Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:58:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193338 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2015, 02:35:55 am »

        Sáu tuần kế tiếp ở Hot Springs thú vị hơn tôi tưởng. Tôi dành một tuần để giúp một người đàn ông 67 tuổi dựng một trong những ngôi nhà tiền chế của Jeff ở khu Story, phía tây của Hot Springs Ngày nào ông già cũng cùng tôi làm việc đến mệt phờ và chia sẻ với tôi sự thông thái giản dị và thói nghi ngờ nhà quê của ông. Mới tháng trước, hai phi hành gia Buzz Aldrin và Neil Armstrong của tàu Apollo 11, bỏ lại đồng nghiệp của mình là Michael Collins trên tàu Columbia và đặt chân lên mặt trăng, vượt thời hạn năm tháng so với mục tiêu của Tổng thống Kennedy là sẽ đưa người lên mặt trăng trước khi thập niên kết thúc. Ông thợ mộc già hỏi tôi có tin việc này là thực hay không. Tôi nói tôi tin chứ, tôi xem trên tivi mà. Ông già không đồng ý, ông nói ông không tin chút nào, rằng "mấy bố truyền hình" có thể làm cho những sự việc không có thật trông như thật. Lúc đó, tôi nghĩ ông già thật kỳ quặc. Trong tám năm ở Washington tôi đã thấy nhiều thứ trên tivi làm cho tôi băn khoăn liệu có phải ông ấy đã vượt trước thời đại mình.

        Tôi dành nhiều buổi tôi và nhiều ngày ở bên Betsey Reader, người học trên tôi một năm ở trường trung học và đang làm việc ở Hot Springs. Khôn ngoan, thông thái và tốt bụng, cô là liều thuốc tuyệt vời cho những nỗi lo lắng không dứt của tôi. Chúng tôi được mời đến YMCA (Liên đoàn nam thanh niên Cơ đốc, một tổ chức tình nguyện thực hiện các dịch vụ cộng đồng, y tế - ND) với tư cách người sắp trưởng thành đến tham dự một sô sự kiện dành cho học sinh trung học và đã kết nghĩa với ba người trong số đó. Jeff Rosensweig, con trai bác sĩ nhi khoa của tôi và rất hiểu biết về chính trị; Jan Dierks, một cô gái thông minh, lặng lẽ rất quan tâm đến dân quyền; và Glenn Mahone, một chàng da đen thời trang và có duyên ăn nói, để tóc Afro (kiểu tóc xù, dày và bồng to thành hình tròn quanh đầu - ND) và thích mặc dashiki châu Phi, áo sơmi dài, nhiều màu mặc trùm ra ngoài quần tây. Chúng tôi cùng đi khắp nơi và rất vui vẻ bên nhau.

        Mùa hè đó ở Hot Springs có một số sự kiện phân biệt chủng tộc và bầu không khí rất căng thẳng. Tôi và Glenn nghĩ rằng chúng tôi có thể giải tỏa sự căng thẳng đó bằng cách thành lập ban nhạc rock đa chủng tộc và tổ chức một buổi khiêu vũ miễn phí ở bãi đậu xe Siêu thị Kmart. Cậu ấy sẽ hát còn tôi thổi saxophone. Vào ngày đã định mọi người tụ tập khá đông. Chúng tôi chơi trên một chiếc xe tải không mui và mọi người nhảy múa và trò chuyện dưới đường. Mọi việc suôn sẻ trong khoảng một giờ đồng hồ. Sau đó một anh da đen trẻ, đẹp trai mời một cô gái tóc vàng rất đẹp nhảy. Họ nhảy rất đẹp, chắc là quá đẹp, quá sức chịu đựng của một số tay miền Nam vênh váo. Một trận ẩu đả nổ ra, rồi trận nữa, rồi trận nữa. Chưa kịp phản ứng gì thì chúng tôi đã thấy trước mắt là một trận chiến hỗn loạn và xe cảnh sát đã đến đầy khu đậu xe. Sáng kiến đầu tiên của tôi nhằm hòa giải chủng tộc kết thúc như vậy đó.

        Một hôm, Mack McLarty, người được bầu vào quốc hội bang ngay khi học xong, đến Hot Springs để dự một cuộc họp của các đại lý bán xe Ford. Anh ấy đã lập gia đình và dấn thân vào kinh doanh và chính trị. Tôi muốn gặp và quyết định trêu chọc bạn mình trước mặt các đồng nghiệp đáng kính của anh ấy. Tôi thu xếp gặp Mack tại một tòa nhà ngay bên ngoài trung tâm hội nghị. Anh ấy không biết tôi đã để râu và tóc dài. Như thế đã là tệ lắm rồi, nhưng tôi rủ thêm ba người nữa: hai cô bạn gái người Anh vừa dừng ở Hot Springs chơi trong chuyến đi xuyên quốc gia bằng xe buýt và nếu bạn ròng rã trên xe buýt hai ba ngày thì trông cũng chỉ như họ mà thôi; và Glenn Mahone trong bộ đồ dashiki với dáng vẻ chầu Phi. Trông chúng tôi như những kẻ tị nạn từ liên hoan Woodstock (liên hoan nhạc rock tại Mỹ với nhiều thanh niên hippy ăn mặc tơi tả - ND) về. Khi Mack cùng hai người bạn bước ra, chúng tôi chắc hẳn đã làm cho anh ấy lên ruột. Nhưng Mack không hề biến sắc chút nào, anh chào hỏi và giới thiệu chúng tôi làm quen. Dưới tấm áo thẳng thớm và bộ tóc cắt ngắn của anh là một trái tim và khối óc cảm thông với hòa bình và phong trào dân quyền. Mack vẫn gắn bó với tôi qua những thăng trầm suốt cuộc đời, nhưng tôi không bao giờ làm khó anh ấy như vậy nữa.

        Mùa hè trôi dần qua, và tôi càng lúc càng cảm thấy bối rối về quyết định gia nhập ROTC và đi học trường luật Arkansas. Tôi bắt đầu mất ngủ và trải qua nhiều đêm trăn trở trên chiếc ghế dài màu trắng trong phòng - chiếc ghế tôi đã ngồi theo dõi bài phát biểu "Tôi có một giấc mơ" của Martin Luther King Jr. sáu năm trước. Tôi đọc cho đến khi ngủ thiếp đi được vài tiếng. Vì tôi gia nhập ROTC trễ nên mùa hè năm sau tôi mới có thể tham dự khóa huấn luyện mùa hè, vì thế đại tá Holmes đồng ý cho tôi quay lại Oxford học năm thứ hai, điều này có nghĩa là phải đến bốn thay vì ba năm nữa tôi mới có thể bắt đầu nghĩa vụ quân sự sau khi học xong trường luật. Tôi vẫn không áy náy với quyết định của mình.

        Cuộc trò chuyện với anh trai của mục sư John Miles làm tôi băn khoăn hơn nữa. Warren Miles bỏ học năm 18 tuổi để đăng lính thủy quân và đến Triều Tiên, ở đó anh bị thương trong chiến đấu. Anh về nhà và đi học ở trường Hendrix và trúng học bổng Rhodes. Anh khuyến khích tôi bỏ sự an toàn hiện nay đi, gia nhập thủy quân và đến Việt Nam để ít ra còn học được một cái gì đó. Anh gạt ngay ý kiến chống chiến tranh của tôi và nói rằng tôi không thể làm được gì về chiến tranh cả, và chừng nào chiến tranh còn thì những người đứng đắn còn phải phải ra trận, trải nghiệm, học hỏi và ghi nhớ. Đúng là một lập luận đanh thép. Nhưng ngay lúc này tôi đã ghi nhớ. Tôi nhớ những gì đã được biết ở ủy ban Đối ngoại, kể cả chứng cớ rõ ràng rằng người Mỹ đang bị lừa dối về cuộc chiến tranh này. Và tôi nhớ lá thư của Bert Jeffries bảo tôi nên tránh xa chiến tranh. Tôi thực sự bị giằng xé. Là con của một cựu chiến binh Thế chiến hai và như tất cả mọi người lớn lên theo phim của John Wayne, tôi luôn luôn ngưỡng mộ những người trong quân ngũ. Bây giờ tôi tìm lại trong tâm khảm mình, cô gắng xác định việc tôi không muốn ra trận là vì niềm tin hay vì nhút nhát. Xét theo kết cục mọi việc tiến triển, bây giờ tôi vẫn không chắc mình đã từng trả lời được những câu hỏi đó.

        Gần cuối tháng 9, trong khi đang cố gắng quay lại Oxford, tôi bay đến Vườn nho Martha để tham dự buổi họp mặt những người hoạt động phản chiến từng làm việc cho Gene McCarthy. Tất nhiên, tôi chưa từng làm cho ông ấy. Rick Stearns mời tôi, tôi nghĩ anh ấy biết tôi muốn đến và họ muốn có thêm một người miền Nam. Người miền Nam duy nhất ở cuộc họp này là Taylor Branch, vừa tốt nghiệp đại học Bắc Carolina và mới về Georgia đăng ký bầu cử cho người da đen. Taylor sau này có một sự nghiệp làm báo thành công, giúp John Dean nổi tiếng trong vụ Watergate và giúp cầu thủ bóng rổ danh tiếng Bill Russell viết hồi ký, sau đó viết cuốn sách xuất sắc lãnh giải Pulitzer, Parting the Waters - Chia đôi làn nước, cuốn sách đầu tiên trong bộ ba về Martin Luther King Jr. và phong trào dân quyền. Tình bạn giữa tôi và Taylor đưa chúng tôi đến cuộc vận động tranh cử cho McGovern năm 1972, và sau đó, năm 1993, chúng tôi gặp gỡ nhau hàng tháng để bàn bạc nhiệm kỳ tổng thống của tôi, nếu không ký ức của tôi về những năm tháng đó sẽ mãi mãi phai mờ.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2015, 02:46:58 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2015, 03:25:10 am »

        Bên cạnh Rick và Taylor, còn có bốn người khác ở cuộc tái ngộ đó mà tôi vẫn giữ liên lạc trong nhiều năm sau này: Sam Brown, một trong những lãnh tụ nổi bật của phong trào sinh viên phản chiến, sau này tham gia chính trường Colorado và, khi tôi là tổng thống, Sam Brown phục vụ nước Mỹ trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu; David Mixner, người đã bắt đầu tổ chức các công nhân nhập cư lúc 14 tuổi, đã thăm tôi vài lần ở Anh và sau này chuyển đến California, tích cực chống AIDS và đấu tranh cho quyền của giới đồng tính, và ủng hộ tôi năm 1992; Mike Driver trở thành một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi trong 30 năm tiếp theo; và Eli Segal, người tôi đã gặp ở cuộc vận động tranh cử của McGovern, sau này là chánh văn phòng của liên minh tranh cử Clinton-Gore.

        Tất cả chúng tôi tụ tập vào kỳ cuối tuần đó sau này đã sông những cuộc đời mà vào đầu mùa thu năm 1969 ây chúng tôi không thể mường tượng trước được. Chúng tôi chỉ muốn giúp chấm dứt chiến tranh. Cả nhóm đã lên kế hoạch phản kháng quy mô lớn, có tên Vietnam Moratorium, và tôi góp phần nhỏ nhoi theo khả năng của mình cho những dự tính ấy. Nhưng hầu như lúc nào tôi cũng nghĩ về chuyện đi quân dịch, và càng ngày càng cảm thấy khó chịu trước cách tôi xử lý việc này. Ngay trước khi rời Arkansas đến Vườn nho Martha, tôi viết một bức thư cho Bill Armstrong, chủ tịch ủy ban tuyển quân địa phương, nói rằng tôi thực sự không muôn theo chương trình ROTC và yêu cầu ông ấy rút tình trạng 1- D của tôi lại và cho tôi quay về chế độ quân dịch. Strobe Talbott đến Arkansas thăm tôi và cùng bàn thảo xem tôi có nên gửi thư đi hay không. Tôi đã không gửi.

        Ngày tôi bay đi, báo chí địa phương loan tin trên trang nhất rằng trung úy lục quân Mike Thomas, người đã đánh bại tôi để giành chức chủ tịch sinh viên ở trường trung học, đã hy sinh ở Việt Nam. Đơn vị của Mike bị tấn công và phải ẩn nấp. Anh ấy chết khi quay lại vào làn đạn để cứu một người cùng nhóm bị kẹt trong xe; một quả đạn cối đã giết cả hai người. Sau khi Mike chết, lục quân tặng anh huân chương Sao Bạc, Sao Đồng và Trái tim Màu Tím. Đến lúc đó đã có gần 39.000 người Mỹ chết ở Việt Nam, và rồi sẽ còn thêm 19.000 người nữa thiệt mạng.

        Ngày 25 và 26 tháng 9, tôi viết vào nhật ký: "Đang đọc The Unfinished Odyssey of Robert Kennedy - Tấn thảm kịch dang dở của Robert Kennedy [của David Halberstam] tôi bỗng nhớ là tôi không tin vào chế độ hoãn dịch... Tôi không thể đăng ký vào ROTC được". Trong vài ngày kế tiếp, tôi gọi Jeff Dwire nói rằng tôi muốn được đưa lại vào danh sách quân dịch, và yêu cầu ông ấy nói lại với Bill Armstrong. Ngày 30 tháng 10, ban tuyển quân lại đưa tên tôi vào danh sách và xếp ở tình trạng 1-A. Ngày 1 tháng 11, Tổng thống Nixon đã ra lệnh thay đổi chính sách Hệ thống phục vụ tuyển chọn để cho phép các sinh viên cao học kết thúc toàn bộ năm học họ đang theo chứ không chỉ học kỳ, vì thế đến tháng 7 tôi mới được gọi. Tôi không nhớ, và nhật ký của tôi cũng không ghi rõ rằng tôi đã nhờ Jeff đến nói chuyện với ban tuyển quân địa phương trước hay sau khi tôi biết về lệnh miễn trừ cho sinh viên cao học được gia hạn hết năm học. Tôi chỉ nhớ cảm giác nhẹ nhõm vì có thêm thời gian ở Oxford và điều kiện tuyển quân đã thay đổi: tôi chấp nhận sự thật rằng tôi có thể bị gọi vào cuối năm học ở Oxford.

        Tôi cũng nhờ Jeff nói chuyện với đại tá Holmes. Tôi vẫn cảm thấy có nghĩa vụ đối với ông ấy: ông ấy đã giúp tôi hoãn điều động vào ngày 28 tháng 7. Mặc dù tôi lại được xếp loại 1-A, nếu ông ấy giữ yêu cầu đăng ký tôi vào chương trình ROTC bắt đầu vào mùa hè tới, tôi nghĩ tôi vẫn phải làm thế. Jeff nhắc tôi rằng đại tá chấp nhận quyết định của tôi nhưng ông ấy nghĩ tôi đã sai lầm.

        Ngày 1 tháng 12, theo một đạo luật do Tổng thống Nixon ký năm ngày trước, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ áp dụng luật gọi quân dịch bốc thăm, trong đó tất cả các ngày trong năm sẽ được rút thăm. Thứ tự ngày sinh nhật của bạn sẽ quyết định thứ tự bạn được gọi. Nsày 19 tháng 6 là số 311. Ngay cả với số rút thăm lớn, trong nhiều tháng sau đó, tôi vẫn nghĩ tôi có nhiều khả năng bị động viên. Ngày 21 tháng 3 năm 1970, tôi nhận được thư của Lee Williams cho biết ông ấy đã nói chuyện với đại tá Lefty Hawkins, người đứng đầu Hệ thống phục vụ tuyển chọn của Arkansas và ông ta cho biết tất cả chúng tôi rồi sẽ bị động viên.

        Khi tôi có số quân dịch lớn tôi gọi cho Jeff và nhờ Jeff nói với đại tá Holmes rằng khi tôi quay lại đi dự bị thì tôi chưa biết việc này có thể xảy ra và tôi hiểu ông vẫn có thể gọi tôi vào ROTC. Tôi cảm ơn ông đã bảo vệ tôi mùa hè trước, nói với ông ấy tôi rất ngưỡng mộ ông ấy, và tôi nghi ngờ rằng biết đâu ông ấy lại ngưỡng mộ tôi nếu ông biết thêm về niềm tin và các hoạt động chính trị của tôi: "ít ra ông cũng có thể nghĩ tôi phù hợp với quân dịch hơn là ROTC". Tôi mô tả công việc làm cho ủy ban Đối ngoại, "một quãng thời gian mà ít người có đủ thông tin về Việt Nam như tôi". Tôi nói với ông ấy sau khi rời Arkansas mùa hè trước, tôi làm một số việc cho Vietnam Moratorium ở Washington và ở Anh. Tôi cũng nói cho ông biết việc tôi đã nghiên cứu về quân dịch ở Georgetown và đã kết luận rằng chế độ quân dịch chỉ có lý khi quốc gia và cuộc sông của chúng ta bị lâm nguy như thời Thế chiến hai chẳng hạn. Tôi bày tỏ lòng thông cảm với những người từ chối đi quân dịch vì lý do lương tâm. Tôi nói với ông rằng Frank Aller, bạn cùng phòng của tôi, là "một trong những người dũng cảm nhất, tốt nhất mà tôi biết. Đất nước anh cần những người như anh nhiều hơn họ vẫn tưởng. Việc anh bị coi là tội phạm đúng là một sự phi lý ghê tởm". Rồi tôi thú nhận chính mình cũng đã nghĩ đến việc đăng ký và chấp nhận quân dịch "bất chấp niềm tin của mình vì một lý do: duy trì khả năng chính trị của tôi trong hệ thống". Tôi cũng thú nhận mình đã yêu cầu được nhận vào chương trình ROTC bởi vì đó là cách duy nhất tôi "có thể, nhưng không chắc chắn tránh được cả Việt Nam lẫn việc phải phản kháng quân dịch". Tôi thú nhận với đại tá rằng "sau khi ký thư xin gia nhập ROTC tôi bắt đầu băn khoăn liệu sự thỏa hiệp của tôi với chính mình có đáng bị chê trách hơn là đi quân dịch hay không, bởi tôi không hề thích thú gì với chính chương trình ROTC, và tất cả những việc tôi làm đều có vẻ như nhằm tránh cho bản thân khỏi nguy hại đến thân thể... sau khi chúng ta đã thỏa thuận và khi ông gửi giấy hoãn dịch 1-D của tôi cho ban tuyển quân trong tôi bắt đầu xuất hiện nỗi day dứt rằng tôi đã đánh mất lòng tự trọng và tự tin". Sau đó tôi còn nói là tôi đã viết thư cho ban tuyển quân vào ngày 12 tháng 12 để yêu cầu được quay lại diện đi quân dịch nhưng đã không gửi thư đi. Tôi không nhắc gì đến việc nhờ Jeff Dvvire thu xếp cho tôi được xếp trở lại loại 1-A cũng như chuyên ban tuyển quân địa phương đã làm như vậy trong lần nhóm họp hồi tháng 10, bởi vì tôi biết Jeff đã cho đại tá biết. Tôi hy vọng "việc kể lại câu chuyện của tôi sẽ giúp ông hiểu rõ hơn rằng đã có biết bao nhiêu người tốt vẫn yêu mến đất nước nhưng không ưa cái quân đội mà ông và những người tốt khác đã dành nhiều năm, và đôi khi là trọn đời, để phụng sự". Lúc ấy tôi suy nghĩ như vậy, tâm trạng của một thanh niên đang thực sự băn khoăn và giằng xé về chiến tranh. Dù gì đi nữa, tôi cũng coi mình có nghĩa vụ tham gia ROTC như đã hứa nếu đại tá Holmes gọi đến tôi. Vì ông ấy không trả lời thư của tôi nên trong một vài tháng tôi không biết ông ấy đã làm gì.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Chín, 2015, 03:33:41 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2015, 02:09:07 am »

        Tháng 3 năm 1970, cùng lúc được tin của Lee Williams đang chờ số quân dịch được rút thăm, tôi nhận được hai cuộn băng của gia đình tôi thực hiện khi David Edwards thăm họ ở Hot Springs. Cuộn băng đầu tiên toàn những cảnh vui vẻ quanh bàn bida nhà tôi, kết thúc bằng cảnh Roger chơi saxophone trong khi King, con chó chăn cừu của gia đình, tru tréo bên cạnh. Cuộn băng thứ hai là lời nhắn của mẹ và Jeff. Mẹ nói rất yêu tôi và khuyên tôi phải nghỉ ngơi hơn nữa. Jeff thông tin thêm về chuyện trong gia đình và nói tiếp:

       "Cha đã gọi cho đại tá mấy hôm trước và đã ghé thăm ông ấy. Ông ấy chúc con khỏe mạnh và hy vọng con sẽ thu xếp thời gian ghé thăm và chào ông ấy nếu con về nhà. Theo ông ấy thì cha không cần phải lo lắng gì thêm về chương trình ROTC, bởi ông ấy hiểu về tình hình chung của những người trẻ tuổi rõ hơn người ta nghĩ."

        Thế là đến tuần thứ hai của tháng 3 năm 1970, tôi đã biết mình không còn nghĩa vụ với chương trình ROTC, nhưng quân dịch thì vẫn còn.

        Hóa ra Lee Williams đã sai. Chiến tranh xuống thang đã làm nhu cầu tân binh đến mức độ số rút thăm của tôi không bao giơ bị gọi. Tôi luôn cảm thấy không phải về việc trốn chạy khỏi những nguy cơ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người thuộc thế hệ của tôi - những người cũng có quyền có tương lai như tôi. Qua thời gian, khi là thống đốc, khi đứng đầu lực lượng Vệ binh quốc gia Arkansas, và đặc biệt khi là tổng thống, càng thấy quân đội Mỹ nhiều hơn, tôi càng ao ước hồi trẻ mình được là một phần của nó, mặc dù tình cảm của tôi về chiến tranh Việt Nam thì vẫn thế.

        Nếu trước đây tôi không đến Georgetown và làm việc cho ủy ban Đối ngoại, có thể tôi đã quyết định khác đi về việc quân dịch. Trong thời chiến tranh Việt Nam, đã có 16 triệu người né quân dịch theo nhiều cách hợp pháp; 8,7 triệu người tự nguyện đăng lính; 2,2 triệu người bị gọi quân dịch; chỉ có 209.000 người bị coi là trốn hoặc chống đối quân dịch, và 8.750 người trong số đó bị kết tội.

        Những người trong chúng tôi đáng lẽ có thể đi Việt Nam nhưng không đi dù sao vẫn bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu chúng tôi có bạn bị tử trận. Tôi luôn quan tâm xem những người từng tránh quân dịch rồi sau đó tham gia chính trị xử lý các vấn đề liên qủan đến quân ngũ và bất đồng quan điểm chính trị như thế nào. Một số người trở nên diều hâu quá cỡ hoặc ái quốc cực đoan, tuyên bố việc họ không đi lính vì lý do cá nhân là chính đáng trong khi vẫn lên án những ai chông đối lại cuộc chiến mà chính họ lẩn tránh. Đến năm 2002, chuyện Việt Nam rõ ràng đã lùi sâu vào góc khuất tâm lý người Mỹ đến mức ở Georgia, nghị sĩ Cộng hòa Saxby Chambliss, người được miễn quân dịch thời chiến tranh Việt Nam, đã có thể đánh bại Thượng nghị sĩ Max Cleland, người mất chân tay ở Việt Nam, bằng cách chất vấn lòng yêu nước cũng như cam kết của ông này đối với an ninh của nước Mỹ.

        Trái hẳn với hành động của những tay diều hâu không ra trận, nỗ lực của nước Mỹ nhằm hoà giải và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam được dẫn dắt bởi những cựu chiến binh Việt Nam đầy công trạng trong quốc hội như Chuck Robb, John McCain, John Kerry, Bob Kerry, Chuck Hagel, và Pete Peterson, những người đã cống hiến hơn mức yêu cầu và không có gì để giấu giếm hay chứng tỏ gì với ai.

        Khi tôi quay lại Oxford vào đầu tháng 10 cho năm học thứ hai tưởng chừng không thể có, hoàn cảnh cuộc đời tôi cũng phức tạp y như ở Arkansas. Tôi không có nơi ở vì cuối mùa hè trước tôi không nghĩ mình sẽ quay lại, và chúng tôi chỉ được bảo đảm chỗ ở trong năm thứ nhất mà thôi. Tôi ở chỗ Rick Steams vài tuần. Trong thời gian này, chúng tôi chuẩn bị và tham gia vận động cho Vietnam Moratorium tại Đại sứ quán Mỹ ở London ngày 15 tháng 10, hưởng ứng sự kiện tương tự được tổ chức tại Mỹ. Tôi cũng giúp tổ chức một buổi thảo luận chính trị tại trường Kinh tế London.

        Cuối cùng tôi tìm được nơi ở cho đến hết thời gian ở Oxford cùng với Strobe Talbott và Frank Aller tại số 46 đường Leckford. Người sống chung với họ đã chuyển đi, và họ muốn tôi cùng đến ở để chia bớt tiền thuê nhà. Chúng tôi trả khoảng 36 bảng Anh một tháng - tức là 86,40 đôla theo tỷ giá 2,4 đôla ăn một bảng. Nơi này đã hơi xuống cấp nhưng với chúng tôi thế là tốt lắm rồi. Ở lầu một có một phòng khách nhỏ và một phòng cho tôi, có kèm bếp và phòng tắm mà bước vào nhà là thấy ngay. Cửa phòng tắm có tấm kính trên có tấm giấy mỏng vẽ chân dung một phụ nữ thời tiền Raphael, làm cho nó trông như loại kính màu có vẽ hình nếu nhìn từ xa. Đó là phần thanh lịch nhất của căn nhà. Phòng ngủ và nơi làm việc của Strobe và Frank ở trên lầu hai và ba. Chúng tôi có một cái sân sau nhỏ có tường bao quanh.

        Không giống tôi, Strobe và Frank đang làm những việc rất nghiêm túc. Frank đang viết luận án tốt nghiệp về cuộc Vạn lỷ Trường chinh trong Nội chiến ở Trung Quốc. Anh ấy đã đến Thụy Sĩ để gặp Edgar Snow, người có cuốn sách nổi tiếng Red Star Over China - Sao đỏ trên Trung Quốc ghi lại những lần gặp Mao và các chiến sĩ cách mạng ở Diên An. Snow đã cho Frank một số ghi chép chưa xuât bản, và rõ ràng là Frank sẽ tạo ra một sản phẩm học thuật rất có giá trị.

        Strobe còn có một dự án to lớn hơn nữa: tự truyện của Nikita Khrushchev. Ở Mỹ, Khrushchev nổi tiếng vì đối đầu với Nixon và Kennedy, nhưng khi Chiến tranh Lạnh tiếp diễn, ông ta trở thành nhà cải cách và là người có cá tính thú vị. Ông ta đã xây dựng hệ thống xe điện ngầm đẹp đẽ của Moscow và vạch trần tội giết người hàng loạt của Stalin. Sau khi các lực lượng bảo thủ chính thống hơn tước bỏ quyền lực của ông và thay bằng Brezhnev và Kosygin, Khrushchev đã bí mật ghi âm hồi ức của mình vào băng, và dàn xếp, theo tôi là qua những người bạn ông ta ở KGB, cho chúng lọt vào tay của Jerry Schecter, lúc đó là trưởng chi nhánh thời báo Time tại Moscow. Strobe nói tiếng Nga lưu loát và mùa hè trước đã làm việc cho báo Time ở Moscow. Anh đã bay đi Copenhagen để gặp Schecter và lấy những cuốn băng. Khi quay về Oxford, anh bắt đầu ghi lại lời của Khrushchev bằng tiếng Nga, dịch lại và biên tập cho rõ ràng.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2015, 02:22:12 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2015, 04:32:29 am »

        Nhiều buổi sáng tôi chuẩn bị đồ ăn cho Strobe và Frank khi hai người bắt đầu làm việc. Tôi là một đầu bếp hơi kém tài. Tôi mang cho họ sản phẩm của "phong cách nấu nướng gia đình Clinton" và theo dõi công việc của họ. Tôi đặc biệt thích nghe Strobe kể lại những câu chuyện của Khrushchev về điện Kremlin. Cuốn sách độc đáo của Strobe, Khrushchev Remembers - Khrushchev nhớ lại đã góp phần đáng kể cho phương Tây hiểu biết thêm về nội vụ và sự căng thẳng của Liên bang Xô Viết, và đem lại hy vọng một ngày nào đó cải tổ nội bộ có thể đem lại nhiều tự do và cởi mở hơn.

        Ngày 15 tháng 11, buổi vận động Moratorium thứ hai, lớn hơn đã được tổ chức, với hơn 500 người tuần hành quanh Quảng trường Grosvenor trước cửa Đại sứ quán Mỹ. Tham gia cùng chúng tôi có cha Richard McSorley, một người Công giáo Dòng Tên ở Georgetown và từ lâu đã rất tích cực trong các phong trào hòa bình. Từng là linh mục tuyên úy trong Thế chiến hai, McSorley đã sống sót qua cuộc hành quân tử thần ở Bataan, và về sau ông rất thân thiết với gia đình Robert Kennedy. Sau buổi biểu tình, chúng tôi đến dự lễ cầu nguyện tại nhà thờ St. Mark gần đại sứ quán. Cha McSorley đọc lời cầu nguyện hòa bình của Thánh Francis xứ Assisi, còn Rick Stearns đọc thơ của John Donne có những dòng cuối nổi tiếng như sau: "Đừng bao giờ thử đi tìm xem chuông nguyện hồn ai; chuông nguyện hồn anh đấy".

        Sau lễ Tạ ơn, tôi và Tom Williamson bay đến Dublin để gặp Hillary Hart và Martha Saxton mà tôi vẫn thường gặp gỡ trong mấy tháng qua. Hơn ba mươi năm sau, Martha nhắc tôi nhớ lại trong chuyến đi đó tôi đã nói rằng cô ấy quá buồn bã không hợp với tôi. Thực ra, lúc đấy, trong lòng tôi đang băn khoăn về Việt Nam nên tôi buồn tẻ quá mức, không hợp với cô ầy cũng như với bất cứ người nào khác. Nhưng mặc dù buồn bã, tôi vẫn yêu mến Ireland và cảm thấy thoải mái khi ở đó. Chỉ vài ngày cuối tuần nhưng tôi đã không thích rời khỏi Ireland.

        Thứ bảy, ngày 6 tháng 12, ba ngày sau khi viết thư cho đại tá Holmes, tôi ở nhà của David Edwards ở London để theo dõi một sự kiện lớn, trận bóng giữa Arkansas và Texas. Cả hai đội đều chưa từng thất bại. Texas đứng đầu, còn Arkansas đứng nhì trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Họ thi đấu để giành ngôi vô địch quốc gia trong trận cuối cùng của mùa giải thường lệ trong năm thứ 100 của bóng bầu dục đại học. Tôi thuê một radio sóng ngắn không đắt lắm nhưng phải đặt cọc 50 bảng, số tiền khá lớn đối với tôi. David chuẩn bị một nồi tương lớn. Chúng tôi mời thêm một vài người bạn, họ nghĩ chúng tôi đã mất trí khi cứ gào thét và la rống theo trận cầu được quảng cáo là trận cầu thế kỷ. Trong vài tiếng đồng hồ, chúng tôi vô tư trở lại, đắm chìm hoàn toàn vào trận đấu.

        Trận cầu và bối cảnh văn hóa và chính trị của nó được Terry Frei ghi lại đầy đủ trong cuốn sách Horns, Hogs and Nixon Coming. Frei ghi chú cuốn sách của mình là Texas đấu với Arkansas ở thành lũy cuối cùng của miền Nam, bởi vì đó là sự kiện thể thao cuối cùng có chỉ toàn các cầu thủ da trắng.

        Vài ngày trước, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Nixon, một fan cuồng nhiệt của bóng bầu dục, sẽ dự khán trận đấu và trao cúp vô địch quốc gia cho đội chiến thắng. Chín thành viên quốc hội sẽ tháp tùng ông, trong đó có cả địch thủ của ông về vấn đề Việt Nam - Thượng nghị sĩ Fulbright, người chơi cho đội Razorback hơn 40 năm trước, và nghị sĩ trẻ người Texas George H.W.Bush. Ngoài ra dự kiến còn có các phụ tá ở Nhà Trắng Henry Kissinger và H.R.Haldeman, cùng Ron Ziegler, thư ký báo chí.

        Arkansas giao bóng trước Texas, vừa giữ bóng vừa gây nhiều nhiêu loạn cho đối phương và ghi điểm sau chưa đầy một phút rưỡi của trận đâu. Vào giờ nghỉ giải lao, lúc Arkansas dẫn 7-0, Tổng thống Nixon trả lời phỏng vấn. Ông ta nói: "Tôi mong được thấy cả hai đội ghi bàn trong hiệp hai. vấn đề là Texas với nhân lực mạnh, và ý tôi là có dàn cầu thủ dự bị mạnh hơn, liệu có thể chiến thắng trong hiệp cuối hay không. Tôi thấy như vậy đó". Trong lần giao bóng đầu tiên của hiệp bốn, khi Arkansas đang dẫn 14-0, thủ quân James Street của Texas làm một cú nước rút 42 bộ đưa bóng qua lằn gôn đối phương ghi điểm chạm bóng cuối sân. Texas được hai điểm hoán chuyển và chỉ bị dẫn 14-8. Trong lần giữ bóng kế tiếp, Arkansas ngay lập tức dẫn bóng xuống khu vực lằn ranh 7 trên phần sân Texas. Với chân sút bóng giỏi nhất nước, lẽ ra Arkansas đã có thể sút bóng ghi bàn đạt điểm 17-8 và buộc Texas phải ghi thêm hãi bàn nữa mới thắng được họ. Nhưng trọng tài yêu cầu chơi chuyền bóng. Bóng chuyền hơi ngắn và bị chặn lại. Khi chỉ còn năm phút, Texas còn thua bốn điểm và còn ba bộ thì đến đường vạch 42 bộ trên sân Arkansas. Thủ quân của Texas chuyền một cú đẹp mắt vào tay đồng đội được bao bọc đang đứng ở vạch 13 bộ của Arkansas. Sau thêm hai lần giao bóng, Texas ghi bàn và vượt lên dẫn điểm, 15-14. Trong lần giao cuối, Arkansas ép bóng xuống cuối sân bằng các đường chuyền ngắn, chủ yếu là nhắm đến tay Bill Burnett, tiền đạo lùi tài năng của họ, anh này chạy rất nhanh trong trận đó. Bill sau này trở thành con rể của đại tá Eugene Holmes. Sau lần giao bóng nghẹt thở, Texas chặn được đường chuyền của Arkansas, giữ được trong 1 phút 20 giây cuối cùng của trận đấu và thắng 15-14.

        Một trận đấu tuyệt vời. Ngay cả mấy cầu thủ Texas cũng nói lẽ ra không có đội nào phải thua. Miệng tôi đắng chát chỉ vì nghe Tổng thống Nixon dự đoán lúc giữa trận rằng Texas có thể thắng ở hiệp thứ tư. Nhiều năm sau, tôi nghĩ tôi vẫn ác cảm với ông ấy về chuyện này cũng y như trong vụ Watergate vậy.

        Sự kiện tôi và David Edwards bỏ công mướn radio sóng ngắn để nghe tường thuật trận đấu không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai lớn lên trong không khí cuồng thể thao ở Mỹ cả. ủng hộ cho đội Razorback là lẽ dĩ nhiên của cư dân Arkansas. Trước khi gia đình tôi có tivi, tôi nghe đài tường thuật tất cả các trận đấu. Ở trường trung học, tôi khuân vác dụng cụ cho ban nhạc của đội chỉ để được vào xem các trận đấu. Ở Georgetown, tôi xem tất cả các trận đấu của Razorback phát trên tivi. Khi chuyển về quê nhà làm giáo sư luật, Bộ trưởng tư pháp và thống đốc, tôi xem gần như tất cả các trận đấu trên sân nhà. Khi Eddie Sutton trở thành huấn luyện viên bóng rổ còn vợ anh là Pasty tham gia tích cực vào cuộc vận động năm 1980 của tôi, thì tôi cũng bắt đầu xem tất cả các trận bóng rổ mà tôi có thể xem. Khi đội Arkansas của huấn luyện viên Nolan Richarson giành chức vô địch NCAA trước Duke năm 1994, tôi có mặt trên khán đài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2015, 03:29:22 am »

        Trong tất cả các trận đấu tôi theo dõi, chỉ có Trận cầu Thế kỷ là có tác động đến cuộc đời chính trị của tôi. Mặc dù trên tivi không chiếu cảnh những người biểu tình phản chiến nhưng họ vẫn có mặt ở đấy. Một người trong số đó leo lên một cành cây cao trên quả đồi nhìn xuống sân. Hôm sau, hình ảnh của anh ta xuất hiện trên các báo tuần và báo ngày của Arkansas. Năm năm sau, năm 1974, ngay trước cuộc bầu cử vào nghị viện đầu tiên của tôi, các nhân viên tham gia vận động cho đối thủ của tôi đã gọi điện cho các báo trong toàn bang để hỏi họ có còn giữ bài báo "có hình của Bill Clinton đang trèo lên cây để biểu tình chống lại Nixon ở trận Arkansas-Texas" hay không. Tin đồn lan nhanh như gió thổi và tôi đã mất đi khá nhiều phiếu bầu. Năm 1978, khi tôi tranh cử thống đốc nhiệm kỳ đầu, một binh sĩ tiểu bang ở miền nam Arkansas đã cam đoan với một số người rằng anh ta chính là người đã kéo tôi xuống khỏi cây vào ngày đó. Năm 1979, năm đầu tiên làm thống đốc, và 10 năm sau trận đấu, khi tôi đang trả lời các câu hỏi tại một trường trung học ở Berryville, cách Fayetteville khoảng một giờ lái xe về phía đông, một sinh viên đã hỏi có đúng là tôi trên cây hôm đó hay không. Tôi hỏi ai đã nghe tin đồn này, một nửa số học sinh và ba phần tư giáo viên giơ tay. Năm 1983, 14 năm sau trận đấu, tôi đến Tontitown, một quận nhỏ phía bắc Fayetteville để trao tặng danh hiệu hoa khôi trong Đại hội Nho hàng năm. Sau khi tôi trao xong, một cô gái 16 tuổi nhìn tôi và nói: "Có thực sự là Ngài đã leo lên cây không mặc quần áo và phản đối Tổng thống Nixon và chiến tranh không?". Khi tôi trả lời không, cô bé nói: "Ô, trời. Đó là một lý do tôi vẫn ủng hộ ngài trong mấy năm qua". Và dù theo lời đồn thổi thì tôi coi như đã không mặc quần áo mà leo lên cây, người ta vẫn cứ chăm chăm vào chuyện ấy. ơn Chúa, không lâu sau đó, một tuần báo cấp tiến tự do ở Fayetteville, The Grapevine, cuối cùng đã cho câu chuyện khùng điên này vào quên lãng bằng một bài viết về người biểu tình thực sự, có kèm theo hình ảnh của anh ta đang ở trên cây. Tác giả bài báo cũng viết rằng khi Thống đốc Clinton còn trẻ, ông ấy là người "ra dáng con nhà", đâu có hành động mạo hiểm như thế.

        Trận đấu từ xa xưa đó là một cơ hội để tôi thưởng thức môn thể thao mình ưa thích và cảm thấy như ở gần nhà hơn. Tôi mới bắt đầu đọc You Can't Go Home Again - Bạn không thể về nhà được nữa của Thomas Wolfe và lo sợ tôi có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy. Và tôi cũng sắp đi xa nhà hơn bất cứ lúc nào khác, và theo nhiều cách.

        Cuối tuần đầu của tháng 12, trong kỳ nghỉ đông dài, tôi bắt đầu chuyến đi 40 ngày từ Amsterdam qua cậc nước vùng Scandinavie đến nước Nga, sau đó quay lại Oxford qua Prague và Munich. Đó là chuyến đi dài nhất trong đời tôi.

        Tôi đến Amsterdam với người bạn họa sĩ Aimée Gautier. Đường phố chìm trong ánh đèn Noel và đầy những cửa hàng hấp dẫn. Khu đèn đỏ nổi tiếng thấp thoáng các cô gái điếm hợp pháp ngồi trưng bày bên cửa sổ. Aimée đùa vui hỏi tôi có muốn vào một trong số các cửa tiệm ấy chơi hay không, nhưng tôi từ chối.

        Chúng tôi đi tham quan các nhà thờ chính, xem tranh Van Gogh ở bảo tàng thành phố, tranh của Vermeer và Rembrandt ở bảo tàng Rijksmuseum. Đến giờ đóng cửa, người ta bắt chúng tôi rời khỏi chôn cổ kính tuyệt vời này. Tôi đến phòng treo quần áo lấy áo khoác. Chỉ có một người đứng xếp hàng chờ lấy áo. Khi người ấy quay lại, tôi nhận ra đó chính là Rudolf Nureyev. Chúng tôi trao đổi vài lời và anh ấy mời tôi đi uổng trà. Tôi biết Aimée sẽ rất thích, nhưng ngay ngoài cửa ra vào, một người đàn ông đẹp trai, cau có đang bồn chồn bước tới bước lui, rõ ràng là đang đợi Nureyev, vì thế tôi từ chối. Nhiều năm sau, khi làm Thống đốc, tôi nhận ra mình ở cùng khách sạn với Nureyev ở Đài Bắc, Đài Loan. Cuối cùng chúng tôi cũng có dịp uống trà với nhau vào một đêm muộn khi cả hai đã hoàn tất những nghĩa vụ cao cả của mình. Rõ ràng anh ấy không nhớ gì về cuộc gặp gỡ đầu tiên.

        Từ Amsterdam, Aimée về nhà nên tôi tạm biệt cô ấy và lên tàu đi Copenhagen, Oslo và Stockholm. Ở biên giới giữa Na Uy và Thụy Điển, suýt chút nữa tôi bị kẹt lại giữa nơi đồng không mông quạnh.

        Ở một ga xép, những người gác tàu kiểm tra hành lý của hành khách trẻ tuổi để tìm ma túy. Trong túi của tôi, họ tìm thấy rất nhiều viên Contac mà tôi mang sang cho bạn ở Moscow. Contac là loại thuốc khầ mới và vì một vài lý do nào đó chưa được đưa vào danh sách thuốc được chính phủ Thụy Điển công nhận. Tôi cố gắng giải thích rằng thuốc này chỉ để trị cảm lạnh, được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc của Mỹ và không hề gây nghiện. Người gác tàu đã tịch thu số thuốc Contac, nhưng ít ra tôi không vì tội buôn ma túy mà bị quẳng ra ngoài trời tuyết hoang vắng, để có thể trở thành một bức tượng bằng đá, được gìn giữ tuyệt hảo không tan đến tận mùa xuân năm sau.

        Sau vài ngày ở Stockholm, tôi đi phà đêm đến Helsinki. Đêm đã rất khuya, tôi ngồi một mình bên bàn trong khu vực nhà ăn, vừa đọc sách vừa uống cà phê thì có ẩu đả ở quầy bar. Hai người đàn ông say rượu đánh nhau vì một cô gái đứng gần bên. Cả hai đều không biết thủ thân nhưng lại có thể đấm vào mặt đối phương. Được một lúc cả hai bắt đầu máu me nhoe nhoét. Một trong hai người thuộc thủy thủ đoàn, hai hay ba người bạn anh ta cũng ở đó nhưng chỉ đứng nhìn. Cuối cùng tôi không thể chịu được nữa. Tôi đứng dậy tiến về phía họ định can ngăn trước khi cả hai đánh nhau bị thương nặng. Khi tôi còn cách họ khoảng vài mét, một thủy thủ đoàn bước ra chặn tôi lại và nói: "Anh không thể ngăn họ được. Nếu anh vào, cả hai sẽ quay sang đánh anh đấy. Và chúng tôi sẽ giúp họ". Khi tôi hỏi tại sao, anh ta chỉ mỉm cười và trả lời: "Chúng tôi là người Phần Lan". Tôi nhún vai, quay người, nhặt cuốn sách và về đi ngủ, thấm thìa bài học mới về sự khác biệt văn hóa. Tôi cá rằng chẳng ai giành được cô gái đó.

        Tôi đăng ký nhận phòng tại một khách sạn nhỏ và bắt đầu tham quan thành phố cùng với bạn học ở Georgetown là Richard Shullaw, có cha là phó đại sứ Mỹ ở đó.
Ngày giáng sinh, giáng sinh đầu tiên xa nhà, tôi đi bộ ra vịnh Helsinki. Băng rất dày, và tuyết đủ để chơi xe trượt. Giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tôi nhìn thây một căn nhà gỗ cách bờ vài mét, và một lỗ nhỏ bên cạnh. Đâ'y là một nhà tắm hơi, và một lúc sau có một người đàn ông mặc áo tắm bước ra. Ông ta đi thẳng đến hố băng và bước dìm người xuống làn nước giá lạnh. Sau vài phút, ông ta bước ra và đi ngược vào nhà tắm hơi, và cứ thế lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ ông này còn điên khùng hơn hai người ở quán bar. về sau tôi rất thích tắm hơi sauna, nhưng dù có ngày càng yêu mến Phần Lan trong những chuyến đến thăm sau đó, tôi cũng không thể nào ngâm mình trong làn nước đóng băng được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2015, 01:19:21 am »

        Vào đêm giao thừa, tôi lên tàu đi Moscow có chặng dừng đổi tàu ở ga Phần Lan của Leningrad. Đó cũng là lộ trình của Lenin năm 1917 khi ông trở về nước Nga để lãnh đạo cách mạng. Tôi nhớ vì đã đọc trong cuốn To the Finland Station - Đến ga Phần Lan tuyệt hay của Edmund Wilson. Khi chúng tôi đến biên giới Nga, một ga vắng vẻ nữa, thì tôi được gặp người cộng sản đầu tiên bằng xương bằng thịt trong đời, một anh lính gác tàu trông to lớn dềnh dàng. Khi anh ta nhòm ngó túi của tôi, tôi nghĩ anh ta đang kiểm tra xem có ma túy hay không. Nhưng anh ta lại hỏi bằng giọng tiếng Anh nặng trịch: "Có sách đồi trụy không? Sách đồi trụy ấy? Có cuốn nào không?". Tôi bật cười và mở túi đựng sách, đổ ra một đống sách bìa mỏng của nhà xuất bản Penguin của các tác giả Tolstoy, Dostoevsky và Turgenev. Anh ta thất vọng thấy rõ. Tôi đoán anh ta đang mong chờ kiếm được món hàng gì đấy để giải khuây trong những đêm dài vùng biên giới cô đơn này.

        Tàu hỏa của Xô Viết có nhiều khoang rộng rãi. Mỗi toa có một ấm samovar khổng lồ đựng đầy trà nóng dùng kèm với bánh mì đen do một phụ nữ lớn tuổi phục vụ. Cùng khoang với tôi là một người' thú vị từng là huấn luyện viên cho đội quyền anh Estonia trong Olympics 1936, ba năm trước khi Liên bang Xô Viết thu phục các quốc gia vùng Baltic. Chúng tôi nói được chút ít tiếng Đức đủ để hiểu nhau. Anh ta là một người sống động, và nói với tôi về niềm tin tuyệt đối rằng một ngày nào đó Estonia sẽ lại được tự do. Năm 2002, khi đến thăm Tallinn, thủ đô cũ xinh đẹp của Estonia để nói chuyện, tôi đã kể câu chuyện này cho các cử tọa. Bạn tôi, cựu tổng thống Lennart Meri cũng tham dự và đã tìm kiếm giùm tôi. Tên người đàn ông đó là Peter Matsov. Ông ấy đã chết năm 1980. Tôi thường nghĩ về ông ta và chuyến tàu đêm giao thừa năm đó. Tôi ước sao ông ấy sống thêm một thập kỷ nữa để chứng kiến ước mơ của mình thành hiện thực.

        Gần nửa đêm và cũng gần đến bình minh của thập kỷ mới thì chúng tôi đến Leningrad. Tôi bước ra và đi bộ vài phút, nhưng tôi chỉ thấy cảnh sát đang kéo mấy người vui chơi quá chén khỏi đường phố trong cơn bão tuyết. Phải mất gần 30 năm sau tôi mới có dịp thăm thú những danh thắng của thành phố này. Lúc đó những người cộng sản đã ra đi và tên cũ của thành phố được khôi phục, St.Petesburg.

        Buổi sáng năm mới 1970, tôi bắt đầu chuỗi năm ngày tuyệt vời. Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi Moscow bằng cách tìm sách hướng dẫn du lịch và một tấm bản đồ thành phố bằng tiếng Anh vì tôi không thể đọc được các mẫu tự tiếng Nga gốc Xlavơ.

        Tôi đăng ký phòng ở khách sạn Quốc gia, gần Quảng trường Đỏ. Ở đây sảnh đợi có trần cao, phòng tiện nghi và nhà ăn cùng quán bar đàng hoàng.

        Người duy nhất tôi biết ở Moscow là Nikki Alexis, người đã tặng tôi hai tấm thiệp dễ thương về tình bạn mà tôi rất thích lúc tôi phải rời Oxford về nhà mùa hè năm ngoái. Đó là một phụ nữ thú vị, sinh ở Martinique thuộc Tây Ấn, sống ở Paris vì cha cô làm ở ngoại giao đoàn tại đó. Nikki đang học trường đại học Lumumba, mang tên nhà lãnh đạo người Congo bị ám sát năm 1961 mà rõ ràng là có bàn tay của CIA Hoa Kỳ. Hầu hết sinh viên là con nhà nghèo đến từ các nước nghèo. Rõ ràng người Xô Viết hy vọng rằng sau khi được đào tạo, họ sẽ quay về nhà và tạo ra những thay đổi.

        Một đêm, tôi đón xe buýt đến trường Đại học Lumumba để ăn tôi với Nikki và một vài người bạn của cô. Một trong số đó là Helene, người Haiti, có chồng đang học ở Paris. Họ có một con gái đang sống cùng với ba. Họ không có tiền để đi lại và đã không gặp nhau trong gần hai năm. Vài ngày sau khi tôi rời Moscow, Helene đã tặng tôi một cái mũ lông đặc trưng của Nga. Cái mũ không đắt lắm nhưng cô ấy không có tiền. Tôi hỏi cô có chắc là cô muôn tặng tôi hay không. Cô trả lời: "Có chứ. Anh đã rất tử tế với tôi và làm cho tôi có hy vọng". Năm 1994, lúc làm tổng thống, tôi quyết định thay thế nhà độc tài quân sự, tướng Raoul Cedras, bằng tổng thống được bầu một cách dân chủ là Jean-Bertrand Aristide, lần đầu tiên sau nhiều năm tôi nghĩ đến người phụ nữ đó và tự hỏi không biết cô có trở lại Haiti hay không.

        Đến khoảng nửa đêm tôi đi xe buýt về khách sạn. Chỉ có một người ở đó. Anh ta tên Oleg Rakito và nói tiếng Anh còn hay hơn tôi. Anh ta hỏi tôi rất nhiều và cho biết anh ta đang làm cho chính phủ, gần như thú nhận rằng anh được phân công theo dõi tôi. Anh ta nói muốn tiếp tục trò chuyện vào bữa sáng hôm sau. Khi chúng tôi cùng ăn thịt nguội và trứng thì anh ta nói sáng nào anh ta cũng đọc báo Time và Newsweek và rất yêu thích ngôi sao nhạc pop người Anh Tom Jones và đã ghi âm rất nhiều bài hát của thần tượng. Nếu Oleg tính moi thông tin vì tôi đã được kiểm tra an ninh đủ để làm việc cho Thượng nghị sĩ Fulbright, thì anh ta đã không moi được gì cả. Nhưng tôi nhận thấy ở anh ta cơn khát khao thông tin thực sự về thế giới bên ngoài của một thanh niên đằng sau Bức màn sắt. Điều này đã canh cánh trong lòng tôi cho đến tận khi vào Nhà Trắng.

        Oleg không phải là người Nga thân thiện duy nhất tôi gặp. Chính sách giảm căng thẳng giữa các quốc gia của Tổng thống Nixon đã có nhiều kết quả đáng chú ý. Vài tháng trước, tivi Nga đã chiếu người Mỹ đi bộ trên mặt trăng. Người ta vẫn còn háo hức về chuyện này và có vẻ bị hấp dẫn trước tất cả thứ gì liên quan đến nước Mỹ. Họ ghen tỵ với tự do của chúng tôi và nghĩ chúng tôi ai cũng giàu có. Tôi đoán, nếu so với hầu hết trong số họ thì đúng là chúng tôi giàu có thật. Bất cứ khi nào tôi đi tàu điện ngầm cũng có người đến gần và tự hào nói: "Tôi nói được tiếng Anh! Chào mừng anh đã đến Moscow". Một đêm tôi cùng ăn tối với một vài nhân viên khách sạn, một tài xế taxi và em gái anh ta. Cô gái đã uống khá nhiều và quyết định sẽ ở lại với tôi. Anh trai cô ta phải kéo em mình ra ngoài trời tuyết và tống vào taxi. Tôi không bao giờ biết được anh ta sợ nếu em gái mình đi với tôi thì sẽ bị KGB sờ gáy hay vì anh ta nghĩ tôi không xứng với cô em gái.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2015, 01:29:29 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2015, 04:11:22 am »

        Cuộc phiêu lưu thú vị nhất của tôi ở Moscow bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ tình cờ trong thang máy khách sạn. Khi tôi bước vào đã có bốn người. Một người đeo huy hiệu Câu lạc bộ Virginia Lions. Rõ ràng anh ta nghĩ tôi là người ngoại quốc vì tóc và râu tôi khá dài, lại đi giày ống và mặc áo khoác hải quân Anh. Anh ta gầm gừ: "Anh quê ở đâu?". Tôi mỉm cười và trả lời: "Arkansas", anh ta đáp lại: "Ơ, thế mà tôi nghĩ anh ở Đan Mạch hay đại loại thế". Người đàn ông đó tên Charlie Daniels, ở Norton, Virginia, quê hương của Francis Gary Powers, viên phi công U-2 bị bắn hạ và bị bắt ở Nga năm 1960. Anh ta đang đi cùng Carl McAfee, luật sư ở Norton lo thủ tục để thả Powers, và một chủ trang trại nuôi gà ở bang Washington tên Henry Fors có con trai bị bắn rơi ở Việt Nam. Họ đi suốt quãng đường dài đến Moscow chỉ để hỏi xem những người Bắc Việt Nam đang ở đó có thể trả lời con của ông chủ trại còn sống hay đã chết. Người thứ tư từ Paris tới, và cũng giống như mấy người Virginia, là thành viên của câu lạc bộ Lions. Ông này đi theo đoàn vì phái đoàn Bắc Việt nói tiếng Pháp. Họ đến Moscow mà không có gì bảo đảm rằng người Nga sẽ cho phép họ nói chuyện với những người Việt Nam, hoặc nếu có nói chuyện được thì liệu có hỏi được thông tin nào hay không. Không ai trong số họ nói tiếng Nga. Họ hỏi tôi có biết ai có thể giúp họ không. Bạn cũ Nikki Alexis của tôi học tiếng Anh, Pháp và Nga tại Đại học Patrice Lumumba. Tôi giới thiệu cô cho họ, và họ cùng nhau chạy vạy, tìm kiếm trong vài ngày, hỏi đại sứ quán Mỹ, nhờ người Nga giúp đỡ, và cuối cùng đã gặp được phái đoàn Bắc Việt Nam - những người rõ ràng rất ấn tượng vì ông Fors và các bạn đã hết sức cô gắng để được biết về số phận của con trai mình và một vài người nữa mất tích trong khi chiến đấu. Họ nói họ sẽ kiểm tra và liên lạc lại. Vài tuần sau, Henry Fors được tin con trai ông đã chết khi máy bay của anh bị bắn hạ. ít ra ông còn cảm thấy thanh thản đôi chút. Tôi nhớ đến Henry Fors» khi tôi làm việc để giải quyết về các trường hợp POW/MIA (tù binh và binh sĩ mất tích - ND) lúc làm Tổng thống và giúp Việt Nam tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với hơn 300.000 người con của họ vẫn đang mất tích.

        Ngày 6 tháng 1, Nikki và cồ bạn người Haiti Helene tiễn tôi lên tàu đi Prague, một trong những thành phố cổ đẹp nhất châu Âu, vân đang rên xiết trong sự đàn áp của Liên Xô đối với phong trào cải cách Mùa xuân Prague của Alexander Dubcek hồi tháng 8 năm 1968. Tôi được mời ở lại nhà của cha mẹ của Jan Kopold, một người bạn cùng chơi bóng rổ với tôi ở Oxford. Gia đình Kopold rất thú vị, lịch sử gia đình họ gắn bó với lịch sử của nước Tiệp Khắc hiện đại. Cha của bà Kopold là tổng biên tập tờ báo cộng sản Rude Pravo, ông đã chết khi chiến đấu với bọn phát xít trong Thế chiến hai, và tên ông được đặt cho một cây cầu ở Prague. Cả hai ông bà Kopold đều là trí thức và từng ủng hộ nhiệt tình cho Dubcek. Mẹ của bà Kopold cùng sống với họ. Ban ngày khi hai ông bà Kopold đi làm, bà đưa tôi đi chơi. Họ sống trong một căn hộ dễ thương trong một tòa nhà cao tầng với tầm nhìn toàn cảnh thành phố rất đẹp. Tôi ngủ lại trong phòng của Jan và háo hức đến mức trong đêm tôi thức dậy ba bốn lần để ra ngắm cảnh.

        Gia đình nhà Kopold, cũng như những người Tiệp khác mà tôi gặp, đều tin tưởng rồi họ sẽ có cơ hội tự do. Họ là những người xứng đáng được hưởng điều đó như bất cứ ai trên trái đất này. Họ thông minh, tự hào và quyết tâm. Những người Tiệp trẻ tuổi tôi gặp đều rất ủng hộ Mỹ. Họ ủng hộ chính phủ tôi về vấn đề Việt Nam bởi vì họ tin chúng tôi ủng hộ tự do và người Nga Xô thì không. Một lần, ông Kopold đã nói với tôi: "Kể cả người Nga cũng không thể nào muôn đời bất chấp quy luật phát triển của lịch sử". Rõ ràng họ không thể làm như vậy. Hai mươi năm sau, cuộc Cách mạng Nhung hòa bình của Václav Havel đã thực hiện lời hứa của Mùa xuân Prague.

        Mười tháng sau khi chia tay gia đình Kopold về lại Oxford, tôi nhận được thông báo của họ, viết trên tờ giấy trắng viền đen: "Chúng tôi rất đau buồn thông báo cho các bạn của con trai chúng tôi rằng vào ngày 29 tháng 1 tại bệnh viện trường đại học ở Smyrna, Thổ Nhĩ Kỳ, Jan Kopold đã qua đời ở tuổi 23... Đã từ lâu ước mơ cháy bỏng của Jan là được thăm viếng di tích văn hóa Hy Lạp. Jan đã ngã xuống từ trên cao cách Troy không xa và đã không qua khỏi do chấn thương quá nặng". Tôi rất thích Jan với nụ cười lúc nào cũng trên môi và một trí óc thông tuệ. Khi tôi biết anh là lúc anh đang bị giày vò giữa tình yêu đất nước Tiệp Khắc với tình yêu tự do. Tôi ước sao anh ấy còn sống để được vui hưởng cả hai.

        Sau sáu ngày ở Prague, tôi dừng ở Munich để dự Faschingsfest (lễ hội tống tiễn mùa Đông ở Đức và các nước lân cận - ND) với Rudy Lowe, rồi về lại Anh, trong lòng có niềm tin mới vào nước Mỹ và nền dân chủ. Với tất cả những khiếm khuyết của nó, tôi phát hiện đất nước tôi vẫn là ngọn đèn dẫn đường cho nhiều người dang sốt ruột sống trong chế độ cộng sản. Thật trớ trêu là khi tôi tranh cử tổng thống năm 1992, đảng Cộng hòa cố gắng dùng chuyến đi này làm bằng chứng chống lại tôi, họ nói tôi giao du với những người cộng sản ở Moscow.

        Sang học kỳ mới, tôi quay lại những buổi học nhóm về chính trị, bao gồm các nghiên cứu về sự liên quan giữa lý thuyết khoa học với việc lập kế hoạch chiến lược; vấn đề biến một quân đội động viên thành một đạo quân ái quốc, từ thời Napoleon cho đến Việt Nam; và các khó khăn mà Trung Quốc và Nga gây ra cho chính sách của Mỹ. Tôi đọc Herman Kahn về khả năng chiến tranh hạt nhân, các mức độ hủy diệt khác nhau, và các hành vi sau cuộc tấn công. Cuốn sách đó có vẻ viễn tưởng và không thuyết phục chút nào. Tôi ghi vào nhật ký rằng "những gì xảy ra sau khi bắt đầu khai pháo có thể sẽ không theo bất cứ hình mẫu của hệ thống khoa học hay của các nhà phân tích nào".

        Trong khi tôi phải chịu đựng thêm một mùa đông âm u ở Anh thì thư từ lẫn thiệp từ nhà tràn đến. Bạn bè tôi đi làm, kết hôn, tiếp tục cuộc sống thường nhật. Việc họ trở về trạng thái bình thường có vẻ thật tốt đẹp sau tất cả những day dứt mà tôi cảm thấy về Việt Nam.

        Tháng 3 và mùa xuân đến làm cho mọi việc sáng sủa đôi chút. Tôi đọc Hemingway, dự các buổi học nhóm và nói chuyện với bạn bè, trong đó có một người bạn mới rất thú vị. Mandy Merck đến học ở Oxford từ trường Reed ở Oregon. Cô là người cực kỳ năng động và rất thông minh, phụ nữ Mỹ duy nhất tôi gặp ở Oxford có phần lấn lướt hơn các nữ sinh viên Anh ở Oxford về khoản nói chuyện nhanh và trôi chảy. Cô cũng là người phụ nữ đầu tiên không giấu mình là đồng tính mà tôi biết. Tháng 3 đó là tháng mở mắt cho những hiểu biết của tôi về đồng tính. Paul Parish cũng kết bạn với tôi, và lúc nào cũng sợ bị gắn mác là kẻ hạ đẳng. Anh phải chịu đựng trong một thời gian dài. Bây giờ anh ấy đang ở San Francisco, và theo lời anh thì đang rất "yên ổn và hợp pháp". Mandy Merck ở lại Anh và trở thành phóng viên và người đấu tranh cho quyền của giới đồng tính. Vào thời đó, những lời chọc ghẹo của cô đã làm rạng rỡ những ngày mùa xuân của tôi.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2015, 04:19:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2015, 04:37:23 am »

        Một đêm, Rick Stearns đã làm tôi choáng váng khi nói tôi không thích hợp với chính trị. Anh nói cả tôi và Huey Long đều có phong cách chính trị miền Nam rất tuyệt, nhưng Long là thiên tài về chính trị, anh ấy hiểu cách giành được và sử dụng quyền lực. Rick nói khả năng của tôi thiên về văn chương hơn, rằng tôi nên làm nhà văn bởi vì tôi viết tốt hơn nói, và bên cạnh đó, tôi không cứng rắn đủ để làm chính trị. Suốt nhiều năm sau này nhiều người cũng nghĩ như vậy. Dù sao Rick cũng gần đúng. Tôi chưa bao giờ say mê quyền lực chỉ vì quyền lực, nhưng bất cứ khi nào bị đối phương tấn công, tôi đều thường tập trung cứng rắn đủ để sống sót. Ngoài ra, tôi không nghĩ mình có thể làm được việc gì khác tốt như vậy.

        Đầu năm 1970, sau khi nhận được cuộn băng của Jeff Dwire ghi âm lại cuộc nói chuyện của ông với đại tá Holmes và số bốc thăm quân dịch khá cao, tôi biết tôi đã thoát khỏi ROTC và không phải đi quân dịch ít nhất là đến cuối năm. Nếu không được gọi, tôi lại bị giằng xé giữa việc quay lại Oxford học tiếp năm thứ ba do học bổng Rhodes tài trợ, hoặc về trường Luật Yale nếu tôi được chấp nhận.

        Tôi rất thích Oxford, có thể còn quá thích là đằng khác. Tôi lo sợ nếu quay lại học tiếp năm thứ ba, tôi có thể rơi vào cuộc sống hàn lâm thoải mái nhưng không mục đích mà cuối cùng có thể làm cho tôi thất vọng. Xét đến những cảm xúc của tôi về chiến tranh, tôi không chắc mình có thể thành công trong nghiệp chính trị hay không, nhưng tôi thích về nhà, về Mỹ và thử thời vận xem sao.

        Tháng 4, trong kỳ nghỉ giữa học kỳ ba và tư, tôi thực hiện chuyến du hành cuối - đến Tây Ban Nha, cùng với Rick Stearns. Tôi đã đọc về Tây Ban Nha rất nhiều và hoàn toàn bị mê hoặc, nhờ cuốn Man's Hope - Hy vọng của con ngứời của André Malraux, Homage to Catalonia - Tiêng nhớ Catalonia của George Orwell, và siêu phẩm The Spanish Civil War - Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha của Hugh Thomas. Malraux tìm hiểu vấn nạn mà chiến tranh đã đặt ra cho giới trí thức, nhiều người trong số này bị cuốn vào cuộc chiến chống Franco. Ông nói các trí thức muốn tách bạch rõ ràng, muốn biết chính xác anh ta chiến đấu cho cái gì và phải chiến đấu như thế nào, một thái độ tự thân nó là phản Manichean (thuyết giáo tách bạch trắng đen, phải trái - ND), nhưng đã là chiến binh tự thân, anh ta là Manichean. Để giết chóc và sống sót, anh ta phải nhìn mọi vật rõ ràng trắng đen, tốt xấu. Nhiều năm sau, tôi nhận ra điều tương tự trong chính trị khi nhóm cực hữu chiếm lĩnh đảng Cộng hòa và quốc hội. Chính trị đối với họ chỉ là một cuộc chiến tranh với hình thức khác. Họ cần có kẻ thù và tôi chính là quỷ dữ theo niềm tin Manichean của họ.

        Tôi không bao giờ chế ngự được sức cuốn hút lãng mạn của Tây Ban Nha, mạch đập thô ráp của xứ ấy, tinh thần thô mộc của người dân, những ký ức ám ảnh về cuộc Nội chiến thất bại, bảo tàng Prado, vẻ đẹp của Alhambra. Khi làm tổng thống, tôi cùng Hillary trở thành bạn của vua Juan Carlos và nữ hoàng Sofia. Trong chuyến công du cuối cùng đến Tây Ban Nha, Juan Carlos vẫn nhớ tôi đã từng nói với ông về niềm hoài cổ của tôi đối với Granada, ông đã đưa tôi cùng Hillary đến đó. Sau 30 năm, tôi lại dạo bước qua Alhambra, trong một nước,Tây Ban Nha dân chủ và thoát khỏi chế độ Franco mà công của ông ấy không nhỏ.

        Cuối tháng 4, tôi quay lại Oxford, mẹ gọi và báo tin mẹ của David Leopoulos là Evelyn đã bị giết, bị đâm bốn nhát vào tim trong tiệm bán đồ cổ của bà. Vụ án ấy không bao giờ được giải quyết. Lúc đó tôi đang đọc Leviathan của Thomas Hobbes và tôi nhớ mình đã nghĩ ông ta có thể đã nói đúng rằng cuộc đời "thật tội nghiệp, kinh tởm, man rợ và ngắn ngủi". Vài tuần sau, David đến thăm tôi khi đang trên đường quay lại quân ngũ ở Ý, và tôi đã cố gắng an ủi anh. Mất mát của anh cuối cùng đã khích lệ tôi kết thúc truyện ngắn viết về một năm rưỡi cuối cùng và cái chết của bố dượng tôi. Truyện ấy được bạn bè nhận xét là hay, khiến tôi viết vào nhật ký: "Có thể tôi sẽ viết văn thay vì làm phải người gác cửa khi sự nghiệp chính trị của tôi gặp trắc trở". Thỉnh thoảng tôi vẫn tưởng tượng mình là người gác cửa khách sạn Plaza ở New York, phía nam của Công viên Central. Người gác cửa ở Plaza mặc đồng phục đẹp và gặp nhiều người thú vị từ khắp nơi trên thế giới. Tôi còn tưởng tượng minh sẽ gom được những khoản tiền boa hậu hĩnh của khách nghĩ răng, bất chấp giọng miền Nam của tôi hơi khác thường, tôi nói chuyên có duyên.

        Cuối tháng 5, tôi được trường Yale nhận và tôi quyết định đến đó. Tôi nhanh chóng kết thúc các buổi học nhóm về khái niệm đối lập, thủ tướng Anh, và lý thuyết chính trị thích Locke hơn Hobbes. Ngày 5 tháng 6, tôi diễn thuyết lần cuối cùng trước sinh viên tốt nghiệp trung học quân sự Mỹ. Tôi ngồi trên khán đài với các ông tướng tá, .và trong bài phát biểu của mình tôi nói tại sao tôi yêu nước Mỹ, kính trọng quân đội và chống lại cuộc chiến ở Việt Nam. Học sinh rất thích thú, và tôi nghĩ các quân nhân cũng đánh giá cao cách tôi thể hiện.

        Ngày 26 tháng 6, tôi đáp máy bay đi New York, sau những cuộc chia tay đầy xúc động, đặc biệt là với Frank Aller, Paul Parish và David Edwards, lần này là chia tay thật. Thế là kết thúc hai năm đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi. Quãng thời gian bắt đầu từ đêm trước cuộc bầu cử của Nixon và kết thúc khi ban nhạc Beatles tuyên bố tan vỡ và phát hành bộ phim cuối cùng của họ cho các fan yêu mến và đang rầu rĩ. Tôi đã đi du lịch rất nhiều và tôi rất thích. Tôi cũng phiêu lưu đến những góc xa xôi của tâm hồn và trái tim mình, vật lộn với tình cảnh đi quân dịch, sự mơ hồ nước đôi của hoài bão, và khả năng kém cỏi đến mức không có gì ngoài những mối quan hệ ngắn ngủi với phụ nữ. Tôi chưa có bằng cấp, nhưng tôi đã học được rất nhiều. "Con đường dài và ngoằn ngoèo" (tên một bài hát của Beatles - ND) của tôi đã dẫn tôi về nhà, và tôi hy vọng, như Beatles hát trong bài "Hey Jude", ít ra tôi có thể "đem một bài hát buồn và làm cho nó hay hơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2015, 03:59:14 am »

 
        17

        Vào tháng 7, tôi đến làm việc ở Washington cho Dự án Pursestrings, một dự án vận động hành lang của công dân ủng hộ chánh án McGovern - Hatfield đòi cắt giảm chi phí cho cuộc chiến Việt Nam trước năm 1971. Cơ hội để tu chánh án được thông qua là không có, nhưng chiến dịch này tạo ra phương tiện huy động và nêu bật sự chống đối chiến tranh ngày càng tăng trong cả hai đảng.

        Mùa hè đó tôi ở tại một phòng trong nhà của Dick và Helen Dudman. Họ sống trong một căn nhà cổ hai tầng lớn có hàng hiên rộng ở tây bắc Washington. Dick là một nhà báo thành đạt. Cả ông ấy và Helen đều chống chiến tranh và ủng hộ đám thanh niên đang cố gắng chấm dứt cuộc chiến. Họ đối đãi tôi thật tuyệt vời. Một sáng nọ họ mời tôi ăn sáng ở hiên trước nhà với người bạn và hàng xóm họ là Thượng nghị sĩ Gene McCarthy. Ông ta lúc này đang ở năm cuối nhiệm kỳ trong thượng viện, và từ hồi 1968 đã tuyên bố là sẽ không ra tái ứng cử. Sáng hôm đó ông ấy trong một tâm trạng cởi và thoải mái, phân tích cặn kẽ các sự kiện thời sự và cho thấy một chút buồn hoài cổ khi sắp phải rời thượng viện. Tôi thích McCarthy hơn mong đợi, đặc biệt là sau khi ông cho tôi mượn đôi giày để đi dự buổi tiệc Báo chí Phụ nữ trang trọng, mà tôi nhớ không lầm là hai ông bà Dudman dàn xếp để tôi được mời. Tổng thống Nixon có đến và bắt tay nhiều người nhưng không có tôi. Tôi được xếp ngồi cùng bàn với Clark Clifford, người theo Tổng thống Truman từ Missouri đến Washington và làm phụ tá thân cận rồi bộ trưởng quốc phòng cho Tổng thống Johnson trong năm cuối nhiệm kỳ. Nói về Việt Nam, Clifford khô khan nói: "Đó là một trong những nơi kinh khủng nhất trên thế giới để dính líu đến". Bữa tiệc là một cơ hội ngẩng đầu cho tôi, đặc biệt là khi chân tôi gắn chặt xuống đất nhờ đôi giày của Gene McCarthy.

        Không lâu sau khi tôi bắt đầu làm cho dự án Pursestrings, tôi nghỉ một kỳ cuối tuần dài và lái xe đến Springfield, Massachusetts, để dự đám cưới bạn cùng phòng ở Georgetown của tôi, trung úy thủy quân lục chiến Kit Ashby.

        Trên đường quay lại Washington, tôi ghé Mũi Cod thăm Tommy Caplan và Jim Moore, hai người cũng đi dự đám cưới Kit. Buổi tối, chúng tôi đến thăm Carolyn Yeldell, mùa hè đó đang biểu diễn ở Mũi Cod cùng với một nhóm nghệ sĩ trẻ. Chúng tôi thật vui, nhưng tôi nán lại lâu quá. Khi tôi lên đường đi tiếp, tôi mệt muốn chết. Chưa kịp ra khỏi Massachusetts, trên đường xa lộ liên bang, một chiếc xe chạy ra khỏi chỗ dừng nghỉ ngay trước mặt tôi. Lái xe không trông thấy tôi, và tôi cũng không trông thây anh ta trước khi quá muộn. Tôi cố lượn né, nhưng vẫn đâm mạnh vào phần sau bên trái xe anh ta. Người đàn ông và phụ nữ trên xe có vẻ choáng váng nhưng không hề hấn gì. Tôi cũng không sao, nhưng chiếc Volkswagen Bug xinh xinh mà Jeff Dwire đưa để tôi lái trong mùa hè thì hư hại nặng. Khi cảnh sát tới, tôi gặp rắc rối to. Tôi đã để lạc mất bằng lái khi chuyển từ Anh về nhà và không thể chứng minh tôi lái xe hợp lệ. Hồi đó chưa có hệ thống lưu trữ thông tin vi tính hóa về những thứ như vậy, nên tôi phải chờ đến sáng hôm sau mới được xác minh. Viên sĩ quan bảo rằng ông ấy phải tạm giữ tôi. Lúc chúng tôi đến nơi đã khoảng năm giờ sáng. Họ lấy hết đồ đạc cá nhân và lấy luôn thắt lưng để tôi khỏi treo cổ, cho tôi một tách cà phê, và tông tôi vào một xà lim, trong đó có một cái giường kim loại, một cái mền, toilet thì bốc mùi còn đèn thì cứ sáng mãi. Sau vài giờ ngủ chập chờn, tôi gọi cho Tommy Caplan nhờ giúp. Cậu ấy và Jim Moore đến tòa cùng với tôi và đóng tiền bảo lãnh. Ông thẩm phán thân thiện nhưng khiển trách tôi vì không đem theo bằng lái. Lời trách mắng ấy có kết quả: sau đêm nằm khám ấy, tôi không bao giờ quên bằng lái xe nữa.

        Hai tuần sau chuyến đi Massachusetts, tôi quay về Connecticut New England một tuần để làm việc cho Joe Duffey trong cuộc bầu cử sơ bộ tranh ghế trong thượng viện của đảng Dân chủ. Duffey ra ứng cử với tư cách ứng viên ủng hộ hoà bình, được ủng hộ chủ yếu bởi chính những người hai năm trước đã ủng hộ Gene McCarthy Thượng nghị sĩ Dân chủ đương chức là Tom Dodd, một nhân vật lão làng trong chính trị ở Connecticut. Ông từng truy tố bọn Quốc xã ở Tòa án xét xử tội ác chiến tranh Nuremberg và có thành tích hoạt động tiến bộ, nhưng ông gặp hai rắc rối. Thứ nhất, ông từng bị thượng viện khiển trách vì dùng quỹ được quyên cho ông với tư cách dân biểu vào mục đích cá nhân. Thứ hai, ông từng ủng hộ Tổng thống Johnson về vấn đề Việt Nam, và cử tri trong bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ thì nhiều khả năng đa phần sẽ chống đối chiến tranh. Dodd đau đớn và giận dữ trước sự khiển trách của thượng viện, và không dễ dàng chịu nhường ghế. Thay vì phải đối đầu với một cử tri đoàn thù địch trong cuộc bầu cử sơ bộ, ông đăng ký tranh cử với tư cách ứng viên độc lập trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11. Joe Duffey là giáo sư đạo đức học cho Cơ sở Chủng viện Hartford, và là chủ tịch hội Những người Mỹ cho Hành động Dân chủ có xu hướng tự do. Dù ông là con trai của một thợ mỏ than quê ở tây Virginia, các ủng hộ viên mạnh mẽ nhất của ông lại là những người cấp tiến có học, khá giả và phản chiến ở các khu ngoại ô, cũng như những thanh niên bị cuốn hút bởi thành tích của ông trong vấn đề dân quyền và hoà bình. Đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông là Paul Newman, làm việc rất cật lực. ủy ban tài chính của ông ấy có nhiếp ảnh gia Margaret Bourke-White, họa sĩ Alexander Calder, họa sĩ biếm họa của tờ New Yorker Dana Fradon, và một loạt các cây viết và sử gia ưu tú như Francine du Plessix Gray, John Hersey, Arthur Miller, Vance Packard, William Shirer, William Styron, Bar¬bara Tuchman, và Thornton Wilder. Tên của họ nhìn rất ân tượng trong bảng danh sách của chiến dịch, nhưng có lẽ họ sẽ không gây an tượng gì nhiều lắm trong giới cử tri lao động.

        Trong khoảng từ 29 tháng 7 đến 5 tháng 8, tôi được giao tổ chức vận động ở Bethel và Trumbull, hai thành phố trong quận Nghị viện thứ năm. Cả hai nơi đều đầy những căn nhà gỗ màu trắng cổ với hàng hiên lớn và có lịch sử từ xưa vẫn còn ghi lại trong các sổ bộ đăng ký tại địa phương. Ở Bethel, chúng tôi dành ngày đầu để đặt điện thoại và tổ chức vận động qua điện thoại, sau đó đích thân đưa tài liệu đến tận nơi cho các cử tri còn đang phân vân. Các tình nguyện viên làm việc ở văn phòng đến tận khuya, và tôi chắc Duffey sẽ đạt được số phiếu tối đa có thể. Trumbull không tổ chức tổng hành dinh hoạt động đầy đủ; các tình nguyên viên gọi điện cho một số cử tri, một số khác thì đến gặp. Tôi khuyên họ nên mở cửa văn phòng vận động từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối, từ thứ hai đến thứ bảy, đồng thời làm theo kiểu vận động ở Bethel để đảm bảo các cử tri có thể vận động được có hai đầu mối liên lạc. Tôi cũng xem xét lại hoạt động ở hai thị trấn khác vốn không trơn tru bằng và đề nghị tổng hành dinh tiểu bang ít nhất cũng phải đảm bảo có đủ danh sách cử tri và đủ chuẩn bị để thực hiện vận động qua điện thoại.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2015, 04:09:51 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2015, 06:40:14 am »

        Tôi thích công việc này và gặp nhiều người sau này sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời tôi. Trong số có John Podesta, sau này làm việc xuất sắc trong Nhà Trắng với vai trò thư ký nhân sự, phó chánh văn phòng, rồi chánh văn phòng; Susan Thomases, người mà khi tôi ở New York đã cho tôi ngủ trên ghế sofa trong căn hộ ở đại lộ Park mà nay cô ấy vẫn đang ở, và cũng là một trong những bạn thân và cố vấn tin cẩn nhất của tôi và Hillary.

        Khi Joe Duffey thắng cuộc bầu cử sơ bộ, tôi được giao điều phối vận động ở quận Nghị viện thứ ba cho cuộc tổng tuyển cử. Thành phố lớn nhất trong khu vực này là New Haven, nơi tôi học luật, và Milford, nơi sau này tôi sẽ chuyển đến ở. Đi làm như vậy nghĩa là tôi phải bỏ học nhiều cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc vào đầu tháng 11, nhưng tôi nghĩ mình có thể qua được nhờ mượn tập chép bài và học cật lực vào cuối học kỳ.

        Tôi yêu mến New Haven, cái nôi không khí chính trị đa chủng tộc kiểu cũ và các nhà hoạt động sinh viên. Thị trấn East Haven bên cạnh chủ yếu là dân gốc Ý, trong khi thị trấn Orange gần đó lại đa phần là dân gốc Ireland. Các thị trấn cách xa New Haven có vẻ giàu có hơn với lằn ranh chủng tộc cũng không rõ rệt bằng. Hai thị trấn ở rìa phía đông của quận là Guilford và Madison đặc biệt đẹp và cổ kính. Tôi dành nhiều thời gian lái xe đến các thị trấn trong khu vực, đảm bảo sao cho người của chúng tôi có kế hoạch vận động tốt và nhận được đầy đủ hỗ trợ cũng như các tài liệu từ tổng hành dinh trung tâm. Chiếc Volkswagen của tôi bị hư trong vụ đụng xe ở Massachusetts, nên tôi lái chiếc Opel màu rỉ sắt, dù sao cũng phù hợp hơn để chuyên chở tài liệu vận động. Tôi rong ruổi khá nhiều với chiếc xe đó.

        Vào những lúc công việc vận động cho phép, tôi đi học các lớp về luật hiến pháp, hợp đồng, nguyên tắc và vi phạm dân sự. Lớp học thú vị nhất là Luật hiến pháp của thầy Robert Bork, người sau này được chỉ định làm việc cho Tòa phúc thẩm quận Columbia, và năm 1987 được Tổng thống Reagan đề cử vào Tòa án tối cao. Thầy Bork cực kỳ bảo thủ trong triết lý luật pháp, hăng hái bảo vệ quan điểm của mình nhưng vẫn công bằng với những sinh viên nào bất đồng quan điểm. Trong một lần trao đổi đáng nhớ của tôi với thầy, tôi chỉ ra rằng lập luận của thầy về vấn đề đang được thảo luận là vòng tròn. Thầy đáp: "Tất nhiên rồi. Mọi luận điểm hay đều thế cả".

        Sau cuộc bầu cử sơ bộ, tôi cố hết sức để chiêu dụ các ủng hộ viên của các ứng viên khác về cho chiến dịch của Duffey, nhưng thật khó. Tôi thường trà trộn vào các khu vực dân lao động đa chủng tộc và cố lên tiếng thuyết phục, nhưng có thể thấy rõ là tôi đang húc đầu vào đá. Quá nhiều người da trắng thuộc phe Dân chủ cho rằng Joe Duffey, người mà Phó tổng thống Agnew từng gọi là "tên xét lại Mác xít", quá cực đoan, quá gần gũi với đám hippy nghiện hút, phản chiến. Nhiều người Dân chủ cũng quay lại chống chiến tranh, nhưng họ lại không thấy thoải mái đồng hành với những người chống chiến tranh trước họ. Chiến dịch giành sự ủng hộ của họ càng phức tạp khi Thượng nghị sĩ Dodd ra tranh cử như ứng viên độc lập, nên những người phe Dân chủ bất mãn vẫn còn nơi để dồn sự ủng hộ. Joe Duffey tổ chức chiến dịch khá tốt, tập trung tâm lực và truyền cảm hứng cho thanh niên trên khắp nước, nhưng ông thất bại dưới tay ứng viên Cộng hòa, Hạ nghị sĩ Lowell Weicker, một tay chơi sau này rời đảng Cộng hòa và làm thống đốc Connecticut với tư cách nhân vật độc lập. Weicker đạt chưa đầy 42% số phiếu, đủ để đánh bại Duffey. Duffey được dưới 34%, còn Thượng nghị sĩ Dodd được gần 25%. Chúng tôi bị thua trong các thành phố mang tính thuần chủng tộc như East Haven và West Haven.

        Tôi không biết nếu Dodd không ra tái cử thì Duffey liệu có thắng nổi không, nhưng tôi chắc chắn là đảng Dân chủ sẽ dần biến thành phe thiểu số nếu chúng tôi không tìm cách chiếm lại những cử tri đã bỏ phiếu cho Dodd. Sau cuộc bầu cử tôi nói chuyện ấy hàng giờ với Anne Wexler, người thực hiện xuất sắc vai trò quản lý chiến dịch vận động. Bà ấy là một chính khách tuyệt vời và quan hệ tốt với nhiều loại người, nhưng vào năm 1970 phần lớn cử tri không quan tâm đến thông điệp cũng không để ý nhiều đến người mang thông điệp. Anne trở thành một người bạn và cố vấn tốt cho tôi trong nhiều năm về sau. Sau khi bà ấy và Joe Duffey lấy nhau, tôi vẫn giữ liên lạc với họ. Khi tôi vào Nhà Trắng, tôi chỉ định ông ấy điều hành Cơ quan thông tin Hoa Kỳ, quản lý Đài tiếng nói Hoa Kỳ - nơi ông mang thông điệp của nước Mỹ đến một thế giới sẵn lòng đón nhận ông hơn là cử tri đoàn Connecticut vào năm 1970. Tôi nghĩ về nó như chiến dịch cuối cùng của Joe, và lần này ông đã chiến thắng.

        Điểm sáng nhất vào tháng 11 năm 1970, việc một thống đốc Dân chủ trẻ tuổi trúng cử ở Arkansas, đó là Dale Bumpers. Ông ấy dễ dàng đánh bại cựu thống đốc Faubus trong cuộc bầu cử sơ bộ và thắng lớn trước Thống đốc Rockefeller trong cuộc tổng tuyển cử. Bumpers là cựu thủy quân lục chiến và là một luật sư tại tòa xuất sắc. Ông ấy hài hước và có thể nói cho kiến bò ra khỏi lỗ. Ông còn là một người tiến bộ chân chính từng dẫn dắt thị trấn quê nhà Charleston ở miền tây bảo thủ của Arkansas trong tiến trình mở cửa trường cho học sinh đa chủng tộc một cách êm ái, ngược hoàn toàn với sự hỗn độn ở Little Rock. Hai năm sau ông tái cử với chênh lệch lớn, và hai năm sau nữa ông trở thành một trong hai thượng nghị sĩ của tiểu bang chúng tôi. Bumpers chứng tỏ rằng quyền năng của người lãnh đạo nhằm nâng đỡ và đoàn kết dân chúng cho sự nghiệp chung có thể vượt qua những chia rẽ chính trị cổ lỗ của miền Nam. Đó là điều tôi muốn làm. Tôi đã không nề hà ủng hộ những ứng viên hầu như cầm chắc thất bại khi chúng tôi đấu tranh cho dân quyền hoặc chống chiến tranh. Nhưng không sớm thì muộn, muộn thay đổi được sự việc thì ta phải chiến thắng. Tôi đến học ở trường Luật Yale để hiểu thêm về chính sách. Và trong trường hợp những hoài bão chính trị của tôi không thành, tôi muốn có một nghề nghiệp mà không bao giờ bị buộc phải về hưu.

        Sau cuộc bầu cử, tôi quay về yên ổn với cuộc sống ở trường luật, gạo bài để thi cử, quen biết với vài bạn bè sinh viên khác, vui vầy với căn nhà và ba người bạn cùng nhà. Doug Eakeley, bạn học bổng Rhodes của tôi ở Univ, tìm được một căn nhà xưa tuyệt hảo tại Long Island Sound ở Milford. Căn nhà này có bốn phòng ngủ, một cái bếp khá rộng rãi, và một hàng hiên có mái che lớn mở ngay ra bãi biển. Bãi biển thật hoàn hảo cho các bữa nấu ăn ngoài trời, và khi triều rút, chúng tôi có đủ chỗ để chơi bóng đá. Nhược điểm duy nhất của căn nhà là nó là nhà nghỉ hè, không có bao bọc chống lại gió buốt mùa đông. Nhưng chúng tôi còn trẻ và cũng quen được với chuyện đó. Tôi vẫn còn nhớ rõ một ngày mùa đông sau bầu cử tôi quấn chăn ngồi ở hiên và đọc cuốn The Sound and the Fury - Âm thanh và cuồng nộ của William Faulknér.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2015, 06:48:34 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM