Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:46:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193475 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #220 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2016, 04:04:39 am »

        Tôi đề nghị Bob Rubin nhận vị trí mới: điều phối chính sách kinh tế trong Nhà Trắng với tư cách Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, vốn hoạt động tương tự như Hội đồng An ninh Quốc gia, tức là kết hợp các cơ quan hữu quan để thiết lập và thực hiện chính sách. Tôi tin rằng việc hoạch định chính sách kinh tế của chính phủ liên bang chưa có tổ chức và hiệu quả ở mức tốt nhất. Tôi muốn kết hợp không chỉ các bộ phận thuế và ngân sách của Bộ Ngân khố và OMB mà còn nỗ lực của Bộ Thương mại, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng Cố vấn Kinh tế, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Bộ Lao động, và Cơ quan doanh nghiệp nhỏ lại với nhau. Chúng tôi phải tận dụng tất cả các nguồn lực có thể để áp dụng kiểu chương trình kinh tế toàn diện cần thiết nhằm có lợi cho các nhóm thu nhập và các vùng miền. Rubin chính là người để làm việc đó. Ông ấy vừa kín đáo nhưng vừa quyết liệt. Ông ấy từng là đồng chu tịch hãng Goldman-Sachs, công ty đầu tư khổng lồ ở New York, và nếu ông ấy có thể cân bằng được các lợi ích cũng như uy thế thể diện của công việc mới, ông ấy hoàn toàn có cơ hội thành công. Hội đồng Kinh tế Quốc gia đại diện cho thay đổi lớn nhất trong các hoạt động của Nhà Trắng trong nhiều năm, và nhờ Rubin mà nó đã phục vụ tốt cho nước Mỹ.

        Tôi tuyên bố bổ nhiệm Laura Tyson, một giáo sư kinh tế được trọng vọng thuộc Đại học California ở Berkeley, làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Laura gây ấn tượng với tôi bằng kiến thức của bà về công nghệ, sản xuất hàng loạt, và thương mại - những vấn đề kinh tế vi mô mà tôi cho rằng đã bị làm ngơ quá lâu trong việc hoạch định chính sách kinh tế quốc gia.

        Tôi cũng bổ nhiệm Bob Reich làm Bộ trưởng Lao động. Vị trí này có phần yếu thế dưới thời Reagan và Bush, nhưng tôi coi đây là một phần quan trọng trong đội ngũ xây dựng kinh tế. Bob từng viết nhiều cuốn sách hay về nhu cầu cần có sự hợp tác nhiều hơn giữa giới lao động và giới quản lý doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của sự uyển chuyển và ổn định trong môi trường làm việc hiện đại. Tôi tin ông ấy có thể vừa bảo vệ quyền lợi của người lao động trong y tế, an toàn, và an sinh mà vẫn có thể có được sự ủng hộ quan trọng của giới lao động cho chính sách kinh tế mới của chúng tôi.

        Tôi đề nghị Ron Brown làm Bộ trưởng Thương mại, hoàn tất một cam kết khi tranh cử là nâng tầm quan trọng của bộ từng bị coi là bộ "hạng hai" đã quá lâu. Với sự pha trộn vừa thông thái vừa táo bạo, Ron từng khôi phục lại vị trí cho ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, đoàn kết được các lực lượng cấp tiến và lao động với những người ủng hộ cách tiếp cận mới của Hội đồng Lãnh đạo đảng Dân chủ. Nếu ai đó có thể làm sống lại cơ quan thương mại để thúc đẩy lợi ích thương mại của nước Mỹ thì người đó chính là anh ấy. Ron trở thành Bộ trưởng Thương mại gôc Phi đầu tiên và là một trong những lãnh đạo hiệu quả nhất của bộ này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #221 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2016, 09:53:06 am »

       Vào ngày tôi tuyên bố bổ nhiệm Ron, tôi cũng từ chức thống đốc Arkansas. Tôi không còn thời gian để dành cho vị trí đó, và phó thống đốc Jim Guy Tucker đã quá sẵn sàng và đủ khả năng để tiếp quản. Một điều thất vọng về chuyện phải từ chức vào tháng 12 là tôi còn thiếu 24 ngày nữa để phá kỷ lục làm thống đốc tiểu bang lâu nhất của Orval Faubus.

       Ngày 14 và 15 tháng 12, sau khi đã bổ nhiệm đầy đủ các vị trí kinh tế quan trọng, tôi tổ chức một cuộc họp cấp cao kinh tế ở Little Rock. Chúng tôi đã chuẩn bị cho hội nghị này trong sáu tuần, dưới sự lãnh đạo của Mickey Kantor; John Emerson, bạn của Hillary từng ủng hộ tôi ở California; và Erskine Bowles, một doanh nhân Bắc Carolina thành đạt từng ủng hộ tôi vào vị trí tổng thống bởi tin vào triết lý Dân chủ Mới của tôi cũng như vì tôi ủng hộ nghiên cứu mô thai nhi. Gia đình Erskine bị bệnh tiểu đường, và anh ây cũng tin giống tôi rằng việc nghiên cứu này là tối quan trọng trong việc giúp khám phá được bí ẩn của bệnh tiểu đường cũng như các chứng bệnh nan y khác.

       Khi hội nghị được công bố, có vẻ như trên toàn nước Mỹ ai cũng muốn tham gia, và chúng tôi phải rất chật vật mới giới hạn được số người tham dự sao cho vừa khán phòng ở Trung tâm Hội nghị Little Rock mà vẫn phải dành đủ chỗ cho số lượng khổng lồ báo giới từ khắp nơi trên thế giới đến đưa tin. Cuối cùng, danh sách kết lại còn 329 đại biểu, từ những nhân vật trong danh sách 500 công ty giàu nhất của tạp chí Fortune, các chủ tịch công ty ở Thung lũng Silicon cho đến các chủ tiệm nhỏ, còn thêm các lãnh đạo lao động, giới học thuật, một chủ trại từ Alaska, một tù trưởng bộ tộc da dỏ Cherokee với cái tên nghe dễ sợ là Wilma Sát Nhân.

       Khi hội nghị khai mạc, bầu không khí thật cực kỳ phấn khích, cứ như buổi biểu diễn nhạc rock dành cho những nhà chính sách vậy. Giới báo chí gọi đây là "đại hội học giả" (wonkfest). Các ban tranh luận đem lại một số ý tưởng mới cũng như phân tích sâu sắc, và làm rõ các lựa chọn mà tôi phải đối mặt. Sự đồng thuận lớn nhất là ưu tiên số một của tôi phải là giảm thâm hụt ngân sách, ngay cả khi buộc phải giảm thuế cho giới trung lưu ít đi, hoặc là bỏ luôn không giảm thuế nữa. "Cuộc họp của Mickey", như chúng tôi thường gọi, là một thành công rực rỡ, và không chỉ trong mắt của những học giả chính sách. Một cuộc thăm dò sau đại hội cho thấy 77% dân Mỹ ủng hộ các bước chuẩn bị để nắm chức tổng thống của tôi.

       Hội nghị kinh tế này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng, như tôi đã hứa, nước Mỹ đang tiến lên phía trước, rời xa kiểu kinh tê chỉ ưu đãi một số doanh nghiệp nào đó sang kiểu kinh tế đầu tư và tăng trưởng, rời xa sự bỏ rơi những ai đang phải buộc lùi dần trước nền kinh tế toàn cầu để tiến tới một nước Mỹ sẽ mang lại cho mọi công dân có trách nhiệm một cơ hội. Sau này tôi bổ nhiệm Mickey Kantor làm đại diện thương mại Hoa Kỳ, và Erskine Bowles làm người đứng đầu Cơ quan doanh nghiệp nhỏ, còn John Emerson vào đội ngũ nhân viên Nhà Trắng. Chính họ là người đã tìm lấy cho mình vị trí trong đội ngũ.

       Ngay trước hội nghị kinh tế, tôi tuyên bố Mack McLarty sẽ là chánh văn phòng Nhà Trắng. Đó là một lựa chọn bất thường vì Mack tuy đã làm việc trong hai ủy ban của liên bang dưới thời Bush nhưng không phải là người rành rẽ về Washington, một điều cũng làm chính anh ấy lo ngại. Anh ây bảo tôi là anh ây thích một công việc khác phù hợp với xuất thân kinh doanh của anh ấy hơn. Tuy nhiên, tôi ép Mack phải nhận vị trí này, vì tôi tin anh ấy có thể tổ chức nhân viên Nhà Trắng một cách êm ái và tạo ra không khí làm việc tập thể mà tôi muốn có. Anh ấy rất kỷ luật và thông minh; có kỹ năng đàm phán giỏi và khả năng nắm bắt và theo dõi nhiều việc cùng một lúc. Anh ấy còn là người bạn trung thành của tôi trong hơn 40 năm, và tôi biết có thể trông cậy anh ấy sẽ không che giấu tôi những quan điểm và nguồn thông tin trái tai. Trong những tháng đầu làm việc với nhau, cả anh ấy lẫn tôi đều phải chịu một số chuyện ngờ nghệch của hai chúng tôi trước văn hóa chính trị và báo giới ở Washington, nhưng nhờ có Mack, chúng tôi cũng đạt được nhiều điều và tạo ra một tinh thần hợp tác mà nhiều nhóm nhân viên Nhà Trắng trước đây thiếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #222 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2016, 04:07:59 am »

        Trong ngày 11 và 18 tháng 12, tôi tiến đến gần mục tiêu tuyển chọn một chính quyền đa dạng nhất trong lịch sử. Ngày 11, tôi bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Wisconsin Donna Shalala làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người và Carol Browner, giám đốc tiểu bang về môi trường của Florida, làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Hillary và tôi đã biết Shalala, một phụ nữ chỉ cao khoảng 1,5m gốc Libăng nhưng hoạt động không biết mệt, trong nhiều năm. Tôi không biết Browner trước khi tôi phỏng vấn bà ấy, nhưng thấy ấn tượng với bà; và Al Gore muốn bà ấy vào chức vụ đó. Cả hai người phụ nữ này đã phục vụ trong suốt tám năm của tôi, đạt được nhiều thành tựu. Ngày 15, tin được tung ra rằng tôi sẽ mời Bác sĩ Joycelyn Elders, phụ trách y tế của Arkansas và là người phụ nữ da đen thứ hai từng tốt nghiệp trường Y Arkansas cũng như một chuyên gia toàn quốc về bệnh tiểu đường ở trẻ em, làm bác sĩ trưởng Hoa Kỳ, quan chức y tế công cộng hàng đầu ở Mỹ.

        Ngày 17, tôi tuyên bố chọn Henry Cisneros làm Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị. Với sự kết hợp hiếm thấy giữa tài năng chính trị và một trái tim biết đồng cảm, Henry đã trở thành chính trị gia gốc nổi tiếng Tây Ban Nha được ưa chuộng nhất ở Mỹ. Ông ấy hoàn toàn đủ khả năng cho vị trí đó, với thành tích xuất sắc khi làm thị trưởng San Antonio và khôi phục lại sinh khí cho thành phố này. Tôi còn bổ nhiệm Jesse Brown, một cựu thủy quân lục chiến gốc Phi từng ở Việt Nam và đang là giám đốc điều hành tổ chức Thương binh Mỹ, làm Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh.

        Ngày 21 tháng 12, tôi bổ nhiệm Hazel O'Leary, một giám đốc gốc Phi của Công ty Năng lượng các tiểu bang phía Bắc ở Minnesota, làm Bộ trưởng Năng lượng, và Dick Riley, làm Bộ trưởng Giáo dục. Hazel là một chuyên gia về khí tự nhiên, và tôi muốn ủng hộ phát triển thêm loại năng lượng này vì nó sạch hơn dầu và than, lại có trữ lượng nhiều. Dick và tôi là bạn của nhau trong nhiều năm. Cung cách khiêm tốn của anh ấy dễ làm người ta tưởng lầm. Anh ấy dù bị đau cột sống từ lâu nhưng vẫn xây nên được một sự nghiệp chính trị và luật thành công cũng như một gia đình êm ấm. Ngoài ra, anh ấy cũng từng là một thống đốc rất giỏi về chính sách giáo dục. Trong cuộc vận động tranh cử, tôi thường dẫn ra một bài báo viết rằng Arkansas đã đạt nhiều tiến bộ về giáo dục trong 10 năm qua hơn bất cứ bang nào khác trừ Nam Carolina.

        Ngày thứ ba, 22 tháng 12, tôi công bố toàn bộ đội hình an ninh quốc gia của tôi: Warren Christopher làm Bộ trưởng Ngoại giao, Les Aspin làm Bộ trưởng Quốc phòng, Madeleine Albright làm đại sứ ở Liên hiệp quốc, Tony Lake làm Cố vấn An ninh Quốc gia, Jim Woolsey làm Giám đốc Cục tình báo Trung ương, và Đô đốc Bill Crowe làm Giám đốc ủy ban Cố vấn Tình báo Hải ngoại của tổng thống.

        Christopher từng là Thứ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Carter và đóng vai trò lớn trong việc đàm phán thả con tin Mỹ khỏi Iran. Ông ấy cũng đóng góp tốt cho tôi trong quá trình chọn phó tổng thống và các chức vụ nội các, ngoài ra còn chia sẻ các mục tiêu đối ngoại cơ bản của tôi. Vài người nghĩ rằng tính cách riêng của ông ấy hạn chế sự hiệu quả của ông ấy, nhưng tôi biết ông ấy sẽ làm được việc.

        Tôi đề nghị Les Aspin làm Bộ trưởng Quốc phòng sau khi biết rõ rằng Sam Nunn sẽ không chấp nhận bổ nhiệm vào chức vụ này. Là Chủ tịch ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện, Aspin có lẽ biết nhiều vê quốc phòng hơn bất kỳ ai trong hạ viện, hiểu các thách thức an ninh trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh, và cam kết hiện đại hóa quân đội để đáp ứng các thách thức đó.

        Tôi đã rất ấn tượng với Madeleine Albright, một giáo sư được ưa chuộng ở Đại học Georgetown, từ lần đầu tôi gặp bà trong chiến dịch cho Dukakis. Người gốc Tiệp Khắc và là bạn của Václav Havel, bà ấy là một người ủng hộ mạnh mẽ dân chủ và tự do. Tôi cho rằng bà ấy sẽ là một phát ngôn viên lý tưởng cho chúng tôi tại Liên hiệp quốc trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Vì tôi còn muốn bà ấy cố vấn về các vụ việc an ninh quốc gia, tôi nâng hàm đại sứ tại Liên hiệp quốc lên cấp nội các.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #223 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2016, 08:32:09 pm »

        Quyết định chọn ai làm cố vấn an ninh quốc gia thật khó đối với tôi, vì cả Tony Lake lẫn Sandy Berger đều rất giỏi trong việc dạy dỗ và cố vấn cho tôi về đối ngoại trong suốt cuộc vận động. Tony lớn tuổi hơn chút ít và Sandy từng làm việc cho ông ấy trong Bộ Ngoại giao dưới thời Carter, nhưng tôi lại quen Sandy lâu hơn và biết rõ anh hơn. Cuối cùng, chuyện này được giải quyết khi Sandy đến gặp tôi và đề nghị tôi bổ nhiệm Tony làm cố vấn an ninh quốc gia, còn chính anh thì làm phó.

        Chức vụ ở CIA được bổ nhiệm cuối cùng. Tôi muốn chọn Dân biểu Dave McCurdy của Oklahoma làm Chủ tịch ủy ban Tình báo Hạ viện, nhưng thật thất vọng, ông ấy từ chối. Tôi đã gặp Jim Woolsey, một nhân vật lão làng trong cơ câu đối ngoại của Washington, vào cuối năm 1991 tại một cuộc thảo luận về an ninh quốc gia mà Sandy Berger tổ chức với một nhóm đa dạng những người Dân chủ cũng như phe độc lập có quan điểm mạnh mẽ hơn về an ninh quốc gia và quốc phòng hơn là đảng chúng tôi đưa ra. Woolsey rõ ràng là thông minh và quan tâm đến vị trí này. Sau một lần phỏng vấn, tôi đề nghị ông ấy vào việc đó.

        Sau khi tuyên bố các chức vụ an ninh quốc gia, cũng gần sát đến thời hạn tôi tự đặt ra cho mình là phải bổ nhiệm xong nội các trước giáng sinh. Vào ngày giáng sinh, chúng tôi làm xong: ngoài việc chính thức công bố bổ nhiệm Mickey Kantor, tôi đề cử Dân biểu Mike Epsy của Mississippi làm Bộ trưởng Nông nghiệp; Federico Pena, cựu Thị trưởng Denver, làm Bộ trưởng Giao thông; cựu Thống đốc Arizona Bruce Babbitt làm Bộ trưởng Nội vụ; và Zoe Baird, luật sư trưởng Công ty Aetna Life and Casualty, làm Bộ trưởng tư pháp nữ đầu tiên.

        Epsy hoạt động tích cực trong DLC, hiểu các vấn đề nông nghiệp, và, cùng với Dân biểu Bill Jefferson của New Orleans và John Lewis của Atlanta, là một trong những lãnh đạo da đen nổi trội bên ngoài Arkansas tuyên bố ủng hộ tôi. Tôi không biết rõ Pena lắm, nhưng ông ấy từng là một thị trưởng giỏi và dẫn đầu trong việc xây dựng sân bay mới khổng lồ của Denver. Ngành hàng không đang gặp khó khăn và cần một bộ trưởng giao thông hiểu biết các rắc rối ấy. Bruce Babbitt là một trong những bạn đồng nghiệp thống đốc ưa thích của tôi. Sáng láng, phá cách, và khôn ngoan, ông ấy đã thắng cử ở nơi theo truyền thống thuộc phe Cộng hòa là Arizona và đã thành công trong vai trò một thống đốc hành động, tiến bộ. Tôi hy vọng ông ấy sẽ tiến hành nghị trình về môi trường của chúng tôi mà ít bị các bang miền tây tẩy chay hơn so với Tổng thống Carter.

        Ban đầu, tôi hy vọng bổ nhiệm Vernon làm Bộ trưởng Tư pháp. Anh ấy là một luật sư về dân quyền tài giỏi và được giới kinh doanh Mỹ coi trọng. Nhưng cũng như James Carville, Vemon không muốn làm việc trong chính quyền. Khi anh ấy rút lui đầu tháng 12, trong một lần nói chuyện ở hiên sau của dinh thống đốc, tôi xem xét nhiều người trước khi cuối cùng chọn Zoe Baird.

        Tôi không biết Zoe cho tới khi phỏng vấn cô ấy. Ngoài việc làm ở công ty Aetna, cô từng phục vụ trong Nhà Trắng thời Carter, từng là một người ủng hộ người nghèo, và dù mới 40 tuổi, cô ấy có vẻ như hiểu biết già dặn kỳ lạ về vai trò của bộ trưởng tư pháp cũng như các thách thức và cô ấy phải đối mặt.

        Dù sau này tôi còn nâng cấp nhiều vị trí lên hàng nội các, bao gồm vị trí vua ma túy, giám đốc Cơ quan doanh nghiệp nhỏ, và giám đốc Cơ quan liên bang xử lý tình trạng khẩn cấp (FEMA), tôi đã đạt được thời hạn bổ nhiệm trước giáng sinh một nội các có năng lực không thể phủ nhận và một sự đa dạng chưa từng có.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #224 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2016, 05:47:07 pm »

        Đó là chuyện hay, nhưng không phải là chuyện lớn nhất lúc đó. Tổng thống Bush đã tặng một món quà giáng sinh hậu hĩnh cho vài cộng sự cũ của ông, và có thể là cho chính mình, khi ông ân xá Caspar Weinberger và năm người khác lúc đó bị kết án trong vụ xìcăngđan Iran-Contra mà Công tô viên độc lập Lawrence Walsh phụ trách. Vụ xử Weinberger sắp sửa tiến hành, và Tổng thống Bush có thể sẽ bị gọi ra làm chứng. Walsh giận dữ chỉ trích quyết định ân xá là sự che đậy kéo dài sáu năm, tuyên bố rằng nó "làm nguy hại cho nguyên tắc không ai được đứng trên pháp luật. Nó cho thấy rằng giới có quyền lực và có đồng minh quyền lực có thể phạm những tội ác nghiêm trọng ở chức vụ cao - cố tình lạm dụng lòng tin của công chúng - mà không chịu hậu quả". Vì sẽ không có nhân chứng nào bị lôi ra nữa nên giả sử nếu có thêm thông tin tình tiết gì thì bây giờ chúng cũng sẽ không được làm sáng tỏ nữa. Mới hai tuần trước, Walsh phát hiện ra rằng tổng thống và luật sư của ông là Boyden Gray đã không chịu đưa ra các ghi chép của tổng thống vào thời điểm diễn ra và liên quan đến vụ Iran-Contra, dù nhiều lần được yêu cầu.

        Tôi không đồng ý với các quyết định ân xá đó và có thể làm lớn chuyện hơn nhưng đã không làm vì ba lý do. Thứ nhất, Hiến pháp quy định quyền ân xá của tổng thống là tuyệt đối. Thứ hai, tôi muốn đất nước đoàn kết hơn chứ không phải bị chia rẽ hơn, ngay cả khi sự chia rẽ đó là lợi thế chính trị cho tôi. Cuối cùng, Tổng thống Bush đã phục vụ đất nước hàng chục năm, và tôi nghĩ chúng ta nên cho ông ấy yên bình về hưu, để chuyện kia cho lương tâm ông tự phán xét.

        Vào ngày sau giáng sinh, tôi nhận được một bất ngờ thú vị khi người ta thông báo rằng tạp chí Time sẽ bầu tôi là "Người của năm", viết rằng tôi đã được trao cho cơ hội "để cầm quyền ở một trong những chu kỳ tái sáng tạo lại đất nước - thời điểm mà người Mỹ vượt ra khỏi những vấn đề rối rắm nhất của mình bằng cách tự nhìn mình theo một cách mới". Khi được hỏi về vinh dự này, tôi nói tôi cảm thấy rất vui sướng nhưng lo lắng về một thế giới đang cam go, về chuyện có thể bị sa lầy vì có quá nhiều việc phải làm, và về việc liệu chuyển tới Washington có tốt cho Chelsea hay không. Chelsea sau này hoà nhập được, nhưng những nỗi lo còn lại của tôi sau này chứng tỏ rằng chúng hoàn toàn có cơ sở.

        Hillary, Chelsea và tôi đón năm mới ở Hilton Head trong kỳ nghỉ Cuối tuần Phục hưng, như chúng tôi vẫn làm hàng năm trong gần một thập niên. Tôi thích gặp bạn cũ, chơi bóng đá chạm trên bãi biển với bọn nhóc và vài lượt golf bằng bộ gậy mới mà Hillary tặng. Tôi thích tham dự các ban tranh luận, nơi lúc nào tôi cũng học được nhiều từ mọi người khi họ nói về đủ thứ từ chuyện khoa học đến chính trị đến tình yêu. Năm đó, tôi đặc biệt thích chủ đề "Nếu ăn trưa với tổng thống, bạn sẽ nói gì với ông ấy?".

        Trong khi đó, Tổng thống Bush đang đi công cán rộng khắp nơi. Ông thăm binh sĩ của chúng ta ở Somalia, sau đó gọi điện cho tôi nói ông đang sang Nga để ký một hiệp ước giới hạn vũ khí chiến lược, START II, với Boris Yeltsin. Tôi ủng hộ hiệp ước và nói tôi sẵn sàng đưa hiệp ước ra trước thượng viện để phê chuẩn. Bush cũng giúp tôi khi nói với các lãnh đạo thế giới rằng ông ấy muốn tôi "kế nhiệm làm tổng thống" và rằng họ sẽ thấy "có thể làm việc được với tôi" về các vấn đề quan trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #225 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2016, 05:15:16 am »

        Ngày 5 tháng 1, Hillary và tôi tuyên bố chúng tôi sẽ ghi danh cho Chelsea học một trường tư, Sidwell Friends. Cho tới lúc đó, Chelsea vẫn luôn học trường công, và ở quận Columbia cũng có vài trường công tốt. Sau khi bàn với Chelsea, chúng tôi quyết định chọn Sidwell chủ yếu vì trường này đảm bảo sự riêng tư cho con bé. Chelsea sắp 13 tuổi, Hillary và tôi muốn con bé có cơ hội sống những năm thiếu niên của mình một cách bình thường nhất có thể. Chelsea cũng muốn như vậy.

        Ngày 6 tháng 1, chỉ còn hai tuần trước ngày nhậm chức, và là ngày trước khi tôi họp lần đầu với bộ phận phụ trách kinh tế của mình, giám đốc OMB của chính quyền Bush là Richard Darman tuyên bố mức thâm thủng ngân sách trong năm tới còn cao hơn ước tính trước đây. (Nhân viên của tôi tin rằng Darman biết trước chuyên này nhưng đã trì hoãn việc công bố tin xấu này cho đến sau cuộc bầu cử). Dù gì đi nữa, giờ đầy sẽ khó khăn hơn khi xem xét các ưu tiên: cắt giảm một nửa thâm thủng ngân sách mà không làm yếu đi sự phục hồi kinh tế vốn dễ tổn thương trong ngắn hạn; tìm ra sự kết hợp giữa cắt giảm chi tiêu và tăng các khoản thuế cần thiết để giảm thâm thủng và tăng chi tiêu trong các lĩnh vực tối quan trọng cho sự thịnh vượng kinh tế dài hạn; và đảm bảo công bằng về thuế cho dân chúng lao động trung lưu và thu nhập thấp.

        Ngày hôm sau, bộ phận kinh tế họp lại trong phòng ăn ở dinh thống đốc để bàn bạc tình trạng khó xử này và xem xét các lựa chọn chính sách nhằm tạo ra tăng trưởng nhiều nhất. Theo thuyết kinh tế của Keynes truyền thống, chính phủ phải giữ mức thâm hụt ngân sách trong thời kỳ kinh tế khó khăn, và giữ ngân sách cân bằng hoặc thặng dư trong thời kinh tế phát triển tốt. Do đó, việc kết hợp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế cần thiết để giảm một nửa thâm thủng ngân sách có vẻ không phải là liều thuốc đúng đắn trong thời điểm hiện nay. Đó chính là lý do tại sao FDR, sau khi trúng cử với lời hứa cân bằng ngân sách, đã phải từ bỏ việc giảm thẵm thủng và chuyển sang tăng chi tiêu để tạo thêm công ăn việc làm và kích thích khu vực kinh tế tư nhân.

        Khó khăn của việc áp dụng cách phân tích thông thường vào tình trạng hiện thời là ở chỗ dưới thời Reagan và Bush, chúng ta đã gây ra một kiểu thâm hụt mang tính cấu trúc lớn và tồn tại ngay cả khi kinh tế phát triển tốt lẫn khi suy thoái. Khi Tổng thống Reagan nắm quyền, nợ quốc gia là 1.000 tỷ đôla. Khoản nợ này tăng gấp ba lần trong tám năm ông cầm quyền, nhờ vào các khoản giảm thuế lớn năm 1981 và việc tăng chi tiêu. Dưới thời Tổng thống Bush, nợ tiếp tục tăng thêm 1/3 nữa, chỉ trong bốn năm. Bây giờ thì nó đạt mức 4.000 tỷ đôla. Khoản trả lãi hàng năm của số nợ này là mục chi lớn thứ ba trong ngân sách liên bang sau quốc phòng và bảo hiểm xã hội.

        Thâm thủng ngân sách là kết quả tất yếu của cái gọi là thuyết kinh tế dựa trên mặt cung, vốn cho rằng càng cắt giảm thuế thì nền kinh tế càng tăng trưởng, và sự tăng trưởng này tạo ra khoản thu các mục thuê thấp nhiều hơn là ít mục thuế cao trước đây. Tất nhiên thuyết này không hiệu quả, và mức thâm thủng bùng nổ trong suốt thời kỳ hồi phục thập niên 1980. Dù thuyết này là một thuyết kinh tế dở, phe Cộng hòa vẫn bám víu vào nó vì thái độ chống thuế truyền thống của họ, và vì trong ngắn hạn, thuyết này có lợi về mặt chính trị. "Chi tiêu nhiều hơn, đánh thuế ít hơn" nghe êm tai và thực sự cảm thấy dễ chịu, nhưng nó đã kéo đất nước sa xuống hố sâu và tạo nên một áng mây đen che phủ tương lai của con cháu chúng ta.

        Cùng với thâm hụt thương mại lớn của chúng ta, thâm hụt ngân sách buộc chúng ta phải vay mượn những khoản vốn khổng lồ từ nước ngoài mỗi năm để lấy tiền cho kiểu chi vượt mức của chúng ta. Để có thể thu hút được khoản tiền đó và tránh mất giá đồng đôla chúng ta đã phải giữ cho mức lãi suất cao hơn mức thỏa đáng trong thời kỳ kinh tế xuống dốc trước khi tôi được bầu làm tổng thống. Mức lãi suất cao đó làm cản trở tăng trưởng kinh tế và biến thành một mức thuế gián tiếp khổng lồ đè lên vai người Mỹ trung lưu, phải trả nhiều hơn tiền góp nhà, góp xe, và tất cả các giao dịch khác bắt nguồn từ vay ngân hàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #226 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2016, 05:31:58 am »

        Khi chúng tôi ngồi lại với nhau, Bob Rubin điều hành cuộc họp và đề nghị Leon Panetta phát biểu trước. Leon nói mức thâm hụt ngày càng tệ hại vì tiền thu từ thuế giảm xuống do nền kinh tế chật vật, trong khi chi tiêu lại tăng, khi số người đủ tiêu chuẩn nhận trợ giúp của chính phủ tăng cộng thêm chi phí y tế nhảy vọt. Laura Tyson nói nếu tình trạng hiện thời tiếp diễn, nền kinh tế có lẽ sẽ tăng trưởng từ 2,5 đến 3% trong vài năm tới, không đủ để giảm thất nghiệp hoặc đảm bảo sự hồi phục bền vững. Tiếp đó chúng tôi bàn đến vấn đề hóc búa nhất, khi một trong các cố vấn kinh tế của tôi là Alan Blinder được yêu cầu phân tích xem liệu một kế hoạch giảm thâm hụt mạnh mẽ có thể kích thích tăng trưởng và tạo việc làm hay không bằng cách giảm lãi suất xuống, vì chính phủ sẽ không cạnh tranh nhiều với khu vực tư nhân trong vay ngân hàng. Blinder nói rằng điều đó sẽ xảy ra, nhưng các tác động tích cực sẽ bị ảnh hưởng trong vài năm bởi tác động kinh tế tiêu cực của việc giảm chi chính phủ hoặc tăng thuế, trừ khi Fed (Federal Reserve) và thị trường trái phiếu đáp ứng kế hoạch của chúng tôi bằng cách hạ đáng kể lãi suất xuống. Blinder cho rằng sau quá nhiều lời hứa rỗng tuếch về giảm thâm thủng trong vài năm qua, một phản ứng tích cực và mạnh mẽ của thị trường trái phiếu có lẽ hiếm khi xảy ra. Larrỵ Summers không đồng tình, nói rằng một kế hoạch hay có thể thuyết phục thị trường đó hạ lãi suất vì khi nền kinh tế hồi phục thì sẽ không còn nguy cơ lạm phát. Anh ấy dẫn ra trường hợp vài nước châu Á để làm chứng cho quan điểm của mình.

        Đây là lần đầu trong số nhiều lần trao đổi sau này của chúng tôi về quyền lực của các tay buôn bán trái phiếu 30 tuổi đối với đời sống của người dân Mỹ bình thường. Những lời kêu ca to tiếng của tôi và của Bob Rubin về những người này nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng đây là vấn đề cực kỳ nghiêm túc. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc vẫn ở mức hơn 7%, chúng tôi phải làm một điều gì đó. Tyson và Blinder có vẻ như đề xuất rằng để đảm bảo sự lành mạnh dài hạn của nền kinh tế, chúng tôi phải cắt giảm thâm hụt, nhưng làm như vậy sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Bentsen, Altman, Summers và Panetta đồng tình với lập luận về thị trường trái phiếu và tin rằng giảm thâm hụt sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Rubin chỉ điều hành cuộc họp, nhưng tôi biết anh ấy đồng ý với họ. Al Gore cũng vậy.

        Bob Reich không dự họp nhưng gửi tôi một báo cáo vào hôm sau, lập luận rằng trong khi tỷ lệ phần trăm nợ trong GDP cao hơn thỏa đáng, các khoản đầu tư vào giáo dục/ đào tạo, nghiên cứu không liên quan đến quốc phòng và phát triển đều chiếm tỷ lệ thấp trong GDP so với thời kỳ trước thời Reagan, và việc thiếu đầu tư này cũng làm hại cho nền kinh tế như thâm hụt vậy. Anh ấy nói mục tiêu không phải là giảm thâm hụt một nửa mà là phải đẩy mức thâm hụt cũng như mức đầu tư bằng tỷ lệ trong GDP từ thời trước Reagan. Anh ấy lập luận rằng đầu tư sẽ tăng năng suất, tạo tăng trưởng và công ăn việc làm khiến chúng tôi có thể giảm mức thâm hụt, nhưng nếu chúng tôi chỉ chăm chú vào giảm thâm hụt thì với một nền kinh tế trì trệ và số thu nhỏ giọt, chúng tôi sẽ không thể giảm nửa thâm hụt được. Tôi nghĩ Gene Sperling đồng ý với Reich.

        Khi tôi xem xét tất cả những thứ này, chúng tôi tiếp tục bàn luận xem dùng cách nào để có được giảm thâm hụt mà chúng tôi cần. Trong kế hoạch tranh cử của tôi, có tên Putting People First - Đặt người dân lên trước, tôi từng đề nghị cắt giảm ngân sách hơn 140 tỷ đôla. Nay thì mức thâm thủng đã cao hơn, chúng tôi sẽ phải cắt giảm ngân sách hơn nữa để đạt được mục tiêu giảm nửa thâm hụt trong vòng bốn năm. Việc này dẫn đến thảo luận xem cắt ngân sách trong lĩnh vực nào. Ví dụ như ta có thể tiết kiệm khá nhiều nếu giảm bớt tiền trợ cấp sinh hoạt, được gọi là COLA, trong các khoản bảo hiểm xã hội. Nhưng như Hillary chỉ cho tôi thấy, gần một nửa người Mỹ trên 65 tuổi trông cậy vào tiền bảo hiểm xã hội để sống trên mức nghèo khổ; cắt giảm COLA sẽ làm hại họ. Chúng tôi chưa phải đưa ra quyết định cuối cùng, và cũng chưa thể vì chưa được quốc hội chấp thuận, nhưng dù quyết định như thế nào đi nữa thì rõ là sẽ không dễ dàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #227 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2016, 05:59:51 pm »

        Trong khi vận động tranh cử, ngoài cắt giảm ngân sách, tôi còn đề nghị tăng thêm các khoản thu mới, tất cả lấy từ các công ty và cá nhân giàu có. Bây giờ, để cắt giảm một nửa thâm hụt, chúng tôi cũng sẽ phải tăng thêm nguồn thu. Và gần như chắc chắn chúng tôi sẽ phải bỏ việc giảm thuế rộng rãi cho giới trung lưu, dù tôi vẫn quyết tâm giảm thuế cho các gia đình lao động có thu nhập dưới hoặc bằng 30.000 đôla/năm bằng cách tăng gấp đôi khoản nợ thuế thu nhập. Thu nhập của những người này trong 20 năm qua ngày càng giảm, và họ cần được trợ giúp; hơn nữa, chúng tôi phải làm cho các việc làm lương thấp trở nên hấp dẫn hơn là ngồi nhà nhận trợ cấp của chính phủ nếu chúng tôi muốn thành công trong việc khuyến khích người ta bỏ nhận trợ cấp và đi làm. Lloyd Bentsen xem xét danh sách các khoản thuế có thể tăng, và nói rằng bất cứ khoản nào củng khó mà được thông qua nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải thành công. Nếu kế hoạch của chúng tôi thất bại ở quốc hội, nó có thể gây nguy hiểm cho quyền tổng thống của tôi. Bentsen bảo chúng tôi nên trình ra một vài phương án lựa chọn cho quốc hội, để nếu tôi không được thông qua một hay hai lựa chọn nào đó thì tôi vẫn có thể tuyên bố thành công và tránh bị tổn thương về chính trị.

        Sau lần trình bày về thuế, Roger Altman và Larry Summers lập luận ủng hộ cho một kế hoạch kích thích ngắn hạn đi kèm với kế hoạch giảm thâm hụt. Họ đề nghị cắt giảm chi phí và thuế doanh nghiệp khoảng 20 tỷ đôla, mà trong trường hợp tốt nhất sẽ thúc đẩy nền kinh tế, và trong trường hợp xấu nhất - khả năng này theo họ khoảng 20% - thì cũng ngăn nó không trượt trở lại suy thoái. Sau đó Gene Sperling trình lên các lựa chọn đầu tư mới, cố thúc đẩy lựa chọn nhiều tiền nhất, khoảng 90 tỷ đôla và sẽ giúp tôi hoàn tất mọi cam kết khi tranh cử của mình ngay lập tức.

        Sau các lần đệ trình trên, tôi quyết định rằng những người ủng hộ cắt giảm thâm hụt có lý. Nếu chúng tôi không giảm đáng kể thâm hụt, mức lãi suất sẽ vẫn cao và ngăn không cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ và bền vững. Al Gore cũng rất đồng thuận việc này. Nhưng, khi bàn đến cần giảm thâm hụt bao nhiêu, tôi lại e ngại về khả năng trì trệ ngắn hạn mà Laura Tyson và Alan Blinder dự đoán trước - khả năng mà Roger Altman và Gene Sperling lo sợ - có thể xảy ra. Sau gần sáu giờ, chúng tôi đã bắt đầu nghiêng về hướng giảm thâm hụt. Rõ ràng là việc hoạch định chính sách kinh tế, ít ra là trong môi trường này, không phải là khoa học, và nếu nó là nghệ thuật thì nó phải làm sao vừa mắt người xem trong thị trường trái phiếu.

        Một tuần sau, chúng tôi họp lần thứ hai, trong đó tôi bỏ cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu; đồng ý xem xét tiết kiệm trong bảo hiểm xã hội, chương trình Medicare và Medicaid; và ủng hộ đề xuất của Al Gore đặt mức thuế năng lượng, gọi là thuế BTU, đánh trên mức nhiệt của năng lượng ở cấp độ bán sỉ. Al nói rằng tuy BTU sẽ gây tranh cãi ở các bang có sản xuất than, dầu và khí tự nhiên, nó sẽ đánh vào tất cả các khu vực của nền kinh tế, làm giảm gánh nặng trên vai người tiêu dùng thông thường, và sẽ khuyến khích tiết kiệm năng lượng, một việc chúng tôi rất cần.

        Trong nhiều giờ nữa, chúng tôi lại tranh luận xem chúng tôi phải giảm bao nhiêu trong số thâm hụt, xem xét bắt đầu từ năm năm trước cho tới thời điểm hiện tại. Gore rất cứng rắn, nói rằng nếu chúng tôi nhắm giảm càng nhiều thâm hụt càng tốt, chúng tôi sẽ được uy tín là dũng cảm và tạo ra một thực tại mới mà có thể làm được những việc trước đây cho là không thể, như buộc những ai nhận bảo hiểm xã hội mà có thu nhập trên một mức nhất định nào đó phải đóng thuế thu nhập. Rivlin đồng ý với Gore. Blinder nói như thế cũng có thể được nếu Fed và thị trường trái phiếu tin tưởng chúng tôi. Tyson và Altman thì nghi ngờ việc tránh được các hậu quả kinh tế ngắn hạn. Sperling và Reich, cả hai đều dự lần họp này, thì ủng hộ tăng đầu tư.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #228 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 03:06:30 am »

        Đó cũng là ý của Greenberg, Mandy Grunwald, và Paul Begala - những người không dự họp nhưng sợ rằng tôi đang hy sinh mọi thứ tôi từng tin tưởng dưới sức ép của những người không tham gia gì vào chiến dịch tranh cử và không quan tâm gì đến những người Mỹ bình thường đã bầu tôi làm tổng thống. Cuối tháng 11, Stan gửi tôi một bản ghi nhớ nói rằng tuần trăng mật của tôi với cử tri sẽ rất ngắn ngủi trừ phi tôi hành động nhanh chóng nhằm đáp ứng các vấn đề việc làm và thu nhập giảm. 60% số người nói tài chính của họ tồi tệ đi từ năm 1992, tức khoảng 1/3 số cử tri, đã bỏ phiếu cho tôi. Anh ấy cho rằng tôi có thể đánh mất sự ủng hộ của họ bằng kế hoạch này. George Stephanopoulos, người có dự họp, phải cố giải thích cho Stan và đồng minh của anh này rằng việc thâm hụt ngân sách đang giết chết nền kinh tế, và nếu chúng tôi không giải quyết thì sẽ chẳng còn hồi phục kinh tế nào cả và cũng không còn khoản thu từ thuế để chi vào giáo dục, cắt giảm thuế cho lớp trung lưu, hoặc bất cứ thứ gì khác. Bentsen và Panetta muốn quốc hội thông qua mức giảm thâm hụt càng nhiều càng tốt, không nhiều đến mức mà Gore và Rivlin muốn, nhưng vẫn khá nhiều. Rubin, với tư cách người chủ trì, vẫn giữ nguyên lập trường, nhưng tôi cảm thấy ông ấy đồng ý với Bentsen và Panetta. Sau khi nghe hết ý kiến mọi người, tôi cũng đồng ý như vậy.

        Một lần, tôi hỏi Bentsen chúng tôi phải giảm thâm hụt bao nhiêu thì mới được thị trường trái phiếu ủng hộ. Anh ấy bảo khoảng 140 tỷ đôla trong năm thứ năm, và tổng cộng năm năm là 500 tỷ đôla. Tôi quyết định sẽ giữ con số 500 tỷ này, nhưng ngay cả khi đã cắt giảm chi ngân sách và tăng thu, chúng tôi vẫn có thể không tài nào đạt được mục tiêu cắt giảm một nửa thâm hụt trước cuối nhiệm kỳ thứ nhất của tôi. Tất cả đều phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng.

        Vì chiến lược của chúng tôi có thể gây ra một giai đoạn trì trệ ngắn hạn, chúng tôi tìm cách thúc đẩy thêm tăng trưởng. Tôi gặp lãnh đạo của các hãng sản xuất xe hơi Big Three và Owen Bieber, chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân xe hơi. Ông này nói dù xe hơi Nhật chiếm gần 30% thị trường Mỹ, Nhật Bản vẫn là thị trường đóng đối với xe hơi và các nhà cung cấp phụ tùng xe hơi Mỹ. Tôi đề nghị Mickey Kantor tìm cách mở cửa thêm thị trường Nhật. Đại diện của các ngành công nghệ sinh học tăng trưởng nhanh nói với tôi rằng khoản tín dụng thuế dành cho nghiên cứu và phát triển của chúng tôi cần được mở rộng và làm sao cho có thể hoàn thuế được với các công ty non trẻ, thường chưa đủ tiền để xin tín dụng toàn phần theo quy định hiện nay. Họ còn muôn có sự bảo hộ mạnh mẽ hơn đối với các bằng sáng chế của họ trước cạnh tranh không công bằng, và các sửa đổi khác cũng như đẩy nhanh quá trình Cơ quan An toàn Thực và Dược phẩm thẩm định và cấp phép sản phẩm của họ. Tôi nói với bộ phận lo về kinh tế phân tích các đề nghị của họ và đề xuất. Cuối cùng, tôi ra lệnh tiến hành nghiên cứu một đề xuất kích thích trị giá 20 tỷ đôla nhằm tăng các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn.

        Tôi không ưa gì việc phải bỏ không giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, nhưng với mức thâm hụt càng tồi tệ hơn, tôi không còn chọn lựa nào khác. Nếu chiến lược của chúng tôi thành công, tầng lớp trung lưu sẽ được hưởng lợi trực tiếp hơn nhiều giảm thuế - dưới dạng tiền góp nhà thấp hơn và lãi suất thấp hơn trong các khoản góp tiền xe, mua bằng thẻ tín dụng và vay tiền học đại học. Chúng tôi cũng sẽ không thể tăng chi tiêu nhiều như tôi đề nghị hồi tranh cử, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Nhưng nếu việc giảm mức thâm hụt làm hạ lãi suất xuống và tăng tốc độ phát triển, nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên, và tôi vẫn có thể đạt được các mục tiêu đầu tư của tôi trong bốn năm. Đó là một chữ "nếu" khá lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #229 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2016, 03:09:48 am »

        Ngoài ra còn một chữ "nếu" lớn khác nữa. Chiến lược của tôi chỉ thành công nếu quốc hội phê chuẩn. Sau thất bại của Bush, phe Cộng hòa còn chống tăng thuế hơn lúc nào hết, và hầu như không có hoặc có rất ít trong số họ sẽ bỏ phiếu thuận cho bất cứ kế hoạch nào tôi đưa ra mà có thuế mới trong đó. Nhiều người phe Dân chủ đến từ các khu vực bảo thủ cũng sẽ mệt mỏi với việc bỏ phiếu cho thuế, và phe Dân chủ cấp tiến có ngôi vị yên ổn cũng có thể không ủng hộ nếu cắt giảm ngân sách quá nhiều trong các chương trình mà họ tin tưởng vào.

        Sau một cuộc vận động mà các vấn đề kinh tế của nước Mỹ là chủ đề chính, vào thời điểm trên toàn thế giới tốc độ tăng trưởng chỉ nhích lên từng chút, tôi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình với một chiến lược kinh tế vô tiền khoáng hậu. Nó có thể đem lại những lợi ích khổng lồ nếu tôi có thể thuyết phục quốc hội thông qua ngân sách, và nếu nó được sự đáp ứng đầy kỳ vọng của Quỹ Dự trữ Liên bang và thị trường trái phiếu. Các lập luận ủng hộ nó khá thuyết phục, nhưng quyết định đối nội quan trọng nhất trong kỳ tổng thống của tôi vẫn là một canh bạc lớn.

        Trong khi phần lớn thời gian bàn giao bận bịu với việc bổ nhiệm nội các và các vị trí khác, cũng như đưa ra chiến lược kinh tế, một số việc khác cũng xảy ra vào lúc này. Ngày 5 tháng 1, tôi tổ chức họp và tuyên bố tôi sẽ tạm thời tiếp tục chính sách của Tổng thống Bush là ngăn chặn và cho hồi hương người Haiti tìm cách đến Mỹ bằng thuyền, một chính sách tôi từng chỉ trích mạnh mẽ hồi tranh cử. Sau khi trung tướng Raoul Cedras và đồng minh lật đổ tổng thống được bầu của Haiti là Jean-Bertrand Aristide năm 1991, những người Haiti ủng hộ Aristide bắt đầu bỏ đảo quốc này ra đi. Khi chính quyền Bush, có vẻ ủng hộ Cedras hơn tôi, bắt đầu trả dân tị nạn lại, cộng đồng nhân quyền bắt đầu phản đối ồn ào. Tôi muốn làm sao cho người Haiti dễ tìm kiếm tị nạn chính trị ở Mỹ hơn, nhưng lo rằng số lượng lớn người tị nạn sẽ chết trong khi cố đến Mỹ bằng những chiếc thuyền rách nát tạm bợ trên biển lớn, chỉ một tuần trước khoảng 400 người đã vượt biển như vậy. Vì vậy, theo lời khuyên của bộ phận an ninh của chúng tôi, tôi nói rằng thay vì nhận hết những người Haiti nào sống sót sau chuyến vượt biển sang Mỹ, chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện chính thức của Mỹ ở Haiti và tăng tốc xem xét các yêu cầu tị nạn ở đấy. Trong lúc đó, vì các lý do an toàn, chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn chặn tàu thuyền và trả hành khách về Haiti. Trớ trêu thay, trong khi các nhóm nhân quyền chỉ trích tuyên bố này thì báo giới lại coi đây là sự trung thành với lời hứa khi tranh cử, và Tổng thống Aristide ủng hộ quan điểm của tôi. Ông ấy biết chúng tôi sẽ đem thêm nhiều người Haiti tới Mỹ hơn chính quyền Bush, và ông ấy không muốn đồng bào mình chết chìm.

        Ngày 8 tháng 1, tôi bay xuống Austin, Texas, nơi tôi từng sống và làm việc cho McGovern hơn 20 năm trước. Sau một bữa ăn trưa đoàn tụ với bạn cũ từ hồi đó ở quán Beer Garden của Scholtz, tôi có cuộc họp đầu tiên với một lãnh đạo nước ngoài: Tổng thống Mexico Carlos Salinas de Gortari. Salinas rất gắn bó với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông từng thương thuyết với Tổng thống Bush. Chúng tôi được chiêu đãi bởi người bạn lâu năm, Thống đốc Ann Richards, cũng là một ủng hộ viên đắc lực cho NAFTA. Tôi muốn gặp sớm với Salinas để làm rõ rằng tôi quan tâm đến sự thịnh vượng và ổn định của Mexico, để đưa ra ý kiến của mình về tầm quan trọng của các thỏa thuận phụ về môi trường và lao động nhằm tăng cường cho hiệp định, và để có sự phối hợp nhiều hơn trong việc chống vận chuyển ma túy.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Hai, 2016, 04:48:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM