Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:41:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời tôi  (Đọc 193056 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #580 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 06:08:52 pm »

        Chính phủ đã cho phép công ty của Rich tiếp tục hoạt động sau khi ông ta chịu trả 200 triệu đôla tiền phạt, gấp hơn bốn lần số tiền 41 triệu đôla tiền thuế mà chính phủ tuyên bố ông ta đã trốn. Giáo sư Marty Ginsburg, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế - ông là chồng của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg và là một giáo sư luật của đại học Luật Harvard, cùng với Bernard Wolfman đã kiểm tra các giao dịch và kết luận rằng các công ty của Rich đã đúng trong việc tính thuế của mình, có nghĩa là bản thân Rich không nợ tiền thuế. Rich đồng ý khước từ miễn trừ luật hạn định, và có thể bị chính phủ kiện dân sự như những người khác. Ehud Barak đã ba lần yêu cầu tôi ân xá cha Rich vì ông ta đã đóng góp nhiều cho nước Israel và giúp đỡ những người Palestine, và một số nhân vật ủng hộ Israel khác thuộc cả hal đảng đã thúc giục để ông ta nhanh được phóng thích. Cuối cùng, Bộ Tư pháp nói không phản đối và nghiêng về ý kiến ân xá cho Rich, nếu điều đó thúc đẩy lợi ích của Mỹ về đối ngoại.

        Rất nhiều người cho là tôi đã sai khi ân xá cho một kẻ chạy trốn giàu có. Vợ cũ của ông ta là người ủng hộ tôi, và ông ta cũng tuyển một trong những luật sư Nhà Trắng của tôi vào đội ngũ tư vấn luận của ông ta, cùng với hai luật sư nổi tiếng khác của đảng Cộng hòa. Gần đây Rich còn được đại diện bởi Lewis "Scooter" Libby, chánh văn phòng của phó Tổng thống tấn cử Dick Cheney. Có thể là tôi đã sai lầm, ít nhất là sai lầm vì chú ý đến vụ này, nhưng tôi đã quyết định dựa trên tinh thần đúng đắn. Vào tháng 5 năm 2004, Rich vẫn chưa bị Bộ Tư pháp khởi kiện, một điều đáng ngạc nhiên, vì có nhiều bằng chứng khiến chính phủ có thể coi đây là vụ dân sự hơn là hình sự.

        Mặc dù sau này tôi có thể bị chỉ trích vì một số lệnh ân xá đã ký, nhưng tôi lại thấy lo ngại hơn về một số vụ không ân xá. Ví dụ, tôi nghĩ vụ của Michael Milken rất thuyết phục vì những việc tốt mà ông ấy đã làm cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt sau khi được ra tù, tuy nhiên Bộ Ngân khố và ủy ban Chứng khoán lại kiên quyết chống lại việc tôi ân xá cho ông ta và nói rằng: dây là một tín hiệu sai lầm vào cái thời điểm mà họ đang cố gắng áp đặt những tiêu chuẩn hà khắc lên ngành tài chính. Hai trường hợp khiến tôi cảm thấy hối hận nhất khi từ chối ân xá là của Webb Hubbell và Jim Guy Tucker. Vụ của Tucker thì vẫn đang chờ phúc thẩm, còn Hubbell thì thực sự đã phạm pháp vẫn chưa đạt hạn ở tù tối thiểu để được xem xét ân xá. Nhưng cả hai người đều đã bị văn phòng của Ken Starr chèn ép vì không chịu nói dối. Không ai trong số hai người này lẽ ra dã phải chịu tí xíu khổ ải nào mà họ thực sự phải chịu nếu tôi không phải là tổng thống và không rơi vào nanh vuốt của Starr. David Kendall và Hillary luôn thúc giục tôi phải ân xá cho họ. Còn những người khác thì kịch liệt phản đối. Cuối cùng, tôi để vụ đó cho những nhân viên của tôi xử lý một cách không khoan nhượng. Từ đó đến nay tôi luôn cảm thấy hối hận. Sau đó khi gặp Jim Guy, tôi xin lỗi ông và tôi sẽ làm một điều tương tự như thế với Webb Hubbell vào một ngày nào đó.

        Lễ giáng sinh của chúng tôi cũng giống như của những người khác, nhưng trở nên quý giá hơn vì chúng tôi biết đây là giáng sinh cuối cùng tại Nhà Trắng. Tôi muốn tận hưởng những tiệc chiêu đãi cuối cùng này, cũng như cơ hội được gặp bao nhiêu người đã cùng sát cánh bên tôi tại Washington. Tôi xem xét kỹ càng mọi đồ trang trí mà Chelsea, Hillary và tôi treo lên cây thông, nhìn kỹ từng quả chuông, từng quyển sách, từng tấm biển đồng, từng chiếc bít tất, cũng như tranh giáng sinh và cả ông già Noel chúng tôi đặt ở Phòng Bầu dục Vàng. Tôi cũng tự mình đi lên khắp các phòng tầng hai và ba đê nhìn rõ hơn tất cả những bức tranh và những đồ nội thất cũ. Cuối cùng tôi cũng có thời gian để bảo nhân viên Nhà Trắng cho tôi xem tất cả những chiếc đồng hồ từ xưa đến nay của Nhà Trắng, tôi vừa dùng vừa nghiên cứu về chúng. Những bức chân dung người tiền nhiệm và phu nhân của họ nay mang một ý nghĩa mới vì cả Hillary và tôi đều nhận ra rằng, bức chân dung của chúng tôi cũng sẽ nằm trong số đó trong thời gian tới. Chúng tôi chọn Simmie Knox là người vẽ chân dung chúng tôi; chúng tôi thích những nét vẽ sinh động như thật của Knox và ông sẽ là họa sĩ vẽ chân dung người Mỹ gốc Phi đầu tiên có tác phẩm được treo trong Nhà Trắng.

        Vào tuần lễ sau giáng sinh, tôi ký thêm một vài dự luật khác và bổ nhiệm Roger Gregory làm quan tòa người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong Tòa phúc thẩm lưu động khu vực thứ 4. Gregory là người rất có năng lực, và Jesse Helms đã phản đối bổ nhiệm một quan tòa da đen cũng quá đủ lâu rồi. Đây là một quyết định bổ nhiệm vào thời gian nghỉ, một quyết định mà tổng thống toàn quyền quyết định trong một năm vào lúc quốc hội không nhóm họp. Tôi dám cá rằng vị tổng thống mới sẽ không mong có một Tòa phúc thẩm gồm toàn những người da trắng ở vùng Đồng Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #581 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 06:13:58 pm »

        Tôi cũng tuyên bố rằng cùng với ngân sách mới được ban hành, chúng tôi sẽ có đủ tiền để trả món nợ 600 tỉ đôla trong bốn năm qua, và với cái đà này thì đất nước sẽ hết nợ vào năm 2010, lúc đó sẽ cắt giảm được 12 cent trong mỗi đôla tiền thuế để có thể dùng đầu tư. Nhờ tinh thần trách nhiệm tài chính của chúng tôi, lãi suất lúc này, sau bao nhiêu lần tăng lên, đã ở mức thấp hơn khi tôi mới nhậm chức đến 2%, giảm tiền góp thế chấp, mua xe hơi, vay vốn kinh doanh và tiền vay học đại học. So với việc cắt giảm thuế thì lãi suất thấp giúp cho người dân có thêm nhiều tiền hơn.

        Vào ngày cuối cùng trong năm, tôi đã ký vào bản hiệp ước đưa Hoa Kỳ gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế. Thượng nghị sĩ Lott và hầu hết các thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối chuyện đó vì sợ binh sĩ Hoa Kỳ hoạt động ở hải ngoại có thể bị đem ra xét xử trước tòa vì những mục đích chính trị. Trước đó tôi cũng lo ngại chuyện này, nhưng bản hiệp ước giờ đây được dự thảo theo cách mà tôi đảm bảo ngăn chặn được điều đó xảy ra. Tôi là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên kêu gọi lập ra Tòa án tội phạm chiến tranh quốc tế, và tôi nghĩ Hoa Kỳ nên ủng hộ việc này.

        Chúng tôi lại bỏ lỡ kỳ nghỉ Cuối tuần Phục hưng năm đó để gia đình tôi có thể đón năm mới lần cuối cùng tại Trại David. Tôi vẫn chưa nghe được tin gì từ Arafat. Vào ngày đầu tiên của năm mới, tôi mời ông đến thăm Nhà Trắng vào ngày hôm sau. Trước khi đến, ông tiếp đón Hoàng tử Bandar và đại sứ Ai Cập tại khách sạn của mình. Một trong những phụ tá trẻ của ông nói với chúng tôi rằng họ đã rất cố gắng để thuyết phục ông phải đồng ý. Khi đến gặp tôi, ông hỏi rất nhiều câu hỏi về kế hoạch của tôi. Ông muốn Israel có Bức tường Than khóc vì tầm quan trọng về mặt tôn giáo của nó, nhưng lại đòi giành khoảng 15m còn lại của Bức tường phía Tây cho Palestine. Tôi nói rằng ông sai rồi, Israel phải được kiểm soát toàn bộ bức tường để bảo vệ họ khỏi việc bất cứ ai đi vào trong đường hầm nằm dưới bức tường theo một lối nào đó, và phá hủy những gì còn lại của những ngôi đền nằm bên dưới Haram. Thành phố cổ bao gồm bốn khu vực dân cư: người Do Thái, người Hồi giáo, người Cơ đốc giáo và người Armenia. Chúng tôi cho rằng phía Palestine nên lấy hai khu vực: người Hồi giáo và Cơ đổc giáo, phía Israel lấy hai khu còn lại. Arafat cứ khăng khăng rằng Palestine lấy luôn cả một số dãy phố ở khu người Armenia vì ở đó có các nhà thờ đạo Cơ đốc. Tôi không thể tin nổi sao ông ta lại nói chuyện với tôi về vấn đề này.

        Arafat cố tránh phải từ bỏ quyền trở về của người Palestine. Ông biết mình phải làm vậy, nhưng ông sợ bị chỉ trích. Tôi nhắc cho ông nhớ rằng Israel đã hứa sẽ nhận một số dân tị nạn từ Libăng, những người mà gia đình của họ đã sống ở nơi mà hiện tại thuộc về miền Bắc Israel đến hàng trăm năm, nhưng sẽ không có nhà lãnh đạo Israel nào có thể để cho nhiều người Palestine quay về Israel đến mức biến Israel thành quốc gia mà người Do Thái trở thành thiểu số chỉ trong vài chục năm trước sinh suất cao của người Palestine. Dù gì đi nữa thì trên Đất Thánh sẽ không thể có được hai quốc gia mà đa số dân là người Arập; Arafat đã thừa nhận điều này bằng cách ký vào bản thỏa thuận hòa bình 1993 với giải pháp rõ ràng là sẽ có hai quốc gia riêng biệt. Ngoài ra, bản thỏa thuận lần này còn phải cần được sự ủng hộ của người Israel qua một cuộc trưng cầu dân ý. Quyền của người Palestine được quay trở lại sẽ làm hỏng vụ đàm phán này. Tôi không nghĩ đến việc yêu câu người Israel bỏ cuộc trưng cầu. Mặt khác, tôi nghĩ người Israel sẽ ủng hộ một sự dàn xếp cuối cùng trong các khuôn khổ mà tôi đã đặt ra. Nếu có thỏa thuận, tôi thậm chí còn nghĩ rằng Barak sẽ có thể hồi phục và thắng trong cuộc bầu cử, mặc dù giờ đây Barak tụt lại xa sau Sharon trong các cuộc trưng cầu trước một khối cử tri đang e sợ intifada (kháng chiến của người Palestine - ND) và giận dữ bởi việc Arafat từ chối hòa bình.

        Nhiều lúc Arafat có vẻ như bối rối và không nắm vững tình hình. Đã lâu tôi cảm thấy rằng ông có lẽ đã không còn ở thời kỳ minh mẫn nhất nữa, sau bao nhiêu năm phải ngủ đêm ở những nơi khác nhau để tránh bị ám sát, sau biết bao nhiêu thời gian ngồi trên máy bay, biết bao nhiêu giờ đàm phán đầy căng thẳng. Có thể ông không thể đơn giản chuyển mình từ một nhà cách mạng sang một chính khách. Ông đã quá quen với việc bay từ nơi nọ sang nơi kia, tặng những món quà làm bằng xà cừ được những người thợ thủ công Palestine tạo nên cho những nhà lãnh đạo khác và xuất hiện trên truyền hình cùng với họ. Tình hình sẽ khó khăn nếu việc chấm dứt bạo lực khiến báo chí không còn nhắc đến cái tên Palestine nữa, thay vào đó ông sẽ phải quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm, xây trường học và cung cấp những dịch vụ cơ bản. Hầu hết những người trẻ tuổi trong nhóm của Arafat đều mong ông chấp nhận hợp tác. Tôi tin rằng Abu Ala và Abu Mazen cũng muốn Arafat chấp thuận nhưng lại không muốn bất hòa với Arafat.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #582 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 06:23:42 pm »

        Khi ông rời đi, tôi vẫn không biết ông sẽ làm gì. Cử chỉ của ông thì nói không, nhưng thỏa thuận lần này quá tốt đến mức tôi nghĩ chẳng có ai ngu gì mà lại để lỡ. Barak mong tôi đến Trung Đông, nhưng trước hết tôi mong Arafat nói lời đồng ý với người Israel về những vấn đề lớn được vạch ra trong các khuôn khổ mà tôi đặt ra. Vào tháng 12, các bên đã có cuộc gặp tại Căn cứ Không quân Bolling để nói chuyện nhưng đàm phán bất thành vì Arafat không chịu chấp thuận những điều kiện gây khó khăn cho ông.

        Cuối cùng, Arafat đồng ý gặp Shimon Peres vào ngày 13 sau khi Peres gặp Saeb Erekat trước. Nhưng cũng chẳng có kết quả gì. Nhằm thủ thế, Israel cố gắng thảo một bức thư với nhiều thỏa thuận trong khuôn khổ của tôi đến mức có thể, vì cho rằng nếu Barak thua trong cuộc bầu cử thì chí ít hai bên cũng sẽ cam kết vào một tiến trình có thể dẫn đến thỏa thuận. Arafat thậm chí còn không làm điều đó vì không muốn ai thấy mình nhượng bộ điều gì. Các bên tiếp tục đàm phán ở Taba, Ai Cập. Họ đã tiến rất sát đến thành công nhưng vẫn không thành công. Arafat không bao giờ nói không, ông chỉ không thể bắt mình nói có. Thật đúng là cao ngạo quá có ngày ngã đau.

        Ngay trước khi tôi rời Nhà Trắng, trong một cuộc nói chuyện cuối cùng, Arafat đã cảm ơn tôi vì những nỗ lực của tôi và nói tôi là một con người vĩ đại. "Ngài chủ tịch" - tôi đáp - "Tôi không phải là người vĩ đại. Tôi là một người thất bại, và chính ngài đã khiến tôi thất bại". Tôi cảnh báo rằng chính ông đã đơn thương độc mã khiến Sharon trúng cử, và ông sẽ phải gánh chịu hậu quả.

        Vào tháng 1 năm 2001, Ariel Sharon trúng cử tổng thống trong một chiến thắng vang dội. Người Israel khẳng định nếu Arafat không chấp nhận đề nghị của tôi, ông ấy sẽ không được cái gì cả, và nếu họ không có một người bạn đồng hành để đạt được hòa bình, tốt hơn là họ nên được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo xông xáo và không khoan nhượng, Sharon được Ehud Barak và nước Mỹ khuyến khích nên có hướng tiếp cận cứng rắn hơn đối với Arafat. Gần một năm sau khi tôi rời chức, Arafat có nói với tôi rằng ông sẵn sàng đàm phán dựa trên khuôn khổ tôi đưa ra. Rõ ràng là cuối cùng ông cũng nghĩ thời điểm - năm phút trước nửa đêm - đã tới, nhưng đồng hồ của ông đã hỏng từ lâu.

        Quyết định của Arafat từ chối lời đề nghị của tôi sau khi Barak chấp thuận là một sai lầm bắt nguồn từ sự bất đối xứng lịch sử. Tuy nhiên, rất nhiều người Palestine và Israel vẫn muốn hướng tới hòa bình. Ngày hòa bình rồi sẽ đến, và khi đó bản hiệp ước cuối cùng cũng sẽ rất giống với những đề xuất được đưa ra ở Trại David và sáu tháng đàm phán liên tục sau đó.

        Vào ngày 3 tháng 1, tôi ngồi trong trụ sở thượng viện với Chelsea à những người thân còn lại trong gia đình Hillary khi Al Gore làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho Thượng nghị sĩ mới của New York. Tôi khích động đến mức suýt nữa thì nhảy qua khỏi rào chắn ghế ngồi. Trong 17 ngày tiếp theo cả hai chúng tôi đều sẽ là những người đương chức, trở thành cặp vợ chồng đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ mà chồng trong Nhà Trắng còn vợ trong thượng viện. Nhưng Hillary sẽ phải tự mình xoay xở lấy. Tất cả những gì tôi có thể làm là đề nghị Trent Lott đừng quá cứng rắn đối với cô ấy và tôi mong được làm nhân viên cho Hillary ở hạt Westchester.

        Ngày hôm sau, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện ở Nhà Trắng mà với riêng tôi là để dành cho mẹ tôi: Lễ công bố Đạo luật về Điều trị và Phòng chống Ung thư vú và cổ tử cung, cho phép phụ nữ không có bảo hiểm y tế mắc những bệnh này được trợ cấp chăm sóc và điều trị theo chương trình Medicaid.

        Ngày 5, tôi chính thức công bố chúng tôi sẽ bảo vệ sáu triệu mẫu rừng nguyên sinh ở 31 bang, kể cả rừng quốc gia Tongass ở Alaska - khu vực rừng ôn đới lớn cuối cùng còn sót lại ở Mỹ. Lợi nhuận thu được từ gỗ đã khiến việc bảo vệ các khu rừng ở Mỹ khó khăn hơn, và tôi nghĩ chính quyền Bush sẽ cố đảo ngược quyết định ấy trên những tính toán về kinh tế, nhưng thực ra chỉ có 5% lượng gỗ toàn quốc có xuất sứ từ rừng quốc gia, và chỉ 5% trong lượng gỗ đó được lấy từ các khu vực không có đường sá. Không có lượng gỗ nhỏ nhặt ấy thì nước Mỹ vẫn chẳng bị ảnh hưởng gì lắm, mà lại vẫn có thể bảo vệ được nguồn tài nguyên quốc gia vô giá đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #583 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 06:38:14 pm »

        Sau buổi công bố, tôi lái xe tới Fort Myer để dự lễ chia tay truyền thống của lực lượng vũ trang tổ chức - một nghi lễ quân đội có trao tặng cờ Mỹ in phù hiệu tổng thống và các huân chương của từng binh chủng. Họ cũng tặng một huân chương cho Hillary. Bill Cohen nói rằng bằng việc bổ nhiệm anh, tôi đã trở thành vị tổng thống duy nhất chọn một quan chức của đảng đối lập vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

        Không có gì vinh dự hơn trong việc làm tổng thống là việc trở thành Tổng tư lệnh tối cao của quân đội, của những người đàn ông và phụ nữ nhiều chủng tộc và tôn giáo có nguồn gốc từ khắp mọi nơi trên trái đất. Họ là hiện thân của dòng chữ biểu trưng của nước Mỹ: E pluribus unum (gốc Latinh, nghĩa là một thể thống nhất tạo nên từ nhiều nguồn khác nhau - ND). Tôi đã từng chứng kiến họ được người dân reo mừng chào đón ở Balkan, giúp những nạn nhân thiên tai ở Trung Mỹ, đấu tranh chống lại bọn buôn ma túy ở Colombia và vùng biển Caribe, dang rộng vòng tay chào đón những người Cộng sản ở Trung và Đông Âu, đóng quân trong những tiền đồn xa xôi ở Alaska, canh gác ở các sa mạc Trung Đông và tuần tra Thái Bình Dương.

        Người Mỹ chỉ biết tới lực lượng quân đội khi họ ra trận. Sẽ không bao giờ có thể kể hết được các cuộc chiến tranh, những tổn thất mà họ đã ngăn chặn được, những giọt nước mắt mà họ đã giúp không phải chảy ra, tất cả là nhờ có những người đàn ông và phụ nữ Mỹ canh giữ cho hòa bình. Tôi có thể đã có một khởi đầu không mấy êm ả với quân đội nhưng tôi đã nỗ lực để trở thành một Tổng tư lệnh tốt, và tin rằng khi tôi rời chức vụ thì đội quân này hoạt động tốt hơn rất nhiều so với lúc tôi mới nhậm chức.

        Vào thứ bảy ngày 6 tháng 1, sau chuyến đi chơi tới Sở thú Quốc gia để ngắm gấu trúc, Hillary và tôi đã tổ chức buổi tiệc chia tay ở Bãi cỏ phía Nam cùng với Al và Tipper để chia tay tất cả nhân viên làm việc tại Nhà Trắng trong suốt tám năm qua. Rất nhiều người đã tới từ những nơi rất xa xôi. Chúng tôi trò chuyện và ôn lại kỉ niệm trong vài giờ đồng hồ. Al được mọi người chào mừng nồng nhiệt khi tôi giới thiệu anh là một trong những ứng cử viên sáng giá của cuộc bầu cử sắp tới. Khi anh yêu cầu những ai đã lập gia đình hay sinh con trong thời gian làm việc ở Nhà Trắng giơ tay lên, thì tôi rất ngạc nhiên thấy rất nhiều cánh tay giơ lên. Cho dù phe Cộng hòa có nói gì đi nữa, chúng tôi vẫn là một chính đảng ủng hộ các giá trị gia đình.

        Bí thư phụ trách xã hội ở Nhà Trắng là Capricia Marshall - người đã theo tôi từ năm 1991 và kết hợp cùng với Hillary từ những chiến dịch tranh cử đầu tiên - dành sự bất ngờ lớn cho tôi: chiếc phông đằng sau chúng tôi được kéo lên để lộ nhóm nhạc Fleetwood Mac hát bài "Đừng ngừng nghĩ tới ngày mai".

        Vào chủ nhật, Hillary, Chelsea cùng tôi tới nhà thờ Giám lý Foundry, mục sư Phil Wogaman mời Hillary và tôi phát biểu chia tay trước hội thánh từng ủng hộ chúng tôi trong tám năm vừa qua. Chelsea đã có được những người bạn tốt ở đây và đã học được rất nhiều nhờ làm việc ở vùng thung lũng xa xôi của nông thôn Kentucky trong Dự án Phục vụ vùng Appalanchi. Các thành viên của nhà thờ xuât thân từ nhiều dân tộc và quốc gia, cả giàu lẫn nghèo, già lẫn trẻ, người một giới hay đồng tính. Nhà thờ Foundry đã trợ giúp dân nghèo ở Washington và những người tị nạn từ nhiều nơi trên thế giới mà tôi từng cố thiết lập hòa bình.

        Trong khi tôi chưa biết nên nói gi thì Wogaman đã nói với hội thánh là tôi sẽ nói về cuộc sống mới của tôi. Thế nên tôi nói rằng niềm tin của tôi sẽ được thử thách khi phải quay về đi máy bay thương mại thông thường, và tôi sẽ cảm thấy hụt hẫng vì khi bước vào các đại sảnh sẽ không còn có ban nhạc nào tấu bài "Hail to the Chief" (bài hái dành cho tổng thống Hoa Kỳ - ND) nữa. Và tôi còn nói là tôi sẽ trd thành một công dân tốt, sẽ nâng cánh cho những hi vọng và khao khát cho những ai vốn xứng đáng được nhận nhiều hơn và sẽ tiếp tục đất tranh vì hòa bình và hòa giải. Cho dù tôi đã nỗ lực làm việc đó trong tám năm vừa qua nhưng công việc này vẫn cần phải làm rất nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #584 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 06:47:40 pm »

        Tối hôm đó, tại thành phố New York, tôi nói chuyện với Diễn đàr chính sách Israel ủng hộ hòa bình. Lúc đó, chúng tôi vẫn còn hi vọng có được hòa bình. Arafat nói, ông chấp nhận các khuôn khổ của tôi nhưng vẫn còn một số thắc mắc. Vấn đề là ở chỗ những thắc mắc của ông, khác với của những người Israel, lại nằm ngoài khuôn khổ, ít nhất là vấn đề người tị nạn và về vấn đề Bức tường phía Tây, nhưng tôi vẫn đối xử với lời chấp thuận của ông cứ như nó là thật, dựa trêm sự cam kết của ông đạt hòa bình trước khi tôi rời ghế tổng thống. Cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái cũng rất tốt với tôi. Một số người, bạn của tôi như Haim Saban và Danny Abraham vốn quan tâm sâu sắc tới Israel, cho tôi rất nhiều lời khuyên bổ ích trong những năm vừa qua. Rất nhiều người khác đơn thuần chỉ ủng hộ công việc đấu tranh vì hòa bình của tôi. Và không cần quan tâm tới những gì xảy ra, tôi nghĩ tôi hàm ơn họ vì điều đó.

        Ngày hôm sau, sau khi trao Huân chương Công dân cho 28 người Mỹ xứng đáng, trong đó có cả Muhammad Ali, tôi đến trụ sở đảng Dân chủ để cảm ơn các chủ tịch đảng là Thị trưởng Ed Rendell của Philadenphia và Joe Andrew, và để cám ơn Terry McAulife - một người đã làm rất nhiều việc cho Al Gore và tôi - và giờ đây đang tranh cử để làm tân chủ tịch đảng. Sau những việc anh làm, tôi không thể tin nổi anh muốn làm như vậy. Nhưng dù sao anh cũng vẫn muốn chức chủ tịch đảng, thì tôi ủng hộ anh. Tôi từng nói với những người công hiến cho đảng mà không màng tới vinh danh rằng tôi trân trọng họ biết bao.

        Vào 9 tháng 1, tôi bắt đầu chuyến đi trở lại các nơi đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Đầu tiên là tới Michigan và Illinios, nơi tôi đã có những thắng lợi đầu tiên trong chiến dịch tranh cử vào ngày Thánh Patrick năm 1992, coi như giúp tôi chắc chắn được vị trí ứng viên đề cử. Hai ngày sau, tôi đã tới Massachusetts, cũng là bang tôi đạt tỷ lệ phiếu cao nhất trong các bang vào năm 1996, và tiếp đến là New Hampshire, nơi khiến tôi trở thành "chú nhóc hồi sinh" vào năm 1992. Trong chuyến này, tôi cũng khánh thành bức tượng Franklin Roosevelt ngồi trên chiếc xe lăn tại Đài tưởng niệm Franklin Roosevelt, do cộng đồng người khuyết tật và phần lớn gia đình của Roosevelt đóng góp xây dựng. Và trong số hơn 10.000 bức ảnh của Roosevelt thì chỉ có bốn bức Roosevelt ngồi trên xe lăn. Người khuyết tật Mỹ đã tiến bộ rất nhiều kể từ bấy giờ.

        Cuối cùng tôi cũng tạm biệt New Hampshire ở Dover, nơi mà chín năm trước tôi hứa gắn bó với họ "cho đến tận cùng". Rất nhiều người ủng hộ bầu cho tôi trước đây đang ngồi dưới kia và tôi đã gọi tên một vài người trong số họ, cảm ơn họ và đưa họ bản ghi nhận công lao của tất cả mọi người trong mùa đông năm ấy. Tôi nhắn nhủ với mọi người là đừng bao giờ quên rằng "ngay cả khi tôi không còn là tổng thống nữa, tôi vẫn sẽ luôn đứng về phía các bạn".

        Từ ngày 11 đến 14 tháng 1, tôi tổ chức tiệc cho nội các, nhân viên nhà Trắng, và bạn bè tại Trại David. Vào buổi tối ngày 14, Don Helen tổ chức buổi hòa nhạc rất tuyệt ngay sau bữa tối tại nhà nguyện trong Tại David. Sáng hôm sau là sáng chủ nhật cuối cùng của gia đình tôi tại nhà nguyện tuyệt đẹp đó, nơí chúng tôi và các binh sĩ hải quân phục vụ trong Trại David, gia đình họ cùng dự các buổi cầu nguyện. Tôi còn nhớ hồi đó, họ còn để tôi lên hát trong dàn đồng ca, và luôn để tờ bài hát trong nhà Aspen, căn nhà của gia đình tôi vào mỗi thứ sáu hay thứ bảy để tôi có thể ôn trước.

        Vào thứ hai, tôi phát biểu trong Lễ kỉ niệm ngày Martin Luther King tại trường Đại học quận Columbia. Thường thì tôi kỉ niệm ngày lễ này bằng cách tham gia vào các chương trình phục vụ cộng đồng, nhưng lần này, tôi muốn tận dụng cơ hội để được cảm ơn quận Columbia (D.C.) - sân nhà của tôi trong tám năm vừa qua (Thủ đô Washington nằm trong quận Columbia - ND). Người đại diện của D.C. tại quốc hội kiêm ủy viên hội đồng thành phố Elenor Holmes Norton, và Thị trưởng Tony Williams cũng là những người bạn tốt của tôi. Tôi cũng giúp họ tìm hiểu và áp dụng các đạo luật cần thiết của quốc hội và tránh áp dụng những luật có nội dung mâu thuẫn nhau. D.C cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng tôi nghĩ là quận cũng đã phát triển và cải thiện được nhiều so với hồi tôi mới nhậm chức vào tám năm trước.

        Tôi cũng gửi thông điệp cuối cùng của mình tới Nhà Trắng với tiêu đề là: "Phần việc dang dở khi xây dựng nước Mỹ". Thông điệp đó được tôi viết dựa trên phần lớn bản báo cáo cuối cùng của ủy ban Sắc tộc bao gồm rất nhiều đề xuất thuộc nhiều lĩnh vực: thực hiện từng bước xa hơn nữa để xoá bỏ phân biệt chủng tộc trong giáo dục, y tế việc làm, và hệ thống hình luật; biện pháp đặc biệt giúp những người mẹ đơn thân thu nhập thấp đảm bảo nuôi dạy con tốt; đầu tư mới cho các cộng đồng người da đỏ; cải thiện chính sách nhập cư, ân xá cho tội phạm; cải cách luật bầu cử, và tiếp tục phát triển tổ chức AmeriCorps và Văn phòng Nhà Trắng xây dựng nước Mỹ thống nhất. Chúng tôi đã tiến những bước dài trong tám năm qua, nhưng nước Mỹ ngày càng đa dạng hơn, và vẫn còn nhiều việc phải làm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #585 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 06:55:47 pm »

        Vào ngày 17 tháng 1, tôi có bữa tiệc chia tay cuối cùng ở Phòng phía Đông. Tôi và Bruce Babbitt công bố thêm tám di tích quốc gia, hai trong số đó nằm trên con đường mà Lewis và Clark từng đi qua vào năm 1803 dưới sự hướng dẫn của người da đỏ Sacagawea và một nô lệ tên là York. Tính đến bây giờ thì chúng tôi đã duy trì, bảo vệ nhiều khu di tích của 48 bang, hơn bất cứ chính quyền nào tính từ sau thời Roosevelt.

        Sau buổi lễ công bố đó, tôi rời Nhà Trắng trong chuyến đi cuối cùng với tư cách tổng thống, trở về Little Rock để phát biểu trước quốc hội tiểu bang Arkansas. Một vài người bạn thân cũ của tôi vẫn còn làm trong hạ viện hoặc thượng viện tiểu bang, những người đã khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng cách ủng hộ tôi, còn một vài người khác thì khởi đầu bằng cách chống đối lại tôi. Hơn 20 người ở Arkansas từng phục vụ tôi ở Washington đã đến dự, trong đó có ba người bạn thời trung học của tôi hiện đang sống ở Washington và một vài người Arkansas đã làm việc với tư cách là người liên lạc của tôi với quốc hội tiểu bang khi tôi còn làm thống đốc. Chelsea cùng đi với tôi lần này, và chúng tôi đi ngang qua hai ngôi trường cũ của Chelsea trên đường từ sân bay về, và tôi nghĩ cô con gái của mình đã trưởng thành biết bao so với hồi tôi và Hillary tham dự các chương trình chuẩn bị cho con cái đi học tại trường Booker Art Magnet.

        Tôi cố gắng cảm ơn tất cả mọi người ở Arkansas đã giúp tôi có được ngày hôm nay, đầu tiên là hai người bạn không còn sống nữa: Thẩm phán Frank Holt và Thượng nghị sĩ Fulbright. Tôi thúc giục quốc hội tiểu bang tiếp tục khuyến khích chính quyền liên bang hỗ trợ bang về giáo dục, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất. Sau đó tôi nói với những người bạn cũ của tôi là tôi sẽ rời chức trong ba ngày tới mà thật cảm kích rằng "bằng cách nào đó, sự bí ẩn của nền Dân chủ vĩ đại này đã cho tôi cơ hội từ một cậu bé ở phố South Hervey, Hope, Arkansas tới Nhà Trắng... Có lẽ tôi là tổng thống duy nhất được bầu chọn nhờ những người bạn của tôi, nếu không có họ chắc chắn là tôi không thể thắng cử". Cuối cùng tôi chia tay bạn bè và trở về nhà để hoàn thành nốt công việc.

        Đêm hôm sau, sau một ngày làm nốt những công việc cuối cùng, tôi có một bài diễn văn chia tay ngắn gọn với dân chúng Mỹ từ Phòng Bầu dục. Sau khi cảm ơn người dân Mỹ đã cho tôi cơ hội để phục vụ đất nước - nhân dân, và ngắn gọn tổng kết những sự kiện trong thời gian qua, tôi đưa ra ba nhận xét cho tương lai: chúng ta cần tiếp tục đường lối cư xử có trách nhiệm về tài chính, sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình và tự do, chống lại khủng bố, tội phạm có tổ chức, buôn ma túy, sự lan tràn của vũ khí hủy diệt, môi trường suy thoái, bệnh tật, và đói nghèo trên thế giới, và cuối cùng là chúng ta vẫn phải tiếp tục "đan những cuộn chỉ nhiều màu thành một chiếc áo cộng đồng của một nước Mỹ thống nhất".

        Tôi chúc tân Tổng thống Bush và gia đình ông may mắn, và nói tôi sẽ "rời chức vụ tổng thống mà vẫn là một người lý tưởng hơn, tràn đầy hy vọng hơn ngày tôi nhậm chức, và tin tưởng hơn bao giờ hết rằng những ngày tốt đẹp nhất của nước Mỹ vẫn còn ở phía trước".

        Ngày 19, ngày cuối cùng tôi là tổng thống, tôi đưa ra tuyên bố về mìn sát thương, từ năm 1993 Mỹ đã phá hủy hơn 3,3 triệu quả mìn, chi hơn 500 triệu đôla để rà phá mìn ở 35 nước, và đã nỗ lực hết sức để tìm ra được vũ khí thay thế mìn mà cũng sẽ bảo vệ được cả binh sĩ Mỹ. Tôi đề nghị chính quyền mới tiếp tục chương trình rà
phá mìn trên thế giới thêm 10 năm nữa.   

        Khi tôi về nơi ở thì trời cũng đã khuya, và chúng tôi vẫn chưa thu xếp xong hành lý. Các hộp đựng đồ vẫn còn ngổn ngang, và tôi còn chưa biết sẽ gửi quần áo nào về đâu trong ba nơi New York, Washington hay Arkansas. Hillary và tôi cũng không muốn ngủ trong đêm nay chúng tôi chỉ muốn đi loanh quanh từ phòng này sang phòng khác. Cảm giác vinh dự khi được ở trong Nhà Trắng trong đêm cuối cùng này cũng giống như cảm giác của chúng tôi khi đến đây sau lễ nhậm chức. Dường như tôi vẫn không thể tin được nơi đây đã là nhà của chúng tôi trong tám năm qua và giờ đây thì việc này đã sắp chấm dứt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #586 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 07:00:08 pm »

        Tôi trở lại Phòng ngủ Lincoln, đọc bản viết tay bài phát biểu Gettysburg của Lincoln lần cuối và nhìn chằm chằm bản in hình ông đang kí Bản tuyên ngôn giải phóng ngay tại chỗ gần chỗ tôi đang đứng. Tiếp đó, tôi đi tới Phòng của Nữ hoàng và nhớ đến lần Winston Churchill phải ở đó ba tuần trong những ngày khó khăn của Thế chiến hai. Tôi ngồi ngay sau Bàn Hiệp ước trong văn phòng, rồi nhìn quanh những giá sách trống và những bức tường trơn, nghĩ đến tất cả các cuộc họp và điện thoại về Bắc Ireland, Trung Đông, Nga, Hàn Quốc, và những xung đột trong nước mà tôi từng gọi trong căn phòng này. Và căn phòng này cũng chính là nơi tôi đọc Kinh thánh, sách, thư từ và cầu nguyên để có sức mạnh và được che chở trong suốt năm 1998.

        Trước đó trong ngày, tôi đã ghi âm sẵn bài phát biểu cuối cùng qua radio dự kiến phát đi ngay trước khi tôi rời Nhà Trắng đến Lễ Nhậm chức của tân tổng thống. Trong bài phát biểu, tôi cám ơn tất cả nhân viên Nhà Trắng, nhân viên của khu sinh hoạt, Mật vụ, nội các và Al Gore vì tất cả những gì họ đã làm để giúp tôi hoàn thành sự nghiệp cống hiến, phục vụ đất nước. Và tôi giữ lời hứa là sẽ làm việc đến tận giờ cuối của ngày cuối cùng, giải ngân tiếp 100 triệu đôla để có thêm nhiều cảnh sát - những người đã giúp nước Mỹ có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trong một phần tư thế kỉ qua.

        Quá nửa đêm, tôi trở lại Phòng Bầu dục để dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc và trả lời vài lá thư. Khi ngồi một mình tại bàn, tôi nghĩ về tất cả những gì xảy ra trong tám năm qua, và nhận ra rằng mọi thứ đã trôi qua quá nhanh. Ngay sau đó, tôi sẽ chứng kiến lễ chuyển giao quyền lực và sẽ rời chức. Hillary, Chelsea và tôi sẽ đáp chiếc Air Force One trong chuyến bay cuối cùng với phi hành đoàn xuất sắc từng đưa chúng tôi đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới; với những nhân viên thân cận nhất của tôi, với nhóm Mật vụ bảo vệ mới của tôi, với một vài sĩ quan chuyên nghiệp như Glen Maes - một nhân viên phục vụ của hải quân chuyên nướng bánh sinh nhật cho tôi, và Glenn Powel - một sĩ quan không quân - người bảo vệ hành lý của tôi, và với một vài người thân cận "đã lôi tôi vào cuộc" như nhà Jordan, McAuliffe, McLarty, và Harry Thomason.

        Một số thành viên của giới truyền thông cũng có lịch phỏng vấn tôi trong chuyến đi cuối cùng này. Một trong số họ là Mark Knoller của đài CBS, người đã luôn theo tôi trong tám năm vừa qua và cũng đã thực hiện một trong nhiều cuộc phỏng vấn tôi trong những tuần vừa qua. Mark hỏi liệu tôi có sợ rằng "quãng đời đẹp nhất đã qua rồi không?". Tôi trả lời là tôi trân trọng và hạnh phúc với mỗi quãng đường đời của mình và ở mỗi quãng đời, tôi đều "thu nhận, hứng thú, và luôn tìm ra được những việc có ích để làm".

        Tôi trông đợi cuộc sống mới của mình, xây thư viện, làm các công việc phục vụ cộng đồng thông qua quỹ của tôi, ủng hộ Hillary, và có nhiều thời gian hơn để đọc sách, chơi golf, nghe nhạc và du lịch. Tôi biết cách tận hưởng cuộc sống và tôi tin rằng nếu tôi còn khỏe tôi sẽ còn làm nhiều việc hơn nữa. Nhưng Mark dường như đã chạm đúng vào tâm trạng của tôi, thực sự là tôi cảm thấy nhớ công việc cũ của mình, tôi thích làm tổng thống, kể cả trong những ngày nhiều thử thách và gian khó.

        Tôi lại nghĩ về lời nhắn mà tôi sẽ viết gửi cho Tổng thống Bush, đặt trong Phòng Bầu dục, cũng giống như Bush (cha) đã làm cho tôi tám năm về trước. Tôi cũng muốn được hòa nhã và khích lệ tinh thần như George Bush đã đối với tôi. Chẳng bao lâu nữa, chẳng phải ai khác mà lại chính là George W. Bush sẽ làm tổng thống, và tôi chúc tốt lành cho ông. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, tôi chú ý nhiều tới những gì Bush và Cheney tuyên bố. Tôi biết thế giới quan của họ khác tôi và sẽ muốn làm ngược lại khá nhiều trong số những gì tôi đã làm, mà đặc biệt là chính sách kinh tế và môi trường. Tôi nghĩ họ sẽ thông qua chính sách cắt giảm thuế và chẳng bao lâu chúng ta sẽ quay lại thời kỳ thâm hụt ngân sách những năm 1980. Bất chấp các lời lẽ khuyến khích giáo dục và chương trình AmeriCorps rồi ông cũng sẽ phải chịu áp lực mà cắt giảm chi tiêu quốc nội, giáo dục, chăm sóc trẻ em, chương trình học ngoại khóa, cảnh sát đường phố, nghiên cứu tiên phong, và môi trường. Nhưng tất nhiên tất cả những điều đó không còn phụ thuộc vào tôi nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #587 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 07:04:01 pm »

        Tôi nghĩ là những mối quan hệ đối tác quốc tế mà chúng tôi đã gây dựng trong tám năm qua sau Chiến tranh Lạnh sẽ phần nhiều bị hạn chế dưới thời Bush với kiểu chính trị đơn phương của đảng Cộng hòa - họ phản đối hiệp ước cấm thử vũ khí, hiệp ước về sự biến động của khí hậu, Hiệp ước ABM, và Tòa án Hình sự Quốc tế.

        Tôi đã quan sát những người thuộc phe Cộng hòa trong tám năm qua và tôi tưởng tượng rằng Tổng thống Bush sẽ bắt đầu nhiệm kì của mình mà phải bỏ đi chủ trương "chủ nghĩa bảo thủ đồng cảm" trước áp lực của phe cánh hữu và các nhóm lợi ích hiện đang nắm quyền kiểm soát đảng của ông ấy. Họ tin tưởng sâu sắc vào đường lối của họ cũng như tôi tin vào đường lối của tôi, nhưng tôi nghĩ bằng chứng và lịch sử lại đứng về phía đảng của chúng tôi.

        Tôi không thể kiểm soát chuyện gì sẽ xảy ra đối với chính sách và các chương trình hành động của mình, vì trong chính trị, rất ít thứ bất di bất dịch. Tôi cũng không thể tác động gì vào những đánh giá sớm về cái gọi là di sản tôi để lại. Lịch sử nước Mỹ trong giai đoạn từ cuối Chiến tranh Lạnh đến thiên niên kỷ mới sẽ được viết đi viết lại nhiều lần nữa. Điều quan trọng nhât với tôi về thời kỳ mình làm tổng thống là liệu tôi có phục vụ tốt cho nhân dân Mỹ hay không trong một kỷ nguyên mới rất khác biệt của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu.

        Liệu tôi đã góp phần để xây nên một "khối đoàn kết hoàn thiện" bằng cách mở rộng cơ hội, nhấn mạnh ý nghĩa của tự do, và tăng cường gắn kết cộng đồng hay chưa? Chỉ biết rằng chắc chắn tôi đã cố đưa nước Mỹ trở thành lực lượng đi đầu trong thế kỉ 21 đấu tranh vì hòa bình, thịnh vượng, tự do và an ninh. Tôi đã cố đem lại một khuôn mặt nhân tính hơn cho toàn cầu hóa bằng cách thúc giục các nước khác cùng tham gia với Mỹ xây dựng một thế giới hòa hợp hơn với trách nhiệm chung, lợi ích và giá trị chung; và tôi đã cố lãnh đạo nước Mỹ qua thời kỳ chuyển tiếp vào thời đại mới với niềm hy vọng và lạc quan về khả năng của chúng tôi, cũng như sự tỉnh táo về những gì mà các lực lượng hủy diệt có thể gây ra cho chúng tôi. Cuối cùng, tôi cũng đã xây dựng thể chế chính trị cấp tiến dựa trên sự kết hợp những ý tưởng mới và giá trị cũ, và cũng ủng hộ các xu hướng như vậy trên thế giới. Dù chính quyền mới và một quốc hội có đa số là đảng cầm quyền có dỡ bỏ bao nhiêu sáng kiến cụ thể của tôi đi nữa, tôi vẫn tin khi chúng tôi đi đúng hướng của lịch sử, thì con đường mà tôi đã đưa nước Mỹ vào thiên niên kỉ mới cuối cùng sẽ chiến thắng.

        Trong đêm cuối cùng của tôi tại Phòng Bầu dục, lúc ấy đã trống rỗng, tôi nhớ đến chiếc hộp bằng kính tôi đã cầm trên bàn café đặt giữa hai chiếc ghế sofa cách chỗ tôi ngồi vài mét. Chiếc hộp đó cất giữ hòn đá mà Neil Amstrong lấy về từ chuyến bay lên mặt trăng năm 1969. Tôi còn nhớ rõ: mỗi khi cuộc tranh luận trên Phòng Bầu dục quá căng thẳng, không thể giải quyết được, tôi đều cắt ngang và nói: "Các anh có nhìn thấy hòn đá này không? Nó đã 3,6 triệu năm tuổi. Chúng ta cũng chỉ là những người đi qua cuộc đời này thôi. Hãy bình tĩnh và trở lại thảo luận".

        Hòn đá mặt trăng đó đã cho tôi một cách nhìn khác trong lịch sử và tầm nhìn "dài hơi" nếu nói theo kiểu cách ngôn. Công việc của chúng tôi là phải sống thật tốt và thật lâu và để giúp mọi người cũng có cuộc sống như vậy. Những gì xảy ra sau đó thì ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Dòng thời gian rồi sẽ cuốn trôi tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ có được giây phút hiện tại. Liệu tôi có tận dụng hết mình giây phút ấy hay chưa là việc để người khác phán xét. Gần sáng, tôi trở về nơi ở để gói nốt đồ và có những phút giây riêng tư với Hillary và Chelsea.

        Buổi sáng hôm sau, tôi trở lại Phòng Bầu dục để viết lời nhắn của tôi cho Tổng thống Bush. Hillary cũng xuống cùng tôi. Chúng tôi liếc nhìn ra cửa sổ để ngắm thật lâu những bãi cỏ tuyệt đẹp, nơi chúng tôi cùng có những thời khắc đáng nhớ và là nơi tôi đã ném không biết bao nhiêu trái banh tennis để chú chó Buddy chạy đi nhặt. Sau đó, Hillary để tôi lại một mình viết thư. Đặt lá thư đó trên bàn xong, tôi gọi các nhân viên của mình lại để chia tay, chúng tôi đã ôm nhau, cười, rơi lệ và chụp chung vài tấm ảnh. Sau đó tôi rời khỏi Phòng Bầu dục lần cuối cùng.

        Khi tôi bước ra khỏi cửa với cánh tay dang rộng, tôi được chào đón bởi rất nhiều nhà báo đang ở đây để kịp ghi lại khoảnh khắc này. John Podesta cùng đi với tôi qua các dãy cây để xuống cùng đi với Hillary Chelsea, và nhà Al Gore ở sảnh - nơi chúng tôi sẽ chào đón những người kế vị. Toàn bộ nhân viên dinh thự đã tập trung lại để chào tạm biệt chúng tôi - đó là những nhân viên dọn nhà, nhà bếp, thợ trồng hoa, người làm vườn, người gác cổng, đội bảo vệ, nhân viên phục vụ. Rất nhiều trong số họ đã trở nên thân thiết như gia đình. Tôi nhìn những khuôn mặt đó và cố gắng khắc sâu vào trí nhớ, không biết khi nào tôi có thể gặp lại họ, và biết rằng có gặp lại thì mọi chuyện cũng sẽ khác đi. Họ sẽ sớm có một gia đình tổng thống mới, cũng cần họ như chúng tôi cần họ vậy.

        Trong sảnh chờ, một nhóm nhỏ của ban nhạc Thủy quân lục chiến đang chơi nhạc. Tôi ngồi xuống sau cây đàn piano cùng với Thượng sĩ Charlie Corrado - người từng chơi nhạc cho các đời tổng thống trong 40 năm qua. Charlie đã luôn ở đó phục vụ chúng tồi, và âm nhạc của anh ấy luôn làm bừng sáng nhiều ngày đen tối. Hillary và tôi nhảy với nhau lần cuối, và khoảng 10giờ30 thì gia đình Bush và gia đình Cheney tới. Chúng tôi uống cà phê và nói chuyên với nhau một lúc, sau đó tám người chúng tôi lên các xe limousine, tôi ngồi cùng xe với Tổng thống Bush, xuôi xuống đại lộ Pennsylvania để tới trụ sở quốc hội.

        Trong vòng một giờ đồng hồ, sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từng giữ cho đất nước chúng tôi tự do trong hơn 200 năm đã lại một lần nữa diễn ra. Gia đình tôi chào tạm biệt gia đình tổng thống mới và đi xe tới Căn cứ Không quân Andrews để bay chuyến bay cuối cùng trong chiếc máy bay tổng thống mà bây giờ đã không còn là chiếc Air Force One của tôi nữa. Sau tám năm làm tổng thống và hơn một nửa đời người tham gia chính trường, tôi lại trở về làm một thường dân, nhưng là một thường dân rất biết ơn, vẫn tiếp tục cống hiến cho đất nước, và vẫn nghĩ tới ngày mai.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tư, 2016, 08:04:51 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #588 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:11:54 pm »


        LỜI BẠT

        Tôi viết cuốn sách này để kể câu chuyên của tôi, và kể câu  chuyện lịch sử nước Mỹ trong nửa cuối thế kỷ hai mươi; để mô tả một cách công bằng nhất trong khả năng của tôi về các lực lượng đang tranh đấu vì trái tim và khối óc của đất nước; để giải thích những thách thức của thế giới mới mà chúng ta đang sống và cách mà theo tôi chính phủ của chúng ta và công dân của chúng ta phản ứng trước những thách thức đó; và để kể cho những người chưa từng nắm giữ chức vị công quyền biết xem nắm quyền có nghĩa là như thế nào, và đặc biệt làm Tổng thống thì sẽ ra sao.

        Khi viết, tôi thấy mình quay ngược về quá khứ, sống lại các sự kiện, cảm thấy y như lúc đó và viết đúng như tôi cảm nhận. Trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi, khi cuộc tranh giành đảng phái mà tôi cố găng tháo ngòi vẫn tiếp tục căng thẳng, tôi cũng cố hiểu thời gian tại nhiệm của tôi hòa vào dòng chảy của lịch sử Mỹ như thế nào.

        Lịch sử đó phần lớn là câu chuyện về các nỗ lực của chúng tôi nhăm vinh danh trách nhiệm mà những người sáng lập ra nước Mỹ đã trao, là tạo ra một "khối đoàn kết hoàn hảo hơn". Những khi bình lặng, hệ thống lưỡng đảng đã phục vụ tốt đất nước, với phe tiến bộ và phe bảo thủ tranh luận xem cần phải thay đổi những gì và cần phải giữ lại những gì. Nhưng khi các sự kiện buộc ta phải thay đổi, tất cả chung ta đều bị thử thách, và buộc phải quay về nhiệm vụ chính yếu, cơ bản nhất của chúng ta là mở rộng cơ hội, nhấn mạnh ý nghĩa của tự và củng cố sự gắn kết cộng đồng của chúng ta. Đối với tôi, như thế có nghĩa là tạo ra một khối đoàn kết hoàn hảo hơn.

        Vào mỗi thời điểm bước ngoặt, chúng ta đều đã chọn đoàn kết chứ không chia rẽ: thuở sơ khai của nước Mỹ, bằng cách xây dựng hệ thống kinh tế và pháp luật quốc gia; trong nội chiến, bằng cách duy trì liên bang và chấm dứt chế độ nô lệ; đầu thế kỷ hai mươi, khi chúng ta chuyển từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, bằng cách củng cố chính phủ để duy trì cạnh tranh, tăng cường bảo hiểm căn bản cho người lao động, chu cấp cho người nghèo, già cả và đau yếu, và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên; và trong thập niên 60 và 70, bằng cách thúc đẩy dân quyền và nữ quyền. Ở mỗi thời khắc như vậy, trong khi cố gắng để xác định, bảo vệ và mở rộng sự đoàn kết ấy, thì các lực lượng bảo thủ hùng mạnh kháng cự, và chừng nào kết quả còn chưa rõ ràng thì các cuộc xung đột chính trị và cá nhân còn căng thẳng.

        Năm 1993, khi tôi nhậm chức, liên bang chúng ta lại phải đối diện với thách thức lịch sử, khi chúng ta từ thời đại công nghiệp bước vào thời đại thông tin toàn cầu. Người Mỹ đối mặt với những thay đổi to lớn trong cách sống và làm việc, và một câu hỏi lớn cần được trả lời: chúng ta chọn tham gia nền kinh tế toàn cầu hay chủ nghĩa dân tộc? Chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh vô song về quân sự, chính trị và kinh tế để mở rộng lợi ích và chống lại những mối đe dọa đang đến của thế giới phụ thuộc lẫn nhau hay trở thành Pháo đài Mỹ? Chúng ta sẽ rời bỏ chính phủ thời kỳ công nghiệp, với những cam kết đem lại cơ hội công bằng và công lý cho xã hội của nó, hay cải cách để vừa giữ được những thành quả cũ, vừa đem đến cho người dân những công cụ để có thể thành công trong kỷ nguyên mới? Chúng ta sẽ làm tăng sự rạn nứt chủng tộc và tôn giáo hay củng cố thêm cộng đồng quốc gia của chúng ta?

        Là tổng thống, tôi cố gắng trả lời những câu hỏi này theo cách vẫn tiếp tục đưa chúng ta đến một liên bang hoàn hảo hơn, nâng cao hiểu biết của người dân, và thống nhất họ để cùng xây dựng một trung tâm mới đầy sức sống cho đời sống chính trị Mỹ trong thế kỷ 21. Hai phần ba công dân ủng hộ phương pháp chung của tôi, nhưng đối với các câu hỏi về văn hóa gây tranh cãi và giảm thuế lúc nào cũng mâu thuẫn, thì kết quả bỏ phiếu gần như chia rẽ. Và chừng nào mà kết quả vẫn còn chưa rõ ràng, các cuộc tấn công lưỡng đảng và cá nhân còn dữ dội, mang nhiều dấu ấn của thời sơ khai của nước Mỹ.

        Dù cho các phân tích về lịch sử của tôi đúng hay sai, tôi vẫn đánh giá nhiệm kỳ tổng thống của tôi chủ yếu dựa trên những tác động đến đời sống của người dân. Chính về mặt này tôi lại thành công: hàng triệu người có việc làm mới, nhà mới và học bổng đại học; trẻ em được bảo hiểm sức khỏe và học ngoại khóa; người dân từ bỏ sống dựa trợ cấp xã hội để kiếm việc làm; các gia đình được giúp bằng luật nghỉ phép cho gia đình; người dân sống trong khu vực an ninh hơn - tất cả những người này đều có câu chuyên riêng, và câu chuyện của họ đã tốt hơn rất nhiều. Cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều đối với người Mỹ vì không khí và nước sạch hơn và nhiều di sản thiên nhiên hơn của chúng ta được gìn giữ. Và chúng ta đem lại nhiều hy vọng hòa bình, tự do, an ninh, và thịnh vượng cho người dân trên toàn thế giới. Họ cũng có câu chuyện riêng của họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #589 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2016, 08:15:57 pm »

        Khi tôi trở thành tổng thống, nước Mỹ dò dẫm bước vào một tình cảnh chưa hề ai biết trước đây, vào một thế giới đầy những lực lượng tiêu cực và tích cực không liên hệ đến nhau. Vì tôi đã dành thời gian gần như cả đời cố gắng dung hòa hai cuộc sống song song của mình và được nuôi dạy rằng ai cũng đáng được trân trọng, và khi làm thống đốc, đã chứng kiến cả những mặt tối và sáng của toàn cầu hóa, nên tôi cảm thấy tôi hiểu đất nước tôi đang ở đâu và chúng ta cần đi vào thế kỷ mới như thế nào. Tôi biết cách tổ chức thực hiện, và hiểu việc này khó khăn đến mức nào.

        Ngày 11 tháng 9, mọi việc lại có vẻ như rối tung lên khi Al Qaeda lợi dụng các yếu tố phụ thuộc lẫn nhau - biên giới mở cửa, nhập cư và du lịch dễ dàng, tiếp cận dễ dàng đến công nghệ và thông tin - để giết hại gần 3.000 người, từ hơn 70 quốc gia, ở New York, Washington, D.C., và Pennsylvania. Thế giới đã tập trung lại hỗ trợ chúng ta trước những tổn thất, và ủng hộ quyết tâm của người dân Mỹ chống khủng bố. Trong những năm sau, trận chiến đã ngày càng ác liệt, dù vẫn còn những khác biệt chân thành và hoàn toàn có thể hiểu được ở cả trong lẫn ngoài nước xem cách nào là tốt nhất để theo đuổi cuộc chiến chông khủng bố.

        Thế giới phụ thuộc lẫn nhau mà chúng ta đang sống về bản chất là không ổn định, đầy những cơ hội cũng như các thế lực chống phá. Thế giới vẫn sẽ như thế nếu chúng ta không tìm ra đường đi từ phụ thuộc lẫn nhau thành một cộng đồng toàn cầu thống nhất hơn, cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, và các giá trị. Xây dựng một thế giới như vậy và đánh bại khủng bố không thể thực hiện nhanh chóng, mà sẽ là thách thức lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ 21. Tôi tin có năm việc nước Mỹ nên làm để đóng vai trò tiên phong: chống khủng bố và sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; cải thiện hệ thống phòng chống khủng bố; thêm bạn bớt thù bằng cách giúp 50% thế giới chưa được hưởng lợi ích từ toàn cầu hóa vượt qua đói nghèo, sự thờ ơ, bệnh tật và chính phủ kém hiệu quả; củng cố các định chế hợp tác toàn cầu và làm việc thông qua các thể chế đó tăng cường an ninh và thịnh vượng và chống lại các vấn nạn chung, từ khủng bố đến đại dịch AIDS đến sự nóng dần lên toàn cầu; tiếp tục biến nước Mỹ thành một hình mẫu tốt hơn nhằm cho thấy chúng ta muốn thế giới vận hành ra sao; cùng làm việc để chấm dứt cái niềm tin cố hữu rằng sự khác biệt giữa chúng ta lại quan trọng hơn nhân tính chung của chúng ta.

        Tôi tin thế giới sẽ vẫn tiếp tục tiến lên, thoát khỏi sự cô lập để tiến tới hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau, vì không còn lựa chọn nào khác. Chúng ta đã tiến được một quãng đường dài kể từ khi tổ tiên chúng ta biết đứng thẳng người dậy trên vùng đất châu Phi hơn 100.000 năm trước. Chỉ trong 15 năm từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, phương Tây đã hòa hợp phần lớn với cựu thù của họ là Nga và Trung Quốc; lần đầu tiên trong lịch sử, hơn nửa số dân trên thế giới sống dưới những chính phủ do họ lựa chọn; mức độ hợp tác toàn cầu hiện nay là chưa từng có trong chống khủng bố cũng như sự công nhận rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để đẩy lùi đói nghèo, bệnh tật và sự nóng lên toàn cầu và để cho tất cả trẻ em được đi học; và nước Mỹ và nhiều xã hội tự do khác đã cho thấy mọi người thuộc tất cả các chủng tộc và tôn giáo đều có thể cùng chung sống trong hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.

        Quốc gia chúng ta không bị khủng bố đánh bại. Chúng ta sẽ đánh bại chúng, nhưng chúng ta phải thận trọng khi làm việc này rằng chúng ta không thỏa hiệp bỏ đi tính cách của đất nước của chúng ta hay tương lai con cháu chúng ta. Sứ mệnh tạo ra khối đoàn kết hoàn hảo hơn của chúng ta giờ đã mang tính toàn cầu.

        Đối với bản thân, tôi vẫn làm việc để thực hiện những mục tiêu mà tôi đặt ra từ hồi còn trẻ. Trở thành người tốt là một nỗ lực cả đời đòi hỏi phải bỏ qua cơn giận dữ kẻ khác và có trách nhiệm với những sai lầm tôi đã mắc phải. Và cũng cần biết tha thứ. Trước tấm lòng vị tha của Hillary, Chelsea, bạn bè, và hàng triệu người dân Mỹ và trên thế giới dành cho tôi, tha thứ là việc tối thiểu tôi có thể làm được. Khi mới bước chân vào chính trị, lúc tôi bắt đầu đến các nhà thờ dành cho người da đen, lần đầu tiên tôi nghe người ta gọi đám tang là "trở về nhà". Tất cả chúng ta đều rồi sẽ về nhà, và tôi muốn mình phải sẵn sàng.

        Nhưng trước khi đó, tôi vui sướng chứng kiến cuộc sống mà Chelsea đang tạo lập, công việc phi thường của Hillary ở thượng viện, và nỗ lực của quỹ của tôi để đem cơ hội kinh tế, giáo dục và dịch vụ đến với các cộng đồng nghèo ở Mỹ và trên thế giới: chống đại dịch AIDS và đem thuốc chữa bệnh giá rẻ đến cho bệnh nhân; và tiếp tục cam kết trọn đời cho hòa giải sắc tộc và tôn giáo.

        Tôi có tiếc nuối gì không? Có, cả cuộc sống công khai lẫn riêng tư, như tôi đã trình bày trong cuốn sách này. Tôi xin để cho mọi người phán xét.

        Tôi chỉ cố gắng kể câu chuyện về niềm vui và nỗi buồn của tôi, về giấc mơ và nỗi sợ hãi, chiến thắng và thất bại. Và tôi đã cố gắng giải thích khác biệt giữa thế giới quan của tôi và thế giới quan của những người cực hữu mà tôi đã từng phải tranh đấu. về bản chất, họ thực sự tin rằng họ biết toàn bộ sự thật. Tôi lại nhìn mọi việc theo cách khác. Tôi nghĩ Thánh Paul đã nói rất đúng rằng trên đời này chúng ta "nhìn qua một tấm kính mờ" và "chỉ biết từng phần". Vì thế Ngài đề cao niềm tin, hy vọng và tình yêu".

        Tôi đã có một cuộc đời hiếm có, tuyệt vời, và đầy ắp niềm tin, hy vọng và tình yêu, cũng như quá nhiều ân sủng và may mắn. Một cuộc đời thật hiếm có như cuộc đời tôi có lẽ khó có thể có được ở nơi nào khác ngoài nước Mỹ. Không giống nhiều người, tôi có được may mắn là có thể dành từng ngày để làm những việc mà tôi đã tin tưởng từ khi còn là cậu nhóc chạy nhảy trong cửa hàng của ông tôi. Tôi lớn lên với bà mẹ tuyệt vời yêu thương tôi, được học với các ông thầy vĩ đại, có được cả một đạo quân những người bạn trung thành, và sống một cuộc sống đầy tình yêu với người phụ nữ tuyệt vời nhất tôi từng biết, và có một đứa con tiếp tục là ánh sáng của đời tôi.

        Như đã nói, tôi nghĩ câu chuyện của tôi là một câu chuyện hay, và tôi rất vui được kể lại.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM