Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:03:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193455 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2015, 01:44:21 am »

        Vào mùa hè năm đầu trung học, tôi dự chương trình thường niên của tổ chức American Legion Boys State tại trại Robinson, một trại quân đội cũ có đủ doanh trại bằng gỗ thô sơ cho một ngàn thiếu niên 16 tuổi. Chúng tôi tổ chức theo thành phố và hạt, chia đều thành hai chính đảng, và đề cử các ứng viên cũng như cử tri để sinh hoạt chính trị cấp địa phương, hạt và tiểu bang. Chúng tôi cũng thành lập các diễn đàn và bỏ phiếu về nhiều vấn đề. Chúng tôi nghe phát biểu của các nhân vật quan trọng, từ thống đốc trở xuống, và được ở một ngày trong tòa nhà quốc hội tiểu bang, dịp mà các thống đốc, nhân viên hành pháp và các nhà lập pháp trong tổ chức Boys State được thực sự vào các văn phòng làm việc của chính quyền và quốc hội tiểu bang.

        Cuối tuần đó, hai đảng đề cử ra hai ứng viên để đi dự chương trình toàn liên bang Boys Nation, được tổ chức vào cuối tháng 7 tại Đại học Maryland ở College Park, gần thủ đô. Một cuộc bầu cử được tổ chức, và hai ứng viên được nhiều phiếu nhất sẽ đi dự với tư cách là các Thượng nghị sĩ của Arkansas. Tôi là một trong hai người đó.

        Tôi đến trại Robinson với mong muốn ứng cử chức Thượng nghị sĩ để đi dự đại hội liên bang Boys Nation. Dù chức vụ đáng giá nhất vân là thống đốc, nhưng khi ấy tôi lại không quan tâm mấy, và nhiều năm sau cũng chưa muốn làm thống đốc thật ngoài đời. Tôi nghĩ Washington mới là nơi có nhiều hoạt động thực sự về dân quyền, xóa nghèo, giáo dục và đối ngoại. Ngoài ra, đằng nào tôi cũng không thể trúng chức thống đốc được, vì chức này đã - theo cách nói của Arkansas - bị "luộc" từ trước khi bầu cử rồi. Người bạn thuở xa xưa của tôi ở Hope, Mack McLarty, chắc chắn sẽ ẵm chức đó. Vừa là chủ tịch ban đại diện học sinh ở trường, ngôi sao bóng đá, vừa là học sinh toàn điểm A, anh ấy đã tìm kiếm sự ủng hộ trên khắp tiểu bang từ vài tuần trước đấy. Đảng của chúng tôi đề cử Larry Taunton, người phát ngôn viên truyền thanh với giọng nói êm ái tuyệt vời tràn đầy sự trung thực và tự tin, nhưng McLarty vẫn được nhiều phiếu hơn và thắng cử. Chúng tôi đều biết chắc anh ấy là người đầu tiên trạc tuổi mình trở thành thống đốc, suy nghĩ này được khẳng định bốn năm sau đó khi anh ấy được bầu làm chủ tịch hội sinh viên Đại học Arkansas, và lại được tái khẳng định một năm sau nữa khi anh trở thành thành viên lập pháp tiểu bang trẻ nhất khi mới 22 tuổi. Không lâu sau, Mack lúc ấy đang cùng buôn bán xe Ford với cha mình, đã nghĩ ra một phương thức cho thuê xe tải Ford táo bạo vào thời ấy và kiếm được bộn tiền cho mình và cho công ty Ford Motor. Anh ấy bỏ nghiệp chính trị để chuyển sang kinh doanh, lên đến chức chủ tịch Công ty khí đốt Arkansas - Louisiana, công ty khí đốt lớn nhất của chúng tôi. Nhưng anh ấy vẫn tích cực tham gia chính trị, cho nhiều người phe Dân chủ ở Arkansas "mượn" những kỹ năng lãnh đạo và gây quỹ của mình, trong số đó đặc biệt là David Pryor và tôi. Anh ấy sát cánh với tôi cho đến khi tôi vào Nhà Trắng, đầu tiên là làm trưởng ban tham mưu, và sau đó với vai trò đặc sứ châu Mỹ. Hiện nay anh ấy là đồng sự của Henry Kissinger trong một công ty tư vấn, và ngoài nhiều thứ khác ra còn sở hữu 12 cơ sở bán xe hơi ở Sao Paulo, Brazil.

        Dù thua cuộc khi ra tranh chức thống đốc, Larry Taunton được một giải thưởng an ủi lớn: ngoài McLarty thì anh ấy là ứng viên duy nhất tên tuổi được công nhận 100 phần trăm, và ăn chắc một trong hai suất đi dự Boys Nation; anh ấy chỉ cần đăng ký ứng cử vào suất đó. Nhưng có một chút rắc rối. Larry là một trong hai "ngôi sao" trong đoàn thành phố của anh ấy. Người kia là Bill Rainer, một vận động viên đa năng đẹp trai, sáng láng. Cả hai đều đến đại hội Boys State với thỏa thuận là Taunton thì ứng cử thống đốc, Rainer thì chạy đua để đi dự Boys Nation. Bây giờ, dù cả hai đều có quyền tranh suất đi Boys Nation nhưng không đời nào hai người cùng thành phố đều được bầu. Ngoài ra, cả hai đều thuộc đảng tôi, mà tôi đã vận động rất tích cực trong cả tuần. Theo một bức thư tôi viết cho mẹ trong thời điểm đó thì tôi đã thắng trong các cuộc bỏ phiếu bầu người thu thuế, bí thư đẳng, thẩm phán thành phố, và tôi đang tranh chức thẩm phán hạt, một chức vụ quan trọng trong đời thật ở Arkansas.

        Vào phút cuối, không lâu trước khi đảng của tôi họp lại để nghe các bài diễn thuyết tranh cử của chúng tôi, Taunton đăng ký ứng cử. Bill Rainer choáng váng đến mức anh ấy hầu như không thể hoàn tất được bài thuyết trình của mình. Tôi vẫn còn giữ một bản bài diễn thuyết của tôi, vốn chẳng có gì đáng kể, ngoại trừ đoạn nói về sự cố ở trường Trung học Little Rock: "Chúng ta lớn lên ở một tiểu bang bị tràn ngập bởi sự hổ thẹn về một cuộc khủng hoảng mà nó không muốn có". Tôi không đồng tình với việc làm của Faubus, và tôi muốn các bạn ở bang khác nghĩ tốt hơn về Arkansas. Khi kiểm phiếu, Taunton đứng đầu và bỏ khá xa. Tôi đứng thứ nhì cũng với kha khá phiếu. Billy về thứ ba nhưng bị bỏ xa. Tôi bắt đầu thực sự thích Billy, và không bao giờ quên anh ấy đã chấp nhận thất bại một cách đàng hoàng như thế nào.

        Năm 1992, khi Bill sông ở Connecticut, anh ấy liên hệ với ban vận động tranh cử của tôi và nói muốn ra giúp. Tình bạn của chúng tôi, nảy nở từ nỗi đau thất vọng thời trẻ, một lần nữa được hồi sinh.

        Sau một ngày vận động nữa, Larry Taunton và tôi đánh bại các đối thủ của đảng kia và tôi đến College Park vào ngày 19 tháng 7 năm 1963, hăm hở mong gặp các đại biểu khác, bỏ phiếu về những vấn đề quan trọng, học hỏi từ các thành viên nội các và chính phủ, và mong được thăm Nhà Trắng, nơi chúng tôi hy vọng được gặp tổng thống.

        Một tuần trôi qua mau, mỗi ngày đều đầy ắp các sự kiện và các phiên họp lập pháp. Tôi nhớ mình đặc biệt bị ấn tượng bởi Bộ trưởng Lao động Willard Wirtz và say mê tranh luận về các vấn đề dân quyền. Nhiều bạn khác tại đại hội theo đảng Cộng hòa và là ủng hộ viên của Barry Goldwater, người mà các bạn ấy mong đánh bại Tổng thống Kennedy vào năm 1964, nhưng cũng có nhiều người có quan điểm tiến bộ trong các vấn đề dân quyền, trong đó có bốn đứa chúng tôi từ miền Nam, đủ để các kiến nghị lập pháp của chúng tôi được thông qua.

        Chính vì sự thân thiết của tôi với Bill Rainer và quan điểm phóng khoáng hơn về dân quyền của mình mà tôi phải chịu căng thẳng với Larry Taunton trong suốt tuần ở Boys Nation. Tôi cũng mừng là sau này khi đã thành tổng thống, tôi gặp lại Larry Taunton đã lớn và các con anh ấy. Anh ấy có vẻ như là một người tốt và có một cuộc sống tốt.

        Vào thứ hai, 22 tháng 7, chúng tôi thăm điện Capitol, chụp ảnh trên bậc thềm điện, và gặp các thượng nghị sĩ của tiểu bang chúng tôi. Larry và tôi ăn trưa với J. William Fulbright, chủ tịch ủy ban Đối ngoại, và John McClellan, chủ tịch ủy ban Ngân sách. Quy chế thâm niên1 vẫn còn đó, và không bang nào lại được lợi từ nó hơn Arkansas. Thêm nữa, cả bốn dân biểu của chúng tôi đều giữ các vị trí quan trọng: Wilbur Mills là chủ tịch ủy ban Ngân sách hạ viện; Oren Harris là chủ tịch ủy ban Thương mại "Took" Gathings, ủy viên cao cấp của ủy ban Nông nghiệp, và Jim Trimble, người làm việc ở quốc hội "mới chỉ" từ năm 1945, là thành viên của ủy ban Rules đầy quyền lực, ủy ban này kiểm soát lượng dự luật được đưa vào chương trình làm việc của hạ viện. Tôi thì không hề ngờ được rằng chỉ trong vòng ba năm sau tôi sẽ làm việc cho ông Fulbright với tư cách nhân viên của ủy ban Đối ngoại. Vài ngày sau bữa ăn trưa đó, mẹ nhận được thư của Thượng nghị sĩ Fulbright nói rằng ông rất thích bữa ăn trưa và rằng bà phải tự hào về tôi. Tôi vẫn còn giữ bức thư, kỷ niệm lần đầu tiên đụng chạm đến công việc tham mưu tốt.

-----------------
1. Quy chế ở quốc hội Mỹ, theo đó, ai từng phục vụ trong ủy ban nào thì được Ưu tiên cử vào ủy ban đó ở nhiệm kỳ sau, nếu tái đắc cử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2015, 02:58:22 am »

        Ngày thứ tư, 24 tháng 7, chúng tôi đến Nhà Trắng để gặp tổng thống ở Vườn hồng. Tổng thống Kennedy từ Phòng Bầu dục bước ra trong ánh nắng và phát biểu vài câu ngắn gọn, khen ngợi nỗ lực của chúng tôi, đặc biệt là sự ủng hộ của chúng tôi với dân quyền, và đánh giá chúng tôi cao hơn các thống đốc bang, vốn không có thái đô tích cực như chúng tôi trong cuộc họp mùa hè hàng năm mới diễn ra. Sau khi nhận một áo thun Boys Nation, Kennedy bước xuống bâc thang và bắt tay với đại biểu. Tôi ở hàng đầu và càng ngày càng trở thành ủng hộ viên nồng nhiệt của ông hơn phần lớn các bạn khác. Tôi tìm cách được bắt tay ông ngay cả khi ông chỉ bắt tay vài ba người. Đó là một thời khắc kỳ diệu đối với tôi, được gặp vị tổng thống mà tôi đã ủng hộ từ hồi lớp chín trong các buổi tranh luận trong lớp, và là người mà tôi ngày càng mến mộ sau hai năm rưỡi ông nắm quyền. Một người bạn chụp ảnh cho tôi, và sau này chúng tôi tìm thấy có cả đoạn phim quay cảnh bắt tay này trong Thư viện Kennedy.

        Người ta đã nói rất nhiều về buổi tiếp xúc đấy và ảnh hưởng của nó đối với cuộc đời tôi. Mẹ tôi nói rằng bà biết ngay khi tôi về nhà, rằng tôi đã quyết theo nghiệp chính trị, và sau khi tôi trở thành ứng viên tổng thống năm 1992, đoạn phim đấy được coi như khởi đầu của ước vọng làm tổng thống của tôi. Tôi thì không chắc lắm về điều này. Tôi còn giữ một bản sao bài nói của tôi trước phân hội American Legion ở Hot Springs sau khi trở về, và trong đó tôi không nói gì nhiều đến cái bắt tay. Chắc là lúc bấy giờ tôi chỉ muốn trở thành thượng nghị sĩ, nhưng sâu thẳm bên trong tôi cảm thấy giống như Abraham Lincoln hồi trẻ khi ông ấy viết "Tôi sẽ học tập và sẵn sàng, và có thể cơ hội của tôi sẽ tới".

        Tôi cũng có một vài thành công chính trị thời trung học, được bầu làm lớp trưởng năm đầu, và muốn tranh chức chủ tịch ban đại diện học sinh, nhưng ban xét duyệt phụ trách trường tôi quyết định học sinh Hot Springs không được phép ôm đồm quá nhiều hoạt động và ra một số quy định hạn chế. Theo các quy định mới này, vì tôi là một nhạc công chính trong ban nhạc, tôi không được tranh chức lớp trưởng hoặc chủ tịch ban đại diện học sinh. Phil Jamison - đội trưởng đội bóng đá và một ứng viên có thể chiến thắng - cũng bị như vậy.

        Không được tranh chức chủ tịch ban đại diện học sinh không làm tôi hay Phil Jamison buồn rầu gì lắm. Phil sau này đi học Học viện Hải quân, và sau khi rời quân chủng thì làm một công việc quan trọng cho Lầu năm góc về các vân đề kiểm soát vũ khí. Khi tôi làm tổng thống, anh ấy có tham gia trong các công việc của chúng tôi với nước Nga, và tình bạn giữa chúng tôi giúp tôi biết rõ công việc từ cấp thừa hành, mà nếu không có anh ấy tôi đã chẳng thể biết được.

        Trong một động thái chính trị khờ dại trong đời mình, tôi đã để tên mình được đưa vào danh sách ứng cử cho chức thư ký của lớp cuối trung học - một người bạn tôi vốn giận dữ trước quy định hạn chế mới đã đưa tên tôi vào. Bạn hàng xóm của tôi Carolyn Yeldell dễ dàng đánh bại tôi. Tôi đã làm một điều thật ngớ ngẩn và ích kỷ, và chứng tỏ bằng thực tế một trong những nguyên tắc chính trị của mình: đừng bao giờ tranh cử vào một chức vụ mà bạn không thực sự muốn và cũng chẳng có lý do nào hợp lý để nắm giữ.

        Nhưng bất chấp những trục trặc đó, vào một lúc nào đấy ở tuổi 16 tôi quyết định muốn trở thành người của công chúng với tư cách là một viên chức dân cử. Tôi mê âm nhạc và nghĩ tôi có thể cũng sẽ tiến thân được, nhưng tôi biết mình sẽ không bao giờ trở thành John Coltrane hay Stan Getz được. Tôi quan tâm đến ngành y và nghĩ mình cũng có thể trở thành bác sĩ khá, nhưng tôi biết mình sẽ không thể giỏi như Michael De Bakey. Nhưng tôi biết tôi sẽ rất giỏi nếu tham gia phục vụ công chúng. Tôi bị lôi cuốn bởi con người, chính trị và các chính sách, và cho rằng mình có thể thành công mà không nhờ vào gia đình giàu có hay quyền thế gì, cũng không cần phải nhờ vào các ưu thế của miền nam về chủng tộc hay các vấn đề khác. Tất nhiên như thế đâu có dễ dàng gì, nhưng đây là nước Mỹ mà?
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tám, 2015, 03:03:52 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2015, 02:27:10 am »

   
        08


        Một sự kiện đáng nhớ khác xảy đến trong mùa hè năm 1963. Vào ngày 28 tháng 8, chỉ chín ngày trước khi tròn 17 tuổi, tôi nằm một mình trên ghế tựa trong phòng và được nghe bài diễn văn vĩ đại nhất trong cuộc đời mình. Bài diễn văn về giấc mơ cho nước Mỹ của Martin Luther King Jr. trước đài tưởng niệm Lin­coln. Trong ngữ điệu nhịp nhàng như những bài dân ca của người da đen, giọng của ông như bùng lên, nói với đám đông và hàng triệu người giống tôi đang dán mắt trước truyền hình về giấc mơ mà "một ngày kia, trên những ngọn đồi ở Georgia, những đứa con của những người nô lệ và những đứa con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của tình anh em" và rằng "...Bốn đứa con tôi tới một ngày sẽ được sống trong đất nước mà ở đó giá trị của chúng được đánh giá bởi chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải bằng màu da".

        Sau 40 năm, rất khó để diễn tả lại những cảm xúc và hi vọng mà King đã truyền cho tôi, cũng khó diễn tả ý nghĩa của bài diễn văn đối với một dân tộc còn chưa có Đạo luật dân quyền, chưa có Đạo luật quyền bỏ phiếu, chưa có luật nhà cửa và cũng chưa có Thurgood Marshall (thẩm phán người da đen đầu tiên của Tòa án tối cao liên bang Mỹ - ND) ở Tòa án tối cao. Cũng khó có thể kể hết được ý nghĩa đối với miền Nam nước Mỹ, nơi phần lớn các trường học vẫn phân cách học sinh theo màu da, thuế bầu cử được áp dụng để ngăn không cho người da đen tham gia bầu cử hoặc gom họ lại thành nhóm bỏ phiếu cho một số đông nguyên trạng, và từ "mọi đen" vẫn thường được những người được coi là biết điều sử dụng.

        Tôi đã khóc khi nghe bài diễn văn và còn khóc một lúc sau khi tiến sĩ King nói xong. Ông đã nói lên tất cả những gì tôi tin một cách cực kỳ rõ ràng hơn là tôi có thể tự nói ra. Hơn hết thảy những gì cho tôi đã trải qua, có lẽ chỉ trừ những kinh nghiệm sống với ông tôi, bài diễn văn đó đã hun đúc quyết tâm rằng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể trong đời để biến giấc mơ của Martin Luther King trở thành hiện thực.

        Một vài tuần sau, tôi bắt đầu học năm cuối ở trường trung học, vẫn còn cảm giác sung sướng sau khi được chọn dự Boys Nation, và quyết tận hưởng năm cuối cùng tuổi thơ của mình.

        Môn học khó nhất đối với tôi thời trung học là giải tích. Lúc đó lớp giải tích của tôi chỉ có bảy người và môn này chưa từng được dạy tại trường. Tôi còn nhớ rõ hai sự kiện. Một lần thầy Coe trả bài kiểm tra cho tôi, tôi làm đúng hết nhưng số điểm thầy chấm lại cho thấy tôi sai một câu. Tôi hỏi và thầy Coe nói rằng tôi chọn cách giải không đúng và chắc chắn là tình cờ mà có kết quả đúng, nên thầy không cho tôi điểm của câu đó; trong sách giải có thêm vài bước so với cách giải của tôi. Thiên tài về toán trong lớp tôi là Jim McDougal (không phải là anh chàng trong vụ Whitewater) xem qua cách giải của tôi. Sau đấy cậu nói với thầy Coe là nên cho tôi điểm câu đó vì cách giải của tôi hợp lệ và thậm chí còn tốt hơn cách trong sách vì cách của tôi ngắn hơn. Cậu ta tình nguyện lên bảng trình bày về quan điểm của mình. Cũng giống chúng tôi, thầy Coe rất nể bộ óc của Jim nên chấp thuận. Jim lên bảng và viết đầy hai bảng những ký hiệu toán học và phân tích vì sao bài giải của tôi tốt hơn sách. Thật không tin được. Tôi luôn thích giải quyết những câu đố hóc búa, đến giờ cũng vậy, nhưng tôi chỉ ngẫu nhiên giải ra cách này. Tôi chẳng hiểu gì những gì Jim nói và cũng không chắc là thầy Coe có hiểu không. Tuy vậy màn trình bày xuất sắc của Jim cũng giúp cho tôi có điểm. Sự kiện đó dạy tôi hai điều: thứ nhất, trong giải quyết vấn đề, đôi khi bản năng tốt sẽ giúp khắc phục khiếm khuyết về trí tuệ; thứ hai, tôi không nên theo đuổi học thêm về toán một chút nào nữa.

        Lớp tôi học vào tiết tư, sau bữa trưa. Ngày 22 tháng 11, thầy Coe được gọi lên văn phòng. Khi trở lại, mặt thầy trắng bệch và hầu như không nói lên lời. Thầy báo cho cả lớp biết là Tổng thống Kennedy vừa bị bắn và có thể là đã chết ở Dallas. Tôi thật sự phát hoảng. Chỉ mới bốn tháng trước tôi còn được gặp tổng thống khỏe mạnh và đầy sức sống ở vườn hồng. Biết bao điều ông nói và làm - bài diễn văn nhậm chức ấn tượng, việc thành lập Liên minh vì tiến bộ ở châu Mỹ Latinh, cách xử lý bình tĩnh cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, tổ chức Thiện nguyên Hòa bình, và những lời phát biểu gây kinh ngạc trong bài nói "Tôi là người Berlin" (bài nói của Tổng thống Kennedy ở tây Berlin khi ông nói bằng tiếng Đức "Ich bin ein Berliner" - ND) rằng "Tự do luôn đối mặt với nhiều khó khăn và nền dân chủ có thể chưa hoàn hảo, nhưng chúng ta chưa bao giờ phải xây tường để quây người dân của chúng ta lại" - tất cả những điều đó đã nuôi nấng hy vọng của tôi về đất nước và gây dựng niềm tin của tôi đối với chính trị.

        Sau giờ học, toàn thể học sinh trong khu vực lớp tôi đều đến tòa nhà chính. Chúng tôi đều rất buồn, trừ một người. Tôi nghe loáng thoáng thấy một cô nàng xinh xắn chơi cùng ban nhạc với tôi nói rằng tổng thống chết đi có khi lại là điều hay cho đất nước. Tôi biết gia đình cô ấy bảo thủ hơn tôi, nhưng tôi quả là choáng váng và giận dữ khi một người tôi coi là bạn lại nói điều như vậy. Ngoài thói phân biệt chủng tộc thô bạo ra, đó là lần đầu tiên tôi được thấy kiểu hận thù mà sau này tôi còn chứng kiến rất nhiều trong sự nghiệp chính trị của mình, và cũng là kiểu hận thù đã tạo nên một phong trào chính trị đầy quyền lực trong 25 năm cuối của thế kỷ 20. Tôi rất cám ơn là bạn tôi sau này đã vượt qua được sự thù hận đó. Khi tôi vận động tranh cử ở Las Vegas năm 1992, cô ấy cũng đến dự một buổi. Cô làm công tác xã hội và là thành viên đảng Dân chủ. Tôi quý trọng cuộc hội ngộ ấy và cơ hội hàn gắn lại vết thương cũ mà nó mang lại.

        Sau khi theo dõi đám tang của Kennedy và an tâm phần nào khi nghe những lời lẽ đầy cảm động của Lyndon Johnson khi tỉnh táo tiếp nhận chức Tổng thống "Tôi có thể hoan hỉ cho đi tất cả những gì tôi có để khỏi phải đứng đây hôm nay", tôi từ từ trở lại với cuộc sống bình thường của mình. Thời gian còn lại của năm học cuối cấp trôi qua nhanh chóng với các hoạt động trong hội DeMolay và ban nhạc, trong đó có một chuyến đi biểu diễn tới Pensacola, Florida và một chuyến khác đi dự hội diễn ban nhạc toàn tiểu bang. Tôi đã có nhiều thời gian tuyệt vời với bạn bè, những bữa trưa tại Club Café, những chiếc bánh táo Hà Lan ngon nhất mà tôi từng ăn; xem phim, khiêu vũ tại hội quán YMCA, ăn kem tại Cook's Dairy, thịt nướng tại McClard, một quán ăn gia đình 75 năm tuổi có món thịt nướng có thể ngon nhất nước, và món đậu nướng chắc chắn là ngon nhất nước.

        Suốt nhiều tháng trong năm ấy, tôi hẹn hò với Susan Smithers, một cô gái ở Benton, Arkansas, cách Hot Springs khoảng 30 dặm về phía đông trên xa lộ tới Little Rock. Thường vào chủ nhật tôi tới Benton để đi nhà thờ và ăn trưa với gia đình cô ấy. Cuối bữa trưa, Mary, mẹ của Susan, thường đặt một nắm bánh táo hoặc bánh đào chiên lên bàn. Reese, bố cô ấy, và tôi thường ăn cho đến khi tôi no kềnh phải khiêng đi. Một chủ nhật nọ sau bữa trưa, tôi và Susan lái xe tới Bauxite, một thị trấn ở gần Benton được đặt tên theo loại quặng dùng làm ra nhôm, vốn được khai thác rất nhiều ở các mỏ lộ thiên quanh vùng. Tới nơi, chúng tôi quyết định đi ngó các mỏ nhôm gần bên. Tôi đi xe ra khỏi đường cái tấp lên một khu đất mà tôi tưởng là đất sét cứng, ngay cạnh miệng một mỏ lộ thiên lớn. Sau khi dạo quanh, chúng tôi về lại xe thì mọi hứng thú tan biến. Bánh xe của tôi đã lún sâu xuông khu đất ướt và mềm ở đó. Bánh xe quay tít nhưng chúng tôi không nhích tí nào cả. Tôi tìm được vài tấm gỗ cũ, đào chỗ dưới bánh xe, đặt vào đấy để cho bánh đỡ bị trượt nhưng cũng không được. Sau hai tiếng, bánh xe đã mòn hết gai, trời thì bắt đầu tối mà chúng tôi vẫn bị kẹt. Cuối cùng chúng tôi đành bỏ cuộc, đi bộ về thị trấn tìm người giúp và gọi điện cho bố mẹ Susan. Lúc người ta đến kéo xe tôi ra khỏi đống đất lún thì mấy chiếc bánh xe đã trơn nhẵn như đít trẻ con vậy. Lúc tôi đưa Susan về đến nhà trời đã tối mịt. Chắc là bố mẹ cô ấy tin câu chuyện của tôi, nhưng bố cô ấy vẫn liếc sơ qua mấy bánh xe của tôi cho chắc ăn. Ở cái tuổi còn ngây thơ đó, tôi thật sự thấy vô cùng xấu hổ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2015, 02:41:03 am »

        Khi năm cuối cấp gần hết, tôi ngày càng lo chuyên học đại học. Vì lý do gì đó, tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đăng ký vào một trường thuộc nhóm Ivy League (những trường đại học danh tiếng ở Mỹ - ND) nào cả. Tôi biết nơi tôi muốn học và chỉ đăng ký ở đó: Khoa Ngoại giao của Đại học Georgetown. Tôi không muốn làm ngoại giao và tôi cũng chưa từng đến thăm khuôn viên của trường Georgetown khi tham dự đại hội Boys Nation, nhưng tôi muốn trở lại Washington. Georgetown có tiếng là trường tốt nhất ở thủ đô và kỉ luật của những ngôi trường Dòng Tên luôn nổi tiếng và hấp dẫn đối với tôi. Tôi cũng cảm thấy mình cần hiểu các vấn đề quốc tế, và rằng chỉ cần ở Washington vào những năm 1960 là có thể hấp thụ và hiểu mọi vấn đề đối nội. Tôi tin mình sẽ được nhận vì tôi đứng thứ tư trong 327 người cùng khóa, bảng điểm vào đại học của tôi tương đối tốt và thường thì trường Georgetown vẫn chọn ít nhất mỗi bang một sinh viên (quả là một chương trình hành động tích cực từ rất sớm!). Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy lo.

        Tôi tính, nếu bị trường Georgetown từ chối tôi sẽ đi học ở Đại học Arkansas, vốn có chính sách nhận sinh viên tương đối thoáng với học sinh trong tiểu bang, và là nơi những chính trị gia nhiều tham vọng nên đi học vì chi phí không đến nỗi quá quắt. Đến tuần thứ hai của tháng tư tôi nhận được thông báo châp nhận của Georgetown. Tôi rất vui nhưng cũng bắt đầu tự hỏi liệu tới đó học có khôn ngoan hay không. Tôi không được học bổng và vì vậy mọi thứ đều đắt đỏ: 1.200 đôla cho tiền học, 700 đôla tiền nhà, cộng thêm tiền ăn, sách vở và các khoản khác. Mặc dù so với Arkansas, nhà tôi thuộc loại trung lưu tương đôi thoải mái, nhưng tôi vẫn lo lắng bố mẹ tôi không đủ thêm khoản tiền cho tôi đi học. Tôi cũng lo ngại việc phải để Roger và mẹ ở lại một mình với bố dù tuổi tác đã khiến ông chậm chạp đi. Thầy hướng dẫn của tôi là Edith Irons cam đoan tôi nên nhập học, và rằng đó là khoản đầu tư cho tương lai của tôi mà bố mẹ tôi nên làm. Bố mẹ tôi đồng ý điều này. Mẹ cũng tin rằng khi tôi đến đó và chứng tỏ được bản thân mình thì tổi sẽ nhận được hỗ trợ tài chính. Và vậy là tôi quyết định cứ đi học xem sao.

        Tôi tốt nghiệp phổ thông vào chiều ngày 29 tháng 5 năm 1964 trong buổi lễ tại sân vận động Rix, nơi chúng tôi vẫn chơi bóng bầu dục. Là học sinh đứng thứ tư, tôi được đọc một đoạn cầu nguyện chúa. Sau này một số quyết định của tòa án về tôn giáo trong trường công lập đã cấm việc này, và nếu hồi đó những quyết định ấy đã thành luật thì lễ nghi cầu nguyện đã không được đưa vào chương trình. Tôi đồng ý không nên sử dụng tiền thuế cho những mục đích tôn giáo đơn thuần nhưng cũng thấy rất vinh dự khi được nói lời cuối kết thúc thời trung học của mình.

        Lời cầu nguyên của tôi thể hiện niềm tin sâu sắc vào tôn giáo và có đôi chút dấu ấn về chính trị. Tôi cầu Chúa "hãy gieo cho chúng con lý tưởng của tuổi trẻ và những giá trị luân lý vốn đã giúp dân tộc này được mạnh mẽ. Xin hãy giúp chúng con tránh xa sự lãnh cảm, thờ ơ và hắt hủi người khác để thế hệ chúng con sẽ rũ bỏ được sự tự mãn, nghèo đói và định kiến khỏi trái tim của những người tự do... Xin hãy giúp chúng con quan tâm để chúng con không báo giờ biết đến sự bất hạnh và vòng luẩn quẩn của cuộc sống không mục đích, và để đến khi chúng con chết đi thì những người khác vẫn còn cơ hội được sống trên mảnh đất tự do này".

        Một số người không tin tôn giáo có thể thấy tất cả những thứ này là xúc phạm hoặc ngây thơ nhưng tôi vui rằng ngay lúc bấy giờ tôi đầy lý tưởng, và đến giờ tôi vẫn tin vào từng lời cầu nguyện ngày nào.

        Sau lễ tốt nghiệp, tôi cùng với Mauria Jackson tới bữa tiệc của những học sinh cuối cấp tại câu lạc bộ Belvedere, không cách xa ngôi nhà ở đại lộ Park của chúng tôi. Do Mauria và tôi lúc đó đều không có ai và từng học tiểu học với nhau ở trường St. John nên có vẻ việc đi cùng nhau là một ý hay, và đúng là hay thật.

        Buổi sáng hôm sau, tôi bước vào mùa hè tuổi thơ cuối cùng của mình. Đó là một mùa hè nóng nực điển hình của Arkansas, và trôi qua nhanh chóng với lần thứ sáu và là lần cuôl cùng tôi đi dự trại ban nhạc, và một lần quay lại đại hội Boys State với tư cách là cố vấn. Mùa hè năm đó tôi giúp bố được vài tuần để làm công việc kiểm kê hàng năm tại công ty Clinton Buick như thỉnh thoảng trước đây tôi từng làm. Thời nay, khi hồ sơ từng chiếc xe được lưu trong máy tính và bạn có thể đặt linh kiện ô tô từ các trung tâm phân phối, thật khó có thể tưởng tượng được lúc bây giờ chúng tôi giữ linh kiện cho những chiếc xe đến 10 năm tuổi, và đếm những linh kiên đó bằng tay hàng năm. Linh kiện nhỏ được đặt ở những khoang bé phía trên các giá để cạnh nhau, làm cho mặt sau của kho hàng luôn tối tăm, tương phản ghê gớm với phòng trứng bày sáng sủa ở phía trước, vốn cũng chỉ đủ lớn để chứa một chiếc Buick mới.

        Công việc rất tẻ nhạt nhưng tôi vẫn thích làm, chủ yếu vì nó là việc duy nhất tôi được làm cùng bố. Tôi cũng thích ở chỗ bán xe Buick, đi chơi với bác Raymond, với những nhân viên bán xe trên bãi xe với đầy rẫy xe mới và xe cũ, với mấy người thợ máy ở khu phía sau. Lúc bấy giờ có ba người luôn khiến tôi đặc biệt thích thú. Hai trong số họ là người da đen. Early Arnold trông giống ca sĩ Ray Charles và có một trong những kiểu cười tuyệt nhất mà tôi từng biết. Early luôn tốt với tôi. James White thì tính xuề xoà hơn. Phải vậy thôi. Chú ấy phải nuôi tới tám người con chỉ bằng lương bác Raymond trả và những gì bà vợ Earlene của chú ấy kiếm được nhờ giúp việc tại gia đình tôi sau khi bà Walters nghỉ. Tôi rất khoái kiểu triết lý suông của James. Một lần tôi nói với chú ấy về việc những năm tháng trung học trôi qua thật nhanh, chú nói "Ừ, thời gian trôi nhanh quá. Tôi không bắt kịp được với tuổi tác của mình rồi". Khi đó tôi nghĩ nó là câu đùa nhưng giờ thì nó chẳng hề buồn cười nữa.

        Người da trắng trong số này là Ed Foshee - một thiên tài về xe hơi. Sau này chú ấy cũng mở riêng cửa hàng của mình. Khi tôi đi học xa, gia đình tôi bán cho chú chiếc Henry J của tôi, một trong sáu chiếc bị cháy thảm hại mà bố đã sửa lại ở cơ sở bán xe Buick tại Hope. Tôi không muốn bỏ chiếc xe, dù hệ thống phanh thủy lực của nó bị rò, và tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có lại chiếc xe đó bây giờ. Chiếc xe đã cho tôi và bạn bè nhiều giây phút tuyệt vời và một dịp không được tuyệt vời cho lắm. Một đêm nọ, tôi lái xe ra khỏi Hot Springs theo đường số 7, theo sau một chiếc xe màu đen. Khi chúng tôi đi qua bãi chiếu phim ngoài trời Jessie Howe thì chiếc xe phía trước đột nhiên dừng lại để xem màn hình đang chiếu gì. Đèn báo phanh của chiếc xe đó bị vỡ nên tôi không nhận ra được là nó đã dừng lại trước khi quá trễ. Sự lơ là, phản ứng chậm chạp và hệ thống phanh xe ầu ật khiến tôi đâm thẳng vào chiếc xe màu đen, hàm tôi đập thẳng vào chiếc vô lăng, khiến nó gẫy đôi. Rất may là không ai bị thương nặng. Bảo hiểm trả phí tổn hỏng hóc cho chiếc xe kia. Những người thợ ở Clinton Buick đã sửa chiếc Henry J của tôi lại như mới và tôi rất mừng là chiếc vô lăng bị gẫy chứ không phải cái hàm của tôi. Cũng không đau hơn lần Henry Hill thụi tôi vào cằm vài năm trước, và cũng chưa đau gần bằng lần con cừu đực suýt húc chết tôi. Lúc đấy tôi hay triết lý về những chuyện đó, và có thái độ giống như mấy nhà thông thái hay nói "Con chó thỉnh thoảng có vài con rận thì cũng tốt thôi. Như thê nó đỡ tủi thân phận làm chó của nó".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2015, 07:43:22 am »

 
        09
 

        Mùa hè trôi qua quá nhanh như mọi kỳ nghỉ hè khi ta còn bé, và vào ngày 12 tháng 9, tôi cùng mẹ bay tới Washington để du ngoạn chừng một tuần trước khi tôi bắt đầu năm thứ nhất đại học. Tôi không biết điều gì chờ đợi mình, nhưng tôi đầy kỳ vọng.

        Chuyến đi này khó khăn cho mẹ nhiều hơn cho tôi. Chúng tôi luôn gần gũi nhau, và tôi biết mỗi khi nhìn tôi, mẹ thường thấy cả bố và tôi. Mẹ lo về chuyện làm sao nuôi được Roger bé một mình với Roger bố mà không có tôi. Và tôi và mẹ sẽ thấy thiếu vắng nhau. Chúng tôi đủ giống và đủ khác biệt để có thể vui vẻ bên nhau. Bạn bè của tôi cũng quý mẹ và bà cũng thích bạn bè tôi tới nhà, điều mà từ đây vẫn sẽ diễn ra nhưng chỉ vào những dịp tôi về nhà ăn giáng sinh hoặc nghỉ hè.

        Không giống như bây giờ, hồi đó tôi chẳng thể biết mẹ lo lắng thế nào cho tôi. Gần đây, tôi tình cờ tìm được lá thư giới thiệu mẹ viết tháng 12 năm 1963 trong hồ sơ của tôi cho Giải thưởng lãnh đạo Elks, vốn được trao cho một hoặc hai học sinh trung học xuất sắc mỗi năm ở những thành phố nào có câu lạc bộ Elks. Bà viết rằng lá thư ấy "giải tỏa bớt một phần nhỏ mặc cảm tội lỗi của tôi về Bill. Công việc gây mê của tôi đã chiếm mất nhiều thời giờ đúng ra phải dành cho nó. Và vì thế, những gì Bill đã giành được, đã làm được đều thực sự là do tự thân nó. Vậy nên mỗi khi nhìn Bill tôi lại thấy một người đàn ông tự lập thân". Mẹ tôi thật sai khi nói vậy! Chính bà đã dạy dỗ tôi thức dậy hàng ngày và luôn cố gắng; dạy tôi nên tìm những điểm tốt đẹp nhất ở người khác ngay cả khi họ chỉ nhìn thấy mặt xấu của tôi; dạy tôi biết ơn vì được sống mỗi ngày và chào đón ngày mới bằng nụ cười; dạy tôi rằng tôi có thể làm hoặc đạt được bất cứ gì nếu tôi sẵn sàng bỏ ra đủ nỗ lực cho mục tiêu đó. Và cũng chính mẹ dạy tôi rằng cuối cùng thì tình yêu và sự tốt bụng sẽ vượt lên trên sự tàn nhẫn và ích kỉ. Mẹ tôi không sùng đạo kiểu bình thường, dù khi có tuổi bà có khuynh hướng này. Bà chứng kiến quá nhiều cái chết đến mức bà thấy khó tin vào kiếp sau. Nhưng nếu đạo là tình yêu thương thì mẹ tôi chính là một phụ nữ sùng đạo. Tôi ước gì có thể giải thích với mẹ rằng tôi còn lâu mới là kẻ "tự lập thân".

        Mặc dù biết những thay đổi lớn sắp diễn ra nhưng mẹ và tôi đều cảm thấy rất phấn khích khi tới Georgetown. Chỉ cách cơ sở chính của trường vài dãy phố là nơi được gọi là Cơ sở phía Đông, trong đó có phân khoa Ngoại giao và vài khoa khác có cả sinh viên nữ và đa dạng hơn về chủng tộc và tôn giáo. Ngôi trường do Tổng giám mục John Carroll thành lập năm 1789, năm làm tổng thống đầu tiên của George Washington. Bức tượng ông vẫn sừng sững nơi vòng xoay lớn ở cổng lối vào cơ sở chính. Năm 1815, Tổng thống James Madison ký một điều luật cho phép trường Georgetown được tự cấp bằng. Mặc dù ngay từ đầu trường chúng tôi đã luôn rất rộng mở đối với những người thuộc các tôn giáo khác nhau, và một trong những hiệù trưởng vĩ đại nhất của trường, cha Patrick Healy từ năm 1874 đến 1882, hiệu trưởng gốc Phi đầu tiên của ngôi trường đa số da trắng, nhưng Yard1 vẫn toàn là sinh viên nam da trắng và hầu như tất cả đều theo Công giáo. Khoa Ngoại giao được thành lập năm 1919 bởi cha Edmund A. Walsh, một người chống cộng quyết liệt. Khi tôi vào học tại trường, ở đây vẫn còn vô số các giáo sư từng sống hoặc trốn chạy khỏi các chế độ cộng sản ở châu Âu và Trung Quốc; và những người thông cảm với các hoạt động chống cộng của chính quyền Mỹ, trong đó có cả ở Việt Nam.

        Không chỉ quan điểm chính trị tại khoa Ngoại giao mới mang tính bảo thủ. Chương trình học cũng vậy, sự khắc khổ của chương trình phản ánh triết lý giáo dục của Dòng Tên, được gọi là Ratio Studỉorum bắt nguồn từ cuối thế kỷ 16. Trong hai năm đầu, mỗi học kỳ chúng tôi buộc phải học sáu môn với tổng thời gian khoảng 18 hoặc 19 tiếng trên lớp. Các môn học tự chọn chỉ bắt đầu có từ học kỳ hai của năm thứ ba. Rồi còn có những quy định về trang phục nữa. Trong năm nhất, tất cả các nam sinh đều phải mặc áo sơmi, áo vest bên ngoài và đeo cà vạt tới lớp. Chúng tôi có thể mặc áo sợi tổng hợp, nhưng tôi cảm thấy rất khó chịu với loại áo này nên tôi đành chấp nhận mất năm đôla trong tổng số 25 đôla tiền tiêu tuần cho việc giặt ủi năm bộ sơmi đi học. Còn quy định của ký túc xá nữa chứ: "Sinh viên năm nhất phải ở tại phòng để học vào các buổi tối trong tuần và phải tắt đèn lúc nửa đêm. Tối thứ sáu và thứ bảy, sinh viên năm nhất phải về phòng trước 12h30... Không chấp nhận các khách khác giới, đồ uống có cồn, thú nuôi, hay vũ khí trong ký túc xá". Tôi biết mọi thứ giờ đã thay đổi đôi chút, nhưng khi tôi và Hillary đưa Chelsea tới Stanford năm 1997, mọi thứ quả là bất ổn khi thấy cả nam và nữ ở trong cùng một ký túc. Tuy vậy, cũng may là lệnh cấm vũ khí trong ký túc xá vẫn còn. Rõ ràng là NRA (Hiệp hội súng trường quốc gia, một tổ chức ủng hộ quyền công dân được mang súng ở Mỹ - ND) chưa thành công trong việc đòi hủy bỏ quy định câm vũ khí.

        Một trong những người đầu tiên tôi và mẹ gặp khi bước vào cổng trường là cha Dinneen, linh mục hướng dẫn sinh viên năm nhất, người chào đón tôi bằng cách bảo tôi là Georgetown không thể hiểu nổi tại sao một anh theo Tin Lành Baptist Phương Nam, không biết ngoại ngữ nào ngoài tiếng Latinh lại thích học khoa Ngoại giao. Giọng nói của ông cho thấy họ cũng chẳng hiểu sao trường lại nhận tôi. Tôi chỉ cười và nói có lẽ sau một hoặc hai năm gì đó cả hai bên sẽ hiểu ra chăng. Mẹ lo lắng thấy rõ, nên khi cha Dinneen ra gặp các sinh viên khác, tôi bảo bà là chỉ cần một thời gian họ sẽ hiểu lý do thôi. Tôi nghi như vậy là nói hơi quá, nhưng nghe cũng tạm được.

        Sau các thủ tục ban đầu, chúng tôi đi tìm phòng ký túc xá của mình và gặp bạn cùng phòng. Ký túc xá - tòa nhà Loyola - nằm ở góc đường 35 và đường N, ngay sau và nối với tòa nhà Walsh của khoa Ngoại giao. Tôi được phân về phòng 225, ngay đối diện với cổng trước ở đường 35 và nhìn xuống khu nhà và ngôi vườn tuyệt đẹp của Thượng nghị sĩ Claiborne Pell nổi tiếng của bang Rhode Island, người vẫn còn làm thượng nghị sĩ khi tôi làm tổng thống. Vợ chồng ông ấy cũng là bạn của vợ chồng tôi, và hơn 30 năm sau khi nhìn được mặt ngoài của căn nhà lớn và cổ đó của họ cuối cùng tôi cũng được vào trong chiêm ngưỡng.

        Khi mẹ và tôi tới cửa phòng ký túc, tôi hơi khựng lại. Cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 1964 đang ở cao trào, và trên cửa phòng tôi có một tấm hình của Goldwater. Tôi cứ nghĩ mình đã bỏ tất cả những thứ này lại phía sau ở Arkansas! Bức ảnh đó của cậu bạn cùng phòng tôi, Tom Campbell, một người Công giáo Ireland đến từ Huntington, Long Island. Gia đình cậu ta theo đảng Cộng hòa và rất bảo thủ, và cậu này từng là cầu thủ bóng bầu dục tại trường trung học Dòng Tên Xavier ở thành phố New York. Bố cậu ta từng thắng chức thẩm phán địa phương nhờ theo con đường của đảng Bảo thủ. Tom có lẽ còn ngạc nhiên hơn tôi về vụ xếp phòng này. Tôi là người Tin Lành Baptist miền Nam đầu tiên mà cậu ta gặp, và tệ hơn nữa, tôi còn là một người cổ vũ nhiệt thành cho đảng Dân chủ và Lyndon B. Johnson.

        Mẹ chẳng bao giờ để những thứ cỏn con như chính trị chen vào việc sắp xếp nơi ăn ở. Như với mọi người, mẹ nói chuyện với Tom như thể biết cậu ta từ lâu, và chỉ một lát là chiếm được thiện cảm của cậu ta. Tôi cũng thấy mến cậu ta và nghĩ rằng chúng tôi sẽ hợp nhau. Và thực tế đúng vậy, trong suốt bốn năm sống cùng nhau ở Georgetown và gần 40 năm làm bạn.

----------------
1. The Yard: tên gọi ban đại diện sinh viên Đại học Georgetown
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2015, 07:54:14 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2015, 03:24:37 am »

        Rồi cũng đến lúc mẹ chia tay tôi và tôi bắt đầu lại khám phá nơi ở mới của mình, xuất phát từ tầng của tôi. Vọng lại từ phía cuối hành lang là tiếng nhạc của "Tara's Theme" trong phim Gone with the Wind - Cuốn theo chiều gió và tôi lần theo đó, hi vọng tìm thấy được một người miền Nam, hay biết đâu lại là một người theo đảng Dân chủ. Khi tôi tìm tới phòng phát ra tiếng nhạc, tôi thấy một nhân vật ngoại hạng, Tommy Caplan. Cậu ta đang ngồi trên một chiếc ghế dựa bập bênh, chiếc độc nhất trong cả tầng. Nói chuyện môt lúc thì tôi biết cậu ta là con một của một người kinh doanh kim hoàn ở Baltimore, và cậu ta từng biết Tổng thống Kennedy. Bằng giọng nhanh và rõ một cách lạ thường mà tôi thấy hơi có vẻ kiểu cách, cậu ta bảo cậu muốn trđ thành nhà văn và gây ấn tượng lên tôi bằng một vài câu chuyện về Tổng thống Kennedy. Dù khi ấy tôi biết mình thích cậu ta, tôi không thể ngờ rằng tôi đã gặp một trong những người bạn tốt nhất của mình. Trong bốn năm tiếp theo, Tommy giúp tôi làm quen với Baltimore, với gia đình cậu ta ở Bờ Đông của Maryland, với Nhà thờ Tân giáo và các nghi thức ở đó, với khách sạn Pierre ở New York cùng món cà ri Ấn Độ tuyệt vời, khách sạn Carlyle và những dịch vụ đắt tiền, với câu lạc bộ 21, nơi một số chúng tôi tổ chức sinh nhật thứ 21 của cậu ta, với Massachusetts và Mũi Cod, nơi tôi suýt chết đuối sau khi không bám được vào tảng đá đầy hà từng cắt chảy máu hết tay, chân và ngực tôi. Khi cố quay lại bờ thì tôi may mắn gặp được một dải cát dài cùng với sự giúp đỡ của Fife Symington, một cậu bạn cũ cùng trường của Tommy và sau này là đảng viên Cộng hòa và Thống đốc bang Arizona. (Nếu cậu ta mà biết trước tương lai của tôi thì lúc cứu tồi cậu ta dám đổi ý lắm!). Đổi lại, tôi giới thiệu cho Tommy về Arkansas, về cách sống dân dã của người miền Nam, về chính trị cơ sở. Tôi nghĩ trao đổi như vậy cũng xứng.

        Vài ngày sau, tôi gặp một vài sinh viên nữa và bắt đầu vào học. Tôi cũng tìm được cách sống với 25 đôla/tuần. Năm đôla đã để dành cho năm chiếc sơmi đi học, và tôi quyết đinh mình sẽ ăn mỗi ngày một đô, các bữa ăn cuối tuần thêm một đô nữa để dư ra 14 đôla cho buổi đi chơi vào tối thứ bảy. Vào thời điểm năm 1964, tôi có thể mời bạn gái đi ăn tối với 14 đô, đôi khi còn đủ để xem phim nữa, dù tôi thường phải để cô gái gọi món trước nhằm đảm bảo số tiền chúng tôi phải trả cộng với tiền boa không quá ngân sách cho phép của tôi. Lúc đó có khá nhiều tiệm ở Georgetown nơi mà giá cả phù hợp với số tiền 14 đô của tôi. Ngoài ra, trong vài tháng đầu tôi cũng không hẹn ai vào thứ bảy nên ngân sách của tôi tương đối dư dả.

        Sống bằng một đô mỗi ngày cũng không quá khổ sở - tôi luôn cảm thấy mình dư dả, thậm chí đủ để tham gia các vũ hội và những dịp đặc biệt nào đó. Ở quán Wisemiller Deli, ngay gần chỗ tôi học ở toà nhà Walsh, tôi có thể ăn hai bánh vòng rán và uống một ly cà phê mỗi sáng mà chỉ tốn 20 xu, lần đầu tiên tôi uống cà phê, một thói quen mà đôi khi tôi muốn bỏ, với thành công khá hạn chế. Ăn trưa tôi chi hẳn 30 xu. Một nửa số này để mua bánh táo hoặc sơri Hostess cộng với một ly Royal Crown Cola cỡ bự. Tôi rất khoái mấy ly Cola này và rất buồn khi nó bị ngừng sản xuất. Bữa tối thường đắt đỏ hơn, khoảng 50 xu. Tôi hay ăn ở tiệm Hoya Carry Out cách ký túc xá của tôi chừng vài dãy phố, và dù tên như vậy (carry out: mang về) nhưng tiệm có một cái quầy để khách có thể ăn tại chỗ. Ở đó chỉ ăn không thôi thì mới chỉ vui một nửa. Với 15 xu tôi có thể mua một ly nước ngọt cỡ bự; với 35 xu có thể mua một bánh sand­wich cá ngừ cỡ lớn - lớn đến mức khó có thể há mồm ngoạm hết được. 85 xu thì bạn có thể mua được một bánh sandwich thịt bò nướng cũng bự như vậy. Hôm nào mà chưa vung hết 14 đô đi chơi thứ bảy là tôi lại mua một cái bánh loại này.

        Nhưng điều thú vị nhất ở Hoya Carry Out là ông bà chủ Don và Rose. Don là một người to khoẻ với hình xăm ngay trên bắp vai nở nang vào cái thời mà hình xăm vẫn còn hiếm chứ chưa xuất hiện nhan nhản trên người các ngôi sao nhạc rock, vận động viên và mấy thanh niên trẻ như bây giờ. Bà Rose để tóc búi lớn trên đầu, khuôn mặt dễ thương và luôn biết khoe vẻ đẹp thân hình của mình bằng cách mặc áo len và quần bó sát cùng giày cao gót. Rose luôn cuốn hút những cậu bé nghèo tiền nhưng giàu trí tưởng tượng, và sự hiện diện của ông Don hiền lành nhưng luôn cảnh giác khiến chúng tôi chỉ có ăn mà thôi chứ không dám làm gì thêm. Khi bà Rose làm việc, chúng tôi luôn cố ăn thật chậm để đảm bảo việc tiêu hoá được tốt.

        Trong hai năm đầu, tôi hiếm khi đi xa khỏi trường và khu vực quanh trường, một khu vực nhỏ bẻ giáp phố M và sông Potomac ở phía nam, phố Q ở phía bắc, đại lộ Wisconsin ở phía đông và trường tôi ở phía tây. Các địa điểm vui chơi của tôi ở Georgetown là quán bia Tombs nằm dưới Nhà hàng 1789, nơi hầu hết sinh viên vẫn ra đó uống bia và ăn hamburger; nhà hàng Billy Martin, nơi có không khí và đồ ăn ngon phù hợp với túi tiền của tôi; và quán Cellar Door, ngay dưới đồi chỗ ký túc xá chúng tôi trên đường M. Quán này có chơi nhạc sống tuyệt hay. Tôi được nghe Glenn Yarborough, một ca sĩ đồng quê nổi tiếng những năm 60, nghệ sĩ nhạc jazz Jimmy Smith, và một ban nhạc giờ ít người biết, ban Mugwumps, họ tan rã một thời gian ngắn sau khi tôi tới Georgetown. Hai người trong nhóm đã thành lập ban nhạc khác nổi tiếng hơn, Lovin' Spoonful. Cass Elliot, ca sĩ hát chính của nhóm sau này trở thành thành viên chính của ban "The Mamas and The Papas". Thỉnh thoảng Cellar Door mở cửa cả vào chiều chủ nhật, và bạn có thể chỉ gọi một ly coca cola và nghe Mugwumps hát hàng tiếng đồng hồ mà chỉ tốn một đôla.

        Dù thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy ngột ngạt ở Georgetown, nhưng phần lớn thời gian tôi cảm thấy rất hạnh phúc với lớp học và bạn bè. Tuy vậy những chuyến đi ra khỏi tổ kén cũng luôn rất vui. Vài tuần sau khi bắt đầu học kỳ một, tôi tới Thính phòng Lisner để nghe Judy Collins hát. Bây giờ tôi vẫn có thể hình dung ra cô ấy, mái tóc vàng dài, mặc váy cotton dài chấm đất đứng trên sân khấu với cây đàn guitar. Kể từ ngày đấy tôi là một fan hâm mộ của Judy Collins. Tháng 12 năm 1978, Hillary và tôi tới London trong một kỳ nghỉ ngắn sau lần đầu tôi trúng cử Thống đốc bang. Một hôm khi chúng tôi đang ngắm tủ kính cửa hàng trên đường King ở Chelsea thì nghe thấy một cửa hàng mở nhạc Judy hát bài "Chelsea buổi sáng" của Joni Mitchell. Chúng tôi cùng đồng ý ngay tại chỗ là nếu sau này có con gái sẽ đặt tên là Chelsea.

        Dù tôi không thường rời khu Georgetown nhưng tôi cũng đến New York hai lần trong học kỳ đầu tiên. Tôi về nhà Tom Campbell ở Long Island trong dịp lễ Tạ ơn. Khi đó Lyndon Johnson đã thắng cử, và tôi thích bàn luận chính trị với bố của Tom. Tôi chọc ông cụ cả đêm bằng việc hỏi khu vực đẹp đẽ nhà ông có tham gia một thoả ước "bảo vệ" nào không, loại thỏa ước mà các chủ nhà cam kết không bán nhà cho những nhóm người "lôm côm", thường là người da đen chẳng hạn. Những thoả ước kiểu vậy tương đối phổ biến cho đến khi Tòa án tối cao xác định việc đó là vi hiến. Ông cụ trả lời rằng khu vực đó có một thoả ước kiểu vậy nhưng không phải chống người da đen mà là người Do Thái. Tôi sống ở một thị trấn ở miền nam nơi có hai giáo đường Do Thái và một nhóm khá đông những người bài Do Thái và gọi dân Do Thái là "bọn giết Chúa" nhưng tôi vẫn ngạc nhiên bởi thái độ bài Do Thái vẫn tràn lan ở New York. Phải chi miền nam cũng đừng có nạn phân biệt chủng tộc và bài Do Thái thì chắc là tôi sẽ thoải mái biết mấy, nhưng thực tế không như vậy.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Tám, 2015, 03:30:01 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2015, 04:29:43 am »

        Một vài tuần trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn đó, tôi đã tới New York khi tôi đi cùng ban nhạc của Georgetown, một nhóm tương đối hổ lốn. Một tuần chúng tôi chỉ tập một hoặc hai lần nhưng chơi đủ hay để được mời tới chơi hoà nhạc ở một trường Công giáo nhỏ, Đại học St. Joseph dành cho nữ ở Brooklyn. Buổi hòa nhạc diễn ra suôn sẻ và tại buổi sinh hoạt giao lưu sau đó có một sinh viên nữ mời tôi tiễn cô về nhà và vào uống Coke với cô ấy và mẹ cô ấy. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào một trong những tòa chung cư tưởng như bất tận vốn là nơi cư ngụ của cư dân New York cả giàu lẫn nghèo. Vì không có thang máy nên chúng tôi phải leo cầu thang mới lên tới nhà cô ấy. Do đã quen với Arkansas nơi mà ngay cả những người không khá giả lắm cũng có những căn nhà một tầng có sân, nên tôi thấy chỗ ấy rất nhỏ. Tôi chỉ còn nhớ cô ấy lẫn mẹ cô đều hết sức tử tế, và tôi thật kinh ngạc vì người ta có thể có những tính cách cởi mở như vậy dù phải sống trong những không gian chật chội như vậy.

        Sau khi tạm biệt họ, tôi còn lại một mình giữa thành phố rộng lớn đó. Tôi bắt taxi tới quảng trường Times Square. Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều đèn neon sáng đến vậy. Nơi đó thật ầm ĩ, hối hả và đầy tràn nhịp sống, và đôi khi cũng đầy tràn những mặt trái nữa. Lần đầu tiên tôi thấy những cô gái đứng đường, đang câu một anh chàng trông thật tội nghiệp mặc bộ đồ sẫm, tóc húi cua, đeo kính gọng sừng và xách cặp. Anh ta vừa thích vừa sợ, nhưng cuối cùng nỗi sợ thắng thế. Anh ta đi tiếp. Cô nàng cười, nhún vai và rồi trở lại với việc câu khách của mình. Tôi đi xem các rạp hát và các cửa hiệu, và một biển quảng cáo lớn bắt mắt tôi - Bít tết Tad - một miếng bít tết lớn giá một đô 59 xu.

        Tôi bước vào tiệm, mua miếng bít tết và ngồi vào bàn. Ngồi gần tôi có một anh chàng có vẻ đang nổi nóng và bà mẹ đau khổ của anh ta. Anh ta đang chì chiết mẹ mình bằng những lời cộc lốc: "Đó là đồ rẻ tiền, mẹ ơi. Đồ rẻ tiền!". Bà mẹ trong khi đó cứ lặp đi lặp lại rằng người bán hàng bảo món hàng đó rất tốt. Một vài phút sau tôi cũng dần hiểu ra sự tình. Bà mẹ dành dụm đủ tiền để mua cho cậu con trai chiếc máy nghe đĩa mà anh chàng này rất thích. Vấn đề là bà mẹ chỉ đủ tiền mua loại hi-fi thường trong khi anh chàng kia muốn mua loại âm thanh nổi stereo mới nghe hay hơn, và có vẻ ngon lành hơn với những thanh niên sành điệu. Bà mẹ không đủ tiền mua chiếc máy stereo. Thay vì phải biết ơn thì cậu nhóc hét lên với bà mẹ ở chỗ đông người "Đồ đạc nhà mình toàn thứ bèo bọt! Tôi muốn cái tốt!". Điều đó khiến tôi phát tởm. Tôi muốn thụi cho hắn một phát, chửi cho hắn biết rằng hắn đã rất may mắn có bà mẹ yêu thương hắn như vậy, lo đủ thức ăn và quần áo cho hắn mà hầu như chắc chắn là bằng đồng lương ít ỏi kiếm được từ một công việc tẻ ngắt nào đó. Tôi đứng lên và bực mình bước ra mà không chén hết miếng bít tết giá hời của mình. Sự việc đó ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, có lẽ vì những gì mẹ đã làm và chịu đựng cho tôi. Điều đó khiến tôi cảm thông hơn với những người phải làm nhiều công việc mà chúng ta không muốn tự làm nhưng lại cũng không muốn trả nhiều tiền cho người khác. Tôi cũng cảm thấy mình căm ghét sự vô ơn và tự hứa mình phải luôn biết ơn những người xung quanh hơn nữa. Điều này cũng khiến tôi nên tận hưởng những giây phút may mắn ít ỏi của cuộc sống và luôn tự nhủ rằng một bước ngoặt của số phận thôi cũng có thể khiến tôi phải làm lại từ đầu hoặc thậm chí tệ hơn thế.

        Không lâu sau chuyến đi đó tôi quyết định bỏ ban nhạc để tập trung vào việc học và các công tác sinh viên. Tôi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử chủ tịch sinh viên năm nhất nhờ có chiến dịch vận động hợp lý đối với những nhóm sinh viên chủ yếu là người Công giáo Ireland và Ý ở khu miền đông. Tôi không nhớ vì sao lại quyết định tranh cử, nhưng tôi được giúp đỡ nhiều và nó cũng thú vị. Cuộc tranh cử này không có những vấn đề phải giải quyết hay phải bảo trợ gì cả nên thách thức thực sự chủ yếu phụ thuộc vào vận động chính trị cơ sở và một bài diễn thuyết. Một trong những nhân viên vận động của tôi viết cho tôi một tin nhắn cho thấy tầm mức vận động của chúng tôi: "Bill này, có vân đề ở khu New Men; Hanover đang kiếm nhiều phiếu. Ở tầng ba khu Loyola thì có thể khả quan - cho đến tận cuối dãy chỗ phòng điện thoại công cộng ấy. Nhờ Dick Hayes đấy. Mai gặp nhé. Ngủ ngon nghe bồ. King". King ở đây là John King, một động cơ không biết mệt mỏi chỉ cao có thước sáu, là đội trưởng chèo thuyền của Georgetown và là bạn học nhóm của Luci Johnson, cô con gái tổng thống Johnson đang học cùng lớp với chúng tôi. Cô ấy có lần mời King vào ăn tối trong Nhà Trắng, làm chúng tôi vừa nể vừa ghen tị.

        Vào ngày thứ ba trước cuộc bầu cử, cả lớp tập trung lại dể nghe các ứng viên diễn thuyết tranh cử. Người đề cử tôi là Bob Billingsley, một anh chàng người New York thích giao du. Chú cậu ấy là chủ nhà hàng Stob Club, và từng kể cho tôi nghe vô số chuyện về các ngôi sao từng đến nhà hàng ăn từ những năm 20 trở đi. Bob bảo tôi là người từng có quá trình làm lãnh đạo và là "người biết xoay xở và xoay xở tốt". Đến phiên mình phát biểu, tôi không nêu ra vấn đề nào mà chỉ hứa phục vụ "về mọi mặt cần thiết và vào mọi lúc" dù thắng hay thua, và cam kết sẽ cho cuộc tranh cử "một tinh thần khiến khoá chúng ta mạnh mẽ và tự hào hơn một chút khi cuộc đua này kết thúc". Đó là một nỗ lực tương đối khiêm tốn, và cũng nên như vậy vì, như người ta thường nói, lúc nào mà ta lại chẳng nên khiêm tốn.

        Đối thủ mạnh hơn trong hai người tranh cử còn lại cố thêm sức nặng cho bài diễn văn trong thời điểm vốn chẳng có mấy trọng lượng khi giải thích anh ta tranh cử vì anh ta không muốn lớp chúng tôi rơi vào "vực thẳm không đáy của sự trầm luân". Tôi chẳng hiểu nhiều lắm về chuyện đó nhưng nghe kinh khủng quá. Lời bình luận "trầm luân không đáy" đó là quá đáng, và là một cơ hội may mắn cho tôi. Chúng tôi làm việc như điên và tôi trúng cử. Sau khi kiểm phiếu, bạn tôi đã gom được một đống tiền xu để tôi có thể gọi điện về nhà và báo với gia đình rằng tôi đã thắng cử. Một cuộc nói chuyện vui vẻ, tôi được biết đầu bên kia không có trục trặc gì còn mẹ biết tôi đã vượt qua nỗi nhớ nhà.

        Dù tôi thích làm công tác sinh viên, các chuyến đi New York hoặc chỉ loanh quanh trong khu vực Georgetown, nhưng việc học mới là sự kiện chính trong năm đầu đại học của tôi. Lần đầu tiên tôi phải đi làm để kiếm tiền học. Tôi có may mắn lớn là cả sáu môn học đều được dạy bởi những giáo viên thú vị và có tài. Tất cả chúng tôi đều phải học một ngoại ngữ. Tôi chọn tiếng Đức vì tôi thích đất nước này và bị ấn tượng bởi sự rõ ràng và chính xác của ngôn ngữ đó. Tiến sĩ von Ihering, giáo sư tiếng Đức, là một người tốt bụng từng phải trốn trên gác xép ở một nông trại khi bọn Quốc xã bắt đầu đốt sách vở, trong đó có cả những cuốn sách ông viết cho trẻ em. Arthur Cozzens, giáo sư địa chất lại có chòm râu dê bạc và một phong cách kỳ quặc của các giáo sư. Tôi không khoái giờ học của ông lắm cho đến khi ông nói rằng về mặt địa chất học Arkansas là một trong những nơi thú vị nhất thế giới vì những mỏ kim cương, bô xít, các tinh thể thạch anh, và các mỏ và cấu trúc khoáng chất khác của nó.

        Tôi học môn logic với thầy Otto Hentz, một giáo sĩ Dòng Tên nhưng chưa được phong linh mục. Thầy thông minh, năng nổ và rất quan tâm tới sinh viên. Một lần thầy hỏi tôi có muốn đi ăn tối hamburger với thầy không. Tôi thấy hãnh diện quá và đồng ý. Chúng tôi lái xe lên đại lộ Wisconsin tới một quán Howard Johnson. Sau khi nói phiếm một lúc thầy Otto trở nên nghiêm túc và hỏi tôi có muốn theo Dòng Tên không? Tôi cười và trả lời "Thế em không phải chuyển qua đạo Công giáo trước ạ?". Khi tôi bảo thầy tôi là tín đồ Tin Lành Baptist, tôi còn nửa đùa nửa thật bảo thầy rằng dù tôi có theo Công giáo đi nữa thì tôi không nghĩ mình có thể giữ được lời thề giữ mình thanh sạch. Thầy lắc đầu và nói: "Tôi không tin là thế. Tôi đã đọc các bài luận và kiểm tra của cậu. Cậu viết và nghĩ như một người Công giáo". Tôi vẫn thường dùng câu chuyện này để kể với những người Công giáo khi vận động tranh cử ở Arkansas để đảm bảo với họ rằng tôi là thống đốc bang gần gũi với Công giáo nhất mà họ có thể có.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tám, 2015, 04:41:07 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2015, 03:58:58 am »

        Một giáo sư Dòng Tên khác, thầy Joseph Sebes là một trong những người đặc biệt nhất tôi từng gặp. Gầy và gù lưng, thầy là một nhà ngôn ngữ tài năng và đặc biệt quan tâm đến châu Á. Khi những người cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc thì thầy đang làm việc ở đó, và bị giam giữ một thời gian, chủ yếu là bị nhốt dưới hâm đào dưới đất. Thời kỳ khắc nghiệt đó đã làm thầy hỏng dạ dày, mất một bên thận, và khiến thầy luôn đau yếu trong suôt phần đời còn lại. Thầy dạy một môn được gọi là "Văn hoá so sánh". Lẽ ra phải gọi môn này là "các tôn giáo trên thế giới" thì đúng hơn: chúng tôi học Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Thần đạo, đạo Khổng, đạo Lão, Ấn Độ giáo, Jainism, Bái hỏa giáo và nhiều tín ngưỡng khác. Tôi rất khoái thầy Sebes và học được rất nhiều từ thầy về cách các dân tộc trên thế giới định nghĩa về Thượng đế, về chân lý, và về hạnh phúc cuộc sống. Biết rõ sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau nên thầy cho phép tất cả mọi người có cơ hội thi vấn đáp - bằng chín thứ tiếng. Trong học kỳ hai tôi được điểm A môn này, một trong bốn điểm A trong khóa và là thành tích học tập đáng tự hào nhất của tôi.

        Hai giáo viên khác của tôi quả là những người rất cá tính. Thầy Robert Irving dạy tiếng Anh luôn có những lời nhận xét khắc nghiệt đối với các sinh viên có xu hướng dài dòng và thiếu chuẩn xác. Ông thường viết những nhận xét búa bổ bên lề các bài luận, từng gọi một sinh viên là "cái bơm nhỏ thất thường đồng bóng", hay với sinh viên khác là "Cậu thành đứa ngốc rồi phải không?". Bài viết của tôi thường có những nhận xét tẻ ngắt hơn như "vụng", "ối giời", "tẻ nhạt, sến". Tôi còn giữ được một bài luận ông nhận xét là "thông minh và chín chắn" nhưng ngay sau đó lại phê "lần sau thì hãy hào phóng hơn" và "kiếm loại giây nào khá khá một chút mà viết bài!". Có lần thầy Irving đọc trước lớp một bài luận của một cựu học sinh viết về Marvell để trình bày tầm quan trọng của việc nên cẩn trọng với sử dụng ngôn ngữ. Sinh viên này đã viết Marvell yêu vợ kể cả sau khi bà ta đã chết và chêm một câu vô duyên "Đương nhiên tình yêu xác thịt hầu hết là chấm dứt sau cái chết". Thầy Irving gầm lên "Hầu hết! Hầu hết! Vậy là vẫn còn một số ông thích yêu xác chết hả?". Như thế quả là hơi "phong phú" quá đối với đám sinh viên Công giáo và một anh chàng Tin Lành như tôi. Dù rằng thầy Irving hiện nay ở đâu, tôi cũng hãi lắm khi hình dung ra cảnh ông ấy đọc cuốn sách này và phê chi chít bên lề mỗi trang sách.

        Lớp học huyền thoại nhất tại Georgetown luôn là của giáo sư Carroll Quigley với môn "Sự phát triển của các nền văn minh", môn bắt buộc của mọi sinh viên năm nhất nên thường có ít nhất 200 sinh viên trong mỗi giờ học. Dù khó nhưng giờ học khá nổi tiếng vì trí tuệ của thầy Quigley với những quan điểm và các trò quái của thầy. Mấy trò quái này có cả một bài giảng về những hiện tượng huyền bí, trong đó ông bảo chính mình đã từng thấy một chiếc bàn bay lên khỏi sàn và một phụ nữ bay lên khi gọi hồn. Bài giảng của ông cũng phê phán quan điểm của Platon lý tính tuyệt đối cao hơn các quan sát thực tế. Ông luôn kết thúc bài giảng bằng cách xé tan cuốn Republic - Nền cộng hòa của Platon, ném nó xuống cuối phòng và hét lên "Platon là tên phát xít".

        Các bài kiểm tra luôn đầy rẫy những câu hỏi nát óc như "Viết ngắn gọn nhưng mạch lạc lược sử của bán đảo Balkan từ đầu kỷ băng hà Wurm đến thời kỳ Homer" hoặc "Đâu là mối quan hệ giữa quá trình tiến hóa của vũ trụ và khía cạnh trừu tượng hóa?".

        Hai quan điểm của thầy Quigley cho đến giờ vẫn đặc biệt có ảnh hưởng. Thứ nhất, ông nói xã hội cần phát triển cách tạo ra các công cụ có tổ chức để đạt được các mục tiêu về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo và học thuật của mình. Theo thầy Quigley, vấn đề là tất cả các công cụ này về sau thường "bị thể chế hóa" - nghĩa là khi các quyền lợi nghiêng về bảo vệ đặc quyền của mình hơn là đáp ứng nhu cầu mà các công cụ ấy được lập ra để đáp ứng. Một khi điều này xảy ra, sự thay đổi chỉ có thể đến thông qua cải cách hoặc bỏ qua các thể chế đó. Nếu làm như vậy không được thì sẽ chỉ còn lại suy thoái và phản tiến bộ.

        Quan điểm thứ hai của thầy liên quan đến điểm then chốt của sự vĩ đại của văn minh phương Tây và khả năng tiếp tục đổi mới và cải cách của nó. Ông cho rằng thành công của nền văn minh phương Tây có gốc rễ ở niềm tin vô song mang tính tôn giáo và triết lý rằng: con người về bản chất là tốt; rằng chân lý có tồn tại, nhưng không một người trần mắt thịt hữu hạn nào có sẵn chân lý; rằng chúng ta chỉ có thểtiến gần đến chân lý   bằng   cách hợp tác với nhau; rằng qua niềm tin và lao động tôt thì chúng ta có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn ở trong cuộc đời này   và phần thưởng trong kiêp sau. Theo Quigley, những ý tưởng đó   đã giúp cho nền văn minh chúng ta mang tính chất lạc quan và thực tế, cùng niềm tin kiên định về khả năng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Ông tổng kết hệ tư tưởng của chúng tồi là "hướng về tương lai", với niềm tin rằng "tương lai có thể tốt hơn quá khứ, và mỗi cá nhân có trách nhiệm mang tính cá nhân và đạo đức nhằm thực hiện điều đó". Kể từ cuộc tranh cử năm 1992 và trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống, tôi vẫn thường xuyên trích dẫn lời giáo sư Quigley với hi vọng rằng những đồng bào người Mỹ và cả chính tôi sẽ thực hiện những gì thầy từng dạy.

        Đến cuối năm nhất tôi đã hẹn hò nghiêm túc lần đầu tiên với Denise Hyland, một cô gái Ireland. Denise cao, có khuôn mặt tàn nhang, đôi mắt đẹp, hiền hậu và nụ cười dễ làm người khác cười theo. Cô ấy quê ở vùng Thượng Montclair, New Jersey, là một trong sáu người con của một bác sĩ. Bố cô ấy từng học làm linh mục trước khi gặp mẹ cô. Denise và tôi chia tay vào cuối năm ba nhưng chúng tôi vẫn duy trì tình bạn.

        Tôi rất vui vì được về nhà, nơi ít ra tôi cũng có được bạn bè cũ và mùa hè nóng nực yêu thích của mình. Tôi có một việc làm chờ sẵn ở trại vịnh Yorktown, một trại hè cho trẻ em nghèo chủ yếu đến từ Texas và Arkansas, ngay bên hồ Ouachita, hồ lớn nhất của Hot Springs và là một trong những hồ sạch nhất ở Mỹ. Ở độ sâu 10 mét, ta vẫn có thể nhìn rõ tận đáy. Cái hồ nhân tạo này nằm trong Rừng quốc gia Ouachita nên sự phát triển quanh hồ kèm với nạn ô nhiễm được giới hạn.

        Trong nhiều tuần, sáng nào tôi cũng dậy sớm và lái xe tới trại, cách nhà tôi chừng 20 dặm, để theo dõi các hoạt động cắm trại của lũ trẻ: bơi, bóng rổ... Rất nhiều đứa trẻ ở đây cần một tuần được rời xa cuộc sống thực tại của chúng. Có một nhóc đến từ gia đình chỉ có một mẹ và sáu đứa con. Chú bé đến và không có một xu dính túi. Mẹ nó sắp chuyển nhà và nó cũng không biết là sau kì cắm trại nó sẽ về đâu. Tôi còn nói chuyện với một chú nhóc khác cố gắng nhưng không bơi được và trông tơi tả khi được kéo lên khỏi hồ. Nó bảo như thế này đã ăn nhằm gì; trong cuộc đời ngắn ngủi của nó, chú nhóc từng nuốt nhầm cây chốt khóa nịt, từng bị ngộ độc, thoát chết trong một vụ tai nạn xe hơi kinh hồn, và vừa mất cha mới ba tháng trước.

        Mùa hè trôi qua nhanh với những khoảng thời gian tuyệt vời bên bạn bè, những lá thư thú vị từ Denise, lúc đó đang ở Pháp. Tuy vậy cũng có một sự cố kinh hoàng với bố. Lần ây bố đi làm về sớm trong tình trạng say xỉn và nổi nóng. Tôi lúc này đang ở chơi nhà gia đình Yeldell, nhưng thật may là nhóc Roger ở nhà. Bố cầm một cái kéo đuổi mẹ và đẩy bà vào phòng giặt đồ ngoài bếp. Roger chạy qua nhà Yeldell và la lên "Anh hai ơi, cứu! Bố đang giết mẹ kìa!". Tôi chạy về nhà, gạt bố ra và tước được chiếc kéo. Tôi đưa mẹ và Roger vào phòng khách, rồi quay lại và nói chuyện phải quấy với bố. Tôi nhìn thấy trong mắt ông sự sợ hãi nhiều hơn là tức giận. Không lâu trước đấy người ta đã chẩn đoán rằng ông bị ung thư miệng và họng. Các bác sĩ đề nghị biện pháp chữa trị nặng, phẫu thuật mà có thể gây biến dạng mặt nhưng bố không chịu, nên họ đành cố diều trị cho ông bằng hết khả năng. Sự cố này xảy ra trong khoảng thời gian hai năm trước khi ông mất. Tôi nghĩ chính vì sự xấu hổ với cách sống của mình và sợ chết nên ông mới có cơn bùng nổ cuối cùng đó. Sau đấy ông vẫn uống rượu nhưng trở nên khép kín và thụ động hơn.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tám, 2015, 04:10:15 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2015, 03:13:54 am »

        Sự kiện này rõ ràng có ảnh hưởng rất xấu đối với em trai tôi. Gần 40 năm sau em tôi kể lại về sự nhục nhã khi phải chạy đi kêu cứu, nỗi tuyệt vọng khi cảm thấy không cản được bố, và về cảm giác hận thù không gì xóa được về sau. Tôi cũng thấy mình thật ngu ngốc khi sau sự kiện này lại tiếp tục duy trì chính sách giả vờ như không có chuyên gì xảy ra trong gia đình và trở lại bình thường. Đúng ra, tôi phải nói với em tôi rằng tôi rất tự hào về nó, rằng chính sự cẩn trọng, tình yêu thương và sự dũng cảm của em tôi đã giúp cứu sống mẹ và rằng thật ra em tôi đã vất vả hơn tôi trong vụ đó. Đúng ra tôi nên khuyên em bỏ sự thù hận với bố vì bố đang ốm và việc thù ghét chỉ càng làm em khổ lây. Thực ra tôi cũng thường viết thư và gọi điện cho em tôi khi tôi ở xa, khuyến khích em tôi học tập, hoạt động và nói rằng tôi rất yêu nó. Tuy vậy tôi vẫn thiếu sót khi quên mất nỗi sợ hãi, sự tổn thương mà sự việc gây ra. Phải rất lâu và trải qua nhiều dằn vặt, Roger mới tìm ra được nguồn cơn của nỗi đau trong lòng.

        Dù vẫn còn lo lắng về sự an toàn của mẹ và Roger, tôi tin lời hứa của bố rằng ông sẽ không còn thô bạo nữa. Thực ra ông cũng không còn sức nên tôi thấy sẵn sàng cho năm học thứ hai của mình ở Georgetown. Vào tháng 6, tôi được một học bổng 500 đôla, và quy định mặc áo và đeo cà vạt đi học cũng được bỏ nên tôi thấy'thoải mái hơn với ngân sách 25 đô một tuần của mình. Tôi cũng tái đắc cử chức vụ lớp trưởng, lần này thì có một chương trình cụ thể tập trung vào các hoạt động tôn giáo phi hệ phái và các sáng kiến về dịch vụ cộng đồng - GUCAP, Chương trình hành động cộng đồng của Đại học Georgetown - mà chúng tôi tiếp nhận từ những sinh viên đi trước. Trong chương trình này, chúng tôi đưa sinh viên tình nguyên tới các khu dân cư nghèo quanh vùng để giúp trẻ em học tập. Chúng tôi cũng kèm người lớn học trung học theo chương trình mở rộng, và giúp các gia đình khó khăn phần nào trong cuộc sống. Tôi cũng đi tình nguyện được vài lần, dù không thường xuyên lắm. Những gì tôi học được khi lớn lên ở Arkansas và những gì chứng kiến ở nội đô Washington giúp tôi hiểu rằng các công việc tình nguyện từ thiện sẽ không bao giờ đủ để vượt qua sự khắc nghiệt của đói nghèo, phân biệt đối xử và thiếu cơ hội của rất nhiều đồng bào khốn khó của tôi. Điều đó càng khiến tôi ủng hộ các chương trình về dân quyền, quyền bầu cử và các sáng kiến chống đói nghèo của Tổng thống Johnson.

        Cũng giống như năm đầu, năm học thứ hai của tôi chủ yếu tập trung vào việc học. Đó cũng là lần cuối cùng như vậy vì kể từ đó cho đến hai năm cuối ở Georgetown, thời gian ở Oxford, ở khoa Luật, việc học của tôi luôn phải vật lộn với các vấn đề chính trị, các kinh nghiệm của bản thân và tự nghiên cứu.

        Lúc này, có quá nhiều thứ thu hút sự chú ý của tôi trong lớp học, bắt đầu từ môn tiếng Đức, những bài giảng dễ nhớ của cô Mary Bond về các văn sĩ lớn của Anh, rồi các bài giảng của thầy Ulrich Allers về Lịch sử tư tưởng chính trị. Thầy Allers là một người Đức khó tính và từng đánh giá bài viết của tôi về hệ thống luật pháp của thành Athen cổ là "hơi nhàm nhưng rất đàng hoàng". Lúc đó tôi thấy mình được khen chiếu lệ. Sau khi làm tổng thống vài năm, tôi thà giết người còn hơn bị khen như vậy.

        Tôi bị một điểm C trong môn kinh tế vi mô của giáo sư Joe White trong học kỳ một. Bù lại tôi kiếm được một điểm A khi học kinh tê vĩ mô cũng do ông dạy trong học kỳ hai. Tôi thấy cả hai điểm đó đều mang tính báo hiệu vì khi là tổng thống tôi điều hành tốt nền kinh tế đất nước nhưng lại kém chu toàn tình hình tài chính của cá nhân mình ít nhất là cho đến khi rời Nhà Trắng.

        Tôi học lịch sử châu Âu với thầy Luis Aguilar, một người gốc Cuba từng lãnh đạo phong trào dân chủ chống độc tài Batista trước khi nhà độc tài này bị Castro lật đổ. Một lần, thầy Aguilar hỏi tôi muốn làm gì trong đời. Tôi nói muốn được về nhà và làm chính trị nhưng tôi cũng thích rất nhiều thứ khác nữa. Ông trả lời tôi đầy nuối tiếc rằng "Chọn sự nghiệp của mình cũng giống như chọn vợ từ mười cô bạn gái. Dù cậu chọn cô đẹp nhất, thông minh nhất, tử tế nhất thì vẫn có nỗi đau vì mất chín cô còn lại". Dù ông thích dạy và dạy giỏi nhưng tôi có cảm giác rằng đối với thầy, Cuba chính là chín người phụ nữ còn lại gộp thành một.

        Môn học tôi nhớ nhất trong năm thứ nhì của mình là môn Hiến pháp và chính quyền Mỹ của giáo sư Walter Giles - môn mà thầy dạy chủ yếu là thông qua các vụ kiện ở Tòa án tối cao. Thầy là một người đàn ông độc thân, tóc đỏ cắt húi cua, cuộc sống lúc nào cũng gắn liền với sinh viên, với tình yêu dành cho hiến pháp và công bằng xã hội, niềm đam mê với đội Washington Redskin, dù họ thắng hay thua. Thầy thường mời sinh viên tới nhà ăn tối, và một số ít còn may mắn được cùng thầy đi xem Redskin đấu. Thầy Giles là người đảng Dân chủ có xu hướng tự do ở Oklahoma, nơi mà loại người như vậy thời đó đã không nhiều và bây giờ lại càng hiếm đên mức có thể đưa thầy vào danh sách được Luật bảo vệ các chủng loài bị đe dọa tuyệt chủng.

        Tôi nghĩ thầy quan tâm đến tôi vì tôi đến từ một bang giáp với Oklahoma, dù thầy cũng hay trêu tôi về vụ đó. Thường là đến giờ thầy thì tôi đã đạt đến ngưỡng thiếu ngủ trầm trọng nên tôi có thói quen đôi khi rất phiền hà là ngủ gật chừng năm mười phút rồi sau đó khỏe lại. Tôi ngồi ngay bàn đầu trong lớp, nên thầy rất dễ phát hiện ra. Một lần khi tôi đang gà gật, thầy liền nói to lên rằng một phán quyết nào đó của Tòa án tối cao là rất rõ ràng và ai cũng hiểu, "tất nhiên là trừ những ai đến từ một thị trấn xó xỉnh nào đấỵ ở Arkansas". Tôi bật dậy trong những tràng cười của lũ bạn trong lớp, và sau đó không bao giờ ngủ gật trong giờ của thầy nữa.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tám, 2015, 03:19:45 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2015, 12:43:48 pm »

 
        10

        Sau năm thứ hai tôi về nhà, không có việc làm nhưng hiểu rõ mình muốn làm gì. Lúc ấy là kết thúc của một kỷ nguyên ở Arkansas - sau sáu nhiệm kỳ, Orval Faubus không ra tái tranh cử thông đốc nữa. Cuối cùng thì tiểu bang của chúng tôi cũng có cơ hội thoát khỏi những vết sẹo của sự kiện Little Rock và tì vết của thói thiên vị thân quen tràn lan trong những năm cầm quyền về sau này của ông ta. Tôi muốn tham gia làm việc trong cuộc chạy đua vào chức thống đốc, vừa để hiểu biết chính trị, vừa để góp phần nhỏ bé của mình vào việc đưa Arkansas đi theo một con đường tiến bộ hơn.
Những tham vọng bị dồn nén trong thời Faubus đẩy nhiều ứng viên vào cuộc đua, bảy người phe Dân chủ và một ứng viên Cộng hòa lớn, Winthrop Rockefeller, con thứ năm trong gia đình sáu anh em của John D. Rockefeller Jr., người đã rời bỏ đế chế của cha mình để trông coi công việc từ thiện của Quỹ Rockefeller; và do ảnh hưởng của người vợ Abby có đầu óc thông thoáng hơn và chính khách tự do người Canada Mckenzie King nên ông ta cũng đã rời bỏ luôn thái độ chính trị bảo thủ, chống người lao động của cha mình; và cuối cùng là rời bỏ quan điểm tôn giáo bảo thủ của cha mình để thành lập ra Nhà thờ liên hệ phái Riverside ở thành phố New York cùng với Harry Emerson Fosdick.

        Winthrop hình như có số làm đứa con "hư" của gia đình. Ông ấy bị đuổi khỏi trường Yale và bỏ đi làm cho các giếng dầu ở Texas. Sau khi phục vụ xuất sắc trong Thế chiến hai, ông ấy cưới một nhân vật nổi tiếng ở New York và lấy lại danh tiếng ăn chơi tài tử của mình. Năm 1953, ông ấy chuyển đến Arkansas, một phần vì một người bạn thời quân ngũ ờ đây rủ ông mở một trang trại chăn nuôi, một phần vì luật ly hôn của tiểu bang này chỉ đòi hỏi có 30 ngày mà ông thì đang muốn chấm dứt cuộc hôn nhân đầu tiên ngắn ngủi của mình. Rockefeller là một người to khổng lồ, cao gần mét chín, nặng khoảng 120 ký. Ông ấy thực sự hạp với Arkansas, nơi mà ai cũng gọi ông là Win, một cái tên không đến nỗi tồi với một chính khách (Win, tiếng Anh nghĩa là chiến thắng - ND). Ông luôn đi giày cao bồi và đội nón nỉ Stetson, sau này trở thành dấu ấn riêng của ông. Ông mua một khoảnh lớn của núi Petit Jean, cách Little Rock khoảng 50 dặm, thành công trong việc nuôi bò giống Santa Gertrudis, và cưới vợ lần nữa, bà Jeannette.

        Chuyển đến bang mới, ông cố gắng rũ bỏ hình ảnh tay chơi từng tàn hại đời ông ở New York. Ông gầy dựng lại tổ chức đảng Cộng hòa còn yếu ở Arkansas và nỗ lực đem các ngành công nghiệp đến tiểu bang nghèo nàn của chúng tôi. Thống đốc Faubus bổ nhiệm ông làm Chủ tịch ủy ban phát triển công nghiệp Arkansas, và ông đã tạo thêm được nhiều công ăn việc làm. Năm 1964, nóng lòng vì hình ảnh lạc hậu của Arkansas, ông ra tranh chức thống đốc với Faubus. Mọi người đều đánh giá cao những gì ông đã làm, nhưng Faubus có cơ sở ở từng hạt một; phần lớn dân chúng, đặc biệt là ở miền quê Arkansas, vẫn ủng hộ quan điểm phân cách chủng tộc của ông ta hơn là quan điểm vì dân quyền của Rockefeller; và Arkansas vẫn còn là một tiểu bang theo đảng Dân chủ.

        Ngoài ra, ông Rockefeller nhút nhát kinh khủng này lại không có tài ăn nói, một nhược điểm càng tồi tệ hơn do thói nhậu nhẹt của ông, và khiến ông hay trễ hẹn nhiều đến mức so ra thì tôi là người cực kỳ đúng hẹn. Một lần ông vừa chuếnh choáng vừa đến trê hơn cả tiếng tại một bữa tiệc của phòng thương mại ở Wynne, thủ phủ hạt Cross, đông Arkansas, nơi ông phải phát biểu. Khi ông đứng lên mở lời, ông nói "Hôm nay tôi rất vui được đến • Khi ông nhận ra là không biết mình đang ở đâu, ông hỏi nhỏ người dân chương trình, "Đây là đâu?". Người dẫn chương trình thì thào trả lời: "Wynne". Ông lại hỏi lại, người kia lại trả lời như vậy. Thế là ông chịu hết nổi, "Bô khỉ, tôi biết tên tôi rồi! Tôi hỏi đây là chỗ nào mà?" (Wynne trong tiếng Anh phát âm giống như biệt danh Win của ông - ND). Chuyện này lập tức lan truyền nhanh như chớp ra khắp tiểu bang, nhưng thường là để cười không ác ý, vì ai cũng biết Rockefeller tự chọn làm người Arkansas và thực sự mong muốn lợi ích cho tiểu bang. Năm 1966, Rockefeller lại ra tranh cử nữa, nhưng ngay cả khi không còn Faubus nữa, tôi cũng không nghĩ là ông ấy có thể thắng cuộc.

        Ngoài ra, tôi còn muốn ủng hộ một ứng viên tiến bộ của đảng Dân chủ. Người tôi có thiện cảm nhất là Brooks Hays, người mất ghế ở quốc hội năm 1958 vì ủng hộ việc trường Trung học Little Rock mở cửa cho học sinh da màu. Ông bị đối thủ Dale Alford, một bác sĩ nhãn khoa theo chủ nghĩa kỳ thị, trong một chiến dịch bỏ phiếu viết thành công, một phần nhờ vào các mảnh giấy dính có viết tên ông ta và có thể dùng dán vào phiếu bầu dành cho những cử tri không biết chữ nhưng lại đủ "khôn ngoan" để biết rằng người da đen và người da trắng không nên học cùng một trường. Hays là một tín hữu ngoan đạo, từng làm chủ tịch Liên hữu Baptist Phương Nam trước khi đa số các túi hữu Baptist của tôi quyết định chỉ có những người bảo thủ mới được lãnh đạo họ, hoặc lãnh đạo đất nước. Ông ấy là một người tuyệt vời, thông minh, khiêm tốn, có óc hài hước, và cực kỳ tử tế, ngay cả với những nhân viên làm việc tranh cử cho ứng viên đối thủ.

        Thật trớ trêu, bác sĩ Alford cũng tham gia cuộc đua giành chức thống đốc, và ông ta cũng không thắng nổi, vì những kẻ phân biệt chủng tộc còn có một ứng viên khác trong cuộc đua đến chức thống đốc: Thẩm phán Jim Johnson, người từ giới nghèo khổ ở Crossett, đông nam Arkansas, leo lên đến tận tòa tối cao tiểu bang nhờ vào tài hùng biện mà ngay cả phong trào Ku Klux Klan (KKK - phong trào theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc - ND) cũng ủng hộ ông tranh cử thống đốc. Ông này thậm chí cho rằng Faubus vẫn còn nương tay về dân quyền; dù gì đi nữa thì Faubus cũng có bổ nhiệm vài người da đen vào các ủy ban của tiểu bang. Với Faubus, một người theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một con bài chính trị. Để thắng cử, ông ta thích làm những việc như cải thiện trường học và các nhà dưỡng lão, xây đường sá và cải tạo bênh viện tâm thần hơn là công kích chủng tộc. Đó là cái giá để có thể tại vị. Nhưng với Johnson thì phân biệt chủng tộc là một thứ thần học. Ông ta ngoi lên được nhờ vào hận thù. Mặt mũi ông ta sắc nét cặp mắt thì sáng nhưng hơi dại, làm ông ta có cái vẻ "gầy và khát khao" mà so ra thì Cassius của Shakespeare cũng phải ghen tị. Và ông ta là một chính khách tinh quái, biết rất rõ khối cử tri của mình nằm ở đâu. Thay vì tổ chức diễn thuyết liên miên như những ứng viên khác làm, ông ta tự mình đi khắp nơi trong tiểu bang cùng với ban nhạc chuyên chơi nhạc đồng quê và viễn tây mà ông ta dùng để thu hút đám đông. Sau đó ông ta sẽ khích mọi người nổi điên lên với những lời gào thét thoá mạ người da đen và những người da trắng tráo trở có thiện cảm với họ.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tám, 2015, 12:49:54 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM