Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:22:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193419 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2015, 03:56:01 am »

        Thời gian này những phim tôi thích là những phim dựa theo các tích trong Kinh thánh: The Robe, Demetrius and The Gladiators, Samson and Delilah, Ben-Hur, và đặc biệt là phim The Ten Commandments - phim đầu tiên mà tôi dám bỏ hơn 10 xu để xem. Tôi xem The Ten Commandments khi bố và mẹ đi chơi ngắn ngày ở Las Vegas. Tôi đem theo cơm trưa trong hộp và ngồi lì xem liền hai suất. Nhiều năm sau, khi tôi mời Charlton Heston vào Nhà Trắng với tư cách người được Trung tâm Kennedy vinh danh, ông ấy là chủ tịch Hiệp hội súng trường quốc gia và người cực lực chỉ trích các nỗ lực lập pháp của tôi nhằm ngăn chặn súng lọt vào tay tội phạm hay trẻ em. Tôi nói đùa với ông ấy và cử tọa rằng tôi thích ông đóng vai Moses hơn là vai trò hiện nay của ông ấy. Thật may là ông ấy không giận vì lời nói đùa đó.

        Năm 1957, hai lá phổi của ông ngoại tôi cuối cùng đã không chịu nổi nữa. Ông mất ở bệnh viện Ouachita, bệnh viện còn khá mới và là nơi mẹ làm việc. Ông mới 56 tuổi. Đời ông đã phải chịu quá nhiều nghèo khó, bệnh tật và cuộc sống hôn nhân không êm xuôi nhưng bất chấp khó khăn ông vẫn luôn tìm ra nhiều điều để an vui. Và ông yêu mẹ và yêu tôi hơn cả cuộc sống. Tình yêu của ông và những điều ông dạy tôi, chủ yếu bằng cách tự làm gương, rằng hãy quý trọng những món quà mà cuộc sống hàng ngày mang lại cũng như hãy hiểu những rắc rối của người khác - những điều ấy làm tôi nên người hơn là nếu không có ông.

        Năm 1957 cũng là năm có sự kiện ở trường trung học Central High ở Little Rock. Vào tháng 9, chín học sinh da đen, được sự ủng hộ của Daisy Baites - chủ bút tờ Arkansas State Press (báo cho người da đen ở Little Rock), đã biến trường Central High thành trường trung học không phân cách màu da. Thống đốc Faubus, vì muốn phá vỡ thông lệ một thống đốc bang chỉ giữ chức hai nhiệm kỳ, đã từ bỏ truyền thống tiến bộ của gia đình mình (cha ông bỏ phiếu cho Eu­gene Debs, ứng viên tổng thống lâu năm của đảng Xã hội) và kêu gọi đưa Vệ binh quốc gia đến ngăn chặn mấy học sinh da đen kia nhập trường. Sau đó Tổng thống Dwight Eisenhower đặt Vệ binh quốc gia dưới sự chỉ huy của liên bang1 để bảo vệ các học sinh này, và khi đến trường họ phải đi xuyên qua những đám đông giận dữ gào thét những lời chửi rủa đầy tính kỳ thị chủng tộc. Phần lớn các bạn tôi hoặc chống lại chuyện học sinh nhiều mằu da học chung, hoặc có vẻ chẳng quan tâm gì. Tôi không nói gì nhiều về việc này, có thể vì gia đình tôi không liên quan đến chính trị lắm, nhưng tôi ghét việc Faubus làm. Thế nhưng dù ông Faubus đã gây tác hại lớn cho hình ảnh của tiểu bang, ông ta đã đảm bảo cho mình không chỉ trúng cử tiếp một nhiệm kỳ thứ ba, mà còn trúng thêm ba nhiệm kỳ nữa. Sau này ông ta cũng nhiều lần tranh cử trở lại với Dale Bumpers, David Pryor, và tôi, nhưng lúc ấy tiểu bang đã không còn có phản ứng tương tự như xưa nữa.

        Chín học sinh Little Rock trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm trong cuộc đấu tranh đòi hỏi bình đẳng. Năm 1987, vào dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện này, tôi với tư cách thống đốc bang đã mời chín người này về. Tôi mở tiệc chiêu đãi họ tại công thự của thống đốc và dẫn họ vào căn phòng nơi mà Thống đốc Faubus từng điều động chiến dịch nhằm ngăn họ nhập trường. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 sự kiện này, vào năm 1997, chúng tôi tổ chức một lễ lớn ở bãi cỏ trường trung học Central High. Sau chương trình buổi lễ, Thống đốc Mike Huckabee và tôi mở cửa trường Central High và chín người đó bước vào. Bà Elizabeth Eckford, vào lúc sự kiện xảy ra mới 15 tuổi và bị chấn động mạnh khi phải đi một mình giữa đám đông giận dữ để vào trường, đã dàn hòa với Hazel Massery, một trong những nữ học sinh từng bêu riếu bà 40 năm trước. Năm 2000, trong một buổi lễ ở Bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng, tôi trao tặng cho chín học sinh Little Rock năm nào Huân chương danh dự quốc hội - một phần thưởng danh dự từ gợi ý của Thượng nghị sĩ Dale Bumpers. Vào cuối mùa hè năm 1957, chín học sinh ấy đã giúp cho chúng tôi, cả da đen lẫn da trắng, thoát khỏi bóng đen tăm tối của sự cách biệt và kỳ thị. Bằng việc làm này, họ đã mang lại cho tôi nhiều hơn bất cứ thứ gì tôi có thể mang lại cho họ. Nhưng tôi hy vọng điều tôi mang đến cho họ, và cho dân quyền trong những năm sau này đã vinh danh những bài học tôi đã từng học được hơn 50 năm trước đây trong tiệm rượu của ông tôi.

        Mùa hè năm 1957 và sau giáng sinh năm đó, tôi có những chuyến đi đầu tiên ra ngoài bang Arkansas kể từ hồi đi thăm mẹ ở New Orleans. Cả hai lần tôi đều đáp xe buýt Trailways đi Dallas để thăm bác Otie. Lúc ấy đi xe này là sang lắm, có cả người phục vụ bánh mì kẹp trên xe. Tôi ăn thỏa thích.

        Dallas là thành phố thực sự thứ ba tôi từng đến cho tới lúc bây giờ. Hồi lớp năm tôi đã thăm Little Rock và đến xem tòa nhà quốc hội tiểu bang, hay nhất là vào thăm cả văn phòng của ông thống đốc và ngồi vào ghế bỏ trống của ông. Tôi bị ấn tượng đến nỗi nhiều năm sau tôi vẫn thường cho trẻ em ngồi trên lòng tôi trên ghế ở phòng thống đốc hoặc Phòng Bầu dục để chụp ảnh.

-----------------------
1. Vệ binh quốc gia (National Guard) là lực lượng quân sự của tiểu bang, nhúng chính phủ liên bang có thể trưng dụng khi cần thiết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2015, 01:52:29 am »

        Ngoài thức ăn Mexico tuyện vời, vườn thú và sân tập golf mini đẹp nhất mà tôi từng thấy, những chuyến đi Dallas còn quan trọng đối với tôi vì ba lý do khác. Thứ nhất, tôi được gập vài người họ hàng của cha tôi. Em trai của ông, Glenn Blythe, là cảnh sát ở Irving, ngoại ô Dallas. Chú ấy bự con, đẹp trai, và ở cùng với chú làm tôi cảm thấy có liên hệ với cha mình. Thật buồn là chú mất vì đột quỵ khi còn quá trẻ, mới 48 tuổi. Cháu gái của cha tôi, Ann Grigsby, từng làm bạn với mẹ tôi từ lúc lấy cha tôi. Trong những chuyến đi này, Ann đã trở thành bạn thân thiết của tôi, hay kể cho tôi nghe về cha tôi và về mẹ tôi khi bà còn là một cô dâu trẻ. Ann hiện vẫn là đầu mối gần gũi nhất của tôi đối với dòng họ Blythe.

        Thứ hai, vào ngày đầu năm 1958, tôi đến sân vận động Cotton Bowl xem trận cầu đại học đầu tiên trong đời. Đội Rice do thủ quân King Hill dẫn dắt đấu với đội Navy có hảo thủ Joe Bellino, người hai năm sau đó đoạt cúp Heisman. Tôi ngồi ở khán đài cuối sân nhưng có cảm tưởng như ngồi trên ngai vàng khi đội Navy thắng 20 - 7.

        Thứ ba, ngay sau giáng sinh tôi đi xem phim một mình vào một buổi chiều khi bác Otie phải đi làm. Hình như hôm đó chiếu phim The Bridge on the River Kwai - cầu sông Kwai. Tôi mê phim này, nhưng lại không thích việc phải mua vé người lớn dù hồi đấy tôi chưa tròn 12 tuổi. Tôi trông to hơn tuổi, còn người bán vé thì chẳng chịu tin là tôi còn nhỏ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi gặp người không tin lời tôi nói. Thật khó chịu, nhưng tôi nhận ra được sự khác nhau giữa các thành phố lớn lạnh lùng và những thị trấn tỉnh lẻ, và tôi bắt đầu quá trình chuẩn bị công phu của mình cho cuộc sống ở Wash­ington, nơi chẳng ai tin lời bạn về bất cứ điều gì.

        Năm học 1958 - 1959 tôi bắt đầu vào cấp trung học cơ sở. Trường nằm đối diện bệnh viện Ouachita và giáp vách với trường Trung học Hot Springs. Cả hai tòa nhà đều được xây bằng gạch đỏ sẫm. Trường trung học cao bốn tầng lầu, có một giảng đường cũ lớn với nét trang trí đặc trưng từ thời 1917. Trường trung học cơ sở nhỏ hơn và trông chán hơn nhưng vẫn là đại diện cho một thời kỳ mới trong đời tôi. Tuy nhiên, chuyện lớn với tôi trong năm đó lại chẳng liên quan gì đến trường học cả. Một trong số các thầy giáo lớp học chủ nhật của tôi tổ chức đưa một số nhóc học sinh trong hội thánh đi Little Rock để nghe mục sư Billy Graham giảng trong cuộc vận động của ông ở sân War Memorial, sân nhà của đội Razorbacks. Hồi nặm 1958 vấn đề chủng tộc vẫn còn căng thẳng lắm. Các trường học ở Little Rock vì muôn ngăn chặn học sinh khác màu da học chung đã đồng loạt đóng cửa, đẩy học sinh về các trường ở các thị trấn lân cận. Những người có đầu óc kỳ thị của Hội đồng Công dân Da trắng và các hội đoàn khác đề nghị mục sư Graham chỉ cho người da trắng tham dự cuộc vận động của ông xét vì không khí căng thẳng hiện nay. Ông đáp lại rằng Chúa Jesus thương yêu tất cả các con chiên, rằng mọi người đều cần có cơ hội để tiếp đón tin mừng, và vì thế ông thà hủy bỏ cuộc vận động còn hơn là phải thuyết giảng trước một cử tọa phân cách chủng tộc. Hồi đó, mục sư Billy Graham là hiện thân của lực lượng giáo hội Baptist Phương Nam, là nhân vật tôn giáo lớn nhất của miền Nam, và có lẽ của cả nước Mỹ. Sau khi ông bày tỏ quan điểm như vậy, tôi càng muốn nghe ông thuyết giảng. Những người mang đầu óc kỳ thị nhượng bộ, và mục sư Graham trong bài nói 20 phút đặc trưng của mình đã truyền lại một thông điệp mạnh mẽ. Khi ông mời mọi người bước xuống thảm cỏ sân vận động để tiếp nhận Chúa hoặc hiến dâng đời mình cho Chúa, hàng trăm người da đen và da trắng cùng nhau đi dọc các lối đi của sân để xuống đứng và cầu nguyện cùng nhau. Đó là một điểm nhấn mạnh mẽ tương phản với không khí chính trị phân biệt chủng tộc lan tràn khắp miền Nam lúc bấy giờ. Tôi yêu mến Billy Graham về điều này. Nhiều tháng sau tôi thường xuyên dành ra một khoản trong số tiền ít ỏi của mình để ủng hộ cho hội thánh của ông.

        Ba mươi năm sau, mục sư Billy quay lại Little Rock đê tổ chức một cuộc vận động nữa ở sân War Memorial. Với tư cách là thống đốc bang, tôi hân hạnh được ngồi cùng ông trên sân khấu một tối và còn hân hạnh hơn khi đi cùng với ông và bạn tôi Mike Coulson đến thăm vị mục sư của tôi, bạn cũ của Billy, là w. o. Vaught, người sắp chết vì bệnh ung thư. Thật kinh ngạc khi nghe hai người thuộc về Chúa bàn chuyên cái chết, về những nỗi sợ, và về niềm tin của họ. Khi Billy đứng dậy để ra về, ông cầm tay mục sư Vaught và nói: "W. O. à, với cả hai chúng ta chắc cũng chẳng còn lâu đâu. Hẹn gặp lại bạn, ngaỵ bên ngoài Cửa Đông", tức là cửa vào Nước Chúa.

        Khi tôi là tổng thống, Billy và Ruth Graham đến thăm Hillary và tôi ở Nhà Trắng. Billy cùng cầu nguyên với tôi trong Phòng Bầu dục, và viết những bức thư đầy khích lệ và chỉ dẫn trong thời gian tôi bị kiện tụng. Trong mọi điều ông đối xử với tôi, cũng như trong cuộc vận động năm 1958 ấy, Billy đã luôn sống đúng đức tin của mình.

        Thời gian học trung học cơ sở mang lại những trải nghiệm và thách thức mới, khi tôi bắt đầu nhận thức nhiều hơn về trí óc, cơ thể, tinh thần và thế giới bé nhỏ của mình. Nói chung tôi thích hầu hết những điều học về bản thân, nhưng không phải thích hết mọi thứ. Đôi khi những điều chợt đến trong ý nghĩ và trong đời thực làm tôi khiếp sợ, như cơn giận bố, những tơ tưởng đầu tiên đến bọn con gái, và cả những hoài nghi về niềm tin tôn giáo - mà tôi nghĩ xuất phát từ việc tôi không thể hiểu tại sao một ông Chúa mà sự hiện hữu của ông tôi không chứng minh được lại tạo ra một thế giới có nhiều điều tồi tệ xảy ra đến vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2015, 01:16:13 am »

       Tôi ngày càng ham âm nhạc. Dạo này tôi bắt đầu ngày nào cũng đi tập với ban nhạc trung học cơ sở, mong đến ngày biểu diễn trong dịp nghỉ giữa hiệp của các trận đấu bóng và được đi trong đoàn diễu hành giáng sinh, hay được đi biểu diễn ở các buổi hòa nhạc, và đi dự các liên hoan ban nhạc trong vùng - nơi có các giám khảo cho điểm cho các ban nhạc, cũng như các màn biểu diễn cá nhân và tập thể. Tôi đoạt khá nhiều giải, và lần nào mà tôi không đoạt giải thì chỉ vì tôi cố chơi một bài quá khó đối với mình. Tôi vẫn còn giữ vài phiếu chấm điểm của giám khảo cho một sô lần đầu biểu diễn solo của tôi, chỉ ra khiếm khuyết trong kiểm soát những nốt bè thâp, sai nhịp hoặc thói phồng mang trợn má của tôi. Tôi càng lớn thì phiếu điểm càng cải thiện, nhưng tôi cũng không sửa được tật phồng má. Bản solo ưa thích của tôi thời đó là một trích đoạn trong Rhapsody in Blue mà tôi rất ưa tập và một lần còn biểu diễn cho khách xem ở khách sạn Majestic cổ. Tôi hồi hộp ghê lắm, nhưng quyết tâm tạo ấn tượng tốt bằng cách mặc áo choàng trắng mới, đeo nơ và khăn chẽn lưng màu đỏ.

       Các ông bầu ban nhạc học sinh khuyến khích tôi chơi tốt hơn và tôi quyết định thử xem. Hồi đó tiểu bang Arkansas có vài trại nhạc công mùa hè được tổ chức trong các cơ sở của trường đại học và tôi muốn dự một trại. Tôi quyết định đến trại ở cơ sở chính của Đại học Arkansas tại Fayetteville vì ở đấy có nhiều thầy giỏi, mà tôi thì muốn ở vài tuần trong cơ sở mà tôi đoán sau này mình sẽ học đại học ở đó. Trong suốt bảy năm, hè nào tôi cũng đến đây, cho mãi đến tận mùa hè sau khi tôi tốt nghiệp trung học. Hóa ra đó là một trong những trải nghiệm quan trọng nhất trong thời kỳ trưởng thành của tôi. Thoạt tiên, tôi cứ chơi kèn miệt mài. Và tôi cũng khá lên. Có hôm tôi tập kèn liền 12 tiếng cho đến khi môi tôi đau đến nỗi không mấp máy nổi. Tôi cũng có dịp nghe và học hỏi từ những nhạc công lớn tuổi và giỏi hơn.

       Trại nhạc công mùa hè còn là một nơi lý tưởng cho tôi phát triển các kỹ năng chính trị và lãnh đạo. Trong suốt thời kỳ tôi trưởng thành dần lên, đó là nơi duy nhất mà việc bạn chỉ là một "nhóc nhạc công quèn" thay vì là cầu thủ bóng bầu dục không hề đem lại hệ lụy chính trị nào hết. Đó cũng là nơi duy nhất mà làm "nhóc nhạc công quèn" không phải là điểm yếu cho các chú choai choai khi đi tán gái đẹp. Chúng tôi lúc nào cũng vui vẻ, từ phút thức dậy đi ăn sáng trong nhà ăn trường đại học cho đến khi đi ngủ trong ký túc xá, và luôn cũng cảm thây mình rất quan trọng.

       Tôi cũng khoái cái cơ sở này. Ngôi trường này là trường đại học được chính phủ cấp đất xưa nhất phía tây sông Mississippi. Hồi còn ở trung học cơ sở, tôi viết bài luận về trường này, còn khi đã là thống đốc tôi ủng hộ việc dành ngân sách để khôi phục tòa nhà Old Main, tòa nhà cổ nhất trong trường. Được xây từ năm 1871, nó là kiến trúc độc đáo nhắc nhớ về cuộc Nội chiến, có hai cái tháp, tháp bắc cao hơn tháp nam.

       Việc chơi trong ban nhạc cũng đem lại cho tôi người bạn tốt nhất thời trung học cơ sở, Joe Newman. Cậu ấy chơi trông, và chơi giỏi. Mẹ cậu, bác Rae, là giáo viên trong trường chúng tôi; bác ấy và bác trai Dub lúc nào cũng làm tôi cảm thấy mình được chào đón trong căn nhà bằng gỗ trắng lớn của họ trên đại lộ Ouachita, gần nhà hai bác Roy và Janet. Joe thông minh, hoài nghi, tính khí hơi thất thường nhưng hài hước và trung thành. Tôi thích chơi hoặc nói chuyện với cậu ấy. Bây giờ vẫn vậy - suốt bao năm qua chúng tôi vẫn thân thiết với nhau.

       Ở trung học cơ sở tôi thích nhất là học toán. Thật may là tôi nằm trong nhóm đầu tiên ở thành phố được học đại số năm lớp tám chứ không phải lớp chín, có nghĩa là tôi có cơ hội học hình học, đại số nâng cao, lượng giác và tích phân trước khi tốt nghiệp trung học. Tôi thích toán vì đó là môn đòi hỏi giải quyết vấn đề, vốn luôn làm tôi phân khích. Dù khi lên đại học tôi không học toán nữa, nhưng tôi luôn tưởng mình vẫn giỏi toán cho đến một lần tôi không thể làm giúp bài tập lớp chín của Chelsea. Thế là một ảo tưởng nữa tan vỡ.

       Cô Mary Matassarin dạy tôi đại số và hình học. Chị của cô, Verna Dokey, dạy sử, và chồng của cô Verna - Vernon, một huấn luyện viên về hưu - dạy khoa học lớp tám. Tôi thích họ, và dù tôi không học giỏi khoa học mấy, một bài học của thầy Dokey tôi vẫn còn nhớ như in. Vợ và em vợ của thầy Vernon Dokey rất xinh, nhưng phải nói thẳng rằng thầy không phải là người đẹp trai - đấy là đã nhẹ lời lắm rồi. Thầy bự con, bụng hơi nặng nề, đeo kính dày cộm và hay hút xì gà rẻ tiền bằng một ống đót có đầu ngậm nhỏ, khiến mặt thầy trông thiểu não nhăn nhúm kỳ quặc khi thầy rít thuốc. Thầy hay cư xử thô lậu, nhưng lại có nụ cười thật tuyệt, có óc hài hước và sự hiểu biết con người nhạy bén. Một hôm thầy nhìn chúng tôi và nói: "Các em, sau này có thể các em sẽ không còn nhớ gì đã học được trong giờ khoa học, vì thế tôi sẽ dạy cho các em một điều về bản chất con người mà các em nên nhớ lấy. Mỗi sáng tôi thức dậy, tôi vào buồng tắm, dấp nước lên mặt, cạo râu, rồi lau kem cạo râu đi, nhìn vào gương và nói, "này Vernon, cậu trông đẹp lắm". Các em nhớ lây nhé. Ai cũng muôn cảm thây là mình đẹp đẽ cả". Và tôi đã ghi nhớ điều đó trong hơn 40 năm. Nó giúp tôi hiểu được những điều tôi có thể đã bỏ lỡ nếu như thầy Vernon Dokey không nói với tôi rằng thầy đẹp, và nếu như tôi đã không nhìn ra được rằng thực sự thầy đẹp thật.

       Tôi phải chật vật lắm mới hiểu được người khác ở trường trung học cơ sở. Chính ở trường tôi phải đối diện với việc không phải ai cũng thích tôi, mà thường là do những nguyên do gì đó tôi không biết. Có lần tôi đang đi bộ đến trường, cách trường một dãy phố thì một học sinh lớp trên, vốn thuộc dạng đầu bò đầu bướu đang đứng trong hẻm trống giữa hai tòa nhà hút thuốc, búng tàn thuốc đang cháy vào tôi, trúng ngay giữa mũi và suýt nữa làm bỏng mắt tôi. Tôi chẳng hiểu sao hắn lại làm thế, nhưng chắc là dù gì thì tôi cũng chỉ là một thằng nhóc phục phịch mà lại không có quần jean thời thượng (loại quần Levis đã gỡ đường khâu viền ở túi phía sau).

       Cũng khoảng thời gian này tôi có cãi cọ với Clifton Bryant, một đứa lớn hơn tôi một, hai tuổi gì đấy nhưng lại nhỏ con hơn tôi. Một hôm đám bạn tôi và tôi quyết định đi bộ về với nhau sau khi tan học, khoảng ba dặm. Nhà Clifton cũng ở phía đó nên nó đi theo chúng tôi về nhà, vừa đi vừa chòng ghẹo và đẩy vào vai tôi. Chúng tôi cứ đi như thế đến tận đài phun nước trên đại lộ Central, đoạn quẹo phải vào đại lộ Park. Khoảng hơn một dặm đường tôi đã cô lờ đi, nhưng cuối cùng không chịu nổi nữa. Tôi quay lại, vung tay một vòng lớn và đấm nó. Cú đấm khá mạnh, nhưng lúc chạm tới nó thì nó đã kịp quay người chạy nên chỉ trúng vào lưng. Như đã nói, tôi thì chậm chạp. Lúc Clifton chạy về nhà, tôi gào lên thách nó quay lại và đánh nhau cho đáng mặt nam nhi. Nó vẫn chạy. Lúc tôi về đến nhà, tôi đã bình tĩnh lại và những lời tán dương của đám bạn cũng tan biến dần. Tôi sợ tôi làm nó chấn thương, nên tôi nhờ mẹ gọi điện đến nhà nó hỏi xem nó có bị sao không. Từ sau đó giữa hai đứa không còn chuyện gì nữa. Tôi hiểu ra rằng tôi có thể tự vệ, nhưng tôi không thích thú gì khi đánh cậu ta và cũng hơi khó chịu về cơn giận dữ của mình, vốn càng trở nên mạnh mẽ hơn theo năm tháng. Bây giờ tôi biết cơn giận của mình ngày hôm đấy là phản ứng bình thường và lành mạnh khi bị đối xử như vậy. Nhưng chính vì cách cư xử của bố tôi khi giận hoặc say xỉn mà tôi cho rằng sự giận dữ nghĩa là thiếu kiểm soát, và tôi quyết tâm không bao giờ nổi nóng. Làm như thế có thể làm bùng nổ những cơn giận dữ âm ỉ thường trực bị dồn nén mà tôi cũng chẳng biết là từ đâu ra nữa.

       Ngay cả khi tôi phát khùng tôi vẫn đủ tỉnh táo để không phải lúc nào cũng đối đầu với mọi thách thức. Những năm đó đã có hai lần tôi tránh đi, hoặc nếu bạn muốn nói một cách thẳng thừng, là đánh bài chuồn. Lần thứ nhẩt là lần tôi đi bơi với đám trẻ nhà Crane ở sông Caddo, ở phía tây Hot Springs, gần một thị trấn nhỏ tên Caddo Gap. Một chú nhóc địa phương trèo lên bờ sông gần chỗ tôi bơi và bắt đầu chửi bới tôi. Tôi chửi lại. Thế là nó nhặt một cục đá và ném tôi. Nó đứng cách chỗ tôi khoảng 20 mét, nhưng ném trúng ngay đầu tôi gần thái dương, chảy cả máu. Tôi muốn lên bờ đánh nhau với nó, nhưng tôi thấy nó bự hơn, khỏe hơn và ngầu hơn tôi, nên tôi bơi đi chỗ khác. Nhờ đã có kinh nghiệm bị cừu húc, bị Tavia Perry bắn và những lần sai lầm tương tự như vậy trước đấy, chắc là tôi làm như vậy là phải rồi.

       Lần thứ hai tôi tránh né trong thời kỳ trung học cơ sở thì tôi biết chắc là tôi đã làm đúng. Vào các tối thứ sáu bao giờ ở câu lạc bộ của YMCA1   địa phương cũng có nhảy nhót. Tôi thích nhạc rock-and- roll, thích nhảy và thường đi nhảy từ hồi lớp tám hay lớp chín, dù tôi mập, trông không có vẻ ngon lành gì cả và cũng không được bọn con gái hâm mộ gì. Thêm nữa, tôi vẫn chẳng mặc đúng loại quần jean thời thượng.

---------------------
1. Hiệp hội thanh niên Kytô giáo
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2015, 01:58:45 am »

        Một buổi tối, tôi tạt vào phòng chơi bida cạnh sàn nhảy để mua đồ uống từ máy bán Coca Gola tự động. Mấy đứa học sinh trung học lớn hơn đang tụ tập đánh hoặc xem bida. Một trong số đó là Henry Hill, nhà nó là chủ sân bowling Lucky Strike Lanes ở trung tâm thành phố. Henry bắt đầu chế giễu cái quần jean của tôi, mà hôm đó đúng là hề hết chỗ nói. Cái quần ấy là loại quần thợ mộc, có một cái khoen vải ở hông bên phải để đeo búa. Không có Henry chọc tôi thì tôi cũng đã khó chịu lắm rồi, nên tôi cũng xấc xược lại ngay. Thế là nó dùng hết sức quại vào hàm tôi. Lúc này tôi cũng đã to con hơn so với tuổi, cao cỡ mét tám và nặng 90kg. Nhưng Henry cao cỡ mét chín và bự hơn nữa. Không thể đánh lại được. Hơn nữa, thật ngạc nhiên là tôi cũng chẳng đau lắm. Thế nên tôi đứng yên tại chỗ và nhìn chằm chằm vào Henry. Tôi nghĩ Henry cũng lấy làm lạ tại sao tôi không ngã ra hoặc bỏ chạy, vì nó phá lên cười, vỗ vào lưng tôi và bảo rằng tôi được lắm. Từ đó chúng tôi luôn thân thiện với nhau. Một lần nữa tôi hiểu ra rằng tôi có thể chịu đựng được cú tấrì công và có nhiều cách để đứng vững trước sự hung hăng.

        Khi tôi lên lớp chín, vào tháng 9 năm 1968, chiến dịch tranh cử tổng thống đã rầm rộ lắm. Cô giáo tiếng Anh và phụ trách điểm danh lớp tôi, cô Ruth Atkins, cũng quê ở Hope và cũng là một người chí cốt theo đảng Dân chủ. Cô bắt chúng tôi đọc Great Expectations của Charles Dickens, nhưng dành rất nhiều thời gian để chúng tôi bàn chuyện chính trị. Hot Springs hồi đó có nhiều người theo đảng Cộng hòa hơn phần lớn các nơi khác của tiểu bang Arkansas, nhưng những thế hệ lớn lại ít bảo thủ hơn nhiều so với thế hệ sau này. Một số gia đình kỳ cựu đã đến ở Hot Springs từ trước Nội chiến và họ theo đảng Cộng hòa chỉ vì họ chống lại chế độ nô lệ và tư tưởng ly khai. Một số gia đình có gốc gác Cộng hòa thì theo chủ nghĩa tiến bộ của Teddy Roosevelt. Một số khác thì ủng hộ sự bảo thủ ôn hòa của Eisenhower.

        Thành phần những người theo phe Dân chủ ở Arkansas còn đa dạng hơn. Nhóm giữ truyền thống thời Nội chiến là đảng viên Dân chủ vì tổ tiên họ ủng hộ việc miền Nam ly khai và chế độ nô lệ. Một nhóm lớn hơn vào đảng này trong thời Đại khủng hoảng, khi mà công nhân thất nghiệp và nông dân nghèo coi FDR (Tổng thống Franklin D. Roosevelt - ND) như vị cứu tinh và sau đó rất yêu mến người xuất thân từ bang láng giềng Missouri, Harry Truman. Một nhóm nhỏ hơn là những người nhập cư, phần lớn từ châu Âu, theo đảng Dân chủ. Đa phần người da đen theo Dân chủ vì Roosevelt, vì quan điểm dân quyền của Truman, và vì họ cảm thấy Kennedy sẽ còn tích cực hơn Nixon về chuyện này. Một nhóm nhỏ người da trắng cũng cảm thấy như vậy. Tôi thuộc nhóm này.
Trong lớp của cô Atkins phần lớn học sinh ủng hộ Nixon. Tôi nhớ David Leopoulos bảo vệ Nixon và viện dẫn rằng ông ta có kinh nghiệm hơn Kennedy, đặc biệt về đối ngoại, và rằng thành tích dân quyền của ông ấy khá tốt - mà đúng như vậy thật. Lúc ấy tôi thực ra cũng không có gì chống Nixon cả. Tôi còn chưa biết về chiến dịch vận động gán tội thiên cộng sản của ông ta ở hạ viện và thượng viện California nhằm chống lại Jerry Voorhis và Helen Gahagan Douglas. Tôi thích cách ông ta đương đầu với Nikita Khrushchev. Năm 1956, tôi ngưỡng mộ cả Eisenhower lẫn Stevenson, nhưng đến năm 1960, tôi bắt đầu theo hẳn một đảng. Tôi từng ủng hộ LBJ (Tổng thống Lyndon B. Johnson - ND) trong vòng bầu cử sơ bộ vì thành tích lãnh đạo thượng viện của ông ta, đặc biệt trong vụ thông qua một đạo luật dân quyền năm 1957, vì gốc gác miền Nam nghèo khó của ông ta. Tôi cũng thích Hubert Humphrey vì ông ấy là người ủng hộ cuồng nhiệt nhất cho dân quyền, thích Kennedy vì sự trẻ trung, mạnh mẽ và quyết tâm thúc đẩy đất nước. Khi Kennedy trở thành ứng viên tổng thống, tôi có những cơ sở tốt nhất để thuyết phục các bạn cùng lớp.

        Tôi rất mong ông ấy thắng cử, đặc biệt là sau khi ông ấy gọi điện cho Coretta King để bày tỏ lo lắng khi chồng bà bị bỏ tù, và sau khi ông nói chuyện với những người theo Tin Lành Baptist Phương Nam ở Houston để bảo vệ niềm tin của mình và bảo vệ quyền của những người Mỹ Công giáo ra tranh cử tổng thống. Phần lớn các bạn cùng lớp tôi và cả cha mẹ đều không đồng tình. Tôi bắt đầu quen với việc này. Trước đấy vài tháng, khi ra ứng cử chức trưởng ban đại diện học sinh, tôi đã để vuột chức này vào tay Mike Thomas, một người tốt, và sau này trở thành một trong bốn bạn cùng lớp tôi chết ở Việt Nam. Nixon thắng trong hạt của chúng tôi, nhưng Kennedy lại thắng ở bang Arkansas với 50,2% số phiếu, bất chấp những người Tin Lành chính thống đã cố hết sức thuyết phục những người Tin Lành theo đảng Dân chủ rằng Kennedy sẽ phải tuân lệnh Giáo hoàng.

        Tất nhiên việc ông ấy theo Công giáo là một trong những lý do tôi mong ông thành tổng thống. Từ kinh nghiệm bản thân ở trường Công giáo St. John và những lần gặp gỡ với các sơ cùng làm với mẹ tôi ở bệnh viện St. Joseph, tôi thích và ngưỡng mộ những người Công giáo - những giá trị của họ, sự tận tụy và lương tâm xã hội của họ. Tôi cũng tự hào rằng người Arkansas duy nhất ra tranh cử ở cấp liên bang, Thượng nghị sĩ Joe T. Robinson, đứng chung liên danh với ứng cử viên Công giáo đầu tiên tranh cử tổng thống, Thống đốc AI Smith của bang New York, vào năm 1928. Giống như Kennedy, Smith chiến thắng ở bang Arkansas nhờ vào Robinson.

        Với sự gần gũi với Công giáo của tôi như vậy, thật trớ trêu là ngoài âm nhạc ra, đề tài ngoại khóa chính của tôi từ lớp chín trở đi lại là hội Order of DeMolay, một tổ chức cho nam sinh được hội Masons bảo trợ. Tôi luôn tưởng thành viên Masons và DeMolay là chống lại Công giáo, nhưng không hiểu rõ tại sao. Dù gì thì DeMolay cũng là một thánh tử đạo thời tiền cải cách tôn giáo1 và chết trong tay Tòa án dị giáo Tây Ban Nha. Phải đến khi tôi nghiên cứu để viết cuốn sách này thì tôi mới phát hiện ra rằng từ đầu thế kỷ 18 nhà thờ Công giáo đã coi hội Masons là một tổ chức nguy hiểm đe dọa đến quyền lực của nhà thờ, trong khi hội Masons không hề cấm người ta theo tôn giáo nào cả và thậm chí còn có một vài hội viên theo Công giáo.

        Mục đích của hội DeMolay là xây dựng đạo đức cá nhân và công dân cũng như tình thân hữu giữa các hội viên. Tôi thích tình cảm đồng hội, thích việc ghi nhớ mọi nghi thức của hội, leo dần lên chức ủy viên trưởng của chi hội chỗ tôi cũng như những lần đi dự đại hội tiểu bang, nơi chúng tôi bàn luận chính trị sôi nổi và tiệc tùng với hội Rainbow Girls, tổ chức kết nghĩa của hội DeMolay. Tôi hiểu thêm về chính trị thông qua cuộc bầu cử hội DeMolay cấp tiểu bang, dù tôi chưa bao giờ tranh cử. Người sáng láng nhất tôi từng ủng hộ vào chức ủy viên trưởng tiểu bang là Bill Ebbert đến từ Jonesboro. Ebbert đã có thể làm một thị trưởng tuyệt vời hoặc một chủ tịch ủy ban quốc hội nếu như vẫn còn thông lệ sống lâu lên lão làng như hồi xứa. Anh ấy vui nhộn, thông minh, cứng rắn và cũng giỏi thương lượng như LBJ vậy. Một lần anh ấy đang phóng 90 dặm/giờ trên xa lộ ở Arkansas thì bị một xe cảnh sát tiểu bang hụ còi đuổi theo. Ebbert có radio sóng ngắn, nên anh bèn gọi cho cảnh sát để báo cáo về một vụ tai nạn phía sau ba dặm. Chiếc xe cảnh sát nhận được tin báo và đổi hướng, thả cho Ebbert về. Không biết ông! cảnh sát ấy sau này có hiểu ra quả lừa ấy không.

---------------------
1. Cải cách tôn giáo: phong trào tôn giáo thế kỷ 16 đã đưa tới việc hình thành đạo Tin Lành.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Bảy, 2015, 02:06:15 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2015, 07:05:07 am »

        Dù tôi thích hội DeMolay, tôi vẫn không chấp nhận được ý tưởng cho rằng những lễ nghi bí mật của hội là cái gì đó ghê gớm lắm đến mức làm cho cuộc sống của chúng tôi quan trọng hơn. Sau khi tốt nghiệp khỏi hội, tôi không tham gia tiếp vào hội Mason - giống như những người Mỹ ưu tú như George Washington, Benjamin Franklin và Paul Revere đã làm - có lẽ vì lúc bấy giờ tôi ngoài 20 và đang trong giai đoạn không thích gia nhập cái gì cả, và tôi lại không thích thái độ chống Công giáo (hồi đó tôi tưởng như vậy) của hội Mason. Tôi cũng không ưa kiểu phân chia dân da đen và da trắng vào các phân hội riêng biệt (dù khi làm thống đốc tôi có biết đến các đại hội của chi hội Mason Prince Hall cho người da đen, và họ dường như vui vẻ còn hơn cả những hội viên Mason mà tôi từng biết).

        Thêm nữa, tôi đâu cần phải có hội kín mới có bí mật. Tự tôi cũng đã có những bí mật rồi, xuất phát từ thói nhậu nhẹt và bạo hành của bố tôi. Những thói tật này ngày càng tệ khi tôi 14 tuổi, học lớp chín, và em trai tôi mới lên bốn. Một đêm bố vào phòng ngủ đóng cửa lại, bắt đầu la mắng và sau đó đánh mẹ. Em Roger sợ lắm, cũng như tôi chín năm trước vào cái đêm có súng nổ. Cuối cùng tôi không chịu được việc mẹ bị đánh và em Roger khiếp hãi như vậy. Tôi rút cây gậy đánh golf ra khỏi túi golf và mở tung cửa phòng của bố mẹ ra. Mẹ nằm dưới sàn, còn bố thì đứng trên và đánh bà. Tôi bảo ông ngưng ngay, nếu không tôi sẽ lấy gậy quật ông. Ông chịu thua, ngồi sụp xuống ghế cạnh giường và rũ đầu xuống. Cảnh này làm tôi muốn bệnh. Trong cuốn tự truyện của bà, mẹ tôi viết là bà gọi cảnh sát đến giam bố trong tù đêm đó. Tôi không nhớ có đúng vậy hay không, nhưng tôi biết chắc chắn một khoảng thời gian khá lâu sau không có chuyện gì tồi tệ xảy ra. Tôi thấy tự hào vì dám đứng lên bảo vệ mẹ, nhưng về sau tôi cũng cảm thấy buồn về chuyên này. Tôi chỉ không thể chấp nhận được chuyên một người về căn bản là tốt lại tìm cách giảm nỗi đau của mình bằng cách làm đau người khác. Ước gì hồi đó tôi có ai để chia sẻ chuyện này, nhưng chẳng có ai, nên tôi phải tự mình hiểu lấy.

        Tôi phải chấp nhận những bí mật của gia đình tôi như một phần bình thường của đời mình. Tôi không bao giờ nói cho ai những bí mật đó - bạn bè cũng không, thầy cô, hàng xóm hay mục sư cũng không. Nhiều năm sau khi tôi tranh cử tổng thống, nhiều bạn tôi nói với báo giới là họ không hề biết chuyện. Tất nhiên là bí mật gì thì bí mật, cũng có người biết. Bố tôi dù có cố gắng cũng không thể đối xử tốt với tất cả mọi người khác như đối xử với chúng tôi. Những người biết chuyện - gia đình, bạn thân của mẹ, vài ông cảnh sát - đều không nói gì cho tôi, vì thế tôi tưởng tôi có một bí mật thật sự và quyết định giữ kín. Chính sách trong gia đình chúng tôi là "không hỏi, không kể".

        Bí mật duy nhất của tôi hồi tiểu học và trung học cơ sở là lần lấy tiền tiêu vặt quyên góp cho Billy Graham sau cuộc vận động ở Little Rock của ông. Tôi không bao giờ nói cho cha mẹ hay bạn bè nghe về chuyên này. Một lần tôi đang cầm phong bì có tiền ra hòm thư gần đường Circle Drive để gửi cho ông Billy, tôi thấy bố đang làm gì đó ở sân sau. Để khỏi bị ông bắt gặp, tôi ra cổng trước ở đại lộ Park, quẹo phải rồi đi ngược lại qua lối đường xe của lữ quán Perry Plaza bên cạnh. Nhà chúng tôi nằm trên đồi, còn lữ quán nằm ở khu đất bằng phía dưới. Khi tôi đi được khoảng nửa đường, bố nhìn xuống và thấy tôi cầm phong bì trên tay. Tôi vẫn đi tiếp ra hòm thư, bỏ phong bì vào và về nhà. Chắc ông cũng tự hỏi không biết tôi làm gì, nhưng ông không hỏi tôi. Ông không bao giờ hỏi cả. Tôi đoán ông có quá đủ bí mật của riêng ông rồi.

        Chuyện các bí mật làm tôi nghĩ rất nhiều trong bao năm qua. Chúng ta ai cũng có bí mật và chúng ta có quyền có bí mật. Chúng làm cho cuộc sống của chúng ta thú vị hơn, và khi ta quyết định chia sẻ các bí mật, các mối quan hệ của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn. Nơi ta cất giấu bí mật còn có thể trở thành một nơi trú ẩn, nơi ta rút khỏi thế giới bên ngoài, nơi bản ngã của mỗi người được hình thành và củng cố, nơi sự đơn độc có thể mang lại sự an bình. Dầu vậy, những bí mật vẫn có thể là những gánh nặng ghê gớm, đặc biệt là nếu có dính dáng đến sự hổ thẹn, dù nguồn cơn của sự hổ thẹn đó không đến từ người mang bí mật. Hoặc sự thôi thúc phải có bí mật có thể quá mạnh, mạnh đến mức ta cảm thấy không thể sống thiếu bí mật, thậm chí không thể là chính mình nếu không có bí mật.

        Tất nhiên khi bắt đầu trở thành người giữ bi mật, tôi chưa hiểu hết những điều này. Hồi đó tôi thậm chí cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. Tôi nhớ rõ khá nhiều về thời thơ ấu, nhưng tôi không tin vào trí nhớ của mình để xác định chính xác mình biết những gì và vào lúc nào về những chuyên đó. Tôi chỉ biết rằng tôi đã chật vật tìm kiếm sự cân bằng thích hợp giữa những bí mật của sự phong phú nội tâm và những bí mật của sợ hãi và hổ thẹn giấu kín, và rằng tôi luôn không muốn nói gì với bất cứ ai về những đoạn đời riêng khó khăn nhất của mình, kể cả thời kỳ khủng hoảng tinh thần năm 13 tuổi khi lòng trung tín của tôi quá yếu không thể giữ được niềm tin vào Chúa sau tất cả những gì tôi chứng kiến và trải qua. Bây giờ thì tôi biết sự chật vật này ít nhất một phần là do phải lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu và do những phản xạ của tôi để thích nghi với hoàn cảnh ấy. Phải rất lâu tôi mới hiểu ra điều đó. Thật khó để hiểu ra rằng những bí mật nào cần giữ kín, những bí mật nào cần cho đi và những bí mật nào cần phải tránh ngay từ đầu. Giờ đây tôi cũng chưa dám chắc đã hoàn toàn hiểu được. Có vẻ như còn phải học cả đời mới hiểu được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2015, 04:41:26 am »

   
        06

        Tồi không biết mẹ làm cách nào mà chịu được như vậy. Mỗi sáng, dù cho đêm hôm trước có chuyện gì xảy ra, mẹ vẫn dậy và không để lộ ra nét mặt. Thật là một khuôn mặt đáng nể. Từ hồi mẹ ở New Orleans trở về và tôi biết dậy sớm, tôi rất thích ngồi trên sàn buồng tắm và xem mẹ trang điểm lên khuôn mặt xinh đẹp đó.

        Mẹ trang điểm khá lâu, một phần vì mẹ không có lông mày. Mẹ hay đùa rằng ước gì mẹ có đôi lông mày rậm rạp đến mức phải nhổ bớt đi như của tài tử nổi tiếng thời đó, Akim Tamiroff. Mẹ phải dùng bút chì tự vẽ lông mày. Sau đó mẹ bôi phấn và đánh son, thường là màu đỏ hợp với sơn móng tay.

        Cho đến năm tôi 11 hoặc 12 tuổi, mẹ để tóc dài gợn sóng. Mái tóc mẹ thật dày và đẹp, và tôi thích xem mẹ chải tóc cho đến khi mượt hẳn. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày bà đi thẩm mỹ viện về với mái tóc ngắn, tất cả tóc gọn sóng của bà đã bị cắt hết. Chuyên ấy xảy ra không lâu sau khi con chó đầu tiên của tôi, Susie, quá già phải lìa đời, và lần này tôi cũng đau đớn gần như vậy. Mẹ nói tóc ngắn hợp thời trang hơn và phù hợp hơn với phụ nữ ngoài 30 như bà. Tôi thấy không hợp lý chút nào, và luôn nhớ mái tóc dài của mẹ, dù vài tháng sau khi bà thôi không nhuộm những sợi tóc bạc lẫn trong tóc từ hồi bà còn chưa tới 30, tôi lại thích.

        Lúc mẹ trang điểm xong cũng thường là lúc mẹ đã hút hết một hai điếu thuốc và uống vài tách cà phê. Rồi sau khi bà Walters đến, mẹ đi làm, thỉnh thoảng thả tôi đến trường nếu như giờ học của tôi gần giờ đi làm. Khi đi học về, tôi thường chơi với đám bạn hoặc với nhóc Roger. Tôi thích có em trai, và tất cả đám bạn tôi đều thích cho nó chơi chung cho đến lúc nó lớn lên và thích chơi với bạn riêng của nó.

        Mẹ thường đi làm về đến nhà khoảng bốn, năm giờ, trừ những hôm trường đua mở cửa. Bà yêu những cuộc đua ngựa. Dù mẹ ít khi cá cược hơn hai đôla, mẹ coi chuyện đó rất nghiêm túc, thường tìm hiểu kỹ phong độ đua của ngựa, lắng nghe mấy chú nài, mấy tay chăm ngựa và chủ ngựa mà mẹ biết, rồi hay bàn tán nên chọn cá cược thế nào với bạn bè. Bà kết bạn được với một vài người bạn tốt nhất của mình ở trường đua: Louis Crain và ông chồng Joe, vốn là một cảnh sát, sau này lên cảnh sát trưởng và từng hay chở bố đi vòng vòng trên xe tuần tra mỗi khi bố xỉn để cho ông nguội bớt lại; Dixie Seba và ông chồng Mike, một tay luyện ngựa; và Marge Mitchell, y tá làm ở trạm y tế của trường đua để chăm sóc cho khách đến cá cược. Cô Marge, Dixie Seba và sau này là Nancy Crawford, người vợ kế của Gabe Crawford, có lẽ gần như trở thành những người thân thiết nhất của mẹ tôi. Cô Marge và mẹ thường gọi nhau là chị em.

        Sau khi tốt nghiệp trường luật về nhà, tôi có dịp đền đáp cô Marge vì những gì cô đã làm cho mẹ tôi và cho tôi. Khi cô bị sa thải khỏi trung tâm sức khỏe tâm thần cộng đồng ở địa phương, cô định phản bác lại quyết định này và nhờ tôi đại diện cho cô trong phiên điều trần, và ngay cả những chất vấn non nớt thiếu kinh nghiệm của tôi cũng làm rõ được rằng việc sa thải cô không có cơ sở nào ngoài xung đột cá nhân giữa cô và sếp của cô. Tôi thắng cuộc, và rất phấn khích. Cô ấy xứng đáng được lấy lại việc làm.

        Trước khi tôi bắt mẹ dính dáng đến chính trị, phần lớn bạn bè của bà đều liên quan đến công việc của bà - bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện. Mẹ có nhiều bạn lắm. Mẹ không bao giờ gặp người lạ, làm việc cật lực để giúp bệnh nhân thoải mái trước ca mổ, thực sự yêu thích ở cạnh các đồng nghiệp. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều thích bà. Mẹ có thể đôp chát với những ai bà cho là đang chèn ép bà hoặc lợi dụng vị thế của họ để cư xử không công bằng với người khác. Không giông như tôi, mẹ thực sự thích làm một số người phát khùng. Tôi thì có xu hướng tạo ra các kẻ thù mà không phải cố gắng gì, chỉ bằng việc cứ là chính mình, hoặc bằng quan điểm và những đổi thay mà tôi cố gắng đạt được trong sự nghiệp chính trị về sau này. Khi mẹ thực sự không thích ai đó, bà dùng mọi cách để họ tức sùi bọt mép. Kiểu đó làm bà phải trả giá trong thăng tiến nghề nghiệp sau này, và bà phải cố trong nhiều năm để tránh làm việc với một chuyên viên gây mê nọ và cũng gặp vài rắc rối trong các ca mổ của người này. Nhưng phần lớn mọi người đều thích mẹ, vì bà thực sự thích họ, đối xử tôn trọng họ, và rõ ràng là yêu đời.

        Tôi không hiểu nổi mẹ làm sao có thể có được tinh thần và sinh lực như vậy, lúc nào cũng làm việc và vui vẻ, lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc em trai tôi, Roger, và tôi, không bao giờ bỏ một sự kiện nào ở trường của chúng tôi, thậm chí còn dành thời gian cho cả đám bạn tôi nữa mà vẫn âm thầm chịu đựng những rắc rối của riêng bà.
Tôi thích đến bệnh viện thăm mẹ, gặp gỡ các y tá và bác sĩ, xem họ chăm sóc người khác. Tôi được xem một ca phẫu thuật thực sự hồi tôi học trung học cơ sở, nhưng tôi chỉ nhớ mỗi một điều là dù người ta cắt rạch và máu me nhưng tôi không bị khó chịu. Tôi ngạc nhiên trước công việc của bác sĩ phẫu thuật và từng nghĩ sau này lớn lên có thể sẽ trở thành phẫu thuật gia.

        Mẹ rất quan tâm đến bệnh nhân, dù họ có đủ tiền trả hay không. Vào cái thời trước khi có các loại chính sách y tế như Medi­care và Medicaid, có nhiều người không đủ tiền nằm viện. Tôi còn nhớ một ông nghèo nhưng luôn kiêu hãnh một hôm đến nhà tôi để thanh toán chi phí. Ông làm nghề hái trái cây và trả công mẹ bằng sáu thúng đào tươi. Chúng tôi ăn mớ đào đó mãi mới hết - nào là kèm với bánh ngũ cốc, làm thành bánh trái cây, trộn trong kem nhà làm - đến nỗi tôi cứ mong bệnh nhân của mẹ cứ có nhiều người thiếu tiền mặt vào!

        Tôi nghĩ mẹ tìm được nguồn an ủi đối với những căng thẳng trong cuộc sống gia đình từ công việc, bạn bè và từ các cuộc đua ngựa. Chắc hẳn có nhiều ngày bà cũng khóc thầm, thậm chí có thể vì đau đớn thể xác, nhưng phần lớn chả ai biết gì cả. Tấm gương này của bà đã giúp tôi vững vàng khi tôi làm tổng thống. Mẹ hầu như không bao giờ nói chuyện buồn của mẹ với tôi. Tôi nghĩ chắc bà cũng đoán ra là tôi biết đủ những gì cần biết và cũng đủ thông minh để hiểu nốt những gì còn lại, và dù trong hoàn cảnh như vậy vẫn đáng được hưởng một tuổi thơ bình thường nhất có thể.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Bảy, 2015, 04:50:14 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2015, 02:40:14 am »

        Khi tôi 15 tuổi, mọi chuyên bắt đầu không còn im lặng trôi qua nữa. Bố bắt đầu nhậu nhẹt và cư xử bạo lực trở lại, nên mẹ đem tôi và em Roger ra khỏi nhà. Vài năm trước chúng tôi đã làm vậy một lần rồi, khi chúng tôi chuyển ra ở một vài tuần tại chung cư Cleve­land Manor ở đầu phía nam đại lộ Central, gần trường đua. Lần này, vào tháng 4 năm 1962, chúng tôi ở khoảng ba tuần trong một lữ quán, còn mẹ đi tìm mua nhà. Chúng tôi cùng đi xem khá nhiều nhà, tất cả đều nhỏ hơn nhà cũ nhưng một số vẫn vượt quá túi tiền của mẹ. Cuối cùng mẹ chọn một căn nhà ba phòng ngủ, hai phòng tắm ở phố Scully, một đoạn phố ngắn chỉ có một dãy nhà cách đại lộ Central khoảng nửa dặm về phía tây. Đó là một căn nhà kiểu Gold Medallion mới, với hệ thống sưởi và điều hòa nhiệt độ trung tâm - nhà chúng tôi ở đại lộ Park có điều hòa nhiệt độ riêng - tôi nhớ nó có giá khoảng 30.000 đôla. Căn nhà này có một phòng khách khá đẹp và phòng ăn nằm phía bên trái lối vào. Đằng sau là khu vực sinh hoạt rộng nối liền với khu vực ăn và bếp, có một phòng giặt ủi phía sau gara. Phía bên kia phòng sinh hoạt là một lối đi khá lớn mà sau này chúng tôi xây tường kính trùm ra và đặt một bàn bida bên trong. Hai phòng ngủ nằm bên phải của hành lang, bên trái là một phòng tắm lớn và đằng sau phòng tắm này là một phòng ngủ có buồng tắm riêng có vòi sen. Mẹ cho tôi ở phòng ngủ lớn có buồng tắm vòi sen, chắc là vì bà muốn dùng phòng tắm lớn để có chỗ đặt bàn trang điểm và gương. Mẹ lấy phòng ngủ ở phía sau, còn Roger được phòng nhỏ.

        Dù tôi rất thích căn nhà ở đại lộ Park, thích mảnh sân mà tôi chăm chút, hàng xóm và bạn bè cùng những trò vui, tôi vẫn cảm thấy vui khi được ở trong một ngôi nhà bình thường nhưng an toàn, có lẽ là cho mẹ và Roger nhiều hơn là cho tôi. Lúc ấy, dù tôi chưa biết gì về tâm lý trẻ em, tôi đã bắt đầu lo ngại rằng chuyện bố say xỉn và cư xử như vậy có thể làm tổn thương em Roger còn nhiều hơn tôi từng bị, vì nó từ bé đã phải chịu như vậy rồi và vì bô chính là bố đẻ của em Roger. Việc biết tôi có một người cha khác, người mà tôi luôn nghĩ là mạnh mẽ, đáng tin cậy, đã giúp tôi có sự thăng bằng tinh thần và có khoảng cách để nhìn mọi việc diễn ra mà ít bị ảnh hưởng, đôi khi còn với sự thông hiểu nữa. Tôi luôn yêu quí bố Roger, không bao giờ ngưng tìm cách để ông thay đổi, luôn thích ở bên cạnh ông khi ông tỉnh táo và quan tâm. Hồi đó tôi đã sự rằng nhóc Roger biết đâu lớn lên sẽ ghét bố nó. Và nó ghét thật, một điều làm nó phải đau đớn ghê gớm.

        Khi nhớ lại các sự kiện thời xa xưa này, tôi thấy thật dễ rơi vào cái bẫy kiểu như những lời tán tụng mà Marc Anthony từng nói về Julius Caesar trong kịch của Shakespeare: tiếng xấu thì vẫn để đời, nhưng điều tốt thì bị chôn theo xuống mồ. Như phần lớn những người nghiện rượu và ma túy mà tôi biết, Roger Clinton thực chất vẫn là người tốt. Ông yêu mẹ, yêu tôi và nhóc Roger. Ông từng giúp mẹ đi thăm tôi khi mẹ đi học nghề ở New Orleans. Ông chi xài rộng rãi với gia đình và bạn bè. Ông ấy thông minh và hài hước. Nhưng ông cũng có những nỗi sợ hãi bất thường, sự bất ổn tiềm tàng và những nhược điểm tâm lý vốn thường triệt tiêu những mặt hứa hẹn trong đời của những người nghiện ngập. Và theo như tôi biết thì ông chưa bao giờ tìm sự giúp đỡ từ những ai biết cách giúp ông.

        Chuyện khó chịu nhất khi sống chung với một người nghiện rượu là không phải lúc nào cũng ngột ngạt cả. Hàng tuần, đôi khi hàng tháng liền trôi qua mà gia đình vẫn yên ấm, vẫn có những niềm vui lặng lẽ của một cuộc sống bình thường. Tôi thật biết ơn là tôi vẫn chưa quên đi những lúc như vậy, và khi tôi có quên đi nữa thì tôi vẫn còn giữ vài lá thư và thiệp mà bố gửi tôi cũng như những tấm thiệp mà tôi gửi ông để nhắc tôi nhớ đến những thời khắc tốt đẹp.

        Tôi cũng quên đi một số chuyện xấu. Gần đây khi tôi đọc lại ý kiến của mình trong hồ sơ ly dị của mẹ, tôi thấy trong đó mình đã kể lại sự cố trước đó ba năm khi tôi gọi cho luật sư của mẹ đề nghị báo cảnh sát đem bố đi sau một lần ông nổi khùng. Tôi còn nói rằng ông ấy dọa đánh tôi khi tôi ngăn ông ấy không được đánh mẹ. Chi tiết này thật buồn cười, vì lúc đấy tôi bự con và khỏe, còn ông ấy đã xỉn ngất ngư rồi. Tôi không nhớ gì về hai sự cố này, có lẽ vì tâm lý bỏ qua mà các chuyên gia tâm lý cho rằng những gia đình có người nghiện rượu thường mắc phải khi họ tiếp tục sống chung với người nghiện. Dù gì đi nữa, những kỷ niệm đó đến 40 năm sáu tôi vẫn chưa rõ.

        Ngày 14 tháng 4 năm 1962, tức là năm ngày sau khi bỏ nhà đi mẹ nộp đơn ly dị. Ở Arkansas thủ tục ly dị có thể nhanh, và rõ ràng là mẹ có đủ cơ sở. Nhưng chuyện chưa chấm dứt ở đó. Bố khẩn thiết mong mẹ và chúng tôi quay lại. Ông rã rời, xuống ký, đậu xe hàng giờ liền gần nhà chúng tôi, thậm chí vài lần còn ngủ trên hàng hiên bê tông trước nhà chúng tôi. Một hôm bố bảo tôi đi cùng xe với ông. Chúng tôi lái về phía sau nhà cũ ở phố Circle Drive. Ông dừng xe ở phía cuối lối đi phía sau nhà. Trông ông thật thê thảm. Râu thì ba, bốn ngày không cạo, và tôi thấy ông không nhậu. Ông nói với tôi ông không thể sống thiếu chúng tôi được, và không có chúng tôi ông không còn biết sống cho ai nữa. Ông khóc. Ông van tôi hãy nói chuyên với mẹ và thuyết phục bà quay lại với ông. Ông nói ông sẽ đàng hoàng trở lại, sẽ không đánh đập hay la mắng bà nữa. Khi nói những điều đó, ông thực sự tin như vậy, nhưng tôi thì không. Ông chưa bao giờ hiểu ra hoặc chấp nhận nguyên nhân cho những rắc rối của mình. Ông không bao giờ thừa nhận rằng ông bất lực đối với rượu và rằng ông không thể tự bỏ rượu.

        Trong khi đó, những lời nài nỉ của ông bắt đầu làm mẹ lung lay. Tôi đoán chắc bà cảm thấy e ngại vì không đủ tiền nuôi chúng tôi - cho đến khi các chương trình y tế Medicare và Medicaid được áp dụng vài năm sau đấy thì mẹ cũng đâu giàu có gì. Quan trọng hơn là quan điểm kiểu cũ của bà rằng ly dị, đặc biệt là khi đã có con cái, là một điều xấu - mà cũng đúng thế thật nếu như không có chuyện bạo hành thật sự. Chắc mẹ cảm thây bà cũng có một phần lỗi trong những chuyện rắc rối này. Và có lẽ chính bà cũng là nguyên nhân làm cho bố bất ổn; dù gì đi nữa bà cũng là một phụ nữ dễ coi, thú vị, thích làm việc với nam giới, và làm cùng chỗ với nhiều người đàn ông hâp dẫn và thành công hơn bố. Theo tôi biết bà không dan díu với ai trong số đó, mà tôi cũng chẳng trách bà nếu có. Sau khi chia tay với bố, bà có quen một ông tóc sẫm đẹp trai, ông này cho tôi vài cây gậy golf mà đến giờ tôi vẫn còn giữ.

        Sau khi ở phố Scully vài tháng và vụ ly dị đã hoàn tất, mẹ bảo Roger và tôi rằng chúng tôi cần phải họp gia đình để bàn chuyện bố. Bà nói ông muốn quay lại, dọn vào ở trong nhà chúng tôi, và rằng bà nghĩ lần này sẽ khác, rồi hỏi xem chúng tôi nghĩ sao. Tôi không nhớ nhóc Roger nói gì - nó mới năm tuổi và chắc là thấy bối rối. Tôi bảo mẹ, tôi không đồng tình vì tôi không nghĩ là bố sẽ thay đổi, nhưng mẹ quyết định thế nào thì tôi cũng ủng hộ bà. Mẹ nói chúng tôi cần có đàn ông trong nhà và bà sẽ cảm thấy có lỗi nếu như không cho bố thêm một cơ hội nữa. Và bà làm thật, họ cưới nhau lại, và nếu nhìn quãng đời về sau này của bố, thì thật tốt cho ông, nhưng lại không tốt lắm cho em Roger hay cho mẹ. Tôi không biết ảnh hưởng của việc ấy với tôi như thế nào, ngoại trừ về sau này khi bố bệnh, tôi thấy vui khi được sống cùng ông trong mấy tháng cuối cùng của ông.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Bảy, 2015, 02:53:33 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2015, 04:34:32 am »

        Dù tôi không đồng tình với quyết định của mẹ, tôi hiểu cảm giác của bà. Không lâu sau khi bà quay lại với bố, tôi xuống tòa án và đổi họ chính thức từ Blythe sang Clinton, họ mà tôi thực ra đã dùng từ nhiều năm trước. Đến giờ tôi vẫn không chắc tại sao tôi lại làm vậy, nhưng tôi nhớ là mình thực sự nghĩ nên làm, một phần vì bé Roger sắp đi học và tôi không muốn chuyện khác biệt về huyết thống giữa tôi và em trở thành một vấn đề đối với em, một phần vì chỉ muôn có cùng tên họ với cả nhà. Thậm chí có lẽ tôi muốn làm một cái gì đó cho bố vui dù khi mẹ ly dị ông tôi đã vui mừng. Tôi không báo trước cho mẹ, nhưng thủ tục đổi tên cần có sự cho phép của bà. Khi tòa án gọi điện cho bà, bà đồng ý, dù chắc bà nghĩ là tôi hơi quá vội vã. Đó không phải là lần duy nhất trong đời những quyết định và tính toán thời điểm của tôi gây tranh cãi.

        Chuyện hôn nhân không suôn sẻ của bố mẹ, ly dị và hàn gắn chiếm chỗ trong tình cảm của tôi trong suốt những năm cuối trung học cơ sở và hai năm đầu trung học khi tôi học ở ngôi trường trung học cũ kỹ nằm ở ngay bên trên đồi.

        Cũng như mẹ tìm quên trong công việc, tôi vùi mình vào học hành và chăm chú vào khu vực tôi ở tại phố Scully. Dãy phố này toàn những căn nhà bình thường và khá mới. Phía bên kia đường là một khu đất trống vốn là một phần của trang trại trước đây rất lớn của nhà Wheatley. Hàng năm ông Wheatley trồng đầy hoa mẫu đơn trên khu đất ấy. Vào mùa xuân hoa mẫu đơn nở sáng bừng cả khu làm người ở cách xa hàng dặm cũng đến để kiên nhẫn chờ ông Wheatley cắt hoa xuống cho.

        Nhà chúng tôi là căn thứ hai trong phố. Căn đầu tiên, ngay góc ngã tư, là của mục sư Walter Yeldell và vợ ông, bà Kay, cùng các con của họ là Carolyn, Lynda, Deborah và Walter. Ông Walter là mục sư của nhà thờ Baptist Đệ nhị và sau này là chủ tịch của Liên hữu Baptist Arkansas. Ngay từ đầu ông và bà Kay đã đối xử tuyệt vời với chúng tôi. Tôi không biết liệu Đạo hữu Yeldell, như chúng tôi gọi ông, người đã chết năm 1987, sẽ sống ra sao trong môi trường phán xét khắc nghiệt của nhà thờ Baptist Phương Nam trong thập niên 90, khi mà những nhân vật "tự do" thiên lệch bị đuổi khỏi các chủng viện và nhà thờ thì có thái độ rất cứng rắn về tất cả các vấn đề xã hội trừ vấn đề chủng tộc (nhà thờ đã xin lỗi về những tội lỗi trong quá khứ). Đạo hữu Yeldell là một người cao to vai rộng, nặng đến hơn 120kg. Dưới vẻ bề ngoài như nhút nhát, ông lại có một óc hài hước và kiểu cười tuyệt diệu. Vợ ông cũng vậy. Họ chẳng bao giờ lên mặt cả. Ông dẫn dắt mọi người đến với Chúa bằng lời chỉ dẫn và bằng cách nêu gương chứ không bằng việc chỉ trích hay bêu riếu. Ông chắc sẽ không được một số nhân vật sừng sỏ Baptist hoặc người dẫn dắt show truyền hình thời nay ưa chuộng, nhưng tôi chắc chắn là thích nói chuyện với ông.

        Carolyn, con lớn của Yeldell, trạc tuổi tôi. Cô ấy yêu âm nhạc, có giọng hát hay và chơi piano giỏi. Chúng tôi hay tụ tập quanh đàn piano của cô ấy và hát hàng giờ liền. Cô ấy thỉnh thoảng còn đệm cho tôi chơi saxo, và cũng không phải là trường hợp hiếm có khi người đệm lại chơi hay hơn người chơi chính. Carolyn chẳng bao lâu trở thành một trong những người bạn thân nhất của tôi và một thành viên của đám chúng tôi, cùng với David Leopoulos, Joe Newman và Ronnie Cecil. Chúng tôi đi xem phim, dự các sinh hoạt ở trường với nhau và thường đánh bài, chơi đùa hay ngồi không với nhau, thường là ở nhà chúng tôi. Năm 1963, khi tôi đi dự đại hội Ameri­can Legion Boys Nation và chụp tấm ảnh trứ danh với Tổng thống Kennedy thì Carolyn đi dự đại hội Girls Nation, người duy nhất trong hàng xóm của tôi đi dự như vậy. Carolyn học thanh nhạc ở Đại học Indiana. Cô ấy muốn thành ca sĩ opera nhưng lại không ưa kiểu sống của mấy ca sĩ opera. Thế là cô ấy cưới Jerry Staley, một nhiếp ảnh gia giỏi, sinh ba con và trở thành một lãnh đạo trong phong trào xóa mù chữ cho người lớn. Khi tôi làm thống đốc tôi xếp cô phụ trách việc xóa mù cho người lớn, và cô cùng gia đình sống trong một căn nhà cũ nhưng lớn cách dinh thống đốc khoảng ba dãy phố. Tôi hay đến nhà cô dự tiệc, chơi các trò chơi hoặc hát hò như thời xưa. Khi tôi thành tổng thống, Carolyn và gia đình cô chuyển đến khu vực Washington, làm việc, và sau đó là lãnh đạo, cho Viện bình dân học vụ quốc gia. Sau khi tôi rời Nhà Trắng cô ấy vẫn tiếp tục làm một thời gian, rồi theo chân cha làm việc đạo. Gia đình nhà Staley vẫn là một phần tốt đẹp của đời tôi. Tất cả đều bắt đầu từ phố Scully.

        Nhà phía bên kia nhà chúng tôi là của Jim và Edith Clark, họ không có con nhưng coi tôi như con vậy. Trong số hàng xóm khác của chúng tôi còn có nhà Fraser, một cặp vợ chồng lớn tuổi từng ủng hộ tôi trong sự nghiệp chính trị. Nhưng món quà lớn nhất của họ cho tôi đến thật tình cờ. Vào năm 1974, sau khi tôi thua trong cuộc chạy đua căng thẳng đau đớn vào quốc hội và vẫn còn đang rất chán nản, tôi thấy cháu gái nhà Fraser, lúc đó chỉ khoảng năm hay sáu tuổi. Nó bị bệnh nặng đến mức xương quá yếu và phải bó bột đến tận ngực, hai chân thì chĩa ra ngoài để giảm sức ép lên cột sống. Nó đi lại bằng nạng rất khó khăn, nhưng nó là một bé gái rất cứng cỏi và không bị cảm giác tự kỷ mà trẻ nhỏ khác hay có. Khi thấy nó tôi hỏi nó có biết tôi là ai không. Nó nói: "Biết chứ. Bác vẫn là Bill Clinton". Đúng là lúc ấy tôi cần phải được nhắc nhở như vậy.

        Nhà Hassin, gia đình gốc Ý lai Syria mà tôi đã kể, ở chật chội, cả sáu người trong một căn nhà bé tẹo ở cuối phố. Chắc là họ có bao nhiêu tiền đều mua đồ ăn cả. Mỗi giáng sinh và vào nhiều dịp khác trong năm, họ đãi cả phố toàn đồ ăn Ý. Tôi còn nhớ bác Gina hay nói: "Này Bin, ăn thêm đi con".

        Ngoài ra còn có Jon và Toni Karber, cả hai đều mê đọc và là những người trí thức nhất mà tôi biết, cùng con trai họ Mike, học chung lớp với tôi. Còn cả ông Charley Housley - một người đàn ông thực thụ biết câu cá, đi săn, sửa chữa mọi thứ, nói chung là có đủ các đức tính mà bọn nhóc trai thích. Ông hay che chở cho em Roger. Dù nhà và sân mới của chúng tôi nhỏ hơn ở nhà cũ, khu vực xung quanh cũng không đẹp bằng, nhưng tôi yêu mến nhà mới và khu vực mới của tôi. Đấy là một nơi tốt cho tôi sống hết những năm trung học.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Bảy, 2015, 04:47:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2015, 01:55:52 am »

 
        07

        Thời trung học thật đầy phấn khích. Tôi thích các bài học, bạn bè, ban nhạc, hội DeMolay và các hoạt động khác, nhưng tôi hơi buồn rầu vì các trường của Hot Springs vẫn chưa cho phép học sinh khác màu da học chung. Học sinh da đen học ở trường Trung học Langston, tự hào vì một trong số học sinh nổi tiếng nhất là hậu vệ Bobby Mitchell của đội Washington Redskins. Tôi theo dõi phong trào dân quyền qua bản tin chiều trên truyền hình và nhật báo của chúng tôi, tờ Sentinel-Record, cũng như những sự kiện của Chiến tranh Lạnh như vụ Vịnh con heo và sự cố máy bay trinh sát U-2 với Francis Gary Powers. Tôi vẫn còn mường tượng thấy cảnh ông Castro tiến vào Havana, dẫn đầu đoàn quân tơi tả nhưng chiến thắng của mình. Nhưng cũng như phần lớn trẻ con, chính trị chỉ là thứ yếu. Ngoài những vụ tái phát thỉnh thoảng của bố, tôi rất yêu đời.

        Chính trong thời trung học mà tôi đã phải lòng âm nhạc, cổ điển, jazz, và nhạc hòa tấu đã cùng với rock and roll, nhạc swing, và cả nhạc nhà thờ đem lại niềm vui thực sự cho tôi. Không biết vì lý do gì tôi không ham nhạc country và viễn tây cho đến khi ngoài 20, khi Hank Williams và Patsy Cline đã cứu vớt tôi.

        Ngoài ban nhạc hòa tấu, tôi còn tham gia nhóm nhạc nhảy nữa, nhóm Stardusters. Trong một năm tôi cạnh tranh để giành vai tenor saxo với Larry McDougal, anh chàng này trông vẻ bề ngoài như thể anh ta lẽ ra nên chơi dự bị cho Buddy Holly, tay rocker sau này chết vì tai nạn máy bay năm 1959 cùng với hai ngôi sao khác là Big Bopper và Richie Valens khi ấy mới 17 tuổi. Khi đã là tổng thống tôi đến nói chuyện với sinh viên đại học ở thành phố Mason, Iowa gần nơi Holly và bạn anh từng biểu diễn buổi cuối cùng. Sau đó tôi đi xe đến nơi biểu diễn. Thính phòng Surf, ở thị trấn gần bên - Clear Lake, Iowa. Nơi biểu diễn ấy vẫn còn, và cần phải được biến thành một thánh đường cho những ai trong chúng tôi từng lớn lên cùng với âm nhạc của họ.

        McDougal, khi chơi nhạc hay không đều trông cứ như anh ta chơi cùng ban với họ vậy. Anh ta để tóc kiểu đuôi vịt, bên trên ngắn nhưng phía sau chải ngược ra hai bên. Khi đến đoạn solo, anh ta hay xoay tròn và thổi kèn chóe lên, giống kiểu rock and roll hơn là jazz hay nhạc swing. Năm 1961 tôi chơi không bằng anh ta, nhưng tôi quyết phải chơi hay hơn. Năm đó chúng tôi tham gia một cuộc tranh tài với các ban nhạc jazz ở Camden, miền nam Arkansas. Tôi được chơi một đoạn độc tấu chậm nhưng giai điệu đẹp. Sau khi diễn xong, thật kinh ngạc, tôi đoạt giải "tay độc tấu dịu dàng nhất". Năm kế tiếp, tôi khá lên đủ mức để được ngồi hàng đầu trong ban nhạc học sinh toàn bang Arkansas. Lên năm cuối trung học tôi cũng giành được vị trí này, trong khi Joe Newman thì trở thành tay trống hàng đầu của ban.

        Trong hai năm cuối tôi nhập nhóm tam tấu jazz, nhóm ba Kings, với Randy Goodrum - một tay chơi piano nhỏ hơn tôi một năm nhưng giỏi vượt xa tôi nhiều năm ánh sáng. Tay trống đầu tiên của chúng tôi là Mike Hardgraves. Mike sinh ra trong một gia đình đơn thân, chỉ có mẹ, người vẫn thường cho tôi và bạn bè của Mike đến chơi bài. Đến năm cuối, Joe Newman chơi trống cho chúng tôi. Chúng tôi cũng kiếm được ít tiền khi chơi trong các cuộc khiêu vũ, chơi cho các sự kiện ở trường, trong đó có cả chương trình tạp kỹ nhóm nhạc hàng năm. Bản nhạc gây ấn tượng nhất của chúng tôi là một khúc nhạc trong phim El Cid. Tôi vẫn còn băng thu âm bản này, nói chung sau nhiều năm nghe vẫn còn rất hay, ngoại trừ một đoạn tôi thổi chưa đạt khúc cuối. Tôi lúc nào cũng gặp khó khăn khi chơi các nốt trầm.

        Ông bầu ban nhạc của tôi, Virgil Spurlin, là một người cao và bự con, tóc sẫm gợn sóng và có phong thái nhẹ nhàng nhưng thuyết phục. Ông ấy là một ông bầu khá giỏi và là một con người rất tử tế. Ông Spurlin còn tổ chức Hội diễn tiểu bang, mỗi năm kéo đài nhiều ngày ở Hot Springs. Ông phải lên lịch biểu diễn cho tất cả các ban nhạc với hàng trăm màn độc tấu cùng các buổi biểu diễn hòa tấu trong các lớp học ở các trường trung học và trung học cơ sở. Năm nào ông cũng lên lịch ngày, giờ và địa điểm cho tất cả các sự kiện trên các bảng quảng cáo lớn. Bọn chúng tôi nếu muốn thường ở lại sau giờ học và làm đến tối trong nhiều ngày để giúp ông làm cho xong. Đó là nỗ lực tổ chức lớn đầu tiên tôi tham gia, và tôi học được nhiều điều mà sau này tôi áp dụng hiệu quả.

        Tại các hội diễn tiểu bang, tôi đoạt nhiều giải thưởng chơi độc tấu và chơi với ban nhạc, cộng thêm vài giải điều khiển dàn nhạc mà tôi rất tự hào. Tôi thích đọc các bảng tổng phổ và cố làm sao để các ban nhạc chơi đúng như cách mà tôi nghĩ họ nên chơi. Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của tôi, Leonard Slatkin - nhạc trưởng Dàn giao hưởng quốc gia Washington - hỏi tôi có muốn điều khiển dàn nhạc khi chơi khúc "Stars and Stripes Forever" của Sousa ở Trung tâm Kennedy hay không. Ông ấy bảo rằng tôi chỉ cần huơ gậy chỉ huy sao cho đúng nhịp thôi, còn lại các nhạc công sẽ tự chơi. Ông còn đề nghị tự mình đem gậy chỉ huy đến để dạy tôi cách cầm nữa. Khi tôi bảo ông là tôi rất hân hạnh nhưng muốn ông ấy gửi bảng tổng phổ cho tôi để xem trước, ông ấy suýt nữa đánh rơi cả điện thoại. Nhưng ông cũng đem bảng tổng phổ và cây gậy đến. Khi đứng trước dàn nhạc tôi rất hồi hộp, nhưng chúng tôi cũng bắt đầu và cứ thế mà biểu diễn. Tôi hy vọng ông Sousa chắc cũng hài lòng.

        Một cống hiến nghệ thuật khác của tôi trong thời trung học là một vở kịch của lớp 11, vở Arsenic and Old Lace. Đó là một vở hài kịch cực kỳ vui, viết về hai người hầu già chuyên đầu độc kẻ khác rồi giấu họ vào trong căn nhà mà họ ở chung với cậu cháu, vốn chả biết gì cả. Tôi đóng vai cậu cháu, vai mà sau này Cary Grant đóng trong bộ phim chuyển thể. Vai bạn gái tôi do một cô gái cao, hấp dẫn tên Cindy Arnold đóng, vở kịch thành công vang dội, chủ yêu là nhờ vào hai chuyện không có trong kịch bản. Trong một cảnh, tôi phải dời chiếc ghế bên cửa sổ đi, tìm thấy một trong các nạn nhân của mấy bà dì trong hốc tường và tỏ ra kinh hãi. Tôi tập kỹ và nhập vai được. Nhưng vào đêm diễn thật, khi tôi nhấc ghế lên Ronnie Cecil bạn tôi bị nhét trong hốc, nhìn lên và cố nhái giọng ma cà rồng nói "Chào một buổi tối tốt lành". Tôi chịu không nổi nữa và cười phá lên. Thật may là mọi người cũng vậy. Trong cảnh tình tứ duy nhất, khi tôi hôn Cindy thì bạn trai của cô ta - một đấu thủ bóng bầu dục nhiều năm tên Allen Broyles đang ngồi ngay hàng đầu - rên lên một tiếng lớn làm cả hội trường cười ầm ĩ. Tôi thì vẫn thích nụ hôn này.

        Ở trung học có các môn tích phân, lượng giác, hóa học, vật lý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, và bốn năm học tiếng Latinh mà các trường nhỏ hơn ở Arkansas không có. Chúng tôi may mắn có được các thầy cô thông minh và dạy giỏi cùng với một người lãnh đạo trường đặc biệt, cô Johnnie Mae Mackey - một phụ nữ cao, dáng uy phong với mái tóc sẫm dầy và luôn sẵn sàng cười hoặc nạt ngay khi cần thiết. Dù bận rộn việc điều hành trường, cô Johnnie Mae vẫn trở thành nguồn cổ vũ tinh thần của trường chúng tôi - một việc mà tự thân nó đã vất vả rồi, vì đội bóng trường tôi có lẽ là đội thua nhiều nhất trong tiểu bang, mà hồi đấy thì bóng bầu dục được coi như một tôn giáo, nên người ta trông đợi ông huấn luyện viên nào cũng phải như Knute Rockne vậy. Bất cứ học sinh nào thời bấy giờ cũng còn nhớ cô Johnnie Mae kết thúc các cuộc tập hợp của chúng tôi bằng cách thét lên tiếng kêu xung trận của đội, với nắm đấm giơ cao và không cần giữ ý gì nữa, gào lên: "Hullabloo, Tiến lên, tiến lên! Hu hi, hu ha! Chiến thắng hay là chết! Chinh chang, chinh chang! Chiu chiu, binh bang! Bum bùm! Hỡi dân Troy, chiến đấu, chiến đâu, chiến đấu!". Thật may đó chỉ là tiếng kêu cổ vũ thôi. Với thành tích sáu trận thắng, 29 trận thua, và một trận hòa trong ba năm tôi học tại trường, đội chúng tôi chắc còn "chết" nhiều hơn nữa nếu như làm thực sự theo tiếng thét xung trận này.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2015, 02:09:49 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2015, 02:04:28 am »

        Tôi học tiếng Latinh bốn năm với cô Elizabeth Buck, một phụ nữ quê Philadelphia vui vẻ và am hiểu, thường bắt chúng tôi thuộc lòng nhiều đoạn trong tác phẩm Gallic Wars của Caesar. Sau khi người Nga vượt qua chúng tôi khi phóng được vệ tinh Sputnik vào không gian, Tổng thống Eisenhower và kế đến là Kennedy quyết định người Mỹ cần phải học nhiều thêm về khoa học và toán học, nên tôi học tất cả các môn trong khả năng. Tôi không giỏi hóa lắm trong lớp của thầy Dick Duncan, nhưng khá sinh vật hơn, dù tôi chỉ nhớ mỗi một buổi học khi thầy Nathan McCauley bảo rằng chúng ta thường chết sớm hơn tự nhiên do khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và quá trình tạo chất thải của cơ thể không hoạt động tốt nữa. Năm 2002, một nghiên cứu y khoa lớn kết luận, người lớn tuổi có thể tăng tuổi thọ một cách đáng kể nhờ giảm lượng thực phẩm ăn vào. Thầy McCauley đã biết điều đó từ 40 năm trước. Bây giờ tôi đã thuộc lớp người lớn tuổi đó, nên tôi cố nghe theo lời khuyên của thầy.

        Thầy dạy lịch sử thế giới, Paul Root, là một người thấp, dềnh dàng gốc miền quê Arkansas. Ông vừa có trí óc minh mẫn, vừa có phong cách xuề xòa và một óc hài hước lạ và quái. Khi tôi làm thống đốc, thầy ngưng dạy học ở Đại học Ouachita để làm việc cho tôi. Một lần vào năm 1987, tôi gặp thầy Paul đang nói chuyện với ba dân biểu tiểu bang ở tòa nhà quốc hội tiểu bang. Họ đang bàn tán về vụ rắc rối của Gary Hart sau khi chuyện ông này có bồ là Donna Rice và vụ Monkey Business vỡ lở (Gary Hart là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ phải rút lui khỏi tranh cử tổng thống năm 1988 sau khi báo chí đăng tấm hình ông này ngoại tình với người mẫu Donna Rice trên du thuyền Monkey Business - ND). Mấy dân biểu đang xài xể Gary bằng giọng điệu cao đạo nhất. Thầy Paul - một tín đồ Baptist ngoan đạo, quản lý dàn đồng ca nhà thờ và là một người ngay thẳng - kiên nhẫn lắng nghe mấy dân biểu kia cứ thế tiếp tục nói. Khi họ ngưng lại lấy hơi, thầy Paul nói ngay: "Mấy ông nói đúng. Ông ấy làm thế thật tệ quá. Nhưng mấy ông biết không, từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết là một khi người ta vừa lùn vừa mập, vừa xấu thì cũng không dễ gì mà đạo đức tâm lý thoải mái được đâu". Mấy vị dân biểu kia tịt ngòi, còn thầy Paul bỏ đi cùng với tôi. Tôi thích thầy ghê đi.

        Tôi thích các giờ học tiếng Anh. Thầy John Wilson làm cho tác phẩm Julius Caesar của Shakespeare trở nên sống động với bọn học sinh 15 tuổi ở Arkansas bằng cách bắt chúng tồi diễn nghĩa vở kịch ra ngôn ngữ thông thường, và thường xuyên hỏi xem chúng tôi có thấy quan điểm về bản chất con người và cách ứng xử trong văn Shakespeare có đúng không. Thầy Wilson cho rằng ông Shakespeare nói đúng: cuộc đời là cả bi lẫn hài kịch.

        Trong lớp Anh văn ở trung học, chúng tôi phải viết một bài luận tự thuật. Bài của tôi đầy những nghi ngờ về bản thân mà tôi không hiểu và cũng chưa tự thừa nhận trước đây. Đây là một vài đoạn trích:

        Tôi là một người bị thúc đẩy và ảnh hưởng bởi nhiều lực khác biệt nhau đến mức đôi khi tôi nghi vấn về sự lành mạnh của sự hiện hữu của mình. Tôi là một mẫu nghịch lý sống - rất ngoan đạo nhưng lại không tin tưởng vào niềm tin của mình một cách thích đáng; vừa muốn nhận vừa muốn né tránh trách nhiệm; yêu sự thật nhưng vẫn chịu chấp nhận sự giả dối... Tôi ghét thói ích kỷ, nhưng lại thấy bóng dáng của nó khi soi gương mỗi ngày... Tôi đã thấy những người, trong số đó có cả những người rất thân thiết với tôi, rõ ràng là chưa học được cách sống. Tôi khát khao và cô gắng để khác họ, nhưng thường thì chẳng khác họ là bao... Những từ ngữ mới nhàm chán làm sao - tôi, cho tôi, của tôi... những điều duy nhất làm cho những từ ngữ ấy trở nên có giá trị là những phẩm chất mà đôi khi không phải lúc nào cũng đi kèm theo chúng - chung thủy, tin cậy, tình yêu thương, trách nhiệm, hối tiếc, hiểu biết. Nhưng những thứ đồng nghĩa với những biểu tượng này mà thiếu nó cuộc sống không còn đáng giá nữa lại là những thứ không thể tránh được. Khi cố gắng để thực sự trở nên thành thực và lương thiện, tôi sẽ không trở thành kẻ đạo đức giả mà tôi ghét, và sẽ nhìn nhận những điềm báo của các thói tật ấy ngay từ bây giờ để mà sau này cố gắng thành người...

        Cô giáo của tôi, Lonnie Warneke, cho tôi 100 điểm, phê bài viết này là một nỗ lực đáng khen và thành thực nhằm "đi đên tận cùng tâm can" để thỏa mãn nhu cầu "tự biết mình". Tôi biết ơn cô nhưng vẫn không chắc phải hiểu ra sao với những gì mình khám phá ra. Tôi không làm điều xấu; không uống rượu, hút thuôc hoặc làm gì khác ngoài tán tỉnh bọn con gái, dù tôi cũng hôn khá nhiều cô. Nhìn chung là tôi hạnh phúc, nhưng vẫn không dám chắc là mình tốt như ý muốn.

        Cô Wameke dẫn lớp chúng tôi đi hạt Newton, chuyến đi thực tế đầu tiên của tôi vào khu quê hương của người Ozark ở bắc Arkan­sas. Hồi đó nơi ấy đẹp tuyệt trần, nghèo khó cùng cực và chính trị thì cứng rắn và bao trùm mọi mặt. Hạt này có khoảng 6.000 người sống trải trên vài trăm dặm vuông gồm nhiều đồi và vùng trũng. Thị trấn Jasper, thủ phủ của hạt, có khoảng hơn 300 dân, một tòa án, hai quán ăn, một cửa hiệu tạp hóa và một rạp chiếu phim bé tẹo, nơi lớp chúng tôi xem được một phim viễn tây cũ của Audie Murphy. Khi làm chính trị, tôi lần lượt biết hết các thị trấn của hạt Newton, nhưng tôi yêu thích nó từ năm 16 tuổi khi lang thang lên những con đường núi và tìm hiểu về lịch sử, địa lý và động thực vật của vùng núi Ozark. Một lần chúng tôi đến một cái nhà gỗ của một ông thợ rừng, bên trong có bộ SƯU tập súng trường và súng ngắn từ thời Nội chiến, rồi lên thăm một cái hang mà quân miền Nam từng dùng làm kho đạn. Súng vẫn còn nổ, và dấu vết của kho vũ khí vẫn còn trong hang - minh chứng rõ ràng cho thấy cuộc chiến cách đó một thế kỷ vẫn còn thật như thế nào ở những nơi mà thời gian trôi đi chậm chạp, định kiến lâu tan và những kỷ niệm được truyền từ đời này qua đời khác vẫn còn đấy. Giữa thập niên 70, khi tôi làm Bộ trưởng tư pháp, tôi được mời đọc diễn văn khai giảng ở trường Trung học Jasper. Tôi thúc giục học sinh của trường cố gắng vươn lên bất châp khó khăn, trích dẫn lời Abraham Lincoln và nhắc đến những khó khăn mà ông đã vượt qua. Sau đó, vài nhân vật lãnh đạo đảng Dân chủ dẫn tôi ra dưới trời sao sáng vằng vặc của vùng núi Ozark và nói, "Bill này, bài nói hay đấy. Anh có thể nói như vậy dưới Little Rock lúc nào cũng được. Nhưng đừng có lên đây mà tâng bốc cái ông tổng thống đảng Cộng hòa đó nữa nghe. Ông ấy mà tốt được như thế thì đã chẳng có Nội chiến!". Tôi chẳng biết nói sao nữa.

        Trong lớp tiếng Anh năm cuôl trung học của cô Ruth Sweeney, chúng tôi đọc Macbeth và được khuyên khích thuộc lòng để có thể trích dẫn nhiều đoạn. Tôi học được khoảng 100 dòng đầu, bao gồm cả đoạn độc thoại trứ danh bắt đầu bằng "Ngày mai, lại ngày mai, và lại ngày mai bò đến dần dần, từng ngày từng ngày, cho đến giờ khắc cuối cùng của thời gian" và kết bằng "cuộc sống chỉ là một cái bóng biết đi, một kịch sĩ tồi vênh váo và bực bội hết giờ diễn trên sân khấu rồi chẳng ai nghe tiếng nữa. Cuộc sống là câu chuyện kể của một thằng khờ, đầy những âm thanh và cuồng nộ, chẳng biểu hiện điều gì cả". Gần 30 năm sau, khi đã là thống đốc, tôi tình cờ ghé thăm một lớp học ở Vilonia, Arkansas, vào đúng ngày học sinh học Macbeth, và tôi đã trích đọc lại những vần thơ ấy, từng chữ vẫn còn nguyên sức mạnh với tôi, một thông điệp đáng sợ mà tôi luôn quyết không để trở thành thước đo của đời mình.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tám, 2015, 02:17:37 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM