Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:20:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193128 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2015, 05:34:36 am »

 
03

        Sau một năm ở New Orleans, mẹ tôi quay về Hope mong áp dụng nghề gây mê mới học, vui sướng vì đoàn tụ với tôi, và trở lại là con người vui nhộn cũ. Bà hẹn hò với một số người đàn ông ở New Orleans và có một thời gian vui vẻ ở đấy - đó là theo như tự truyện của bà, cuốn Leading with My Heart - Dẫn dắt bằng trái tim, cuốn sách mà tôi tin là sẽ thành sách bán chạy nếu bà còn sống để quảng bá nó.

        Dù vậy, trước, trong và sau thời gian sống xa nhà ở New Or­leans, bà hẹn hò với một người nhiều hơn những người khác. Đó là Roger Clinton, chủ một công ty buôn bán xe Buick ở địa phương. Bà lúc ấy là một góa phụ đẹp, tinh thần phấn chấn. Ông ấy là một người điển trai, ngang tàng, đã ly dị hai lần, quê ở Hot Springs - mệnh danh là "Thành phố Tội lỗi" của bang Arkansas, ổ cờ bạc bất hợp pháp lớn nhất nước Mỹ trong nhiều năm. Anh trai của Roger là Raymond sở hữu cơ sở buôn bán xe hơi Buick ở Hot Springs, và Roger, đứa con út "quậy phá" của gia đình năm anh em, đã chuyển đến ở Hope để tận dụng cơ hội khi hoạt động phục vụ chiến tranh tăng nhanh quanh Căn cứ kiểm định quân cụ tây nam (Southwestern Proving Ground) và có lẽ cũng để thoát ra khỏi bóng của anh mình.

        Roger thích nhậu nhẹt và đàn đúm với hai ông bạn thân từ Hot Springs, Van Hampton Lyell - chủ nhà máy đóng chai Coca-Cola ngay đối diện cơ sở Buick của Clinton, và Gabe Crawford, sở hữu nhiều tiệm thuốc ở Hot Springs và một tiệm ở Hope, ông này về sau đã xây trung tâm mua sắm đầu tiên ở Hope, và cưới cô cháu gái kiều diễm của Roger, Virginia, người mà tôi luôn yêu mến và cũng là hoa hậu đầu tiên của Hot Springs. Hồi đó Roger và hai ông bạn chỉ thích đánh bạc, say xỉn, và làm những việc điên rồ, bất cần trên xe hơi, máy bay hay xe môtô. Thật kỳ lạ là họ không chết trẻ.

        Mẹ tôi thích Roger vì ông ta vui tính, quan tâm đến tôi, và chi xài rộng rãi. Hồi mẹ ở New Orleans, nhiều lần ông đã trả tiền cho mẹ về thăm tôi, và có lẽ chính ông đã trả tiền cho tôi và bà ngoại đi thăm mẹ.

        Ông ngoại thích Roger vì ông ấy đôi xử tử tế với cả tôi lẫn ông ngoại. Có một dạo ông ngoại tôi bỏ việc ở xưởng nước đá vì bệnh viêm phổi nặng, và chuyển qua mở tiệm bán rượu. Gần cuối chiến tranh, hạt Hempsted mà thủ phủ là Hope quyết định cấm rượu. Đó là lúc ông ngoại tôi mở tiệm tạp hóa. Sau này tôi biết ông ngoại tôi vẫn lén bán rượu cho các bác sĩ, luật sư và những người đáng kính khác không muốn phải chạy xe 33 dặm đến cửa hàng bán rượu hợp pháp ở Texarkana, và rằng chính Roger là nguồn cung cấp rượu cho ông.

        Bà ngoại thì không ưa Roger vì bà cho rằng Roger không phải là loại người mà con gái và cháu bà nên dính vào. Bà ngoại có những mặt xấu mà chồng và con gái bà không có; nhưng chính mặt xấu ấy giúp bà có thể nhìn thấy những mặt xấu ở người khác mà chồng và con gái bà không thấy. Bà ngoại nghĩ Roger Clinton chẳng đem lại gì khác ngoài rắc rối. Bà đã đúng về phần "rắc rối", nhưng đã sai về phần "chẳng đem lại gì khác", về ông ấy còn nhiều chuyện khác, và điều đó làm cho chuyện đời của ông còn buồn hơn.

        Về phần mình, tôi chỉ biết là ông ấy tốt với tôi và có một con chó săn Đức to màu nâu tên Susie mà ông thường đem theo đến chơi với tôi. Susie là một phần khá lớn trong thời thơ ấu của tôi, và khởi đầu cho lòng yêu mến chó suốt đời của tôi.

        Mẹ và Roger cưới nhau ở Hot Springs vào tháng 6 năm 1950, không lâu sau sinh nhật thứ 27 của bà. Chỉ có Gabe và Virginia Crawford đến dự. Sau đó mẹ và tôi rời nhà ông bà ngoại và chuyển đến ở với cha kế của tôi, người mà sau đó tôi gọi là bô, trong một căn nhà gỗ nhỏ màu trắng ở rìa phía nam thành phô", số nhà 321 phố 13, chỗ cắt phố Walker. Không lâu sau, tôi bắt đầu tự gọi mình là Billy Clinton.

        Cuộc đời mới đối với tôi thật phấn khích. Cạnh nhà có Ned và Alice Williams. Ông Ned, vốn là một công nhân đường sắt về hưu làm hẳn một xưởng sau nhà đầy những dụng cụ và mẫu xe điện phức tạp. Hồi đó đứa trẻ nào cũng muốn có một bộ đồ chơi tàu hỏa Lionel. Bố mua cho tôi một bộ và thường cùng chơi, nhưng không có gì sánh kịp với những đường ray to và những toa tàu chạy nhanh và đẹp của ông Ned. Tôi hay sang đó chơi hàng giờ liền, như thể tôi có riêng Công viên Disneyland ngay bên cạnh nhà vậy.

        Khu vực tôi ở là một khu hạng nhất thường thấy trên quảng cáo thời kỳ bùng nổ dân số hậu Thế chiến hai. Ở đây có nhiều cặp vợ chồng trẻ đã có con. Đứa trẻ đặc biệt nhất sống ở bên kia phố, đó là Mitzi Polk, con gái của Minor và Margaret Polk. Mitzi có giọng cười rống lên lớn tiếng. Nó hay đu xích đu cao đến nỗi cọc đu tưởng như sút ra khỏi đất và rống lên "Billy bú bình! Billy bú bình!". Nó làm tôi phát khùng luôn. Dù gì tôi cũng sắp lớn rồi và đâu có bú bình nữa.

        Sau đó tôi mới biết Mitzi bị thiểu năng. Hồi bấy giờ tôi chưa hiểu bị như vậy là bị sao, nhưng khi tôi nỗ lực đề nghị mở rộng hơn cơ hội cho người khuyết tật lúc làm thống đốc và tổng thống, tôi thường nghĩ đến Mitzi Polk.

        Nhiều chuyện xảy đến với tôi hồi ở phố 13. Tôi đi học ở trường mẫu giáo mầm non của cô Marie Purkins, là nơi tôi rất thích cho đến một hôm tôi bị gãy chân khi đang nhảy dây. Mà thậm chí sợi dây cũng chẳng phải dây đang quay. Một đầu dây buộc vào cây, đầu kia buộc vào ghế xích đu. Bọn nhóc chúng tôi xếp hàng và lần lượt nhảy qua dây. Tất cả mấy đứa kia đều nhảy qua được.

        Một trong mấy đứa trẻ đấy là Mack McLarry, con của một ông buôn bán xe Ford, và sau này giữ vai thống đốc trong chương trình Boys State1, thủ quân của đội tuyển bóng bầu dục Mỹ, thành viên lập pháp tiểu bang, doanh nhân thành đạt, và là trưởng ban tham mưu Nhà Trắng đầu tiên của tôi. Mack luôn vượt qua mọi trở ngại. May mắn cho tôi là anh ấy lúc nào cũng chờ tôi theo kịp.

---------------------
1. Chương trình giáo dục về công quyền cho nam sinh bằng cách cho các em tham gia công vụ từ cấp thị trấn tới tiểu ban.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2015, 08:52:01 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2015, 04:06:35 am »

        Tôi chẳng nhảy qua được dây. Dù sao tôi cũng hơi nặng nề và chậm chạp, chậm đến nỗi có lần trong cuộc thi tìm trứng lễ Phục sinh, tôi là đứa duy nhất chẳng tìm được quả trứng nào - không phải vì tôi không biết tìm mà vì tôi không chạy đến nơi kịp. Vào hôm nhảy dây đó tôi lại mang giày cao bồi đi học. Tôi lại ngốc đến mức không bỏ giày ra trước khi nhảy. Gót giày vướng vào dây, tôi quay ngang ra và ngã, nghe thấy tiếng chân mình kêu rắc. Tôi đau đớn nằm dưới đất nhiều phút trong khi bố tôi hộc tốc chạy từ chỗ công ty Buick đến đón tôi.

        Chân tôi bị gãy ở khoảng trên đầu gối, và vì tôi đang lớn nhanh nên bác sĩ chẳng bắt tôi bó bột đến tận hông. Thay vào đó, ông khoan một cái lỗ qua mắt cá chân tôi, nhét một thanh sắt không rỉ qua đấy, gắn nó vào một cái vòng móng ngựa cũng bằng thép không rỉ, và treo chân tôi trên giường bệnh viện. Tôi nằm như thế trong hai tháng, nằm ngửa và cảm thấy mình vừa ngốc nghếch vừa sung sướng vì khỏi phải đi học và được nhiều người tới thăm. Phải mất một thời gian dài tôi mới bình phục. Sau khi tôi xuất viện, bố mẹ mua cho tôi một cái xe đạp, nhưng tôi không bao giờ vượt được cảm giác sợ bị ngã khi đi xe mà không có bánh phụ gắn hai bên. Và kết quả là lúc nào tôi cũng cảm thấy mình vụng về và không có khả năng giữ thăng bằng bình thường cho đến năm 22 tuổi khi tôi cuối cùng cũng chạy xe đạp ở trường Oxford. Thậm chí lúc bây giờ tôi vẫn còn ngã xe một vài lần, nhưng tôi lại coi đó là cách tạo nên ngưỡng chịu đau của mình.

        Tôi rất biết ơn bố đã đến cứu khi tôi bị gãy chân. Một vài lần ông cũng từ nơi làm việc về nhà để thuyết phục mẹ đừng đánh đòn tôi mỗi khi tôi làm điều gì sai trái. Thời gian đầu sau khi cưới mẹ, ông ấy thực sự cố gắng chăm sóc tôi. Tôi nhớ có lần ông còn đưa tôi đáp xe lửa đi St. Louis để xem đội Cardinals, lúc đó là đội bóng chày hạng nhất ở gần chỗ chúng tôi nhât. Chúng tôi ngủ lại đêm và hôm sau mới về nhà. Tôi khoái lắm. Buồn thay, đấy lại là chuyến đi duy nhất hai chúng tôi cùng đi với nhau. Và cũng chỉ một lần duy nhất chúng tôi cùng đi câu cá, một lần duy nhất chúng tôi vào rừng tìm cây thông Noel, một lần duy nhất cả gia đình đi nghỉ ra khỏi tiểu bang. Có biết bao điều rất có ý nghĩa đối với tôi nhưng chúng chẳng bao giờ lặp lại lần thứ hai. Roger Clinton thực sự yêu mẹ và tôi, nhưng ông ấy không bao giờ có thể vượt qua sự tự nghi ngờ bản thân, thói quen tìm sự yên ổn giả tạo bằng rượu chè và tiệc tùng thiếu suy nghĩ, và chính sự cô lập và chì chiết của mẹ tôi đã khiến ông ấy không trở thành người đàn ông mà ông có thể.

        Một đêm nọ, sự tự hủy hoại say xỉn của ông lên đến đỉnh điểm trong một cuộc cãi vã với mẹ tôi mà tôi không thể nào quên. Mẹ muốn chúng tôi đến bệnh viện thăm cụ tôi, lúc ấy chẳng còn sống được bao lâu nữa. Bố nói mẹ không được đi. Họ hét vào mặt nhau trong phòng ngủ phía sau nhà. Không biết vì lý do gì, tôi đi qua hành lang đến chỗ cửa phòng ngủ. Ngay lúc đó, bố rút ra một khẩu súng lục và bắn về hướng mẹ. Viên đạn cắm vào khoảng giữa chỗ tôi và mẹ tôi đứng. Tôi choáng váng và vô cùng sợ hãi. Tôi chưa bao giờ nghe tiếng súng bắn, lại càng chưa bao giờ thấy bắn súng. Mẹ chụp lấy tôi và chạy qua đường sang nhà hàng xóm. Người ta gọi cảnh sát đến. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảnh bố bị cảnh sát còng tay, bắt đi và nhốt ông vào tù đêm hôm đấy.
Tôi chắc chắn là bố không cố ý hại mẹ và chắc ông sẽ chết mất nếu viên đạn trúng vào một trong hai chúng tôi. Nhưng điều khiến ông sa vào tình trạng suy đồi này còn độc hại hơn là rượu. Sẽ phải mất một thời gian dài nữa tôi mới hiểu những lực đẩy đó ở người khác cũng như trong bản thân tôi. Khi bố được thả vào hôm sau ông đã tỉnh táo hơn rất nhiều và xấu hổ đến mức một thời gian dài sau không có chuyện gì tồi tệ xảy ra nữa.

        Tôi còn đi học và sống ở Hope thêm một năm nữa. Tôi học lớp một ở trường Brookwood; cô giáo tôi là cô Mary Wilson. Dù cô chỉ có một tay, cô chẳng nề hà trong việc dùng roi vọt, và cụ thể là cái vá mà cô đã đục nhiều lỗ để khỏi cản gió. Tôi cũng hơn một lần là nạn nhân của kiểu "quan tâm" này của cô.

        Ngoài hàng xóm và Mack McLarry, tôi còn kết bạn với một sô đứa trẻ khác sau này đồng hành với tôi suốt đời. Một trong sô đó, Joe Purvis, có một thời thơ ấu mà nếu so ra thì tuổi thơ của tôi trở nên cực kỳ hoàn hảo. Cậu ấy lớn lên làm một luật sư giỏi, và khi tôi được bầu làm Bộ trưởng tư pháp, Joe làm cho tôi. Khi bang Arkansas có vụ kiện quan trọng trước Tòa án tối cao liên bang, tôi đi, nhưng để cho Joe tranh tụng. Thẩm phán Byron White, biệt danh "Rì rầm", chuyển cho tôi một mẩu giấy nói rằng Joe đã làm việc rất cừ. Sau đó, Joe trở thành chủ tịch đầu tiên của Quỹ Birthplace (Nơi sinh) của tôi.

        Ngoài bạn bè và gia đình, cuộc sống của tôi ở phố 13 còn đánh dấu sự khám phá phim ảnh của tôi. Vào năm 1951 và 1952, chỉ cần 10 xu là đủ: năm xu mua vé, năm xu mua Coca Cola. Cứ khoảng vài tuần tôi lại đi xem phim. Hồi đấy bạn có thể xem phim truyện, phim hoạt hình, phim nhiều tập và phim thời sự. Lúc đó phim chiến tranh Triều Tiên được chiếu, và tôi biết được về đề tài này. Gordon Tia chớp và Người hỏa tiễn là những nhân vật anh hùng nổi nhất trong các phim nhiều tập. về phim hoạt hình, tôi thích phim Bugs Bunny - Bánh sâu bọ, Casper the Friendly Ghost - Casper, con ma thân thiện và Baby Huey - Nhóc Huey mà chắc là tôi giống nhất. Tôi xem rất nhiều phim, và đặc biệt thích phim viễn tây. Bộ phim ưa thỉch nhất của tôi là phim High Noon - từ hồi đó tới giờ chắc tôi đã xem phim này hơn chục lần. Tới nay tôi vẫn thích phim này, vì nó không phải là kiểu phim hung hăng thường thấy trong phim viễn tây. Tôi thích nó vì trong phim từ đầu đến cuối Gary Cooper lúc nào cũng sợ chết khiếp nhưng vẫn làm điều phải.

        Khi tôi được bầu làm tổng thống, tôi có trả lời phỏng vấn một lần rằng bộ phim ưa thích nhất của tôi là High Noon. Lúc đó, đạo diễn phim này là Fred Zinnermann đã gần 90 tuổi và đang sống ở London. Tôi nhận được thư của ông, gửi kèm theo một bản sao kịch bản do chính ông chỉnh sửa và một tấm hình ông chụp cùng Gary Cooper và Grace Kelly trong trang phục đường phố trên bìa bộ phim High Noon năm 1951 có ký tên ở đằng sau. Trong nhiều năm dài kể từ khi tôi xem High Noon lần đầu tiên, mỗi lần đối mặt với một trận đấu nào đó, tôi thường nghĩ đến đôi mắt của Gary Cooper khi anh ta đôi mặt với một thất bại hiển nhiên, và cách anh ây vẫn tiến lên bất chấp sợ hãi để thực thi nghĩa Vụ của mình. Trong đời thực, điều này cũng khá hiệu quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2015, 05:04:03 am »

 
        04

        Khi tôi đang nghỉ hè năm lớp một, bố quyết định ông ấy muốn quay về quê ở Hot Springs. Ông bán cơ sở mua bán xe Buick và chúng tôi chuyển về một trang trại rộng 200ha trên đường Wildcat cách thành phố vài dặm về phía tây. Trang trại này có gia súc, cừu, và dê, nhưng lại không có nhà vệ sinh trong nhà. Vì thế trong suốt khoảng năm năm sống ở đó, dù vào trưa hè oi bức hay đêm đông lạnh lẽo, chúng tôi đều phải đi ra nhà vệ sinh bằng gỗ bên ngoài sân. Việc này rất thú vị, đặc biệt là khi có một con rắn vua không độc cứ quanh quẩn ngoài sân hay nhìn tôi qua lỗ khi tôi đi vệ sinh. Sau này khi tôi làm chính trị, có thể nói rằng việc tôi đã từng sống ở nông trại và từng phải đi vệ sinh ở cầu tiêu ngoài sân tạo nên một câu chuyên tuyệt vời, cũng thú vị y như mình được sinh ra trong một căn nhà gỗ trong rừng vậy.

        Tôi thích sống ở trang trại, quanh quẩn với lũ gia súc và cho chúng ăn, cho đến một ngày chủ nhật định mệnh nọ. Bố mời nhiều người trong gia đình đến ăn trưa, có cả Raymond - anh trai ông - và con bác ấy. Tôi rủ con gái bác Raymond, chị Karla, ra ngoài đồng nơi lũ cừu ăn cỏ. Trong đàn, tôi biết có một con cừu đực rất hung dữ nên tránh, nhưng chúng tôi phạm sai lầm lớn khi quyết định mạo hiểm. Khi chúng tôi còn cách hàng rào khoảng 100 mét, con cừu đực ấy nhìn thấy chúng tôi và bắt đầu xông đến. Chúng tôi chạy về phía hàng rào. Chị Karla lớn hơn và nhanh hơn nên chạy kịp. Còn tôi vấp phải một cục đá lớn và trượt chân. Lúc ngã xuống, tôi biết ngay mình không thể chạy đến hàng rào kịp trước khi con cừu đực tóm được tôi, nên tôi tránh vào một cái cây to, hy vọng có thể né nó bằng cách chạy vòng quanh cây cho đến khi có người đến cứu. Đây lại là một sai lầm lớn nữa. Ngay lập tức con cừu bắt kịp tôi và húc tung chân tôi lên. Tôi chưa kịp đứng dậy nó đã húc tiếp vào đầu. Tôi choáng váng và đau đến mức không đứng dậy nổi. Con cừu lùi lại lấy đà, và húc tôi một cú hết sức bình sinh. Nó húc liên tục, lúc thì vào đầu, lúc thì vào bụng. Tôi bắt đầu chảy máu đầm đìa và đau kinh khủng. Một lúc sau, bác tôi chạy đến, nhặt một cục đá to và ném mạnh, trúng giữa hai mắt con cừu. Nó lúc lắc cái đầu và bỏ đi, rõ ràng là không hề hấn gì. Sau này tôi cũng bình phục, nhưng bị một cái sẹo trên trán, chạy dài lên đỉnh đầu. Và tôi hiểu rằng mình có thể chịu những cú đánh trời giáng, một bài học mà tôi sẽ còn học đi học lại vài lần nữa trong thời thơ ấu cũng như khi đã lớn.

        Sau khi chuyển đến sống ở trang trại vài tháng, cả bố lẫn mẹ đều vào thành phố làm việc. Bố bỏ nghề làm nông và chuyển sang làm quản lý phụ tùng cho cơ sở buôn bán xe của bác Raymond, còn mẹ thì ngập đầu trong việc gây mê ở Hot Springs. Một hôm trên đường đi làm, bà cho đi nhờ xe một phụ nữ đang đi bộ ra thành phố. Sau khi họ làm quen với nhau, mẹ hỏi người phụ nữ kia xem có biết ai có thể đến chăm sóc tôi khi bố mẹ đi làm không. Vào một trong những khoảnh khắc may mắn nhất đời tôi, người phụ nữ kia nói chính bà có thể làm việc ấy. Tên bà là Cora Walters; bà là một bà ngoại với đủ các đức tính của một người phụ nữ nông thôn kiểu xưa. Bà khôn ngoan, tốt bụng, thẳng thắn, có lương tâm và rất ngoan đạo. Bà trở thành thành viên của gia đình tôi trong 11 năm. Gia đình bà cũng toàn người tốt, và sau khi bà rời chúng tôi, con gái bà - Maye Hightower - còn đến làm cho mẹ tôi trong 30 năm nữa cho đến khi mẹ tôi mất. Vào thời khác chắc bà đã trở thành mục sư giỏi rồi. Bà giúp tôi trở thành người tốt hơn bằng tấm gương của bà, và chắc chắn không phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi của tôi dù là vào hồi đó cũng như sau này. Bà còn là một bà già cứng cỏi nữa. Có một hôm bà giúp tôi giết một con chuột cống khổng lồ cứ quanh quẩn trong nhà tôi. Thực ra, tôi phát hiện ra nó, còn bà giết nó trong tiếng reo hò cổ vũ của tôi.

        Khi chúng tôi dọn về trang trại, mẹ lo tôi phải đi học ở trường làng nên đã đăng ký cho tôi học ở trường Công giáo St. John ở thành phố, nơi tôi học lớp hai và ba. Trong cả hai năm đó cô giáo tôi là sơ Mary Amata McGee, một giáo viên tốt và dịu dàng nhưng không dễ gì giỡn mặt. Tôi thường được toàn điểm A trong phiếu điểm sáu tuần nhưng bị điểm C về môn Công dân, thực ra là điểm kỷ luật trong lớp. Tôi thích đọc và tham gia các cuộc thi chính tả nhưng tôi nói nhiều quá. Trong suốt thời kỳ học phổ thông lức nào tôi cũng nói nhiều, và như bạn bè hay những người phê bình tôi nói, tôi chẳng bao giờ vượt qua được nhược điểm này. Môt lần tôi bị lôi thôi khi đang trong giờ cầu nguyện hàng ngày lại xin phép đi vệ sinh quá lâu. Tôi rất thích trường Công giáo với các lễ nghi và sự tận tụy của các sơ, nhưng phải quỳ trên ghế rồi đọc kinh đến hết chuỗi tràng hạt thật quá sức đối với một cậu bé hiếu động mà kinh nghiệm nhà thờ cho tới lúc đó chỉ là vài buổi học giáo lý ngày chủ nhật và tham dự các khóa Kinh thánh hè của Nhà thờ Baptist Đệ nhất ở Hope.

        Sau khoảng một năm ở trang trại, bố quyết định chuyển vào Hot Springs. Ông mướn một ngôi nhà lớn của bác Raymond ở số 1011 đại lộ Park, khu phía đông thành phố. Ông làm tôi và mẹ tin rằng ông tìm được giá hời và mua nhà bằng thu nhập của ông và mẹ, nhưng với tiền của cả hai gộp lại, và dù khoản thuế nhà hồi đấy chưa chiếm nhiều trong thu nhập của gia đình bình thường như thời bây giờ, tôi cũng không cho rằng chúng tôi có thể đủ tiền mua nhà. Ngôi nhà ở trên đồi, có hai tầng, năm phòng ngủ và một phòng khiêu vũ rất tuyệt trên lầu, có quầy rượu, trên đó có một cái lồng xoay với hai cục xí ngầu bự bên trong. Rõ ràng chủ cũ của nhà này từng kinh doanh bài bạc. Tôi hay ở trong phòng này hàng giờ vui vẻ với bạn bè hoặc tổ chức các bữa tiệc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2015, 04:24:44 am »

        Phần bên ngoài nhà màu trắng viền xanh lá cây, các mái nhà dốc xuống cửa vào trước và hai bên. Sân trước dốc và được san thành ba bậc, có lối đi ở giữa và một bức tường đá chắn giữa bậc thấp nhất và bậc thứ nhì. Sân bên hông nhà thì nhỏ, nhưng đủ chỗ cho mẹ tha hồ làm vườn, thú vui làm việc ngoài trời của bà. Bà đặc biệt thích trồng hoa hồng và cho đến khi mất, ở nhà nào bà cũng trồng hồng. Mẹ rất dễ bắt nắng, và da của bà rám nắng là nhờ những lúc mặc quần áo ngắn đào đất quanh các khóm hoa của bà. Phía sau nhà có một lối đi trải sỏi và một gara cho bốn chiếc xe, một bãi cỏ mượt với một ghế xích đu, còn hai bên lối đi có các miếng cỏ dốc xuống phố Circle Drive.

        Chúng tôi sống trong căn nhà đó từ lúc tôi lên bảy hay tám tuổi cho đến khi tôi 15. Thời gian này với tôi thật thú vị. Cả khoảng sân nhà đầy những bụi dây leo, cây nhỏ, hoa, hàng rào đầy những dây leo kim ngân, và rất nhiều cây, có cả một cây vả, một cây đào, hai cây táo dại và một cây sồi già khổng lồ ở phía trước.

        Tôi giúp bố chăm sóc sân vườn. Đó là một việc chúng tôi cùng làm, và về sau khi tôi lớn, tôi thường tự làm một mình. Nhà gần khu vực có rừng nên lúc nào tôi cũng gặp phải nhện, nhện lông nhiệt đới, rết, bọ cạp, ong vò vẽ, ong mật, ong nghệ và rắn, cùng với các con vật hiền lành hơn như sóc, chồn xám, chim giẻ cùi xanh, két cổ đỏ và chim gõ kiến. Một lần lúc đang cắt cỏ, tôi nhìn xuống và thấy một con rắn chuông trườn dọc theo cùng với máy cắt cỏ, rõ ràng là vì thích thú bởi độ rung của máy. Tôi chẳng khoái mây kiểu rung này nên bỏ chạy như ma đuổi và thoát được mà không hề hấn gì.

        Một lần khác tôi chẳng được may mắn như vậy. Bố đặt một cái chuồng chim to ba tầng cho mấy bầy chim nhạn ở cuối lối đi trong sân sau. Một lần cắt cỏ ở gần đấy tôi phát hiện ra cái chuồng chim đó không phải là nơi làm tổ cho chim nhạn mà cho một đàn ong nghệ. Chúng lập tức ào đến, bay trùm lên khắp người tôi, lên tay lên mặt. Thật lạ kỳ, không có một con nào đốt tôi cả. Tôi bỏ chạy hụt hơi và nghĩ xem nên quyết định ra sao. Thật sai lầm, tôi cứ tưởng rằng chúng biết tôi chẳng làm hại gì chúng cả, nên vài phút sau tôi lại cắt cỏ tiếp. Chưa cắt thêm được 10 mét, tôi lại bị đàn ong vây một lần nữa, lần này chúng đốt khắp nơi. Một con đốt ngay vào khoảng giữa bụng và thắt lưng tôi, đốt liên tục - một khả năng mà ong mật không có nhưng ong nghệ thì có. Tôi bị hôn mê và được chở ngay đến bác sĩ, nhưng chẳng lâu sau đã bình phục và học thêm được một bài học quý giá: các đàn ong nghệ sẽ chỉ cảnh cáo những kẻ thâm nhập một lần thôi, không có lần thứ hai. Hơn 35 năm sau, Kate Ross, cô con gái năm tuổi của bạn tôi, Michael Ross và Markie Post, gửi thư cho tôi và viết đơn giản: "Ong có thể đốt bác. Hãy coi chừng nhé". Tôi biết rõ cô bé ấy viết gì.

        Việc chuyển đến Hot Springs làm cuộc đời tôi có nhiều trải nghiệm mới: một thành phố mới, to lớn hơn và phức tạp hơn nhiều; một khu sinh sống mới; một ngôi trường mới, bạn bè mới và làm quen với âm nhạc; làm quen thật sự với tôn giáo ở một nhà thờ mới; và tất nhiên là đại gia đình dòng họ Clinton.

        Những dòng suối nước khoáng lưu huỳnh nóng mà người ta dựa vào để đặt tên cho thành phố (Hot Springs - tiếng Anh nghĩa là những suối nước nóng - ND) phun lên từ dưới đất ở một khoảng trống hẹp gần dãy núi Ouachita, cách Little Rock hơn 50 dặm về phía tây và hơi chếch về phía nam. Người châu Âu đầu tiên thấy suối là Hernando de Soto lúc đi ngang qua thung lũng này năm 1541, nhìn thấy thổ dân tắm suối nước nóng, và theo như truyền thuyết kể lại thì ông nghĩ mình đã tìm ra được nguồn sống tươi trẻ.

        Năm 1832, Tổng thống Andrew Jackson ký một đạo luật bảo vệ bốn khu đất xung quanh Hot Springs làm những khu bảo tồn của liên bang. Đây là đạo luật đầu tiên kiểu này mà quốc hội chuẩn y, rất lâu trước khi Cục lâm viên Quốc gia được thành lập hay khu vực Yellowstone trở thành lâm viên quốc gia đầu tiên. Không lâu sau nhiều khách sạn mọc lên để đón thêm khách du lịch. Cho đến những năm 1880, trên đại lộ Central chạy ngoằn ngoèo khoảng 1,5 dặm xuyên qua hẻm núi có các suối nước nóng dần xuất hiện các nhà tắm đẹp đẽ khi mỗi năm khoảng 100.000 người đến đây tắm để chữa đủ thứ bệnh, từ thấp khớp, liệt, sốt rét cho đến bệnh lây nhiễm qua tình dục hoặc chỉ để thư giãn. Trong một phần tư đầu của thế kỷ 20, những nhà tắm đồ sộ nhất được xây dựng với một triệu lượt người tắm một năm, và thành phố nghỉ dưỡng này bắt đầu được thế giới biết đến. Sau khi được chuyển từ khu bảo tồn liên bang thành lâm viên quốc gia, Hot Springs trở thành thành phố duy nhất ở Mỹ thực sự nằm bên trong một lâm viên quốc gia.

        Sức cuốn hút của thành phố càng tăng lên nhờ các khách sạn lớn, một nhà hát, và bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, là các hoạt động bài bạc. Cho đến những năm 1880 đã có nhiều sòng bài công khai, và Hot Springs bắt đầu trở thành vừa là một nơi nghỉ dưỡng vừa là một thành phố đầy tai tiếng. Trong những thập niên trước và trong Thế chiến hai, thành phố được điều hành bởi một thị trưởng đủ tầm cỡ để điều hành bất cứ thành phố lớn nào - thị trưởng Leo McLaughlin. Ông ta điều hành việc kinh doanh bài bạc với sự trợ giúp của một trùm xã hội đen từ New York chuyển về, Owen Vincent "Owney" Madden.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Bảy, 2015, 04:32:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2015, 04:13:36 am »

       Sau chiến tranh, một nhóm các binh sĩ trở về do Sid McMath cầm đầu đã phá vỡ quyền lực của McLaughlin trong một diễn biến mà sau đó khiến ông McMath 35 tuổi trở thành thống đốc trẻ nhất Hoa Kỳ. Dù vậy, bất chấp những tay cựu binh thích cải cách này, nhờ các khoản hối lộ cho chính khách tiểu bang và địa phương cũng như giới bảo vệ pháp luật mà việc kinh doanh sòng bài vẫn tiếp tục cho đến tận những năm 1960. Owney Madden sống ở Hot Springs như một công dân "khả kính" cho đến cuối đời. Có lần mẹ tôi đã gây mê cho ông ta trước khi mổ. Sau đó bà về nhà và vừa cười vừa kể cho tôi rằng nhìn vào phim chụp X quang của ông ta cứ y như đi xem triển lãm thiên văn: 12 viên đạn vẫn còn dính trong cơ thể ông ta làm bà nhớ đến các chòm sao băng.

        Thật trớ trêu, vì kinh doanh bài bạc bị coi là bất hợp pháp nên mafia chưa bao giờ chiếm quyền kiểm soát bài bạc ở Hot Springs; thay vào đó, chúng tôi có các ông trùm địa phương. Thỉnh thoảng các nhóm cũng đụng độ nhau giành quyền lợi, nhưng vào thời của tôi thì mức độ bạo lực vẫn còn trong tầm kiểm soát. Thí dụ như có hai gara xe của hai nhà bị đánh bom, nhưng vào lúc không có ai ở nhà.

        Trong ba thập niên cuối của thế kỷ 19 và năm thập niên đầu của thế kỷ 20, bài bạc thu hút một loạt các nhân vật kỳ thú đến thành phố này: bọn ngoài vòng pháp luật, trùm xã hội đen, các người hùng quân nhân, các diễn viên và hàng loạt hảo thủ bóng chày. Tay đánh bida huyền thoại Minnesota Fats cũng hay đến. Năm 1977, khi làm Bộ trưởng tư pháp tôi có đánh bida với ông ấy để gây quỹ từ thiện ở Hot Springs. Ông ấy hạ tôi dễ dàng nhưng bù lại đã kể cho tôi nghe chuyện những lần đến Hot Springs từ xa xưa, khi ông ấy ban ngày thì chơi cá ngựa, rồi ăn nhậu và đánh bạc suốt đêm ở đại lộ Central, nhét đầy thêm túi cũng như làm tròn thêm vòng bụng vốn đã nổi tiếng của mình.

        Hot Springs cũng thu hút cả chính khách nữa. William Jennings Bryan đến đây nhiều lần. Teddy Roosevelt ghé vào năm 1910, Herbert Hoover đến vào năm 1927, còn Franklin và Eleanor Roosevelt thì đến dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tiểu bang vào năm 1936. Huey Long đi tuần trăng mật lần thứ hai với vợ ở đây. JFK (Tổng thống John F. Kennedy - ND) và Lyndon Johnson cũng đến thăm trước khi họ làm tổng thống. Harry Truman cũng vậy - ông là tổng thống duy nhất có đánh bạc, hoặc chí ít là người duy nhất không che giấu chuyện này.

        Những khu vui chơi bài bạc và suối khoáng nóng của Hot Springs càng thu hút hơn nhờ các nhà bán đấu giá đèn đuốc sáng trưng, nằm xen kẽ các điểm đánh bài và nhà hàng trên đại lộ Central ở phía bên kia đường của dãy nhà tắm; nhờ vào trường đua Oakland tổ chức đua ngựa nòi trong 30 ngày mỗi năm vào mùa xuân, hình thức bài bạc hợp pháp duy nhât trong thành phố; nhờ vào các máy đánh bạc bằng tiền xu trong rất nhiều nhà hàng mà có nơi trẻ em cũng được phép chơi nếu ngồi trên lòng cha mẹ; và nhờ ba cái hồ gần thành phố, quan trọng nhất là hồ Hamilton là nơi dân có máu mặt ở thành phố, trong đó có cả bác Raymond, xây biệt thự. Hàng ngàn người đổ về đây nghỉ hè. Ngoài ra còn có một trại cá sấu, con to nhât dài đến khoảng sáu mét; một trại đà điểu, các chú đà điểu thỉnh thoảng lại lọt ra đi lung tung trên đại lộ Cenữal; vườn thú IQ của Keller Breland đầy những thú vật và triển lãm một bộ xương được coi là của người cá; một nhà thổ tai tiếng của Maxine Harris (sau đó là Maxine Temple Jones) - một nhân vật đáng nể dám công khai gửi tiền hối lộ cho quan chức địa phương vào tài khoản ngân hàng và đến năm 1983 viết một cuốn tự truyện thú vị: "Call Me Madam": The Life and Times of a Hot Springs Madam - ''Hãy gọi tôi là má mì": Cuộc đời và Thời cuộc của một má mì Hot Springs. Khi tôi 10 hoặc 11 tuổi, có vài dịp tôi và lũ bạn tự tiêu khiển bằng cách gọi điện liên tục đến chỗ bà Maxine để làm kẹt điện thoại và không cho khách hàng thực sự của bà gọi đến. Bà tức điên lên và chửi chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ chua cay và sáng tạo mà chúng tôi chưa baọ giờ nghe thấy người đàn bà nào, hoặc thậm chí đàn ông nào có thể chửi như vậy. Vui kinh khủng. Tôi đoán chắc bà cũng cảm thấy buồn cười, ít nhất là trong khoảng 15 phút đầu.

        Đối với Arkansas, một tiểu bang chủ yếu gồm người da trắng theo Tin Lành Baptist Phương Nam và người da đen, Hot Springs là một nơi cực kỳ đa dạng, đặc biệt khi nó chỉ có 35.000 dân. Cũng có khá nhiều người da đen và có riêng một khách sạn, Knights of the Pythias, cho khách người da đen. Có hai nhà thờ Công giáo và hai thánh đường Do Thái giáo. Những cư dân Do Thái làm chủ một số cửa hàng sang nhất và điều hành các nhà bán đấu giá. Cửa hàng đồ chợi xịn nhất trong thành phố là cửa hàng Ricky, do nhà Silverman đặt theo tên con trai họ, vốn cùng chơi trong ban nhạc với tôi. Tiệm kim hoàn Lauray, nơi tôi mua vài món cho mẹ, do Marty và Laura Fleishner làm chủ. Và còn có bệnh viện B'nai B'rith Leo N. Levi, nơi người ta dùng nước suối khoáng để chữa bệnh thấp khớp. Tôi cũng gặp những người bạn gốc Ảrập đầu tiên của mình ở Hot Springs, nhà Zorub và nhà Hassin. Khi cha mẹ của David Zorub bỏ mạng ở Libăng, chú anh ấy nuôi anh ấy. Anh ấy đến Mỹ năm lên chín khi chưa biết nói một từ tiếng Anh nào nhưng về sau đã trở thành học sinh đứng đầu lớp và đóng vai thống đốc trong chương trình Boys State. Hiện nay anh ấy là một bác sĩ thần kinh ở Pennsylvania. Guido Hassin và chị em gái của anh ấy là kết quả của mối tình lãng mạn thời Thế chiến hai giữa một người Mỹ gốc Syria và một phụ nữ Ý; họ là hàng xóm của tôi trong thời trung học. Tôi còn có một người bạn gốc Nhật, Albert Hahm, và một bạn cùng lớp gốc Séc, Rene Duchac, cha mẹ của anh ấy là dân nhập cư và là chủ nhà hàng Little Bohemia. Hot Springs có một cộng đồng gốc Hy Lạp lớn, có một nhà thờ chính thống giáo Hy Lạp và nhà hàng Angelo, chỉ cách công ty Clinton Buick một góc đường. Đó là một nơi kiểu xưa thật tuyệt vời, với quầy rượu dài như bồn phun nước và bàn phủ vải caro trắng-đỏ. Đặc sản của nhà hàng là một bộ ba món: ớt, đậu và mì spaghetti.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2015, 03:20:59 am »

        Những người bạn gốc Hy Lạp tốt nhất của tôi là gia đình nhà Leopoulos. Bác George là chủ một tiệm cà phê nhỏ ở phố Bridge giữa đại lộ Central và Broadway, nơi chúng tồi coi là đường phố ngắn nhất nước Mỹ, chỉ kéo dài có một phần ba dãy nhà. Bác gái Evelyn là một phụ nữ nhỏ xíu hay tin vào luân hồi và sưu tầm đồ cổ, rất mê Liberace, người từng làm bà thích thú vì ghé ăn tối ở nhà bà khi ông đến biểu diễn ở Hot Springs. Con trai nhà Leopoulos, Paul David, là bạn tốt nhất của tôi năm lớp bốn và từ đó đến giờ thân thiết với tôi như thể anh em.

        Khi còn nhỏ, tôi thích đi cùng với cậu ấy đến tiệm cà phê của ba cậu, đặc biệt là khi đoàn xiếc giải trí đến thành phố, vì toàn bộ thành viên trong đoàn hay ăn ở đấy. Một lần họ cho chúng tôi vé miễn phí tất cả các trò chơi cảm giác mạnh. Chúng tôi đã xài hết luôn mấy cái vé, David thì vui sướng, còn tôi chóng hết cả mặt mày và buồn nôn. Kể từ sau đó tôi chỉ còn đi xe đụng và ngồi bánh xe quay khổng lồ. Chúng tôi cùng nhau bay lên trượt xuống thăng trầm đủ cho cả đời người, và cười thỏa thuê đủ cho cả ba kiếp.

        Việc từ hồi còn nhỏ tôi có bạn và người quen đa dạng như vậy ngày nay có vẻ như bình thường, nhưng ở bang Arkansas thời những năm 1950 thì chỉ ở Hot Springs mới được như vậy. Nhưng dù sao đi nữa thì phần lớn bạn bè tôi và cả tôi vẫn sống một cuộc sống đời thường, ngoại trừ đôi lần gọi điện chọc phá nhà thổ của bà Maxine hoặc cúp học đi xem đua ngựa - điều tôi không bao giờ làm nhưng đối với vài đứa bạn trung học của tôi thì là một điều không thể cưỡng nổi.

        Từ năm lớp bốn đến lớp sáu, phần lớn cuộc sống của tôi xoay quanh đại lộ Park. Khu tôi ở quả là thú vị. Phía đông nhà chúng tôi có một dãy nhà rất đẹp chạy dài vào đến rừng, và một dãy khác phía sau nhà trên đường Circle Drive. David Leopoulos sống cách tôi vài dãy phố. Bạn thân nhất của tôi trong khu gần nhà là gia đình nhà Crane. Họ sống trong một căn nhà gỗ lớn, cổ và trông có vẻ bí hiểm ở bên kia con đường phía sau nhà tôi. Dì Dan của Edie Crane hay dẫn anh em nhà Crane và tôi đi khắp nơi: xem phim, đi công viên Snow Springs bơi trong mấy cái hồ đầy nước suối lạnh, và đi công viên Whittington để tập chơi golf. Đứa con gái lớn nhât nhà Crane là Rose trạc tuổi tôi. Larry, đứa em kế, nhỏ hơn tôi vài tuổi. Chúng tôi lúc nào cũng hòa thuận với nhau ngoại trừ một lần khi tôi dùng một từ mới với Larry. Lúc ấy chúng tôi đang cầu nguyên cùng với Rose ở sân sau nhà tôi, tôi bảo Larry là biểu bì của nó đang lộ ra. Nó giận lắm. Sau đó tôi lại bảo nó là biểu bì của ba mẹ nó cũng đang lộ ra kìa. Nó chịu hết nổi. Nó về nhà, lấy dao, quay lại và phóng vào người tôi. Dù lần ấy nó phóng hụt, nhưng từ đó tôi rất ngại dùng những từ đao to búa lớn. Cô em út Mary Dan từng dặn tôi là chờ cô ấy lớn lên rồi cưới nhau.

        Đối diện nhà chúng tôi là một loạt các doanh nghiệp nho nhỏ. Có một cái gara làm bằng các tấm thiếc. David và tôi hay trốn phía sau cây sồi và ném quả sồi vào mái thiếc để dọa mấy ông làm việc tại đấy. Thỉnh thoảng chúng tôi cố ném vào chắn bùn của mấy chiếc xe chạy ngang, và mỗi lần ném trúng nó kêu binh binh rất to. Có lần một nạn nhân của chúng tôi dừng xe lại, bước ra và phát hiện thấy chúng tôi đang nấp sau cây sồi và nhào đến đuổi. Từ đó tôi không hay ném quả sồi vào xe nữa, nhưng đúng là trò ấy rất vui.

        Bên cạnh gara là một dãy nhà gạch, bên trong có một tiệm tạp hóa, một tiệm giặt tự động và nhà hàng thịt nướng Stubby, nơi tôi thường hay ngồi ăn một mình ở cái bàn cạnh cửa sổ, vừa thưởng thức vừa tự hỏi về cuộc sống của những người ngồi trên xe hơi chạy ngang trên đường. Năm 13 tuổi tôi nhận việc làm đầu tiên ở tiệm tạp hóa trong khối nhà này. Ồng chủ Dick Sanders khoảng 70 tuổi, và, giống như nhiều người trạc tuổi ông lúc bấy giờ, ông cho rằng thuận tay trái là không tốt, nên ông quyết định phải thay đổi thói quen dùng tay trái cố hữu của tôi. Một hôm ông bắt tôi dùng tay phải xếp các hũ sốt mayonaise lớn hiệu Hellman, loại 89 xu một hũ. Tôi xếp lệch một hũ, thế là nó rơi xuống nền nhà vỡ tan thành một đống bầy hầy những thủy tinh bể lẫn xốt. Đầu tiên tôi phải dọn sạch đi. Sau đó ông Dick bảo tôi phải đền tiền. Lúc ấy tiền công của tôi là một đôla một giờ. Tôi lấy hết cam đảm và nói: "Ông Dick ơi, ông có thể mướn một nhóc giúp việc thuận tay trái khéo léo với giá một đô một giờ, nhưng ông không thê mướn một nhóc giúp việc thuận tay phải hậu đậu mà không phải trả đồng nào đâu nhé". Thật bất ngờ, ông ấy phá lên cười và đồng ý. Ông ấy thậm chí còn cho tôi làm công việc kinh doanh đầu đời của mình, đặt một giá bán truyện tranh cũ ở phía trước cửa tiệm. Tôi để dành được hai đống to truyện tranh, vẫn còn tốt và bán rất chạy. Lúc ấy tôi rất hãnh diện, dù bây giờ tôi biết nếu hồi đó tôi không bán mà giữ lại thì nay đã có một bộ sưu tập quý giá rồi.

        Kế nhà chúng tôi về phía tây, tức về hướng thành phố, là lữ quán Perry Plaza. Tôi thích gia đình nhà Perry và con gái của họ Tavia, lớn hơn tôi cỡ một hai tuổi. Một hôm tôi đến thăm cô ấy khi cô ấy vừa mới có một khẩu súng BB. Lúc đấy tôi khoảng chín hay mười tuổi. Cô ấy ném thắt lưng xuống sàn và nói nếu tôi bước qua là cô ấy bắn liền. Tất nhiên là tôi bước qua luôn. Và cô ấy bắn thật. Cũng may là chỉ bắn trúng chân, nhưng từ đó tôi quyết trở thành một người phán đoán giỏi xem người đối diện dám làm thật hay chỉ dọa suông mà thôi.

        Tôi còn nhớ điều nữa về lữ quán nhà Perry. Nó được xây bằng gạch màu vàng - hai tầng, chạy từ đại lộ Park đến đường Circle Drive. Thỉnh thoảng có những người mướn phòng ở đây và ở các lữ quán khác trong thành phố, hàng tuần liền, thậm chí hàng tháng trời. Một lần có một ông đứng tuổi thuê một căn phòng ở cuối hành lang trên lầu lâu như vậy. Một hôm cảnh sát đến và bắt ông ta đi. Hóa ra ông ấy dùng phòng này để nạo phá thai. Cho tới trước lúc đó, tôi chắc cũng chẳng biết phá thai nghĩa là sao.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Bảy, 2015, 03:31:49 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2015, 01:47:39 am »

        Xa hơn về phía đại lộ Park là rnột hiệu cắt tóc nhỏ, nơi ông Brizendine cắt tóc cho tôi. Quá tiệm cắt tóc thêm một phần tư dặm nữa, đại lộ Park nhập vào đường Ramble, rồi chạy lên đồi về phía nam dẫn đến trường tôi, trường tiểu học Ramble. Năm học lớp bốn tôi lập ban nhạc. Ban nhạc lứa tuổi tiểu học bao gồm học sinh của tất cả các trường tiểu học trong thành phố. Ông giám đốc George Gray rất biết cách khuyến khích các nhạc công nhí trong khi chúng tôi tập đàn kèn inh ỏi. Tôi chơi kèn clarinet trong khoảng một năm, rồi chuyển qua chơi saxo tenor vì ban nhạc đang cần người chơi saxo - một sự thay đổi mà tôi không bao giờ hối tiếc. Kỷ niệm sống động nhất của tôi về lớp năm là một buổi thảo luận trong lớp về trí nhớ, mà bạn cùng lớp tôi là Tommy O'Neal nói với cô Caristianos là nó nhớ cả lúc nó được sinh ra đời. Tôi không rõ liệu nó nhớ giỏi đến thế hay là nó bị chập cheng, nhưng tôi khoái nó và cuối cùng thì đã gặp được một người có trí nhớ tốt hơn cả tôi.

        Tôi rất yêu quý cô giáo lớp sáu của mình, cô Kathleen Schaer. Giống như nhiều thầy cô giáo cùng thế hệ, cô không lấy chồng và cống hiến đời mình cho trẻ em. Cô sống đến năm ngoài 80 tuổi với em họ của mình, cũng lựa chọn cách sống như cô. Nhưng dù dịu dàng và tốt bụng, cô Schaer tin tưởng vào thứ tình yêu cứng rắn. Hôm trước ngày lễ tốt nghiệp, cô bảo tôi ở lại sau giờ học. Cô bảo tôi lẽ ra tôi phải tốt nghiệp đứng đầu lớp, bằng với Donna Standiford. Nhưng vì điểm "công dân" của tôi thấp quá - lúc bấy giờ chắc chúng tôi gọi là điểm "hạnh kiểm" - nên tôi bị rớt xuống hạng ba. Cô Schaer nói: "Billy, khi lớn lên em hoặc là sẽ làm thống đốc hoặc là sẽ sa vào đủ thứ rắc rối. Mọi việc tùy thuộc vào việc em học được cách khi nào nên nói và khi nào nên im lặng". Hóa ra cả hai dự đoán của cô đều đúng.

        Khi tôi học trường Ramble, tính ham đọc của tôi tăng lên và tôi khám phá ra Thư viện công cộng hạt Garland nằm ngay trung tâm thành phố gần tòa án và không xa Công ty Clinton Buick. Tôi thường đến đó hàng giờ liền, lục lọi và đọc rất nhiều sách. Tôi khoái nhất là sách về thổ dân châu Mỹ và đọc tiểu sử viết cho trẻ em về người Apache vĩ đại Geromino; về thủ lĩnh người Sioux Ngựa điên, người đã hạ sát tướng Custer và đẩy lùi đạo quân của ông ở Little Big­horn; về tù trưởng Joseph của bộ tộc Nez Percé, người đã đem lại hòa bình bằng tuyên bố nổi tiếng "Kể từ khi mặt trời đứng ở kia trở đi, ta sẽ mãi mãi không gây chiến tranh nữa"; và người Cherokee vĩ đại Sequoyah, từng chế ra chữ viết cho dân tộc mình. Tôi không bao giờ hết quan tâm đến thổ dân châu Mỹ, và luôn cảm thấy họ đã bị đối xử rất tàn tệ.

        Nơi dừng chân cuối cùng của tôi trên đại lộ Park là nhà thờ thực sự của tôi, Nhà thờ Baptist Park Place. Dù mẹ và bố không đi lễ trừ dịp Phục sinh và đôi khi là dịp Giáng sinh, mẹ khuyến khích tôi gần như chủ nhật nào cũng đi, và tôi làm theo. Tôi thích ăn mặc chỉnh tề và đi bộ tới nhà thờ. Từ năm 11 tuổi đến khi tốt nghiệp trung học, thầy dạy trường chủ nhật của tôi là A. B. "Sonny" Jeffries. Bert, con trai thầy, học cùng lớp với tôi và là bạn thân của tôi. Trong nhiều năm liền, chủ nhật nào chúng tôi cũng đi học lớp Kinh thánh và đi lễ với nhau, lúc nào cũng ngồi phía cuôi - thê giới riêng của chúng tôi. Năm 1955, tôi hấp thụ những răn dạy của nhà thờ đủ để hiểu rằng tôi là kẻ có tội lỗi và đủ để mong muốn được Chúa Jesus cứu rỗi. Thế nên tôi đã đi giữa hai hàng ghế nhà thờ vào cuối buổi lễ chủ nhật, bày tỏ niềm tin vào Chúa và đề nghị được làm lễ rửa tội. Mục sư Fitzgerald đến nhà tôi và nói chuyện với mẹ và tôi. Những người Tin Lành Baptist đòi hỏi người muốn được làm lễ rửa tội phải có niềm tin có ý thức vào Chúa; họ muốn mọi người ý thức được việc mình đang làm, không giống như những lễ nghi của Tin Lành Giám lý, vốn cho tiếp nhận Chúa ngay từ khi bé tí như trường hợp Hillary và anh em cô ấy.

        Bert Jeffries và tôi được làm lễ rửa tội cùng nhau và với nhiều người khác vào một buổi tối chủ nhật. Hồ nước làm lễ được đặt nằm ngay trên chỗ dành cho dàn đồng ca. Khi các tấm màn được mở ra, cộng đồng tín hữu có thể thấy vị mục sư mặc áo choàng trắng, nhúng nước những người được cứu rỗi. Đứng trước tôi và Bert trong hàng là một phụ nữ rõ ràng là sợ nước. Bà ấy run rẩy bước xuống chỗ hồ nước. Khi mục sư bịt mũi bà để ấn đầu bà xuống nước, bà bắt đầu vùng vẫy loạn xạ. Chân phải bà ấy đạp thẳng lên trời và kẹt vào cái khe kính vốn dùng để chắn cho dàn đồng ca khỏi ướt. Bà ấy không rút chân ra được, nên khi mục sư nhấc bà ấy lên cũng không được. Vì ông mục sư chỉ chăm chú nhìn vào đầu bà ấy đang chìm dưới nước và không biết chân bà bị kẹt, nên ông cứ cố kéo mãi. Cuối cùng ông nhìn quanh, hiểu ra và kéo chân bà ấy ra trước khi bà ấy chết ngạt. Tôi và Bert cười nghiêng ngả. Tôi nghĩ nếu Chúa Jesus có óc hài hước đến vậy thì làm tín đồ của Người chắc cũng không đến nỗi nào.

        Ngoài bạn bè, khu xóm, trường học và nhà thờ mới, Hot Springs còn cho tôi có được đại gia đình nhà Clinton. Ông bà nội kế của tôi là AI và Eula Mae Cornwell Clinton. Poppy Al, như chúng tôi gọi ông, quê ở Dardanelle, hạt Yell - một nơi có rừng rất đẹp cách Little Rock 70 dặm về phía thượng nguồn sông Arkansas. Ông gặp và cưới bà sau khi gia đình chuyển từ Mississippi đến vào những năm 1890. Chúng tôi gọi bà nội kế là Mama Clinton. Bà thuộc dòng dõi Corn welt đông đúc sống khắp nơi ở Arkansas. Cùng với gia đình Clinton và họ hàng của mẹ tôi, tôi có họ hàng quen biẽt ớ 15 trong tổng sõ 75 hạt ở tiểu bang Arkansas, một tài sản khổng lồ khi tôi khởi nghiệp chính trị vào thời điểm mà quan hệ cá nhân còn quan trọng hơn là những kinh nghiệm hay quan điểm về một vấn đề nào đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2015, 06:15:58 am »

        Poppy AI nhỏ nhắn, thấp và ốm hơn ông nội tôi nhưng tốt bụng và dịu dàng. Tôi gặp ông lần đầu lúc còn sống ở Hope khi ông đến thăm bố tôi. Ông không đi một mình. Lúc ấy ông vẫn còn làm sĩ quan quản thúc cho tiểu bang, và đem theo cả một tù nhân chắc là vi phạm gì đó phải trở lại nhà tù. Lúc ông ra khỏi xe để vào nhà thăm chúng tôi, người tù kia bị còng tay dính vào ông. Thật là một cảnh tượng kỳ khôi, vì người tù to khổng lồ, chắc cũng gấp đôi ông. Nhưng Poppy AI nói chuyện nhẹ nhàng tử tế với người tù và người này có vẻ cũng đáp lại như vậy. Tôi chỉ biết là cuối cùng Poppy AI cũng an toàn đưa người tù này về đúng hạn.

        Poppy AI và Mama Clinton sống trong một ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đồi. Phía sau nhà có một mảnh vườn mà ông rất lấy làm hãnh diện. Ông sống đến 84 tuổi, và lúc ông ngoài 80, mảnh vườn này cho ra một quả cà chua nặng đến hơn một ký. Tôi phải dùng cả hai tay mới bê được nó.

        Mama Clinton thực sự là bà chủ trong nhà. Bà tốt với tôi, nhưng bà biết cách sai khiến những người đàn ông trong đời mình. Bà lúc nào cũng đối xử với bố tôi như thể ông còn là con nít, không được làm điều gì sai trái, và chắc cũng vì vậy mà ông chẳng bao giờ trưởng thành. Bà thích mẹ, vốn giỏi lắng nghe những chuyện đau buồn tưởng tượng của bà hơn bất cứ người nào khác trong nhà mà vẫn lựa lời khuyên bảo đầy thông cảm. Bà sống đến 93 tuổi.

        Poppy AI và Mama Clinton có năm người con, một gái và bốn trai. Cô Ilaree là con thứ. Con gái cô, Virginia với biệt danh Sister, sau đó cưới Gabe Crawford và là bạn tốt của mẹ. Càng về già, tính tình của cô Ilaree càng trở nên kỳ quái. Một lần mẹ đến thăm, cô than thở rằng dạo này đi lại khó khăn quá. Cô kéo váy lên và chỉ cho mẹ thấy ở chân cô có một cái bướu lớn. Không lâu sau khi gặp Hillary lần đầu, cô cũng kéo váy lên chỉ cho cô ấy cái bướu ở chân. Mới gặp mà như vậy là tốt rồi. Ilaree là người đầu tiên trong họ Clinton thực sự thích Hillary. Mẹ tôi cuối cùng cũng thuyết phục được cô đi cắt bướu, và lần đi máy bay đầu tiên trong đời là lần bà bay đến bệnh viện Mayo. Khi người ta cắt bướu ra thì nó đã nặng đến hơn bốn ký, nhưng kỳ diệu thay là nó chưa làm lan tế bào ung thư ra khắp chân. Tôi nghe nói bệnh viện đã giữ cái bướu kỳ khôi ấy lại để nghiên cứu. Khi cô Ilaree về đến nhà, thì ra cô sợ đi máy bay nhiều hơn là sợ mổ cắt bướu.

        Bác hai là bác Robert. Bác và vợ, Evelyn, là những người kín tiếng, sống ở Texas và có vẻ cũng hạnh phúc dù ít khi giao thiệp với gia đình Clinton ở Hot Springs.

        Bác tư, Roy, có một cửa hàng thức ăn gia súc. Vợ bác, Janet, và mẹ là hai người ngoài gia tộc huyết thống còn có tính cách mạnh mẽ nhất dòng họ, và chơi với nhau rất hợp. Hồi đầu thập niên 50 bác Roy ra ứng cử viện lập pháp bang và đắc cử. Vào ngày bầu cử, tôi phân phát phiếu vận động cho bác trong xóm tôi, gần với điểm bỏ phiếu nhất theo mức luật pháp cho phép. Đó là kinh nghiệm chính trị đầu tiên của tôi. Bác Roy chỉ làm một nhiệm kỳ. Người ta rất thích bác nhưng bác không tái ứng cử, theo tôi là vì bác gái Janet ghét chính trị. Bác Roy và Janet tuần nào cũng chơi domino với bố mẹ tôi trong nhiều năm, khi ở nhà tôi, lúc ở nhà bác.

        Raymond, bác năm, là người họ Clinton duy nhất có máu mặt và cũng thường xuyên dính líu đến chính trị. Bác tham gia vào làn sóng cải cách của cựu binh Thế chiến hai, dù bác chưa bao giờ nhập ngũ. Bác có ba người con, tất cả đều là những ủng hộ viên của tôi. Raymond Jr., biệt danh "Corky", không chỉ nhỏ tuổi hơn tôi mà còn sáng láng hơn nữa. Cậu ấy sau này trở thành nhà khoa học nghiên cứu hỏa tiễn và thành danh ở NASA.

        Mẹ tôi luôn có một mối liên hệ mơ hồ với bác Raymond, vì bác thích điều hành mọi việc và vì bố thì hay say xỉn nên chúng tôi cần bác giúp thường xuyên hơn là mẹ muốn. Khi chúng tôi mới chuyển đến Hot Springs, thậm chí chúng tôi còn đi lễ ở nhà thờ của bác Raymond, nhà thờ Trưởng lão Đệ nhất, mặc dù mẹ là tín đồ Baptist, ít ra là trên danh nghĩa. Vị mục sư hồi đó, mục sư Overholser, là một người đáng nể có hai người con gái cũng đáng nể: Nan Keohane, từng làm hiệu trưởng trường Trung học Wellesley nơi Hillary từng học, và sau đó làm nữ hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Duke. Người con gái kia là Geneva Overholser, chủ bút tờ Des Moines Regis­ter và ủng hộ tôi khi tôi tranh cử tổng thống, rồi phụ trách phần khiếu nại bạn đọc của tờ Washington Post, thường đăng các khiếu nại của công chúng nhưng lại không đăng khiếu nại của tổng thống.

        Dù mẹ có vẻ không ưa Raymond nhưng tôi lại khoái bác ấy. Bác ấn tượng cho tôi nhờ sức mạnh, tầm ảnh hưởng trong thành phố, sự quan tâm thực sự của bác ấy với trẻ con và với tôi. Mấy chuyện màu mè cá nhân của bác ấy không làm tôi khó chịu gì mấy, dù chúng tôi khác nhau như đêm và ngày. Năm 1968, khi tôi diễn thuyết về đề tài bảo vệ dân quyền ở các câu lạc bộ dân sự ở Hot Springs, bác Raymond đang ủng hộ George Wallace cho chức tổng thống. Nhưng năm 1974, khi tôi bắt đầu chiến dịch vô vọng để ứng cử vào quốc hội, bác Raymond và Gabe Crawford cùng ký tờ séc 10 ngàn đôla để giúp tôi. Lúc bấy giờ đối với tôi như thế là nhiều tiền lắm lắm. Khi vợ bác mất hơn 45 năm sau, Raymond làm quen với một góa phụ mà hồi trung học bậc từng hẹn hò, rồi họ cưới nhau và bác hạnh phúc trong những năm cuối đời. Không biết vì lý do gì mà tôi không thể nhớ ra, về cuối đời bác Raymond giận tôi. Trước khi chúng tôi kịp làm lành bác mắc chứng Alzheimer. Tôi đi thăm bác hai lần, một ở bệnh viện St. Joseph và một lần ở nhà dưỡng lão. Lần đầu tôi nói tôi rất thương yêu bác, rằng tôi xin lỗi về những gì xảy ra giữa chúng tôi, và tôi luôn biết ơn những gì bác đã làm cho tôi. Lúc ấy chắc bác cũng nhận ra tôi trong một, hai phút gì đấy, tôi cũng không chắc lắm. Lần thứ hai tôi biết bác không nhận ra tôi, nhưng dù vậy tôi vẫn muốn đến thăm bác. Bác mất năm 84 tuổi, giống như dì Ollie của tôi, rất lâu sau khi đã mất trí nhớ.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Bảy, 2015, 06:26:41 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2015, 01:15:01 am »

        Raymond và gia đình bác sống trong một ngôi nhà lớn ở hồ Hamilton, nơi chúng tôi thường đi picnic và chèo thuyền gỗ Chris- Craft của bác ấy. Dịp lễ Bốn tháng Bảy nào chúng tôi cũng tổ chức ở đó và bắn nhiều pháo hoa. Sau khi bác mất, các con bác buồn bã quyết định phải bán căn nhà này đi. Thật may là thư viện và quỹ của tôi cần một nơi để làm nhà nghỉ, chúng tôi mua nó và sửa sang lại cho hợp mục đích mới, mà con cháu của bác Raymond vẫn có thể dùng căn nhà này. Chắc bác Raymond cũng ngậm cười nơi chín suối.

        Không lâu sau khi chúng tôi chuyển đến đại lộ Park, chắc vào khoảng năm 1955, ông bà ngoại tôi chuyển đến Hot Springs và sống ở một căn hộ nhỏ ngay trên phố của chúng tôi, chỉ cách nhà tôi cỡ một dặm về phía thành phố. Lý do chuyển nhà chủ yếu là để chăm lo sức khỏe. Bệnh viêm phế quản cấp của ông ngày càng nặng còn bà thì bị đột quỵ. Ông tìm được việc trong một tiệm bán rượu mà tôi đoán là bố tôi có phần hùn, ngay đối diện tiệm hớt tóc của ông Brizendine. Ông cũng rảnh rang lắm vì ngay cả ở Hot Springs người ta cũng vẫn giữ ý không lui tới thường xuyên tiệm bán rượu vào ban ngày ban mặt, nên tôi hay đến thăm ông ở tiệm. Ông hay chơi bài một mình và dạy tôi cách chơi. Đến nay tôi vẫn thường chơi ba kiểu đánh bài khác nhau, thường là khi tôi phải suy nghĩ kỹ về vấn đề nào đấy và cần xả bớt những lo lắng.

        Cơn đột quỵ của bà ngoại khá nặng, và bà bị mắc chứng la hét điên loạn. Điều không thể tha thứ được là vị bác sĩ của bà đã cho bà dùng moọcphin, rất nhiều moọcphin, để làm bà dịu đi. Đến khi bà bắt đầu bị ghiền cũng là lúc mẹ đón ông bà xuống Hot Springs. Bà ngày càng ứng xử kỳ quặc, và mẹ không còn cách nào khác là phải đưa bà vào bệnh viện tâm thần của tiểu bang, cách chỗ chúng tôi khoảng 30 dặm. Tôi nghĩ là hồi ấy chưa có trung tâm cai nghiện nào cả.

        Tất nhiên lúc đấy tôi chẳng biết gì về chuyện bà bị ghiền; tôi chỉ biết bà bị bệnh. Thế rồi mẹ chở tôi đến bệnh viện thăm bà. Thật kinh hoàng và hỗn loạn. Chúng tôi vào một phòng lớn được làm mát bằng quạt điện treo trong các lồng sắt to để tránh bệnh nhân thò tay vào cánh quạt. Nhiều người mặc đồ ngủ hoặc quần áo vải thô rộng đi lung tung một cách đờ đẫn, rủ rỉ tự nói chuyên một mình hoặc la hét vào thinh không. Dù vậy, bà ngoại trông vẫn có vẻ bình thường và vui khi gặp chúng tôi, và chúng tôi nói chuyện với nhau. Sau vài tháng, bà đã dịu xuống đủ mức để về nhà, và bà không bao giờ xài moọcphin nữa. Bà bị bệnh cho tôi cơ hội đầu tiên tiếp xúc với hệ thống điều trị bệnh tâm thần lúc đó được dùng cho phần lớn nước Mỹ. Khi trở thành thống đốc, Orval Faubus đã hiện đại hóa bệnh viện tiểu bang và đầu tư nhiều tiền. Bất chấp những thiệt hại mà ông ta gây ra ở những lĩnh vực khác, tôi luôn biết ơn ông vì đã đầu tư vào bệnh viện.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Bảy, 2015, 01:03:19 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2015, 01:05:20 am »

   
        05


        Năm 1956, cuối cùng thì tôi cũng có em trai, và nhà tôi mua tivi. Em tôi, Roger Cassidy Clinton, sinh ngày 25 tháng 7, trùng ngày sinh nhật của bố. Tôi rất vui. Mẹ và bố trong một thời gian dài đã mong có em (mấy năm trước mẹ từng bị sảy thai). Tôi nghĩ mẹ, và chắc là cả bố, nghĩ rằng có con chung sẽ cứu vãn cuộc hôn nhân của họ. Phản ứng của bố ban đầu có vẻ không hứa hẹn lắm. Khi sinh em, mẹ phải mổ, và lúc này tôi đang ở với ông bà ngoại. Bố đến đón tôi đi thăm mẹ, rồi chở tôi về nhà và đi tiếp. Từ vài tháng qua, bố tôi bắt đầu uống trở lại, và thay vì làm cho bố hạnh phúc và cảm thấy có trách nhiệm, việc đứa con duy nhất của ông ra đời lại càng làm cho ông quay lại thói quen say xỉn.

        Ngoài sự phấn khích vì có thêm em bé trong nhà còn có sự phấn khích vì có tivi. Có nhiều chương trình dành cho trẻ em: phim hoạt hình, Captain KangarooHowdy Doody với nhân vật Buffalo Bob Smith mà tôi đặc biệt thích. Có cả các trận bóng chày nữa: Mickey Mantle và đội Yankees, Stan Musial và đội Cardinals, và đội mà tôi ưa thích nhất: đội New York Giants với Willie Mays.

        Nhưng dù có kỳ khôi đến đâu đi nữa, đặc biệt là với một đứa bé lên 10, tôi dành thời gian xem tivi nhiều nhất vào mùa hè đó để theo dõi các đại hội của đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tôi ngồi dưới sàn nhà ngay trước tivi và xem cả hai, say mê đến mức không nói được gì. Nghe thì có vẻ điên rồ, nhưng tôi cảm thấy thực sự thoải mái trong thế giới chính trị và chính trị gia. Tôi thích Tổng thống Eisenhower và vui khi thấy ông được tái đề cử, nhưng vì nhà chúng tôi theo đảng Dân chủ, nên tôi xem rất kỹ đại hội Dân chủ. Thống đốc bang Tennessee Frank Clement đọc một bài diễn văn mở đầu hùng hồn. Tranh chấp đề cử chức phó tổng thống cũng gay go giữa Thượng nghị sĩ trẻ John F. Kennedy với người về sau này thắng cuộc Thượng nghị sĩ Estes Kefauver - người đại diện cho Tennessee trong thượng viện cùng với cha của AI Gore. Khi Adlai Stevenson, ứng cử viên năm 1952, chấp nhận lời kêu gọi của đảng ông ta để ra tranh cử, ông ấy nói ông ấy đã cầu nguyện "Lạy cha, xin cha cất cho con chén đắng này" (Lời chúa Jesus, trong Kinh thánh). Tôi ngưỡng mộ sự thông minh và tài hùng biện của Stevenson, nhưng ngay từ hồi đó tôi đã không hiểu được tại sao có người lại không muốn có cơ hội để trở thành tổng thống. Bây giờ thì tôi nghĩ rằng ông ấy đã không muốn nỗ lực vô ích một lần nữa. Tôi hiểu điều này. Chính tôi cũng đã thua một vài cuộc bầu cử, dù tôi không bao giờ bước vào một trận đấu mà trước đó lại không tự thuyết phục mình rằng tôi có thể chiến thắng.

        Tôi không dành hết thời gian để xem tivi. Bất cứ khi nào có thể, tôi vẫn đi xem phim. Hot Springs có hai rạp chiếu phim cũ kỹ, rạp Paramount và rạp Malco, đều có các sân khấu lớn với các ngôi sao phim viễn tây hay xuất hiện vào cuối tuần. Tôi đã được thấy Lash LaRue mặc đồ cao bồi đen và quất roi ngựa, và cả một màn biểu diễn bắn súng của Gail Davis - người đóng vai Annie Oakley trên ti vi.

        Vào cuối thập niên 50, Elvis Presley bắt đầu làm phim. Tôi thích Elvis. Tôi có thể hát tất cả các bài hát của ông, và cả các bài hát đệm của ban Jordanaires nữa. Tôi ngưỡng mộ ông ấy khi ông nhập ngũ, và thích thú khi ông cưới người vợ trẻ Priscilla. Không giống như phần lớn các bậc cha mẹ, vốn cho rằng kiểu lắc hông của Elvis là tục tĩu, mẹ tôi cũng mê Elvis, có thể còn mê hơn tôi. Chúng tôi cùng xem buổi biểu diễn huyền thoại của ông trên chương trình The Ed Sullivan Show, và phá lên cười khi ống kính camera cắt đi phần thân dưới lắc lư của ông để giữ cho người xem khỏi phải xem cảnh bất nhã. Ngoài âm nhạc của ông, tôi còn hòa nhập với gốc gác tỉnh lẻ miền Nam của ông. Và tôi nghĩ rằng ông ấy là người có cái tâm tốt. Bạn tôi, Steve Clark, từng làm chưởng lý tiểu bang hồi tôi làm thống đốc, có một lần đưa em gái của anh ấy đang sắp chết vì ung thư đến xem Elvis biểu diễn ở Memphis. Khi Elvis biết chuyện bé gái này, ông đã cho hai anh em ngồi hàng ghế đầu, và biểu diễn xong ông còn mời cô bé lên sân khấu và trò chuyên với cô một lức. Tôi không bao giờ quên điều đó.

        Phim đầu tay của Elvis, Love Me Tender, là phim tôi ưa thích nhất lúc bấy giờ và đến nay vẫn vậy, dù tôi cũng thích các phim khác của ông như Loving You, Jailhouse Rock, King Creole, và Blue Hawaii. Mấy phim sau đấy nữa của ông bắt đầu trở nên nhàm chán và dễ đoán. Điều thú vị trong phim Love Me Tender - một phim viễn tây thời hậu Nội chiến - là Elvis, lúc ấy đã thành thần tượng hấp dẫn của nước Mỹ - lấy được cô gái, Debra Paget, nhưng chỉ sau khi cô này tưởng rằng người yêu của mình, nhân vật anh trai của Elvis, đã chết trong chiến tranh. Cuối phim, Elvis bị bắn chết, để lại anh trai và người vợ mình.

        Tôi chưa bao giờ chán Elvis. Tror.g chiến dịch tranh cử năm 1992, một số người trong ban tham mưu của tôi đặt cho tôi biệt danh là Elvis. Vài năm sau, khi tôi bổ nhiệm Kim Wardlaw của Los Angeles làm thẩm phán liên bang, cô ấy đã chu đáo đến mức gửi cho tôi một khăn quàng cổ mà Elvis từng đeo và ký tặng cô ấy trong một buổi biểu diễn hồi thập niên 70, lúc cô ấy 19 tuổi. Tôi vẫn còn giữ nó trong phòng nghe nhạc của mình. Và tôi thú nhận: tôi vẫn còn mê Elvis.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2015, 03:44:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM