Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:51:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193095 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2015, 01:26:52 am »

        Những người bạn cùng nhà tại số 889 East Broadway còn lại là Don Pogue và Bill Coleman. Don thì cánh tả hơn bọn chúng tôi, nhưng anh ấy trông có vẻ dân lao động hơn. Tướng anh ấy chắc như một tảng bê tông và khỏe như trâu. Anh ấy đi môtô đến trường luật, nơi anh ấy sẵn sàng tiếp chuyện bất kỳ ai trong những buổi tranh luận chính trị bất tận. May cho chúng tôi, anh ấy nấu ăn cũng ngon và thường cư xử tử tế, nhờ công cô bạn gái người Anh là Susan Bucknell cũng quyết liệt như anh ấy nhưng biết điều hơn. Bill là một trong số sinh viên da đen ngày càng nhiều học ở Yale. Cha anh ấy là một luật sư Cộng hòa cấp tiến - hồi đấy vẫn có những người như vậy - từng làm việc cho Thẩm phán Felix Frankfurter ở Tòa án tối cao và từng làm bộ trưởng giao thông dưới thời Tổng thống Ford. Bề ngoài mà nói, Bill là người thâm trầm nhất trong nhóm chúng tôi.

        Ngoài các bạn cùng phòng, tôi chỉ biết thêm ít bạn sinh viên khác khi tôi về học ở Yale sau chiến dịch tranh cử của Duffey, trong đó có bạn từ hồi đại hội Boys Nation quê ở Louisiana là Fred Kammer, và Bob Reich. Vì anh ấy là bí thư trong khóa học bổng Rhodes của chúng tôi nên anh giữ liên lạc với mọi người và thường xuyên cung cấp thông tin cũng như những tin thất thiệt đầy hài hước về đường đời của chúng tôi.

        Bob sống trong một căn nhà gần cơ sở trường cùng với ba sinh viên khác, một trong số này - Nancy Bekavac - trở thành một người bạn đặc biệt của tôi. Cô ấy là một người cấp tiến nhiệt thành, và những cảm xúc phản chiến của cô ấy được khẳng định vào mùa hè trước khi cô sang làm phóng viên ở Việt Nam. Cô làm thơ hay, viết những lá thư đầy cảm xúc và chép bài rất đầy đủ, và cô cho tôi sử dụng chúng khi tôi nhập học trễ mất hai tháng.

        Qua Bill Coleman, tôi được gặp một số sinh viên da đen. Tôi muốn biết họ đến học ở Yale như thế nào, và họ dự định làm gì với một cơ hội mà hồi đó được coi là khác thường đối với người Mỹ gốc Phi. Ngoài Bill, tôi kết bạn với Eric Clay quê ở Detroit, người sau này tôi bổ nhiệm vào Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ; Nancy Gist, bạn cùng lớp ở Wellesley với Hillary và làm việc trong Bộ Tư pháp khi tôi làm tổng thống; Rufus Cormier, một người đàn ông to lớn, trầm lặng và là ngôi sao trong đội bóng Đại học Giám lý miền Nam; và Lani Guinier, người tôi cố bổ nhiệm làm trự lý Bộ trưởng tư pháp phụ trách dân quyền, một câu chuyện buồn tôi sẽ kể chi tiết sau. Thẩm phán Tòa án tối cao Clarence Thomas cũng học cùng lớp tôi, nhưng tôi không thân quen với ông ấy.

        Gần cuối học kỳ, chúng tôi nghe tin Frank Aller quyết định trở lại nước Mỹ. Cậu ấy chuyển về lại khu vực Boston và về nhà ở Spokane để đối diện với quân dịch. Cậu ấy bị bắt giữ, bị truy tố và được tạm tha để chờ xét xử. Frank đã quyết định dù việc chống quân dịch của cậu ấy tạo ra tác động như thế nào đi nữa thì cậu ấy cũng không muốn sống nốt phần đời còn lại bên ngoài nước Mỹ để rồi bước vào tuổi trung niên già cỗi, lạnh lùng trong một trường đại học nào đó ở Canada hay Anh và cuộc đời mãi mãi bị cuộc chiến Việt Nam định đoạt. Một đêm tháng 12, Bob Reich nói rằng Frank về để chịu tù đày thật là ngớ ngẩn khi có biết bao điều cậu ấy có thể làm bên ngoài nước Mỹ. Nhật ký của tôi ghi lại câu trả lời của mình: "Một con người không chỉ là tổng hòa của những gì anh ta có thể làm gộp lại". Quyết định của Frank đã khẳng định anh ấy là ai chứ không phải chuyện anh ấy có thể làm được gì. Tôi nghĩ đó là quyết định đúng. Không lâu sau khi anh ấy quay về, Frank đi khám tâm lý, viên bác sĩ cho rằng anh bị trầm cảm và không phù hợp đi quân dịch. Anh ấy đi khám sức khỏe quân dịch, và cũng như Strobe, được xếp loại 1-Y, tức là chỉ bị động viên trong trường hợp khẩn cấp toàn quốc.

        Vào giáng sinh, tôi về nhà ở Hot Springs, rất xa vịnh Helsinki - nơi giáng sinh trước tôi đi bộ trên băng. Lần này tôi đi trong sân trường tiểu học cũ của mình, điểm lại những điều may mắn và thay đổi trong cuộc đời mình. Nhiều bạn thân của tôi bắt đầu lấy vợ lấy chồng. Tôi chúc họ tốt lành và tự hỏi không biết có bao giờ tôi lập gia đình hay không.

        Tôi cũng nghĩ nhiều về quá khứ và cội nguồn của mình. Vào ngày năm mới, tôi đọc xong cuốn The Burden of Southern History - Gánh nặng của Lịch sử miền Nam của c. Vann Woodward, trong đó ông ghi lại "sự ý thức lịch sử riêng biệt" của người miền Nam, cái mà Eudora Welty gọi là "ý thức về nơi chốn". Arkansas là nơi chốn của tôi. Không giống như Thomas Wolfe, tôi rất hâm mộ văn chương của ông, tôi biết tôi có thể về nhà một lần nữa. Thực ra, tôi phải về nhà. Nhưng trước tiên, tôi phải học xong trường luật đã.

        Tôi hoàn thành học kỳ hai của mình ở trường Yale như một sinh viên ngoan ngoãn với chương trình học nặng nề nhất trong thời gian tôi ở đây. Giáo sư Luật kinh doanh của tôi là John Baker, thành viên da đen đầu tiên trong ban giáo sư của trường luật Yale. Ong rât tôt với tôi, giao cho tôi một số việc nghiên cứu để giúp tôi kiếm thêm, và mời tôi đến nhà ăn tối. Thầy John và vợ ông từng học Đại học Fisk, trường cho người da đen ở Nashville, Tennessee đâu thập niên 60, khi phong trào dân quyền nở rộ nhất. Thầy kể tôi nghe nhiều chuyện kỳ thú về nỗi lo sợ họ phải chung sống với niêm vui sướng thầy và các bạn cùng lớp của thầy có được khi làm việc cho phong trào.
Tôi học môn Luật hiến pháp với thầy Charles Reich. Bob Bork bảo thủ chừng nào thì Charles lại cấp tiến chừng ấy. Thầy là tác giả của một trong những cuốn sách "phản văn hóa" về thời thập niên 60, cuốn The Greening of American - Nước Mỹ hóa xanh. Giáo sư Luật hình sự của tôi, Steve Duke, là một người khắc nghiệt và tinh quái nhưng là một thầy giáo giỏi, sau này tôi có làm luận văn với thầy về tội phạm cổ cồn trắng. Tôi thực sự thích thú môn Quyền chính trị và dân sự của thầy Tom Emerson, một người bé nhỏ bảnh bao từng làm việc dưới thời Franklin Roosevelt và sách của thầy được dùng làm sách giáo khoa cho bọn tôi. Tôi cũng học môn Luật quốc gia và Triết học của Giáo sư William Leon McBride, làm một số công việc dịch vụ pháp lý và kiếm được một công việc bán thời gian. Trong vài tháng, tôi lái xe đến Hartford bốn lần một tuần để phụ Dick Suisman, một doanh nhân phe Dân chủ tôi gặp trong cuộc vận động cho Duffey, trong công việc của ông ấy với tư cách ủy viên thành phố. Dick biết tôi cần việc làm, và tôi nghĩ chắc mình cũng giúp được ông phần nào.   

        Cuối tháng 2, tôi bay đến California vài ngày chơi với Frank Aller, Strobe Talbott, và bạn gái của Strobe là Brooke Shearer. Chúng tôi gặp nhau ở Los Angeles tại nhà của ba mẹ Brooke, ông bà Marva và Lloyd Shearer - những người cực kỳ niềm nở và rộng rãi. Trong nhiều năm, hai ông bà viết cho mục tin bên lề về người nổi tiếng được đọc nhiều nhất ở Mỹ, mục "Nhân vật của Walter Scott". Sau đó vào tháng 3 tôi lên Boston, nơi Frank sống và đang tìm việc làm nhà báo, để- gặp lại anh ấy và Strobe. Chúng tôi đi dạo trong rừng sau nhà Frank và dọc bờ biển New Hampshire gần bên. Frank có vẻ mừng vì đã về nhà, nhưng vẫn buồn. Dù anh ấy đã thoát quân dịch và tù tội, có vẻ như anh vẫn bị trầm cảm, giống như tình trạng mà Turgenev gọi là "chỉ người rất trẻ mới biết và chẳng có lý do gì rõ rệt". Tôi nghĩ anh ấy rồi sẽ vượt qua được.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Chín, 2015, 01:56:43 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2015, 07:17:49 am »

        Mùa xuân, như mọi khi, làm tinh thần tôi phấn chấn lên. Tin tức chính trị thì tốt xấu lẫn lộn. Tòa án tối cao đồng lòng giữ lại quy định dùng xe buýt chở học sinh đi học đến các trường nhằm duy trì sự cân bằng về chủng tộc trong thành phần học sinh. Người Trung Quốc đã đáp lại việc đội bóng bàn Mỹ qua Trung Quốc thi đấu bằng cách chấp nhận lời mời của Mỹ gửi đội bóng bàn của họ đến Mỹ. Và các cuộc phản đôi chiến tranh vẫn tiếp diễn. Thượng nghị sĩ McGovern đến New Haven ngày 16 tháng 5, chỉ với ý định tranh cử tổng thống năm 1972. Tôi thích ông và nghĩ rằng ông có cơ hội thắng cử, nhờ vào thành tích anh hùng khi làm phi công ném bom trong Thế chiến hai, tài lãnh đạo chương trình Lương thực cho Hòa bình dưới thời Kennedy, và nhờ vào những quy định mới trong việc lưa chọn đại biểu cho kỳ đại hội dân chủ tới. McGovern đứng đầu một ủy ban soạn thảo ra những quy định đó, với mục đích đảm bảo một đại hội đa dạng hơn về chủng tộc, giới tính và lứa tuổi. Những quy định mới này, cộng thêm sức nặng của những người cấp tiến phản chiến trong các kỳ sơ bộ, hầu như chắc chắn đảm bảo rằng những ông chủ chính trị cũ sẽ có ít ảnh hưởng hơn và những người hoạt động trong đảng có nhiều ảnh hưởng hơn trong quá trình đề cử năm 1972. Rick Stearns cũng làm việc cho ủy ban này, và tôi chắc chắn anh ấy đủ cứng rắn và khôn ngoan để đưa ra một hệ thống có lợi cho McGovern.

        Trong khi tình hình chính trị và học hành ở trường luật đều suôn sẻ, đời sống riêng của tôi thì lại lộn xộn. Tôi chia tay với một cô gái trẻ, cô ta về quê cưới người yêu cũ. Tiếp đó tôi lại phải đau đớn chia tay với một sinh viên luật tôi rất thích nhưng chưa thể gắn bó. Tôi vừa mới sắp thoải mái khi còn một thân một mình và quyết sẽ không cặp kè với ai một thời gian. Thế rồi một hôm, khi tôi đang ngồi ở dãy sau trong lớp của giáo sư Emerson môn Quyền chính trị và dân sự thì tôi phát hiện ra một phụ nữ tôi chưa hề thấy trước đó. Rõ là cô ấy đi học còn ít hơn tôi. Tóc cô ấy dày, vàng sẫm, đeo kính mắt và không trang điểm, nhưng cô ấy toát ra một sức mạnh và sự tự chủ mà tôi hiếm khi thấy ai có, dù là nam hay nữ. Hết giờ học tôi theo cô ấy ra ngoài, định tự giới thiệu. Khi tôi còn cách cô ấy vài bước, tôi đưa tay ra để chạm vào vai cô ấy, nhưng lập tức đột ngột rụt tay lại. Đó là một phản ứng gần như vật lý. Một cách nào đó, tôi biêt rằng đây không phải chỉ là cú vỗ vai bình thường, rằng tôi có thê bắt đầu cho một điều mà tôi sẽ không thể dừng lại được.

        Tôi thấy cô gái ấy vài lần trong vài ngày kế tiếp, nhưng không tiếp cận cô ấy. Rồi một tối nọ tôi đứng ở thư viện trường Luật Yale dài và hẹp, nói chuyên với một sinh viên khác, Jeff Gleckel, về khả năng đi làm cho tờ Yale Law Journal. Jeff khuyên tôi nên làm, bảo rằng như thế sẽ đảm bảo cho tôi cơ hội làm văn phòng cho một thẩm phán liên bang hoặc kiếm được việc làm với một công ty luật danh giá nào đó. Anh ấy có lý, nhưng tôi không quan tâm; tôi định về quê nhà ở Arkansas, và lúc ấy tôi thích chính trị hơn là làm cho tờ báo luật kia. Được một lúc tôi bỗng nhiên ngừng chú ý đến hảo ý của anh ấy vì tôi nhìn thấy cô gái ấy, đang đứng ở đầu kia của căn phòng- Cô ấy cũng đang tôi nhìn chằm chằm. Một lúc sau thì cô ấy gấp sách lại, đi dọc thư viện, nhìn vào mắt tôi và nói: "Nếu anh cứ tiếp tục nhìn tôi và tôi tiếp tục nhìn anh, ít ra chúng ta cũng nên biết tên nhau. Tên tôi là Hillary Rodham. Tên anh là gì?". Tất nhiên Hillary nhớ tất cả việc này, nhưng chi tiết lời nói có hơi khác một chút. Tôi bị ấn tượng và choáng váng đến mức không thốt nên lời trong vài giây. Cuối cùng tôi cũng xưng tên. Chúng tôi trao đổi vài lời, và cô ấy đi khỏi. Tôi chẳng rõ cậu Jeff Gleckel tội nghiệp nghĩ chuỵện gì đang diễn ra, nhưng cậu ấy không bao giờ nói chuyện với tôi về việc đi làm cho tờ báo nữa.

        Vài ngày sau, tôi đang đi cầu thang xuống tầng trệt của trường thì gặp lại Hillary. Cô ấy mặc một chiếc váy hoa màu sáng dài gần chấm đất. Tôi quyết phải dành thời gian cùng với cô ấy. Cô ấy bảo đang đi đăng ký môn học cho học kỳ tới, nên tôi bảo tôi cũng đi. Chúng tôi xếp hàng và nói chuyên. Tôi nghĩ chắc mình làm ăn cũng không đến nỗi nào cho tới khi đến lượt chúng tôi. Người đăng ký ngó lên tôi và nói, "Này Bill, cậu quay lại đây làm gì? Sáng nay cậu đăng ký rồi mà". Mặt tôi đỏ lựng, còn Hillary thì cười lớn theo kiểu đặc trưng của cô ấy. Thế là tôi bị lộ tẩy, nên tôi mời cô ấy đi bộ với tôi đến Phòng Trưng bày Nghệ thuật Yale để xem triển lãm của Mark Rothko. Tôi hăm hở và run đến mức quên mất rằng nhân viên của trường đang đình công và bảo tàng đang đóng cửa, May thay vẫn còn một ông bảo vệ trực. Tôi trình bày tình cảnh và đề nghị được dọn cành khô và các thứ rác rưởi khác trong vườn của bảo tàng nếu ông ấy cho tôi vào.

        Ông bảo vệ nhìn chúng tôi, hiểu ra ngay và cho chúng tôi vào. Thế là chỉ có mình chúng tôi với cả triển lãm. Thật tuyệt vời, và từ đó trở đi tôi mê Rothko. Khi xem xong, chúng tôi ra vườn và tôi dọn dẹp. Có lẽ đó là lần đầu tiên và duy nhât tôi làm người từ chối đình công trong đời, nhưng công đoàn không có người đứng cản công nhân viên đi làm ở bên ngoài bảo tàng. Hơn nữa, lúc ấy tâm trí tôi chẳng để ý gì đến chính trị nữa. Sau khi dọn dẹp xong, tôi và Hillary còn nán lại trong vườn thêm khoảng một tiếng. Trong vườn có một bức tượng lớn hình một phụ nữ ngồi do Henry Moore tạc. Hillary ngồi trong lòng của bà ấy, còn tôi ngồi cạnh cô ấy và nói chuyện. Chẳng bao lâu sau, tôi nghiêng qua và dựa đầu vào vai cô ấy. Đó là lần hẹn hò đầu tiên của chúng tôi.
Chúng tôi ở bên nhau nhiều ngày tiếp theo, chỉ đi chơi lòng vòng, nói đủ thứ chuyên trên đời. Cuối tuần tiếp đó Hillary lên Vermont trong một chuyến đi đã được lên kế hoạch từ lâu để thăm người mà cô ấy hẹn hò cho tới lúc đó. Tôi lo lắng lắm. Tôi không muốn mất cô ấy. Khi cô ấy quay về vào khuya chủ nhật, tôi gọi cho cô ấy. Cô ấy bệnh rũ rượi, nên tôi mang cho cô ấy ít súp gà và nước cam. Từ đó trở đi chúng tôi không thể rời nhau được nữa. Cô ấy đến chơi nhiều ở nhà chúng tôi trên bờ biển và nhanh chóng chiếm được cảm tình của Doug, Don và Bill.

        Với mẹ tôi thì cô ấy không được như thế khi bà đến thăm vài tuần sau đó, một phần vì cô ấy cố gắng tự cắt tóc ngay trước khi mẹ tới. Trông cô ấy giống một tay chơi punk rock hơn là một người vừa bước ra từ thẩm mỹ viện của Jeff Dwire. Không trang điểm, mặc áo sơmi công nhân và quần jean, chân không giày lại còn dính nhựa đường vì đi bộ trên bờ biển ở Milford, trông cô ấy như người ngoài hành tinh vậy. Mẹ tôi cũng xốn xang về việc tôi tỏ ra nghiêm túc với Hillary. Trong cuốn sách của mình, mẹ gọi Hillary là "một trải nghiệm trưởng thành". Cô ấy là một cô gái "không trang điểm, đeo kính đít chai, tóc nâu không ra kiểu cọ gì cả", đối lại với một phụ nữ tô son màu hồng chói, kẻ mắt, và tóc có một lọn bạc. Tôi thật phấn khích khi nhìn hai người tìm hiểu nhau. Dần dà họ cũng hiểu ra, mẹ băt đầu bớt chú ý đến bề ngoài của Hillary còn Hillary cũng chăm chút bề ngoài hơn. Dưới những phong cách khác nhau ấy, họ đều là những phụ nữ thông minh, mạnh mẽ và đầy đam mê. Khi họ liên kết lại với nhau, tôi chỉ có chào thua.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2015, 07:23:12 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2015, 03:51:11 am »

        Đến giữa tháng 5, tôi muốn lúc nào cũng ở bên Hillary. Kết quả ta tôi gặp nhiều bạn bè cô ấy, trong đó có Susan Graber, bạn học trường Wellesley mà sau này tôi bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang ở Oregon; Carolyn Ellis, một phụ nữ gốc Libăng sáng láng, hài hước quê ở Mississippi, chất miền Nam còn nhiều hơn tôi, và hiện nay đang làm hiệu trưởng Đại học Mississippi; và Neil Steinman, người sáng láng nhất tôi từng gặp ở Yale, sau này gây những đồng tiền quỹ đầu tiên cho tôi ở Pennsylvania vào năm 1992.

        Tôi được biết thêm về thời thơ ấu của Hillary ở Park Ridge, Illinois; bốn năm cô ấy học ở Wellesley nơi cô ấy chuyển thái độ chính trị từ Cộng hòa sang Dân chủ vì vấn đề dân quyền và cuộc chiến tranh; chuyến đi sau khi tốt nghiệp của cô ấy tới Alaska và kiếm sống bằng nghề ướp cá; và những quan tâm của cô ấy về dịch vụ pháp lý cho người nghèo và về các vấn đề của trẻ em. Tôi còn biết thêm về bài phát biểu nổi tiếng của cô ấy ở trường Wellesley, trong đó cô hùng biện về mâu thuẫn của thế hệ chúng tôi, vừa cảm thấy xa lạ với hệ thống chính trị nhưng vẫn mong muốn làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn. Bài phát biểu đó được toàn quốc chú ý nhiều và là lần đầu tiên cô ấy chạm đến sự nổi tiếng ngoài môi trường trực tiếp của mình. Điều tôi thích trong thái độ chính trị của cô ây là, cũng giống như tôi, cô ấy vừa lý tưởng lại vừa thực tế. Cô ấy muốn thay đổi sự việc, và biết rằng muốn làm được như vậy đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục. Giống như tôi, cô ấy chán ngấy chuyện cứ bị thua cuộc và cứ coi thất bại là bằng chứng của sự cao đạo. Hillary là một nhân vật tuyệt vời ở trường luật, một con cá lớn trong cái ao nhỏ nhưng đầy tính cạnh tranh của chúng tôi. Tôi thì là một nhân vật trôi nổi hơn, chạy ra chạy vào.

        Nhiều sinh viên mà chúng tôi quen nói đến Hillary như thể họ hơi e sợ cô ấy. Tôi thì không. Tôi chỉ muốn được ở bên cô ấy. Nhưng chúng tôi không còn nhiều thời gian. Hillary đã chấp nhận một việc làm trong mùa hè ở Công ty luật Treuhaft, Walker và Burnstein có trụ sở tại Oakland, California, còn tôi được mời làm điều phối viên các bang miền nam cho Thượng nghị sĩ McGovern. Cho đến trước khi gặp Hillary, tôi rất mong được làm việc này. Tôi dự kiến sẽ đóng tại Miami, và công việc đòi hỏi phải đi lại khắp miền Nam để lo liệu chiến dịch tranh cử. Tôi biết tôi sẽ làm tốt việc ấy, và dù tôi không cho là McGovern sẽ thành công gì nhiều trong kỳ tổng tuyển cử ở miền Nam, tôi tin rằng ông ấy có thể kiếm được một số kha khá các đại biểu đi dự đại hội trong mùa bầu cử sơ bộ. Dù gì đi nữa tôi cũng sẽ có thêm rất nhiều kinh nghiêm chính trị. Đó là một cơ hội hiếm hoi đối với một người 20 tuổi, cơ hội mà tôi có được nhờ là bạn của Rick Steams, người có vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động, và nhờ vào thuyết hành động khẳng định: đằng nào họ cũng phải có ít nhất một người miền Nam ở vị trí có trách nhiệm chứ!

        Vấn đề là ở chỗ tôi không muốn nhận việc ấy nữa. Tôi biết nếu đi Florida thì tôi và Hillary có thể sẽ mất nhau. Dù tôi thấy viễn cảnh vận động tranh cử là lý thú, tôi sợ rằng, như từng viết trong nhật ký, đó sẽ chỉ là một cách "chính thức hóa tình trạng cô độc của mình", cho phép tôi cư xử với mọi người vì sự nghiệp chính đáng nhưng ở một khoảng cách. Với Hillary thì không có khoảng cách nào cả. Cô ấy ở sát bên tôi ngay từ đầu, và, trước khi tôi kịp nhận ra, cô ấy đã ngự trị trong trái tim tôi.

        Tôi lấy hết dũng khí và hỏi Hillary xem tôi có thể ở cùng với cô ấy trong mùa hè ở California được không. Lúc đầu cô ấy còn hoài nghi, vì cô ấy biết tôi ham mê chính trị và có thái độ mạnh mẽ như thế nào về chiến tranh. Tôi bảo cô ấy tôi còn cả đời để làm việc và tham vọng, nhưng tôi yêu cô ấy và muôn thử xem chuyện giữa chúng tôi có đi đến đâu không. Cô ấy hít một hơi dài và đồng ý cho tôi đưa cô ấy đến California. Lúc ấy chúng tôi mới quen nhau được chừng một tháng.

        Chúng tôi dừng chân ở Park Ridge để gặp gia đình cô ấy. Bà Dorothy mẹ cô ấy là một phụ nữ đáng yêu, cuốn hút, và tôi hòa đồng ngay với bà ấy, nhưng tôi cảm thấy xa lạ với cha Hillary y như cô ấy xa lạ với mẹ tôi vậy. Hugh Rodham là một người theo phe Cộng hòa, ăn nói cứng rắn và cộc cằn, và nói một cách nhẹ nhàng nhất thì ông nghi ngờ tôi. Nhưng càng nói chuyện với nhau nhiều tôi lại càng thích ông hơn. Tôi quyết định sẽ tiếp tục cố gắng chờ đến đúng thời điểm. Sau đó chúng tôi lái xe đến Berkeley, California, gần nơi cô ấy làm việc ở Oakland. Cô ấy sẽ sống trong một căn nhà nhỏ mà chị kế của mẹ cô ấy, bà Adeline, làm chủ. Một vài ngày sau tôi lái xe xuyên đất nước về Washington để báo với Rick Stearns và quản lý chiến dịch của Thượng nghị sĩ McGovern là Gary Hart rằng tôi không thể đi Florida được. Gary tưởng tôi đã mất trí khi bỏ lỡ một cơ hội như vậy. Chắc Rick cũng nghĩ thế. Đối với họ, có vẻ như tôi là một thằng ngốc, nhưng cuộc đời ta được định hình bởi những cơ hội bạn bỏ qua cũng như những cơ hội bạn nắm bắt được.

        Thực sự tôi cũng buồn vì phải rời cuộc vận động tranh cử, và tôi xin được đi Connecticut vài tuần để làm công tác tổ chức tại đó. Khi đăng ký nhân sự cho tất cả các quận nghị viện, tôi quay về California, lần này theo đường phía nam để có thể ghé thăm nhà.

        Tôi tận hưởng chuyên lái xe sang phía tây này, trong đó có ghé thăm Grand Canyon (Hẻm núi lớn). Tôi đến nơi lúc chiều muộn và bò ra một tảng đá nhô ra bên rìa của hẻm núi để ngắm mặt trời lặn. Cảnh tượng các tảng đá bị ép chặt vào theo những hình thù kỳ lạ qua hàng triệu năm đổi màu khi hẻm núi tối dần từ dưới đáy lên thật kỳ diệu.

        Rời hẻm núi, tôi lái xe qua Thung lũng Tử thần, điểm nóng nhất nước Mỹ, rồi quẹo lên hướng bắc để đến với Hillary. Khi tôi bước vào nhà của cô ấy ở Berkeley, cô. ấy chào đón tôi với bánh đào - thứ tôi khoái nhất - mà cô tự nướng. Bánh ngon, nên chẳng bao lâu đã hết sạch. Ban ngày, cô ấy đi làm còn tôi đi lòng vòng khắp thành phố, đọc sách trong công viên và các quán cà phê, khám phá San Francisco. Buổi tối chúng tôi đi xem phim hoặc ăn nhà hàng, hoặc chỉ ở nhà nói chuyện. Ngày 24 tháng 6, chúng tôi lái xe xuống Stanford để nghe Joan Baez hát ở khán phòng di động ngoài trời. Để tất cả các fan của mình có thể đến được, Joan Baez chỉ tính tiền vé 2 đô 50, ngược hẳn với giá vé của các cuộc biểu diễn lớn thời nay. Baez hát những bài nổi tiếng cũ của mình, và một trong những lần đầu tiên trước công chúng, Baez hát bài "The Night They Drove Old Dixie Down" (Cái đêm họ hạ bệ miền Nam cũ).

        Hết mùa hè, Hillary và tôi vẫn chưa hết chuyện để nói với nhau, nên chúng tôi quyết định về New Haven sống chung với nhau, một quyết định làm cả hai bên gia đình lo ngại. Chúng tôi tìm được một căn hộ ở tầng trệt của một căn nhà cũ tại sô 21 đại lộ Edgewood, gần trường Luật.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Chín, 2015, 04:03:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2015, 03:55:31 am »

        Cửa chính của căn hộ này mở vào một phòng khách bé xíu, đằng sau là một khu vực ăn nhỏ hơn và một phòng ngủ còn nhỏ hơn nữa. Sau phòng ngủ là một phòng bếp cũ và một phòng tắm nhỏ tới độ thỉnh thoảng nắp bàn cầu lại quẹt vào bồn tắm. Căn nhà cũ đến mức sàn nhà lún theo chiều từ chân tường vào giữa phòng đến mức tôi phải lấy mấy mẩu gỗ chặn bên trong chân bàn ăn nhỏ của chúng tôi. Nhưng giá cả thì phù hợp với những sinh viên luật túng thiếu: 75 đôla một tháng. Chỗ hay nhất của căn hộ ấy là cái lò sưởi trong phòng khách. Tôi vẫn còn nhớ mình ngồi trước đống lửa vào một ngày đông lạnh giá và cùng Hillary đọc tiểu sử Napoleon do Vincent Cronin viết.

        Chúng tôi hạnh phúc bên nhau và nghèo đến mức chỉ còn biết tự hào về căn nhà mới của mình. Chúng tôi thích mời bạn bè đến ăn. Trong số khách ưa thích có Rufus và Yvonne Cormier. Họ là con của những mục sư gốc Phi ở Beaumont, Texas, lớn lên ở cùng một khu vực và ở bên nhau nhiều năm trước khi cưới. Rufus học luật, còn Yvonne học tiến sĩ ngành hóa sinh. Sau này cô ấy thành tiến sĩ còn anh ấy trở thành luật sư hợp danh (có góp vốn và làm chủ sở hữu một phần công ty - ND) da đen đầu tiên của công ty luật lớn ở Houston là Baker and Botts. Một lần trong bữa ăn tối, Rufus - một trong những sinh viên giỏi nhất lớp chúng tôi - than vãn về việc phải học hành quá nhiều. "Mấy người biết không", anh ấy nói với giọng trầm trầm, "cuộc sống này bị tổ chức một cách ngược đời. Ta dành những năm tháng tốt đẹp nhất để học và đi làm. Khi ta nghỉ hưu năm 65 tuổi thì đã quá già và không còn hưởng thụ gì được cuộc sống nữa. Người ta nên nghỉ hưu từ năm 21 đến 35 tuổi, sau đó làm việc cật lực cho đến khi chết". Tất nhiên, như thế không được. Chúng ta vẫn cứ đến 65 tuổi mới về hưu.

        Tôi tập trung thực sự vào học kỳ thứ ba ở trường, với các môn Tài chính doanh nghiệp, Tố tụng hình sự, Thuế, Bất động sản, và một khóa hội thảo về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Khóa này là của thầy Burke Marshall, một nhân vật trở thành huyền thoại nhờ đâu tranh cho dân quyền với tư cách trợ lý Bộ trưởng tư pháp dưới thời Kennedy, và thầy Jan Deutsch, nổi tiếng là người duy nhất cho đến thời điểm ấy tốt nghiệp hạng danh dự trong tất cả các môn ở trường Yale. Thầy Marshall nhỏ người và rắn chắc nhưng mắt sáng và linh hoạt. Ông ấy lúc nào cũng nói thì thào, nhưng giọng thầy có thép, và con người thầy cũng vậy. Thầy Deutsch thì có kiểu nói lập bập từng chuỗi từng chuỗi rất bất thường, chưa nói xong câu này đã lại sang câu khác. Có lẽ đây là hậu quả chấn thương đầu mà thầy bị trong vụ tai nạn bị xe hơi tông văng lên không một quãng và rơi xuống nền bê tông. Thầy bất tỉnh mất vài tuần và tỉnh dậy thì đầu phải bó nẹp kim loại. Nhưng thầy rất thông minh. Tôi quen với kiểu nói của thầy và "dịch" lại cho các bạn khác không bắt kịp. Jan Deutsch cũng là người duy nhất tôi từng gặp ăn táo cả quả, kể cả hạt. Thầy bảo tất cả các khoáng chất bổ đều nằm trong đó. Thầy chắc là giỏi hơn tôi, nên tôi theo thầy và ăn thử. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ăn táo cả hạt, và nhớ lại những kỷ niệm đẹp về giáo sư Deutsch.

        Thầy Marvin Chirelstein dạy tôi hai môn Tài chính doanh nghiệp và Thuế. Tôi học thuế dở tệ. Luật thuế quá nhiều những phân cấp nhân tạo mà tôi chẳng hứng thú gì; những phân cấp này có vẻ như chỉ nhằm tạo thêm cơ hội cho các luật sư về thuế giảm nghĩa vụ của các thân chủ của họ đối với nước Mỹ hơn là thúc đẩy các mục tiêu xã hội xác đáng. Một lần, thay vì tập trung trong lớp, tôi đọc One Hundred Years of Solitude - Trăm năm cô đơn của Gabriel García Marquez. Cuối giờ học, giáo sư Chirelstein hỏi tôi điều gì mà thú vị hơn bài giảng của ông đến thế. Tôi giơ sách lên và bảo thầy đó là cuốn tiểu thuyết tuyệt nhất được viết bằng bất cứ thứ tiếng nào từ khi William Faulkner mất. Bây giờ tôi vẫn còn nghĩ vậy.

        Tôi gỡ thể diện cho mình trong môn Tài chính doanh nghiệp và đỗ đầu trong kỳ thi cuối khóa. Khi giáo sư Chirelstein hỏi sao tôi có thể học giỏi Tài chính doanh nghiệp đến thế mà lại kém môn Thuế, tôi trả lời vì tài chính doanh nghiệp cũng giống như chính trị; trong khuôn khổ luật lệ nhất định, đó là một cuộc đấu tranh liên tục để nắm quyền lực, tất cả các bên đều cố tránh bị lừa nhưng sẵn sàng thủ đoạn.

        Ngoài đi học tôi còn làm hai việc nữa. Dù đã có học bổng và hai khoản vay cho sinh viên, tôi vẫn cần thêm tiền. Vài giờ trong tuần tôi làm cho Ben Moss, một luật sư địa phương, giúp nghiên cứu luật pháp và làm việc vặt. Việc nghiên cứu chẳng bao lâu trở nên nhàm chán, nhưng mấy việc vặt thật lý thú. Có lần tôi phải giao một số giấy tờ đến địa chỉ trong một tòa nhà cao tầng ở nội đô. Khi tôi leo cầu thang lên tầng ba hay bốn gì đó, tôi đi ngang qua một người đàn ông mặt đờ đẫn đứng ở cầu thang tay vẫn còn dính một cái xilanh rỗng. Ông ta vừa mới tự tiêm một ống đầy heroin. Tôi giao giấy tờ xong và ba chân bốn cẳng vội chuồn khỏi.

        Công việc thứ hai của tôi không hung hiểm bằng nhưng lại thú vị hơn. Tôi dạy hình luật cho sinh viên trong một chương trình bảo vệ pháp luật tại Đại học New Haven. Vị trí của tôi do chương trình Trợ giúp Bảo vệ Pháp luật Liên bang cấp vốn, chương trình này vừa mới khởi động dưới thời Nixon. Lớp học được thiết kế nhằm cung cấp thêm các nhân viên bảo vệ pháp luật chuyên nghiệp biết cách bắt giữ, khám xét và tịch biên một cách hợp hiến. Tôi thường phải chuẩn bị bài giảng vào tối trước ngày lên lớp. Để khỏi ngủ gật, tôi thường đem bài ra soạn ở quán ăn phố Elm, cách nhà chúng tôi một dãy phố. Quán này mở cửa suốt đêm, có cà phê và bánh trái cây ngon tuyệt, và đầy những nhân vật về đêm của New Haven. Trông coi quán vào ban đêm là Tony, một người gốc Hy Lạp và là cháu của ông chủ quán. Khi tôi vất vả làm bài, anh ấy cho tôi thêm cà phê thoải mái mà không tính tiền.

        Con đường trước quán là ranh giới phân chia giữa hai nhóm gái đứng đường. Thỉnh thoảng cảnh sát cũng hốt họ đi nhưng rồi họ lại nhanh chóng xuất hiện trở lại. Mấy cô hay vào quán để uống cà phê và sưởi ấm. Khi họ biết tôi ở trường luật, nhiều cô ghé qua chỗ tôi ngồi để nhờ tư vấn pháp lý. Tôi cố làm hết sức mình, nhưng chẳng cô nào chịu nghe lời khuyên tốt nhất của tôi là đi kiếm việc khác. Một đêm nọ, một tay nam giả gái da đen ngồi xuống đối diện tôi và nói câu lạc bộ của anh ta muốn tổ chức rút thăm trúng thưởng một cái tivi để gây quỹ; anh ta muốn hỏi liệu làm như vậy có phạm luật chống cờ bạc hay không. Sau này tôi hiểu ra rằng thực sự anh ta không biết cái tivi đây có phải là đồ ăn cắp không. Nó được hiến tặng cho câu lạc bộ của anh ta bởi một ông bạn làm chủ một dịch vụ tiêu thụ đồ gian, chuyên mua đồ ăn cắp và bán lạí với giá rẻ. Dù Sao tôi cũng bảo anh ta rằng các nhóm khác tổ chức rút thăm trúng thưởng hoài và chắc câu lạc bộ của anh ta sẽ không bị truy tô gì. Để đáp lại lời tư vấn khôn ngoan củạ tôi, anh này cho tôi khoản thù lao duy nhất mà tôi có được trong suốt thời   gian làm tư vấn ở quán ăn phố Elm: một vé rút thăm. Tôi không trúng được cái tivi kia, nhưng dù sao cũng ra về mãn nguyên với tấm vé viết tên   của câu lạc bộ bằng chữ in đậm: Những người độc đáo da đen.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Chín, 2015, 04:42:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2015, 02:45:11 am »

        Ngày 14 tháng 9, khi Hillary và tôi bước vào quán Blue Bell thì có người đến gặp tôi và bảo tôi phải gọi cho Strobe Talbott gấp. Cậu ấy và Brooke đang thăm cha mẹ Strobe ở Cleveland. Tôi bắt đầu lên ruột khi cho tiền xu vào máy điện thoại công cộng bên ngoài quán. Brooke trả lời điện thoại và bảo tôi là Frank Aller vừa tự sát. Cậu ấy được mời làm chủ sự văn phòng Sài Gòn của báo Los Angeles Times, đã chấp nhận và về nhà ở Spokane với tinh thần phấn chấn để lấy quần áo và chuẩn bị sang Việt Nam. Tôi nghĩ cậu ấy muốn thấy và viết về cuộc chiến mà cậu ấy phản đối. Có lẽ cậu ấy muốn đặt mình vào nơi hiểm nguy để chứng tỏ mình không hèn nhát. Ngay vào lúc mọi sự bề ngoài bắt đầu êm xuôi thì những gì diễn ra trong nội tâm đã buộc cậu ấy chấm dứt đời mình.

        Bạn bè cậu ấy đều choáng váng, nhưng lẽ ra chúng tôi phải biết để không bất ngờ. Sáu tuần trước, tôi ghi trong nhật ký rằng Frank lại bắt đầu dằn vặt trở lại vì lúc đó vẫn chưa tìm được một công việc làm báo nào ở Việt Nam hoặc Trung Quốc. Tôi viết "cậu ấy cuối cùng đã gục ngã, về thể chất cũng như tinh thần, trước sự căng thẳng, đau đớn của vài năm qua mà cậu ấy phải đôi mặt phần lớn là một cách đơn độc". Những người bạn lý trí và thân thiết của Frank cứ tưởng rằng đem cuộc sống bề ngoài của cậu ấy trở lại bình thường sẽ làm dịu đi những dằn vặt bên trong. Nhưng đúng như điều tôi học được vào cái ngày khủng khiếp đó, sự sầu thảm khi trỗi dậy sẽ trả thù bằng cách vượt trên suy nghĩ lý trí. Đó là một căn bệnh mà khi đã trầm trọng thì sẽ thoát khỏi mọi nỗ lực chia sẻ của vợ chồng, con cái, người tình và bè bạn. Tôi nghĩ mình cũng không thực sự hiểu được nó cho đến khi đọc cuốn sách Darkness Visible: A Memoir of Madness - Nhìn vào tăm tôi: Một ký ức về bệnh điên của bạn tôi Bill Styron viết về cuộc chiến của anh ấy với căn bệnh trầm cảm và những ý nghĩ tự sát. Khi Frank tự tử, tôi vừa đau khổ vừa giận - giận anh ấy vì đã làm như vậy, và giận mình vì đã không thấy trước được nó và không thúc ép anh ấy đi chữa trị. Tôi ước sao lúc ấy biết được những gì tôi đã biết bây giờ, dù có lẽ như thế cũng chẳng làm được gì hơn.

        Sau cái chết của Frank, tôi mất đi sự lạc quan thường có cũng như hứng thú học hành, mối quan tâm đối với chính trị và con người. Tôi không rõ tôi đã làm gì nếu không có Hillary. Khi chúng tôi mới yêu nhau, đôi khi cô ấy vẫn tự nghi ngờ bản thân, nhưng trước công chúng cô ấy mạnh mẽ đến mức theo tôi ngay cả bạn thân nhất của cô ấy cũng không biết gì. Việc cô ấy mở lòng với tôi chỉ làm mạnh thêm tình cảm của tôi với cô ấy. Bây giờ tôi cần cô ấy. Và cô ấy đã có mặt, nhắc tôi nhớ rằng những gì tôi học, làm và suy nghĩ đều có giá trị của nó.

        Vào học kỳ mùa xuân, tôi chán tất cả các môn trừ môn Chứng cứ do thầy Geoffrey Hazard dạy. Luật định cái gì được chấp nhận còn cái gì không được chấp nhận trong một phiên tòa công bằng cũng như quá trình đưa ra lập luận trung thực và có suy xét dựa trên các sự kiện có được cuốn hút tôi và tạo những ấn tượng dai dẳng. Tôi luôn cố gắng tranh luận về chứng cứ trong chính trị cũng như luật pháp.

        Môn Chứng cứ rất quan trọng trong hoạt động chính của tôi tại trường trong học kỳ đó: cuộc thi xử án thường niên của Luật sư đoàn. Ngày 28 tháng 3, Hillary và tôi hoàn tất vòng thi bán kết, trong đó bốn sinh viên và thêm hai dự khuyết được chọn tham dự phiên xử đầy đủ do một sinh viên năm thứ ba dựng. Chúng tôi làm tốt và cả hai đều vượt qua vòng này.

        Tháng tiếp theo chúng tôi chuẩn bị cho Phiên xử Tranh giải, Tiểu bang tranh kiện với Porter. Porter là một cảnh sát bị cáo buộc đánh chết một thiếu niên tóc dài. Ngày 29 tháng 4, Hillary và tôi giữ vai công tố truy tố Porter, với sự trợ giúp của cộng sự dự khuyết Bob Alsdorf. Luật sự bào chữa là Mike Conway và Tony Rood, với dự khuyết là Doug Eakeỉey. Thẩm phán là cựu thẩm phán Tòa án tối cao Abe Fortas. Ông đóng vai mình một cách nghiêm túc và vào vai rât thực, đưa ra các phán quyết và bác bỏ đối với hai bên nhưng trong khi đó vẫn đánh giá bốn chúng tôi xem ai sẽ thắng giải. Tại vòng bán kết tôi đã hùng biện trước công chúng tuyệt nhất trong sự nghiệp dạy tại trường Luật, còn trong kỳ xử tranh giải thì lại tồi tệ nhất. Ngày hôm ấy tôi bị sao đó và không xứng đáng giành giải. Ngược lại, Hillary thật xuất sắc. Mike Conway cũng vậy, cậu ấy phát biểu kết thúc phiên tòa thật hữu hiệu và đầy tình cảm. Fortas trao giải cho Conway. Lúc ấy tôi cho là Hillary không đoạt giải một phần vì ông Fortas khắc khổ không ưa cách ăn mặc không ra dáng công tố của Hillary. Cô ấy mặc áo khoác da lộn màu xanh, quần loe màu cam chói - chói thực sự - và áo sơmi ba màu cam, xanh và trắng. Hillary trở thành một luật sư tài năng, nhưng cô ấy không bao giờ mặc cái quần màu cam ấy đến tòa nữa.

        Ngoài Phiên xử Tranh giải, tôi tập trung bản năng cạnh tranh của mình vào chiến dịch tranh cử của McGovern. Hồi đầu năm, tôi dốc hết tiền trong tài khoản để mở một tổng hành dinh gần cơ sở trường. Tôi có đủ tiền, khoảng 200 đô, để trả tiền thuê nhà một tháng và đặt một đường điện thoại. Trong ba tuần, chúng tôi có được 800 tình nguyện viên và đủ tiền đóng góp để thanh toán lại cho tôi và giữ cho chỗ này mở cửa hoạt động.

        Các tình nguyện viên có vai trò quan trọng đối với chiến dịch bầu cử sơ bộ mà tôi cho là chúng tôi sẽ phải chống lại tổ chức của đảng Dân chủ và sếp của nó là Arthur Barbieri. Bốn năm trước, năm 1968, lực lượng của McCarthy làm ăn cũng khá trong kỳ bầu cử sơ bộ ở New Haven, một phần vì những ủng hộ viên thường trực của đảng Dân chủ coi thắng lợi của Phó tổng thống Humphrey là việc nghiễm nhiên. Tôi không ảo tưởng rằng Barbieri sẽ phạm phải sai lầm đó một lần nữa, nên quyết định sẽ thuyết phục ông ấy chấp thuận McGovern. Nếu nói việc này khó thì vẫn là còn nói quá nhẹ. Khi tôi bước vào văn phòng của ông ấy và tự giới thiệu, Barbieri tiếp đãi lịch sự nhưng rõ ràng là làm ăn rành mạch. Ông ta ngồi ngả người trên ghế, hai tay xếp trên ngực cho thấy hai chiếc nhân kim cương bự, một chiếc tròn và gắn đầy đá quý, chiếc kia có ghi chữ viết tắt tên ông ta, AB, và đầy kim cương. Ông ta mỉm cười và bảo tôi rằng năm 1972 sẽ không phải là sự tái diễn của năm 1968, và rằng ông ta đã chuẩn bị sẵn nhân sự cũng như xe buýt để chở cử tri đi bầu. Ông ta bảo đã bỏ ra 50 ngàn đô cho việc ấy, đó là món tiền khổng lồ vào thời đó cho một thành phố cỡ như New Haven. Tôi đáp rằng tôi không có nhiều tiền, nhưng tôi có 800 tình nguyện viên có thể đi gõ cửa từng nhà trong khu cứ địa của ông ấy và nói với từng bà mẹ gốc Ý rằng Arthur Barbieri muốn tiếp tục gửi con trai họ sang đánh nhau và chết ở Việt Nam. "Ông đâu có cần đến mấy sự đau khổ đó", tôi nói. "Tại sao ông phải quan tâm ai được đề cử? Ông cứ chấp thuận McGovern đi. Ông ấy là anh hùng trong Thế chiến hai. Ông ấy có thể dàn xếp hòa bình và ông thì vẫn tiếp tục kiểm soát New Haven". Barbieri nghe xong và trả lời. "Này nhóc, cậu cũng không đến nỗi đần. Tôi sẽ suy nghĩ thêm. Mười ngày nữa quay lại đây gặp tôi". Khi tôi trở lại, Barbieri nói: "Tôi đã suy nghĩ rồi. Tôi nghĩ Thượng nghị sĩ McGovern là người tốt và chúng ta cần phải rút khỏi Việt Nam. Tôi sẽ nói mấy người của tôi về việc chúng ta sắp làm, và cậu phải đến đó để thuyết phục họ".
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Chín, 2015, 02:55:10 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2015, 06:52:24 am »

        Vài ngày sau, tôi dẫn Hillary đến cuộc gặp lạ thường với các lãnh đạo đảng của Barbieri tại một cậu lạc bộ Melebus của dân Ý nằm ở tầng hầm một tòa nhà cũ ở trung tâm thành phố. Trang trí toàn là màu đỏ và đen. Nơi ấy rất tôi tăm, đầy tính chủng tộc và không hợp với McGovern tí nào. Khi Barbieri bảo người của ông ta rằng họ sẽ ủng hộ McGovern để sao cho không còn chú nhóc nào của New Haven phải chết ở Việt Nam nữa, trong cử tọa có nhiều tiếng thốt lên ngạc nhiên. "Arthur ơi, lão ấy cũng gần như cộng sản vậy", một người bật nói lên. Người khác thì nói: "Arthur, lão ấy nói chuyện nghe như pêđê ấy", ám chỉ đến giọng mũi vùng High Plains của ông thượng nghị sĩ. Barbieri không hề rung động. Ông ta giới thiệu tôi, kể cho người của ông ta về 800 tình nguyện viên của tôi, và để tôi nói, chủ yếu về thành tích chiến đâu của McGovern và công việc của ông ấy dưới thời Kennedy. Đến khi buổi tối kết thúc thì họ cũng chấp thuận.

        Tôi sướng rơn. Trong toàn bộ quá trình bầu cử sơ bộ, Arthur Barbieri và Matty Troy của khu Queens ở New York là hai sếp Dân chủ kiểu xưa duy nhất ủng hộ McGovern. Không phải tất cả trong chúng tôi đều hài lòng. Sau khi người ta công bố châp thuận McGovern, đang đêm tôi nhận được một cú diện thoại giận dữ của hai ủng hộ viên cốt cán ở Trumbull mà tôi từng làm việc chung trong chiến dịch của Duffey. Họ không thể tin được rằng tôi đã bất chấp tinh thần của chiến dịch bằng một thỏa hiệp bất chính như vậy. "Xin lỗi nhé", tôi hét vào điện thoại, "tôi tưởng mục tiêu của chúng ta là chiến thắng cơ mà", và cúp máy. Barbieri hóa ra biết giữ lời và hiệu quả. Tại đại hội đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ McGovern đạt năm trong số sáu phiếu của quận nghị viện (khu vực bầu cử quốc hội - ND) trong lần bầu đầu tiên. Trong lần bỏ phiếu tháng 11, New Haven là thành phố duy nhất trong bang Connecticut ủng hộ ông. Barbieri thật giỏi y như lời ông ta nói. Khi tôi làm tổng thống, tôi dò tìm ông ấy. Lúc đó ông đã rất yếu và rời bỏ chính trị từ lâu. Tôi mời ông ấy đến Nhà Trắng, và chúng tôi gặp nhau trong Phòng Bầu dục không lâu trước khi ông mất. Barbieri là loại người mà James Carville gọi là "người trung kiên". Trong chính trị, thật không còn gì tốt hơn thế.

        Rõ ràng là công việc của tôi ở Connecticut đã làm hình ảnh tôi tốt lên trong mắt của những người điều hành chiến dịch của McGovern. Tôi được yêu cầu tham gia đội ngũ toàn quốc và làm việc trong kỳ Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Miami Beach, tập trung vào đoàn đại biểu Nam Carolina và Arkansas.

        Trong khi đó, Hillary đã tới Washington để làm cho Marian Wright Edelman thuộc Dự án Nghiên cứu Washington, một nhóm hoạt động vì trẻ em mà không lâu sau được đổi tên là Quỹ Bảo vệ trẻ em. Việc của cô ấy là điều tra tất cả các học viện thuần da trắng hình thành để đáp lại lệnh tòa án buộc phải mở cửa trường công lập cho học sinh đa chủng tộc. Ở miền Bắc, các bậc phụ huynh da trắng nếu không muốn gửi con đến học ở các trường nội đô có thể chuyển ra ngoại ô. Ở những thị trấn nhỏ miền Nam thì không được như thê - ngoại ô thị trấn toàn là đồng chăn thả và ruộng đậu. Vân đề là chính quyền Nixon không chế tài luật cấm các học viện như vậy được xin miễn thuế, một động thái chỉ khuyên khích thêm những người da trắng miền Nam rời bỏ trường công lập.

        Tôi bắt đầu công việc của mình cho McGovern ở Washington, đầu tiên ghé thăm Lee Williams và các bạn khác trong số nhân viên của Thượng nghị sĩ Fulbright, sau đó đến gặp Dân biểu Wilbur Mills, ông chủ tịch đầy quyền hành của ủy ban tài chính và Thuế khóa của hạ viện. Mills, người là huyền thoại ở Washington vì hiểu biết chi tiết của mình về luật thuế cũng như kỹ năng điều hành ủy ban, đã tuyên bố rằng ông sẽ trở thành ứng viên "con cưng" của Arkan¬sas tại đại hội ở Miami. Những ứng viên như vậy thường được đưa ra nhằm ngăn không cho đoàn đại biểu của một tiểu bang nào đó bỏ phiếu cho ứng viên ứng cử chính, dù hồi đó ứng viên con cưng thỉnh thoảng vẫn hy vọng điều kỳ lạ sẽ xảy ra và anh ta ít ra vẫn có thể đứng được vào liên danh với tư cách ứng viên phó tổng thống. Trong trường hợp của Mills, việc ông ta ra tranh cử phục vụ cho cả hai mục đích. Những người Dân chủ ở Arkansas nghĩ rằng McGovern, người kém xa về số lượng đại biểu ủng hộ, chắc chắn sẽ bị đánh bại thảm hại tại quê nhà trong cuộc tổng tuyển cử, còn Mills cho rằng mình có thể trở thành một tổng thống tốt hơn. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra thân tình. Tôi nói với chủ tịch Mills rằng tôi trông đợi các đại biểu trung thành với ông ấy nhưng tôi sẽ cố đạt được sự ủng hộ của họ trong các lá phiếu quy trình quan trọng và trong cuộc bỏ phiếu thứ nhì nếu thượng nghị sĩ cần thêm một lần bỏ phiếu nữa.

        Sau khi gặp ông Mills tôi bay đến Columbia, Nam Carolina, để gặp càng nhiều đại biểu đại hội ở đó càng tốt. Nhiều người thông cảm với McGovern, và tôi cho rằng họ sẽ giúp chúng tôi trong những lần bầu quan trọng, dù tư cách đại biểu của họ còn có thể bị xem xét lại trên cơ sở rằng đoàn đại biểu không mang tính đa dạng về chủng tộc, giới tính và độ tuổi mà các quy định mới do ủy ban McGovern đòi hỏi.

        Trước Miami, tôi còn dự đại hội đảng Dân chủ Arkansas ở Hot Springs để lấy lòng các đại biểu của thành phố quê nhà mình. Tôi biết Thống đốc Bumpers, người sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu tới Miami, cho rằng McGovern sẽ làm tổn hại đến phe Dân chủ ở Arkansas, nhưng ở Nam Carolina lại có nhiều đại biểu chống chiến tranh và ủng hộ McGovern. Tôi đi Miami trong tâm trạng khá phấn khởi với cả hai đoàn đại biểu mình được giao.

        Tại đại hội vào giữa tháng 7, các ứng viên chính đặt tổng hành dinh ở các khách sạn quanh Miami và Miami Beach, nhưng công Vlệc điều hành được chỉ huy từ các toa xe kéo bên ngoài Trung tâm Đại hội. Toa xe kéo của McGovern do Gary Hart, quản lý chiến dịch tranh cử toàn quốc, coi sóc, với Frank Mankiewicz làm giám đốc chính trị và phát ngôn viên, còn bạn tôi Rick Steams làm giám đốc phụ trách nghiên cứu và điều hành nhóm họp kín của tiểu bang. Rick thông thạo các quy định hơn bất cứ ai khác. Những ai trong số chúng tôi phụ trách các đoàn đại biểu thì có mặt ở khu vực đại hội nhận chỉ thị từ toa xe kéo. Chiến dịch của McGovern đã đi được một chặng đường dài, nhờ vào một loạt các tình nguyên viên nhiệt tình, tài lãnh đạo của Hart, khả năng đối phó với báo chí của Mankiewicz và các chiến lược của Stearns. Với sự trợ giúp này, McGovern đã chiến thắng và vượt phiếu trước các chính khách kỳ cựu hơn hoặc được lòng người hơn, hoặc cả hai: Hubert Humphrey; Ed Muskie; Thị trưởng New York John Lindsay, người đã đổi từ đảng này sang đảng kia để ra tranh cử; Thượng nghị sĩ Henry Jackson của bang Washington; và George Wallace, người bị liệt vì một viên đạn ám sát trong chiến dịch tranh cử. Nữ dân biểu Shirley Chisholm của New York cũng ra tranh cử, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm như vậy.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2015, 06:59:09 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2015, 05:49:21 am »

        Chúng tôi nghĩ McGovern có đủ phiếu để thắng trong lần bỏ phiếu đầu nếu ông ấy có thể vô hiệu hóa được thách thức từ đoàn California. Quy định mới của ủy ban McGovern đòi hỏi mỗi bang phải có bầu cử sơ bộ để định ra thành phần đại biểu với tỷ lệ càng tương ứng càng tốt với tỷ lệ số phiếu từng ứng viên một có được. Tuy nhiên, California vẫn còn giữ hệ thống "được ăn cả" và khẳng định quyền được giữ hệ thống này vì cho đến lúc diễn ra đại hội thì lập pháp tiểu bang chưa thay đổi luật bỏ phiếu. Thật trớ trêu là McGovern lại ủng hộ hệ thống của California hơn quy định của chính ông ấy vì ông đã thắng cuộc bầu sơ bộ với 44% phiếu nhưng nhờ thế mà đạt được cả 271 đại biểu của bang này cam kết bỏ phiếu cho ông trong đại hội. Các nhóm chống McGovern gọi ông ấy là tên đạo đức giả và rằng đại hội chỉ nên cho phép 44%, tức 120 đại biểu, cam kết bầu cho ông ấy, còn 151 đại biểu còn lại của đoàn vẫn cam kết bầu cho các ứng viên mà họ ủng hộ tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu sơ bộ ở California, ủy ban Tư cách đại biểu của đại hội thì theo phe chống McGovern và bỏ phiếu giữ nguyên thách thức của đoàn California, tức là chỉ cho 120 đại biểu của ông ấy vào dự, làm lung lay khả năng chiến thắng chỉ sau lần bỏ phiếu đầu của ông.

        Các quyết định của ủy ban Tư cách đại biểu vẫn có thể bị đảo ngược nếu đa số đại biểu đại hội muốn. Lực lượng của McGovern muốn làm như vậy với đoàn California. Đoàn Nam Carolina cũng vậy, đoàn này cũng có nguy cơ mất phiếu bầu vì vi phạm quy định của McGovern: chỉ có 25% đại biểu là phụ nữ chứ không phải một nửa như quy định. McGovern về danh nghĩa phải chống lại quan điểm của đoàn Nam Carolina vì sự thiếu đại diện đó.

        Những diễn biến tiếp theo thật phức tạp và không đáng để kể chi tiết. Đại thể là Rick Stearns quyết định rằng chúng tôi phải hy sinh phiếu của Nam Carolina, buộc đối thủ của chúng tôi vào một quy định về thể lệ có lợi cho chúng tôi; và sau đó chúng tôi sẽ thắng được phiếu bầu của đoàn California. Đối sách này đã thành công. Đoàn đại biểu Nam Carolina được vào dự với thành phần như địch thủ muốn, và họ bắt đầu ngửi thấy mùi chiến thắng. Nhưng đến khi họ hiểu ra là đã bị gạt thì đã quá muộn; chúng tôi đoạt được cả 271 đại biểu và tóm được đề cử. Thách thức California có lẽ là ví dụ tốt nhất của môn jujitsu (nhu thuật) chính trị tại một kỳ đại hội đảng kể từ khi các cuộc bầu cử sơ bộ trở thành phương thức phổ biến trong việc chọn đại biểu. Như tôi đã nói, Rick Steams là một thiên tài về luật lệ. Tôi thấy phấn chấn. Bây giờ McGovern gần như đã được đảm bảo một chiến thắng sau lần bỏ phiếu đầu, và mấy đại biểu của Nam Carolina mà tôi đã bắt đầu rất thích, có thể tiếp tục ở lại.

        Thế nhưng từ đấy trở đi mọi việc bắt đầu xuống dốc. McGovern bước vào kỳ đại hội vẫn còn thua xa nhưng vẫn nằm trong khoảng chênh lệch có thể đuổi kịp Tổng thống Nixon trong các cuộc trưng cầu, và chúng tôi mong đợi sẽ đạt thêm năm hoặc sáu điểm trong tuân nhờ vào nhiều ngày xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, để đạt được sự hồi phục đó cần có sự kiểm soát một cách có kỷ luật các sự kiện mà phe chúng tôi đã thể hiện trong vụ thách thức các đoàn đại biểu. Không biết vì lý do gì, tinh thần ấy đã bốc hơi sau đó. Đầu tiên, một nhóm ủng hộ quyền của giới đồng tính tổ chức biểu tình ngồi tại khách sạn của McGovern và từ chối không chịu giải tán cho đến khi nào McGovern chịu ra gặp họ. Khi ông ấy ra gặp, giới truyền thông và phe Cộng hòa mô tả việc ấy như một. sự sụp đổ làm cho ông ấy có vẻ yếu đuối và quá cấp tiến. Sau đó, vào chiều thứ năm, sau khi ông ấy chọn Thượng nghị sĩ Tom Eagleton của bang Missouri làm người đứng chung liên danh, McGovern cho phép một số cái tên khác được đưa ra đề cử chống lại ông trong cuộc bỏ phiếu ngay buổi tối. Sáu người nữa tham gia cuộc đua, với đầy đủ diễn văn đề cử và một cuộc bỏ phiếu kiểu điểm danh dài dòng. Dù chiến thắng của Eagleton là một kết cục được báo trước, sáu người kia cũng được một ít phiếu. Roger Mudd của truyền hình CBS News cũng vậy, và cả nhân vật truyền hình Archie Bunker lẫn Mao Trạch Đông nữa. Thật là một thảm họa. Việc làm vô ích đó đã chiếm hết "giờ vàng" trên truyền hình khi mà gần 18 triệu gia đình theo dõi đại hội. Các sự kiện truyền thông dự kiến - bài nói của Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đề cử McGovern cũng như bài đáp từ chấp nhận của người được đề cử - bị đẩy xuống sáng sớm. Thượng nghị sĩ Kennedy là một nhà vô địch và diễn thuyết một bài đầy cảm hứng. Bài nói của McGovern cũng hay. Ông ấy kêu gọi nước Mỹ "hãy quay về... từ bỏ sự lừa dối trên những bục cao nhất... rời bỏ những bàn tay vô công uổng phí... từ bỏ định kiến. Hãy quay về với sự khẳng định rằng chúng ta có một giấc mơ... về với quan niệm rằng chúng ta có thể đưa nước mình tiến lên... về với niềm tin rằng chúng ta có thể kiếm tìm một thế giới mới hơn nữa". Vấn đề nằm ở chỗ McGovern bắt đầu nói vào lúc 2 giờ 48 phút sáng, hay là "giờ vàng ở Samoa" như người pha trò Mark Russell ví von. Ông ấy mất đi đến 80% công chúng xem tivi của mình.

        Và dường như như thế là chưa đủ, người ta lại công bố Eagleton từng phải đi điều trị, trong đó có cả bằng liệu pháp điện giật, để chữa chứng trầm cảm. Thật không may, lúc bấy giờ sự kém hiểu biết về bản chất và tầm mức của các rắc rối tinh thần còn rất nhiều, cũng như ít ai biết rằng các tổng thống trước, có cả Lincoln và Wilson, đều từng thỉnh thoảng bị trầm cảm. Ý tưởng Eagleton sẽ là người đứng ngay sau McGovern nếu ông ấy được bầu làm tổng thống làm nhiều người bất an, và lại càng bất an hơn khi Eagleton không báo cho McGovern về bệnh trạng của mình. Nếu McGovern mà biết trước và vẫn chọn ông ta thì có thể chúng tôi đã tiến bộ hơn trong việc làm cho công chúng hiểu biết về sức khỏe tinh thần, nhưng cách thức mà vụ việc vỡ lở đặt ra các nghi ngờ không chỉ đối với khả năng suy xét của McGovern mà còn về năng lực của ông nữa. Hoạt động chiến dịch một cách tự phụ của chúng tôi thậm chí còn không bàn trước việc chọn lựa Eagleton với thống đốc phe Dân chủ của bang Missouri là Warren Hearnes, người biết về chuyện bệnh tình sức khỏe tinh thần đó.

        Trong vòng một tuần sau đại hội ở Miami, chúng tôi lâm vào tình trạng còn tệ hại hơn khi đảng Dân chủ rời Chicago bốn năm trước, vừa mang vẻ quá cấp tiến lại vừa quá lạc lõng. Sau khi chuyên Eagleton vỡ lở, McGovern ban đầu nói rằng ông ấy sát cánh với người chung liên danh "một ngàn phần trăm". Vài ngày sau, dưới sức ép dữ dội của chính các ủng hộ viên của mình, ông ấy bỏ rơi Eagleton. Thế là phải đến tuần thứ hai của tháng 8 mới tìm được người thay thế. Sargent Shriver, em rể của Tổng thống Kennedy, đã nhận lời sau khi Ted Kennedy, Thượng nghị sĩ Abe Ribicoff bang Connecticut, Thống đốc bang Florida Reubin Askew, Hubert Humphrey, và Thượng nghị sĩ Ed Muskie, tất cả đều từ chối không đứng chung liên danh. Tôi thì tin rằng phần lớn người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên ủng hộ hòa bình, tiến bộ nhưng không quá cấp tiến, và trước đại hội Miami chúng tôi tưởng rằng chúng tôi có thể thuyết phục mọi người bỏ cho McGovern. Bây giờ thì chúng tôi lại phải làm lại từ đầu. Sau kỳ đại hội, tôi đi Washington để gặp Hillary, kiệt sức đến mức tôi ngủ một mạch 24 tiếng liền.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2015, 06:00:56 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2015, 06:16:16 am »

        Vài ngày sau, tôi dọn đồ đạc đi Texas để điều phối chiến dịch tổng tuyển cử tại đây. Tôi biết sẽ khó khăn khi tôi bay từ Washing¬ton đến Arkansas để đi tiếp bằng xe hơi. Tôi ngồi cạnh một thanh niên quê ở Jackson, Mississippi, anh ta hỏi tôi đang làm gì. Khi tôi kê chuyện, anh ta suýt nữa hét lên: "Anh là người da trắng duy nhất
gặp mà ủng hộ McGovern!". Sau này, lúc tôi đang ở nhà xem John Dean làm chứng về những sai phạm của Nhà Trắng thời Nixon trươc Uy ban Watergate của Thượng nghị sĩ Sam Ervin thì điện thoại reo. Người thanh niên tôi gặp trên máy bay gọi. Anh ta nói, "Tôi chỉ gọi để anh có dịp nói "thây chưa, tôi đã bảo mà'". Tôi không liên lạc gì thêm với anh ta nữa, nhưng tôi vẫn cảm kích vì cuộc điện thoại đó. Thật kỳ lạ là quan điểm của công chúng thay đổi khác xa như thế nào chỉ trong hai năm khi vụ Watergate lộ tẩy.

        Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1972, chỉ có ai dại mới đi Texas, dù cũng khá lý thú. Bắt đầu với John Kennedy năm 1960, các chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ thường giao cho người ở tiểu bang khác giám sát các chiến dịch vận động quan trọng theo lý thuyết rằng những người này có thể đoàn kết được các phe cánh đối lập nhau lại và đảm bảo rằng tất cả các quyết định được đưa ra đặt quyền lợi ứng cử viên lên trước chứ không phải là những ưu tư thiển cận. Cho dù lý thuyết là gì thì trên thực tế, người ngoài bang có thể tạo ra sự ganh ghét giữa tất cả các bên, đặc biệt là trong một chiến dịch khốn đốn như của McGovern, trong một môi trường manh mún và dễ bất hòa như ở Texas.

        Chiến dịch vận động quyết định gửi hai người chúng tôi đến Texas, tôi và Taylor Branch, người mà, như tôi đã nói, tôi gặp lần đầu ở Vườn nho Martha năm 1969. Nhằm đảm bảo an toàn, chiến dịch chỉ định một luật sư trẻ thành đạt ở Houston, Julius Glickman, làm thành viên thứ ba trong tam chế của chúng tôi. Vì Taylor và tôi đều là người miền Nam và không ngại phối hợp, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm nên trò trống ở Texas. Chúng tôi thiết lập tổng hành dinh trên phố West Sixth tại Austin, cách không xa tòa nhà lập pháp tiểu bang, và ở chung với nhau trong một căn hộ trên đồi đôi diện sông Colorado. Taylor điều hành hoạt động của tổng hành dinh và kiểm soát ngân sách. Chúng tôi không có nhiều tiền, nên thật may là anh ấy cũng khá tằn tiện, và giỏi từ chối mọi người hơn tôi. Tôi làm việc với các tổ chức của hạt, còn Julius huy động sự ủng hộ của các nhân vật Texas mà anh ấy biết, và chúng tôi có một đội ngũ nhân viên trẻ và nhiệt tình. Ba người trong số này trở thành những người bạn đặc biệt thân thiết với tôi và Hillary: Garry Mauro, sau này trở thành ủy viên Đất đai của Texas và đóng vai trò dẫn dắt trong chiến dịch tranh cử tổng thống của tôi; Roy Spence và Judy Trabulsi, người lập ra một công ty quảng cáo sau này trở thành công ty lớn nhât ở Mỹ ngoại trừ thành phố New York. Garry, Roy và Judy sau này ủng hộ tôi và Hillary trong tất cả các chiến dịch của chúng tôi.

        Người Texas có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của tôi là Betsey Wright, con gái của một bác sĩ quê ở Alpine, một thị trấn nhỏ ở tây Texas. Chị ấy chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng kinh nghiệm hơn hẳn trong chính trị cơ sở, từng làm việc cho đảng Dân chủ tiểu bang và tổ chức Common Cause. Chị ấy thông minh, quyết liệt, trung thành, và có lương tâm đến mức gần như bị coi là một nhược điểm. Và chị ấy là người duy nhất tôi từng gặp say mê và bị cuốn hút bởi chính trị hơn tôi. Khác với một số đồng nghiệp kém kinh nghiêm hơn, chị ấy biết rằng chúng tôi thế nào cũng đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn làm việc một ngày 18 tiếng. Sau khi tôi thất bại trong cuộc tranh cử thống đốc năm 1980, Hillary đề nghị Betsey đến Little Rock giúp chúng tôi tổ chức lại hồ sơ để chuẩn bị tiếp tục trở lại chính trường. Chị ấy đến giúp, và ở lại để điều hành chiến dịch tranh cử thành công của tôi năm 1982. Sau đó, Betsey làm chánh văn phòng thống đốc. Năm 1992, chị ấy đóng vai trò bản lề trong chiến dịch tranh cử tổng thống, bảo vệ tôi và thanh danh tôi khỏi vô số những cú đánh nhắm vào đời sống cá nhân cũng như chính trị của tôi với một kỹ năng và sức mạnh mà không một ai khác có thể thuần thục và duy trì được. Không có Betsey Wright, tôi đã không thể trở thành tổng thống được.

        Tôi ở Texas một vài tuần thì Hillary đến với tôi và tham gia chiến dịch, được Anne Wexler mướn để đăng ký cử tri cho đảng Dân chủ. Cô ấy hoà đồng dễ dàng với các nhân viên còn lại, và làm sáng lên những ngày khó khăn nhất của tôi.

        Chiến dịch vận động ở Texas khởi đầu khó khăn, phần lớn là do thảm họa với Eagleton, nhưng cũng do nhiều người phe Dân chủ tại chỗ không muốn dính đến McGovern. Thượng nghị sĩ Lloyd Bentsen, người trước đó hai năm từng đánh bại Thượng nghị sĩ Ralph Yarborough cấp tiến sục sôi, từ chối không chịu làm chủ tịch chiến dịch. Ứng viên thống đốc Dolph Briscoe, một chủ trại miền nam Texas nhiều năm sau này trở thành bạn và ủng hộ viên của tôi, thậm chí còn không muốn xuất hiện nơi công cộng với ứng viên của chúng tôi. Cựu thống đôc John Connally, người đi cùng xe với Tổng thống Kennedy khi ông này bị giết trước đó chín năm và là đồng minh thân cận của Tổng thống Johnson, thì lãnh đạo một nhóm có tên là những người Dân chủ ủng hộ Nixon.

        Dù vậy, Texas quá lớn nên không dễ gì bỏ qua, và Humphrey bốn năm trước từng thắng ở đây, dù chỉ bằng chênh lệch 38 ngàn phiếu. Cuối cùng, hai quan chức dân cử tiểu bang đồng ý cùng làm đồng chủ tịch chiến dịch, đó là ủy viên Nông nghiệp John White và ủy viên Đất đai Bob Armstrong. Ông White, một đảng viên Dân chủ Texas kiểu cũ, biết rằng chúng tôi không thể thắng nhưng vẫn muốn liên danh Dân chủ cố gắng hết sức ở Texas. John sau này trở thành chủ tịch ủy ban toàn quốc của đảng Dân chủ. Bob Armstrong là một người bảo vệ môi trường tích cực ưa chơi đàn ghita và chơi với chúng tôi trong sân bowling địa phương Vườn bia Scholtz, hoặc ở Thính phòng Armadillo, nơi ông dắt tôi và Hillary đến xem Jerry Jeff Walker và Willie Nelson hát.

        Tôi nghĩ mọi sự có vẻ sáng sủa vào cuối tháng 8, khi Thượng nghị sĩ McGovern và Sargent Shriver chuẩn bị đến Texas để gặp Tổng thống Johnson. Shriver là người dễ ưa với tính cách vui vẻ mang lại sức sống và sức nặng cho liên danh tranh cử. Ông là sáng lập viên của tập đoàn Dịch vụ Pháp lý, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, từng là giám đốc Tổ chức thiện nguyện hòa bình đầu tiên dưới thời Kennedy, và là giám đốc đầu tiên của chương trình Cuộc chiến chống Nghèo nàn của Tổng thống Johnson.
Cuộc gặp giữa McGovern và Shriver với Tổng thống Johnson diễn ra khá suôn sẻ nhưng đem lại ít lợi ích chính trị vì Johnson cương quyết không cho phép báo chí tham dự vì trước cuộc gặp vài ngày đã đưa ra tuyên bố ủng hộ McGovern trên một tờ báo địa phương. Điều chính yếu tôi đạt được từ việc này là một bức ảnh của Tổng thống Johnson mà ông ấy ký tên vào khi Taylor đến trang trại của Johnson vài ngày trước cuộc gặp để làm nốt công việc chuẩn bị. Có lẽ vì chúng tôi là những người miền Nam ủng hộ dân quyền nên Taylor và tôi thích Johnson nhiều hơn là những nhân viên khác trong chiến dịch của McGovern.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2015, 06:23:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2015, 06:27:44 am »

        Sau cuộc gặp, McGovern quay về phòng khách sạn của ông ở Austin để gặp một số ủng hộ viên quan trọng của ông ấy và nhân viên. Người ta phàn nàn nhiều về những chuyện lộn xộn trong chiến dịch tranh cử. Chiến dịch này đúng là tổ chức kém. Taylor và tôi chưa tham gia đủ lâu để có thể tự làm quen chứ chưa nói đến tao ra hoạt động trơn tru, và khối cơ sở cấp tiến của chúng tôi bị mất tinh thần sau khi ứng cử viên của khối là Sissy Farenthold thua tơi tả trong cuộc bầu cử sơ bộ tranh chức thống đốc trước Dolph Briscoe. Vì lý do gì đó, quan chức tiểu bang cao cấp nhất ủng hộ McGovern là Ngoại trưởng tiểu bang Bob Bullock thậm chí còn không được mời đến gặp ông ấy. McGovern viết thư xin lỗi ông, nhưng toàn bộ vụ việc này là một sơ sót lớn.

        Không lâu sau khi McGovern rời Texas, chiến dịch vận động quyết định rằng chúng tôi cần có người lớn giám sát nên họ gửi xuống một ông gốc Ireland tóc bạc quê ở Sioux City, Iowa, tên Don O'Brien, người từng hoạt động tích cực trong chiến dịch của John Kennedy và làm công tô viên Hoa Kỳ dưới quyền Robert Kennedy. Tôi rất thích Don O'Brien nhưng ông ấy là người theo chủ nghĩa sô- vanh kiểu xứa, hay làm phụ nữ trẻ độc lập khó chịu. Thế nhưng chúng tôi vẫn hoạt động thành công, và tôi thấy nhẹ nhõm vì bây giờ tôi có thể dành nhiều thời gian đi đây đi đó hơn. Đó là những ngày tốt đẹp nhất của tôi ở Texas.

        Tôi đi lên phía bắc tới Waco, nơi tôi gặp ông trùm bảo hiểm có đầu óc cấp tiến và là ủng hộ viên tương lai của tôi, Bernard Rapoport; qua phía đông đến Dallas gặp Jess Hay, một doanh nhân tầm trung nhưng rất trung thành với phe Dân chủ mà sau này là bạn và ủng hộ viên của tôi, gặp thêm Thượng nghị sĩ da đen Eddie Bernice Johnson, người trở thành một trong những đồng minh mạnh mẽ nhất của tôi trong quốc hội khi tôi được bầu làm tổng thống; sau đó tới Houston, nơi tôi gặp và quyến luyến với mẹ đỡ đầu của những người cấp tiến Texas, Billie Carr, một phụ nữ to lớn và nói giọng khàn làm tôi nhớ đến mẹ mình. Billie che chở cho tôi và không bao giờ bỏ rơi tôi cho đến ngày bà ấy mất, ngay cả khi tôi làm bà thất Vọng vì tôi không cấp tiến như bà.
Tôi liên lạc nhiều lần đầu tiên với người Mỹ gốc Mexico, hồi đó thường được gọi là Chicano, và bắt đầu yêu thích tinh thần, văn hóa và cả thức ăn của họ. Ở San Antonio, tôi phát hiện ra tiệm Mario and Mi Tierra, nơi có lần tôi ăn ba bữa trong vòng 18 tiếng.

        Tôi hoạt động ở nam Texas cùng với Franklin Garcia, một nhà tổ chức lao công cứng cỏi nhưng có trái tim dịu dàng, và bạn của anh ấy là Pat Robards. Một đêm Franklin và Pat chở Hillary và tôi xuyên Rio Grande tới Matamoros, Mexico. Họ rủ chúng tôi vào quán có một ban nhạc, một cô vũ nữ thoát y uể oải, và một thực đơn có món cabrito, tức đầu dê nướng. Tôi mệt đến mức lăn ra ngủ trong khi cô vũ nữ thoát y vẫn múa còn cái đầu dê nướng thì ngẩng lên nhìn tôi.

        Một hôm khi đang lái xe một mình ở miền quê nam Texas, tôi dừng lại trạm đổ xăng và bắt chuyện với một thanh niên gốc Mexico đang bơm xăng vào xe tôi và đề nghị anh ta bỏ phiếu cho McGovern. "Tôi không thể", anh ta nói. Khi tôi hỏi tại sao, anh ta đáp, "Vì Eagleton. Lẽ ra McGovern không nên bỏ rơi ông ấy. Nhiều người có tật xấu rắc rối chứ, nhưng anh phải trung thành với bạn của anh". Tôi không bao giờ quên lời khuyên khôn ngoan của anh ấy. Khi tôi làm tổng thống, những người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha biết tôi cố gắng làm bạn của họ, và họ trung thành với tôi.

        Trong tuần cuối của chiến dịch, dù mọi thứ coi như đã mất, tôi vẫn có hai kỷ niệm đáng nhớ. Dân biểu Henry B. Gonzales đãi Tiệc Dân chủ hạt Bexar ở khách sạn Menger, San Antonio, gần pháo đài Alamo, nơi mà hơn 200 người Texas dưới quyền Jim Bowie và Davy Crockett hy sinh trong chiến đấu cho nền độc lập của Texas khỏi Mexico. Hơn 60 năm sau, Teddy Roosevelt từng trú tại khách sạn Menger khi huấn luyện nhóm Kỵ sĩ phiêu lưu chuẩn bị cho trận đánh anh hùng trên đồi San Juan ở Cuba. Khách sạn Menger có món kem xoài rất ngon mà tôi ghiền. Vào đêm bầu cử năm 1992, khi chúng tôi dừng ở San Antonio, nhân viên của tôi mua 400 đôla kem, và tất cả mọi người trên máy bay đi lại khi tranh cử ăn kem cả đêm.

        Diễn giả tại bữa tiệc tối là lãnh tụ đa số trong hạ viện - Hale Boggs của bang Louisiana. Ông ấy đọc một bài diễn văn tha thiết ủng hộ McGovern và phe Dân chủ. Sáng hôm sau tôi đánh thức ông dậy để ông kịp lên máy bay đến Alaska, nơi ông ấy có lịch đi vận động tranh cử cùng dân biểu Nick Begich. Hôm sau, khi đang bay ngoằn ngoèo giữa các đỉnh núi tuyết phủ, máy bay của họ bị rơi mất dấu tích. Tôi ngưỡng mộ Hale Boggs và ước gì chúng tôi ngủ quên ngày hôm đó. Ông ấy để lại một gia đình đáng kể. Vợ ông, Lindy, một phụ nữ đáng yêu và là một chính khách hạng nhất, tiếp quản ghế hạ nghị sĩ New Orleans của chồng và là một trong những người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất ở Louisiana. Tôi bổ nhiệm bà làm đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican.

        Sự kiện đáng nhớ thứ hai diễn ra trong chuyến thăm cuối của Sargent Shriver đến Texas. Chúng tôi có một cuộc tập hợp lớn ở McAllen, nằm sâu trong miền nam Texas, và vội vã quay về sân bay vừa kịp giờ để bay đến Texarkana, nơi dân biểu Wright Patman đã quy tụ được một đám đông nhiều ngàn người trên đại lộ State Line, đường ranh giới giữa Arkansas và Texas. Vì lý do nào đó, máy bay của chúng tôi không cất cánh. Sau vài phút, chúng tôi được biết có một phi công điều khiển máy bay nhỏ một động cơ bị mất phương hướng trong sương mù trên bầu trời McAllen và đang bay vòng vòng trên sân bay, chờ được hướng dẫn đáp, mà lại bằng tiếng Tây Ban Nha. Thế là đầu tiên người ta phải tìm cho ra một phi công có khả năng chỉ dẫn và biết nói tiếng Tây Ban Nha, rồi phải trấn an người phi công kia và hướng dẫn hạ cánh. Trong khi tấn kịch này diễn ra, tôi ngồi đối diện Shriver và báo cáo cho ông ấy về chặng dừng chân ở Texarkana. Nếu chúng tôi có bất cứ nghi hoặc rằng chiến dịch này đầy vận rủi thì chuyện này đã làm cho chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Ông Shriver điềm đạm đón nhận sự việc và yêu cầu tiếp viên hàng không phục vụ bữa tối. Thế là chẳng mấy chốc đã có hai máy bay đầy nhân viên và báo giới ăn bíttết trên phi đạo McAllen. Khi chúng tôi đến Texarkana trễ đến hơn ba tiếng, đám đông đã giải tán, nhưng vẫn còn khoảng 200 ủng hộ viên cốt cán, trong đó có cả Dân biểu Patman, đến sân bay để chào đón Shriver. Ông ấy nhảy ra khỏi máy bay và bắt tay từng người một như thể đây là ngày đầu tiên trong một cuộc bẳu cử gay go vậy.

        McGovern thua ở Texas, chỉ được 33% số phiếu so với 67% của đôi thủ, có khá hơn ở Arkansas chút ít, nơi mà chỉ có 31% cử tri Ung hộ ông. Sau cuộc bầu cử, Taylor và tôi còn nán lại vài ngày để cảm ơn mọi người và thu dọn mọi việc. Sau đó Hillary và tôi quay về trường Yale sau một kỳ nghỉ ngắn ở Zihuatanejo ở bờ biển Thái Bình Dương của Mexico. Bây giờ nơi ấy đã xây cất thêm nhiều, nhưng hồi đó nó vẫn còn là một làng Mexico nhỏ với đường phố gập ghềnh chưa lát đá, các quán bar rộng cửa và chim chóc nhiệt đới đậu trên cành cây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2015, 04:31:20 am »

        Chúng tôi vượt qua kỳ thi cuối khóa khá thoải mái, đặc biệt nếu xét đến việc vắng mặt lâu như vậy. Tôi phải học cật lực mới nắm được các luật lệ bí ẩn của môn Luật Hàng hải, môn mà tôi theo học chỉ vì muốn được học với thầy Charles Black, một người Texas lịch thiệp và hùng biện được giới sinh viên ưa thích và kính trọng, và thầy cũng đặc biệt thích Hillary. Tôi thật ngạc nhiên khi biết phần nhiều luật hàng hải được áp dụng cho bất cứ đường thủy nào ở nước Mỹ có thể đi được theo nguyên trạng ban đầu của nó. Như vậy là bao gồm cả các hồ có khởi thủy là các con sông xung quanh thành phố quê nhà tôi.

        Vào học kỳ mùa xuân năm 1973, tôi theo học chương trình đầy đủ các môn nhưng trong thâm tâm vẫn vương vấn ý nghĩ về nhà và những điều sắp xảy ra với Hillary. Cả hai chúng tôi đều yêu thích việc dàn dựng Phiên xử Tranh giải của năm đó cho Đoàn Luật sư. Chúng tôi viết ra một phiên xử dựa trên các nhân vật của phim Casablanca. Chồng của Ingrid Bergman bị giết, và Humphrey Bogart bị đem ra xử về việc này. Bạn và cựu đồng nghiệp của Burke Marshall trong Bộ Tư pháp là John Doar đến New Haven cùng với con trai mình để xét xử phiên tòa. Hillary và tôi đứng ra chiêu đãi ông và có ấn tượng mạnh. Thật dễ hiểu tại sao ông ấy lại hữu hiệu đến thế trong việc thực thi các phán quyết về dân quyền ở miền Nam. Ông ấy trầm lặng, thẳng thắn, thông minh và mạnh mẽ. Ông xét xử giỏi, và Bogie (tức Boggart - ND) được bồi thẩm đoàn tuyên trắng án.

        Một hôm sau giờ học Thuế doanh nghiệp, giáo sư Chirelstein hỏi tôi khi tốt nghiệp sẽ làm gì. Tôi bảo ông tôi sẽ về quê nhà ở Arkansas và sẽ tạm thời tự xoay xở lấy vì chưa được nơi nào mời làm cả. Thầy nói lúc ấy bỗng nhiên có một chỗ trống trong hội đồng giảng viên của trường Luật thuộc Đại học Arkansas ở Fayetteville. Thầy gợi ý tôi đăng ký xin vào chỗ ấy và xung phong giới thiệu tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi có thể hoặc nên kiếm việc dạy học, nhưng ý tưởng này lôi cuốn tôi. Vài ngày sau, khoảng cuối tháng ba, tôi lái xe về nhà để nghỉ Phục sinh. Khi về đến Little Rock, tôi rời khỏi xa lộ, đến máy điện thoại công cộng và gọi hiệu trưởng trường Luật
Wylie Davis. Tôi tự giới thiệu mình và kể cho ông những điều tôi nghe về chỗ trống kia, rồi nói rằng tôi muốn đăng ký. Ông ấy bảo tôi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Tôi cười và bảo ông ấy rằng tôi đã nghe người ta nói thế nhiều năm rồi, nhưng nếu ông ấy chịu thì tôi sẽ có ích cho ông, vì tôi sẽ làm việc cật lực và dạy bất cứ môn nào ông ấy muốn. Ngoài ra, tôi cũng không vào biên chế chính thức, nên ông ấy có thể đuổi việc tôi lúc nào cũng được. Ông ấy cười khùng khục và mời tôi đến Fayetteville để phỏng vấn; tôi bay đến đó trong tuần đầu của tháng 5. Tôi có một loạt thư giới thiệu rất hùng hậu của giáo sư Chirelstein, Burke Marshall, Steve Duke, John Baker, và Caroline Dinegar, trưởng khoa khoa học chính trị của Đại học New Haven nơi tôi dạy Luật Hiến pháp và Luật Hình sự cho sinh viên chưa tốt nghiệp. Các cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, và ngày 12 tháng 5, tôi nhận được thư của Hiệu trưởng Davis mời tôi làm trợ lý giảng viên với mức lương 14.706 đôla. Hillary hoàn toàn ủng hộ, và 10 ngày sau tôi chấp thuận.

        Mức lương không nhiều nhặn gì, nhưng dạy học sẽ tạo điều kiện cho tôi có việc làm để thanh toán nốt khoản vay trong chương trình Giáo dục vì Quốc phòng. Khoản vay để học trường luật thứ hai của tôi không giống các kiểu vay khác ở chỗ nó buộc tôi và các bạn cùng lớp phải trả hết một lần cộng thêm một phần trăm cố định trong thu nhập hàng năm của chúng tôi cho đến khi tổng khoản tiền nợ của lớp chúng tôi được thanh toán xong. Rõ ràng là những ai kiếm được nhiều hơn phải trả nhiều hơn, nhưng tất cả chúng tôi đều biết điều đó khi vay tiền. Kinh nghiệm của tôi với chương trình vay của đại học Yale là liều kích thích tôi mong muốn thay đổi chương trình cho vay học phí đối với sinh viên khi tôi trở thành tổng thống, sao cho sinh viên có được lựa chọn trả nợ trong quãng thời gian dài hơn bằng một số phần trăm cố định trong thu nhập của họ. Theo cách đó, họ sẽ ít phải bỏ học ngang vì sợ không trả nổi nợ, và cũng
không ngại làm những công việc có ích cho xã hội nhưng trả lương thấp. Khi chúng tôi cho sinh viên được vay các khoản trả theo thu nhập, nhiều người đã tham gia chương trình này.

        Dù tôi không phải là sinh viên chăm chỉ nhất nhưng tôi hài lòng với những năm học ở trường luật của mình. Tôi đã học được rất nhiều từ các giáo sư sáng láng và tận tụy, và từ các bạn học - hơn 20 người trong số này sau này được tôi bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền hoặc hệ thống tư pháp liên bang. Tôi được hiểu rõ và đánh giá cao hơn vai trò của luật pháp trong việc duy trì trật tự và công bằng trong xã hội, cũng như trong việc đưa ra các phương tiện nhằm tạo ra tiến bộ xã hội. sống ở New Haven cho tôi gần gũi thực tế và sự đa dạng chủng tộc của thành thị Mỹ. Và tất nhiên là ở New Haven tôi đã gặp Hillary.
       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM