Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:26:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66183 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #80 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2019, 02:05:46 am »



       Thụy sĩ hiện đang nằm lọt giữa vòng vây của các nước tham chiến. Rađô và các thành viên trong nhóm lâm vào tình trạng khó khăn. Liên lạc với trung tâm bị đứt. Pôn thì biến đi đâu mất chẳng ai biết. Cứ thế hết tuần này qua tháng khác các chiến sĩ bí mật tự lo lấy cho mình vì không nhận được sự giúp đỡ, chỉ đạo của trên. Máy phát cất sâu trong hộp thư mật trở nên vô hiệu. Nhóm Rađô vẫn còn nằm trong lực lượng dự bị nên chưa thể đưa máy vô tuyến ra sử dụng được.

       Mùa đông tới và năm mới cũng đến gần. Đúng vào lúc này, thời gian đợi chờ dài đằng đẵng đã kết thúc. Một hôm, Sanđô nhận được một bưu ảnh. Nội dung bức thư bí mật được viết bằng mực hóa học xen giữa các dòng chữ cho biết cuộc gặp gỡ sẽ tiến hành trong tuần tới. Thời gian và người hẹn gặp không thấy nói rõ. Trên bưu ảnh cũng không có dấu bưu điện. Có ai đó đã đem đến bỏ vào thùng thư.     
      - Thế là chúng ta không đơn độc, họ không quên chúng ta...— San đô thầm nghĩ và thốt lên thành lời khi cùng với Êlêna xem ảnh.   

      Mấy ngày sau, chuông gọi cửa vang lên. Ngoài cửa một phụ nữ trẻ, ăn mặc lịch sự đứng chờ. Chị khoác áo măng-tô lông màu sáng, đầu đội mũ da thú.

      Người phụ nữ lạ nói mật khẩu. Sanđô đáp lại và giúp chi cởi áo măng-tô rồi mời vào trong phòng.

     - Tên tôi là Xônhia Chị ta nói và ngồi vào ghế xa-lông. Chiếc áo lụa màu hoa anh đào ôm khít lấy thân hình cao cân đối của người phụ hữ tuổi trạc ba mươi. Mái tóc màu đen mượt mà chải hất ra phía sau để lộ vầng trán cao…
   
      - Còn tôi là Anbe — Sanđô đáp tuy anh biết rằng có thể người này đã biết tên thật của mình — Chúng tôi chờ đợi các đồng chí đã lâu lắm rồi...

     - Chuyện đó không phụ thuộc vào chúng tôi...Tôi được giao nhiệm vụ liên lạc với các đồng chí để tìm hiểu xem nhóm các đồng chí cần gì, hãng dạo này làm ăn ra sao. Trung tâm muốn biết các đồng chí đã có thể sẵn sàng liên lạc bằng vô tuyến hay chưa và tình hình tài chính hiện nay như thế nào, nói chung là tất cả những vấn đề gì mới hiện nay của các đồng chí. Trên cũng yêu cầu tôi nhắc lại là nhóm các đồng chí thuộc lực lượng dự bị nhưng tình hình bây giờ đã thay đổi rồi…

       Sanđô kể lại rằng công việc hầu như bị ngừng trệ, tin tức thì có nhưng không biết chuyển cho ai và chuyển đi đâu cả. "Geopress” vẫn nằm ngoài vòng nghi vấn nhưng khối lượng công việc giảm đi nhiều. Chiến tranh bắt đầu nổ ra ở châu Âu, đơn đặt hàng không thể vượt qua biên giới, thành ra công việc chỉ gói gọn trong phạm vi Thụy sĩ mà thôi. Điều này tất nhiên có ảnh hưởng đến tình hình tài chính của hãng. Nhưng cái đáng lo ngại nhất là không thể liên lặc bằng vô tuyến — hiện nay chưa có hiệu thính viên.

     - Nhưng các đồng chí đã thỏa thuận là sẽ chọn hiệu thính viên tại chỗ rồi cơ mà — Xônhia nói.

      - Vâng, có khả năng lôi cuốn một nhân viên kỹ thuật vô tuyến nhưng anh ta chưa biết đánh điện….

      - Tôi sẽ giúp các anh trong việc này... ký hiệu moóc không phải là cái gì bí hiểm lắm đâu. Vài tháng sau là nhân viên kỹ thuật viên của các đồng chí sẽ làm ăn khá thôi, nhưng hiện giờ thì có thể duy trì liên lạc qua tôi và tôi sẽ chuyển qua hiệu thính viên Đgim.

      Êlêna pha cà-phê và trải khăn bàn lên chiếc bàn con. Cả ba người ngồi vào bàn và bắt đầu nói chuyện về những vấn đề sinh hoạt khác. Xônhia tỏ ra là một người vui vẻ, dễ chịu và hiểu biết nhiều. Duy chỉ có một chủ đề họ không hề đả động đến trong khi nói chuyện, đó là không dò hỏi lẫn nhau về những người của mình. Trước lúc ra về, Xônhia đề cập lại vấn đề ban đầu — Sanđô nhắc thêm về chương trình phát và về vấn đề tài chính khó khăn mà nhóm đang gặp phải…

      Họ thỏa thuận với nhau về các cuộc gặp gỡ trực tiếp, gặp gỡ theo qui ước và những chi tiết nghề nghiệp khác.

     Sau một thời gian dài mất liên lạc với trung tâm thì nay họ đã phục hồi lại được.

     Xônhia sống cách chỗ Ra-đô không xa lắm, tại thành phố nghỉ mát Môntơrơ trên bờ hồ Giơnevơ. Ấy thế mà sau này Ra-đô mới biết vì qui định đảm bảo bí mật rất chặt chẽ. Sau đó một thời gian nữa, vào đầu mùa xuân năm 1940, Xônhia lại xuất hiện. Họ gặp nhau tại quảng trưòng cạnh nhà ga. Chị báo cho Rađô biết rằng sẽ có một giao thông viên tên là Grin mang chỉ thị công tác tới Giơnevơ cho Rađô.   

      Họ ngồi nói chuyện trong tiệm cà-phê nhà ga làm như vẻ đợi tàu.

      - Cuộc gặp gỡ sẽ được thu xếp như thế nào ? — Rađô hỏi…

      - Đã có điện báo. Có thể Grin đầu tiên sẽ đến chỗ tôi. Hôm qua tôi đã nhận được bưu ảnh chúc mừng của anh ta trong đó có nói cuộc gặp gỡ được ấn định vào thứ năm tuần sau. Anh ấy có nhờ thông báo cho anh biết.

    - Anh ấy không nên xuất hiện ở "Geopress”. Cần phải gặp gỡ theo đúng quy ước liên lạc, chẳng hạn, tôi có thể gặp anh ấy ngay ở đây.

     - Chuyện đó thì tôi không được rõ lắm... trong bưu ảnh không thấy nói gì hết.

      Sanđô tư lự :
      - Chuyện này quan trọng lắm — anh ta lo lắng nói — phải giấu kín họ tên và địa chỉ của tôi. Không được biến  hãng thành nơi gặp gỡ của hai người không quen biết. Xin đồng chí hãy báo lại hộ cho trung tâm. Tôi không thể mạo hiểm được đâu….

       Ngay hôm đó Xônhia điện đi, và cuối buổi phát chị nhận được điện trả lời: giao thông viên đang trên đường tới rồi.....

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #81 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2019, 12:18:33 am »

     


      Giao thông viên xuất hiện vào hôm thứ năm và ngay lập tức đến nơi Rađô sống, thậm chí cũng không gọi điện thoại báo trước cho anh.

      Cửa vừa đóng lại anh ta đã nói ngay :
      - Tôi cần phải gặp Đôra — đấy là mật khẩu mà Xônhia đã báo cho Rađô.

      - Anh là Grin à ? — Rađô hỏi.

      - Vâng đấy là tên công tác của tôi. Người ta có báo với anh là tôi đến không ?

     - Có... Nhưng chỗ hẹn gặp lại là ở chỗ khác kia.

      - Nhưng tôi thấy thế này mà lại hóa hay hơn đấy, cần gì cứ phải có người trung gian vô ích — Grin phản đối một cách thiếu thận trọng — Thôi ta bắt đầu đi.

      Grin có dáng dấp bề ngoài chẳng thích hợp với công tác tình báo chút nào cả. Ta có thể dễ dàng miêu tả nhận dạng của anh ta; đó là một người cao tóc vàng, hai tai hơi vểnh lên, trán to, mặt lưỡi cầy, nói năng kề cà với giọng kẻ cả và hay lên mặt dạy đời. Tất cả những cái đó làm cho Sanđô khó chịu. Mặt khác, Grin tỏ ra là người am hiểu công việc thế nhưng lại hay giải thích vụn vặt đến phát ngấy lên. Một tính cách nữa trong con người anh ta làm Sanđô không ưa là anh  ta quá ư kiêu căng. Điều này dễ thấy qua cách ngồi cố ý làm cho thật bệ vệ của anh ta, qua cử chỉ suồng sã khi lấy tài liệu trong chiếc cặp da cá sấu sang trọng ra. Loại cặp anh ta mang dễ làm cho người ta để ý và chẳng hợp với một cán bộ tình báo chút nào cả. "Cứ như là nhà ảo thuật ấy... —  Rađô thầm nghĩ —... Lôi mọi thứ trong tay áo ra...”

      - Anh Sanđô ạ, đây này, rồi anh sẽ tìm thấy tất cả những gì có liên quan đến liên lạc vô tuyến... Đây là mã số, còn đây là chìa khóa giải, anh thấy chưa ? Tiểu thuyết của Giắc Lanđơn dấy... Còn đây là những bản hướng dẫn. Anh hãy giữ lấy những thứ này….
 
      - Anh nên gọi tôi là Anbe -- Sanđô lạnh nhạt nói.

     - Không sao đâu – Grin xua tay – Mật danh chỉ để dùng đối với kẻ thù chứ đâu có cho đồng chí mình…

      Tuy thế Grin cũng không gọi Rađô bằng tên thật của anh nữa.

      Grin lý giải rất lâu về sự phức tạp của tình hình quốc tế, về ý nghĩa của công tác đặt ra cho nhóm ở Thụy sĩ.

      Khi Grin ngừng lời, Rađô nói:
     - Cám ơn anh đã cho tôi biết về tình hình chính trị. Bây giờ ta chuyển sang chuyện công tác đi.

      Grin lừ mắt nhìn người đang nói chuyện với mình và hiểu ra câu nói châm biếm của Rađô:
     - Tôi nói thế là theo lệnh đấy !

      Họ trao đổi với nhau rất lâu trong khoảng vài giờ. Grin nói cho Ra-đô biết về chi tiết của công tác bí mật.

       Sau nhiều giờ làm việc, Grin uể oải ngửa đầu, dựa lưng vào chiếc ghế sa lông rồi mệt mỏi vươn vai đứng dậy đến bên cửa sổ. Những bóng râm đã đổ dài trên mặt đất. Mặt trời đã khuất, chỉ còn những ngọn núi tuyết phủ xa phía chân trời kia là còn ánh lên màu đỏ ối.

     - Thôi, tôi phải đi đây — Grin nói — ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau ở Lôdan như đã định... À mà này Anbe, anh có thể cho tôi bao nhiêu tiền đi đường thế ?   

      - Chẳng lẽ anh lại không mang tiền đến cho chúng tôi sao ? Sanđô ngạc nhiên — đấy là đề nghị chính của chúng tôi, bên cạnh đó...

      - Thú thực với anh là tôi không muốn đem một số tiền lớn qua biên giới — Grin giải thích.

      Đây đúng thực là một đòn bất ngờ đối với Rađô - từ ngày có chiến tranh thu thập của "Geoprees” mỗi ngày một giảm, thỉnh thoảng lắm mới có công việc để làm. Biết làm sao bây giờ? Sanđô đành phải hứa sẽ đem tiền đến cho Grin vào hôm khác. Thế rồi họ chia tay. Grin phải ra tàu cho kịp — anh ta sống tại một khách cạn mà.

      Chiều hôm sau, khi những việc còn lại đã được giải quyết xong xuôi, Grin đề nghị ra tiệm ăn trong khi chờ tàu vì mãi tới nửa đêm mới có chuyến. Vào trong tiệm, Grin như lột hẳn xác khi người hầu mời họ vào bàn cạnh dàn nhạc Extrat, nơi có một cô ca sĩ mặc áo hở vai đang hát những bài hát lẳng lơ.

     - Đời người chỉ sống có một lần thôi ! —Grin thốt lên rồi buông người xuống ghế bành, xoa tay — Ai mà biết được rồi đây số phận sẽ dẫn dắt ta đi những nơi đâu... Trong nghề của chúng ta có lúc cần  phải ăn chơi xả láng. Anbe này, anh có biết không, tôi cứ như là một loại thép đặc biệt ấy : lúc cần mềm thì rất mềm, nhưng khi cần cứng thì khó có gì có thể sánh nổi.

      Grin chọn món ăn, thức uống một cách thành thạo. Anh ta uống nhiều và mời các bà, các cô nhảy, thết  họ rượu vang, hoa quả và không muốn rời tiệm ngay cả lúc đã đến giờ ra ga….

       Sau cuộc gặp gỡ lần đó chừng hai tháng, tại châu Âu đã kết thúc “cuộc chiến tranh lạ lùng”. Quân đội Đức chuyển sang tấn công ở phía Tây. Chỉ sau vài tuần chúng đã đánh tan quân Pháp, Bỉ, Hà-lan. Tiếng đại bác từ phía nước Pháp rền vang đến tận Giơnevơ. Sau đó tất cả lại yên ắng.

       Bọn phát xít Đức ăn mừng chiến thắng mới. Sắp tới, Hítle sẽ còn xông tới đâu nữa? Có tin đồn là quân Đức đang chuẩn bị cho những chiến dịch đổ bộ lên đất Anh. Người quen của Piute trong bộ Tổng tham mưu Thụy sĩ biệt danh là Luida đã tin vào điều này. Thụy sĩ là nước trung lập duy nhất ở châu Âu nằm trong vòng vây của quân phát xít Đức, Ý. Bây giờ thì không thể nói đến chuyện liên lạc qua giao thông viên với trung tâm được nữa rồi. Tuy nhiên, sau lần gặp gỡ với giao thông viên, Rađô đã thiết lập được đường dây liên lạc vô tuyến chắc chắn với Mátxcơva…..
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #82 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2019, 12:50:11 am »

   
     …Cái thiếu hiện nay là tiền. Thiếu đến nỗi phải tính đến chuyện phái Xônhia vượt biên giới Thụy sĩ. Chuyến đi của Xônhia đã được thỏa thuận. Thế nhưng Xônhia lại còn hai con nhỏ, liệu rồi các cháu sẽ ra sao. Muốn đi khỏi Thụy sĩ chỉ có thể đi qua vùng không bị chiếm đóng của Pháp rồi từ đấy sang Tây ban nha hoặc Bồ đào nha. Đường đi thật là gian nan. Vùng gọi là "tự do” của Pháp có thể bị quân Đức đánh chiếm bất cứ lúc nào. Cần phải giải quyết chuyện này thật nhanh chóng nhưng tiền đi đường lại không có…

      Cần phải có tiền. Hãng "Geopress” chỉ cung cấp được một số tiền ít ỏi. Nhiệm vụ số một bây giờ là xoay xở cho được phương tiện. Điều duy nhất mà Sanđô có thể làm được là tự anh phải đích thân đi Bêôgrat để gặp giao thông viên nhận số tiền cần thiết theo như chỉ thị của trung tâm. Nhưng mọi việc đâu có dễ dàng. Sanđô đã xoay được giấy thông hành của Ý và bắt đầu một chuyến di mạo hiểm. Cùng đi với anh có Êlêna. Chị đã suy tính đúng : đi hai người an toàn hơn và đỡ bị nghi ngờ hơn.

       Họ đi qua Milan làm như là định đến Hunggari thăm bà con họ hàng. Trong số giấy tờ mà Sanđô mang theo có cả loại mang quốc tịch Hunggari.

      Tới Bêôgrat họ dừng lại ở khách sạn nghỉ để chờ đợi. Theo quy ước, vào thời gian đã định, họ sẽ đến một ngôi đền do các kiều dân — lính bạch vệ Nga xây dựng để thờ phụng nam tước Vrangen, tên tướng Bạch vệ chống đối lại chính quyền Xô viết. Nhưng khi đến nơi họ chẳng thấy dấu vết một ngôi đền nào cả... Nó đã bị phá từ lâu và nơi đây chỉ còn là bãi trống, xung quanh là những ngôi nhà xa lạ...

      Tuy vậy, Sanđô và Êlêna vẫn kiên nhẫn đi tới đó vào ngày giờ đã định.
 
       Ngày lại ngày cứ thế nối tiếp nhau trôi đi. Vợ chồng Rađô sống trong khách sạn nên họ lâm vào một tình cảnh phức tạp, bế tắc khác. Số tiền mà họ mang theo may ra chỉ còn đủ để trả cho khách sạn. Biết lấy đâu ra tiền tàu và tiền ăn đường bây giờ…

      Hai vợ chồng đến quảng trường Bêôgrat gần ngôi đền không còn tồn tại vào các ngày thứ tư, thứ sáu và chủ nhật. Trong tay Rađô cầm từ báo “Tạp chí Giơnevơ” như trong quy ước. Người cần gặp vẫn không thấy xuất hiện. Thật là thất vọng làm sao ! Nhưng vào ngày cuối tuần thứ hai, khi Êlêna và Sanđô đang đi dạo trên quảng trường thì họ trông thấy một người hình như đang định tìm kiếm ai đó. Hai người tiến lại gần hơn. Người lạ mặt cầm tờ báo Bungari "Đnes”…. Đúng là người cần gặp đây rồi!... Họ trao đổi mật khẩu và thở phào nhẹ nhõm...

      Người liên lạc trao cho Sanđô một số lớn tiền Thụy sĩ. Giờ thì có thể đủ dùng về lâu về dài được rồi. Người này còn mang cho anh cả máy ảnh và hóa chất để viết thư mật. Vấn đề đặt ra bây giờ là nếu bọn áo đen trong lực lượng cảnh sát bí mật phát hiện ra những thứ này trên đường về thì sao ? Sanđô và Êlêna quyết định không lấy máy ảnh vì mang nó theo người thì thật là quá mạo hiểm. Êlêna nhận mang hóa chất, chị khéo léo cài chúng vào mái tóc búi cao của mình...

      Họ đã về đến Giơnevơ an toàn. Ở đây bao nhiêu là công việc đang chờ đợi Sanđô. Xônhia đã sẵn sàng cho chuyến đi nhưng cũng không phải là đã đi được ngay. Chị còn phải huấn luyện cho các hiệu thính viên như đã thỏa thuận với Rađô trong lần gặp gỡ đầu tiên…

       Hiệu thính viên là vợ chồng Étmôn và Ônga Kammen người Thụy sĩ, họ là những chiến sĩ chống phát xít, tình nguyện làm việc một cách vô tư và hết lòng. Nhân viên kỹ thuật vô tuyến Étmôn có một cửa hiệu sửa chữa vô tuyến điện và một cửa hàng nhỏ ở Giơnevơ trong khu công nhân Plenpan. Anh sửa chữa và bán các loại linh kiện máy móc vô tuyến điện.

      Chiến tranh nổ ra ở châu Âu, việc buôn bán linh kiện vô tuyến điện bị cấm. Rađô ghé vào hiệu sửa chữa, viện cớ muốn hỏi xem có thể mua đâu được bóng đèn và một số thiết bị vô tuyến khác, Tất nhiên trong buổi đầu tiên này không thể nào nói toạc ra mọi chuyện được.

      Vợ chồng Kammen tỏ ra vui vẻ, dễ mến. Từ đấy Rađô hay đến cửa hiệu sửa chữa của anh ta ở Karujơ hơn.

      Nhưng mối thiện cảm và thái độ vui vẻ của vợ chồng Kammen chưa phải là cơ sở để Rađô lôi cuốn họ vào công tác. Một hôm, Rađô đến chỗ của vợ chồng Kammen vào cuối ngày, lúc họ chuẩn bị đóng cửa hiệu. Ônga mời khách dùng cà phê. Nhà ở của họ ngay trên tầng hai. Trong lúc ngồi nói chuyện phiếm, họ có đề cập đến Liên xô. Étmôn nối đùa rằng trong nhà họ cũng có người Nga và hất đầu về phía vợ. Té ra bố mẹ chị đã đặt tên cho chị là Ônga để ghi nhớ một nữ chiến sĩ cách mạng Nga đã có thời sống ở Giơnevơ và kết bạn với họ. Từ đấy người ta hay gọi đùa cô bé là cô gái Nga. Cảm tình của bố mẹ cô đối với nước Nga đã truyền sang người con gái. Vợ chồng Kammen cho đến giờ vẫn tôn trọng và yêu quý nước Nga Xô viết.

      Thời gian trôi đi nhưng đối với vợ ctòng Kam¬men, Rađô vẫn còn là một con người bí ẩn có tên là Anbe. Họ không biết địa chỉ mà cũng không biết cả nghề nghiệp của anh, vì thế sau một thời gian dài quen nhau, Sanđô đã quyết định đề nghị Étmôn làm hiệu thính viên mà không sợ mạo hiểm. Anh nói thẳng việc này là cần thiết để bảo vệ nước Nga trong trường hợp Hítle có ý đồ tấn công Liên xô. Anh cũng cho biết trước những nguy hiểm đang chờ đợi họ trong công việc. Không riêng gì Étmôn mà cả vợ anh cũng đồng ý với đề nghị của Anbe. Étmôn lại còn nhận chế tạo máy phát. Anh là người nổi tiếng giỏi trong nghề này. Sau đó Xônhia và Đgim, nhân viên điện báo của chị bắt đầu dạy vợ chồng Kammen thu phát tín hiệu moóc…

      Cuối năm 1940, Xônhia rời Thụy sĩ an toàn. Nhóm Rađô có hai máy phát khá mạnh và từ nay họ có thể bắt liên lạc trực tiếp với Mátxcơva. Một máy do Đgim phụ trách, còn chiếc kia đặt trong nhà Kammen tại phố Karujo của Giơnevơ.

      Các tin tức từ tất cả các nguồn này đều tập trung về cho Sanđô…..

      Và thế là sau nhiều năm chuẩn bị, một "vọng gác” đã được thành lập trên đất  Thụy sĩ trung lập để từ đó có thể theo dõi bọn phát xít Đức. Từ nay, nhóm bắt đầu hoạt động hết “công suất”….

      Ngay trước chiến tranh, vào tháng 2 năm 1941, Rađô đã chuyển cho Mátxcơva một trong những bức điện đầu tiên. Anh đã báo về việc quân Bức chuẫn bị tấn công Liên xô.

       "Ngày 21 tháng 2 năm 1941.

        Luida gửi Giám đốc….

       Theo tin tức nhận được từ một sĩ quan Thụy sĩ thông thạo tình hình, Đức hiện có một trăm năm mươi sư đoàn ở phía Đông. Theo người này thì Đức sẽ tấn công vào cuối tháng năm - Đôra …”..

      Viên "sĩ quan Thụy sĩ thông thạo tình hình” cũng chính là người có bí danh là "Luida”. Chỉ có hai người Anbe và Pakhô tức là Sanđô và Ôttô Piute là biết tên thật của người đó. Tất nhiên là Giám đốc ở Mátxcơva, người đồng ý cho tuyển mộ "Luida” vào công tác cũng biết.   

      Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại đã tới gần.. Tất cả những gì xảy ra từ bấy đến nay tại "chòi canh” trên đất Thụy sĩ chỉ là khúc dạo đầu của những thiên anh hùng ca sau này….
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #83 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2019, 12:15:23 am »

    


      2.




      Tây Âu đã bước sang tuần thứ hai của cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh thực sự chứ không phải kiểu chiến tranh ngồi canh chiến hào, để cứ đến thứ bảy, các sĩ quan có thể kéo nhau về Pari vui thú, còn lính tráng thì trồng rau, gieo hạt trên tiền duyên trước mắt kẻ thù cho có việc làm. Người ta đã gọi cuộc chiến tranh đó là "chiến tranh kỳ lạ”, "chiến tranh tượng trưng”, "chiến tranh không đổ máu”. Thực vậy; sau khi Đức tuyên chiến, quân Anh ở mặt trận phía Tây trong vòng tám tháng chỉ mất có vài người. Mà hầu hết những tổn thất ấy lại là do các nạn nhân thiếu thận trọng. Trong số những người bị chết thuộc cấp chỉ huy chỉ có một viên hạ sĩ, người này chết do dẫm phải mìn của chính quân mình đặt... Tâm trạng chung đều mong muốn: may ra chiến tranh chỉ đến thế thôi rồi kết thúc, không nhất thiết phải chết vì chiến tranh... Bọn Đức không tấn công, không đụng đến ta là tốt —, cứ việc ngồi chờ cho đến hết! Người ta gọi tâm trạng như vậy trong các bộ tham mưu đồng minh là "tâm lý Maginô”. Tâm lý này ngày càng tác động tới binh lính và sĩ quan trong quân đội đồng minh. Phòng tuyến "Maginô”— hệ thống phòng thủ kiên cố kéo dài từ biên giới Thụy sĩ đến tận Bỉ, được coi là vững chắc, bất khả xâm phạm. Người ta có thể yên tâm ngồi đằng sau nó để chờ đợi mọi sự kiện diễn ra. Những người có uy tín trong giới quân sự phương Tây , đã khẳng định như vậy…..

       Ngày 10 tháng 5 năm 1940 tất cả đã bị đảo ngược.

      Sau khi đã tập trung trên mặt trận phía Tây ba triệu quân cộng với sự yểm trợ của các đơn vị pháo gồm hai mươi lăm ngàn khẩu và gần ba nghìn xe tăng, quân Hítle đã chuyển sang tấn công. Trên trời có thêm ba nghìn tám trăm máy bay chiến đấu yểm hộ.

      Rạng sáng ngày 10 tháng 5, các lực lượng xung kích Đức mặc quân phục Hà-lan chiếm gọn các cầu bắc qua sông Maac và kênh Anbécta trong vùng biên giới Maac-Trikhta mà không gặp phải sự đáng kể nào. Đường lên phía tây đã được khai thông. Lực lượng đổ bộ đường không đã được ném xuống Rôttecđam.

       Đòn tấn công của Đức qua Bỉ và Hà lan đã phá vỡ sự tiến triển hòa bình của “cuộc chiến tranh kỳ lạ”. Càng ngày càng thấy rõ chiều hướng thất bại của Pháp. Quân đội viễn chinh Anh là kẻ đầu tiên thấy được điều đó. Không thông báo trước cho cả  Pháp lẫn Bỉ, quân Anh bắt đầu rút lui về Điunkéc, để hở sườn quân đồng minh. Tập đoàn cứ điểm Bắc của Pháp đã bị phá vỡ tại Cambơre, còn lực lượng vũ trang Bỉ thì đầu hàng trên bờ sông Ốtxten. Trước đó, quân Hà lan đã hạ vũ khí... Đường tới Paris đã được mở rộng. Quân Đức ào ạt tiến theo các trục đường lớn, còn cạnh đó, bên lề đường, trên các lối mòn là dòng người chạy nạn. Cuộc sống thanh bình của họ đã bị chiến tranh bất ngờ làm đảo lộn. Có người chạy về phía tây theo quán tính mặc dù quân địch đã đột phá về hướng đó khá xa, cũng có người thì thất vọng quay lại với một ý nguyện duy nhất là nếu có chết thì cũng được chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.   

     Thỉnh thoảng, dòng người lại lấn lên đường nhựa để đi cho dễ, nhưng những đoàn xe tải, xe tăng, xe kéo pháo của Đức chạy ầm ầm trên đường lại xua họ giạt xuống vệ đường. Dòng người cứ thế trôi đi, ùn lại bên những chiếc cầu, kẻ đầu phía tây, người đầu phía đông. Nhiều người cố đi xa đường cái lớn theo những lối mòn trong rừng, những người khác lại cho rằng đi theo đường lớn có lợi hơn. Họ chen lấn nhau, xô đẩy hỗn độn chẳng khác gì những mảnh vụn xoay tròn trong vũng nước dưới bánh cối xay.

       Khi quân Đức bắt đầu tấn công vào biên giới Hà-lan,  quân Anh - Pháp đã kháng cự lại. Tại Amstecđam, họ vừa chiến đấu vừa hát và đã chặn không cho quân Đức tiến vào thủ đô. Thế nhưng cũng chẳng được bao lâu họ lại phải rút. Quân Đức diễu cợt là quân Anh và quân Pháp nhảy điệu tăng-gô : một bước tiến hai bước lùi. Cũng trong thời gian đó, phản gián Anh lao đến Amstecđam tìm "đội quân thứ năm” để triệt trước khi quân Đức đến. Cảnh sát Hà lan đã giúp phản gián Anh trong việc này nhưng cũng đã muộn mất rồi, quân Đức đã chiếm được Amstecđam. Nữ hoàng Hà lan vội vã chạy sang Luân-đôn.

       Quân Pháp đã đầu hàng...   

      Cho đến nay, trong phòng lưu trữ phim tài liệu Đức, còn giữ lại bộ phim quay cảnh buổi lễ ký kết đầu hàng tại Côngpien (1). Đó là cảnh Hítle nhún nhẩy bước ra khỏi toa tầu, nơi đại diện của nước Pháp bại trận vừa ký nhận đầu hàng xong. Thế là như cả châu Âu đã nằm dưới gót giầy của hắn…

       Hầu như…Nhưng còn phải có một chiến dịch nữa về phía Đông chống lại nước Nga xô-viết. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Đức cùng các nhà ngoại giao và chính trị Đức đã làm tất cả để lôi cuốn về phía mình những liên minh mới và cổ vũ những đồng minh cũ để đẩy họ vào cuộc chiến tranh với Nga. Cần phải quảng cáo rùm beng lên về sức mạnh quân sự của Đức…

       Mùa thu năm 1940, sau chiến thắng vang lừng ở phía Tây, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng lục quân Đức đã tổ chức một chuyến đi, đại loại như kiểu đi du lịch cho bộ chỉ huy tối cao các nước chư hầu ở châu Âu tới những nơi vừa xảy ra các trận đánh. Tham gia vào chuyến đi long trọng này có các tướng lĩnh cao cấp và các nhà ngoại giao của Tây ban nha, Hunggari, Bungari, Rumani, Phần lan…Mỗi vị khách được tặng một cuốn anbom lớn, trong đó là bộ ảnh ghi lại những cảnh của cuộc chiến tranh chớp nhoáng tại Tây Âu năm 1940, cảnh sử dụng tất cả các loại vũ khí, kỹ thuật chiến đấu hiện đại…
………………………..
     (1). Một vùng của nước Pháp, nơi Đức đã phải ký nhận văn bản đầu hàng nước Pháp sau khi đã thất bại trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1918)…

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #84 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2019, 06:54:39 am »

     

       Tại Tây Âu, trước khi chiến tranh nổ ra vài tháng bỗng xuất hiện một người tên là Anri Điure thạo tiếng Pháp. Anh sống trong khu sinh viên nhỏ bé và làm nhân viên trong một phòng thí nghiệm. Điure hay nhắc đến một người nữa là Maixte – một “con người” hữu danh vô thực. Chẳng ai gặp Maixte bao giờ cả. Ngay cả đối với Grin – hiệu thính viên của mình -  , Điure cũng không bao giờ để lộ bí đanh đó. Khi chuyển lệnh, anh thường nói đại loại như sau : Maixte ra lệnh, Maixte đã ra chỉ thị... hoặc "tôi còn phải bàn với Maixte.”

       Thỉnh thoảng Điure tới Amstecđam gặp gỡ những người cần thiết. Nhưng có một quy định chặt chẽ là không ai được tới trường đại học của Điure chỉ trừ hai người Pitơ Gram và "người Bradin” Amigô. Hai người này đến Hà lan trước Điure.

      Điure biết Cáclốt Amigô từ lâu, trước khi đi công tác ở nước ngoài. Amigô là con của một kiều dân hoạt động cách mạng đã rời nước Nga Sa hoàng từ trước cách mạng. Anh rất thành thạo tiếng Tây ban nha. Khổ người tầm thước, chững chạc, tính tình vui nhộn, trông anh trẻ hơn tuổi ba mươi rất nhiều. Vào những năm xảy ra sự kiện tại Tây ban nha, anh đã rời đi Bacxêlông làm phiên dịch cho lữ đoàn quốc tế cộng sản rồi bị thương phải trở về nhà. Sau đó anh chọn nghề làm người chiến sĩ trên mặt trận vô hình.. . Theo câu chuyện ngụy trang, Cáclốt là con của một nhà kinh doanh Nam Mỹ giàu có đến Hà lan để nghiên cứu khoa học kinh tế... .

       Khác với Amigô, Pitơ Gram là một người cao, gầy, chậm chạp, ít nói, trên mặt bao giờ cũng như có một nụ cười gượng gạo. Mái tóc rụng sớm càng làm cho cái trán vĩ đại của anh cao thêm. Người anh gân guốc với hai bàn tay chai sạn, rắn chắc của người quen với công việc lao động nặng nhọc. Tại Hà lan, Pitơ Gram đã gây dựng nên "cơ nghiệp của mình” — mở một hãng buôn hàng thuộc địa…

       Một trong những cuộc gặp gỡ giữa Điure với Gram đã diễn ra vào tháng mười năm 1940. Thành phố đón chào Điure trong màu sắc rực rỡ của mùa thu. Những rừng cây âm u, chín nẫu sau một mùa hè đã xuất hiện những đốm mầu đồ ối và màu vàng gỉ sắt. Những chiếc lá kiệt sức từ từ rơi xuống mặt đất tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc. Amstecđam thoạt nhìn vẫn như xưa, không khác hồi trước chiến tranh là mấy — cũng vẫn thành phố, công viên, bờ sông, cầu cống ấy... Nhưng giờ đây, nó buồn tẻ và u tịch làm sao! Người đi trên đường phố rất ít. Thế nhưng rõ ràng đã cảm thấy "chúng” là chủ nhân ở đây, "chúng” sẽ đóng tại Hà lan lâu dài và vĩnh viễn….

        Amstecđam đã được gọi là "thành phố Vinhét của phương bắc” vì nó có rất nhiều cầu : hơn một nghìn chiếc cầu bắc qua hàng trăm kênh đào chia cắt thành phố thành nhiều hòn đảo thơ mộng….

      Tại đây còn giữ lại được của Amstecđam cũ "những chiếc giày” thu cước phí của thuyền, xà lan đi trên các kênh đào thành phố. Những người thu tiền canh trực trên cầu trong mọi thời tiết, tay cầm những chiếc cần trông như thể cần câu, chỉ khác người đi câu ở chỗ thay vào lưỡi câu là những chiếc giầy gỗ. Họ ngồi trên cầu thả giầy xuống, những người phụ trách xà lan, thuyền không cần dừng lại mà chỉ việc bỏ vào đấy những đồng tiền lẻ rồi tiếp tục…đi…

      Đấy là những cái gì còn lại của Amstecđam cũ ấy – Pitơ hất hàm về phía “chiếc giầy gỗ” nơi họ vừa đi qua – Nhưng bây giờ thì kênh đào cũng vắng vẻ như đường phố rồi.

       - Anh sẽ đưa ai lên làm người đứng đầu hãng? Điure  tiếp tục câu chuyện đang dở dang.

       - Tôi cho rằng cứ để Krua làm là tốt nhất. Đây là một người có máu làm ăn, đã từng đứng ra tổ chức việc buôn bán hàng hóa thuộc địa và có thời đã kinh doanh trong vùng thuộc địa của Hà-lan ở Ấn-độ. Nhưng tôi sợ rằng dần dần người này sẽ đoán ra thôi…

      - Cần phải thận trọng hơn…Tôi sẽ bàn với Maixte. Cần phải đốc thúc tiến hành công việc của hãng đi… Nhưng còn khách hàng chính thì sao – Điure hỏi ám chỉ bọn Đức – Có duy trì được với Cục quân nhu không ?

      - Vẫn chưa có gì cụ thể cả…Cách đây không lâu có một quan chức từ Béclanh tới, một kỹ sư thuộc tổ chức xây dựng các công trình quân sự tên là Gécman Kran. Khi tôi đến trao đổi với hắn về công việc, hắn đã niềm nở tiếp đón tôi. Hắn nói tôi là người Hà lan thông minh số một mà hắn biết, đã ý thức được là không nên hiềm khích với người Đức…

      - Thế ngoài việc trao đổi xã giao với nhau, anh có đề nghị gì với hắn không ?

     - Sao lại không ! Một tay đầu cơ hỏi xem tôi có biết ai có thể mua đường ray xe lửa cũ không. Hắn sẽ để lại cho với giá rẻ nếu mua cả đường ray lẫn tà-vẹt...Tôi kể chuyện này cho Kran nghe và hắn rất quan tâm lại còn sẵn sàng ký giao kèo ngay lập tức. Đây là giao kèo đầu tiên được ký kết tại văn phòng của chúng tôi mặc dù nó không có quan hệ gì đến việc buôn bán hàng thuộc địa...

     - Nếu chúng đã muốn thế — Điure cười - thì chúng ta sẽ đóng vai kẻ đầu cơ. Còn việc chúng ta phải thận trọng thì chúng ta sẽ giải thích cho hắn rõ đây là chợ đen, là giao kèo buôn bán trái phép.

      Họ đi đến cổng một tòa nhà cao và leo lên tầng năm. Gram lấy chìa khóa mở cửa. Từ đấy nhìn thông thống những căn phòng trống rỗng chẳng có đồ đạc, bàn ghế, giường tủ gì hết.   

      - Đây là văn phòng tương lai của chúng ta đấy. Ở đây chúng ta có thể yên tâm nói chuyện.   

      - Được đấy chứ , bước đầu mà được như thế này thì cũng không đến nỗi tồi — Điure đưa mắt nhìn khắp lượt căn phòng, nói — Khi ta đã kiếm được kha khá, ta sẽ tìm chỗ tốt hơn... Còn hiện giờ thì chúng ta mới chỉ là những tay đầu cơ mới vào nghề thôi mà...

       Pitơ Gram... Pitơ có rất nhiều tên và bí danh nhưng chỉ có một cái tên thật. Từ lâu nay chẳng ai biết cái tên đó và bản thân Pitơ cũng cố quên nó đi…..
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #85 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2019, 01:39:39 am »

     

       Pitơ Gram... Pitơ có rất nhiều tên và bí danh nhưng chỉ có một cái tên thật. Từ lâu nay chẳng ai biết cái tên đó và bản thân Pitơ cũng cố quên nó đi…..

      …Không biết đã bao lâu rồi... Mười lăm năm đã trôi quá rồi ư... Đúng vậy, đúng mười lăm năm về trước tại Bécxarabia này. Bây giờ đã gần bốn mươi tuổi, đã là một chiến sĩ hoạt động có kinh nghiệm, còn bấy giờ…

      Pitơ không biết và cũng không nhớ bố mẹ anh đã chuyển từ Tambốpsima đến những vùng đất mới từ bao giờ - chỉ biết chuyện đó xảy ra trước chiến tranh thế giới khá lâu. Gia đình anh đông người, làm nghề nông. Bố anh còn làm cả thợ rèn. Khi Rumani chiếm đoạt vùng Bécxarabia của Nga. Cuộc sống lại càng trở lên cơ cực hơn…Nhưng bố anh vẫn luôn luôn mơ ước dạy dỗ đứa con trai lớn nên người, để Iàm sao trong nhà có lấy một đứa con có học. Nhưng ông đã không được chứng kiến chuyện đó. Trong một cuộc khởi nghĩa chống bọn xâm lược Rumani ở Tatécbuna ông đã hy sinh. Nhớ lời bố dạy, cả nhà đã dốc sức lo cho Pitơ ăn học. Anh đã thi vào đại học và nghiên cứu lịch sử, văn học. Nhưng rồi chẳng bao lâu cuộc khủng khoảng kinh tế nổ ra: hầu như tất cả mọi người trong nhà đều bị thất nghiệp và chẳng còn ai có thể giúp đỡ được cho anh sinh viên trẻ tuổi nữa..

      Từ giã giảng đường đại học vì đói nghèo, con trai người thợ rèn đã phiêu bạt nơi đất khách quê người, bắt đầu làm nghề thợ xây, Sau đó làm nghề hái nhị hoa hồng trong các đồn điền. Anh đã từng làm nghề trồng nho rồi quay sang làm thợ nguội, đã thay đổi hết nghề này đến nghề khác, nhưng thất nghiệp đói nghèo luôn luôn đe dọa anh. Thế rồi anh thanh niên mới đây còn là sinh viên khoa ngữ văn bỏ sang Ba lan làm thợ mỏ. Cũng như hàng nghìn người thất nghiệp khác, anh ra đi với hy vọng tìm được nguồn hạnh phúc. Nhưng tục ngữ đã có câu '’chớ đứng núi này trông núi nọ”... Chàng thanh niên Gram cạo lồng ngồng trở thành thợ đầy goòng, cúi rạp lưng kéoỉ những xe than đầy ắp.Vài năm sau, cuộc đời anh có phần nào dễ chịu hơn một chút. Anh trở thành thợ máy. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu. Việc sa thải thợ hàng loạt đã đưa anh vào đội ngũ những người biểu tình trên đường phố khu thợ mỏ : Những người đào than đòi có công ăn việc làm. Bọn hiến binh đã kéo đến đàn áp dã man. Pitơ bị bắt đưa về đồn cảnh sát vì bị coi là kẻ gây rối loạn, xúi giục biểu tình. Hơn nữa chính quyền Ba lan lại rất ngược đãi những "người nước ngoài”...

       Khi Pitơ bị kết án tù khổ sai anh mới hai mươi hai tuổi. Anh đã bị đánh đập tra tấn, hỏi cung và bị đưa đi hết trại giam này đến nhà tù khấc. Sau tám tháng, chúng thả anh ra và buộc anh phải rời khỏi Ba lan ngay lập tức.

       Nhưng Pitơ Gram không thể làm như thế được. Vào cái ngày những người thợ mỏ xuống đường biểu tình, cả khu mỏ sục sôi phẫn nộ, anh thợ mỏ trẻ tuổi Gram đã quen với một cô gái đồng hương có đôi lông mày đen tên là Lôta. Lôta cũng từ Bécxarabia tới, nhưng lúc đầu cô bỏ sang Bungari rồi sau mới chuyển đến thành phố mỏ này.

       Hai người cùng đi với nhau trong đoàn biểu tình, cùng ném đá vào bọn hiến binh cưỡi ngựa. Pitơ đã đưa lưng r ache chở cho Lôta khi có một tên hiến binh vung roi quất cô gái... Những ngọn roi da đập vào lưng, vào vai anh. Tức khí anh thợ mỏ trẻ tuổi lôi tuột tên hiến binh xuống đất và nện túi bụi vào sườn hắn. Pitơ bị bắt giam... Làm sao mà anh lại có thể dứt áo ra đi mà không gặp lại Lôta ? Anh đã nghĩ không biết bao nhiêu lần về cô gái đó trong nhà tù cơ mà!... Lôta đã gửi quà cho anh. Trong thư chẳng nói rõ là ai, nhưng Pitơ tin rằng đây là Lôta. Ai có thể nhớ đến Pitơ Gram, trong cái thành phố xa lạ này..

       Đất nước xa lạ này cũng như vương quốc Rumani đối với Gram giống như một mụ dì ghẻ độc ác. Vào những năm đó, không riêng gì anh mà còn có hàng nghìn người Bungari, Mônđavi đã làm việc trong những vùng mỏ của Pháp, Ba lan. Khi có cuộc khủng hoảng kinh tế, tất cả bọn họ đều bị trục xuất. Và Pitơ Gram, người thợ mỏ thất nghiệp quê Mon¬davi cũng chịu chung số phận.   

       Trước khi đi anh vẫn đến gặp Lôta. Anh cám ơn Lôta đã gửi quà cho mình, còn Lôta thì lại trả lời anh một cách thờ ơ :
      - Tại sao anh lại nghĩ rằng đó là tôi?...Các bạn của chúng tôi đã đi quyên góp tiền cho các tù nhân... Tôi chỉ viết thư thôi...

     Pitơ thất vọng :
     - Nhưng cô đã viết thư cơ mà...

     - Thế thì sao ?...
   
     - Chúng trục xuất tôi khỏi Ba lan...Cô có đi cùng với tôi không ?

      - Để làm gì kia chứ?

      - Cứ đi vậy thôi... Còn nếu có thể thì ta sẽ cưới nhau — Pitơ bật nói ra điều thầm kín anh muốn nói với Lôta.

      - Nhưng tôi đã có chồng rồi cơ mà.

      Pitơ lại càng khó xử hơn... Anh cúi đầu.

      - Đã lâu chưa thế ? — Anh hỏi.

      - Từ năm ngoái.

      - Thế cô bao nhiêu tuổi ?

      - Mười bảy...

      Nhưng rồi họ vẫn đi với nhau.

       Trước đó, Lôta làm việc trong một nhà máy đồ hộp và sống trong khu công nhân ở ngoại ô Xôphia. Làn sóng bãi công đang lan ra khắp đất nước Bungari. Điều nguy hại nhất là bọn phản bội đã phá hoại sự thống nhất của những người bãi công. Những vụ bắt bớ bắt đầu xảy ra. Nhiều người đã bị tống giam. Không còn nghi ngờ gì nữa: có kẻ đã phản bội. Nhiều người đã trông thấy gã Liáp-chép, một thanh niên trẻ trong hội công nhân đi vào đồn cảnh sát... Việc theo dõi hắn được tiến hành và đã đi đến kết luận chính xác : hắn chính là tên phản bội. Mọi người tán thành thông qua quyết định phải khử hắn, để ngăn chặ những đợt bắt bớ mới…..

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #86 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2019, 12:23:13 am »

     

       Nhiệm vụ được giao cho nhóm chiến đấu trong đó có Lôta. Song vụ ám sát không thành. Tên phản bội vẫn sống, nhưng những tiếng súng đã làm cho bọn cảnh sát mật náo động. Chúng bắt đầu mở cuộc điều tra. Án tử hình đang đe dọa Lôta. Bọn cầm quyền vẫn còn chưa hết hoang mang sau vụ nổ tại nhà thờ Xôphia mấy năm về trước. Bấy giờ tổ chức công nhân đã quyết định: cần phải cho Lôta rời khỏi đất nước này. Khó khăn thường vấp phải trong hoạt động bí mật là việc lo giấy tờ. Lôta không thể ra đi theo họ tên thật của mình.

      Lôta chưa đầy mười bảy tuổi. Ở vào lứa tuổi đó, việc giải quyết có phần dễ dàng hơn. Tổ chức có một cán bộ mật của phong trào đang làm việc trong cục đường sắt. Tổ chức đã viết thư cho người này và giao cho Lôta trách nhiệm nói rõ hai người phải làm những gì. Lôta đón gặp người này trên đường phố sau giờ làm việc. Hôm ấy là ngày thứ bảy.
      - Này anh — cô nói — anh cần phải làm chồng tôi...

      Người cán bộ bí mật trố mắt ngỡ ngàng. Chưa bao giờ anh lại phải thực hiện một chỉ thị như vậy cả... Anh biết rất ít về người con gái đang đứng trước mặt mình. Khỏi phải nói, trông cô ta rất dễ thương nhưng anh lại đang chuẩn bị cưới một người con gái khác.   

     - Biết làm sao bây giờ ?...Này hay là...— anh gãi gãi gáy — hôm nay tôi rất bận. Ta tạm hoãn đã nhé...

       - Thế thì vào thứ hai đi — Lôta trả lời vô tư — Tôi cần phải có ngay giấy tờ…

      Đám cưới được tổ chức trong nhà thờ. Từ nay Loota có họ mới của “chồng”. Với tờ hộ chiếu mới đó, cô đã rời Bungari sang sống tại Ba-lan.

     Bây giờ thì cô đi cùng với Pitơ bắt đầu một cuộc sống lang thang. Pitơ trước đây đã từng mơ ước nghiên cứu triết học, nay đi làm thuê đủ mọi việc; đập đá trên đường giao thông, kéo đường dây cao thế, làm mướn cho nhà nông lúc thời vụ. Nhưng giờ đây thì dù số phận có ném anh đi đâu chăng nữa, Pitơ vẫn tiếp tục đấu tranh chống bất công, chống những thế lực độc ác trong xã hội do chế độ tư bản sinh ra. Anh đã làm bồi bàn ở Mácxây, làm trong nhà máy nấu quặng ở Hà-lan, sau đó lại làm thợ mỏ và tiến hành hoạt động cách mạng trong hàng ngũ những người công nhân ngoại quốc. So với những công nhân bản xứ thì công nhân nước ngoài còn bị bóc lột thậm tệ hơn. Đâu đâu, Pitơ cũng gặp phải cảnh đói nghèo và roi vọt. Nhưng giờ đây, anh đã nhìn cuộc đời và tương lai chứa chan ước hẹn hơn so với trước. Anh không có gì để ân hận – anh đã có một người bạn đời – Lôta, một người vợ dũng cảm, có đôi hàng mi xanh mướt và nụ cười huyền diệu…

      Một hôm, Lôta nhận được thư của người “chồng” cũ của mình. Chúng ta cần phải ly hôn ngay đi thôi. Từ bấy đến nay, tôi không thể tổ chức đám cưới cho tôi được. Chúng tôi đã có con..mà cô thì lại làm hỏng hộ chiếu của tôi…

     Lôta đã trả lời như sau: ”Anh hãy rán chịu ít nữa…Tôi sẽ làm tất cả sau khi nhận được giấy tờ..” . Trong thời gian đó, Lôta và Gram cũng đang chờ đợi đứa con đầu lòng của họ.

      Khi đứa con trai của họ ra đời, Pitơ mang một bó hoa đến nhà hộ sinh. Anh nói chuyện với Lôta rất lâu và kể về công việc của mình cho vợ nghe, nhưng Lôta có cảm giác là chồng giấu mình một điều gì đó song chị cũng không tò mò gạn hỏi…

      - Có một việc như thế này em ạ - Cuối cùng, Pitơ quyết định nói ra — Anh được đề nghị chuyển sang hoạt động bí mật. Em nghĩ thế nào về chuyện này ?

      - Anh còn đang do dự phải không ? – Lôta hỏi.

     - Về phần anh thì anh không lo lắng gì hết nhưng... anh chỉ lo cho em thôi, đây là công việc hệ trọng có thể ảnh hưởng đến em, đến… Pitơ nhìn đứa con mới lọt lòng.

      - Còn gì mà phải nghĩ ngợi nữa hả anh? – Lôta nói – Hãy đồng ý đi, đồng ý đi anh!...

       Bây giờ Lôta lại nhắc lại câu này trong bệnh viện, sau đó chị nói tiếp:
     - Anh hãy nói đi anh, anh có thể nhìn thẳng vào lương tâm mình không nếu như anh từ chối nhiệm vụ đó?...

      - Em là lương tâm của anh... Nói chung thì anh cũng nghĩ như vậy…

       Lôta cười. Mọi việc như thế đã được quyết định.

      Sau đấy một chuyện bi thảm đã xảy ra – đứa con đầu lòng của họ đã chết vì bệnh bại liệt. Giờ đây họ lại chỉ còn hai người với nhau.

       Một thời gian nữa trôi qua. Trên giao cho Gram khẩn trương thành lập một hãng buôn nhỏ có các chi nhánh tại các thành phố khác. Cũng vào lúc đó trên báo đăng quảng cáo: một ông chủ kinh doanh buôn bán các loại hàng thuộc địa đang tìm cổ đông. Gram được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu và dàn xếp công việc.   

      Pitơ Gram trở thành nhà kinh doanh.

      Theo tin anh dò la được thì ông chủ hãng đang lâm vào tình trạng khó khăn, ông ta rất cần có người hùn vốn.

     Việc kinh doanh buôn bán của ông ta đang đứng trước nguy cơ bị phá sản. Cách đây không lâu, hãng của ông ta làm ăn buôn bán rất phát đạt và ông chủ có thuyền buôn riêng để chuyên chở hàng hóa thuộc địa từ những nước nhiệt đới về, chủ yếu là chè. Vì chè là loại hàng rất dễ hấp thụ các loại mùi vị khác cho nên không thể chuyên chở bằng tàu chạy xăng hay dầu được mà phải chở bằng thuyền buồm. Trước chiến tranh, thuyền buồm của ông ta đã bị đắm tại đảo Aravi và từ bấy đến nay, ông ta vẫn chưa thể nào phục hồi lại được công việc của mình.

     Gram đi đến nhà chủ hang. Họ nói chuyện với nhau tại một căn buồng nhỏ dùng làm phòng tiếp khách và làm việc. Tại đây chỉ đặt một chiếc bàn làm việc, hai chiếc ghế xa-lông gỗ để cho khách và những giá bày mẫu hàng : các hộp và gói đựng chè, ca cao, cà phê. Không khí trong phòng sực mùi nhiệt đới. Những bức vách bằng kính bụi bặm ngăn phòng tiếp khách với xưởng cân đong, đóng gói. Xưởng đó vốn có hàng chục người làm nhưng nay chỉ còn thấy lác đác vài ba người.

       Gram nêu ra những điều kiện có lợi.
       - Nếu như chúng ta thỏa thuận với nhau — anh nói — tôi sẽ là người có cổ phần của hãng các ngài, còn ngài sẽ thu lợi tức. Chúng ta sẽ làm lại tất cả — Gram chỉ tay sang bên xưởng — ta sẽ ký hợp đồng đàng hoàng và tính chuyện làm thủ tục, quảng cáo…

      - Nhưng nếu chúng ta bị thua lỗ thì sao ? — Ông chủ hãng hỏi một cách thận trọng.

      - Tôi đã nói với ngài rồi. Chuyện đó không liên quan gì đến ngài đâu...Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Thua thiệt chúng tôi chịu. Nhưng sẽ không thể như thế được đâu. Chúng ta sẽ lập các chi nhánh, thiết kế các cửa hàng. Cái chính là chất lượng hàng hóa kia, tôi xin đoan chắc hàng sẽ bán chạy.

     - Về mặt chất lượng thì tôi xin đảm bảo – chủ hang thốt lên vui mừng – Xin nói thật với ngài, việc mở rộng buôn bán cũng không đòi hỏi nhiều tiền lắm đâu…Tôi xin đồng ý với điều kiện của ngài đưa ra. Cầu trời phù hộ cho chúng ta!

        Cơ sở ban đầu đã được đặt ra. Hợp đồng ký kết tại Sở Công nghiệp. Mọi việc đã được dàn xếp ổn thỏa, lịch thiệp. Tất nhiên, ông chủ của cái hãng sắp phá sản kia đâu có biết rằng doanh nghiệp của ông ta sẽ trở thành bình phong của nhóm hoạt động bí mật.

      Krua, một thương gia luống tuổi có nhiều kinh nghiệm và là người nổi tiếng trong giới kinh doanh được mời làm giám đốc của hãng. Đấy là một con người vui tính, hiếu động với bộ ria bạc và khuôn mặt béo tốt, hồng hào như mặt trẻ con. Ở vào cái tuổi đó rồi nhưng Krua vẫn thích tán tỉnh các bà trẻ tuổi, thích chè chén, chơi bời. Krua cũng rất tháo vát và sành sỏi trong nghề nghiệp kinh doanh của mình……
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #87 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2019, 01:13:06 am »

     

       3.



      Các sự kiện đã đến gần. Cần phải sẵn sàng để đối phó với chúng...

      Nhưng kẻ địch — Cục an ninh đế chế, ngành tình báo quân sự và phản gián Đức của đô đốc Kanarít  đâu có chịu đứng ngoài cuộc trước đợt tấn công sắp tới của Đức quốc xã vào Liên xô.

       Vào tháng Giêng năm 1941, một tháng sau khi Hítle chuẩn y kế hoạch "Barbarosa”, khi kế hoạch mật tấn công nước Nga ở vào giai đoạn cao điểm thì một tùy viên quân sự mới của Liên xô, đại tá Ghêraximốp, được cử sang Đức. Ông đã đến thăm xã giao Tổng Tham mưu trưởng lục quân Đức là trung tướng Ganđe. Vì không tiện cho người nước ngoài, nhất lại là người Nga vào đại bản doanh vừa mới xây dựng lại tại Tsotxen, nên cuộc gặp gỡ được tổ chức trong thành phố. Phants Ganđe người cao, gầy, tóc cắt ngắn, môi lúc nào cũng mím chặt, đeo kính không gọng giống như một nhà giáo, trong bộ quân phục cấp tướng phẳng lỳ bó sát lấy người bước ra khỏi bàn và tiến lên phía trước nở nụ cười vẻ thân thiện bắt tay đại tá Liên xô.

      - Tôi rất, rất sung sướng được làm quen với ngài đại tá ạ — Ganđe nói, giang rộng tay mời khách lại bàn tham mưu đặt ở giữa căn phòng. Ganđe ngồi xuống đối diện với Ghêraximốp, ánh mắt viên Tổng Tham mưu trưởng chứa chan tình cảm và sự thân thiện !...

       Cuộc nói chuyện diễn ra ngắn gọn trong vòng mười phút. Ganđe hỏi han về tình hình sức khỏe của đại tá, bày tỏ niềm tin tưởng vào quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên và chúc đại tá đạt nhiều thành tích. Hắn còn nói thêm là nếu thấy cần, thì dù có chuyện nhỏ nhặt đến đâu, đại tá cũng có thể đến gặp gỡ trực tiếp với hắn.

       Sau khi lưu luyến tiễn đưa đại tá Liên xô ra tận cửa,  Ganđe trở lại bàn làm việc của mình lấy từ trong ngăn bàn ra một quyển sổ bọc bìa đen mềm và ghi nhật ký công tác :
      "Ngày 23 tháng 1 năm 1941 vào giờ làm việc buổi chiều, tùy viên quân sự mới của Nga đến trình diện”.

     Ganđe đọc lại dòng nhật ký đã viết ngày hôm đó :
      "Buổi sáng: soạn thảo kế hoạch "Barbarosa”. Chỉ huy và tiến hành chiến dịch”.

       Còn một dòng nữa cũng trên trang này :
        "Báo cáo cho Quốc trưởng—quyết định—làm thế nào để tiêu diệt nước Nga một cách chóng vánh nhất. ..”   

       Một nụ cười ranh mãnh thoáng hiện trên nét mặt hắn... Hắn gọi tùy tùng sau khi đã gấp cuốn sổ lại :
      - Chuẩn bị xe đi Tsotxen.

       Hắn còn phải họp với Hâyđơrích và Chíppenkiếc mà còn ít thời gian quá nên hắn ra lệnh cho lái xe phải khẩn trương.

       Tsotxen cách Béclanh chừng ba mươi kilômét. Cách đây không lâu tại đó đã khởi công xây dựng một thành phố quân sự với những công sự thiết bị hiện đại, những nhà ngầm nhiều tầng ăn sâu xuống lòng đất, những hầm trú ẩn khổng lồ bằng bê tông cốt sắt hình điếu xì gà nằm rải rác dọc ngang đây đó khắp trong thành phố. Nhìn bề ngoài, đại bản doanh trông giống như một làng quê thanh bình của Đức với những ngôi nhà mái ngói, những vườn nuôi gia súc nhưng những mái nhà ngói thanh bình đó được làm bằng bê tông cốt sắt chắc chắn. Theo tính toán của các chuyên gia xây dựng thì chúng có thể chịu đựng được các loại bom bình thường. Những công sự phòng tránh máy bay kiên cố được xây dựng trái ngược với lời hứa của nguyên soái Gơrinh là không để cho một trái bom nào của địch có thể rơi trên đất Đức, rằng không quân của Gơrinh sẽ không để cho một chiếc máy bay nào của đối phương có thể lọt vào vùng trời của Đức..

       Những người dự họp đã đến và đang đợi trong tiếp tân của viên Tổng Tham mưu trưởng. Khi hắn bước vào tất cả đều bật đứng dậy. Chỉ còn thiếu một mình Raigac Hâyđơrích, Cục trưởng Cục An ninh Đế chế. Hắn là một kẻ kiêu ngạo nên cho rằng phải đến chỗ Ganđe, một tay cấp bậc không cao hơn hắn, để họp là tự hạ thấp uy tín. Chính vì thế hắn đã cử Cấp phó của mình đi họp thay.

       Tại đây đã tiến hành thảo luận tin tức của Aber-Kvarchirmayxcher IV, mật danh của Cục tình báo lục quân do tướng Cuốc phôn Chíppenkiếc cầm đầu. Báo cáo của y càng củng cố thêm niềm tin là Hồng quân sẽ không thể chịu đựng được đòn tấn công của lực lượng vũ trang Đức. Chíppenkiếc đã rút ra kết luận dựa theo những tin tức tình báo tổng hợp đã được xác nhận qua những báo cáo gần đây nhất.

      - Theo tin tức chính xác — hắn nói — lực lượng địch gồm có 54 sư đoàn. Quân số này lớn hơn so với giả định của ta nhưng sự chuẩn bị rất yếu kém, không có kinh nghiệm chiến đấu, trang bị lỗi thời. Đặc biệt là lực lượng xe tăng và không quân lạc hậu nhiều so với yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Những cái mới trong kỹ thuật quân sự của Nga chỉ là những thứ bắt chước của nước ngoài. Theo tất cả các nguồn tin, địch không thể gây ra chuyện gì đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực phát minh quân sự. Hơn nữa người Nga không thể trang bị đầy đủ cho quân đội của mình vì phần lớn các xí nghiệp quân sự đều  nằm trong các vùng thuộc tầm hoạt động của không quân Đức, chúng sẽ bị đánh chiếm ngay trong giai đoạn đầu của chiến tranh.

      - Ngài tin vào điều đó chứ ? — Ganđe thận  trọng hỏi, mặc dù trong thâm tâm hắn cũng tin rằng quân Nga chỉ là một tên khổng lồ chân đất sét sẽ bị  đánh quỵ ngay từ cú ra đòn đầu tiên.

      - Tôi hoàn toàn tin tưởng ! — phôn Chíppen kiếc cất giọng lanh lảnh — không còn nghi ngờ gì nữa, sinh lực địch sẽ bị tiêu diệt trong những trận đánh chớp nhoáng ở vùng biên giới như kế hoạch “Barbarosa” đã vạch ra...   
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #88 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2019, 12:13:00 am »

  

      …Phôn Chíppenkiếc nhấn mạnh rằng quân Nga sẽ bị bất ngờ, vì thế nhận định cho rằng chiến dịch sắp tới ở phía Đông kéo dài không quá sáu tuần là hoàn toàn có căn cứ. Những biện pháp do Bộ chỉ huy tối cao Đức tiến hành nhằm ngụy trang cho chiến dịch, kể cả việc thường xuyên di chuyển quân, tung tin giả về cuộc đổ bộ sắp tới lên đất Anh đã đánh lừa được tình báo Liên xô….

      Tự nhiên tướng Ganđe nhớ lại cuộc gặp gỡ ngày hôm đó với viên đại tá Liên xô — người này cũng không tỏ ra mẩy may nghỉ ngờ một chút nào cả...

        Sau đấy, cuộc họp chuyển sang bàn cách sử dụng trung đoàn "Branđenburg 800” trong ngày X — ngày đầu tiên tấn công vào Liên xô — như thế nào.

       Trung đoàn "Branđenburg 800” là con đẻ của đô đốc Kanarít, người cầm đầu ngành tình báo và phản gián quân sự của Đức quốc xã. Trung đoàn này, gồm những tên tình nguyện giết người, đầu trộm đuôi cướp, mạo danh là đội quân xây dựng đóng tại tỉnh Branđenburg. Bây giờ chúng được điều động đến gần biên giới Liên xô. Những tên lính đổ bộ đường không này đã từng có mặt trong những trận đánh mới đây tại mặt trận phía tây. Chúng mặc quân phục Hà lan, đi thành đội ngũ tới sông Maac và kênh đào Anbe trong vùng Maac Tritta và chiếm các cây cầu ở đây không tốn lấy một viên dạn. Việc này xẩy ra vài phút trước khi pháo bắn dọn đường mở đầu cho cuộc chiến tranh thực sự ở Tây Âu. Quân Hà lan không phá được cầu vì thế quân Đức đã ào ạt tiến sang bờ bên kia sông Maac mà không bị thiệt hại

       Điều đó đã xảy ra. Bây giờ nó được quyết định lặp lại.

       Cấp phó của Hâyđrích báo cáo rằng đã kiếm được trang phục của lính Nga, có cả những bộ hoàn chỉnh của cấp chỉ huy, hắn bày tỏ ý định chiếm bến vượt trong hậu phương quân đội Liên xô cách biên giới chừng hai mươi kilômét. Hắn trải bản đồ khu vực tác chiến sắp tới lên bàn.

      Theo hợp đồng với phòng tác chiến, chiến dịch sẽ tiến hành trước tiên trong khu vực Dvinxca cạnh chiếc cầu qua sông Dvin. Sau đó — hắn ấp úng vì từ Nga quá khó khi phát âm — trên sông Ribertsa — hắn đánh vần từng chữ... cầu Dêrêvianưi... dài một trạm tám mươi mét.

       Ganđe sửa lại chiếc kính không gọng rồi cúi xuống tấm bản đồ lớn.   
       - Chúng ta đặc biệt quan tâm đến chiếc cầu qua sông Dvin — viên Tổng Tham mưu trưởng nói...

       Buổi chiều trong cuốn nhật ký của hắn đã xuất hiện những dòng chữ mới:
       "Việc soạn thảo kế hoạch triển khai chiến dịch Bar-barosa đã hoàn tất. Một đại đội của trung đoàn "Branđenburg 800” được chuyển cho List”.

       Hoạt động của đại đội 10 thuộc trung đoàn "Branđenburg 800” là một trong những nhiệm vụ của kế hoạch chiến lược. Hoạt động này bí mật đến nỗi không có một bản báo cáo nào của các bộ chỉ huy Đức nói đến cả.

      Sau cuộc họp với Gande, tưóng Cuốc phôn Chippenkiếc đến phòng làm việc của tên cầm đầu ngành tình báo đế chế, đô đốc Kanarít ở phố Kripittrác.

       Trông thấy hắn, viên tùy tùng của đô đốc Kanarít đứng bật ngay dậy. Phôn Chíppenkiếc chẳng nói chẳng rằng, gật đầu rồi đi thẳng vào phòng làm việc của tên cầm đầu Ápve. Đây là căn phòng treo đầy bản đồ các khu vực trên thế giới mà hắn hay lui tới. Những tấm bản đồ bị thay đổi là tùy theo nhiệm vụ từ đại bản doanh của Hítle dội xuống. Tại đây đã từng treo bản đồ của Áo, Tiệp, Ba lan... Bây giờ đây, thay vào chỗ của chúng là một tấm bản đồ Nước Nga Xô viết chíếm gần nửa bức tường và buông sát mặt đất.   

     Trên một bức tường khác của phòng là chân dung của các cựu thống lĩnh Ápve. Giữa các bức chân dung, ở vị trí trung tâm là một tấm ảnh lớn của đại tá Nhicôlai, người đã từng cầm đầu ngành tình báo đế chế trong những năm tháng của đại chiến thế giới lần thứ nhất. Trên bàn làm việc là chân dung của Ađôn Hítle, còn dưới nó một chút là ảnh của tướng Phrancô với dòng chữ đề tặng người mà đô đốc Kanarít có quan hệ từ lâu.   

       Ngoài ra, trên bàn làm việc còn có một pho tượng nhỏ bằng đồng — tượng ba con khỉ dựa vào nhau. Thoạt nhìn, trông chúng giống như một bức tượng truyền thống trong đạo Phật ở phương Đông, tượng,  trưng cho sự thờ ơ trong công việc trần tục và thoát khỏi bụi trần trong cuộc sống. Dưới bàn tay tạo hình của các nghệ nhân trong Phật giáo, một con khỉ lấy tay bịt mắt, con thứ hai bịt tai, còn con thứ ba thì dùng lòng bàn tay bịt miệng : "Không thấy, không nghe, không nói!” — cực lạc đang chờ ở cõi tiên. Nhưng Kanarít đã giao cho một người thợ tạc tượng sửa pho tượng phương đông đi một chút. Trên bàn hắn, con khỉ thứ nhất khom mu bàn tay che trên lông mày như đang theo dõi ai đó, con khỉ thứ hai nghiêng lòng bàn tay che bên tai để nghe trộm, riêng con thứ ba thì vẫn giữ nguyên như cũ tức là vẫn lấy tay bịt miệng lại. "Nhìn thấy tất cả, nghe thấy mọi điều, nhưng im lặng”. Đô đốc Kanarít lệnh cho đúc hàng trăm và cũng có thể tới hàng nghìn những bức tượng giống như thế và đem phân phát cho các nhân viên của ngành tình báo quân sự đế chế...

       Phôn Chíppenkiếc báo cáo cho đô đốc về cuộc họp trong bộ Tổng tham mưu, về những đại đội Branđenburg được phái về các bộ tham mưu tập đoàn quân, về những cuộc đổ bộ sắp tới liên quan đến việc đánh chiếm các cây cầu.

     - Ngài biết không – Kanarít bỗng ngắt lời hắn — giá như bây giờ tôi cho thêm vào bức tượng này một con khỉ  nữa thì nó sẽ đốt ngòi nổ chậm.. Đấy là cái mới khác biệt trong ngành tình báo của chúng ta. Chúng ta không chỉ thấy, nghe, giữ kín mà còn hành động... Mục đích biện minh cho phương tiện mà! Tôi hoàn toàn nhất trí với Quốc trưởng về điều này... Chúng ta đang bắt đầu một trò chơi lớn. Và tôi tin là chúng ta sẽ thắng lợi...

      Kanarít liếc nhìn người đang nói chuyện với mình. Hắn bắt đầu phát triển ý định mới :
      - Song song với những chuyện đã được quyết định, cần phải phái người của ta sang Nga trên những chuyến tàu chở hàng. Nếu họ phải nằm một hai ngày trong những toa chở hàng thì cũng chẳng can gì. Thế nhưng rạng sáng ngày X các hiệp sĩ Branđenburg của ta đã có mặt trong hậu cứ của bọn Nga. Chỉ có điều là không nên phái họ đi quá xa... Hãy cho người làm nhiệm vụ kiểm tra thời gian biểu của tàu chở hàng. Cứ để cho họ gieo rắc hoang mang... Cứ mặc cho họ giết chóc, đốt phá thả sức... Còn một điều nữa... Ngài có chú ý tới chi tiết tâm lý này không: khi quân lính đi thành đội ngũ vào khu vực quân sự thì thường ít bị kiểm tra giấy tờ... vậy thì tại sao ta lại không phái vào pháo đài Brext một đội Branđenburg biết nói tiếng Nga, ăn mặc như quân Nga...vào trước ngày X.., Nếu được thế thì họ sẽ là đội quân đắc lực của ta trong ngày X... Ngài có nhớ người chỉ huy đầu tiên của trung đoàn, ngài phôn Kippen không ? Ông ta thường nói với quân của mình rằng: "Các anh phải là những thần tượng có thể bắt quỷ trong địa ngục ! ”.. Đấy, chúng ta sẽ phái những con người như thế vào pháo đài của bọn Nga…

      Ngày X đã đến gần. Con khỉ tưởng tượng trên bàn của đô đốc Kanarít đang cầm sẵn trong tay mồi lửa để đốt ngòi nổ chậm...



Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #89 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2019, 09:30:41 am »

                                    

                                                                                                                              PHẦN HAI

                                                                                                                 Ở PHÍA BÊN KIA MẶT TRẬN
                                                                                                                                ..........




                                                                                                                            CHƯƠNG I

                                                                                                   “BỌN CHÚNG TẤN CÔNG VÀO LÚC RẠNG SÁNG…”





         1.



       Tại phương Tây, chiến tranh kết thúc nhanh chóng bằng thắng lợi của quân đội Đức. Chiến tranh bắt đầu vào tháng năm và cũng kết thúc trong tháng năm.. Thật đúng là một cuộc chiến tranh chớp nhoáng! (Blitskrieg). Các quan chức cấp cao trong lực lượng vũ trang Đức, và Hítle đã đánh giá chiến dịch như vậy.

       Châu Âu đang rên siết dưới gót giầy của Hítle suốt từ đầu này đến đầu kia. Một đầu nằm mãi tít tận đằng tây — đấy là một bến cảng nằm trên bờ Đại tây Dương, còn đầu bên kia nằm ở phía đông ngay cạnh pháo đài trên biên giới nước Nga — chỉ cần bước qua con sông là tới. Thành phố cổ kính trên sông Buga này từ nghìn xưa đã là của Nga và cũng có tên là Brext. Giữa hai đầu là các quốc gia châu Âu bị xóa bỏ ranh giới dưới quyền cai trị của Đức quốc xã. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy những lá cờ chữ thập ngoặc tung bay. Giờ đây Hítle đang dòm ngó Brext của Nga.

       Chiến tranh dường như đã lùi vào dĩ vãng. Nhiều vùng dân cư lại có vẻ thanh bình, trữ tình như một hai năm về trước. Đấy là những vùng chiến tranh không đi qua, không bị xích sắt xe tăng quần xéo. Ngay cả sự có mặt của những tên lính Đức đi dạo trên đường phố cũ và những chiếc xe của bọn xâm lược được ngụy trang chạy tới chạy lui trên đường phố cũng không xóa bỏ được ấn tượng này. Chỉ có những con người bất hạnh bị tai họa giáng xuống đầu là u uất và trầm mặc.

      Không có một tiếng cười, một câu nói đùa hoặc cái vẻ vui vẻ mà người ta thường thấy ở người Pháp. Họ đã trở thành một dân tộc bại trận... Vĩnh viễn, muôn đời — Hítle đã nói như vậy.

       Xanh—Giecmanh, một thị xã ngoại ô Pari với những ngôi nhà thấp lè tè, với những bức tường dày như pháo đài cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Những biệt thự mái ngói, những dinh cơ của người giàu có trong những khụ vườn tươi tốt, những khu nhà lụp xụp của người nghèo, những công viên, những hàng cây bên đường rực rỡ màu hoa dẻ vẫn nguyên như xưa. Thế nhưng tất cả những người dân Xanh—Giecmanh không giây phút nào  có thể lãng quên cuộc xâm lăng. Tượng trưng cho nó là Bộ tham mưu Đức. Bên cạnh các lối vào là những tên lính Đức đứng dạng chân, đầu đội mũ sắt, tay bồng súng, im lìm như những pho tượng. Chúng có vẻ như không can thiệp gì đến sinh hoạt của thị xã ngoại ô Pari nhưng những người dân Xanh—Giecmanh vẫn cố đi tránh xa ngôi nhà này.   

       Chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc. Bây giờ Hítle sẽ lạc vào dâu ? Sang các hòn đảo của nước Anh chăng ? Có lẽ là như vậy - Ở đâu người ta cũng nghe thấy bàn tán về việc này. Bọn Đức cũng chẳng tìm cách che giấu điều đó, hơn thế nữa chúng còn công khai quảng cáo cho kế hoạch của mình. Mật danh cho chiến dịch đó là "Sư tử biển”—việc tấn công vào nước Anh không còn là chuyện chuyện bí mật. Bọn Đức công khai tập trung tàu vận tải tại bờ bắc để bộ qua eo biển Măngsơ, công khai huấn luyện binh lính trước mắt tất cả mọi người. Nhưng Hítle chỉ dùng "Sư tử biển” để ngụy trang mà thôi. Hắn đang nhắm về phía Đông, về phía Brext của Nga...   
 
       Người đầu tiên đến phương Đông là nguyên soái Ket-xenrinh, tên cầm đầu bộ tham mưu không quân số hai. Tiếp đó là các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo binh lũ lượt kéo đến...Tướng Runstendt, tư lệnh các lực lượng chiếm đóng tại Pháp cũng được trao nhiệm vụ mới... Viên tướng cáo già từ thời Kaiderốp được phong anh hùng sau khi đánh tan quân đội Anh, Pháp tại Đoong-kec đã giao công việc lại cho kẻ kế thừa mình sau khi nhận được chỉ thị từ Béclanh — tiến hành diễn tập tham mưu, các tư lệnh tập đoàn quân và quân đoàn sắp ra trận ngay tại Xanh—Giecmanh…

       Tổng tham mưu trưởng Ganđe và viên phó của y, Phôn Pôliut và trùm tình báo các lực lượng lục quân Chíppenkiếc đã đáp máy bay đến Xanh—Giecmanh để tham dự diễn tập. Đây là một cuộc tập trận có ý nghĩa lớn….

      Trong phòng hội nghị, các viên tướng đang giải quyết những nhiệm vụ chiến lược bên những tấm bản đồ tham mưu đầy những hàng chữ Nga xa lạ. Trên các tấm bản đồ trep tường và trải rộng trên bàn, các mũi tên màu xanh tàn bạo tiến về phía đông hứa hẹn thắng lợi của chiến dịch sắp tới…

      Tình huống giả định do Ganđe đưa ra. Hắn nêu từng giai đoạn. Vị trí xuất phát.. “ngày Đ” bắt đầu tấn công... Ngày thứ mười... Ngày thứ hai mươi…..Chiến dịch "Barbarosa” kéo dài không tới bốn mươi ngày vì vào thời điểm đó, chiến dịch sáu tuần ở phương đông phải kết thúc….

        Cuộc hành quân về phía đông trên bản đồ tham mưu đã được vạch ra như vậy.. Nhưng đấy mới chỉ là trên bản đồ….

       Ganđe kết thúc bằng những từ ngữ xem ra có vẻ làm cho người ta phấn chấn :
     - Tên khổng lồ Nga chỉ giống như một chiếc bong bóng lợn mà thôi. Chỉ cần đâm cho nó thủng…

      Không khí trong phòng sôi động hẳn lên. Nhưng ở đây vẫn còn điều gì đó âm thầm khó nói đè nặng trong lòng nhiều kẻ có mặt trong cuộc họp này. Chúng ngần ngại trước sự rộng lớn, bao la, bí hiểm của nước Nga. Không một ai trong số bọn chúng muốn từ giã nước Pháp, từ giã cuộc sống thoải mái ở đấy cả…Bây giờ lại phải từ bỏ miếng mồi mới giành được, lại tiếp tục dấn thân vào nơi khó khăn, nguy hiểm đầy thiếu thốn của cuộc đời chinh chiến. Mà không phải có vậy thôi đâu. Điều đáng lo ngại ở đây là tình hình ở phía Đông còn mờ mịt lắm. Quân Nga có những lực lượng như thế nào ?

      Pôlilút đã nói lên điều này trong buổi sơ kết cuộc diễn tập quân sự vừa qua. Nhưng hắn cũng không làm cho vấn đề sáng tỏ thêm được một chút nào cả. Pôlilút, kẻ tham gia chuẩn bị kế hoạch "Barbarosa”, dẫn chứng dài dòng những lời nói của Hítle, và lặp lại những lời phát biểu của Hítle trong cuộc họp tuyệt mật ở văn phòng của đế chế. Bây giờ đã có thể đem chúng ra nói tại đây được rồi:    
       "Việc tấn công sang Nga không có gì nguy hiểm đối với chúng ta cả, lực lượng của địch không có khả năng chiến đấu cao...”….   

      "Ba tuần sau ngày Đ… chúng ta sẽ có mặt ở Xanh Pêtécbua...”….

      "Nếu như tấn công địch một cách cương quyết và đúng đắn thì chúng ta có thể tiêu diệt chúng nhanh hơn dự đoán của thế giới…”


      Pôlilút cầm thước chỉ huy tiến lại gần tấm bản đồ. Hắn trỏ một điểm Brext này và điểm Brext kia…

     - Khoảng cách này – hắn nói – còn lớn hơn nhiều so với khoảng cách mà chúng ta đi tới Mátxcơva….

     Nhưng tất cả chỉ là “bong bong lợn” của Ganđe. Pôlilút mâu thuẫn với chính bản thân hắn, khi buông thõng một câu :”lực lượng của Nga là một sức mạnh lớn không lường trước được..”…

     Sau đó, hắn nêu lên những con số: hiện giờ Nga có 150 sư đoàn, sau khi tổng động viên có thể thành lập thêm tối đa là 59 sư đoàn bộ binh nữa. Tổng cộng có 209 sư đoàn được trang bị thô sơ, ít được huấn luyện. Đấy là tất cả những gì mà Hồng quân có thể có…

     Thế nhưng, chỉ vài tháng sau cuộc diễn tập tham mưu của Đức tại Xanh—Giecmanh, vào mùa hè năm 1941, Đại bản doanh Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân Liên-xô đã phái từ hậu phương ra mặt trận tới 324 sư đoàn…

   Thống chế Runstenđt ngồi dự buổi sơ kết diễn tập tham mưu với vẻ trầm ngâm, ảm đạm dường như chẳng nghe thấy những gì mà các vị lãnh đạo cao cấp từ Béc-lanh đến đang thuyết trình…

      Khi cuộc họp kết thúc, theo truyền thống, những người tham dự vội vã đi đến khách sạn "Magiextic” để tổ chức liên hoan chia tay trước khi đến nơi phục vụ mới.  Runstenđt cùng đi với Ganđe và Pôliút đến căn buồng cũ của mình và bực tức nói:
      - Các ngài xem đấy, chiến tranh với Nga là một dự định vô nghĩa... Theo tôi nó sẽ chả ra gì đâu...

      Ganđe và Pôliút giật mình nhìn ra cửa.

      - Nhưng — Runstenđt tiếp tục nói ra bây giờ thì cũng đã muộn mất rồi...con xúc-xắc đã được gieo và ván bài phải chơi đến cùng! May ra còn có trời phù hộ...

      Runstenđt là một trong những trụ cột của ban lãnh đạo quân sự Đức, là người có đầu óc sáng suốt. Bản tính nóng nảy, Runstenđt dám nói ra những điều mà từ mồm người khác có thể bị mất đầu như chơi. Ngay từ cuối chiến tranh, Runstenđt đã được phong làm Tư lệnh Phương diện quân Mặt trận phía Tây và đã dám nói lên thất bại của Đức. ….

       Vào cái đêm quân Anh — Mỹ bắt đầu mở mặt trận thứ hai tấn công vào miền bắc nước Pháp, Runstenđt đã gọi điện và xin nói chuyện với Hítle. Vì Quốc trưởng đang ngủ, còn sĩ quan tùy tùng trực ban của Hítle thì từ chối không dám đánh thức Quốc trưởng dậy. Runstenđt thấy thế nổi khùng lên nhưng viên sĩ quan tùy tùng vẫn không chịu.
    
     Thống chế Kâyten, một cố vấn quân sự thân cận của Hítle đến bên điện thoại, Runstenđt vẫn coi hắn là kẻ hãnh tiến và xu nịnh. Thoạt đầu, Kâyten còn vặn vẹo tình hình nhưng sau đó y lo lắng hỏi :
      - Bây giờ chúng ta phải làm gì đây ?

      Lập tức Runstenđt đáp lại :
      - Làm gì à ? Ký hòa ước ngay đi, đồ ngu! Ký ngay lập tức chứ còn làm gì bây giờ!

      - Ngài nói gì thế?— Kâyten cuống quýt hỏi nhưng Runstendt đã bỏ ống nghe xuống rồi…

      Tất nhiên, Kâyten đã báo chuyện này cho Hítle và thế là Runstendt bị tước chức Tư lệnh phương diện quân phía Tây.

      Nhưng chuyện này mãi cuối chiến tranh mới xảy ra. Còn bây giờ chiến tranh mới bắt đầu. Runstendt phải nhận chức tư lệnh cụm tập đoàn quân thực hiện việc tấn công vào miền Nam nước Nga……

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM