Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:37:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66371 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2019, 10:40:08 am »

   

   - Có lẽ chúng ta đã bứt được đuôi rồi — Vinli nói khi hai người lại cùng nhau đi ra phố — Bây giờ thì chị hãy kể cho tôi nghe đi... Trung tâm đang đợi tin của Aris đấy.

      - Vâng, tin tức của ông ta cần phải qua tôi — Inda trả lời — nhưng người ta đã quên mất tôi rồi.

      - Không, không phải thế đâu... Chúng tôi biết Aris gặp rắc rối trong công việc và trên quyết định chờ đợi. Bây giờ thì hình như sóng gió đã qua rồi thì phải.

      - Vâng — Inda gật đầu — Ít lâu nữa tôi sẽ bắt đầu làm việc trong Bộ Ngoại giao, sẽ đổi nhà. Làm thế nào mà tôi báo địa chỉ mới cho anh được.

      - Bây giờ tôi sẽ nói tất cả cho chị biết —- Vinli trả lời.

      Họ từ phố Phritricstrac quẹo sang phố Uterđenlinđen và thong thả đi tới cổng Branđenbuốc — Chị có thấy quầy bán sách ở phía trước mặt kia không? Chủ hiệu là bà Kuske — vợ góa của một người cộng sản lão thành. Bà ấy bán sách, báo, bưu thiếp, vật kỷ niệm — đủ thứ trên đời kể cả ảnh của Hítle nữa. Bà ấy sẽ là hộp thư của chị. Bây giờ tôi sẽ giới thiệu chị với bà ấy, trong trường hợp cần thiết tôi sẽ để lại mật khẩu.

       Anna Kuske là một phụ nữ luống tuổi, người đẫy đà đang ngồi chơi ô chữ trong lúc chờ khách. Vinli và Inda dừng Iại trước cửa hiệu.
       - Bà cho tôi tờ báo buổi chiều — Vinli đặt tiền xu xuống quầy.

       Anna đưa báo và trả lại tiền thừa. Trời đã bắt đầu tối, những ngọn đèn đường bật sáng. Dòng người đi bộ trên hè phố thưa dần. Cạnh quầy lúc đó không có ai, Vinli nói khẽ :
      - Đây là Phrau Anna, người mà tôi đã kể cho bà nghe.

      Hai người phụ nữ chăm chú nhìn nhau. Anna tươi cười:
     - Rất hân hạnh! Xin chị cứ đến vào ban ngày, lúc đông người.

      Từ trong vòm cổng Branđenbuốc có hai người đi ra — Một viên sĩ quan SS và một bà ăn diện. Phrau Anna nói to lên :
       - Này, có ảnh chân dung mới của ngài Quốc trưởng đây này. Các ngài có muốn mua không nào ? Ảnh đạt lắm nhé. Ảnh mới nhất đây.

     Họ chia tay nhau tại Chirgácten.

      Vinli cầm tay Inda nói:
      - Tôi còn phải thực hiện một nhiệm vụ nữa — anh nói — đồng chí Vônphgan gửi lời chào chị và có viết cho chị ít chữ. Chị cầm hộ tôi cái gói này một chút.

      Vinli mở cặp và lấy đưa cho Inda một phong bì nhỏ gấp làm đôi. Inda tay run run đón lấy cho vào túi.
      - Thế anh ấy bây giờ ra sao rồi ạ ?

       Nữ tình báo viên Anta mới vừa trao đổi những công việc nguy hiểm, quan trọng một cách chững chạc như thế mà bây giờ trông mới dễ thương làm sao. Vinli đã đọc được trong ánh mắt của người phụ nữ trẻ cái nhìn trách móc: làm sao cái nhà anh này lại có thể im lặng lâu đến như vậy mà không hề hé răng nói một lời nào về chuyện mang tin của Cuốc đến cho chị.   

      - Chị tha lỗi cho tôi nhé... Tôi sợ rằng tôi sẽ bị phiền phức và chúng ta sẽ không kịp trao đổi hết các vấn đề. Mà các vấn đề này lại rất quan trọng. Trung tâm đánh giá cao công tác của chị đấy. Vì thế mà tất cả những chuyện riêng tư tôi đành để đến cuối cùng….

      - Tôi hiểu, Cuốc cũng giống như anh... Thôi, anh hãy kể cho tôi nghe đôi điều về anh ấy đi.

      - Cuốc làm việc rất tuyệt...    

      - Không, không, tôi không có ý nói chuyện đó đâu. Cái đó thì tôi tin tưởng anh ấy lắm. Anh ấy không thể nào làm việc không tốt được. Tôi muốn biết anh ấy dạo này trông như thế nào, tâm trạng ra sao cơ….   

      - Cuốc có nhờ tôi nói là các anh ấy buồn nhớ chị nhưng rất tin tưởng vào tương lai hạnh phúc và rất mong gặp lại chị…Anh ấy vẫn như thế, đa sầu và hóm hỉnh, lưng vẫn hơi gù. Tiếc là anh ấy vẫn hút thuốc nhiều, nhưng trông khá lắm. Tôi mới gặp anh ấy cách đây hai tuần, anh ấy nhắn chị hãy cẩn thận.

      - Cám ơn anh Vinli. Sao mà tôi mong tin anh ấy thế dù chỉ một vài lời. Tôi có cảm giác như được gặp anh ấy rồi đấy... Anh hãy nói hộ với anh ấy là ..tôi yêu anh ấy…..

      Câu nói cuối cùng bỗng tự nhiên bật ra làm cho Inda bẽn lẽn…

     - Tôi sẽ kể cho anh ấy nghe chi tiết về cuộc gặp gỡ của chúng ta và sẽ chuyển đến anh ấy tất cả những gì chị nhờ. Tôi xin hứa với chị như thế... Nhưng chị cũng có thể viết thư cho anh ấy và gửi qua họp thư đó. Cuốc sẽ rất sung sướng... Thôi bây giờ thì tôi xin chúc chị thành công...

      Vinli tiễn Inda đến tận Sáclôtenbuốcstrac...
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #71 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2019, 07:15:47 am »

     

 …Đêm hôm đó Inda đón giao thừa tại nhà mẹ chị, chị lao nhanh đến đó trong tay cầm lá thư quý báu. Chị không kịp thay quần áo, cứ thế đi vào buồng mình, khóa trái cửa lại, ngồi một mình bóc thư ra đọc…

      “Inda yêu dấu — chị đọc — Anh rất sung sướng được gửi tới em đôi dòng. Anh vẫn khỏe mạnh và luôn nhớ đến em..”

       Trong thư những chuyện riêng tư xen lẫn với những lời khuyên, những vấn đề có tính chất công tác. Thay vào chữ ký chỉ có mỗi một chữ cái "K".

        Sau những ngày chờ đợi đằng đẵng, cuối cùng Inda, đã bắt đầu công tác trong Bộ Ngoại giao với cương vị là chuyên viên báo chí của phòng báo chí. Mỗi buổi sáng chị đi đến Vinhemstrac và sau khi trình giấy tờ của mình cho tên SS gác cổng, chị đi qua những pho tượng đá dọc theo hành lang của Bộ lên tầng hai, nơi có phòng làm việc nhỏ bé của mình giống như căn buồng của một nữ tu sĩ, cửa treo tấm biển ”l-Schiôbe”. Giờ đây cũng như nhiều nhân viên khác, chị cũng có tủ bảo mật riêng để cất tài liệu mật. Theo quy định, khi đến phòng làm việc chị phải chú ý kiểm tra lại dấu bảo mật, sau đổ mở chiếc tủ chống cháy ra lấy tài liệu làm việc. Chị lập hồ sơ, viết các bài điểm báo, tham gia vào các cuộc hội nghị, viết biên bản và làm các công việc hằng ngày của một trợ lý Bộ Ngoại giao. Tất nhiên trong đống giấy từ đến tay chuyên viên Schiôbe nhiều loại chẳng có gì đáng quan tâm, nhưng đôi khi trong hệ thống dây chuyền văn phòng cũng phát hiện ra những tin tức rất quan trọng.

     Song cái chính đối với Inda là những cuộc gặp gỡ thưa thớt với Ruđônphơ phôn Sêlia. Thỉnh thoảng vào phòng mình giao nhiệm vụ và tranh thủ nói:
      - Này cô Schiôbe, cô hãy xem những tài liệu này đi rồi ghi vào làm tin điểm báo nhé...

      Sêlia chỉ vào tài liệu cần được lưu ý cho Schiôbe thấy. Ngay cả khi chỉ có hai người với nhau trong phòng riêng của mình, nhà ngoại giao không bao giờ nói thành lời về những báo cáo muốn chuuyển cho Inda. Bản thân Inda đã yêu cầu ông ta làm cho được điều đó trong tòa hhà của Bộ Ngoại giao, trong bầu không khí thường xuyên có theo dõi, nghe trộm và kiểm tra cần phải hết sức đề phòng đối với những máy thu bí mật được đặt ở những chỗ không thể lường trước được : đưới đáy lọ hoa, trong khung ảnh của Quốc trưởng, trong thiết bị điện thoại... Người ta không loại trừ bất cứ nhà ngoại giao nào, không phân biệt người đó có địa vị cao hay thấp. Hoạt động do thám tổng lực đang tràn ngập khắp nước Đức. Hoạt động này chủ yếu do Tổng cục An ninh đế chế của thống chế Himle, ngành phản gián của đô đốc Canaric và phòng chính sách đối ngoại của đảng quốcxã do phôn Bônle cầm đầu được gọi tắt là Apo, đảm nhiệm…

       ….Một hôm vào mùa xuân, Sêlia gặp Anta tại một quán cà phê nghệ sĩ ở Cuốcphiachenđam. Trước mặt họ là bộ đồ ăn mạ kềm do người phục vụ vừa đem tới. Sêlia khoái trá thưởng thức hương vị của thứ đồ uống đang bốc khói nghi ngút. Bây giờ, chỉ có tại đây những người trần tục mới có thể được uống loại cà phê Braxin chính hiệu — khắp Béclanh chẳng có thể đào đâu ra được thứi đó. Các bức tường trong tiệm cà phê treo đầy những tranh ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng kèm theo chữ ký của họ với những dòng lưu niệm chẳng khác gì phòng trưng bày về những con người nổi tiếng của nhà hát từ thế kỷ trước và đương thời..

       Con người yêu sân khấu Sêlia vừa chỉ lên những bức chân dung vừa kể cho Inda nghe về những nghệ sĩ mà ông đã gặp. Với sự hiểu biết của một người sành ăn, ông ta vừa ca ngợi cà phê vừa tranh thủ báo cho Inda biết việc Bộ Ngoại giao định phái ông sang Hunggari làm công tác ngoại giao, Phôn Rihentrốp đã nói chuyện này với ông rồi….

      Tin này làm cho Inda lúng túng. Không thể để như thế được. Bản thân chị không thể rời Béclanh đi theo ông ta được — trong tay chị là tất cả đầu mối liên lạc với các nhóm khác. Và cả Sêlia cũng vậy, ông  ta cũng cần có mặt ởđây, tại Béclanh này. Biết làm sao bây giờ ?

      - Ngài phôn Sêlia ạ, ngài có biết không — Inda uống một hớp rồi nói — tôi có cảm giác là chúng ta không thể giải quyết chuyện này được đâu. Ta hãy chờ thêm ít ngày nữa đã, nhưng trong lúc này chưa nên trả lời dứt khoát.

       Ngày hôm sau Inda phải đi bắt liên lạc vào giờ i đã định, chị dừng lại trước hiệu sách bên cổng Bran- đenbuốc. Cạnh đó là một tên cảnh sát đang đi đi lại lại, thỉnh thoảng hắn lại giơ tay lên chào các viên sĩ quan đi qua theo lối nhà binh. Inda đứng ngắm nghía những quyển sách bày trên quầy, chọn một quyển xem rồi lại qua cuốn khác. Có lẽ chị sẽ mua cuốn này, một quyển sách màu xanh lá mạ nhan đề "Cuộc phiêu lưu đến châu Phi” của Các Mây. Inda giở xem cuốn sách và cho vào giữa những trang sách những tờ giấy mỏng chi chít những dòng chữ nhỏ li ti viết sít sịt vào nhau..

      - Bà làm ơn cho tôi mua quyển này – chị nói – Xin bà hãy bọc cẩn thận cho, tôi sẽ dùng nó làm quà tặng….

      Chủ hiệu Phrau Anna khom người bọc một cuốn sách giống như vậy để dưới quầy hàng và đưa cho Anta. Anta trả tiền, cám ơn bà ta rồi bước đi.

      Mười lăm phút sau có một phụ nữ khác đến cửa hiệu. Người này cũng đứng ngắm nhìn sách, và cũng chọn cuốn sách của Các Mây, nhà văn được Hitsle yêu thích. Nỗi lo ngại trong ánh mắt bà chủ hiệu sách chỉ biến mất sau khi người phụ nữ thứ hai đi khỏi. Bà thở phào nhẹ nhõm...

       Cạnh đó tên cảnh sát vẫn đang lượn đi lượn lại. Hắn àm sao, mà biết được, trước mặt hắn, giữa ban ngày ban mặt, ngay trước cổng Branđenbuốc ở trung tâm Béclanh, nữ tình báo viên Anta vừa chuyển cho Mátxcơva một bản báo cáo như sau :
      "Địa chỉ mới của tôi : Béclanh. Sáclốttenbuốc, Vinlian-strac 37. Số điện thoại 32.29.92. Anta”….

      Cũng trong báo cáo Inda đã viết về câu chuyện với Arỉs. Chị yêu cầu cho chỉ thị ngay. Lẽ tất nhiên Inda không thể không viết cho Vônphgan dù là chỉ vài dòng để cho anh ấy biết chị vẫn mạnh khỏe. Bức thư có phần dài hơn — không đề tên, không có địa chỉ, chỉ có con số quy ước ghi trên phong bì...

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #72 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2019, 07:28:01 am »

   

  …”Anh thương yêu — chị viết không nói rõ tên người yêu — Cám ơn anh đã viết thư cho em. Anh khó có thể tưởng tượng được em đã xúc động như thế nào và cảm thấy hạnh phúc biết bao khi em nhận được nó. Em đọc đi đọc lại bức thư không biết đến bao nhiêu lần, đến mức bây giờ em có thể đọc thuộc lòng không sót một chữ nào như em đã từng đọc câu chuyện cổ tích em yêu thích từ bé và vẫn hay đọc lại... Từ lúc nhận được thơ anh đến nay em vẫn chưa hết sung sướng vì em còn phải viết thư trả lời anh; Đấy là niềm vui bé nhỏ thầm kín của em…

      ….Xin anh tha thứ cho em vì đã không thể viết thư cho anh ngay — em bị ốm tí chút mà, nhưng bây giờ thì em đã khỏi rồi, em của anh lại khoẻ rồi….

      ….Trước hết, em xin báo tin cho anh được biết là em đã gặp bố mẹ anh rồi. Lâu nay anh vẫn nhờ em tìm hiểu hoàn cảnh của bố mẹ anh và em cũng có ý định như vậy. Một dạo em tìm cách đến chỗ bố mẹ anh nhưng không được. Người ta yêu cầu phải có lý do chính đáng và phải được phép của chính quyền, mới được đi. Em không tìm ra được lý do nào thích hợp, vả chăng em cũng không muốn chạy vạy xin xỏ vô ích. Song rốt cuộc em cũng tìm đến được nơi bố mẹ anh đang sống. Mẹ anh ra mở cửa cho em, trông mẹ dạo này gầy yếu lắm. Mẹ ngỡ ngàng nhìn em rồi ôm chầm lấy em. Mẹ anh có già đi hơn và ánh mắt nhìn của bà trở nên sâu thẳm. Em và mẹ ngồi trong phòng ăn quen thuộc của nhà anh. Và cùng trò chuyện về anh. Mẹ nói là lúc nào mẹ cũng buồn vì đã bao năm nay bặt tin anh và tưởng anh đã chết rồi. Mẹ kể về những nỗi buồn của mẹ và nói đấy là nguyên nhân chính làm cho mẹ mệt mỏi. Đấy, anh yêu quý của em ơi, anh có thấy không? Không có gì có thể làm người ta quên được và càng không thể quên được những người ở xa, đi xa. Mẹ anh đã nói lên tất cả những ý nghĩ của em…

          Gần chiều thì bố anh đi làm về. Cửa nhà ăn mở nhưng bố không nhận ngay ra ai đang ở trong đó. Bố còn cất mũ ra chào ngay từ ngoài lối vào. Bố nhận ra em qua tiếng cười và nhếch mày nhìn em kinh ngạc. Cuộc gặp mặt đã làm cho mọi người rất vui... Nhưng cũng có tin buồn anh ạ…. Chú anh đã mất trong trại tập trung. Bố mẹ anh hiện đang sống một mình, Écnơ và Lidi đã có nhà riêng. Họ cũng cương nghị, bất khuất như anh…Có lẽ đó là truyền thống gia đình phải không anh?”…..


      Anta, nữ tình báo viên dũng cảm, táo bạo đã viết cho người mình yêu với tâm tình của một phụ nữ đầy tình cảm. Chị chỉ nói qua loa cho anh biết về bệnh tình của mình nhưng đấy là dấu hiệu đáng ngại đầu tiên của căn bệnh mà sau này đã hành hạ chị.

      Chẳng bao lâu sau chị nhận được thư trả lời của trên nhưng không thấy có thư của Cuốc...

      Inda nhận được thư trả lời qua một đầu mối liên lạc khác. Chị đã tổ chức một cuộc gặp gỡ theo yêu cầu tại một địa điểm chỉ cách nơi chị ở có vài căn nhà.

      Nếu đi bộ từ ga tàu điện ngầm hoặc từ ga xe buýt đến phố Villanđuc nơi Inda hiện đang sống thì không thể không đi qua một đường phố nhỏ yên tĩnh và có vẻ cổ xưa. Trên góc phố này có một quầy hàng thực phẩm do hai ông bà già Ripit ân cần, niềm nở đứng ra kinh doanh. Nguồn sống duy nhất của họ là buôn bán lương thực. Quầy hàng rất nhỏ, chỉ cần có năm khách hàng là đã đủ chật. Tuy thế, theo phong tục Đức, ông bà già Ripít vẫn đặt cho cái quầy hàng xuềnh xoàng của mình cái tên khá kêu "Marga”. Không ai biết cái tên đó có ý nghĩa gì. Chẳng qua nó chỉ là tên được đặt ra để khách mua có thể phân biệt nó với các cửa hiệu khác – các khách sạn, các hãng, tàu bè, hiệu thuốc, cái gì mà chả có tên gọi.

       Và Inda đã chọn quầy hàng thực phẩm ít ai để ý đến làm nơi liên lạc với Trung tâm và những người của mình. Thường thì trên đường đi làm, chị vẫn ghé qua đây để mua thực phẩm và đã làm quen được với những người chủ cởi mở…

          Nhìn thấy ông già, chị lại nhớ đến con nhím làm bằng bìa xốp trông chết cười bán ở chợ Alếchxăngđơplat — cũng to béo, mồm ngậm tẩu thuốc, đầu đội mũ vải không rõ mầu ..

       Một hôm chị hỏi ông già Ripít:
      - Bác Ripít ơi, cháu định hỏi bác xem nếu như mấy cô bạn gái của cháu thỉnh thoảng đem thư hoặc sách báo đến chỗ bác gửi để bác chuyển cho cháu thì có được không ạ? Bác thấy đấy, cháu ít khi có nhà lắm mà quày của bác đây lại tiện đường...

     - Còn phải nói gì nữa — Ripít reo lên, miệng vẫn không rời tẩu thuốc — Được giúp cô thì còn gì bằng….

        Từ đấy, hầu như ngày nào Inda cũng đến quầy hàng "Marga” và trong một thời gian dài, nhờ có sự giúp đỡ của vợ chồng Ripít, chị đã kịp thời nhận được những chỉ thị, yêu cầu, mệnh lệnh khẩn cấp nhất…

       Trong cuộc gặp gỡ vói Sêlia, Inda nói cho ông ta biết rằng "Giám đốc” của họ hết sức yêu cầu Sêlia tìm mọi cách nán lại Béclanh, dù chỉ là tạm thời. Phôn Seelia vẫn không biết ai lãnh đạo hoạt động của mình nhằm chống lại Histle nhưng ông vẫn chấp nhận đề nghị đó và khước từ cương vị ngoại giao tại Buđapet….

       Giờ đây Anta nhận được nhiều tin tức qua những nguồn tin vô hình. Ngay cả những kẻ đang làm việc trong bộ máy của Hítle và trung thành với chế độ quốc xã một cách cuồng tín cũng trở thành nguồn tin của chị. Chúng sẵn sàng tự nguyện báo cho "mật vụ của Giéttapô” về tất cả những gì chúng biết và nghe được trong giới quan chức chính phủ. Nhưng những "mật vụ của Giéttapô” như thế lại do những người cùng chí hướng của Inda sắm vai, họ nguyện hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít….

........................
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #73 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2019, 07:14:28 am »

     

..... Hítle đang chuẩn bị ráo riết cho những cuộc xâm lăng mới. Ý đồ này ngày càng thấy rõ. Tất nhiên, hắn đâu có muốn dừng lại sau khi chiếm Ba lan, cũng như hắn đã từng không dừng lại sau Áo và Tiệp. Nhưng bây giờ hắn sẽ đi đến đâu ? Cần phải biết ý đồ của hắn để có thể ngăn chặn và chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt nhằm đối phó với nguy cơ này.

       Hiện nay cả Đông lẫn Tây đều đang đứng trước hiểm họa. Ngay chính nước Đức, nhân dân Đức và nền văn hóa Đức cũng đang bị uy hiếp. Đó chính là nguyên nhân làm cho những lực lượng chống Hítle, những con người có lương tri, có nguồn gốc và tôn giáo khác nhau thống nhất lại - từ nhà quý tộc dòng dõi Sunxe Bôiden và nhà ngoại giao phôn Sêlia đến Inda và các đồng chí của chị, mọi người đã đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít từ nhiều năm về trước.

       Ngày 5 tháng 4 năm 1940, Anta báo về Mátxcơva :
       - “Hôm nay tôi đã gặp một sĩ quan tên là Đaubơ, tôi biết anh ta qua báo Phrankphurcher Genheralantsaiger. Anh ta hiện đang phục vụ tại đội tuyên huấn các lực lượng vũ trang. Nhóm của anh ta đã đến Pốtxđam và từ đó sẽ đi Stamđun. Họ phải đi bằng tàu chiến và sẽ ra khơi một ngày rất gần đây. Trong nhóm có nhiều người biết các thứ tiếng Scăngđinavơ. Trung úy Đaubơ đã nêu lên giả thiết rằng hoạt động của họ chỉ có thể là nhằm chống lại một trong những quốc gia ở vùng bán đảo Scăngđi-navơ. Tuần dương hạm của họ sẽ hoạt động ở vùng biển Bắc”.

      Anta đã báo như vậy về cuộc tấn công sắp tới của Đức vào Na uy. Ngày 10 tháng 4, quân Đức đánh chiếm Đan mạch và đổ bộ lên bờ biển Na uy...

      Sắp bước sang tháng 5 năm 1940. Sêlia vừa từ Ý trở về sau chuyến đi cùng với nhóm cố vấn ngoại giao trong thành phần của phái đoàn quân sự do tướng Kécxenrinh cầm đầu. Anta nóng lòng chờ Sêlia trở về. Sêlia đang trong tâm trạng khích động và buồn phiền. Chuyến đi Rôm càng làm cho ông tin rằng sự hợp tác giữa Hítle và Mútxôlini không ngừng được củng cố.
      - Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang đứng trước những sự kiện lớn — phôn Sêlia vừa nói vừa đi đi lại lại trong phòng, ông mời Inda đến nhà mình nên bấy giờ có thể nói to mà không sợ có ai nghe trộm - Ba lan, Đan mạch, Na uy, những miếng mồi nuốt được cách đây hai tuần chưa làm thỏa mãn được cái bụng của tên binh nhất cuồng dại đâu. Những lời hứa của Hítle chỉ là những lời hứa hão. Chị có nhớ không, Hítle đã nói như thế này sau khi chiếm Ba-lan : "Nước Đức không và đã không có những mâu thuẫn về quyền lợi hoặc xích mích với những quốc gia phía Bắc. Quan hệ của chúng ta phát triển bình thường...” Thế mà đứng nửa năm sau hắn đã chiếm cả Na-uy và Đan mạch. Thật nhục nhã thay ! Chúng ta đã chà đạp lên cả công pháp quốc tế. Tôi nói chúng ta vì tôi là một nhân viên của Bộ Ngoại giao, là một người tham gia vào việc thi hành toàn bộ chính sách đối ngoại của Hítle

      Inda ngồi trong ghế bành cạnh bàn viết, chị đưa mắt nhìn theo Selia đang đi đi lại lại trong phòng. Thỉnh thoảng chị lại cúi xuống từ giấy chẳng hiểu để vẽ gì đó một cách vô tình hay ghi chép lại những dấu hiệu để ghi nhớ.
      - Theo anh thì việc chiếm Đan-mạch và Na-uy có ý nghĩa gì ? — chị hỏi.

      - Ý nghĩa à ?... Ở đây mọi ý nghĩa đều trở nên vô nghĩa! Hiện giờ thì nhằm để nuôi béo cái bụng của Đức... Chị hãy tha lỗi cho tôi vì đã ăn nói thô tục. Chúng ta cần có lương thực để nuôi dân, cần có nguyên liệu cho công nghiệp... Tên binh nhất cần nhiều thứ lắm và hắn sẽ còn đi xâm lăng. Nhưng đấy mới chỉ là một mặt của vấn đề mà thôi. Na uy có thể là căn cứ để đổ bộ bằng đường không sang Anh. Tuy thế cũng mới chỉ là dự đoán thôi. Tôi đâu có phải là chuyên gia chiến tranh... Nhưng chị hãy nghe những điều tôi sắp nói đây, chị hãy ghi lại và chuyển nó đi: Trong thời gian sắp tới đây, quân đội Đức có thể sẽ tấn công Bỉ và Hà lan... Chị nghe thấy rõ chưa, Bỉ và Hà lan đấy nhé.

      - Anh lấy gì để khẳng định điều này ? — Inda ngẩng phắt đầu lên, tin tức này thật hết sức quan trọng.   

       - Lấy gì để khẳng định ư? — Sêlia cho hai tay vào túi và dừng lại trước mặt Inda — Thực ra mà nói thì không có gì hết, thế nhưng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng là chuyện đó sẽ xảy ra. Xin chị hãy bình tĩnh để tôi kể cho chị biết do đâu mà có tin này.. Trong lần nói chuyện với tôi khi tôi báo cáo về chuyến đi Rôm, phôn Ribentrốp đã nói bóng gió về hoạt động quân sự sắp tới ở Hà Lan... Chị nên nhớ rằng, càng ngày càng khó có thể thu lượm được những tin tức cần thiết hơn. Chị hãy nghe Ribentrốp nói trong bản mật lệnh cho Bộ như thế nào.

      Và Sêlia đọc: "Nếu như có kẻ nào đó trong số nhân viên cấp dưới của tôi tự cho phép mình nói, dù chỉ một lời về thất bại, thì tôi cũng sẽ cho gọi hắn tới phòng làm việc của mình và tự tay bắn bỏ. Khi báo cáo chuyện này cho văn phòng đế chế, tôi chỉ cần nói - Thưa quốc trưởng, tôi đã giết một tên phản tặc”…..
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #74 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2019, 07:17:02 am »

   

 - Vâng, đúng thế đấy, làm việc mỗi ngày một khó khăn hơn - Phôn Sêlia nhắc lại — bản thân chị cũng thấy rõ điều đó... Hãy chuyển đi một tin nữa là các nhân viên lãnh đạo trong Bộ Ngoại giao nhận được lệnh như thế này: Những chỉ thị mang tính chất quân sự chỉ được thông báo cho những ai có liên quan đến việc thực hiện mệnh lệnh đã ban hành mà thôi. Tại Xcăngđinavơ người ta thực hiện đúng như thế. Đại sứ của chúng ta ở Ốtslô trao công hàm phúc đáp cho chính phủ Na-uy chỉ trước khi cuộc xâm lược nổ ra đúng một giờ mà thôi. Những chuyện tương tự rất có thể xảy ra với Hà lan... Hoàn cảnh làm việc bây giờ phức tạp lắm. Chị có thể tự thấy qua việc bọn Giéttapô có mặt đầy rẫy trong Bộ Ngoại giao. Sau đây tất nhiên sẽ đến lượt nước Nga. Tôi nhận định như vậy là dựa theo bức mật thư gửi đi cho tất cả các đại sứ quán, yêu cầu bác bỏ mọi lời đồn đại là Đức đang chuấn bị về mặt quân sự chống lại nước Nga Xô-viết. Trong thư người ta gọi những tin đồn đó là sự khiêu khích của Anh. Nhưng vấn đề lại là ở chỗ hiện nay chẳng có tin đồn nào như thế cả. Chẳng qua là Ribentrốp muốn rào trước đón sau mà thôi.
      
       Sêlia vừa nói vừa nhìn mảnh giấy đang cầm trong tay. Bây giờ thì ông xé vụn nó ra và cho vào cái gạt tàn thuốc lá. Sau đó, ông lấy bao diêm trong ngăn bàn ra châm lửa đốt cho đến khi tất cả đều cháy thành tro.

       Anta ngay lập tức gửi báo cáo cho Trung tâm về nội dung câu chuyện với phôn Sêlia.

       "Ariets dự đoán — chị báo — trong thời gian sắp tới quân Đức có khả năng tấn công vào Hà Lan. Việc tuyến đường sắt Phranphuốc — Krephen ngừng không chở khách đã khẳng định cho lời dựđoán này. Ban Giám đốc các nhà máy quân sự đã nhận được chỉ thị chuyển sản phẩm cho mặt trận phía Tây”….

        Một tuần sau Anta lại báo :
      "Các tin tức về những hoạt động quân sự sắp tới ở phía Tây được các nguồn tin khác nhau báo về... Ariets nói rằng một nữ nhân viên của ông ta định đi Hà lan nhưng có một người họ hàng của cô ta là một trung sĩ thuộc lực lượng cảnh sát dã chiến đã ngăn cô này lại và nói -  Hãy chờ một chút, hai ngày nữa tất cả chúng ta sẽ có mặt ở Hà lan”...

       Một kỹ sư người Đức trong Cục Công binh đã nói về cuộc hành quân sang Bỉ :
      "Chúng ta chỉ cần thành phố Bruge thôi. Khi đó chúng ta có thể bắn thẳng vào Luân-đôn bằng pháo tầm xa. Quân Anh đâu có loại pháo như vậy, còn chúng ta thì lại có thể sản xuất hàng loạt".

      Ít lâu sau báo cáo của Sêlia đã được khẳng định. Ngày 9 tháng 5, Inda đi làm vào buổi sáng như thường lệ. Chị có việc cần gọi điện vào Bộ Thông tin tuyên truyền, nhưng điện thoại không làm việc. Chị sang phòng bên gọi nhờ, nhưng ở đây cũng vậy. Điện thoại trong cơ quan đã bị cắt toàn bộ. Đến trưa, các nhân viên trong Bộ được báo là do tình hình căng thẳng nên mọi người phải ở nguyên vị trí làm việc của mình, không được đi đâu cho tới khi có lệnh đặc biệt. Lý do có lệnh ban hành như vậy thì mãi tận sáng ngày hôm sau mọi người mới biết. Đài phát thanh Đức làm rùm beng về chiến sự đang diễn ra ở Bỉ và Hà lan. Những nhóm đổ bộ đường không của Đức đã được tung xuống đồn Eben — Emaen của Bỉ. Những chiếc cầu qua sông Maát đã bị chiếm. Quân chính quy của Đức đang tiến sâu vào lãnh thổ nước Bỉ.

       Cuộc tiến công bắt đầu vào lúc bốn giờ rưỡi nhưng mãi tới chín giờ, đại sứ Đức mới lò dò đến Bộ Ngoại giao Bỉ để gặp ngài Spaac. Viên đại sứ đưa công hàm ra nhưng Spaac cau mày lấy tay ngăn lại
      - Xin lỗi ngài đại sứ - ông nói – tôi xin được nói trước..Chúng tôi biết rằng quân Đức đã tấn công đất nước chúng tôi. Không có gì có thể biện bạch cho cuộc xâm lược này cả, nó đã dấy lên sự phẫn nộ sâu sắc của dư luận chung trên toàn thế giới…

       Ruđônphơ phôn Sêlia đã nói đúng: các nhà ngoại giao Đức chỉ được biết tin về những sự kiện chiến tranh sắp diễn ra vào phút chót để họ thực hiện nốt chức trách của mình đã được công ước quốc tế quy định sau khi sự kiện đã xảy ra.

       Cũng ngày hôm đó, ngày 10 tháng 5 năm 1940, Inda báo cho trung tâm : "Có tin từ các giới của Bộ Ngoại giao là các hoạt động quân sự chống nước Nga đã được vạch ra và chuẩn bị, tuy Bộ Quốc phòng đã gửi chỉ thị cho các tùy viên quân sự nhấn mạnh là cần phải bác bỏ tin đồn nói Đức hình như đang chuẩn bị những hoạt động quân sự chống lại Nga... Ariets nói với tôi rằng ông ta không tin vào nội dung bức thư của Bộ Quốc phòng. Bức thư hoàn toàn không phù hợp với việc Đức đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh chống lại nước Nga. Cuộc chiến tranh này đang đến sát ngưỡng cửa. Ariets cho rằng bức thư được đưa ra nhằm che đậy cho dã tâm thật của chúng mà thôi…. Anta…”.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #75 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2019, 08:31:27 am »

     


      5.




       Thượng úy Kharô Sunxe Bôiden có sức thu hút lạ lùng như thôi miên đối với những người xung quanh. Anh làm cho các bạn mê mình bằng vẻ đáng mến bên ngoài, bằng suy nghĩ sắc bén, bằng khả năng  nhìn nhận những hiện tượng, sự kiện mà không phải  bất cứ ai cũng có thể thấy được. Với những mẩu chuyện khôi hài, những câu pha trò dí dỏm và khả năng lôi cuốn người nghe, anh quả là một người không thể thiếu được trong một cuộc tụ hội. Khai-man, một thanh niên mới lớn vừa khoác áo nhà binh, hết lòng khâm phục anh khi được nghe anh kể chuyện. Anh ta chăm chú nghe cứ như nuốt từng lời...

       Ngay cả Ghéc-be Gôn-nốp cũng rất mê Bôiden, mặc dù trong quan hệ giữa cậu ta với anh, chưa có cái vô tư như hiệu thính viên Khai-man hiện đang công tác trong phòng định hướng tình báo quân sự Đức, một công việc nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng và bí mật…

       Chàng thanh niên Khai-man tươi trẻ, hồn nhiên, dễ tin người đến mức ngây thơ, đã có thời cho mình là người trung kiên theo đảng quốc xã. Nhưng "đã có thời” ở đây chỉ là vài năm thôi — bản thân Khai-man cho đến lúc này mới mười chín tuổi. Khai-man bị cương lĩnh mà Hítle khéo miệng quảng cáo làm cho mê hoặc và đã tiếp nhận chính sách của Hítle như một chân lý. Là một tân binh khi gia nhập đảng quốc xã. Khai-man đã tuyên thệ: “Xin thề tuyệt đối trung thành với Ađôn Hítle, tuyệt đối phục tùng Người và những người lãnh đạo mà Người đã chỉ định cho tôi”.

        Ấy thế mà tất cả những niềm tin cua Khai-man đã tiêu tan sau khi quen với Bôiden... Bôiden dần dần vạch cho Khai-man thấy bản chất của chủ nghĩa quốc xã. Anh đã kể cho cậu ta nghe về những gì đã xảy ra với anh tại PrintsAnbretstrac. Thế là Khai-man cũng đem lòng căm ghét Hítle. Cuộc đấu tranh của lương tâm diễn ra trong lòng Khai-man đã dẫn dắt người lính trẻ theo con đường của Bôiden một cách dứt khoát và đến cùng. Nhưng Khaiman có ý định không ly khai khỏi đảng quốc xã và vẫn tiếp tục làm việc trong Ápve, trong Cục Thông tin liên lạc thực hiện nhiệm vụ thu và giải mã những bức điện trên làn sóng.

       Người ta hay ví von những người như Ghecbe Gôn-nốp là những người " tự túm lấy tóc để lôi mình ra khỏi vũng lầy ”... Vốn là con của một viên chức nhỏ, ngay từ khi còn trẻ, Gôn-nốp đã mơ ước làm lớn. Anh chàng Gôn-nốp háo danh thường hay ghen tị với những người bạn gặp may hơn và cho rằng mình đã để trôi phí những năm tháng ở Ápve, ngồi mòn đít quần ở hậu phương trong khi những kẻ khác đang được thăng quan tiến chức ầm ầm ngoài mặt trận... Với Bôiden, Gôn-nốp tỏ ra hơi khúm núm và thèm khát có được những mối quan hệ xã hội như Bôiden, anh ta rất đỗi tự hào vì đã kết bạn được với một sĩ quan lỗi lạc như vậy. Gôn-nốp công tác tại Ápve trong phòng hàng không và phụ trách về phản gián, anh thường hay lui tới Bộ Hàng không tại Lâypxigiestrac để giải quyết công việc. Tại đây, Gôn-nốp đã quan sát Sunxe Bôiden.

       Một hôm ba người — Bôiden, Khaiman, Ghecbe đến khách sạn "At-lon” và ngồi trong một tiệm ăn ở tầng một, từ lâu đã trở thành nơi tụ họp của các sĩ quan SS, Giéttapô, Ápve. Họ ngồi ở đó cho đến tận khuya.

      - Tớ xin nói với cậu chuyện này nhé — Booiden nói với Ghecbe — cậu hãy thôi đừng để cho đầu óc mụ mẫm vì chuyện khen thưởng ngoài mặt trận. Nếu cậu hiểu được là muốn tiến bước trên con đường công danh, cậu chỉ cần biết tiếng Anh thôi thì cậu cứ yên trí với chỗ đang ngồi. Biết nó không uổng đâu. Đấy, cậu cứ xem Khai-man đây thì biết. Liệu cậu ta có thể làm nên trò trống gì với các bức điện nếu cậu ta không biết tiếng nước ngoài? Còn cậu, tương lai đang chờ đón cậu. Cậu mà biết tiếng Anh thì có khi cậu có thể trở thành tùy viên quân sự ở Mỹ cũng nên. Tớ có thể giúp cậu trong chuyện này nhưng cậu lại không biết tiếng thì... — Bôiden nhún vai, giang hai tay tỏ vẻ lấy làm tiếc.

      - Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện này rồi — Trên gốc mũi của Ghécbe hằn sâu một nếp nhăn — tôi đang tự học nhưng không có điều kiện thực hành.

      - Thế thì cậu phải lo kiếm giáo viên đi thôi. Cậu đăng báo đi... sẽ có ngay thôi.

     Trung úy - Gônnốp nghe theo lời khuyên của Bôiden và đăng báo nhưng không có mấy người tỏ ý chịu làm việc này. Một số sinh viên muốn kiếm thêm chút ít có gọi điện tới cho Gôn-nốp nhưng không đáp ứng được yêu cầu của anh ta. Sau đấy có một giáo sư ngôn ngữ học gọi điện tới. Gôn-nốp đến nhà ông ta nhưng vị giáo sư đòi giá rất cao vượt quá túi tiền của Gôn-nốp.

      - Cậu đừng vội, cứ đợi đi — Bôiden trấn an — Biết đầu cậu lại chẳng gặp may.

      Mấy ngày sau chuông điện thoại vang lên, tiếp đó là giọng nói lễ độ của một phụ nữ. Người này tự xưng là giáo viên có kinh nghiệm và mời Gôn-nốp đến nhà. Trung úy Gôn-nốp có vẻ ngỡ ngàng khi đứng trước căn phòng lộng lẫy của người phụ nữ lịch thiệp, Minđrít Khanac. Để cho khách đỡ bối rối, Minđrít tự giới thiệu mình là giáo viên dạy văn học Anh tại trường đại học và sẵn lòng giúp đỡ ngài trung úy. Gôn-nốp ấp úng hỏi tiền công, Minđrít liền xua tay :
      - Chuyện đó chẳng thành vấn đề đâu, thưa ngài trung úy. Tôi sẽ rất sung sướng được thao thao bất tuyệt bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu như ngài thấy tiện, ngài có thể đến đây ngay chiều mai. Tôi sẽ chờ ngài...

     - Chà, cậu thật là may hết chỗ nói nhé! Ghecbe ạ — Bôiden thốt lên khi Gôn-nốp gọi điện thoại báo tin cho anh biết — Cậu cứ đến đấy đi, đừng có ngại ngùng gì cả. Đấy chính là cái cậu đang cần đấy. Chúc cậu thành công nhé !

       Từ đấy, trung úy Gôn-nốp thường xuyên hai ba lần một tuần cắp cuốn sách giáo khoa tiếng Anh tới nhà Khanac.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #76 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2019, 02:14:35 am »

      

      Trước đó, trong phòng khách của cố vấn kinh tế Arơvit Khanac đã diễn ra câu chuyện như sau :
      - Tôi vừa mới chợt có một ý nghĩ khá hay các vị ạ — Bôiden vừa nói vừa xoa tay theo thói quen như người vừa mới ở ngoài trời lạnh đi vào —tôi có một tay bạn làm việc ở Ápve thông thạo về tất cả những gì có liên quan đến hàng không. Giá như chị Minđrít dạy được tiếng Anh cho hắn thì hay quá nhỉ. Còn làm như thế nào thì tôi đã suy tính kỹ rồi. Trung úy Gôn-nốp rất có thể hết sức cần cho chúng ta.

      - Thế quan điểm của hắn ta như thế nào ? — Khanac thận trọng hỏi.   

      - Ít ra cũng trùng lập và có thái độ coi thường Hítle. Tôi cho rằng chẳng bao lâu nữa, người này có thể trở thành kẻ thù của Hítle.

      - Nếu vậy thì cũng bõ công đấy — Arơvit phôn Khanac đồng ý.

       Chiều hôm đó, họ bàn về việc lôi cuốn những con ngứời mới để qua đó có thể thu thập được tin tức. Bôiden còn đưa ra một đề nghị hết sức kỳ lạ.

     - Các vị còn chưa thể hình dung ra tôi đã nghĩ như thế nào đâu — anh bật cười làm cho mọi người cũng cười theo — Này nhé, Libectac kể cho tôi nghe là ở Béclanh, người ta đang quảng cáo về một bà thầy bói mới là Klaus. Libectac biết nhiều chuyện về bà ta lắm. Hay là ta dùng cả bà Klaus này vào công việc của ta đi ? Bà ta đắt khách lắm. Chuyện bói toán và xem tướng bây giờ thịnh hành lắm đấy nhé...

     - Thôi đừng đùa nữa đi Bôiden — Arơvit ngăn anh lại — Chúng ta đang bàn đến những chuyện nghiêm túc cơ mà. Bói toán gì ở đây.

     - Tôi không hề đùa đâu. Anta là một phụ nữ trí thức, trước đây đã từng là diễn viên nhà hát kịch. Lúc đầu bà ta chỉ nghiên cứu khoa học huyền bí để giải trí, nhưng bây giờ  thì bà ta lấy bói toán làm nghề của mình. Chồng của bà ấy là người theo đảng xã hội dân chủ, suýt nữa thì trúng cử đại biểu quốc hội nhưng đã bị chết trong trại tập trung... Chúng ta sẽ làm như thế này nhé: chúng ta sẽ đưa những người khách cần thiết đến chỗ bà ta nhưng trước đó đã báo cho bà ấy những tin tức cần có về họ, những chi tiết nào đó trong cuộc sống của họ chẳng hạn...Và thế là bà Klaus sẽ nói lại cho họ tất cả những cái đó làm như đoán được qua lá bài, qua bã cà-phê và qua các thứ đồ nghề bói toán khác. Rồi các vị xem, khách hàng của bà ấy lại không tin sái cổ đi cho mà  xem. Bà ta sẽ vừa hỏi về hiện tại, vừa nói về quá khứ và tương lai... Các vị thấy thế nào ? Chúng ta sẽ có thể đánh lừa các vị khách của Phrau Klaus một cách tuyệt diệu khôn chừng…

       Arơvit Khanac còn đang hoài nghi ý định của Bôiden thì Minđrít đã lên tiếng ủng hộ Bôiden:

      - Tại sao chúng ta lại không thử làm thế xem hả anh Arơvit, chuyện đó thật bất ngờ lắm chứ. Cần phải lưu ý tới tâm lý của những kẻ tiểu thị dân. Ngay cả Himle cũng nghiên cứu thuật luyện đan, tìm kiếm điểm kim thạch và tin rằng trong người hắn có linh hồn của Henrich Pchi-xelốp (*).

    - Vâng, vâng anh hãy tin tôi! — Bôiden càng thêm phấn chấn với ý định của mình — cả Himle cũng sẽ đến nhà bà thầy bói của chúng ta đoán số phận của hắn cho mà xem... Chúng ta có thể qua Grauđen điều khiển công việc của Anta Klaus. Bà ta sống cạnh nhà Grauđen mà. Bản thân Grauđen cùng đã kể cho tôi nghe về bà thầy bói này rồi...
      
      - Chuyện này thật là buồn cười, nhưng cũng có thể đem ra thử được đấy — cố vấn nhà nước Arơvit Kanac con người ít khi cười đùa, nói — thế nhưng tôi vẫn quan tâm đen những người như kỹ sư Kumerốp hơn. Anh ta là một con người rất thông thạo về kỹ thuật chế tạo máy bay ở nước ta đấy.

       - Tôi đã gặp ông ta rồi — Bôiden nói — người này tự nhận giúp đỡ chúng ta. Chính qua ông ấy mà ta đã có tin tức về hoạt động của nhà máy Mécxemit.

      - Ồ, thế mà tôi lại không biết — Khanac nói— Nhưng cái chính là phải thận trọng...

      Mối liên lạc với trung tâm chỉ có thể thực hiện qua giao thông viên. Không một bức điện vô tuyến nào được phát đi từ Đức. Đấy là quy định bất di bất dịch. Điều này thật dễ hiểu, vì sử dụng các đài vô tuyến sóng ngắn thì cũng như nói với Giéttapô "lạy ông tôi ở bụi này" và khẳng định có mạng lưới bí mật hoạt động ở Đức. Và như thế sẽ làm cho quan hệ giữa hai nước — giữa Béclanh và Mátxcơva càng thêm phức tạp. Ngay cả sau khi Hiệp ước không tấn công lẫn nhau được ký kết vào tháng tám năm 1939 thì quan hệ giữa hai bên cũng chẳng lấy gì làm thân thiện cho lắm. Thực ra mà nói với việc ký kết hiệp ưowsc này, bộ máy tuyên truyền của Đức đã ngừng những lời lẽ công kích có tính chất thù địch chống Liên-xô, song trên thực tế quan hệ giữa Mátxcơva và Béclanh vẫn căng thẳng….

      Trên các làn sóng điện, hoàn toàn im lặng. Các nhân viên thu tin của đài đón nghe các làn sóng điện bất hợp pháp ở Krans ngồi trực đã phát ngấy vì không có việc làm. Trên tất cả các dải tần chỉ toàn là chương trình ca nhạc, giọng nói của các phát thanh viên và những lời phát biểu khi thì dọa dẫm, khi thì huênh hoang khoác lác của những kẻ cầm đầu "đế chế thứ ba”. Các báo cáo hàng ngày trình lên trưởng phòng tình báo Đế chế trong Phunk—Ápve (Phòng theo dõi làn sóng điện) chỉ vẻn vẹn có mấy chữ : "Trong ngày qua, trên làn sóng không phát hiện được có máy phát bí mật hoạt động ”. Cũng có khi, tất nhiên là rất hiếm, xuất hiện những đài phát, không rõ từ đâu ở mạn tây bắc Kốplen đã phát về hướng Bruýtxen những cụm mã số không giải được, nhưng rồi chúng lại im hơi lặng tiếng ngay. Các chuyên gia trong Phunk— Ápve đã cho rằng, có lẽ những đài phát này là của những người chơi vô tuyến nghiệp dư Bỉ hoặc là tín hiệu của tàu thuyền đánh cá chạy gần bờ phát cho nhau. Tóm lại, chuyện này không làm cho Ápve bận tâm lắm.

     Vào giữa tháng mười một năm 1940, đoàn đại biểu chính phủ Liên xô đã đến ga Anganxki của Béc-lanh để hội đàm với Hítle. Phái đoàn này do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Môlôtốp dẫn đầu. Đoàn đã được phôn Ribentrốp và thống chế Kâyten cùng những nhân vật quan trọng khác ra đón….

      Ngày hôm đó, lần đầu tiên kể từ khi Nhà nước Đức phát xít ra đời, tại Béclanh người ta mới được nghe những từ ngữ long trọng như từ "quốc tế”…..
       …………………………………..

        (*) Tên một nhân vật có tiếng tăm ở nước Đức….
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #77 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2019, 01:32:11 am »

       

       Cuộc đón tiếp trên sân ga Anganxki đã diễn ra theo đúng nghi thức ngoại giao. Một lẵng hoa to tướng kèm băng vải hồng trên đó có cờ Liên-xô và cờ Đức nằm nổi bật giữa sân ga. Cạnh cổng ra vào của nhà ga là hàng rào danh dự. Bọn lính đội mũ sắt, bước chân thẳng đờ trước các vị khách mới tới. Đội hộ tống đoàn xe của Liên-xô gồm toàn những tên lái mô-tô mặc đồ đen giả da bóng lộn từ đầu đến chân. Cửa cung điện Benvin tại Satlôten-buốcstrac rộng mở đón khách. Những đóa hoa hồng tươi cắm trong những lọ sứ để trên bàn của đoàn đại biểu Liên xồ, tỏa hương thơm man mác. Cuộc gặp gỡ được tiến hành ở cấp cao theo như nghị định thư của Bộ Ngoại giao. Ở đây chỉ thiếu mỗi lòng thành thực, và điều này được cảm thấy ngay trong những giây phút đầu tiên khi đoàn đặt chân tới đây.

       Đến trưa, các đại biểu tới văn phòng đế chế mới để thăm xã giao người đứng đầu Nhà nước Đức, Ađôn Hítle. Hítle tiếp các đại biểu trong một căn phòng rộng rãi như phòng tiệc. Hắn đứng dậy, rời khỏi bàn, chẳng nói chẳng rằng, bước ra giữa phòng vung tay chào các đại biểu Liên xô theo kiểu phát xít. Cử chỉ này của hắn có cái gì đó không tự nhiên và thô lỗ...

      Khách ngồi vào trong những chiếc ghế bành và ghế xa lông xung quanh chiếc bàn thấp trong góc phòng. Hítle bắt đầu lên tiếng. Hắn chễm chệ trong chiếc ghế đối diện với Môlôtốp, trong bộ quân phục màu xanh thẫm, tay áo cài băng đỏ có dấu chữ thập ngoặc đen trên ô tròn nền trắng.

      Hítle thao thao bất tuyệt gần một tiếng đồng hồ liền, và chỉ dừng lại để người phiên dịch có thể dịch lời hắn nói. Hắn không đếm xỉa gì đến những nguyên tắc xử sự trong các cuộc hội đàm, đến việc cần phải có sự trao đổi ý kiến giữa hai bên như thế nào. Hắn nói một mình, cố sức nói hết tất cả những gì hắn định nói với đoàn đại biểu Liên-xô. Rồi bỗng nhiên, Hítle bắt đầu nói rằng, Anh đã bị đánh bại, rằng việc Anh đầu hàng thì cũng chẳng lâu la gì nữa. Sự sụp đổ của Anh, theo như hắn nói, là tất yếu, — đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện chia những tài sản không ai trông nom của Anh trên khắp thế giới như thế nào….

      - Vì lý do đó - Hítle thốt lên — tôi đã trao đổi ý kiến với đại diện của Ý và Nhật. Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của chính phủ Liên-xô.

       Không đợi được trả lời, Hítle tiếp tục tràng giang  đại hải:
      - Vương quốc Anh — hắn tiếp — chẳng bao lâu nữa sẽ biến thành nơi đấu giá mênh mông với diện tích bốn mươi triệu kilômét vuông... Chúng ta, tôi muốn nói gộp Đức, Ý, Nhật và Nga cần phải chia tài sản của con nợ Anh quốc bị phá sản này. Cần gì phải cạnh tranh về những vấn đề vụn vặt, nếu như trước mắt chúng ta có những vấn đề lớn hơn thế rất nhiều... Theo ngài, thưa ngài Bộ trưởng, ngài nghĩ như thế nào nếu Liên-xô được mở rộng lãnh thổ về hướng Ấn Độ dương.

     Hítle nhìn người đại diện phái đoàn Liên-xô với con mắt thăm dò, cố xác định xem đề nghị phân chia thế giới của y đã gây lên ấn tượng như thế nào cho Môlôtốp.

      Môlôtốp chăm chú lắng nghe những lập luận dài dòng của Hítle. Ông đã không trực tiếp trả lời đề nghị của Hítle mà nói rằng muốn bàn về những vấn đề cụ thể hơn, những vấn đề có liên quan đến quan hệ giữa Đức và Liên xô. Hítle hiểu rằng miếng mồi ném cho Mátxcơva đã không khêu gợi lên được lòng thèm muốn như hắn tưởng.

       Môlôtốp lại nói thêm về  vấn đề khác :
       - Thưa ngài Thủ tướng, ngài có thể trả lời cho chúng tôi một số vấn đề được không ? Trước hết, tôi xin hỏi ngài, phái đoàn quân sự của Đức sang Rumani với mục đích gì ? Chính phủ của chúng tôi cho rằng những đảm bảo của Đức đối vói nguyên soái Antônexcu là nhằm chống lại quyền lợi của Liên xô. Một bước đi nghiêm trọng như vậy đã được thực hiện thiếu sự bàn bạc với Mátxcơva. Đấy là câu hỏi thứ nhất... Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước việc quân Đức đổ bộ vào phía nam Phần lan, sát khu vực biên giới giáp với Liên xô...

       Hítle không ngờ vấn đề lại xoay chuyển như vậy. Trong một thoáng, trên khuôn mặt của hắn lộ vẻ bối rối nhưng rồi hắn cũng trấn tĩnh lại được và vội vã giải thích rằng, phái đoàn quân sự đến Bucaret là theo lời đề nghị của Antônexcu, rằng quân đội Đức sẽ đóng ở Phần lan không lâu, chúng sẽ được ném sang Na-uy, rằng không nên xem đó như là những hành động thiếu thân thiện…

       Môlôtốp phản ứng:   
       - Nhưng theo những tin tức mà chúng tôi có — ông nói — thì lại khác. Quân Đức không hề có ý định rút khỏi Phần lan...Một số đơn vị quân đội Đức cũng đã tới Rumani.

      Hítle vịn vào cớ là không biết rõ về những chuyện này và hứa sẽ giải thích những gì cần thiết trong cuộc gặp gỡ tới. Hắn lại bắt đầu huyên thuyên về phân chia tài sản của Anh, làm như là hắn không nghe thấy Môlôtốp lưu ý hắn rằng phái đoàn Liên xô không thấy việc bàn luận những vấn đề như thế sẽ mang lại ý nghĩa gì….

       Màn độc thoại lần này cũng chiếm mất khá nhiều thời gian. Cuối cùng Hítle xem đồng hồ và vội vã báo rằng, quân Anh thường hay ném bom Béclanh vào giờ này, thành phố sắp có báo động, và y đề nghị chuyển cuộc gặp vào một hôm khác.

       Cuộc chia tay thật là lạnh nhạt, khi từ biệt Môlôtốp vẫn nhắc rằng chiều hôm đó sẽ có cuộc chiêu đãi ngoại giao ở Đại sứ quán Liên xô. Ông hy vọng được gặp Hítle trong số các vị khách... Vị Quốc trưởng trả lời không dứt khoát, y nói nếu không bận việc gấp y sẽ đến….

       Những chiếc xe nối đuôi nhau chạy trong bóng tối đến cổng Đại sứ quán Liên xô trên phố Unteđe Linđen. Đổ khách xuống xong chúng chạy mất hút trong màn đêm thu lạnh lẽo. Thành phố Béclanh chìm trong bóng tối vì không một vệt ánh sáng nào có thể chui lọt qua những tấm rèm cửa sổ được rịt kín kỹ lưỡng. Trong đêm, thành phố như một nơi hoang dã, chết chóc…..

       Bàn ăn dành cho năm trăm người được bày biện trong một căn phòng ốp đá hoa của Đại sứ quán. Những cây nến chiếu sáng căn phòng, làm cho những bộ đồ cổ bằng bạc sáng lấp lánh và những bông hoa cẩm chướng trong bình rực mầu. Khách khứa đã có mặt đông đủ nhưng tiệc chiêu đãi vẫn chưa bắt đầu. Mọi người còn chờ đợi Hítle, nhưng hắn vẫn chưa tới….

          Các thành viên khác trong Hội đồng Chính phủ đều đã có mặt. Đứng đầu là nguyên soái Gơrinh béo mập, thích trưng diện các loại huân chương cùng những đồ trang sức lòe loẹt. Hắn luôn luôn tự nghĩ ra cho mình những mốt quần áo đặc biệt. Lúc này y đến dự tiệc trong bộ lễ phục may bằng loại vải ánh bạc như gấm và cũng lấp lánh như những đồ vật bày biện trên bàn ăn. Từ ngực đến bụng hắn phủ đầy những tấm huân chương, huy chương màu sắc rực rỡ. Những ngón tay múp míp của hắn được tô điểm thêm bằng những chiếc nhẫn đá quí…
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #78 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2019, 12:28:04 am »

     

       Tại đây có mặt cả Phó Chủ tịch Đảng quốc xã Ruđôn-phơ Hess với bộ mặt khổ hạnh và đôi lông mày sâu róm đen nhánh. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phôn Ribentrốp với khuôn mặt tái nhợt và Bộ trưởng Gơben thọt chân cùng những nhân vật tai to mặt lớn khác.

       Trong số các vị khách đến dự chiêu đãi xếp theo thứ bậc, có Arơvit Khanac, cố vấn trưởng của Nhà nước trong Bộ Kinh tế, Ruđônphơ Sêlia nhân viên quan trọng trong Bộ Ngoại giao, người đã nói cho Inda tất cả những sự kiện có liên quan đến chuyến đi của phái đoàn đại biểu Liên-xô tới Béclanh.

      Sau khi đoàn đại biểu Liên-xô về Mátxcơva, phôn Sêlia đã mời Inda đến nhà mới của mình. Nhà ngoại giao thành đạt trong cuộc đời hiện đang sống trong một khu vực quý phái của thành phố và rất hãnh diện về chỗ ở sang trọng của mình, ông ta vẫn là con người quý tộc chuộng mốt như xưa.

      - Tôi có rất nhiều điều muốn nói với chị, chị Inda ạ — nhà ngoại giao vừa nói vừa giúp Inda cởi áo khoác ngoài — Ở Béclanh người ta đang thêu dệt nhiều vấn đề chính trị xung quanh chuyến đến thăm của đoàn đại biểu Liên xỏ, nhưng trong cái mớ hỗn độn đó cũng có những điều đáng lưu ý.

        Inda thầm nghĩ : những chuyện gì diễn ra trong các cuộc hội đàm Mátxcơva đã biết rõ. Điều quan trọng là biết xem Hítle và những kẻ thân tín của hắn có thái độ như thế nào đối với cuộc hội đàm đó. Chính vì thế mà chị đã đến nhà Sêlia.

      - Tại Vinghenstrac — phôn Sêlia nói — người ta đã không giấu giếm gì về sự thất bại của các cuộc thương lượng. Tất cả đã thất vọng về lập trường cứng rắn của Mátxcơva trong hội đàm. Hítle rất bực tức. Trong các phòng của Bộ Ngoại giao đi đâu cũng nghe thấy bàn tán về đề tài này. Tất nhiên là người ta cũng chỉ dám đóng cửa tâm sự to nhỏ với nhau thôi... Khi nghe tin Hítle không đến dự tiệc, tất cả đều thì thào đoán xem như vậy nghĩa là thế nào. Tôi đứng nói chuyện cùng với các nhà ngoại giao khác. Họ đều đi đến kết luận, rằng Quốc trưởng không hài lòng với Môlôtốp... Người ta chờ "gã binh nhất” của chúng ta rất lâu vì thế mà các vị khách vẫn chưa được mời vào bàn ăn. Khi chúng tôi vừa mới ngồi xuống ghế, cầm khăn ăn thì có còi báo động. Trong Đại sứ quán Liên xô không có hầm trú ẩn. Bữa tiệc bị gián đoạn, khách khứa được đề nghị ra khỏi tòa đại sứ. Giá mà chị được trông thấy các bộ mặt thiểu não của các vị khách lúc đó nhỉ! Vì chuyện gì kia chứ - vì một bữa tiệc như thế sao? Thành thực mà nói đã Iâu lắm tôi chưa được thấy một bữa tiệc lớn như vậy đấy ! Thôi thì chẳng còn thiếu thứ gì. Ấy thế mà lại phải rời khỏi bàn tiệc còn nguyên chỉ vì cái đó. Thật là khôi hài vì chưóng mắt hết chỗ nói khi nhìn thấy các đại diện "giới thượng đẳng” của chúng ta hấp tấp cho trứng cá vào bánh mì cặp giò, cặp làm đôi nhét vào cổ tay áo hồ cồn, có khi họ lại còn cho cả vào ống tay áo nữa là đằng khác. Thật là gai mắt !... Các bà thì vốc kẹo cho vào túi, còn hoa quả thì... Tôi ngượng đến chín cả mặt...   

        Gơ-rinh chuồn đầu tiên, tiếp đến là các vị khác. Vị nguyên soái của chúng ta cảm thấy khó xử, vì chính ông ta đã nhiều lần kêu gào là không một quả bom nào có thể rơi xuống Béclanh. Khách khứa chen lấn nhau ngoài hành lang, một số phải cuốc bộ vi không đợi được xe đến đón. Ai cũng lo làm sao có thể về đến nhà trước khi máy bay Anh xuất hiện. Tôi có có cảm giác là Luân đôn đã biết về chuyến đi của phái đoàn Liên-xô đến Béclanh nên đã quyết định diễu võ dương oai bằng cách ném bom vào ban đêm…..

     - Thế còn thì thế nào ? — Inda hỏi.

      - Sau đó ấy à ? Sau đó là cuộc gặp gỡ lần thứ hai tại văn phòng đế chế. Quốc trưởng lại tiếp tục mặc cả về tài sản của Anh, đem Ấn Độ và vịnh Ba tư ra để gạ gẫm người Nga. Nghe nói Môlôtốp lại quay sang vấn đề Phần lan, về việc phái đoàn quân sự của Đức có mặt ở Bucarét. Người Nga có lẽ đã biết rõ về những bí mật của ta. Đại để Môlôtốp nói như sau : "Ngài Hítle ạ, lập trường của các ngài có lẽ sẽ mang đến cho các cuộc hội đàm một góc độ mới có thể làm cho tình hình thêm phức tạp..” .

       Ông ta yêu cầu rút hết quân đội của chúng ta ra khỏi Phần lan và triệu hồi phái đoàn quân sự ở Bucarét về. Hítle trả lời là điều đó không thể thực hiện được.

       Sau đó Hítle bắt đầu giải thích tại sao Đức lại trì hoãn cung cấp các thiết bị quan trọng cho Liên xô, y nhấn mạnh rằng Đức hiện đang phải chiến đấu sống mái với Anh nên phải động viên tất cả các nguồn của mình cho cuộc đọ sức quyết định. Đáp lại, Môlôtốp nói : "Nhưng chúng tôi vừa nghe ngài nói rằng Anh đã bị đánh bại cơ mà... Trong hai địch thủ thì ai là người đang tiến hành đấu tranh để sống còn ai là người đấu tranh để chết ?”. Người Nga cũng có cách nói mỉa mai và hóm hỉnh ra trò đấy chứ. Nghe nói Hítle đã tái mặt đi vì tức giận. Mọi người tưởng hắn sẽ nổi xung nhưng hắn đã kìm lại được.

       Chiều hôm đó còn có một cuộc gặp gỡ nữa với Ribentrốp. Về cuộc gặp gỡ này thì tôi biết rõ hơn vì nó diễn ra tại Vinghenstrac, trong Bộ Ngoại giao. Ribentrốp thông báo ý kiến của phía Đức về kết quả cuộc hội đàm. Hắn lấy trong túi ra một tờ giấy và đọc tất cả : phạm vi ảnh hưởng trên thế giới sau chiến tranh, về tài sản của Anh, về việc Liên xô phải thống nhất với hiệp ước ba bên, với trục Rôm — Béclanh— Tôkyô. Môlôtốp hỏi về vấn đề cung cấp hàng hóa, về sự có mặt của quân đội Đức ở Phần Lan, về việc phái đoàn quân sự Đức sang Rumani và tiến triển của những việc đó ra sao... Thật là mỗi người một phách... Cũng đúng lúc đó lại có báo động và Ribentrốp đề nghị; mọi người xuống hầm trú ẩn ngay trong phòng làm việc của mình.

       Tại đây hắn lại nói rằng cần phải nghĩ đến việc phân chia khu vực ảnh hưởng vì trên thực tế Anh đã bị đánh tan. Khi đó Môlôtốp lại hỏi : "Nếu như Anh đã bị đánh tan thì chúng ta còn ngồi trong hầm làm gì? Vậy đây là máy bay ném bom của ai kia chứ ?”… Ribentrốp tịt mít. Câu chuyện đã tắt ngấm vì chẳng còn gì nữa để mà nói nhưng vẫn chưa có báo yên. Không biết làm gì hơn, Ribentrốp mới bắt đầu nói về những đề tài vớ vẩn xung quanh chuyện nấu rượu, về các loại sâm banh... Hắn có thời đã là một nhà kinh doanh rượu mà….

       Thời gian cứ chậm chạp trôi qua mà mãi vẫn chưa hết lệnh báo động. Mãi tới khuya các đại biểu Liên xô mới quay về chỗ nghỉ ngơi của mình tại Satlôtenbuốcstrac. Sáng hôm sau họ trở về Mátxcơva... Đấy là tất cả những gì tôi biết về các sự kiện ngoại giao sau đó.

      - Thế theo anh, thì anh nghĩ gì về những sự kiện đó ? Mục đích cuối cùng của cuộc hội đàm đó là gì ? — Inda hỏi.

      - Tôi có cảm giác rằng người Anh có thể cho là họ không còn phải lo chuyện quân Đức đổ bộ lên đất Anh nữa. Quốc trưởng bây giờ đang tập trung tất cả về phía Đông. Ở đó mây đen đang bao phủ bầu trời....

      Ruđônphơ phôn Sêlia đã nói gần sát với sự thực. Đúng ngày hôm đó, ngày Hítle gặp đại diện phái đoàn Liên xô, hắn đã trao cho Bộ Tổng tham mưu một mật lệnh: "Các cuộc hội đàm chính trị nhằm tìm hiểu lập trường của Nga trong thời gian sắp tới đã bắt đầu. Không phụ thuộc vào diễn biến của những cuộc hội đàm này như thế nào, cần phải tiếp tục chuẩn bị tất cả theo những dự kiến trước đây đối với phương Đông. Sẽ có những chỉ thị tiếp về vấn đề này sau khi những điều cơ bản của kế hoạch tác chiến được tôi chuẩn y”……


*****************
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #79 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2019, 01:27:36 am »





                                                                                                                   CHƯƠNG VI.

                                                                                            NHỮNG CON KHỈ CỦA ĐÔ ĐỐC KANARÍT




        1.




      Tín hiệu đầu tiên về sự hoảng hốt trên đất Thụy sĩ trung lập, thanh bình là do Phrâylây Minđa, người làm công trong nhà Rađô mang đến.

       Hàng ngày, đúng bẩy giờ rưỡi không sai một phút — phải, có thể nói là như thế, vì người ta tuyệt nhiên có thể lấy lại đồng hồ dựa vào sự xuất hiện của Minđa — cô gái dùng chìa khóa riêng mở nhẹ nhàng đi vào bếp và bắt tay vào công việc. Cô pha cà phê, rán bánh mì và mười lăm phút sau, vào giờ đã định, cô lên báo cho chủ nhà biết bữa ăn dã được dọn ra.

      Trông Minđa đội chiếc mũ làm bếp, mặc chiếc tạp dề trắng như tuyết, chân tay được kỳ cọ sạch sẽ, người ta có thề liên tưởng đến đất nước cô đang sống. Từ ô cửa sổ sáng bóng của nhà bếp trên tầng lầu, có thể nhìn thấy khoảng trời trước mặt. Đỉnh núi Mônblăng cao vút phủ đầy tuyết trắng nhô lên giữa những hòn núi khác ở phía chân trời trông hệt như chiếc mũ hồ cồn của cô. Từ bao đời nay, ngay hồi khai sinh lập địa, ngọn núi này đã tô nên cảnh đẹp cho Thụy sĩ, khẳng định sự bất biến của thế giới xung quanh. Nhịp sống đều đều của cô, người làm độc thân, cứ thế trôi đi tưởng không có gì phá vỡ nổi. Nhưng điều không ngờ bỗng nhiên lại xảy đến…

      Như thường lệ, gần chiều, Minđa đi ra phố Lôdan và biến đi đâu đó mất hút. Trước đó, cô đã chuẩn bị bữa ăn tối và cho thức ăn vào tủ lạnh. Từ mờ sáng hôm sau, cô ta đến báo rằng mình phải rời thành phố biên giới Giơnevơ đi ngay đến chỗ cha mẹ ở vì nay mai sẽ có chiến tranh...

       Cha mẹ của Minđa sông ở tổng bên, muốn đi tới đó chỉ mất hơn một giờ tàu nhưng cô vẫn cho rằng ở đó sẽ không bị chiến tranh đe dọa. Êlêna thuyết phục thế nào đi chăng nữa, Minđa vẫn cứ khăng khăng một mực :
      - Sẽ có chiến tranh mà. Bà cứ tin ở lời cháu. Nếu không hà cớ gì mà người ta lại phải bầu tư lệnh tập đoàn quân. Trước khi có chiến tranh bao giờ cũng thế, ông cháu khi còn sống đã nói như vậy đấy... Thôi bà đừng giữ cháu nữa, Phrau Êlêna ạ, cháu rất muốn ở lại với gia đình ta nhưng chiến tranh sắp tới rồi... Cần phải tìm đường tìm nẻo mà chạy trước thôi...

       Cô người làm vội vã thu dọn tư trang và đáp tàu về quê với cha mẹ.

       Tuy nhiên cô Minđa, con người rất điển hình cho đất nước Thụy sĩ yên ổn, ít xáo động không phải là đã lo lắng hão. Trước đó trong nước đã bầu tổng tư lệnh. Từ lâu nay đã là như vậy — hễ đất nước lâm nguy thì số phận của nó được trao cho tổng tư lệnh. Và lần này cũng thế. Không còn có thể hy vọng vào truyền thống trung lập thông thường được nữa. Hítle đánh chiếm hết nước này đến nước khác ở châu Âu; Áo, Tiệp, Ba lan. Nay mai rồi sẽ đến lượt Thụy sĩ….

       Trên thực tế, Thụy sĩ chưa bị Đức tấn công nhưng ảo tưởng về quan hệ thân thiện với nước Đức phát-xít đã tan biến thành mây khói. Đức, Anh, Pháp là những nước tham chiến đã long trọng tuyên bố tôn trọng nước Thụy sĩtrung lập. Nhưng đấy chỉ là lời nói không thôi. Liệu nay mai rồi sẽ ra sao? Làm sao mà biết được ý đồ của Hítle. Quân Đức đã tập trung trên đường biên giới tiếp giáp với Thụy sĩ. Vì thế một quyết định đã được thông qua: Tướng Ghidan được bầu làm tổng chỉ huy quân đội Thụy sĩ…

       Lệnh động viên đã được ban hành trong nước, số quân bấy giờ đã lên tới bốn mươi nghìn người. Số lượng quân như thế cũng không phải là ít nếu được đưa ra chặn bước tiến của quân thù tại vùng rừng núi. Quân đội được thành lập vội vã từ các lực dự bị và triển khai phòng ngự trên các đèo cao, gài mìn trên các tuyến đường và quanh các hầm Các chiến sĩ đều tràn đầy quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước nhỏ bé của mình.

       Nhiều nhà du lịch đột nhiên đổ xô ra các nhà ga, bến tàu để rời khỏi đất nước Thụy sĩ mến khách, sầm uất. Các sân bay ngừng hoạt động, đường dây liên lạc bằng điện thoại với Anh, Pháp bị gián đoạn. Đâu đâu cũng thấy cảnh nhốn nháo, hoang mang. Những người gốc Thụy sĩ thì tủa ra các cửa hàng thực phẩm vét mua tất cả những thứ gì có thểmua được...

       Nhưng quân đội Đức tập trung trên biên giới vẫn chưa được lệnh tiến công. Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Đức chưa quyết định bắt đầu các hoạt động quân sự ở Trung Âu trong khi đang phải tập trung cho chiến trường Ba lan. Ngoài ra cũng vì chưa thấy Anh, Pháp tỏ thái độ như thế nào. Nhưng dù sao thì  nguy cơ chiến tranh cũng đã bị đẩy lùi khỏi biên giới Thụy sĩ. Điều này củng cố thêm tinh thần chiến đấu của Thụy sĩ và làm cho họ tin rằng không thể quỳ gối trước kẻ thù cho dù kẻ đó có hung hãn như Hítle đi chăng nữa…Trước nguy cơ xâm lược thì cần phải động viên các lực lượng vũ trang chống lại…

      Khi cảnh hoảng hốt trong phố đã lắng xuống, khi các du khách sợ hãi đã về đến đất nước của họ thì các quán cà phê lại đầy khách, quân đội Thụy sĩ lại rút về doanh trại, chỉ để lại những đội canh giới tăng cường trên tuyến đầu. Nhưng những sự kiện tháng chín năm 1939 đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người ta. Tình trạng báo động vẫn duy trì: phát xít Đức đâu đã chịu yên. Chúng vẫn là kẻ thù chính và trực tiếp của đất nước này. Tâm trạng này đang lan rộng trong quân đội. Chính tâm này đã phản ánh trong công tác của nhóm hoạt động bí mật Alếchxăngđơ Rađô.

      Một trong những người đánh giá tỉnh táo tình hình quân sự ở châu Âu là nhân viên Bộ Tổng tham mưu Thụy sĩ có họ như họ người Pháp. Piante biết nhiều về anh ta và kết bạn với con người này. Đây là một sĩ quan đã luống tuổi làm việc trong phòng tình báo. Người này thường hay tâm sự chân thành với Piante và đôi khi còn cung cấp cả những tin tức nhận được về bọn Đức quốc xã.

      Quan điểm chính trị của viên sĩ quan này khá mơ hồ. Nhưng được cái anh ta lại tin chắc là nền độc lập của Thụy sĩ không thể tránh khỏi nguy cơ trở thành miếng mồi trong tham vọng xâm lược của Hítle.

       Viên sĩ quan tình báo người Thụy sĩ này được đặt mật  danh nghe như tên con gái “Luida”. Đây là một nguồn cung cấp tin tức rất quan trọng cho nhóm của Rađô….
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM