?—--ông hỏi.

      Grigôri gật đầu, Giám đốc đánh dấu vào tấm bản đồ.
     - Còn tổn thất của địch thì sao ? Có tin gì mới không ?

      - Theo những tin tức chính xác, sau ba tuần lễ chiến đấu, địch mất trên ba nghìn tên — gần mười phần trăm quân số — Bêlikốp báo cáo.

     - Nhưng lần trước, đồng chí cho tôi số liệu khác kia mà — một trăm nghìn tên nếu tôi không nhầm. Sao lại khác xa nhau thế ?

     - Có thể là do báo cáo từ Béclanh gửi về chỉ nói về tổn thất hoàn toàn về những tên bị thương nặng và chết... Đêm qua chúng tôi vừa mới nhận được báo cáo mới.

     - Còn gì nữa không ?

     - Hôm nay có những tin nói rằng từ ngày mười chín tháng bảy ở Bôrixốp có một bộ tham mưu lớn, có thể là bộ tham mưu của phôn Bốc. Tiếc là tin đến hơi chậm.   

     Sau khi đã báo cáo tình hình xong, Grigôri liền đưa đơn xin ra mặt trận.   

      Giám đốc lướt mắt đọc qua tờ đơn. Tất cả chỉ vẻn vẹn vài dòng. Khuôn mặt ông bỗng nhiên trở nên lạnh lùng và đanh lai. Ông đưa mắt nhìn đại tá và im lặng. Grigôri cũng đứng im không nói.
     - Tôi khuyên đồng chí hãy cầm đơn về đi và từ nay đừng có bao giờ nhắc lại chuyện này nữa… - Giám đốc nói chậm rãi.

      - Nhưng xin đồng chí hiểu cho…

      - Tôi rất hiểu…Giám đốc ngắt lời, giọng nói của ông đã có phần gay gắt – tất cả chỉ là sự xúc động mà thôi…Thế đồng chí tưởng tôi không nghĩ như đồng chí hay sao ? Ta cứ xin ra mặt trận rồi trên giao cho ta một sư đoàn, cùng lắm là một trung đoàn và thế là ta có thể thanh thản với lương tâm…Nhưng đồng chí nên nhớ mỗi người trong chúng ta sẽ được đưa đến những nơi mà ở đó anh ta có ích nhất. Còn tự mình muốn rút…thì như thế cũng chẳng khác gì đào ngũ ! Chúng ta sẽ không nhắc lại chuyện này nữa.

      Đến đây ông trao lại lá đơn cho đại tá.

      Và thế là lại bắt đầu những đêm mất ngủ và những ngày làm việc căng thẳng ngoài sức chịu đựng của con người…..

      ….Trong một thành phố nhỏ của Đức nằm cạnh biên giới Thụy sĩ có một người Đức trước đây đã từng là thành viên công đoàn. Con trai của người này rất điển trai và mang dáng dấp của một người thuộc dân tộc Ariăng – vóc người cao, mặt mũi sáng sủa — những người như thế thường được lấy vào lực lượng SS. Anh ta đã phục vụ trong đội bảo vệ Híle khi hắn đi dã ngoại. Trước khi vào quân đội, anh ta là một người chơi vô tuyến nghiệp dư, đã tự tay chế tạo máy phát sóng ngắn cho mình và khi nhập ngũ đã hứa với cha rằng, hàng tuần cứ đến thứ bảy vào lúc nửa đêm, sẽ phát tín hiệu báo tin cho nhà biết mình vẫn còn sống và khỏe mạnh. Những tín hiệu này đã được phát đi từ Béclanh, Beckhtecxgađen từ miền Đông Phổ, từ khắp mọi miền nơi lập bản doanh dã chiến cho Hítle vào ngày đã định……
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #103 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2019, 06:36:31 pm »

   

     Vào một trưa tháng bảy, người con trai đã báo cho cha mẹ biết "đã đến Bôrixốp, mạnh khoẻ, những trận đánh ác liệt đang diễn ra”. Vài ngày sau, thông báo này đã đến tai trung tâm.

      Ngoài ra, trong những ngày này còn có một báo cáo nữa từ "ông già” của đội du kích Bạch Nga báo về : "Tại Bôrixốp có nhiều xe tụ tập. Trong số đó có những xe mang phù hiệu tướng tá cao cấp của Đức”.

      Các chiến sĩ tình báo đã tiếp cận cả với những điều bí mật nhất được Bộ chỉ huy Đức bảo vệ cẩn mật...

     Ganđe đã cho rằng tình hình ở ngoại ô Mátxcơva là hết sức bi thảm đối với quân đội Liên xô. Vào ngày thứ một trăm linh năm của cuộc chiến tranh, tức ngày 4 tháng 10 năm 1941, hắn đã viết trong nhật ký: “Chiến dịch Taiphun phát triển gần như kinh điển…Cụm xe tăng Gheppner đã kiên quyết đột phá vào tuyến phòng ngự của địch và đã tiến đến tận Môgaixka... Các cụm quân của địch đã bị bao vây chặt...”

     Thật ra những tổn thất nặng nề mà quân đội Đức đã phải gánh chịu trên mặt trận phía Đông đã làm cho tên Tổng tham mưu trưởng lo lắng. Trước lúc bắt đầu chiến dịch "Taiphun”, Đức đã bị mất 550.000 tên —hơn 16 phần trăm tổng số lực lượng hoạt động trên chiến trường Nga. Điều này hắn cũng ghi trong nhật ký công tác…

      Ngay từ tháng bẩy theo lệnh của Giám đốc, đại tá Bêlikốp đã chuẩn bị và gửi đến các "vọng gác” của mình các chỉ thị của trung tâm. "Hãy tập trung mọi cố gắng để thu thập những tin tức về quân đội Đức. Hãy theo dõi và báo cáo ngay về các cuộc tập trung quân của Đức từ Pháp và các nước phương Tây khác sang phía Đông”.

     Ít lâu sau đã có trả lời : "Ở Đức hiện nay đang thành lập 26 sư đoàn mới. Mọi việc sẽ xong vào đầu tháng chín”.

      Những tin tức này có liên quan đến việc mở đầu đợt tấn công vào Mátxcơva. Nhưng bây giờ thì tình hình như thế nào rồi? Đúng vào thời điểm căng thẳng nhất thì liên lạc và vô tuyến với Béclanh bỗng nhiên bị gián đoạn.

      Ngày lại ngày cứ thế trôi qua mà vẫn chưa nối lại được liên lạc. Nỗi lo lắng ngày một tăng. Giám đốc đã lệnh phái hai hiệu thính viên là Ganx và Lêlia đi bằng máy bay để thực hiện nhiệm vụ. Địa điểm nhảy dù trên đất Ba lan gần biên giới với Đức. Hai người này đã lên đường— một hiệu thính viên trẻ trong lực lượng chống phát xít Đức và một cô gái của trường đại học Mátxcơva thạo tiếng Đức. Cuốc Vôn-phgan nhân viên hoạt động của trung tâm đã chuẩn bị cho chiến dịch này. Nhưng bây giờ anh đã có họ tên khác. ...   

       Mười ngày đầy lo âu — khoảng thời gian cho phép để các chiến sĩ đổ bộ có thể báo tin về — đã trôi qua nhưng họ vẫn biệt tăm...

      Các hiệu thính viên của trung tâm hết đêm này qua đêm khác gọi Béc-lanh. Grigôri có mặt ở bên cạnh họ hàng giờ liền. Vẫn không thấy điện trả lời của Béclanh. Một cuộc họp đã diễn ra ở phòng Giám đốc để bàn về tình hình đã xảy ra. Đại tá Bêlikốp đề nghị : Giao chỉ thị cho hiệu thính viên Grin để anh ta đến Béc-lanh phục hồi liên lạc với nhóm "Kôrô và Anta” và nếu cần thì giúp đỡ cho họ. Bây giờ không thể làm gì khác hơn được nữa vì các hiệu thính viên dự bị đã không trả lời.

      - Nhưng làm như thế sẽ vi phạm những nguyên tắc bí mật cơ bản — một người trong cuộc họp phản đối.

     - Vâng, đúng là như thế đấy, nhưng ta phải làm cách nào bây giờ - Grigôri hỏi — chúng ta không thể cứ để kéo dài mãi tình trạng thiếu tin như thế này được. Cần phải mạo hiểm...   

      Giám đốc đồng ý. Cần phải chuẩn bị nội dung và chờ đợi thêm ít ngày nữa đã. Chiến dịch này hết sức mạo hiểm. Hơn nữa không còn có thể trông cậy tuyệt đối vào khóa mã được nữa.   

      Mátxcơva đang sống những ngày căng thẳng, khó khăn nhất của toàn bộ cuộc chiến tranh.

      Đến đêm có lệnh : trung tâm phải chuẩn bị di tản. Quân đội phát-xít đã tiến sát ngoại vi thành phố. Ai mà biết còn được bao nhiêu thời gian để di tản kịp. Những đoàn xe tải quân sự đậu hàng dãy dài chờ chở hàng đi. Những chiếc tủ bảo mật nặng trịch được khiêng ra. Ngưìri ta chuyển những can đựng xăng vào nhà, cài mìn và bộc phá, lắp ngòi nổ, rải giây giật để lúc cần có thể cho nổ tung tất cả. "Vào thời điểm nguy hiểm trực tiếp” như trong lệnh đã ban hành. Chỉ huy trưởng của Cục đã phân phát súng và rất nhiều đạn dược cho các sĩ quan.

     Bên cạnh đó, các công việc trong ngày vẫn tiếp tục. Các nhân viên điện đài ngồi trong căn phòng đã được cài mìn áp chặt ống nghe vào tai lắng nghe tiếng tín hiệu phát trên các làn sóng, Tiếng cần "ma níp” tạch tè phát không ngừng những cặp số được ghép lại thành những bức điện. Riêng nhân viên phụ trách trực cạnh với Béclanh vẫn tuyệt vọng nhắc đi nhắc lệnh "Peteich...Peteich. Nghe rõ không ?... Tôi chuyển sang thu…”. Không một lời đáp lại câu hỏi của hiệu thính viên. Tuyệt nhiên không làm sao bắt được liên lạc với Béclanh…

      Tình hình trong những ngày này thật là đen tối. Giữa đại tá Bêlikốp và Giám đốc lại có chuyện to tiếng với nhau nhưng người nào cũng có phần đúng cả. Grigôri không tài nào hiểu được đã có chuyện gì xẩy ra với Bécianh, tại sao Anta và Kôrô... lại không trả lời. Một tuần đã trôi qua mà vẫn bặt tăm không hề có một tín hiệu nào. Điều gì đã xảy ra đây — đổ vỡ hay trục trặc kỹ thuật ?

      Grigôri đoán mãi không ra. Anh nói với Giám đốc :
     - Xin đồng chí cho tôi ở lại Mátxcơva... May ra có thể khôi phục lại liên lạc với Béclanh...

      - Không được... Đồng chí phải đi cùng với đoàn...   

      - Nhưng Anta sẽ không bắt được liên lạc... Chỉ có tôi mới có thể...

      - Đại tá Bêlikốp, vấn đề đã được quyết định! — Giám đốc cao giọng — đồng chí hãy giao việc lại cho cấp phó của mình. Đồng chí hãy chấp hành mệnh lệnh đi!

      Giám đốc hất hàm ra phía cửa sổ. Những tàn tro bay trong không khí lạnh như những bông tuyết màu nâu đen. Người ta đã đốt tài liệu lưu trữ trong nồi sup-de. Những tàn tro được luồng khí nóng đưa qua ống khói đang từ từ hạ xuống mặt đất giá lạnh. Những con gió nhẹ xua chúng bay lên trong sân trông như những làn tuyết mầu đen nhẹ tênh lẩn quẩn dưới chân...

     Grigôri lặng thinh bước ra khỏi phòng. Đêm hôm đó,anh đi sơ tán và trao lại công việc dở dang cho đồng chí thiếu tá cấp phó của mình.

      Mátxcơva thông báo tình trạng giới nghiêm.. Vào những ngày này, một bức điện vô tuyến mang nội dung chỉ thị bắt liên lạc và giúp đỡ những người đang hoạt động tại thủ đô Béclanh đã được phát đi trên làn song cho một nhóm hoạt động khác. Trong bức điện mật mã phát đi có địa chỉ, họ tên những cán bộ hoạt động bí mật và mật khẩu cần thiết để liên lạc với họ.

      Mặc dù không có hy vọng liên lạc được với Béclanh, nhưng đề phòng mọi trường hợp, trung tâm còn phát thêm một bức điện nữa cho Sunxe Bôiden. Bản sao của bức điện đã được gửi đi cho Anta. "Giám đốc gửi Kôrô. Hãy chờ người của ta đến. Người này mang chỉ thị nối lại liên lạc hai chiều với các anh... Cố gắng bắt liên lạc vào ngày hai mươi tháng mười. Trung tâm nghe các anh bắt đầu từ lúc 9 giờ 00. Giám đốc”.   

      Bức điện này cũng không đến được nơi cần phải báo. Nhưng cùng lúc đó đài thu sóng tại Krants đã ghi lại được. Giờ đây, tại Krants đã có được tất cả những cuộc đàm thoại đáng ngờ nhưng không biết được đằng sau những con số là gì. Bọn Đưc đã cho bức điện báo mới thu được vào cặp ghi dòng chữ “Cần giải mã” thế nhưng chúng đành chịu chết không tài nào tìm ra được ẩn số của những bức điện vô tuyến đó…

.........................
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #104 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2019, 09:00:05 pm »

   

    4.



      Anh thợ tiện Rôbe Urig, nhà báo Iôndic, nhà ngôn ngữ và sử học Vinhem Gútđophơ, nhà hoạt động cách mạng Antôn Dépcốp… là những người cùng chung số phận, cùng chung một ý chí, cùng một thời đại. Giống như nhiều người khác, họ đã đấu tranh vì nước Đức mới dân chủ chống lại chế độ chuyên chế của Hítle, chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Họ đã lãnh đạo phong trào kháng chiến dân tộc, thành lập mặt trận nhân dân thống nhất đấu tranh chống chủ nghĩa Hítle. Giờ đây họ không còn nữa, nhưng tên tuổi của những người ngã xuống đã được khắc lên một tấm bia đá trong một nghĩa trang liệt sĩ yên tĩnh tại Béc-lanh... Họ đã từ giã cuộc sống của chúng ta…

      Chiến tranh với nước Nga Xô viết đã diễn ra, bọn lính Đức bị đầu độc đang dày xéo đồng ruộng nước Nga và tiến sâu vào trong lãnh thổ Nga. Bọn chúng tưởng chừng như thắng lợi đã trong tầm tay —Quốc trưởng của chúng đã nói như vậy mà. Nhưng đâu có phải tất cả mọi người dân Đức đều mang trong người dòng máu quân phiệt hiếu chiến của bọn quốc xã. Không phải ai cũng nghĩ như chúng. Những người yêu nước chống phát xít vẫn đang tiếp tục đấu tranh...

     Vào những ngày này, Iôndic đã viết một bài báo cho tờ báo bí mật “Innere front” (Mặt trận bên trong), anh đã so sánh cuộc đấu tranh trong long nước Đức như một mặt trận thứ hai còn chưa được triển khai. Tờ báo nhỏ, xuất bản với một số lượng không nhiều nhưng ý nghĩa của nó rất lớn.

      “Mặt trận thứ hai – bài báo nói – được thành lập không phải sự tham chiến sắp tới của quân đội Anh, Mỹ. Mặt trặn thứ hai có ở khắp nơi - ở bất cứ nơi đâu có những người tích cực đấu tranh chống Hítle. Mặt trận thứ hai có trong mỗi xí nghiệp, mỗi đường phố. Những người dân châu Âu bị bọn Đức áp bức, nô dịch cầm chắc vũ khí trong tay hoặc sử dụng các phương tiện phá hoại ngầm đứng lên chống lại bọn phát xít xâm lược, sẽ là những chiến sĩ tích cực của mặt trận thứ hai. Công nhân tìm cách phá hoại ngầm việc sản xuất sản phẩm quân sự tại nhà máy của mình, nhân viên đường sắt cản trở hoặc phá hoại việc vận chuyển quân sự, nông dân phản kháng lại bạo lực quan liêu, người nội trợ bất bình trước cuộc sống đói nghèo của nhân dân — tất cả đều là những chiến sĩ của mặt trận thứ hai…

       Mặt trận thứ hai không phải chỉ là niềm hy vọng của ngày mai. Nó đã có và đang tồn tại...

     Chỉ nhanh chóng kết thúc chiến tranh mới có thể cứu được châu Âu khỏi cảnh chết chóc, cứu nhân dân Đức khỏi thảm họa của dân tộc... Đấy là lý do tại sao nhân dân Đức phải cầm chắc vận mệnh của mình trong tay, tiêu diệt chế độ chuyên chế của Hítle tạo tiền đề cho việc thành lập một Nhà nước Đức tự do, lao động trong hòa bình và hữu nghị với tất cả các dân tộc…”


      Ba nhà hoạt động bí mật cầm đầu nhóm kháng chiến Béclanh đã thảo luận bài báo này để chuẩn bị cho in. Iôndic để những tờ giấy do anh viết sang một bên và nhoài người vớ lấy tẩu thuốc. Trên bàn bày  la liệt những quân bài để ngụy trang. Họ làm ra vẻ như đến đây để chơi bài.

      - Thế nào ? — Dic hỏi.

     Cuốc, tên bí mật của Antôn Dépcốp, đang chăm chú xóc cỗ bài. Trong số ba người ngồi đây, anh là người cuối cùng thoát khỏi trại giam. Tuy vậy chưa đầy một năm sau, anh đã kịp làm những công việc cần thiết. Trước hết là anh đã tập hợp được những người tin cậy. Những cơ sở nòng cốt đã được thành lập trong nhiều xí nghiệp ở Béclanh và trong các các nhà máy quân sự. Nhưng Dépcốp vẫn cho rằng đấy vẫn mới chỉ là bước đầu công việc của họ. Những người lãnh đạo nhóm kháng chiến đã tìm kiếm để bắt nối liên lạc với các thành phố khác , như Xăcxônia, Rua, Hămbua.
 
       - Tôi thấy đúng đấy.— Cuốc nói — Cần phải nói về những hình thức mới của hoạt động bí mật, chuyển từ hoạt động tuyên truyền, giải thích sang việc làm cụ thể. Cũng có thể nên nói thêm về liên lạc với công nhân nước ngoài, với các trại giam tù binh. Họ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Hơn nữa phá hoại ngầm trong các xí nghiệp sẽ không có kết quả nếu như chúng ta không lôi cuốn những người Nga, người Pháp bị xua đuổi sang Đức. Cần phải nhìn nhận sự việc một cách tỉnh táo rằng hiện nay công tác tuyên truyền của Gơben, chính sách mị dân của bọn quốc xã vẫn còn ăn sâu trong tâm não của người dân Đức hơn là công tác tuyên truyền giải thích của chúng ta.   

     - Điều đó là đúng đấy — Rôbe Urig nói — nhưng lao động cưỡng bách đối với người nước ngoài, tình trạng nô lệ phát xít cần phải là đề tài cho các tờ truyền đơn và bài báo trong tạp chí của chúng ta. Khi tôi còn ở Praha, các đồng chí từ trung tâm đã đến khuyên ta nên hết sức chú ý đến điều này. Hàng ngày có hàng chục đoàn tàu chở người Nga từ phương Đông sang đây. Những người Pháp và Bỉ cũng đang trong tình trạng như vậy. Họ bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt. Lao động nô lệ cũng là một trong những tội ác của bọn phát xít. Những người trong trại lao động cần phải biết được rằng trong nước Đức phát xít họ không chỉ có kẻ thù mà còn có ca những người bạn đang đấu tranh chống chủ nghĩa quốc xã.

    - Ta làm thế này nhé — Dic đề nghị — Chúng ta sẽ gửi một số ấn bản tới các trại lao động. Ta sẽ in tạp chí và truyền đơn bằng một số thứ tiếng. Cậu có thể bắt mối với Guđônphơ được không I Dic hỏi Urig — tất nhiên không phải là cậu trực tiếp làm mà là qua liên lạc viên như Bubi chẳng hạn..

      - Việc này thì không lấy gì làm khó khăn lắm…. Bubi làm việc rất tốt. Thực tình mà nói cô ta có quan điểm riêng của mình về hoạt động bí mật. Cô ấy cho rằng nguy hiểm chẳng qua là yếu tố tâm lý mà thôi.

     - Nghĩa là thế nào ?— Cuốc hỏi lại.

     - Thế này nhé, chẳng hạn khi đi rải truyền đơn thì cô ấy lý luận : truyền đơn chỉ như những tờ tranh cho trẻ con. Mà đã là tranh thì chẳng ai nói rằng, đem đi dán vào ban đêm lại nguy hiểm cả. Nghĩa là nguy hiểm chỉ là một giả định. Bubi đã nghĩ như thế đấy... Bên cạnh đó, cô bé ấy rất táo bạo và tháo vát.

     - Bubi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đóng vai thủy thủ thiếu niên đi Thụy sĩ — Dic tán thành — Cô bé đã tỏ ra rất bình tĩnh, tin tưởng... Bubi biết rõ về Braun. Chỉ cần tổ chức gặp gỡ cho khéo là được…..
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #105 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2019, 07:28:20 am »



      Câu chuyện đang nói về Vinhem Gutđophơ, người đã tự chọn cho mình bí danh là Pôn Braun. Các đồng chí trong tổ chức bí mật đã gọi anh là "chuyên gia ngôn ngữ" vì khả năng tuyệt diệu của anh trong việc nghiên cứu các thứ tiếng nước ngoài. Nhà ngôn ngữ học xuất chúng này đã biết tám thứ tiếng châu Âu. Khi còn đang ở trong nhà tù khổ sai, Gútđophơ đã sống chung cùng một khám với một nhà nghiên cứu phương Đông là Philip Seppher, và với sự giúp đỡ của người này, anh đã học thêm được tiếng Ả rập và tiếng Trung Quốc…Họ đã quy định với nhau – chỉ nói chuyện luân phiên với nhau bằng thứ tiếng đang nghiên cứu trong thời gian nhất định — một, hai tháng hay có khi hơn tùy theo mức độ ngôn ngữ cần học. Thời gian thì không thiếu vì hai người ở với nhau năm năm trong tù. Tiếng Ả rập là thứ tiếng nước ngoài thứ hai mươi hai mà Vinhem Gutđophơ biết thành thạo.

     Hai nhà hoạt động bí mật mãn hạn tù khổ sai tại Liukau đã tự gọi đùa mình là hội viên "hội ăn cơm tù”. Ngay từ khi còn trong tù, họ đã mơ ước ngày được tự do, thỏa thuận về những cuộc gặp gỡ sắp tới, về sự cộng tác một khi đã "sổ lồng”. Và điều đó đã thành hiện thực : cựu biên tập phòng quốc tế "Rote phane” Vinhem Gutđophơ và người bạn tù, nhà phương Đông học Philip Seppher đã bắt liên lạc được với tổ chức bí mật, chịu trách nhiệm xuất bản tờ tạp chí bất hợp pháp "Innere Front”.

       Công việc đã xong xuôi nhưng chẳng ai muốn về. Những cuộc gặp mặt như thế này đâu có phải là chuyện dễ dàng. Họ quay về đề tài ý nghĩa cuộc sống hiện thời.

     - Các cậu có biết mình đang nghĩ gì không ? — Urig nói — Tớ thấy cuộc sống trong nhà tù dù có đáng nguyền rủa thế nào đi chăng nữa thì ở đấy ta cũng còn có thể nói chuyện, thì thầm với bạn bè..Còn bây giờ đây, chúng ta đang sống mà cứ như những con chó sói bị xua đuổi.

     - Bọn quốc xã chết tiệt! Những cuộc gặp gỡ như hôm nay thật là một dịp may hiếm có đấy…

     - Không biết mọi người ở Liukau bây giờ thế nào rồi nhỉ…Có khi họ đang chuẩn bị vượt ngục cũng nên.

     - Chúng ta cần phải giúp đỡ họ - Cuốc trả lời – mà đấy cũng là phần công việc của chúng ta. Cần phải có người. Sao mà lúc này chúng ta lại cần những chiến sĩ tích cực đến thế!..Hãy tính thử xem.

     - Cậu lại muốn như trước hay sao ấy! – Dic bật cười – Hình như cậu bị bắt cũng vì thế thì phải.

    - Không hoàn toàn như vậy đâu... Sau khi Ten-lơ-man bị bắt, chúng tớ đã gom góp được một ít tiền để giúp đỡ cho Rôda, vợ đồng chí ấy. Tớ ngốc quá, tự mình mang tiền lại đằng đó và thế là bị chúng nó chộp đưa đi đày năm năm...   

      - Ten-lơ-man bây giờ ở Bautsen chứ ?

      - Ừ.. nhưng mà chẳng có liên lạc gì cả. Chỉ có con gái đồng chí ấy là Munika đôi khi có lui tới.

      - Qua đứa con gái thì sao ?

      - Khó lắm... Ôi giá như cuộc vượt ngục lần trước của đồng chí ấy thành công thì hay biết bao ! Nghe đâu tất cả chỉ vì một giọt dầu.

     - Đúng thế đấy. Người gác cửa mà Ten-lơ-man đã lôi kéo được, tra dầu vào ổ khóa để khi mở không gây ra tiếng động nhưng dầu đã thấm ra cửa... Chúng nó phát hiện ra và báo động... Xe thì đã chờ sẵn cạnh nhà tù. Chỉ cần năm phút nữa thôi là đồng chí ấy đã có thể tự do...

     - Nhưng ở Praha người ta đã nói với tôi là trong đảng có kẻ phản bội - Urig phản đối — Mọi chuyện đều do tên đó gây ra. Sau đó chính tay trưởng ngục đã thêu dệt lên chuyện giọt dầu để đưa kẻ khiêu khích ra ngoài cuộc. Mấy năm sau người ta mới phát hiện ra hắn...

       ... Đối với Rôbe Urig cuộc gặp gỡ với các bạn anh lần này là lần cuối cùng. Sau đấy mấy tháng anh đã bị bắt cũng do bàn tay của kẻ khiêu khích. Toàn bộ tổ chức đã bị phá vỡ. Đấy là nhóm chống phát xít lớn do Urig thành lập bao gồm hàng trăm người làm việc trong hơn ba mươi xí nghiệp của Béclanh. Nhiều người trong số này đã bị tra tấn dã man, đặc biệt là Urig và hai đồng chí của anh là Remer và Dăc. Hai mươi người không chịu được cực hình đã chết trong thời gian "thẩm tra”. Cuộc điều tra kéo dài rất lâu, Giéttapô hy vọng phát hiện được thêm những người khác nữa nhưng không đạt được ý muốn. Sau đó, chúng đã đem bắn tất cả những người bị bắt gồm một trăm sáu mươi người...

       Antôn Dépcốp nhớ lại cuộc gặp gỡ cuối cùng với Urig, nhớ lại lời nói của anh về việc giúp đỡ quân đội Liên xô trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Khi đó Urig đã nói: “Việc giúp đỡ quân đội Liên xô và bảo vệ nước Nga xô-viết phải là hình thức cao nhất trong cuộc đấu tranh của chúng ta chống chủ nghĩa phát xít. Đấy cũng chính là cuộc đấu tranh vì nước Đức của chúng ta. Mặc cho kẻ thù nói chúng ta là thế nào đi chăng nữa, nhưng tôi xin nói thẳng cho các đồng chí biết rằng chúng ta tự đi liên lạc với Liên xô để báo cho họ biết về những nguy cơ chiến tranh. Không biết những tín hiệu của chúng ta có đến nơi được hay không. Bubi đã mấy lần bỏ thư của chúng ta vào thùng thư của Đại sứ quán Liên xô”.

     Antôn còn nhớ mãi nụ cười cởi mở và đôn hậu của Urig. Anh thường tươi cười khi nói chuyện với bạn bè…

    Bubi cũng bị bắt cùng với những người khác. Cô bị giữ lại ngay trên đường về. Trong tay cô là chiếc vali con đựng quân phục của người lính nhảy dù vừa mới tới Béclanh. Bọn Giéttapô không hay biết một chút gì về những tờ truyền đơn mà Bubi gọi là "Những bức tranh truyền hình”...Chuyện thủy thủ thiếu niên Krôidinge trên tàu "Maria Luida” cùng vẫn còn là bí mật. Điều làm cô bị lộ là bộ quân phục binh nhì của quân đội Đức để trong chiếc vali con. Bubi đã không giải thích được đó là quần áo của ai. Bọn Giéttapô tra tấn rất dã man nhưng cô tuyệt nhiên không khai gì, cô cũng bị bọn chúng tuyên án tử hình…..

..........................
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #106 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2019, 06:21:41 am »

   


  5.





     Inda đoán mãi vẫn không ra. Chị đâm thất vọng vì đã mấy ngày nay, không phải, gần tuần nay rồi, chị bị mất liên lạc với Mátxcơva. Đương lúc những sự kiện vùng ngoại ô Mátxcơva đang rối tung lên thì những tin tức quan trọng và cần thiết lại bị ứ đọng lại đây. Đài phát thanh Đức từ sáng đến tối làm rùm beng lên về chiến thắng nước Nga Xô-viết đang đến gần. Xen kẽ với những bản tin là những hành khúc khải hoàn, những bản nhạc ầm ĩ. Tiếng kèn, tiếng trống chói tai càng làm cho Anta cảm thấy như bị bất lực...

      Nhưng rồi bỗng một sớm chủ nhật chuông điện thoại trong phòng chị vang lên. Chị chạy lại máy nhưng chỉ nghe thấy những tiếng tút tít kéo dài, người nào đó gọi điện cho chị đã đặt máy xuống rồi. Một lát sau chuông lại vang lên rồi một giọng nói không quen biết truyền lại câu mật khẩu mà bấy lâu chị hằng mong đợi. Inda đáp lại mật khẩu và vừa sung sướng vừa hồi hộp chờ đợi cuộc gặp gỡ.

       Hai giờ sau, một liên lạc viên xuất hiện. Lại trao đổi mật khẩu. Đứng trước cửa là một người đàn ông trẻ tuổi dáng người tầm thước.
      — Chào chị, chị là Anta phải không ạ ? — người ấy nói — Có chuyện gì đã xảy ra với liên lạc của chị thế ?

      Inda nhìn thẳng vào mặt người được phái đến, cố nghĩ xem mình đã gặp anh ta ở đâu. Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là chị đã gặp con người này ở đâu rồi đó. Môi to bèn bẹt, trán vồ... và hai cái tai vểnh lên... Grin ! Đúng là anh ta rồi ! Trước chiến tranh chị đã được trên giao nhiệm vụ chuyển tấm ảnh của anh ta cho cụ Khiubne "chủ nhà băng”. Sau đó chị đã nhận từ tay cụ Khiubne một tấm hộ chiếu làm sẵn trong có dán tấm ảnh ấy. Trên thực tế thì chị chưa gặp người này lần nào.

      Đồng chí giao thông viên trao cho chị tấm ảnh cùng những tài liệu cần thiết và dặn chị rằng: chỉ riêng chị là được phép đến gặp Êmin Khiubne mà thôi. Chị phải đích thân đến nhận hộ chiếu chứ không được qua tay ai khác. Người giao thông viên đó là Pôn, người cùng làm việc với Cuốc Vônphgan..

     Cũng chính Pôn đã dẫn chị đến làm quen với cụ thợ khắc trước lúc anh rời Béclanh. Anh đã dặn đi, dặn lại chị là phải liên lạc trực tiếp với cụ Khiubne để không có thêm ai khác biết cụ. Cụ thợ khắc Khiubne đã tám mươi tuổi, râu tóc bạc như cước, sống cùng với người con gái, một chàng rể và đứa cháu ngoại trong một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một khu vườn bỏ hoang tại ngoại ô Béclanh. Trong nhà có một hầm ngầm ăn thông sang phố bên cạnh.

      Pôn đã nói với chị : "Anta ạ, cô được ủy thác một bí mật lớn nhất đấy — cụ Khiubne chuyên làm hộ chiếu và giữ tiền cho tổ chức. Cô biết đấy, chỉ được liên lạc với Khiubne khi có lệnh của trung tâm mà thôi...”

     Chị vẫn còn nhớ như in là đã gặp "chủ nhà băng” hai lần.

     Liên lạc viên nói rằng trên sẽ giao cho chị một hiệu thính viên mới để duy trì liên lạc vô tuyến, rằng đấy là một người có tay nghề và là một người có kinh nghiệm hoạt động bí mật. Ngoài ra, người này có báo rằng nếu như liên lạc với trung tâm lại bị đứt thì sẽ chuyển các báo cáo qua các giao thông viên.

     Sau đó mấy hôm, Grin gặp Khanăc và Bôiden. Ba người vừa đi dạo trện con đường Ghigaten vắng vẻ vừa nói chuyện với nhau. Những bức tượng đá của triều đại Gôgentxôlenốp đặt trên những bệ cao lộ rõ qua những cành cây trần trụi.

     Cách ba người đàn ông không xa có hai người phụ nữ khoác tay nhau dạo bước. Đấy là Mindrit nghiêm trang và Libectac vui nhộn, họ luôn luôn sẵn sàng thông báo cho các nhà hoạt động bí mật khi có biến.

      Và thế là các đài phát bí mật tại Béclanh lại bắt đầu hoạt động. Nhưng có điều là các báo cáo đã dồn ứ lại nhiều đến nỗi các hiệu thính viên không kịp chuyển chúng đi đúng thời hạn. Một phần lớn tin tức phải chuyển qua lực lượng giao thông viên tin cẩn.

     Trong một báo cáo khẩn có nói: “Gửi Giám đốc. Nguồn Kôrô…Kế hoạch số ba có liên quan đến đợt tấn công vào Kápkadơ sắp tới vào tháng mười một đã
được hoãn lại tới mùa xuân năm sau. Sẽ tiến hành bố trí lại lực lượng cho tới mồng một tháng năm năm sau. Việc đảm bảo kỹ thuật như tích trữ đạn dược, vật tư kỹ thuật... sẽ phải hoàn tất trước ngày mồng một tháng hai năm bốn mươi hai. Các lực lượng tấn công vào Kápkadơ sẽ được triển khai trên tuyến Lôdôvaia — Truguép — Bengôrớt — Actứcka — Kraxnôgrat. Bộ Tham mưu cụm quân đóng tại Khacốp. Chi tiết của kế hoạch sẽ được thông báo sau. Kôrô”.


      Trong thông báo này, Bôiden lần đầu tiên đã nói tới thành phố Lêningrát, vạch ra cho bộ chỉ huy Liên xô ý đồ chiến lược của quân đội Đức, hướng tấn công dự định cho mùa hè năm 1942. Anh đã báo trước sự kiện này tám tháng.

      Khanắc đã nhận được những tin tức này từ các nguồn khác nhau trong Bộ Kinh tế. Ông nghiên cứu các vấn đề đảm bảo nhiên liệu cho đất nước trong tương lai, bao gồm cả nhu cầu cho quân đội. Một câu trong phần nói về "xăng dầu” đã làm cho ông lưu ý : "Để có được những nguồn dầu mới và phong phú khác cần phải đợi đến cuối mùa xuân, đầu mùa hè năm 1942..”. Tất nhiên câu này có hàm ý nói về khu vực dầu mỏ Kápkadơ. Một kế hoạch tấn công lớn miền Nam nước Nga vào mùa hè năm tới đã được vạch ra với ý đồ đó. Chính vì lẽ đó mà một bản báo cáo mới đã được gửi về trung tâm khẳng định thêm thông báo của Kôrô. Đường dây liên lạc vô tuyến giữa Mátxcơva và tổ chức bí mật ở Béc-lanh vượt qua mọi trở ngại, vẫn được duy trì trong suốt một năm rưỡi kể từ khi chiến tranh nổ ra...

......................
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #107 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2019, 07:26:23 am »

   

      Phrau Mirke đang bồn chồn trước một việc bất ngờ — bà được mời đến Béckhtesgađen, đến ngay Phủ Thủ tướng chứ không phải đâu khác...

      Nỗi băn khoăn của bà chủ hiệu thời trang đã lan sang các nhân viên của bà ta, những người vẽ mẫu quần áo, thợ cắt, thợ may, những người đã cùng với phrau Mirke tíu tít chần nốt những đường chỉ cuối cùng. Họ không ngớt thì thào với nhau về những tình tiết trong chuyến đi sắp tới của bà chủ. Êva Braun, người tình của Hítle đã đặt may y phục dạ hội để mặc trong buổi chiêu đãi sắp tới tại Mátxcơva. Quân đội Đức sắp tiến vào thủ đô Liên xô. Quốc trưởng đã định ngày duyệt binh và chiêu đãi lớn trong điện Kremlin. Thời gian gấp lắm nên phrau Mirke vội vàng đáp máy bay đến Béckhtesgađen để thử lần cuối cùng. Áo váy đã có thể may xong từ lâu nếu như có đăng-ten của Pháp để viền các đường trang trí. Một chiếc máy bay đặc biệt đã được phái sang Pari để mua đăng ten, mà có nhiều nhặn gì cho cam, tất cả chỉ cần có một thước rưỡi.

      Sự nhốn nháo đã lên đến tột đỉnh khi vào ngày lên đường trong hiệu xuất hiện hai tên SS lực lưỡng đến để giúp một tay vào việc sắp xếp những thứ cần thiết vào vali cho ả Êva Braun và luôn tiện giám sát việc này. Bà chủ cửa hiệu nín thở cố xếp mọi thứ vào vali cho thật ngay ngắn và khi tất cả đã đâu vào đó, hai tên SS khóa vali lại và đem ra chiếc xe "Khorkh” đậu trước lối  ra vào cửa hiệu.

      Cửa hàng thời trang tân kỳ mang tên nữ chủ nhân cũ "Anna Maria” nằm ở trung tâm Béclanh trên phố Briútken gần Chirgaten. Đặt may quần áo ở đây là niềm mơ ước của những người chuộng mốt ở Béclanh: phrau Mirke chỉ phục vụ cho những người được ưu đãi, những bộ mặt của tầng lớp thượng lưu đứng đầu là Êva Braun, những hạng người mà dân Béclanh quen gọi là "váng kem”. Phu nhân của những kẻ đứng đầu Nhà nước phát xít như vợ của thống chế Gơrinh, Gơ-ben, của thống chế Câyten, của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ribentrốp, của thống chế Kécxenrinh, của người cầm đầu lực lượng lao động dự bị Khir... Ngoài ra, tất cả các minh tinh màn bạc Đức cũng đều đến đây may quần áo.

      Cũng tại nơi đây, trong phòng trưng bày mốt quần áo trên phố Briútken, có một phụ nữ trẻ xinh đẹp tên là Ina Lautenslêger làm nghề mặc đồ mẫu. Về mặt hình thức, Ina không thua kém các nghệ sĩ Hôliút. Ina phục vụ các khách hàng cao cấp, giới thiệu cho họ các kiểu may bằng cách mặc mẫu những mốt mới nhất cho họ xem. Ả Êva Braun lúc đến đây chọn các kiểu may đã nhờ cô gái mặc đồ mẫu kiều diễm mặc hết kiểu này đến kiểu khác và đi đi lại lại nhiều lần cho ả xem.

      Trong lúc chờ đợi đến lượt vào may đo, “các bà quyền quý” đã kháo nhau đủ mọi chuyện trên đời để cho hết thời gian, mà không thèm giữ ý trước mặt cô gái làm mẫu duyên dáng, lễ phép.
       — Các bà có biết không — Braun nói với giọng điệu của một cô nương nhõng nhẽo — tôi không thể nào tưởng tượng được là làm sao mà người ta lại có thể ăn bánh rán bằng magarin (mỡ thực vật) được kia chứ. Tôi, tôi thì...

      Tiếp đó là cuộc bàn cãi sôi nổi xem ai thích gì và họ tỏ ra ngạc nhiên trước việc con người lại có thể sống bằng tem phiếu lương thực và xếp hàng để mua phần thực phẩm ít ỏi của mình được. Nhờ trời, tất cả những cảnh này sắp qua đi — những đoàn tàu chở các loại thực phẩm hảo hạng đang trên đường từ Ukrain về.

       Bỗng nhiên, phrau Gơben hạ giọng như khi người ta sắp nói về một chuyện cười mang ẩn ý hoặc kể về những tin tức mới mẻ nhất: "Các bà có biết không, Ribentrốp có...”

       Sự thể câu chuyện là như thế này: Bộ trưởng phôn Ribentrốp vừa xây xong cho cô con gái một chiếc bể bơi nhưng chẳng hiểu tại sao gạch tráng men mầu xanh dùng để ốp bể bơi lại làm cho người tắm xanh xao. Ribentrốp đã quyết định cho kiểm tra lại. Bấy giờ đã là mùa thu nhưng người ta vẫn phái mười tên SS đến, mặc cho nước bể lạnh buốt, nhào xuống bơi kiểm tra rất lâu bốn xung quanh thành bể để giám định xem có đúng là bể bợi này đã làm cho người ta bị xanh xao không. Cũng có thể đúng như vậy vì quả tình mấy tên lính SS có tái người đi thật nhưng có lẽ do chúng bị nhiễm lạnh thì đúng hơn. Song để đề phòng mọi khả năng xấu, người ta đã quyết định thay lớp gạch ốp bể đó đi.

      Trong những câu chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách của các bà, đôi khi cũng có những chi tiết đụng chạm đến các bí mật về hoạt động quân sự sắp tới mà các bà nghe được qua các đức ông chồng.

      Ina đã kể lại tất cả những chuyện nghe được trong cửa hiệu cho người bạn trai của mình là Hanxơ Kôppi. Còn Hanxơ lại chuyển những tin tức quan trọng nhất đi tiếp…..

      Lần này họ gặp nhau trên bờ hồ Lênitse. Hanxơ ngồi chèo thuyền còn Ina khe khẽ kể cho anh về việc nháo nhác trong hiệu ngày hôm đó.

    - Chuyện này quan trọng lắm — Kôppi trả lời — Thế bọn em có định đi không ?

       —Có, nhưng phải hoãn lại ít ngày vì phải may quần áo cho Êva Braun.....   
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #108 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2020, 08:18:38 am »

      Các cô gái làm mẫu của Phrau Mirke đã chuẩn bị đi dự triển lãm mốt và quảng cáo những kiểu may mới cho mùa thu tới.

     - Anh đã nói cho Kharô biết về chuyến đi của em, anh ấy rất quan tâm đến chuyện này và muốn gặp em. Em sẽ được giao nhiệm vụ đấy.

     Ina đã nghe kể về Bôiden nhưng chưa bao giờ gặp anh.

     Vào thứ tư sau bữa trưa, Hanxơ cùng đi với Ina đến một tiệm cà phê nằm đối diện ngay với Bộ Không quân, Kharô đã quy ước gặp gỡ nhau tại đây.
      - Em đẹp quá — Hanxơ nói đùa — Ai cũng để ý đến em đấy. Đi cùng với em nguy hiểm thật... Chỉ tội cho anh chàng Lautenlêge của em mà thôi.

      Ina mỉm cười. Kharô hầu như nối gót bước vào tiệm cà phê sau họ. Anh mặc quần áo dân sự. Nhìn thấy Kôppi anh tiến lại gần. Ina cảm thấy Kharô có vẻ lo lắng và mệt mỏi.
     - Đây là Pête của chúng ta — Hanxơ giới thiệu Ina với Bôiden, Pête là mật danh của Ina trong hoạt động.

     - Hanxơ đã nói về cô cho tôi biết từ lâu — Kharô nói — anh ấy khen cô nhiều, thế cô có sợ không ? Nhiệm vụ nguy hiểm đấy.

     Ina nhún vai :
     - Có lẽ anh nên hỏi tôi điều này sáu năm về trước..

      Hanxơ chuẩn bị tinh thần cho Ina từ trước nên cô đã biết chuyện. Các đồng chí muốn cử cô làm giao thông viên để chuyển báo cáo đi. Nhiệm vụ này rất quan trọng. Nhưng Kôppi không nói gì cho cô hay biết việc các đài phát ở Béclanh đã lần lượt bị loại khỏi vòng chiến đấu. Liên lạc với Mátxcơva gặp khó khăn. Mọi hy vọng chỉ còn trông chờ vào giao thông viên đặc biệt mà thôi. Ina đã được chọn làm việc này. Trước đây cô đã từng là giao thông viên.   
     - Thế thì tuyệt quá — Kharô thốt lên — hình như chồng cô phục vụ trong quân đội thì phải.

    -  Vâng, đang ở mặt trận phía Đông ạ.

     - Tôi chả đã kể cho anh nghe rồi là gì – Kốppi nhắc — chồng cô ấy ở trong khẩu đội pháo hạng  nặng. Các đại đội như thế chỉ trực thuộc Bộ Tư lệnh tối cao thôi.

     - Tôi nhớ ra rồi, tôi nhớ ra rồi...Thế còn có tin gì mới nữa không ?   

     - Bọn quốc xã đang chuẩn bị ăn mừng thắng lợi ở Mátxcơva, vợ con chúng nó đang may sắm  quần áo...

      Kôppi kể cho Kharô nghe những điều Ina đã thuật lại cho anh, Kharô trở nên trầm mặc.
     - Nhiệm vụ của chúng ta là không để cho chúng nó có thể ăn mừng được — anh nói — chuyến đi của cô — anh nói với Ina — có quan hệ trực tiếp đến chuyeenjnayf. Kôppi   sẽ truyền đạt lại cho cô tất cả những điều cần thiết... Máy phát chịu không chữa được à ? — anh quay sang hỏi Kốppi.

      - Không, không chữa được đâu.

      - Chà, vậy là tất cả hy vọng chỉ còn trông cậy vào giao thông viên thôi — Kharo tư lự nói.

      Bôiden bước ra khỏi tiệm cà phê đầu tiên, sau đó là Kôppi và Ina.

     Hanxơ, Ina và chồng của Ina là Lautenlêge, Hen¬rich Sen và mộl số người đã từng kết bạn với nhau từ hồi còn nhỏ. Họ đã cùng học trong một ngôi trường làng tại Sarơphenbec. Trường này nằm tại một hòn đảo nhỏ bé trên hồ Têghende thuộc ngoại ô Béclanh. Trong trường có ký túc xá. Họ có ý định làm việc ở nông thôn nhưng mọi việc đã diễn ra không như mong muốn. Sau cuộc đảo chính phát xít một năm, những tên lãnh đạo mới trong trường đã tuyên bố rằng tất cả học sinh phải ghi tên vào đội Hítleriugend. Rất nhiều học sinh không ghi tên và thế là họ bị đuổi học.

       Hanxơ là người lớn tuổi nhất trong bọn nhưng khi đó cũng chỉ mới 19 tuổi. Hanxơ đã công tác trong ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản bí mật tại Béclanh. Khẩu hiệu đầu tiên do anh vieetslaf nhằm chống lại nguy cơ chiến tranh. Bấy giờ vào năm 1933...

       Chẳng bao lâu, Kôppi bị bắt giam tại sở Giéttapô. Vài tháng sau, chúng buộc phải thả anh ra vì không có bằng chứng gì cụ thể. Chờ cho hết thời hạn "cách ly kiểm dịch”, anh lại tiếp tục bắt tay vào công việc của mình — tìm kiếm những bạn bè cùng trường. Những nhóm kháng chiến chống lại chế độ Hítle tản mạn đã tìm kiếm nhau như những con suối vô hình đổ dồn về một hướng hợp thành một dòng thác mạnh mẽ. Ít lâu sau, Hanxơ đã trở thành hiệu thính viên của tổ chức bí mật. Những người đoàn viên trung thành với lý tưởng của mình đã tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít bằng mọi cách. Họ nhận ra chỗ dựa của các cuộc đấu tranh này là Liên xô. Khi cuộc chiến tranh Tây ban nha nổ ra, nhiều người trong số họ đã mơ ước được gia nhập lữ đoàn quốc tế cộng sản để đấu tranh bên cạnh những người Cộng hòa Tây ban nha. Nhưng không phải tất cả đều đạt được nguyện vọng đó, Hen-rich Sen và Lautenlêge bị bắt lính. Hanxơ thoát vì có nghi vấn chính trị. Sen phục tại Gatốp cách Pốtxđam không xa lắm. Tại đây thành lập các đơn vị của quân đoàn viễn chinh "Kodor” để chiến đấu phục vụ cho tên tướng Phrancô. Anh lính Sen làm việc trong kho quân nhu cung cấp áo quần, giầy dép và những thứ khác cần thiết cho bọn lính đi Tây Ban Nha. Anh có trong tay những bản danh sách quân nhân trong đó nói rõ quân số đó thuộc binh chủng nào. Nhưng tại sao lại có một số tên không được nêu rõ ? Tại sao thế nhỉ? Và rồi Sen đã biết được chúng là những nhân viên của Giéttapô được phái sang Tây Ban Nha để hoạt động gián điệp. Nhiều đồng chí của Sen hiện đang chiến đấu tại Tây Ban Nha nên anh quyết định thông báo trước cho những mối nguy hiểm đang đe doạ họ. Anh đã tìm được những con đường để chuyển sang Liên xô danh sách của bọn lính Hítle đẫ nhận quân trang trong kho quân nhu của thành phố Gatốp. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên mà Sen đã thực hiện trong cuộc đấu tranh bí mật chống chủ nghĩa phát xít.

      Còn Ina, người thuộc tổ chức bí mật của vùng Sarơ-phenbec thì tham gia tổ chức bí mật muộn hơn, mãi sau khi Hanxơ ra tù. Lúc đó cô mới mười bảy tuổi và là nữ đoàn viên trẻ nhất trong tổ chức bí mật. Bề ngoài, trông cô có vẻ giống con trai, tính tình hoạt bát và tinh nghịch. Có lẽ chính vì thế mà các đồng chí của cô đã  gọi cô là Pête.

      Ina tham gia rải truyền đơn. Cô rải chúng trong các rạp chiếu bóng, bỏ truyền đơn vào các thùng thư gia đình, duy trì liên lạc giữa các nhóm độc lập trong tổ chức đoàn thanh niên.

     Ina sống với mẹ đẻ ở ngoại ô Béclanh. Mẹ cô là thợ may, bà đã truyền nghề cho cô con gái. Ina có 1 thân hình cân đối trông như vận động viên và có khuôn mặt rất đễ thương. Đầu tiên cô được giao nhiệm vụ gia nhập câu lạc bộ thuyền buồm quý tộc nhưng sau đó cô trở thành người mặc thử mẫu áo trong phòng trưng bày quần áo phụ nữ "Anna Maria Kaide”….

     Còn giờ đây Ina sắp phải chuyển một báo cáo quan trọng…

      Trước lúc đi, Hanxơ đã đem đến cho cô một gói nhỏ, nói rõ mật khẩu và địa chỉ yêu cầu cô nhắc đi nhắc lại mấy lần. Ina xin phép Phrau Mirke đi dạo phố và cô đã tìm ra con đường phố yên tĩnh và số nhà cần thiết. Cô gọi cửa và một người con gái tóc đen ra mở cửa. Họ trao đổi mật khẩu, cô gái nhận cái gói và đóng cửa đi vào nhà. Ina thở phào nhẹ nhõm quay về khách sạn...

       ...Ina đã để một đài phát bí mật trong căn buồng của mình tại Béclanh. Cô gái duyên dáng mặc thử mẫu quần áo của phòng trưng bày mốt "Anna Maria Kaide” bắt đầu bước vào những ngày tháng đầy nguy hiểm của công tác bí mật…..

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #109 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2020, 08:07:49 am »




                                                                                                                              CHƯƠNG III….ĐỔ VỠ…




        1.



      Các Giring nhớ rất rõ chuyện đó đã bắt đầu như thếnào và lão cảm thấy trong người có điều gì đó không bình thường…

      Điềm đó trước đây chưa từng xảy ra đối với lão. Lão bỗng cảm thấy mệt mỏi vô chừng và thấy khó chịu vô cớ. Những dấu hiệu mà mãi sau này mới biến thành căn bệnh trầm trọng. Lão cảm thấy suy nhược mọi chỗ, ở ngực, ở chân tay và cả toàn thân.

     Ít lâu sau, những cảm giác đó lại qua đi nên tên cố vấn hình sự không cho đó là chuyện hệ trọng. Có lẽ ở vào tuổi lão, mệt mỏi cũng là chuyện thường tình. Mà cũng có thể đó là do phản ứng của cơ thể sau cuộc nói chuyện diễn ra giữa lão với trưởng ngành cảnh sát hình sự, ngài Áctua Niôbe, trong phòng hình sự. Thực tình mà nói, cuộc nói chuyện này đã gây cho Giring ấn tượng sâu sắc hơn là chuyện khó ở bột phát của lão. Mãi sau này khi hồi tưởng lại trong óc những chuyện đã xảy ra, Các Giring mới xác định được rằng bệnh tình của lão xuất hiện đúng vào ngày hôm đó.

      Thông thường, Áctua gọi các nhân viên đến chỗ mình vào đầu ngày làm việc, thường là từ sáng sớm khi đầu óc còn minh mẫn, và lập tức hắn bắt đầu ngay vào câu chuyện.

    - Ngài hãy cho tôi biết, ngài có quen với ai đó tên là Anta Krau không thế? –Hắn hỏi cố vấn hình sự ngay khi cấp dưới của hắn đặt chân vào phòng.

    - Con mụ xem tướng ấy à ? Có phải ngài định nói con mụ lập biểu tử vi không ạ ?

     - Đúng con mụ ấy đấy !... Chúng ta phải xin quẻ của mụ ta về một con người hoàn toàn bí mật với tất cả, kể cả với ngài nữa đấy. Khi xin quẻ phải nói những gì thì ngài Hâyđơrit sẽ báo cho ngài biết sau. Ngài sẽ nhận được những chỉ dẫn tiếp theo qua ông ta. Ông ta đang chờ ngài đấy…Đấy là tất cả những gì mà tôi muốn nói với ngài.

      Trùm cơ quan mật vụ Hâyđơrit tiếp Giring ngay  khi biết lão đến. Cố vấn hình sự biết rõ về Hâyđơrit, một trong những người thân cận của Quốc trưởng. Lão biết rất rõ về tình hình thô bạo, lạnh lùng, chỉ hành động theo lý trí, hăng hái và biết xếp đặt những mưu mô xảo quyệt. Giring biết mà sợ mặc dù Hâyđơrit đối xử với lão khá thân thiện và đánh giá cao kinh nghiệm già đời của hắn. Chính bản tính hai mặt của tay trùm mật vụ đế chế là lý do khiến Giring thận trọng. Viên cố vấn hình sự già nua đã biết rất rõ về tập hồ sơ mật của Hâyđơrit, trong đó lưu trữ các tài liệu buộc tội những người được Quốc trưởng che chở, và cả chính Quốc trưởng...

     Giring không thích nhớ lại những chuyện này nhưng chính tay lão đã giúp Hâyđơrit sưu tập những tài liệu đó.

      Hâyđơrit đứng dậy khỏi bàn tươi cười bước ra gặp lão.
      - Thế đấy, thưa ngài cố vấn hình sự, thế là chúng ta lại gặp nhau. Lần này ngài sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ cỏn con thôi nhưng rất cần thiết cho chúng ta.   

     Bắt gặp cái nhìn từ cặp mắt mầu xám lạnh lùng trên khuôn mặt lãnh đạm, Giring mỉm cười đáp lại nhưng trong lòng lão lại tự nhủ : "Người ta gọi hắn là "Thần tội lỗi” kể cũng đáng”….

     Hâyđơrit mời viên cố vấn hình sự ngồi vào ghế sa lông, hỏi thăm tình hình sức khỏe của lão và nhận xét: "Ngài dạo này có vẻ không được khỏe lắm thì phải”.   

     - Hôm nay ngài sẽ phải đi Khốtvan tới bản doanh của thống chế Himle để gặp bác sĩ Kécxten. Ông ta sẽ giới thiệu ngài với thầy chiêm tinh Vunphơ, người sẽ phải cộng tác với ngài. Tôi hy vọng sẽ gặp lại ngài tại đây sau vài ngày nữa... Tôi cũng khuyên ngài nên gặp Kécxten để hắn khám bệnh cho. Tôi chắc rằng ngài sẽ cần phải nghỉ ngơi chút ít...

     Giring cảm thấy trong người mệt mỏi bơ phờ nhưng lão vẫn đáp máy bay đi ngay trong ngày hôm đó đến bản doanh của Himle tại Đông Phổ. Bản doanh này gần dinh quân sự của Hítle. Từ lúc bắt đầu chiến dịch phương Đông, Quốc trưởng đã dành nhiều thời gian ở nơi đây.   

      Bác sĩ Kécxten, người mà cố vấn hình sự Giring đến thăm để thực hiện một nhiệm vụ tế nhị nào đó chưa được rõ là bác sĩ riêng và là người tin cẩn của Himle, con người đầy quyền lực trong Cục An ninh đế chế. Sau Quốc trưởng, Himle nổi lên như là một nhân vật thứ hai ở Đức. Thật vậy, không riêng gì y —mỗi một kẻ thân cận của Hítle đều tự cho mình là người số một sau Quốc trưởng - đấy là Gơrinh, Boócman, là Hess... Cuộc đấu giá của những kẻ tranh quyền số một cứ thay đổi thường xuyên như trên thị trường chứng khoán vậy, và đấy cũng chính là lý do để nảy sinh ra đủ loại mưu mô trong cơ quan đầu não của Nhà nước quốc xã.

     Hồi còn trẻ, Kécxten đã từng sống ở Nga và đã bỏ chạy khỏi vùng Pribantích ngày sau cách mạng tháng mười. Sau đó Kécxten đã cư trú ở Phần Lan, tình nguyện chiến đấu cho phe bạch vệ Phần lan vì một công trạng gì đó. Kécxten đã chọn cho mình ngành y, đã học tại Béclanh với những nhà phẫu thuật và chuyên gia xoa bóp nổi tiếng của Đức. Kécxten cũng đã quen với một bác sĩ nổi tiếng người Trung Quốc tên là Gô, người này đã truyền lại cho Kécxten những bí mật y học Tây tạng và Trung quốc. Là một bác sĩ trẻ, nhanh trí, Kécxten tiến bộ rất mau chóng. Kécxten đã chữa cho những nhà giàu có người Đức, nhờ đó trở nên phát đạt và ít lâu sau đã trở thành bác sĩ trong triều đình chuyên chữa cho gia đình nữ hoàng Hà Lan…   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM